Bài viết mới | Hơn 3.000 bài thơ tình Phạm Bá Chiểu by phambachieu Yesterday at 23:55
Thơ Nguyên Hữu 2022 by Nguyên Hữu Yesterday at 20:53
SƯ TOẠI KHANH (những bài giảng nên nghe) by mytutru Yesterday at 19:40
5 chữ by Tinh Hoa Yesterday at 14:33
Bầu Cử Mỹ 2024 by chuoigia Yesterday at 02:06
Vua Trời Hỏi Phật by mytutru Mon 16 Sep 2024, 22:10
BÀI GIẢNG RẤT HAY by mytutru Mon 16 Sep 2024, 20:09
DỤNG PHÁP Ở ĐỜI by mytutru Mon 16 Sep 2024, 09:22
Những bài học thuộc lòng by buixuanphuong09 Mon 16 Sep 2024, 06:46
Đường luật by Tinh Hoa Mon 16 Sep 2024, 06:08
Kỳ thi Tú tài IBM ở Sài Gòn năm 1974 by Ai Hoa Sun 15 Sep 2024, 16:35
7 chữ by Tinh Hoa Sun 15 Sep 2024, 03:07
Khoa Học Gia Dương Nguyệt Ánh by Trà Mi Sat 14 Sep 2024, 12:43
TRANG ALBUM GIA ĐÌNH KỶ NIỆM CHUYỆN ĐỜI by mytutru Thu 12 Sep 2024, 07:44
Một thoáng mây bay 14 by Ai Hoa Wed 11 Sep 2024, 07:37
Tính cách của người Sài Gòn ngày xưa by Trà Mi Mon 09 Sep 2024, 08:28
Vinh Danh Trong Toàn Cầu Thập Bát Danh Nhân by Trà Mi Mon 09 Sep 2024, 07:21
Tin Thời Sự Và Những Bình Luận “Trái Chiều” by chuoigia Wed 04 Sep 2024, 21:29
Lục bát by Tinh Hoa Sat 31 Aug 2024, 23:09
Xe gắn máy tại miền Nam Việt Nam trước 1975 by Trà Mi Thu 29 Aug 2024, 14:22
Lưu Kỷ Niệm TX Ngọc Điền by mytutru Wed 28 Aug 2024, 16:25
Trang viết cuối đời by buixuanphuong09 Tue 27 Aug 2024, 18:39
Cột đồng chưa xanh (2) by Ai Hoa Tue 27 Aug 2024, 14:36
Một thoáng mây bay 5 by Ai Hoa Tue 27 Aug 2024, 14:22
CHIA ĐAU CÙNG PHƯƠNG NGUYÊN by Ai Hoa Mon 26 Aug 2024, 15:19
CHƯA TU &TU RỒI by mytutru Thu 22 Aug 2024, 03:13
TRANG THƠ LƯU NIỆM PHƯƠNG, LÝ by buixuanphuong09 Wed 21 Aug 2024, 15:30
Trang thơ Tú_Yên (P2) by Tú_Yên tv Tue 20 Aug 2024, 14:35
Chùm thơ "Có lẽ..." by Tú_Yên tv Tue 20 Aug 2024, 14:26
Thơ Tú_Yên phổ nhạc by Tú_Yên tv Tue 20 Aug 2024, 14:23
|
Âm Dương Lịch |
Ho Ngoc Duc's Lunar Calendar
|
| | Việt Sử Giai Thoại - Tập 1 - Nguyễn Khắc Thuần | |
| |
Tác giả | Thông điệp |
---|
Shiroi
Tổng số bài gửi : 19896 Registration date : 23/11/2007
| Tiêu đề: Việt Sử Giai Thoại - Tập 1 - Nguyễn Khắc Thuần Wed 08 Sep 2010, 04:01 | |
| VIỆT SỬ GIAI THOẠI - tập 1
(40 GIAI THOẠI TỪ ĐỜI HÙNG VƯƠNG ĐẾN HẾT THẾ KỶ X)
Tác giả : Nguyễn Khắc Thuần NXB Giáo dục 2003 |
| | | Shiroi
Tổng số bài gửi : 19896 Registration date : 23/11/2007
| Tiêu đề: Re: Việt Sử Giai Thoại - Tập 1 - Nguyễn Khắc Thuần Wed 08 Sep 2010, 04:01 | |
| - LỜI TỰA CỦA GIÁO SƯ TRẦN VĂN GIÀU - ĐÔI LỜI CÙNG BẠN ĐỌC
01 – CUỘC KÌ NGỘ GIỮA LẠC LONG QUÂN VÀ ÂU CƠ 02 – NƯỚC VĂN LANG ĐÃ RA ĐỜI NHƯ THẾ NÀO? 03 - VÌ SAO NGƯỜI VIỆT CỔ CÓ TỤC XĂM MÌNH ? 04 - PHÙ ĐỔNG THIÊN VƯƠNG 05 - SỰ TÍCH THÁNH TẢN VIÊN 06 – HUYỀN THOẠI VỀ LOA THÀNH 07 - TÔI KỂ, NGÀY XƯA ... CHUYỆN MỴ CHÂU 08 -TRIỆU ĐÀ LÀ NGƯỜI NHƯ THẾ NÀO ? 09 - NHÀ HÁN VÀ NGÓN ĐÒN CUỐI ĐỐI VỚI TRIỆU ĐÀ 10 - CÙ THỊ LÀ CÙ THỊ ƠI ! 11 - LUỢC TRUYỆN TRUNG NỮ VƯƠNG 12 – LỜI TÂU CỦA LÝ TIẾN, LÝ CẦM VÀ TRƯƠNG TRỌNG 13 - CHUYỆN MAN NƯƠNG 14 – BỆNH MÊ ĐỌC SÁCH CỦA PHÒNG PHÁP THẶNG 15 - TRẬN KỊCH CHIẾN Ở HỒ ĐIỂN TRIỆT 16 - SỰ TÍCH ĐẦM DẠ TRẠCH 17 - TRIỆU VIỆT VƯƠNG ĐÃ ĐÁNH GIẶC NHƯ THẾ NÀO? 18 - TRIỆU VIỆT VƯƠNG ĐÃ CHẾT NHƯ THẾ NÀO? 19 - NỖI LÒNG KHƯƠNG CÔNG PHỤ 20 - SỰ TÍCH ĐỀN BẠCH MÃ 21 - BỐ CÁI ĐẠI VƯƠNG PHÙNG HƯNG 22 - TÔ LỊCH ĐẠI VƯƠNG 23 - CHUYỆN SÁI KINH VÀ SÁI TẬP 24 - TÂM ĐỊA LÝ DUY CHU 25 - CHÂN DUNG NGÔ QUYỀN 26 - LOẠN DƯƠNG TAM KHA 27 - VÌ SAO HỌ NGÔ MẤT NGÔI ? 28 - CUỘC ĐẠI ĐỊNH CỦA ĐINH BỘ LĨNH 29 - NAM VIỆT VƯƠNG ĐINH LIỄN GIẾT THÁI TỬ HẠNG LANG 30 - TÊN ĐẠI NGHỊCH THẦN ĐỖ THÍCH 31 - CÁI CHẾT CỦA ĐINH ĐIỀN VÀ NGUYỄN BẶC 32 - ĐOẠN KẾT BI THẢM CỦA CUỘC ĐỜI NGÔ NHẬT KHÁNH 33 - THƯƠNG HẠI THAY ! TUỚNG QUÂN HẦU NHÂN BẢO 34 - ĐẠI LƯỢC VÊ LÍ LỊCH TRƯỚC KHI LÊN NGÔI CỦA LÊ HOÀN 35 - CHUYỆN LÊ HOÀN LÊN NGÔI HOÀNG ĐẾ 36 - LÊ HOÀN TIẾP SỨ GIẢ NHÀ TỐNG NHƯ THẾ NÀO? 37 - NHÂN CÁCH LÊ LONG ĐĨNH 38 - LÊ LONG ĐĨNH GẶP MAY 39 - CHUYỆN SÉT ĐÁNH RA. . . THƠ ! 40 - LÝ CÔNG UẨN LÊN NGÔI
