Trang ChínhTìm kiếmLatest imagesVietUniĐăng kýĐăng Nhập
Bài viết mới
Những Bài Giảng Hay Thầy Thích Pháp Hoà by mytutru Yesterday at 20:28

Thơ Nguyên Hữu 2022 by Nguyên Hữu Yesterday at 20:15

Hơn 3.000 bài thơ tình Phạm Bá Chiểu by phambachieu Yesterday at 16:18

BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-1965 - LM CAO VĂN LUẬN by Trà Mi Yesterday at 10:41

TRUYỆN KIỀU CÓ TRƯỚC ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH, VÀ LÀ CỦA VIỆT NAM ??? by Trà Mi Yesterday at 10:27

Lục bát by Tinh Hoa Yesterday at 07:21

PHÁP VIỆN MINH ĐĂNG QUANG TĂNG NI & Đại Chúng by mytutru Yesterday at 00:55

SƯ TOẠI KHANH (những bài giảng nên nghe) by mytutru Sat 16 Mar 2024, 20:15

Xem tướng mạo đàn ông ngoại tình, lăng nhăng by Trà Mi Sat 16 Mar 2024, 10:05

Putin dối trá khi trả lời Tucker Carlson by Trà Mi Fri 15 Mar 2024, 11:39

Trang thơ Tú_Yên (P2) by Tú_Yên tv Fri 15 Mar 2024, 11:20

Chùm thơ "Có lẽ..." by Tú_Yên tv Fri 15 Mar 2024, 11:09

Thơ Tú_Yên phổ nhạc by Tú_Yên tv Fri 15 Mar 2024, 11:07

7 chữ by Tinh Hoa Fri 15 Mar 2024, 03:27

Một thoáng mây bay 12 by Ai Hoa Thu 14 Mar 2024, 09:55

BẮT CÁ TRỜI MƯA by Phương Nguyên Wed 13 Mar 2024, 20:48

5 chữ by Tinh Hoa Wed 13 Mar 2024, 07:56

Tiến Trình Tu Học Phật - Thành Phật by mytutru Mon 11 Mar 2024, 23:17

Tập Mỗi Ngày by mytutru Mon 11 Mar 2024, 22:48

Lan ĐV 8 by buixuanphuong09 Mon 11 Mar 2024, 11:06

SẦU LY BIỆT by Phương Nguyên Mon 11 Mar 2024, 08:02

LỀU THƠ NHẠC by Phương Nguyên Sun 10 Mar 2024, 08:39

MỪNG NGÀY 08.03 by Phương Nguyên Sun 10 Mar 2024, 08:21

Chỉn by Trà Mi Sat 09 Mar 2024, 12:30

Lỗi 404 by mytutru Fri 08 Mar 2024, 11:09

Thể Tánh Muôn Loài by mytutru Tue 05 Mar 2024, 23:44

5-8-8-8 by Tinh Hoa Tue 05 Mar 2024, 03:32

Còn mãi duyên thầy by buixuanphuong09 Mon 04 Mar 2024, 13:37

Con Đường Tâm Mytutru TKN Đào Liên by mytutru Sat 02 Mar 2024, 12:09

Hoa Sen Ao Sen by mytutru Sat 02 Mar 2024, 08:27

Tự điển
* Tự Điển Hồ Ngọc Đức



* Tự Điển Hán Việt
Hán Việt
Thư viện nhạc phổ
Tân nhạc ♫
Nghe Nhạc
Cải lương, Hài kịch
Truyện Audio
Âm Dương Lịch
Ho Ngoc Duc's Lunar Calendar
Đăng Nhập
Tên truy cập:
Mật khẩu:
Đăng nhập tự động mỗi khi truy cập: 
:: Quên mật khẩu

Share | 
 

 KIM DUNG GIỮA ĐỜI TÔI - VŨ ĐỨC SAO BIỂN

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Chuyển đến trang : Previous  1 ... 9 ... 14, 15, 16, 17, 18, 19  Next
Tác giảThông điệp
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7077
Registration date : 01/04/2011

KIM DUNG GIỮA ĐỜI TÔI - VŨ ĐỨC SAO BIỂN - Page 15 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: KIM DUNG GIỮA ĐỜI TÔI - VŨ ĐỨC SAO BIỂN   KIM DUNG GIỮA ĐỜI TÔI - VŨ ĐỨC SAO BIỂN - Page 15 I_icon13Fri 28 Feb 2020, 07:48

KIM DUNG GIỮA ĐỜI TÔI
Vũ Đức Sao Biển

(tiếp theo)

Khang Hy


Khang Hy (1654-1722) lên ngôi năm 1662, ở ngôi 60 năm, thọ 68 tuổi, được lịch sử Trung Quốc coi là một vị minh quân dù nhà vua là người xuất thân từ chánh Hoàng kỳ, dân tộc Mãn Châu, bộ tộc Ái Tân Giác La (Aisin Gioro). Đối với người Trung Quốc, ai không thuộc dòng Hán tộc thì bị coi là Di Địch. Khang Hy là Di Địch, trở thành đối tượng của muôn vạn người Trung Quốc là chuyện đương nhiên. Thế nhưng, 60 năm trị vì của ông là 60 năm thái bình, phát triển rực rỡ. Người Trung Quốc nhận ra được một vua Khang Hy Di Địch tốt hơn gấp bội lần những hôn quân vô đạo của Minh triều Hán tộc. Cái khái niệm trung quân hẹp hòi của các nhà nho, trong đó có sự can thiệp của chủ nghĩa dân tộc cực đoan bị lung lay đến tận gốc rễ. Chỉ có một số nhà nho cỡ Lữ Lưu Lương, Tra Y Hoàng, Trần Cận Nam và tổ chức Thiên Địa hội của Đài Loan mới coi Khang Hy là thù địch. Và họ đã gánh chịu thất bại cùng với phong trào “phản Thanh phục Minh” của họ.

Trong Lộc Đỉnh ký của Kim Dung, ta bắt gặp một ông vua Khang Hy thiếu niên đầy tính trẻ thơ. Cũng giống như bao trẻ thơ khác, nhà vua chán ngán những bữa ăn ngự thiện đầy nghi lễ, có kẻ hầu người hạ bốn bên, có bọn thái giám ân cần phục dịch. Nhà vua chỉ thích được ăn vụng ngay tại ngự trù phòng những món ăn mà mình khoái khẩu như bánh da lợn, bánh chiên… Cũng những thức ăn đó nhưng được bọn thái giám dọn lên, hầu hạ để ăn một mình trong cung điện đìu hiu của mình thì nhà vua lại cảm thấy chán ngán. Cũng chính nhờ chuyện thích ăn vụng mà nhà vua đã gặp được một anh bạn nhỏ giả thái giám là Vi Tiểu Bảo.

Cũng giống như bao trẻ thơ khác, nhà vua thiếu niên này rất dễ tiêm nhiễm thói… chửi tục. Khi chơi với Vi Tiểu Bảo, một tiểu lưu manh chửi tục đã “có nghề” thành Dương Châu, nhà vua mới nhận ra các câu “khải bẩm thánh thượng”, ”chúa thượng anh minh” gì gì đó toàn là những câu sáo ngữ, tào lao. Ngược lại, hệ thống ngôn ngữ đầu đường xó chợ, du côn du kề cỡ như “quân rùa đen, phường chó đẻ, con mẹ nó, tổ bà nó…” nghe thật dễ nhớ, dễ hiểu, dễ chịu cái lỗ tai. Nhà vua cảm thấy cao hừng khi được chửi tục. Điều đáng tiếc là nhà vua chỉ được chửi tục, nói bậy trước mặt Vi Tiểu Bảo; còn khi lâm triều thì nhà vua lại phải ăn nói theo đúng khuôn phép của một hoàng đế. Mà ăn nói theo khuôn phép lại khiến nhà vua cảm thấy khó chịu, đặc biệt là những câu nình nọt của bọn trọng thần. Thí dụ như câu “Thánh thượng vạn tuế” được bọn triều thần tung hô mỗi khi thiết triều chẳng những đã không làm cho Khang Hy vui sướng mà lại khiến cho nhà vua cảm thấy đó là lời tôn xưng láo toét: “Con mẹ nó, làm gì mà sống được đến muời ngàn tuổi (vạn tuế)”. Khang Hy là một nhà vua khá thực tế, chỉ muốn nghe được những ý kiến giản dị, phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể. tiếc thay, từ các cố mệnh đại thần cho đến thượng thư, từ các học sĩ đến thị lang đều ăn nói theo kiểu bợ đít. Cho nên hệ thống ngôn ngữ thô tục, dân dã, sặc mùi lưu manh của Vi Tiểu Bảo đã làm cho nhà vua dễ nghe và tiêm nhiễm.

Kim Dung xây dựng một Khang Hy sớm biểu lộ hùng tài đại lược khi còn tuổi vị thành niên. Lúc rảnh rỗi, nhà vua thường ngồi trong ngự thư phòng, đọc sách. Dù gã trọng thần Ngao Bái - đệ nhất dũng sĩ Mãn Châu - từng can ngăn nhà vua là sách sử do người Hán để lại toàn là nọc độc, nên đốt đi là hơn nhưng nhà vua vẫn đọc. Từ các sách sử đó, nhà vua tìm hiểu tâm hồn người Trung Quốc, nhân ra các sai lầm của các hôn quân bạo chúa Hán tộc, tìm ra những tư tưởng mới mẻ của các nhà nho Hán tộc yêu nước để định hình cho đường lối cai trị của Thanh triều.

Nên nhớ rằng Bát kỳ Mãn Châu tuy mạnh về quân sự nhưng lại kém về chính trị. Tám bộ tộc ô hợp chiếm được một đất nước trung Quốc với mấy trăm triệu người chỉ với trên dưới 10 vạn quân. Vua Thuận Trị lên ngôi mở ra nhà Thanh trên đất Trung Quốc chỉ ở ngôi được 19 năm. Trong 19 năm đó, loạn lạc bốn phương, người Trung Quốc “phản Thanh phục Minh” khởi nghĩa khắp nơi, giương cao ngọn cờ chống Di Địch. Hậu duệ nhà Minh (tức họ Chu) lần lượt lập nên bốn ông vua Quế vương, Đường vương, Phúc vương, Lỗ vương để có người đứng ra hiệu triệu công cuộc phản Thanh. Bọn nhà nho có đầu óc bảo thủ họp nhau lại viết bộ Minh thư tập lược, một cuốn lịch sử của triều Minh, lấy toàn niên hiệu các vua triều Minh với ý đồ khơi dậy ý thức phục Minh. Bọn văn sĩ thì viết văn, làm thơ kể tội nhà Thanh rồi in lén hoặc truyền bá theo cách rỉ tai trong cách nhóm nhỏ. Trong các trà thất, bọn thầy đồ ngheo đem sách sử Trung Quốc (cũ) ra kể cho nhiều người nghe. Chuyện tuy thuật về chiến thắng thời Đường - Tống mà kỳ thực là để khơi dậy niềm tự hào dân tộc về các “tiền triều”.

Khang Hy đã thực hiện chương trình nội trị khéo léo, kết hợp chính trị với quân sự. Trước hết, nhà vua thu phục lòng dân bằng cách xây dựng toà trung liệt từ ở Dương Châu, mở kho chẩn tế cho dân nghèo đảo Đài Loan sau cơn bão lụt. Nhà vua trị tội tên phản thần Ngao Bái, nhân vật mà Hán tộc căm ghét hạng nhất và tịch thu gia sản sung công quỹ. Nhà vua sớm nhận ra âm mưu tạo phản của Bình Tây vương Ngô Tam Quế ở Vân Nam, nhân vật mà trăm vạn dân Hán tộc đều gọi là Hán gian. Chính Ngô Tam Quế đã mở cửa Sơn Hải quan rước quân Thanh vào, đầu hàng Thanh triều, trở thành tiên phong tiến đánh Bắc Kinh, truy đuổi Đường vương tới Miến Điện (Myanmar) và giết Đường vương ở đó. Được phong tước Bình Tây vương, Ngô Tam Quế củng cố binh lực ở Vân Nam, giương cờ chống là Khang Hy với chiêu bài “hưng Minh thảo Lỗ” nhưng không được trăm họ Hán tộc hưởng ứng. Khang Hy triệt các phiên vương Ngô Tam Quế, Thượng Khả Hỷ, Cảnh Tinh Trung cho trăm họ vui lòng.

Đối với lực lượng đối kháng có tổ chức là Thiên Địa hội do Trần Cận Nam lãnh đạo, nhà vua có một đối sách khác. Về mặt danh nghĩa, Thiên Địa hội đặt dưới sự chỉ huy của Đài Loan vương Trịnh Thành Công nhưng về mặt tổ chức, Thiên Địa hội thực sự hoạt động ở nội địa, đặc biệt là các tỉnh Đông – Nam như Triết Giang, Phúc Kiến, Quảng Đông, Quảng Tây. Bởi họ dàn trải lực lượng trên 17 tỉnh, nên đội ngũ của họ ô hợp, trong quần hùng có nhiều nhân vật thuộc loại hữu dũng vô mưu. Khang Hy đã “đánh” người của mình vào trong tổ chức này, nắm vững tất cả các hoạt động chống đối của họ và cuối cùng quăng một mẻ lưới, tóm gọn tất cả. Trịnh Khắc Sảng, con của Đài Loan vương Trịnh Thành Công, đầu hàng. Đảo Đài Loan trở về với lục địa Trung Quốc.

Kim Dung xây dựng một nhân vật Khang Hy khá độ lượng. Nhà vua đọc các lý luận, các sách sử của bọn nhà nho Hán tộc đương thời viết ra với sự cảm nhận thật khách quan. Đám quyền thần phía dưới thì cho rằng các loại sách ấy mang mầm mống phản nghịch, cứ đặt điều tâu rỗi với nhà vua. Nhưng Khang Hy trọng văn học, quý tài năng. Nhà vua hiểu rằng bọn Bát kỳ Mãn Châu không thể có những tư duy, những tài năng như vậy. Cái mà họ gọi là trung quân, xin nhà vua dẹp hết tư tưởng phản nghịch trong đám nho gia Hán tộc thực sự chỉ là mặc cảm tự ty của những người ít học, chỉ biết cai trị theo lối phân biệt chủng tộc và chỉ thấy được sức mạnh của lưỡi kiếm. Điều hiển nhiên là Bát kỳ Mãn Châu không thể cai trị được một Hán tộc mấy trăm triệu người nếu không có một đối sách nội trị nhân từ, khiêm ái. Khang Hy có được cái bén nhạy của một nhà chính trị kiệt xuất nên xã hội Trung Quốc dưới triều Khang Hy là xã hội thái bình, thịnh trị.

Sách lược đối ngoại của nhà vua cũng tuyệt diệu không kém. Khám phá được âm mưu liên kết của Mông Cổ, Tây Tạng, Nga La Tư (La Sát) và bọn Thần long giáo - một giáo phái phản động ở quần đảo Liêu Đông, Khang Hy đã tìm cách phá mối liên minh đó. Nhà vua đem chức chuẩn Cát Nhĩ Hãn (vua dự bị) ra để dụ vương tử Cát Nhĩ Đan của Mông Cổ; tăng thêm một ngôi vị Tang Kết Hoạt Phật bên cạnh Đạt Ma Hoạt Phật ở Tây Tạng. Đối với Thần long giáo và đoàn quân xâm phạm biên giới của Nga La Tư, nhà vua chủ trương nói chuyện bằng súng. Để chuẩn bị cho hai cuộc chiến tranh đó, Khang Hy đã mời 2 cố đạo Tây dương là Nam Hoài Nhân và Thang Nhược Vọng giám đốc công việc đúc súng đại bác. Người Trung Hoa là dân tộc đầu tiên trên thế giới chế ra thuốc pháo nên chuyện chế tạo hoả dược là ra đạn trọng pháo đối với họ là chuyện bình thường. Điều bất ngờ đối với quân Nga La Tư ở mặt trân biên giới là họ đã bị trọng pháo của nhà Thành bắn trúng thành luỹ. Trước nay, họ nghĩ quân Thanh chỉ biết đánh nhau bằng ngựa và gươm giáo.

