Trang ChínhTìm kiếmLatest imagesVietUniĐăng kýĐăng Nhập
Bài viết mới
Những Bài Giảng Hay Thầy Thích Pháp Hoà by mytutru Yesterday at 20:28

Thơ Nguyên Hữu 2022 by Nguyên Hữu Yesterday at 20:15

Hơn 3.000 bài thơ tình Phạm Bá Chiểu by phambachieu Yesterday at 16:18

BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-1965 - LM CAO VĂN LUẬN by Trà Mi Yesterday at 10:41

TRUYỆN KIỀU CÓ TRƯỚC ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH, VÀ LÀ CỦA VIỆT NAM ??? by Trà Mi Yesterday at 10:27

Lục bát by Tinh Hoa Yesterday at 07:21

PHÁP VIỆN MINH ĐĂNG QUANG TĂNG NI & Đại Chúng by mytutru Yesterday at 00:55

SƯ TOẠI KHANH (những bài giảng nên nghe) by mytutru Sat 16 Mar 2024, 20:15

Xem tướng mạo đàn ông ngoại tình, lăng nhăng by Trà Mi Sat 16 Mar 2024, 10:05

Putin dối trá khi trả lời Tucker Carlson by Trà Mi Fri 15 Mar 2024, 11:39

Trang thơ Tú_Yên (P2) by Tú_Yên tv Fri 15 Mar 2024, 11:20

Chùm thơ "Có lẽ..." by Tú_Yên tv Fri 15 Mar 2024, 11:09

Thơ Tú_Yên phổ nhạc by Tú_Yên tv Fri 15 Mar 2024, 11:07

7 chữ by Tinh Hoa Fri 15 Mar 2024, 03:27

Một thoáng mây bay 12 by Ai Hoa Thu 14 Mar 2024, 09:55

BẮT CÁ TRỜI MƯA by Phương Nguyên Wed 13 Mar 2024, 20:48

5 chữ by Tinh Hoa Wed 13 Mar 2024, 07:56

Tiến Trình Tu Học Phật - Thành Phật by mytutru Mon 11 Mar 2024, 23:17

Tập Mỗi Ngày by mytutru Mon 11 Mar 2024, 22:48

Lan ĐV 8 by buixuanphuong09 Mon 11 Mar 2024, 11:06

SẦU LY BIỆT by Phương Nguyên Mon 11 Mar 2024, 08:02

LỀU THƠ NHẠC by Phương Nguyên Sun 10 Mar 2024, 08:39

MỪNG NGÀY 08.03 by Phương Nguyên Sun 10 Mar 2024, 08:21

Chỉn by Trà Mi Sat 09 Mar 2024, 12:30

Lỗi 404 by mytutru Fri 08 Mar 2024, 11:09

Thể Tánh Muôn Loài by mytutru Tue 05 Mar 2024, 23:44

5-8-8-8 by Tinh Hoa Tue 05 Mar 2024, 03:32

Còn mãi duyên thầy by buixuanphuong09 Mon 04 Mar 2024, 13:37

Con Đường Tâm Mytutru TKN Đào Liên by mytutru Sat 02 Mar 2024, 12:09

Hoa Sen Ao Sen by mytutru Sat 02 Mar 2024, 08:27

Tự điển
* Tự Điển Hồ Ngọc Đức



* Tự Điển Hán Việt
Hán Việt
Thư viện nhạc phổ
Tân nhạc ♫
Nghe Nhạc
Cải lương, Hài kịch
Truyện Audio
Âm Dương Lịch
Ho Ngoc Duc's Lunar Calendar
Đăng Nhập
Tên truy cập:
Mật khẩu:
Đăng nhập tự động mỗi khi truy cập: 
:: Quên mật khẩu

Share | 
 

 Tây Sương Ký - Nhượng Tống dịch

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Chuyển đến trang : Previous  1, 2
Tác giảThông điệp
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7077
Registration date : 01/04/2011

Tây Sương Ký - Nhượng Tống dịch - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Tây Sương Ký - Nhượng Tống dịch   Tây Sương Ký - Nhượng Tống dịch - Page 2 I_icon13Thu 10 Nov 2022, 11:12

Phần II

Cậu Trương ngồi bàn kế giải vây
Con Hồng chạy mời người dự tiệc.
Cãi lời đoan bà lớn lật lường,
Nghe đàn gẩy Oanh Oanh thương tiếc.

Chương I
VÂY CHÙA

Cảnh thứ bảy: Trong chùa Phổ Cứu

BÀ LỚN - (cùng Pháp Bản ra) Thư đi đã ba ngày, sao chưa thấy trả lời chi cả?

CẬU TRƯƠNG – (ra) Ngoài cửa chùa tiếng động vang trời, có lẽ anh tôi đã tới. (Đỗ Tướng quân ra, đôi bên lạy chào nhau). Từ khi cách mặt, đã lâu lắm chưa được hầu chuyện. Hôm nay gặp mặt, chẳng khác gì trong giấc chiêm bao.....

ĐỖ TƯỚNG QUÂN – Nghe tin chú đến chơi ngay hạt láng giềng, mà chưa kịp sang thăm. Thôi cũng đánh chữ đại xá cho anh nhé. (chào bà lớn)

BÀ LỚN - Đường cùng mẹ goá, con côi, cầm chắc thế nào cũng chết. Hôm nay được sống sót, thực nhờ ơn tái tạo của quan lớn.

ĐỖ TƯỚNG QUÂN – Hạ quan không kịp đề phòng, để cho quân giặc làm càn, phiền cụ lớn phải lo sợ thực là tội đáng muôn chết!.... Nhưng anh hỏi chú, sao lại không sang chơi bên anh?

CẬU TRƯƠNG – Em vì giữa đường bị cảm, nên chưa kịp sang hầu. Hôm nay đáng lẽ cũng theo anh về chơi bên dinh, song dở vì cụ lớn hôm qua có hứa gả lệnh ái cho... Chẳng dám phiền quan anh đứng làm mối nào. Vậy em định sau khi thành hôn, đầy tháng rồi sẽ xin sang bái tạ.

ĐỖ TƯỚNG QUÂN – Nếu vậy anh xin mừng cho chú. Thưa cụ lớn, hạ quan xin vui lòng đứng làm mối cho cô em.

BÀ LỚN - Thưa quan lớn! Để chúng tôi còn phải thu xếp! Sắp cơm nước đây, các con!

ĐỖ TƯỚNG QUÂN – Thôi, xin cụ lớn chước đi cho! Vừa rồi quân giặc đầu hàng đến năm nghìn, hạ quan cần phải sắp đặt. Để hôm khác sẽ xin sang mừng cụ lớn.

CẬU TRƯƠNG – Em cũng không dám giữ quan anh. Sợ không tiện cho việc quân.

ĐỖ TƯỚNG QUÂN – (lên ngựa)
Nhạc thét, ngựa rời chùa Phổ Cứu,
Hát mừng, người thẳng lối Bồ Quan (vào)

BÀ LỚN - ơn cậu không quên được! Từ nay cậu bất tất ở trong chùa nữa! Xin dọn sang nghỉ trong phòng sách bên chùa. Ngày mai gọi là có chén rượu nhạt, cho con Hồng sang mời, thế nào cậu cũng chiếu cố cho. (vào)

CẬU TRƯƠNG – (từ giã Pháp Bản) Tôi xin dọn hành lý sang bên phòng sách, thưa cụ!
Ấy ai gây cuộc binh đao,
Đem duyên kim cải buộc vào cho ai!
Tôn Phi Hổ ơi! Tôi thực cám ơn bác quá!

PHÁP BẢN – Có rỗi, mời thầy cứ sang phương trượng chơi, ta nói chuyện (cùng vào)




Tây Sương Ký - Nhượng Tống dịch - Page 2 Captur47


Lời Phê Bình Cả Chương

Văn chương có phép "dời nhà cho hợp cây". Ví như ngày hè đọc sách, đã được nơi đọc sách, nhưng sau nhà có cây, rất nhiều bóng mát. Nay muốn bỏ cây đó ở sau nhà, thì thực không bằng đem cây đó lại trước nhà... Song cây lớn không thể dời lại đằng trước; chi bằng nhà mới ta dời quách về phía sau! Nếu không thế, cứ để cây ở sau nhà thì cố nhiên nhà vẫn là nhà đẹp, cây vẫn là cây đẹp, thế nhưng nhà đã không ăn thua gì với cây, mà cây lại càng không ăn thua gì với nhà! Vậy nay thử tính bề hơn thiệt, dời nhà lại cho hợp với cây, thì cây vẫn còn nguyên mà nhà đã thêm nhiều bóng mát. Đó thực là một việc rất tiện ở trong đời... Kìa như Oanh Oanh với cậu Trương, nào khi xướng hoạ, trong lòng vốn đã cảm thầm; tại buổi làm chay, chính mắt lại từng trông thấy. Đó thực là miệng tuy không nói nhưng lòng nào tạm quên... Nay trong khi bất ý chẳng ngờ, bỗng dưng vỗ tay ứng mộ, viết thư cầu cứu, lại chính là con người ấy. Lúc đó thì dẫu muốn cố tình ngậm miệng, giả vờ không để ý đến, mà sao có đặng! Cứ lý, cứ tình, cứ thế thì tất phải cảm tạ trời đất, bụng nghĩ sao, miệng nói vậy, trút ra cho hết những nỗi lo buồn uất ức ở trong lòng... Để tỏ ra rằng con người xinh xinh đã lọt vào con mắt ta kia, vốn chẳng phải là hạng cùng vời cùng đứng với vô số, vô số người ở trong hai dãy hành lang! Thế nhưng một là bà lớn ngồi bên, có nói sao được! Hai là tăng chúng đông đảo, có nói sao được! Ba là thế giặc đương mạnh, có nói sao được! Đã không thể nói được mà đành chịu không nói, thì kẻ đọc truyện đến đây, sao cho khỏi ngờ Oanh Oanh lúc ấy, đối với việc cậu Trương ứng mộ, có lẽ cũng thoáng qua chẳng để vào lòng! Tác giả vốn đã hiểu trong văn chương có phép "dời nhà cho hợp cây", nên trước khi chưa nghe tin biến, phải tả ra bao nhiêu là nỗi nhớ niềm mong, để tỏ ra rằng cậu Trương đối với Oanh Oanh, đã là giọt máu ở đầu tim, tấc hơi ở cuống họng, cùng mật, cùng lòng, cùng thân, cùng mạng! Cho đến đoạn dưới chỉ thuận tay điểm qua, là đủ mượn ngấm tất cả bao nhiêu những lời tâm sự ở đoạn trên xuống. Đó là một điều mà các bạn viết văn sau này cần phải khéo bắt chước lấy. (Trong Tả Truyện nhiều đoạn trước kinh đã chua chuyện, tức là phép ấy.)

