Bài viết mới | Những bài học thuộc lòng by Trà Mi Today at 08:19
SƯ TOẠI KHANH (những bài giảng nên nghe) by mytutru Today at 00:47
Hơn 3.000 bài thơ tình Phạm Bá Chiểu by phambachieu Yesterday at 21:54
Tính cách của người Sài Gòn ngày xưa by Trà Mi Yesterday at 08:28
Vinh Danh Trong Toàn Cầu Thập Bát Danh Nhân by Trà Mi Yesterday at 07:21
Thơ Nguyên Hữu 2022 by Nguyên Hữu Sun 08 Sep 2024, 21:28
7 chữ by Tinh Hoa Sun 08 Sep 2024, 20:35
TRANG ALBUM GIA ĐÌNH KỶ NIỆM CHUYỆN ĐỜI by mytutru Sun 08 Sep 2024, 20:34
DỤNG PHÁP Ở ĐỜI by mytutru Thu 05 Sep 2024, 19:19
Tin Thời Sự Và Những Bình Luận “Trái Chiều” by chuoigia Wed 04 Sep 2024, 21:29
Bầu Cử Mỹ 2024 by chuoigia Tue 03 Sep 2024, 23:39
Lục bát by Tinh Hoa Sat 31 Aug 2024, 23:09
Xe gắn máy tại miền Nam Việt Nam trước 1975 by Trà Mi Thu 29 Aug 2024, 14:22
Lưu Kỷ Niệm TX Ngọc Điền by mytutru Wed 28 Aug 2024, 16:25
Trang viết cuối đời by buixuanphuong09 Tue 27 Aug 2024, 18:39
Cột đồng chưa xanh (2) by Ai Hoa Tue 27 Aug 2024, 14:36
Một thoáng mây bay 5 by Ai Hoa Tue 27 Aug 2024, 14:22
CHIA ĐAU CÙNG PHƯƠNG NGUYÊN by Ai Hoa Mon 26 Aug 2024, 15:19
CHƯA TU &TU RỒI by mytutru Thu 22 Aug 2024, 03:13
TRANG THƠ LƯU NIỆM PHƯƠNG, LÝ by buixuanphuong09 Wed 21 Aug 2024, 15:30
Trang thơ Tú_Yên (P2) by Tú_Yên tv Tue 20 Aug 2024, 14:35
Chùm thơ "Có lẽ..." by Tú_Yên tv Tue 20 Aug 2024, 14:26
Thơ Tú_Yên phổ nhạc by Tú_Yên tv Tue 20 Aug 2024, 14:23
THÀNH KÍNH PHÂN ƯU by Phương Nguyên Tue 20 Aug 2024, 08:58
Những Bài Giảng Hay Thầy Thích Pháp Hoà by mytutru Tue 20 Aug 2024, 05:55
Quán Tạp Kỹ - Đồng Bằng Nam Bộ by Thiên Hùng Mon 19 Aug 2024, 01:44
Chia buồn by Phương Nguyên Fri 16 Aug 2024, 08:13
Phật Tại Tâm = Cánh Cửa Mở Vào Cửa Phật & Bốn Quả Thánh by mytutru Fri 16 Aug 2024, 02:14
Một thoáng mây bay 13 by Ai Hoa Thu 15 Aug 2024, 07:39
Chút tâm tư by tâm an Wed 14 Aug 2024, 07:12
|
Âm Dương Lịch |
Ho Ngoc Duc's Lunar Calendar
|
| | |
Tác giả | Thông điệp |
---|
Ai Hoa
Tổng số bài gửi : 10590 Registration date : 23/11/2007
| Tiêu đề: Re: Giai Thoại Chữ Nghĩa Mon 11 Jan 2010, 18:44 | |
| Trạng Lợn dân gian: Dương Đình Chung (tt)
Mùa thu năm sau. Dương ông bị bệnh rồi mất. Trạng đi lang thang làng này xóm khác, hết rượu chè lại cờ bạc. Mẹ Trạng buồn lắm. Trạng nói: - Mẹ đừng buồn. Nay mai con đỗ Trạng, tha hồ sung sướng. Mẹ cười: - Cái thứ con có đỗ Trạng họa chăng là Trạng Ăn, Trạng Rượu, Trạng Dổ Bác, Trạng Lông Bông.
Tức quá, Trạng vào gặp mẹ xin đi thi, quyết đỗ Trạng mới nghe. Một hôm, đến làng kia, Trạng gặp hai người học trò lều chõng đi thi. Trạng chắp tay hỏi: - Thưa, hai ông đi đâu? - Chúng tôi trảy kinh đây. Còn ông đi đâu ? - Tôi cũng trảy kinh. Hay là ta cùng đi cho vui.
Vì Trạng lém lắm, nên mọi tiền chi phí hai người học trò kia cũng chi đỡ Trạng. Ði đến một xóm kia thì trời tối. Có cái quán bên đường, cả ba cùng vào nghỉ đêm. Chẳng ngờ quán ấy lại là nơi tụ họp cờ bạc, đầu trộm đuôi cướp, chúng vẫn rình rập để cướp hành lý của ba nguời. Bất ngờ đêm ấy Trạng lại nằm mê, bỗng dưng hét to lên : - Ðây rồi, bắt chúng trói cả lại cắt tiết cho ta.
Bọn trộm cướp thấy thế cắm đầu bỏ chạy. Hai người học trò nghe đầu đuôi câu truyện cảm ơn Trạng hết lời và phục Trạng là người can đảm, có biết đâu rằng Trạng nằm mê thấy lợn, đòi bắt trói lợn lại để đem làm thịt bán.
Hôm sau, ba người đi đến một làng kia, xin vào trọ đêm. Qua cổng thấy đề ba chữ "Thủ chư dự" lấy ở trong quẻ dự Kinh Dịch, Trạng đọc "thủ chư" lại tưởng nghĩa là sỏ lợn, bảo hai ông kia: - Tối nay, anh em ta có thủ lợn đánh chén.
Hai ông kia đùa: - Ði đường xa mà có người lại cho nhắm thủ lợn, chẳng là may lắm sao !
Ngờ đâu tối hôm ấy họ vào trọ nhà ông thủ chi, nhân ngày xuân tế, ông pha một cái thủ lợn ra mời ba người đánh chén cho vui. Hai người bạn phục Trạng biết việc sắp tới như thần và nói: - Chắc là bác giỏi lý số tiên tri lắm mà bác giấu chúng tôi. - Không biết tiên tri lý số sao là Trạng được.
Ðến một làng khác, thấy có một các bảng đề hai chữ "hạ mã", Trạng đọc lầm là "bất yên" (vì chữ nho hai chữ hạ mã 下 馬 và bất yên 不 焉 gần giống nhau) Trạng nói: - Làng này bất yên.
Hai ông bạn tủm tỉm cười, không cải chính, và cũng chiều ý Trạng không vào làng ấy. Thì vừa đi qua làng một lát, cả ba nghe thấy tiếng kêu la ầm ỹ, thì ra là đám cháy, cháy một lát một nửa làng ra tro.