Cuộc chiến tranh Trung – Nga diễn ra ở biên giới hai nước được Kim Dung diễn tả một cách khá hài hước với sự hiện diện của “bá tước” Vi Tiểu Bảo, tư lệnh các tập đoàn quân Thanh. Cái kiểu đánh nhau vừa bằng vũ khí vừa bằng tiểu xảo lưu manh, cái kiểu thương thuyết để ký hoà ước Hắc Long Giang vừa bằng phương pháp ngoại giao vừa bằng lý luận cù cưa cù nhầy kiểu đầu đường xó chợ đã nói lên tài “dùng người” của Khang Hy. Người Trung Quốc cho rằng người Nga La Tư (La Sát) là quân bá đạo, phải có một tay lưu manh cỡ Vi Tiểu Bảo, dùng bá đạo trị bá đạo thì mời gọi là xứng đôi vừa lứa! Và cuối cùng, tư lệnh Vi Tiểu Bảo của quân Thanh với tư lệnh Phí Diêu Đa La (Féodore) của quân Sa hoàng Nga đã ký với nhau hoà ước Hắc Long Giang năm 1864.

Trong chính sử Trung Quốc, Sách Ngạch Đồ thay mặt Khang Hy và Phí Diêu Đa La thay mặt Sa hoàng ký hoà ước này. Đây là một hoà ước thắng lợi hoàn toàn cho Thanh triều: 2 tỉnh Tân Hải và A Mộc Nhĩ của nước Nga thuộc về Trung Quốc; đất Trung Quốc rộng thêm 80 vạn dặm vuông Anh. Trong lịch sử Trung Quốc, chưa có thời nào đất Trung Quốc rộng như thời Khang Hy. Hoà ước đã giữ cho nhân dân 2 nước sống yên vui thanh bình trong suốt 150 năm. Chỉ tiếc rằng các vua sau này của nhà Thanh nhu nhược, suy bại; diện tích nước Trung Quốc bị thu hẹp lại, người Trung Quốc trở thành tôi mọi trước cuộc tiến công xâm lược của Bát quốc liên quân. Nhưng thôi, chuyện ấy không liên quan gì đến Khang Hy và Lộc Đỉnh ký.

Khang Hy là một ông vua sáng suốt nhất của 13 triều đại nhà Thanh trên đất Trung Quốc. Bởi vì nhà vua là người Mãn Châu nên Kim Dung phải đem gã hề Vi Tiểu Bảo “bổ sung” chất Hán tộc cho nhà vua. Khang Hy và Vi Tiểu Bảo như hình với bóng. Đem cái ngay thẳng, sáng suốt trộn với cái lưu manh, khôn vặt âu cũng là một công thức sống. Chẳng vậy mà khi Vi Tiểu Bảo trốn đi, Khang Hy đã cho người đi tìm. Nên nhớ là rằng tên giả của Khang Hy là Tiểu Huyền Tử và tên giả của Vi Tiểu Bảo là Tiểu Quế Tử. Họ là 2 thằng nhỏ, một người làm vua, một người làm quan lớn. Bọn trẻ ba hoa khiến các ông già ngơ ngác. Tuy thời ấy, chưa ai nghe nói đến việc “trẻ hoá đội ngũ lãnh đạo” nhưng rõ ràng qua Lộc Đỉnh ký, Kim Dung đã cho người đọc biết thế nào là thành công của sự trẻ hoá. Tác phẩm đem lại nụ cười chứ không phải là tư tưởng chính trị bởi Lộc Đỉnh ký là tiểu thuyết chứ không phải là văn kiện báo cáo. Chuyện trẻ hóa chỉ là chuyện nói chơi.

Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7077
Registration date : 01/04/2011

KIM DUNG GIỮA ĐỜI TÔI - VŨ ĐỨC SAO BIỂN - Page 15 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: KIM DUNG GIỮA ĐỜI TÔI - VŨ ĐỨC SAO BIỂN   KIM DUNG GIỮA ĐỜI TÔI - VŨ ĐỨC SAO BIỂN - Page 15 I_icon13Wed 11 Mar 2020, 14:43

KIM DUNG GIỮA ĐỜI TÔI
Vũ Đức Sao Biển

(tiếp theo)

Thử Bình Bầu Chín Vị Anh Hùng


Trở thành người anh hùng trong chế độ quân chủ luôn luôn là khát vọng của người đàn ông chân chính. Chính vì vậy mà tiểu thuyết cổ điển thường xây dựng hai loại hình nhân vật lý tưởng: anh hùng và giai nhân. Tôi đã bàn tới mười mỹ nhân trong tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung. Tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung có đến 12 bộ, tôi xin góp ý lạm bàn để chọn chín vị anh hùng. Làm công việc này quả thật mạo muội vì nếu chỉ chọn chín người, tất phải bỏ đi bớt một số nhân vật trung tâm mà tác giả đã dày công xây dựng và ban đọc mến mộ. Cho nên tôi mới xin được phép dùng ba chữ thử bình bầu...

1. Kiều Phong

Người anh hùng thứ nhất tôi xin chọn là Kiều Phong (tức Tiêu Phong) trong Thiên Long bát bộ. Nhân vật này không thuộc nòi Đại Hán, lại là quân Liêu cẩu; mặt vuông tai lớn, tướng mạo đường đường. Kiều Phong bị kết tội khai man lý lịch nhằm leo lên cao thọc sâu, lên làm bang chủ Cái bang, Trung Quốc rồi sau đó sẽ bán đứng Trung Quốc cho rợ Khất Đan. Ba mươi tuổi, uống rượu như nước lã, võ công cao cường, ngôi vị tột đỉnh. Kiều Phong đúng là mẫu người của quyền lực cổ điển Trung Quốc. Ba mươi tuổi, ông không hề biết say mê nhan sắc, không thèm nhìn cô hoa khôi vợ của bạn một cái đến nỗi cô căm thù, tìm mọi cách để cô công bố cái lý lịch Khất Đan của ông.

Kiều Phong bỏ ngôi vị ra đi, cứu A Châu rồi yêu thương A Châu. Tình yêu đau đớn ấy đẩy lên tột đỉnh khi ông ngộ sát A Châu. Ông bỏ Trung Quốc về Khất Đan, trở thành Nam Viện đại vương, nắm hết binh quyền nước này. Hoàng đế vừa ra lệnh cho ông tấn công đánh xuống triều Tống vừa để trả thù nhà, vừa để đền ơn nước. Nhưng ông yêu hoà bình nên không thể để cho trăm họ lầm than vì chiến tranh. Ông đã tự xử lấy mình để giải quyết toàn bộ nghịch lý, mâu thuẫn mà cuộc sống và lịch sử nghiệt ngã đã dành cho ông. Mũi tên chó sói, biểu tượng nguồn sống và đời sống của người Khất Đan, trở thành phương tiện giải thoát cho Kiều Phong.

Kiều Phong là người anh hùng của bi kịch, hoàn toàn không giống bất kỳ người anh hùng nào trong suốt chiều dài lịch sử Trung Quốc. Có lẽ khi xây dựng nhân vật này, Kim Dung đã đầu tư toàn bộ tài hoa và tâm tình của ông vào cho nhân vật. Kiều Phong hay đến nỗi mới thoạt nhìn chỉ thấy mặt vuông tai lớn thô hào mộc mạc nhưng trí óc cực kì thông minh và trái tim cực kì mẫn cảm. Ngay đến khi đánh nhau, ông cũng tính kỹ làm sao chỉ đánh một đòn mà kiềm chế ngay địch thủ, làm sao để kiềm chế địch thủ mà không gây thương tích để khỏi xao xuyến lòng người. Đối với ai,ông cũng khiêm ái, ôn hoà, trung trực; trong tình yêu ông còn trung thực hơn. Ông chỉ yêu A Châu, và ngoài A Châu ra, ông không còn yêu thương ai nữa.

Kiều Phong không theo Khổng, Phật, Lão; không rặt Trung Quốc cũng không rặt Khất Đan. Ông chỉ sống và làm một con người chân chính. Gần như ông chống lại kịch liệt kiểu mẫu người anh hùng truyền thống của Trung Quốc: không muốn làm quan, chống lại lệnh vua, không ham lạc thú tình dục. Một con người như vậy mà cuộc đời diễn ra đầy bi kịch trước Nhạn Môn Quan. Tôi ca ngợi Kim Dung khi ông rất công bằng: nhìn thấy phẩm chất Khất Đan cao hơn phẩm chất Hán tộc dù Kim Dung một trăm phần trăm Hán tộc. Và tôi gọi Kiều Phong là đệ nhất đại anh hùng.

2. Hư Trúc

Nhân vật anh hùng thứ hai tôi xin dành cho nhà sư Hư Trúc. Về mặt cái lý lịch, anh hùng này không có tên họ rõ ràng. Chữ Hư Trúc (cây trúc rỗng) chỉ là pháp danh chùa Thiếu Lâm đặt cho. Cha Hư Trúc là Huyền Từ, phương trượng chùa Thiếu Lâm; mẹ là Diệp Nhị Nương, một phụ nữ xinh xắn nhưng lãng mạn. Họ lặng lẽ thương yêu nhau rồi Diệp Nhị Nương có bầu sinh ra Hư Trúc. Bị kẻ thù bắt cóc khi mới ba tháng tuổi, Hư Trúc bị đem bỏ ở...chùa Thiếu Lâm, được phái này nuôi và trở thành một nhà sư cô nhi. Cuộc đời Hư Trúc cũng đầy bi kịch bởi Huyền Từ phương trượng không biết được đứa cô nhi ấy là con ruột mình. Văn hoá Hư Trúc tương đối kém, chỉ đủ để đọc kinh Phật và ngũ giới cấm.

Thế nhưng nhà sư trẻ này đạo hạnh tuyệt vời, Phật lực cao cường không chê vào đâu được. Bị chính... mẹ mình bắt làm tù binh đưa vào một chỗ các cao thủ đang đánh cờ, Hư Trúc đánh bậy một nước mà gỡ được thế cờ bí lối trăm năm của phái Tiêu Dao, trở thành người truyền nhân của phái này. Phái Tiêu Dao chuyên tuyển đàn ông cực đẹp, Hư Trúc lại xấu ma chê quỷ hờn. Việc tuyển hoà thượng Hư Trúc làm truyền nhân là một sự phá lệ của phái Tiêu Dao, xúc phạm trầm trọng đến tính thẩm mỹ.

Thấy một bé gái sắp bị giết, Hư Trúc ra tay cứu ngay. Hoá ra đó là Thiên Sơn Đồng Mỗ của cung Linh Thứu núi Phiêu Diễu. Đồng Mỗ bắt Hư Trúc đưa qua Tây Hạ giấu trong hầm nước đá, ép buộc Hư Trúc phải ăn mặn và... ngủ với công chúa Tây Hạ. Nhà sư của chúng ta đau đớn nhận ra rằng cuộc sống của người phàm cực kỳ hấp dẫn hơn hẳn cuộc sống của nhà sư Thiếu Lâm. Đắc thủ võ công và nội lực của hai chị em Thiên Sơn Đồng Mỗ, Hư Trúc trở thành cung chủ cung Linh Thứu, cai trị dưới tay cả ba bốn ngàn mụ đàn bà và hàng vạn bàng môn tả đạo ba mươi sáu động bảy mươi hai đảo. Ấy vậy mà nhà sư vẫn đứng đắn, cứ kêu bọn đệ tử của mình là tỷ tỷ.

Võ công của Hư Trúc cực kỳ cao cường, đánh cho quốc sư Thổ Phồn Cưu Ma Trí te tua, trị Đinh Xuân Thu của phái Tinh Tú sát ván. Nhưng nhà sư của chúng ta vẫn rất khiêm tốn để cho phái Thiếu Lâm đánh 100 côn tội phạm Ngũ giới cấm. Lên Làm cung chủ, Hư Trúc vẫn chưa có tên họ, chỉ thêm một chữ Tử vào sau làm Hư Trúc Tử để có vẻ đạo sĩ một chút, dễ dàng phân biệt với các tăng nhân phái Thiếu Lâm. Lù khù có ông cù độ mạng, ham vui mà qua Tây Hạ chơi, Hư Trúc Tử lại tìm đúng ra nàng... công chúa đã ngủ với mình. Gã xú hoà thượng trở thành phò mã một đế quốc hùng mạnh.

Thủ pháp xây dựng nhân vật Hư Trúc của Kim Dung cực kỳ tài hoa. Cả cuộc đời chàng này gặp toàn cơ duyên tốt đẹp mặc dù anh chưa bao giờ tìm kiếm. Đúng ra anh chỉ mong được làm một tiểu tăng chùa Thiếu Lâm, ngày hai bữa chay, tối niệm kinh Phật nhưng Kim Dung đã đẩy anh lên làm một vị anh hùng sáng giá trong thiên hạ. Bản lĩnh cao cường, tài năng quán chúng, thật thà trung hậu, giàu lòng nhân ái, lại làm rể một ông vua, làm tổng tư lệnh một lực lượng giang hồ - cái đó không phải một người anh hùng là gì, hở trời?

3. Trương Vô Kỵ

Tôi chọn Trương Vô Kỵ, còn có tên giả là Tăng A Ngưu, con trai của Trương Thuý Sơn và Hân Tố Tố, nhân vật chính trong Ỷ thiên Đồ long ký, là nhân vật anh hùng thứ ba. Tấm lòng của Trương Vô Kỵ rất nhân hậu, mười lăm tuổi đã dám dắt em bé Bất Hối sáu bảy tuổi vượt qua hàng chục ngàn dặm lên Thiên Sơn tìm cha.

Con người trai trẻ ấy may mắn học được Cửu Dương thần công, học được Võ Đang quyền pháp, Càn khôn đại nã di tâm pháp; võ công đắc thủ hai thứ chính tà, lại học được nghề làm thuốc cứu người! Con người ấy mới hai mươi tuổi đã xả thân cứu quần hào Minh giáo, chịu đem tấm thân cho người ta đánh đập để hoá giải tất cả mọi hận thù. Và cũng chính con người ấy mới hai mươi tuổi đã làm giáo chủ một giáo phái yêu nước, lãnh đạo những người Trung Quốc yêu nước đứng lên khởi nghĩa chống quân Nguyên xâm lược. Con người ấy biết đặt Tổ quốc Trung Hoa, dân tộc Trung Hoa trên hết, gạt bỏ những khát vọng quyền lực và tự ái cá nhân để cho cuộc kháng chiến thành công. Hãy đọc lại đoạn Chu Nguyên Chương phản Trương Vô Kỵ, đem Vô Kỵ và Triệu Mẫn giam vào đại lao. Với bản lĩnh thần thông ấy, Vô Kỵ giết Chu Nguyên Chương chỉ cần một ngón tay. Nhưng cuộc khởi nghĩa ở Hoài Tứ chỉ biết Chu Nguyên Chương là thủ lĩnh chứ không biết tới Trương Vô Kỵ. Vô Kỵ lặng lẽ mở xiềng khoá, dẫn người tình ra đi để Chu Nguyên Chương tiếp tục lãnh đạo cuộc khởi nghĩa. Tôi cho tầm nhận thức ấy là tầm nhận thức của bậc đại trí tuệ mà chỉ có người anh hùng sáng suốt nhất mới có thể tư duy và hành xử như vậy.

