Tổng số bài gửi : 7185 Registration date : 01/04/2011
Tiêu đề: Re: Cuộc tấn công của Nga vào Ukraina 2022 Mon 16 Jan 2023, 06:58
Mở mặt trận Crimea để giải quyết vấn đề Crimea
Nguyễn Ngọc Chu
1. THAY ĐỔI BỘ MẶT CHIẾN TRANH
Đại tướng Sergei Shoigu là Bộ trưởng Bộ quốc phòng Nga. Nhưng ông không phải là nhà quân sự. Bộ mặt quân sự Nga là Tổng tham mưu trưởng đại tướng Valery Gerasimov.
Giai đoạn đầu chiến tranh từ ngày 24/2/2022, chỉ huy quân đội Nga trong cuộc chiến tranh Nga – Ukraine là các tư lệnh quân khu. Nghĩa là để giải quyết Ukraine chỉ cần các quân khu. Nhưng liên tiếp thất bại về mục tiêu xâm chiếm Ukraine, ngày 8/10/2022 ông Putin đã phải bổ nhiệm Tư lệnh lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga, đại tướng Sergey Surovikin, làm tổng tư lệnh chiến trường. Nghĩa là phải dùng đến tư lệnh binh chủng, chứ không phải tư lệnh quân khu nữa.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu (trái) và Tổng tham mưu trưởng Valery Gerasimov thăm trụ sở của các lực lượng vũ trang Nga tham gia vào các hoạt động quân sự ở Ukraine, tại một địa điểm không xác định ở Nga. Bức ảnh này được công bố ngày 17-12-2022. Nguồn: Sputnik/ Gavriil Grigorov/ Kremlin/ REUTERS
Nhưng tư lệnh binh chủng Surovikin dù có chiến tích ở chiến trường Syria cũng không làm nên trò trống gì ở Ukraine ngoài thất bại rút khỏi Kherson. Ngày 11/1/2023, ông Putin bổ nhiệm Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga đại tướng Valery Gerasimov làm tổng tư lệnh chiến trường. Trong vòng chưa đầy 11 tháng, Nga đã 3 lần thay tư lệnh chiến trường. Lần thứ 3 là át chủ bài của quân đội Nga.
Trước ngày 11/1/2023, mọi quyết định lớn trên chiến trường đều phải báo cáo cho tướng Gerasimov. Hơn thế nữa, kế hoạch đánh chiếm Ukraine cũng có vai trò to lớn của Gerasimov. Thay đổi mục tiêu đánh chiếm cùng với kế hoạch tác chiến cũng dưới quyền chỉ huy của Gerasimov. Gerasimov cũng đã từng đi thị sát chiến trường Ukraine, bị Ukraine biết nên lên kế hoạch tiêu diệt, nhưng đã may mắn sống sót, phải vội vã rút ngay về Nga. Kể từ ngày 11/1/2023, tướng Gerasimov là người trực tiếp lên kế hoạch và thông qua kế hoạch. Mọi kết quả của Nga ở chiến trường Ukraine là do tướng Gerasimov trực tiếp chịu trách nhiệm.
Với việc bổ nhiệm Tổng tham mưu trưởng Valery Gerasimov làm tổng tư lệnh chiến trường, bộ mặt chiến tranh của Nga trên mặt trận đã thay đổi. Giờ đây, chỉ huy quân Nga trên chiến trường Nga – Ukraine, không phải là tư lệnh quân khu, cũng không phải tư lệnh binh chủng, mà là Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga. Sự tham gia của Nga vào cuộc chiến Nga – Ukraine không phải là các quân khu, cũng không phải là các binh chủng, mà là toàn bộ quân đội Nga. Bộ mặt chiến tranh của Nga ở Ukraine đã thay đổi toàn diện. Cuộc chiến tranh Nga – Ukraine là cuộc chiến tranh của toàn bộ quân đội Nga.
Bổ nhiệm tướng Gerasimov làm Tổng tư lệnh chiến trường, ông Putin đã đưa bộ 3 hạt nhân Nga: Putin – Soigu – Gerasimov vào cùng một chiến hào.
2. MỞ RỘNG LÃNH THỔ LÀ MỤC TIÊU KHÔNG THAY ĐỔI CỦA ÔNG PUTIN
Ngay từ đầu chiến tranh 24/2/2022, mục đích thực sự của ông Putin đã bị lật tẩy. Chính phủ phát xít, mối đe doạ NATO, Ukraine là do Lenin tạo ra, Nga và Ukraine là một dân tộc… tất cả chỉ là cớ. Mục đích cuối cùng là lãnh thổ. Nhưng vì thất bại trên chiến trường mà ông Putin chia mục đích lãnh thổ ra nhiều mức. Tiểu mục đích là 4 tỉnh của Ukraine bao gồm Luhansk, Donetsk, Zaporizhizhyia, Kherson mà ông Putin đã tuyên bố là lãnh thổ của Nga. Mục đích trung bình là cộng thêm các tỉnh miền Nam Ukraine gồm Mykolayiv, Odessa nối tới Transnistria của Mondova; biến toàn bộ miền Đông và Nam Ukraine thành của Nga. Mục đích lớn là đánh chiếm Kiev, xoá bỏ Ukraine.
