Trang ChínhTìm kiếmLatest imagesVietUniĐăng kýĐăng Nhập
Bài viết mới
Thơ Nguyên Hữu 2022 by Nguyên Hữu Yesterday at 21:04

Cột đồng chưa xanh (2) by Ai Hoa Yesterday at 10:19

Lục bát by Tinh Hoa Yesterday at 07:29

Hơn 3.000 bài thơ tình Phạm Bá Chiểu by phambachieu Thu 03 Oct 2024, 09:16

7 chữ by Tinh Hoa Wed 02 Oct 2024, 12:22

Một thoáng mây bay 14 by Ai Hoa Wed 02 Oct 2024, 08:55

Lịch Âm Dương by mytutru Tue 01 Oct 2024, 17:15

5 chữ by Tinh Hoa Tue 01 Oct 2024, 01:24

Thơ Tú_Yên phổ nhạc by Tú_Yên tv Sun 29 Sep 2024, 15:22

Trang thơ Tú_Yên (P2) by Tú_Yên tv Sun 29 Sep 2024, 15:14

Chùm thơ "Có lẽ..." by Tú_Yên tv Sun 29 Sep 2024, 14:47

LỀU THƠ NHẠC by Thiên Hùng Sun 29 Sep 2024, 11:52

DỤNG PHÁP Ở ĐỜI by mytutru Sun 29 Sep 2024, 01:44

Chúc mừng sinh nhật Cẩn Vũ by Ai Hoa Fri 27 Sep 2024, 09:30

SƯ TOẠI KHANH (những bài giảng nên nghe) by mytutru Fri 27 Sep 2024, 09:27

Vinh Danh Trong Toàn Cầu Thập Bát Danh Nhân by Trà Mi Wed 25 Sep 2024, 12:15

Khoa Học Gia Dương Nguyệt Ánh by Trà Mi Wed 25 Sep 2024, 11:57

8 chữ by Tinh Hoa Tue 24 Sep 2024, 14:23

ĐƯỜNG THƠ MÁI ẤM ĐÀO VIÊN by mytutru Mon 23 Sep 2024, 22:39

Tin Thời Sự Và Những Bình Luận “Trái Chiều” by chuoigia Sun 22 Sep 2024, 01:08

Kỳ thi Tú tài IBM ở Sài Gòn năm 1974 by Trà Mi Fri 20 Sep 2024, 09:44

Thành Tâm Chú Nguyện by mytutru Thu 19 Sep 2024, 10:42

Bầu Cử Mỹ 2024 by chuoigia Wed 18 Sep 2024, 22:24

Vua Trời Hỏi Phật by mytutru Mon 16 Sep 2024, 22:10

BÀI GIẢNG RẤT HAY by mytutru Mon 16 Sep 2024, 20:09

Những bài học thuộc lòng by buixuanphuong09 Mon 16 Sep 2024, 06:46

Đường luật by Tinh Hoa Mon 16 Sep 2024, 06:08

TRANG ALBUM GIA ĐÌNH KỶ NIỆM CHUYỆN ĐỜI by mytutru Thu 12 Sep 2024, 07:44

Tính cách của người Sài Gòn ngày xưa by Trà Mi Mon 09 Sep 2024, 08:28

Xe gắn máy tại miền Nam Việt Nam trước 1975 by Trà Mi Thu 29 Aug 2024, 14:22

Tự điển
* Tự Điển Hồ Ngọc Đức



* Tự Điển Hán Việt
Hán Việt
Thư viện nhạc phổ
Tân nhạc ♫
Nghe Nhạc
Cải lương, Hài kịch
Truyện Audio
Âm Dương Lịch
Ho Ngoc Duc's Lunar Calendar
Đăng Nhập
Tên truy cập:
Mật khẩu:
Đăng nhập tự động mỗi khi truy cập: 
:: Quên mật khẩu

Share | 
 

 BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-1965 - LM CAO VĂN LUẬN

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Chuyển đến trang : Previous  1, 2, 3, 4, 5  Next
Tác giảThông điệp
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7172
Registration date : 01/04/2011

BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-1965 - LM CAO VĂN LUẬN - Page 4 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-1965 - LM CAO VĂN LUẬN   BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-1965 - LM CAO VĂN LUẬN - Page 4 I_icon13Mon 26 Feb 2024, 12:08

BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-1965

L. M. Cao Văn Luận


31. Bác Sĩ Phan Quang Đán sẵn sàng hợp tác với Cụ Diệm

    Tôi không biết tiếng Mỹ nhiều, tuy đã có học sơ sơ. Câu nào không hiểu thì tôi viết lên giấy để nói chuyện với các Bà Phước. Tôi nhớ một mẫu chuyện buồn cười trong mấy ngày tôi trọ trong Trường các Bà Phước. Trong phòng rửa mặt, có một tấm gương soi mặt. Tôi đinh ninh tấm gương gắn chết vào tường, chẳng để ý gì cả. Sáng dậy đánh răng rửa mặt xong tôi để bàn chải, thuốc đánh răng trên lavabo rồi đi dùng bữa ăn sáng. Lúc trở lại, tôi không thấy đâu nữa, lại xuống phố mua thêm. Sang ngày thứ hai, những thức đánh răng của tôi lại biến mất.

Tôi lấy làm kỳ lạ mới hỏi các Bà Phước. Bà Phước dọn phòng tôi mỗi buổi sáng cười chỉ cho tôi một nút bấm sát tấm gương. Bà ấn nhẹ ngón tay vào tấm gương thì tấm gương bật ra, và bên trong là cái tủ nhỏ nhiều ngăn, để hai bộ đồ đánh răng của tôi.

Tôi ở New Jersey vài ngày làm quen với một Cha người Việt Nam là Cha Kiệm, làm Cha Phó một họ đạo gần nơi tôi trú ngụ. Cha Kiệm dẫn tôi đi thăm Thành Phố Nữu Ước khi thì bằng xe hơi, khi thì bằng xuồng trên sông Hudson. Nhìn những tòa nhà chọc trời, những công trình kiến trúc đồ sộ, tôi có cảm tưởng con người như bị kỹ thuật máy móc đè nặng lên.

Trong mấy ngày này tôi gặp Bùi Công Văn và một số sinh viên Việt Nam du học gần vùng này, hay tin tôi đến Mỹ đến thăm hỏi tôi.

Sau mấy hôm tôi lên Hoa Thịnh Đốn, và tìm ngay đến nhà Đỗ Vạn Lý, ở đây tôi gặp Đỗ Trọng Chu, Trần Long. Thành Phố Hoa Thịnh Đốn có lối kiến trúc hơi giống Ba Lê, vì ngày xưa một Kiến Trúc Sư người Pháp đã vẽ họa đồ cho Thành Phố này lúc mới thành lập. Đỗ Vạn Lý và Trần Long dẫn tôi đi thăm các di tích lịch sử cũng như các thắng cảnh ở Hoa Thịnh Đốn. Trong câu chuyện, họ hỏi tôi về tình hình Việt Nam, về ông Diệm.

Tôi nói với họ những ý nghĩ thành thật của mình, và họ cũng cho rằng lúc này ông Diệm về nước thật là thuận tiện. Họ cũng cho tôi biết rằng dư luận Mỹ hiện nay không hoàn toàn ủng hộ Bảo Đại, mặc dầu là nước chính thức nhìn nhận Bảo Đại. Báo chí thường chỉ trích chính phủ về việc giúp Pháp duy trì một chế độ bảo hộ trá hình dưới chiêu bài Bảo Đại. Trong những ngày ở Mỹ trước đây, ông Diệm gây được nhiều thiện cảm trong giới trí thức và chính trị Mỹ, cho nên theo nhận xét của Đỗ Vạn Lý và Trần Long thì việc ông Diệm về chấp chánh sẽ gặp phản ứng thuận lợi từ phía nước Mỹ.

Đỗ Vạn Lý, Trần Long cũng có vẻ sốt ruột mong ông Diệm về nước chấp chánh. Tôi kể cho họ nghe những cuộc tiếp xúc của tôi ở Ba Lê. Trong thời gian ở Hoa Thịnh Đốn, tôi chỉ đóng vai một du khách, không nghĩ đến việc tiếp xúc với ai về vấn đề chính trị. Tôi chỉ lắng nghe Đỗ Vạn Lý và Trần Long, hay Đỗ Trọng Chu cho biết về dư luận Mỹ đối với ông Diệm.

Lúc bấy giờ Quốc Hội Mỹ, nhất là Thượng Viện Mỹ đã chỉ trích việc Mỹ giúp Pháp khoảng 2 tỷ Mỹ kim trong vòng mấy năm từ 1950 trở đi. Thời bấy giờ Tổng Thống Eisenhower và Phó Tổng Thống Nixon vừa lên tiếng trước Quốc Hội nói rằng nếu để cho Đông Dương rơi vào tay cộng sản, thì sẽ nguy hại cho nền an ninh Đông Nam Á.

Ngoại Trưởng Mỹ Foster Dulles bắt đầu giải thích cái gọi là thuyết đô mi nô. Các ông Đỗ Vạn Lý, Trần Long, Đỗ Trọng Chu cho tôi biết những điều đó, có ý nói rằng sự ủng hộ của Mỹ rất quan trọng, nay ông Diệm đã được Mỹ dành cho nhiều thiện cảm, và lá bài Bảo Đại đã được Mỹ coi như lỗi thời, vậy nếu ông Diệm về nước lúc này thì tốt nhất.

Tôi cũng nghĩ đến việc ông Diệm có thể dùng ảnh hưởng Mỹ để loại bỏ bớt, hay ít ra quân bình sự chi phối của Pháp.

Những sinh viên Việt Nam ở Mỹ lúc bấy giờ không đông đảo lắm, nhưng theo chỗ nhận xét của tôi thì đều phục ông Diệm, và do đó nếu ông Diệm về nước ông sẽ có sẵn một số chuyên viên trẻ tận tâm.

Ở Hoa Thịnh Đốn 5 ngày, tôi hay tin sắp có Đại Hội Sinh Viên Việt Nam du học ở Mỹ được tổ chức ở Chicago, tôi từ giã các anh em đi Chicago. Trước khi tôi đi Chicago thì Phan Quang Đán, từ Seatle, lái xe đến Hoa Thịnh Đốn gặp tôi và cùng bàn với tôi rằng ông Diệm nên tìm cách về nước chấp chánh lúc này. Ông Đán tỏ ý muốn hợp tác với ông Diệm nếu được mời.

Ông Đán lúc bấy giờ cũng là một chính khách thuộc loại đang lên. Có lần ông được thăm dò để mời ra hợp tác với Bảo Đại nhưng từ chối. Trong câu chuyện, ông Đán ngụ ý muốn tôi nên khuyên ông Diệm về nước lúc này, và trong câu chuyện với ông Diệm về sau, nên nhắc đến ông. Tôi cũng mừng là phần lớn những trí thức Việt Nam ở nước ngoài đều ủng hộ ông Diệm. Người ở ngoài bao giờ cũng sáng suốt hơn. Như vậy tôi phải công nhận rằng ông Diệm đang được lòng dân, ít ra là trong thành phần trí thức, tức là thành phần có ảnh hưởng lớn nhất trong một xã hội.

Tôi đến Chicago gặp Cha Houssa và các anh em sinh viên Việt Nam. Hồi đó hầu hết các sinh viên đều nghèo, nhiều người vừa học vừa làm việc. Các sinh viên đã được Cha Houssa lo cho chỗ ăn học, nhưng tiền tiêu phần đông đều thiếu thốn, do đó trong các kỳ nghỉ Hè, anh em sinh viên thường về Thành Phố Chicago kiếm việc làm. Họ chịu khó và nhận làm bất cứ việc gì, như bồi bàn, rửa chén, lau xe. Tôi được Cha Houssa đem đến tạm trú tại Nhà Xứ một họ đạo lớn, do Cha chính là Cha Ferring cai quản, với bốn Cha Phó.

Trong số các Cha Phó có hai Cha từng học ở La Mã, và nói tiếng Pháp khá thạo. Nhờ đó những ngày ở lại Chicago, tôi có dịp tiếp xúc trực tiếp với người Mỹ. Hai Cha Phó biết tiếng Pháp hướng dẫn tôi đi thăm vài gia đình người Mỹ Công Giáo, tiếp xúc với một số người Mỹ biết tiếng Pháp. Tôi tự học thêm tiếng Anh, và nhờ các Cha biết tiếng Pháp giúp đỡ. Tôi ở Chicago gần 50 hôm. Những ngày thường tôi học tiếng Anh, đọc báo, nói chuyện với vài người Mỹ biết tiếng Pháp do hai Cha Phó Xứ giới thiệu.

Cuối tuần Cha Houssa và các sinh viên Việt Nam đến hướng dẫn tôi đi thăm các vùng quanh Thành Phố và các Đại Học lân cận. Số sinh viên du học trong khu vực này lên khoảng 40 người. Lúc bấy giờ anh em sinh viên đã thành lập hội sinh viên Công Giáo du học ở Mỹ, do Âu Ngọc Hồ làm Chủ Tịch, và ông Diệm làm cố vấn danh dự. Hầu hết số sinh viên này đều tin tưởng ở ông Diệm và mong cho ông sớm về nước chấp chánh.

Trong câu chuyện với các anh em sinh viên, dĩ nhiên chuyện chiến tranh tại nước nhà và những mẫu chuyện quanh ông Diệm chiếm phần lớn.

Sau hai tháng cố gắng học thêm tiếng Mỹ, rồi hàng ngày phải tiếp xúc với người Mỹ, tôi đã nói chuyện được với người Mỹ, hiểu được tiếng Mỹ, nhờ đó những ngày ở Chicago không đến nỗi buồn chán lắm.

Vào cuối tháng 8, anh em sinh viên tổ chức Đại Hội Sinh Viên Công Giáo Việt Nam du học ở Mỹ trong một Hội Trường Nhà Xứ, do Cha Houssa đi mượn.

Ban tổ chức gồm các anh Âu Ngọc Hồ, Phùng Viết Xuân. Phần lớn các sinh viên theo học ở Đại Học khắp nước Mỹ đều tề tựu về Chicago. Họ là những học trò của tôi ở Huế, và một số nhỏ từ các nơi khác, nhưng qua thư từ của các học trò cũ, tôi đã nghe qua tên họ.

Gọi là Đại Hội cho long trọng vậy thôi, thực ra đây chỉ là một cuộc họp bạn giữa những người Việt Nam xa xứ. Tôi sung sướng được gặp lại các anh em, và các anh em sinh viên cũng tỏ ra vui mừng gặp lại tôi. Ngày xưa họ là học trò của tôi nhưng ngày nay tôi nhìn họ như những người em, những cán bộ tương lai của Việt Nam.

Ngoài chuyện học hành, sinh sống của các sinh viên, Đại Hội đề cập khá nhiều đến tình hình đất nước, và nhất định là không bỏ qua chuyện ông Diệm về chấp chánh. Tôi trình bày với các anh em sinh viên tình hình nước nhà, tường thuật sơ lược những cuộc tiếp xúc của tôi ở Ba Lê. Anh em đều tỏ ra phấn khởi và tin tưởng ở tương lai tươi sáng hơn cho Việt Nam.

Lúc bấy giờ chưa ai nghĩ rằng Pháp sẽ bỏ rơi Việt Nam một cách dễ dàng, và đất nước Việt Nam sẽ bị phân chia. Mọi người hy vọng rằng với một giải pháp quốc gia chính đáng, thế cờ có thể thay đổi, dù không làm cho phe quốc gia chiến thắng, cũng có thể làm cho phe quốc gia đủ mạnh để tìm một giải pháp dung hòa nào. Nhiều người vẫn tin tưởng rằng cụ Hồ là một người yêu nước chỉ mượn sức mạnh cộng sản quốc tế để giải phóng quốc gia khỏi ách đô hộ của Pháp.

Tôi giải bày với các anh em đó rằng cộng sản là một tổ chức quốc tế chặt chẽ, cũng như lý thuyết cộng sản có một sức quyến rũ lớn, làm cho ai đã gia nhập khó mà thoát khỏi. Tôi vẫn thán phục cụ Hồ, nhưng không tin rằng cụ có thể coi cộng sản như một cơ hội, một sức mạnh vay mượn, và về sau xong việc có thể mang trả được. Tôi cũng cho các anh em biết rằng những cuộc thanh trừng các nhân vật chính trị quốc gia càng ngày càng diễn ta khốc liệt, tàn bạo trong các vùng giải phóng, như Thanh-Nghệ-Tĩnh-Bình.

Hơn nữa tôi cũng đã biết cuộc cải cách ruộng đất của Việt Minh đã được thực hiện trong các vùng giải phóng, và cuộc cải cách ruộng đất này đã đưa đến sự đấu tố, sát hại hàng vạn người, phần lớn là những kẻ vô tội, hay chỉ có cái tội duy nhất là có năm bảy mẫu ruộng.

Nếu người khác giải bày với các anh en sinh viên những điều này, thì có lẽ họ còn nghi ngờ, hay đòi hỏi những bằng chứng. Nhưng đối với tôi, anh em hết lòng tin tưởng, chỉ đau xót là ước mơ tha thiết nhất của anh em đã tan vỡ.

Chính tôi nhiều lúc cũng ước mơ cụ Hồ là một người ái quốc, chỉ mượn thế lực cộng sản để đánh đuổi Pháp, rồi sau đó trả lại cho Việt Nam tất cả những gì tinh túy của Việt Nam. Nhưng tôi biết ước mơ này là viển vông phi lý.

Trong những ngày họp mặt, chúng tôi cũng thảo luận về dư luận Mỹ, khuynh hướng Mỹ đối với vấn đề Việt Nam, và ai cũng nhận thấy là thuận lợi cho ông Diệm nhiều. Ngoài những cuộc họp mặt gồm toàn sinh viên Việt Nam, anh em tổ chức vài buổi họp có một số sinh viên, Giáo Sư Mỹ có thiện cảm với các sinh viên Việt Nam.

Sau ngày Đại Hội anh em từ giã tôi trở về nơi trọ học. Bây giờ tôi đã hiểu tiếng Mỹ khá hơn, bắt đầu đi tiếp xúc với các sinh viên, Giáo Sư Mỹ, gặp các Linh Mục, Giám Mục và những nhà trí thức Mỹ. Điều đáng buồn là người Mỹ biết rất ít về Việt Nam. Họ nói đến chiến tranh Việt Nam như nói đến một câu chuyện ngàn lẻ một. Những tin về Việt Nam trên báo Mỹ rất ít và vắn tắt. Chỉ một số ít trí thức và chính khách lưu tâm đến vấn đề Việt Nam và Đông Dương, và số này đều chỉ trích chính phủ Eisenhower thời bấy giờ về chính sách ủng hộ nước Pháp tái lập chế độ bảo hộ trá hình Đông Dương.

Họ chủ trương Việt Nam cần phải có một chính quyền quốc gia chân chính, vừa chống Pháp giành độc lập, vừa chống cộng sản để xây dựng tự do dân chủ.

Giới Công Giáo người có vẻ lưu tâm nhiều đến vấn đề Việt Nam, và đến khía cạnh chống cộng trong chiến tranh Việt Nam. Về sau trong việc giúp đỡ đồng bào Bắc di cư, chính giới Công Giáo Mỹ này đã tỏ ra tích cực nhất. Một số các Đại Học Công Giáo có sinh viên Việt Nam du học đều đã có lần được ông Diệm đến diễn thuyết, nói chuyện cho nên đều tỏ ra sẵn sàng ủng hộ ông Diệm. Hầu hết dư luận đều coi Bảo Đại chỉ là một ông Vua bù nhìn, chịu sự chi phối của người Pháp, còn Cha con ông Tâm thì được coi như đại diện cho lớp địa chủ và quan lại thối nát ở miền Nam, sẽ không làm điều gì ích lợi cho dân tộc Việt Nam.

Trong thời gian này tôi lại được tin tại nước nhà Tướng Navarre bắt đầu một kế hoạch phản công mới. Hành quân Atlente được tung ra. Quân Pháp từ bốn mặt đánh vào mật khu Việt Minh trong các Tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên. Tại Pháp thì Thủ Tướng Mayer vừa từ chức, và ông Joseph Laniel được mời lập chính phủ. Tất cả chiến lược của Tướng Navarre là nhằm làm cách nào nhử cho đại quân Việt Minh xuất đầu lộ diện để quân Pháp có thể sử dụng phi pháo và các phương tiện chuyển vận cơ giới nhanh chóng mà tiêu diệt trọn một vài đơn vị lớn. Nằm trong chiến lược này, Tướng Navarre đặt kế hoạch đổ quân xuống thung lũng Điện Biên Phủ, đồng thời triệt binh khỏi Na Sầm. Cuộc triệt binh này được báo chí Pháp coi như một thành công quân sự quan trọng, vì quân Pháp đã triệt quân an toàn khỏi Na Sầm. Cao Ủy Pháp cũng vừa thay đổi, và bây giờ ông Maurice Dejean thay ông Jean Létournéau.

Việc thay đổi nội các Pháp kéo theo sự thay đổi Cao Ủy Pháp tại Sài Gòn được mọi người coi như bằng chứng của sự lúng túng của Pháp trong vấn đề Việt Nam. Những việc này càng làm cho tôi lo lắng và hồi hộp thêm. Nhiều lần tôi tự hỏi bao giờ thì người Pháp chấp nhận một sự thật đơn giản: Người Việt Nam đang đánh Pháp và làm cho nước Pháp với bao nhiêu binh hùng tướng mạnh phải rúng động, người Việt Nam nếu chọn đúng người, đặt đúng chỗ, giao đúng việc cũng có thể giúp nước Pháp giải quyết chiến tranh Việt Nam, với những điều kiện căn bản tiên quyết, Pháp phải thành thực trao trả độc lập và chủ quyền cho một chính phủ Việt Nam gồm những chính khách quốc gia chân chính.

Càng thất bại, Pháp càng cay cú, càng vấp vào những sai lầm tai hại hơn. Pháp vẫn bám vào lá bài Bảo Đại, vẫn trọng dụng Cha con Tâm-Hinh, vì lý do duy nhất là Bảo Đại không bao giờ phản đối việc làm của Pháp, còn Cha con Tâm-Hinh thì tỏ ra trung thành với Pháp hơn với tổ quốc. Những người Việt Nam yêu nước có tài không còn ai nghĩ đến chuyện hợp tác với Pháp và Bảo Đại. Dư luận quốc tế, dư luận Mỹ càng ngày càng thất lợi cho Pháp. Các nước đồng minh của Pháp trong đó có Mỹ không còn tin tưởng Pháp có thể thắng trận ở Đông Dương và xem chừng cũng không mong cho Pháp thắng. Trong những ngày ở Ba Lê, tôi đã thấy tâm lý quần chúng Pháp chán ngán chiến tranh đến mức nào.
Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7172
Registration date : 01/04/2011

BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-1965 - LM CAO VĂN LUẬN - Page 4 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-1965 - LM CAO VĂN LUẬN   BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-1965 - LM CAO VĂN LUẬN - Page 4 I_icon13Wed 28 Feb 2024, 11:23

BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-1965

L. M. Cao Văn Luận


32. Từ Nữu Ước trở lại Ba Lê

    Sau Đại Hội Sinh Viên Việt Nam du học ở Mỹ được ít lâu tôi lên Nữu Ước cùng với Cha Jacques Houssa, và vẫn trọ lại mấy hôm tại Nhà Dòng các Bà Phước ở New Jersey. Những người quen ở Nữu Ước đến thăm và tiễn biệt tôi, Cha Houssa tiễn đưa tôi đến Phi Trường Nữu Ước và không quên căn dặn tôi tiếp tục lo cho sinh viên du học. Bây giờ Cha ở Mỹ đã lâu, quen biết nhiều, cho nên có thể xin được nhiều học bổng cho sinh viên Việt Nam, hơn nữa dư luận Mỹ bắt đầu thiện cảm đối với Việt Nam nhiều hơn trước.

