Trang ChínhTìm kiếmLatest imagesVietUniĐăng kýĐăng Nhập
Bài viết mới
Thơ Nguyên Hữu 2022 by Nguyên Hữu Today at 16:16

Hơn 3.000 bài thơ tình Phạm Bá Chiểu by phambachieu Today at 11:01

Thi tập "Chỉ là...Tình thơ" by Tú_Yên tv Thu 25 Apr 2024, 12:56

Trang thơ Tú_Yên (P2) by Tú_Yên tv Thu 25 Apr 2024, 12:51

Thơ Tú_Yên phổ nhạc by Tú_Yên tv Thu 25 Apr 2024, 12:46

LỀU THƠ NHẠC by Thiên Hùng Wed 24 Apr 2024, 11:55

Quán Tạp Kỹ - Đồng Bằng Nam Bộ by Thiên Hùng Wed 24 Apr 2024, 11:48

Trụ vững duyên thầy by Trà Mi Tue 23 Apr 2024, 07:34

Mái Nhà Chung by Trà Mi Tue 23 Apr 2024, 07:33

THIỀN TUỆ (diệt trừ đau khổ) by mytutru Tue 23 Apr 2024, 00:07

BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-1965 - LM CAO VĂN LUẬN by Trà Mi Mon 22 Apr 2024, 09:57

Nhận dạng phụ nữ giàu có by Trà Mi Mon 22 Apr 2024, 08:36

Bức tranh gia đình by Trà Mi Mon 22 Apr 2024, 08:09

Mẹo kho thịt by Trà Mi Mon 22 Apr 2024, 07:29

SẦU LY BIỆT by Phương Nguyên Sun 21 Apr 2024, 23:01

Trang Họa thơ Phương Nguyên 2 by Phương Nguyên Sun 21 Apr 2024, 22:56

Trang viết cuối đời by buixuanphuong09 Sun 21 Apr 2024, 06:38

Mức thù lao không ai dám nghĩ đến by Trà Mi Wed 17 Apr 2024, 11:28

KHÔNG ĐỀ by Phương Nguyên Wed 17 Apr 2024, 11:00

Cách xem tướng mạo phụ nữ ngoại tình, không chung thủy by mytutru Tue 16 Apr 2024, 11:59

Ở NHÀ MỘT MÌNH by Phương Nguyên Tue 16 Apr 2024, 09:59

HÁ MIỆNG CHỜ SUNG by Phương Nguyên Sun 14 Apr 2024, 13:29

Trang thơ vui Phạm Bá Chiểu by phambachieu Fri 12 Apr 2024, 15:48

Những Đoá Từ Tâm by Việt Đường Fri 12 Apr 2024, 15:32

Chết rồi! by Phương Nguyên Fri 12 Apr 2024, 13:57

ĐÔI BÀN TAY NGHỆ NHÂN by mytutru Thu 11 Apr 2024, 17:43

THẬN TRỌNG SIÊU LỪA by mytutru Wed 10 Apr 2024, 20:33

Không đánh, không mắng, không phạt, không có học sinh ưu tú by Trà Mi Wed 10 Apr 2024, 11:45

KHÓ NGỦ by Phương Nguyên Wed 10 Apr 2024, 01:46

MỘT CHÚT BUỒN by Phương Nguyên Tue 09 Apr 2024, 15:33

Tự điển
* Tự Điển Hồ Ngọc Đức



* Tự Điển Hán Việt
Hán Việt
Thư viện nhạc phổ
Tân nhạc ♫
Nghe Nhạc
Cải lương, Hài kịch
Truyện Audio
Âm Dương Lịch
Ho Ngoc Duc's Lunar Calendar
Đăng Nhập
Tên truy cập:
Mật khẩu:
Đăng nhập tự động mỗi khi truy cập: 
:: Quên mật khẩu

Share | 
 

 Chữ và Nghĩa: Những từ thường hay được dùng nhầm lẫn

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Tác giảThông điệp
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7112
Registration date : 01/04/2011

Chữ và Nghĩa: Những từ thường hay được dùng nhầm lẫn Empty
Bài gửiTiêu đề: Chữ và Nghĩa: Những từ thường hay được dùng nhầm lẫn   Chữ và Nghĩa: Những từ thường hay được dùng nhầm lẫn I_icon13Mon 24 May 2021, 09:18

Cứu cánh, Vị tha và Yếu điểm

Chữ và Nghĩa: Những từ thường hay được dùng nhầm lẫn 10-cap10

Trong đời sống chúng ta, hẳn tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ thân thương và trìu mến nhất. Đi khắp đông tây, thật hiếm có một thứ tiếng nào bây giờ chứa từ tượng hình và tượng thanh nhiều như tiếng Việt, âm thanh khi phát ra người nghe như được thưởng thức những giai âm trong bản nhạc trầm bổng, cảm xúc phát ra từ những từ tiếng Việt cũng lan ra rất nhanh và tác động rất mạnh, nhất là trong tâm hồn người Việt. Tuy nhiên, tiếng Việt đẹp bao nhiêu, dễ học, dễ nhớ bao nhiêu thì vẫn không tránh khỏi những lúc chúng ta có thể sử dụng nhầm hoặc sai nó. Với nhiều người học tiếng Việt, khi còn bé chắc hẳn khó ai tránh khỏi những sai sót, những sai sót chưa được giải thích hoặc dẫu có giải thích nhưng chưa được xác đáng dẫn đến sau khi lớn lên mang nhiều chấp kiến về từ ngữ tiếng Việt nên sử dụng sai từ hoặc hiểu sai về cách sử dụng tiếng Việt.