THẾ THỨ CÁC TRIỀU ĐẠI TỪ THỜI HÙNG VƯƠNG ĐẾN HẾT THẾ KỈ THỨ X
LỜI CHÚ CUỐI SÁCH MỌI CHUYỆN Ở ĐÂY, TUY CÓ VẺ KỲ LẠ NHƯNG KHÔNG HÃO HUYỀN, THẦN KỲ NHƯNG KHÔNG YÊU MA, HOANG ĐƯỜNG NHƯNG KHÔNG QUÁI ĐẢN. DẤU XƯA CÒN ĐÓ, TẤT CẢ CHỈ CỐT KHUYÊN THEO ĐIỀU THIỆN, NGĂN CẤM ĐIỀU ÁC. BỎ LÒNG DỐI TRÁ VÀ DƯỠNG TÂM CHÂN THỰC ... TỨC LÀ CHỈ MONG SAO CHO PHONG TỤC NGAY MỘT TỐT ĐẸP MÀ THÔI. Hoàng Giáp Thượng Thư
VŨ QUỲNH (1452 - 1516) (Bài tựa viết cho sách Lĩnh Nam Chích quái). |
| | | Shiroi
Tổng số bài gửi : 19896 Registration date : 23/11/2007
| Tiêu đề: Re: Việt Sử Giai Thoại - Tập 1 - Nguyễn Khắc Thuần Wed 08 Sep 2010, 04:02 | |
| LỜI TỰA CỦA GIÁO SƯ TRẦN VĂN GIÀU
Đầu năm 1993, NGUYỄN KHẮC THUẦN mang đến tặng tôi tập thứ nhất của bộ VIỆT SỬ GIAI THOẠI và hứa là sẽ viết tất cả tám tập. Đến đầu năm 1995, quả đúng như vậy, NGUYỄN KHẮC THUẦN đã tặng tôi đủ tám cuốn của bộ sách này. Đó là một cố gắng rất đáng khích lệ của người viết và của Nhà xuất bản Giáo dục. Sách gồm những giai thoại được trích lục từ các bộ chính sử của tổ tiên như : Đại Việt sử lược, Đại Việt sử kí toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Đại Nam thực lục, Đại Nam liệt truyện... Mọi giai thoại đều có ghi xuất xứ gọn gàng mà chính xác, đồng thời lại có thêm lời bàn khá hóm hỉnh, vừa như để giải thích thêm những điều cần giải thích, vừa như để gợi ý cảm nhận và suy nghĩ về lịch sử cho người đọc. Cách làm của NCUYỄN KHẮC THUẦN không phải là mới nhưng lại rất cần. Nói không phải là mới vì từ nhiều thế kỉ trước, người Trung Quốc đã từng làm và cách nay hàng trăm năm, tổ tiên ta cũng đã từng làm. Nguyễn Dữ (thế kỉ thứ XVI), tác giả của Truyền kì mạn lục là một ví dụ. Đầu những năm hai mươi của thế kỉ này, ÔN NHƯ NGUYỄN VĂN NGỌC và TỬ AN TRẦN LÊ NHÂN với Cổ học tinh hoa cũng là một ví dụ. Nhưng, sở dĩ nói là rất cần vì hầu hết những giai thoại trong bộ sách này, tuy sẵn có trong chính sử xưa, nhưng chưa được giới thiệu một cách đầy đủ và rõ ràng. Muốn học sử một các có hệ thống, tất nhiên là phải đọc các bộ chính sử của cả xưa lẫn nay, nhưng, quốc thống dằng dặc với bao sự kiện ngổn ngang, thật hiếm có ai đủ sức thuộc hết được. Cái đọng lại đến muôn đời thường vẫn là những gì độc đáo nhất, kết tinh giá trị đạo lí, triết lí và nhân bản của mỗi thời đó thôi. Giới thiệu kho giai thoại của lịch sử nước Việt chính là góp phần giới thiệu những gì thiêng liêng, vĩnh tồn với cộng đồng người Việt với văn hóa Việt nói chung. NGUYỄN KHẮC THUẦN từng tâm sự với tôi rằng, Cổ học tinh hoa (và một số tác phẩm tương tự khác) tuy rất có giá trị, được đông đảo bạn đọc tiếp nhận một cách nồng nhiệt, nhưng những chuyện trong sách ấy, từ bối cảnh, sự kiện đến nhân vật ... đều là của Trung Quốc. Có cái gì đó, nửa như gần, nửa như xa, thật khó nói. Lẽ đâu, tổ tiên ta chỉ giỏi đánh giặc, còn tư tưởng, triết lí, đạo đức tất cả chẳng cần bận tâm, bởi đã có khuôn mẫu của Trung Quốc rồi ! VIỆT SỬ GIAI THOẠI là một bộ sách mang tên NGUYỄN KHẮC THUẦN nhưng nguồn gốc lại là của tổ tiên. Điều tốt đẹp của cổ nhân chính là tấm gương sáng của đời đời con cháu, chỗ bất cập hoặc thậm chí là chỗ chưa phải của cổ nhân chính là lời răn đe, nhắc nhở hậu thế chớ có dại dột bắt chước theo. Học sử suy cho cùng cũng là học những bài học kinh nghiệm sinh động và bổ ích như thế đó thôi. Một đời học sử, chúng ta có thể không sao nhớ hết những niên đại với chi chít tháng ngày, không sao nhớ hết những thế hệ Đế vương với hàng trăm những niên hiệu, nhưng, một đời làm người thì quyết không thể thờ ơ với những bài học kinh nghiệm quý giá của các đấng tiền bối. VIỆT SỬ GIAI THOẠI là một trong những bộ sách biên soạn khá công phu, nhằm giới thiệu lại những bài học kinh nghiệm quý giá này. Sách được tái bản lần thứ tư (dù số lượng phát hành các lần in trước khá lớn) là một bằng chứng về sự đồng cảm của người đọc đối với tác giá và với Nhà xuất bản Giáo dục. Tôi viết lời giới thiệu với bạn đọc gắn xa cũng là bởi có sự đồng cảm này.