Lại một lần khác, đi đến một ngôi chùa kia, cả ba rủ nhau vào vãn cảnh. Nhà sư thấy ba ông cùng là thư sinh, đề nghị làm thơ tức cảnh, Hai ông kia vẫy bút đề thơ nét bút như rồng bay phượng múa, lời thơ hàm súc chứa chan, ý vị. Thấy thế Trạng nghĩ "Mình không làm thơ thì chuế". Nhưng làm thơ thì biết làm thế nào. Ðánh liều. Trạng cũng viết "Thâm tinh lập lái" những vì dốt, Trạng lại viết thành "Thâm tinh huyền lý". Nhà sư đọc xong bốn chữ thấy nét không đẹp nhưng ý vị sâu xa, đập tay vào đùi bôm bốp thán phục Trạng hết lời. - Tuyệt tác ! Tuyệt tác ! "Thâm tinh huyền lý" tức là tình sâu xa, lẽ nhiệm mầu, hay quá ! Thật hợp cảnh nhà chùa.
Có biết đâu rằng chính ra Trạng định viết bốn chữ "thâm tinh lập lái" tức là tiếng lóng của bọn lái lợn, có nghĩa là ba quan và mười hai quan.
Nhà sư lưu ba thày ở chùa trọng đãi và ngâm không tiếc bốn chữ thần của Trạng và cũng ngâm luôn cả hai bài thơ của ông học trò cùng đi với Trạng. Trạng cúi đầu nghe và chỉ một lát thì thuộc lòng cả hai bài.
* Có mỗi câu "Thiên tích thông minh, thánh phù công dụng" học mãi không thuộc, mà chỉ nghe đọc qua đã thuộc trọn hai bài thơ tuyệt tác, rõ Trạng cũng khác thường!
Ái Hoa (còn tiếp) _________________________ Sông rồi cạn, núi rồi mòn Thân về cát bụi, tình còn hư không |
| | | Ai Hoa
Tổng số bài gửi : 10590 Registration date : 23/11/2007
| Tiêu đề: Re: Giai Thoại Chữ Nghĩa Mon 11 Jan 2010, 18:46 | |
| Trạng Lợn dân gian: Dương Đình Chung (tt)
Một hôm kia, ba người đi qua một trang trại, nhìn vào thấy một cô gái xinh đẹp tuyệt trần đang hái hoa trong vườn, có hai thị nữ theo hầu. Trạng mê quá, lập mưu từ giã hai người bạn, rồi quay lại vẩn vơ ở ngoài trang trại để tìm cách được gần người đẹp. Hỏi thăm người chung quanh thì biết giai nhân tuyệt sắc nọ là con quan trí sĩ họ Bùi. Bùi tướng công chỉ sinh được một mình nàng là con gái, đặt tên là Phấn Khanh...
Tình cờ hôm ấy, Bùi Tướng Công đang ngủ mơ màng thì nghe như có người đang đánh thức dậy và bảo "ra ngay ngoài cửa để đón quan Trạng". Tỉnh giấc Bùi tướng Công vội đi thẳng ra cổng thì thấy Trạng. Bùi tướng Công mời Trạng vào nói chuyện.
Hoảng sợ tưởng là Bùi tướng Công bắt mình giam, Trạng nói: - Tôi là học trò, trẩy kinh đi thi nhất định lấy cái Trạng nguyên. Thấy trang trại của tướng công tươi tốt, tôi dừng chân lại ngắm chớ có tình ý gì đâu mà tướng công lại...
Vừa nằm mơ thấy có người bảo ra cổng đón Trạng bây giờ gặp ngay một người học trò trẩy kinh quyết giựt lấy cái Trạng nguyên. Bùi tướng Công tin ngay đúng người nầy là Trạng, bèn giữ lại thiết tiệc ở Uyên Ương Ðình. Rượu ngà ngà say, Trạng xúc cảnh sinh tình đọc vanh vách hai bài thơ của hai người bạn làm ở chùa mà Trạng đã thuộc lòng. Bùi tướng Công lè lưỡi chịu là thơ hay, gọi tiểu thư lấy giấy bút lên chép lại để họa vần. Tiểu thư họa vần lại, lời thơ cũng không kém phần xuất sắc.
Ưng ý quá, Bùi tướng Công bèn ngỏ ý muốn gả con gái cho Trạng. Trạng vờ khiêm tốn trả lời: - Thưa tướng công, người con trai lấy công danh làm chính, chuyện vợ con là thứ yếu. Tướng công có lòng yêu, xin lãnh ý nhưng để cho khi nào đỗ Trạng về mới có thể tính chuyện tiểu đăng khoa.
Tướng công phục Trạng sát đất. Vào phòng riêng để nghỉ, Trạng bỗng thấy ở trên tường có một bức hoa tiên ghi mấy chữ như sau: "Bát đao phân mễ phấn", 八 刀 分 米 粉 nghĩa là "Tám dao chia bánh gạo", mặt khác chữ Phấn gồm có chữ Bát, chữ Ðao, chữ Phân và chữ Mễ. Chữ Phấn lại là tên nàng. Câu đó vô cùng khó đối! Bùi tiểu thư viết mấy chữ ấy là có ý đố ai đối được thì sẽ lấy làm chồng.
Vốn mù chữ, trong năm chữ ấy Trạng chỉ biết có chữ "Phấn" đoán là tên của tiểu thư; sẵn trên ấn có bút nghiên cũng vạch tên mình là "Chung" vào. Viết xong, nằm quèo ra ngủ. Ðến sáng, Phấn tiểu thư thấy chữ "Chung" thì tự tán ra câu đối là "Thiên lý trọng kim chung", 千 里 重 金 鍾 nghĩa là "Ngàn dặm nặng chung vàng", trong chữ Chung có các chữ Thiên, chữ Lý, chữ Trọng và chữ Kim, tên Trạng đồng thời là Chung. Nàng nức nở khen hay và cho rằng chỉ có người này mới xứng đáng là chồng nàng. Bèn bày lễ ra giữa trời cảm tạ trời đất đã run rủi cho nàng được người chồng xứng đáng. Ðoạn nàng và Trạng cùng làm lễ thề nguyền, lấy trời đất chứng cho mối duyên lành hiếm thấy.
Bùi tướng Công mừng rỡ sai đặt tiệc ở Thủy Ðình trên hồ Bán Nguyệt ăn mừng và đưa một mâm vàng cho Trạng để làm tiền lộ phí. Khi từ biệt, tiểu thư đưa cho chàng một phong thơ. Ði được một quãng đường giở ra đọc thì là một bài thơ tứ tuyệt:
Bán nguyệt chi trung tương hội sứ, Uyên ương đình nội bá bôi thi. Nguyện quân kiên sấn thanh vân lộ, Tảo tháp hồi lai đan quế nhi.
Tạm dịch là:
Tại Bán nguyệt hồ gặp gỡ đây Uyên Ương Đình nọ chuốc chung đầy Mong chàng nhẹ bước đường mây rộng Sớm được vinh quy thỏa dạ này
Ái Hoa (còn tiếp) _________________________ Sông rồi cạn, núi rồi mòn Thân về cát bụi, tình còn hư không |
| | | Ai Hoa
Tổng số bài gửi : 10590 Registration date : 23/11/2007
| Tiêu đề: Re: Giai Thoại Chữ Nghĩa Mon 11 Jan 2010, 18:51 | |
| Trạng Lợn dân gian: Dương Đình Chung (tt)
Xem thơ xong hả dạ quá, Trạng quên mất cả đường đi, rồi lạc vào một cái miếu hoang ở giữa đồng. Trong miếu có một ông cụ đầu râu tóc bạc đang ngồi uống nước. Trạng mon men lại gần cụ, ông cụ hỏi: - Trẩy kinh sao lại vơ vẩn vào đây ?
