Bài viết mới | Những bài học thuộc lòng by Trà Mi Today at 08:19
SƯ TOẠI KHANH (những bài giảng nên nghe) by mytutru Today at 00:47
Hơn 3.000 bài thơ tình Phạm Bá Chiểu by phambachieu Yesterday at 21:54
Tính cách của người Sài Gòn ngày xưa by Trà Mi Yesterday at 08:28
Vinh Danh Trong Toàn Cầu Thập Bát Danh Nhân by Trà Mi Yesterday at 07:21
Thơ Nguyên Hữu 2022 by Nguyên Hữu Sun 08 Sep 2024, 21:28
7 chữ by Tinh Hoa Sun 08 Sep 2024, 20:35
TRANG ALBUM GIA ĐÌNH KỶ NIỆM CHUYỆN ĐỜI by mytutru Sun 08 Sep 2024, 20:34
DỤNG PHÁP Ở ĐỜI by mytutru Thu 05 Sep 2024, 19:19
Tin Thời Sự Và Những Bình Luận “Trái Chiều” by chuoigia Wed 04 Sep 2024, 21:29
Bầu Cử Mỹ 2024 by chuoigia Tue 03 Sep 2024, 23:39
Lục bát by Tinh Hoa Sat 31 Aug 2024, 23:09
Xe gắn máy tại miền Nam Việt Nam trước 1975 by Trà Mi Thu 29 Aug 2024, 14:22
Lưu Kỷ Niệm TX Ngọc Điền by mytutru Wed 28 Aug 2024, 16:25
Trang viết cuối đời by buixuanphuong09 Tue 27 Aug 2024, 18:39
Cột đồng chưa xanh (2) by Ai Hoa Tue 27 Aug 2024, 14:36
Một thoáng mây bay 5 by Ai Hoa Tue 27 Aug 2024, 14:22
CHIA ĐAU CÙNG PHƯƠNG NGUYÊN by Ai Hoa Mon 26 Aug 2024, 15:19
CHƯA TU &TU RỒI by mytutru Thu 22 Aug 2024, 03:13
TRANG THƠ LƯU NIỆM PHƯƠNG, LÝ by buixuanphuong09 Wed 21 Aug 2024, 15:30
Trang thơ Tú_Yên (P2) by Tú_Yên tv Tue 20 Aug 2024, 14:35
Chùm thơ "Có lẽ..." by Tú_Yên tv Tue 20 Aug 2024, 14:26
Thơ Tú_Yên phổ nhạc by Tú_Yên tv Tue 20 Aug 2024, 14:23
THÀNH KÍNH PHÂN ƯU by Phương Nguyên Tue 20 Aug 2024, 08:58
Những Bài Giảng Hay Thầy Thích Pháp Hoà by mytutru Tue 20 Aug 2024, 05:55
Quán Tạp Kỹ - Đồng Bằng Nam Bộ by Thiên Hùng Mon 19 Aug 2024, 01:44
Chia buồn by Phương Nguyên Fri 16 Aug 2024, 08:13
Phật Tại Tâm = Cánh Cửa Mở Vào Cửa Phật & Bốn Quả Thánh by mytutru Fri 16 Aug 2024, 02:14
Một thoáng mây bay 13 by Ai Hoa Thu 15 Aug 2024, 07:39
Chút tâm tư by tâm an Wed 14 Aug 2024, 07:12
|
Âm Dương Lịch |
Ho Ngoc Duc's Lunar Calendar
|
| | |
Tác giả | Thông điệp |
---|
Ai Hoa
Tổng số bài gửi : 10590 Registration date : 23/11/2007
| Tiêu đề: Re: Giai Thoại Chữ Nghĩa Wed 20 Jan 2010, 16:54 | |
| Câu thơ bỏ lửng (tt)
Vào gần cuối đời, ở cái tuổi xế chiều, Nguyễn Du vẫn hồi ức, nhấm nháp những cay đắng ngọt bùi của quá khứ. Ông nhớ lại cái thuở dưới 20 tuổi ở quê nội Nghi Xuân. Đất này từng là chốn âm vang các điệu dân ca như hát dặm vè, hò đối đáp trên sông nước. Làng Cổ Đạm cách Tiên Điền khoảng nửa ngày đường là vùng ca công, tưng bừng không kém gì Thăng Long. Nguyễn Du từng đến đây kết thân với một vai đào nương nổi tiếng, trong đó có nàng Nguyệt, danh ca tài sắc lẫy lừng nhất, mà sau này ông thật sự rung động ngợi ca:
"Non Bồng sa xuống một cành xinh Sắc đẹp màu xuân nức sáu thành" Đáng tiếc thay, thi nhân chưa ngỏ lời thì nàng "nửa chừng xuân thoắt gẫy cành thiên hương". "Cành xinh" diễm lệ ấy lìa trần trong cảnh ốm đau nghèo khốn, không ai chăm sóc. Nguyễn Du được tin tìm sang thôn Triều Khẩu thắp hương và đọc vần thơ đẫm lệ "Điếu La Thành ca giả" trên mộ nàng.
Làng Trường Lưu, quê ngoại Nguyễn Du cách quê gốc Tiên Điền một con sông (chuyện đò ngang ở bến Cài), nơi có một cái chuông nổi tiếng (chuông Hồng trong núi Hồng Lĩnh), là vùng quê những đêm hát phường vải, những câu ví giao duyên từng làm xao xuyến lòng người nên Nguyễn Du thường hay qua lại. Dân gian truyền rằng một buổi chiều Nguyễn Du đến bến đò Cài thì gặp mưa gió, không nơi trú ẩn. Một cô lái đò không quản gian nan, một mình lái đò sang đón, xông pha trong giông bão, vẫn giữ vững tay chèo với lời hát còn vang vọng mãi trong lòng thi nhân:
"Sóng to thuyền bé khó sang Em nguyện thiên địa giúp chàng một phen"
Có một cô gái Trường Lưu từng say đắm Nguyễn Du lâu ngày không gặp lại, đã bỏ cả nghề kéo sợi, vò võ tương tư rồi chiều chiều ra bến đò Cài đăm đăm trông ngóng. Ông nghè Nguyễn Huy Quýnh, họ ngoại Nguyễn Du, theo yêu cầu của cô gái đã làm bài thơ gửi Nguyễn Du. Đọc những vần thơ:
"Trời làm chi cực bấy trời Cơi trầu này để còn mời mọc ai? Tim gan để hắt ra ngoài Trông theo truông Hống đò Cài biết đâu ..."
Nguyễn Du càng thấy dạt dào xúc động. Ông mượn lời người phường nón làng Tiên Điền để đáp lại bài thơ "Phường vải" để vừa an ủi người, vừa giãi bày lòng mình:
"Hồng Sơn cao ngất mấy trùng Đò Cài mấy trượng thì lòng bấy nhiêu ..."
Mang bài thơ "Mượn lời người phường nón" sang đấy trả lời, Nguyễn Du mới thấy điệu hát phường vải nơi này bớt hẳn đi những điệu ví von làm rung động lòng người ngày trước. Ông hỏi lý do thì được biết, hai nhân tài kiệt xuất của làng là cô Sa, cô Uy, những người thuở xưa từng cùng mình tình tự đã đi lấy chồng nơi xa, trai Trường Lưu không đủ tài giữ lại. Thể theo yêu cầu của người làng, Nguyễn Du đã làm bài "Văn tế sống" hai cô giọng văn có vẻ đùa cợt nhưng vẫn không giấu tình cảm của ông đối với hai cô.