Trong tình yêu, Vô Kỵ cũng là bậc anh hùng. Vô Kỵ có bốn cô bạn gái xinh đẹp: Châu Nhi (em cô cậu), Triệu Mẫn (đại hoa hậu Mông Cổ, quận chúa), Chu Chỉ Nhược (chưởng môn phái Nga Mi) và Tiểu Siêu (thánh sứ nữ Bái hoả giáo Ba Tư). Châu Nhi luyện võ, nhan sắc xấu đi, lại bị chứng tâm thần phân liệt nhưng Vô Kỵ vẫn yêu cô và muốn cưới cô làm vợ. Châu Nhi chết, Vô Kỵ định cưới Chỉ Nhược nhưng Triệu Mẫn đến... phá đám. Vô Kỵ yêu Tiểu Siêu. Nhưng Tiểu Siêu phải về Ba Tư lên ngôi giáo chủ để cứu mạng cho mẹ già. Cuối cùng, Vô Kỵ yêu đỡ kẻ thù xinh đẹp và thông minh của mình:Triệu Mẫn.

Nhân loại có thể đánh nhau đến chết về chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa yêu nước. Thế nhưng không ai cấm được hai kẻ thù của hai dân tộc khác yêu nhau. Tình yêu của Vô Kỵ và Triệu Mẫn thật lý tưởng: họ đánh nhau đến đầu rơi máu chảy, phóng hoả đốt nhà để rồi tối đến, họ lại gặp nhau trong quán rượu, ngồi đối ẩm nói chuyện tâm tình. Cuối cùng, Vô Kỵ làm một việc hết sức nghiêm túc: kẻ lông mày cho Triệu Mẫn. Chuyện ấy cũgn lớn lao như chuyện chống quân Nguyên cứu nước Trung Hoa. Chính vì vậy, tôi gọi Vô Kỵ là đại anh hùng.

Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7077
Registration date : 01/04/2011

KIM DUNG GIỮA ĐỜI TÔI - VŨ ĐỨC SAO BIỂN - Page 15 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: KIM DUNG GIỮA ĐỜI TÔI - VŨ ĐỨC SAO BIỂN   KIM DUNG GIỮA ĐỜI TÔI - VŨ ĐỨC SAO BIỂN - Page 15 I_icon13Thu 12 Mar 2020, 09:49

KIM DUNG GIỮA ĐỜI TÔI
Vũ Đức Sao Biển

(tiếp theo)

Thử Bình Bầu Chín Vị Anh Hùng

(tiếp theo)

4. Trương Thuý Sơn

Trương Thuý Sơn là cha Trương Vô Kỵ, chồng của Hân Tố Tố, đệ tử thứ năm của Trương Tam Phong phái Võ Đang. Ỷ thiên Đồ long ký chỉ nói về Trương Thuý Sơn có 4 chương nhưng tôi vẫn bầu nhân vật này là người anh hùng thứ tư trong toàn bộ tác phẩm Kim Dung.

Trương Thuý Sơn học võ nhưng lại là một nhà thư pháp học. Trong cuộc chiến đấu không cân sức trước Tạ Tốn, Trương Thuý Sơn đã dùng cây bút sắt của mình viết lên tảng đá bài ca quyết truyền miệng:

Võ lâm chí tôn
Bảo đao Đồ long
Hiệu lệnh thiên hạ
Mạc cảm bất tòng
Ỷ Thiên bất xuất
Thuỳ dữ tranh phong.


Hai mươi bốn chữ viết với phong cách hình như phóng túng lưu loát, bao gồm tinh thần, ý chí, nội lực, thủ pháp khiến Tạ Tốn ngẩn ngơ, chịu thua.

Trương Thuý Sơn là ông trùm tán gái. Cách tán gái của ông là... không tán gì cả, mới là đáng sợ. Gặp Hân Tố Tố lần đầu ở phủ Lâm An, Hân Tố Tố hỏi ý của ông về chữ Bất do cô viết trong câu "Tà phong tế vũ bất tu quy" (gió xéo, mưa nghiêng đặng chẳng về). Cô sợ chữ ấy viết tệ, nhưng ông rất khôn, khen chữ ấy tự nhiên, dư vị vô tận. Sau đó, ông lại chữa các chỗ bị đinh độc trên tay cô. Ông nắm tay giỏi đến nỗi trái tim con người ta rung động.

Bị bắt cóc bất tử đưa về Băng hoả đảo, ông sống chung với Hân Tố Tố ngay. Cái hay của ông là không câu nệ chuyện chính - tà, không mặc cảm chuyện danh môn với tà đạo, cũng không cần đợi bẩm báo với sư phụ, sư huynh... Tố Tố sinh ra Trương Vô Kỵ; họ lại trở về Trung Nguyên. Người ta đi tìm dấu vết Tạ Tốn, đi tìm bảo đao Đồ long, chỉ có vợ chồng ông và Vô Kỵ biết rõ.

Đoạn đau thương nhất là đoạn ông cùng Tố Tố tự tử trên núi Võ Đang để vừa tạ tội với sư môn, vừa để giấu kín thân thế Tạ Tốn, Chỉ có người anh hùng phương Đông mới sẵn sàng hy sinh như vậy. Tính ra các "anh hùng" viễn Tây Hoa Kỳ cỡ Ringo, Django chưa dám chơi cách ấy. Trương Thuý Sơn là nhân vật phụ nhưng bản sắc đúng là một anh hùng.

5. Thạch Phá Thiên

Người anh hùng thứ năm tôi bình chọn là Thạch Phá Thiên (Cẩu Tạp Chủng), chàng thanh niên không biết chữ nhưng cực kì thông minh trong Hiệp khách hành. Thạch Phá Thiên là con của Thạch Thanh và Mẫn Nhu ở Huyền Tố trang, Giang Nam. Bị một người phụ nữ bắt cóc từ lúc mới vừa ba tháng tuổi, chàng trai trở thành tên tiểu cái ăn xin, không được học hành. Ấy vậy mà cơ duyên đưa đẩy chàng tiểu cái thành một nhân vật có bản lĩnh võ công cao cường và tấm lòng nghĩa hiệp cao vời vợi.

Tội duy nhất của chàng trai này là giống như đúc người anh ruột độc ác của mình tên là Thạch Trung Ngọc. Hắn đã gây ra nhiều tội ác, trong đó có vụ cưỡng dâm chưa thành một cô gái mới mười hai tuổi. Gây tội ác xong, hắn bỏ trốn, để cho bọn thuộc hạ mặc tình đem Thạch Phá Thiên ra làm con bù nhìn, thay hắn gánh vác tất cả hậu quả từ những hành vi vô đạo của mình.

Chính Thạch Phá Thiên đã cứu được Bạch A Tú, cô gái bị cưỡng dâm. Chính Thạch Phá Thiên đã hoá giải được những thù hận, đối địch trong nội bộ phái Tuyết Sơn. Chính Thạch Phá Thiên đã thay mặt bang Trường Lạc, nhận thẻ bài mời đi ăn cháo Lạp bát ngoài biển Đông dù biết rằng lắm người đi không có ngày về.

Con người ấy đơn chất, hồn hậu một cách lạ lùng. Con người ấy sẵn sàng nhận cái chết cho người khác được sống, nói năng với ai vẫn một mực ôn hoà, khiêm ái. Con người ấy hoàn toàn không biết một chữ nào vì không được học hành nhưng thông tuệ một cách lạ lùng nhờ có một trực giác cực kì nhạy bén.

Nghiên cứu năm mươi bốn câu thơ trong Hiệp Khách Hành của đại thi hào Lý Bạch, những con người tài hoa nhất sa vào chữ nghĩa, đi tìm võ công bằng sự suy luận duy lí. Thạch Phá Thiên không biết chữ nên không biết nghĩa, nghĩa là hoàn toàn không biết câu thơ nói gì, ý nghĩa ra sao. Chàng vượt qua tác động đi tìm ý nghĩa, chỉ quan tâm đến đường nét của từng chữ - tự dạng. Năm mươi bốn câu thơ, mỗi câu năm chữ, cho ra hai trăm bảy mươi chữ khác nhau, mỗi chữ có một cách viết. Thạch Phá Thiên đi theo từng nét chữ và đắc thủ một cách vẻ vang pho võ công Hiệp Khách Hành.

Kim Dung muốn đưa Thạch Phá Thiên ra làm trò cười nhạo thiên hạ chăng? Không, ông xây dựng nhân vật của mình một cách nghiêm túc, với cả lòng yêu thương và quý trọng phẩm giá con người. Ta đã đọc những công án Thiền tông, trong đó có sự lĩnh ngộ trực tiếp không thông qua biện luận được coi là phương pháp tối ưu. Ở chừng mực nào đó, sự lãnh ngộ pho võ công Hiệp Khách hành của Thạch Phá Thiên rất gần gũi với công án Thiền tông, trực giác đi ngay vào chân bản thể của sự vật.

Thạch Phá Thiên quay về với cô bạn nhỏ Bạch A Tú. Đây cũng là một dạng giấc mơ anh hùng và giai nhân, mặc dù anh hùng thất học đã từng đi xin ăn và giai nhân đã từng bị lột quần áo cưỡng dâm không thành. Hạt ngọc toàn mỹ nào mà không có vết? Cho tới năm ấy dường như là năm chàng hai mươi tuổi, chàng mới biết rằng người gọi mình là Cẩu Tạp Chủng, đã từng nuôi nấng và mắng mỏ mình dường như không phải là mẹ mình. Người anh hùng đứng lại bên núi cũ, bên căn nhà xưa và thẫn thờ suy nghĩ: Ta là ai?

6. Lệnh Hồ Xung

Có lẽ tên anh hùng này là cái tên hay nhất trong những nhân vật trung tâm của Kim Dung. Họ Lệnh Hồ tương đối hiếm, còn chữ Xung là chữ ghép từ bộ Nhị và âm Trung cho nên khi đến Tây Hồ (Giang Nam), Lệnh Hồ Xung còn có tên là Phong Nhị Trung. Tên này do Hướng Vấn Thiên đặt ra để loè bịp bọn Giang Nam tứ hữu ở Hàng Châu, Tây Hồ.

Lệnh Hồ Xung là con mồ côi không cha không mẹ, đầu quân làm môn đệ phái Hoa Sơn từ lúc mười hai, mười ba tuổi. Hắn tôn sư phụ Nhạc Bất Quần như cha, tôn sư nương Ninh Trung Tắc như mẹ, coi tiểu sư muội Nhạc Linh San như em gái. Bản tính hắn ngay thẳng, chân thực, không tham lam của ai, không nịnh bợ ai, sẵn sàng ra tay viện trợ người khác. Con người hắn rất lãng mạn, mê rượu, kết giao rộng rãi với mọi người nên được tác giả gọi là kẻ thanh danh tàn tạ.

Mọi việc sẽ không có gì đáng nói nếu nữ ni cô nhỏ tuổi Nghi Lâm của phái Hằng Sơn không bị Điền Bá Quang bắt cóc và Lệnh Hồ Xung không tìm cách giải cứu cô ra khỏi bàn tay dâm tặc này. Từ chỗ quen biết với Điền Bá Quang, hắn mang tiếng là kết giao với bàng môn tả đạo.

Bị tiểu sư muội Nhạc Linh San phụ rẫy mối tình đầu để đi theo Lâm Bình Chi, hắn còn phải mang tiếng xấu là ăn trộm Tịch tà kiếm phổ của nhà họ Lâm ở Phúc Châu. Nhưng hắn lọt vào mắt xanh một thánh nữ - Nhậm Doanh Doanh, tiểu thư của Triêu Dương thần giáo và từ đó, bọn bàng môn tả đạo coi hắn là đại anh hùng, đại hào kiệt trên đời. Hai lần được mời gia nhập thần giáo, hắn thẳng thừng từ chối vì muốn giữ lại bản sắc làm người của mình. Nhưng cuộc sống oái oăm, một con người thanh danh tàn tạ như hắn lại trở thành chưởng môn phái Hằng Sơn, cai trị một bầy ni cô và phụ nữ tục gia.

Người ta cười hắn chăng? Không, Doanh Doanh - người tình thông minh và đầy mưu lược của hắn đã cứu hắn trước mọi tình huống tưởng như nguy kịch nhất. Hắn thoát khỏi các loại cạm bẫy, trong đó cạm bẫy đáng sợ nhất là do sư phụ Nhạc Bất Quần của hắn giương ra, là cũng nhờ mưu lược của Doanh Doanh. Với đường Độc cô Cửu kiếm, hắn nhìn ra toàn bộ sơ hở trong kiếm pháp của thiên hạ. Hắn có thể giết được tất cả kẻ thù địch nhưng luôn luôn hắn hạ thủ lưu tình. Tâm tình hắn liên quan đến ba người phụ nữ. Hắn yêu tiểu sư muội Nhạc Linh San, bị cô phụ rẫy, hắn đau đớn vô kể. Sau đó, gặp gỡ và nhận được tấm chân tình của Thánh cô Nhậm Doanh Doanh, hắn trở thành một thứ thần tiên trong cõi thế. Tiểu ni cô Nghi Lâm thầm yêu trộm nhớ hắn dến võ vàng thân xác, khiến hắn đau đớn đến tột cùng vì không biết làm thế nào để đáp ứng tấm chân tình của cô.

Người đọc đều biết đến hắn là chính nhân quân tử thứ thiệt; miệng hắn bẻo lẻo trơn như mỡ nhưng hành vi rất đoan chính, quang minh. Đọc Tiếu ngạo giang hồ, ai cũng yêu mến hắn và căm giận sư phụ hắn là Nhạc Bất Quần. Thế nhưng, hắn là đại anh hùng không chỉ đơn giản là do hắn sống bằng phẩm chất của người chính nhân quân tử. Tôi cho rằng hắn là đại anh hùng ở chỗ khi công đã thành, danh đã toại, hắn cam lòng rũ bỏ tất cả, dẫn cô vợ thông minh xinh đẹp khắp Trung Quốc tấu lên nhạc khúc Tiếu ngạo giang hồ hoà bình, trung chính. Đó là khát vọng của một con người tự do, không chịu lệ thuộc vào công danh, quyền lực. Hắn có cái tác phong của mẫu người lý tưởng trong triết lý Lão - Trang. Tôi gọi hắn là người đại anh hùng trong Tiếu ngạo giang hồ.
Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7077
Registration date : 01/04/2011

KIM DUNG GIỮA ĐỜI TÔI - VŨ ĐỨC SAO BIỂN - Page 15 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: KIM DUNG GIỮA ĐỜI TÔI - VŨ ĐỨC SAO BIỂN   KIM DUNG GIỮA ĐỜI TÔI - VŨ ĐỨC SAO BIỂN - Page 15 I_icon13Mon 16 Mar 2020, 12:04

KIM DUNG GIỮA ĐỜI TÔI
Vũ Đức Sao Biển

(tiếp theo)

Thử Bình Bầu Chín Vị Anh Hùng

(tiếp theo)

7. Dương Qua

Dương Qua còn đọc là Dương Quá. Chữ Quá có nghĩa là lỗi lầm, thứ lỗi lầm không do chính chàng trai gây ra mà do cha mẹ chàng gây ra.

Chàng trai này thông minh vô hạn, can đảm tuyệt vời, trung thực mười phần, xứng đáng được xếp hạng trước ông bác của hắn là Quách Tĩnh. Dương Qua học được Đả cẩu bổng pháp của Cái bang, lại đắc thủ toàn bộ võ công của phái Cổ Mộ do Tiểu Long Nữ sư phụ truyền cho. Cái hơn đời nhất của Dương Qua so với các người anh hùng khác là anh đã dám yêu người sư phụ của mình trong một xã hội phong kiến mà người thầy được xếp cao hơn cả cha mẹ. Toàn bộ bọn hào sĩ giang hồ biết chuyện đều nguyền rủa đôi tình nhân Dương Qua - Tiểu Long Nữ, cho rằng đó là mối tình loạn luân, phi đạo lý. Cái hơn đời nhất của Dương Qua là thẳng thắng thừa nhận tình yêu ấy, thừa nhận chỉ yêu có Tiểu Long Nữ và khi Tiểu Long Nữ ra đi thì Dương Qua cũng đi khắp chân trời góc biển tìm kiếm cô.