    Tôi đến Ba Lê thì có Trần Hữu Phương ra đón. Câu nói đầu tiên của ông Phương là một lời báo hung tin. Giọng Phương nghẹn ngào:

    – Thưa Cha, Cảnh mất rồi.

    Tôi lặng người một lúc. Đặng Vũ Cảnh người Hà Nội, là một thanh niên thông minh, ưu tú, đầy hứa hẹn mà tôi coi như một đứa em thân thiết. Xác Cảnh đang quàng tại nhà thương. Tôi đến viếng xác ngay, và đứng chủ tang, làm lễ đưa xác cho Cảnh. Một số đông anh em Việt kiều, sinh viên tại Pháp bùi ngùi đi đưa đám Cảnh.

    Cái chết là một chuyện thường tình, ai cũng biết là không thể tránh được, nhưng cái chết của một người trẻ tuổi đã có nỗi bi đát của nó. Cái chết của một người Việt Nam trẻ tuổi ở nước ngoài lại càng bi đát hơn. Nhân đám tang, một số Việt kiều và sinh viên đã gặp tôi, và không quên hỏi sơ qua về kết quả chuyến đi Mỹ của tôi.

    Tôi tường thuật những hoạt động của các sinh viên ở Mỹ, chiều hướng dư luận Mỹ, và kết luận rằng phải cố gắng thuyết phục Cụ Diệm nên về chấp chánh ngay trong lúc này.

    Vài hôm sau, tôi đến gặp ông Diệm, lúc đó vẫn còn ở trong nhà Tôn Thất Cẩn. Ông Diệm cho tôi biết ông đã xuống Cannes gặp Bảo Đại. Ông Diệm có vẻ buồn, kể lại chuyến gặp gỡ Bảo Đại ở Cannes.

    Bảo Đại ở biệt thự hè sang trọng, ngày thì trượt nước, đêm thì vào sòng bạc, Nam Phương Hoàng Hậu không ở cùng với Bảo Đại mà chỉ có thứ phi Mộng Điệp đi theo ông. Tôi có cảm tưởng rằng Nam Phương Hoàng Hậu là một người đàn bà đức hạnh đã không tán thành cuộc sống của Bảo Đại.

    Trong thời gian Bảo Đại về nước, Nam Phương Hoàng Hậu cũng đã không theo về, và đó là một điều đã gây nên nhiều dị nghị không có lợi gì cho Bảo Đại. Lúc ở Đà Lạt Bảo Đại chỉ sống với Mộng Điệp một cách bán chính thức. Mộng Điệp có một biệt thự riêng gần Lycée Yersin, tức là cuối Thành Phố Đà Lạt, còn Bảo Đại thì vẫn ở đầu kia thành phố.

    Lúc thì Bảo Đại đến Mộng Điệp, khi thì Mộng Điệp đến biệt điện gặp Bảo Đại. Nhưng ở Cannes hai người sống hẳn với nhau trong biệt thự hè.

    Ông Diệm mô tả con người Bảo Đại lúc này với một câu nói vắn tắt: Uể oải mệt mỏi. Tôi lại nhớ đến dáng điệu Bảo Đại lần gặp ở Đà Lạt, và tôi mường tượng như thấy Bảo Đại lúc tiếp ông Diệm cũng choài người ra trên ghế bành, như người không xương sống.

    Lắm lúc chỉ một lời nói, một cử chỉ vụng về mà mối giao tình giữa quân vương và thần tử có thể tan vỡ. Tôi nhớ những câu chuyện xưa, lúc một ông Vua tiếp một khanh sĩ, đang ăn nhổ cơm, đang rửa chân chải đầu thì quên xỏ dép chải tóc, để ra tận cửa đón khanh sĩ.

    Chắc chắn là Bảo Đại không bao giờ có được phong độ đãi hiền tiếp sĩ như vậy, thành ra không lạ gì khi quanh Bảo Đại không có hiền thần lương tướng.

    Ông Diệm cho tôi biết rằng trong câu chuyện, Bảo Đại có đề cập sơ sơ, một cách chiếu lệ về cái ý mời ông về chấp chánh. Bảo Đại không hề chính thức mời cũng không tỏ ra vẻ gì tha thiết ân cần đối với việc ông Diệm về chấp chánh.

    Ông Diệm cho như thế là chưa được thuận tiện. Tôi hiểu ý ông là Bảo Đại và người Pháp chưa đủ tin ông để giao cho ông nhiều quyền hành. Quanh ông Diệm và quanh Cao Ủy Pháp vẫn còn một số người Việt Nam mà ông Diệm cho là không tốt, không hợp với ông vẫn được trọng dụng.

    Lúc này hình như Bảo Đại đã nghĩ đến việc đem Bửu Lộc ra lập chính phủ thay thế chính phủ Nguyễn Văn Tâm, một phần để làm hài lòng người Pháp, một phần để thỏa mãn những đòi hỏi âm thầm của dân chúng Việt Nam. Người Pháp tuy hài lòng về sự trung thành và ngoan ngoãn của Cha con Nguyễn Văn Tâm và thuộc hạ, nhưng vẫn muốn có một chính phủ có cái dáng nhân dân một chút. Những ông công dân Tây, mang tên Tây chắc là không tạo được cái dáng nhân dân cho một chính phủ. Bửu Lộc ít ra có thể làm hài lòng nhóm hoàng phái và một số trí thức.

    Ông Diệm kết luận rằng ông không thể về chấp chánh được, vì những điều kiện ông đưa ra bị Bảo Đại để ngoài tai. Thực tình thì Bảo Đại chẳng đủ can đảm để từ chối bất cứ điều gì, nhưng ngược lại ông không đủ cứng rắn quyết tâm để quyết liệt làm một cái gì. Những điều kiện của ông Diệm rất giản dị: Được toàn quyền điều hành chính phủ Việt Nam, đối phó trực tiếp với người Pháp dĩ nhiên vẫn nhân danh Bảo Đại. Ý ông Diệm là muốn Bảo Đại đừng có trực tiếp hay gián tiếp (qua Nguyễn Đệ) xen lấn gì vào nội bộ chính quyền Việt Nam.

    Ông Diệm thấy cần phải cải tổ hoàn toàn bộ máy hành chánh và quân đội, làm cho quyền hành Việt Nam mạnh thêm thoát dần khỏi sự lệ thuộc vào quân đội và Phủ Cao Ủy Pháp. Ông Diệm cũng mong Bảo Đại đặt một số điều kiện cứng rắn dứt khoát với người Pháp trước khi ông về chấp chánh. Dĩ nhiên là Bảo Đại không muốn mệt đến người, cho rằng những điều mà ông Diệm coi như cần thiết chẳng quan trọng chi cả.

    Ông Diệm đã từ chối. Ông đưa cho tôi một bức thư theo mật mã, gởi ông Nhu.

    Ông nói sơ lược cho tôi biết nội dung bức thư căn dặn ông Nhu và ông Cẩn bên nước nhà hãy tiếp tục tăng cường các hoạt động chính trị, củng cố tổ chức đảng, thu phục thêm đảng viên, lôi cuốn thêm nhân tài, chuẩn bị không khí chính trị. Ông nói là tuy lúc này ông chưa thể về chấp chánh trong những điều kiện chưa thuận tiện, nhưng nếu bên nước nhà có một phong trào nhân dân mạnh mẽ đòi hỏi ông Diệm về chấp chánh, thì Bảo Đại và Pháp phải chấp nhận những điều kiện của ông Diệm.

    Nếu phong trào nhân dân sớm phát khởi cùng với tình hình quân sự càng ngày thất lợi cho Pháp, thì chỉ trong vòng vài tháng nữa ông Diệm có thể được long trọng về nước.

    Ông cho biết trong lúc chờ đợi cơ hội thuận tiện, ông sẽ đi tĩnh tâm ở một Nhà Dòng Benedictin bên Bỉ.

    Tôi về Sài Gòn bằng máy bay, đến gặp ông Nhu ngay, lúc này đang ở Sài Gòn, và bắt đầu xuất bản một tờ tạp chí chính trị: Tờ Xã Hội. Ghé Sài Gòn vài hôm tôi ra Huế ngay. Trong câu chuyện với ông Nhu tôi cũng chỉ nói qua về những nhận xét và cảm tưởng của tôi.

    Ông Nhu giọng đầy tin tưởng cho tôi hay rằng càng ngày dân chúng càng bất mãn với người Pháp, với Bảo Đại và thêm nhiều thiện cảm với ông Diệm. Theo lời ông Nhu thì đa số những trí thức trẻ, có tinh thần yêu nước đều hướng về ông Diệm. Tuy nhiên tại miền Nam, ngoài khu vực Vĩnh Long thì sự ủng hộ của quần chúng chưa được mạnh lắm.

    Ông Nhu không chính thức lập đảng vào lúc bấy giờ, nhưng bên trong hình thức một đảng chính trị, với đầy đủ các chi bộ, phân bộ, lý thuyết. Tài liệu học tập huấn luyện đã thành hình rõ rệt rồi.

    Tôi về Huế, cũng đến thăm ông Cẩn. Ông Cẩn nôn nóng nghe tôi kể những cuộc tiếp xúc giữa tôi và ông Diệm, than phiền vì ông Diệm quá dè dặt không về nước lúc này.

Ông Cẩn đã quy tụ một số đông cán bộ, phần lớn là những người hăng say, cuồng nhiệt, có thể nói là hơi quá khích. Ông Cẩn chịu ảnh hưởng tinh thần của các thuộc hạ, muốn rằng ông Diệm về nước ngay lúc này rồi những điều kiện chưa thuận tiện thì sẽ tạo lấy sau.

    Tôi có phần đồng ý với ông Cẩn, vì tôi sợ rằng đến một lúc nào đó tình hình chiến sự quá bất lợi cho Pháp, sẽ làm cho người Pháp nghĩ đến việc thanh toán chiến tranh bằng mọi giá mà không nghĩ gì đến một giải pháp quốc gia để đối đầu với Việt Minh.

    Thời gian chưa chắc gì đã có lợi cho ông Diệm. Vả lại làm chính trị mà cứ đòi cho được tất cả những điều kiện thuận lợi nhất được hội đủ mới nhập cuộc, thì khó mà làm được vì chẳng mấy khi có những điều kiện lý tưởng như thế.
Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7172
Registration date : 01/04/2011

BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-1965 - LM CAO VĂN LUẬN - Page 4 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-1965 - LM CAO VĂN LUẬN   BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-1965 - LM CAO VĂN LUẬN - Page 4 I_icon13Fri 08 Mar 2024, 11:24

BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-1965

L. M. Cao Văn Luận


33. Ông Diệm trở về nước lập chính phủ: 7.7.1954

    Tôi lại tiếp tục dạy học.

    Cuối năm 1953, đầu 1954 tại miền Trung, Pháp tung ra cuộc hành quân Atlante từ bốn mặt đánh vào chiến khu 5, tức vùng Nam Ngãi-Bình-Phú. Tết năm đó một bộ lạc Bana trong vùng rừng núi Quảng Ngãi nổi loạn tàn sát một đơn vị Việt Minh đang dưỡng quân. Xác chết lính Việt Minh theo dòng sông trôi ra tận biển. Cuộc nổi loạn do gia đình họ Đinh khởi xướng, và hình như được Phòng Nhì xúi giục, để tạo ra hỗn loạn bên trong.

    Từ ngoài một cánh quân từ Nha Trang kéo ra, một cánh quân khác từ Lào tràn xuống, còn phía biển và Đà Nẵng cũng có một cánh quân đánh thốc lên. Quân Việt Minh trong trận này bị thiệt hại nhiều. Tướng Navarre coi chiến thắng này tương tự chiến thắng vùng châu thổ sông Hồng của De Lattre năm 1950-1951. Ông thêm tự tin và tung ra hành quân Castor, đổ quân nhảy dù và quân bộ xuống thung lũng Điện Biên Phủ, ngày 20.11.1953, Điện Biên Phủ được Tướng Navarre coi như một tiền đồn chiến lược chận ngang đường tiếp tế và chuyển quân Việt Minh từ Lào về, từ Trung Cộng xuống.

    Điện Biên Phủ có hai mục đích chiến lược là chận đường tiếp tế và chuyển quân của Việt Minh đồng thời các đơn vị xung kích từ đó tỏa ra quanh vùng rừng núi Việt Bắc, thọc vào lòng địch. Lịch sử đã cho biết những tính toán của Tướng Navarre đã sai lầm như thế nào tôi tưởng không cần nói nhiều làm gì.

    Vào đầu năm 1954 lúc tình hình chiến sự biến chuyển mạnh, và thời gian đầu có vẻ thuận lợi cho Pháp thì về phía chính trị, Bửu Lộc được trao nhiệm vụ thành lập một chính phủ liên hiệp chuyển tiếp nhưng tính cách liên hiệp chỉ có danh vô thực.

    Ông Bửu Lộc đem theo những bạn thân du học với ông ở Pháp cũng là những người tôi có quen biết như Nguyễn Đắc Khê, Nguyễn Quốc Định. Tôi không thấy có một nhân vật quốc gia tiếng tăm nào tham gia vào chính phủ Bửu Lộc. Nguyễn Văn Tâm không còn làm Thủ Tướng nữa, nhưng Nguyễn Văn Hinh vẫn nắm Quân Đội và Công An nghĩa là nắm hết thực quyền.

    Tình hình biến chuyển nhanh chóng. Ngày 29.11.53 Tướng Castries được chỉ định làm Chỉ Huy Trưởng Điện Biên Phủ.

    Ngày 14.12, cụ Hồ lên tiếng trên đài phát thanh bí mật của Việt Minh đề nghị thương thuyết, Thủ Tướng Nguyễn Văn Tâm bác bỏ. Ngày 3.2.1954, cũng nhằm ngày Tết âm lịch trận đánh Điện Biên Phủ mở màn. Việt Minh bắn trên 100 đạn đại bác 75 ly xuống Điện Biên Phủ trong vòng không đầy 1 giờ. Từ ngày đó trận đánh càng ngày càng khốc liệt, càng thất thế đối với Pháp. Nhưng trận đánh lớn chỉ thực sự bắt đầu từ ngày 11.3.

    Lúc đầu Việt Minh chính thức đọc lời hiệu triệu của Hồ chí Minh và Võ nguyên Giáp gửi chiến sĩ và nhân dân toàn quốc. Ngày 12.3, nửa đêm, phi trường chính của Điện Biên Phủ bị quân Việt Minh đánh tràn vào, đặt mìn phá phi đạo, để lại những truyền đơn cảnh cáo, Điện Biên Phủ sẽ là mồ chôn quân Pháp, và đế quốc Pháp. Đêm 13, đồn Beatrice thất thủ, Đại Tá Gauchet, Chỉ Huy Trưởng pháo binh Pháp tại Điện Biên Phủ bị đạn pháo binh Việt Minh bắn bị thương cụt cả hai tay, hai chân, và chết ít phút sau đó. Đêm 15, đồn Gabriélle Anne Marie thất thủ. Sáng 7.5 Điện Biên Phủ đầu hàng 10.000 quân Pháp bị bắt làm tù binh.

    Những chi tiết lịch sử này, tôi chỉ nhắc lại để làm hậu cảnh cho câu chuyện nhỏ tôi đang kể mà thôi, 25 tháng tư, một ngày thứ hai, Hội Nghị Genève khai mạc trước đó, qua trung gian Nga nhiều cuộc thăm dò giữa Pháp và Việt Minh đã được mở ra. Trong phiên họp sáng hôm sau ngày Điện Biên Phủ thất thủ, Ngoại Trưởng Pháp Georges Bidault đưa đề nghị ngưng bắn có giám sát quốc tế. Trong hành lang, vĩ tuyến 18, tức Đèo Ngang trong vùng Quảng Bình, hay sông Gianh ranh chia phân Nam Bắc thời Trịnh Nguyễn được phe Đồng Minh nhắc đến, phía cộng sản thì hình như chọn vĩ tuyến 16, ngang Đèo Hải Vân. Việt Minh muốn chiếm Huế, vì đối với dân Việt Nam, Huế vốn là kinh đô, có Huế tức là còn giữ được kinh đô.

    Trong tình trạng suy sụp của phe Pháp, Bảo Đại đã nằm lì ở Cannes, và tên ông Diệm càng lúc càng được nhắc đến. Một đại diện của Bảo Đại đến gặp ông Diệm ở Pháp, và chính thức yêu cầu ông về lập nội các. Những cuộc tiếp xúc và thăm dò kéo dài đến tháng 7, và ngày 7.7.1954, ông Diệm về nước làm Thủ Tướng.

    Những chuyện này thuộc lịch sử, tôi không muốn nói đến nhiều.

Theo những nhận định của người am hiểu thời bấy giờ thì tình hình đen tối đến cái độ không một phép lạ náo có thể cứu vãn được, và ông Diệm về nước khó mà thành công, trái lại rất dễ tiêu tan uy tín và sự nghiệp chính trị. Có thể trong thâm ý của Bảo Đại và người Pháp việc đưa ông Diệm về là để đốt cháy tương lai chính trị của ông mà thôi.

    Ngày 26 tháng 4, nghĩa là mấy hôm sau khi Hội Nghị Genève đã chính thức khai mạc, Thứ Trưởng Ngoại Giao Pháp đặc trách vấn đề Đông Dương là ông Marc Jacquet đến Cannes viếng thăm Bảo Đại và thông tri cho Bảo Đại rõ ý định của các quốc gia Đồng Minh muốn chính phủ quốc gia Việt Nam cử một phái đoàn đại diện tham dự Hội Nghị Genève với tư cách quan sát viên. Vào ngày 30 Bảo Đại nhận được một văn thư chính thức của các Ngoại Trưởng Pháp, Anh, Mỹ bày tỏ ý muốn tham khảo về vấn đề Việt Nam với một đại diện của Bảo Đại. Báo Pháp tố cáo rằng sở dĩ Việt Minh chần chừ trong việc thỏa thuận cho phép di tản thương binh khỏi Điện Biên Phủ là vì sự do dự của Bảo Đại trong việc tham dự hội nghị Genève, làm cho phe Đồng Minh gặp khó khăn, mất chính nghĩa.

    Trước áp lực của Pháp, của dư luận Pháp và quốc tế, Bảo Đại chấp nhận cử một phái đoàn quan sát do Nguyễn Quốc Định cầm đầu tham dự Hội Nghị Genève. Phái đoàn này không có tính cách độc lập, mà chỉ là một phái đoàn nằm trong bộ phận thương thuyết của Pháp, nó cũng chẳng có quyền hành gì và chỉ là một phái đoàn quan sát và cố vấn cạnh phái đoàn Pháp.

    Lúc bấy giờ hình như Bảo Đại tin tưởng rằng nhờ áp lực của Đồng Minh, nhất là của Mỹ, một giải pháp cho Việt Nam sẽ không hoàn toàn thất lợi cho phe quốc gia.

    Nguyễn Quốc Định trong thời gian làm Trưởng phái đoàn Việt Nam tỏ ra khôn khéo, cứng rắn đúng mức, không đến nỗi làm nhục quốc thể. Ông đồng ý việc phái đoàn Việt Minh tham dự Hội Nghị Genève cạnh một phái đoàn quốc gia, nhưng trong các lời tuyên bố và diễn văn ông luôn nhấn mạnh rằng sự đồng ý này không có nghĩa là thừa nhận chính phủ Việt Minh là chính phủ hợp pháp.

    Sáng ngày 3.5, một văn thư mời chính thức được gởi đến Bảo Đại và chính phủ Việt Nam. Ngày 9.5 phiên họp có thể coi là khoáng đại và chính thức của Hội Nghị Genève khai mạc. Như chúng ta biết, ngày 8.5 là ngày Điện Biên Phủ thất thủ, 10.000 quân Pháp bị bắt làm tù binh. Báo chí, dư luận Pháp đòi hỏi chính phủ phải làm mọi cách để thanh toán vấn đề Đông Dương. Phía Việt Minh, Phạm văn Đồng cầm đầu phái đoàn cộng sản. Mỹ không chính thức tham gia Hội Nghị mặc dù Pháp khẩn khoản yêu cầu Mỹ nên cử một Ngoại Trưởng tham dự, để làm mạnh thế phe Đồng Minh.

    Lúc bấy giờ Ngoại Trưởng Mỹ là ông Foster Dulles đã được Ngoại Trưởng Pháp là ông Bidault và Anh là Anthony Eden tiếp xúc nhiều lần, nhưng ông Dulles từ chối. Cuối cùng Mỹ chỉ cử một Thứ Trưởng Ngoại Giao là ông Bedell Smith cầm đầu phái đoàn Mỹ. Lúc bấy giờ Mỹ cũng đã đưa ra đề nghị chấm dứt các cuộc đàm phán riêng và cạnh Hội Nghị Genève, nhưng Anh và Pháp cho rằng nhờ các cuộc đàm phán riêng và mật mà Hội Nghị mới có được những kết quả khả quan. Điểm đáng lưu ý là trong các phiên họp khoáng đại phái đoàn Nga tỏ ra cứng rắn bao nhiêu, thì trong các phiên họp riêng, họ lại tỏ ra mềm dẻo và nhượng bộ bấy nhiêu.

    Phái đoàn Việt Minh đòi hỏi cho hai phái đoàn Lào Cộng và Miên Cộng tham dự hội nghị với tư cách đại diện thẩm quyền cho dân tộc Lào và Cam-Bốt. Phe Đồng Minh bác bỏ. Nga đưa giải pháp dung hòa là hai phái đoàn Lào và Miên được tham dự với tư cách quan sát viên mà thôi. Cũng trong các phiên họp kín này hai phe đã đồng ý về việc ấn định các thể thức ngưng bắn giữa Pháp và Việt Minh bằng các phiên họp riêng của hai bộ phận quân sự Pháp và Việt Minh, cạnh Hội Nghị Genève.

    Ngày 10.6 trong một phiên họp khác, Tạ Quang Bửu, bộ trưởng quốc phòng Việt Minh đề nghị một giải pháp ngưng bắn và tập kết lấy vĩ tuyến 16 làm ranh phân chia. Hội Nghị Genève kéo dài không kết quả, chính phủ Pháp càng bị dư luận dân chúng và Quốc Hội chỉ trích nặng nề. Ngày 13.6 Quốc Hội biểu quyết bất tín nhiệm chính phủ Laniel và theo hiến pháp phe đối lập do Mendes France cầm đầu được đề cử thành lập tân nội các. Ngày 17.6 nội các Mendes France được tấn phong. Ông Mendes France hứa sẽ giải quyết vấn đề Đông Dương nội trong vòng một tháng.

    Chính lời hứa này của ông đã làm cho chính phủ ông phải thất thế nhượng bộ nhiều, và khi đó nếu cộng sản không lo sợ Mỹ can thiệp trực tiếp vào Việt Nam thì Việt Minh có thể được thỏa mãn trong yêu sách phân chia từ vĩ tuyến 16. Vào cuối tháng 6, Thủ Tướng Anh Winston Churchill và Ngoại Trưởng Anthony Eden đi Mỹ, với mục đích thuyết phục Mỹ về phe Anh Pháp một cách rõ rệt và công khai hơn. Lúc bấy giờ Ngoại Trưởng Mỹ Foster Dulles trong chính quyền Eisenhower có vẻ sẵn sàng chấp nhận giải pháp chia đôi Việt Nam thành hai vùng, với điều kiện là vùng thuộc phe Đồng Minh sẽ thực sự được độc lập, và Pháp từ bỏ những nỗ lực khống chế chính trị và kinh tế tại vùng quốc gia. Vấn đề còn lại chỉ còn là chọn một ranh phân chia, và lập những thủ tục rút quân.