Chiến sự đẫm máu khốc liệt ở Soledar và Bakhmut nói lên quyết tâm của ông Putin phải chiếm bằng được toàn bộ tỉnh Donetsk, một trong những tỉnh quan trọng nhất ở miền Đông Ukraine. Quân Wagner của Prigozhin gồm những tội phạm muốn thoát án tử hình nên liều lĩnh, gồm những kẻ chuyên nghiệp đánh thuê kiếm tiền nên thiện nghệ. Đó là đội quân tinh nhuệ hạng nhất của phía Nga, vượt xa cả quân chính quy Nga. Prigozhin muốn chiếm được một thành phố dù nhỏ để chứng tỏ trước Putin. Putin đang muốn có một chiến thắng, một dịch chuyển chiến tuyến lên phía trước dù vài kilomet để lấy tinh thần. Vì thế, phía Nga đang dồn binh khí cho Wagner để quyết chiếm Soledar và Bakhmut. Nhưng phía Ukraine không thể lùi. Bởi thế, chiến trường Soledar và Bakhmut vô cùng đẫm máu.
Ông Putin không có ý định dừng ở Bakhmut. Phía Nga đã mở rộng tuổi tòng quần từ 21- 30 tuổi. Sau đợt động viên 300.000 cuối năm 2022, phía Nga rồi sẽ huy động thêm nhiều đợt tuyển quân mới. Quân đội Nga sẽ tăng lên 1,5 – 2 triệu quân và hơn thế nữa để cho ông Putin giành cho được trọn 4 tỉnh Luhansk, Donetsk, Zaporizhizhyia, Kherson mà ông đã vội vã tuyên bố là lãnh thổ Nga.
Rất tỉnh táo, lãnh đạo Ukraine cũng như nguyên thủ nhiều nước đã xác định rõ ràng, rằng không thể có đàm phán khi phía ông Putin có lợi thế hay cầm cự được trên chiến trường. Đàm phán trong điều kiện Ukraine phải chấp nhận đất bị Nga tạm thời chiếm đóng là lãnh thổ của Nga là điều hoang tưởng. Đề nghị đàm phán của phía ông Putin chỉ để kéo dài thời gian giúp quân đội Nga tập trung lực lượng mới, rồi mở đợt tấn công mới. Ông Putin phải bị đánh bại, hay trên đường đi đến đại bại, thì mới có thể ngồi vào bàn đàm phán.
3. MỞ MẶT TRẬN CRIMEA LÀ CÁCH TỐT NHẤT ĐỂ GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ CRIMEA
Crimea mà ông Putin chiếm đoạt của Ukraine từ năm 2014 là vấn đề nan giải nhất cho kết thúc chiến tranh Nga – Ukraine. Không ít các nguyên thủ quốc gia lo sợ khi Ukraine giải phóng Crimea thì ông Putin sẽ sử dụng bom nguyên tử. Nhưng Ukraine kiên quyết không từ bỏ lãnh thổ, không tử bỏ Crimea để đổi lấy hoà bình. Đàm phán hoà bình để quay lại tình trạng biên giới trước ngày 24/2/202 là thất bại đối với Ukraine.
Ông Putin kiên quyết không đưa vấn đề Crimea vào danh mục đàm phán. Vậy cách tốt nhất để đưa Crimea vào đối tượng phải đàm phán là mở mặt trận Crimea ngay khi đang giao tranh trên toàn tuyến. Biến Crimea thành chiến trường như Luhansk, Donetsk, Zaporizhizhyia, Kherson thì mới trở thành đối tượng bắt buộc phải giải quyết trên bàn đàm phán. Giao tranh trên toàn tuyến chưa phân thắng bại không phải là lý do và tình thế để ông Putin liều lĩnh sử dụng vũ khí hạt nhân.
Ông Putin chưa đủ binh lực để thắng tại Soledar và Bakhmut. Tướng Gerasimov rồi cũng không thể xoay chuyển được thế trận. Mở thêm mặt trận Zaporizhizhyia – Kherson – Crimea sẽ làm cho lực lượng của tướng Gerasimov phải phân tán. Lấy lại một phần lãnh thổ Crimea là vấn đề Crimea không thể tách rời trong mọi giải pháp.
Các nhà nhà lãnh đạo Ukraine giàu lòng dũng cảm và thừa đủ sáng suốt biết phải làm gì để đi đến chiến thắng cuối cùng: giải phóng toàn bộ lãnh thổ Ukraine theo đường biên giới năm 1991.
4. CHIẾN THẮNG CỦA UKRAINE CÓ LỢI TRỰC TIẾP CHO CÁC NƯỚC ĐÔNG NAM Á
Sự hy sinh của nhân dân Ukraine chống lại sự xâm lược của Putin không những chỉ vì châu Âu, vì công lý, vì bảo vệ Hiến chương Liên Hợp quốc, mà còn góp phần giúp cho Đông Nam Á duy trì hoà bình, củng cố sức mạnh.
Nếu ông Putin thắng, ông Tập Cận Bình sẽ hành động ngang ngược ở Biển Đông. Sự thất bại của ông Putin làm cho ông Tập Cận Bình phải thay đổi chiến lược địa chính trị trên toàn thế giới, phải định hình lại quan hệ với Mỹ, phải chùn tay trong mưu toan dùng vũ lực ở Biển Đông.