Cuộc kháng chiến chông quân Mông Cổ được thuật lại trong Thần điêu hiệp lữ có sự góp mặt của Dương Qua - chàng trai yêu nước. Ở một chừng mực nào đó, Kim Dung muốn xây dựng một mẫu anh hùng vệ quốc theo phong cách Trung Hoa. Nhưng tôi cho bản sắc anh hùng của Dương Qua là ở trong tình yêu. Biết Tiểu Long Nữ yêu thương mình chân thật; biết cô đau đớn vì bị Doãn Chí Bình hiếp dâm, không còn trong trắng để xứng đáng với mình nữa, Dương Qua vẫn đi tìm người tình Tiểu Long Nữ. Đất nước Trung Hoa thiếu gì phụ nữ nhưng Dương Qua chỉ yêu một sư phụ của mình. Cô không còn trong trắng nhưng dưới mắt Dương Qua, cô vẫn là cô gái trinh tiết rực rỡ. Những quan điểm của Dương Qua đã chiến thắng trước những rào cản luân lý, đạo đức mang nặng màu sắc Nho giáo cứng nhắc và đôi khi phi nhân tính của xã hội Trung Quốc. Tôi cho đó mới là bản sắc anh hùng.

8. Hồ Phỉ

Hồ Phỉ là con trai của Hồ Nhất Đao, ngoại hiệu Tuyết Sơn Phi Hồ, anh hùng đất Sơn Đông. Hồ Nhất Đao đấu với Miêu Nhân Phượng và lưỡi đao của Miêu Nhân Phượng đã bị một ai đó tẩm thuốc độc vào; một hành vi mà người anh hùng lỗi lạc như Miêu Nhân Phượng không làm. Cái chết của Hồ Nhất Đao mãi mãi là một nghi án. Tiểu anh hùng Hồ Phỉ mười bảy tuổi, từ Sơn Đông mang theo cây Lãnh nguyệt bảo đao cùng với đường Hồ gia đao pháp danh tiếng của cha truyền lại, về Trung nguyên tìm kẻ thù.

Chàng trai này bản lĩnh cao cường, thông minh vô hạn. Kết bạn với cô gái họ Viên chuyên mặc áo tía Viên Tử Y, họ trở thành một đoi bạn trẻ hành hiệp giang hồ, trừ khử kẻ bạo ngược. Đời vua Càn Long triều Thanh dù được gọi là thái bình thạnh trị nhưng nạn tham quan ô lại, cường hào ác bá vẫn đầy rẫy trong xã hội Trung Quốc. Đọc những trang viết về Tiểu anh hùng Hồ Phỉ và Viên Tử Y hành hiệp cứu nhân độ thế, trừng trị tham quan ô lại và cường hào ác bá, chúng ta thấy được toàn cảnh xã hội nhiễu nhương của triều Càn Long.

Trong tiểu thuyết, Hồ Phỉ được Kim Dung tả như một chàng trai có vẻ bề ngoài man rợ với hàm râu quai nón và khuôn mặt vô cảm. Thế nhưng không phải như vậy. Gặp Miêu Nhược Lan, con gái của Miêu Nhân Phượng, chàng trai hai mươi bảy tuổi ấy say mê ngay từ cái nhìn đầu tiên. Miêu Nhược Lan cũng vậy. Tác giả để cho mối tình ấy lơ lửng không có đoạn kết thúc.

Trong Lãnh nguyệt bảo đao hay trong Tuyết Sơn phi hồ, Hồ Phỉ thay mặt người cha đã qua đời đấu với Miêu Nhân Phượng. Cả hai cuộc chiến đấu là hai cuộc chiến đấu của trí thông minh và lòng dũng cảm. Hồ Phỉ đã thắng nhưng không bao giờ hạ lưỡi đao ra chiêu cuối cùng. Ấy bởi vì anh biết rằng cha mình đã chết vì lưỡi đao của Miêu Nhân Phượng nhưng một người anh hùng như Miêu Nhân Phượng thì không thể bôi thuốc độc vào đao kiếm đê giết cha mình như vậy. Và do vậy, lưỡi đao của anh long lanh dưới bóng trăng lạnh, lóng lánh trên nền tuyết trắng nhưng không chém xuống Miêu Nhân Phượng.
Tôi gọi Hồ Phỉ là người anh hùng thứ tám trong sự nghiệp xây dựng nhân vật của Kim Dung.

9. Địch Vân

Địch Vân là nhân vật trung tâm của bộ Liên Thành Quyết (Tố tâm kiếm). Chàng trai ấy không cha không mẹ, lớn lên dưới trướng của sư phụ Thích Trường Phát, thương yêu con gái của sư phụ là Thích Phương. Mối tình dân dã, hồn nhiên ấy sẽ không tan vỡ nếu tay sư phụ nguỵ quân tử kia không nuôi âm mưu dòm ngó bộ Liên thành kiếm pháp, đem con gái gả cho Vạn Khuê, con trai của Vạn Chấn Sơn, sư huynh của lão.

Bị Huyết Đao lão tổ của Huyết Đao môn Tây Tạng bắt cóc, buộc làm đệ tử chân truyền, Địch Vân vẫn giữ được phẩm chất người anh hùng đơn chất, không hoà vào dòng hôi tanh của Huyết Đao môn. Anh cứu được Thủy Sinh, cô gái Trung Quốc bị bắt cóc ra khỏi bàn tay dâm ác của Huyết Đao lão tổ. Anh trở thành người anh em kết nghĩa Đinh Điển, một hào sĩ giang hồ thượng thặng và khám phá ra toàn bộ bí mật trong Liên Thành quyết - con đường dẫn đến một kho tàng có giá trị liên thành.

Ai cũng tham vàng bạc châu báu, kể cả sư phụ Thích Trường Phát của anh. Thế nhưng, anh không hề tham. Trước kho báu trong chùa Thiên Ninh thành Giang Lăng, anh không thò tay bốc vàng bạc, châu báu và do vậy anh đã không bị trúng độc, điên loạn. Anh chán ngán những âm mưu độc hiểm của giang hồ, chán ngán cuộc sống tàn bạo, lặng lẽ trở về quan ngoại. Như trong một kịch bản hoàn chính nhất của tinh thần nhân đạo phương Đông, cô gái Thủy Sinh trong trắng đang chờ anh giữa vùng trời tuyết trắng mênh mông.
Đich Vân có cái vẻ nhà quê chơn chất của nông dân, có tầm tư duy của một bậc trí thức giả, có lòng nhân của một nhà hiền triết, có trái ti của một đứa trẻ thơ, có võ công của một hảo hán hạng nhất. Tôi chọn con người này làm nhân vật anh hùng thứ chín trong toàn bộ trước tác của Kim Dung.

Đến đây tôi xin khoá sổ, không đưa thêm một vị nữa vào danh sách những người anh hùng. Nến nhớ thành mẫu người của Kim Dung chọn là người chính nhân quân tử, hoàn toàn khác hẳn người quân tử trong triết học đạo Nho với biện chứng "Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ", lại hoàn toàn khác hẳn hình tượng người anh hùng quân chủ "kẻ sĩ" mà Nguyễn Công Trứ thương tôn thờ:

Sĩ làm sao cho bách thế lưu phương
Trước là sĩ, sau là khanh tướng


Những người anh hùng của Kim Dung không cần bách thế lưu danh, không cầnthành kẻ sĩ, cũng chưa bao giờ nuôi giấc mơ khanh tướng. Họ sống vì đời, việc xong rũ áo ra đi, giấu kín thân thế cùng tên tuổi như thơ Lý Bạch:

Sự liễu nhất y khứ
Thâm tàng thân dữ danh.


Chính vì vậy, tôi không đưa vào đay những nhân vật nổi tiếng khác: Đoàn Dự, hoàng đế Đại Lý, si tình hạng nhất, có Lục mạch thần kiếm vô địch, chưa phải là mẫu người anh hùng. Quách Tĩnh, người giữ thành Tương Dương chống Mông Cổ, có Hàng long thập bát chưởng danh tiếng, sẽ không làm nên cơm cháo gì nếu không có cô bạn (và sau đó là cô vợ) thông minh, ma mãnh, đày thủ đoạn. Trần Cận Nam (Trần Vĩnh Hoa), tổng đàn chủ của Thiên Địa Hội, một đời nuôi mộng chống nhà Thanh khôi phục triều Minh, bản lãnh cao cường, con người khiêm tốn nhưng vẫn giữ mãi cái ngu trung của nhà Nho đối với Trịnh Thành Công để cuối cùng chết trong tay con cháu họ Trịnh cũng chưa phải là anh hùng. Gia Luật Hồng Cơ, hoàng đế Khất Đan, cũng chưa phải là anh hùng bởi bản tính của vị này nhiều thủ đoạn và tàn bạo.

Tôi đã chọn mười mỹ nhân mà chỉ chọn được chín anh hùng. Cho hay, nhan sắc trời cho dễ tìm hơn phẩm chất đạo đức, lý tưởng sống hình thành qua thiên nhai bách chiết của cuộc đời đầy khổ nhục. Mà điều này cũng dễ hiểu bởi anh hùng cũng khó tìm, khó gặp, khó thấy hơn mỹ nhân.

Một điều cũng cần nói ra là các vị anh hùng này là những người tình tuyệt vời trong tình yêu. Họ sống chung thủy, ngay thẳng, chân thật đối với người tình. Họ có thể đa tình nhưng không hề đa dục. Họ sáng lên giữa hàng ngàn nhân vật khác của Kim Dung và mỗi người có một bản sắc, một phong cách riêng không ai lẫn lộn vào ai. Nguồn gốc xuất xứ của họ là đám con em bình dân áo vải; giai cấp quý tộc quan lại không có, giai cấp phú hào địa chủ không có. Đa phần họ lý lịch không rõ ràng, có người không rõ cha mẹ, quê quán. Những anh hùng trong tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung như vậy, hoàn toàn không giống con người lý tưởng ở bất cứ một thời đại nào trong lịch sử văn học Trung Quốc.
Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7077
Registration date : 01/04/2011

KIM DUNG GIỮA ĐỜI TÔI - VŨ ĐỨC SAO BIỂN - Page 15 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: KIM DUNG GIỮA ĐỜI TÔI - VŨ ĐỨC SAO BIỂN   KIM DUNG GIỮA ĐỜI TÔI - VŨ ĐỨC SAO BIỂN - Page 15 I_icon13Thu 19 Mar 2020, 10:47

KIM DUNG GIỮA ĐỜI TÔI
Vũ Đức Sao Biển

(tiếp theo)

Ỷ Thiên Đồ Long Ký - Bài Ca Của Chủ Nghĩa Yêu Nước

Có được một tác phẩm tiểu thuyết hấp dẫn trong tủ sách gia đình để mọi thành viên mọi lứa tuổi cùng đọc, rồi khi rãnh rỗi lại đem những tình huống bất ngờ, những nhân vật mình yêu thích ra bàn bạc, tranh luận là một điều thú vị. Ỷ thiên Đồ long ký là một tác phẩm như vậy. Đây là một bộ tiểu thuyết tương đối đồ sộ trong sự nghiệp trước tác của Kim Dung.

Kim Dung sinh năm 1942 tại Hải Ninh, tỉnh Triết Giang, Trung Hoa. Ông xuất thân trong một gia đình có truyền thống văn học; ông nội ông làm quan dưới triều vua Quang Tự, là nhà thơ khá nổi tiếng với bộ Hải Ninh sát thị sao thi. Tốt nghiệp Đông Ngô pháp học viện Thượng Hải, năm 1948 ông rời lục địa sang Hongkong làm công tác toà soạn trong tờ Đại công báo. Sau đó ông sáng lập tờ Minh báo và làm báo cho đến tận bây giờ. Trên tờ Minh báo và tờ Nam Dương thương báo ở Singapore, tên tuổi Kim Dung được khẳng định như một nhà văn hiện đại có công khai sáng hệ tiểu thuyết võ hiệp và viết tiểu thuyết võ hiệp hay nhất Trung Hoa. Nhưng phải đợi đến năm 1995, khi ông được chính phủ Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa mời về Đại học Bắc Kinh trao hàm giáo sư danh dự và nói chuyện với hàng chục ngàn nhà nghiên cứu, nhà sư phạm và sinh viên thì tên tuổi và tác phẩm của ông mới được mọi người ở lục địa biết tới và đón nhận.

Ỷ thiên Đồ long ký là bộ tiểu thuyết hoàn toàn hư cấu nhưng đặc điểm của phương pháp hư cấu ở đây là tác giả lồng câu chuyện trong hoàn cảnh lịch sử Trung Hoa vào cuối Nguyên, đầu Minh. Những con người thật cùng đấu tranh bên cạnh những con người hư cấu; lịch sử được nhìn qua lăng kính văn học khiến tác phẩm vừa thực lại vừa hư, cuốn hút người đọc đi vào thế giới huyền thoại: thế giới của võ lâm Trung Hoa. Và người ta không thể ngừng lại không đọc tiếp nếu “lỡ” đã đọc một vài chương đầu.

Ỷ thiên là tên gọi của một thanh bảo kiếm, chém sắt như chém chuối, trong lòng nó chứa đựng một pho võ công rất bá đạo: bộ Cửu âm chân kinh. Đồ long là tên của thanh bảo đao cũng có tính năng chém sắt như chém chuối, trong lòng nó chứa đựng một bộ binh pháp kỳ diệu: bộ Võ Mục di thư của nhà yêu nước Nhạc Võ Mục (Nhạc Phi) đời Tống. Nhạc Võ Mục đã từng là danh tướng, có công chống quân Kim (Thát Đát - tiền thân của Mãn Châu). Ông bị vua Tống giết hại bởi nghe lời súc siểm của gian thần Tần Cối. Binh pháp của ông còn lại trong Võ Mục di thư một thứ binh pháp thượng thặng nhằm chống xâm lăng cứu nước. Đồ long có nghĩa là giết rồng, mà rồng có nghĩa là vua nhà Nguyên đang cai trị đất nước Trung Hoa. Kèm theo thanh kiếm và lưỡi đao, còn có một bài thơ được truyền tụng:

Võ lâm chí tôn
Bảo đao đồ long
Hiệu lệnh thiên hạ
Mạc cảm bất tòng
Ỷ thiên bất xuất
Thuỳ dữ tranh phong


Do không hiểu chân nghĩa của bài thơ, đặc biệt là câu thứ ba, thứ tư, bọn hào sĩ giang hồ Trung Hoa cứ nghĩ là chiếm được bảo đao Đồ long là có thể trở thành chí tôn, có quyền ra lệnh cho mọi người mà chẳng ai dám không nghe theo. Lòng tin mù quáng đó đã xui khiến các bang hội, môn phái, thế lực chính trị lao vào cuộc chiến đấu giành giật đao Đồ long. Cuối cùng, quần hùng Minh giáo được lưỡi đao và bộ Võ Mục di thư. Trên chùa Thiếu Lâm, giáo chủ Minh giáo Trương Vô Kỵ đã học chương "Binh quần Ngưu Đầu Sơn" của Nhạc Võ Mục viết trong bộ binh pháp này và ứng dụng để giải vây cho hào sĩ giang hồ Trung Hoa, đánh tan quân Mông Cổ. Trương Vô Kỵ đã long trọng trao binh pháp lại cho thuộc hạ của mình là Từ Đạt - một nhân vật có thật trong lịch sử Trung Hoa. Và họ đã làm cuộc khởi nghĩa Hoài Tứ kéo dài 15 năm của Chu Nguyên Chương, Thường Ngộ Xuân, Từ Đạt, Thang Hoà, Trương Sĩ Thành. Cuộc khởi nghĩa thành công, Chu Nguyên Chương được tôn làm vua, lấy đế hiệu Minh Thái Tổ, mở ra Minh triều, truyền được 13 đời, kéo đài 275 năm (1368 - 1643). Ỷ thiên Đồ long ký là bài ca đẹp về chủ nghĩa yêu nước, tinh thần chống ngoại xâm. Chính lòng yêu nước đã nối kết những lực lượng kháng Nguyên sãn sàng nép mình dưới ngọn cờ Minh giáo, nghe theo sự điều động của chàng trai Trương Vô Kỵ, cứu trăm họ ra khỏi ách thống trị của người Mông Cổ. Chân nghĩa của bài thơ được truyền tụng là như thế.