    Vào giai đoạn cuối của Hội Nghị Genève, phái đoàn Mỹ không có một nhân vật thượng hạng nào cầm đầu. Ngoại Trưởng Dulles hay Thứ Trưởng Smith đều không tham dự, vì ý Mỹ muốn đứng ngoài, không trực tiếp chịu trách nhiệm phê chuẩn hiệp ước.

    Pháp muốn kéo Mỹ vào phe họ, nghĩ ra một cách là mời Ngoại Trưởng Mỹ Foster Dulles viếng thăm Ba Lê ngày 12 tháng bảy, và họp hội nghị tay ba Pháp Anh Mỹ tại đây. Thủ Tướng Mendes France cam kết rằng Pháp sẽ từ bỏ mọi hành động khống chế và chi phối chính trị kinh tế tại vùng phía Nam ranh phân chia và trao trả độc lập thực sự cho phần đất quốc gia này. Cái vẻ đoàn kết của ba cường quốc Đồng Minh đã làm cho tư thế của Pháp khá hơn đôi chút tại Hội Nghị Genève. Phe cộng sản lo sợ rằng nếu họ gắng quá có thể đẩy phe Đồng Minh đến cái thế phải can thiệp bằng quân sự trở lại ở Đông Dương dưới một danh nghĩa quốc tế, như họ đã làm ở Cao Ly.

    Lúc này ông Diệm đã bổ nhiệm Ngoại Trưởng Trần Văn Đỗ trong chính phủ ông thay thế Nguyễn Quốc Định cầm đầu phái đoàn Việt Nam. Trần Văn Đỗ từng quen biết với Phạm văn Đồng, ngay sau lúc đến Genève tìm cách gặp riêng Đồng, nhưng Đồng đã chấp nhận việc phân chia Việt Nam làm hai miền, không đề cập đến một giải pháp nào khác, và chỉ nói những câu chuyện đại cương trong cuộc gặp gỡ riêng giữa hai người bạn cũ theo hai phe thù nghịch này.

    Trần Văn Đỗ phản kháng chính phủ Pháp đã có những hành động nguy hại cho sự tồn vong của Việt Nam mà không hề tham khảo với chính phủ Việt Nam. Sự cứng rắn của ông Đỗ đã làm cho Pháp lúng túng, ông Đỗ cũng tố cáo rằng Pháp đã chấp nhận vĩ tuyến 18 tức là Đèo Ngang làm ranh phân chia. Pháp lại phải nhờ Anh và Mỹ trấn an Việt Nam.

    Ngày 18.7 trong một phiên họp khoáng đại, ông Đỗ theo lệnh ông Diệm đọc diễn văn từ khước ký kết vào bất cứ thỏa ước ngưng bắn nào được ký đến giữa Pháp và Việt Minh.

    Chính phủ Mendes France đã đạt cái thời hạn hứa hẹn với Quốc Hội là giải quyết vấn đề Đông Dương nội trong một tháng. Quốc Hội Pháp rục rịch biếu quyết bất tín nhiệm chính phủ Mendes France.

    Quá nửa đêm ngày 20.7 vào những giờ đầu ngày 21.7 thỏa ước ngưng bắn được ký kết giữa từng phe liên hệ, như thỏa ước ngưng bắn tại Việt Nam được ký kết giữa Tướng Pháp Délteil thay mặt Tham Mưu Trưởng là Tướng Ely và Tạ quang Bửu, bộ trưởng quốc phòng Việt Minh. Chiều ngày 21.7 một phiên họp khoáng đại được triệu tập, và các trưởng phái đoàn tham dự của 9 quốc gia chấp nhận bằng lời bản Tuyên Bố Chung Kết của Hội Nghị Genève.

    Trong lúc đó, tại Việt Nam, ông Diệm cố gắng cải tổ guồng máy chính quyền, tập trung quyền hành vào tay ông nhưng gặp sự chống đối mạnh mẽ của phe Nguyễn Văn Hinh và Bình Xuyên. Sau khi về nước được vài hôm, vào giữa tháng bảy ông Diệm ra Huế. Lúc bấy giờ Phan Văn Giáo vẫn còn làm Thủ Hiến Trung Việt, ý chừng muốn được ông Diệm thu dụng, đã tổ chức một cuộc đón tiếp linh đình từ sân bay Phú Bài về đến Phú Vân Lâu. Tại đây dân chúng tụ tập hàng vạn người, đã hân hoan chào mừng ông Diệm. Ông Diệm lên đọc diễn thuyết nói quyết tâm của ông muốn giành lại độc lập thực sự và hoàn toàn cho Việt Nam, kêu gọi đoàn kết.

    Tôi có ghé qua cuộc mít tinh tại Phú Vân Lâu, và tôi nhận thấy cảm tình của dân chúng miền Trung đối với ông Diệm thật là chân thành và nồng nhiệt. Ngay sau đó ông Diệm về ở lại trong nhà ông Cẩn, và tôi gặp ông ở đây. Ông Diệm niềm nở chào tôi, lúc đó nét mặt ông có vẻ lo lắng, tư lự, nhưng cố gắng tươi cười với tôi. Tôi chào mừng ông và trong câu chuyện riêng chỉ có ông Diệm, ông Cẩn, và tôi, tôi nói cảm nghĩ của tôi về việc ông về nước.

    – Thưa Cụ, tôi sợ rằng người Pháp và Bảo Đại đã không thành thực khi mời Cụ về chấp chánh lúc này. Tình thế khó khăn lắm ngoại trừ một phép lạ khó có thể thành công được. Tôi lo rằng nếu thất bại Cụ sẽ khó có cơ hội thứ hai.

    Ông Diệm gật gù:

    – Cha nói đúng. Nhiều người bạn ở Pháp cũng nói như vậy. Tôi cũng biết điều đó, nhưng tôi cho rằng lúc này không thể chờ đợi lâu hơn được nữa, vì theo tôi đây là cơ hội cuối cùng, không còn cơ hội thứ hai nào khác nữa. Nếu bây giờ tôi không về vì ngại khó khăn và thất bại thì không bao giờ về được nữa. Thành công hay thất bại tôi cũng phải về. Tôi lo cho số phận Giáo Hội Công Giáo, và phe quốc gia Việt Nam nên tôi phải cố gắng cứu vãn những gì còn hy vọng cứu vãn được. Tôi tin rằng chúng ta sẽ thành công.

    Tôi đành đồng ý với ông Diệm về cái lý luận đường cùng này và xoay qua câu chuyện khác:

    – Thưa Cụ, những anh em trí thức ở ngoại quốc có những ai về hợp tác với Cụ?

    Mặt ông Diệm có vẻ tươi vui hơn đôi chút:

    – Hầu hết người anh em trí thức mà Cha đã biết đều về hợp tác với tôi như các anh Nguyễn Văn Thoại, Trần Hữu Phương, Trương Công Cừu ở Pháp. Những anh em ở Mỹ thì có các anh Đỗ Vạn Lý, Đỗ Trọng Chu, Bùi Kiến Thành v.v…

    Tôi nhớ đến Bửu Hội, một người trong Hoàng Phái nhưng không hợp tác với Bảo Đại:

    – Cụ có mời Giáo Sư Bửu Hội không?

    Ông Diệm cau mày, ngập ngừng một lúc, rồi nói:

    – Tôi chưa biết lập trường, thái độ của ông Bửu Hội như thế nào nên chưa tiện mời, nhưng có lẽ sau này tôi sẽ cho người tiếp xúc và mời ông về.

    Ông Diệm ở Huế vài hôm rồi vào lại Sài Gòn. Trước khi ông đi, tôi có đến gặp ông thêm một lần tại nhà ông Cẩn. Câu chuyện trao đổi lần này không có gì đặc biệt. Tôi đến gặp ông chỉ để bày tỏ thiện cảm của tôi đối với ông và mong ông nỗ lực, chúc ông thành công.

    Thời gian từ ngày về nước đến ngày ký kết Hiệp Định Genève là những ngày dài nhất, đau khổ nhất của ông Diệm. Ông theo dõi từng ngày các báo cáo của Ngoại Trưởng Trần Văn Đỗ từ Genève gởi về. Ngày 20.7, Hiệp Định đình chiến được ký kết, và ngày 21 những bản phụ đính Hội Nghị Genève được các phe tham dự đồng ý chấp thuận bằng miệng.

    Có lẽ lúc đó ông Diệm thấy nhẹ người hơn, vì dù sao Hiệp Định Genève cũng không hoàn toàn thất lợi cho phe quốc gia. Ranh phân chia được ấn định là vĩ tuyến 17, dọc theo sông Bến Hải. Như vậy miền Nam còn giữ được Cao Nguyên và đồng bằng Cửu Long. Huế tuy không quan trọng về phương diện kinh tế, chiến lược, nhưng lại quan trọng về phương diện lịch sử và uy tín. Miền Nam giữ được Huế thì cũng coi như giữ được kinh đô.
Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7172
Registration date : 01/04/2011

BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-1965 - LM CAO VĂN LUẬN - Page 4 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-1965 - LM CAO VĂN LUẬN   BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-1965 - LM CAO VĂN LUẬN - Page 4 I_icon13Fri 15 Mar 2024, 11:58

BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-1965

L. M. Cao Văn Luận


34. Công đầu của Tổng Thống Diệm: Định cư 1.000.000 người

    Ngay sau khi Hiệp Định Genève được ký kết, các đoàn người di cư từ Bắc và Trung vào bằng đường hàng không, đường thủy và đường bộ bắt đầu lục tục kéo vào các tỉnh miền Trung và Sài Gòn. Cảnh những dân di cư lếch thếch trên đường chạy trốn cộng sản thật là thương tâm. Tôi theo dõi từng ngày, và hễ mỗi khi có đoàn di cư nào từ Nghệ Tĩnh Bình vào, thì tôi lại tìm cách đến thăm viếng, an ủi, và thúc giục chính quyền địa phương tìm mọi cách giúp đỡ họ. Lúc bấy giờ chưa có một tổ chức nào chịu trách nhiệm về dân di cư.

Vào cuối năm 1954 Phủ Đặc Ủy Di Cư mới được thành lập. Nhưng nhờ thiện chí của chính quyền địa phương, sự quan tâm đặc biệt của ông Diệm đối với dân di cư, cho nên các chính quyền địa phương đã cố gắng hết sức giải quyết vấn đề di cư.

Vào khoảng tháng 10, bà Nhu tổ chức một cuộc biểu tình lớn để ủng hộ ông Diệm, đả đảo Pháp. Đoàn biểu tình bị công an xung phong Bình Xuyên chận ngay bùng binh chợ Bến Thành bắn chết 6 người, làm bị thương hàng chục người. Cảnh hỗn loạn diễn ra nhiều nơi trên các đường phố lớn ở Sài Gòn. Ông Diệm chán nản mất tin tưởng, vì từ ngày về nước đến nay, ông đã cố gắng nhiều nhưng vẫn không nắm được Công An và Quân Đội. Công An thì trong tay Bình Xuyên, Quân Đội thì trong tay Nguyễn Văn Hinh. Vài giờ sau khi tin này được loan đi thì ông Cẩn cho người tìm tôi tin cho tôi biết rằng ông Diệm đã thất vọng và chán nản cực độ, có ý định bỏ nước ra đi, ông Cẩn không khuyên tôi làm điều gì nhưng tôi đã hiểu ý ông khi ông báo tin này cho tôi biết. Tôi lập tức lấy máy bay vào Sài Gòn. Tôn Thất Trạch, Chánh Văn Phòng ông Diệm đón tôi ở Phi Trường Tân Sơn Nhất và trên đường vào Sai Gòn ông Trạch cho tôi biết rằng Cụ Diệm đang sửa soạn va li để rời Việt Nam trong vài ngày tới đây.

Tôi không kịp thay áo, vào ngay Dinh Thủ Tướng lúc đó vẫn còn được gọi là Dinh Norodom. Lúc đó khoảng 6 giờ chiều. Tôi vào ngay văn phòng ông Diệm và thấy Đức Cha Ngô Đình Thục và ông Ngô Đình Nhu đang ngồi với ông Diệm. Ba người im lặng trong cái không khí buồn thảm của một nhà có tang. Văn phòng của ông Diệm vẫn tranh sáng tranh tối.

Ngoài trời vẫn còn tỏ, nhưng trong nhà ánh sáng đã mờ. Đèn chưa được bật lên. Đức Cha Thục và ông Nhu thấy tôi vào lặng lẽ đi sang phòng bên cạnh. Khi cửa phòng đó hé mở, tôi thoáng thấy bóng vài người như là các ông Trần Chánh Thành, Trần Văn Lắm, Trần Trung Dung. Đức Cha Thục và ông Nhu không nhìn tôi, không chào hỏi cúi đầu bước qua cửa phòng bên cạnh.

Ông Diệm ngồi trong ghế bành lớn, thấy tôi vào, vẫn ngồi yên, chậm chạp đưa tay sửa lại hai cái đai quần rồi cầm chiếc áo vét máng ở lưng ghế khoác vào người. Nét mặt ông Diệm trông thật buồn thảm thiểu não, như một người đã hết sinh lực, mất chí phấn đấu. Tôi cúi đầu chào ông Diệm.

Ông chẳng nói gì, chỉ chiếc ghế đối diện ra hiệu mời tôi ngồi. Tôi ngồi xuống chờ đợi ông lên tiếng trước. Một chặp sau, ông Diệm mới cất tiếng, giọng đều đều, chán nản:

– Thưa Cha, tình hình này, tôi không thể ở lại được nữa. Tôi ở nán thêm chẳng ích lợi gì mà còn gây hỗn loạn và đổ máu cho đất nước mình thôi.

Người Pháp không thành thực. Họ vẫn dựa vào bọn Bình Xuyên và Tâm-Hinh mà phá tôi. Cha không thể tưởng tượng được các khó khăn mà người Pháp và bọn đó gây ra cho tôi. Tôi không thể làm được một việc gì hết, vì mọi mấu chốt quyền hành đều nằm trong bọn này hết. Tình thế này tôi không thể ở lại được!

Tôi im lặng một lúc, rồi nhìn thẳng vào mắt ông Diệm:

– Thưa Cụ, cách đây vài tháng, tôi đã thưa với Cụ là Cụ không nên về, vì về trong tình thế này không thể thành công được, nhưng Cụ đã hăng hái nói rằng Cụ tin tưởng ở một phép lạ của Chúa. Thưa Cụ, tuy tôi là Linh Mục, nhưng tôi không chờ đợi ở phép lạ mà chỉ trông vào cố gắng của mình trước. Cụ đã nhận lời về nước, Cụ chịu trách nhiệm không phải là Bảo Đại, người Pháp hay với bọn Bình Xuyên, bọn Tâm Hinh, mà với quốc gia Việt Nam, dân tộc Việt Nam và bây giờ đặc biệt Cụ phải nhận trách nhiệm với hàng trăm ngàn dân di cư đã tin tưởng nơi Cụ mà kéo vào đây. Dù Chúa không ban phép lạ Cụ cũng không có quyền đào ngũ lúc này. Vả lại phép lạ của Chúa chỉ xảy ra khi con người đã làm hết sức mình. Cụ thử xét lại xem Cụ và những người quanh Cụ đã làm hết sức mình để đối phó với tình thế chưa? Đồng bào di cư Bắc và Nghệ Tĩnh Bình là một gánh nặng, nhưng cũng có thể là một sức mạnh, Cụ đã nghĩ đến chuyện nhờ đến sức mạnh đó chưa? Những đồng bào di cư hiện đang sống khốn khổ, bấp bênh trong các trại tạm cư chen chúc nhau hàng chục người trong một căn phòng vài thước vuông vức, Cụ có thể nỡ lòng bỏ họ trong tình trạng đó sao? Ngoài Cụ không có ai nghĩ đến chuyện lo cho đồng bào di cư cả. Cụ ra đi lúc này, họ sẽ chết, vì về Bắc thì không thể được nữa rồi mà ở lại không có người lãnh đạo giúp đỡ thì làm sao sống được nơi đất lạ? Mọi người đều biết không phải Bảo Đại hay Nguyễn Văn Hinh muốn và có thể giúp đỡ dân di cư được.

Ông Diệm im lặng và chăm chú nghe tôi càng lúc mặt Ông Cụ càng có vẻ quyết liệt hơn. Tôi nói tiếp:

– Cụ nên ở lại thêm vài tháng nữa, hãy cố gắng hết sức mình. Thành công thì khó chớ dọn va li ra đi khi nào cũng được. Cụ nên cố gắng thêm vài tháng rồi lúc đó nếu hết cách thì dọn va li cũng chưa muộn gì. Cụ nên tập trung mọi phương diện, mọi nỗ lực giải quyết vấn đề đồng bào di cư trước. Một khi Cụ định cư họ được thì chính họ sẽ là lực lượng hậu thuẫn nòng cốt cho Cụ.

Cụ Diệm vẫn còn phân vân:

– Nếu bây giờ tôi ở lại, thì Cha thấy rằng thái độ của quốc dân sẽ ra sao?

Tôi trả lời ông không chút do dự:

– Trừ một số nhỏ theo Tây, theo Bình Xuyên, toàn dân vẫn tin tưởng nơi Cụ. Phần lớn các Tỉnh Trưởng nhất là ở miền Trung, đều ủng hộ Cụ. Vả lại họ là những kẻ thuộc cấp, họ chỉ tuân lệnh, những kẻ có danh nghĩa, danh nghĩa ở nơi Cụ. Cụ là Thủ Tướng chính phủ, Bảo Đại thì ở Cannes, vậy chỉ có Cụ có tư cách ra lệnh và lệnh của Cụ chắc chắn sẽ được tuân hành. Cụ có thể ra chỉ thị cho họ tổ chức những cuộc biểu tình khắp nơi trên toàn quốc, lần lượt, và cuối cùng phối hợp thành một ngày tổng biểu tình. Sự biểu dương lực lượng quần chúng này chắc chắn sẽ làm cho Pháp và bọn Bình Xuyên, Tâm Hinh phải nể nang mà không dám lộng hành nữa. Hơn nữa Cụ đi lúc này tức là mắc mưu người Pháp, Bảo Đại, bọn Tâm-Hinh họ muốn Cụ về để tự đốt cháy uy tín và sự nghiệp chính trị. Cụ đi thì khác nào thú nhận sự bất lực với họ, chịu thua họ.

Ông Diệm vui nét mặt, đứng thẳng người:

– Cha nói đúng. Nếu tôi đi lúc này thì đúng là mắc mưu người Pháp. Họ đem tôi về rồi làm mọi cách để cho tôi thất bại, để cho tôi phải tự ý bỏ đi. Vậy bây giờ theo ý Cha, tôi quyết ở lại, không phải vài tháng mà cho đến bao giờ hoàn tất sứ mạng. Có điều lạ là những người quanh tôi không một ai khuyên tôi ở lại. Họ đều đồng ý rằng ở lại không thể làm gì được và tôi nên ra đi để tránh cảnh hỗn loạn đổ máu cho đất nước. Tôi sẽ nghe lời Cha, dồn mọi nỗ lực vào việc giúp dân di cư, không phải mai sau, mà ngay bây giờ. Tôi đã nghĩ ra một cách để đối phó với bọn Bình Xuyên, Tâm-Hinh.

Ông Diệm ngắt lời, và không nói gì thêm. Tôi yên tâm ra về ngày hôm sau trở lại Huế. Vài hôm sau tôi hiểu ra cái cách ông Diệm nói úp mở trong đoạn cuối câu chuyện là cách gì. Cụ dùng mọi cách chuyển các Tiểu Đoàn Bảo Chính Đoàn, Bảo An Đoàn, các lực lượng quân sự Việt Nam từ Bắc và Trung vào Sài Gòn bằng những phương tiện nhanh nhất.

Mặt khác ông Diệm cho thay thế một số Chỉ Huy Trưởng, Đơn Vị Trưởng mà không qua hệ thống của Nguyễn Văn Hinh, cũng không tham khảo với người Pháp. Mặt khác có lẽ ông đã chỉ thị mật cho các Tỉnh Quận Trưởng khắp nơi, cho nên lục tục có những cuộc biểu tình nổi lên khắp nơi ủng hộ ông. Những khẩu hiệu đả đảo Bảo Đại bắt đầu được tung ra.

Ông Diệm cũng thành lập một hệ thống Công An Cảnh Sát riêng không nằm trong tay Bình Xuyên. Hình như ông Mai Hữu Xuân cầm đầu hệ thống này. Tại Huế, Sài Gòn, Nha Trang nhiều cuộc biểu tình lớn được tổ chức liên tiếp, và lần này công an xung phong Bình Xuyên đã không ngăn trở gì có lẽ vì họ thấy phong trào ủng hộ ông Diệm quá mạnh.

Ông Diệm cũng khéo léo điều đình với các giáo phái và cả Bình Xuyên để họ ở yên cho ông củng cố quyền hành và xây dựng lực lượng.

Số người di cư càng ngày càng đông, và đúng như tôi đã nói với ông Diệm, chính họ, hay con cái họ trong các lực lượng quân sự, đã hậu thuẫn mạnh mẽ cho ông Diệm, giúp ông thành công.

Tôi về Huế ngày hôm sau, nghĩa là tôi chỉ ở lại Sài Gòn một đêm mà thôi. Tình hình ở Sài Gòn lúc bấy giờ hết sức căng thẳng. Bảy Viễn và Nguyễn Văn Hinh đã tỏ ra quá kiêu căng vì tự tin, và đó là lỗi lầm lớn nhất của họ. Lỗi lầm thứ hai, là họ chỉ có một số thuộc hạ tuy khá đông, nhưng không được cảm tình và sự ủng hộ của quần chúng.

Quan niệm chính trị của bọn này là cái quan niệm chính trị hẹp hòi, tưởng rằng nắm được những mấu chốt triều đình hay thâm cung là nắm được hết, tưởng rằng được quan thầy Pháp và Bảo Đại thương là đủ. Họ không ý thức được sức mạnh của quần chúng, chỉ biết sức mạnh của võ lực, súng đạn.

Lúc bấy giờ quần chúng Việt Nam có nhiều thiện cảm với ông Diệm. Cả những người không phục ông Diệm khi so sánh ông Diệm với bọn Tâm-Hinh, Bảy Viễn thì cũng phải chấp nhận ông Diệm. Thực ra thì tôi chẳng đóng góp được gì nhiều vào các quyết định, mưu kế, chính sách của ông Diệm, trong thời kỳ này, hay về sau, nhưng tôi đã gợi ý cho ông Diệm nhớ đến một sức mạnh chưa được sử dụng, hàng chục vạn dân di cư và gia đình họ. Số người đông đảo này đang ở trong một thế kẹt, đang bị dồn vào đường cùng, và sẵn sàng liều mạng để chiếm một đất sống.

Tôi về Huế, ngoài việc dạy học, rãnh rỗi lúc nào là tôi tôi đi thăm các trại tạm cư của đồng bào di cư Nghệ Tĩnh Bình ở Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng. Các Tỉnh Trưởng biết tôi quen thân gia đình ông Diệm, vả lại những đề nghị của tôi hoàn toàn vô tư và vô vị lợi, nên nhiều người nghe lời tôi nói mà đặc biệt chú ý đến dân di cư.