Trung Quốc vừa bổ nhiệm Đại sứ tại Mỹ là Tần Cương làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Tần Cương là người chủ trương phát triển quan hệ thân thiện với Hoa Kỳ. Trang tin của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã cho đăng lại bài báo của Tần Cương trên Washington Post ngày 4/1/2023, khẳng định “Tương lai hành tinh phụ thuộc vào sự ổn định của quan hệ Trung – Mỹ” (“The planet’s future depends on a stable China – U.S. relationship”. Rằng “thế giới đủ rộng cho Trung Quốc và Mỹ để cả hai cùng phát triển và thịnh vượng”.
Ông Tập Cận Bình cũng bẻ lái trong quan hệ Trung – Nga. Trong cuộc trao đổi điện thoại đầu tiên trên cương vị Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc ngày 10/1/2023, theo lịch hẹn của Bộ trưởng Ngoai giao Nga Sergey Lavrov, ông Tần Cương đã cho thấy sự thay đổi quan điểm của Trung Quốc trong quan hệ với Nga. Thay vì chiến lược “ba không” trước đây là “không điểm dừng, không vùng cấm, không giới hạn” thì ông Tần Cương đã giải thích cho ông Lavrov quan điểm “ba không” mới của Trung Quốc là “không liên kết, không đối đầu, không nhằm vào các bên thứ ba”. Với sự thay đổi quan hệ này, hy vọng của ông Putin vào Trung Quốc xem như kết thúc. Ông Putin có thêm bài học về Trung Quốc, nhưng đã muộn.
Ông Tập Cận Bình đã nhìn thấy những tổn thất to lớn của Trung Quốc trong mấy năm qua khi quan hệ Trung – Mỹ căng thẳng. Ông Tập cận Bình đã nhìn thấy cả thế giới phản ứng với ông Putin như thế nào. Là bậc thầy của chiến lược “toạ sơn quan hổ đấu”, Tập Cận Bình thừa biết không thể vì Putin mà để bị thế giới cô lập. Qua việc bổ nhiệm Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, Tần Cương làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Tập Cận Bình gửi đi tín hiệu về sự đổi chiều trong quan hệ quốc tế.
Sức mạnh quân sự của Trung Quốc dựa trên các vũ khí sao chép của Liên Xô đã được chính Trung Quốc thức tỉnh từ thực tế của chiến tranh Nga – Ukraine. Sự ủng hộ rộng rãi, mạnh mẽ của cả thế giới cho Ukraine, sự cô lập toàn diện đối với Putin là tấm gương cho Tập Cận Bình soi chiếu khi hành động quân sự ở Biển Đông. Ở mặt khác nữa, các nước Việt Nam, Indonesia, Philippines, Malaysia từ thực tế chiến sự Nga – Ukraine, đã rút ra bài học tức thời để thay đổi chiến lược mua sắm vũ khí và xây dựng lại quân đội.
Châu Âu chịu ơn nhân dân Ukraine. Nhân loại tiến bộ biết ơn nhân dân Ukraine. Các nước Đông Nam Á có biển bị đường lưỡi bò của Trung Quốc xâm phạm, nợ nhân dân Ukraine, không chỉ lời cảm ơn.
Nguồn: Báo Tiếng Dân
Trà Mi
Tổng số bài gửi : 7185 Registration date : 01/04/2011
Tiêu đề: Re: Cuộc tấn công của Nga vào Ukraina 2022 Mon 01 May 2023, 12:53
BỐI CẢNH
Sau khi rời khỏi Liên Xô và tuyên bố độc lập vào ngày 24.8.1991, Ukraine vẫn chịu sự ảnh hưởng từ Moscow nhưng cũng dần hướng mối quan hệ sang phương Tây.
Năm 2005, ứng cử viên thân phương Tây Viktor Yushchenko trở thành tổng thống và cầm quyền đến năm 2010. Sau đó, người kế nhiệm thân Nga Viktor Yanukovich chấm dứt thỏa thuận liên kết của Ukraine với Liên minh châu Âu (EU), gây ra làn sóng biểu tình lớn dẫn đến việc ông bị lật đổ và phải chạy sang Moscow vào năm 2014.
Cùng năm, Nga tuyên bố sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine sau một cuộc trưng cầu dân ý nhưng không được Kyiv công nhận. Phe ly khai thân Nga tại Donetsk và Luhansk ở miền đông Ukraine năm đó kêu gọi thành lập “nhà nước cộng hòa nhân dân” tự xưng. Xung đột bùng phát giữa quân đội chính phủ Ukraine và lực lượng ly khai khiến cả chục ngàn người thiệt mạng và cả triệu người phải rời khỏi nơi sinh sống.
Tháng 2.2015, Đức và Pháp làm trung gian thiết lập thỏa thuận ngừng bắn giữa các bên, trong đó Nga làm đại diện cho phe ly khai. Dù vậy, xung đột thỉnh thoảng vẫn tiếp diễn.
Tháng 6.2017, quốc hội Ukraine bỏ phiếu thông qua mục tiêu gia nhập NATO. Tháng 9.2020, Tổng thống Volodymyr Zelensky xác định gia nhập NATO là mục tiêu chiến lược quốc gia.