Ỷ thiên Đồ long ký là một bài ca đẹp về tình yêu lứa đôi. Đó là tình yêu rực rỡ giữa Hân Tố Tố - con gái của giáo chủ Bạch mi giáo Hân Thiên Chính _với chàng Trương Thuý Sơn, đệ tử thứ năm của Trương Tam Phong phái Võ Đang. Đó là tình yêu lặng lẽ của Trương Vô Kỵ, gíao chủ Minh giáo Trung Hoa, với cô gái Ba Tư yêu kiều Tiểu Siêu, thánh sứ nữ Bái hoả giáo từ Ba Tư qua. Tiểu Siêu đã đi qua con đường tơ lụa và quay về Ba Tư cũng trên con đường tơ lụa. Họ chia tay nhau, ngậm ngùi đau đớn. Cả tình yêu, cuộc sống và số phận con người được đúc kết trong câu hát:

Lai như lưu thủy hề thệ như phong
Bất tri hà xứ lai hề, hà sở chung.

(Chợt đến như dòng nước chảy
Rồi tàn như gió qua mau
Chẳng biết từ nơi nào đến
Và chẳng biết về nơi đâu)


Đó đồng thời là tình yêu tươi đẹp giữa Trương Vô Kỵ, chàng trai Hán tộc, lãnh đạo lực lượng kháng Nguyên, với cô gái Triệu Mẫn - quận chúa của triều Nguyên. Tình yêu ấy vượt qua mọi ngăn trở biên giới của chủng tộc, giai cấp, đối kháng chính trị. Tác giả muốn chứng minh một định đề: cái đạo lý chình nhân quân tử có thể cảm hoá và cải tạo những con người tàn bạo. Hân Tố Tố bị gọi là nữ ma đầu; Triệu Mẫn bị gọi là yêu nữ. Thế nhưng trong tình yêu và do tình yêu cảm hoá, họ trở thành những con người đích thực, biết hướng thiện sửa sai, trở thành những người phụ nữ nhu mì, giàu nữ tính, giàu đức hy sinh. Hân Tố Tố chết theo chồng là Trương Thuý Sơn để giữ vẹn lời nguyền không nói với ai chỗ ẩn cư của Tạ Tốn; Triệu Mẫn sẵn sàng bỏ tước hiệu quận chúa nương nương của Mông Cổ để đi theo chàng trai áo vải Trung Hoa Trương Vô Kỵ. Ngay trong những chương nói về tình yêu, Kim Dung đã chứng tỏ được sự tiến bộ trong quan điểm dân tộc của ông, so với những tác phẩm võ hiệp mà ông từng viết ra trước đó.

Ỷ thiên Đồ long ký là bài ca mênh mông về lòng nhân ái, sự bao dung giữa con người với con người. Lòng nhân ái, sự bao dung đó nằm trong ý nghĩa bài Hoả ca của giáo chúng Minh giáo:

Đốt tàn thân xác ta
Ngọn thánh hoả cháy lên đỏ rực...
Hỷ, Lạc, Sầu, Bi, đều trở về cát bụi
Chỉ thương con người hoạn nạn lắm khi.


Hiểu được lời ca ấy, Trương Vô Kỵ mới hiểu được Minh giáo và nguyện xả thân để cứu quần hùng Minh giáo, tha thứ cho những kẻ thù trong sáu đại môn phái đã bức tử cha mẹ mình, tha thứ cho những kẻ có hành động bức hại mình. Cũng thế, Tạ Tốn đã tha thứ cho Thành Khôn; các nhà sư Độ Ách, Độ Nạn, Độ Kiếp và quần hùng Trung Hoa đã tha thứ cho Tạ Tốn. Tính nhân bản, nhân văn của tác phẩm hiện ra trong từng chương, từng hồi, từng trang sách. Còn bản thân những kẻ mê muội, không chịu cải hoá thì tự họ rước lấy những hậu quả từ những nguyên nhân mà họ gây ra. Trương Vô Kỵ khi bị thuộc hạ là Chu Nguyên Chương phản bội, anh có thể giết Chu Nguyên Chương chỉ với một ngón tay, nhưng đã không làm điều đó. Anh nghĩ đến trăm họ Hán tộc lầm than đang cần đến một người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa, nghĩ đến vai trò của Chu Nguyên Chương đang rất cần thiết cho hàng vạn hàng triệu giáo chúng và quần hùng Trung Hoa. Và anh lặng lẽ ra đi, tha thứ cho Chu Nguyên Chương để Chu yên tâm lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Hoài Tứ đi đến thắng lợi.

Ỷ thiên Đồ long ký là sự hiện thực hoá những nguồn tư duy, tư tưởng vốn mang tính trừu tượng của triết học Đông phương. Ta có thể tìm trong tác phẩm những tư tưởng của Bái hoả giáo (Minh giáo), Phật giáo, Lão Trang, Khổng giáo. Pho Thái cực quyền của Trương Tam Phong sáng tạo giơ hai tay nhẹ nhàng ôm lại như ôm vòng Thái cực, ung dung chậm rãi mà uy mãnh tuyệt luân. Trên Thiên Sơn, Trương Vô Kỵ bẻ một cành mai mùa xuân đầy hoa và nụ để đấu với Chính - Phản Lưỡng nghi kiếm pháp và đao pháp, mà cành mai không rụng một bông, một búp. Cái lặng lẽ của tư duy phương Đông đã được thể hiện ở chỗ vô cùng, vô hạn. Từ núi Côn Lôn trở về Trung Nguyên, Hà Túc Đạo mang theo cây tiêu vĩ cầm và thanh kiếm. Chàng trung niên văn sĩ ấy đánh đàn kêu gọi bầy chim đến cho chim nghe và nhảy múa theo tiếng đàn, dùng kiếm vẽ bàn vi kỳ và đánh cờ một mình giữa rừng sâu trên đỉnh Thiếu Thất. Cái động và cái tĩnh, cái cơ tâm và cái phóng dật được dung hợp và thể hiện một cách tài tình khi Hà Túc Đạo vừa đấu kiếm vừa vận chỉ công để diễn tấu một đoạn nhạc tình mới sáng tác nhằm biểu lộ tình cảm và lòng mến mộ của mình cho cô bé Quách Tương. Triết học Đông phương, tư duy Đông phương cực kì lãng mạn đã đẩy đến bến bờ mênh mông nhất, chỉ cần cảm nhận mà không cần biện biệt.

Truyện võ hiệp không phải là truyện tình báo. Nhưng Ỷ thiên Đồ long ký bao gồm những chương những hồi mà nghệ thuật tình báo được thể hiện với một thủ pháp cao cường: kẻ độc ác Thành Khôn cạo đầu vào chùa Thiếu Lâm giả làm nhà tu với pháp danh Viên Chân âm mưu triệt hạ Minh giáo và hãm hại sáu đại môn phái để chiếm ngôi võ lâm chí tôn; cô gái lai Ba Tư Tiểu Siêu nằm vùng trong nội bộ Minh giáo Trung Hoa để tìm Càn khôn đại nã di tâm pháp; Chu Chỉ Nhược mưu sát Hân Ly và phóng trục Triệu Mẫn để độc chiếm kiếm Ỷ thiên và đao Đồ long... Đó là những chương hồi đặc sắc, bất ngờ, đưa ta vào một thế giới lạ lùng với những tình huống đột biến thú vị và thi vị.

Ỷ thiên Đồ long ký cũng là một tác phẩm tập trung giới thiệu nhiều kiến thức. Đó là kiến thức sử học với cuộc khởi nghĩa kháng Nguyên của người Trung Hoa ở Hoài Tứ, An Huy. Đó là kiến thức địa lý học với những địa danh mà các nhân vật đã đi qua, từ Đại Đô (Bắc Kinh) đến chùa Thiếu Lâm (Hồ Nam), từ biển Đông đến đỉnh Thiên Sơn ngoại Tân Cương, biên giới thiên nhiên giữa Trung Hoa và Kirghizitan. Đó là những kiến thức y học về phương pháp sử dụng thuốc chữa bệnh, phương pháp phóng độc và đầu độc, phương pháp giải phẫu và nối xương, chỉnh hình. Đó là kiến thức về kỹ thuật luyện kim, kỹ thuật sử dụng dầu đá (dầu thô), kỹ thuật sử dụng chất nổ do quần hùng Minh giáo thực hiện. Đó là các kiến thức về thư pháp học một thứ thư pháp được hình tượng hoá và cụ thể hoá bằng phán quan bút, chưởng pháp, chỉ pháp của võ thuật...

Xét về góc độ kỹ thuật tiểu thuyết, Ỷ thiên Đồ long ký gần như là bộ tiểu thuyết có kết cấu hoàn chỉnh nhất trong những bộ tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung. Tác phẩm mở đầu với đoạn lung khởi khá hấp dẫn, kể chuyện Quách Tương lên chùa Thiếu Lâm, chuyện Hà Túc Đạo gặp Quách Tương, chuyện thầy trò nhà sư Giác Viễn đánh bại Hà Túc Đạo để dẫn tới quá trình hình thành các phái Võ Đang, Nga Mi, Côn Lôn. Thế giới thứ nhất khép lại để mở ra thế giới thứ hai của Trương Thuý Sơn, Hân Tố Tố, Tạ Tốn... Thế giới thứ hai khép lại với cái chết của vợ chồng Trương Thuý Sơn - Hân Tố Tốn để mở ra thế giới thứ ba của Trương Vô Kỵ, Chu Chỉ Nhược, Hân Ly, Triệu Mẫn... Những nhân vật có thật trong lịch sử Trung Hoa và lịch sử Minh giáo Trung Hoa như Dương Tiêu, Chu Nguyên Chương, Thường Ngộ Xuân, Từ Đạt, Hàn Sơn Đồng... sống và hoạt động bên cạnh những nhân vật hư cấu như Trương Vô Kỵ, Triệu Mẫn, Tiểu Siêu, Hân Thiên Chính, Chu Chỉ Nhược, Phạm Dao... Tất cả những tố chất trên vừa lãng mạn, vủa hiện thực, nối kết những chương hồi với nhau thành chuỗi dài.

Kim Dung có tài năng đặc biệt khi nâng văn chương tiểu thuyết võ hiệp thông tục lên thành thứ văn chương cung đình sang trọng. Có những chương hồi của ông khiến người đọc cười ha hả như chương đối thoại của Ngũ Tản nhân, nhưng cũng có chương khiến người đọc rơi nước mắt như chương Tiểu Siêu chia tay Vô Kỵ trên biển. Một sợi chỉ nhỏ như tơ, khi ẩn khi hiện nhưng xuyên suốt tác phẩm là câu hát ngậm ngùi: "Lại như lưu thủy hề thệ như phong..."

Tôi đã đọc Ỷ thiên Đồ long ký trên 30 năm, mỗi lần đọc lại cảm thấy có cái gì đó rất mới mẻ, lạ lùng. Đọc đến trang cuối. tôi thở phào khi Trương Vô Kỵ chặt đứt xiềng khoá cho Triệu Mẫn, dẫn cô vượt nhà lao ra đi mà không nghĩ cách trả thù Chu Nguyên Chương theo logic thông thường ở đời. Chàng Trương đi với cô Triệu và anh làm một công việc thú vị, chẳng liên hệ gì tới Ỷ thiên kiếmĐồ long đao, cũng chẳng liên hệ gì tới võ lâm Trung Hoa: kẻ lông mày cho Triệu Mẫn. Trương Vô Kỵ sống theo cách của nhà thơ Lý Bạch viết trong Hiệp khách hành:

Sự khứ phất y liễu
Thâm tàng thân dữ danh
(Việc xong, rũ áo đi
Giấu ngay thân thế, tiếc gì tiếng tăm)


Ở đời có mấy ai đạt đạo được như vậy? Vô Kỵ - Triệu Mẫn đi về đâu? Tác giả không rõ mà cũng chẳng muốn rõ. Ở một chân trời góc biển nào đấy, khi Chu Nguyên Chương lên ngôi cửu ngũ thì Trương Vô Kỵ lại cầm cây bút của nhan sắc lên và kẻ lại lông mày cho nàng Triệu Mẫn.
Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7077
Registration date : 01/04/2011

KIM DUNG GIỮA ĐỜI TÔI - VŨ ĐỨC SAO BIỂN - Page 15 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: KIM DUNG GIỮA ĐỜI TÔI - VŨ ĐỨC SAO BIỂN   KIM DUNG GIỮA ĐỜI TÔI - VŨ ĐỨC SAO BIỂN - Page 15 I_icon13Fri 20 Mar 2020, 09:01

KIM DUNG GIỮA ĐỜI TÔI
Vũ Đức Sao Biển

(tiếp theo)

Từ Hiệp Khách Hành Của Lý Bạch Đến Hiệp Khách Hành Của Kim Dung


Đó không phải là một sự trùng ngộ tình cờ giữa hai thế hệ nhà văn Trung Quốc. Đó là sự cố ý của Kim Dung, nhà văn sống sau Lý Bạch 12 thế kỷ. Cả hai đều lấy Hiệp khách hành làm tựa; Lý Bạch làm tựa cho một bài thơ, còn Kim Dung thì làm tựa cho một bộ đoản thiên tiểu thuyết gồm bốn cuốn của mình.

Lý Bạch (701-762) là một nhà thơ lớn, tiêu biểu cho phong cách thi ca Thịnh Đường, Trung Quốc. Thi sĩ Hạ Tri Chương, ngày mới quen biết Lý bạch, đã gọi ông là Thiên thượng trích tiên nhân (người tiên bị đày xuống trần gian). Đời Tống, nhà phê bình Hoàng Đình Kiên ca ngợi Lý Bạch là con kỳ lân, con phượng hoàng giữa loài người.

Đường Huyền Tông rất quý trọng Lý Bạch, nhưng Lý Bạch không xu viêm phụ nhiệt, từ chối cuộc sống cao sang cạnh nhà vua, mong trở về núi ngâm vịnh với mây trời, ca hát cùng hoa cỏ. Sau loạn An Lộc Sơn, Lý Bạch bị bắt giam và lưu đầy sang Dạ Lang. Sau khi được thả ra, ông du sơn ngoạn thủy, càng uống say thi ca càng bay bổng. Thơ Lý Bạch dễ có cả ngàn bài, mỗi bài một phong cách, phóng túng, đầy ngẫu hứng lãng mạn. Căn cứ vào nội dung, người đời sau phân thơ ông ra làm nhiều loại: Biên tái ca (viết về chinh chiến, quan ải),Tình ca (ca ngợi tình yêu), Diễm ca (ca ngợi nhan sắc), Biệt ca (viết về những lúc chia ly), Tuý ca (viết về những cơn say), Hành ca (ca ngợi những con người có hành động cứu người)... Hiệp khách hành là bài thơ thuộc thể loại Hành ca, ca ngợi hai chàng tráng sĩ thời Chiến quốc Chu Hợi và Hầu Doanh, bằng hữu của Tín Lăng quân (được nhắc đển rất rõ trong Sử ký của Tư mã Thiên).