Các trường học được dành làm nơi tạm trú cho dân di cư. Mọi phương tiện địa phương được đề ra để giúp đỡ dân di cư. Con số dân di cư càng ngày càng đông, có những gia đình chỉ trốn vào được với một tay nải, tiền bạc không có bao nhiêu, nhưng nhờ sự giúp đỡ tận tình và mau chóng của chính quyền địa phương nên không xảy ra một trường hợp nào dân di cư phải chết đói.

Những nhà hảo tâm nhiều người cũng hết lòng giúp đỡ một cách thực tế. Tôi nghĩ rằng chính số người di cư lúc bấy giờ đã làm sống bừng dậy tinh thần dân tộc, lòng thương yêu rộng lớn, tình đoàn kết chân thật, và tạo được một khối quần chúng thuần nhất ủng hộ ông Diệm.

Trong thời gian này, có lẽ nhớ lại vài lời nói của tôi, ông Diệm tìm mọi cách đem vào Sài Gòn và Nam phần nhiều tiểu đoàn quân Việt Nam từ phía Bắc vĩ tuyến 17. Trước hết một đơn vị thiện chiến và trung thành được thành lập để bảo vệ phủ Thủ Tướng, sau này thành Liên Binh Phòng Vệ Phủ Tổng Thống. Phần lớn binh sĩ và sĩ quan trong đơn vị này đều là người Thanh Nghệ Tĩnh Bình, và lính Bắc phần. Nguyễn Văn Hinh, với chức vị Tư Lệnh Quân Đội Việt Nam, lại được người Pháp ủng hộ, tưởng rằng nắm được mọi sức mạnh quân sự, nhưng thực tế đã ngược lại.

Hinh chỉ nắm được một vài đơn vị nhỏ, một vài cấp chỉ huy do Cha con Tâm-Hinh đặt để, nhưng số người này, cũng như chính cá nhân của Tướng Hinh, không được các binh sĩ kính phục thật tình, cho nên không chắc họ đã mù quáng tuân lệnh Hinh để đàn áp dân chúng hay chống lại ông Diệm.

Suốt thời gian cuối năm 1954, tôi vào Sài Gòn vài lần khi thì tự ý tôi bay vào, khi thì chính ông Diệm cho mời vào. Mỗi lần làm được một việc gì vừa ý, nhất là trong địa hạt giúp đỡ dân di cư, ông Diệm lại đem kể với tôi, như để khoe, như để phân bua.

Ông Diệm có thiện cảm nhiều với dân di cư Thanh Nghệ Tĩnh Bình. Có lần ông nói với tôi:

– Giả sử tôi đem vào Nam được vài chục ngàn dân Nghệ Tĩnh Bình và có mươi cán bộ giỏi như Cha thì mọi việc chắc chắn sẽ thành công.

Tôi cười trả lời:

– Hiện nay Cụ đang có một con số dân di cư Nghệ Tĩnh Bình đông đảo hơn con số mà Cụ vừa nói ra. Cũng xin Cụ lưu ý rằng tất cả dân di cư bất cứ vùng nào đến cũng đang ở trong một ngõ cùng, và chỉ có lối thoát duy nhất là theo Cụ chiến thắng mọi trở ngại, mọi lực lượng phản dân phản nước.

Ông Diệm cũng cho tôi biết đã đem vào Sài Gòn và Nam phần một số đơn vị quân đội từ ngoài vĩ tuyến 17 vào. Ông cũng cho tôi biết khái niệm của ông về các định cư. Ông chú ý đặc biệt đến giá trị chiến lược và kinh tế của vùng cao nguyên, và đặt kế hoạch định cư đồng bào di cư Nghệ Tĩnh Bình tại các vùng Ban Mê Thuột, Tuyên Đức, Đà Lạt. Số người di cư này được định cư khá sớm tại các trại như Hà Lan A, và B, Đức Lập, Bình Giả, Phan Thiết, Tân Bình (Khánh Hòa, Cam Ranh). Tôi có nghĩ đến cách hòa đồng dân di cư vào dân địa phương nhưng không có dịp nói ra, và tôi cũng nhận thấy sự khó khăn quá lớn trong việc đó. Mọi việc là phải chạy đua với thời gian. Dân di cư lại không chịu rời nhau, đến đâu cũng muốn tập trung vào một vùng, do đó lắm lúc đã tạo ra một tình trạng biệt lập, kỳ thị.

Một mặt giải quyết vấn đề di cư, củng cố lực lượng tổ chức bộ máy chính quyền, mặt khác ông Diệm và các cán bộ của ông bắt đầu phát động phong trào chống Pháp và chống Bảo Đại. Thời gian cuối năm 1954 là thời gian thanh toán bọn Bảy Viễn và Tâm-Hinh.

Thoạt đầu ông Diệm cố gắng tiến hành công việc theo các cách thức hợp pháp, ôn hòa bằng cách cử người thay thế những thuộc hạ của Tâm-Hinh trong các cơ quan hành chánh cũng như quân sự. Tại miền Trung ông Diệm đã thành công dễ dàng, không gây nên sự xáo trộn nào nhưng tại Nam phần nhiều trường hợp các lệnh của ông Diệm đã không được tuân theo. Nhiều sĩ quan được ông Diệm bổ nhậm đã không thể tiếp nhận chức vụ mới được.
Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7172
Registration date : 01/04/2011

BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-1965 - LM CAO VĂN LUẬN - Page 4 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-1965 - LM CAO VĂN LUẬN   BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-1965 - LM CAO VĂN LUẬN - Page 4 I_icon13Mon 18 Mar 2024, 10:41

BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-1965

L. M. Cao Văn Luận


35. Ông Diệm đối với Bình Xuyên và các đảng phái chính trị  

    Tại Nam phần, có mấy lực lượng được coi như không theo ông Diệm, đó là một số đơn vị quân đội dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Tướng Hinh và các thuộc hạ thân tín, các quân đội giáo phái như Cao Đài, Hòa Hảo và quân đội Bình Xuyên.

    Ông Diệm và ông Nhu khôn khéo tách rời các lực lượng này ra, trước hết ông tìm cách làm cho hai lực lượng Giáo phái là Cao Đài và Hòa Hảo trở thành trung lập trong cuộc tranh chấp quyền hành giữa ông và Tâm-Hinh. Tôi không rõ nhờ may mắn hay nhờ tài giỏi, ông Diệm đã lôi cuốn được một thành phần quân đội Cao Đài dưới quyền Trịnh Minh Thế. Việc đó được coi như một thành công lớn của ông. Ông yên tâm hơn, dựa vào những đơn vị quân đội trung thành với ông thanh toán Nguyễn Văn Hinh, Bình Xuyên và Lữ đoàn Ngự Lâm Quân.

    Về mặt chính trị, ông Diệm cho thành lập tại các Tỉnh những ủy ban nhân dân cách mạng, và tại trung ương Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia ra đời. Nhiệm vụ của tổ chức này là ủng hộ ông Diệm và hạ bệ Bảo Đại cùng bọn Tâm, Hinh.

    Nhờ có tổ chức và được sự ủng hộ của quần chúng, trong thời gian từ 1955 đến 1956, ông Diệm có thể nói đã nắm được quần chúng trong lúc những kẻ thù ông dần bị cô lập và vì làm tay sai cho Pháp một cách quá trâng tráo đã mất hết chính nghĩa, không có một hậu thuẫn quần chúng nào. Những chuyện đằng sau vụ truất phế Bảo Đại, đánh đuổi người Pháp, tôi không dám biết đến, và xin nhường cho các nhà chính trị nghiên cứu và phê phán.

    Vả lại lúc bấy giờ tôi chỉ chú ý đến một vấn đề di cư. Tôi cũng nghe nói đến sự giúp đỡ của Mỹ đối với ông Diệm trong thời gian này, không những chỉ về phương diện xã hội, như các khoản trợ giúp dân di cư mà thôi, mà còn nhiều về phương diện chính trị, ngoại giao quân sự nữa. Có một điều làm tôi ngạc nhiên là quân đội Pháp lúc bấy giờ đã phản ứng yếu ớt chiếu lệ đối với việc truất phê Bảo Đại và đuổi họ ra khỏi Việt Nam. Trong cuộc xung đột giữa ông Diệm và Tâm Hinh và Bình Xuyên, một cách có chừng vậy thôi, không lấy gì làm tích cực cho lắm. Tôi tin rằng đằng sau việc đó, tại những kinh đô lớn của các cường quốc, đã có một sự dàn xếp nào đó, hoặc là Pháp đã quá chán ngán chiến tranh Việt Nam và bây giờ không tha thiết đến việc bảo vệ địa vị của nước Pháp ở phần đất Việt Nam còn lại nữa.

    Nếu lúc bấy giờ quân đội Pháp chống ông Diệm ra mặt, không biết chuyện gì sẽ xảy ra, và dù ông Diệm có thắng cũng còn nhiều khó khăn, và còn đổ máu nhiều hơn nữa. Sau khi quân đội Pháp chấp nhận tập trung vào một vài vùng phái bộ quân sự Pháp rút lui thì người ta thấy Mỹ tăng cường phái bộ của họ: Do Tướng Harkins cầm đầu. Vai trò của phái vộ Mỹ càng ngày càng lớn, hoàn toàn thay thế phái bộ Pháp trong các công tác huấn luyện, cố vấn.

    Tôi phải công nhận rằng ông Diệm là một người có óc độc tôn, nếu chưa phải là độc tài. Ngay từ đầu ông đã cho rằng chỉ nên có một đảng duy nhất. Có lẽ ông cho rằng để chống lại cộng sản, thì phe quốc gia không thể rơi vào những hỗn loạn chính trị do chế độ đa đảng gây ra, cho nên ông không muốn tại miền Nam có trên hai đảng. Về mặt nổi, ông thành lập Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia, và trong bề sâu của sinh hoạt chính trị ông dựng đảng Cần Lao Nhân Vị.

    Cái tinh thần độc tôn này được biểu lộ rõ rệt trong cách đối phó với các đảng phái quốc gia, tuy không hoàn toàn ủng hộ ông Diệm và chịu sát nhập vào Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia của ông. Tôi còn nhớ một hôm tôi đang ở trong Dinh, hình như khoảng đầu năm 1955 thì có một đoàn biểu tình kéo đến trước Dinh. Đoàn biểu tình này do các cán bộ một đảng khá quan trọng lúc bấy giờ tổ chức, đó là Phòng Trào Tranh Thủ Tự Do của các ông Vũ Quốc Thúc, Bùi Văn Thinh.

    Tôi tưởng rằng thế nào ông Diệm cũng ra trước Dinh tiếp đại diện của đoàn biểu tình, nhưng chuyện xảy ra trái với ý nghĩ của tôi. Ông Diệm đã ra lệnh đơn vị Phòng Vệ Phủ Thủ Tướng canh gác nghiêm mật rồi ông vẫn bình tĩnh ở trong Dinh, cho đến lúc đoàn biểu tình chán nản tự giải tán. Sau đó ít lâu, Bùi Văn Thinh đang làm Bộ Trưởng Tư Pháp được cho đi làm Đại Sứ tại Nhật Bản.

    Cũng trong thời gian này, phía bên Công Giáo có một lực lượng chính trị khá quan trọng, là Tập Đoàn Công Dân Tôn Giáo. Ông Diệm và ông Nhu không bằng lòng cho lực lượng này hoạt động, nhưng cũng hơi kẹt. Ông không muốn dùng các phương thức áp lực hay đàn áp. Một hôm ông Diệm nói chuyện với tôi:

    – Nước mình đang có quá nhiều mầm mống hỗn loạn. Theo ý tôi chỉ nên có một Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia, và một đảng chính trị duy nhất là Cần Lao. Bây giờ có phong trào Tập Đoàn Công Dân do Đức Cha Phạm Ngọc Chi lãnh đạo, tôi sợ rằng như thế không ích lợi gì. Tôi muốn nhờ Cha nói với Đức Cha Chi cho Tập Đoàn Công Dân sát nhập vào Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia, Cha nghĩ sao?

    Tôi ngần ngại, thưa ông:

    – Tôi không biết chắc Tập Đoàn Công Dân có thực sự do Đức Cha Chi lãnh đạo hay không, bởi vì về mặt công khai chúng ta không thể nói chắc Đức Cha Chi lãnh đạo Tập Đoàn Công Dân. Trên danh nghĩa, Đức Cha Chi không có chức vụ quan trọng gì trong tổ chức này cả. Hơn nữa tôi là một Linh Mục, lãnh việc đi thu xếp chuyện đảng phái cho Cụ e không tiện. Chi bằng nhân dịp nào đó, Cụ gặp Đức Cha Chi thử nói chuyện này với ngài xem sao? Tôi nghĩ rằng nếu Đức Cha Chi nhận thấy tình hình chính trị nước ta không nên có nhiều đảng, thì có thể ngài bằng lòng.

    Tôi được biết ít lâu sau, ông Nhu mới Đức Cha Chi vào trong Dinh nói chuyện, nhân một dịp Đức Cha Chi vào Sài Gòn. Phong Trào Tập Đoàn Công Dân bị giải tán và người ta thấy phần lớn các cán bộ cao cấp và các tổ chức hạ tầng của phong trào này gia nhập vào Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia và đảng Cần Lao.

    Vì các đảng phái có thể trở thành đối lập bị thanh toán ngay từ đầu, và lại bị thanh toán bằng sức mạnh của chính quyền, chớ không bằng một cuộc đấu tranh chính trị nào, cho nên Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia và đảng Cần Lao không có cơ hội thử thách để trưởng thành và trở thành một đảng chính trị đúng nghĩa của nó. Hai tổ chức này, xét kỹ chỉ là một bộ phận lệ thuộc của chính quyền ông Diệm. Nếu ông Diệm được coi là lãnh tụ đảng thì cũng chỉ vì ông đang là lãnh tụ quốc gia, chớ không phải vì ông được đảng bầu lân. Lề lối sinh hoạt đảng cũng được đồng hóa vào lề lối sinh hoạt của guồng máy chính quyền. Những cơ sở huấn luyện đảng, là những cơ sở chính quyền. Trong hầu hết các trường hợp, viên chức cao cấp nhất của chính quyền, tại một địa phương, hay một cơ quan nào đồng thời cũng là lãnh tụ địa phương của đảng. Như thế tổ chức đảng trở thành thừa và vô ích, cùng lắm nó chỉ có các ích lợi là nắm chắc được guồng máy chính quyền, đặt để hay ép buộc những người của chính quyền và của ông Diệm vào các địa vị then chốt trong quốc gia mà không gây được cơ sở hạ tầng vững mạnh bền bỉ trong quần chúng.

     Theo lề lối tổ chức và sinh hoạt như thế, bao giờ ông Diệm còn nắm chính quyền, thì đảng của ông có vẻ mạnh, nhưng chỉ là cái sức mạnh bề ngoài, sức mạnh lòe được kẻ non dạ, mù quáng, mà không bịp ai được. Lý Thuyết Nhân Vị được dùng làm nền móng tinh thần cho Đảng và Phong Trào cũng vấp vào nhiều khuyết điểm không có sức sinh động mạnh để thu hút quần chúng, những căn bản triết lý của nó cũng còn quá mập mờ, vá víu, và không bắt nguồn từ những truyền thống sâu xa của dân tộc Việt Nam. Tôi không dám nói nhiều về chuyện này, và ngay lúc bấy giờ tôi cũng đã không có ý kiến gì về cái lý thuyết nhân vị, mặc dù khi du học tôi đã chọn ban triết và cũng đã nghiên cứu đôi chút về triết học. Đôi lúc ông Nhu có đề cập đến cái lý thuyết nhân vị với tôi, nhưng tôi cố tránh để khỏi có ý kiến. Riêng ông Diệm thì tôi thấy ông không quan tâm nhiều đến phần lý thuyết chính trị. Tôi cũng không được nghe ông bàn với tôi một lần nào về lý thuyết nhân vị. Ông chỉ nói đến những việc làm, những thực hiện cụ thể. Có một điều mà tôi có thể đồng ý, là một phong trào chính trị muốn vững bền cần phải có một nền móng tinh thần, và nền móng tinh thần đó nếu được đúc kết lại mạch lạc có thể thành một lý thuyết chính trị. Cho nên trong lúc tôi không thấy có gì hơn, tôi nghĩ rằng cái lý thuyết nhân vị, dù sao thì có vẫn hơn không. Ít ra nó giúp cho người hành động một vài tiêu chuẩn hướng dẫn và một vài cách thức biện hộ. Tôi cố tránh bình luận, chỉ trích là vì nghĩ như thế.

     Tôi muốn nhắc đến một trường hợp điển hình thứ hai chứng minh tính cách độc tôn của ông Diệm trong việc dàn xếp với các đảng phái, hoặc trong quan niệm của ông về sinh hoạt chính trị dân chủ. Trong khoảng thời gian sau 1954, tại Huế nhóm Lê Trọng Quát muốn thành lập một đảng chính trị lấy tên là đảng Cộng Hòa Xã Hội. Lê Trọng Quát có nói chuyện với tôi. Chủ ý của Quát là muốn đem đến sinh hoạt chính trị một sự hào hứng phấn khởi bằng cách tạo ra thế lưỡng đảng và như thế trong lúc đảng Cần Lao và Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia đóng vai đảng nắm quyền thì đảng Cộng Hòa Xã Hội của Quát đóng vai đảng đối lập.

     Tôi nhận thấy chủ trương như vậy chẳng những rất hay mà còn cần thiết để xây dựng những lề lối và truyền thống dân chủ trong sinh hoạt chính trị quốc gia, cho nên tôi thấy có thiện cảm với chủ trương đó. Khi Quát trình bày với tôi, và nhờ tôi nói với ông Cẩn và ông Diệm cho phép Quát lập đảng và hoạt động công khai, mặc dù tôi ngại sẽ không được ông Cẩn, ông Diệm đồng ý, nhưng tôi cũng đến trình bày ý định của Quát cho ông Cẩn trước.

     Ông Cẩn chăm chú nghe, rồi cho tôi biết rằng về vấn đề này, ông Diệm và ông Nhu đã ra chỉ thị rõ ràng không cho phép bất cứ ai lập thêm đảng phái chính trị.

     Ông Cẩn cũng giải thích rằng chẳng phải là gia đình họ Ngô chủ trương độc tài chuyên chế, nhưng vì nhận thấy quan niệm đối lập của người Việt Nam mình thật là thô sơ và sai lạc, khi nói đến đối lập họ chỉ nghĩ đến việc cướp chính quyền bằng mọi cách, bất chấp hiến pháp luật lệ và những thủ tục dân chủ hợp pháp. Ông Cẩn đơn cử những trường hợp hoạt động đối lập của Đại Việt, Quốc Dân Đảng. Hai tổ chức này đã có lúc chống đối bằng võ lực, gây khó khăn cho chính quyền, chẳng ích lợi gì cho quốc gia dân tộc.

     Lúc bấy giờ tôi nhận thấy những lời giải thích này có phần đúng, vì trình độ ý thức chính trị của người Việt Nam còn thiếu sót nhiều lắm, các tổ chức chính trị lại đã quen hoạt động bí mật dưới thời chống Pháp, nên về chủ trương, đường lối cơ cấu tổ chức đều không thích ứng được với sinh hoạt chính trị công khai. Ông Diệm cũng còn nghĩ rằng lúc đó phải đối phó với cộng sản là một kẻ thù mạnh và nguy hiểm, ông không thể nào chịu thêm những hỗn loạn và xáo trộn chính trị trong nội bộ quốc gia.

     Ông Cẩn có nói với tôi về dùng lời khéo léo trình bày cho Quát, và khuyến khích các anh em đó nếu muốn tham dự vào sinh hoạt chính trị thì hãy gia nhập đảng Cần Lao và Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia. Về sau hình như một số các anh em trong nhóm này đã theo lời khuyên đó.

     Những gì đúng cho lúc này không hẳn đúng vĩnh viễn. Cái chủ trương độc đảng của ông Diệm trong giai đoạn đầu có thể chấp nhận được, nhưng về sau khi đã củng cố được quyền hành tôi mong ông Diệm mềm dẻo hơn đối với các tổ chức chính trị, cho phép hoạt động đối lập chính trị công khai và hợp pháp, nhưng đã không có dịp nào đề cập đến vấn đề này với ông Diệm. Vả lại càng về sau thì quyền hành thực sự của ông Nhu càng lớn lên mà ông Diệm thì ít chú ý đến, chỉ lưu tâm đến các vấn đề thiết thực, và một trong vấn đề thiết thực đó là vấn đề văn hóa, giáo dục.
Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7172
Registration date : 01/04/2011

BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-1965 - LM CAO VĂN LUẬN - Page 4 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-1965 - LM CAO VĂN LUẬN   BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-1965 - LM CAO VĂN LUẬN - Page 4 I_icon13Thu 21 Mar 2024, 10:55

BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-1965

L. M. Cao Văn Luận


36. Thời thịnh đạt nhất của chế độ Ngô Đình Diệm 

    Trong năm 1956, lúc tình hình chính trị tương đối ổn định và công cuộc định cư đã tiến hành đều đặn, tốt đẹp, tôi thu xếp công việc dạy học để đi Mỹ. Trước lúc đi tôi có vào gặp ông Diệm. Lúc này ông Diệm rất vui vẻ vì mọi việc thành công ngoài hy vọng của ông. Pháp và Bảo Đại cùng bọn Tâm-Hinh, Bình Xuyên và các giáo phái vừa bị dẹp xong một cách dễ dàng.

    Các đảng phái cũng đã thuần phục hay rút vào bóng tối, và trước mặt ông Diệm tưởng như không còn một trở ngại nào.

    Ông Diệm dặn dò tôi:

    – Qua các nơi, Cha nhớ coi các Tòa Đại Sứ mình làm việc ra sao. Nhân tiện Cha dò xem phản ứng của các nước đối với nước mình như thế nào?

    Chuyến đi này tôi không có mục đích nào nhất định và rõ rệt ngoài việc thăm viếng các sinh viên mà tôi gửi đi du học. Tôi cũng có ý định tìm hiểu dư luận các quốc gia đối với Việt Nam bây giờ như thế nào, và nếu có thể được, thì vận động các nước giúp đỡ công cuộc định cư được thuận tiện hơn.

    Ở Mỹ, dư luận quần chúng, cũng như nhận định của chính giới rất thuận lợi cho Việt Nam và Tổng Thống Diệm.

    Ông Diệm được coi là một lãnh tụ tài giỏi bậc nhất ở Đông Nam Á, và tình hình Việt Nam được coi như sáng sủa nhất từ trước đến nay. Quốc Hội Mỹ sẵn sàng phê chuẩn những yêu cầu của chính phủ nhằm giúp đỡ Việt Nam, cũng như vì dư luận Mỹ thiện cảm nhiều với Việt Nam và ông Diệm, báo chí Mỹ không chỉ trích chế độ ông Diệm, hay bôi đen tình hình chính trị Việt Nam như chúng ta thấy những lúc sau này.

    Nguyên nhân của sự kiện này, không phải nhờ ở hoạt động thông tin quốc ngoại hay nhờ ở Tòa Đại Sứ Việt Nam ở Mỹ mà phần lớn nhờ phong trào di cư. Phong trào di cư làm xúc động quần chúng và dư luận Mỹ. Lúc bấy giờ tinh thần chống cộng ở Mỹ lên cao và tôi nhớ hình như đang có một phong trào tố cáo một dân biểu cộng sản, hay thân Cộng sản.