Một trong những nguyên nhân của việc dùng sai từ, nhất là từ gốc Hán và từ Hán - Việt là do người sử dụng không hiểu nghĩa tiếng Hán của từ. Thế nhưng, lại có những trường hợp dùng sai từ vì hiểu nhầm nghĩa của tiếng Hán sang tiếng Việt; điển hình cho trường hợp này các từ “Cứu cánh”, “Vị tha”, “Yếu điểm”.

1. Cứu cánh

“Cứu cánh” là từ gốc Hán, theo Từ điển Tiếng Việt có nghĩa là “mục đích cuối cùng”. Theo Từ điển Hán - Việt của Đào Duy Anh (2001) thì “cứu cánh” là “cuối cùng, kết quả”.

Ví dụ: Khi mải chạy đua theo thành tích, các nhà giáo dục đã quên mất cứu cánh của việc học tập là thay đổi nhận thức của con người cho tốt.

Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay, từ “cứu cánh” thường bị dùng sai theo nghĩa như sự “cứu vớt”, “cứu vãn”, “cứu tinh”… cho một đối tượng, một tình trạng nào đó, hoặc “cứu cái gì đó”.

Ví dụ: Cầu thủ A sau khi vào sân thay người đã lập tức ghi bàn, trở thành cứu cánh cho đội bóng.

Như vậy, từ nghĩa là “mục đích”, từ “cứu cánh” lại bị sử dụng thành “phương tiện”. Sở dĩ từ “cứu cánh” bị dùng sai là do người dùng hiểu sai từ “cứu”. Theo Từ điển Hán - Việt của Đào Duy Anh thì “cứu” trong từ “cứu cánh” có nghĩa là “cuối cùng”; chữ “cánh” cũng có nghĩa là “cuối cùng - xong được rồi…”. Tuy nhiên trong từ “cứu cánh”,  từ “cứu” đã bị nhiều người hiểu sai sang nghĩa của từ tiếng Việt là “làm cho thoát khỏi mối đe dọa sự an toàn hoặc sự sống còn” như trong cụm từ “đánh giặc cứu nước”, “trị bệnh cứu người”… Từ đó, từ “cứu cánh” bị hiểu sai và sử dụng sai phổ biến đến mức nhiều người không còn biết nghĩa gốc của nó nữa; tai hại hơn, đã biến “mục đích” thành “phương tiện”.

2. Vị tha

Cũng gần giống trường hợp trên, từ “vị tha” cũng thường bị hiểu và sử dụng sai theo nghĩa “tha thứ cho người khác”.

Ví dụ: Chúng ta nên có thái độ vị tha đối với những người lầm đường lạc lối nhưng biết hối lỗi.

Cũng giống trường hợp của từ “cứu cánh”, từ “vị tha” bị hiểu và sử dụng sai là do hiểu sai từ “tha” trong tiếng Hán sang nghĩa của từ Việt là “bỏ qua cho hoặc miễn cho, không trách cứ hoặc trừng phạt nữa” với nghĩa như từ “tha thứ”; ví dụ: Tha cho nó tội chết; Tao xin mày buông tha tao ra…

Còn “vị tha” là từ gốc Hán. Trong đó, “vị” là “vì” (vì ai…, vì cái gì…đó); ví dụ: Nghệ thuật vị nhân sinh (nghệ thuật vì con người); Vị cây dây cuốn (vì cây mà dây cuốn)… Còn “tha” là “người khác”; ví dụ: Tha hóa (nghĩa là thành người khác; không còn là mình nữa); Tha hương (buộc phải sinh sống ở một nơi xa lạ không phải quê hương mình)… Ngược với “kỷ” là “mình”; ví dụ: Vị kỷ (vì mình), Ích kỷ (chỉ biết lợi cho mình), Người tri kỷ (người hiểu mình)…

Ví dụ: Hành động đánh cướp cứu người của Lục Vân Tiên chính là xuất phát từ lòng vị tha và đạo nghĩa “giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha” của dân tộc Việt Nam.

Do đó, nghĩa đúng của từ “vị tha” phải là “vì người khác”, “có tinh thần chăm lo đến lợi ích của người khác một cách vô tư, sẵn sàng vì lợi ích của người khác mà hy sinh lợi ích của cá nhân mình”.

3. Yếu điểm

“Yếu điểm” (danh từ) là từ gốc Hán. Trong đó “yếu” có nghĩa là “quan trọng, cần thiết” như trong từ “trọng yếu” (cực kỳ quan trọng, cực kỳ cần thiết), “yếu nhân” (nhân vật quan trọng, như VIP trong tiếng Anh), hay “thiết yếu”, nhu yếu phẩm”… Còn “điểm” là “chỗ, vị trí”. Như vậy, nghĩa của từ “yếu điểm” là “chỗ quan trọng nhất, điểm quan trọng nhất, điểm then chốt”.

Ví dụ: Quảng cáo là yếu điểm cho công việc mở rộng thị phần.