Trong văn chương có phép "trăng rọi hành lang". Ví như đêm xuân ấm hoà, người đẹp chưa ngủ, đốt hương cuốn mành, thao thức chờ trăng. Lúc ấy mới tối, trăng mọc từ hương Đông, ánh sáng lạnh lùng, tất phải từ mái hiên soi xuống cột hiên, lại soi xuống bao lan; rồi mới dần dần soi đến ngoài hè, soi đến ngoài song, sau đó mới soi đến người đẹp... Trong bao nhiêu thì giờ ấy, người đẹp kia kể cũng đã lâu, vẫn chịu đứng chờ trong bóng tối. Nhưng dù ra sao nữa, trăng kia có thể nào không soi tới người đẹp! Thế nhưng trước khi soi tới người đẹp, ánh trăng tất phải từ mái hiên xuống bao lan, rồi mới xuống ngoài hè, xuống ngoài song; như vậy thì trước khi soi tới người đẹp mới như mờ, như tỏ, như gần, như xa, nẩy ra biết bao nhiêu là cảnh đẹp! Nếu không thế mà con người kia lại đột nhiên ở dưới trăng, thì là điều rất đáng chê! Vì rằng không có thân phận vậy! Kìa như Oanh Oanh với cậu Trương, nào khi xướng hoạ, trong lòng tuy đã cảm thầm; tại buổi làm chay, chính mắt lại từng trông thấy; thế nhưng mình là bậc quý nhân ngàn vàng, trên thờ mẹ già, dưới vâng thầy dạy, cái cậu Trương người dưng nước lã kia, tấc dạ châu ngọc, há rằng lại nên nghĩ đến? Cửa miệng hoa sen há rằng lại nên nhắc đến? Thế thì tác giả biết làm thế nào? Ví phỏng Oanh Oanh thật vì cớ sợ thầy, sợ mẹ, tấc lòng châu ngọc, trước sau không dám nghĩ, cửa miệng hoa sen trước sau không dám nhắc, thì suốt cả truyện Mái Tây, đành chịu không có câu nào để tả Oanh Oanh thương nhớ cậu Trương hay sao? Tác giả vốn đã biết trong văn chương có phép "trăng rọi hành lang", nên trước hết hãy thong thả tả xuân tàn; lại thong thả tả đến con người ở cách tường, lại thong thả tả chuyện xướng hoạ ở dưới trăng... Đến đây bỗng lại thu bút lại, tả đến ý: ta là kẻ con nhà, ta tự biết giữ mình ta, cứ đợi gì người khác phải đề phòng xét nét... Thế rồi mới xuống đến câu "Riêng có ai mới gặp là đã sinh thân..." Nên viết cả một đoạn văn ở trên, cốt yếu là chỉ để tả một câu ấy, để phục sẵn cái cớ Oanh Oanh phải mừng lòng thích mắt về việc cậu Trương vỗ tay ứng mộ ở bên dưới. Mà theo phép viết văn cho có tầng thứ, thì tất phải thong thả tả dần, chứ không thể nói một câu nói buột ngay ra được. Đó lại là một điều mà các bạn viết văn sau này cần phải khéo bắt chước lấy.

Trong văn chương có phép "thúc trống tẩy uế"! Ví như câu ba Lý (Đường Minh Hoàng) "ngày ba, tháng ba, ngồi dưới lầu Hoa Ngạc, sắc sai lấy bộ chén pha lê xanh, rót rượu nho Tây Lương cùng Quý Phi uống chơi. Uống dở say, vừa hay năm đức ông, ba bà dì, cùng đến cả một lúc. Lòng vua rất vui, sai nhạc công cử nhạc. Hôm ấy toà Thái Thường vừa mới chế xong một bài đàn, đặt tên là khúc "Núi vắng không sầu", vua sai đem gẩy ngự nghe. Cứ xong một đoạn, nhà vua lại cau mày, hoặc nhìn Quý Phi, hoặc nhìn ba bà dì, hoặc nhìn năm đức ông, mặt rồng ra vẻ bạo bực kém tươi. Kế đó sắp đến đoạn thứ mười một, nhà vua nhẩy vọt dậy, miệng phán: "Hoa nô! Mau đem trống đây! Ta muốn tìm cách tẩy uế!" Liền đó tự tay thúc trống, theo nhịp "Ngự dương tam qua". Tiếng trống "thình thình", làm cho các hoa chưa nở ở trong vườn, chốc lát nở hết..." Kìa như Oanh Oanh khi nghe tin giặc đến vây chùa, không có lẽ không viết thành một chương. Thế nhưng khi viết ra, thật là bút vắn, mực khan, chả có gì là thú! Kẻ đọc buồn tênh! Mà người viết cũng sốt ruột! Không biết làm thế nào được, thì chợt nhớ đến vốn văn chương có phép "thúc trống tẩy uế", tác giả liền buông ngọn bút chết, cầm ngọn bút sống, thình lình mượn vai người đưa thư, bịa ra một chú Huệ Minh bố láo! để cho hả hê cái bạo bực đã nghẹn ngào chứa chất ở ngọn bút hàng nửa ngày trời! Thơ Đỗ Phủ có câu "Cây tiên lật gió rung ngày trắng! Cá kình đạp sóng vùng bể khơi!". Lại có câu: "Trắng tan xương mục, hùm, rồng chết! Đen kịt trời chiều, sấm, sét vang!" Đều là một lối văn lạ lùng thế cả! Có những câu văn ấy, đủ làm cho cả chương lập tức sáng ngời như có hào quang soi tỏ! Đó lại cũng là một điều mà các bạn viết văn đời sau nên khéo bắt chước lấy!


Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7077
Registration date : 01/04/2011

Tây Sương Ký - Nhượng Tống dịch - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Tây Sương Ký - Nhượng Tống dịch   Tây Sương Ký - Nhượng Tống dịch - Page 2 I_icon13Tue 15 Nov 2022, 09:03

Phần II

Cậu Trương ngồi bàn kế giải vây
Con Hồng chạy mời người dự tiệc.
Cãi lời đoan bà lớn lật lường,
Nghe đàn gẩy Oanh Oanh thương tiếc.


Chương II
MỜI TIỆC

Một cảnh: Trong ngoài phòng sách.

CẬU TRƯƠNG - (ra) Hôm qua bà lớn bảo sai con Hồng sang mời tôi. Trời chưa sáng, tôi đã dậy ngồi chờ! Mà mãi đến bât giờ sao chửa thấy sang? Ối Hồng ôi là Hồng ôi!

CON HỒNG - (ra) Nói một mình: Bà lớn sai sang mời cậu Trương, mình phải đi sớm một chút mới được!
Đùng đùng gió cuốn mây tàn,
Năm nghìn quân giặc phá tan trong nửa giờ!
Cả nhà cầm chết có thừa,
Cứu cho sống lại ơn nhờ cậu Trương!
Tấm riêng giờ đã nhẹ nhàng,
Con người thật đáng hoa hương phụng thờ!
Duyên xưa lỡ dở ai ngờ
Chỉ vì có một mảnh tờ mà xong!
Then mây mở rộng gác Đông,
Bóng trăng thôi khỏi đợi suốt đêm ròng bên dưới Mái Tây!
Lạnh lùng chăn mỏng gối mây,
Có người nằm ấm từ rày trở đi!
Đỉnh trầm khói toả bốn bề.
Mành thêu nhẹ gió, song the vắng người...
Này đã đến viện sách rồi đây!
Rêu xanh lấp lánh sương rơi;
Lối đi vắng vẻ nào ai ra vào?
Buột mồm tôi dặng trước song đào...

CẬU TRƯƠNG - Ai đấy?

CON HỒNG - Em đây! (Cậu Trương mở cửa, đôi bên chào nhau)
Cửa mở ra miệng hỏi đốc hồi!
Chắp tay vái rối-tứ-cửa, làm tôi cũng chẳng kịp chào!
Giầy vàng, đai bạc xinh sao!
Mũ sa đen láy! Áo bào trắng bong!
Áo quần tề chỉnh đã xong,
Khôi ngô, rạng rỡ, mặt trông càng tình!
Thảo nào chết mệt cô Oanh!
Kể tài, kể nết, cứng là lòng mình cũng phải xiêu!
Thưa cậu, bà lớn sai em...

CẬU TRƯƠNG - Vâng! Vâng! Tôi xin sang ngay!

CON HỒNG :
Chính mình còn chưa kịp mời,
Thế mà gọn lỏi nhận nhời thật nhanh!
Dễ sắp bay đến tận cô Oanh,
Mà vâng vâng, dạ dạ, mình mình, tôi tôi!
Giống học trò, nghe nói đến mời,
Là như được lệnh tướng sai ra trận tiền!
Thần khẩu ta đứng dậy trước tiên,
Khoa đao, thắng ngựa, vâng xin đi đầu!

CẬU TRƯƠNG - Chị Hồng, tôi hỏi chị: tiệc này là tiệc gì? Có khách nào nữa không?

CON HỒNG :
Tiệc này là tiệc trong nhà,
Trước là mừng mặt, sau là tạ ân!
Phố phường không gọi đến ăn;
Sư mô không thỉnh, quen thân không mời;
Chỉ đón riêng quý khách sang chơi,
Cùng cô Oanh sớm lứa đôi phỉ nguyền!
Thấy "vâng! vâng!" tưởng đã đi liền,
Còn quay trở lại ghé nhìn vào gương!
Giống học trò kiết đến tận xương,
Lại càng làm đỏm làm sang mười phần!
Có cái đầu chải lại mấy lần!
Con ruồi đậu khéo trượt chân bỏ đời!
Choáng lắm rồi! Hoa cả mắt tôi!
Trái chua như thế khiến người ghê răng!
Chải chuốt xong, lại thấy khom lưng,
Khoá ba lẻ gạo! Đậy lưng lọ cà!
Con người như thế, thế mà
Việc to, việc nhỏ đều là tinh quân!
Phải như phường chỉ biết ăn,
Làm mười việc chẳng nên thân cả mười!
Vô tình như cây cỏ trong đời,
Cũng còn có lúc hoa đôi cành liền!
Nữa là các bạn thiếu niên,
Tránh sao cho khỏi ngã trên đường tình!
Thông minh, trắng trẻo trời sinh,
Đến đêm bắt ngủ một mình, tội chưa!
Nghe đồn từ thủa ngày xưa,
Có tay tài tử say sưa vì tình,
Yêu người, người chẳng yêu mình,
Thành ra chịu thiệt thông minh một đời!
Mảnh tình chung chuyên nhất không hai,
Đêm nay ân ái, cô thời chứng cho.
Nhưng đào tơ liễu yếu như cô,
Đã đâu quen được những trò trăng hoa!
Cậu nên gượng nhẹ kẻo mà...
Nhưng đèn khuya chung bóng, trăng tà sánh vai,
Nhìn con người đẹp chết người,
Khoanh tay mà ngắm của trời được đâu!