    Những phái đoàn báo chí, tôn giáo, chuyên viên Mỹ sang Việt Nam giúp đỡ phong trào di cư, lúc trở về đã tường thuật những nỗ lực lớn lao của ông Diệm và chính phủ để định cư hàng triệu đồng bào di cư, làm cho người Mỹ hết sức thán phục và thiện cảm.

    Nhắc đến Tòa Đại Sứ Việt Nam ở Mỹ, tôi phải buồn lòng mà nói rằng ở đây họ không có một hoạt động nào xứng đáng với sự mong đợi của ông Diệm. Họ chỉ làm những công việc giấy tờ nghi lễ và cũng không có một hoạt động nào gọi là thông tin quốc ngoại cả.

    Sau khi đi một vòng nhiều quốc gia trở về, tôi được nhân viên Phủ Thủ Tướng đón tiếp tại Tân Sơn Nhất, và hẹn vào gặp ông Diệm ngay. Tôi chỉ kịp ghé nơi trọ một lúc rồi theo xe của Phủ Thủ Tướng đã đón sẵn, vào gặp ông Diệm. Ông Diệm có vẻ nóng nảy muốn biết những nhận xét của tôi về dư luận các nước và về hoạt động của các Tòa Đại sứ Việt Nam tại các nước.

    Tôi trình bày những nhận xét của tôi về dư luận các nước tôi ghé qua, và ông Diệm có vẻ vui mừng khi nghe tôi nói rằng dư luận Mỹ và các nước đều hết sức thuận lợi cho Việt Nam. Nhưng khi tôi nói đến những nhận xét của tôi về Tòa Đại Sứ Việt Nam, thì ông Diệm từ từ cau mày. Tôi thưa:

    – Thưa Cụ, các Tòa Đại Sứ Việt Nam tại các nước chẳng có nơi nào làm việc như ý Cụ mong muốn. Nơi nào cũng chỉ làm việc một cách uể oải lấy lệ. Tôi cho rằng sở dĩ có tình trạng đó là vì hai lẽ. Thứ nhất đa số nhân viên các Sứ Quán Việt Nam đều là người của thời Bảo Đại còn lại, họ chẳng có tinh thần làm việc, cũng không thông hiểu đường lối của Cụ và của chính phủ. Họ không phải là những cán bộ ngoại giao mà là những công chức ngoại giao. Họ không hiểu gì về ngoại giao cả. Thứ hai là cách bổ nhiệm Đại Sứ của Cụ làm cho những kẻ đi làm ngoại giao trở thành những kẻ bất mãn, chống lại Cụ một cách tiêu cực.

    Ông Diệm có vẻ không hiểu cái lý do thứ hai, cau mày hỏi lại:

    – Tại làm sao?

    – Thưa Cụ, Cụ đã cử một số người đi làm Đại Sứ, sau khi Cụ không còn dùng họ làm Bộ Trưởng nữa. Cụ xem trường hợp của hai ông Bùi Văn Thịnh và Nguyễn Đôn Duyến, mà suy ra thì Cụ có thể hiểu ngay. Ông Thịnh trước được Cụ cho làm Bộ Trưởng Bộ Tư Pháp, đến lúc Cụ cất chức Bộ Trưởng Tư Pháp của ông rồi, cho ông đi làm Đại Sứ Tokyo thì chắc chắn là ông ta buồn lắm. Coi như ông ta bị mất sủng ái, bị đi đày vậy, làm sao ông có thể hăng hái làm việc được. Lại như ông Duyến, trước làm Thủ Hiến Trung Việt, rồi Cụ lại cất chức Thủ Hiến Trung Việt mà cho đi làm Đại Sứ Vạn Tượng, thì ông ta cũng nghĩ là ông bị giáng cấp, bị dùng vào một chỗ không xứng tài ông ta, như vậy chắc chắn ông không cách chi làm hết trách nhiệm Đại Sứ.

    Ông Diệm hình như vẫn chưa chịu hiểu:

    – Như ông Thịnh, chỉ là một Thẩm Phán, nay được làm Đại Sứ thì cũng là làm to lắm rồi còn bất mãn cái nỗi gì?

    – Thưa Cụ, trước kia ông làm Thẩm Phán, nhưng chính Cụ cất lên làm Bộ Trưởng Tư Pháp. Người ta thường chỉ nhớ đến cái địa vị cao nhất, mới nhất mà quên ngày xưa mình chỉ là bạch diện thư sinh, hay chỉ là Thẩm Phán.

    Lúc bấy giờ ông Diệm mới có vẻ hơi đồng ý với tôi, gật gù:

    – Như vậy Cha tính sao?

    Tôi cũng trầm ngâm một lúc rồi nói:

    – Thưa Cụ, hiện nay nước mình chỉ liên quan nhiều đến một số quốc gia. Tại những nơi đó, Cụ cần phải chọn lựa được những cán bộ ngoại giao xứng đáng thông hiểu tinh thần và đường lối của Cụ, đồng thời có tài năng, giỏi tháo vát, hăng say làm việc. Những nơi đó, theo ý tôi, gần thì có Thái Lan, Cao Miên, Lào. Đó là những nơi số Việt kiều rầt đông, từ vài trăm ngàn ở Lào và Thái Lan, đến gần nửa triệu ở Cao Miên. Các Đại Sứ ở ba quốc gia này phải kiêm nhiệm cả công việc tuyên truyền, tổ chức Việt kiều để lôi cuốn số Việt kiều đông đảo này về với chính phủ mình, và đừng để cho họ chạy theo cộng sản. Còn ở một vài nước xa hiện đang chú ý đến nước mình và có khả năng giúp đỡ nước mình như Mỹ, Pháp, Anh, Gia Nã Đại, Tây Đức, thì Cụ cần phải chọn những Đại Sứ và các nhân viên thật giỏi trong việc vận động dư luận để các nước này có thiện cảm với nước mình mà sẵn lòng giúp đỡ mình.

    Tôi tin rằng ông Diệm rất lưu tâm đến vấn đề ngoại giao, nhưng về sau tôi đi ngoại quốc không thấy có thay đổi gì nhiều, có lẽ ông không chọn ra người tài, hoặc là vì cái tinh thần chọn người của ông không được đúng cách.

    Về sau tôi vẫn thấy nhiều người làm Bộ Trưởng hay làm Tướng, làm đại diện chính phủ Miền rồi khi thôi làm thì lại được ông Diệm cho đi làm Đại Sứ. Do đó dân chúng lúc bấy giờ đã có câu: Được làm Vua thua làm Đại Sứ.

    Trong mấy năm sau 1956, thỉnh thoảng tôi vô Dinh, nhiều khi làm lễ trong Dinh, dùng sáng với ông Diệm, soạn hoặc sửa các diễn văn cho ông Diệm. Có khi ông Diệm trao cho tôi một diễn văn bằng tiếng Pháp do ông Nhu soạn rồi nhờ tôi dịch ra tiếng Việt.

    Tôi còn nhớ một chi tiết quanh một diễn văn của ông Diệm. Nhân dịp lễ Trung Thu năm 1956, tôi vào Dinh một hai hôm trước. Ông Diệm đang cầm trên tay một diễn văn đã đánh máy, trao cho tôi đọc, càu nhàu:

    – Cha coi, cái diễn văn này 15 thằng làm mà không ra gì cả.

    Võ Văn Hải lúc đó đứng khúm núm bên cạnh,có vẻ lo sợ lắm.

    Ông Diệm gọi Võ Văn Hải:

    – Nè, mình lại lạy Cha Luận đi, rồi nhờ ngài sửa cho.

    Quay qua tôi, ông Diệm nói:

    – Nhờ Cha qua bên phòng Võ Văn Hải, đọc lại cái diễn văn này, thấy có gì đáng sửa, đáng thêm bớt thì Cha sửa và thêm bớt giúp.

    Tôi sang phòng Võ Văn Hải, đọc lại diễn văn Trung Thu, thấy cũng chẳng đến nỗi tệ gì lắm. Tuy nhiên tôi có sửa đổi vài ba câu, thêm bớt mấy chỗ rồi giao cho Võ Văn Hải cho người đánh máy lại. Ông Diệm chỉ liếc sơ rồi hôm sau lên đọc.

    Trong thời gian này, tôi không nhớ rõ vào lúc nào bà Nhu có đưa ra Dự Luật Gia Đình, và sắp vận động Quốc Hội biểu quyết.

    Điều chính yếu trong dự luật này là luật một vợ một chồng cấm ly dị. Tôi nhân có dịp gặp ông Diệm trước khi dự luật được biểu quyết, có thưa với ông Diệm.

    – Thưa Cụ tôi thiết nghĩ là Cụ không nên để bà Nhu đưa ra Quốc Hội cái Dự Luật Gia Đình đó, vì nước mình không cần phải làm luật cấm đa thê và cấm ly dị. Những biến chuyển kinh tế, văn hóa dần dà sẽ dẫn xã hội đến tình trạng một vợ một chồng chớ mình không cầm làm luật cấm đoán người ta làm gì, vả chăng luật lệ chỉ hợp pháp hóa phong tục trong xã hội, mà không tạo ra phong tục. Còn về cái điều cấm ly dị thì tôi cũng cho rằng không ích lợi gì mà có thể tạo nên nhiều phản ứng chống đối bất lợi cho chính phủ. Khi vợ chồng thương yêu nhau thì bắt buộc họ cũng không ly dị, còn khi họ ghét nhau thì dù luật pháp có bắt buộc họ sống chung cũng chẳng được. Hơn nữa nước Việt Nam là một nước đa số theo Thiên Chúa Giáo, cho nên luật cấm đa thê và cấm ly dị không thích hợp lắm. Các nước Tây phưong, trừ nước Ý dù đa số theo Thiên Chúa Giáo vẫn cho phép ly dị. Cụ còn nắm quyền thì luật này còn giá trị, nhưng về sau họ không thích thì họ lại thay đổi ngay.

    Ông Diệm có vẻ đã nuôi sẵn nhiều định kiến về vấn đề này, nên không để ý đến những lập luận của tôi, ông giải thích:

    – Nước Việt Nam mình phải đóng vai lãnh tụ Á Đông, nhưng lại không thể, hay chưa thể làm lãnh tụ về các phương diện quân sự, kinh tế, khoa học kỹ nghệ được, vậy thì phải đóng vai lãnh tụ trong địa hạt gia đình, vì như thế mình chứng minh và nêu gương tinh thần đạo đức của Việt Nam đối với thế giới Á Đông.

    Tôi hoàn toàn không đồng ý về cái cách làm lãnh tụ Á Đông của ông Diệm. Tôi biện bác:

    – Thưa Cụ, nói đến Á Đông thì rộng quá, nhưng nói đến Đông Nam Á thì Việt Nam có thể đóng vai lãnh tụ đúng như ý Cụ muốn. Nhưng có điều là Luật Gia Đình không thể giúp Việt Nam làm việc đó được, cấm đa thê và cấ, ly dị đối với xã hội Á Đông không phải là một điểm đạo đức lớn, và vi phạm các luật cấm đó không phải là những tội nặng đối với phong tục và luật pháp các quốc gia Á Đông. Việt Nam mình có thể làm lãnh tụ Đông Nam Á ở địa hạt khác, chẳng hạn địa hạt văn hóa, giáo dục.

    Lúc bấy giờ tôi đã lưu tâm đến các công cuộc phát triển văn hóa giáo dục, và nuôi trong đầu óc một vài ý kiến, nhưng chưa được rõ ràng, nên chưa thể trình bày với ông Diệm. Đại khái ý kiến của tôi là mở rộng Viện Đại Học Sài Gòn, lập thêm một vài Đại Học khác ở những nơi đông dân cư như Huế, Đà Lạt v.v…

    Tôi cũng đã nghĩ đến việc trao đổi văn hóa, trao đổi các sinh viên với các quốc gia Đông Nam Á, cách riêng đối với Cao Miên và Lào, vì tôi nghĩ đến Việt Nam cấp cho họ một số học bổng chắc chắn là họ sẽ vui mừng mà nhận. Tôi định trình bày nhiều hơn với ông Diệm về vấn đề này trong một dịp khác, nhưng lúc này thấy ông Diệm đã có chủ trương cứng rắn đối với luật gia đình, tôi nghĩ dù có nói gì cũng chẳng ích lợi chi nữa nên thôi.

    Ít lâu sau, Luật Gia Đình của bà Nhu được đưa ra trước Quốc Hội, được biểu quyết nguyên văn, và được ban hành. Ông Diệm, bà Nhu coi luật này như một tiến bộ lớn về mặt đạo đức. Trong dân chúng, nhất là ở Huế, tôi nghe được nhiều nguồn dư luận bất mãn chống đối Luật Gia Đình, nhưng vì mọi người sợ ông Diệm nên chẳng ai dám nói ra, vả lại trên thực tế luật này chỉ ảnh hưởng đến một thiểu số giàu sang, phong kiến, còn đa số dân chúng thì chẳng chịu ảnh hưởng gì nhiều.
Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7172
Registration date : 01/04/2011

BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-1965 - LM CAO VĂN LUẬN - Page 4 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-1965 - LM CAO VĂN LUẬN   BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-1965 - LM CAO VĂN LUẬN - Page 4 I_icon13Tue 26 Mar 2024, 13:16

BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-1965

L. M. Cao Văn Luận


37. Ông Diệm và văn hóa giáo dục  

    Từ một quốc gia vừa thoát cảnh chiến tranh, các trường trung tiểu học còn thiếu thốn, ông Diệm đã nỗ lực giải quyết vấn đề giáo dục, và trong thời gian từ 1955 đến 1958 người ta thấy các trường trung tiểu học công tư mọc lên khắp nơi. Đại Học Sài Gòn phát triển mạnh mẽ, và đặc biết ông Diệm đã hoàn toàn đồng ý và tích cực nhúng tay vào việc thành lập Đại Học Huế.

    Tại Sài Gòn, ngay từ đầu, nghĩa là từ 1959, khi đã ổn định tình hình chính trị, ông Diệm đã nghĩ đến việc đưa Đại Học Sài Gòn lên khu Đại Học Thủ Đức. Ông cũng nghĩ đến việc thành lập Đại Học Huế, và trong những câu chuyện giữa ông Diệm và tôi nhiều lúc ông có nhắc đến dự cần thiết phải thành lập một Đại Học Huế.

    Vào ngày mồng 3 Tết năm 1957, hình như cuối tháng giêng năm 1957, theo thường lệ ông Diệm ra Huế dự lễ giỗ Cụ Khả. Tôi đến chào ông tại nhà ông Cẩn, và ngay đầu câu chuyện ông Diệm nói:

    – Này Cha, tôi thấy cần phải thành lập tại Huế một Viện Đại Học lớn, vì hai lý do chính. Thứ nhất là Huế từ trước đã là một trung tâm văn hóa của nước ta. Ở Huế đã có những truyền thống văn hóa sâu đậm, có những cơ sở văn hóa lâu đời, như Trường Quốc Tử Giám, các cuộc thi cử Hán học. Dân miền Trung lại hiếu học mà nghèo, có bao nhiêu thanh niên ưu tú muốn lên Đại Học mà không thể vào Sài Gòn học tiếp. Thứ hai là hiện nay dân chúng xôn xao đồn đại rằng chính phủ một ngày nào đó có thể bỏ Huế, vì hiện nay Huế không quan trọng lắm về phương diện chính trị, kinh tế. Vậy lập Viện Đại Học Huế là chứng minh cách cụ thể với dân chúng, với quốc tế cũng như với bên kia rằng chính phủ nhất định bảo vệ Huế. Huế chỉ cách vĩ tuyến 17 khoảng 100 cây số, lập ở đây một Đại Học lớn chẳng khác nào thách đố với bọn cộng sản. Nếu bây giờ tôi quyết định lập Đại Học Huế, Cha có bằng lòng giúp tôi không?

    Tôi vui mừng thật tình. Tôi cũng đã từng nghĩ như ông Diệm, nhưng tôi lưu ý đến vấn đề văn hóa và tình trạng của dân miền Trung hơn là về các lý do chính trị.

    – Thưa Cụ, nếu tôi có thể làm được việc gì để góp công vào việc thành lập một Đại Học ở Huế, thì Cụ có thể tin rằng tôi không ngần ngại chút nào.

    Ông Diệm thấy tôi nhận lời thì có vẻ mừng, gật gù:

    – Vậy thì ít hôm nữa tôi sẽ sai một phái đoàn ra đây để gặp Cha, để thảo luận và nghiên cứu các chi tiết cụ thể. Hôm đó câu chuyện tại nhà ông Cẩn xoay quanh việc thành lập Đại Học Huế. Trước mặt ông Diệm những người có mặt tỏ vẻ đồng ý phải thành lập gấp một Đại Học tại Huế.

    Tin này đồn ra ngoài, nhất là trong giới học sinh trung học các năm cuối và giới trí thức, chính trị ở Huế. Ai cũng tỏ vẻ hân hoan chờ đợi. Nhiều người đến gặp tôi và thúc giục tôi xúc tiến việc đó nhanh chóng để làm sao cho đầu niên khóa tới con em họ có thể vào Đại Học ngay tại Huế. Tôi cũng bị lôi cuốn trong bầu không khí phấn khởi đó.

    Khoảng một tháng sau, hình như vào cuối tháng giêng, một phái đoàn từ Sài Gòn ra gặp tôi có các ông Ngô Đình Nhu, Bộ Trưởng Giáo Dục Nguyễn Dương Đôn, Viện Trưởng Đại Học Sài Gòn Nguyễn Quang Trình và những Giáo Sư, chuyên viên khác.

    Một cuộc họp được tổ chức tại Tòa Tỉnh Thừa Thiên có Tỉnh trưởng và một số trí thức thân hào nhân sĩ địa phương tham dự. Tôi trình bày với mọi người những lý do mà ông Diệm đã đưa ra kèm thêm những lý do thực tế của tôi. Hội nghị thảo luận và đi đến quyết định là vì những hoàn cảnh đặc biệt, những khó khăn trong ngành giáo dục, chưa nên làm việc vội vàng hấp tấp quá. Họ nói rằng ở Huế chỉ nên lập một chi nhánh của Viện Đại Học Sài Gòn tùy thuộc hoàn cảnh vào Viện Đại Học Sài Gòn và Bộ Quốc Gia Giáo Dục. Như vậy Đại Học Huế sẽ không thành một đơn vị độc lập mà chỉ là một số các phân khoa đặt dưới quyền Viện Đại Học Sài Gòn mà thôi. Tôi được cử làm đại diện cho ông Viện Trưởng Viện Đại Học Sài Gòn Nguyễn Quang Trình để tổ chức. Tôi không đồng ý nhưng đành khuất phục trước quyết định của đa số.

    Mấy hôm lưu lại Huế, phái đoàn đi xem những cơ sở đất đai có thể dùng làm Đại Học Huế, như Tòa Đại Biểu Chính Phủ, Khách Sạn Morin, Ngân Hàng Đông Dương vừa được chính phủ mua lại. Phái đoàn về Sài Gòn được mấy hôm thì có nghị định thành lập Đại Học Huế, nhưng với các điều khoản đặt Đại Học Huế lệ thuộc Viện Đại Học Sài Gòn.

    Sau hai tháng hoạt động mỗi ngày tôi thấy thêm nhiều khó khăn chỉ vì Huế thì xa Sài Gòn, tôi lại không có đủ thẩm quyền quyết định bất cứ việc gì mà phải phúc trình về Viện Trưởng Đại Học Sài Gòn, về Bộ Quốc Gia Giáo Dục, rồi lên ông Nhu, ông Diệm. Các thủ tục đó làm cho công việc chậm trễ, làm cả tôi và những người góp sức lúc đầu chán nản dần. Tôi vào Sài Gòn trình bày các khó khăn đó thẳng cho ông Diệm. Tôi nói với ông Diệm rằng ý kiến đầu của ông Diệm là muốn có một Đại Học Huế độc lập, lớn, quan trọng để thành một chứng minh và thách đố với thế giới và bên kia, nếu cứ phải chạy quấn trong những thủ tục giấy tờ rắc rối và những hành lang của giới giáo dục Sài Gòn, thì không thể đi đến kết quả tốt được. Tôi yêu cầu ông Diệm cho Đại Học Huế qui chế riêng biệt và độc lập, và tôi có quyền quyết định mọi việc trong phạm vi ích lợi cho Đại Học Huế. Tôi ngỏ ý nếu không được như vậy thì xin ông Diệm chọn người khác, và tôi nhận thấy không thể làm việc trong các điều kiện quá rắc rối như vậy được. Tôi không phải là người có thể đi vòng vo qua bao nhiêu hành lang các bộ sở được mãi.

    Ông Diệm đồng ý:

    – Cha yên tâm. Tôi đồng ý với Cha về những điều đó, và sẽ có Nghị Định thành lập Viện Đại Học Huế tự trị ngay cho Cha, và tôi xin mời Cha làm Viện Trưởng đầu tiên Viện Đại Học Huế.

    Tôi trở về Huế ít hôm thì có Nghị Định thành lập Viện Đại Học Huế, đồng thời với Sắc Lệnh cử tôi làm Viện Trưởng.

    Bấy giờ tôi xúc tiến nhanh việc tìm trụ sở, lớp học, địa điểm, đồng thời mời các Giáo Sư ở Huế, Sài Gòn và ngoại quốc về hợp tác. Trong giai đoạn đầu Ban Giáo Sư gồm có mấy người tôi còn nhớ là Lê Tuyên, Lê Khắc Phò, Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Văn Trường. Vài tháng sau thêm Lê Thanh Minh Châu và vợ là Tăng Thị Thành Trai.

    Ngay niên khóa 1957, Đại Học Huế mở các chứng chỉ dự bị như Năng Lực, Luật Khoa, Văn Khoa, Khoa Học. Ngoài ra nhận thấy việc đào tạo Giáo Sư Trung Học và Giáo Viên Tiểu Học rất cần thiết cho tình trạng phát triển giáo dục mạnh mẽ hiện nay và tương lai, tôi chú trọng đặc biệt vào Đại Học Sư Phạm.

    Thấy công việc tạm yên, sau khi các lớp đầu mở được một vài tháng cuối năm 1957, tôi và Lê Thanh Minh Châu đi ngoại quốc, với chủ ý nghiên cứu cách thức tổ chức Đại Học đồng thời vận động sự giúp đỡ của các quốc gia Đồng Minh. Trước hết tôi đến Âu Châu, rồi sang Mỹ và Gia Nã Đại.

    Tại Mỹ tôi nhận được nhiều sự giúp đỡ thiết thực và tích cực của một vài tổ chức. Tổ Chức IRC (International Rescue Committee) giúp đỡ đầu tiên và nhiều nhất bằng cách cấp cho Đại Học Huế một khoảng tiền mặt đủ để tăng thêm lương cho mỗi Giáo Sư 5.000 đồng mỗi tháng. Nhờ đó công việc mời Giáo Sư giảng dạy tại Đại Học Huế được dễ dàng hơn. Tôi đánh điện về nước báo tin vui, và nói với các anh em ở nhà dựa theo tiêu chuẩn lương bổng mới mà mời thêm Giáo Sư.

    Cơ quan thứ hai giúp đỡ quan trọng cho Đại Học Huế là Asia Foundation.

    Ngoài những ngân khoản dùng để xây cất cư xá sinh viên, tổ chức thể thao, cơ quan này còn cấp nhiều học bổng cho các sinh viên Đại Học Huế, và nhờ đó khuyến khích các sinh viên cũng như tăng uy tín cho Đại Học Huế.

