Trang ChínhTìm kiếmLatest imagesVietUniĐăng kýĐăng Nhập
Bài viết mới
BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-1965 - LM CAO VĂN LUẬN by Trà Mi Today at 12:48

LỀU THƠ NHẠC by Trà Mi Today at 12:15

NỒI CƠM KHỔNG TỬ by mytutru Yesterday at 23:23

Hơn 3.000 bài thơ tình Phạm Bá Chiểu by phambachieu Yesterday at 22:49

Trang Thơ Phạm Đa Tình by Phạm Đa Tình Yesterday at 20:46

Thơ Nguyên Hữu 2022 by Nguyên Hữu Yesterday at 20:07

Xem tướng mạo đàn ông ngoại tình, lăng nhăng by Trà Mi Tue 26 Mar 2024, 12:32

Giọng hát "Cọp nhai đậu phộng" by Trà Mi Tue 26 Mar 2024, 12:29

Những Bài Giảng Hay Thầy Thích Pháp Hoà by mytutru Tue 26 Mar 2024, 07:39

Khoảnh Khắc Vui Với Đường Thi by Tam Muội Mon 25 Mar 2024, 00:30

Con Đường Tâm Mytutru TKN Đào Liên by mytutru Sun 24 Mar 2024, 23:42

Tranh Thơ Viễn Phương by Viễn Phương Sat 23 Mar 2024, 02:26

Mái Nhà Chung by mytutru Fri 22 Mar 2024, 20:26

Người Em Gái Da Vàng by Viễn Phương Fri 22 Mar 2024, 19:10

Một thoáng mây bay 12 by Ai Hoa Fri 22 Mar 2024, 07:06

TRUYỆN KIỀU CÓ TRƯỚC ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH, VÀ LÀ CỦA VIỆT NAM ??? by Trà Mi Thu 21 Mar 2024, 10:43

Thơ Tú_Yên phổ nhạc by Tú_Yên tv Wed 20 Mar 2024, 11:16

Chùm thơ "Có lẽ..." by Tú_Yên tv Wed 20 Mar 2024, 11:07

Lục bát by Tinh Hoa Mon 18 Mar 2024, 07:21

PHÁP VIỆN MINH ĐĂNG QUANG TĂNG NI & Đại Chúng by mytutru Mon 18 Mar 2024, 00:55

SƯ TOẠI KHANH (những bài giảng nên nghe) by mytutru Sat 16 Mar 2024, 20:15

Putin dối trá khi trả lời Tucker Carlson by Trà Mi Fri 15 Mar 2024, 11:39

Trang thơ Tú_Yên (P2) by Tú_Yên tv Fri 15 Mar 2024, 11:20

7 chữ by Tinh Hoa Fri 15 Mar 2024, 03:27

BẮT CÁ TRỜI MƯA by Phương Nguyên Wed 13 Mar 2024, 20:48

5 chữ by Tinh Hoa Wed 13 Mar 2024, 07:56

Tiến Trình Tu Học Phật - Thành Phật by mytutru Mon 11 Mar 2024, 23:17

Tập Mỗi Ngày by mytutru Mon 11 Mar 2024, 22:48

Lan ĐV 8 by buixuanphuong09 Mon 11 Mar 2024, 11:06

SẦU LY BIỆT by Phương Nguyên Mon 11 Mar 2024, 08:02

Tự điển
* Tự Điển Hồ Ngọc Đức



* Tự Điển Hán Việt
Hán Việt
Thư viện nhạc phổ
Tân nhạc ♫
Nghe Nhạc
Cải lương, Hài kịch
Truyện Audio
Âm Dương Lịch
Ho Ngoc Duc's Lunar Calendar
Đăng Nhập
Tên truy cập:
Mật khẩu:
Đăng nhập tự động mỗi khi truy cập: 
:: Quên mật khẩu

Share | 
 

 Việt Sử Giai Thoại - Tập 1 - Nguyễn Khắc Thuần

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Chuyển đến trang : Previous  1, 2, 3, 4, 5, 6  Next
Tác giảThông điệp
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Việt Sử Giai Thoại - Tập 1 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 4 Empty
Bài gửiTiêu đề: 27 - Vì Sao Họ Ngô Mất Ngôi ?   Việt Sử Giai Thoại - Tập 1 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 4 I_icon13Sat 11 Sep 2010, 01:37

27 - VÌ SAO HỌ NGÔ MẤT NGÔI ?


Năm 944, Ngô Quyền mất.
Trước khi qua đời, Ngô Quyền có lời trăn trối, nhờ Dương Tam Kha tôn lập con trai trưởng của mình là Ngô Xương Ngập lên nối ngôi. Tiếc thay, Dương Tam Kha lại lợi dụng cơ hội Ngô Quyền mất để cướp lấy quyền bính. Ngô Xương Ngập vì hoảng sợ mà bỏ trốn, đến tá túc ở nhà của Phạm Lệnh Công.
Năm Canh Tuất (950), em của Ngô Xương Ngập là Ngô Xương Văn cùng với hai tướng là Dương Cát Lợi và Đỗ Cảnh Thạc lật đổ Dương Tam Kha, khôi phục cơ nghiệp của nhà Ngô. Nhưng, Dương Tam Kha từng nhận Ngô Xương Văn làm con, vì thế, Ngô Xương Văn không nỡ giết, đã thế, còn phong cho Dương Tam Kha tước Công và ban cho đất đai vùng Chương Dương làm thực ấp.
Năm Tân Hợi (951), Ngô Xương Văn xưng là Nam Tấn Vương và ngay sau đó, sai sứ đi đón Ngô Xương Ngập về để cùng trông coi việc nước. Ngô Xương Ngập về, xưng là Thiên Sách Vương. Như vậy, nước nhà lúc này có một lúc những hai vua!
Sách Đại Việt sử kí toàn thư (ngoại kỉ, quyển 5, tờ 24-a) cho hay rằng, Thiên Sách Vương ngày một chuyên quyền, khiến Nam Tấn Vương không còn được tham dự vào việc bàn chính sự nữa. Bấy giờ, tình hình trong nước cũng như ngoài nước hết sức căng thẳng. Trong nước thì do chính quyền trung ương lục đục, các địa phương nổi lên chống đối, đồng thời, nạn cát cứ cũng bắt đầu xuất hiện. Nước có hai vua nhưng chẳng vua nào quản lí được đất nước. Ngoài nước thì đáng kể hơn cả là việc nhà Tống đã thống nhất được Trung Quốc và đang âm mưu bành trướng xuống phương Nam.
Năm Ất Sửu (965), Thiên Sách Vương đem quân đi đàn áp cuộc nổi dậy của nhân dân thôn Đường và thôn Nguyễn ở Thái Bình, chẳng may trúng mũi tên mà chết. Năm sau (Bính Dần, 966), Nam Tấn Vương bị bệnh mà mất. Nhà Ngô đến đấy là dứt.

Vì sao nhà Ngô mất ngôi? Sử thần Ngô Sĩ Liên nói:
“Nam Tấn Vương nhà Ngô lấy nghĩa để trừ bạo, khôi phục nghiệp cũ, cũng có thể nói là đủ để thỏa vong linh của tổ tiên, làm hả lòng căm giận của thần và của người. Chính trị đang lúc đổi mới, thế mà vì nhân từ, thương người theo kiểu đàn bà con nít, không nỡ trị tội Dương Tam Kha cướp ngôi, lại tham việc can qua, càn rỡ đánh dẹp ở thôn Đường và thôn Nguyễn, rốt lại là tự hại mình, đáng tiếc thay!” (Sách trên, tờ 25-a).

Sử thần Lê Văn Hưu cũng nặng lời phê phán Nam Tấn Vương, Ngô Xương Văn. Hẳn nhiên, hai bậc sử gia lừng danh như Lê Văn Hưu và Ngô Sĩ Liên đã nói, thì cho dẫu không đúng, cũng quyết không thể sai, nhưng, hình như trong chỗ ngổn ngang của thế sự, hai đấng tiền bối khả kính này cũng có ý chừa lại vài lời cho hậu sinh. Ngẫm chuyện Nam Tấn Vương và Thiên Sách Vương, hẳn ai cũng rõ, xưa nay chẳng có sự thừa nào đáng sợ như thừa vua. Nước nhỏ mà một lúc có đến những hai vua, điều ấy cũng có nghĩa là sẽ không còn có vua nào nữa. Loạn mười hai sứ quân sau đó chẳng phải là sự báo ứng rành rành đó sao?