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 16-1-1999.
Giáo sư TRẦN VĂN GIÀU
|
| | | Shiroi
Tổng số bài gửi : 19896 Registration date : 23/11/2007
| Tiêu đề: Re: Việt Sử Giai Thoại - Tập 1 - Nguyễn Khắc Thuần Wed 08 Sep 2010, 04:03 | |
| ĐÔI LỜI CÙNG BẠN ĐỌC
Bạn đọc yêu quý, Thế là giờ đây tôi đã có thể thở phào nhẹ nhõm mà thưa rằng, bộ VIỆT SỬ GIAI THOẠI gồm tám tập đã hoàn thành. Xét thứ tự biên soạn thì đây là tập đầu tiên, nhưng xét thứ tự xuất bản thì đây là tập cuối cùng của cả bộ. Tám cuốn sách được viết trên cơ sở trích dịch từ hàng trăm cuốn sách cổ, nếu không có sự cổ vũ hào phóng của Nhà Xuất bản Giáo dục và của bạn đọc gần xa, tôi không dám tin là mình có thể hoàn tất công việc đúng như kế hoạch đã định. Tự đáy lòng thành của mình, tôi xin được gởi đến Nhà Xuất bản Giáo dục và tất cả bạn đọc những lời chúc mừng tốt đẹp và lời cảm ơn sâu sắc. Bạn đọc yêu quý VIỆT SỬ GIAI THOẠI là bộ sách khai thác những ghi chép của các bộ chính sử xưa. Tuytuân thủ một cách nghiêm ngặt, thì ở tập này, tập 40 giai thoại từ thời Hùng Vương đến hết thế kỉ thứ X, chúng tôi buộc phải có một vài thay đổi nhỏ. Như bạn đọc đã biết, để viết về thời đại Hùng Vương và An Dương Vương, các bộ chính sử xưa đã dựa chủ yếu vào dã sử hoặc truyền thuyết dân gian. Hẳn nhiên, truyền thuyết dân gian không phải là sử nhưng truyền thuyết dân gian bao giờ cũng được hình thành trên cơ sở của một sự thực lịch sử nào đó. Một khi trong tay mình có đầy đủ những tài liệu mà chính sử xưa đã khai thác, chúng tôi nghĩ rằng, tốt nhất là mình hãy tự giới thiệu lấy, không nên trích lục những gì mà chính sử xưa đã trích lục. Xưa nay, tam sao thất bản vốn là chuyện chẳng hay. Từ cách nghĩ này, chúng tôi đã viết một số giai thoại trên cơ sở trích dịch một số sách như : Lĩnh Nam chích quái, Việt điện u linh tập ...v.v. Tổ tiên có nếp nghĩ riêng của tổ tiên, lấy sở thích hiện đại và hoàn toàn của cá nhân ta để nhận xét thì chắc chắn là sẽ có không ít chuyện chẳng phù hợp và chẳng hay nữa là khác. Nhưng, cái tổ tiên ân cần để lại không phải là sự hào nhoáng bề ngoài mà là cả một kho đạo lí lớn lao và vô giá. Cổ nhân nghiêm cẩn mà tế nhi, nhắc nhở chúng ta biết kính những gì đáng kính, biết khinh những gì đáng khinh, biết canh cánh giữ lòng để khi nhắm mắt xuôi tay, ai ai cũng được thanh thản vì chẳng có gì phải ân hận. Đức lớn và lòng thành của tổ tiên ngời ngời toả sáng từ những trang sách xưa, gọn gàng, cụ thể mà sâu sắc. Cầm riêng tập sách nhỏ này, hoặc giả là cầm trọn bộ tám tập VIỆT SỬ GIAI THOẠI trên tay, nếu bạn cảm thấy kính trọng tổ tiên hơn thì công ấy thuộc về các cây đại bút thuở trước, ngược lại, nếu bạn cảm thấy nhiều chỗ chưa được vừa lòng, thì lỗi ấy thuộc về tôi, người đã không lượng được sức mình khi làm công việc khó khăn này. Tôi tin, rất tin rằng bạn sẽ hiểu được chút lòng của tôi kí tải trong nhưng trang viết mộc mạc. Xin được xiết tay bạn và chờ đợi ở bạn những lời đóng góp chân tình.