Từ tháng 3-4.2021, Nga bắt đầu đưa lực lượng đến gần biên giới Ukraine. Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nga vào tháng 6 cùng năm tại Thụy Sĩ không giúp chấm dứt khủng hoảng tại Ukraine. Tháng 12.2021, Nga đưa ra những yêu cầu về đảm bảo an ninh, trong đó NATO phải từ chối kết nạp Ukraine. Từ khi Liên Xô tan rã, NATO liên tục mở rộng lãnh thổ về sườn phía đông khi kết nạp thêm nhiều nước từng nằm trong Liên Xô. Nga coi đây là mối đe dọa đối với sự sống còn của nước này.
Cuối năm 2021, số lượng binh sĩ Nga tập trung gần biên giới Ukraine ước tính lên đến 100.000 người hoặc hơn. Ukraine cảnh báo Nga đang tập hợp lực lượng chuẩn bị cho một cuộc tấn công vào đầu năm sau. Từ tháng 1-2.2022, nhiều cuộc gặp giữa các nhà ngoại giao phương Tây và Nga diễn ra nhưng không giúp tình hình hạ nhiệt. Ngày 2.2.2022, Mỹ đưa thêm quân đến các nước đồng minh ở sườn phía đông NATO. Ngày 10.2.2022, Nga và Belarus tập trận chung gần biên giới Ukraine. Ngày 17.2.2022, các bên tại miền đông Ukraine leo thang đấu pháo tại tiền tuyến. Phe ly khai sau đó bắt đầu sơ tán người dân sang Nga.
Ngày 21.2.2022, Nga công nhận phe ly khai tại vùng Donbass miền đông Ukraine là “cộng hòa độc lập” và đưa quân đến các vùng này với sứ mệnh “gìn giữ hòa bình”. Ngày 24.2.2022, “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga tại Ukraine chính thức bắt đầu với mục tiêu mà Nga đưa ra là “phi quân sự hóa, phi phát xít hóa” Ukraine và bảo vệ cộng đồng nói tiếng Nga tại Donbass.
CÁC GIAI ĐOẠN CHIẾN SỰ
Ngay sau khi Tổng thống Putin phát động chiến dịch vào sáng 24.2.2022, những tiếng nổ lớn vang lên khắp các thành phố lớn ở Ukraine như Kyiv, Kharkiv, Odessa. Lực lượng Nga tiến vào Ukraine từ 3 hướng Belarus ở miền bắc, Nga ở miền đông và Crimea ở miền nam. Trưa cùng ngày, Tổng thống Zelensky chính thức cắt đứt quan hệ ngoại giao với Nga. Toàn bộ không phận bị đóng đối với máy bay dân sự do nguy cơ an toàn. Thiết quân luật và lệnh động viên được ban hành tại Ukraine. Nhiều người dân sơ tán sang các nước châu Âu.
(Nguồn: Thanh Niên)
Trà Mi
Tổng số bài gửi : 7185 Registration date : 01/04/2011
Tiêu đề: Re: Cuộc tấn công của Nga vào Ukraina 2022 Tue 02 May 2023, 09:25
Trước khi chiến sự bùng nổ vào ngày 24.2.2022, lực lượng ly khai thân Nga chỉ kiểm soát một phần 2 tỉnh Donetsk và Luhansk tại miền đông Ukraine, trong khi Moscow kiểm soát bán đảo Crimea từ khi sáp nhập vào năm 2014.
Bản đồ thể hiện vùng do phe ly khai kiểm soát trước ngày 24.2.2022. Nguồn: CNN
Tính đến ngày 28.2.2022, Nga chỉ còn cách trung tâm Kyiv khoảng 25 km. Ngoài mục tiêu bao vây thành phố, Nga còn muốn thiết lập hành lang trên bộ kết nối Crimea với lãnh thổ Nga thông qua khu vực đông nam Ukraine. Đến cuối tháng 3.2022, lực lượng Nga đã giành được những khu vực rộng lớn.
Bản đồ chiến sự tính đến ngày 30.3.2022. Nguồn: CNN
Tuy nhiên, thành công của Nga không kéo dài lâu. Sự kháng cự dai dẳng của Ukraine xung quanh Kyiv đã buộc các lực lượng Nga phải từ bỏ cuộc tấn công vào thủ đô và xác định lại mục tiêu. Sau đó, Nga chuyển sự tập trung sang vùng Donbass ở phía đông. Tuy nhiên, nhiều tháng sau đó Nga gặp bế tắc. Ukraine ngày càng nhận được nhiều vũ khí hơn từ phương Tây, bao gồm cả các hệ thống pháo tầm xa từ Mỹ, và đã tấn công các kho vũ khí của Nga, làm suy yếu hệ thống phòng thủ của nước này.
Sau đó, Ukraine bắt đầu đánh tiếng về một cuộc phản công tiềm tàng ở Kherson tại miền nam. Tuy nhiên, bước đột phá của Ukraine lần đầu tiên diễn ra ở mặt trận phía đông. Vào đầu tháng 9.2022, các lực lượng Ukraine đã chọc thủng tuyến phòng thủ của Nga ở phía đông nam Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của Ukraine. Chỉ trong vài ngày, Ukraine đã giành lại khoảng 6.000 km2 lãnh thổ, theo BBC.