Tuy nhiên, có không ít trường hợp “yếu điểm” lại bị hiểu sai thành “nhược điểm”, “điểm không mạnh”.

Ví dụ: Yếu điểm của anh A là không kiên trì, dễ bỏ dở công việc khi gặp khó khăn.

Nguyên nhân là do từ “yếu” gốc Hán bị hiểu sai nghĩa sang từ Việt là “có mức độ, năng lực hoặc tác dụng ít, kém so với bình thường”, trái với “mạnh”.

Ví dụ: Cơn bão yếu dần; ánh sáng yếu.

Trong vấn đề này, cần phân biệt “yếu điểm” với “điểm yếu” là từ thuần Việt với nghĩa là điểm dễ bị tổn thương, hay chính là từ “nhược điểm” trong tiếng Hán.

(ST)
Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7112
Registration date : 01/04/2011

Chữ và Nghĩa: Những từ thường hay được dùng nhầm lẫn Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Chữ và Nghĩa: Những từ thường hay được dùng nhầm lẫn   Chữ và Nghĩa: Những từ thường hay được dùng nhầm lẫn I_icon13Mon 24 May 2021, 09:45

Sáp nhập hay Sát nhập?

Chữ và Nghĩa: Những từ thường hay được dùng nhầm lẫn Chungh10

Đọc sách báo thỉnh thoảng thấy dùng "sáp nhập", hoặc "sát nhập", để chỉ hai cơ quan, hai bộ phận, hoặc hai đơn vị hành chính nhập với nhau làm một. Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên cho thấy hai chữ có nghĩa như nhau (đồng nghĩa).

Nhưng trong những tự điển xưa như Đại Nam Quấc Âm tự vị (Paulus Huình Tịnh Của) thấy ghi:

- Sáp nhập: Nhập lại với nhau (nói về làng xóm).

Việt Nam tự điển (Hội Khai Trí Tiến Đức):

- Sáp 揷. Nhập vào với nhau : Hai làng sáp làm một.

- Nhập 入. Vào. Nghĩa rộng: Hợp lại : Nhập hai món tiền làm một. Nhập bọn.

- Sáp nhập 揷入. Nói về đem đất chỗ này nhập vào chỗ khác.

Không có "sát nhập" với nghĩa tương đương như "sáp nhập" bên trên.

Hán Việt Tân tự điển của Nguyễn Quốc Hùng (Nhà sách Khai Trí - Saigon 1975):

- Sáp nhập 揷入 : Gom vào làm một. Ta vẫn quen đọc Sát nhập là vô nghĩa.

Từ điển Hán Nôm:

- 插入 sáp nhập : sáp nhập, nhập vào, gắn vào, gom vào làm một. Ta vẫn quen đọc Sát nhập là vô nghĩa.

Như vậy "sáp nhập" 揷入 là động từ Hán Việt, trong đó cả hai chữ "sáp" 揷 và "nhập" 入 đều có nghĩa là "nhập vào, hợp lại với nhau". "Sáp nhập" thường dùng để nói về việc nhập lại làm một của các đơn vị hành chánh (như các cơ quan, ban ngành, các tỉnh, quận, huyện... nhập lại làm một), ở nước ta việc sáp nhập như thế thường xảy ra.

Trong "sát nhập", thì chữ "nhập" 入 là tiếng Hán Việt, còn chữ "sát" là tiếng Nôm. Nghĩa của "sát" là "kế cận, kề bên" (ngồi sát nhau, nhà ở sát nhau). Như vậy ghép 2 chữ sát với nhập thì không có nghĩa. Trong Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên), ghi nhận "sáp nhập" và "sát nhập" là hai từ đồng nghĩa. Nhưng từ "sáp nhập" là từ gốc, còn từ "sát nhập" là do cách nói sai mà ra.

Cũng có một chữ khác mà ta hay dùng trong văn nói, là "xáp" (viết "x"). Chữ "xáp" thường được chỉ hành động "tiến lại gần, sát lại gần", như trong câu nói "đám học sinh xáp lại với nhau", "xáp lá cà". Cũng còn một chữ khác được viết là "xán" hoặc "sán" (Từ điển tiếng Việt Hoàng Phê chủ biên), với nghĩa "do bị thu hút mà đến ngay gần, đến sát bên", như trong khẩu ngữ "Hai đứa nó hễ gặp là xán lại với nhau", từ "xán" không những tỏ hành động "xáp lại", mà còn tỏ ý "quấn quít, thân thiện".

(ST)
Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7112
Registration date : 01/04/2011

Chữ và Nghĩa: Những từ thường hay được dùng nhầm lẫn Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Chữ và Nghĩa: Những từ thường hay được dùng nhầm lẫn   Chữ và Nghĩa: Những từ thường hay được dùng nhầm lẫn I_icon13Wed 26 May 2021, 08:49

Giả thiết hay giả thuyết, từ nào viết đúng?


