Trang ChínhTìm kiếmLatest imagesVietUniĐăng kýĐăng Nhập
Bài viết mới
Hơn 3.000 bài thơ tình Phạm Bá Chiểu by phambachieu Yesterday at 16:41

Thơ Nguyên Hữu 2022 by Nguyên Hữu Thu 25 Apr 2024, 18:57

Thi tập "Chỉ là...Tình thơ" by Tú_Yên tv Thu 25 Apr 2024, 12:56

Trang thơ Tú_Yên (P2) by Tú_Yên tv Thu 25 Apr 2024, 12:51

Thơ Tú_Yên phổ nhạc by Tú_Yên tv Thu 25 Apr 2024, 12:46

LỀU THƠ NHẠC by Thiên Hùng Wed 24 Apr 2024, 11:55

Quán Tạp Kỹ - Đồng Bằng Nam Bộ by Thiên Hùng Wed 24 Apr 2024, 11:48

Trụ vững duyên thầy by Trà Mi Tue 23 Apr 2024, 07:34

Mái Nhà Chung by Trà Mi Tue 23 Apr 2024, 07:33

THIỀN TUỆ (diệt trừ đau khổ) by mytutru Tue 23 Apr 2024, 00:07

BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-1965 - LM CAO VĂN LUẬN by Trà Mi Mon 22 Apr 2024, 09:57

Nhận dạng phụ nữ giàu có by Trà Mi Mon 22 Apr 2024, 08:36

Bức tranh gia đình by Trà Mi Mon 22 Apr 2024, 08:09

Mẹo kho thịt by Trà Mi Mon 22 Apr 2024, 07:29

SẦU LY BIỆT by Phương Nguyên Sun 21 Apr 2024, 23:01

Trang Họa thơ Phương Nguyên 2 by Phương Nguyên Sun 21 Apr 2024, 22:56

Trang viết cuối đời by buixuanphuong09 Sun 21 Apr 2024, 06:38

Mức thù lao không ai dám nghĩ đến by Trà Mi Wed 17 Apr 2024, 11:28

KHÔNG ĐỀ by Phương Nguyên Wed 17 Apr 2024, 11:00

Cách xem tướng mạo phụ nữ ngoại tình, không chung thủy by mytutru Tue 16 Apr 2024, 11:59

Ở NHÀ MỘT MÌNH by Phương Nguyên Tue 16 Apr 2024, 09:59

HÁ MIỆNG CHỜ SUNG by Phương Nguyên Sun 14 Apr 2024, 13:29

Trang thơ vui Phạm Bá Chiểu by phambachieu Fri 12 Apr 2024, 15:48

Những Đoá Từ Tâm by Việt Đường Fri 12 Apr 2024, 15:32

Chết rồi! by Phương Nguyên Fri 12 Apr 2024, 13:57

ĐÔI BÀN TAY NGHỆ NHÂN by mytutru Thu 11 Apr 2024, 17:43

THẬN TRỌNG SIÊU LỪA by mytutru Wed 10 Apr 2024, 20:33

Không đánh, không mắng, không phạt, không có học sinh ưu tú by Trà Mi Wed 10 Apr 2024, 11:45

KHÓ NGỦ by Phương Nguyên Wed 10 Apr 2024, 01:46

MỘT CHÚT BUỒN by Phương Nguyên Tue 09 Apr 2024, 15:33

Tự điển
* Tự Điển Hồ Ngọc Đức



* Tự Điển Hán Việt
Hán Việt
Thư viện nhạc phổ
Tân nhạc ♫
Nghe Nhạc
Cải lương, Hài kịch
Truyện Audio
Âm Dương Lịch
Ho Ngoc Duc's Lunar Calendar
Đăng Nhập
Tên truy cập:
Mật khẩu:
Đăng nhập tự động mỗi khi truy cập: 
:: Quên mật khẩu

Share | 
 

 Hồng Hà nữ sĩ - Hồng nhan đa truân

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Tác giảThông điệp
Shiroi

Shiroi

Tổng số bài gửi : 19896
Registration date : 23/11/2007

Hồng Hà nữ sĩ - Hồng nhan đa truân  Empty
Bài gửiTiêu đề: Hồng Hà nữ sĩ - Hồng nhan đa truân    Hồng Hà nữ sĩ - Hồng nhan đa truân  I_icon13Tue 03 May 2011, 04:38

Hồng Hà nữ sĩ - Hồng nhan đa truân  Khuetr10


Hồng Hà nữ sĩ - Hồng nhan đa truân

Đỗ Ngọc Thạch


Nói về nỗi buồn đau của người chinh phụ tất phải nói đến bài thơ Khuê oán của Vương Xương Linh (*):

Khuê trung thiếu phụ bất tri sầu
Xuân nhật ngưng trang thượng thúy lâu
Hốt kiến mạch đầu dương liễu sắc
Hối giao phu tế mịch phong hầu.

Và khi đọc bài thơ Khuê oán của nhà thơ thời Thịnh Đường này ta không thể không nghĩ đến Chinh phụ ngâm của Đoàn Thị Điểm và lúc đó cảm xúc của ta tuôn trào, réo sôi như thác đổ chứ không chỉ là cái "khoảnh khắc đốn ngộ" nữa:

Thuở trời đất nổi cơn gió bụi,
Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên
Xanh kia thăm thẳm từng trên,
Vì ai gây dựng cho nên nỗi này?

(Thiên địa phong trần / Hồng nhan đa truân )