Trong khi đó, cuộc tấn công được hứa hẹn từ lâu ở Kherson cuối cùng đã đạt được tiến triển vào đầu tháng 10.2022, khi Ukraine đẩy lùi lực lượng Nga khỏi khu vực khoảng 30 km dọc theo bờ phía tây của sông Dnipro. Một tháng sau, Nga tuyên bố sẽ rút toàn bộ khỏi khu vực đó, để Ukraine tái kiểm soát thành phố Kherson.
Những bước tiến của Ukraine bắt đầu chậm lại khi mùa đông bắt đầu và việc Nga huy động tân binh. Tuy nhiên, quy mô phản công của Ukraine được đánh giá đáng kể. Vào cuối tháng 1.2023, Bộ Quốc phòng Anh cho biết Ukraine đã giành lại 54% lãnh thổ mà Nga đã kiểm soát kể từ ngày 24.2.2022. Thời gian gần đây, các quan chức Ukraine cảnh báo rằng Nga đang lên kế hoạch cho một cuộc tấn công quy mô lớn. Cuộc tấn công đó có lẽ đã bắt đầu, tập trung vào Donbass.
Sau khi rút lui khỏi nhiều mặt trận trong nửa sau năm 2022, lực lượng Nga đã dần bật lại tại miền đông khi chiến sự gần bước sang năm thứ hai.
Ngày 13.1, phía Nga thông báo đã kiểm soát thị trấn Soledar ở Donetsk, trong đó lực lượng đánh thuê Wagner đóng vai trò then chốt. Đây được cho là thành công đáng chú ý đầu tiên của Nga trên chiến trường sau nửa năm.
Hiện nay, Nga đang tập trung pháo kích và tấn công bằng bộ binh gần thành phố Bakhmut, nơi đã bị tàn phá nặng nề sau nhiều tháng giao tranh. Việc giành Bakhmut là mục tiêu chiến lược của lực lượng Nga vì đó sẽ là bàn đạp để tiến về các thành phố lớn hơn kế tiếp là Sloviansk và Kramatorsk.
Quân nhân Ukraine chiến đấu tại Bakhmut ngày 13.2.2023. Ảnh: Reuters
Với dân số trước xung đột là 70.000 người, Bakhmut giờ đây được miêu tả gần như trở thành “thành phố ma”. Từ cuối năm ngoái, Bakhmut đã được miêu tả như một “vũng lầy máu” thực sự cho lực lượng Ukraine và Nga với hàng trăm binh sĩ thiệt mạng và bị thương mỗi ngày, trong khi không bên nào đạt bước tiến lớn giữa điều kiện chiến trường khắc nghiệt. Cơ sở hạ tầng của thành phố bị phá hủy nghiêm trọng và nó được so sánh với Mariupol.
Đường sá Bakhmut vắng tanh ngày 15.2.2023. Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, từ ngày 7-12.2, lực lượng Wagner đã tiến thêm nhiều km quanh khu vực phía bắc Bakhmut và bắt đầu bao vây thành phố. Đây được coi là diễn biến nhanh bất ngờ khi tiền tuyến tại khu vực “bị đóng băng” trong nhiều tháng, theo Reuters.
Ngày 14.2, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng Nga đang gấp rút giành thêm nhiều vùng nhất có thể tại miền đông và miền nam trước khi Ukraine nhận xe tăng hiện đại và các vũ khí có khả năng thay đổi cục diện từ NATO và phương Tây.
Hiện Ukraine đang sử dụng nhiều đạn pháo hơn mức mà phương Tây có thể sản xuất. NATO cũng đang cân nhắc việc cung cấp chiến đấu cơ và tên lửa tầm xa cho cuộc tiến công được dự báo là sẽ diễn ra trong mùa xuân.
Từ đầu chiến sự, Nga đã 2 lần công phá thị trấn Vuhledar tại Donetsk nhưng không thành công. “Sự bất quá tam”, lực lượng Nga đang hy vọng đợt tiến công lần này sẽ thành công khi chiến dịch sắp bước sang năm thứ hai, theo đài RT.
Vuhledar được dựng lên cho cư dân làm việc tại mỏ than gần đó. Thị trấn có những tòa nhà cao tầng và những hầm ngầm kiên cố, bao quanh là cánh đồng rộng và bằng phẳng, theo CNN. Việc duy trì kiểm soát thị trấn sẽ giúp Ukraine đe dọa cắt đứt tuyến đường sắt quan trọng gần đó do Nga nắm giữ, kết nối Donetsk với bán đảo Crimea.
Vuhledar có vị trí chiến lược mà nếu giành được sẽ giúp Nga thay đổi cán cân sức mạnh tại Donetsk và cải thiện việc phòng thủ thành phố Melitopol ở Zaporizhzhia, theo đài RT. Bên cạnh đó, giành được Vuhledar cũng giúp Nga tạo được mũi tấn công móc lên hướng bắc cho cuộc tiến công mùa xuân đang được dự tính.