    Một tổ chức thứ ba tuy nhỏ nhưng tích cực giúp đỡ Viện Đại Học Huế, là tổ chức New Land Foundation, do Giáo Sư Burtinguer làm Chủ Tịch. Ngay trong lần gặp gỡ đầu, Giáo Sư đã tỏ ra sốt sắng giúp đỡ, và hứa giúp mỗi năm 5.000 Mỹ kim tiền mặt, và sau hai năm tổ chức này tăng lên 7.000 Mỹ kim mỗi năm.

    Tôi cũng đến thăm vài Viện Đại Học Hoa Kỳ và ở đây tôi cũng nhận được những sự khuyến khích nồng hậu của họ. Hầu hết đều hứa hẹn dành cho Đại Học Huế một vài học bổng, và nếu cần gì trong khả năng và quyền hạn của họ thì tôi cứ liên lạc sau, họ sẽ cố gắng giúp đỡ.

    Tôi trở về Sài Gòn và vào gặp Tổng Thống Diệm trình bày kết quả chuyến đi. Tổng Thống rất lưu ý đến Đại Học Huế cho nên khi hay tin thêm nhiều tổ chức có thiện cảm và giúp đỡ cụ thể Đại Học Huế ông mừng lắm. Riêng ông rất tích cực trong việc mở mang Đại Học Huế.

    Cần đến điều gì, tôi thường vào Sài Gòn trình bày thẳng với ông và trong hầu hết các trường hợp đều được ông chấp thuận, đôi khi quá mức hy vọng của tôi. Lúc đầu một vài người đưa ý kiến tìm một khu đất rộng ở ngoại ô để lập một khu Đại Học Huế thật rộng rãi xứng đáng. Tôi thấy ý kiến này có điều hay, nhưng chỉ ngại tình hình an ninh không được bảo đảm, sẽ làm hỏng tất cả mọi việc, nên đề nghị chọn một vài khu đất rộng còn trống trong thành phố thì hơn. Do đó các cơ sở mới của Đại Học Huế được xây cất trên khu đất trống của Tòa Khâm Sứ cũ, hoặc trên đất Hồ Đắc Trung trước Tòa Đại Biểu cũ.

    Các họa đồ đều do Ngô Viết Thụ vẽ rồi trình thẳng lên ông Diệm duyệt. Tôi nhớ một hôm tôi về Sài Gòn, ông Diệm đưa tôi xem họa đồ Khu Cư Xá Giáo Sư do Ngô Viết Thụ vẽ vừa đưa lên. Ngô Viết Thu khi đó cũng có mặt trong phòng. Ông Diệm chăm chú nhìn vào họa đồ, rồi hỏi Ngô Viết Thu:

    – Phải có chỗ để phơi quần áo chớ. Chẳng lẽ bắt người ta phơi quần áo đầu giường sao?

    Tôi và Ngô Viết Thụ đều có vẻ ngạc nhiên, vì không nghĩ ra ông Diệm có thể chú ý đến những việc nhỏ bé như vậy. Điều này chứng tỏ ông Diệm lưu tâm đến Đại Học Huế chừng nào, và cũng chứng tỏ rằng trong nhiều vấn đề, ông Diệm rất hết sức tỉ mỉ, không hàm hồ như nhiều người chê trách sau này. Ngô Viết Thụ phải sửa sơ lại họa đồ, và thêm phòng phơi quần áo cho Cư Xá Giáo Sư.

    Mỗi lần ra Huế, ông Diệm đều đến thăm Đại Học Huế, và bàn thêm với tôi về những cách thức củng cố và mở mang Đại Học Huế. Điều này có lúc gây ra đôi chút đố kỵ từ giới Đại Học và Giáo Dục ở Sài Gòn thời bấy giờ, mà tôi sẽ trình bày trong việc thành lập Đại Học Y Khoa Huế.

    Hết năm 1958, Viện Đại Học Huế có thể gọi là đã trưởng thành về mọi mặt. Các phân khoa hoạt động đều đặn. Bấy giờ tôi bắt đầu nghĩ đến việc mở thêm Đại Học Y Khoa, tôi cho rằng Đại Học Huế có Y Khoa thì mới gọi là đầy đủ được. Tôi từng đọc những bản thống kê về con số Bác Sĩ trên thế giới, thì thấy rằng tính theo dân số, tỉ lệ các Bác Sĩ Việt Nam còn kém hơn Phi Châu. Ở Việt Nam cứ 30.000 người dân một Bác Sĩ, trong lúc ở Phi Châu, chỉ trên 20.000 dân đã có một Bác Sĩ.

    Một tình trạng khan hiếm Bác Sĩ trong một quốc gia đang mở mang tai hại đến nhiều thế hệ về sau. Tại nông thôn tình trạng khan hiếm Bác Sĩ càng rõ rệt. Ở Huế những Quận lớn và đông dân cư như Hương Thủy, Cầu Hai không có được một Bác Sĩ dân sự nào, mặc dầu có những người địa phương tốt nghiệp Bác Sĩ. Các Bác Sĩ quy tụ cả vào Sài Gòn và những thành phố lớn. Riêng trong Thành Phố Huế, con số Bác Sĩ dân y và những Bác Sĩ Quân Y mở phòng mạch riêng ngoài phố cũng không đủ so với dân số Huế.

    Tôi đã lưu tâm đến vấn đề khan hiếm Bác Sĩ, Cán Sự Y Tế từ khi về nước. Tôi còn nhớ lúc làm Cha Xứ Đan Sa ở Quảng Bình tôi đã chứng kiến sự khốn khổ của người dân thiếu hiểu biết y tế, thiếu Bác Sĩ là như thế nào, vì đó ngay từ khi mới mở Đại Học Huế, tôi đã cố gắng thêm những khóa Cán Sự Điều Dưỡng và Nữ Hộ Sinh Quốc Gia.

    Nhưng không ai có thể thay thế được những Bác Sĩ có khả năng, giàu lương tâm chức nghiệp.

    Với tất cả những ưu tư đó, vào cuối năm 1958, tôi vào Sài Gòn gặp ông Diệm để trình bày về sự cần thiết phải mở Đại Học Y Khoa Huế. Tôi đưa ra mọi lý lẽ để thuyết phục ông Diệm.

    – Thưa Cụ, giữa thời đại văn minh này, nhiều làng mạc, thôn xóm Việt Nam, nhiều người Việt Nam vẫn chữa bệnh theo lối đồng bóng phù thủy, cầu thánh. Người ta đã chỉ trích cái tinh thần mê tín dị đoan của dân Việt Nam, nhưng không ai chịu bứng cái gốc của sự mê tín dị đoan đó, là vì Việt Nam thiếu hiểu biết về vệ sinh y tế, và thiếu Bác Sĩ ở nông thôn. Miền Trung vừa nghèo vừa đông dân cư, tình trạng thiếu Bác Sĩ càng trầm trọng hơn bất cứ nơi nào khác. Tôi thấy cần phải mở Đại Học Y Khoa Huế để đào tạo những sinh viên Huế có khả năng và ham thích Y Khoa trở thành những Bác Sĩ. Hẳn Cụ cũng biết hằng năm Đại Học Y Khoa Sài Gòn chỉ đào tạo được vài chục Bác Sĩ, trong số đó một phần đã phải vào Ngành Quân Y. Hằng năm có đến hàng ngàn sinh viên thi vào Y Khoa, nhưng đều bị loại không phải vì họ thiếu khả năng, không đúng tiêu chuẩn nhưng chỉ vì mức thu nhận của Đại Học Y Khoa Sài Gòn quá ít ỏi. Bây giờ dù có mở thêm Đại Học Y Khoa Huế chúng ta cũng không sợ thiếu sinh viên, hay ứ đọng Bác Sĩ…

    Cụ Diệm có vẻ hết sức lưu tâm đến vấn đề. Cụ đồng ý với những lập luận của tôi, gật gù hứa hẹn:

    – Cha nói đúng. Nước mình thiếu Bác Sĩ một cách trầm trọng. Tôi đã lưu ý đến tình trạng này từ lâu, nhưng vấn đề hết sức quan trọng, lại nặng tính cách chuyên môn quá nhiều nên tôi không thể đơn phương quyết định được. Tôi hứa với Cha sẽ đưa vấn đề ra thảo luận trong một Hội Đồng Nội Các gần nhất. Riêng tôi, hoàn toàn ủng hộ đề nghị của Cha.

    Tôi ra về, có vài phần tin tưởng.

    Ba tuần sau chẳng thấy tin tức gì, tôi lại vào Sài Gòn và đến gặp Tổng Thống. Tổng Thống cho biết rằng vấn đề đã được đưa ra một Hội Đồng Nội Các cách đây 10 hôm, nhưng các ông Bộ Trưởng đều bác bỏ, sau khi tham khảo giới Đại Học Y Khoa Sài Gòn.

    – Thưa Cụ, họ viện ra những lý do gì để bác bỏ?

    – Tôi cũng thấy những lý do họ đưa ra không vững vàng chi lắm, nhưng nó chứng tỏ rằng họ không muốn có thêm một Đại Học Y Khoa. Họ nói rằng cả nước Việt Nam chỉ cần có một Đại Học Y Khoa là đủ lắm rồi.

    Tôi bực tức hết sức:

    – Thế nào gọi là đủ được, thưa Cụ. Phi Châu cứ 20.000 dân đã có một Bác Sĩ, trong lúc Việt Nam tự hào có bốn ngàn năm văn hiến, Cụ lại đương có dự tính làm cho nước Việt Nam đóng vai lãnh tụ Đông Nam Á mà trên 30.000 dân mới có được một Bác Sĩ, thì gọi là đủ làm sao được. Hơn nữa như Cụ hiểu hơn ai hết, các Bác Sĩ phần lớn đều quy tụ vào các Thành Phố lớn, còn ở nông thôn có khi cách hàng chục cây số chưa tìm ra được một Bác Sĩ. Ngày xưa dân chúng còn chữa trị bằng Thuốc Bắc, Thuốc Nam được là nhờ các Cụ Đồ Nho tham khảo sách Tàu được, nay lớp người đó đã quy tiên, lớp trẻ lớn lên không hiểu chữ Nho, những Thầy Thuốc Bắc ngày nay càng ngày càng suy đồi về nghề nghiệp, chỉ còn giữ được vài phương thuốc gia truyền. Nhiều khi họ chữa trị bậy bạ, làm hại cho sức khỏe của dân chúng hơn là làm lợi.

    Ông Diệm có vẻ thông cảm với sự bực tức của tôi, bình tĩnh giải thích:

    – Ngoài lý do trên đây, họ còn viện lẽ rằng hiện nay số Bác Sĩ Giảng Viên Y Khoa của Việt Nam rất thiếu, may lắm vừa đủ cung ứng cho Đại Học Y Khoa Sài Gòn, mà không thể nào cung ứng thêm cho một Đại Học Y Khoa thứ hai nào khác. Nếu mở Đại Học Y Khoa Huế, chả lấy đâu ra Bác Sĩ Giáo Sư.

    – Thưa Cụ, tôi đồng ý là chúng ta thiếu Giáo Sư, không những về Y Khoa, mà về mọi ngành Đại Học khác. Nhưng không lẽ vì thấy thiếu rồi chúng ta không làm gì cả, không mở Đại Học Kỹ Thuật, Đại Học Khoa Học v.v…? Chúng ta phải tìm cách để giải quyết những khó khăn đó. Chẳng hạn chúng ta có thể yêu cầu những quốc gia Đồng Minh giúp cho chúng ta một số Giáo Sư Y Khoa…

    Ông Diệm có vẻ đồng ý hơn với tôi:

    – Cha ngồi chờ một lát tôi gọi ông Bộ Trưởng Quốc Gia Giáo Dục và hỏi qua ý kiến một chút.

    Ông Diệm nhấc điện thoại gọi ông Trần Hữu Thế, lúc bấy giờ vừa thay Nguyễn Dương Đôn làm Bộ Trưởng Giáo Dục. Chỉ vài phút sau thì ông Thế vào.

    Ông Thế không có thêm ý kiến mới lạ nào, ngoài những điều đã đưa ra trong Hội Đồng Nội Các mười hôm trước nhằm bác bỏ việc thành lập Đại Học Y Khoa Huế. Ông Diệm nói:

    – Sau khi bàn với Cha Luận, tôi thấy có thể mở Đại Học Y Khoa Huế, và đã quyết định thành lập Đại Học Y Khoa. Ông Bộ Trưởng cho thảo Sắc Lệnh mai đem lên tôi ký.

    Ba người ngồi lại thảo luận thêm một chút. Ông Diệm hỏi tôi:

    – Bây giờ Cha đã có Sắc Lệnh rồi, Cha làm cách nào mở được Đại Học Y Khoa Huế?

    Ông Thế có vẻ cũng muốn hiểu điều đó. Tôi đã có chủ ý rồi.

    – Thưa Cụ, hôm nay có Sắc Lệnh, không phải là ngày mai có liền một Đại Học Y Khoa. Nhưng Sắc Lệnh đó cho tôi một căn bản để hoạt động, kêu gọi các Tòa Đại Sứ, các nước Đồng Minh, các Viện Đại Học Y Khoa lớn trên thế giới giúp đỡ mình, cũng như để có căn bản mời những Bác Sĩ Giáo Sư Việt Nam ở ngoại quốc về nước. Có thể là hôm nay có Sắc Lệnh, nhưng năm sau hay lâu hơn nữa mới có thể mở được. Nhưng nếu hôm nay không có Sắc Lệnh còn nói chi đến chuyện có một Viện Đại Học Y Khoa Huế.

    Ông Diệm và Trần Hữu Thế có vẻ đồng ý điều đó. Ông Diệm gật đầu:

    – Được rồi ngày mai Cha sẽ có Sắc Lệnh.

    Quả thực ngày mai vào phòng ông Diệm, tôi đã thấy Sắc Lệnh thành lập Đại Học Y Khoa Huế để trên bàn làm việc của ông Diệm. Ông Diệm trịnh trọng cầm Sắc Lệnh trao cho tôi, nhìn tôi một lúc lâu:

    – Tôi đặt hết tin tưởng vào nơi Cha, nhưng tôi lo sợ Cha làm không thành thì bọn trí thức Sài Gòn, nhất là giới Y Khoa ở đây, chẳng những cười Cha mà còn chê tôi nữa. Cầu chúc Cha thành công.

    – Tôi sẽ cố gắng hết sức mình, và tin rằng sẽ thành công, nhưng mọi việc còn nhờ Cụ nhiều lắm.

    Tiễn tôi ra cửa, ông Diệm còn căn dặn:

    – Những gì trong phạm vi khả năng của tôi, chắc chắn là tôi không từ chối đâu, nhưng tôi thấy công việc thật là khó khăn.

    Đã có Sắc Lệnh trong tay, tôi đi gặp các Tòa Đại Sứ, phần nhiều được các Tham Vụ Văn Hóa các Tòa Đại Sứ này đón tiếp nồng hậu, ghi nhận sự thông báo và yêu cầu của tôi, và nơi nào cũng hứa sẽ nghiên cứu rồi tìm cách giúp đỡ sau. Người thứ nhất mà tôi đến tìm gặp là ông Costler, Phó Giám Đốc Cơ Quan Viện Trợ Hoa Kỳ. Ông tỏ vẻ hiểu biết, cho tôi biết rằng Hoa Kỳ có thể giúp đỡ Việt Nam rất nhiều về mặt khoa học kỹ thuật nhưng không thể giúp gì cho Y Khoa được. Từ ba năm nay Hoa Kỳ cũng rất muốn giúp đỡ Y Khoa Việt Nam phát triển nhưng vì sự cạnh tranh giữa hai khuynh hướng Pháp và Mỹ nên đành bó tay.

    Tôi hứa với ông là trong Đại Học Y khoa Huế tương lai vấn đề cạnh tranh ảnh hưởng giữa Pháp và Mỹ sẽ không được đặt thành. Ông hứa sẽ nghiên cứu sự yêu cầu giúp đỡ của tôi và sẽ thông báo kết quả cho tôi sau.

    Nơi thứ hai mà tôi tìm đến là Tòa Đại Sứ Pháp.

    Ông Tham Vụ Văn Hóa Tòa Đại Sứ Pháp trả lời cho tôi biết rằng Pháp hiện đã dốc các nỗ lực giúp cho Đại Học Y Khoa Sài Gòn, và thấy khó có thể giúp thêm cho Đại Học Y Khoa Huế, vì vậy không thể hứa điều gì ngay lúc này, nhưng sẽ nghiên cứu và cho biết sau.

    Tôi đến Tòa Đại Sứ Tây Đức, và được ông Đại Sứ là ông Von Wenland tiếp cách nồng hậu, niềm nở. Ông Đại Sứ cho biết rằng vấn đề khó khăn, tế nhị vì ở Đức quyền các Tiểu Bang khá lớn, và quy chế tự trị Đại Học có tính cách gần như tuyệt đối. Chính phủ Liên Bang dù muốn làm việc gì cũng phải được sự đồng ý của Tiểu Bang và của các Đại Học.

    Tuy nhiên ông hứa sẽ tìm mọi cách giúp đỡ tôi trong việc thành lập Đại Học Y Khoa Huế. Ông cho biết tuần sau ông sẽ cử một Cố Vấn Văn Hóa ra Huế xem xét và nghiên cứu.

    Tôi về Huế được một tuần thì ông Bác Sĩ Jacob Cố Vấn Văn Hóa Tòa Đại Sứ Đức ra thăm tôi và thảo luận về những chi tiết thành lập Đại Học Y Khoa. Ngoài ra tôi cũng dẫn ông đến quan sát Bệnh Viện Trung Ương Huế.

    Lúc tôi trở vào Sài Gòn, ông hỏi tôi:

    – Tôi rất thiện cảm với chương trình của Cha nhưng xin Cha cho biết việc đầu tiên mà nước tôi có thể giúp Cha là việc gì?

    – Tôi đã có Sắc Lệnh, nhưng chính tôi cũng chưa biết phải làm gì, bắt đầu từ chỗ nào. Vậy việc đầu tiên và dễ dàng mà tôi yêu cầu Tòa Đại Sứ Đức giúp cho là phái sang đây một Giáo Sư đứng tuổi, nhiều kinh nghiệm giảng dạy và tổ chức Đại Học Y Khoa. Ông sẽ sống ở đây với tôi vài tháng, để quan sát và nghiên cứu rồi phúc trình về Tòa Đại Sứ và về nước Đức, đồng thời ông có thể làm Cố Vấn cho tôi.

    Bác Sĩ Jacob đồng ý, và cho rằng việc đó có lẽ không khó khăn lắm và sẽ được chấp thuận dễ dàng.

    Hai tháng sau, Bác Sĩ Krainick, Giáo Sư Thạc Sĩ đứng tuổi, từng giảng dạy tại Đại Học Đường Y Khoa Freiburg, được chính phủ và Bộ Ngoại Giao Đức phái đến Huế. Ông lưu lại Huế 2 tháng hơn, làm việc tại Bệnh Viện Trung Ương Huế và nhận định rằng Bệnh Viện này đủ điều kiện cung cấp những phương tiện nghiên cứu cho một Đại Học Y Khoa.

    Ông làm phúc trình lên Tòa Đại Sứ Đức, với đề nghị là Đức nên giúp đỡ Việt Nam thành lập Đại Học Y Khoa Huế. Các nhận định của ông trong bản phúc trình hết sức thuận lợi. Ông đề nghị với tôi là sau khi ông về nước Đức vài tháng, tôi nên sang Đức, đi vận động các Tiểu Bang và các Đại Học, vì ông cho tôi biết như Đại Sứ Đức đã nói, quyền các Tiểu Bang và các Đại Học ở Đức rất lớn.

    Tôi vào Sài Gòn trình bày những kết quả và đề nghị là có thể xúc tiến ngay công việc xây cất trường sở. Tôi xin một ngân khoản 5, hay 6 triệu đồng để mở những cơ sở đầu tiên, chuẩn bị mở lớp thứ nhất vào năm học tới. Ông Diệm đồng ý nhưng nói rằng hiện nay không còn một ngân khoản nào có thể rút ra được để bỏ vào Đại Học Y Khoa Huế. Tôi đề nghị cho tôi lấy tiền lời xổ số kiến thiết liên tiếp 8 kỳ. Ông Diệm đồng ý và số lời 8 kỳ xổ số kiến thiết được khoảng 6 triệu. Tôi có thể bắt đầu xây cất những cơ sở đầu tiên ngay.

    Công việc được giao cho nhà thầu, xây theo họa đồ của Ngô Viết Thu. Tôi và Lê Khắc Quyến đi Đức rồi sang Ba Lê sau. Đại Sứ Việt Nam tại Bonn là Hà Vĩnh Phương hết sức hăng hái giúp đỡ tôi, đích thân trông nom việc tổ chức thăm viếng các nơi. Trước hết tôi đến gặp ông Giám Đốc Viện Trợ Hải Ngoại, nằm trong Bộ Ngoại Giao Đức. Bộ này phụ trách mọi công việc viện trợ ngoại quốc. Ông này cho biết Bộ Ngoại Giao và chính phủ Đức đã nhận được phúc trình của Giáo Sư Krainick, và hết sức sẵn lòng giúp đỡ tôi trong việc thành lập Đại Học Y Khoa Huế, nhưng cho tôi biết rằng chính phủ Liên Bang không thể bổ nhiệm các Giáo Sư Y Khoa, vì các Giáo Sư Y Khoa nằm trong quyền điều động của các Đại Học tự trị. Ông khuyên tôi đến thăm các Đại Học lớn ở Đức, và thuyết phục các Đại Học này bảo trợ cho Đại Học Y Khoa Huế. Ông còn cho biết rằng bất cứ Giáo Sư Y Khoa nào đồng ý sang giảng dạy ở Huế, sẽ được chính phủ trung ương đài thọ lương bổng và mọi đề nghị của họ về việc trang bị dụng cụ y khoa sẽ được chính phủ thỏa mãn.

    Trước hết tôi đi thăm Cologne và Đại Học Y Khoa ở đó. Tôi được Viện Trưởng tiếp đãi niềm nở, nhưng cho biết rằng Đại Học Cologne nhỏ bé, lại đã bảo trợ cho một Đại Học ở Phi Châu, vì nơi đó là cựu thuộc địa của Đức, nên chỉ có thể giúp đỡ một cách khiêm tốn là cấp học bổng cho các Bác Sĩ Việt Nam nào muốn làm Giáo Sư.

    Tôi sang thăm Đại Học Tự Do Bá Linh ở Tây Bá Linh, gặp Viện Trưởng và Khoa Trưởng Y Khoa, nhưng ở đây họ cũng trình bày các lý do tương tự như ở Cologne và cũng đề nghị cách giúp đỡ tương tự. Tại Heidenburg, Stugrat người ta cũng nói tương tự như vậy. Tôi chỉ còn trông cậy vào Đại Học Freiburg, là nơi Giáo Sư Krainick làm Giáo Sư.

    Ở đây tôi được đón tiếp đặc biệt, vì đã được Giáo Sư Krainick về trước mấy tháng vận động cho. Tôi được hướng dẫn đến gặp Thủ Tướng Tiểu Bang là ông Keisinger (sau này làm Thủ Tướng Tây Đức). Freiburg thuộc Tiểu Bang Baden Baden. Ông Keisinger hứa sẽ giúp đỡ Đại Học Y Khoa Huế.

    Có một chi tiết đáng nhớ là trong cuộc tiếp xúc chúng tôi nói chuyện qua một thông ngôn, nhưng sau, trong một buổi tiệc, ông Keisinger nói chuyện bằng tiếng Pháp và nói rất giỏi. Tôi hỏi lý do thì được biết rằng sở dĩ trong cuộc tiếp xúc chính thức, ông sử dụng thông ngôn là vì vấn đề nghi lễ, thủ tục.