Chữ và Nghĩa: Những từ thường hay được dùng nhầm lẫn Chungh10


“Giả thuyết” và “giả thiết” là hai khái niệm có ý nghĩa hoàn toàn khác nhau trong nghiên cứu khoa học. Đáng tiếc, trong thực tế vẫn có nhiều nhà khoa học còn sử dụng lẫn lộn hai khái niệm này. Nhiều người chưa thực sự hiểu nghĩa của 2 từ giả thiết và giả thuyết nên cho rằng 2 từ này có chung một ý nghĩa, chỉ là có sự khác nhau trong cách đọc

1. Giả thiết là gì?

Từ điển Hán Việt: 假設 giả thiết 1. Như quả, giả định. 2. Không tưởng, hư cấu. 3. Dữ kiện, điều kiện được chấp nhận trước là đúng, rồi căn cứ vào đó chứng minh một định lý hay lý thuyết. 4. Mượn một vấn đề đặt ra, coi như có thật.

Theo từ điển tiếng Việt, giả thiết là điều cho trước trong một định lý hay một bài toán để căn cứ vào đó mà suy ra kết luận của định lý hay để giải bài toán.

Ví dụ: Đề bài cho: cho tam giác ABC có AB=5cm...

AB=5cm chính là giả thiết, điều này đã được đề bài cho trước, dùng để phục vụ công việc tính toán, chứng minh yêu cầu đề.

Giả thiết còn một nghĩa nữa là điều coi như là có thật, nêu ra làm căn cứ để phân tích, suy luận.

=> Giả thiết để chỉ một điều đúng, là cơ sở cho các quan điểm, phân tích của người dùng.

Ví dụ: Một giả thiết thiếu căn cứ.

Từ đồng nghĩa với giả thiết là giả định.

Còn trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, giả thiết là một điều kiện giả định trong quan sát hoặc thực nghiệm.

Ví dụ: khi nói nước sôi ở 100 oC, người ta đã ngầm hiểu, nước đó được quy về những điều kiện giả định, đó là: (1) Nước nguyên chất, (2) Được đun nóng dưới áp suất là 1 atm.

Nước nguyên chất, Được đun nóng dưới áp suất là 1 atm là những giả thiết

Nó cũng có nghĩa tương tự như trong từ điển tiếng Việt (đều là những điều được cho trước, coi như có thật, dùng để làm căn cứ cho suy luận, phân tích...)

Giả thiết là một điều kiện giả định trong quan sát hoặc thực nghiệm.

Ví dụ, khi nói nước sôi ở 100oC, người ta đã ngầm hiểu, nước đó được quy về những điều kiện giả định, đó là: (1) Nước nguyên chất, (2) Được đun nóng dưới áp suất là 1 atm.

Giả thiết là một điều kiện mang tính quy ước của người nghiên cứu, nó có thể không tồn tại hoặc không phải lúc nào cũng tồn tại trong thực tế.

2. Giả thuyết là gì?

Từ điển Hán Việt: 假說 giả thuyết 1. Giải thích tạm cho một hiện tượng, sự việc nào đó, nhưng chưa được chứng minh kiểm nghiệm. 2. Vấn đề được đặt ra như đã có thật.

Theo từ điển tiếng Việt, giả thuyết là danh từ, dùng để chỉ điều nêu ra trong khoa học, giải thích một hiện tượng tự nhiên nào đó và tạm được chấp nhận, chưa được kiểm nghiệm, chứng minh.

Sách hướng dẫn nghiên cứu nước ngoài phần lớn định nghĩa giả thuyết là một sự giải thích (explanation) sơ bộ về bản chất sự vật.

Trong các bài giảng về phương pháp luận nghiên cứu khoa học, các nhà nghiên cứu đã đưa ra những định nghĩa để người học dễ thao tác hơn. Giả thuyết là nhận định sơ bộ, là kết luận giả định của nghiên cứu, hoặc giả thuyết là luận điểm cần chứng minh của tác giả.

Mendeleev nói: "Không một nghiên cứu nào không phải đặt giả thuyết". Ông còn nhấn mạnh: "Đặt ra một giả thuyết sai vẫn còn hơn không đặt ra một giả thuyết nào". Có người nói rằng, điều mà Mendeleev nói chỉ đúng trong khoa học tự nhiên, còn trong khoa học xã hội thì không cần giả thuyết. Thế nhưng, một nhà khoa học xã hội Engel đã khẳng định trong Biện chứng tự nhiên: "Nghiên cứu nào cũng phải có giả thuyết. Giả thuyết chẳng qua là sự giải thích sơ bộ bản chất của sự vật".

=> Giả thuyết là luận điểm cần chứng minh, là cái nhận định cần chứng minh.

3. Giả thuyết hay giả thiết, từ nào viết đúng?

Từ trên có thể rút ra kết luận: giả thiết và giả thuyết đều là các từ đúng chính tả, tuy nhiên nó được sử dụng trong các trường hợp khác nhau:

   Giả thiết: Căn cứ được cho sẵn để chứng minh phân tích, suy luận
   Giả thuyết: Nhận định cần được chứng minh

=> Ta cũng có thể nói giả thiết chính là cơ sở để đưa ra giả thuyết.

4. Giả thiết tiếng Anh là gì?

Trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, khái niệm giả thiết có nghĩa tiếng Anh là Assumption.

Assumption /ə'sʌmp∫n/: điều được nhận định là đúng, sẽ xảy ra

5. Giả thuyết tiếng Anh là gì?

Trong nghiên cứu khoa học, khái niệm giả thuyết tiếng Anh là Hypothesis

Hypothesis /hai'pɔθisi:z/: giả thuyết

6. Ví dụ đặt câu với từ giả thiết

Ví dụ: Đó là một giả thiết thiếu logic

=> Câu này có nghĩa là cái cơ sở để chứng minh cho suy luận của bạn là phi logic.