_________________________
Việt Sử Giai Thoại - Tập 1 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 4 Signat21
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Việt Sử Giai Thoại - Tập 1 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 4 Empty
Bài gửiTiêu đề: 28 - Cuộc Đại Định Của Đinh Bộ Lĩnh   Việt Sử Giai Thoại - Tập 1 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 4 I_icon13Sat 11 Sep 2010, 01:37

28 - CUỘC ĐẠI ĐỊNH CỦA ĐINH BỘ LĨNH

Sau khi Thiên Sách Vương rồi Nam Tấn Vương lần lượt qua đời, đất nước bước vào một thời kì loạn lạc kinh hoàng. Chừng như ở bất cứ địa phương nào cũng có các thế lực cát cứ nổi lên, thậm chí có nơi, một vùng nhỏ mà có đến mấy thế lực liền. Cuối cùng, các thế lực nhỏ dần dần bị tiêu diệt, các thế lực lớn thì tồn tại tương đối lâu hơn. Đến năm Bính Dần (966), cả nước còn lại mười hai thế lực cát cứ lớn, sử gọi đó là loạn mười hai sứ quân.

Sách Đại Việt sử kí toàn thư (ngoại kỉ, quyển 5, tờ 25a-b) cho biết danh sách mười hai sứ quân này như sau :
01 - Ngô Xương Xí chiếm giữ vùng Bình Kiều (nay thuộc huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa).
02 – Kiều Công Hãn (xưng là Kiều Tam Chế) chiếm giữ vùng Phong Châu (nay thuộc huyện Phong Châu, tỉnh Phú Thọ).
03 - Nguyễn Khoan (xưng là Nguyễn Thái Bình) chiếm giữ vùng Tam Đới (nay thuộc huyện Vĩnh Lạc, tĩnh Vĩnh Phúc).
04- Ngô Nhật Khánh (xưng là Ngô Lãm Công) chiếm giữ vùng Đường Lâm (nay thuộc huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây).
05 – Đỗ Cảnh Thạc (xưng là Đỗ Cảnh Công) chiếm giữ vùng Đỗ Động Giang (nay thuộc huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây).
06 - Lý Khuê (xưng là Lý Lãng Công) chiếm giữ vùng Siêu Loại (nay thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh).
07 – Nguyễn Thủ Tiệp (xưng là Nguyễn Lệnh Công) chiếm giữ vùng Tiên Du (nay thuộc huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh).
08 -Lã Đường (xưng là Lã Tá Công) chiếm giữ vùng Tế Giang (nay thuộc huyện Mỹ Văn, tỉnh Hưng Yên).
09 - Nguyễn Siêu (xưng là Nguyễn Hữu Công) chiếm giữ vùng Phù Liệt (nay thuộc huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội).
10- Kiều Thuận (xưng là Kiều Lệnh Công) chiếm giữ vùng Hồi Hồ (nay thuộc huyện Sông Thao, tỉnh Phú Thọ).
11- Phạm Bạch Hổ (xưng là Phạm Phòng Át) chiếm giữ vùng Đằng Châu (nay thuộc huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên).
12 - Trần Lãm (xưng là Trần Minh Công), chiếm giữ vùng Bố Hải Khẩu (nay thuộc khu vực thị xã tỉnh Thái Bình).

Sách trên (tờ 25-b và 26-a) chép :
“Bấy giờ, nước không có chủ, mười hai sứ quân tranh ngôi, không ai chịu thống thuộc ai. Đinh Bộ Lĩnh nghe tiếng Trần Minh Công là người có đức nhưng không có con nối dõi, bèn đem con là (Đinh) Liễn đến xin nương tựa. (Trần) Minh Công thấy (Đinh) Bộ Lĩnh dáng mạo khôi ngô, lại có khí lượng hơn người, bèn nhận làm con nuôi, ơn thương yêu và nghĩa đối đãi ngày càng trọng hậu, nhân đó, giao cho (Đinh Bộ Lĩnh) trông coi việc quân, sai đi đánh các hùng trưởng khác, đến đâu thắng đó. Phạm Phòng Át đem quân về hàng (sau, dưới triều nhà Đinh, Phạm Phòng Át được làm Thân Vệ Tướng Quân). Khi (Trần) Minh Công mất, bọn con em của Ngô Tiên Chúa (chỉ Ngô Quyền - NKT), từ vùng Đỗ Động Giang, đem hơn năm trăm thủ hạ tới đánh, nhưng bọn này vừa đi đến Ô Man thì bị thủ lĩnh của làng ấy là Ngô Phó Sứ đánh bại, đành phải kéo về. (Đinh) Bộ Lĩnh nghe tin, cất quân đi đánh Đỗ Động Giang, không ai là không chịu hàng phục. Từ đó, quan lại và dân ở kinh đô cũng như ở các phủ đều theo về. Nhà Ngô mất".
Năm Mậu Thìn (968), sau khi tiêu diệt hết các sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng Đế, xưng là Đinh Tiên Hoàng, định đô ở Hoa Lư, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, đặt niên hiệu là Thái Bình. Cũng năm đó, quần thần của Đinh Tiên Hoàng xin dâng tôn hiệu là Đại Thắng Minh Hoàng Đế.

Lời bàn:

Về cuộc đại định của Đinh Bộ Lĩnh, sử gia Lê Văn Hưu đã có lời ban rằng : "(Đinh) Tiên Hoàng tài năng sáng suốt, dũng cảm và mưu lược nhất đời, đúng khi nước Việt ta vô chủ khiến cho các hùng trưởng cát cử mỗi người một phương, một phen cất quân mà mười hai sứ quân đểu phải hàng phục. Vua mở nước định đô, đổi xưng Hoàng Đế, đặt trăm quan và lập ra sáu quân, chế độ kể cũng gần đầy đủ. Có lẽ đó là ý trời muốn vì nước Việt ta mà sinh bậc thánh triết để tiếp nối quốc thống chăng. Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 1, tờ 2b).
Tiếp lời của cổ nhân, hậu sinh mạo muội bàn rằng : Nước có độc lập mà dân không được hưởng thái bình thì kể như đại họa vẫn còn nguyên đó, cho nên, kính thay đấng dẹp loạn. tạo dựng nền quốc thái dân an. Dốc chí đại định cho xã tắc, tên tuổi của Đinh Tiên Hoàng xứng đáng sánh ngang với tên tuổi các bậc anh hùng đã có công đại phá giặc ngoại xâm.


_________________________
Việt Sử Giai Thoại - Tập 1 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 4 Signat21
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Việt Sử Giai Thoại - Tập 1 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 4 Empty
Bài gửiTiêu đề: 29 - Nam Việt Vương Đinh Liễn Giết Thái Tử Hạng Lang   Việt Sử Giai Thoại - Tập 1 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 4 I_icon13Sat 11 Sep 2010, 01:38