Và như một định mệnh, Hồng Hà nữ sĩ của chúng ta bị câu thơ mở đầu này vận vào số phận một cách nghiệt ngã: Hồng nhan đa truân! Quả là rất đa truân:
Bà Điểm kết hôn với Nguyễn Kiều, lúc đó là năm 1743, Bà Điểm đã 39 tuổi.
Chỉ một tháng sau, ông Kiều phải đi Sứ ba năm biền biệt: Bà Điểm phải sống trong nỗi sầu cô quạnh không khác gì nàng chinh phụ trong Chinh phụ ngâm!
Khi ông Nguyễn Kiều trở về, này vui ngắn chăng tày gang, ông lại phải vào Nghệ An nhậm chức! …Bà Điểm không muốn đi vào tận xứ Nghệ đường xa cách trở vì còn phải chăm sóc mẹ già và vợ con người anh xấu số, bà cũng linh cảm thấy điềm gở về chuyến đi này! Nhưng ông Nguyễn Kiều năn nỉ hết lời, muốn bà đi cùng vào xứ Nghệ… Bà phải chiều chồng, làm bổn phận người vợ tòng phu, xuống thuyền cùng chồng đi vào Nghệ An, với nỗi lòng lo âu buồn bã… Lúc thuyền đến bến Đền Sòng, nơi thờ Công Chúa Liễu Hạnh, Bà bị cảm rất nặng. Biết mình không thể sống được, Bà trăn trối cùng chồng: Chàng nên cố gắng lo tròn việc nước để trở về kinh sớm ngày nào tốt ngày đó, chớ nên ở lâu nơi chốn biên thùy này mà dấn thân vào nơi gió bụi hiểm nguy!... Trối xong, Bà từ trần, lúc đó là ngày 11 tháng 9 năm Đinh Mão (1748), hưởng dương 44 tuổi. Bà chưa có con với Nguyễn Kiều. Bài văn tế của ông Nguyễn Kiều đã nói được phần nào cái sự “Hồng nhan đa truân” của Hồng Hà nữ sĩ:

Ô hô! Hỡi nàng! Huệ tốt lan thơm!
Phong tư lộng lẫy, cử chỉ đoan trang,
Nữ đức trọn vẹn, tài học ngỡ ngàng.
Giáo mác, ấy bàn luận,
Gấm vóc, ấy văn chương.
Nữ trung, rất hiếm có như nàng.
Sao mà lại,
Gia thất chậm hơn Mạnh Quang (**),
Con cái hiếm hơn Trang Khương,
Dứt tuổi Từ Phi, vui tài Ban Nương (***).
Sao hóa cơ khó đoán,
Mà Thiên mệnh phi thường lắm thay!
Xưa nghe được tiếng nàng,
Bèn kết thân hai họ.
Nàng về nhà tôi, vẹn tròn đạo vợ,
Việc bút nghiên tài lạ hằng chuyên,
Nghề kim chỉ tay sành chẳng bỏ.
Thường thường đàm luận cổ thi,
Ngày ngày xướng thơ họa phú.
Ba năm đi sứ Bắc, mày liễu buồn chau,
Năm Sửu trở về nhà, mặt hoa cười nở.
Lúc rảnh việc, cùng vui thú văn hàn,
Mới có chỉ sai trở vào xứ Nghệ.
Non sông chẳng ngại đường dài,
Tần tảo quyết theo nội trợ.
Đường sông nghìn dặm gian nan,
Doanh liệt ba tuần tới đó.
Một bệnh càng thêm, trăm phương khó chữa,
Đào chưa quả đã vội khô,
Quế đang thơm mà đã rủ!
Rừng sâu bể rộng, nàng hỡi đi đâu?
Ngọc nát châu chìm, lòng tôi quặn nhớ.
Những muốn chèo thuyền lan mà sớm phát,
Đưa giá liễu chóng về,
Hẹn lại quê nhà an táng.
Dốc đem ý hậu theo đi.
Nhưng, nghĩa cùng thời trái việc hẳn lòng tùy,
Nửa bước khó dời trấn sở.
Một thân khó vẹn công tư.
Lối về trên bến, tạm dựng bàn thờ,
Lệ tiễn hai hàng chan chứa,
Tình thương một lễ đơn sơ,
Sóng gió xin đừng kinh sợ,
Đường đi chớ ngại rũ rờ.
Hương hồn nàng yên nghỉ,
Cố ấp tôi hằng mơ.
Thượng hưởng!

*
Đoàn Thị Điểm (1705 - 1748): hiệu Hồng Hà, biệt hiệu Ban Tang. Quê tại làng Hiến Phạm, tên nôm là làng Giữa, xã Giai Phạm, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Do lấy chồng họ Nguyễn nên bà còn có tên là Nguyễn Thị Điểm.
Bà Đoàn Thị Điểm là con gái ông hương cống Đoàn Doãn Nghi, mẹ bà là người họ Vũ và là vợ hai ông Nghi, nhà ở phường Hà Khẩu, Thăng Long (phố Hàng Bạc bây giờ). Bà họ Vũ sinh một trai (1703) là Đoàn Doãn Luân và một gái (1705) là Đoàn Thị Điểm. Từ nhỏ, hai anh em bà đã theo mẹ về ở với ông bà ngoại là quan Thái lĩnh bá họ Vũ, và được dạy dỗ chu đáo lầu thông Tứ thư, Ngũ kinh như anh trai. Hai anh em Luân và Điểm lớn lên đều có dáng người đẹp đẽ, tư chất thông minh vượt bậc và có văn tài xuất chúng. Điều đặc biệt là số phận của hai anh em luôn gắn với nhau.
Đoàn Doãn Luân được thân phụ dạy cho chữ Hán ngay từ lúc 3 tuổi, đến khi 5 tuổi thì biết ráp thành câu, đến năm 10 tuổi thì học thông Kinh Sử, đến tuổi trưởng thành thì thi đậu Hương cống, nhưng sau đó lại rớt kỳ thi Hội. Đoàn Doãn Nghi hỏi cưới con gái của bạn học là Lê Hữu Hỷ cho con trai của mình. Con gái của Hỷ tên là Lê Thị Vy. Sau lễ Hỏi ít lâu, chẳng may Cô Vy bị bệnh đậu mùa, di chứng để lại là mặt bị rỗ hoa, chân tay lóng ngóng. Bên nhà gái thấy vậy cho người sang xin hủy bỏ cuộc hôn nhân này. Nhưng Đoàn Doãn Luân nhất quyết giữ hạnh quân tử, một dạ thủy chung, không đổi ý vì nhan sắc cô Vy đã bị hủy hoại, làm mọi người đều kính phục. Lê Thị Vy về nhà họ Đoàn, gặp hoàn cảnh nhà chồng mẹ hiền em thảo, hết lòng giúp đỡ mọi việc trong nhà. Năm 1726, cô Vy sinh con gái đầu lòng, đặt tên là Đoàn Lệnh Khương, ba năm sau sinh thêm một trai đặt tên là Đoàn Doãn Y. Ngay từ khi lọt lòng, hai cháu Khương và Y đều được cô ruột là bà Điểm chăm sóc tận tình.