7. Ví dụ đặt câu với từ giả thuyết

Ví dụ: Thật là một giả thuyết điên rồ!

=> Câu này có nghĩa là nhận định, kết luận của bạn thật khó tin.

8. Nguyên nhân có sự nhầm lẫn giả thiết và giả thuyết

Nguyên nhân phổ biến nhất có lẽ là do 2 từ này có cách đọc tương tự nhau nên nhiều người đọc, nghe nhầm, dẫn đến sự nhầm lẫn lan truyền.

(Sưu tầm tổng hợp)
Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7112
Registration date : 01/04/2011

Chữ và Nghĩa: Những từ thường hay được dùng nhầm lẫn Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Chữ và Nghĩa: Những từ thường hay được dùng nhầm lẫn   Chữ và Nghĩa: Những từ thường hay được dùng nhầm lẫn I_icon13Fri 28 May 2021, 08:27

Phân biệt chuyền và truyền

Trong ngôn ngữ hằng ngày, nhiều người không phân biệt được “chuyền” và “truyền” nên dẫn đến sử dụng nhầm lẫn hai từ này; chẳng hạn: truyền bóng, chuyền máu, chuyền dịch… Nguyên nhân chủ yếu là bởi hai từ này có âm đọc gần nhau. Hơn nữa, ý nghĩa của chúng cũng không có sự tách bạch rõ ràng.

Xét về từ nguyên, “chuyền” có nguồn gốc từ chính “truyền”. Trong tiếng Hán, “truyền” 传 hay 傳 (bộ nhân) có nghĩa là “từ chỗ này giao cho chỗ kia, từ đời trước để lại đời sau, lan ra xa”. Khi vào tiếng Việt, một mặt nó được Việt hóa hoàn toàn với âm đọc và ý nghĩa là “truyền” như chúng ta dùng hiện nay; mặt khác, nó bị biến thể thành “chuyền”. Dĩ nhiên, sự biến đổi này dẫn đến sự thay đổi nhất định về nghĩa (vì nếu không có điểm khác biệt nào so với “truyền”, “chuyền” sẽ bị quy luật chọn lọc của ngôn ngữ đào thải). Có thể phân biệt “chuyền” và “truyền” trên mấy phương diện sau:

1– Chuyền có 2 nghĩa:

+ Nghĩa thứ nhất: chuyền là một tiếng trong danh từ chỉ vật như bóng chuyền, đánh chuyền (đánh chắt – trò chơi dân gian), dây chuyền (vật trang sức), dây chuyền sản xuất… Vậy nên khi viết “băng chuyền” thì “chuyền” mới là cách viết đúng vì “chuyền” trong băng chuyền là danh từ. Theo thống kê, số người viết nhầm lẫn nhiều gấp 2 lần số người viết đúng.

+ Nghĩa thứ hai: chuyền là động từ chỉ sự di chuyển quãng ngắn như chim chuyền cành, chuyền bóng, chuyền tay nhau…

2– Truyền cũng có nhiều nghĩa:

+ là động từ cũng chỉ sự di chuyển nhưng không ngắt quãng, liên tục và hơi trừu tượng như truyền chức vụ, truyền ngôi … (chuyển cái mình đang nắm giữ cho người khác, thường là thế hệ sau); hoặc không có hình dạng cụ thể như truyền nhiệt, truyền điện (hiện tượng vật lí); truyền nước, truyền máu, truyền bệnh … (đưa vào cơ thể người); truyền tin, truyền bá, loan truyền… (lan rộng)

+ dùng ra lệnh như vua truyền gọi, truyền kiến (từ cũ).

+ dạy lại, làm cho người khác cũng có kiến thức như mình: truyền thụ, truyền nghề, truyền đạo...

Nhìn chung thì đây là động từ chỉ sự di chuyển liền mạch, trừu tượng khó phân biệt được bằng mắt thường.

Về đối tượng kết hợp, “chuyền” thường kết hợp với những đối tượng rời, hình dạng cố định, cụ thể, có thể thấy được; ví dụ: chuyền bóng, chuyền nhau tờ báo, chú khỉ chuyền từ cành này sang cành khác,… Còn “truyền” thường kết hợp với những đối tượng nguyên khối, hình dạng không cố định hoặc trừu tượng, không thể nhìn thấy bằng mắt thường; ví dụ: truyền máu, truyền dịch, truyền bệnh, truyền điện, truyền nhiệt, truyền thanh, truyền hình, truyền tin, truyền nghề…

Về khả năng kết hợp, vì “truyền” là từ Hán Việt nên chủ yếu kết hợp với các yếu tố Hán Việt khác (để tạo nên những tổ hợp Hán Việt có tính chất khái quát, trừu tượng); ví như: gia truyền, truyền thống, truyền kiếp, truyền kỳ, lưu truyền, thất truyền, chân truyền, truyền bá, truyền đạt, truyền thụ, truyền giáo, di truyền, truyền cảm, truyền thông, truyền nhiễm, truyền thần… Trong khi đó, “chuyền” là từ Việt (gốc Hán biến thể) nên chủ yếu kết hợp với các từ thuần Việt để tạo nên những tổ hợp mang tính chất cụ thể, sinh động; chẳng hạn: bóng chuyền, băng chuyền, đường chuyền, chuyền cành, chuyền tay…

Tóm lại, cùng một gốc và cùng mang nghĩa “từ chỗ này chuyển đến chỗ kia” nhưng “truyền” là từ Hán Việt, có khả năng kết hợp rộng và số lượng kết hợp lớn với những đối tượng trừu tượng hoặc không có hình dạng cụ thể. Ngược lại, “chuyền” là từ gốc Hán bị biến thể thành tiếng Việt, khả năng kết hợp hạn chế, số lượng kết hợp cũng không nhiều, chủ yếu đi với một số đối tượng cụ thể.