CẬU TRƯƠNG - Chị Hồng! Hôm nay bên nhà bày biện ra sao? Tôi sang sợ đường đột không tiện!

CON HỒNG :
Bên nhà em: Cánh hoa đỏ rực thềm ngoài,
Ngày lành gặp lúc cảnh trời vừa xinh.
Bà dặn em chớ có trùng trình,
Cậu cũng đừng mượn cớ chối quanh nữa mà!
Này, chính giữa buông một cỗ màn là,
Thuê đôi uyên đứng dưới trăng tà song song!
Hai bên dàn hai dãy bình phong,
Chạm đàn công múa gió Đông dịu dàng,
Dưới thì sênh ngọc phách vàng
Đàn loan, sáo phượng, đợi cậu sang là cử nhạc mừng!

CẬU TRƯƠNG - Chị Hồng! Giữa đường gặp gỡ, tôi không sẵn đồng tiền, đồng lễ nào cả, sao tiện sanghầu bà lớn?
CON HỒNG :
Cậu cứ sang làm lễ thành thân.
Trời xe đôi lứa, ai cần tiền nong!
Cậu coi thực đáng tấm chồng!
Cô em sao khỏi nóng lòng khát khao!
Trăm năm, duyên khéo may sao;
Một đồng lễ chẳng tốn vào bản thân!
Nhưng có lẽ lễ nào mà đọ được cân -
Với công cầu tướng, xin quân vừa rồi!
Cô em trọng cậu vì tài,
Một mình mà kể hơn mười vạn binh!
Văn chương nào đời dám coi khinh,
Là phong,gấm rủ, cũng cốt ở đèn xanh quyển vàng!
Tiệc bày chỉ đợi cậu sang,
Bà sai em phải vội vàng đi nhanh,
Cậu đây chỉ có một mình!
Bên nhà cũng chỉ quanh quanh người nhà!
Thật là tĩnh mạc, vui hoà!
Xin cùng đi tiện thể, chớ nề hà nữa chi!

CẬU TRƯƠNG - Nếu vậy, chị cứ về trước, tôi xin sang theo ngay!

CON HỒNG :
Bà đà có ý trông mong,
Cậu đừng làm gái, vui lòng sang chơi!
"Lễ phép nào bằng sự vâng lời!"
Đừng phiền Hồng phải sang mời đến lượt thứ hai!

CẬU TRƯƠNG - (vào) Hồng nó về rồi! Tôi đóng cửa phòng sách lại đã! Sang bên bà lớn, bà lớn bảo: kìa cậu Trương đã sang. Lại đây ngồi đôi với Oanh Oanh nhà tôi, uống vài tuần rượu, rồi vào làm lễ động phòng. (cười) Tôn Phi Hổ ơi! Bác thực là đại ân nhân của tôi. Tội nghiệp cho bác! Để rồi đây thong thả, tôi sẽ bỏ ra vạn quan tiền, nhờ sư Bản làm chay siêu độ cho bác mới được.
Mây sớm tạ riêng lòng Hổ tướng!
Mưa ơn nhờ cả lượng Long thiêng!



Tây Sương Ký - Nhượng Tống dịch - Page 2 Captur48


Lời Phê Bình Cả Chương

Tôi đọc các du ký ở thế gian, mà biết đời thật không có ai biết chơi. Người biết chơi, đối với hết thảy những cảnh sông, biển, núi non, động thiên, phúc địa, ở trong đời, cố nhiên không ngại nghìn dặm, muôn dặm, sao cũng tìm đến để thăm cho hết cảnh lạ. Thế nhưng trong lòng có một tài tình riêng, dưới mi có một cặp mắt riêng, thì có cứ gì phải đến hẳn những cảnh sông, biển, núi non, động thiên, phúc địa, bấy giờ mới nói rằng: Tôi đã được thăm những cảnh lạ. Nơi động thiên mà ta đến thăm hôm qua, ta phải tốn sức chân, sức mắt, sức lòng trong bao nhiêu ngày, bấy giờ mới xong chuyện... Đến ngày mai, ta lại sắp đến thăm một nơi phúc địa; ta lại phải tốn sức chân, sức mắt, sức lòng trong bao nhiêu ngày, để theo đuổi vào đấy. Kẻ đứng ngoài không hiểu đầu cuối làm sao, tất phải khen: Luôn mấy hôm đi chơi thật sướng nhé! Vừa qua một động thiên, lại tới một phúc địa! Có biết đâu trong lòng nhà thầy nào có nghĩ thế đâu! Kể từ khi vừa lìa nơi động thiên trước mà chửa tới nơi phúc địa sau, giữa khoảng đó dù không nhiều, chỉ cách nhau độ vài, ba mươi dặm; hay ít nữa, chỉ độ tám, bảy, sáu, năm, bốn, ba, hai dặm; hay lại ít nữa chỉ độ một dặm, nửa dặm... thế nhưng nhà thầy đối với một dặm, nửa dặm ấy, cái gọi là tài tình riêng ở trong lòng, cặp mắt riêng ở dưới my, có phải không đem cách nhìn nhận các động thiên, phúc địa mà nhìn nhận nó đâu! Nay lấy cái bản lĩnh lớn, cái thông minh lớn, cái khí lực lớn của thợ tạo, bỗng dưng bày ra một cảnh động thiên, một cảnh phúc địa, thì đó thật là những cái lạ tai, lạ mắt, chả cần phải nói nhiều! Thế nhưng ta thường nhìn kỹ trong khoảng trời đất, lặt vặt một con chim, một con cá, một bông hoa, một ngọn cỏ, cho đến một cái lông chim, một cái vẩy cá, một cái cánh hoa, một cái lá cỏ, chả có cái gì là không phải tốn đến cái bản lĩnh lớn, cái thông minh lớn, cái khí lực lớn của ông thợ Tạo kia, mà gây dựng được nên! Tục ngữ có nói: "giống sư tử vật voi cũng dùng hết sức mà vật thỏ cũng dùng hết sức!" Ông thợ Tạo kia cũng thế: Sinh ra động thiên, phúc địa cũng phải dùng hết sức; mà sinh ra lặt vặt một con chim, một con cá, một bông hoa, một ngọn cỏ, cho đến một cái lông, một cái vẩy, một cái cánh, một cái lá cũng là phải dùng hết sức!... Cứ thế mà suy, thì những chuyện lạ tai, lạ mắt ở trong đời, có cứ gì phải đến những nơi động thiên, phúc địa mới có. Mà những nơi gọi là động thiên, phúc địa kia, thì lại gây dựng nên bằng cách thế nào? Trang Tử có nói: "Chỉ riêng các phần thân thể con ngựa thì đó không phải là con ngựa, mà con ngựa là cái trước kia còn gồm cả các phần thân thể của con ngựa… Xem trong miếu lớn, phải kể trăm cây... Xét núi lớn, gỗ, đá đều loạt..." Chúng ta đây, nên biết trăm cây, nghìn đá, lẫn lộn đều loạt, như thế là miễu lớn, núi lớn, thì hoạ chăng mới là biết chơi! Kìa như đỉnh cao, kẽm chẵm, cái chót vót ấy là góp đá mà thành ra; ghềnh dốc, thác treo, cái rầm rộ ấy là góp suối mà gây nên… Nếu xét từng viên đá một thì có lẽ cũng không khác gì hòn cuội con! Nếu tìm từng dòng suối một thì có lẽ cũng không khác gì lạch nước nhỏ! Chẳng những thế mà thôi. Lão Tử có dạy rằng: "Ba chục rẻ cùng một bánh, dùng tạm khi không có xe; đắp đất làm vách, đục lỗ làm cửa, ở tạm khi không có nhà..." Như vậy thì các cảnh động thiên, phúc địa, gồm có bao nhiêu những nơi trông dọc thành ngọn, trông ngang thành dẫy, trông lên thành vách, trông xuống thành khe; cùng là chỗ phẳng là nền, chỗ lệc là sườn, chỗ hẹp là kẽm, chỗ ngang là đập; tuy rằng xinh xẻo lạ lùng, không thể nào mà nói cho xiết; thế nhưng ta thì ta có thể biết sở dĩ xinh đẹp lạ lùng như thế, chỉ là vì nó ở đúng vào chỗ "Khi không có"... Vì rằng khi đã không có, thì nào làm gì có ngọn, có dẫy, có vách, có khe, có nền, có sườn, có kẽm, có đập!... Vậy mà cái chỗ khi không có ấy, thì chính là chỗ để cho tài tình riêng ở trong lòng ta được bay lượn; cặp mắt riêng ở dưới my ta được nhởn nhơ... Trong lòng ta đã có một tài tình riêng, dưới my ta đã có một cặp mắt riêng, hễ chỗ nào không có, ta lại đem ra mà bay lượn nhởn nhơ, thì nào có cứ gì phải tìm đến những nơi động thiên, phúc địa. Như trên kia đã nói, trong khoảng vừa dời cảnh trước, chưa có cảnh sau, ít ra là vài, ba mươi dặm, trong khoảng đó, chỗ nào mà chả có những nơi mà ta gọi là "khi không có". Một dịp cầu cheo leo, một gốc cây cằn cỗi, một làn nước, một cái làng, một bức dậu, một con chó, ta bay lượn chơi, ta nhởn nhơ chơi; thẻ so với những cảnh động thiên, phúc địa, đã chắc gì cái lạ, cái đẹp lạ chả không ở những cảnh ấy, mà ở những cảnh này? Vả chăng, ta cũng bất tất phải trong lòng thật có cái tài riêng, dưới my thật có cặp mắt riêng. Nếu bảo phải có tài tình đã, rỗi hãy bay lượn; phải có cặp mắt riêng đã, rồi hãy nhởn nhơ; như vậy thì hạng người biết chơi, có đến mấy mươi đời cũng không gặp một! Theo ý Thánh Thán thì ở đời cứ gì phải tài tình riêng, chịu khó bay lượn, thế là có tài tình riêng! Cứ gì có cặp mắt riêng, chịu khó nhởn nhơ, thế tức là có cặp mắt riêng. Ông lão họ Mễ xem đá có nói rằng: "Cần xinh! Cần nhăn! Cần thủng! Cần gầy!" Nay dịp cầu, gốc cây, làn nước, cái làng, bức dậu, con chó ở trong một dặm, nửa dặm kia, đều là những cái rất xinh, rất nhăn, rất thủng, rất gầy cả đấy! Ta không có con mắt xem đá của ông lão họ Mễ đó thôi. Nếu quả nhiên nhìn thấy cái xinh, cái nhăn, cái thủng, cái gày, là ở cả đó, thì dù là chẳng muốn bay lượn, nhởn nhơ vào đó sao được. Vả chăng những ngọn, những dẫy, những vách, những khe, những nền, những sườn, những kẽm, những đập ở nơi động thiên, phúc địa kia, đã chắc gì là đẹp, là lạ cho lắm! Chẳng qua cũng là có xing, có nhăn, có thủng, có gầy đó thôi! Cứ thế mà coi, nếu ta cứ phải động thiên, phúc địa mới chơi, thì những nơi ta bỏ sót không chơi, có lẽ đã nhiều lắm. Thế mà, cứ phải đến động thiên, phúc địa mới chơi, thì ngay những cảnh động thiên, phúc địa đó cũng là không biết chơi mà thôi! Vì sao? Họ đã không nhận được vẻ đẹp, vẻ lạ của bức dậu, một con chó, thì dù có trông thấy những cảnh động thiên, phúc địa nữa, cũng chỉ biết được những cái không đẹp không lạ mà thôi! Đó là những lời mà hồi xưa Thánh Thán bàn với Trác Sơn về chuyện đi chơi. Nay đọc đến chương con Hồng mời tiệc trong vở Mái Tây, bất giác lại buột mồm nhắc tới...