Thành phố Hồ Chí Minh NGUYỄN KHẮC THUẦN
|
| | | Shiroi
Tổng số bài gửi : 19896 Registration date : 23/11/2007
| Tiêu đề: 01 – Cuộc Kì Ngộ Giữa Lạc Long Quân Và Âu Cơ Wed 08 Sep 2010, 04:04 | |
| 01 – CUỘC KÌ NGỘ GIỮA LẠC LONG QUÂN VÀ ÂU CƠ
Các bộ sử cũ thường coi Hồng Bàng là dòng họ đầu tiên đã có công dựng nước. Mức độ tuy có khác nhau, nhưng nhìn chung, tất cả đều dựa vào những ghi chép của sách Lĩnh Nam chích quái để viết về họ Hồng Bàng. Nay, xin theo Hồng Bàng thị truyện (Truyện họ Hồng Bàng) trong Lĩnh Nam chích quái, giới thiệu cuộc kì ngộ giữa Lạc Long Quân với Âu Cơ như sau : “Cháu ba đời họ Viêm Đế Thần Nông là Đế Minh sinh ra Đế Nghi. Đế Minh nhân đi tuần thú phương Nam, tới miền Ngũ Lĩnh; gặp con gái bà Vụ Tiên, đem lòng yêu thích rồi cưới về, sinh ra Lộc Tục. Lộc Tục dung mạo đoan chính, tuổi nhỏ đã thông minh, nhanh nhẹn. Đế Minh lấy đó làm sự lạ, bèn truyền ngôi cho, nhưng Lộc Tục cố nhường cho anh là Đế Nghi chớ quyết không dám nhận. Đế Minh vì thế đã cho Đế Nghi thay mình, cai trị ở phương Bắc, còn Lộc Tục thì được phong làm Kinh Dương Vương, cai quản vùng phía Nam, gọi là nước Xích Quỷ. Kinh Dương Vương có tài xuống thủy phủ, nhân đó, lấy con gái của Động Đình Quân là Long Nữ, sinh ra Sùng Lãm. Sùng Lãm tức Lạc Long Quân, sau thay cha trị nước, còn Kinh Dương Vương không rõ đi đâu. Lạc Long Quân chỉ cho dân cách cày cấy, dạy cho dân cách ăn mặc. Nước nhà từ đó mới có thứ tự vua tôi trên dưới, có luân thường của cha con, vợ chồng. Lắm lúc Lạc Long Quân trở về thủy phủ mà trăm họ vẫn được yên vui. Hễ dân có việc, cứ gọi Lạc Long Quân rằng : - Bố ơi, sao không về cứu chúng con. Thế là Lạc Long Quân liền trở về ngay. (Người Việt gọi phụ là cha hoặc bố, gọi quân là vua như vậy). Sự oai linh cảm ứng của (Lạc) Long Quân, không ai có thể lường được. Sau, Đế Nghi truyền ngôi cho con là Đế Lai. Nhân thấy phương Bắc bình yên vô sự, nhớ chuyện ông mình là Đế Minh đi tuần thú phương Nam mà gặp được tiên nữ, Đế Lai bèn sai kẻ bề tôi thân cận là Xuy Vưu thay mình giữ nước, rồi đi tuần du xuống nước Xích Quỷ ở phương Nam. Đến nơi, Đế Lai thấy Lạc Long Quân đã về thủy phủ, trong nước kể như vô chủ, bèn cho con gái yêu của mình là Âu Cơ cùng những kẻ theo hầu ở lại nơi hành tại, còn mình thì đi chu du khắp thiên hạ, trải xem hết mọi thắng cảnh, thấy đủ hoa thơm cỏ lạ, chim hay, thú hiếm, sừng tê, ngà voi hoặc đồi mồi, bạc vàng, châu báu hoặc trầm hương, quế... cùng mọi thứ sơn hào hải vị. Nhân thấy khí hậu bốn mùa mát mẻ, không nóng cũng không lạnh, Đế Lai lòng những yêu thích mà quên cả chuyện trở về. Nhân dân nước Nam khổ vì sự phiền nhiễu, không còn được yên lành như trước, ngày đêm mong ngóng Lạc Long Quân trở về, bèn cùng nhau cất tiếng gọi rằng: - Bố ơi, bố ở đâu, hãy mau về cứu chúng con. (Lạc) Long Quân bỗng chốc trở về, thấy Âu Cơ đang ngồi một mình, dung mạo tuyệt đẹp, lòng những yêu thích, bèn hoá phép, biến thành một chàng trai hình dáng xinh đẹp, tả hữu và trước sau có rất đông kẻ hầu người hạ, tiếng nhạc vang đến tận nơi hành tại mà Âu Cơ đang ngồi. Âu Cơ thấy (Lạc) Long Quân, lòng cũng xiêu xiêu. (Lạc) Long Quân bèn đón (Âu Cơ) về Long Trang. Đế Lai trở về, không thấy Âu Cơ, bèn sai quần thần đi tìm khắp thiên hạ, nhưng (Lạc) Long Quân có phép thần, biến hoá trăm hình ngàn vẻ, đủ yêu tinh ma quỷ, rồng, rắn, hổ, voi... khiến cho kẻ đi tìm sợ hãi, không dám sục sạo. Đế Lai vì thế phải về phương Bắc".
Lời bàn :
Không thể nói khác hơn rằng Lạc Long Quân và Âu Cơ đã có một cuộc kì ngộ. Người từ phương xa theo cha đi chu du khắp cõi, tình cờ dừng bước ở đất Xích Quỷ. Người làm vua một phương, được dân thương mà gọi là bố. Xứ sở chẳng cùng, tuổi tác cách biệt, thế mà vừa gặp đã rung động về nhau. Lạ thay! Xét về thế thứ, Lạc Long Quân và Đế Lai là anh em con chú con bác với nhau. Lạc Long Quân lấy Âu Cơ, tức là lấy con gái của anh con nhà bác vậy. Có người nhân đó mà nghiêm phê rằng, luân thường đạo lí đảo điên, mối họa cho thiên hạ thật khó mà lường được. Song, lấy khuôn mẫu đạo đức hiện thời để xét đoán hành vi của thiên cổ, trong chỗ ngỡ như đúng, cái sai đã chất chứa sẵn rồi. Đọc sách đâu phải chỉ đọc chữ trong sách. Ngàn xưa vẫn thế, nỗi tâm sự cần kí thác, thường hay nằm ở giữa những dòng chữ hoặc ở sau những dòng chữ đó thôi. Sử cũ vẫn nhấn mạnh mối thâm tình của các nhóm thuộc Bách Việt. Chừng như chuyện này muốn tỏ rằng vốn dĩ tất cả đều chung máu mủ ruột rà. Ngẫm mà xem! |
| | | Shiroi
Tổng số bài gửi : 19896 Registration date : 23/11/2007
| Tiêu đề: 02 – Nước Văn Lang Đã Ra Đời Như Thế Nào? Wed 08 Sep 2010, 04:05 | |
| 02 – NƯỚC VĂN LANG ĐÃ RA ĐỜI NHƯ THẾ NÀO?