Càng thấm thía với các mối tình của mình, Nguyễn Du càng thông cảm với các mối tình của người: những nàng Cầm (trong "Long thành Cầm giả ca"), nàng Tiểu Thanh (trong "Độc tiểu thanh ký"), nàng Kiều (trong "Đoạn trường tân thanh")... Niềm thông cảm mênh mông, sự xót xa vô hạn của ông, tình yêu của ông đã tập trung nhiều hơn vào một kiếp người để thét lên vang vọng muôn đời: "Đớn đau thay, phận đàn bà". Ôi, những số phận tài tình, những kiếp đời bạc mệnh đều bao chứa tất cả trong thơ ca ông!
Không cần Nguyễn Du phải than thở:
"Bất tri tam bách dư niên hậu Thiên hạ hà nhân khóc Tố Như"
(Ba trăm năm ấy mơ màng Biết ai thiên hạ khóc chàng Tố Như) Ngay ở thời nay, chưa đầy hai trăm năm hậu thế đã thông cảm với Nguyễn Du, với tình yêu của nhà thơ thiên tài.
Ái Hoa (sưu tầm tổng hợp) _________________________ Sông rồi cạn, núi rồi mòn Thân về cát bụi, tình còn hư không |
| | | Ai Hoa
Tổng số bài gửi : 10590 Registration date : 23/11/2007
| Tiêu đề: Re: Giai Thoại Chữ Nghĩa Wed 20 Jan 2010, 16:58 | |
| Cá đớp cá, người trói người
Cao Bá Quát tự là Mẫn Hiên, hiệu là Chu Thần, người làng Phú Thị, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh. Ông là con ông đồ Cao Hữu Chiếu, em song sinh của Cao Bá Đạt. Họ Cao là một cự tộc làng Phú Thị, nối đời khoa hoạn. Lên 5 tuổi hai anh em được cha cho học chữ, nhờ tư chất thông minh đĩnh ngộ học đâu nhớ đó, nổi tiếng khắp vùng. Bá Đạt đã giỏi mà Bá Quát còn lỗi lạc hơn. Ngay từ ấu thơ Cao Bá Quát đã có giọng văn hùng hồn, ý tứ mạnh mẽ lồng chí hướng ngang tàng của bậc tài hoa không chịu ép mình trong khuôn phép. Tuy nhiên, càng tài giỏi bao nhiêu Bá Quát càng ngông ngạo bấy nhiêu. Ông thường nói rằng: _ Thiên hạ có ba bồ chữ, mình tôi chiếm hết hai bồ. Anh tôi là Cao Bá Đạt và bạn tôi là Nguyễn Siêu giữ được nửa bồ, còn lại nửa bồ đem chia hết các anh tài trong thiên hạ.
Ngay cả đối với người anh song sinh ông cũng chẳng chịu nhường là lớn. Cao Bá Quát nói rằng sở dĩ ông sinh ra sau là vì ở trong bụng mẹ Cao Bá Đạt kính ông lớn hơn nên nhường cho ông ngồi trên (!?)
Lúc còn nhỏ có lần vua Minh Mạng tuần du Bắc Thành, xa giá tới đâu tàn lọng rợp trời quân sĩ reo hò dậy đất, dáo gươm sáng quắc dẹp đường, nhà nhà cửa đóng then cài, người người lẩn trốn, chỉ riêng Cao Bá Quát nhảy xuống hồ bơi lội nhởn nhơ. Vua truyền quân sĩ bắt dẫn tới trước mặt hỏi. Thấy Bá Quát xưng là học trò, Minh Mạng phán: _ Nếu là học trò thì trẫm ra câu đối, mi không đối được sẽ trị tội khi quân.
Nhìn xuống hồ thấy một con cá lớn đang đuổi theo bắt con cá bé, vua liền đọc: _ Nước trong leo lẻo cá đớp cá!
Không cần suy nghĩ, Cao Bá Quát ứng khẩu đối ngay: _ Trời nắng chang chang người trói người!
Vua thấy vế đối rất chỉnh cũng thầm khen đứa trẻ có tài ứng đáp nên truyền tha cho. Qua câu đối này người ta thấy ngay trong tư tưởng của Cao Bá Quát từ bé đã có mầm mống phản loạn, chống lại áp bức bất công.
Ở làng Cao Bá Quát có viên lý trưởng có tiếng là hay nhũng lạm. Dân làng không ai dám chỉ trích công khai. Nhân dịp làng cho đắp đôi voi thờ dựng trước cửa đình, khi cùng chúng bạn ra chơi, Quát lấy bút viết luôn vào lưng voi bài thơ:
Khen ai rõ khéo đắp đôi voi Đủ cả đầu đuôi, đủ cả vòi Còn cái kia đâu sao chẳng đắp Hay là thầy Lý bớt đi rồi?
Lần khác Cao Bá Quát đến nghe bình văn ở một trường nọ. Nghe đọc những câu văn tầm thường, ông cứ lắc đầu và còn bịt mũi tỏ ra khó chịu. Lính bắt vào nộp quan đốc học. Quát xưng là học trò, quan Đốc hỏi học với ai, ông trả lời:
- Tôi học với ông Trình ông Chu.
Trình, Chu là hai vị học giả vào hàng tôn sư trong đạo Nho. Cao Bá Quát trả lời như vậy là tỏ ra mình học với các bậc thánh hiền, học từ gốc chứ không thèm học từ ngọn (tức là quan Đốc, người bây giờ)! Quan đốc thấy ngạo mạn bèn ra câu đối bắt đối ngay: - Nhĩ tiểu sinh hà xứ đắc lai, cảm thuyết Trình Chu sự nghiệp?
(Mày là đứa học trò nhỏ ở đâu đến đây mà dám nói đến sự nghiệp ông Trình, ông Chu to lớn?)
Cao Bá Quát đối lại: - Ngã quân tử kiến cơ nhi tác, dục vi Nghiêu Thuấn quân dân.
(Ta là bậc quân tử gặp thời cơ mà hành động muốn làm cho quân dân đời Nghiêu đời Thuấn an vui).
Quan đốc phục tài, nhất là cảm thấy chí hướng lớn lao của người trẻ tuổi. Ông đã không giận mà còn thưởng cho Cao Bá Quát.
Ái Hoa (còn tiếp) _________________________ Sông rồi cạn, núi rồi mòn Thân về cát bụi, tình còn hư không |
| | | Ai Hoa
Tổng số bài gửi : 10590 Registration date : 23/11/2007
| Tiêu đề: Re: Giai Thoại Chữ Nghĩa Wed 20 Jan 2010, 17:02 | |
| Cá đớp cá, người trói người (tt)
Có lần cả mấy thầy nho đi gặp một đám tang, chủ nhà mời dừng chân để xin câu đối viếng. Không hề quen biết, cũng chưa rõ tình hình cụ thể thế nào, không ai nghĩ ra viết câu đối sao cho hợp. Một nho sĩ cùng đi trong đám ấy, xin giấy bút viết ngay: - Thấy xe thiện cổ xịch đưa ra, không thân thích lẽ đâu khóc mướn. Tưởng sự bách niên dừng nghĩ lại, động can tràng nên phải thương caỵ
Các nhà khoa bảng ở đám tang hết sức phục đôi câu đối tài tình. Có người đoán ra ngay: - Cứ giọng văn lưu loát và tình cảm phóng khoáng này thì tác giả chắc hẳn là Cao Chu Thần.