Trạng thưa là bị lạc đường. Ông cụ cầm cái gậy chọc vào bụng Trạng một cái và bảo: - Muốn trẩy kinh, hãy ngồi xuống bóp chân tay cho lão một lát, lão sẽ chỉ đường cho.
Trạng chịu liền. Bóp chân tay xong, Trạng hỏi: - Bẩm cụ, thế bây giờ cụ đã bằng lòng chỉ cho cháu đường vào kinh chưa.
Ông lão cười khà khà. - Ðâu có dễ dàng thế được. Lão hỏi thực, thầy chảy kinh làm gì ? - Bẩm, để thi lấy Trạng nguyên. - Tốt lắm. Nhưng muốn đỗ Trạng nguyên, phải nghe lời lão. - Thưa cụ, dạy làm sao ? - Thầy phải cõng lão vào tại kinh thì thầy đỗ Trạng.
Trạng lại chịu liền. Cõng ông lão một lát. Trạng nghe thấy ông lão hỏi: - Thầy vào kinh đỗ Trạng làm gì ? Sao không ở luôn Uyên Ương Ðình làm con rể Bùi tướng Công có hơn không ?
Trạng giựt nảy mình, quay lại hỏi: - Sao cụ biết? Cụ là thần phải không ?
Ông cụ đáp. - Ta chẳng phải là thần mà cũng chẳng phải là ma. Ta chỉ là một người đối với thầy có tiền duyên túc hải. Mai sau, ta còn có phen hậu hội. Nhưng ta bảo cho thầy biết thầy sẽ còn lận đận năm năm nữa, và hai năm nữa mới chiếm được Trạng nguyên. Năm nay muốn đậu cũng chưa được vì kỳ thi hoãn. Nhưng thầy nhớ lấy điều này: "tháng giêng năm tới thầy nhớ ra ngồi ở thành phía Ðông thấy ai gieo mình từ trên xuống thì chạy lại cứu lấy và cõng chạy ngay đi, không cần hỏi han gì cả". Nay lão hãy tạm dạy cho thày phép bói toán để làm kế sinh nhai và cũng là để tiện bề giao tiếp hầu rộng đường thi thố sau này với đất nước.
Mừng quá. Trạng chắp tay lạy cụ già và tôn làm thầy. Ông cụ dạy cho Trạng đủ các cách tiên tri bói toán. Dạy đến đâu Trạng nhớ đến đó. Thì ra từ lúc ông lão cầm cái gậy chọc vào bụng Trạng, Trạng từ một người ngu dốt tối tăm đã hóa ra một người thông minh, học một biết mười. Thấy Trạng đã giỏi, ông lão mới chống gậy đi vào rừng mất tích. Còn Trạng thì mở một ngôi hàng bói toán. Tình cờ, lại gặp hai người bạn cũ. Hai người này nhờ Trạng bói cho một quẻ để biết khoa này có đậu hay chăng. Trạng gieo quẻ bảo: - Quẻ này là quẻ quan long vô chủ, kỳ thi phải hoãn không có ai đậu mà cũng không có ai rớt.
Hai người bạn cho là Trạng nói láo. Không ngờ năm ấy hoãn thi thực. Ai cũng xanh mặt chịu là Trạng tiên tri trúng phóc như thần.
Ái Hoa (còn tiếp) _________________________ Sông rồi cạn, núi rồi mòn Thân về cát bụi, tình còn hư không |
| | | Ai Hoa
Tổng số bài gửi : 10590 Registration date : 23/11/2007
| Tiêu đề: Re: Giai Thoại Chữ Nghĩa Mon 11 Jan 2010, 18:54 | |
| Trạng Lợn dân gian: Dương Đình Chung (tt)
Một hôm có quan thượng thư trong triều mất con thiên lý mã, nghe đồn Trạng bói cát hung đúng lắm, cho người ra mời vào dinh xem một quẻ. Thằng ăn trộm thấy quan cho người ra xem bói thì lo lắm, bèn lẻn vào nhà Trạng, đứng nghe trộm. Nguyên Trạng thấy ông thượng thư cho người đến bói, lấy làm sợ, cả đêm trằn trọc suy nghĩ không ngủ được. Gần sáng Trạng lấy quyển Tam Tự Kinh ra đọc đến câu "Mã ngưu dương kê khuyển thỉ, thử lục súc nhân sở tự" (ngựa bò dê gà chó heo, đó là sáu giống vật nuôi của người) thì đọc to lên.
Gã trộm tên là Tự, đứng nghe lỏm, thấy thầy đọc trúng tên mình, vội bỏ ra cắn rơm cắn cỏ lạy thầy đừng nói tên mình với quan thượng thư.
Trạng hét lên: - Ừ, mày lấy cắp ngựa ngày nào và để đâu. Phải nói ngay thì tao tha tính mạng cho, không hô danh nữa.
Hôm sau, vào dinh quan thượng thư, Trạng gieo quẻ suýt soa khấn vái rồi cứ lời tên trộm kể lại vanh vách. Quan thượng thư cho người đến nơi, quả thấy ngựa quý thưởng cho rất nhiều vàng bạc. Từ đó, Trạng nổi tiếng như cồn, ai ai cũng phục Trạng là Trạng bói.
Một hôm trong cung, công chúa mất đôi vòng ngọc rất quí mang từ bên Tàu về. Nghe có Trạng bói, Công Chúa cho mời Trạng vào xem một quẻ. Bí quá, Trạng "tranh thủ thời gian" bảo phải làm một cái lầu cao suy nghĩ và lạy trời lạy đất mới xem được quẻ bói này. Công Chúa cũng chịu. Trạng hẹn nửa tháng thể nào cũng tìm ra được thủ phạm. Nằm mười ngày ở trên lầu cao mà chẳng tính toán được gì mà cũng không tìm ra được mưu mẹo gì bịp công chúa, Trạng buồn muốn chết, than thân : "Mình có ngờ đâu lại đến nước này. Một thằng ăn cắp một thằng chịu chết lây, thực là quýt làm cam chịu.
Bấy giờ tên thị vệ phụ trách canh gác tên là thằng Cam. Nửa đêm thanh vắng, nghe thấy Trạng nói thế hắn sợ cuống lên, sụp xuống lạy Trạng mà rằng: "Con cắn rơm cắn cỏ xin thầy tha cho, con chết dại chơi với thằng Quýt dính líu vào trong vụ này, nhưng bao nhiêu tội lỗi là do thằng Quýt cả chứ con tuyệt nhiên là chỉ theo đóm ăn tàn mà thôi. Thầy có trị tội thì trị tội thằng Quýt, chớ phần con, con xin thề là con không có tội. Thầy hô danh con ra, đức vua mà giết con thì quả là oan uổng quá.
Cố nhịn cười, Trạng quát lên: - Ừ, mày thú tội thì ta cũng tha cho, nhưng thằng Quýt nó ăn trộm ra sao, đôi vòng nó giấu ở đâu, mày cứ thực khai ra thì ta tha tội chết.
Thằng Cam kể vanh vách sự tình đầu đuôi cho Trạng nghe. Hôm sau, Trạng mời Công chúa lên lầu, gieo quẻ rồi cứ lời thằng Cam khai mà thuật lại. Nhà vua cho bắt thằng Quýt thì nó thú tội, không sai một mảy.