Trước hết, tôi xin giới thiệu bài thơ Hiệp khách hành của Lý Bạch để các bạn nghiên cứu với bản dịch tiếng Việt của giáo sư Trần Trọng San, người thầy đã dạy tôi môn Lịch sử văn học Trung Quốc tại Đại học Sư phạm Sài Gòn (từ năm 1966 đến năm 1970) và bản dịch thơ tiếng Anh của ông Robert Payne, một nhà Trung Quốc học người Anh. Nguyên văn bài thơ thế này:

俠客行
李白
趙客縵胡纓
吳鉤霜雪明
銀鞍照白馬
颯沓如流星
十步殺一人
千里不留行
事了拂衣去
深藏身與名
閒過信陵飲
脫劍膝前橫
將炙啖朱亥
持觴勸侯贏
三盃吐然諾
五嶽倒為輕
眼花耳熱後
意氣素霓生
救趙揮金槌
邯鄲先震驚
千秋二壯士
烜赫大梁城
縱使俠骨香
不慚世上英
誰能書閤下
白首太玄經

Phiên âm:

Hiệp khách hành

Triệu khách mạn hồ anh,
Ngô câu sương tuyết minh
Ngân yên chiếu bạch mã,
Táp nạp như lưu tinh.

Thập bộ sát nhất nhân,
Thiên lý bất lưu hành.
Sự liễu phất y khứ,
Thâm tàng thân dữ danh.

Nhàn quá Tín Lăng ẩm,
Thoát kiếm tất tiền hoành.
Tương chích đạm Châu Hợi,
Trì trường khuyến Hầu Doanh.

Tam bôi thổ nhiên nặc,
Ngũ Nhạc đảo vi khinh.
Nhãn hoa nhĩ thiệt hậu,
Ý khí tố nghê sinh.

Cứu Triệu huy kim chuỳ,
Hàm Đan tiên chấn kinh
Thiên thu nhị tráng sĩ,
Huyên hách Đại Lương thành.

Túng tử hiệp cốt hương,
Bất tàm thế thượng anh.
Thuỳ năng như các hạ,
Bách thủ Thái huyền kinh.


Dịch nghĩa:

Bài ca Hiệp khách

Khách nước Triệu đeo giải mũ thô sơ, có thanh gươm ngô câu sáng như sương tuyết. Yên bạc soi chiếu con ngựa trắng, lấp lánh như sao bay.

Thanh gươm này có thể giết chết một người trong khoảng mười bước, cho nên không đi xa ngàn dặm. Sau khi làm xong việc, người hiệp sĩ rũ áo ra đi, giấu kín thân thế cùng tên tuổi.

Khi nhàn rỗi, qua nhà Tín Lăng quân uống rượu, tuốt gươm ra, đặt ngang trước đầu gối. Tín Lăng quân đem chả nướng ra mời Châu Hợi, và cầm chén rượu mời Hầu Doanh.

Hai người này uống cạn chén rượu, chân thành vâng lệnh; tấm thân nặng như năm núi lớn mà lại coi là nhẹ. Sau khi mắt đã hoa, tai nóng bừng, ý khí toả ra thành cầu vồng trắng.

Vung cây chùy sắt cứu nước Triệu; thành Hàm Đan trước tiên rung động, kinh hoàng. Ngàn thu sau, tiếng tăm của hai tráng sĩ này lừng lẫy thành Đại Lương.

Dù có thác đi, xương hiệp khách vẫn còn thơm hương; không hổ thẹn với các bậc anh hùng trên đời. Còn ai kia viết sách dưới gác, bạc đầu với cuốn kinh Thái huyền?

Hiệp khách hành

Khách nước Triệu phất phơ dải mũ,
Gươm Ngô câu rực rỡ tuyết sương.
Long lanh yên bạc trên đường,
Chập chờn như thể muôn ngàn sao bay.

Trong mười bước giết người bén nhạy,
Nghìn dặm xa vùng vẫymà chi.
Việc xong, rũ áo ra đi,
Xoá nhoà thân thế, kể gì tiếng tăm.

Rảnh rang tới Tín Lăng uống rượu,
Tuốt gươm ra, kề gối mà say.
Chả kia với chén rượu này,
Đưa cho Châu Hợi, chuốc mời Hầu Doanh.

Ba chén cạn, thân mình sá kể!
Năm núi cao, xem nhẹ lông hồng.
Bừng tai hoa mắt chập chùng.
Mống tuôn hào khí mịt mùng trời mây.

Chuỳ cứu Triệu vung tay khẳng khái,
Thành Hàm Đan run rẩy, kinh hoàng.
Nghìn thu tráng sĩ hai chàng,
Tiếng tăm hiển hách, rỡ ràng Đại Lương.

Thân dù thác, thơm xương nghĩa hiệp;
Thẹn chi ai hào kiệt trên đời.
Hiệu thư dưới gác nào ai?
Thái huyền trắng xoá đầu người chép kinh.


(Trần Trọng San dịch)

The bravo of Chao

The bravo of Chao wears a with a Tartar cord.
His scimitar from Wu shines like the ice and snow
his silver saddle glitters on a pure white horse.
He comes like the wind or like the shooting star.
At every ten steps he kills a man,
And goes ten thousand li withoout stopping.
The deep done, he shakes his garment and departs.
Who knowws his mane or whither he goes?
If he has time, he goes to drink with Hsin-ling,
Unbuckles his sword and lays it across his knee
The prince does not disdain to share meat with Cou Hai.
Or to offer a gablet of wine to Hou Ying.
Three cups is a sign ofa bond unbroken.
His earth is heavier than the Five Mountains
When his ears are hot and his eyes burn,
His spirit ventures forth like a rainbow
Holding a hammer, he saved the kingdom of Chao
The mere sound of his name was likeshaking thunder
For a thousand autumns two strong men
Have live in the hearts of the people of Tai-liang.
Sweet-seented be the bones of these dead heroes;
May bent everhisbooks near the window
With white hair compiling Tai-hsuan Ching.

(Edited by Robert Payne)

Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7077
Registration date : 01/04/2011

KIM DUNG GIỮA ĐỜI TÔI - VŨ ĐỨC SAO BIỂN - Page 15 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: KIM DUNG GIỮA ĐỜI TÔI - VŨ ĐỨC SAO BIỂN   KIM DUNG GIỮA ĐỜI TÔI - VŨ ĐỨC SAO BIỂN - Page 15 I_icon13Thu 26 Mar 2020, 06:07

KIM DUNG GIỮA ĐỜI TÔI
Vũ Đức Sao Biển

(tiếp theo)

Vấn Đề Pháp Luật Trong Tiểu Thuyết Võ Hiệp Kim Dung

Trước khi cầm bút làm báo, Kim Dung đã từng tốt nghiệp Đông Ngô pháp học viện Thượng Hải. Văn bằng của ông là cử nhân luật khoa (pháp học) và việc gắn liên yếu tố pháp luật vào trong tác phẩm văn chương kiếm hiệp, đối với ông gần như là vấn đề tất yếu.

Một cách khái quát, Kim Dung thường đặt những tác phẩm của mình vào trong bối cảnh của các triều đại phong kiến Trung Quốc: Thiên Long bát bộ (thời Tống), Xạ điêu anh hùng truyện (Tống-Kim), Thần điêu hiệp lữ (Tống-Nguyên), Ỷ thiên Đồ long ký (Nguyên), Lộc Đỉnh ký (Thanh)… Những bối cảnh lịch sử đó có trước thời đại ông sống ít nhất 300 năm cho nên những vấn đề pháp luật được phản ánh trong tác phẩm đương nhiên là những vấn đề pháp luật của xã hội phong kiến Trung Quốc. Tuy nhiên, thông qua cái vang bóng xa xăm đó, ta lại tìm thấy những khát vọng rất hiện đại.

Với trí tưởng tượng được hư cấu tuyệt vời, Kim Dung đã xây dựng trong những tác phẩm của mình một loại người đặc biệt: bọn hào sĩ giang hồ, đứng trên và đứng ngoài hệ thống pháp luật phong kiến. Trong Tiếu ngạo giang hồ, nhân vật Lưu Chính Phong rửa tay gác kiếm để nhận một chức quan nhỏ của nhà Tống, bị bọn quần hào chê cười. Đối với bọn này, không có vương pháp mà cũng chẳng có vương quyền, bởi một điều đơn giản là hộ không tin vào hệ thống luật pháp của nhà nước phong kiến. Điền Bá Quang lấy được hai hũ rượu Thiệu Hưng nữ nhi hồng trong hầm rượu Tuý tiên lâu đã phóng cước đá bể hết mấy trăm hũ rượu còn lại cho vua quan và bọn nhà giàu không còn rượu ngon mà uống; Lệnh Hồ Xung bắt viên tham tướng Ngô Thiên Đức, đoạt lấy công văn bổ dụng, cây đạo, con ngựa và mấy chục lạng vàng để đi cứu nạn phái Hằng Sơn, đều nằm trong suy nghĩ ấy.

Tham quan, ô lại vốn là kẻ thù của bọn hào sĩ giang hồ. Chính vì vậy, tiểu anh hùng Hồ Phỉ (Phi hồ ngoại truyện) đi đến nơi đâu nghe có tham quan ô lại, cường hào ác bá ức hiệp dân lành là ra tay hành hiệp, tế khổn phò nguy. Kiều Phong làm đến Nam viện đại vương nước Liêu vẫn chống lệnh hành quân của Liêu đế bỏ chức ra đị (Thiên Long bát bộ). Quần hùng Minh giáo và sáu đại môn phái (Thiếu Lâm, Nga Mi, Võ Đang, Không Động, Hoa Sơn, Côn Lôn) sẵn sàng theo lời hiệu triệu của Trương Vô Kỵ nổi lên chống lại triều đình nhà Nguyên, đốt chùa Vạn Pháp (Ỷ thiên Đồ long ký)…

Thế nhưng, nếu bọn hào sĩ giang hồ coi thường luật pháp, vương quyền của nhà nước phong kiến thì họ lại tỏ ra rất tôn trọng luật pháp riêng của môn phái, bang hội mà họ là thành viên. Mỗi môn phái, bang hội như Thiếu Lâm, Võ Đang, Nga Mi, Cái bang, Côn Lôn, Không Động, Tiêu Dao, Bồng Lai… đều lập ra một hệ thống luật pháp thực chứng riêng mà họ thường gọi là thanh quy giới luật. Kèm theo thanh quy giới luật này, mỗi môn phái, bang hội còn lập riêng ra một cơ quan chấp pháp, được gọi với các tên giới luật đường, giới luật viên, hình đường. Với phái Thiếu Lâm, nhà sư đứng đầu cơ quan này gọi là thủ toà giới luật viên; với Cái bang, nhân vật đứng đầu là chấp pháp trưởng lão… Các cơ quan chấp pháp này làm luôn chức năng của lập pháp, hành pháp, tư pháp (kể cả công việc thi hành án).

Kim Dung cho những nhân vật của mình thi hành án một cách gọn nhẹ, nhanh chóng. Trong Thiên Long bát bộ, bọn đệ tử Cái bang phạm tội khi sư diệt tổ thì phải tự vận, nếu không đủ can đảm tự vận, phải nhờ người anh em trong bang giết mình thì bảo toàn được thanh danh. Trong trường hợp họ bị chấp pháp trưởng lão kêu án xử chết hoặc đuổi ra khỏi bang thì nỗi nhục vẫn còn mãi… Cũng trong truyện này, phái Thiếu Lâm thi hành án với các nhà sư phạm giới rất quyết liệt: Hu Trúc học võ công phái khác bị phạt 100 côn, Huyền Từ phương trượng phạm dâm giới bị phạt 200 côn…

Đối với các môn phái tà đạo, còn có một hình thức thi hành án riêng, rất bá đạo: cho uống thuốc độc để kềm chế bọn đệ tử, ai phản lại sẽ không cho thuốc giải độc. Bọn Thần long giáo phaả uống Độc long dịch cân hoàn (Lộc Đỉnh ký); bọn Triêu dương thần giáo phải uống Tam thi não thần đan (Tiếu ngạo giang hồ)… Chính vì dùng độc duợc kềm chế con người nên những mệnh lệnh của bọn tà giáo ban ra đều được thi hành triệt để: một đám hào sĩ lỡ nhìn thấy thánh cô Nhậm Doanh Doanh và Lệnh Hồ Xung ở chung với nhau một chỗ, nghe một câu nói của Doanh Doanh, đã tự đâm mù mắt và chạy ra hải đảo sinh sống, không dám trở về đất liền.

Kim Dung sinh năm 1924 tại Hải Ninh, Triết Giang. Ông nội của ông từng làm tri phủ Đơn Dương, là một người liêm chính, nổi tiếng với lời xưng tụng của người đương thời “Đơn Dương giáo án”. Lớn lên trong cảnh tao loạn của xã hội Trung Quốc, nhìn thấy những đau thương, những hàm oan của đồng bào mình; ông đã đau niềm đau của Lỗ Tần trong AQ chính truyện. Lỗ Tấn đã để cho AQ. chết một cách hồ đồ để xoá đi cái tư duy “thắng lợi tinh thần” hàng mấy ngàn năm làm mê muội tâm hồn người Trung Quốc. Kim Dung vươn tới những khát vọng xa hơn: ông muốn đạp đổ thứ vương pháp, vương quyền hình thành mấy ngàn năm trong xã hội Trung Quốc bởi các chế độ phong kiến thối nát; xây dựng một thứ pháp luật thực chứng nhanh, mạnh, chính xác, công bằng để bảo vệ phẩm giá những con người lương thiện. Bọn hào sĩ giang hồ của ông đôi khi làm việc rất vô chính phủ, vô tổ chức nhưng vẫn thể hiện được khát vọng trật tự, công bằng cho mọi người. Trên tất cả, họ tin có hai thứ thiên đạo và nhân luân; thiên đạo chế tài cái ác và nhân luân để giữ cho con người không làm ác, đi đúng cái lẽ thiện, một vốn quý của nền pháp luật lý tưởng.
Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7077
Registration date : 01/04/2011

KIM DUNG GIỮA ĐỜI TÔI - VŨ ĐỨC SAO BIỂN - Page 15 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: KIM DUNG GIỮA ĐỜI TÔI - VŨ ĐỨC SAO BIỂN   KIM DUNG GIỮA ĐỜI TÔI - VŨ ĐỨC SAO BIỂN - Page 15 I_icon13Wed 29 Apr 2020, 10:52

KIM DUNG GIỮA ĐỜI TÔI
Vũ Đức Sao Biển

(tiếp theo)

Nhân Vật Kim Dung Đi Tìm Công Lý

Thật không thể nói tới hai chữ công lý trong các chế độ quân chủ ở Trung Quốc. Cái đất nước ấy quá rộng lớn, quá nhiều sắc dân, chủng tộc, ngôn ngữ. Ngay trong các thời kỳ được xem là thái bình thịnh trị nhất cỡ như thời Hồng Vũ (Minh), Khang Hy (Thanh) các nhà vua vẫn không thể kiểm soát hết được các hoạt động của quan lại địa phương; một bộ phận dân chúng vẫn sống trong sự áp bức, bóc lột, bách hại của quan lại tham ô và ác bá thổ hào. Những câu mà người ta hay nhắc đến trong sách truyện như “thánh chúa trị vì, muôn dân hát khúc âu ca” gì gì đó toàn là những lời láo toét. Tiểu thuyết hai triều đại Minh – Thanh thường có những lời láo toét đó.

Kim Dung viết khác hơn các bậc tiền bối của ông. Điều may mắn của ông là sinh ra ở thế kỷ XX, khi chế độ quân chủ Trung Hoa đã cáo chung, không phải như các bậc tiền bối phải khép mình trong vương pháp. Điều may mắn thứ hai là ông khai sinh ra một bọn hào sĩ giang hồ ba trợn, đứng trên và đứng ngoài vương pháp. Tuy vương pháp các triều đại có đó, tuy các môn phái và các hào sĩ giang hồ vẫn đóng trên lãnh thổ Trung Quốc nhưng việc hành xử ân oán là quyền riêng của họ, không phải tuân thủ theo một quy phạm nào của pháp luật các triều đại. Bọn hào sĩ giang hồ của Kim Dung đi tìm cho mình một thứ pháp luật riêng cho mình, một thứ công lý riêng cho mình.