Họ chèo kéo đám nho sĩ để hỏi han, thì quả nhiên đúng như vậy.
Tài làm câu đối của Cao Bá Quát nức tiếng khắp làng. Hồi đó ông đang nghỉ ở nhà, dân quanh vùng thường rủ nhau đến xin câu đối về dán trong nhà, nhất là các dịp mừng lễ, đón Tết.
Một hôm có một anh chủ tiệm hòm đến nhà xin câu đối Tết. Cao Bá Quát không phải nghĩ ngợi lâu, cầm bút viết vào rẻo giấy cho anh ta:
Thiên thiêm tuế nguyệt, nhân thiêm THỌ Xuân mãn càn khôn, phúc mãn ĐƯỜNG Nghĩa là:
Trời thêm năm tháng, người thêm thọ Xuân khắp non sông, phúc chật nhà Ông khéo dùng hai chữ Thọ và Đường để nói đến cái quan tài vì ngày xưa người ta quen gọi quan tài là cỗ Thọ Đường.
Anh ta vui mừng vái chào đi ra. Được một lát lại có người đến là một chị bụng chửa gần ngày sinh. Cao Bá Quát hóm hỉnh cười, rồi lấy mảnh giấy khác, viết ngay:
Thiên thiêm tuế nguyệt, nhân thiêm Xuân mãn càn khôn, phúc mãn Nghĩa là:
Trời thêm năm tháng, người thêm Xuân đầy vũ trụ, phúc đầy
Như vậy là Cao Bá Quát đã dùng lại câu đối làm cho anh tiệm hòm hồi nảy, chỉ bớt một chữ cuối ở mỗi vế mà vẫn nói lên được rất rõ việc chị phụ nữ sắp đẻ (người thêm) và việc hiện tại trước mắt là chị đang có mang. Vì chữ phúc là hạnh phúc cũng trùng âm với chữ phúc là "bụng" (phúc mãn có nghĩa là bụng đầy, bụng to, tức là bụng có chửa). Thật là tài tình!
Tương truyền khi chưa quen nhau, ông Quát nghe tiếng ông Nguyễn Văn Siêu dạy học, tìm đến thăm dò. Ông Siêu khi đó còn nghèo lắm, chỉ ngồi trên ghế chõng tre cũ kỹ, học trò trải chiếu ngồi quanh nền nhà. Cao Bá Quát xin vào học. Ông Siêu ra câu đối, bảo có đối được mới nhận. - Tiên sinh tọa tịch thượng, cót chi két, két chi cót, cót cót két két.
Ông Quát đối ngay: - Tiểu tử nhập đình trung, thẩn chi thơ, thơ chi thẩn, thẩn thẩn thơ thơ
Nguyễn Văn Siêu khen giỏi, dắt tay mời vào. Từ đó hai người kết bạn vong niên.
Ái Hoa (còn tiếp) _________________________ Sông rồi cạn, núi rồi mòn Thân về cát bụi, tình còn hư không |
| | | Ai Hoa
Tổng số bài gửi : 10590 Registration date : 23/11/2007
| Tiêu đề: Re: Giai Thoại Chữ Nghĩa Thu 28 Jan 2010, 20:02 | |
| Cá đớp cá, người trói người (tt)
Nhân dịp vào Quảng Nam đến thăm nhà một cụ đồ (sau này là thân sinh ông Nguyễn Hiển Dĩnh), nhiều người nghe tiếng ông giỏi thơ văn đã đến xin chữ. Một người làm đôi đèn lồng để thờ mẹ, xin ông cho một đôi câu đối Nôm. Ông Quát viết luôn vào đôi đèn lồng hai câu:
Trước mẹ dạy con, gió chiều nào che chiều ấy, con dạ. Giờ con thờ mẹ, đèn nhà ai rạng nhà nấy, mẹ ơi!
Được truyền tụng là câu đối rất hay, dùng toàn tục ngữ mà sát nghĩa với việc tả đôi đèn.
Tuy vậy ông không được may mắn trong việc thi cử. Năm Minh Mệnh thứ 12 (1831) ông thi Hương trường Hà Nội, đậu á nguyên cử nhân, tức là đỗ thứ nhì trong kỳ thi đó. Nhưng khi bài thi bị duyệt lại, quan trường cảm thấy lời văn có vẻ ngông nghênh nên cố tình tìm một lỗi nhỏ đánh tụt hạng ông xuống cuối bảng. Vào trong Kinh để thi Hội nhiều lần, ông đều bị đánh trượt. Mặc dù ông có tài nhưng đám quan trường truyền nhau rằng ông hay kiêu ngạo nên quyết tâm đánh rớt. Càng không đậu, Cao Bá Quát càng trở nên ngông ngạo hơn. Ông thường dùng văn thơ để châm biếm xỏ xiên người khác. Có lần ông đi ngang huyện nọ không may cạn túi, sực nhớ quan huyện vốn là bạn học cũ, ông ghé vào toan nhờ vả. Quan sai lính hầu ra bảo quan còn ngơi, xin hãy đợi khi khác. Ông làm ngay bài thơ đưa cho anh lính trình quan huyện:
Một buổi hầu rồi một buổi ngơi Đâu còn nhớ chữ viễn phương lai Mới sang chừng ấy ngơi chừng ấy Sang nữa thì ngơi biết mấy đời
Năm Thiệu Trị thứ 1 (1841) nhờ sự tiến cử của quan tỉnh Bắc Ninh, Cao Bá Quát lai Kinh lãnh chức Hành Tẩu bộ Lễ là một chức quan nhỏ, lúc ấy ông đã ngoài 40 tuổi. Sau đó được cử làm sơ khảo trường thi Thừa Thiên, ông dùng muội đèn sửa 24 quyển văn bài hay mà lỡ phạm huý vì thương tiếc tài của thi sinh. Việc bại lộ vì đồng sự tố giác, ông bị phát phối đày đi Đà Nẳng. Ba năm sau (1844) có phái đoàn Đào Tri Phú đi sứ Hạ Châu (Tân Gia Ba), ông được tha và tháp tùng theo phụ tá phái đoàn.
Trong cuộc hành trình kéo dài bảy tháng lênh đênh trên biển, ấn tượng của nền văn minh Tây phương ghi đậm trong đầu Cao Bá Quát qua các bài thơ ông sáng tác trong thời kỳ này. Ông miêu tả chi tiết con tàu chạy hơi nước của người Anh qua bài Hồng Mao hoả thuyền ca:
Hồng mao hỏa thuyền ca
Cao yên quán thanh không Tả tác bách xích đôi Yêu kiều thùy thiên long Cương phong xuy bất khai Đã sư kinh khởi thủy thủ lập Tứ biên tiếu ngữ phân huyên hôi Ngã diệc lãm y hướng đông vọng Đạo thị dương phiên hỏa thuyền lý dĩ lai Nguy tường ngật lập ngũ tạng tĩnh Tu đồng trung trĩ, phún tắc yên tối ngôi Hạ hữu song luân triển chuyển đạp cấp lãng Luân phiên lãng phá, ẩn kỳ sinh nộ lôi Hữu thời hoanh hành, đảo tẩu tật bôn mã Vô phàm, vô lỗ, vô nhân thôi Long nha, Xích khảm bách lý ngoại Đàn chỉ tảo khước kinh lan hồi Lặc tử châu đầu hắc vân hợp Bạch thạch than tiền mộ trào cấp Hoán nhi ủng tỵ đàm tiếu lai Tuyết khóa nga cân nhiễu tường lập Quân bất kiến : Vỹ Lư chi thuỷ hối Ốc Tiêu Kiếp hoả trực thượng thanh vân tiêu Khai châm Đông khứ thận tự giới Bất tỷ Tây minh triêu mộ trào.