Hiểu được quy tắc chính tả từ truyền và chuyền, như trên chúng ta hoàn toàn có thể vận dụng nó vào thực tế để tránh phạm phải lỗi sai chính tả trong Tiếng việt. Truyền hay chuyền còn tùy vào đừng trường hợp cụ thể để có được cách sử dụng đúng.

(sưu tầm)
Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7112
Registration date : 01/04/2011

Chữ và Nghĩa: Những từ thường hay được dùng nhầm lẫn Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Chữ và Nghĩa: Những từ thường hay được dùng nhầm lẫn   Chữ và Nghĩa: Những từ thường hay được dùng nhầm lẫn I_icon13Sat 29 May 2021, 08:10

Nhầm lẫn giữa CHUYỆN và TRUYỆN

Người sử dụng tiếng Việt thường bị nhầm lẫn giữa chuyện và truyện, không hiểu ngữ nghĩa của chúng, khi nào thì dùng truyện và khi nào dùng chuyện, đặc biệt là sự khác nhau giữa chuyện và truyện như thế nào…

Không chỉ trong cách nói chuyện thường ngày mà hiện nay trên tivi, trong các cuốn sách thương mại bày bán ngoài sạp – nhà sách, thậm chí là trên giảng đường… cũng có rất nhiều người bị nhầm lẫn khi sử dụng hai từ chuyện và truyện, vì phần lớn không hiểu chúng có ý nghĩa như thế nào.

Nguyên nhân của sự nhầm lẫn này có nhiều, nhưng dễ thấy là 2 từ này có ý nghĩa và âm đọc rất gần nhau (/ch/ và /tr/ có thể chuyển hóa cho nhau, người miền Bắc không phân biệt được 2 phụ âm này).

Ví dụ cụ thể để giúp người đọc dễ hình dung và phân biệt


- Chúng ta thường nói “đọc truyện”, “đọc truyện đêm khuya”, “đọc truyện ngắn”, “quyển truyện” hoặc xem phim truyện… và viết như thế mới đúng.
- Trong khi đó chúng ta lại nói và viết: kể chuyện, trò chuyện, đặc biệt là “kể chuyện cảnh giác”, “kể chuyện đêm khuya”, câu chuyện của tôi…
- Tuyệt đối không được viết là: câu truyện của tôi, câu truyện này, trò truyện, kể truyện cảnh giác…
- Riêng đối với từ “truyện cổ tích” thì cũng có thể viết “chuyện cổ tích” vì cái này không có sự phân biệt rõ nên viết chuyện cổ tích hay truyện cổ tích?

Về từ nguyên, chuyện và truyện đều bắt nguồn từ một từ Hán là 傳 mà một trong các âm đọc phổ biến của nó hiện nay là truyện, nghĩa gốc là “sách của hiền nhân làm ra” (Đào Duy Anh, Hán Việt từ điển).

Tuy nhiên, trong tiếng Việt hiện đại, chuyện và truyện hoàn toàn khác nhau. Theo Từ điển Tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên), chuyện có nét nghĩa đầu tiên là “sự việc được kể lại”. Còn truyện có một trong hai nét nghĩa là “tác phẩm văn học miêu tả tính cách nhân vật và diễn biến của sự kiện thông qua lời kể của nhà văn”.

Có thể phân biệt TRUYỆN VÀ CHUYỆN ở một số phương diện sau:


- Thứ nhất, truyện thuộc lĩnh vực văn chương, như trong các từ: truyện ngắn, truyện dài, truyện trinh thám, truyện tranh… được cụ thể hoá bằng văn bản, in ấn, phát hành bản cứng hoặc bản điện tử. Còn chuyện lại thuộc các lĩnh vực khác, như trong: chuyện vui, chuyện tình, chuyện đời, chuyện vẩn vơ, chuyện tầm phào…
- Thứ hai, truyện tồn tại ở dạng văn bản, liên quan đến các hoạt động viết, xem, đọc, thưởng thức, như trong: tác phẩm truyện, văn bản truyện, viết truyện, đọc truyện, thưởng thức truyện… Trong khi đó, chuyện chủ yếu tồn tại ở dạng ngôn ngữ nói, liên quan đến các hoạt động nói, kể, nghe, như trong: kể chuyện, nói chuyện, trò chuyện, buôn chuyện, hóng chuyện…
- Thứ ba, truyện thường cụ thể, chặt chẽ, có tính hệ thống, có thể định lượng (bao nhiêu chữ, câu, trang sách), có tính chọn lọc về ngôn ngữ. Còn chuyện thường mơ hồ, ít chặt chẽ, khó định lượng, ít chọn lọc về ngôn ngữ. Chẳng hạn, với khái niệm chuyện đời, ta rất khó để xác định đó là chuyện gì, có những nội dung gì, dài ngắn bao nhiêu.
- Với trường hợp chuyện/truyện cổ tích, chuyện/truyện dân gian, có thể hiểu, khi là chuyện, đó là tác phẩm còn tồn tại trong dân gian. Còn khi đã là truyện thì những tác phẩm ấy đã được sưu tầm, cụ thể hóa thành văn bản hoặc in thành sách. Như vậy, truyện cổ tích có nghĩa là một quyển sách, còn chuyện cổ tích là nội dung của cuốn sách đó được kể lại bằng lời sau khi đọc.