(Trác Sơn nói: Xưa nay chỉ có cụ Thánh Khổng là tay biết chơi! Thứ nữa thì đến Vương Hy Chi... Có người hỏi tại sao? Trác Sơn đáp: Cụ Khổng thì tôi cảm nhất về câu: "Cơm kỹ càng hay! Gói nhỏ càng tốt!" Còn Hy Chi thì tôi thấy bao nhiêu bức thiếp mà Hiến Chi đều chịu không bắt chước được một nét nào! Thánh Thán nói: Bác nói vậy thì người thiên hạ phải nghi hoặc mà chết mất! - Trác Sơn lại nói: Vương Hy Chi khi rỗi tất ra sân lần từng cánh hoa, từng bông hoa, đếm kỹ từng cánh một! Học trò cầm khăn đứng hầu, có khi suốt ngày không thấy nói câu gì! Thánh Thán hỏi: Chuyện đó chép ở sách nào? Trác Sơn nói: Cứ gì ở sách nào! Nhưng tôi biết thế! Ấy, tính tình Trác Sơn lạ lùng là thế, tiếc thay các bạn không được gặp Trác Sơn!)

Trên đây là chuyện phá giặc, một chương lớn, dưới đây là chuyện "lật hẹn", cũng một chương lớn. Trong chuyện phá giặc thì có Oanh Oanh nghĩ kế, Huệ Minh đưa thư, đều là những lớp sóng cả, gió cao, tự nhiên phải có. Trong chuyện "lật hẹn" thì có Oanh Oanh thất kinh, cậu Trương nổi đoá, cũng đều là những trận khóc to, cười lớn, tự nhiên phải có. Nay vào khoảng sau câu chuyện phá giặc; trước chuyện "lật hẹn", làm thế nào cho ra một chương? Tác giả nghĩ kỹ một lúc lâu, rồi nghĩ đến rằng: Kìa như cậu Trương đối với Oanh Oanh, thiết tha xoắn xuýt, chỉ mong những gặp rầy, gặp mai, cái đó chả cần phải nói... Mà cho đến Oanh Oanh đối với cậu Trương nữa, cái nông nỗi thiết tha xoắn xuýt, chỉ mong những gặp rầy, gặp mai đó, có phải một lời nói được hết, một bút tả xiết được đâu? Tự nhiên mà có Tôn Phi Hổ đến! Tự nhiên mà được bà lớn hứa lời... Hai cái tự nhiên lừ lừ tự trên trời xa xuống!... Trong lúc ấy, ở một đôi người ngọc kia, nào đầu tim, đầu lưỡi, nào trong mắt, trong mộng, nào khi ăn khi uống, sao cho khỏi có những cái phảng phất như mây, nóng ran như lửa, sục sạo như giặc, thao thức như xuân? Vậy mà nay, ở chương trên, chuyện phá giặc vừa xong; xuống chương dưới, chuyện lật hẹn kế đến. Trong chương phá giặc đã không có thì giờ để ví đôi người ngọc kia, mà tả cái tâm sự như mây, như lửa, như giặc, như xuân ấy! Thế mà trong chương lật hẹn, lại có thể có thì giờ để ví đôi người ngọc ấy mà tả cái tâm sự như mây, như lửa, như giặc, như xuân đó sao? Nghìn lần cực chẳng đã! Muôn lần cực chẳng đã! Mới tính đến rằng lật hẹn tất phải đặt tiệc, đặt tiệc tất phải cho mời, nhân đó mà len vào giữa hai chương, bỗng thong thả tả một chuyện con Hồng mời thiệc. Cũng không cần đến cậu Trương, cũng không cần đến Oanh Oanh, chỉ thong thả mượn miệng người đứng ngoài, mà vừa hay tả hết được bao nhiêu những tâm sự phảng phất, bồn chồn, sục sạo, thao thức cả đôi bên! Chao ôi! Thế mới thật là: vua Nữ Oa không ngại việc vá trời, chỉ ngại việc tìm đá ngũ sắc! Nay đã là tay chuyên môn về việc đá ngũ sắc, thì có trời nào không vá nổi đâu!

Thế nhưng Thánh Thán lại nghĩ kỹ lại: Trước đây là chuyện phá giặc, chuyện đó thực đáng là một chương lớn. Sau đây là chương lật hẹn, chuyện đó cũng đáng là một chương lớn. nay con Hồng vâng mệnh bà lớn, chạy sang mời khách dự tiệc, thì thật là một chuyện rất nhỏ, rất nhạt, rất vô vị, rất ơ hờ! Vậy mà coi tác giả cứ thong thả thuận bút tả đi, cũng thành ra được một chương lớn! Thế thì như trên đã nói: một làn nước, một cái làng, một dịp cầu, một gốc cây, một bức dậu, một con chó, không có gì là không có vẻ lạ, vẻ đẹp;
vừa xinh, vừa nhăn, vừa thủng, vừa gầy..., bất tất phải đến những nơi động thiên, phúc địa, mới tìm thấy cái lạ, cái đẹp; chẳng cũng thật thế sao? Hết thảy các bạn tài tử gấm vóc trong đời, khi sắp học nghề viết văn, xin hãy nhớ kỹ câu nói "khi không có." của Lão Tử! (Trước chuyện lật hẹn, sau chuyện phá giặc, tôi đã nghĩ kỹ, khó lòng mà viết xen vào được một chương. Vì vậy mà phải chịu chương mời tiệc này là hay tuyệt!)

Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7077
Registration date : 01/04/2011

Tây Sương Ký - Nhượng Tống dịch - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Tây Sương Ký - Nhượng Tống dịch   Tây Sương Ký - Nhượng Tống dịch - Page 2 I_icon13Wed 23 Nov 2022, 11:48

Phần II

Cậu Trương ngồi bàn kế giải vây
Con Hồng chạy mời người dự tiệc.
Cãi lời đoan bà lớn lật lường,
Nghe đàn gẩy Oanh Oanh thương tiếc.


Chương III
LẬT HẸN

Một cảnh: Trong biệt thự họ Thôi.

BÀ LỚN - (ra) Con Hồng sang mời cậu Trương, sao mãi chả thấy sang.

CON HỒNG - Thưa bà! Cậu Trương bảo con về trước, cậu sẽ sang ngay. (Cậu Trương vào lạy chào bà lớn)

BÀ LỚN - Hôm trước ví không có cậu thì đâu có bây giờ! Tính mệnh cả nhà tôi, sống là nhờ cậu! Gọi là có chén rượu nhạt, không dám nói chuyện báo đáp, xin cậu vui lòng chiếu cố cho.

CẬU TRƯƠNG - "Một người có phúc, muôn họ nhờ ơn!" Cũng nhờ hồng phúc của bà lớn, nên mới phá nổi quân giặc. Việc đã qua, có chi đáng kể.

BÀ LỚN - Đem rượu đây! Mời cậu uống cạn chén này.

CẬU TRƯƠNG - Bẩm, bà lớn đã cho, theo lễ không được từ chối (Đứng uống cạn, rót rượu dâng bà lớn).

BÀ LỚN - Mời cậu ngồi!

CẬU TRƯƠNG - Theo lễ chúng con phải đứng hầu, đâu dám ngồi ngang với bà lớn.

BÀ LỚN - Lễ phép nào bằng sự vâng lời. (Cậu Trương xin phép ngồi. Bà lớn vào gọi con Hồng vào mời oanh Oanh)

OANH OANH - (ra)
Gió mây phút chốc quang trời mới!
Nhật nguyệt đôi vầng rọi tiệc hoa!
Trừ biết người như cậu cử Trương,
Giá như người khác, dễ biết đường giải vây!
Đàn ca rượu quả sẵn bày,
Mùi hoa thoáng, khói hương bay dịu dàng!
Gió Đông cuốn bức mành tương,
Một nhà tai nạn, một chàng gỡ xong!
Đáng cho tôi lạy tạ ơn lòng,

CON HỒNG - Hôm nay cô dậy sớm quá!

OANH OANH :

Áo là rũ sạch phấn rơi!
Gương loan kẻ lại mày ngài qua loa!
Nhẹ tay giắt lại cành thoa...
Ví không đánh thức, đã biết lối mà dậy đâu!

CON HỒNG - Thưa cô trang điểm đã xong, mời cô rửa tay! Con trông má cô, chỉ thổi mạnh một cái là rạn! Cậu Trương thật có phúc! Trời sinh cô thật đúng là một bà lớn!