Dịch là:
Tàu hơi nước Hồng Mao
Khói ùn ùn tuôn lên trời xanh, Tỏa ra thành một đống cao hang trăm thước. Ngoằn ngoèo như con rồng trên trời sa xuống, Gió mạnh thổi cũng không tan. Người lái thuyền sửng sốt đứng dậy, các thủy thủ đều đứng. Bốn bên cười nói ồn ào, Ta cũng xóc áo đứng nhìn đứng nhìn về phía đông, Và nói “Đó là thuyền Tây dương đang tiến dần đến đấy”. Cột buồm cao ngất, con quay gió đứng im, Ở giữa có ống khói dài phun khói ra ngùn ngụt. Dưới có hai chiếc guồng xoay chuyển đập vài những ngọn sóng dồn, Guồng quay, sóng tung tóe ầm ầm như sấm ran. Có lúc đi ngang, chạy ngược, nhanh như ngựa phi, Không buồm, không chèo cũng không người đẩy. Từ những đảo Nanh-Rồng, hang Đá-Đỏ, xa ngoài trăm dặm, Chỉ búng ngón tay đã vượt qua những đợt sóng kinh người. Đầu bãi Lặc-Tử mây đen phủ kín, Trước ghềnh Bạch-Thạch nước triều buổi tối lên nhanh. Họ gọi trẻ đến, vểnh mũi cười nói, Quần trắng mũ cao, đứng vây quanh cột buồm. Các ngươi không thấy: khi nước ở vũng Vỹ-Lư rót vào tảng đá Ôc Tiêu, Thì ngọn lửa dữ dội bốc lên thẳng tới mây xanh. Mở kim nam châm đi sang phía đông phải cẩn thận dè chừng ! Không thể coi như bể Tây, sớm hôm có nước triều đều đặn !
(Thơ chữ Hán Cao Bá Quát, NXB Văn Học) Ông cũng cảm thán trước thực trạng khác biệt giai cấp giữa những người da trắng và da đen:
Hạ Châu Tạp Thi
Lâu các trùng trùng giáp thủy tân Tùng âm lương xứ dị hoa xuân Thiết ly vô tỏa quy xa nhập Cá cá ô nhân ngự bạch nhân
Dịch Thơ:
Thơ Vặt Làm Khi Ở Hạ Châu
Bên sông lầu gác trập trùng Hoa chi dưới bóng cây tùng tốt tươi Xe về cổng sắt mở rồi Hầu xe da trắng, rặt người da đen
(Bản dịch của Vị Chử và Hóa Dân) Với cặp mắt tinh tế, không thiên kiến, và với ngòi bút điêu luyện, Cao Bá Quát đã phác hoạ bằng những nét chấm phá cá tính năng động của một người phụ nữ phương Tây trong quan hệ nam nữ :
Dương Phụ Hành
Tây dương thiếu phụ y như tuyết Độc bạn lang kiên tọa thanh nguyệt Khước vọng Nam thuyền đăng hỏa minh Bả duệ nam nam hướng lang thuyết
Nhất uyển đề hồ thư lãn trì Dạ hàn vô ná hải phong xuy Phiên thân cánh thiến lang phù khởi Khởi thức Nam nhân hữu biệt ly
Dịch Thơ:
Bài Hành Người Đàn Bà Phương Tây
Thiếu phụ Tây dương áo trắng phau Tựa vai chồng dưới bóng trăng thâu Ngó thuyền Nam, thấy đèn le lói Kéo áo, rì rầm nói với nhau
Hững hờ cốc sữa biếng cầm tay Gió thổi, đêm sương thổi lạnh thay Uốn éo đòi chồng nâng đỡ dậy Biết đâu nỗi khách biệt ly này?
(Bản dịch của Lê Tư Thục) Ái Hoa (còn tiếp) _________________________ Sông rồi cạn, núi rồi mòn Thân về cát bụi, tình còn hư không |
| | | Ai Hoa
Tổng số bài gửi : 10590 Registration date : 23/11/2007
| Tiêu đề: Re: Giai Thoại Chữ Nghĩa Fri 29 Jan 2010, 16:49 | |
| Cá đớp cá, người trói người (tt)
Khi trở về nước ông được phục chức, rồi sau thăng lên chức chủ sự. Ông ngậm ngùi than:
Nỗi mình tưởng đến mà đau Chút danh theo đuổi mái đầu hoa râm Được đi ra ngoài thế giới, tầm mắt mở rộng, Cao Bá Quát không thể dâng biểu điều trần như trọng thần Phan Thanh Giản, hay nhà cải cách Nguyễn Trường Tộ... Vua và đình thần sẽ không tin những điều ông mắt thấy tai nghe. Họ có thể khép ông vào tội “yêu ngôn yêu thư, mê hoặc lòng người”... Nhưng không nói không được, Cao Bá Quát ký thác tâm sự vào một bài thơ có cái tên dài là : “Đề Sau Khúc Yên Đài Anh Ngữ của Quan Đô - Sát Bùi Công”, tạm trích:
Nhai văn nhá chữ buồn ta, Con giun nào biết đâu là cao sâu Tân - gia vừa vượt con tầu Mới hay vũ trụ một bầu bao la Giật mình khi ở xó nhà Văn chương chữ nghĩa chỉ là trò chơi Không đi khắp bốn phương trời Vùi đầu án sách uổng đời làm trai (Trúc Khê dịch)
Tuy chỉ giữ chức quan nhỏ nhưng với tài văn chương Cao Bá Quát được các vị công khanh trong triều mến phục, dù đôi khi họ cũng khó chịu vì tính ngông cuồng khinh người của ông. Lúc ấy Tùng Thiện Công (sau được phong Tùng Thiện Vương) lập ra Mặc Vân thi xã quy tụ các quan chức trong triều giỏi văn thơ như Tuy Lý Công (sau là Tuy Lý Vương), Tương An Công, Phan Thanh Giản, Trương Đăng Quế, Nguyễn Văn Siêu, Nguyễn Đăng Giai, Hà Tôn Quyền. Nhân xem các bài xướng hoạ của Mặc Vân thi xã, ông lắc đầu bịt mũi ngâm lên:
Ngán thay cái mũi vô duyên Câu thơ thi xã con thuyền Nghệ An
ngụ ý ví thơ của nhóm thi xã như mùi nước mắm Nghệ An. Hai vị Tùng Thiện Công và Tuy Lý Công không chấp nhất thái độ ngạo mạn của ông mà còn nhún nhường tới kết giao. Thấy nhà ông nghèo, họ châu cấp tiền bạc cho. Do cảm kích thái độ quân tử này, Cao Bá Quát bèn gia nhập vào Mặc Vân thi xã cùng xướng hoạ với nhau nổi tiếng một thời.