Năm 16 tuổi, Đoàn Thị Điểm đã nổi tiếng là một tài nữ trẻ tuổi. Quan Thượng Lê Anh Tuấn (1), vốn đã quen biết nhiều với Đoàn Doãn Nghi, mến tài văn chương và đức hạnh nên nhận Đoàn Thị Điểm làm con nuôi. Kể từ đó, Điểm về ở nhà của nghĩa phụ tại phường Bích Câu, kinh thành Thăng Long. Đây là khu dinh thự của các quan lớn trong triều như dinh quan Tham Tụng Nguyễn Công Hãn (2)... Quan lại, văn nhân khắp nơi đều lui tới các nhà quan Đại Thần ở phường Bích Câu tấp nập. Đó là dịp để Điểm quen biết nhiều người có danh vọng, có khoa bảng, cũng chính vì vậy mà tiếng tăm về tài ứng đối văn chương của tài nữ họ Đoàn được đồn vang.

Có một lần quan Tham Tụng Nguyễn Công Hãn sang chơi bên dinh của Thượng Thư Lê Anh Tuấn, thấy Cô Điểm đang đi một mình bên bờ dậu, ông dừng lại, bảo Cô Điểm làm câu đối lấy đề tài là đi một mình. Chỉ giây lát, Cô Điểm đọc: Đàm luận cổ kim tâm phúc hữu,/ Truy tùy tả hữu cổ quăng thần. (Nghĩa là: Bàn chuyện xưa nay, tim bụng là bạn, /Đi theo trái phải, tay chân là bề tôi). Ông Hãn đã đỗ Tiến sĩ năm 21 tuổi, thường tự phụ về tài mẫn tiệp của mình, nay thấy Điểm chưa đầy 20 tuổi mà làm được như vậy thì vô cùng kinh ngạc, khen ngợi luôn miệng…

*
Ông Đoàn Doãn Nghi được bạn bè khuyên nên nhận một chức quan nhỏ, nhưng với tính phóng khoáng, không quen gò bó luồn lụy, nên không chịu nhận, và chọn con đường dạy học. Hơn nữa, Ông nghĩ con là Doãn Luân đã đỗ Hương Cống rồi, tuy rớt thi Hội, nhưng còn trẻ, chắc sau này có thể đậu được, còn con gái là Đoàn Thị Điểm thì đã có nơi quyền quí để nương tựa, bề gia thất sau này cũng dễ, nên Đoàn Doãn Nghi chuyển đi dạy học ở thôn Lạc Viên, huyện An Dương, nay thuộc Hải Phòng.
Dạy học ở Lạc Viên được vài năm, Đoàn Doãn Nghi đau bệnh và mất tại đây, vào năm 1729. Anh em Luân và Điểm đưa xác cha về an táng tại quê nhà. Nhiều học trò của Ông Nghi góp tiền làm một nhà thờ, và dựng mộ bia cho thầy học. Bia dựng năm Kỷ Dậu (1729), thời vua Lê Vĩnh Khánh.
Nhân chuyến này, Đoàn Doãn Luân đưa vợ con về ở luôn quê nhà là làng Hiến Phạm, sau đó lại chuyển qua ở làng Vô Ngại gần bên. Lúc này, Đoàn Thị Điểm cũng xin với dưỡng phụ cho phép về quê nhà đặng săn sóc mẹ già, giúp anh và chị dâu quán xuyến công việc gia đình.
Đoàn Doãn Luân mở trường dạy học. Chị dâu trước đây là một tiểu thư khuê các, nhưng vì bệnh đậu mùa làm cho gương mặt trở nên xấu xí, tay như có tật, nên Cô Điểm đứng ra thay thế chị dâu lo việc tề gia nội trợ, lại giúp anh trong việc giao thiệp với bên ngoài. Cô Điểm tỏ ra rất đảm đang và lịch thiệp trong mọi công việc. Mỗi khi anh Luân đau ốm, Cô thường thay thế anh Luân giảng sách cho đám học trò.
Gia đình họ Đoàn đang sống an vui như thế thì Đoàn Doãn Luân bị bạo bịnh đột ngột từ trần, để lại hai đứa con thơ chưa đầy 10 tuổi với một người vợ gần như tật nguyền, và một mẹ già tóc bạc. Năm đó là năm 1735. Đoàn Thị Điểm đọc một bài văn tế trước quan tài của anh rất lâm ly thống thiết, nhắc lại cảnh gia đình đơn chiếc, ai nấy đều cảm động không cầm được lệ trào. Sau đó, Điểm và chị dâu đưa xác anh về an táng nơi quê nhà, kế mộ phần của cha.
Gia cảnh bây giờ rất hiu quạnh, chị dâu thì thiếu đảm đang, lại mất sinh kế nuôi sống gia đình. Đoàn Thị Điểm phải mở tiệm xem mạch và hốt thuốc Bắc cho dân quanh vùng. Đoàn Thị Điểm có tay phục dược, người đến xem mạch bốc thuốc khá đông, nhờ vậy có đủ tiền nuôi mẹ, lo cho hai cháu và chị dâu được tươm tất. Đối với mẹ thì Điểm trọn hiếu, đối với chị dâu thì trọn nghĩa, nuôi dạy hai cháu khôn lớn.
Trong thời gian này, nhiều người đem lễ vật trọng hậu tới cầu hôn, nhưng Điểm không đồng ý ai. Việc “ong bướm rập dìu” cũng có nhiều phiền toái.
Nhân dịp có người tiến cử Điểm vào cung Chúa Trịnh để dạy học, Điểm không từ chối như lần ở với dưỡng phụ, liền nhận lời để khỏi phải lo đối phó với những kẻ không xứng đáng đến cầu hôn hoài. Nhưng khi ở trong cung, Điểm lại mục kích những điều xấu xa bỉ ổi trong đám quan lại, sự thối nát của triều đình, nên chán nản xin trở về quê nhà.
Lúc bấy giờ, giặc giã nổi lên đánh phá khắp nơi, Điểm phải đưa mẹ, chị dâu và hai cháu bỏ quê, về làng Chương Dương bên bờ sông Nhị Hà, gần Hà Nội. Năm ấy là năm 1739, Cô Điểm được 35 tuổi.