Video do Ukraine công bố ngày 27.1.2023 cho thấy cảnh thị trấn Vuhledar bị tàn phá. Nguồn: Reuters
Nga và phe ly khai ở Donetsk bắt đầu tấn công Vuhledar từ ngày 24.1.2023 nhưng vẫn chưa đạt tiến triển lớn. Bộ Quốc phòng Nga gần đây nhấn mạnh cuộc tấn công Vuhledar do Lữ đoàn thủy quân lục chiến 155 làm chủ lực vẫn diễn ra như kế hoạch. Tuy nhiên, lãnh đạo phe ly khai “Cộng hòa Nhân dân Donetsk” tự xưng Denis Pushilin gần đây thừa nhận khu vực đang “nóng rực” và lực lượng Ukraine tiếp tục đưa lượng lớn binh sĩ đến làm chậm bước tiến của Nga.
Những ngày qua, nhiều hình ảnh và video được quân đội Ukraine công bố cho thấy những thiệt hại của lực lượng Nga tại điểm nóng này như xe tăng, xe thiết giáp nổ tung khi chạy vào bãi mìn, máy bay không người lái của Ukraine thả chất nổ vào xe tăng...
Một đoạn video được quân đội Ukraine công bố ngày 10.2.2023 quay cảnh đoàn xe quân sự Nga bị tấn công tại Vuhledar. Nguồn: Twitter quân đội Ukraine
Theo CNN, Nga thiệt hại ít nhất 24 xe tăng và xe chiến đấu bộ binh chỉ trong vài ngày. Trong khi đó, Politico hôm 12.2 dẫn lời phát ngôn viên Oleksiy Dmytrashkivskyi của quân đội Ukraine cho biết Nga mất 130 xe thiết giáp trong một tuần, trong đó có 36 xe tăng và thiệt hại khoảng 150-300 binh sĩ mỗi ngày gần Vuhledar. Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace dẫn một số báo cáo cho biết “cả lữ đoàn của Nga đã bị hủy diệt” tại Vuhledar và Moscow mất hơn 1.000 binh sĩ trong chỉ 2 ngày.
Nga chưa bình luận về con số này. Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát quân sự của Nga cũng thừa nhận những sai lầm chiến thuật và chỉ trích giới chỉ huy quân sự.
Tờ The Moscow Times dẫn phân tích của các chuyên gia cho rằng chiến sự căng thẳng tại Vuhledar cũng như Bakhmut báo hiệu sự mở đầu của đợt tiến công lớn của Nga tại Ukraine để đánh dấu một năm xung đột. Các chuyên gia đánh giá việc leo thang đối đầu quân sự có thể khiến số thương vong tăng mạnh trong thời gian tới.
(Nguồn: Thanh Niên)
Trà Mi
Tổng số bài gửi : 7185 Registration date : 01/04/2011
Tiêu đề: Re: Cuộc tấn công của Nga vào Ukraina 2022 Wed 03 May 2023, 07:58
Các số liệu cho thấy quân Nga và Ukraine đều tổn thất nặng sau một năm xung đột, nhưng số lượng quân và khí tài của Nga vẫn còn vượt trội so với Ukraine.
Quân nhân Nga đứng ở vị trí chiến đấu bên tả ngạn sông Dnipro ở Zaporizhzhia ngày 26.11.2022. Ảnh: Reuters
Nguồn: IISS, Global Fire Power, CBC
Trong tháng 10.2022, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tuyên bố nước này đã hoàn thành mục tiêu huy động 300.000 lính dự bị cho chiến dịch quân sự ở Ukraine. Đến ngày 6.2.2023, Phó giám đốc tình báo quân đội Ukraine Vadym Skibitsky cho rằng Nga chuẩn bị huy động thêm 300.000 đến 500.000 quân để duy trì một cuộc tấn công lớn ở vùng Donbass.
Các số liệu cho thấy quân đội Nga và Ukraine đều tổn thất nặng, dù mỗi bên đưa ra các con số khác nhau. Các số liệu dưới đây do Bộ Quốc phòng Nga, quân đội Ukraine và Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ đưa ra.
Cuộc xung đột cũng đã gây tổn thất nặng về khí tài quân sự cho Nga và Ukraine, dù các con số do mỗi bên đưa ra khác nhau. Số liệu dưới đây do Bộ Quốc phòng Nga và quân đội Ukraine công bố.
Một người đàn ông đi gần chiếc xe tăng Nga bị phá hủy ở, ngoại ô Kyiv ngày 29.1. Ảnh: Reuters
Nhìn chung, khoảng cách về sức mạnh quân sự giữa Ukraine và Nga đang giảm dần. Có sự thay đổi này vì Nga chịu tổn thất nặng nề và vì Ukraine duy trì hoặc thậm chí củng cố sức mạnh của mình nhờ sự giúp đỡ của các đồng minh phương Tây và chiến lợi phẩm, theo Euromaidanpress.com.
Tính đến tháng 12.2022, số lượng pháo và hệ thống rốc két đa nòng do các nước NATO đã cung cấp cho Ukraine còn hơn 440, trong đó có 130 lựu pháo M777 và 22 hệ thống rốc két pháo binh cơ động cao (HIMARS) do Mỹ cung cấp, theo Euromaidanpress.com.