Ta cũng nên lưu ý: viết như các trường hợp: câu truyện, kể truyện, nói truyện, thưởng thức chuyện, sáng tác chuyện, tác phẩm chuyện… là KHÔNG ĐÚNG.

Kết luận

- Truyện được cụ thể bằng văn bản, sách
- Chuyện là nội dung được kể lại, tồn tại ở dạng văn nói hoặc viết.
Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7112
Registration date : 01/04/2011

Chữ và Nghĩa: Những từ thường hay được dùng nhầm lẫn Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Chữ và Nghĩa: Những từ thường hay được dùng nhầm lẫn   Chữ và Nghĩa: Những từ thường hay được dùng nhầm lẫn I_icon13Wed 02 Jun 2021, 10:21

Lắt léo chữ nghĩa: Xin đừng xài chéo 'mãi - mại'

Liên quan đến sự nhập nhằng 'mãi - mại', tương truyền Trương Định từng ghi trên cờ khởi nghĩa câu: 'Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân', ý nói 'Phan Lâm bán nước'.

Cùng một cách nói và cách hiểu, Sơn Đông mãi võ là “Sơn Đông bán võ” (chứ không phải “Sơn Đông mua võ”).

Nhưng trên đây là chuyện dân gian, chuyện khẩu ngữ chứ chữ nghĩa chính tông chính thống thì khác: “mãi [買] mua, mại [賣] bán”, như đã dạy trong Tam thiên tự từ xửa từ xưa (chữ 253 - 254). Chính vì vậy nên ta không thể nói gái mãi dâm vì các chị em này chỉ bán chứ không mua, cũng như không thể nói khách mại dâm vì các “anh em” này chỉ mua chứ không bán. Bây giờ, để tránh cái nạn “mãi - mại xen kẽ” đó, một số người đã “thuần Việt hóa” mà nói gái bán dâm và khách mua dâm cho… rạch ròi. Thế là đã rõ: “mãi: mua, mại: bán”.

Còn chuyện câu khách bên thương nghiệp thì sao: khuyến mại hay khuyến mãi? Cũng bàn về cái chuyện đại sự này, có người đã viết trên báo: “Các cụ người Hoa bán bánh bò, bánh tiêu ven khu Chợ Lớn hay rao lớn “mại dô, mại dô” để kêu gọi người mua. Nói cách khác, từ mại (chúng tôi nhấn mạnh - AC) có nghĩa là mua”.

Xin thưa rằng “từ mại có nghĩa là mua” là chuyện của tiếng Quảng Đông, không phải của tiếng Việt. Trong thứ tiếng đó thì mãi là bán, còn mại là mua. Nhưng căn cứ vào tiếng Quảng Đông mà giảng rằng khuyến mại của tiếng Việt là “khuyên mua” thì… đã đi được một dặm rồi. Cũng xin nói thêm cho vui - và cho đúng sự thật - rằng, nếu muốn rao bằng tiếng Việt, thì “các cụ người Hoa” sẽ hô “pánh pò pánh tiu, pánh pò pánh tiu…”, chứ không hô “mại dô, mại dô”. Mại dô (chính âm là yô) cũng không xuất phát từ tiếng rao của người bán dạo lẻ mà từ việc bán hàng có hoạt náo viên, bắt đầu với những gánh “hát thực Sơn Đông” (hát thuật Sơn Đông). Chức năng của những gánh hát này thường là múa võ, làm xiếc để bán hàng, nhất là thuốc cao đơn hoàn tán. Để chấm dứt lời quảng cáo, hoạt náo viên thường hô “mại dô, mại dô”. Đây là một cấu trúc lai căng trong đó mại là một hình vị của tiếng Quảng Đông còn dô là cách phát âm bình dân của từ vô (= vào) ở trong Nam.

Trở lại vấn đề, xin lưu ý rằng hiện đang có sự lẫn lộn giữa khuyến mãi và khuyến mại mà ta có thể tránh được nếu hiểu đúng nghĩa của hai hình vị mãi, mại và nhất là đừng lấy tiếng Quảng Đông mà ứng dụng vào tiếng Việt, như có người đã làm khi dạy người khác “Phân biệt khuyến mãi và khuyến mại” trên một trang mạng. Người này đã viết, với cái ý thức rằng mại là tiếng Quảng Đông, đại ý như sau:
“Khuyến mại là hướng tới tiêu dùng, khuyến khích người sử dụng mua sản phẩm bằng các hình thức phổ biến như: giảm giá trực tiếp, kèm tặng phẩm, hàng cũ đổi hàng mới…, nên người hưởng lợi là người tiêu dùng. Còn khuyến mãi thì hướng tới người bán (khách hàng trung gian, nhà phân phối, đại lý…) nhằm nâng cao doanh số bán hàng”.