Lấy lại được đôi vòng, công chúa đem vàng bạc thưởng cho Trạng Bói. Từ đó Trạng Bói thành một vị thần, bàn dân thiên hạ đều lắc đầu lè lưỡi chịu là một vị tiên xuống hạ giới.
Một hôm có ba người đi thi, nghe thấy danh tiếng của Trạng như thế, rủ nhau sửa một cái lễ để vào xem. Lúc trò truyện, mới biết ba người ấy là những người nổi tiếng: một người là Trạng Ăn, một người là Trạng Vật, một người là Trạng Cờ.
Trạng Bói gieo quẻ xong, nói: - Bốn chúng ta tuổi còn trẻ, đường bay nhảy còn dài nhưng số còn lận đận vài năm nữa, phải chờ thời mới được.
Bốn người ở với nhau rất tâm đầu ý hợp. Mùa xuân năm ấy. Trạng Bói nhớ lời thần dặn, rủ ba Trạng kia hằng ngày ra đứng ở cửa thành phía đông. Thì vào một đêm đông, khoảng canh ba, Hoàng cung tự nhiên bốc cháy, dân chúng nổi làm loạn, ngoài đường giặc cướp như rươi.
Thấy biến, bốn Trạng đang đứng xem thì Trạng Bói trông thấy một người mặc áo xanh, nhảy từ mặt thành xuống đấy. Trạng Bói không nói năng gì hết chạy ngay lại cõng người mặc áo xanh lên vai và chạy không quay đầu trở lại.
Ái Hoa (còn tiếp) _________________________ Sông rồi cạn, núi rồi mòn Thân về cát bụi, tình còn hư không |
| | | Ai Hoa
Tổng số bài gửi : 10590 Registration date : 23/11/2007
| Tiêu đề: Re: Giai Thoại Chữ Nghĩa Tue 12 Jan 2010, 14:52 | |
| Trạng Lợn dân gian: Dương Đình Chung (tt)
Người ấy là Gia Vương.
Thấy có người cõng Gia Vương chạy trốn một bọn người mang võ khí hùa lại đuổi theo. Trạng Ăn, Trạng Vật và Trạng Cờ xông ra cản lại, thành ra Trạng Bói chạy thoát về mạn chùa Thầy.
Mấy hôm sau, tình hình lắng dịu. Trạng Bói cắt Trạng Ăn và Trạng Vật túc trực bên Gia Vương còn mình và Trạng Cờ thì hoá trang về thành xem xét sự tình. Ðến lúc bấy giờ mới biết là Lạng Sơn Vương Nghi Dân tiếm vị và sát hại trung thần, may nhờ hai ông Nguyễn Xí và Ðinh Liệt chiêu binh mãi mã, trừ được Nghi Dân. Hai vị trung thần bèn tâu Thái Hậu sai người đi tìm Gia Vương nhưng tìm đâu cũng không thấy.
Trạng Bói nghĩ kế, cho người môi giới với Thái Hậu mời ông vào xem bói. Trạng nói riêng với Thái Hậu đã cứu được Gia Vương và hiện để ở chùa Thầy.
Mừng rỡ, Nguyễn Xí và Ðinh Liệt đem binh sĩ về chùa Thầy đón rước. Gia Vương lên ngôi tức là Lê Thánh Tông.
Vua Thánh Tông phong thưởng cho hết thảy các công thần, ai cũng cảm ơn, riêng có Trạng thì cho chức tước gì cũng không lấy, chỉ xin ban cho hai chữ "Trạng nguyên".
Có quan đại thần quỳ tâu:
- Muôn tâu bệ hạ, chức Trạng Nguyên chỉ dành riêng cho các bậc văn hay chữ tốt tài ba xuất chúng. Kẻ có công thì thưởng vàng bạc gấm vóc hay phong quan là cùng, không thể ban cho chức Trạng Nguyên.
Vua Thánh Tông nói : - Tài giỏi đến như Trạng, văn chương nào bằng?
Ngài cứ phong Trạng là Trạng Nguyên.
Một hôm vua ngự giá đến chùa Thầy lễ tạ và ban cho các vị sư trụ trì rất nhiều vàng bạc để tu bổ lại chùa. Ðến khi sửa đến gác chuông, nhà vua đọc "Thiên lý trọng kim chung" rồi hỏi bách quan có ai đối được không. Tất cả đều đứng ra như phỗng.
Nhớ lại câu của Phấn Khanh tiểu thư, Trạng liền đọc: "Bát đao phân mễ phấn". Vua hết lời ca ngợi Trạng là bực tài học siêu phàm và bảo: - Ta phong cho ngươi chức Trạng Nguyên quả thật là đúng quá.
Sau đó vua ban cho cờ biển, tặng rất nhiều bạc vàng và ba chữ "Chân Trạng Nguyên" cho về vinh quy bái tổ.
Ði qua trang trại họ Bùi, Trạng rẽ vào lạy nhạc phụ, làm lễ thành hôn với Phấn tiểu thư rồi về nhà lạy mẹ. Lúc đó Dương Bà đã già lắm! Phụng dưỡng mẹ mấy tháng, Trạng và Phấn tiểu thư cùng rước mẹ vào Kinh vì có chiếu chỉ khẩn cấp. Ðến nơi mới biết nhà vua cho vời Trạng đi dẹp giặc Xiêm La.
Trạng Lợn - tức Trạng Bói - mời Trạng Vật làm tiên phong, Trạng Cờ đốc thúc thủy lộ, Trạng ăn phụ trách bộ binh. Phấn Khanh cũng lĩnh ấn, đeo gươm theo chồng đánh giặc. Ta thắng trận, hai nước Xiêm Lào chịu hàng phục, năm năm lại một lần triều cống.
Năm ấy vua Tàu sai sứ sang nước ta để phong vương cho vua Thánh Tông. Như vua Tàu còn có ý muốn thử xem vua ta ra sao. Một hôm sứ Tàu rủ nhà vua đánh cờ. Vua lo lắm, gọi Trạng Lợn vào hỏi làm cách gì để thắng cờ. Trạng tâu: - Bệ hạ cứ cho bầy bàn cờ ra giữa sân rồi sai Trạng Cờ ăn mặc giả làm lính che lọng đứng hầu. Trên lọng, dùi một lỗ thủng. Hễ Trạng Cờ xoay lọng, ánh nắng chiếu vào chỗ nào thì bệ hạ cứ nhắc quân đi vào chỗ ấy.
Vua khen phải sai lập bàn cờ. Quả nhiên đánh một lúc sứ Tàu bị dồn vào nước bí phải chịu thua.
Tuy vậy sứ Tàu chưa chịu thôi. Hôm sau y lấy cây gỗ lớn ngầm đem bào nhẵn đầu đuôi như nhau rồi đố vua Thánh Tông xem đầu nào là ngọn.
Vua lại hỏi Trạng, Trạng tâu: - Bệ hạ chớ lo, hạ thần đã có cách.
Ðêm đến bèn sai người ra phóng uế bừa bãi vào mấy cây gỗ,. Sáng, Trạng kêu rầm lên là dơ bẩn bắt khiêng gỗ ra sông rửa và dặn hễ thả xuống hấy đầu nào chìm thì đánh dấu. Khi đem gỗ về, Trạng ung dung chỉ vào đầu có dấu bảo đó là gốc.
Sứ Tầu lại càng tức, lấy cây gỗ bào nhẵn rồi sơn kín cả đi đề ba chữ "Hồ bất thực" rồi đố vua biết là cây gỗ gì:
Trạng ứng khẩu tâu vua: - Hồ bất thực là cáo chẳng ăn, cáo chẳng ăn thì cáo đói, cáo đói thì cáo gầy, cáo gầy là cây gạo.