Về tổn thất kinh tế, số liệu do Bộ Kinh tế Ukraine đưa ra vào tháng 1.2023 cho thấy GDP của nước này trong năm 2022 giảm 30,4%. Trong khi đó, Số liệu do Ngân hàng Trung ương Nga công bố vào tháng 2.2023 cho thấy GDP của Nga trong năm 2022 giảm 2,5%. Ước tính chi phí tái thiết Ukraine là 525 tỉ-630 tỉ USD, con số do Ngân hàng Thế giới đưa ra vào tháng 12.2022.
(Nguồn: Thanh Niên)
Trà Mi
Tổng số bài gửi : 7185 Registration date : 01/04/2011
Tiêu đề: Re: Cuộc tấn công của Nga vào Ukraina 2022 Thu 04 May 2023, 07:09
Xung đột ở Ukraine đã khiến quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Nga và phương Tây kể từ sự kiện Moscow sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014 tiếp tục xuống mức thấp hơn. Phương Tây, dẫn đầu là Mỹ, không công nhận tuyên bố chủ quyền của Nga đối với Crimea cũng như bất cứ khu vực nào của Ukraine mà Moscow sáp nhập.
Lập trường của phương Tây là ủng hộ Ukraine “khôi phục chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ”, nhưng không muốn trực tiếp tham chiến hoặc đối đầu trực diện với Nga trên chiến trường. Trước khi xung đột nổ ra, phương Tây ủng hộ việc giải quyết căng thẳng ở vùng Donbass thông qua các thỏa thuận Minsk. Trong khi đó, Nga cực lực phản đối việc NATO mở rộng về phía đông, cho rằng đây là nguy cơ an ninh quốc gia đối với Nga và muốn Ukraine tiếp tục đứng ở vị trí trung lập.
Áp lực kinh tế, cô lập đối với Nga sẽ ra sao trong năm 2023?
Các cường quốc phương Tây và đối tác của họ đã tiến hành nhiều nỗ lực để tăng cường sức mạnh cho Ukraine, đồng thời bóp nghẹt nền kinh tế Nga và cô lập Moscow trên trường quốc tế. Tính đến tháng 2.2023, Mỹ đã hỗ trợ Ukraine tổng cộng hơn 50 tỉ USD, bao gồm việc cung cấp các loại vũ khí tối tân, chẳng hạn như hệ thống rốc két pháo binh cơ động cao (HIMARS), máy bay trực thăng, máy bay không người lái và xe tăng. Một số đồng minh NATO cũng cung cấp viện trợ tương tự, nổi bật là việc Đức đồng ý cung cấp xe tăng chiến đấu Leopard.
Tổng thống Ukraine cùng lãnh đạo Liên minh châu Âu. Reuters
Vũ khí của phương Tây đã giúp Ukraine duy trì khả năng chiến đấu và trong nhiều trường hợp đã làm thay đổi thế trận theo hướng có lợi cho lực lượng của Kyiv. Phương Tây thậm chí đang cân nhắc cung cấp cả chiến đấu cơ cho Kyiv, động thái mà nếu diễn ra sẽ có thể khiến xung đột leo thang khó lường.
Tổng thống Nga Putin và các quan chức cấp cao của Moscow đã liên tục cảnh báo rằng việc phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine đồng nghĩa với việc họ trực tiếp tham chiến, đồng thời đe dọa leo thang chiến sự, thậm chí sử dụng vũ khí hạt nhân. Những tuyên bố từ Moscow đã khiến nguy cơ chiến tranh hạt nhân tăng lên mức cao nhất kể từ Khủng hoảng Tên lửa Cuba năm 1962, cũng như dẫn đến những câu hỏi như liệu chiến tranh thế giới thứ ba có xảy ra hay không.
Giới chức Nga không ít lần cáo buộc Mỹ và phương Tây tiến hành “chiến tranh ủy nhiệm” ở Ukraine, muốn thay đổi chế độ ở Moscow, thậm chí muốn tiêu diệt nước Nga. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov mới đây nói phương Tây đã đẩy quan hệ với Moscow đến “điểm không thể quay đầu” bằng việc ủng hộ Kyiv.
Trong khi đó, chính sách trừng phạt của phương Tây áp đặt lên Nga đã được mở rộng rất nhiều, bao trùm hầu hết các lĩnh vực tài chính, năng lượng, quốc phòng và công nghệ của nước này, đồng thời nhắm vào tài sản của các tài phiệt giàu có cũng như các cá nhân khác. Mỹ và một số chính phủ châu Âu cũng loại một số ngân hàng Nga ra hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT, hạn chế khả năng tiếp cận nguồn dự trữ ngoại hối khổng lồ của Nga và đưa ngân hàng trung ương của Nga vào danh sách đen.
EU đã thông qua 9 gói trừng phạt đối với Moscow và đang cân nhắc gói thứ 10, trong đó nổi bật nhất là việc cấm nhập khẩu dầu thô của Nga. G7, EU và các đồng minh cũng nhất trí áp trần giá đối với dầu Nga. Những biện pháp này chủ yếu nhằm cắt giảm nguồn thu của Nga, làm suy yếu ngân sách mà nước này sử dụng cho hoạt động quân sự ở Ukraine.
Đáp trả các lệnh trừng phạt của phương Tây, Nga đã tung ra nhiều biện pháp, bao gồm cắt giảm thậm chí dừng hẳn dòng chảy khí đốt đến các nước châu Âu, cũng như lên kế hoạch cắt giảm sản lượng dầu mỏ. Lá bài năng lượng của Moscow đã gây chia rẽ trong EU khi nhiều nền kinh tế thành viên, bao gồm những đầu tàu như Đức, vốn phụ thuộc chặt chẽ vào nguồn cung năng lượng từ Nga.