29 - NAM VIỆT VƯƠNG ĐINH LIỄN GIẾT THÁI TỬ HẠNG LANG


Nam Việt Vương Đinh Liễn là con trai trưởng của Đinh Tiên Hoàng. Đinh Liễn sinh năm nào không rõ, chỉ biết vào năm Tân Hợi (951) Đinh Liễn đã là một thanh niên cường tráng, từng cùng với cha xông pha trận mạc khắp nơi.
Năm Kỷ Tị (969), sau khi Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, xưng là Đinh Tiên Hoàng đế, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, định đô ở Hoa Lư, thì Đinh Liễn được phong làm Nam Việt Vương.
Năm Nhâm Thân (972), Nam Việt Vương Liễn được cử đi sứ sang nhà Tống. Năm ấy, nhà Tống phong cho Đinh Tiên Hoàng làm Giao Chỉ Quận vương, còn Nam Việt Vương Liễn thì được nhà Tống phong làm Kiểm hiệu Thái sư, Tĩnh hải quân Tiết độ sứ, An Nam đô hộ.
Đến năm Ất Hợi (975), nhà Tống lại sai sứ sang gia phong cho Đinh Liễn làm Khai phủ nghi đồng Tam ti, Kiểm hiệu Thái sư, Giao Chỉ quận vương. Kể từ đó, mọi việc giao tiếp với sứ giả Trung Quốc, Đinh Tiên Hoàng đều ủy thác hết cho Đinh Liễn.
Tóm lại, Đinh Liễn là người từng trải, có công lao, có năng lực và cũng có cả uy tín nữa. Quyền kế vị ngôi Hoàng Đế của Đinh Liễn kể như đã rất rõ ràng. Tuy nhiên, mọi chuyện đang bình thường bỗng trở nên rắc rối bởi sự kiện xảy ra vào đầu mùa xuân năm Mậu Dần (978). Năm đó, Đinh Tiên Hoàng bỗng dưng quyết định lập người con trai còn nhỏ là Hạng Lang làm Thái Tử và Đinh Toàn làm Vệ Vương. Điều này cũng có nghĩa là quyền kế vị ngôi vua của Đinh Liễn không còn nữa. Cơn thịnh nộ của Đinh Liễn bắt đầu.
Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 1, tờ 5-a) chép rằng:
“Mùa xuân (năm Kỷ Mão, 979), Nam Việt Vương (là Đinh Liễn) giết chết Hoàng thái tử Hạng Lang. (Đinh) Liễn là con trưởng của Nhà vua, thuở hàn vi từng chịu đựng gian khổ, khi thiên hạ được thái bình, ý Vua cũng muốn truyền ngôi cho, bèn phong làm Nam Việt Vương. (Đinh Liễn) lại cũng từng chịu mệnh và nhận tước vị của nhà Tống ban cho. Nhưng về sau, vua sinh được người con trai nhỏ là Hạng Lang, rất mực yêu quý, bèn lập (Hạng Lang) làm Thái tử. (Đinh) Liễn bất bình, liền sai người lập mưu giết đi”.

Lời bàn:

Phế Nam Việt Vương để lập Hạng Lang làm Thái tử, hẳn nhiên, việc làm của Đinh Tiên Hoàng là sai. Bấy giờ, truyền ngôi cho con trưởng vẫn được coi là đại sự của Đế vương, là việc lớn của nước nhà. Đinh Tiên Hoàng không làm như vậy, thế là trong cái sai, còn có thêm cái sai nữa. Lập Hạng Lang làm Thái tử, Đinh Tiên Hoàng thực sự đã ban ơn riêng cho người mình yêu quý, nhưng cũng thực sự xúc phạm đến trăm họ đương thời vậy. Lẽ đâu, người giữ ngôi chí tôn, người chịu trọng trách điều khiển vận mệnh quốc gia lại là một cậu bé! Tiếc thay, Đinh Tiên Hoàng, người dày dạn kinh nghiệm trận mạc, đủ để được hào kiệt đương thời tôn làm Vạn Thắng Vương, nhưng lại chưa đủ bản lĩnh và sâu sắc để quyết đoán đúng đắn những vấn đề ngỡ như rất bình thường của chính sự.
Cái sai của Đinh Tiên Hoàng là gốc của mọi sự sai, nhưng chẳng phải vì thế mà có ai đồng tình với hành động tàn bạo của Đinh Liễn. Giết người là tội chẳng thể dung tha, giết em ruột để giành ngôi thì lại càng không thể dung tha hơn nữa. Công một thời chẳng thể bù cho tội một lúc, thương hại thay !
Về chuyện Nam Việt Vương Đinh Liễn giết Thái tử Hạng Lang, lời bàn của sử thần Ngô Sĩ Liên trong Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 1, tờ 5a - b) thật đáng để cho đời đời suy ngẫm:
“Truyền ngôi cho con trưởng là đạo thường của muôn đời, bỏ đạo ấy mà không có biến loạn thì quả là chưa bao giờ nghe vậy. Cũng có khi nhân thời loạn mà lập Thái tử, nhưng trước hết phải chọn người có công, nếu con trưởng ác đức thì phải phế bỏ đi rồi sau mới lập con thứ. Thế là xử việc lúc biến mà vẫn được đúng, người xưa cũng từng làm. Nam Việt Vương (Đinh) Liễn là con trưởng, từng có công lao, chưa thấy có lỗi. Đinh Tiên Hoàng vì yêu con thứ mà quên con trưởng, tưởng thế là thỏa tình yêu quý, nào có biết đâu như thế là làm hại con. Còn như (Đinh) Liễn giết em, nhẫn tâm đến thế thì rõ là thiên đạo và nhân luân đều mất hết, tức là tự chuốc họa thiệt thân, lại còn liên lụy đến cha nữa (chỉ việc về sau, hai cha con Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn bị giết hại), há chẳng rùng rợn lắm sao? Nếu không như vậy thì tội đại ác của Đỗ Thích (kẻ giết Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn) vì đâu mà có, đúng như lời sấm truyền?”


_________________________
Việt Sử Giai Thoại - Tập 1 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 4 Signat21
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Việt Sử Giai Thoại - Tập 1 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 4 Empty
Bài gửiTiêu đề: 30 - Tên Đại Nghịch Thần Đỗ Thích   Việt Sử Giai Thoại - Tập 1 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 4 I_icon13Sat 11 Sep 2010, 01:39

30 - TÊN ĐẠI NGHỊCH THẦN ĐỖ THÍCH


Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 1, từ tờ 5-b đến tờ 7-a) chép rằng:
“Mùa đông, tháng mười (năm Kỉ Mão, 979), quan giữ chức Chi hậu nội nhân là Đỗ Thích giết chết Nhà vua (là Đinh Tiên Hoàng) ở trong cung. (Đỗ Thích người làng Đại Đê, huyện Thiên Bản, nay thuộc huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định). Trước đó, Đỗ Thích từng có lúc làm quan ở Đồng Quan (nay thuộc Ninh Bình).
Một hôm, nhân nằm chơi rồi ngủ lại trên cầu, Đỗ Thích mơ thấy có vì tinh tú từ trên trời rơi xuống và hắn đã nuốt được. Đỗ Thích lấy đó làm điềm tốt, bèn nẩy ra ý định giết Vua. Đến đây, thấy Nhà vua dùng yến tiệc vừa xong, say rượu nằm ngủ ngay giữa sân cung đình, (Đỗ) Thích bèn (lẻn vào) giết chết (Nhà vua), lại giết luôn cả Nam Việt Vương (Đinh) Liễn. Bấy giờ, lệnh lùng bắt thủ phạm rất gấp, (Đỗ) Thích phải trèo lên nằm trong máng nước ở trong cung suốt ba ngày liền, đói khát lắm. Thế rồi trời đổ mưa, (Đỗ Thích) thò tay hứng nước mà uống, cung nữ nhìn thấy nên đi báo. Định Quốc công là Nguyễn Bặc sai người bắt xuống và đem đi chém đầu ...”.
... “Trước kia, khi Vua còn hàn vi, thường ra sông Giao Thủy (ở Ninh Bình) để đánh cá. Có lần kéo lưới, bắt được viên ngọc khuê to, nhưng lại lỡ làm va vào mũi thuyền, khiến bị mẻ mất một góc. Đêm ấy, (Nhà vua) vào ngủ nhờ ở chùa Giao Thủy, để viên ngọc ở dưới đáy giỏ cá. Đang khi Nhà vua ngủ say, thấy giỏ cá có ánh sáng lạ phát ra, nhà sư của chùa (Giao Thủy) bèn gọi Nhà vua dậy để hỏi cho ra duyên cớ. Nhà vua cứ tình thực mà kể, lại còn lấy viên ngọc cho nhà sư xem. Xem xong, nhà sư than rằng:
- Ngày sau, anh sẽ phú quý không biết kể thế nào cho hết, nhưng tiếc là phúc đức không được bền lâu.
Năm Thái Bình thứ năm (tức năm Giáp Tuất, 974) trong dân có truyền tụng câu sấm rằng: Đỗ Thích thí Đinh Đinh Lê gia xuất thánh minh, Cạnh đầu đa hoành nhi, Đạo lộ tuyệt nhân hành. Thập nhị xưng đại vương, Thập nhị vô nhân thiện, Thập bát tử đăng tiên, Kế Đô nhị thập thiên.
Nghĩa là: Đỗ Thích giết Đinh (Tiên Hoàng) và Đinh (Liễn), Nhà Lê xuất hiện bậc thánh minh, Tranh nhau để được nhiều gia nô (cho mình), Đường sá không còn có bóng người đi. Có đến mười hai người xưng là đại vương (chỉ cuộc tranh hùng của mười hai người con Lê Hoàn sau này), nhưng cả mười hai người đều không ai là người thiện cả. Họ Lý chết (chữ thập, chữ bát và chữ tử ghép lại thành chữ lý là họ Lý, đăng tiên là chết). Sao Kế Đô chiếu hai chục ngày (ý nói vận hội đen tối khá lâu).
Mọi người cho rằng số trời là vậy.
Bấy giờ, Định Quốc công là Nguyễn Bặc, Ngoại giáp là Đinh Điền, Thập đạo Tướng quân là Lê Hoàn, cùng nhau rước Vệ Vương là Đinh Toàn lên ngôi Hoàng đế, tôn (Đinh Bộ Lĩnh) là Đinh Tiên Hoàng đế, tôn thân mẫu (của Vệ Vương Đinh Toàn) là Dương Thị làm Dương Thái hậu, đồng thời, đem linh cữu Đinh Tiên Hoàng đế táng ở Sơn Lăng Trường Yên (thuộc Hoa Lư, Ninh Bình).
Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Đế vương dấy nghiệp, chẳng có ai lại không nhờ ở trời. Nhưng, thánh nhân không thể cậy có mệnh trời mà không cố làm hết phận sự của mình. Cho dẫu là việc đã thành cũng phải lo nghĩ để phòng giữ. Cho nên, sửa sang lễ nhạc, hình án và chính sự chẳng qua là để giữ lòng người, đặt ra nhiều lần cửa (trong kinh đô) và đánh trống canh làm hiệu là để đề phòng kẻ hung ác, bởi vì lòng người ham hố quả không cùng, việc đời nhiêu khê quả không bến, quyết không thể không phòng bị được. Lo xa cho đời sau, mưu tính cho con cháu cũng chính là ở chỗ này. Đinh Tiên Hoàng chưa thể gọi là đã trọn được đời vì chưa làm hết việc người chứ không phải là trời không giúp nữa. Và, cũng vì Nhà vua chưa thể gọi là trọn được đời nên lời sấm truyền kia mới tạm đắc thắng, đời sau rất dễ bị mê hoặc bởi điều này”.