Đoàn Thị Điểm không muốn làm nghề xem mạch bốc thuốc nữa, mà mở trường dạy học, mong đem hết sở học truyền lại cho thế hệ sau, đào tạo lớp người mới, vừa có kiến thức cao, vừa có đạo đức để giúp dân giúp nước…Trong số học trò, có Đào Duy Doãn (3) ở làng Chương Dương, sau này thi đậu Tiến Sĩ năm 1760. Đoàn Lệnh Khương (4) sau này cũng nối nghiệp cô là Đoàn Thị Điểm, mở trường dạy học ở Thăng Long rất có tiếng, được người dân Thăng Long gọi là Nữ học Sư.

**

Trong thời gian Đoàn Thị Điểm dạy học, ông Nguyễn Kiều nhiều lần đến xin cầu hôn. Khi đó Điểm đã 37 tuổi. Ông Nguyễn Kiều, hiệu là Hạo Hiên, sanh năm 1695 (lớn hơn Cô Điểm 10 tuổi), tại làng Phú Xã huyện Hoài Đức, 18 tuổi đậu Giải Nguyên, 21 tuổi đậu Tiến Sĩ, là người có tài văn học lỗi lạc.
Năm 1717, Nguyễn Kiều được bổ làm quan Đốc Đồng ở Nghệ An, và năm 1736 được thăng chức Thị Lang. Nguyễn Kiều đã có hai đời vợ. Vợ đầu tiên của Nguyễn Kiều là Lê Thị Hằng, con gái của quan Thượng Thư Lê Anh Tuấn, nghĩa phụ của Đoàn Thị Điểm. Thị Hằng đoản mệnh và không có con. Người vợ thứ hai tên là Nguyễn Thị Đoan, con gái của quan Tham Tụng Nguyễn Quí Đức (5). Thị Đoan sinh được hai con trai và một con gái, rồi cũng qua đời mà chưa tới 30 tuổi.

Ông Nguyễn Kiều hai lần gửi thư cầu hôn Đoàn Thị Điểm. Lần thứ nhất, Điểm đọc thư rồi than rằng: “Lúc trẻ ta mong được người này đến cầu hôn. Đã trải qua hơn 20 năm, ta không bao giờ nghĩ tới nữa. Ta từng nhủ lòng, hạng người tài tử giai nhân rất hiếm trên đời này. Tốt hơn ta nên rửa lấy lòng trần, an nhàn nuôi lấy khí tượng thanh bình”. Chừng 10 ngày sau, Nguyễn Kiều lại sai người mang thơ đến nữa. Trong bức thư kỳ này, lời lẽ rất khẩn thiết chân thành, có đoạn như sau: "Tôi rất bận việc quan, lại phải lo chuẩn bị lên đường, việc nhà không ai coi sóc và cai quản. Tôi nghĩ rằng Cô cùng nội trợ tôi vốn trước có tình nghĩa chị em, nếu Cô vui lòng đùm bọc cho nội trợ tôi thì thật là may mắn cho cả nhà tôi đó”.
Điểm đọc thư lần này có vẻ cảm động, nhưng vẫn chưa muốn đem mình vào cuộc hôn nhân muộn màng, gây thêm phiền nhiễu, nhưng mẹ già và cả gia đình đều muốn Điểm chấp nhận, nên Điểm bằng lòng kết hôn với Nguyễn Kiều, lúc đó là năm 1743, Điểm đã 39 tuổi.

Bà Đoàn Thị Điểm về nhà chồng, sống với chồng rất tâm đầu ý hợp, khi rảnh thường hay xướng họa thơ văn. Nhưng chưa đầy một tháng sau thì quan Thị Lang Nguyễn Kiều làm Chánh Sứ sang nhà Thanh. Ông phải từ giã Bà để phụng chiếu ra đi. Lệ thường, đi sứ như vậy trong vòng 2 năm thì trở về tới nhà, nhưng lần nầy, khi sứ bộ trở về tới Quảng Tây, gặp lúc vùng này có loạn nên bị nghẽn đường. Sứ bộ VN phải lưu lại cả năm trời. Trong thời gian này, Nguyễn Kiều làm nhiều bài thơ, tỏ nỗi nhớ nhung đến người vợ mới cưới nơi quê nhà, nhất là trong những ngày Tết tha hương…

*
Trong lúc Nguyễn Kiều đi sứ Trung Hoa, ở nhà, Bà Đoàn Thị Điểm, khi thì ở bên nhà chồng săn sóc ba đứa con của chồng trong đời vợ trước, khi trở về nhà mẹ ruột thăm hỏi mẹ già, cùng chăm nom hai đứa cháu kêu bằng Cô ruột là Đoàn Lệnh Khương và Đoàn Doãn Y…
Lại nói bà Đoàn Thị Điểm khi còn là thiếu nữ, lúc ở nhà của nghĩa phụ Lê Anh Tuấn tại phường Bích Câu, kinh thành Thăng Long, có dịp gặp Đặng Trần Côn (6). Côn nhỏ hơn Điểm hai tuổi, quê ở làng Nhân Mục. Đó là một trang thiếu niên anh tuấn tài hoa, năm 15 tuổi đã đậu Hương Cống.
Côn rất thích Điểm về nhan sắc cũng như về tài văn chương, nên có gửi đến Điểm một bài thơ tỏ ý cầu hôn. Điểm không trả lời nhưng nói với chị em bạn: “Cái ông Cống Đặng, miệng còn hôi sữa, làm thơ chưa xong mà lại đi nói chuyện vợ chồng!” Đặng Trần Côn nghe thuật lại thì tức lắm, nên cố gắng dùi mài kinh sử, đậu Tiến Sĩ trong kỳ thi Hội.

Đầu niên hiệu Cảnh Hưng nhà Lê Trung Hưng, gặp buổi chiến tranh giặc giã, trai tráng bị bắt đi lính đánh trận, gây cảnh ly tán đau đớn cho nhiều gia đình, Đặng Trần Côn cảm xúc, viết nên tác phẩm Chinh Phụ Ngâm bằng Hán văn theo thể thơ Cổ Nhạc Phủ. Khi viết xong Chinh Phụ ngâm, Đặng Trần Côn đưa cho ông Ngô Thời Sĩ (7) xem. Ông Sĩ xem xong lấy làm thán phục nói rằng: "Văn chương đã tới mức này thì Lão Ngô tôi chỉ còn biết bái phục mà thôi."
Đặng Trần Côn liền gửi tác phẩm này cho Bà Đoàn Thị Điểm xem, ngụ ý cho Bà biết rằng, trước đây Bà xem thường ông là lầm to... Tác phẩm Chinh phụ ngâm đến tay bà Điểm đúng lúc chồng bà đang đi sứ Trung Hoa. Bà Điểm xem xong Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn thì rất cảm phục tài văn chương của họ Đặng, lại thấy tâm sự của nàng Chinh phụ trong tác phẩm cũng có phần tương đồng nỗi lòng của Bà lúc đó: Chồng đi sứ sang Tàu giống như đi lính thú chinh chiến ngoài biên thùy, Bà ở nhà lòng nhớ nhung lo lắng cho chồng không nguôi, lại còn lo phụng dưỡng mẹ già, nuôi nấng và dạy dỗ đàn con thơ của chồng xem như con ruột.