(Nguồn: Thanh Niên)
Trà Mi
Tổng số bài gửi : 7185 Registration date : 01/04/2011
Tiêu đề: Re: Cuộc tấn công của Nga vào Ukraina 2022 Tue 16 May 2023, 09:45
Hai đại tá Nga thiệt mạng ở Bakhmut
Đại tá Makarov bị thương và tử trận khi chỉ huy lực lượng Nga chống lại đợt tấn công thứ ba của quân đội Ukraine tại ngoại ô Bakhmut.
"Đại tá Vyacheslav Makarov đã đích thân chỉ huy Lữ đoàn Bộ binh Cơ giới số 4 chiến đấu ở tiền tuyến, đẩy lùi hai đợt tấn công, phá hủy ba xe tăng, 4 xe chiến đấu bộ binh cùng hai xe bọc thép của quân đội Ukraine", thiếu tướng Igor Konashenkov, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga, hôm 14/5 cho hay.
Tướng Konashenkov cho biết khi chiến đấu chống lại đợt tấn công thứ ba của phía Ukraine, đại tá Makarov bị thương nặng và qua đời trong lúc được sơ tán khỏi chiến trường.
Bộ Quốc phòng Nga cũng cung cấp thêm thông tin về cái chết của đại tá Yevgeny Brovko, phó chỉ huy quân đoàn phụ trách công tác chính trị - quân sự ở Bakhmut. "Trong trận chiến, khi đẩy lùi một đợt tấn công, đại tá Yevgeny Brovko đã anh dũng hy sinh do chịu nhiều vết thương vì mảnh đạn", ông Konashenkov nói.
Quân nhân Ukraine lái xe tăng T-64 tiến về tiền tuyến gần Bakhmut, tỉnh Donetsk ngày 7/5. Ảnh: AFP
Bộ Quốc phòng Nga cho hay hai đại tá thiệt mạng trong trận đánh ở khu vực thuộc Cộng hòa Nhân dân Donetsk. Cơ quan này còn nói rằng tất cả các cuộc tấn công của lực lượng vũ trang Ukraine từ phía bắc, phía nam Bakhmut đã bị đẩy lùi và Kiev không thể chọc thủng phòng tuyến của Nga.
Theo Yuriy Butusov, phóng viên chiến trường của Ukraine chuyên đưa tin về giao tranh ở Bakhmut, trận chiến diễn ra ở phía nam làng Ivankovskoye, ngoại ô thành phố hôm 13/5.
Trong trận đánh, Lữ đoàn Bộ binh Cơ giới số 4 liên tiếp bị đẩy lùi khỏi nhiều vị trí gần Bakhmut từ ngày 9/5 đến 12/5. Đại tá Makarov nhiều khả năng đã rời khỏi hầm chỉ huy để tới tiền tuyến trực tiếp chỉ đạo tác chiến nhằm cứu vãn tình thế và bị đối phương tập kích.
"Việc một chỉ huy lữ đoàn tới nơi giao tranh để có thông tin khách quan nhất về tình hình, thay vì chỉ huy trong hầm ngầm, là hành động hiếm thấy", phóng viên Butusov nhận định. "Lữ đoàn 4 là đơn vị thiện chiến nhất của Quân đoàn 2, việc đại tá Makarov thiệt mạng sẽ khiến hệ thống chỉ huy của họ rơi vào hỗn loạn trong một thời gian".
Butusov cũng cho hay tham mưu trưởng của Lữ đoàn 4 cũng đã thiệt mạng, một số sĩ quan trong ban chỉ huy bị thương trong các đợt tấn công của phía Ukraine.
Bộ Quốc phòng Nga hiếm khi công bố về việc chỉ huy quân sự thiệt mạng trong các cuộc họp báo hàng ngày.
Đại tá Yevgeny Brovko, người đầu tiên từ bên phải, Phó tư lệnh quân đoàn Nga phụ trách công tác chính trị bị giết ở Ukraine
Cả Ukraine và Nga đều chưa thể kiểm soát hoàn toàn thành phố Bakhmut, bất chấp nhiều tháng giao tranh khốc liệt gây ra tổn thất nặng nề cho cả hai bên. Moskva hôm 12/5 thừa nhận lực lượng Nga đã rút lui về phía bắc Bakhmut trong bối cảnh Ukraine gia tăng các cuộc tấn công. Tuy nhiên, Kiev bác bỏ những đồn đoán rằng họ đã mở màn chiến dịch phản công được lên kế hoạch từ lâu.
Huyền Lê (Theo TASS, AFP) (Nguồn: vnexpress)
Thiên Hùng
Tổng số bài gửi : 2578 Registration date : 19/08/2009
Tiêu đề: Re: Cuộc tấn công của Nga vào Ukraina 2022 Sun 25 Jun 2023, 00:08
@ Giá phải trả cho những tên độc tài khát máu sẽ đến thôi ...
Sponsored content
Tiêu đề: Re: Cuộc tấn công của Nga vào Ukraina 2022