Sách Lĩnh Nam chích quái, phần Hồng Bàng thị truyện, chép: “(Lạc) Long Quân và Âu Cơ ăn ở với nhau được chừng hơn một năm thì sinh hạ được một cái bọc, cho đó là điềm chẳng lành nên đem vất ra ngoài đồng. Bảy ngày sau, bọc ấy nở thành một trăm cái trứng, mỗi trứng lại nở thành một người con trai. (Lạc) Long Quân bèn đón về nhà nuôi, chẳng cần cho bú mớm mà các con người nào cũng tự lớn, trí dũng song toàn, ai trông thấy cũng đều kính phục, cho là đàn con phi thường. Nhưng, (Lạc) Long Quân cứ ở mãi dưới thủy phủ, khiến cho mẹ con Âu Cơ cứ phải chịu cảnh lẻ loi, cho nên, cũng muốn trở về đất Bắc. Khi (mẹ con Âu Cơ) dắt díu nhau về đến biên giới, Hoàng Đế hay tin, lấy làm lo sợ, bèn sai quân ra canh giữ các cửa ải, vì thế, mẹ con Âu Cơ không thể về Bắc được, đêm ngày cứ gọi (Lạc) Long Quân rằng : Bố ở nơi nào, Mà sao nỡ để, Mẹ con buồn đau. (Lạc) Long Quân liền về, gặp Âu Cơ ở Tương Dã. Âu Cơ vừa khóc vừa nói rằng : - Thiếp vốn người phương Bắc, cùng chàng ăn ở với nhau mà sinh hạ được trăm đứa con trai, giờ chẳng biết nương tựa vào đâu mà nuôi nấng chúng được, vậy, thiếp xin theo chàng, xin chàng đừng ruồng bỏ, làm cho thiếp thành kẻ không chồng, các con thành kẻ không cha, thực là đau khổ lắm. (Lạc) Long Quân nói : - Ta là giống Rồng, đứng đầu các loài dưới nước, còn nàng là giống Tiên, làm người trên đất. Tuy âm dương khí tụ mà sinh con nhưng không sao đoàn tụ được vì hai giống tương khắc như nước với lửa, thật khó bề bền lâu. Nay, đành phải chia li ta mang năm mươi con trai về thủy phủ và chia cho chúng đi cai trị các nơi, còn năm mươi đứa sẽ theo nàng ở lại trên đất, chia nước mà cai trị. Khi lên ngàn hay khi xuống nước, có việc thì phải gắn bó với nhau mà làm, chớ rời bỏ nhau. Cả trăm người con trai cùng nghe theo rồi cùng nhau tạm biệt. Âu Cơ và năm mươi người con trai đến ở đất Phong Châu, tức là vùng huyện Bạch Hạc, cùng nhau tôn người con trưởng lên làm vua, xưng hiệu là Hùng Vương và đặt tên nước là Văn Lang. Nước ấy, về phía Đông thì giáp Nam Hải, về phía Nam thì giáp nước Hồ Tôn (nay là nước Chiêm Thành), về phía Tây thì giáp nước Ba Thục, còn về phía Bắc thì giáp Động Đình. Nước chia làm mười lăm bộ, gồm: Giao Chỉ, Chu Diên, Ninh Sơn, Phúc Lộc, Việt Thường, Ninh Hải (nay chính là Nam Ninh), Dương Tuyền, Quế Dương, Vũ Ninh, Y Hoan, Cửu Chân, Nhật Nam, Chân Định, Quế Lâm và Tượng Quận. Vua sai các em chia nhau cai trị. Dưới vua có các chức văn võ. Tướng văn gọi là Lạc Hầu, tướng võ gọi là Lạc Tướng. Con trai của vua thì gọi là Quan Lang, con gái của vua thì gọi là Mỵ Nương, chức Tư Mã thì gọi là Bồ Chính, kẻ nô bộc thì gọi là Trâu, nô tì gọi là Tinh và các quan khác thì gọi là Khối. Các chức đời đời cha truyền con nối, gọi là Phụ Đạo. Vua truyền ngôi cho nhau đều lấy hiệu là Hùng Vương chứ không thay đổi".
Lời bàn :
Lạc Long Quân và Âu Cơ, Tiên Rồng kì ngộ, vậy mà mối tình lại trần tục làm sao ! Bạn đang băn khoăn về sự huyền bí đến độ phi lí chung quanh chuyện mẹ Âu Cơ sinh hạ bọc trăm trứng chăng ? Xin bạn chớ bận tâm, bởi vì có cổ tích nào lại không bồng bềnh trong những chi tiết hư ảo đại loại như thế ? Cao vời thay, công đức và sự nghiệp của Âu Cơ. Sâu sắc và khiêm nhượng thay, lời kí tải cái tâm của tổ tiên vế cội nguồn dân tộc : đi từ trứng nước đi lên, và dẫu định cư bất cứ nơi đâu thì tất cả con Rồng cháu Tiên đều cùng từ một bọc trứng ban đầu do mẹ Âu Cơ sinh hạ. Người bốn phương muôn thuở vẫn thân ái gọi nhau là đồng bào, tình ruột thịt chung bọc trứng Âu Cơ ngàn năm còn đó. Kính thay! Bạn sẽ thật khó mà tìm được một chân dung Văn Lang với những đường nét cụ thể trong câu chuyện này, nhưng cũng như bao người khác, tôi tin là bạn sẽ bồi hồi khi nghĩ đến nghĩa tình vô giá mà tổ tiên đã cẩn trọng để lại nơi đây. Lòng người xưa lấp lánh tỏa sáng mãi trong sử cũ, bạn có thấy không ? |
| | | Shiroi
Tổng số bài gửi : 19896 Registration date : 23/11/2007
| Tiêu đề: 03 - Vì Sao Người Việt Cổ Có Tục Xăm Mình ? Wed 08 Sep 2010, 04:06 | |
| 03 - VÌ SAO NGƯỜI VIỆT CỔ CÓ TỤC XĂM MÌNH ?
Một trong những tục cổ xưa nhất của người Việt là xăm mình. Tục này, phải kéo dài mãi cho đến cuối thế kỉ thứ XIII, đầu thế kỉ thứ XIV mới chấm dứt. Có người nói rằng, bởi tục này mà tên nước đầu tiên của người Việt là Văn Lang. Hẳn nhiên, cách giải thích ấy chưa đủ sức thuyết phục, nhưng dẫu sao thì tục xăm mình cũng là một trong những tục cổ nhất và tồn tại thuộc vào hàng lâu dài nhất ở nước ta. Về nguyên nhân xuất hiện của tục này, sách Lĩnh Nam chích quái (phần Hồng Bàng thị truyện) viết như sau : “Bấy giờ, dân trên núi xuống nước đánh bắt cá thường bị thuồng luồng gây thương tổn, bèn cùng nhau tâu việc ấy với Vua. Vua nói : - Các giống ở trên núi khác với các loài ở dưới nước. Các loài ở dưới nước chỉ ưa những gì giống với mình và ghét những gì khác mình, vì vậy, ta mới bị gây hại. Nói rồi, Vua bèn ra lệnh cho ai nấy cũng phải lấy màu xăm hình thủy quái vào người. Từ đó, không bị thuồng luồng gây thương tích nữa. Tục vẽ mình của dân Bách Việt bắt đầu có kể từ đấy. Ở buổi đầu mở nước, mọi thứ vật dụng của dân chưa đủ. Dân phải lấy vỏ cây làm áo, dệt cỏ ống làm chiếu, lấy gạo nếp nấu rượu, lấy cây quang lang làm thức ăn, lấy cầm thú cá tôm làm mắm, lấy củ gừng làm muối, đao canh thủy chủng. Đất sản nhiều gạo nếp. Lấy ống bương thổi mà ăn. Làm nhà sàn mà ở để tránh cọp, chó sói làm hại. Cắt tóc ngắn để tiện vào rừng. Con mới vừa sinh ra thì lấy lá chuối lót cho nằm. Có người chết thì gõ vào cối không, cho xóm giềng nghe thấy để kéo nhau đến giúp. Con trai con gái lấy nhau, trước hết, dùng gói muối làm lễ hỏi rồi sau đó mới giết trâu, giết dê để ăn mừng thành vợ thành chồng. Cùng nhau đem cơm nếp vào buồng để ăn, vợ chồng mới thành thân, vì lúc đó trầu cau chưa có".