Năm 1847, vua Thiệu Trị băng hà, Tự Đức lên nối ngôi. Vì Tự Đức là người sính văn thơ nên nghe tiếng hai anh em ông Quát, Đạt là anh em sinh đôi cùng học giỏi, hiện làm việc ở bộ Lễ, vua vời Cao Bá Quát vào trong cung ra một câu đối để thử tài: - Nhất bào song sinh, nan vi huynh, nan vi đệ? (một bọc sinh đôi, khó biết ai là anh, khó biết ai là em.)
Cao Bá Quát đối lại: - Thiên tải nhất ngộ, hữu thị quân, hữu thị thần. (nghìn năm gặp một lần, có vua ấy, có tôi ấy.)
Ta cũng có thể hiểu rằng Cao Bá Quát có ý nói "có ông vua tài giỏi (như Tự Đức) thì cũng có bề tôi tài giỏi (như tôi đây!)"
Vua Tự Đức rất hài lòng về vế đối này.
Ái Hoa (còn tiếp) _________________________ Sông rồi cạn, núi rồi mòn Thân về cát bụi, tình còn hư không |
| | | Ai Hoa
Tổng số bài gửi : 10590 Registration date : 23/11/2007
| Tiêu đề: Re: Giai Thoại Chữ Nghĩa Thu 04 Feb 2010, 18:50 | |
| Cá đớp cá, người trói người (tt)
Một lần khác vua Tự Đức làm một đôi câu đối:
Tử năng thừa phụ nghiệp Thần khả báo quân ân (con phải nối nghiệp cha, tôi phải đền ơn vua).
Tự Đức đọc cho các quan nghe. Các quan đều tấm tắc khen hay, vội lấy giấy bút chép mang về nhà treo như một bảo vật! Thực ra thì hai câu đó rất tầm thường, nói đến tam cương ngũ thường trong đạo Nho, nghĩa vua tôi, đạo cha con, chứ chẳng có gì là hay ghê gớm, nhưng các quan trong triều thấy vua khoe một đôi câu đối (hay khoe một bài thơ), thì dù hay dù dở cũng phải đồng thanh tán duơng khen ngợi để ... “lấy điểm”.
Nơi làm việc của Cao bá Quát tại công sảnh bộ Lễ, cũng có treo đôi câu đối đó, lẽ tất nhiên chỗ đề tên tác giả thì phải đề "nguyên Hoàng Đế bút, ngày tháng năm: Tự Đức ...niên...nguyệt...nhật”. Cao bá Quát đọc hai câu đó, mặc dù biết là của nhà Vua, nhưng không dằn được tính ngông của mình, cầm bút viết lên trên đó: - Hảo hề! hảo hề! phụ tử quân thần điên đảo! (Có nghĩa là: Hay thiệt! hay thiệt! cha con vua tôi đảo ngược!)
Lễ bộ sợ hãi, tâu trình. Vua cho đòi Cao Bá Quát tới. Trước mặt vua, ông bình tĩnh nói: - Tâu Bệ Hạ! từ nhỏ đến lớn thần đọc sách Thánh Hiền đều nói đến đạo quân thần ở trên đạo cha con, vua ở trước tôi, cha ở trước con chứ chưa bao giờ nghe thấy nói ngược lại, nay xem đôi câu đối, thần không thể ngăn được lòng bất mãn.
Vua Tự Đức nghe nói có lý và đã biết tiếng Quát là tay văn học giỏi, liền phán rằng: - Nếu vậy phải sửa sao cho đúng phép?
Ông thưa: - Tâu Bệ Hạ, thần xin sửa như sau:
Quân ân, thần khả báo Phụ nghiệp, tử năng thừa (Ơn vua, tôi phải trả. Nghiệp cha, con phải theo) Vua chịu là hay, nhưng lòng tự ái của vua bị bề tôi vô lễ và lòng tự ái của một nhà thơ bị sửa văn, làm vua Tự Đức căm giận và ghét thầm. Tuy nhiên Vua không trừng phạt mà lại tha cho Quát.
Một hôm tại nơi Cao Bá Quát làm việc ở bộ Lễ, ông chứng kiến một vụ cãi cọ giữa hai vị quan đồng sự, mới đầu hai người đấu khẩu nhau về một vụ gì đó, rồi sau tức giận quá đi đến ẩu đả nhau. Bộ Lễ tâu lên vua để phân xử, vua bắt lính dẫn cả hai bên và nhân chứng là Cao bá Quát đến xét hỏi.
Từ xưa ông vẫn ghét những quan đồng sự ở bộ, nên nhân dịp được vua truyền gọi đến làm chứng, ông bèn làm tờ khai sau đây, cốt để “chửi xỏ” tất cả bọn quan lại cùng làm việc ở bộ.
Tờ khai bằng chữ nho như sau:
Tiền thần bất tri Hậu thần bất tri Trung gian thần tri Đản kiến: Thượng bàn hô cẩu! Hạ bàn hô cẩu! Thượng hạ giai cẩu. Lưỡng tương đấu ẩu Thần gián bất đắc Thần kiến thế nguy Thần hoảng thần tẩu. Nghĩa là: Trước ra sao thần không biết, sau thế nào, thần không biết. Thần đến lúc nửa chừng thấy bàn trên hô: "Chó!", bàn dưới cũng hô: "Chó!" Trên dưới đều là chó. Rồi hai bên đánh nhau. Thần can không được. Thần thấy nguy, thần sợ thần chạy.
Vua Tự Đức đọc tới câu “Thượng hạ giai cẩu”, biết là Quát lợi dụng lời khai để hỗn xược, gọi tất cả từ vua tới quan trên dưới là chó, nhưng vì lời khai đúng sự thực nên không làm gì Quát được phải cho Quát ra về.
Ái Hoa (còn tiếp) _________________________ Sông rồi cạn, núi rồi mòn Thân về cát bụi, tình còn hư không |
| | | Ai Hoa
Tổng số bài gửi : 10590 Registration date : 23/11/2007
| Tiêu đề: Re: Giai Thoại Chữ Nghĩa Thu 04 Feb 2010, 19:04 | |
| Cá đớp cá, người trói người (tt)
Lại bữa nọ vua Tự Đức khoe với các quan rằng đêm hôm trước vua nằm mộng thấy làm được hai câu thơ:
Viên trung oanh chuyển "khề khà" ngữ Dã ngoại đào hoa "lấm tấm" khai (Trong vườn chim oanh hót giọng "khề khà", ngoài đồng hoa đào nở "lấm tấm"). Hai câu thơ chữ Hán này đã dùng chữ "khề khà" và chữ "lấm tấm" là những chữ Nôm, không phải chữ Hán, nghe thì trôi chảy có âm điệu, nhưng không thể chấp nhận được vì chưa bao giờ có ai làm thơ pha Hán Nôm. Các quan nghe lấy làm lạ nhưng cũng vẫn phải tấm tắc khen hay. Chỉ có Cao Bá Quát tâu với vua rằng: - Tâu Bệ hạ, thần cúi xin Bệ Hạ tha tội, hai câu thơ này thần đã được nghe từ hồi còn đi học.