OANH OANH :

Thổi mà rạn được má người ta!
Thôi đừng khéo tán con ma nữa Hồng!
Biết ta có thật đáng bà không?
Đã đâu chắc phúc phận nhà chồng mà hay!
Sao em chẳng nói thế này:
Ta cùng chàng vẫn đêm ngày nhớ thương...
Gánh tương tư giờ đã nhẹ nhàng,
Tiệc vui dẫu món ăn xoàng cũng ngon?
Cưới bù tiền, sá kể thân con!
Nhưng một công đôi việc đổ dồn, mẹ thực lôi thôi!
Kể công dẹp giặc vừa rồi,
Cả cơ nghiệp nữa dễ đền bồi được đâu!
Tiệc cưới như bữa cơm rau!
Nhưng thôi! Thương mẹ, cơ cầu không nên!
Chẳng qua sợ phí, sợ phiền;
Chẳng qua sợ tốn đồng tiền, đấy thôi!
Gót chân đưa đến cửa ngoài,
Hãy đem mắt ngó thử người hôm xưa!...[/i]


Tây Sương Ký - Nhượng Tống dịch - Page 2 Captur49


CẬU TRƯƠNG - Chúng con xin phép ra ngoài một chút. (đứng dậy, chợt trông thấy Oanh Oanh).

OANH OANH :

Người đâu tinh quái ai ngờ,
Mắt lanh như cắt đã xa đưa liếc mình!
Vội vàng tôi ngoảnh mặt làm thinh!

BÀ LỚN - Con ra đây! Lạy chào anh con!

CẬU TRƯƠNG - Trời ơi! Giọng nói nghe thế nào ấy!

OANH OANH - Trời ơi! Mẹ tôi dở quẻ rồi!

CON HỒNG - Tương tư chuyến này mới khổ ạ!

OANH OANH :

Ngồi trơ, chẳng nói, chẳng thưa!
Người coi bủn rủn, ngẩn ngơ thế nào!
Mẹ ơi! Mẹ tai ác làm sao!
Em nào mà lạy anh nào ở đây?
Đền ma, ngọn lửa cháy lây,
Cầu Lam, sóng rẫy, nước đầy mênh mông!
Mênh mông nước biếc, sông trong,
Ai làm đôi cá vợ chồng lìa nhau?
Vì đâu tôi mặt ủ, mày châu?
Cũng đành ngậm miệng, cúi đầu cho qua!
Xa nhau đành chịu xót xa!
Nhưng gặp nhau nào đã dễ mà thở than!
Lòng xuân đau đớn muôn vàn!
Mắt mờ, nước mắt đã tràn vùng quang!
Trời ơi! Đám tiệc linh đình!

BÀ LỚN - Con Hồng bảo hâm rượu đây. Rót rượu mời anh, đi con! (Oanh Oanh rót rượu mời)

CẬU TRƯƠNG - Thưa thôi! Tôi xin đủ!

OANH OANH - Hồng ơi! Đỡ khay chén ra!

Dẫu cho chén ngọc, rượu đào,
Thực lòng ai dễ nuốt vào cho trôi!
Cành Nam, giấc mộng tỉnh rồi!
Mái Tây, thương ánh trăng soi lạnh lùng!
Gạt làn nước mắt tôi trông:
Vạt là ai cũng giọt hồng đầy vơi!
Dần dần hai mắt trông xuôi!
Hai tay buông thõng vẻ người lao lư!
Sống sao cho được bây giờ!
(Trăm nghìn nguyện ước, ai ngờ thành không!)
Mẹ ơi! Tiễn khách cho xong!
Lại còn mời mọc, tiệc tùng mà chi!

BÀ LỚN - Thế nào cô cũng phải mời anh uống lấy một chén!

CẬU TRƯƠNG - Chúng tôi đã thưa là xin đủ!

OANH OANH - Thì anh cứ đỡ lấy khay chén đã!

Rượu đầy, buồn chẳng có vơi!
Cúi đầu nín lặng mệt người biết bao!
Mặt coi chưa đỏ lắm nào!
Say gì một chén rượu đào mà say!
Nghe em, anh cạn chén này,
Lòng phiền mượn rượu làm khuây hoạ là,
Giờ đây chưa mấy xót xa!
Niềm thương nỗi nhớ rồi ra còn dài!
Mẹ già ngồi cạnh, anh ơi!
Cùng anh than thở đôi lời được đâu!
Cứ gì núi thẳm sông sâu.
Chỉ trong gang tấc, xa nhau bằng trời!

(Cậu Trương uống rượu, Oanh Oanh vào tiệc)

BÀ LỚN - Con Hồng rót rượu nữa đây! Cậu uống cạn chén này. (Cậu Trương nín lặng)

OANH OANH :

Chốt then tuy nắm ở tay ta,
Nhưng mẹo lừa, người đã xét ra rành rành!
Lại còn ngon ngọt nói quanh,
Dàn hoà khéo đã bực mình hay chưa!
Đàn bà phận phỏng như tờ,
Học trò lại giống nhu nhơ lạ lùng.
Đồ gọi gả! Của cho không,
Sinh con, cha đã đau lòng hay chưa.
Hỏi cha, cha chẳng nói chẳng thưa,
Một mình con dại, bây giờ biết sao.

CẬU TRƯƠNG (cười nhạt)

Cười đây là nghĩa thế nào?
Bao nhiêu nước mắt đã nuốt vào tim gan!
Thư kia không phá được giặc tan,
Nhà này thử hỏi an toàn hay không?
Trừ nhân duyên, ai có trông mong,
Tự lòng mẹ lại dối lòng mà chơi.
Bày trò tự mẹ, mẹ ơi!
Dở trò thử hỏi tự ai bây giờ?
Rồi đây tôi, mặt hoa ngày một bơ phờ,
Môi son ngày một nhạt thưa màu hồng!
Biết tính sao nỗi sầu như bể cả mênh mông,
Bao la đất rộng, mịt mùng trời cao?
Xưa kia trọng vọng thế nào:
Khát xem bằng nước! Tựa vào như non!
Bây giờ lấy độc làm khôn,
Đâu còn kể nghĩa, đâu còn nhớ công!
Hoa đôi ngắt héo từng bông!
Cành liền bẻ gẫy, giải đồng xé tơi!
Những lo, đầu bạc không hưởng nổi phúc trời!
Ai ngờ: xuân xanh mà đã ra người dở dang!
Tiếng vợ hờ, tôi đã bẽ bàng!
Thân làm rể hụt, giọng mật đường lại khéo lừa ai!
Còn nói chi hạnh phúc một đời!

BÀ LỚN - Hồng đâu con! Đưa cô vào phòng trong an nghỉ. (Oanh Oanh chào cậu Trương, vào).

CẬU TRƯƠNG - Chúng tôi say lắm rồi! Cũng xin phép lui chân! Trước mặt bà lớn đây, muốn nói một lời cho hết ý, xin bà lớn thứ cho! Hôm trước quân giặc lăng loàn, biến sinh trong chốc lát, bà lớn có dậy: Ai có cách gì lui giặc sẽ đem cô Oanh gả cho. Chẳng hay có chuỵện đó hay không?

BÀ LỚN - Cái đó, có!

CẬU TRƯƠNG - Trong lúc ấy, ai là người đứng ra nhận việc?

BÀ LỚN - Cậu thực có ơn cứu sống cả nhà tôi, ngặt vì khi quan Tướng tôi còn...

CẬU TRƯƠNG - Chúng tôi xin đỡ lời bà lớn! Bấy giờ chúng tôi vội vàng viết thư, mời được Đỗ tướng quân sang, có phải chi mong kiếm bữa chén hôm nay thôi sao! Sớm nay chị Hồng sang gọi, những tưởng bà lớn y lời hứa trước, cho kết duyên lành... Chẳng hiểu ý bà lớn thế nào, lại phủ đầu bằng hai tiếng anh em! Chúng tôi xin hỏi: Chẳng hay tiểu thư có cần dùng gì nhận chúng tôi làm anh? Chứ chúng tôi thì thực không cần dùng gì nhận tiểu thư làm em cả! Tục ngữ nói: "Nghĩ đi cũng có nghĩ lại". Xin bà lớn nghĩ lại cho!

BÀ LỚN - Con em đó, lúc quan Tướng tôi còn, đã hứa gả cho cháu tôi là Trịnh Hằng. Hôm trước tôi đã có viết thư gọi nó. Nó mà đến, biết làm thế nào? Vậy xin sửa ít nhiều vàng lụa, kính tạ ơn cậu! Xin cậu kén lựa vào nơi cao môn lệnh tộc khác! Đôi nào lứa ấy! Như thế thật tiện cho cả hai bên!

CẬU TRƯƠNG - Thế ra bà lớn nghĩ vậy! Chỉ không biết Đỗ tướng quân không đến, Tôn Phi Hổ cứ việc làm càn, khi đó bà lớn lại dậy ra làm sao! Chúng tôi có cần dùng vàng với lụa làm gì! Thôi! Xin chào bà lớn nghĩ lại!

BÀ LỚN - Xin cậu hãy thư thả! Hôm nay cậu say rồi! Hồng đâu! Đỡ anh sang phòng sách yên nghỉ đi con! Ngày mai ta sẽ nói chuyện! (Bà lớn vào)

CON HỒNG - (đỡ cậu Trương) Ồ cậu! Thì cậu uống in ít chứ có được không?

CẬU TRƯƠNG - Trời ơi, chị Hồng! Chị cũng trêu tôi nốt nữa! Nào tôi có uống gì mà uống! Kể từ khi tôi thoáng trông thấy cô, đêm mất ngủ, ngày mất ăn, cho đến bây giờ, đã trải bao nhiêu là khổ sở! Người khác không thể nói được, nhưng chị thì tôi không dám giấu! Câu chuyện hôm nọ, một bức thư của tôi, vốn không đáng kể. Thế nhưng bà lớn đường đường là một bà nhất phẩm, lời vàng tiếng ngọc, đã đem chuyện hôn nhân mà nói hứa, chị Hồng! Cái đó chẳng phải chỉ có tôi với chị nghe tiếng; còn bao nhiêu người tăng, kẻ tục trong chùa, còn trên có Trời Phật, dưới có hai ông Hộ Pháp, đều nghe tiếng cả! Không ngờ bây giờ bỗng dưng dở quẻ, làm cho tôi hết mưu, hết kế, vào rừng chẳng biết lối ra! Công việc như thế, còn trông mong đến bao giờ Chi bằng trước mặt chị đây, cởi dây lưng ra, tôi thắt cổ chết đi cho rảnh!

Lấy giây treo cổ lên xà,
Làm thân ma dại lìa nhà, bỏ quê!

(Cổi dây lưng)

CON HỒNG - Cậu đừng hoảng vội! Cậu đối với cô thế nào, em biết rõ lắm! Hôm trước chưa từng quen biết, cậu đường đột hỏi ngay, em dù có lỡ lời, tưởng cậu cũng không nên trách. Đến như bây giờ, một lời bà lớn đã hứa... Huống chi là việc đem ơn đền ơn, em xin hết lòng giúp cậu!