Lời bàn :
Chinh phục thiên nhiên vùng đồng bằng sông nước là cả một quá trình lâu dài phúc tạp và cực kì khó khăn. Hình ảnh những con thuồng luồng gây thương tích cho dân có lẽ chính là mọt trong những biểu hiện của sự phức tạp và cực kì khó khăn đó. Dân gặp khó thì kêu vua, vua ân cần chỉ cho dân tất cả những gì mình biết. Lời chỉ dẫn ấy, đúng sai thế nào thì ta đã quá rõ. nhưng điều quan trọng hơn lại chính là ở chỗ, trên dưới như cha con một nhà, nghĩa tình đằm thắm biết bao! Bấy giờ, hễ người Việt là xăm mình, hễ ai xăm mình là người Việt. Bạn thích hay không thích tục xăm mình, đó là việc riêng của bạn, nhưng, trông tại ngàn xưa, xin bạn hãy ghi nhận cho rằng, chính tục ấy đã góp phần làm cho Hán và Việt biệt lập rõ ràng, và cũng chính nhờ sự biệt lập rõ ràng ấy, giờ này, bạn mới có thể ung dung mà nói : non sông ta. Đời sống của cổ nhân ra sao, đoạn ghi chép ngắn ngủi trên kể cũng đã nói khá rõ. Kính thay, một thời chắt chiu cần mẫn, thương thay, một thời gian truân! Đi giữa giang sơn gấm vóc, xin chớ vô tâm quên tổ tiên ngàn đời.
|
| | | Shiroi
Tổng số bài gửi : 19896 Registration date : 23/11/2007
| Tiêu đề: 04 - PHÙ ĐỔNG THIÊN VƯƠNG Wed 08 Sep 2010, 04:07 | |
| 04 - PHÙ ĐỔNG THIÊN VƯƠNG
Sách Đại Việt sử kí toàn thư (ngoại kỉ, quyển 1, tờ 3b và 4a), dựa vào sách Lĩnh Nam chích quái, tóm lược chuyện Phù Đổng Thiên Vương như sau : “Đời Hùng Vương thứ sáu, Ở làng Phù Đổng, bộ Vũ Ninh (nay thuộc Bắc Ninh - NKT), có nhà giàu nọ, sinh được một đứa con trai. Đứa trẻ ấy, mãi đến năm hơn ba tuổi, tuy ăn uống béo tốt, nhưng lại không biết nói cười. Bấy giờ gặp lúc trong nước có tin nguy cấp, Nhà vua bèn sai Thiên sứ đi tìm người có thể đánh được giặc. Đúng ngày hôm ấy, đứa trẻ bỗng dưng nói được. Nó nhờ mẹ ra mời Thiên sứ vào rồi nói rằng : - Xin cho tôi một thanh gươm, một con ngựa. Vua không phải lo gì nữa. Vua liền ban cho gươm và ngựa. Đứa trẻ liền phi ngựa, vung gươm tiến lên. Quan quân theo sau. Giặc bị đánh tan ở núi Vũ Ninh (núi này, nay thuộc đất Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh - NKT). Chúng sợ, quay giáo đánh lẫn nhau, chết nhiều lắm. Bọn sống sót thì cúi rạp xuống mà lạy, rồi cùng tôn đứa trẻ ấy là Thiên tướng và đến xin hàng. Đứa trẻ phi ngựa lên trời mà đi. Vua liền sai sửa sang chỗ vườn nhà của đứa trẻ để lập đền thờ, luôn năm cúng tế. Sau, vua Lý Thái Tổ (làm vua từ năm 1010 đến năm 1028 - NKT) phong làm Xung Thiên Thần Vương”.
Lời bàn :
Chuyện dân gian hẳn nhiên không phải là lịch sử, nhưng, bất cứ chuyện dân gian nào cũng đều phản ánh một cái lõi có thật nào đấy của lịch sử. Cái lõi có thật ấy, có thể chính là bản thân sự kiện hoặc nhân vật, nhưng có khi chỉ là một ý nguyện chân thành, gởi gắm qua cách nhìn nhận một sự kiện hoặc một nhân vật lịch sử nào đó. Không ai tin rằng một đứa trẻ lên ba lại có thể cưỡi ngựa vung gươm, dẫn đầu quan quân ra trận và đánh tan lũ giặc hung tàn, nhưng bất cứ ai cũng đều tin rằng, hễ có giặc thì hết thảy già trẻ gái trai nước Việt đều hăm hở ra chiến trường. Chí lớn và tài cao chẳng phải lúc nào cũng đi đôi với tuổi tác. Thắng trận rồi, đứa trẻ lẳng lặng bay lên trời, không bàn tâm suy tính công lao, chẳng băn khoăn gì về sự ân thưởng. Mới hay, lòng dân muôn đời vẫn vậy, bình thản lo đại nghĩa một cách vô tư. Người có công tạo lập và gìn giữ thái bình chẳng hề đòi hỏi bất cứ một điều gì cho riêng mình cả. Từ Lý Thái Tổ trở đi, các vua nối nhau đều phong thần cho đứa trẻ quê ở Phù Đổng. Chính hương khói của việc thờ phụng này đã góp phần không nhỏ vào việc tạo ra khí phách hiên ngang và sự vô tư lạ kì cho lớp lớp những thế hệ trẻ, vì nước quên than, vì dân quên mình. Kính thay !