Cái sự “khuyến mãi” của người hướng dẫn kia là khuyến mại, còn việc mà ông/bà ta gọi là “khuyến mại” thì lại chính là khuyến mãi. Khuyến mãi liên quan đến tất cả các thành viên của thị trường và phụ thuộc vào mãi lực (sức mua) của họ. Xin ghi nhớ Tam thiên tự: “mãi: mua; mại: bán”.

An Chi
Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7112
Registration date : 01/04/2011

Chữ và Nghĩa: Những từ thường hay được dùng nhầm lẫn Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Chữ và Nghĩa: Những từ thường hay được dùng nhầm lẫn   Chữ và Nghĩa: Những từ thường hay được dùng nhầm lẫn I_icon13Thu 10 Jun 2021, 08:33

Hàng ngày hay hằng ngày?

Chữ và Nghĩa: Những từ thường hay được dùng nhầm lẫn Xet-ve10

Trong tiếng Việt có khá nhiều từ có cách phát âm na ná nhau nên rất dễ gây nhầm lẫn. Hơn nữa, tiếng Việt sử dụng khá nhiều tiếng Hán – Việt mà người dùng không hiểu rõ nghĩa của nó dẫn đến sử dụng sai sót, nhầm lẫn là điều không thể tránh khỏi. Sự nhầm lẫn này không chỉ thể hiện trong giao tiếp mà còn thể hiện dưới dạng văn bản. Một trong những tiếng dễ gây nhầm lẫn nhất phải kể đến "hàng ngày" và "hằng ngày". Do lẫn lộn giữa chữ "hàng" và "hằng" nên nhiều người lầm tưởng "hàng ngày" và "hằng ngày" là hai chữ đồng nghĩa. Vậy nghĩa của chúng khác nhau ra sao? Khi nào dùng "hàng ngày", khi nào dùng "hằng ngày"?

Hàng và hằng là hai chữ đều có nguồn gốc tiếng Hán, tuy nhiên về cách viết cũng như ngữ nghĩa thì chúng hoàn toàn khác nhau. Về cách viết, chữ "hằng" (bộ tâm), có nghĩa là lâu bền, mãi mãi còn chữ "hàng" (bộ hành) có nghĩa là hàng, lối, dãy. Khi vào tiếng Việt, nghĩa gốc của chúng vẫn được giữ nguyên.

"Hằng" được sử dụng theo hai nghĩa, thứ nhất dùng với động từ biểu thị tính liên tục của một hoạt động diễn ra trong suốt cả thời gian dài (Ví dụ: hằng mong, hằng nhớ, hằng nghĩ), thứ hai dùng với danh từ thể hiện tính lặp đi lặp lại một cách định kỳ theo từng đơn vị thời gian được nói đến (Ví dụ Bản tin hằng ngày, hằng tháng, hằng năm).

+ "Hàng" có nghĩa là tập hợp người hoặc vật nối tiếp nhau thành một dãy dài (ví dụ: hàng dọc, hàng ngang, hàng cây, …) với ý nghĩa biểu thị số lượng nhiều, không xác định nhưng có thể tính bằng đơn vị được nói đến (ví dụ: hàng nghìn người đã tập trung trước giờ khai mạc).

Với thời gian thì hàng giờ/ hàng ngày/ hàng tuần…: có thể hiểu là nhiều giờ/ nhiều ngày/ tuần… - mốc thời gian kéo dài nhưng không xác định được cụ thể là bao nhiêu.

Ví dụ: Tôi đọc quyển sách này mất hàng tuần liền. (Thời gian đọc một cuốn sách kéo dài cả tuần)

+ Trong khi đó hằng giờ/ hằng ngày/ hằng tuần…: có nghĩa là sự kiện lặp lại trong từng giờ/ từng ngày/ từng tuần…

Ví dụ: Tôi đọc sách đều đặn vào thứ 7 hằng tuần. (Tức tuần nào cũng đọc sách vào thứ 7)

Như vậy, khi để biểu hiện sự lặp đi lặp lại một cách đều đặn, phải sử dụng "hằng ngày" hay hằng tháng, hằng năm mới là chính xác.

(Theo Kienthucvui)
Về Đầu Trang Go down
Sponsored content




Chữ và Nghĩa: Những từ thường hay được dùng nhầm lẫn Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Chữ và Nghĩa: Những từ thường hay được dùng nhầm lẫn   Chữ và Nghĩa: Những từ thường hay được dùng nhầm lẫn I_icon13

Về Đầu Trang Go down
 
Chữ và Nghĩa: Những từ thường hay được dùng nhầm lẫn
Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Similar topics
-
» 686 có ý nghĩa gì? Ý nghĩa sim điện thoại đuôi 686
» Việt Sử Giai Thoại - Tập 5 - Nguyễn Khắc Thuần
» Nói nghĩa là gì?
» Ý Nghĩa 49 Ngày Quá Vãng
» Ý nghĩa nụ hôn
Trang 1 trong tổng số 1 trang

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
daovien.net :: GIẢI TRÍ :: Quê Hương yêu dấu :: Tiếng Việt-