Sứ Tàu thua mấy lần than rằng: - Ai ngờ nước Nam lại có nhiều nhân tài.
Từ đó, không dám giở trò gì nữa.
Ái Hoa (còn tiếp) _________________________ Sông rồi cạn, núi rồi mòn Thân về cát bụi, tình còn hư không |
| | | Ai Hoa
Tổng số bài gửi : 10590 Registration date : 23/11/2007
| Tiêu đề: Re: Giai Thoại Chữ Nghĩa Tue 12 Jan 2010, 14:54 | |
| Trạng Lợn dân gian: Dương Đình Chung (tt)
Nước ta thì cứ ba năm lại phải cử người đi sứ sang Tàu một lần. Lần này nhà vua cử Trạng đi. Trạng Ăn, Trạng Vật, Trạng Cờ cùng đi theo.
Tới Tam Quan, quân canh không mở cửa, một lát đem ra một cái biển có viết chữ thập, lấy tay chỉ đông chỉ tây Trạng bực mình quay lại bảo viên phó sứ : - Nó muốn dọc ngang thì khoanh cho nó một cái vòng tròn.
Thấy cái vòng tròn, quân Tàu giật mình nghĩ rằng: - Ý ta nói "tung hoành vũ trụ", thế mà nó biết đối lại là "bao quát càn khôn". Giỏi thật !
Qua tam quan rồi, đến một quãng đồng bát ngát, trông thấy một ả con gái đương vạch quần tiểu tiện, Trạng bảo viên phó sứ: - Chép đi !
Viên phó sứ thưa "Chép gì".
Trạng chặc lưỡi nói: - "Nong tay chí bẹn đỏ hân hân".
Viên phó sứ nghễnh ngãng chép ra. - "Ðông Tây chí biện đổ hân hân".
Khi đến Yên Kinh, quan sở tại ra đón vào rồi viết một vế câu đối. "Nam Bắc lai triều đồ tể tể" rồi xin sứ đối cho. Trạng quay lại bảo viên phó sứ cứ giơ cái giấy biên lúc nãy đọc lên. Viên phó sứ đọc: "Ðông Tây chí biện đổ hân hân".
Quan Tầu kinh sợ nói: - Thật là "Thần phù thủy" chớ đâu lại có người giỏi đến thế!
Vua Tàu cùng các sứ dạo vườn ngự đầy hoa thơm cỏ lạ, dưới có hồ bán nguyệt, trên hồ có đình bát giác bốn bề bỏ trống giữa đình treo hai chữ ngự thi, đó là "Trùng nhị". Vua Tàu hỏi sứ có biết đó là ý gì không. Trạng vô tình ứng khẩu đọc ngay "Phong nguyệt vô biên".
Vua Tàu có ý tả cái đình này gió trăng khắp cả. Thấy Trạng ứng khẩu nhanh nhẹn và thích ứng, vua Tàu phục sát đất.
Tháng năm năm ấy, trời không mưa, vua Tàu yêu cầu sứ ta lập đàn cầu mưa, Trạng nhận lời nhưng lo lắm vì không biết cầu đảo cách nào cho có mưa. Chợt nhớ tục bên ta thường bảo khi nào cỏ lang già và rễ si trắng là trời sắp mưa, Trạng bèn bảo lập một cái chòi cao, trên dán la liệt các thứ bùa bát quái, các vị tinh đẩu, các vị thần phù trợ, một mặt sai người đi xem hễ thấy rau lang già, rễ si trắng thì về bảo ngay.
Vài hôm sau có người về báo tin rau lang già rồi, rễ si trắng rồi, Trạng lên đài xõa tóc chống gươm bài quyết rồi đọc một tràng toàn những tiếng lóng lái heo, ai nghe cũng không hiểu mô tê gì cả như mộc tinh, thâm tinh cổ tinh, kẹo tinh, chó... tinh rồi kết cục bằng loạt linh tinh beng, linh tinh beng ma, linh tinh beng quỷ... Ðoạn cầm một bình nước lấy mỗi cành lá vẩy lên trời, hét ba tiếng khóc ba tiếng. Lễ chưa xong thì sấm sét ầm ầm, mưa xuống như trút. Vua Tàu và các quan Tàu khiếp sợ và cho rằng Gia cát Vũ Hầu ngày xưa nhất định không thể nào sánh kịp.
Hết hạn đi sứ, Trạng được về nhưng vì phục tài của Trạng vua cố nằn nì Trạng ở lại để dạy Hoàng tử. Trạng bèn sai lập một cái chòi thật cao, bắt Hoàng tử phải trèo lên. Vì sung sướng quen thân, Hoàng Tử mệt muốn chết, trèo lên tới lầu thì thở hồng hộc.
Trạng hét mắng, dặn Hoàng Tử sao không chào thầy lại đứng thở như bò. Như thế là hỗn, tiên học lễ nhiên hậu mới học văn. Trạng sai nẹt hoàng tử ra đánh, đánh rồi mắng, mắng rồi lại đánh, không dạy một chữ nào.
Thấy thầy dữ đòn quá. Hoàng hậu đành phải nói với vua Tàu xin để cho Trạng về kẻo "sứ Việt Nam nhớ nước nhớ nhà, cáu kỉnh đánh con mình có khi chết mất".
Thế là Trạng thành công trong việc thiết mưu lập kế để được vua Tàu cho về nước.
Về sau, Trạng Lơn được phong làm thượng quốc công, còn Phấn nương được phong làm Nhất phẩm phu nhân. Hai vợ chồng cùng ngao du sơn thuỷ, đàn địch ca hát nay bến này, mai bến khác, vui thú cả đời.
Hết
Ái Hoa (sưu tầm và hiệu chính) _________________________ Sông rồi cạn, núi rồi mòn Thân về cát bụi, tình còn hư không |
| | | Ai Hoa
Tổng số bài gửi : 10590 Registration date : 23/11/2007
| Tiêu đề: Re: Giai Thoại Chữ Nghĩa Tue 12 Jan 2010, 18:50 | |
| Câu đối của Lương Thế Vinh
Lương Thế Vinh người làng Cao Lương huyện Vụ Bản tỉnh Nam Định, đỗ Trạng Nguyên đời Lê năm 22 tuổi, làm quan tới chức Hàn Lâm Trực Học Sĩ. Không những giỏi thi phú, thông làu kinh sử, ông còn là một nhà khoa học đại tài, người soạn sách "Đại Thành Thập Toán", và giỏi tài giúp dân đo đạc ruộng đất chính xác, nên được gọi là Trạng Lường.
Một lần vua Lê Thánh Tông đi thị sát dân tình vùng Sơn Nam. Trên đường về vua ghé lại làng Cao Lương thăm quan Trạng. Ông cùng các chức sắc trong làng đón vua và mời đến thăm chùa. Sư cụ đang tụng kinh thấy vua tới, lập cập thế nào làm rớt chiếc quạt xuống đất mà chưa dám lượm sợ thất lễ. Viên quan tuỳ tùng nhà vua nhặt chiếc quạt đưa cho sư cụ. Vua quan thấy vậy cùng cười. Khi trở ra, tiệc rượu đã bày sẵn, vua quan cùng ngồi vào mâm trên, Trạng và các chức sắc làng ngồi chiếu dưới. Rượu ngà ngà, vua hừng chí đọc câu đối bắt các quan đối lại. Câu đối ra như sau :
_ "Đường thượng tụng kinh, sư sử sứ"
nghĩa là: "đọc kinh trên bục, sư khiến sứ" (quan sứ của vua).