Tâm hồn của người Nữ sĩ rung động, và cũng muốn đáp lại tấm tình cảm của Đặng Trần Côn khi trước, Bà đã ngay tức thì diễn nôm tác phẩm Chinh Phụ Ngâm Hán văn của Đặng Trần Côn, theo lối thơ trữ tình hoàn toàn Việt Nam là song thất lục bát.
Lòng nhớ nhung của Bà đối với chồng khi chồng phụng mạng đi sứ sang Bắc Kinh, cộng hưởng với tâm trạng của nàng Chinh phụ nhớ mong chồng đang đánh giặc ngoài quan ải, nên Bà diễn Nôm đoạn này thật cảm động:

Ðâu xiết kể muôn sầu nghìn não.
Từ nữ công, phụ xảo đều nguôi,
Biếng cầm kim, biếng đưa thoi,
Oanh đôi thẹn dệt, bướm đôi ngại thùa,
Mặt biếng tô, miệng càng biếng nói
Sớm lại chiều, dòi dõi nương song;
Nương song luống ngẩn ngơ lòng.
Vắng chàng điểm phấn trang hồng với ai?

*
Đoàn Thị Điểm viết sách nhiều nhưng thất lạc cũng nhiều, hậu thế chỉ còn biết đến hai tác phẩm Hồng Hà nữ sĩ là Tục truyền kỳChinh phụ ngâm.
Tục truyền kỳ : Còn gọi là Truyền kỳ tân phả , viết bằng chữ nho, gồm có 7 truyện: 1/Vân Cát thần nữ (bà chúa Liễu Hạnh); 2/Hải khẩu linh từ (nữ thần Chế Thắng); 3/An ấp liệt nữ (tiểu thiếp Đinh Nho Hoàn); 4/Nghĩa khuyển thập miêu (chó nuôi mèo); 5/Hoành sơn tiến cục (cờ trên núi Hoành); 6/Mai huyền (cây mai huyền bí); 7/Yến anh đối thoại (Yến anh nói chuyện).
Hai truyện cuối trong danh sách trên đã bị thất lạc. Sách này là nối tiếp sách Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ (8).

Sau khi thân phụ mất, Bà Đoàn Thị Điểm về quê nhà săn sóc mẹ già, sống chung với anh và chị dâu. Trong thời gian này, Bà viết tập sách Truyền Kỳ Tân Phả bằng Hán văn. Tác phẩm này được biên soạn rất công phu, nội dung viết về những người phụ nữ tài giỏi và tiết liệt , được anh của Bà là Đoàn Doãn Luân , hiệu là Tuyết Am, tự là Đạm Như Phủ, viết lời phê bình.
Trong Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí, Phan Huy Chú (9) ca ngợi tác phẩm Truyền Kỳ tân phả như sau: Lời văn trau chuốt, ý chuyện dồi dào.
Bản in sách Truyền kỳ tân phả năm Gia Long thứ 10 (1811), có ghi rõ tên tác giả là Hồng Hà Đoàn phu nhân, gồm ba truyện đầu trong bài văn tế kia, lại có thêm truyện Bích Câu kỳ ngộ, Tùng bách thuyết thoại Long hổ đấu kỳ .

Truyện Bích câu kỳ ngộ có liên quan đến câu chuyện cổ tích về chàng Tú Uyên lấy vợ tiên, truyện liên quan đến đạo tu tiên ở VN, rất phát triển ở thế kỷ 18; truyện Tùng bách thuyết thoại được cải biên từ chuyện Lưu Bình Dương Lễ; ba truyện An Ấp liệt nữ, Vân Cát thần nữ, Hải Khẩu linh từ đều liên quan đến việc thờ cúng trong dân gian. Các truyện viết về các nhân vật lịch sử, là truyện “người thật việc thật”: Người liệt nữ ở An Ấp là chuyện về vợ Đinh Nho Hoàn, ông bị chết trên đường đi sứ Trung Quốc, bà đã tự tử theo chồng, được triều đình ban khen và cho lập đền thờ; Đền thiêng ở Hải Khẩu là chuyện về bà cung phi của vua Trần Duệ Tông, được thờ ở thôn Hải Khẩu, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh; câu chuyện lưu giữ lại dấu vết tục hiến tế thời xa xưa của VN. Nữ thần ở Vân Cát là chuyện về chúa Liễu Hạnh, một trong “tứ bất tử” của tín ngưỡng VN. Câu chuyện liên quan đến đạo thờ Mẫu ở VN. Nàng cung phi của Trần Duệ Tông và chúa Liễu Hạnh, đặc biệt là chúa Liễu Hạnh, được thờ ở nhiều nơi, truyện của Đoàn Thị Điểm về hai bà và thần tích rất giống nhau. Thần tích ở đền Hải Khẩu có khác một chút về đoạn kết, nhưng thần tích các đền thờ Liễu Hạnh thì hầu như không sai khác một chi tiết nào so với truyện trong Truyền kỳ tân phả. Với Truyền kỳ tân phả , có thể nói Đoàn Thị Điểm đã dựa vào cốt truyện, nguyên mẫu nhân vật trong văn học và tín ngưỡng dân gian để viết thành tác phẩm văn học, sau đó tác phẩm của bà lại được sử dụng lại làm thần tích, giúp cho hành trạng của vị thần được thờ công tích sáng rõ hơn, ảnh hưởng sâu rộng hơn.