Lời bàn:

Giết người là tội đại ác. Tội ấy, trời không thể dung, đất chẳng thể tha. Giết người vì mục đích tranh đoạt chức quyền của vị anh hùng có công lớn với xã tắc, thì trong tội đại ác, còn có thêm bao tội đại ác nữa. Hỡi đấng cao xanh vô tâm đến độ lạnh lùng, lẽ đâu như Đỗ Thích mà cũng là người được ư? Ngô Sĩ Liên có lời trách Đinh Tiên Hoàng thiếu cẩn trọng. Lời ấy chí phải, nhưng con người bị con người hãm hại, chẳng qua chỉ vì thiếu cẩn trọng đề phòng, càng nghĩ càng thấy chua chát làm sao.
Thuở ấu thơ, kẻ hậu sinh này, từng được đến viếng Hoa Lư và từng được thực hiện một tục lệ tuyệt vời: bất cứ ai trước khi vào thắp nhang tưởng nhớ Đinh Tiên Hoàng, đều phải cầm lấy cái roi mây để sẵn, đánh mạnh vào cánh tay bằng đá đặt cách cửa đền không xa. Đã có không ít người căm giận, đánh đến nát cả roi mây, bởi vì cánh tay bằng đá ấy tượng trưng cho cánh tay tội lỗi của Đỗ Thích.
Tương tự như vậy, ở Trung Quốc, bất cứ ai vào đền viếng Nhạc Phi (danh tướng của Trung Quốc thời Tống) cũng đều lấy dùi để sẵn, đánh vào đầu bức tượng Tần Cối (kẻ gian thần đã hãm hại Nhạc Phi) cách đó không xa. Hóa ra đó đây và xưa nay đều vậy, có ai lại không khinh ghét lũ bất nghĩa bất trung!
Như Đỗ Thích, giờ thì dẫu một chút xương tàn cũng chẳng còn nữa, nhưng sự khinh ghét đã ngàn năm rồi mà có hề giảm bớt, được đâu!

_________________________
Việt Sử Giai Thoại - Tập 1 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 4 Signat21
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Việt Sử Giai Thoại - Tập 1 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 4 Empty
Bài gửiTiêu đề: 31 - Cái Chết Của Đinh Điền Và Nguyễn Bặc   Việt Sử Giai Thoại - Tập 1 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 4 I_icon13Sat 11 Sep 2010, 01:40

31 - CÁI CHẾT CỦA ĐINH ĐIỀN VÀ NGUYỄN BẶC


Đinh Điền người Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) cùng họ với Đinh Tiên Hoàng. Ông sinh năm nào chưa rõ, chỉ biết ông từng là người có công trong sự nghiệp tiêu diệt loạn mười hai sứ quân, và khi triều Đinh được thành lập, ông được phong tới chức Ngoại giáp.
Đinh Điền mất vào cuối năm Kỉ Mão (979). Nguyễn Bặc sinh năm Giáp Thân (924), mất năm Kỉ Mão (979) thọ 55 tuổi. Ông người Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình), là bạn của Đinh Tiên Hoàng từ hồi còn nhỏ.
Sau, Nguyễn Bặc cũng từng là người có công trong sự nghiệp tiêu diệt loạn mười hai sứ quân, và khi triều Đinh được thành lập, ông được phong tới tước Định Quốc công.
Tháng mười năm Kỉ Mão (979), Đinh Tiên Hoàng và con trai trưởng là Nam Việt Vương Đinh Liễn bị tên nghịch thần là Đỗ Thích giết hại. Ngay sau đó, Đinh Điền, Nguyễn Bặc và Lê Hoàn đã cùng nhau tôn lập con thứ của Đinh Tiên Hoàng là Đinh Toàn lên nối ngôi. Tiếc thay, ngay sau đó, Đinh Điền và Nguyễn Bặc lại nổi binh chống Lê Hoàn để rồi cả hai cùng bị Lê Hoàn giết hại.
Sự kiện đau lòng này được sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 1, tờ 7a - b và tờ 8-a) chép lại như sau: “Vua nối ngôi khi mới được sáu tuổi, Lê Hoàn lo nhiếp chính, làm những công việc như Chu Công (tức Chu Công Đán, em của vua nhà Chu bên Trung Quốc là Vũ Vương. Chu Công nhận di chiếu của Vũ Vương, tôn lập Thành Vương lên nối ngôi, còn mình thì lo nhiếp chính. Bởi việc này, Chu Công từng bị các quan đương thời gièm pha, cho là Chu Công sẽ làm chuyện thoán nghịch). Lê Hoàn tự xưng là Phó Vương. Bọn Định Quốc Công là Nguyễn Bặc, Ngoại Giáp là Đinh Điền, cùng với Phạm Hạp, ngờ rằng Lê Hoàn sẽ làm chuyện không hay đối với Nhà vua còn nhỏ tuổi, bèn dấy binh thủy bộ, chia làm hai ngả tiến về kinh đô để giết Lê Hoàn, nhưng không đánh nổi mà đều bị giết.
Trước khi bọn Đinh Điền và Nguyễn Bặc cất quân, Thái hậu đã hay tin, lòng những lấy làm lo sợ, bèn đến báo với Lê Hoàn rằng:
- Bọn Nguyễn Bặc dấy quân làm loạn, gây kinh động cả nước nhà ta mà vua thì còn nhỏ tuổi, chưa thể kham nổi việc cứu nạn, vậy, các ông nên sớm liệu, chớ để tai họa về sau.
Lê Hoàn nói:
- Thần ở chức Phó Vương, quyền nhiếp chính sự, cho dẫu biến loạn sống chết thế nào, cũng quyết đảm đương trách nhiệm.
Nói rồi, ông chuẩn bị quân ngũ, đánh nhau với (Đinh) Điền và (Nguyễn) Bặc ở Tây Đô. Lê Hoàn người Ái Châu (nay thuộc tỉnh Thanh Hóa), nay đóng đô ở Hoa Lư, vì thế, sử gọi Ái Châu là Tây Đô. (Đinh) Điền, (Nguyễn) Bặc thua chạy. Sau, chúng đem thủy quân ra đánh. Lê Hoàn nhân thuận gió, phóng lửa đốt hết chiến thuyền của chúng, chém chết (Đinh) Điền tại trận và bắt sống được (Nguyễn) Bặc đem về kinh sư. (Lê Hoàn) kể tội Nguyễn Bặc rằng: - Tiên đế gặp nạn, lòng người và thần nhân đều căm giận và hổ thẹn. Ngươi là bề tôi mà nhân lúc tang tóc bối rối để dấy quân bội nghĩa, vậy thì phận làm tôi để ở đâu? Nói rồi, sai người đem (Nguyễn Bặc) ra chém đầu. Bọn (Đinh) Điền và (Nguyễn) Bặc đã bị giết rồi, quân của bọn Phạm Hạp cũng tự nhiên mất hết khí thế, bỏ chạy về làng Cát Lợi ở Bắc Giang. (Lê) Hoàn đem quân đuổi theo, bắt được Phạm Hạp đem về kinh sư.