Không viên quan nào đối được, bởi vì khó nhất là tìm 3 chữ đồng âm khác dấu ghép liền nhau cho có nghĩa để đối với câu "sư sử sứ" của nhà vua.
Thấy Lương Thế Vinh ngồi im, Lê Thánh Tông đắc ý ra lệnh cho quan Trạng phải đối. LTV bèn quay lại bảo người hầu mời bà Trạng tới ngay. Khi vợ tới rồi, ông đứng dậy lảo đảo bảo vợ dìu đi và xin phép vua về vì đã quá chén sợ thất lễ. Thánh Tông cười nói : _ Ngươi không đối được nên tìm cách trốn ta đấy phải không?
Quan Trạng thản nhiên đáp : _ Muôn tâu thánh thượng, thần đâu dám trái mệnh. Thần đã đối xong rồi!
Vua ngạc nhiên hỏi : _ Ngươi không say chứ? _ Muôn tâu thánh thượng, quả là thần không dám nói dối. _ Vậy thì khanh hãy đọc trẫm nghe.
LTV cao giọng : _ "Đình tiền tuý tửu, phụ phù phu".
nghĩa là: "Trước đình say rượu, vợ dìu chồng".
Thánh Tông cười vang khen ngợi : _ Quan Trạng đối rất chỉnh và sát ý. "Đường thượng" đối với "đình tiền" đã hay, "tụng kinh" với "tuý tửu" cũng chỉnh, mà "sư sử sứ" đối với "phụ phù phu" thì thật tuyệt vời, tưởng không còn vế đối nào hơn thế nữa! _________________________ Sông rồi cạn, núi rồi mòn Thân về cát bụi, tình còn hư không |
| | | Ai Hoa
Tổng số bài gửi : 10590 Registration date : 23/11/2007
| Tiêu đề: Re: Giai Thoại Chữ Nghĩa Tue 12 Jan 2010, 18:54 | |
| Trạng Trình nói lái
Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đỗ Trạng Nguyên và làm quan triều Mạc, được phong tước Trình Tuyên Hầu. Ông dâng sớ xin chém 18 tên gian thần hại nước không được chấp thuận nên từ quan về ở ẩn, vui thú điền viên. Học vấn uyên thâm, thi văn lưu loát, ông còn được biết nhiều về tài bói toán qua các bài sấm ký tiên đoán tương lai được người đời tin theo truyền tụng. Chẳng hạn bài thơ sau đây:
_ Non sông nào phải buổi bình thời Thù oán nhau chi khéo nực cười Cá vực chim rừng ai khiến đuổi Núi xương sông máu thảm đầy nơi Ngựa phi ắt có hồi quay cổ Thú dữ nên phòng lúc cắn người Ngán ngẩm việc đời chi nói nữa Bên đầm ca hát nhởn nhơ chơi (Nguyễn Bỉnh Khiêm)
Hai câu luận bài thơ được cho là lời tiên đoán về việc trung hưng của nhà Lê và sự chuyên quyền của họ Trịnh.
Lúc sinh thời ông được cả vua nhà Mạc, chúa Trịnh và chúa Nguyễn tới cầu xin ý kiến. Câu nói nổi tiếng nhứt của ông là lời khuyên chúa Nguyễn Hoàng tới nhờ ông giúp sau khi anh là Nguyễn Uông bị anh rể là Trịnh Kiểm sát hại: " Hoành Sơn nhứt đái, vạn đại dung thân " nghĩa là một rặng Hoành Sơn có thể nương thân muôn đời.
Theo lời khuyên của ông, Nguyễn Hoàng nhờ chị xin anh rể cho vào trấn ở phía Nam rặng Hoành Sơn (đèo Ngang), từ đó sáng lập ra cơ nghiệp nhà Nguyễn.
Tại Thăng Long, thời ấy chúa Trịnh cũng ra sức ức hiếp vua Lê và muốn phế bỏ, liền cho người hỏi ý kiến Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ông không trả lời và lẳng lặng dẫn sứ giả ra thăm chùa và nói với nhà sư: "Giữ chùa thờ Phật thì ăn oản", ngụ ý muốn khuyên chúa Trịnh cứ tôn phò nhà Lê thì quyền hành tất giữ được. Nếu tự ý phế lập sẽ dẫn đến binh đao. Chúa Trịnh nghe lời giữ lại ngôi vua Lê làm bình phong để nắm quyền hành.
Còn đối với nhà Mạc, sau những cuộc chiến tranh liên miên, phải bỏ chạy lên Cao Bằng thế thủ, vua Mạc cho người về hỏi ý kiến Nguyễn Bỉnh Khiêm, ông đã trả lời: "Cao Bằng tuy thiển, khả diên sổ thể" (Cao Bằng tuy đất hẹp, nhưng có thể giữ được vài đời). Quả nhiên, mãi đến năm 1688, sau ba đời giữ đất Cao Bằng, nhà Mạc mới bị diệt.
Thế gian còn truyền tụng bài sấm của ông về chiến tranh thế giới như sau: _" Long vĩ xà đầu khởi chiến tranh Can qua xứ xứ động đao binh Mã đề dương cước anh hùng tận Thân dậu niên lai kiến thái bình"
nhiều người cho rằng ứng với thế chiến II (1939-1945), mặc dù thời điểm chưa phải phù hợp lắm.
Tương truyền lúc Doanh điền Sứ Nguyễn Công Trứ phục mệnh vua Minh Mạng đi khai khẩn đất hoang vùng Hải Phòng có ra lệnh đào một con sông qua làng Trung Am quê Trạng Trình. Con sông đi thẳng qua đền thờ Trạng Trình nên sẽ phải phá đền, dân làng đến kêu quan chớ phá đền. Nguyễn Công Trứ cho là lệnh vua to hơn thần nên cứ ra lệnh phá dỡ đền đi.
Binh lính vào đền bê bàn thơ và bát nhang ra thì thấy dưới có tấm bia đá, vội khuân về trình Doanh điền Sứ. Nguyễn Công Trứ bước xuống đọc trên bia khắc dòng chữ tự lâu đời: "Minh Mạng thập tứ Thằng Trứ phá đền Phá đền thì phải làm đền Nào ai đụng đến doanh điền nhà bay!"
Năm ấy là năm Minh Mạng thứ 14. Nguyễn Công Trứ sợ toát mồ hôi trước thiên cơ thần toán biết trước hàng trăm năm của Trạng Trình, vội sai sửa sang lại đền đẹp đẽ và uy nghi hơn trước.
Người ta còn kể rằng có hai cha con người bắt chuột đồng do ham bắt đã đào hang ở đền Trạng Trình làm đổ tấm bia đá trước đền. Làng bắt cha con họ phải trồng lại bia và phạt 3 quan tiền. Khi kéo tấm bia lên trồng thì thấy dưới chân bia có hàng chữ: _ "Cha con thằng Khả Đánh ngã bia tao Làng xóm xôn xao Bắt đền TAM QUÁN"
Quả thiệt là người bắt chuột tên Khả và bị bắt phạt 3 quan tiền! Nhưng cha con họ nhà nghèo, vét hết túi cũng chỉ có quan tám, đào đâu ra thêm cho đủ 3 quan mà đóng? Có ông cử thương tình gọi tới nhà dặn dò, bày cho lão Khả cách biện bác. Lão Khả về làng xin nộp quan tám và minh rằng: _ Cụ Trạng thương chúng con nghèo nên dặn rõ ràng hai chữ câu cuối là TAM QUÁN nói lái thành QUAN TÁM. Chứ cả bài thơ gồm toàn chữ Nôm, không lý gì cụ lại dùng chữ Hán ở cuối như thế!