Vua Tự Đức lấy làm lạ vì hai câu này rõ ràng là vua làm ra trong giấc mơ, nên truyền cho Cao Bá Quát đọc liền bài thơ ra nghe. Cao Bá Quát đã lập tức ứng khẩu bịa ngay bài thơ để chế diễu nhà vua, trong đó chứa hai câu thơ của Tự Đức:
Bảo mã tây phương huếch hoác lai, Huênh hoang nhân tự thác đề hồi. Viên trung oanh chuyển khề khà ngữ, Dã ngoại đào hoa lấm tấm khai. Xuân nhật bất văn sương lộp bộp, Thu thiên chỉ kiến vũ bài nhài. Khù khờ thi tứ đa nhân thức, Khệnh khạng tương lai vấn tú tài.
Có nghĩa là:
Ngựa quý từ phương tây huếch hoác lại, Người huênh hoang nhờ cậy dìu về. Trong vườn chim oanh khề khà hót, Ngoài đồng hoa đào lấm tấm nở. Ngày xuân chẳng nghe tiếng sương lộp bộp, Trời thu chỉ thấy mưa bài nhài. Thi tứ khù khờ mà nhiều người biết, Khệnh khạng mang đến hỏi ông tú tài. Trong tám câu chữ Hán, câu nào cũng chứa hai chữ Nôm. Vua Tự Đức nghe xong, tuy trong bụng tức lắm vì biết là Cao bá Quát bịa đặt ra bài thơ để xỏ lá, nhưng cũng thầm phục sự nhanh trí của ông. Ngoài mặt nhà Vua khen hay và sai lính mang trà tặng thưởng Cao bá Quát.
Mặc dù bị Cao Bá Quát chơi xỏ nhiều lần, vua Tự Đức vẫn công nhận ông là một trong bốn người giỏi văn thơ nhất mọi thời đại qua hai câu thơ khen tặng:
Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán Thi đáo Tùng, Tuy thất thịnh Đường Có nghĩa là văn như văn của ông Siêu, ông Quát thì đánh đổ cả văn chương đời Tiền Hán; thơ đến như thơ của ông Tùng Thiện Công và ông Tuy Lý Công (về sau được gia phong Tùng Thiện Vương và Tuy Lý Vương, là tước danh được nhiều người quen gọi) thì át hẳn thơ hay cuả thời thịnh Đường.
Nguyễn Văn Siêu đỗ Phó Bảng năm 1938 (39 tuổi) làm quan đến chức án sát, về sau cáo quan về nhà dạy học. Nơi ông ở là thôn Dũng Thọ, huyện Thọ Xương, tỉnh Hà Nôi, sau khi Hà Nôi được chỉnh trang, được đặt tên gọi là phố Án sát Siêu (tức phố Ngõ Gạch). Tùng thiện Công Miên Thẩm và Tuy lý Công Miên Trinh là hai con thứ 10 và thứ 11 của vua Minh Mệnh, vốn là hai nhà thơ nổi tiếng trong Mặc Vân thi xã.
Nhưng vì tính tình kiêu ngạo, Cao Bá Quát bị tất cả mọi người ghét, kể cả vua Tự Đức, nên đầu năm 1954 ông bị đổi ra ngoài bắc, làm chức giáo thụ phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây, một vùng đèo heo hút gió. Mấy câu đối ông làm thời kỳ đó, tỏ ra một tâm trạng chán nản ê chề, tức tối tài minh không được sử dụng đúng chỗ, than thở ra những lời khinh bạc.
Câu đối dán ở trường:
Mô phạm dăm ba thằng mặt trắng Đỉnh chung chiếc rưỡi cái lương vàng
Trói chân kỳ ký tra vào rọ Rút ruột tang bồng trả nợ cơm (kỳ ký là tên hai giống ngựa nổi tiếng là ngựa hay, ngựa tốt. Trong văn chương dùng hai chữ kỳ ký để ví một người là bậc nhân tài xuất chúng. Tang bồng hồ thỉ chỉ chí khí cao cả của nam nhi, nay phải dùng vào việc cơm áo)
Câu đối dán ở nhà:
Nhà trống ba gian, một thầy, một cô, một chó cái Học trò dăm đứa, nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi Chẳng bao lâu, không chịu nổi cuộc sống nhạt nhẽo ở một nơi xa xôi hẻo lánh so với cuộc sống ở kinh đô trước kia, và chán nản về công việc buồn tẻ của chức giáo thụ trông coi việc học của một phủ nhỏ, ông xin cáo quan về nhà.
Ái Hoa (còn tiếp) _________________________ Sông rồi cạn, núi rồi mòn Thân về cát bụi, tình còn hư không |
| | | Ai Hoa
Tổng số bài gửi : 10590 Registration date : 23/11/2007
| Tiêu đề: Re: Giai Thoại Chữ Nghĩa Thu 04 Feb 2010, 19:08 | |
| Cá đớp cá, người trói người (tt)
Lúc bấy giờ, con cháu nhà Lê vẫn còn muốn nổi lên chống lại nhà Nguyễn để tái lập cơ đồ nhà Lê, trong đó có Lê Duy Cự nổi lên ở phía Sơn Tây, Bắc Ninh. Cao Bá Quát phẫn uất vì có tài mà không được dùng, bất bình cho rằng những tên vô tài được trọng dụng trong triều đình Huế đã siểm nịnh hại ông, đổi ông ra nơi thôn dã với một chức vụ không xứng đáng với tài của ông, nên ông theo đám quân của Lê Duy Cự chống triều đình. Vì năm đó có nạn châu chấu phá hoại mùa màng nên người đương thời gọi cuộc nổi dậy của Lê Duy Cự là "giặc châu chấu". Lê Duy Cự tôn Cao bá Quát làm quân sư. Trên lá cờ nổi dậy, ông cho thêu đôi câu đối, coi như là châm ngôn của cuộc chiến chống nhà Nguyễn:
Bình Dương, Bồ Bản vô Nghiêu Thuấn Mục Dã, Minh Điền hữu Võ Thang (Bình Dương, Bồ Bản là kinh đô của đế Nghiêu, đế Thuấn hai vị vua hiền đời thượng cổ nước Tàu. Mục Dã là nơi Võ Vương đánh đổ vua Trụ rồi lập ra nhà Chu, Minh Điền là nơi vua Thành Thang đánh đuổi bạo quân Kiệt rồi lập ra nhà Thương).
Tháng chạp năm đó (1854) ông bị Phó lãnh binh tỉnh Sơn Tây là Lê Thuận vây bắt được. Tự Đức ra lệnh xử tử ông và tru di ba đời, nên ông anh song sinh là Cao bá Đạt đang làm tri huyện ở Nông Cống cũng bị bắt giải về Hà Nội, dọc đường ông Đạt tự tử chết. Cao bá Nhạ là con ông Đạt trốn thoát, ẩn náu trong vùng huyện Mỹ Đức, Hà đông. Đến năm 1862 bị tố cáo, ông Nhạ bị bắt đày lên thượng du, rồi ông chết ở đó. Trong nhà tù. Bá Nhạ làm bài Trần Tình và bài Tự Tình Khúc rất là thống thiết.