Lời bàn:

Có suy ngẫm mới hay, sở dĩ Đinh Tiên Hoàng đầy uy danh lừng lẫy, ấy cũng bởi vì quanh Đinh Tiên Hoàng và sát cánh với Đinh Tiên Hoàng là một loạt những tướng lĩnh tài ba, như Đinh Điền, như Nguyễn Bặc, như Phạm Hạp, như Lê Hoàn và như không biết bao nhiêu là người khác. Tiếc thay, những bậc anh tài này chỉ sát cánh với nhau khi có Đinh Tiên Hoàng chớ không thể sát cánh với nhau sau khi Đinh Tiên Hoàng đã khuất. Anh tài chẳng thể nương tha anh tài, xót xa thay! Đinh Điền, Nguyễn Bặc và Phạm Hạp đều là các bậc đại trượng phu, bừng bừng chí cả. Nhưng, chí và trí chẳng tương đồng. Có ai ngờ rằng các bậc dũng tướng lại thiếu sáng suốt khi phân tích những diễn biến xảy ra quanh mình? Quả thật, không thể nói khác hơn rằng, Đinh Điền, Nguyễn Bặc và Phạm Hạp đã xử thế một cách rất không bình thường. Họ chỉ mới thấy ngôi vua mà chưa thực sự thấy triều đình, chỉ mới thấy chuyện hoàng tộc chứ chưa thực sự thấy hết chuyện xã tắc, chỉ mới thấy việc ở trước mắt chứ chưa thấy sự lợi hại của mai sau. Trách Lê Hoàn sao không chịu nương tay chăng? Hẳn nhiên, Lê Hoàn cũng có chỗ không đúng, nhưng chắc chắn, việc làm của ông cũng chẳng phải là sai. Cổ nhân mà!

_________________________
Việt Sử Giai Thoại - Tập 1 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 4 Signat21
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Việt Sử Giai Thoại - Tập 1 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 4 Empty
Bài gửiTiêu đề: 32 - Đoạn Kết Bi Thảm Của Cuộc Đời Ngô Nhật Khánh   Việt Sử Giai Thoại - Tập 1 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 4 I_icon13Sat 11 Sep 2010, 01:41

32 - ĐOẠN KẾT BI THẢM CỦA CUỘC ĐỜI NGÔ NHẬT KHÁNH


Ngô Nhật Khánh người Đường Lâm, đất này, nay thuộc huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây. Các bộ sử cũ đều nói rằng, Ngô Nhật Khánh vừa là người đồng hương, lại cũng vừa là người bà con cùng một họ với Ngô Quyền.
Sau khi Ngô Quyền mất (năm 944), đất nước loạn lạc bởi sự hoành hành của nạn cát cứ. Các thế lực yếu bị tiêu diệt dần, đến nửa sau của thế kỉ thứ X, cả nước chỉ còn mười hai thế lực lớn. Sử gọi đó là loạn mười hai sứ quân.
Ngô Nhật Khánh là một trong số mười hai sứ quân này. Lấy quê nhà làm chỗ dựa, Ngô Nhật Khánh đã không ngừng mở rộng ảnh hưởng, từng một thời hùng cứ ở vùng đất thuộc tỉnh Hà Tây ngày nay. Năm 967, Đinh Bộ Lĩnh tiêu diệt hết mười hai sứ quân. Tuy nhiên, vì kính trọng tài năng và đức độ của Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh chẳng những không nỡ giết người bà con của Ngô Quyền là Ngô Nhật Khánh, mà còn tìm đủ mọi cách để lôi kéo Ngô Nhật Khánh về với mình. Tiếc thay, Ngô Nhật Khánh đã nuôi lòng thù oán một cách vô lối để rồi rốt cuộc phải chết một cách bi thảm.
Về sự kiện này, sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (chính biên, quyển 1, tờ 11) viết rằng: “(Ngô) Nhật Khánh là bà con của Ngô Tiên Chúa (tức Ngô Quyền). Trước kia, (Ngô Nhật Khánh) từng xưng là An Vương, cùng trong số mười hai sứ quân giữ đất tranh hùng. Khi Đinh Tiên Hoàng đánh dẹp được (Ngô) Nhật Khánh rồi, bèn lập mẹ của hắn làm Hoàng hậu, hỏi em gái của hắn cho con mình là Nam Việt Vương (Đinh) Liễn, lại gả công chúa cho hắn nữa, thế mà Ngô Nhật Khánh vẫn không bớt oán hờn. Hắn dẫn vợ là công chúa của Đinh Tiên Hoàng đi trốn. Tới cửa biển Nam Giới (tức là cửa Sót, nằm ở huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh ngày nay), hắn rút dao bên mình ra, rạch mặt vợ mà kể tội:
- Cha mày đã lừa gạt để ức hiếp mẹ con ta. Ta có đâu lại vì mày mà bỏ qua tội ác của cha mày. Thôi, mày hãy trở về, ta sẽ một thân một mình đi tìm ai có thể cứu được ta đây.
Nói rồi, Ngô Nhật Khánh chạy sang Chiêm Thành. Nay, nghe tin Đinh Tiên Hoàng đã mất, Ngô Nhật Khánh dẫn quân Chiêm Thành, theo đường biển mà vào cướp phá. Chẳng dè, khi quân của chúng đi qua cửa biển Đại Nha và cửa biển Tiểu Khang thì phong ba nổi lên, nhận chìm hết cả thuyền bè, Ngô Nhật Khánh bị chết đuối. Chúa Chàm (tức vua Chiêm Thành) may được thoát nạn, thu nhặt tàn quân mà chạy về”.

Lời bàn:

Nhân thời loạn mà làm loạn, sự ấy dẫu chẳng tốt đẹp gì, nhưng thôi, Ngô Nhật Khánh cũng hùng cứ một phương như bao kẻ hùng cứ các phương, hãy tạm cho là sự thường. Quan hệ hôn nhân giữa gia đình Đinh Tiên Hoàng với gia đình Ngô Nhật Khánh, tuy có phần rắc rối đến độ khó thương, nhưng, nếu xét đến tâm thành của Đinh Tiên Hoàng đối với xã tắc, kể cũng có thể coi là sự thường vậy. Mọi sự bất thường đều ở cái tâm bất chính của Ngô Nhật Khánh mà thôi. Khi loạn mười hai sứ quân đã bị dẹp, quyền cai trị giang sơn đã được Đinh Tiên Hoàng thu về một mối, thì chống Đinh Tiên Hoàng tức là chống lại nền thống nhất thiêng liêng, tức là xúc phạm đến tình cảm chung của nhân dân cả nước. Sự vô đạo trong xử thế với thân nhân của Ngô Nhật Khánh, đời dẫu có khinh vẫn có thể tha, song, chống lại triều đình trong trường hợp này là trọng tội, quyết không thể dung tha được. Từ chỗ loạn nhà đến chỗ hại nước, khoảng cách thật chẳng xa. Cho dẫu ngàn năm vật đổi sao dời, lòng khinh ghét và căm giận của thế gian đối với kẻ bất trung và phản quốc có bao giờ thay đổi đâu. Như Ngô Nhật Khánh, đã bất hiếu lại bất trung, đã hại dân lại phản quốc, còn mặt mũi nào sống giữa trời cao đất dày nữa. Phong ba bất ngờ nổi lên, đó là chuyện của phong ba, nhưng, cái chết bi thảm của Ngô Nhật Khánh lúc này có phải là chuyện bất ngờ đâu. Giá thử Ngô Nhật Khánh có may mắn thoát khỏi phong ba của biển, hắn cũng chẳng thể thoát khỏi bão táp căm giận của lòng người đương thời. ...
Mới hay, những kẻ phi loài,
Dẫu người không giết thì trời chẳng tha.