CẬU TRƯƠNG - Được thế thì sống, chết tôi cũng không quên ơn chị! Thế nhưng làm ăn ra thế nào?

CON HỒNG - Em thấy cậu có một cây đàn đựng vào túi, chắc hẳn cậu hay đàn! Thế mà cô em thì rất thích nghe đàn. Hôm nay, thế nào cô em với em cũng ra vườn hoa thắp hương. Hễ nghe tiếng em dặng làm hiệu, là cậu đem đàn ra gảy! Hãy xem cô em nói ra thế nào, bấy giờ em sẽ lựa lời thưa rõ nỗi lòng của cậu. Nếu có tin tức gì, sớm mai em sẽ trả lời cậu. Còn bây giờ, sợ bà lớn gọi, thôi em hãy xin vào. (vào)

CẬU TRƯƠNG :

Buồng xuân, nào lễ loan phòng?
Mái chùa, thôi lại nằm không một mình! (vào)


Tây Sương Ký - Nhượng Tống dịch - Page 2 Captur50


Lời Phê Bình Cả Chương

Chương "Lật hẹn", nếu dùng vai bà lớn hát, có được không? - Thưa rằng không được! - Vậy dùng vai cậu Trương hát có được không! - Thưa rằng không được! - Thế dùng vai con Hồng hát có được không? - Thưa rằng cũng không được! - Sao lại không được cả như vậy? - Tác giả khi bấy giờ, tôi chắc đã nghĩ kỹ về chuyện đó lắm. Ví phỏng dùng vai bà lớn hát mà được, hay dùng vai cậu Trương hát, con Hồng hát mà được, thì có dùng vai Oanh Oanh ra hát mà chi! Ví rằng: Nếu việc chỉ là một việc, tình chỉ một tình, lý chỉ một lý; hỏi người này, người này ừ lài phải; hỏi người kia, người kia cũng ừ là phải; thì cái dó đích thực là giống nhau! Nay việc tuy một việc, tình tuy một tình, lý tuy một lý, song đem việc ra mà nói, thì lại tuỳ từng người, tuỳ cõi lòng từng người, tuỳ thể diện từng người, cho đến tuỳ địa vị từng người mà ở mỗi người một khác. Cái đó thì tực là không giống nhau! Có người nói ra thì đứng đắn; có người nói ra thì trái ngược; có người nói ra thì dịu dàng; có người nói ra thì hung hăng; có người nói ra thì hết ý; có người nói ra thì nửa chừng... Ta không nghe chuyện bà Kinh Khương nước Lỗ không khóc Văn bá đó sao? Cùng một câu nói, ở miệng bà mẹ nói ra thì là mẹ hiền; ở miệng vợ nói ra thì là người vợ ghen. Xem câu nói ra từ miệng ai, sẽ rõ đó là lời của hạng người thế nào. Câu chuyện đó tuy chẳng giống với câu chuyện ở đây, song cũng đủ tỏ ra rằng ta cần phải để ý phân biệt đối với kẻ cất tiếng nói mới được! Thế nào là có người nói ra thì đứng đắn? Ví dụ như tình, lý, chuyện lật hẹn, tự cậu Trương nói ra, thì quyết là không thể lật được. Cậu sẽ nói: nào tôi có dám mong đâu, nhưng mà chính bà lớn đã hứa. Bây giờ máu miệng chưa ráo mà trong lòng đã vội quên hay sao? Thế thì thực là đứng đắn! Nếu bà lớn tự nói ra, thì lại quyết là không lật không được. Bà sẽ nói: Nào tôi có muốn ăn lời đâu; chỉ là vì ông lớn tôi ngày trước... ơn to tuy rằng chưa trả thật, nhưng ước xưa còn đó thì sao? Thế thì thật là trái ngược! Thế nào là có người nói ra thì dịu dàng? Ví dụ như tình, lý, câu chuyện ấy, tự Oanh Oanh nói ra, thì lật đã lật rồi, còn nói chi nữa. Cô sẽ nói: Không cất tiếng khóc, thì mặt nào mà nhìn thấy cậu Trương? Muốn cất tiếng khóc, thì mặt nào nhìn thấy mẹ già? Mẹ sẽ quở: mẹ chỉ có một chứ chồng thì thiếu gì! Thế thì dịu dàng lắm! Nếu lại tự cậu Trương nói ra, thì lật đã lật rồi, còn sợ gì nữa! Bà lớn đã không biết lấy lễ đãi người, thì có trách sao được ta không biết lấy lễ đối lại? Có lẽ bà lớn sẽ nói: dù đem nhau đến cửa công nữa, tôi cũng chẳng nghe nào! Thế thì thật hung hăng quá! Thế nào là có người nói ra thì hết ý! Ví dụ như tình, lý, câu chuyện ấy, tự Oanh Oanh nói ra thì bà lớn đã lật rồi, nhưng ta có lật sao được! Cô sẽ nói: Mẹ ta lật là lật câu nói ở ngoài miệng. Đến như ta mà lật, là lật hẳn con người ở trong lòng. Vậy mà, nếu ta lật con người ở trong lòng ta, thì chẳng há ra bắt chàng cũng phải lật con người ở trong lòng chàng hay sao? Thế thì thật là hết ý. Nếu tự con Hồng nói ra thì bà lớn đã lật rồi, còn ai mà không lật! Nó sẽ nói: Miệng bà lớn đáng lẽ không nên nói ra lời hứa ấy! Mà lòng tiểu thư cũng đáng lẽ không nên nghĩ đến con người ấy! Nếu lòng tiểu thư mà quả có con người ấy, thì chẳng hoá ra tiểu thư cũng sớm đã ao ước làm con người ở trong lòng người ấy hay sao? Thế thì thật nói ra mà mới được nửa chừng! Vì sao vậy? Vì rằng việc tuy là một việc, tình tuy là một tình, lý tuy là một lý, song khốn nỗi ở những người nói ra, cõi lòng mỗi người một khác, thể diện mỗi người một khác, mà đến địa vị mỗi người một khác... Cõi lòng bà lớn, khác với cõi lòng cậu Trương, cho nên người nói ra thì đứng đắn, mà người nói ra thì trái ngược!... Thể diện cậu Trương lại khác với thể diện cô Oanh, cho nên người nói ra thì dịu dàng, người nói ra thì hung hăng!... Đến như địa vị con Hồng lại khác với địa vị cô Oanh, cho nên có người nói ra thì hết ý, có người nói ra thì nửa chừng!... Nói mà nửa chừng thì thà rằng đừng nói! Nói mà hung hăng thì cũng chỉ là nói được nửa chừng! Đến như mà nói trái ngược thì không phải là cách nói của sách này... Tác giả bấy giờ, chắc đã nghĩ kỹ lắm, nên biết rằng về chương "lật hẹn", phải dùng vai Oanh Oanh làm vai hát, chứ không thể dùng vai bà lớn, vai cậu Trương hay vai con Hồng làm vai hát vậy.

Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7077
Registration date : 01/04/2011

Tây Sương Ký - Nhượng Tống dịch - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Tây Sương Ký - Nhượng Tống dịch   Tây Sương Ký - Nhượng Tống dịch - Page 2 I_icon13Thu 01 Dec 2022, 09:16

Phần II

Cậu Trương ngồi bàn kế giải vây
Con Hồng chạy mời người dự tiệc.
Cãi lời đoan bà lớn lật lường,
Nghe đàn gẩy Oanh Oanh thương tiếc.


Chương IV
Ý ĐÀN

Một cảnh: Viện sách, bên kia là vườn hoa.

CẬU TRƯƠNG - Hồng nó dặn mình đêm nay đợi khi tiểu thư ra vườn hoa thắp hương, thì mượn tiếng đàn để dò la ý tứ. Nghĩ nó nói thật là chí lý. Trời đã tối rồi! Trăng ơi trăng! Sao chẳng vì ta mà mọc sớm một chút. A nghe trống đã thu không! A! nghe chuông đã đổ hồi! (sửa đàn). Đàn ơi đàn! Tôi cùng bác giang hồ lưu lạc, đi đâu cũng có nhau! Cái công lớn đêm nay, tôi trông cậy cả vào bác đó! Trời ơi trời! Về phần ông thì chỉ xin lấy cho nhờ lấy một cơn gió nhẹ, đem hộ tiếng đàn này mà đưa lọt vào vành tai nặn bằng phấn, chuốt bằng ngọc của cô tri âm tôi!

CON HỒNG - (cùng Oanh Oanh ra) Mời cô ra thắp hương! Trăng sáng đẹp quá!

OANH OANH - Hồng ơi! Ta còn lòng nào mà thắp hương! Trăng ơi! Chị còn ló mặt ra làm gì nữa!

Mây quang, vầng ngọc ngang trời...
Gió đưa, thềm ngọc đua rơi cánh hồng...
Ngổn ngang trăm mối bên lòng!
Mẹ ơi! mấy người ăn ở thuỷ chung ở đời!
Một ta đây với một ai,
Yêu nhau nào khác yêu người trong tranh!
Lòng mong, miệng nhắc mặc tình,
Gặp nhau hoạ giữa đêm thanh giấc nồng!
Hôm qua mở rộng gác Đông,
Tưởng đâu rán phượng, ninh rồng dâng ra!
Nỡ bắt tôi nâng chén mới qua.
Cho thế là lễ trọng, thế là tình thân!
Những mong chỉ Tấn, tơ Tần,
Ai ngờ lại nhận họ gần, họ xa!

CON HỒNG - Kìa cô coi: trăng quầng! Ngày mai chắc có gió!

OANH OANH - Ừ! Trăng quầng thật nhỉ!

Bao nhiêu mặt ngọc trên đời,
Sợ người trêu ghẹo phải màn ngoài, trướng trong!
Ả Hằng chiếc bóng lưng không,
Lặn Tây rồi lại mọc Đông một mình.
Nào ai là bạn chung tình?
Nào ai là kẻ mối manh đi về?
Ôi trời ơi! độc địa làm chi.
Cũng đem trướng rủ, màn che mấy lần.
Cho cung Hàn vắng biệt tin xuân!

(Con Hồng đằng hắng)

CẬU TRƯƠNG - Hồng nó dặng. Tiểu thư chắc đã ra! (dạo đàn)

OANH OANH - Hồng ơi! Tiếng gì thế nhỉ?

CON HỒNG - Thưa cô, cô thử đoán coi!