    Tôi đến gặp Tổng Giám Mục Freiburg, vì biết rằng ở đây Đức Tổng Giám Mục có ảnh hưởng lớn trong giới Đại Học. Tại Đại Học Đường Freiburg có Phân Khoa Thần Học, đều do các Linh Mục dạy và các Linh Mục này đều được Tổng Giám Mục đề cử. Viện Trưởng vừa từ chức là một Linh Mục, và hiện vẫn còn có nhiều ảnh hưởng trong giới Đại Học.

    Đức Tổng Giám Mục rất thiện cảm với những nỗ lực của tôi và hứa sẽ hết sức giúp đỡ trong phạm vị khả năng và ảnh hưởng của ngài.

    Riêng Đại Học Y Khoa Freiburg thì Viện Trưởng và Khoa Trưởng đồng ý để Đại Học Y Khoa Freiburg bảo trợ cho Đại Học Y Khoa Huế, trong năm đầu sẽ cung cấp 3 Giáo Sư, và để khích lệ Giáo Sư, những năm giảng dạy ở Huế cũng vẫn được tính vào thâm niên công vụ như là dạy ở Freiburg vậy. Ngoài ra Đại Học Freiburg sẵn sàng huấn luyện cho các Bác Sĩ trở thành Giáo Sư Y Khoa.

    Tôi có ghé Thụy Sĩ và thăm Đại Học Công Giáo nhưng không được sự giúp đỡ nào đáng kể.

    Như thế chuyến thăm Đức của tôi có thể coi như thành công. Tôi đi Ba Lê với ý định tìm một Bác Sĩ Giáo Sư người Việt Nam có tiếng, có tài để về làm Khoa Trưởng Y Khoa đầu tiên của Đại Học Y Khoa Huế. Tôi có biết Bác Sĩ Lê Tấn Vĩnh, một Giáo Sư Thạc Sĩ nổi tiếng hiện làm trong phòng nghiên cứu của Giáo Sư Lelong tại Đại Học Y Khoa Ba Lê. Tôi trình bày với ông mọi dự tính của tôi và cố gắng thuyết phục ông. Ông Vĩnh đồng ý nhưng cho biết rằng ông bận những công việc nghiên cứu quan trọng ở Pháp và không thể mất cơ hội hiện có này, nên chỉ có thể về Việt Nam mỗi năm 6 tháng mà thôi.

    Ông Vĩnh nói rằng muốn cho ông có thể về nước được thì tôi phải gặp và thuyết phục Giáo Sư Lelong.

    Tôi đến gặp Giáo Sư Lelong, trình bày mọi việc khẩn khoản mời Giáo Sư Vĩnh, ông Lelong tỏ ra hết sức quý mến ông Vĩnh, và cho tôi biết rằng Việt Nam có một người như ông Vĩnh, nhưng nếu ông Vĩnh từ bỏ những công cuộc nghiên cứu hiện ông đang theo đuổi thì chẳng những thiệt hại cho Việt Nam mà thiệt hại cả cho thế giới. Tuy nhiên ông cũng đồng ý để cho ông Vĩnh về Việt Nam mỗi năm sáu tháng.

    Tôi về Việt Nam, và vẫn tiếp tục liên lạc thường xuyên với Đại Học Freiburg và Bác Sĩ Lê Tấn Vĩnh. Vài tháng sau Bác Sĩ Vĩnh về Huế và giữ chức Khoa Trưởng Y Khoa đầu tiên. Ngày nay sở dĩ ít ai nhớ đến ông Vĩnh là vì ông làm Khoa Trưởng Y Khoa được vài tháng thì bị bệnh, phải trở sang Pháp để chữa trị. Thực ra bên trong còn nhiều uẩn khúc, mà tôi ngần ngại không muốn nói ra, sợ làm mất lòng một số người. Nhưng tôi thiết nghĩ cần phải nói lên, để lưu ý những người có trách nhiệm về sau. Quả thực ông Vĩnh bị bệnh, nhưng đó không phải là nguyên nhân chính buộc ông từ bỏ Đại Học Y Khoa Huế vĩnh viễn.

    Sau mấy tháng làm Khoa Trưởng, ông Vĩnh cố gắng hết sức, nhưng gặp phải sự đố kỵ của giới Y Khoa Sài Gòn, làm cho ông buồn bực, chán nản. Ông tưởng rằng về nước với tất cả thiện chí, ông có thể giúp ích cho nước nhà, và ít nhất cũng được các đồng nghiệp hiểu cho điều đó, không ngờ chỉ gặp sự đố kỵ, ghen ghét, tị hiềm. Tính ông không muốn rơi vào những mưu mô, những vận động đen tối, nên nhân có bệnh, ông rời Huế và về sau báo tin cho tôi biết ông quyết định từ chức, yêu cầu tôi chọn người thay thế.

    Niên khóa 1959 lớp dự bị Y Khoa đầu tiên của Đại Học Y Khoa Huế khai giảng. Các Giáo Sư đã tạm đủ để phụ trách lớp này nhưng trường sở còn thiếu nhiều lắm. 6 triệu tiền lời xổ số kiến thiết chưa đủ vào đâu. Tôi vào Sài Gòn trình bày cho ông Diệm, và được cấp thêm 10 triệu, nhưng khi tính vào các khoản vẫn thấy thiếu.

    Tôi đến gặp ông Seabern, Đại Sứ Trưởng Phái Bộ Gia Nã Đại trong Ủy Hội Kiểm Soát Đình Chiến. Ông Seabern mừng rỡ cho tôi biết rằng tôi đến thật đúng dịp may, Gia Nã Đại vừa cấp 30 triệu đồng Việt Nam trong khoản thặng dư tiền bán lúa mỳ năm nay nhưng chưa sử dụng vào việc gì. Ông cho biết thêm rằng Đức Cha Ngô Đình Thục có xin được cấp ngân khoản đó để dùng vào Đại Học Đà Lạt, nhưng chính phủ Gia Nã Đại cho rằng Đại Học Đà Lạt là một Đại Học Tư Thục Công Giáo, nước ông lại là nước vừa Công Giáo, vừa Tin Lành, cho nên chính phủ không muốn mắc tiếng là thiên vị tôn giáo nào. Ông sẵn sàng cấp 25 triệu cho Đại Học Y Khoa Huế và 6 triệu cho Đại Học Khoa Học để xây một giảng đường lớn. Tôi cũng muốn nhắc lại là mặc dù từ lúc đầu phái bộ viện trợ Mỹ hứa giúp đỡ, nhưng trên thực tế mãi hai năm sau khi Đại Học Y Khoa hoạt động, Mỹ mới bắt đầu giúp đỡ, trang bị các phòng thí nghiệm và cấp 60 triệu xây cất thêm Trường Đại Học Sư Phạm và Trường Trung Học kiểu mẫu.

    Kết thúc phần trình bày sự thành lập Đại Học Huế tôi nhận định rằng trong những năm 1957-1962, Đại Học Huế đã phát triển mạnh và ổn định chính trị ở Việt Nam làm cho các nước Đồng Minh tin tưởng vào tương lai Việt Nam, nên sẵn sàng giúp đỡ cho Việt Nam mà không sợ phí.

    Yếu tố thứ hai, là ông Diệm đặc biệt chú ý đến việc thành lập củng cố và phát triển Đại Học Huế. Trong phạm vị phương tiện và khả năng của ông, tôi nhận thấy ông Diệm đã không ngần ngại một việc gì để giúp cho Đại Học Huế lớn mạnh. Ông có thể sai lầm về chính trị, nhưng những nỗ lực phát triển văn hóa, điển hình là thành lập và mở mang Đại Học Huế, thì tôi thấy cần phải công tâm và nhận định rằng ông Diệm đã có công đáng kể. Biết bao nhiêu người quyền hành trong tay đã không làm được như ông Diệm.

    Những năm 1956-1961 là những năm cực thịnh của chế độ Ngô Đình Diệm. Lúc bấy giờ việt cộng chỉ bắt đầu khuấy phá một vài nơi, và phần lớn chỉ là những sự phá hoại, giật mìn, đánh lén những đồn bót hẻo lánh. Tuy nhiên lúc này ông Diệm đã chú ý đến mối đe dọa của cộng sản, cho nên một mặt ông tung ra phong trào tố Cộng, mặt khác bắt đầu thực hiện kế hoạch Ấp Chiến Lược.

    Uy quyền ông Diệm quá lớn nhưng thuộc hạ chẳng mấy ai là người tài giỏi hay có tư cách vững chãi, cho nên mọi quyết định ông Diệm đưa ra chẳng bao giờ có ai cản trở hay can gián.

    Chung quanh chiến dịch tố Cộng thời bấy giờ, tôi nhận thấy nhiều lạm dụng, lộng quyền, vu khống, oan ức.

    Nhưng bởi vì tôi không nắm đầy đủ mọi sự kiện, lại không có thẩm quyền gì, nên không thể đưa ra ý kiến trái ngược nào với ông Diệm hoặc ông Nhu. Tôi nghe nói lại một vài nơi ở thôn quê, cách thức tố Cộng đã học đòi lối tố khổ, đấu tố của cộng sản.

    Các Giáo Sư trong Viện Đại Học Huế, cũng được phân phát những tài liệu học tập tố Cộng, nhưng vì tôi không đặc biệt quan tâm, cho nên họ cũng hội họp bàn bạc lấy lệ, không có tính cách bắt buộc ai cả.
Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7172
Registration date : 01/04/2011

BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-1965 - LM CAO VĂN LUẬN - Page 4 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-1965 - LM CAO VĂN LUẬN   BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-1965 - LM CAO VĂN LUẬN - Page 4 I_icon13Thu 28 Mar 2024, 12:48

BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-1965

L. M. Cao Văn Luận


38. Chế độ bắt đầu nứt rạn  

    Vào năm 1961 tôi bắt đầu nghe những luồng dư luận bất mãn đối với Tổng Thống Diệm trong nhiều thành phần dân chúng.

    Ít ai dám chỉ trích lớn tiếng, nhưng nhiều lúc tôi nhận thấy nhiều người khi phải nghe ca tụng suy tôn đã lấy làm ngượng ngập, khó chịu.

    Sự bất mãn đó đã có cơ hội xuất hiện trong biến cố 11.11.1960. Vụ đảo chánh hụt năm đó không phải chỉ lôi cuốn được một số sĩ quan bất mãn mà thôi, mà còn kéo theo nhiều nhà trí thức, và giả sử trong thời gian cô lập được Dinh Độc Lập, sử dụng được đài phát thanh, họ chỉ cần biết dùng đài này để đưa ra một vài đường lối xã hội thật táo bạo, thì tình thế đã có thể thay đổi ngay lúc bấy giờ không cần chờ đến 1963. Nhóm đảo chánh cũng không chú trọng đến công việc xách động quần chúng.

    Xách động quần chúng là một việc làm dễ nếu biết và dám làm, nhưng rất khó nếu không hiểu tâm lý và những phản ứng quần chúng. Hơn nữa thời bấy giờ dân chúng đang sống yên ổn, thịnh vượng cho nên ít ai muốn xáo trộn. Sự bất mãn chỉ mới bắt đầu trong số trí thức không được trọng dụng, hay trong một số người sáng suốt nhận thấy trước con đường cụt mà chế độ đang đi dần vào.

    Tôi đã thấy buồn cười khi nghe những hô hào hiệu triệu ngây ngô trên đài phát thanh. Tôi không nhớ rõ vì một công việc gì liên quan đến Đại Học Huế tôi có việc vào Sài Gòn trước ngày 11-11-1960 vài hôm và đêm đó tôi đang ở tại một nhà gần Dinh. Tổng Thống Diệm và ông Nhu không có vẻ lo sợ gì cho lắm.

    Các đơn vị Liên Binh Phòng Vệ Phủ Tổng Thống tuy chỉ được võ trang bằng những loại vũ khí nhẹ, nhưng rất trung thành không một nhóm nào bị lung lạc. Quân Đội nói chung đã không có đơn vị lớn nào ngã về phe đảo chánh. Ngay sáng hôm sau những điện tín bày tỏ sự trung thành được tấp nập gửi đến ông Diệm, sáng ngày 12-11 tôi làm lễ tạ ơn trong Dinh. Ông Diệm, ông bà Nhu và đầy đủ những người thân cận tham dự buổi lễ đó. Ông Diệm cũng tin tưởng ở cái thiên mệnh mà ông coi như được Chúa giao phó cho ông.

    Biến cố này không thay đổi tình thế bề ngoài nhưng đã làm cho ông Diệm, ông Nhu, bà Nhu và nhiều thuộc hạ thân tín trở nên độc đoán hơn. Những vụ thanh trừng,bắt bớ tiếp theo sau hẳn là đã có tác dụng dâng cao thêm sự bất mãn trong nhiều thành phần dân chúng.

    Đặc biệt, nó làm cho nhiều người thấy rằng chế độ ông Diệm không phải là một chế độ không thể lật đổ được, và điều đó có lẽ làm cho nhiều người nghĩ đến câu tục ngữ: Thua keo này bày keo khác.

    Sáng hôm sau, dân chúng, nhiều đoàn thể, nhiều đại diện các cơ quan vội vàng kéo vào Dinh hoan hô và bày tỏ sự ủng hộ đối với ông Diệm. Tôi vì tò mò đứng núp sau một chiếc cột trước Dinh nhìn đám đông đang kéo vào chật sân trước Dinh. Tôi thoáng thấy ông bà Nhu cũng nấp sau một chiếc cột khác ở góc Dinh nhìn ra. Ông Diệm từ trong phòng bước ra đón nhận những lời hoan hô. Mặt ông hớn hở, kiêu hãnh. Khi đi ngang chỗ tôi đứng nấp, ông cau mày hỏi khó:

    – Sao Cha lại ra đây?

    Ý ông hình như muốn trách tôi tại sao tôi lại ra đây để đón nhận và hưởng những sự hoan hô, ủng hộ đáng lẽ chỉ dành riêng cho ông. Tôi khó chịu và bỏ vào trong lập tức. Tôi hiểu thêm một khía cạnh của con người ông Diệm: Tự kiêu, độc đoán, khó dùng ai được. Sự kiện nhỏ mọn này bắt đầu làm cho tôi suy nghĩ nhiều hơn và từ đó về sau, trước mọi việc làm của ông Diệm, tôi suy nghĩ đắn đo, và thường tìm ra hai lối giải thích, một lối không lợi gì cho ông.

    Cũng từ đây, tôi bớt thân với ông Diệm. Mặt khác những công việc quanh Đại Học Huế đã ổn định, điều hòa, tôi ít cần phải vào Dinh để yêu cầu ông Diệm trực tiếp giúp đỡ hay giải quyết một vấn đề gì quan trọng. Cũng từ đây tôi chỉ chú ý đến những công việc của Đại Học Huế, nó đã vững, tôi cố làm cho nó mạnh.

    Có lẽ vì tâm trạng đặc biệt mà những biến cố dồn dập năm 1963 làm cho tôi hơi ngỡ ngàng. Năm đó, Đức Cha Ngô Đình Thục đã được giữ chức Tổng Giám Mục địa phận Huế, và nghe nhiều tin đồn nói rằng có những cuộc vận động để đưa Đức Cha Thục lên làm Hồng Y đầu tiên của Việt Nam. Tôi cũng chẳng quan tâm nhiều đến việc này.

    Vào khoảng tháng ba 1963 nhiều ông Dân Biểu, Tổng Trưởng và những người tai mắt trong chính quyền thời đó đã tổ chức một Ủy Ban mừng Lễ Ngân Khánh (25 năm thụ phong Giám Mục) của Đức Cha Thục. Ủy Ban này bắt đầu quyên tiền khắp nước. Tôi nghĩ là ngoài số người muốn tìm cơ hội để xu nịnh, lợi dụng cơ hội tâng công với họ Ngô, cũng có một số người Công Giáo thành tâm muốn bày tỏ lòng kính mến khâm phục đối với Đức Cha.

    Khi còn làm Giám Mục địa phận Vĩnh Long, Đức Cha Thục đã làm được nhiều việc hữu ích cho địa phận và cho dân chúng trong vùng. Sự kính mến khâm phục thành thật đối với Đức Cha Thục không phải là không có và số người thành thật không phải là ít.

    Trong việc tổ chức mừng Lễ Ngân Khánh Đức Cha Thục (nhằm ngày 29.6.1963) có vài chi tiết làm tôi chú ý.

    Một buổi sáng cuối tháng ba, vào khoảng 7 giờ, Đức Cha Thục đến gặp tôi tại nhà riêng, và nói thẳng với tôi:

    – Cha Luận à, bây giờ các anh em ở Sài Gòn có lập một Ủy Ban tổ chức mừng Lễ Ngân khánh của tôi, do ông Chủ Tịch Quốc Hội đứng đầu, gồm cả ông Bộ Trưởng Giáo Dục Nguyễn Quang Trình và Viện Trưởng Đại Học Sài Gòn Lê Văn Thới với vài ông Bộ Trưởng nữa. Cha là Viện Trưởng Đại Học Huế, Cha nên vào trong Ủy ban đó.

    Ngay lúc này, tôi cho rằng mình đứng vào Ban Tổ Chức Mừng Lễ Ngân Khánh Đức Cha Thục cũng là một việc tự nhiên. Tôi chỉ hơi ngạc nhiên về cái việc là đích thân Đức Cha lại đến gặp tôi nói chuyện đó. Tôi nghĩ là đáng lý một người nào đó trong Ủy Ban Tổ Chức sơ khởi bàn với tôi việc đó thì đúng hơn.

    Tôi im lặng một lúc rồi thưa:

    – Thưa Đức Cha, cố nhiên con có bổn phận giúp vào việc tổ chức Lễ Ngân Khánh của Đức Cha. Trước đây khi chưa nghe nói đến Ủy Ban, con đã có ý định làm vài công việc nhỏ để mừng Lễ Ngân khánh của Đức Cha.

    Đức Cha Thục lần đó chỉ nói với tôi thế thôi, rồi ra về. Tôi nhân danh Viện Trưởng Viện Đại Học Huế viết thư cho ông Chủ Tịch Quốc Hội (Trương Vĩnh Lễ) hỏi về Ủy Ban tổ chức mừng Lễ Ngân Khánh Đức Cha Thục và tỏ ý sẵn sàng gia nhập Ủy Ban này. Tôi thông báo cho ông biết rằng vì Huế xa xôi tôi lại bận bịu nên cử một đại diện vào hợp tác trực tiếp với Ủy Ban là ông Nguyễn Hạnh.

    Tôi cho Nguyễn Hạnh tới tiếp xúc với Ủy Ban. Ông Hạnh có viết thư về cho tôi biết là Ủy Ban có tổ chức một bữa tiệc với điều kiện là mỗi người 5000 đồng. Ông Hạnh được giao cho 20 phần ăn, và chỉ tìm được 10 người (những thương gia ở Chợ Lớn) đóng tiền dự tiệc, còn 10 phần ăn còn lại thì ông phải nhận hết và đóng tiền.

    Vào tháng tư tôi nhận thấy những công việc chuẩn bị mừng Lễ Ngân Khánh của Đức Cha Thục tiến đến một qui mô quá rộng lớn có hy vọng thành một quốc lễ chính thức. Các Tỉnh cũng lập một Tiểu Ban tổ chức mừng Lễ Ngân Khánh và dĩ nhiên do ông Tỉnh Trưởng đứng đầu, cũng có những trò đi quyên góp tiền bạc, và tất nhiên là xảy ra nhiều trường hợp cưỡng bách, hay ít ra áp lực đóng tiền cho Tiểu Ban.

    Dư luận dân chúng bắt đầu xôn xao bàn tán chế nhạo. Tôi thấy điều này không có lợi gì cho Quốc Gia và Giáo Hội, trái lại có thể làm cho Giáo Hội mang tiếng và làm cho chế độ bị chỉ trích nặng nề và có cớ. Tôi nghĩ rằng chỉ nên tổ chức mừng Lễ Ngân Khánh của Đức Cha Thục trong phạm vị Địa Phận hay Giáo Hội mà thôi. Tôi băn khoăn và đến gặp ông Cẩn. Lúc bấy giờ mọi người quanh ông đều gọi ông là cậu, cậu Cẩn. Tôi cũng không làm cách gì khác hơn.

    – Thưa cậu, Lễ Ngân Khánh 25 năm làm Giám Mục của Đức Cha là một ngày đáng ghi nhớ đối với người thân cũng như đối với Giáo Hội. Đức Cha lại đang là Niên Trưởng các Giám Mục Việt Nam. Tôi nghĩ là nên tổ chức mừng Lễ Ngân Khánh của ngài một cách trọng thể, nhưng chỉ nên tổ chức trong phạm vi Giáo Hội và địa phận mà thôi, chớ không nên tổ chức trong phạm vi quốc gia theo một thứ Quốc Lễ. Vậy cậu nên tìm cách nói với Đức Cha nên tổ chức Lễ Ngân Khánh của ngài một cách vừa phải thôi.

    Ông Cẩn gật đều đồng ý:

    – Con đồng ý với Cha hoàn toàn. Con cũng thấy trong tình thế hiện tại, nhiều người bất mãn với chúng ta, đang bới móc tìm cơ chỉ trích và gây hiềm khích với chính phủ. Làm như vậy thực ra không có lợi chi cả. Nhưng Cha biết đó, từ khi Đức Cha về Huế, con chẳng còn quyền hành gì nữa. Mọi việc Đức Cha bao biện hết. Thậm chí những anh em thân tín cũ ra vào gặp con còn bị người của Đức Cha theo dõi và báo cáo cho Đức Cha. Gia đình chúng con sau khi anh Khôi mất, thì Đức Cha là kẻ quyền huynh thế phụ, lớn tuổi hơn con nhiều và nghiêm khắc lắm, con không nói gì với Đức Cha cả. Hay nhất là Cha nên vào gặp Tổng Thống, xin Tổng Thống nói lại với Đức Cha, thì may ra Đức Cha còn nghe theo mà không giận.

    Vì việc đó tôi vào Sài Gòn xin gặp ông Nhu trước. Tôi định trình bày với ông Nhu những điều đã bàn với ông Cẩn, nhưng sợ đường đột nên tôi mở đầu bằng một vấn đề khác:

    – Thưa ông Cố Vấn, tôi xin gặp ông Cố Vấn để được biết đại cương về Quốc Sách Ấp Chiến Lược. Đại Học Huế nhận được thông tri kêu gọi các Giáo Sư đi dự khóa huấn luyện về Ấp Chiến Lược tại suối Lồ Ồ. Tôi muốn cho họ hăng hái đi dự khóa huấn luyện đó nên muốn hiểu rõ hơn mà về giải thích cho họ rõ.

    Ông Nhu say mê nói về những cái hay cái tốt của Ấp Chiến Lược sẽ đạt được hai mục đích lớn: Bảo về an ninh nông thôn và thực hiện công cuộc cách mạng nông thôn. Ông Nhu nói liên miên về Ấp Chiến Lược hơn một giờ đồng hồ. Lúc nghe ông thuyết xong tôi vào vấn đề.