_________________________
Việt Sử Giai Thoại - Tập 1 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 4 Signat21
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Việt Sử Giai Thoại - Tập 1 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 4 Empty
Bài gửiTiêu đề: 33 - Thương Hại Thay ! Tuớng Quân Hầu Nhân Bảo   Việt Sử Giai Thoại - Tập 1 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 4 I_icon13Sat 11 Sep 2010, 01:42

33 - THƯƠNG HẠI THAY ! TUỚNG QUÂN HẦU NHÂN BẢO


Năm 960, Triệu Khuông Dẩn lên ngôi Hoàng Đế, đó là Tống Thái Tổ, vị vua đầu tiên của nhà Tống (960 – 1278). Cũng như bao Hoàng Đế Trung Hoa khác, ngay sau khi lên ngôi, Tống Thái Tổ đã mưu tính kế sách bành trướng xuống phương Nam. Nhưng, kế sách chưa thực hiện được thì Tống Thái Tổ qua đời. Hoàng Đế kế vị là Triệu Khuông Nghĩa (tức Tống Thái Tông) quyết nối chí lớn của Tống Thái Tổ, ngày đêm lo nghĩ mưu đồ thôn tính nước ta.
Đang khi Tống Thái Tông chưa tìm được cơ hội thuận tiện, thì ở nước ta, Đinh Tiên Hoàng qua đời và ngay sau đó là cuộc xung đột vũ trang giữa phái của Đinh Điền, Nguyễn Bặc và Phạm Hạp với phái của Lê Hoàn. Quan biên ải phía Nam của nhà Tống là Hầu Nhân Bảo dò biết được mọi sự, bèn xin được về triều để báo cáo tình hình. Nói cho ngay, Hầu Nhân Bảo cũng vì mâu thuẫn với đồng liêu cho nên bị bắt ra làm quan ở biên ải phía Nam, chín năm trời không được về thăm nhà, đến đây, muốn xin về triều để nhân đó mà xin về thăm nhà luôn thể. Nhưng, thương hại thay, Hầu Nhân Bảo tính kế lợi mình mà hại người, chưa thỏa ước nguyện riêng đã phải về nơi chín suối.
Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (chính biên, quyển 1) có hai đoạn chép chuyện Hầu Nhân Bảo, nay xin được giới thiệu như sau: “Trước đây, viên quan giữ đất Ung Châu (Trung Quốc) của nhà Tống là Hầu Nhân Bảo dâng thư (về triều) nói rằng, ở Giao Châu (chỉ nước ta) đang có biến loạn, triều đình chỉ cần đem một ít quân sang là cũng đã có thể chiếm lấy được. Hầu Nhân Bảo cũng xin được về triều để trình bày việc này. Vua Tống được thư, mừng lắm, đã toan sai quân chạy ngựa trạm đi triệu Hầu Nhân Bảo về ngay, nhưng Lư Đa Tốn (kẻ có hiềm thù với Hầu Nhân Bảo và đặc biệt là với Triệu Phổ, anh vợ của Hầu Nhân Bảo) lại tâu rằng:
- Nước nhỏ kia đang có nội loạn, đó chính là cơ trời khiến chúng phải mất, thế thì ta nên xuất kì bất ý mà đánh úp, tức là làm theo lối sét đánh thình lình, che tai không kịp. Nay nếu có lệnh cho Hầu Nhân Bảo về trước thì mưu kia tất phải bị lộ, bọn họ biết mà đề phòng, ta không dễ gì lấy được đâu. Vậy, chi bằng hãy mật sai Hầu Nhân Bảo ngầm lo mọi việc, sau mới xuất quân đánh tràn sang, thắng lợi mười phần cầm chắc cả mười.
Vua Tống cho lời ấy là phải, bèn phong cho Hầu Nhân Bảo làm Giao Châu thủy lục Chuyển vận sứ, lại phong cho bọn Tôn Toàn Hưng, Trần Khâm Tộ, Lưu Trừng và Giả Thực được quyền nắm binh mã, hẹn ngày cùng kéo sang xâm lược nước ta” (Tờ 12).
“Bấy giờ (năm Tân Tị, 981), quân Tống tràn sang xâm lấn nước ta. Hầu Nhân Bảo kéo đến Lãng Sơn (tên một hòn đảo ở vịnh Hạ Long), Trần Khâm Tộ kéo đến Tây Kết, Lưu Trừng kéo đến Bạch Đằng. Nhà vua (chỉ Lê Hoàn) tự mình làm tướng để chống giặc, sai quân đóng cọc gỗ ở sông Bạch Đằng để cản đối phương. Quân Tống quá đông nên quân ta đánh có phần bất lợi, hai trăm thuyền chiến bị giặc cướp. Hầu Nhân Bảo đem quân tiến lên trước nhưng Tôn Toàn Hưng thì đóng quân lại, tỏ ý dùng dằng, khiến cho Hầu Nhân Bảo phải mấy phen thúc giục. Khi quân Hầu Nhân Bảo tới, Nhà vua sai người trá hàng rồi lập mưu, dụ bắt được Hầu Nhân Bảo đem chém. Bọn Lưu Trừng sợ mà rút lui, Trần Khâm Tộ nghe tin cũng tháo chạy trở về. Nhà vua sai tướng xuất quân truy kích. Trần Khâm Tộ thua to, quân lính chết hơn quá nửa. Bọn bộ tướng của giặc là Quách Quân Biện và Hứa Trọng Tuyên đều bị bắt giải về kinh đô. Quan giữ chức Chuyển vận sứ của nhà Tống là Hứa Trọng Tuyên viết tờ tâu về triều, báo cáo việc thua trận. Vua Tống bèn hạ lệnh rút lui (Tờ 17).

Lời bàn :

Đánh lén vào nước người khi nước người đang có biến loạn, kế ấy tuy chẳng mới mẻ gì, nhưng, như Hầu Nhân Bảo mà cũng biết được thì cũng cho là thông minh. Tiếc thay, Lê Hoàn lại thông minh hơn Hầu Nhân Bảo. Người sinh không phải thời, ấy là Hầu Nhân Bảo chăng? Lư Đa Tốn quả là kẻ thâm hiểm. Một lời hắn nói ra, nghe cứ ngọt như đường, trên thì khiến vua phải ưng theo, dưới thì buộc đồng liêu (cũng là đối thủ) phải ngậm bồ hòn và cam phận bị chôn chân ở nơi biên ải. Binh pháp cổ của Trung Quốc vẫn răn tướng lĩnh phải biết người biết ta. Hầu Nhân Bảo chẳng hề biết ta cũng chẳng hề biết người, không chết sớm mới là lạ, chớ chết sớm có gì là lạ đâu. Với người, tức là với nước ta, Hầu Nhân Bảo chỉ mới thấy có sự biến loạn, chưa hề biết Lê Hoàn là người như thế nào. Với mình, tức là với nhà Tống và bạn đồng liêu, Hầu Nhân Bảo chỉ mới láu lỉnh, tính nhân việc này để làm việc kia, chưa hề biết rằng, phàm là việc bất nghĩa, sớm muộn thế nào cũng thảm bại, cũng chưa hề biết rằng, một đồng liêu ngầm nuôi mưu hãm hại thì nguy hại còn hơn cả binh hùng tướng mạnh của đối phương. Chẳng hay sinh thời, Hầu Nhân Bảo có bao giờ nghĩ đến những điều đại loại như thế này. Nhưng, nếu có nghe thì cũng chưa hề nghĩ thấu đáo, nếu không, sự thể đâu đến nỗi bi thảm như vậy. Thương hại thay!