Kiều Phong (tức Tiêu Phong), nhân vật lớn trong Thiên Long bát bộ, thuở còn là đứa bé lên mười, đã đột nhập nhà của một tên ác bá cướp đoạt hết số tiền của mẹ mình, giết lão ác bá ấy trong phòng ngủ. Về sau, khi biết mình là người Khất Đan, Kiều Phong đã kể chuyện ấy cho cô bạn gái A Châu nghe và hỏi cô hành vi giết người ấy có phải là tính cách tiêu biểu bảm sinh của dòng máu Khất Đan tàn bạo hay không. Ở một chừng mực nào đó, đứa bé lên mười đã biết đòi công lý theo kiểu của nó: mẹ của nó thì nghèo, lao động vất vả để có một mớ rau, vài con gà đem bán thì gã ác bá không thể cưới hết số tiền nhỏ nhoi đầy mồ hôi, nước mắt của bà được. Công lý được thể hiện nhanh gọn, tàn bạo và lạnh lùng.

Về căn bản, công lý đối với các nhân vật trong tác phẩm Kim Dung chỉ đơn giản là sự trả thù. Bọn người Hán phục kích trên mõm đá ngoài Nhạn Môn Quan chỉ giết được vợ của Tiêu Viễn Sơn (mẹ Tiêu Phong). Tiêu Viễn Sơn ẩn nhẫn sống, học võ công và giết chết Bạch Thế Kính, Huyền Khổ đại sư, Đàm công, Đàm bà, Triệu Tiền Tôn, gia đình Đơn Chính… Vốn là một xã hội hiếu võ, người Trung Quốc coi hành động báo thù huyết hận là sự thể hiện của bản chất anh hùng, hảo hán. Họ phải thực hiện hành động báo thù ấy bởi vương pháp không trả lại được cho họ sự công bằng mà họ hằng mong muốn. Bao Công của đời Tống chỉ là một nhân vật đột xuất. Vả chăng, phạm vi xét xử, điều tra của ông chỉ gói gọn trong khu vực kinh thành Biện Lương. Dẫu có tài giỏi đến đâu đi nữa, ông cũng không thể nghe hết được tiếng kêu trầm thống của những người bị áp bức, bóc lột, chà đạp trên lãnh thổ do Tống triều cai trị.

Bọn hào sĩ giang hồ của Kim Dung coi vương pháp không ra gì, từ đó hình thành não trạng coi thường quan lại, coi thường chính quyền địa phương. Trong Tiếu ngạo giang hồ, có đoạn Lưu Chính Phong định rửa tay gác kiếm để làm một chức quan nhỏ của triều đình. một viên quan địa phương đến tuyên thánh chỉ trong lúc quần hùng tụ họp đông đủ ở Lưu phủ. Mọi người đều tỏ vẻ khinh khi viên quan, khinh khi luôn cả Lưu Chính Phong. Cũng vẫn với não trạng ấy, Lệnh Hồ Xung đã đánh đập, cướp hết tiền bạc, vũ khí, con ngựa và điệp văn bổ dụng của Ngô Thiên Đức, tham tướng phủ Thương Châu để tự mình mạo xưng là Ngô Thiên Đức. Lệnh Hồ Xung còn tổ chức cho bầy nữ ni của phái Hằng Sơn đánh bọn quan quân để cướp ngựa, đánh nhà một gã trọc phú chuyên cho vay nặng lãi để cướp bạc làm lộ phí. Chuyện nữ ni tổ chức ăn cướp có lẽ là chuyện thế gian hãn hữu. Ấy vậy mà các ni cô phái Hằng Sơn làm được và đạt kết quả mỹ mãn mới là hay!

Khi đất nước Trung Quốc bị xâm lược, bọn hào sĩ giang hồ của Kim Dung coi kẻ xâm lược và chính quyền quân chủ trung Quốc (còn trị vì ở một phần lãnh thổ) đều là kẻ thù. Quách Tĩnh đoạt binh phù viên tường cai trị thành Tương Dương, tổ chức nhân dân giữ thành trì, đánh quân Mông Cổ; Trương Vô Kỵ hiệu triệu quần hùng trên chùa Thiếu Lâm, tổ chức cho Minh giáo khởi nghĩa đoạt chính quyền để chống quân Mông Cổ xâm lăng tại Hoài Tứ là những cuộc bạo loạn lớn; được mô tả trong Thần điêu hiệp lữỶ thiên Đồ long ký. Cái khác biệt của hai cuộc khởi nghĩa này là họ không ủng hộ một ông vua trung Quốc nào cả. Chính quyền ở đây là một dạng chính quyền nhân dân, người chủ xướng là người có bản lĩnh võ công trác việt. Họ không hướng tới mục tiêu xương vương, xưng tướng. Họ chỉ vì dân mà giữ thành, đánh giặc xâm lăng. Vậy thôi! Nhìn dưới nhãn quan chính trị thì đây là những tổ chức ô hợp, vô chính phủ. Nhưng bởi quan quân nhà Tống bất lực nên họ phải nổi dậy cướp chính quyền. Cái cơ bản của họ là cứu dân kịp thời; công hay tội cứ để người đời sau nhận định.

Ai cũng ca ngợi vua Càn Long nhà Thanh, gọi Càn Long là một vị minh quân thánh chúa. Thế nhưng, trong tác phẩm Phi hồ ngoại truyện, ta bắt gặp những thảm kịch của người nông dân bị bọn quan lại tham ô cấu kết với bọn địc chủ, bọn cường hào ác bá bóc lột, chèn ép, cưỡng đoạt tài sản, vu khống, giết hại… Tiểu anh hùng Hồ Phỉ và cô bạn gái là Viên Tử Y giữa đường gặp chuyện bất bằng đã ra tay trừng trị những kẻ ác, cứu người lương thiện. Pháp luật nhà Thanh không trả lại được cho nông dân sự công bằng thì Hồ Phỉ và Viên Tử Y trả lại. Họ đánh phá vào tận công đường, tận tư gia của quan lại và bọn cường hào, bắt chúng phải thú nhận tội lỗi công khai trước dân, lấy lại tài sản mà người dân đã mất trả lại cho dân. Kim Dung gọi hành động đó là duy trì công đạo - một hình thức đi tìm công lý không thông qua pháp luật mà chỉ sử dụng bạo lực và võ công. Cần lưu ý một điều là nếu không có võ công thì không thể hành hiệp cứu đời được. Võ công được coi là phương tiện cần và đủ để thực hiện công lý.

Đọc tác phẩm Kim Dung, người ta cũng có được cái sảng khoái, cái thỏa mãn như xem phim về các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử của Bao Công. Điều khác biệt duy nhất là Bao Công dùng pháp luật để trừng trị kẻ gây ra tội ác thì bọn hào sĩ giang hồ của Kim Dung dùng võ công để trừng trị. Việc duy trì công đạo trong tác phẩm Kim Dung hoàn toàn cảm tính. Nó được đặt cơ sở trên lòng khao khát công bằng, tôn trọng sự thật; không liên hệ đến một điều, một khoản nào trong các bộ hình luật của các chế độ quân chủ Trung Quốc. Chính điều này làm cho tác phẩm Kim Dung có chiều sâu, có sức hút đối với bạn đọc. Tự thâm tâm, ai cũng mơ ước sự công bằng. Tự thâm tâm ai cũng căm ghét bọn tham quan, bọn cường hào ác bá. Cho nên, ai cũng cảm thấy vừa ý khi chúng bị trừng trị, và càng bị trừng trị mạnh, càng tốt.

Bởi chán ngán vương pháp nên Kim Dung để cho các nhân vật chủ đạo trong tác phẩm của mình tự do thực hiện quyền kêu đòi công lý, một thứ công lý báo thù. Hành vi báo thù ấy nhiều khi rất bất nhân, khiến người ta không khỏi căm giận. Nhưng biết sao được? Nó vốn là những hiện thực bình thường của xã hội quân chủ ở Trung Quốc ngày xưa. Cái đất nước ấy rất lạ lùng: một ông Lưu Bang được khen là chân mạng đế vương nhân đức dù đã ra lệnh cho thuộc hạ chôn sống hai chục vạn hàng binh nước Sở; một ông Hạng Võ bị coi là nguỵ tặc, tàn bạo nhưng vẫn đứng ra đề nghị kẻ thù tha chết cho mươi người dân Giang Đông còn lại đi theo mình rồi tự hiến đầu mình cho kẻ thù đem về lãnh thưởng. Cái đất nước ấy có một ông Tào Tháo sẵn sàng giết người rồi lại ôm kẻ bị mình giết giết than khóc rùm trời, bày tỏ lòng thường tiếc. Chân và giả, đúng và sai là cái gì hết sức tương đối.
Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7077
Registration date : 01/04/2011

KIM DUNG GIỮA ĐỜI TÔI - VŨ ĐỨC SAO BIỂN - Page 15 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: KIM DUNG GIỮA ĐỜI TÔI - VŨ ĐỨC SAO BIỂN   KIM DUNG GIỮA ĐỜI TÔI - VŨ ĐỨC SAO BIỂN - Page 15 I_icon13Thu 07 May 2020, 09:58

KIM DUNG GIỮA ĐỜI TÔI
Vũ Đức Sao Biển

(tiếp theo)

Những Vụ Án Tình Báo Gián Điệp Trong Tiểu Thuyết Võ Hiệp Kim Dung

Trước hết, khái niệm vụ án tình báo gián điệp là khái niệm mới mẻ của thời đại chúng ta. Tuy nhiên, như Kim Dung tiên sinh đã nói chuyện với báo giới Đài Loan ngày 18/4/1994 thì “Tiểu thuyết là viết cho người hiện đại đọc, kể cả tôi cũng hiện đại”. Điều này có nghĩa là tất cả mọi khái niệm hiện đại đều có thể có trong tác phẩm võ hiệp của tiên sinh dù những tác phẩm ấy hư cấu về sinh hoạt của giới võ lâm, sống trước thời đại chúng ta trên 3 thế kỷ. Cho nên, chúng ta không ngại khi đề cập đến những vụ án tình báo – gián điệp trong tác phẩm của tiên sinh, và điều này hoàn toàn tự nhiên không thể coi là khiên cưỡng.

Vụ án đơn giản nhất nhưng cũng lạ lùng nhất là vụ án đầu độc trong Liên thành quyết. Đinh Điển là một hào khách võ lâm, thương yêu cô tiểu thư trong trắng, con gái một viên tri phủ. Viên tri phủ đầy tham vọng, muốn chiếm cho được bộ Liên thành quyết mô tả đường đi tìm một kho báu mà chưa ai khám phá nổi. Và hắn dùng con gái làm một miếng mồi, quyết “câu” cho được Đinh Điển. Đinh Điển nhớ người tình, đã tự đem thân mình là một tên trọng phạm trong nhà lao của viên tri phủ. Đêm đêm, với bản lĩnh kinh người, anh vượt lao lung đến thăm và nói chuyện với người yêu. Cô gái nhân hậu biết Đinh Điển yêu hoa nên đặt trước cửa phong mình một chậu hoa tươi để ngày ngày, Đinh Điển được nhìn thấy màu hoa. Thế rồi, một ngày kia Đinh Điển chợt khám phá ra chậu hoa đã tàn. Biết là có việc chẳng lành xảy ra với người yêu, anh phá lệ tìm đến dinh tri phủ. Hoá ra cô tiểu thư đã chết. Người anh hùng ôm lấy quan tài khóc sướt mướt thì bị trúng độc. Té ra, viên tri phủ gian ác đã bức tử cô con gái xinh đẹp của mình. hắn biết mình không địch lại Đinh Điển và thế nào Đinh Điển cũng đến ôm quan tài khóc nên đã bôi thuốc độc lên khắp quan tài, đầu độc và khống chế Đinh Điển. Vụ án khá đơn giản nhưng mưu mô quả rất thâm hậu, thể hiện bản lĩnh, trình độ xây dựng chất “hình sự gián điệp” trong tác phẩm Kim Dung.

Mỗi bộ tác phẩm của Kim Dung thường có nhiều vụ án và các vụ án ấy kết hợp với, ăn khớp với nhau một cách tài tình khiến người đọc không thể bỏ được tác phẩm, không thể bỏ được một chương hồi nào. Xây dựng tác phẩm trên nền tảng những vụ án là một biệt tài của Kim Dung. Nhưng cái biệt tài cao nhất – theo tôi – là tiên sinh đã nắm tay người đọc đi từng bước vào trong những pho sách đồ sộ của mình một cách tự nhiên đến nỗi khi đọc xong tác phẩm, ta mới khám phá ra mình đã đọc tiểu thuyết hình sự - gián điệp.

Trong Tiếu ngạo giang hồ, Kim Dung xây dựng một nhân vật làm gián điệp rất tài tình. Đó là Lao Đức Nặc, đệ tử phái Tung Sơn được chưởng môn Tả Lãnh Thiền “cấy” vào nằm vùng trong nội bộ phái Hoa Sơn để do thám những âm mưu của chường môn Hoa Sơn Nhạc Bất Quần. Lao Đức Nặc đã già nhưng vẫn gọi chàng thanh niên Lệnh Hồ Xung là Đại sư huynh. Nước cờ của Tả Lãnh Thiền đã cao nhưng đòn phản gián của Nhạc Bất Quần còn cao hơn. Nhạc Bất Quần nhận Lao Đức Nặc làm đệ tử và ra lệnh cho gã giám sát Lệnh hồ Xung để tìm ra bộ Tịch tà kiếm phổ. Thực sự bộ kiếm phổ ấy đã lọt vào tay Nhạc Bất Quần và Nhạc ung dung “dẫn đao tự cung” để luyện, mong chờ một ngày trấn áp quần hùng bốn phái Tung Sơn, Thái Sơn, Hành Sơn, Hằng Sơn để lên ngôi chưởng môn Ngũ Nhạc kiếm phái. Nhạc còn chơi trò độc chiêu khác: sao ra một bản Tịch tà kiếm phổ giả, tạo điều kiện cho Lao Đức Nặc ăn cắp để đưa về cho Tả Lãnh Thiền. Tả Lãnh Thiền quả mắc mưu họ Nhạc, cũng ung dung luyện kiếm phổ giả, mơ một ngày trấn áp quần hùng. Cho đến khi Nhạc chắc chắn mình đã đủ bản lĩnh, trong đại hội Ngũ Nhạc kiếm phái, Nhạc Bất Quần đã đem kiếm pháp thật đấu với kiếm pháp giả của Tả Lãnh Thiền, đâm mù đôi mắt địch thủ, lên làm minh chủ Ngũ Nhạc!

Đòn phản gián của Nhạc Bất Quần cực kỳ tinh vi nhưng có một người khám phá ra được. Đó là Ninh Trung Tắc, vợ Nhạc Bất Quần. Bà ngủ bên cạnh chồng, cảm thấy lạ lùng vì chồng sao nhãng chuyện chăn gối (?), mỗi sáng lại thấy râu chồng rụng trong chăn, nghe tiếng nói của chồng đã đổi âm sắc trở thành eo éo. Đó là những biểu hiện của một người đàn ông bị biến đổi phái tính. Bà biết chồng đã tự thiến để luyện Tịch tà kiếm phổ nhà họ Lâm, đồng thời vu cáo cho Lệnh Hồ Xung ăn cắp bộ kiếm phổ này. Bà khuyên chồng nên vứt chiếc áo cà sa chép bộ kiếm phổ ấy xuống khe núi Hoa Sơn. Chiều ý vợ, Nhạc Bất Quần đã làm theo.