Làng vào đền lễ tạ, xin quẻ âm dương, được Trạng Trình cho đúng như lời lão Khả, bèn bãi lệnh nộp 3 quan tiền mà cho phép lão chỉ nộp quan tám như lời nói lái của Trạng khắc trên bia! _________________________ Sông rồi cạn, núi rồi mòn Thân về cát bụi, tình còn hư không |
| | | Ai Hoa
Tổng số bài gửi : 10590 Registration date : 23/11/2007
| Tiêu đề: Re: Giai Thoại Chữ Nghĩa Tue 12 Jan 2010, 18:56 | |
| Đoàn Thị Điểm
Trong làng văn thơ chữ nghĩa đối hoạ, không người nào không biết tới câu đối hiểm hóc tương truyền của bà Đoàn Thị Điểm đã khiến cho Trạng Quỳnh phải cả đời ấm ức khôn nguôi : _ "Da trắng vỗ bì bạch"
Hàng trăm năm sau vẫn có những bậc tài tuấn hậu sinh vò đầu bứt tóc cố tìm cách chứng tỏ mình giỏi hơn Trạng Quỳnh. Tuy nhiên vẫn chưa ai xứng đáng là đối thủ của người nữ sĩ tài ba này. Một số các câu đối còn ghi lại như sau: _ "Giấy đỏ viết chỉ chu" (không biết viết chỉ chu là viết làm sao) _ "Giếng nhỏ bé tỉnh tinh" (bé không đối với vỗ, cũng không nghe ai nói bé tỉnh tinh) _ "Nhà vàng ngồi đường hoàng" (cái nhà không có ngồi được, chỉ làm trạng ngữ chỉ nơi chốn) _ "Rừng sâu mưa lâm thâm" (cũng đối không chỉnh, vả lại chỉ có "mưa lâm râm" chớ không có "mưa lâm thâm") _ "Trời xanh màu thiên thanh" (từ màu không đối với từ vỗ)
Đoàn Thị Điểm có biệt hiệu là Hồng Hà nữ sĩ, là con của ông đồ Đoàn Doãn Nghi, quê làng Giai Phạm, huyện Văn Giang, tỉnh Bắc Ninh (1). Anh bà là Đoàn Doãn Luân cũng là người giỏi văn thơ. Chuyện kể rằng một bữa bà đang ngồi soi gương trang điểm, anh bà chọc rằng : _ "Đối kính hoạ mi, nhứt điểm phiên thành lưỡng điểm"
nghĩa là "soi gương, kẻ mày, một chấm biến thành hai chấm", đồng thời Điểm cũng là tên bà, nên có thể hiểu "soi gương, kẻ mày, một cô Điểm biến thành hai cô Điểm". Thật là tài tình, câu thơ mô tả cảnh hiện tại bà Điểm đang kẻ lông mày vô cùng chính xác.
Nhìn thấy ông anh đang đi ngoài sân cạnh cầu ao, trăng vàng soi bóng, bà ứng khẩu đáp liền : _ "Lâm trì ngoạn nguyệt, chích luân chuyển tác song luân"
nghĩa là "tới ao ngắm trăng, một vầng (trăng) chuyển ra hai vầng", mà cũng có thể hiểu là "tới ao ngắm trăng, một ông Luân chuyển ra hai ông Luân". Đối chan chát cả về ý lẫn từ, cả nghĩa đen lẫn bóng!
Lúc mới lên 5 tuổi Đoàn Thị Điểm đã nổi tiếng thần đồng. Một ngày ĐTĐ đang học Kinh Thi do ông Đồ Nghi dạy, ông đồ bèn ra câu đối thử tài con gái : _"Bạch xà đương đạo, Quý bạt kiếm nhi trảm chi"
nghĩa là "rắn trắng cản đường, ông Quý tuốt gươm mà chém" lấy tích trong Kinh Thi Hán Cao Tổ Lưu Quý (hay Lưu Bang) lúc hàn vi say rượu chém rắn giữa đường.
Cô gái 5 tuổi không do dự, đọc câu đối ngay : _"Hoàng long phụ chu, Vũ ngưỡng thiên nhi thán viết"
nghĩa là "rồng vàng nâng thuyền, vua Vũ trông trời mà than" cũng lấy tích từ trong Kinh Thi ra. Ông đồ kinh ngạc trước tài năng sớm phát của con gái mình.
Năm 16 tuổi tiếng tăm Đoàn Thị Điểm vang dội tới tận kinh đô. Quan Thượng Thư Lê Anh Tuấn là thầy cũ của ông Đồ Nghi từ kinh thành tới quê ông thăm viếng cũng nhân để coi mặt và thử tài cô gái. Ở làng Giai Phạm, quan Thượng Thư được ông đồ đón tiếp trọng thể và cho con gái ra chào. Thấy cô gái đẹp, dung mạo đoan trang, ngôn từ dịu dàng, quan Thượng Thư rất hài lòng, bèn bảo đến trước mặt, đi bảy bước đọc một câu thơ độc hành. Điểm thong thả đi, chưa tới bước thứ bảy đã đọc ngay đôi câu thơ đối : _"Đàm luận cổ kim tâm phúc hữu Trung tuỳ tả hữu cổ quan thần"
nghĩa là "nói chuyện xưa nay chỉ có bạn tâm phúc, kẻ theo hầu trung thành hai bên (phải, trái) chỉ có bầy tôi lâu năm".
Quan Thượng Thư nhổm người lên sửng sốt nói với ông đồ : _ Khá khen cho con gái ông, đẹp người đẹp nết lại thông tuệ hơn người! Lời nữ nhi mà mang vẻ trang trọng uy nghi, có khí phách bậc đại nhân. Ở Thăng Long tiếng đồn đã vang dội trong hàng nho sinh học giả, nay ta mới thấy quả là không sai, lời thiên hạ truyền đi thật là xác đáng!
Quan Thượng Thư nhận Đoàn Thị Điểm làm con nuôi, đưa về Thăng Long. Tiếng tăm người con gái nuôi của quan Thượng Thư càng lan rộng khắp kinh thành. Các công tử, văn nhân bị cuốn hút bởi sắc đẹp và tài năng của nàng, suốt ngày tìm tới dinh quan cầu thân. Trong số có Thái học sinh Đặng Trần Côn cũng mon men đưa thơ chọc ghẹo. Cô gái xem thơ cười nói rằng: _ Trẻ thơ mới học, thơ từ chả bõ ngứa tai!
Côn thẹn tức trở về nhà cố công học, sau thành danh sĩ, viết ra tác phẩm "Chinh Phụ Ngâm" được Điểm khen ngợi, chính bà tự tay dịch ra thơ Nôm bằng thể Song Thất Lục Bát, bản dịch còn lưu truyền lại tới bây giờ.