_________________________
Việt Sử Giai Thoại - Tập 1 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 4 Signat21
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Việt Sử Giai Thoại - Tập 1 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 4 Empty
Bài gửiTiêu đề: 34- Đại Lược Vê Lí Lịch Trước Khi Lên Ngôi Của Lê Hoàn   Việt Sử Giai Thoại - Tập 1 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 4 I_icon13Sat 11 Sep 2010, 01:42

34- ĐẠI LƯỢC VÊ LÍ LỊCH TRƯỚC KHI LÊN NGÔI CỦA LÊ HOÀN


Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (bản kỉ, quyển 1, tờ 14 và 15) chép chuyện Lê Hoàn trước khi được tôn lên ngôi Hoàng Đế như sau:
“Thân mẫu của nhà vua, người họ Đặng, trước đó, khi đang mang thai, bỗng nằm mơ thấy bụng mình nở ra hoa sen và kết thành hạt sen ngay, bà bấy hạt sen ấy đem chia cho mọi người nhưng phần mình lại không ăn. Tỉnh dậy, bà lấy làm lạ lắm. Đến khi sinh Nhà vua, vừa thoáng thấy mặt mũi đến hình dáng đều khác thường, bà nói với mọi người:
- Thằng bé này về sau ắt sẽ được sang giàu hơn người, chỉ tiếc là tôi không kịp được hưởng lộc mà thôi.
Thế rồi được độ vài năm, bà mất và sau đó, thân sinh (của Nhà vua) cũng qua đời. Bấy giờ, có viên quan người họ Lê (hiện chưa rõ tên), người Ái Châu (nay thuộc Thanh Hóa) thấy (Nhà vua) có dung mạo khác thường, bèn nuôi làm con.
Một hôm, mùa đông giá rét (Nhà vua) phải nằm phục xuống như hình cái cối úp cho đỡ buốt, chẳng dè đêm ấy, nhà sáng rực cả lên vì có con rồng vàng nằm che lên cho (Nhà vua). Viên quan người họ Lê càng lấy làm lạ. Lớn lên (Nhà vua) từng giúp việc cho Nam Việt Vương (Đinh) Liễn, tỏ ra tài giỏi và có chí lớn hơn người. (Đinh) Tiên Hoàng khen là người giàu mưu trí và có sức mạnh, bèn giao cho quyền được cai quản hai ngàn quân, sau, thăng dần lên đến chức Thập đạo Tướng quân, Điện tiền chỉ huy sứ”.

Lời bàn :

Người mẹ nào cũng đều có thể có những giấc mơ và những lời nói tương tự như thân mẫu của Lê Hoàn, bởi vì đó thực sự chỉ là khao khát tự nhiên của thế tục. Song, thời ấy chỉ có Lê Hoàn mới là người biến khát khao của thân mẫu thành hiện thực phi thường. Có bao nhiêu người mẹ là có bấy nhiêu người nuôi những ước vọng chân thành về con mình, chỉ tiếc là không phải bất cứ người con nào cũng đều có thể làm thỏa nguyện đấng sinh thành của mình mà thôi.
Rồng vàng che chở Lê Hoàn là chuyện có thật chăng? Trong trường hợp này, tin sách chẳng bằng không có sách vậy. Nhưng, với một người mà nhỏ thì cần cù và giàu nghị lực chịu đựng, lớn thì chí cả và mưu lược hơn người, thiên hạ thêm thắt rồi sử cứ thế mà chép chuyện rồng vàng che chở, chẳng qua cũng chỉ để tăng thêm sự kính trọng mà chữ nghĩa khó bề diễn đạt hết đó thôi. Thêm điều phi thường cho các đấng phi thưởng vốn là sự thường của ngàn xưa, và không ít khi, chính sự thường này lại góp phần không nhỏ vào việc tạo ra những sự phi thường mới.
Ngẫm mà xem!

_________________________
Việt Sử Giai Thoại - Tập 1 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 4 Signat21
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Việt Sử Giai Thoại - Tập 1 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 4 Empty
Bài gửiTiêu đề: 35 - Chuyện Lê Hoàn Lên Ngôi Hoàng Đế   Việt Sử Giai Thoại - Tập 1 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 4 I_icon13Sat 11 Sep 2010, 01:43

35 - CHUYỆN LÊ HOÀN LÊN NGÔI HOÀNG ĐẾ


Lê Hoàn sinh năm Tân Sửu (941) tại làng Trung Lập, Châu Ái (nay làng này thuộc Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa), mất năm Ất Tị (1005), thọ 64 tuổi.
Thuở nhỏ, vì gia đình nghèo, Lê Hoàn đi ở và làm con nuôi. Sau, Lê Hoàn theo Đinh Bộ Lĩnh đánh dẹp loạn mười hai sứ quân. Nhờ có tài, lại được Đinh Bộ Lĩnh yêu, ông thăng tiến rất nhanh. Dưới triều Đinh Tiên Hoàng, Lê Hoàn giữ chức Thập đạo Tướng quân, tức là chức võ quan cao nhất lúc bấy giờ.
Năm 979, khi Đinh Tiên Hoàng và con trai trưởng là Nam Việt Vương Đinh Liễn bị giết hại, con thứ của Đinh Tiên Hoàng là Vệ Vương Đinh Toàn được đưa lên nối ngôi, Lê Hoàn là Phó Vương, giữ quyền nhiếp chính. Các quan trong triều như Đinh Điền, Nguyễn Bặc và Phạm Hạp nghi ngờ Lê Hoàn sẽ làm việc mờ ám, bèn dấy binh để đánh, nhưng rốt cuộc lại bị Lê Hoàn đánh bại và giết chết. Từ đó, uy danh của Lê Hoàn ngày một lớn hơn. Tuy nhiên, khi nội loạn vừa dẹp yên thì ngoại xâm lại tràn tới. Nghe theo lời tâu của Hầu Nhân Bảo, nhà Tống xua quân đến xâm lược nước ta. Triều đình đương thời đứng trước một thực tế rất khó xử, rằng ai sẽ là người đủ uy tín và đủ năng lực để điều khiển vận mệnh quốc gia?
Tháng bảy năm Canh Thân (980), một sự kiện lớn đã diễn ra tại kinh đô Hoa Lư.
Sự kiện này được sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (chính biên, quyển 1, tờ 13) chép lại như sau: “Quan giữ đất Lạng Châu (vùng Lạng Sơn và Quảng Ninh ngày nay) đem việc đó (chỉ việc quân Tống tràn sang xâm lược nước ta) tâu lên, Dương Thái hậu bèn sai Lê Hoàn tuyển lựa dũng sĩ để chống lại. (Triều đình) cho Phạm Cự Lượng (em của Phạm Hạp, người Nam Sách, nay thuộc tỉnh Hải Dương) làm Đại tướng, được quyền bày mưu tính kế đánh giặc. (Phạm) Cự Lượng cùng các tướng, mặc nguyên quân phục, vào thẳng nội điện, nói thẳng với mọi người rằng:
- Thưởng người có công, trị người phạm tội, ấy là phép dùng binh. Nay, chúa thượng thì thơ ấu, dẫu bọn ta có liều chết mà đánh rồi may lập được chút công lao, thì ai sẽ là người biết cho? Vậy thì chi bằng trước hãy tôn ngay quan Thập đạo Tướng quân (tức Lê Hoàn) lên ngôi Thiên Tử rồi sau đó mới xuất quân.
Quân sĩ nghe vậy thì đều tung hô “vạn tuế”.
Dương Thái hậu cũng một lòng mến phục, liền sai lấy tấm Long Cổn khoác lên người Lê Hoàn, rồi cũng chính Dương Thái hậu khuyên Lê Hoàn lên ngôi. Lê Hoàn lên ngôi, đổi niên hiệu là (Thiên Phúc), giáng Hoàng đế là Đinh Toàn xuống làm Vệ Vương như cũ”.

Lời bàn:


Đinh Tiên Hoàng mất, vua nối ngôi là Đinh Toàn chỉ mới được sáu tuổi, Lê Hoàn làm Phó Vương, giữ quyền nhiếp chính, ấy là vì sự thể lúc đó buộc phải làm như vậy. Sau, vận nước lâm nguy, xã tắc không thể phó thác cho Đinh Toàn bé nhỏ, chư tướng cùng Dương Thái hậu tôn Lê Hoàn lên ngôi, và Lê Hoàn đã vui nhận ý tôn lập đó, ấy cũng bởi sự thể lúc bấy giờ buộc phải làm như vậy đó thôi. Ai lên ngôi để hưởng cuộc đời nhung lụa, còn Lê Hoàn lên ngôi trước hết là để nhận lấy sứ mệnh vinh quang mà cực kì khó khăn, đó là chỉ huy cuộc chiến đấu chống quân Tống xâm lăng, bảo vệ nền tự chủ và thái bình cho xã tắc, kính thay! Cũng là anh em ruột thịt một nhà nhưng nếp nghĩ của Phạm Hạp và Phạm Cự Lượng mới khác nhau làm sao. Ai dám bảo rằng Phạm Hạp bất tài và bất trung? Nhưng, chút suy nghĩ nông cạn đã đẩy Phạm Hạp vào ngõ cụt đầy bi kịch. Mới hay, giữa cái tốt và cái xấu, giữa cao thượng với thấp hèn, giữa anh hùng với phản nghịch, tất cả, đôi khi chỉ xuất phát từ một phút suy nghĩ nông cạn và rất điên rồ đó thôi. Trách Phạm Cự Lượng và chư tướng sao chỉ nghĩ đến việc cần người ghi nhận công lao cho mình ư? Rằng đúng thì kể cũng có phần đúng, nhưng nếu cứ lấy đạo đức ngày nay làm chuẩn để xét đoán, thì lịch sử sẽ chẳng còn là lịch sử nữa. Có phải cái đúng bao giờ cũng đúng hết với mọi thời đâu. Ngẫm mà xem!