Đến đây thì nhân vật gián điệp thứ hai xuất hiện. Đó là tên tiểu tử Lâm bình Chi. Lâm nghi ngờ sư phụ đã ăn cắp được bộ kiếm phổ nhà mình và đêm nào, y cũng đến rình mò bên cạnh phòng ngủ của vợ chồng Nhạc Bất Quần. Khi Nhạc vứt chiếc áo cà sa đi, y đã nhanh chóng chộp lấy được và cũng “dẫn đao tự cung” để nhanh chóng luyện Tịch tà kiếm phổ. Một ngày Nhạc Bất Quần kiểm tra khe núi, không thấy chiếc áo cà sa đâu, nghi ngờ chính Lâm đã lấy lại được kiếm phổ. Lão đi tiếp một nước cờ khác rất cao: gả Nhạc Linh San cho Lâm Bình Chi. Từ khi lấy vợ, Lâm vẫn ngủ riêng, Nhạc Linh San mang tiếng có chồng nhưng chưa hề biết đến chuyện mặn nồng chăn gối. Nhạc Bất Quần thường hỏi con gái chuyện sinh hoạt ăn ở với chồng ra sao, Nhạc Linh San đành nói dối với cha rằng cuộc sống lứa đôi của cô rất hạnh phúc. Chính lời nói dối ấy đã cứu được mạng của Lâm Bình Chi vì rằng nếu cô nói thật, Nhạc bất Quần sẽ khám phá ra được ngay chàng rể đã “dẫn đao tự cung” và sẽ giết Lâm trước khi Lâm có thể luyện thành công Tịch tà kiếm phổ.

Những mưu mô, diễn tiến của vụ án “Tịch tà kiếm phổ” được viết một cách hết sức tinh vi. Toàn bộ vụ án gián điệp - phản gián này chỉ có thể được kiểm chứng rõ ràng khi Lệnh Hồ Xung phất tay vào nơi hạ bộ của “sư phụ” xác nhận thực sự là Nhạc Bất Quần đã trở thành “thái giám”. Đến khi đó thì Lệnh Hồ Xung mới nhận ra được con người mình kính ái nhất trên đời – sư phụ Nhạc bất Quần - chỉ là một nguỵ quân tử, một kẻ đầy tham vọng và thủ đoạn gian manh.

Một vụ án nữa với kịch bản thật tuyệt vời đưa độc giả đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác là vụ giải thoát Nhậm Ngã Hành, giáo chủ Triêu Dương thần giáo, bị giam giữ dưới đáy Tây Hồ. Hướng Vân Thiên, Quang minh hữu sứ của Triêu Dương thần giáo, kết bạn với Lệnh Hồ Xung. Hắn đặt tên mới cho Lệnh Hồ Xung là Phong Nhị Trung. Hắn bọc trong người nào là Bút thiếp, tranh họa, kỳ phổ và rủ Phong Nhị Trung đi chơi ở Cô Mai sơn trang, Tây Hồ, nơi trú ngụ của Giang Nam tứ hữu. Đến nơi, hắn khoe bút thiếp, tranh hoạ, kỳ phổ và cả bản cầm phổ, tiêu phổ hợp tấu Tiếu ngạo giang hồ của “Phong Nhị Trung” ra rồi đánh cuộc trong sơn trang không ai có thể đánh lại kiếm pháp của Phong Nhị Trung, truyền nhân của Phong Thanh Dương, sư thúc tổ phái Hoa Sơn. Quả nhiên, cả Giang Nam tứ hữu không địch lại được Độc Cô cửu kiếm của Phong Nhị Trung. Và Hướng nhanh chóng ra bộ dẫn Phong Nhị Trung kiếu từ.

Tứ hữu vội vàng cản lại và cho biết có người có thể địch lại Phong Nhị Trung. Đến lúc đó, Hướng mới nhét vào tay Lệnh Hồ Xung một vật tròn tròn, cứng cứng và dặn đưa cho người đó. Lệnh Hồ Xung một mình được đưa xuống nhà lao dưới đáy Tây Hồ, đưa vật ấy cho người bị giam giữ và bị người ấy kéo vào trong nhà lao, dùng thần công làm cho bất tỉnh, hoá trang thành Lệnh Hồ Xung rồi ung dung thoát ra khỏi địa lao sau khi đã nhốt Lệnh Hồ Xung lại. Người đó chính là giáo chủ Nhậm Nhã Hành và cái vật kia chính là một mũi cương ty nhằm cưa đứt xiềng khoá cho y. Hướng Vân Thiên đã dàn một kịch bản hoàn chỉnh vô tiền khoáng hậu để cứu giáo chủ. Sau đó, y cùng giáo chủ trở lại để trừng trị bọn Giang Nam tứ hữu - phe phản đồ của Triêu Dương thần giáo – và giải cứu Lệnh Hồ Xung ra khỏi địa lao. Chất hình sự trong vụ án này thật đậm đặc nhưng rất hợp lý khiến ngay cả người đọc tinh tế nhất cũng không nhận ra được những âm mưu sâu sắc của Hướng Vân Thiên. Những chương này trong Tiếu ngạo giang hồ còn hay hơn những pha tấn công vào trai giam của bọn Mafia nhằm cứu các ông trùm ma tuý ở Italia hay Colombia trong thời đại chúng ta.

(còn tiếp)
Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7077
Registration date : 01/04/2011

KIM DUNG GIỮA ĐỜI TÔI - VŨ ĐỨC SAO BIỂN - Page 15 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: KIM DUNG GIỮA ĐỜI TÔI - VŨ ĐỨC SAO BIỂN   KIM DUNG GIỮA ĐỜI TÔI - VŨ ĐỨC SAO BIỂN - Page 15 I_icon13Thu 21 May 2020, 11:03

KIM DUNG GIỮA ĐỜI TÔI
Vũ Đức Sao Biển

(tiếp theo)

Những Vụ Án Tình Báo Gián Điệp Trong Tiểu Thuyết Võ Hiệp Kim Dung

Tác phẩm võ hiệp tiều thuyết của Kim Dung cũng xây dựng những nhân vật nữ gián điệp xuất sắc mà một nhân vật tiêu biểu là Tiểu Siêu (Ỷ thiên Đồ long ký). Tiều Siêu nguyên là cô gái lai, cha là Hàn Thiên Diệp, người Hán, mẹ là Đại Ỷ Ty, lai Ba Tư. Mẹ cô là Thánh nữ Bái hỏa giáo Ba Tư nhận lệnh sang “nằm vùng” trong Minh giáo Trung Hoa để đánh cắp Càn khôn đại nã di tâm pháp. Thế nhưng, bà đã yêu Hàn Thiên Diệp và vi phạm lời khấn nguyện của một thánh nữ. Sợ bị bắt tội, bà tìm cách “cấy” con gái mình vào nội bộ Minh giáo còn bản thân thì thay hình đổi dạng, làm một người phụ nữ xấu xí tên là Kim Hoa bà bà.

Tiểu Siêu đã đóng vai gián điệp một cách xuất sắc. Quang minh tả sứ của Minh giáo là Dương Tiêu bắt gặp cô ngồi khóc trên sa mạc, thương tình đem về nuôi để hầu hạ cho con gái mình là Dương Bất Hối. Tiểu Siêu trong vai một nữ tỳ xấu xí đã khám phá ra con đường hầm dưới lòng Quang Minh Đính, thường ra vào để tìm bản di cảo Càn khôn đại nã di tâm pháp. Dương Tiêu là một nhân vật tinh tế. Y biết cô bé này có âm mưu nhưng âm mưu ấy là gì thì y không rõ. Y đã dùng xích sắt xiềng chân Tiểu Siêu để mỗi khi cô đi đến đâu, tiếng leng keng vang lên đến đó. Vụ án gián điệp của Tiểu Siêu sẽ không lộ bí mật nếu không có một ngày cô phải chia tay với Trương Vô Kỵ. Cô đã thú nhận mục đích “nằm vùng” nhưng vì tình yêu, cô hứa sẽ không bao giờ đem nội dung tâm pháp ấy truyền lại trên đất Ba Tư. Xa Trương Vô Kỵ về Ba Tư làm giáo chủ Ba Tư, cô cảm thấy cuộc đời cực kỳ vô vị.

Cũng trong Ỷ thiên Đồ long ký, còn có một vụ án gián điệp rất lớn mà người thực hiện là Thành Khôn, sư phụ Tạ Tốn. Ghen tức với Dương Đỉnh Thiên, giáo chủ Minh giáo, đã lấy mất người sư muội yêu dấu, hắn thề sẽ phá nát Minh giáo để thỏa mãn mối hận tình. Hắn giả uống rượu say, làm nhục và giết cả nhà đồ đệ mình là Tạ Tốn, biến Tạ Tốn từ một kẻ có lương tri trở thành một tên cuồng sát. Rồi hắn trốn vào chùa Thiếu Lâm, giả dạng làm sư với pháp danh Viên Chân, kích động phái Thiếu Lâm cầm đầu các môn phái bao vây và tấn công Quang Minh Đỉnh để tiêu diệt Minh giáo - một lực lượng yêu nước kháng Nguyên. Hắn đã đặt sẵn thuốc nổ trên Quang Minh Đỉnh để tiêu diệt luôn các môn phái. Có thể nói Thành Khôn (hay Viên Chân) là một gián điệp có nghiệp vụ số một trong những tay gián điệp mà Kim Dung xây dựng nên.

Tuỳ theo những thời gian khác nhau, căn cứ vào những sự kiện lịch sử có thật, Kim Dung xây dựng những vụ án trên cơ sở các cuộc đấu tranh, khuynh loát lẫn nhau giữa các thế lực thù địch, các quốc gia lân cận Trung Quốc. Những vụ án như vậy kéo dài qua 30, 40 năm, diễn biến theo suốt chiều dài cuốn truyện. Và chính ở đây, nổi bật lên tài năng gây xựng, bố trí nhân vật của Kim Dung.

Thiên Long bát bộ là một bộ truyện lấy bối cảnh lịch sử là triều Tống. Khởi đầu, người đọc bắt gặp hình ảnh của đại sư Thổ Phồn Cưu Ma Trí, có võ công tuyệt luân, đến Đại Lý gây hấn với các vị sư chùa Thiên Long. Đánh không lại Lục mạch thần kiếm của vương tử Đại Lý Đoàn Dự, Cưu Ma Trí đã bắt cóc Đoàn Dự đưa về Giang Nam, nói là để tế sống trước mộ người bạn thân là Mộ Dung Bác. Thế nhưng, Mộ Dung Bác là ai?
Mộ Dung Bác thuộc tộc Tiên Ty, nguyên là hậu duệ nước Đại Yên thời Thập lục quốc (trước đời Tống khoảng 600 năm!!!). Canh cánh bên lòng giấc mộng phụ hồi đế hiệu Đại Yên, Mộ Dung Bác giả chết nhưng thực ra lại lẻn vào chùa Thiếu Lâm học trộm 72 tuyệt kỹ Thiếu Lâm. Từ suy nghĩ phải làm cho thiên hạ đại loạn mới có thời cơ khôi phục nước Đại Yên, Mộ Dung Bác phao tin Khất Đan (Liêu) sắp đưa cao thủ tấn công qua Nhạn Môn Quan. Quần hùng yêu nước Trung Hoa phong thanh đã vội vàng cử Huyền Từ phương trượng Thiếu Lâm làm thủ lĩnh, ra Nhạn Môn Quan mai phục. Ở đây họ đã tàn sát nhầm gia đình Tiêu Viễn Sơn thuộc dòng hoàng tộc Khất Đan. Trước khi nhày xuống vực sâu tự vận, Tiêu Viễn Sơn đã liệng đứa con trai mình lên cho những người Trung Nguyên vì không nỡ để con chết theo mình. Huyền Từ đưa đứa bé ấy gửi cho ông bà Kiều Tam Hòe nuôi dưỡng. Lớn lên, đứa bé ấy trở thành Kiều Phong, bang chùa Cái bang Trung Nguyên.

Thế rồi có âm mưu tố cáo Kiều Phong là người Khất Đan khiến ông phải bỏ ngôi vị bang chúa ra đi. Trở về bên kia ải Nhạn Môn Quan, Kiều Phong trở thành Nam viện đại vương của Khất Đan, đóng tại Yên Kinh, bị hoàng đế Khất Đan buộc phải tấn công xuống phương Nam để tiêu diệt Đại Tống.

Thế nhưng, Tiêu Viễn Sơn không chết, ông ta cũng giả làm một nhà sư vào “nằm vùng” trong chùa Thiếu Lâm. Biết con mình đang lâm nguy, Tiêu Viễn Sơn ám trợ cho con. Ông ra tay giết Huyền Khổ đại sư (sư phụ Kiều Phong), giết vợ chồng Kiều Tam Hòe và một số nhân vật khác có liên quan đến vụ án Nhạn môn Quan ngày trước. Khuôn mặt Kiều Phong giống hệt Tiêu Viễn Sơn nên những kẻ chứng kiến những vụ giết người đều cứ nghĩ chính Kiều Phong đã xuống tay để trả thù cho vụ mất ngôi bang chúa. Tiêu Viễn Sơn nằm vùng trong Thiếu Lâm phát giác được mối quan hệ tình ái giữa Huyền Từ và Diệp Nhị Nương. Ông bắt cóc đứa con của họ - Hư Trúc - rồi đem đứa bé ấy bỏ lên chùa Thiếu Lâm. Hư Trúc lớn lên, làm sư, lưu lạc lên Thiên Sơn trở thành cung chủ cung Linh Thứu, ăn ở với công chúa Tây Hạ và trở thành phò mã Tây Hạ.

Kiều Phong (hay Tiêu Phong), Hư Trúc, Đoàn Dự kết nghĩa anh em, trở thành cái trục chính nắm quyền bính ba nước Liêu, Tây Hạ, Đại Lý. Đến lúc đó, Tiêu Viễn Sơn và Mộ Dung bác mới xuất hiện, khoa trương thành tích “nằm vùng” trong chùa Thiếu Lâm. Tiêu Viễn Sơn đã hạ Huyền Từ không phải bằng võ công mà bằng chính câu chuyện Huyền Từ có con với Diệp Nhị Nương, phạm vào sắc giới. Huyền Từ và Diệp Nhị Nương phải tự sát trước mắt mọi người. Còn Mộ Dung Bác? Ông ta thực sự thất vọng về người con của mình – Cô Tô Mộ Dung Phục. Ông ta đã làm tất cả để phục hưng một nước Đại Yên, kể cả âm mưu ly gián Tống – Liêu, câu kết với Thổ Phồn... Nhưng cuối cùng, tất cả đã trở về con số 0. Nghe theo lời dạy của nhà sư già trong Tàng kinh các Thiếu Lâm, ông ta đã cùng Tiêu Viễn Sơn xuống tóc quy y, từ chối những tham vọng điên cuồng.
Giấc mơ của Cô Tô Mộ Dung Phục cũng tan thành mây khói. Anh Ta mất đi tình yêu của Vương Ngữ Yên, phụ rẫy những người đã đi theo mình để dựng lại nước Đại yên. Cuối cùng, anh ta phát điên và chỉ còn làm hoàng đế với lũ trẻ chăn trâu.

(còn tiếp)
Về Đầu Trang Go down
Sponsored content




KIM DUNG GIỮA ĐỜI TÔI - VŨ ĐỨC SAO BIỂN - Page 15 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: KIM DUNG GIỮA ĐỜI TÔI - VŨ ĐỨC SAO BIỂN   KIM DUNG GIỮA ĐỜI TÔI - VŨ ĐỨC SAO BIỂN - Page 15 I_icon13

Về Đầu Trang Go down
 
KIM DUNG GIỮA ĐỜI TÔI - VŨ ĐỨC SAO BIỂN
Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Similar topics
-
» Nội dung thông điệp ? ? ?
» Việt Sử Giai Thoại - Tập 3 - Nguyễn Khắc Thuần
» Cảm hoài - Đặng Dung
» ĐẶNG DUNG và bài thơ CẢM HOÀI
» Những Đoá Từ Tâm
Trang 15 trong tổng số 19 trangChuyển đến trang : Previous  1 ... 9 ... 14, 15, 16, 17, 18, 19  Next

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
daovien.net :: VƯỜN VĂN :: BIÊN KHẢO, BÌNH LUẬN THƠ VĂN-