Những người yếu văn dần dần bị loại hết. Chỉ còn bốn người hay chữ nổi tiếng ở kinh thành, tục gọi là "Tràng An Tứ Hổ", ở lại thi tài (2). Cô Điểm sai người hầu mang ra vế đối bảo rằng nếu có người đối được thì cô sẽ ra tiếp khách. Câu đối như sau : _"Đình tiền thiếu nữ khuyến tân lang"
nghĩa là : "gió nhẹ trước sân làm lay động hàng cau", nhưng cũng có nghĩa là : "trước sân cô gái trẻ mời chàng rể mới".
Câu đối hiểm ở chỗ thiếu nữ vừa có nghĩa là gió nhẹ, vừa có nghĩa là cô gái trẻ, tân lang vừa có nghĩa là cây cau, vừa có nghĩa là chàng rể mới.
Tứ Hổ nghĩ mãi không ra, trời mát mà mồ hôi xuất đầm đìa, len lén rủ nhau chuồn về hết. Danh tiếng nữ sĩ càng nức Thăng Long!
Câu đối đó cho tới ngày nay chưa có người nào đối được!
AH (1) theo Nam Hải Dị Nhân thì bà là người tỉnh Hải Dương (2) Tràng An Tứ Hổ theo Phan Kế Bính là Nguyễn Huy Kỳ, Trần Danh Tân, Nguyễn Bá Cư và Võ Toại _________________________ Sông rồi cạn, núi rồi mòn Thân về cát bụi, tình còn hư không |
| | | Ai Hoa
Tổng số bài gửi : 10590 Registration date : 23/11/2007
| Tiêu đề: Re: Giai Thoại Chữ Nghĩa Tue 12 Jan 2010, 19:00 | |
| Câu đối dành cho Trạng Quỳnh
Nguyễn Quỳnh là một nhân vật văn học vang danh Bắc Hà, mà nổi tiếng nhứt là lối chơi ngỗ ngược xỏ cả vua chúa và thánh thần. Quỳnh đỗ Cống Sinh (tương đương Cử nhân) nên được gọi là Cống Quỳnh. Chức danh Trạng là do dân gian xưng tụng mà có.
Truyện dân gian hay tô vẽ thêm cho nhân vật Trạng Quỳnh thành huyền thoại với mối tình thơ văn đối đáp giữa Trạng Quỳnh và Đoàn Thị Điểm, mà kẻ bị đo ván luôn luôn là Trạng Quỳnh, do đó mà uy tín bà Điểm càng tăng cao. Truyện kể rằng ông đồ Nghi mở trường dạy học rất đông học trò bởi vì ông vừa dạy giỏi vừa có tư cách sáng ngời, mặt khác ông còn có con gái đẹp mà tài văn thơ lẫy lừng nức tiếng từ nhỏ. Để gây ấn tượng mạnh đối với thầy đồ và con gái, mỗi buổi bình văn của thầy đồ, Quỳnh khăn áo tề chỉnh tới dựa gốc bàng trước cổng chăm chú nghe. Thấy lạ, thầy đồ cho học trò gọi Quỳnh vào nhà hỏi họ tên và mục đích muốn làm gì. Quỳnh xưng tên và nói mình là nho sinh muốn theo học nhưng thiếu người tiến dẫn nên không dám đường đột. Ông đồ Nghi bảo: _ Anh là nho sinh có lòng hiếu học, nếu quyết muốn học thì ta ra câu đối này, đối được ta sẽ cho nhập học.
Quỳnh xin vâng. Ông đồ đọc: _ "Thằng quỷ ôm cái đấu đứng cửa khôi nguyên".
Trong tiếng Hán, chữ quỷ 鬼 ghép với chữ đẩu 斗 (nghĩa là cái đấu) sẽ thành chữ khôi 魁. Quỳnh suy nghĩ rất nhanh rồi đáp liền: _ "Con mộc tựa cây bàng dòm nhà bảng nhãn".
Tiếng Hán chữ mộc 木 chắp với chữ bàng 旁 thành chữ bảng 榜. Thầy đồ khen ngợi Quỳnh thông minh đĩnh ngộ nên nhận vào học. Một ngày từ phòng học Quỳnh nhìn qua cửa sổ sang phòng cô Điểm thấy Điểm vén rèm cửa sổ ngồi trước bàn, hai cửa sổ trông thẳng sang nhau. Quỳnh mở lời tán xin qua bên ấy chơi. Điểm đề nghị đọc một vế đối nếu đối được sẽ mở cửa mời qua, Quỳnh nhận lời. Điểm đọc : _ "Hai người ngồi hai bên cửa sổ song song".
Chữ "song" tiếng Hán là hai, đồng âm với chữ "song" nghĩa là cửa sổ. Song song tiếng Hán có nghĩa là hai cửa sổ lại đồng âm với "song song" là sóng đôi nhau.
Quỳnh tịt mít nghĩ mãi không ra. Điểm lại đố tiếp: _ "Cây xương rồng, giồng đất rắn, long lại hoàn long"
Quỳnh túng thế nói đại: _ "Quả dưa chuột, tuột thẳng gang, thử chơi thì thử".
Một buổi trời khuya Quỳnh trèo tường sau nhà thầy đồ định rình phòng cô Điểm, bị chó lao ra sủa. Quỳnh sợ quá leo lên cây cậy tránh. Điểm ra tựa cửa nhìn thấy Quỳnh trên cây, bụm miệng cười. Quỳnh bám mỏi tay, năn nỉ Điểm xua chó đi cho mình tuột xuống, Điểm lại đòi ra câu đối, đối được sẽ tha. Vế đối ra như sau: _"Thằng Quỳnh ngồi trên cây cậy, má đỏ hồng hồng".
Cây cậy gần giống cây hồng, trái cậy cũng màu đỏ, chữ "hồng" tiếng Hán là màu đỏ.
Quỳnh đối không được, bị ngồi trên cây tới gần sáng, Điểm mới ra xua chó cho xuống về nhà.
Hôm khác Quỳnh đang ba hoa với bạn học về việc trêu chọc cô hàng mật trên phố Mía thì Điểm tới, Điểm đọc luôn vế đối: _"Lên phố MÍA gặp cô hàng MẬT, cầm tay KẸO lại hỏi thăm ĐƯỜNG".
Một vế đối có đủ mía, mật, kẹo, đường toàn là của ngọt cả! Quỳnh và cả đám nho sinh ngây mặt không đối được.
Một lần giáp Tết, Quỳnh đi tới nhà thầy gặp trời mưa ướt lướt thướt. Điểm đang ngồi gói nem, mới mời Quỳnh ăn. Quỳnh đáp: _ Chả thích nem, chỉ thích giò thôi!
Điểm biết Quỳnh trêu mình bèn bảo : _ Đối được thì sẽ cho giò.
Rồi đọc : _ "Trời mưa, đất THỊT trơn như MỠ, DÒ đến hàng NEM, CHẢ muốn ăn!
"Dò" đồng âm với "giò", "chả" là chẳng, lại có nghĩa là thức ăn từ thịt. Vế đối có cả "thịt, mỡ, giò, nem, chả" thì Trạng cũng đành phải thua! _________________________ Sông rồi cạn, núi rồi mòn Thân về cát bụi, tình còn hư không |
| | | Sponsored content
| Tiêu đề: Re: Giai Thoại Chữ Nghĩa | |
| |
| | | |
Similar topics | |
|
Trang 3 trong tổng số 10 trang | Chuyển đến trang : 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10 | |
| Permissions in this forum: | Bạn không có quyền trả lời bài viết
| |
| |
| |