Trong khi bị giam chờ đợi quyết định của triều đình, ông Cao Bá Quát bị xiềng xích trong nhà tù, nhưng ông không hết ngạo mạn. Câu đối sau đây được truyền tụng là ông làm ra trong thời gian ấy:
Một chiếc cùm lim chân có đế Ba vòng xích sắt bước thì vương và trước khi bị đưa tới pháp trường xử trảm, ông đã ứng khẩu câu đối sau đây:
Ba hồi trống giục mồ cha kiếp Một nhát gươm đưa bỏ mẹ đời Tiếc thay một thiên tài mà tài năng không được dùng tới đến nỗi cuối cùng sống không toại nguyện, cả đời phẫn uất mà chết cũng chẳng có gì là xứng đáng!
Theo Đại Nam Thực Lục chính biên thì Cao Bá Quát bị tử trận chớ không hề bị bắt và chết chém như dân gian truyền tụng. Viên suất đội Đinh Thế Quang có công bắn chết Cao Bá Quát tại trận được thăng lên chức cai đội.
Thơ văn của ông rất nhiều, nhưng đã thất lạc, một phần bị thiêu hủy vì không ai dám giữ sợ bị liên lụy. Còn lại được một tập thơ chữ Hán "Chu Thần thi tập" trong có những bài diễn tả tâm sự như "Hoành sơn vọng hải ca" (bài Ca qua Đèo Ngang trông biển), bài "Đạo phùng ngã phu" (Đi đường gặp người đói), và thơ văn chữ nôm được truyền tụng gồm một số câu đối, bài phú và những bài hát nói. Thơ văn ông man mác chan chứa tư tưởng chán chường, bao hàm ý mỉa mai chua chát, lâng lâng như muốn ra ngoài ngoại vật.
Bài hát sau đây tiêu biểu cho tâm sự chán đời của ông:
Thế sự thăng trầm quân mạc vấn Yên ba thâm xứ hữu ngư châu (1) Vắt tay nằm nghĩ chuyện đâu đâu Đem mộng sự đọ với chân thân (2) thì cũng hệt. "Duy giang thượng chi thanh phong, dữ sơn gian chi minh nguyệt" (3) Kho trời chung mà vô tận của mình riêng. Cuộc vuông tròn phó mặc khuôn thiêng Ai thành thị ai vui miền lâm tẩu (4) Gõ nhịp lấy, hát câu "Tương tiến tửu" (5) Quân bất kiến Hoàng Hà chi thủy thiên thượng lai bôn lưu đáo hải bất phục hồi".(6) Làm chi cho mệt một đời!
Chú thích:
1) Việc đời lên xuống bạn chẳng nên hỏi, trong chốn khói sóng mịt mù có chiếc thuyền câu. Hai câu thơ này mượn thơ Đường. 2) mộng sự là việc trong mộng, chân thân là việc thực. 3) Chỉ có gió mát trên đầu sông, cùng trăng sáng trên khoảng núi là kho vô tận của Tạo hoá chung cho mọi người mà mình có thể hưởng thoả thích cho riêng mình. Câu này lấy trong bài Phú Xích Bích của Tô Đông Pha, đời Tống. 4) Lâm tẩu là rừng rú, chỗ ở ẩn. 5) Tương tiến tửu: cùng mời rượu, tên một bài thơ của Lý Bạch. 6) Quân bất kiến Hoàng Hà chi thủy thiên thượng lai bôn lưu đáo hải bất phục hồi. Quân bất kiến cao đường minh kính bi bạch phát, triêu như thanh ty mộ thành tuyết (Bạn chẳng thấy nước sông Hoàng Hà từ trên trời xuống, bôn ba chảy ra bể không trở lại. Bạn chẳng thấy, trên nhà cao, trước tấm gương sáng, buồn vì tóc bạc, sáng xanh như tơ, chiều trắng như tuyết). Hai câu thơ này trích trong bài Tương tiến Tửu của Lý Bạch ý nói thời gian và tuổi xanh của người ta trôi nhanh không quay trở lại.
Ái Hoa (kể, sưu tầm, tổng hợp, hiệu chính)
_________________________ Sông rồi cạn, núi rồi mòn Thân về cát bụi, tình còn hư không |
| | | Ai Hoa
Tổng số bài gửi : 10590 Registration date : 23/11/2007
| Tiêu đề: Re: Giai Thoại Chữ Nghĩa Wed 17 Feb 2010, 09:53 | |
| Cứu nhân độ thế
Nguyễn Công Trứ tự là Tồn Chất, hiệu là Ngộ Trai, biệt hiệu Hy Văn. Ông là người làng Uy Viễn , huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ông sinh đúng vào ngày đầu năm năm Mậu Tuất (1778), phụ thân là Đức Ngạn Hầu Nguyễn Công Tấn, đậu Cử nhân thời Lê Mạt, làm Tri huyện Quỳnh Côi rồi Tri phủ Tiên Hưng, đều thuộc tỉnh Thái Bình, sau được cử làm Tham Tán trấn Sơn Nam.
Thuở còn bé ông nổi tiếng là thông minh đĩnh ngộ. Ngày ấy, hai cha con đi chơi, ngang qua cái cống được xây ghép bằng đá xanh, thân phụ của ông chỉ vào, nói:
_ Đá xanh ghép cống, hòn dưới nống hòn trên
Ông nhìn quanh quất, chợt nhìn thấy cái mái ngói lợp âm dương của ngôi nhà bên đường, nói ngay: _ Ngói đỏ lợp nghè, lớp sau đè lớp trước
Câu đối bất chợt của đứa bé bảy tuổi đã làm cho thân phụ ông rất vui. Một bữa khác, thân phụ ông đang ngồi tiếp khách, hai người cùng nhau kéo thuốc lào, thả khói thơm lừng. Khách hỏi thân phụ ông đã dạy ông phép làm thơ chưa. Thân phụ ông cho rằng con còn nhỏ chưa đến lúc khai tâm. Thấy khói thuốc lào từ miệng của thân phụ bay ra, ông liền ứng khẩu: _ Nín hơi biển động ba từng sóng Há miệng rồng bay chín khúc mây
Khách vỗ đùi khen hay. Thân phụ của ông tròn mắt nhìn. Như được động viên, ông đọc tiếp: _ Ba từng sóng dội vang trời bể Năm sắc mây bay thấp thoáng trời
Khách xoa đầu khen cậu bé sáng dạ, phỏng đoán rằng tương lai sự nghiệp sẽ vô cùng kinh nhân đắc thế và xin phép được khai tâm cho ông. Đó chính là người thầy đầu tiên của Nguyễn Công Trứ.
Ngày giã từ thầy theo cha mẹ về quê ông đến tạ ơn thầy đôi câu đối: _ Tuy tôn sư chi giáo trạch vô cùng, hà cảm xá cận nhi cầu viễn Nhi quốc gia chi học qui hữu định, tương sử tự hạ tiệm thăng cao
(Tuy ơn giáo dục của tôn sư vô cùng, đâu dám bỏ nơi gần mà tìm nơi xa Nhưng phép học hành của quốc gia có định, nên phải từ chỗ thấp mà bước lên chỗ cao).
Tương truyền hồi mới học phép làm thơ, gặp lúc trời mưa giông, có người ném gánh cỏ cho trâu xuống đất, chạy vào núp mưa dưới mái hiên. Vừa tạnh hạt, người nọ vội chào chủ nhà rồi chạy ra xốc gánh cỏ, bươn thẳng. Ông liền tức cảnh đọc: _ Tạnh cơn phong vũ lò ngay mặt Sẵn gánh càn khôn ghé thẳng vai
Ai nấy đều tấm tắc khen hay và có khí khái.