************

Truyền kỳ là một thể loại có bề dày truyền thống, những tiền đề của nó đã có từ kho tàng truyện kể dân gian của mỗi nước mà trong đó, yếu tố kỳ ảo tồn tại như một quy luật của sự vận động tư duy của con người, thậm chí có thể hình dung như một hình thái văn học vĩnh hằng của tất cả các dân tộc trên thế giới. Hình thái đó từ những yếu tố tản mát, tan hoà trong hầu hết những dạng thức văn học dân
gian - trung đại tìm thấy một hình thức tồn tại ổn định mang tính thể loại của Truyền kỳ mà giai đoạn Đường-Tống trong lịch sử văn học Trung Quốc được xem như điểm mốc cho sự định hình và phát triển.


Ở Việt Nam, điểm mốc này gắn liền với tên tuổi của Nguyễn Dữ cùng tác phẩm Truyền kỳ mạn lục của ông.Từ những tác phẩm đầu tiên của thể loại truyền kỳ đến Truyền kỳ tân phả, Đoàn Thị Điểm đã được kế thừa hai truyền thống: truyền thống dân gian và truyền thống truyền kỳ mà bậc tiền bối trực tiếp là Nguyễn Dữ cùng những tiêu chuẩn có sẵn về mặt thể loại của truyền kỳ Trung Quốc.

Với Đoàn Thị Điểm, bên cạnh những mặt kế thừa là những nét sáng tạo mới độc đáo, bên trong những mặt bảo lưu là những cách tân mang tính định hướng của tác phẩm so với truyện kể dân gian.
Không hư cấu cốt truyện, Đoàn Thị Điểm chỉ đào sâu mối quan hệ nhân quả của của các yếu tố cốt truyện có sẵn, lồng vào nội dung những quan điểm Nho gia cũng như tinh thần nhân văn của thời đại, đồng thời mặc sức thể hiện khoái cảm nghệ thuật cá nhân ở bộ phận thơ từ; những cố gắng đó cùng với những giai thoại đẹp của chính tác giả Đoàn Thị Điểm (vốn có lẽ được lưu truyền từ lúc sinh thời mà sau khi bà mất khoảng 50 năm, Phạm Đình Hổ (10), Nguyễn Án đã kịp ghi lại trong Tang thương ngẫu lục), tất cả đã làm nên một truyền kỳ để đến mấy trăm năm sau vẫn còn tràn trề nhựa sống.


Vai trò Đoàn Thị Điểm - tác giả của những truyện Truyền kỳ - ở đây là rất quan trọng bởi bà đã đem đến cho tác phẩm một luồng sinh khí mới, khiến cho nó trở thành cơ sở cho văn học dân gian, tiếp thêm sức mạnh để dòng văn học này sống mãi đến tận ngày nay trong dân chúng ...



Chú thích :


(*)Vương Xương Linh (694 - 756) tự Thiếu Bá, người ở Vạn Niên, phủ Kinh Triệu (nay thuộc thành phố Tây An), đỗ tiến sĩ năm Khai Nguyên thứ 15 (727). Vương Xương Linh sở trường về thơ thất ngôn tuyệt cú, nội dung chủ yếu là tả sinh hoạt nơi biên tái và cung oán, khuê tình, phong cách thanh tân dịu dàng trong sáng. Khuê oán là tác phẩm tiêu biểu của Thi Thiên tử Vương Xương Linh. Khác với những bài thơ thuộc chủ đề biên tái, miêu tả tâm trạng, tình cảm… của người trực tiếp ra chiến trận, Khuê oán mang nỗi sầu của người thiếu phụ có chồng đang tham gia chinh chiến. Khuê oán thường được một số dịch giả, nhà nghiên cứu Việt Nam chọn làm ví dụ tiêu biểu cho khoảnh khắc đốn ngộ trong Đường thi.

Khuê Oán
Khuê trung thiếu phụ bất tri sầu
Xuân nhật ngưng trang thượng thúy lâu
Hốt kiến mạch đầu dương liễu sắc
Hối giao phu tế mịch phong hầu.
Vương Xương Linh (698-756)

Dịch nghĩa: Nỗi oán trong phòng khuê.

Người thiếu phụ nơi phòng khuê không biết buồn
Ngày xuân trang điểm xong, bước lên lầu biếc
Chợt thấy màu dương liễu ở đầu đường
(Liền) hối hận đã để chồng đi tòng quân để kiếm phong hầu.

Dịch thơ: Nỗi oán trong phòng khuê.
Cô gái phòng the chửa biết sầu
Ngày xuân trang điểm dạo lên lầu
Đầu đường chợt thấy tơ xanh liễu
Hối để chồng đi kiếm tước hầu.
Ngô Tất Tố dịch thơ.

Trẻ trung nàng biết chi sầu,
Ngày xuân trang điểm lên lầu ngắm gương.
Nhác trông vẻ liễu bên đường,
Phong hầu nghĩ dại, xui chàng kiếm chi.
Tản Đà dịch thơ.

(**) Nàng Mạnh Quang: Trong Truyện Kiều của Nguyễn Du có viết: Đã cho vào bậc Bố kinh / Đạo tòng phu lấy chữ trinh làm đầu.
Bố kinh là hai chữ thu ngắn, Bố quần là chiếc quần bằng vải, kinh thoa là cái trâm cài đầu bằng gai. Bố kinh lấy từ chuyện Lương Hồng, Mạnh Quang trong sách Di Uyển của Trung Quốc:

Lương Hồng là một hàn sĩ ở Giang Nam, nghèo xơ xác, hiếu học, trọng đạo đức nhân nghĩa. Nhiều người rất cảm phục nhân cách của chàng , muốn tìm cách giúp đỡ , nhưng đều bị từ chối.
Trong số này, có nhà họ Mạnh, giòng dõi nho gia, giàu có mấy đời, có tiểu thư Mạnh Quang, sắc nước khuynh thành, vương tôn công tử gần xa đều ngấp nghé. Nhà họ Mạnh chủ động muốn nhận Lương Hồng làm rể. Lương Hồng cũng nghe tiếng gia đình họ Mạnh tuy giàu có, nhưng nổi tiếng mấy đời lương thiện, nên bằng lòng kết nghĩa trăm năm với nàng Mạnh Quang.