OANH OANH :

Phải buông quần mà xà tích chạm nhau?
Phải rảo chân mà trâm giắt mái đầu rùng rinh?
Phải neo vàng ai động bên mình?
Phải hàng ngựa sắt, gió thổi quanh trước rèm?
Phải cung hoa chuông thỉnh đương đêm?
Phải rặng tre cành lá ngoài thềm xô nhau?
Phải kéo may theo nhịp thước khâu?
Phải đồng hồ thánh thót canh thâu đêm ròng?
Lắng tai nghe ở mé tường đông.
Thì ra là tiếng tơ đồng bên mái Tây!
Bỗng như tiếng hạc trên mây,
Trăng trong, gió mát qua bay ngang trời!
Trầm như cô bé nhà ai,
Tình nồng, ý mặn, nói cười bên song!
Nặng nghe hùng dũng lạ lùng:
Rầm rầm gươm thét, ngựa xông trận ngoài!
Nhẹ nghe tan tác tơi bời:
Âm thầm nước chảy, hoa trôi giữa dòng!
Ý hết rồi, nhưng hận khôn cùng!
Khúc đàn tuy chửa dứt, nỗi lòng ai lạ chi ai!
Loan thơ, phượng yến lìa đôi.
Tấm thương dễ nói lên lời được đâu!

CON HỒNG - Cô hãy ở đây nghe! Con vào bà tý, lại ra ngay!(giả vờ vào)

OANH OANH :

Đàn mình, ta lắng bên tai,
Mà người mình, ta biết là người tình chung!
Tri âm, ai chẳng cùng lòng!
Cảm thương, ai chẳng não nùng xót xa!


Tây Sương Ký - Nhượng Tống dịch - Page 2 Captur51


CẬU TRƯƠNG - Ngoài song hơi có tiếng động, chắc là tiểu thư! Ta hãy thử gảy một bài coi!

OANH OANH - Ta đứng gần lại bên song này!

CẬU TRƯƠNG - (thở dài) Đàn ơi đàn! Ngày xưa Tư Mã Tương Như muốn tỏ tình với Trác Văn Quân, có đặt ra bài "Văn Phượng Cầu Hoàng". Tôi đâu dám lên mặt là Tương Như, nhưng tiểu thư thì Văn Quân hồ dễ mà sánh kịp! Bây giờ xin gẩy theo bài ấy.

Bài đàn

Người đâu xinh xinh tuyệt vời!
Lòng tôi không quên trọn đời!
Đường trần ngày một xa cách.
Bể thương trăm tình đầy vơi!
Phượng bay, bốn phương bay khắp!
Mơ màng tìm kiếm lứa đôi!
Đêm nằm đã mòn mắt trông!
Bức tường Đông, bức tường giết người!
- Lòng xuân trăm mối bồi hồi!
Đàn đây có thay hộ lời?
Bao giờ phỉ nguyền non nước?
Bõ công xót thầm hôm mai!
Ví chẳng cành liền, cánh chắp!
Cũng liều đá nát, vàng phai!
(Đôi lời nhắn người tình chung:
Thương lấy ai phương trời lạc loài)!


OANH OANH - Đàn hay! Khúc lựa não nùng! Giọng nghe chua chát! Làm em cũng không sao cầm được nước mắt!

Từng cung, từng bực, từng bài,
Nhận cho ra mới là người biết nghe!
Phải đâu "Lưu Thuỷ" tỷ tê!
Phải đâu "Hành Vân" lại thuận tựa về "Nam ai!"
Phải đâu "Vọng Cổ" ngậm ngùi!
Dây dây ly biệt, lời lời nhớ mong,
Nghe ra canh vắng, đêm ròng,
Rộng lần áo lót, lỏng vòng dây đai!
Gẩy xong một khúc "ly hoài,"
Tài hoa nâng được giá người thêm cao!

CẬU TRƯƠNG - (buông đàn) Bà lớn quên ơn, phụ nghĩa đã đành! Thế nhưng tiểu thư, tưởng không nên nói dối mới phải! (Con Hồng lẻn ra)

OANH OANH - Anh trách thế thì lầm!

Mẹ em nghiêm cấm giữ gìn,
Quản đâu ai rủa, ai nguyền đến em!
Nữ công bận suốt ngày đêm!
Nào cho được rảnh mà tìm bạn loan!
Bên ngoài gió lọt mành đơn;
Bên trong nhà vắng đèn tàn hắt hiu;
Giữa hàng con tiện khẳng khiu,
Với vài lớp giấy hồng điều bồi song!
Phải đâu mây, nước muôn trùng,
Lấy ai tin tức đưa thông trong ngoài?
Dẫu Vu Sơn cao ngất lưng trời,
Cũng còn có lối tìm người trong giấc chiêm bao!

CON HỒNG - (thình lình chạy ra) Thưa cô! Chiêm bao cái gì? Bà biết thì sao?

OANH OANH :

Chạy đâu mà thở chẳng ra hơi?
Hỏi mày còn biết sợ ai nữa, mày?
Trước sau vẫn đứng chỗ này!
Thình lình nó đến, ta đây giật mình!
Bé người mà to họng đã kinh!
Toan cho một trận, thương tình lại tha!
Chỉ e trước mặt mẹ già,
Nó còn kiếm chuyện nói ra, nói vào!

CON HỒNG - Vừa rồi con nghe tin cậu Trương sắp đi! Cô bảo làm ăn ra làm sao?

OANH OANH - Em hãy giữ anh ấy ở lại vài, ba hôm!

Bảo: xem chừng bà đã hối rồi!
Cậu không phải chịu thiệt thòi mãi đâu!
Mẹ ơi! sao nỡ hiểm sâu,
Bắt đôi trẻ phải lìa nhau cho đành!

CON HỒNG - Cô chả phải dặn, con hiểu cả rồi! Mai con sẽ sang thăm cậu ấy (cùng vào)

CẬU TRƯƠNG - Tiểu thư vào rồi! Hồng ơi! sao không lùi lại một bước, trả lời ngay đêm nay cho tôi! Cực chẳng đã, thôi đành ngủ vậy! (vào)



Lời Phê Bình Cả Chương

Vì sao con Hồng lại dạy Quân Thụy câu chuyện gẩy đàn? Thánh Thán ngậm ngùi mà than rằng: Từ đây mà đi, tôi mới biết lễ là cái có thể ngăn đón được người đời vậy! Kìa như Quân Thụy là tay tài tử nhất đời! Lại như Song Văn cũng là bậc giai nhân nhất đời!

Lấy tay tài tử nhất đời bắt gặp bậc giai nhân nhất đời, thì thế tất cũng không nề nghĩa chết, muôn chết, cố cầu cho họp nhau! Mà dẫu bậc giai nhân nhất đời nữa, thoáng nghe có tay tài tử nhất đời, thế tất cũng không nề nghìn chết, muôn chết, mà cố cho họp nhau! Sao vậy? Vì tài tử là giống rất quý ở đời, mà giai nhân cũng là giống rất quý ở đời... Trời sinh ra ở đây một giống quý, trời cũng biết khó lòng mà kiếm cho đủ đôi... Tự nhiên một ngày kia mà hai giống gặp nhau, hai giống thương nhau, hai giống tìm nhau, hai giống họp nhau, thì khi đó trời cũng sướng lắm! Sướng sao sướng vậy! Vì được một việc mà ra được cả hai việc: đem giống rất quý này sánh đôi với giống rất quý kia, tức là đem giống rất quý kia sánh đôi với giống rất quý này... Có lẽ nào trời lại cho thế là không phải, lại ép uổng đem một viên ngọc sánh đôi với một hòn đá; rồi lại lấy một viên đá cho sánh đôi với một viên ngọc, mà lại lấy làm sướng hay sao! Thế nhưng tôi thường lấy làm nghĩ: Tài tử có tấm tình thế tất phải đến, thì giai nhân cũng có tấm tình thế tất phải đến. Thế nhưng tấm tình thế tất phải đến ấy, ở tài tử chỉ có thể cất giấu ở trong lòng tài tử, mà ở giai nhân chỉ có thể cất giấu ở trong lòng giai nhân. Dù cực chẳng đã, lâu mãi! lâu mãi! Muôn một xảy ra chuyện không may, vì tấm tình thế tất phải đến ấy, mà tài tử đến sắp chết, thì tài tử cũng đành chịu chết! Mà giai nhân đến sắp chết, thì giai nhân cũng đành chịu chết! Chứ tài tử cũng không có cách gì để tỏ tình được với giai nhân; mà giai nhân cũng không có cách gì để tỏ tình được với tài tử. Vì sao? Vì các đấng vua đời xưa đã đặt ra lễ, thì muôn đời cũng không bỏ đi được! Lễ dạy rằng: "Lời nói ở ngoài không dám để lọt vào trong cửa buồng; lời nói ở trong không dám để lọt ra ngoài cửa buồng". Hai câu ấy như có quỷ thần xét soi, học từ lúc bé, mà cho đến lúc chết cũng không dám phạm! Tài tử yêu giai nhân thì yêu thật, song tài tử còn yêu các vua đời xưa hơn. Có thế tài tử mới được là tài tử! Giai nhân thì yêu tài tử thật, song giai nhân còn sợ lễ hơn. Có thể giai nhân mới được là giai nhân! Cho nên trai lớn tất phải có vợ, gái lớn tất phải có chồng, đó là chuyện rất thường xưa nay, tưởng không cần gì phải dấu diếm cả. Vậy mà tuy là tài tử giai nhân, cũng cần phải cha mẹ bằng lòng, mối lái nói trước; lê, táo, giò, nem, thành tâm đưa đến; họ hàng làng xóm, rượu cỗ khuyên mời... Không thế thì cha, mẹ, mọi người trước đã coi khinh; mà con hiếu, cháu hiền về sau còn lấy làm xấu hổ mãi mãi! Sao vậy? Chỉ ghét về tội trái lễ đó thôi! Cho nên tài tử như Quân Thụy, giai nhân như Oanh Oanh, thật hai con người rất quý ở trong trời đất vào khoảng niên hiệu Trinh Nguyên đời Đường! Tài tử yêu giai nhân như Quân Thụy với Oanh Oanh, giai nhân yêu tài tử như Oanh Oanh với Quân Thụy, thì thật không nề nghìn chết, muôn chết, mà suýt suýt nữa cả đôi đều muốn dồn cả hai cái chết làm một... Thế thì trước khi chưa có những chuyện quân giặc vây chùa, bà lớn hứa gả thì: Quân Thụy yêu Oanh Oanh thật, song vẫn không biết nàng có hiểu mình yêu, mà yêu đến mực ấy hay không? Oanh Oanh yêu Quân Thụy thật, song cũng vẫn không biết chàng có hiểu mình yêu, mà yêu đến mực ấy hay không? Quân Thụy đã không có cách gì nói ra miệng để lọt vào tai Oanh Oanh, mà Oanh Oanh cũng không có cách gì nói ra miệng để lọt vào tai Quân Thụy; cái đó hai bên cùng thế cả. Đã vậy thì thật là không hiểu lẫn nhau... Kể hai người yêu lẫn nhau, yêu đến như thế là cùng, vậy mà vẫn không sao hiểu lẫn nhau, như vậy thì hai người có thể chết được lắm chứ! Thế nhưng hai người dù có chết cũng là chết toi, chứ mối tình kia thì vãn không có cách gì để cùng nhau nói ra miệng, cùng lọt vào tai! Ấy là vì theo lễ phải thế, không có thể phạm được!