Lại có lần khách đến thăm nhà, thân phụ sai ông lên hầu trà. Khách thấy ông vội khen lấy khen để. Thân phụ ông mỉm cười bảo: - Mau tạ ơn quan bác và kính quan bác bài thơ đi!
Ông lí nhí cảm ơn và xin khách ra đề. Khách dõi nhìn ra ngoài vườn rồi bảo cậu bé hãy làm bài thơ vịnh cây cau. Nhìn hàng cau cao vút ngoài vướn, ông lấy ý, lựa vần rồi xin phép đọc liền một mạch: _ Ơn chúa vun trồng kể xiết bao Càng ngày càng một rấn lên cao Lưng đeo vai bạc sương vừa nhuốm Đầu đội tàn xanh nắng chẳng vào Buồng chất cháu con khôn xiết kể Nhà nhiều quan khách dễ khuyên chào Kình thiên một cột đưa tay chống Dẫu gió lung lay cũng chẳng nao.
Nghe xong, khách cười khà, khen nức nở.
Ái Hoa (còn tiếp) _________________________ Sông rồi cạn, núi rồi mòn Thân về cát bụi, tình còn hư không |
| | | Ai Hoa
Tổng số bài gửi : 10590 Registration date : 23/11/2007
| Tiêu đề: Re: Giai Thoại Chữ Nghĩa Wed 17 Feb 2010, 10:10 | |
| Cứu nhân độ thế (tt)
Khi còn là học trò, một hôm Nguyễn Công Trứ đang đi học giữa đường gặp một viên quan võ, ông cứ nghênh ngang đi không chịu tránh. Quân lính bắt lại giải trước mặt viên quan để hạch tội. Ông liền kêu là học trò đang vội đến trường nên không để ý có quan đi. Viên quan thấy nói năng xấc xược nhưng mà có lý, bèn bảo rằng: - Nếu thật là học trò thì phải vịnh ngay một bài thơ thật hay, không thì sẽ chết đòn!
Nguyễn Công Trứ gãi tai hỏi xin đầu bài. Viên quan võ hất hàm bảo cứ lấy ngay địa vị hai người mà làm đề. Ông liền đọc ngay rằng: _ Đoán xem văn võ cả hai hàng Bên văn sang bên võ cũng sang Dù tía, võng xanh văn đủng đỉnh Gươm vàng, thẻ bạc võ nghênh ngang Văn dìu cánh phượng yên trăm họ Võ thét oai hùm dẹp bốn phương Gặp hội thái bình văn trước võ Võ đâu dám sánh khách văn chương!
Nghe mấy câu đầu viên quan võ có vẻ khoái trí gật gù tán thưởng. Nhưng đến hai câu kết, thấy mình bị khinh là võ biền kém cỏi không sánh bằng khách văn chương thì ông ta tức quá thét ngay lính phết cho cậu học trò vô lễ mấy roi. Sau đó, chừng nghĩ lại, cảm phục tài nghệ văn chương, viên quan bèn thưởng cho Nguyễn Công Trứ mấy nén bạc và để cho đi.
Một bận khác có việc đi đường xa, trời rét, Nguyễn Công Trứ ghé quán nước bên đường nghỉ lại, lại bất ngờ gặp đại binh của tả quân Lê Văn Duyệt đi qua. Mọi người đều dẹp hết, né xa, riêng ông vẫn đắp chiếu nằm ngủ giữa ổ rơm. Tả quân Lê Văn Duyệt thấy lạ, bảo lính đánh thức dậy, thấy đó chỉ là một học trò nho nhã, liền bắt ông vịnh cảnh "nằm ổ rơm đắp chiếu", nếu hay sẽ được tha. Nguyễn Công Trứ liền ứng khẩu rất nhanh: _ Ba vạn anh hùng đè xuống dưới Chín lần thiên tử đội lên trên
Cái tinh tế của lối chơi chữ đối đáp của ông ở chỗ chỉ “rơm” là "anh hùng rơm", còn “chiếu” ứng với "chiếu chỉ" của nhà vua, đồng thời nói lên khẩu khí của bậc anh hùng tài giỏi vẫn một lòng trung thành với vua ... Tả quân Lê Văn Duyệt vừa khen hay, vừa thưởng tiền cho ông.
Ngày xưa, mỗi năm, các trường Đốc học ở tỉnh, Giáo thụ ở phủ, Huấn đạo ở huyện, đều có mở các kỳ khảo hạch khả năng các sĩ tử để xem việc học hành có tiến bộ hay không. Những kỳ khảo hạch này gọi là hạch Tiến Ích. Sau một kỳ sát hạch Tiến Ích cùng với các thí sinh hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, Nguyễn Công Trứ đỗ hạng đầu. Nguyễn Trùng Quang cũng là một người giỏi văn chương ở phủ Thạch Hà (Hà Tĩnh) nghe tiếng, ghé đến thăm và mời ông đến nhà chơi. Đúng hẹn, Nguyễn Công Trứ đến chỉ thấy ngoài cửa sổ đề câu đối: _ Sinh nê nhi bất nhiễm Hữu xạ tự nhiên hương (Sinh nơi bùn mà không nhiễm Có chất xạ tự nhiên thơm)
Ông ung dung bước vào chào chủ nhà và thấy trên bàn có sẵn giấy bút nên xin phép được đề mấy chữ. Chủ nhà vội vàng mời, ông phóng bút viết ngay hai câu thơ: _ Cửa sấm dám đâu mang trống lại Đất người đành phải vác chiêng đi Ý hai câu này rút ra từ hai câu tục ngữ: “Đánh trống trước cửa nhà sấm" và "Vác chiêng đi đánh xứ người”, nhưng ông Nguyễn Trùng Quang hiểu người khách trẻ muốn nói gì, vội vàng đứng dậy chắp tay vái Nguyễn Công Trứ và xin nhận làm em, mặc dù tuổi lớn hơn.
Ông khiêm nhường từ chối. Nguyễn Trùng Quang viết bên dưới câu đối nôm của Nguyễn Công Trứ hai câu thơ chữ Hán: _ Kinh nhân văn tự đề giai cú, Tuyệt thế anh tài kiến thiếu niên. (Văn tự kinh người, đề đôi giai cú, Anh tài tuyệt thế, thấy kẻ thiếu niên)
Từ chối không được, Nguyễn Công Trứ bèn cúi đầu tạ lễ, rồi hai người cùng ngồi lại đàm đạo văn chương. Khi chia tay, Nguyễn Trùng Quang viết tặng riêng cho Nguyễn Công Trứ hai câu thơ nói lên lòng thành thật của mình: _ Khắc chấn danh gia năng hữu tử Bất tài tiện đệ nhượng vi huynh (Nối nghiệp danh gia sanh được con tài giỏi Kém tài, tiện đệ nhường làm đàn anh)
Ái Hoa (còn tiếp) _________________________ Sông rồi cạn, núi rồi mòn Thân về cát bụi, tình còn hư không |
| | | Sponsored content
| Tiêu đề: Re: Giai Thoại Chữ Nghĩa | |
| |
| | | |
Similar topics | |
|
Trang 5 trong tổng số 10 trang | Chuyển đến trang : 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10 | |
| Permissions in this forum: | Bạn không có quyền trả lời bài viết
| |
| |
| |