Ngày hợp hôn, Mạnh Quang muốn làm đẹp lòng chồng, trang điểm má phấn tô son, xiêm y lộng lẫy, vàng ngọc sáng ngời. Nào ngờ, trông thấy tân nương rực rỡ như vậy, tân lang lại tiu nghỉu, suốt bảy ngày đêm ủ ê không buồn động phòng hoa chúc. Thoạt đầu, Mạnh Quang đã quá lo âu, không hiểu mình đã lời ăn tiếng nói như thế nào để chàng phải phật ý; cuối cùng thì nàng cũng nghĩ ra và đã vất bỏ hết các xiêm y, trang sức sặc sỡ đó, mà chỉ mặc quần áo vải và đầu cài thoa gai đến bên chồng. Đến đây, Lương Hồng mới bật lên mừng rỡ, ôm chầm lấy tân nương:

- Đây mới thật là vợ của Lương Hồng. Trong phú quý, giàu sang, thường người ta không giữ được nhân nghĩa. Ta chỉ muốn sống trong thanh bần, tự mình cày ruộng mà ăn, dệt vải mà mặc, cuộc sống đạm bạc nhưng vợ chồng luôn có nhau, tương kính nhau.

Người đời sau lấy chữ Bố kinh trong điển tích này để nói đến các bà vợ hiền thục.

(***) Ban Chiêu (45-116), tự là Huệ Ban, được xem là nữ sử gia đầu tiên của Trung Quốc. Ban Chiêu sinh năm 45 trong một gia đình Nho giáo vào thời Đông Hán, Trung Quốc cách đây hơn 2000 năm. Bà là con gái của Ban Bưu - là nhà văn nổi tiếng Trung Quốc thời bấy giờ, em gái của Ban Cố - nhà sử gia nổi tiếng. Bà còn có một người anh nữa là tướng quân Ban Siêu. Ban Chiêu thường được mời vào Hoàng cung để dạy kinh sử cho hoàng hậu và các quý nhân trong cung đình. Năm 14 tuổi, Ban Chiêu gả cho Tào Thế Thúc. Vì thế nên trong triều bà còn được gọi là Tào phu nhân. Tổ ấm của đôi vợ chồng trẻ này rất hạnh phúc, nhưng chỉ được 10 năm, Tào Thế Thức qua đời, bà thủ tiết thờ chồng. Tài khiếu viết văn của Ban Chiêu trước hết thể hiện trong quá trình giúp anh trai tên là Ban Cố viết cuốn Tiền Hán Thư… Những phần do bà soạn, từ tập 13 đến 20 (bát biểu biên niên) và tập 26 (thiên văn chí), được coi là mẫu mực cho nhiều tác phẩm lịch sử về sau. Sau khi bộ "Tiền Hán Thư" cho xuất bản, đã được sự đánh giá rất cao. Chương gay cấn nhất trong "Tiền Hán Thư" là bảng thứ 7 "Bảng bách quan công khanh" và chí thứ 6 "Thiên văn chí", hai bộ phận này về sau đều do Ban Chiêu hoàn thành.


(1) Lê Anh Tuấn(1676- 1741): hiệu Địch Hiên, quê làng Thanh Mai, huyện Tiên Phong, tỉnh Sơn Tây nay là xã Thanh Mai, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây.
Năm Giáp Tuất 1694, ông đỗ đồng tiến sĩ, 23 tuổi, làm Tả thị lang bộ Hộ rồi làm Bồi tụng ở phủ chúa Trịnh và hầu giảng ở tòa Kinh diên, được phong tước Điện Thành Nam. Đến năm Canh Tý 1720, thăng Thượng thư bộ Hình, tước Điện Quận Công, rồi vào làm Tham tụng ở phủ chúa. Ít lâu được gia thăng Thiếu bảo kiêm Đại học sĩ Đông Các (1726); thăng Thượng thư bộ Hộ, gia Thái bảo (1730). Về sau, bị chúa Trịnh nghi kị, phải ra làm Đốc trấn Lạng Sơn và Thái Nguyên (Nhâm Tý 1732), rồi lại bị giáng làm Thừa chánh sứ Lạng Sơn (Giáp Dần 1734). Năm Bính Thìn 1736, chúa Trịnh buộc ông phải tự tử, thọ 65 tuổi. Năm Tân Dậu 1741, chúa Trịnh Doanh lên nối nghiệp chúa, xét lại việc cũ, truy phong lại quan tước của ông và truy tặng Thái Bảo, thụy là Đạt Nghi.

(2) Nguyễn Công Hãng (1680-1732): tự Thái Thanh, hiệu Tĩnh Am, người làng Phù Chẩn, huyện Đông Ngàn, trấn Kinh Bắc, nay là thôn Phù Chẩn, xã Phù Chẩn, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Là đại thần, nhà ngoại giao và là một nhà thơ thời Lê trung hưng. Ông đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Canh Thìn niên hiệu Chính Hòa 21 (1700) đời Lê Hy Tông lúc mới 20 tuổi, nổi tiếng hay chữ, làm quan tới chức thượng thư bộ Lại, hàm Thái tử thái phó, sau lại thăng thái bảo, xếp vào hạng tá lý công thần và được cử làm chánh sứ sang nhà Thanh tháng 4 năm 1718. Năm 1720, thăng tham tụng. Sau do Trịnh Giang nghe lời dèm pha bèn giáng chức điều ông đi làm thừa chính sứ Tuyên Quang và bắt phải chết. Ông có nhiều đóng góp tích cực cho chính sách cai trị của triều đình Lê-Trịnh đầu thế kỷ 18 và là người có công chấm dứt việc "cống người vàng" hay "nợ Liễu Thăng" của VN với triều đình phong kiến TQ.

(3) Bia Tiến sĩ soạn năm 1760 có ghi rõ: Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, 5 người, trong đó có Đào Duy Doãn (1726-?) người xã Chương Dương huyện Thượng Phúc (nay thuộc xã Chương Dương huyện Thường Tín tỉnh Hà Tây). Ông làm quan Hiến sát sứ.

(4) Đoàn Lệnh Khương (1726 - 1800): Đoàn Lệnh Khương là nữ sĩ đời Lê Ý tông, con gái lớn của Đoàn Doãn Luân, gọi Đoàn Thị Điểm là cô ruột. Quê xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Năm lên 9 tuổi cha mất, bà nhờ cô nuôi dạy thành tài, lại cũng nhờ ông thúc tổ bên ngoại là Liên Đình Hầu Lê Hữu Kiều (4*) bảo dưỡng cho, nên cuộc sống cũng yên ổn. Đến tuổi trưởng thành bà nổi danh tài sắc, nhưng tình duyên dở dang.
Đến năm bà 31 tuổi, nhận lời cầu hôn của Đốc đồng Sơn Nam là Nguyễn Xuân Huy, góa vợ, tuổi đã trên 40. Bà sinh được một gái, nhưng mới được hai tuổi thì con mất. Rồi chỉ được non bảy năm thì chồng mất năm Canh Thìn 1760. Từ ấy bà sống cảnh đơn côi góa bụa, lên kinh đô dạy học tại tư gia, được xa gần gọi là Nữ học sư.