|
| | | Shiroi
Tổng số bài gửi : 19896 Registration date : 23/11/2007
| Tiêu đề: 05 - SỰ TÍCH THÁNH TẢN VIÊN Wed 08 Sep 2010, 04:07 | |
| 05 - SỰ TÍCH THÁNH TẢN VIÊN
Sách Đại Việt sử kí toàn thư (ngoại kỉ, từ tờ 4a đến tờ 5a) chép rằng : “Cuối thời Hùng Vương, Nhà vua có người con gái gọi là Mỵ Nương, nhan sắc rất xinh đẹp. Vua nước Thục nghe tiếng, bèn đến cầu hôn. Nhà vua đã muốn gả, nhưng Hùng Hầu can rằng : - Chẳng qua họ muốn chiếm nước ta nên mượn việc cầu hôn để tạo ra cái cớ mà thôi. Vua nước Thục vì thế mà để bụng oán giận. Nhà vua muốn tìm người xứng đáng để gả, liền nói với các bề tôi rằng : - Đứa con gái này là giống Tiên, cho nên, chỉ ai đủ tài đức ta mới cho làm rể. Bấy giờ, có hai người từ phía ngoài tiến vào, cùng lạy dưới sân xin cầu hôn. Nhà vua lấy làm lạ, hỏi thì họ thưa rằng, một người là Sơn Tinh, một người là Thủy Tinh, đều là ở trong cõi của Nhà vua cả. Nay, nghe tin Nhà vua có thánh nữ, bên đánh bạo tới xin chờ mệnh của Vua. Vua nói : - Ta chỉ có một người con gái, làm sao lại có thể có đến hai người rể hiền. Nói rồi, bèn hạ lệnh cho hai người, rằng đến ngày hôm sau, ai đem đủ sính lễ tới trước thì sẽ gả con cho người ấy. Hai người nghe xong, lạy tạ rồi ra về. Hôm sau, Sơn Tinh đem các thứ châu báu bạc vàng cùng chim rừng thú núi tới dâng. Nhà vua y hẹn, gả con cho Sơn Tinh. Sơn Tinh đón vợ về trên đỉnh cao của núi Tản Viên. Thủy Tinh cũng đem sính lễ đến, nhưng muộn hơn, giận là đã đến trễ, bèn kéo mây làm mưa, dâng nước tràn ngập rồi đem các loài thủy tộc đuổi theo. Nhà vua cùng Sơn Tinh lấy lưới sắt chắn ngang khu vực thượng lưu sông Từ Liêm (tức khúc sông Hồng, chảy qua Chèm, ngoại thành Hà Nội - NKT) để ngăn lại. Thủy Tinh lại theo sông khác, từ vùng Lỵ Nhân vào chân núi Quảng Oai rồi men sông Hát và tràn ra sông Lớn (tức sông Hồng - NKT) mà ngoặt sang sông Đà để đánh lên Tản Viên. Ở đâu (Thủy Tinh) cũng đào vực, đào chằm để chứa nước hòng đánh úp Sơn Tinh. Sơn Tinh có phép thần biến hoá, sai người đan tre thành hàng rào chắn nước, lấy cung nỏ bắn xuống, khiến cho các loài thủy tộc đều bị trúng tên mà chạy trốn. Rốt cuộc, Thủy Tinh không sao xâm phạm được núi Tản Viên. Tục truyền, từ đó Sơn Tinh và Thủy Tinh đời đời thù oán, hàng năm vẫn dâng nước đánh lẫn nhau. Núi Tản Viên là dãy núi cao của nước Việt ta, sự linh thiêng rất ứng nghiệm. Mỵ Nương đã lấy Sơn Tinh, khiến cho vua của nước Thục cũng tức giận, dặn lại con cháu phải diệt Văn Lang mà chiếm cho được nước ta".
Lời bàn : Chuyện đầy những chi tiết bất hợp lí và hoang đường, nhưng giá thử ai đó có tài kể ngược lại, bỏ hết những chi tiết bất hợp lí và hoang đường, thì ... chuyện sẽ chẳng còn là chuyện nữa. Bồng bềnh giữa những lời hư ảo chính là cái gì đó phản ảnh một cách vừa mơ hồ vừa rất rõ rệt về năng lực trị thủy của cổ nhân. Sừng sững giữa thiên nhiên khắc nghiệt, núi Tản Viên là biểu tượng của ý chí hiên ngang trước mọi thủy tai. Chẳng có gì khó khăn khi tìm chỗ đúng sai của cổ tích, nhưng, làm như vậy phỏng có ích gì ? Giữa bao la của trái đất, những người dân bé nhỏ vẫn tin là có thánh thần. Thánh thần cao cả mà vô tư, luôn cứu giúp tất cả những người lao động chân chính. Và đối với ngàn xưa, đó quả là một sức mạnh tinh thần hết sức lớn lao. Mà… sức mạnh tinh thần, có khi lại khoác áo cổ tích đầy vẻ hoang đường. Trước mọi thủy tai, xin bạn hãy trông vời về đất tổ, nơi ấy có Sơn Tinh tức thánh Tản Viên, bạn tin hay không tin cũng vậy, khi thành kính hướng về đất tổ, nhất định bạn sẽ tự cảm thấy có một nguồn sức mạnh vô hình nào đấy, khiến bạn tư tin và phấn chấn hẳn lên. Cứ đợi thử mà xem!