_________________________
Việt Sử Giai Thoại - Tập 1 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 4 Signat21
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Việt Sử Giai Thoại - Tập 1 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 4 Empty
Bài gửiTiêu đề: 36 - Lê Hoàn Tiếp Sứ Giả Nhà Tống Như Thế Nào?   Việt Sử Giai Thoại - Tập 1 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 4 I_icon13Sat 11 Sep 2010, 01:44

36 - LÊ HOÀN TIẾP SỨ GIẢ NHÀ TỐNG NHƯ THẾ NÀO?


Cũng như bao vị Hoàng đế khác của nước ta, Lê Hoàn coi nhà Tống là Thiên triều, vua Tống là Thiên tử, còn mình thì chịu sự tấn phong dần dần từ thấp lên cao. Theo lễ, vua chư hầu phải tổ chức đón tiếp sứ giả Thiên triều một cách thật trọng thể. Với những sứ giả mang sắc phong của Thiên tử đến thì lễ đón tiếp phải càng trọng thể hơn. Nhưng, chuyện Lê Hoàn tiếp sứ giả của Thiên triều thì khác hẳn.
Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 1) có mấy đoạn ghi chép về việc này. Đoạn thứ nhất (tờ 19-b), chép chuyện Lê Hoàn tiếp phái bộ sứ giả nhà Tống do Tống Cảo cầm đầu. Phái bộ này đến nước ta vào năm Canh Dần (990):
“Nhà Tống sai quan giữ chức Tả Chính Ngôn là Tống Cảo, quan giữ chức Hữu Chính Ngôn là Vương Thế Tắc, mang tờ chế sắc sang phong thêm cho Nhà vua hai chữ đặc tiến. Vua sai bọn Nha nội chỉ huy sứ là Đinh Thừa Chính đem chín chiếc thuyền đến tận Thái Bình (đất này nay thuộc tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc) để dẫn sứ giả theo đường biển mà vào. Nửa tháng sau thì (sứ giả) đến sông Bạch Đằng rồi cứ thế, theo thủy triều mà đi. Mùa thu, tháng chín, sứ giả đến trạm Nại Chinh ở Trường Châu (thuộc Ninh Bình). Nhà vua ra ngoài thành để tiếp. (Khi tiếp thì) bày các thứ chiến cụ để khoe. Vua cầm cương ngựa, cùng đi với sứ giả. Đến cửa Minh Đức (tên một cửa trong kinh thành Hoa Lư), Nhà vua để chiếu thư lên trên điện chứ không chịu lạy, nói dối rằng, năm ngoái đi đánh giặc man, ngã ngựa nên đau chân. (Tống) Cảo và (Vương) Thế Tắc tin ngay là thực. Sau đó, Vua bày yến tiệc để thiết đãi sứ giả và nói với (Tống) Cảo rằng:
- Từ nay trở đi, hễ có quốc thư thì chỉ nên giao nhận ở biên giới, không phiền sứ giả phải đến tận đây nữa.
(Tống) Cảo về tâu lại. Vua Tống bằng lòng”.

Đoạn thứ hai (tờ 22-b) chép chuyện Lê Hoàn tiếp phái bộ sứ giả của nhà Tống do Lý Nhược Chuyết cầm đầu, đến nước ta vào năm Bính Thân (996):
“Vua nhà Tống sai Lý Nhược Chuyết mang chiếu thư và đai ngọc sang ban cho Vua. Khi (Lý) Nhược Chuyết đến, Vua cũng ra tận phía ngoài thành để đón nhưng lại tỏ cho sứ giả thấy mình cao quý khác thường, ngạo mạn không chịu làm lễ. (Nhân vì Lý Nhược Chuyết có ý phiền, rằng sao Nhà vua lại nỡ để cho quân lính tràn sang cướp phá châu Như Hồng của nhà Tống). Vua nói:
- Việc cướp trấn Như Hồng là do bọn cướp biển ở ngoài cõi, Hoàng đế hẳn biết là không phải quân của Giao Châu (chỉ quân ta). Nếu như Giao Châu mà làm phản thì trước hết sẽ cho quân đánh vào Phiên Ngung, sau đó đánh thẳng vào Mân Việt, há có phải là dừng lại ở trấn Như Hồng mà thôi đâu”.

Lời bàn:

Lần thứ nhất, Lê Hoàn vừa đón sứ giả lại vừa bày các thứ chiến cụ để... hù dọa sứ giả. Sứ giả sợ cũng chí phải, bởi vì nhà Tống đem binh hùng tướng mạnh sang mà còn bị Lê Hoàn đánh cho tơi bời, huống chi là lúc này, sứ giả chỉ là hai viên quan văn yếu ớt. Làm sứ giả của nước bại trận, kể cũng khốn khổ thay. Cho nên, vừa nghe Lê Hoàn nói dối là đau chân vì bị ngã ngựa từ… năm ngoái, sứ giả đã vội tin ngay, không dám bắt lỗi việc Lê Hoàn không thèm lạy chiếu thư của Thiên tử. Lê Hoàn bảo rằng từ đây, hễ có quốc thư thì chỉ cần giao nhận ở biên giới là đủ, không phải vào kinh đô làm gì, ấy thế mà Tống Cảo phải nghe, vua Tống cũng phải nghe. Hóa ra, làm vua của nước bại trận còn nhục nhã cam phận, huống chi là sứ giả cỡ như Tống Cảo kia!
Lần thứ hai, thái độ ngạo nghễ của Lê Hoàn, đủ tỏ cho sứ giả lẫn Thiên triều thấy rằng, Lê Hoàn chẳng coi Thiên tử ra gì.
Sử chép lời Lê Hoàn, ấy là tỏ cho muôn đời biết rằng, khí phách Lê Hoàn là khí phách chung của con Hồng cháu Lạc, kẻ nào muốn dòm ngó nước ta thì hãy đọc kĩ lời này. Bấy giờ, đất ta chưa rộng, người ta chưa đông, sức ta chưa thật mạnh, nhưng Lê Hoàn vẫn nghiêm giữ quốc thể. Tờ sắc phong tước vị và báu vật mà Thiên triều ban không hề làm cho Lê Hoàn chịu khom lưng.
Ôi, phải chi ai ai cũng giữ được nhân cách trước mọi cám dỗ của người ngoài!


_________________________
Việt Sử Giai Thoại - Tập 1 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 4 Signat21
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Sponsored content




Việt Sử Giai Thoại - Tập 1 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 4 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Việt Sử Giai Thoại - Tập 1 - Nguyễn Khắc Thuần   Việt Sử Giai Thoại - Tập 1 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 4 I_icon13

Về Đầu Trang Go down
 
Việt Sử Giai Thoại - Tập 1 - Nguyễn Khắc Thuần
Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Similar topics
-
» Việt Sử Giai Thoại - Tập 3 - Nguyễn Khắc Thuần
» Việt Sử Giai Thoại - Tập 5 - Nguyễn Khắc Thuần
» Việt Sử Giai Thoại - Tập 2 - Nguyễn Khắc Thuần
» Việt Sử Giai Thoại - Tập 4 - Nguyễn Khắc Thuần
» Giai thoại văn học Việt Nam
Trang 4 trong tổng số 6 trangChuyển đến trang : Previous  1, 2, 3, 4, 5, 6  Next

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
daovien.net :: TRÚC LÝ QUÁN :: Lịch Sử-