(4*) Lê Hữu Kiều (1691-1760): là Danh thần đời Lê Dụ Tông, Có sách chép là Lê Hữu Khánh quê xã Liêu Xá, huyện Đường Hào, tỉnh Hải Dương nay là xã liêu xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên.
Ông là con thứ 10 (út) của Hoàng giáp Lê Hữu Danh, em tiến sĩ Hữu Hỷ, tiến sĩ Hữu Mưu, và là chú ruột Y sư Lê Hữu Huân tức Lê Hữu Trác (4**).
Năm 18 tuổi, ông đỗ hương giải một lượt với anh là Hữu Mưu. Năm 25 tuổi đỗ khoa hoành từ, 27 tuổi (Mậu Tuất 1718) đỗ đồng tiến sĩ.
Trải làm các chức: Giám sát ở Thanh Hóa, Hiến sát ở Kinh Bắc, Tham khổn ở Thái Nguyên và Cao Bằng, Phó đô ngự sử tại triều, ông được sĩ phu trọng vọng vì tính khảng khái liêm chính…

(5) Nguyễn Quý Đức (1646 hay 1648-1720), hiệu Đường Hiên, tự Bản Nhân, đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ đệ tam danh, khoa thi năm Bính Thìn (1676), niên hiệu Vĩnh Trị thứ nhất. Quê ở làng Thiên Mỗ (tức làng Đại Mỗ, huyện Từ Liêm, Hà Nội ngày nay).
Sau khi đỗ cao, ông được triều đình cử giữ chức Thiên đô ngự sử, làm chánh sứ sang Trung Quốc (1690), rồi làm Lại bộ tả thị lang. Ông được giao trọng trách cùng với Lê Hy soạn tiếp bộ Đại Việt sử kí bản kỉ từ đời Lê Huyền Tông đến đời Lê Gia Tông. Năm 1708, ông được cử làm Binh bộ thượng thư và năm 1794, được phong hàm Thiếu phó Liêm quận công. Ông đã có công tu tạo lại Văn Miếu, Hà Nội, dựng thêm bia tiến sĩ từ năm 1667 đến năm 1716 và trực tiếp giảng dạy ở Quốc Tử Giám, đào tạo nhiều nhân tài cho đất nước. Khi ông mất triều đình nhà Lê truy tặng tước Thái tể Đại Tư không, Thượng trụ quốc Thượng trật, ban tên thụy là Trịnh Mục.

(6)Đặng Trần Côn (1710…1720? - 1745?) là tác giả của Chinh phụ ngâm, kiệt tác văn học viết bằng chữ Hán. Quê ở làng Nhân Mục (còn gọi làng Mọc), huyện Thanh Trì, nay thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ông đỗ Hương cống, nhưng thi Hội thì hỏng. Sau đó làm huấn đạo trường phủ, rồi tri huyện Thanh Oai, sau thăng chức Ngự sử đài đại phu.

(7) Ngô Thì Sĩ (1726-1780), tự: Thế Lộc, hiệu: Ngọ Phong, đạo hiệu: Nhị Thanh cư sĩ[1]. Ông là nhà sử học, nhà văn, nhà thơ nổi tiếng ở thế kỷ 18 tại Việt Nam; được Phan Huy Chú đánh giá là người có "học vấn sâu rộng, văn chương hùng vĩ, làm rạng rỡ cho tông phái nho gia, là một đại gia ở Nam Châu".

(8) Xin xem: Đỗ Ngọc Thạch .: TRUYỀN KỲ MẠN LỤC - THIÊN CỔ KỲ BÚT

(9) Phan Huy Chú ( 1782 - 1840): tên chữ là Lâm Khanh, hiệu Mai Phong, thuở nhỏ có tên là Hạo sau đổi tên là Chú, là một danh sĩ triều nhà Nguyễn. Phan Huy Chú sinh ra ở Thăng Long và lớn lên ở tổng Thụy Khê, huyện Yên Sơn, tỉnh Sơn Tây(nay là thôn Thuỵ Khuê, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây. Ông là con trai thứ ba của danh sĩ Phan Huy Ích người làng Thu Hoạch, huyện Thiên Lộc, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An (nay là xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh). Năm 1787, Phan Huy Ích bỏ làm quan với nhà Lê ở Thăng Long và lên Sài Sơn (Sơn Tây) định cư. Ông đỗ 2 lần tú tài, người đương thời gọi ông là "kép Thầy", làm quan dưới triều vua Minh Mạng, trải qua các chức Phủ thừa tỉnh Thừa Thiên, rồi thăng Hiệp Trấn Quảng Nam, năm Quí Tị (1833) được bổ làm Tư vụ bộ Công. Chẳng bao lâu ông cáo bệnh xin về hưu, dạy học ở làng Thanh Mai, huyện Tiêu Phong, tỉnh Sơn Tây.
Ông là tác giả bộ bách khoa Lịch triều hiến chương loại chí và nhiều tác phẩm khác. Ông được người đời suy tôn là nhà bác học trên nhiều lĩnh vực của Việt Nam.

(10) Phạm Đình Hổ (1768-1839) tên chữ là Tùng Niên, Bỉnh Trực, hiệu: Đông Dã Tiều, tục gọi là Chiêu Hổ. Ông là nhà nghiên cứu, là nhà văn , nhà thơ Việt Nam khoảng cuối thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 19. Về sáng tác văn học có hai tập bút ký: Vũ trung tùy bút Tang thương ngẫu lục (hợp soạn với Nguyễn Án).
Về Đầu Trang Go down
 
Hồng Hà nữ sĩ - Hồng nhan đa truân
Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Similar topics
-
» Những Đoá Từ Tâm
» Tình Mẹ
» Thơ PHẠM KHANG
» THƠ MỪNG GIÁNG SINH
» Thân chào quý huynh tỷ . lâu không gặp hì hì ....
Trang 1 trong tổng số 1 trang

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
daovien.net :: VƯỜN VĂN :: BIÊN KHẢO, BÌNH LUẬN THƠ VĂN-