|
| | | Shiroi
Tổng số bài gửi : 19896 Registration date : 23/11/2007
| Tiêu đề: 06 – Huyền Thoại Về Loa Thành Wed 08 Sep 2010, 04:08 | |
| 06 – HUYỀN THOẠI VỀ LOA THÀNH
Loa Thành hay Cổ Loa Thành, còn có tên khác là Tư Long Thành, người Trung Quốc thường gọi là Côn Lôn Thành, chính là kinh thành của nước ta thời An Dương Vương. Di tích Loa Thành nay vẫn còn ở huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội. Truyền thuyết nói Loa Thành gồm đến chín vòng, được đắp theo kiểu xoáy hình trôn ốc, nhưng di tích còn lại chỉ thấy có ba vòng, dài tổng cộng hơn mười sáu cây số. Loa Thành là công trình kiến trúc lớn nhất của nước nhà thời cổ đại, là chứng tích bất diệt của ý chí và năng lực sáng tạo của tổ tiên ta. Việc đắp thành khó khăn này đã được tiến hành như thế nào ? Sách Đại Việt sử kí toàn thư (ngoại kỉ, quyển 1, từ tờ 6a đến tờ 7b) chép rằng : “Thành này cứ hễ đắp xong lại bị sụt lở, khiến Nhà vua rất lấy làm lo. Nhà vua bèn trai giới sạch sẽ, khấn trời khấn đất và các vị thần núi, thần sông, rồi khởi công đắp lại". … Mùa xuân, tháng ba, chợt có thần nhân đến trước cửa thành, trỏ vào thành rồi cười mà nói rằng : - Đắp như thế thì đến bao giờ mới xong ? Vua liền mời vào điện để hỏi. Thần nhân nói : - Cứ đợi Giang sứ đến. Xong, cáo từ đi ngay. Sáng hôm sau, Vua ra cửa thành, thấy có con rùa bơi trên sông, từ phía Đông đến, nói được tiếng người, xưng là Giang sứ, bàn được chuyện tương lai. Nhà vua mừng lắm, để lên mâm vàng rồi đặt mâm lên điện và hỏi về nguyên nhân khiến cho thành bị sụt lở. Rùa vàng đáp : - Ấy là bởi tinh khí núi sông của vùng này bị (hồn thiêng) của con vua thuở trước phụ vào để trả thù cho nước. Nó nấp ở núi Thất Diệu. Trong núi ấy có con quỷ, ấy chính là (hồn thiêng) của người con hát thuở trước chết chôn ở đấy hoá thành. Cạnh núi có cái quán, chủ quán tên là Ngộ Không. Ông ta có đứa con gái và một con gà trắng, đó chính là hư khí của tinh, phàm ai là người qua lại và ngủ đêm tại đó đều bị chết vì bị quỷ ám. Chúng có thể gọi nhau, họp đàn họp lũ, làm cho sụp cả thành. Nay nếu giết được con gà trắng ấy để trừ tinh khí đi thì thành sẽ tự nhiên xây được bền vững. Nhà vua nghe vậy, liền đem rùa vàng đến quán, giả làm người xin ngủ trọ. Chủ quán nói : - Ngài là bậc quý nhân, vậy xin đi ngay kẻo ở đây là mắc họa. Nhà vua cười nói : - Sống chết đều có mệnh số cả, ma quỷ mà làm gì nổi? Nói rồi, vẫn cứ ngủ lại quán. Đêm khuya, nghe tiếng quỷ từ ngoài vào gọi mở cửa, rùa vàng liền quát mắng khiến lũ quỷ không sao vào được. Gần sáng, khi nghe tiếng gà gáy thì chúng bỏ chạy tan tác. Rùa vàng xin Vua đuổi theo chúng. Tới núi Thất Diệu, tinh khí của lũ quỷ biến mất. Nhà vua cùng rùa vàng trở về quán. Sáng sớm, chủ quán tưởng Nhà vua đã chết rồi, bèn gọi người đến khâm liệm để đem đi chôn. Thấy Nhà vua vẫn vui vẻ cười nói, chủ quán sụp lạy mà thưa rằng : - Ngài được như thế này ắt phải là thánh nhân. Vua xin gà trắng đem giết để tế lễ. Gà chết, con gái của chủ quán cũng chết theo. Vua liền sai người đào núi (Thất Diệu), thấy ở đó có nhạc khí cổ và xương người, liền sai đốt thành tro rồi đổ xuống sông. Yêu khí ma quỷ từ đó mất hẳn. Cũng từ đó, thành đắp chưa quá nửa tháng đã xong. Rùa vàng liền cáo từ ra về. Nhà vua cảm tạ và hỏi rằng : - Đội ơn ngài đã giúp đắp thành vững chắc. Nhưng, nay mai nếu có giặc đến thì lấy gì mà chống giữ ? Rùa vàng liền trút chiếc móng đem cho vua và nói : - Nước yên hay nguy đều do trời định đoạt, nhưng người cũng nên phòng bị. Nếu có giặc đến thì dùng móng thiêng này mà làm lẫy nỏ, nhằm thẳng giặc mà bắn thì không lo gì. Vua sai bề tôi là Cao Lỗ (cũng có sách chép là Cao Thông) chế nỏ thần, lấy móng rùa vàng làm lẫy, đặt tên là Linh Quang Kim Trảo Thần Nỏ".
Lời bàn :
Nước bấy giờ còn nhỏ, dân bấy giờ còn thưa, tiềm lực quốc gia bấy giờ cũng còn yếu, đã thế, trình độ kĩ thuật bấy giờ lại chưa cao, thế mà Nhà vua dám dốc sức xây thành Cổ Loa, chí lớn thật đáng sánh ngang với trời đất. Việc lớn, khó khăn lớn, hình ảnh của lũ yêu quái phá hoại. Ở một góc độ nào đo, cũng có thể coi là biểu tượng của những thử thách chất chồng đó thôi. Việc Nhà vua nghênh đón Giang sứ có cái gì đó phảng phất hình ảnh các vị minh quân hồ hởi đón lời hay trong thiên hạ. Việc Giang sứ không chút quản ngại, cùng Vua lên tận núi Thất Diệu để diệt yêu quái, sau lại còn thanh thản trút móng tặng Vua, tất cả nào có khác gì hình ảnh những người vô danh trong trăm họ, đã hết lòng phò tá chí lớn của Nhà vua! Nhà sử học lỗi lạc của nước nhà (thế kỉ thứ XV) là Ngô Sĩ Liên nói rằng: “Việc làm của thần là dựa theo ý người, thần nhập vào vật mà nói. Khi nước sắp thịnh. thần minh giáng xuống để xem đức hóa, khi nước sắp mất, thần minh cũng giáng xuống để xét tội. Cho nên, cũng có khi thần giáng mà thịnh, lại cũng có khi thần giáng mà suy" (Đại Việt sử kí toàn thư, ngoại kỉ, quyển 1, tờ 10-b). Như An Dương Vương, thần minh giáng lần đấu thì đắp xong Loa Thành, dựng nên quốc gia Âu Lạc hùng mạnh : thần minh giáng lần thứ hai, quân thua nước mất. Người xưa tin như vậy và đã trịnh trọng chép vào sử như vậy. Gấp sách lại, xin bạn chớ bao giờ tự hỏi rằng đáng tin hay không đáng tin, mà tốt hơn cả, bạn nên tự hỏi rằng cổ nhân muốn kí thác điều gì.
|
| | | Sponsored content
| Tiêu đề: Re: Việt Sử Giai Thoại - Tập 1 - Nguyễn Khắc Thuần | |
| |
| | | |
Similar topics | |
|
Trang 1 trong tổng số 6 trang | Chuyển đến trang : 1, 2, 3, 4, 5, 6 | |
| Permissions in this forum: | Bạn không có quyền trả lời bài viết
| |
| |
| |