Nghìn sự không may! Muôn sự không may! Mà cái may thật là may lù lù đưa đến. Rồi bỗng không mà quân giặc vây chùa, bỗng không mà bà lớn hứa gả! Theo ý tôi thì trong khi đó Quân Thụy có thể không cần tỏ tình với Oanh Oanh mà Oanh Oanh cũng có thể không cần tỏ tình với Quân Thụy nữa! Vì sao? Vì bà mẹ đã hứa, mà ba trăm người ở dưới hành lang đã chứng kiến cho rồi! Từ đây mà đi, Oanh Oanh mới thật là Oanh Oanh của Quân Thụy! Tấm tình chung của đôi người, dù tự miệng nói ra suốt ngày đêm, cho đến suốt cả tháng, cho đến suốt cả năm, cho đến suốt trăm năm nữa, nào có khó gì! Nào có cần chi phải có một kẻ đứng giữa để đón từ bên đây đưa sang bên kia? Trời thực cũng không ngờ rằng mụ già lại còn xoay kế khác vậy! Từ khi cái kế của mụ già thình lình xoay khác, khi đó chừ Oanh Oanh lại vẫn chưa phải là Oanh Oanh của Quân Thụy, mà Quân Thụy lại vẫn chưa phải là Quân Thụy của Oanh Oanh! Vì thế, mà giữa khoảng hai người, không thể không phiền đến một kẻ ngoài, để đón bên đây, đưa sang bên kia, lại mong được ở bên kia để trả lời bên đây! Tuy rằng ở Oanh Oanh thì dù đến chúng ta đây cũng phải dặn hộ rằng: Đó là chuyện cần phải giữ ý giữ tứ, dù sao thì em cũng không thể đem mà nói rõ với người; thế nhưng ở Quân Thụy thì còn có kiêng nể gì mà chẳng viện lý, viện lời, để nói cho ai nấy đều biết? Tục ngữ có câu: "Lòng chẳng phụ ai, mặt không bẽn lẽn!" Ví phỏng bà lớn mà chưa hứa, thì Quân Thụy dù chết nữa thực cũng không dám, vì rằng còn vướng có lễ! Thế nhưng bà lớn đã hứa, thì Quân Thụy dù có không kiêng nể gì, nghiễm nhiên dám mượn một tay sứ giả, đẩy cửa buồng ra mà nói rõ với Oanh Oanh, tôi tưởng cái đó lễ cũng không thể theo mà ăn vạ được nữa! Vì sao? Chỗ đuối ở bên ấy chứ không phải bên này! Thế nhưng ta chỉ không biết người sứ giả đó thì biết trả lời ra làm sao? Bà lớn hứa, chuyện đó tai ta được nghe... Bà lớn lật, chuyện đó tai ta lại được nghe... Chả cần Quân Thụy phải nói! Quân Thụy dù không nói, song ta há không phải giống người hay sao mà không hậm hực ở trong lòng? Cho nên cái đó thật cũng không cần Quân Thụy phải van lơn. Quân Thụy dù không van lơn, song ta há không phải giống người hay sao, mà nỡ không ra tay giúp đỡ? Vả chăng nay ta đem lời Quân Thụy mà nói với Oanh Oanh, thì chẳng qua cũng như rót nước vào nước mà thôi! Vì sao? Vì tấm lòng uất ức vừa đây, hiện ra nét mặt, ta thì đã xét rõ lắm. Vậy thì đem lời Quân Thụy nói với Oanh Oanh cũng chẳng khác gì đem lời của Oanh Oanh nói với Oanh Oanh mà thôi! Thực ra trong đời còn có chuyện gì dễ dàng hơn chuyện ấy nữa! Thế nhưng riêng con Hồng thì cho chuyện ấy thế mà có chỗ cực kỳ khó! Vì sao? Vì rằng: Nhà họ Thôi thì thâm nghiêm kín đáo, vinh một quan Tướng quốc giúp vua trị nước ở triều đình; bà lớn họ Thôi thì đường hoàng bệ vệ, một bà nhất phẩm phu nhân, mà nay lại sắt sói, gớm ghê, một bà mẹ goá lòng băng mặt sắt; con gái bà lớn là Oanh Oanh thì thướt tha yểu điệu, như Trời, như Phật, một cô tiểu thư nghìn vàng, gió xuân còn chửa được thổi, nắng xuân còn chửa được soi... Đến như con Hồng sở dĩ là con Hồng thì chẳng qua dưới gối bà lớn có tiểu thư, bên cạnh tiểu thư có người hầu, mà trong bọn người hầu ấy có một con xinh xinh nho nhỏ, thế thôi! Tiểu thư mà đãi nó vào hạng tầm thường, thì đó là thể của tiểu thư! Tiểu thư mà đãi nó vào hạng tay chân, thì đó là ơn của tiểu thư! Nói về thể của tiểu thư, thì không dám nông nổi đem một câu chuyện bâng quơ mà xúc phạm đến vẻ tôn nghiêm, cái đó chẳng những con Hồng phải thế, mà phàm những người hầu cạnh tiểu thư ai cũng phải thế cả, mà con Hồng không thế cũng không được! Đến như nói về ơn của tiểu thư, thì cái không dám nông nổi đem một câu chuyện bâng quơ mà xúc phạm đến tôn nghiêm, tôi nghĩ cũng chỉ có một mình con Hồng là biết thế mà thôi… Nếu không thế thì sao tấm lòng châu ngọc của tiểu thư, ngày thưởng chẳng chịu để ý đến ai, mà lại riêng đoái thương đến con Hồng? Cứ đó mà suy, thì vâng lời Quân Thụy, tuy là sự Hồng không vâng không xong, nhưng thưa với Oanh Oanh thì là sự Hồng không thưa không được! Vì rằng đó là một sự cực kỳ khó nên chẳng những Hồng lấy làm khó, thì Quân Thụy khi ấy cũng đã lấy làm khó cho Hồng; chẳng những Thánh Thán lấy làm khó, mà hết thảy các bạn tài tử gấm vóc ở đời hiện nay có lẽ cũng không ai không lấy làm khó cho Hồng! Coi đó đủ biết các vua đời xưa đặt ra lễ, có trong, có ngoài, có cao, có thấp, chẳng những lời nói ở ngoài không dám để lọt lên trên... Ấy nghiêm trọng cẩn thận là thế! Cốt để ngăn ngừa những sự gian tà lếu láo ở đời, không cho nấp bên cạnh, lấn đằng trước, quấy đằng sau, phá phách không biết đến đâu là cùng; dụng ý thật rất sâu xa vậy! Coi đó thì biết con Hồng sở dĩ dạy Quân Thụy về chuyện gảy đàn, ý nó nào có phải muốn Quân Thụy lấy đàn mà ghẹo Oanh Oanh vì đàn mà cảm Quân Thụy! Chẳng qua vì Oanh Oanh đứng vào địa vị tôn nghiêm quá, mình là con hầu, tất không thể nói được. Đã không thể nói được thì vừa rồi nhận lời với Quân Thụy, đành bỏ mặc đó hay sao? Như vậy thực chẳng nỡ lòng nào! Vì thế phải giở đến ngón ranh mãnh tinh ma, mà thình lình gửi cả vào cây đàn… Rồi đó một bên thì dạy cho gẩy, một bên thì dứ cho nghe... Dứ cho nghe rồi giả vờ vào... Giả vờ vào rồi đứng rình đấy... Đứng rình đấy rồi khi bắt được chân tình cùng câu nói, liền đâm xổ ra cho không thể nào mà chối được! Ấy thế rồi thong thả dử dần cho cá cắn vào câu! Than ôi! Ví phỏng Oanh Oanh ngồi rú mà không ra, hay ra mà không nghe, hay nghe mà không nói, thì ai còn giở ngón ra được nữa! Vì vậy Thánh Thán đọc Mái Tây lòng còn thao thức mà cảm đến các vua đời xưa! Các cô tiểu thư tôn nghiêm giữ lễ sau này, đối với con hầu thân thiết của mình, phải coi chừng cho cẩn thận mới được.

(Trác Sơn nói: Sau chuyện lật hẹn, trước chuyện gửi thư, sao lại nẩy ra chương Ý đàn này? Có lẽ tấm tình khăng khít của đôi bên, trước còn chưa tả hết ý, nên cần phải nói thêm lần nữa hay sao? Giờ đọc lời phê bình của Thánh Thán mới hiểu ra. Cả đến những câu "chạy đâu ra mà thở chẳng ra hơi... vv " ở cuối chương, cũng đều như mới tắm xong cả! Mắt Thánh Thán thật to bằng cái rổ!)

Tôi xem cách dùng bút của người viết "Mái Tây" thật là lạ tuyệt xưa nay! Chương "mời tiệc" trước, chỉ dùng một vai con Hồng, vậy mà lại là văn tả Quân Thụy và Oanh Oanh! Đến chương "ý đàn" này dùng cả Quân Thụy và Oanh Oanh, bỏ rớt hẳn con Hồng, thì lại chính là văn tả con Hồng! Mờ mịt bên trời, gửi lời nhắn các bạn tài tử gấm vóc đâu ta: Tôi muốn cùng bạn khêu đèn ngồi chờ, chuốc rượu vui cười, đọc đi! hát đi! giảng đi! bàn đi! gọi đi! lạy đi! Đời không ai hiểu thì đốt đi! khóc đi! (Trác Sơn nói: Tôi xin khóc trước!).
Về Đầu Trang Go down
Sponsored content




Tây Sương Ký - Nhượng Tống dịch - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Tây Sương Ký - Nhượng Tống dịch   Tây Sương Ký - Nhượng Tống dịch - Page 2 I_icon13

Về Đầu Trang Go down
 
Tây Sương Ký - Nhượng Tống dịch
Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Trang 2 trong tổng số 2 trangChuyển đến trang : Previous  1, 2

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
daovien.net :: TRÚC LÝ QUÁN :: Tài Liệu-