    – Thưa ông Cố Vấn, nhân dịp này tôi muốn trình bày với ông Cố Vấn một việc. Lễ Ngân Khánh của Đức Cha nhằm vào cuối tháng sáu. Bây giờ đã có một Ủy Ban Tổ Chức Lễ đó, gồm ông Chủ Tịch Quốc Hội và nhiều Bộ Trưởng. Theo lề lối hoạt động của Ủy Ban thì tôi xem chừng họ muốn tổ chức Lễ Ngân khánh hết sức trọng thể, không thua gì một Quốc Lễ. Trong tình thế hiện tại, tôi và ông Cẩn đã có bàn bạc với nhau nếu tổ chức trọng thể quá sẽ bất lợi cho chính thể cũng như cho Giáo Hội.

    Ông Nhu cũng trả lời như ông Cẩn:

    – Tôi cũng hoàn toàn đồng ý với nhận định của Cha. Tôi và anh tôi đôi khi buồn Đức Cha vì ngài lầm lẫn phạm vi Tôn Giáo với phạm vi Quốc Gia. Khi ở Vĩnh Long, tôi cũng đã không biết làm sao khi thấy từng đoàn từng lũ Dân Biểu, Tỉnh Trưởng, Bộ Trưởng nườm nượp kéo đến chầu Đức Cha. Tôi tưởng rằng Đức Cha ra Huế xa xôi một chút sẽ bớt được cái nạn đó, không ngờ họ lại viện cớ Lễ Ngân Khánh của ngài để làm ồn ào hơn. Nhưng Cha cũng biết, gia đình chúng tôi anh cả mất sớm, Đức Cha tuy là anh lớn trong gia đình, nhưng đối với chúng tôi chẳng khác gì bậc Cha. Riêng tôi thì biết là không có cách gì, mà cũng không dám nói thẳng với Đức Cha. Chỉ còn Tổng Thống may ra có thể can gián được Đức Cha vài phần, để rồi tôi liệu nói với Tổng Thống khuyên can Đức Cha bớt đi đôi chút, nhưng tôi sợ cũng không được.

    Tôi về Huế lại với tâm trạng buồn rầu, chán nản khó chịu và lo lắng. Dựng được một uy quyền, thế lực như ông Diệm không phải là chuyện dễ, nhưng làm suy giảm uy quyền thế lực đó thì dễ lắm. Tôi không hy vọng có ai tài giỏi hơn thay thế được ông Diệm. Cho nên chẳng những vì cảm tình và sự tin tưởng nơi ông Diệm mà tôi lo lắng cho tương lai của chính phủ ông Diệm, mà cũng vì số phận quốc gia mà tôi lo lắng.

    Nhưng tôi không có tư cách hay thẩm quyền gì đáng kể để chen lấn vào những việc làm của chính ông Diệm. Hình như độ sau này chẳng hiểu vì lý do nào, gia đình ông Diệm có vẻ bớt tin cậy nơi tôi mặc dầu sự giao thiệp vẫn bình thường, thân thiết.

    Những nỗi lo lắng của tôi quả thực chẳng sai chút nào.

    Ngày 7-5 Đức Cha đi viếng La Vang trở về Huế dọc đường nơi nào cờ Phật Giáo cũng tung bay. Điều này chẳng có chi lạ. Dân Huế 90 phần trăm theo Đạo Phật và tại đây từ ngày tôi có mặt (1949) Phật Giáo hoạt động rất mạnh, có tổ chức qui củ. Ở Huế nơi nào cũng có chùa chiền, sư tăng. Đức Cha Thục có vẻ không bằng lòng, và ngay chiều đó, cho mời Đại Biểu Chính Phủ là ông Hồ Đắc Khương vào Tòa Tổng Giám Mục Huế khiển trách tại sao đã có sắc lệnh cấm treo cờ tôn giáo hay đảng phái bên ngoài trụ sở hoặc khuôn viên mà nay Phật Giáo lại treo cờ đầy đường như vậy.

    Ông Đại Biểu Chính Phủ Hồ Đắc Khương không biết quyết định thế nào, vì ông cũng dư biết rằng nhắc lại Nghị Định cấm treo cờ Phật Giáo ngay lúc này thật là không thích hợp, có thể bị hiểu lầm là cố tình làm nhục Phật Giáo, cho nên ông đánh điện vào Dinh Độc Lập xin chỉ thị. Không rõ điện văn của ông Đại Biểu Chính Phủ có đến Tổng Thống hoặc ông Cố Vấn hay không nhưng có điện văn trả lời từ văn phòng Phủ Tổng Thống đánh ra Huế xác nhận rằng Nghị Định cấm treo cờ tôn giáo hay đảng phái bên ngoài khuôn viên và trụ sở vẫn có giá trị.

    Ông Đại Biểu Chính Phủ ra lệnh cho chính quyền địa phương tại miền Trung phải triệt hạ cờ Phật Giáo. Ông Tỉnh Trưởng Thừa Thiên là ông Nguyễn Văn Đẳng bị đặt trong một tình thế hết sức khó xử và khẩn cấp, ông xin vào gặp ông Cẩn để giải bày và xin bỏ qua việc triệt hạ cờ Phật Giáo, ít ra cho hết ngày Lễ Phật Đản năm nay. Ông Cẩn tỏ ra hiểu biết ra lệnh cho Tỉnh Trưởng rằng người ta (Phật Tử) đã lỡ treo thì cứ để treo hết ngày lễ, sau sẽ liệu.

   Ông Cẩn còn cho Tỉnh Trưởng Thừa Thiên đánh điện tín đi tất cả các Tỉnh miền Trung chỉ thị mật không được hạ cờ Phật Giáo. Tưởng vụ này tạm yên được, và cách giải quyết đó có thể trì hoãn được. Nhưng tối hôm 7 tháng 5 có Nhà Sư thuyết pháp ở Chùa lớn ở Huế như Từ Đàm, Bảo Quốc, Diệu Đế v.v… Quần chúng địa phương đến tham dự đông đảo. Nhiều bài thuyết pháp đã lên tiếng đả kích chính quyền một cách nặng nề, tố cáo chính quyền có chủ trương đàn áp Phật Giáo và nêu lệnh cấm treo cờ tôn giáo như nhắm riêng vào Phật Giáo. Các Nhà Sư cũng nhắc đến những vụ lễ lạc của Công Giáo trước đây ít lâu, lúc đó cờ Công Giáo đã được treo khắp đường phố, sao lại không cấm, mà nhằm ngày Lễ Phật Đản rồi cấm.

    Các tổ chức Phật Tử ở Huế yêu cầu phát thanh trực tiếp các cuộc thuyết pháp và các buổi lễ Phật Đản của Chùa Từ Đàm. Vì có nhiều bài thuyết pháp đả kích chính quyền, Tòa Tỉnh và Tòa Đại Biểu miền Trung ngần ngại không phát thanh. Một đám Phật Tử đông đảo kéo đến đài phát thanh biểu tình đòi phải phát thanh trực tiếp và trọn vẹn các bài thuyết pháp và các cuộc lễ Phật Giáo.

    Trong lúc các nhà chức trách tìm cách dàn xếp, thì một trái lựu đạn không biết từ đâu đã nổ ngay giữa đám Phật Tử biểu tình làm nhiều người chết và bị thương. Cuộc tranh đấu của Phật Giáo chính thức bùng nổ từ ngày đó.

    Có vài giả thuyết được nêu lên về xuất xứ của trái lựu đạn.

    Giả thuyết thứ nhất, và khó tin nhất cho rằng một cán bộ chính quyền hoặc là binh sĩ hay cảnh sát bảo vệ đài phát thanh đã ném trái lựu đạn đó. Một giả thuyết thứ hai đổ cho mật vụ Mỹ là tác giả trong vụ này. Giả thuyết thứ ba thì cho rằng chính phe đấu tranh, tôi xin nói là phe đấu tranh trong đó còn nhiều thành phần khác ngoài Phật Giáo, đã thâm độc cho ném trái lựu đạn gây nên cảnh đổ máu để tạo căm phẫn trong quần chúng Phật Tử hầu kích động mạnh hơn cuộc đấu tranh và dồn hai bên đến cái thế một sống một chết với nhau.

    Tôi chỉ nêu lên những giả thuyết được bàn tán lúc bấy giờ, mà không nghiêng theo giả thuyết nào.

    Tôi thấy tình hình gay cấn, và không lối thoát. Chiều hướng của cuộc đấu tranh và tương lai chế độ rõ rệt lắm rồi. Tôi lo sợ bị lôi cuốn vào một tình trạng khó xử. Ở cương vị một Viện Trưởng Đại Học, với truyền thống tự trị của Đại Học mà tôi đã thâm nhiễm từ Pháp, tôi không thể nào đi ngược lại các phong trào sinh viên mà tôi biết chắc trước sau cũng bùng lên.

    Thực tình tôi không chủ trương lánh mặt hay chạy trốn, nhưng biết mình bất lực trong các cuộc hỗn loạn sắp tới nên chỉ mong thoát ra ngoài. Tôi đi Mỹ, và sáng ngày 9-5 tôi vào chào Đức Cha Thục để từ giã vào Sài Gòn thu xếp lên đường.

    Tôi thưa với Đức Cha:

    – Thưa Đức Cha, những sự việc vừa xảy ra mấy hôm nay làm cho con lo ngại lắm. Thủ phạm không rõ là ai, nhưng đã có chuyện đổ máu, con sợ sự chống đối sẽ lan rộng và nổ mạnh. Con nghĩ chính quyền nên mềm dẻo, khéo léo hơn một chút.

    Đức Cha Thục có vẻ coi thường:

    – Cha cứ yên tâm ra đi đừng lo chi cả, các phong trào chống đối của quần chúng bất quá chỉ như ngọn lửa rơm, bùng lên một chốc rồi tắt ngay, có chi phải sợ.

    – Đức Cha nhận định như thế thật đúng nếu bên trong không có những nguyên nhân sâu kín và mạnh mẽ. Nhưng xin Đức Cha nhìn vào những nguyên nhân bên trong. Công Giáo trước ngày di cư, ở miền Nam chỉ có vài trăm ngàn người. Sau di cư nhờ gần 1 triệu dân Công Giáo từ Bắc vào, con số đông hơn trước nhưng tỉ lệ cũng vẫn chỉ là 10 phần trăm hay kém hơn trong dân số Việt Nam, vậy mà hiện nay mọi chức vụ lãnh đạo quốc gia đều trong tay người Công Giáo. Chỉ riêng điều này cũng có thể gây những bất mãn và chống đối trầm trọng, chưa nói chi đến những lầm lỗi không thể tránh được của bất cứ chính quyền nào.

    Đức Cha Thục xem chừng không muốn nghe và cũng chẳng để ý chi đến những điều tôi nêu lên. Đức Cha trao cho tôi một số thư từ gửi tay cho các Cha bên Mỹ.

    Tôi vào Sài Gòn được mấy hôm thì có giấy mời đi dự lễ đặt viên đá đầu tiên xây cất Đại Học Sư Phạm Thủ Đức ngày 14-5. Sau lễ, Tổng Thống và quan khách gồm đủ Ngoại Giao Đoàn đi xem xét sơ đồ và khu đất xây trường. Lúc bấy giờ Đại Sứ Nolting đến gần tôi hỏi về tình hình ở Huế.

    – Theo ý Cha thì chính phủ có lỗi gì trong vụ đài phát thanh Huế vừa rồi không?

    Tôi ngập ngừng một lúc, rồi thành thật trả lời:

    – Bàn chuyện lỗi phải của ai, thì hơi khó, nhưng tôi cho rằng chính phủ phải chịu trách nhiệm một phần, vì đã cố tình nhắc lại Nghị Định cấm treo cờ đúng vào ngày Lễ Phật Đản. Tôi cho hành động này không đúng lúc, không thích hợp, dù nghị định có đứng đắn, hữu lý. Cách đây chỉ ít tháng có nhiều cuộc lễ bên Công Giáo, như lễ tựu chức các Giám Mục, và các cuộc rước kiệu, bên Công Giáo đã treo cờ khắp nơi bên ngoài khuôn viên nhà thờ, sao lúc ấy không có lệnh cấm, và không thi hành lệnh cấm một cách nghiêm chỉnh? Bây giờ nhằm vào lúc Phật Giáo mừng Lễ Phật Đản mà nhắc lại lệnh cấm treo cờ thì có thể hiểu là cố tình nhằm vào Phật Giáo, nhục mạ và đàn áp Phật Giáo. Vả lại khi ra lệnh cấm treo cờ đã không có một sự giải thích nào cho dân chúng hiểu rằng lệnh này áp dụng cho mọi tôn giáo, và chỉ có mục đích tránh sự lạm dụng treo cờ.

    Tôi không hiểu trong thâm tâm ông Nolting nghĩ gì chỉ thấy lúc đó ông gật gù.

    – Cha nói có lý.

    Sau đó câu chuyện không có gì đặc biệt.

    Ngày 15-5 tôi vào Dinh Độc Lập gặp ông Diệm để chào ông đi Mỹ, ông Diệm trách tôi:

    – Sao hôm qua Cha chỉ trích chính phủ trước một Đại Sứ ngoại quốc như vậy?

    Tôi thật tình thưa lại:

    – Thưa Tổng Thống tôi không dám chỉ trích chính phủ trong câu chuyện, tôi chỉ đưa ra một vài giải thích sau khi tường thuật cho ông Đại Sứ Mỹ nghe những biến cố xảy ra ở Huế. Tôi thiết tưởng trong một quốc gia tự do mọi người đã được biết những chuyện đó, và cũng có quyền phê phán. Nhưng thực tình tôi không phê phán điều gì đáng coi là bất lợi cho chính quyền. Tôi chỉ nói rằng đáng tiếc là khi ra lệnh cấm treo cờ tôn giáo ngoài khuôn viên chùa hay nhà thờ, cán bộ Thông Tin đã không giải thích rõ điều đó là có mục đích để làm cho cờ Quốc Gia trở nên có giá trị hơn, thành ra gây sự hiểu lầm cho một số người, và gây cớ cho họ bất mãn và chỉ trích.

    Ông Diệm im lặng, nhưng vẫn có vẻ không bằng lòng. Tôi tiếp:

    – Thưa Cụ, nhân dịp này, tôi xin thưa dài dòng hơn đôi chút. Nếu Cụ muốn hiểu tâm trạng những Phật Tử Việt Nam Cụ nên đặt mình vào địa vị của họ. Trước khi Cụ về, số giáo dân chỉ vài trăm ngàn, nhờ phong trào di cư, có thêm gần một triệu giáo dân từ Bắc vào. Tỷ lệ Công Giáo trong toàn quốc vẫn là thiểu số, mà nay Tổng Thống và các chức vụ lớn trong chính quyền đều do người Công Giáo đảm trách. Dù không có sự thiên vị nào, mà chỉ dựa theo tài năng mà chọn người, thì bên ngoài người ta cũng có thể hiểu rằng Cụ thiên vị bên Công Giáo mà bạc đãi các tôn giáo khác. Mặt khác, ai cũng thấy từ khi Cụ cầm quyền, thì nhà thờ mọc lên khắp nơi, các nhà thờ bị phá hủy trong chiến tranh đều đã được tái thiết gần hết, cả những nơi không có bao nhiêu giáo dân cũng có nhà thờ đồ sộ. Số người theo đạo mới cũng tăng lên mau chóng. Những sự kiện này làm cho Phật Giáo có mặc cảm bị chèn ép, bị bạc đãi, bị bỏ rơi, hay là bị lép vế. Cụ nên hiểu tâm lý đó của họ mà đối xử cho tế nhị hơn mới có thể dàn xếp dễ dàng được.

    Ông Diệm cau mày:

    – Cha có thể thấy là nếu đôi lúc tôi tin người Công Giáo cũng chỉ vì nghĩ rằng người Công Giáo ít có ai theo cộng sản dễ dàng. Hơn nữa nhiều người không Công Giáo vẫn được tôi tin cậy và trọng dụng. Tôi cũng đã giúp cho nhiều Chùa chiền. Tôi cho Chùa Xá Lợi 500.000đ để xây cất. Tôi cũng giúp cho các Chùa Từ Đàm, Diệu Đế để trùng tu. Tại các Tỉnh tôi có nhắc các Tỉnh Trưởng giúp đỡ trùng tu các Chùa chiền.

    – Bây giờ Cụ nói ra tôi mới biết. Đáng lý Cụ nên nói rõ điều đó cho toàn dân biết để họ khỏi hiểu lầm, và đặt những công việc đó vào một chính sách chung đối với mọi tôn giáo. Tôi vẫn biết nhiều công cuộc kiến thiết của Công Giáo do sự đóng góp của giáo dân và các tổ chức Công Giáo ngoại quốc, nhưng dân chúng bên ngoài không hiểu nguồn gốc những khoản tiền lớn lao đó, nghĩ rằng chỉ có chính quyền giúp tiền cho Công Giáo. Nhiều Cha còn quá nhiệt thành đến thẳng Tỉnh Trưởng, các Bộ Trưởng xin giúp đỡ, và có nhiều trường hợp, hoặc là Tỉnh Bộ Trưởng có Đạo nên hăng hái giúp đỡ, hoặc là họ nể Cụ là người Công Giáo, nên cũng tìm cách giúp đỡ, tưởng làm như thế được lòng Cụ. Những điều đó tạo nên dư luận chỉ trích chính quyền của Cụ thiên vị bên Công Giáo.

    Ông Diệm làm thinh không nói gì. Tôi giã từ ông ra về.

   Hôm sau tôi đi Mỹ với Âu Ngọc Hồ, mục đích là vận động sự giúp đỡ ở Mỹ để mở một Trung Tâm Kỹ Thuật ở Huế, đồng thời cũng muốn tìm hiểu dư luận ngoại quốc đối với chính quyền ông Diệm trong lúc này.
Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7172
Registration date : 01/04/2011

BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-1965 - LM CAO VĂN LUẬN - Page 4 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-1965 - LM CAO VĂN LUẬN   BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-1965 - LM CAO VĂN LUẬN - Page 4 I_icon13Sat 06 Apr 2024, 13:31

BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-1965

L. M. Cao Văn Luận


39. Chế độ bị dư luận và Chính quyền Mỹ chống đối 

    Những biến cố ở Huế đã gây xúc động mạnh tại Sài Gòn đối với giới Phật Tử cũng như toàn thể dân chúng. Những ngày cuối cùng tôi lưu lại Sài Gòn trước khi đi Mỹ, nhiều người đã đến tìm tôi hỏi han về những chuyện xảy ra ở Huế. Với những người thân thiết hoặc thành thật tôi biết sao kể lại vậy. Đối với những người đến hỏi tôi với mục đích dò xét, thì tôi cũng kể sự thật nhưng là những sự thật dưới mắt mọi người, làm hài lòng mọi người.

Nếu tôi nhớ không lầm thì hôm tôi vào Sài Gòn được một ngày tức vào sáng ngày 10.5.1963 một phái đoàn đại diện Phật Giáo gồm các Tăng Ni đến yết kiến Tổng Thống Diệm để bày tỏ các nguyện vọng. Những nguyện vọng của họ thì ai cũng biết, chẳng có gì quá đáng. Ít ra là lúc bây giờ, đại để là hủy bỏ Nghị Định cấm treo cờ Phật Giáo, trừng phạt thủ phạm gây ra cảnh đổ máu ở đài phát thanh, chấm dứt tình trạng đàn áp Phật Giáo nếu quả thực chính quyền có chủ trương đó.

Theo chỗ tôi biết, thì ông Diệm đã tiếp đón phái đoàn Phật Giáo một cách cởi mở, ghi nhận và hứa thỏa mãn phần lớn những nguyện vọng của họ. Ông Diệm giải thích rằng Nghị Định cấm treo cờ tôn giáo ngoài khuôn viên Chùa chiền hay Nhà Thờ áp dụng chung cho mọi tôn giáo, không phân biệt Công Giáo hay Phật Giáo, và không nhằm hạ nhục gì Phật Giáo cả. Còn đối với vụ đổ máu ở đài phát thanh Huế, thì ông Diệm hứa sẽ đem ra xét xử và trừng trị những thủ phạm sau khi có cuộc điều tra kỹ lưỡng.

Cuộc hội kiến gay go, kéo dài gần 2 tiếng đồng hồ, từ hơn 10 giờ sáng đến 1 giờ trưa. Sở dĩ tôi biết được việc này là tôi mấy lần gọi điện thoại vào Chánh Văn Phòng Phủ Tổng Thống để xin giờ gặp ông Diệm, và được người trong văn phòng cho biết giờ giấc trong ngày của ông Diệm.

Cũng trong ngày 10-5 có lẽ để tránh những hiểu lầm và lạm dụng, Đức Cha Nguyễn Văn Bình ra thông cáo nhắc nhở giáo dân về việc treo cờ Tòa Thánh đúng theo Nghị Định của chính phủ, là chỉ được treo trong Nhà Thờ, và phạm vi các cơ sở Giáo Hội mà thôi.

Như tôi đã kể đoạn trước, chiều 15-5 tôi vào gặp ông Diệm để sáng hôm sau lên đường sớm. Tôi được biết rằng sáng hôm sau, tức là ngày 16-5 sẽ có một cuộc họp báo của phái đoàn Phật Giáo tại Chùa Xá Lợi, có sự tham dự của Bộ Trưởng Công Dân Vụ Ngô Trọng Hiếu, để trình bày kết quả cuộc tiếp xúc ngày 15-5 với Tổng Thống. Những lời lẽ trong cuộc họp báo thì ai cũng biết rồi.

Ngày 16-5 tôi lên máy bay đi Mỹ với Âu Ngọc Hồ đến San Francisco. Một trong những mục đích của chuyến đi này là vận động sự giúp đỡ của các giới ở Mỹ trong việc thành lập một Trung Tâm Kỹ Thuật tại Huế, trong khu vực đồng An Cựu. Mục đích thứ hai dự định là qua Ba Lê, gặp các Giáo Sư Đức, và sẽ cùng họ sang Tây Đức vận động thêm những sự giúp đỡ cho Đại Học Y khoa Huế.

Nhưng một mục đích khác của tôi là muốn tìm hiểu dư luận Mỹ và thế giới đối với tình hình Việt Nam, chính phủ Ngô Đình Diệm lúc bấy giờ. Tôi vẫn hiểu rằng vai trò của Mỹ trong việc tồn tại của chính quyền Ngô Đình Diệm rất quan trọng, sự giúp đỡ của họ rất cần thiết, và sự lạnh nhạt của họ rất nguy hiểm.

Tôi đã được nghe những dư luận Mỹ từ ít lâu nay và phần lớn những dư luận đó không có lợi cho chế độ ông Diệm. Tôi muốn tìm hiểu sự thật, để may ra còn kịp thì giờ cảnh giác những người có trách nhiệm trong chế độ.

Lúc tôi đến San Francisco thì ông Chủ Tịch Tổ Chức Asia Foundation đang có mặt tại nơi này. Ông Chủ Tịch tiếp đón hết sức niềm nở, mời tôi ăn cơm thân mật với ông một bữa. Tôi trình bày dự án thành lập viện kỹ thuật Huế và yêu cầu ông giúp đỡ. Ông hứa sẽ giúp đỡ tùy phương tiện và khả năng của tổ chức, tuy nhiên ông cho biết rằng tổ chức không được dồi dào lắm, cho nên sự giúp đỡ nếu có cũng không quan trọng lắm.

Từ San Francisco tôi đến Hoa Thịnh Đốn. Lúc này ông Trần Văn Chương, nhạc phụ ông Ngô Đình Nhu làm Đại Sứ ở đây, đã biết trước chương trình thăm viếng Mỹ của tôi, ra tận phi trường đón tôi và hướng dẫn về Tòa Đại Sứ. Do sự sắp xếp của ông Chương tôi gặp nhiều chính khách và nhân vật chính phủ Mỹ thời đó.

Đầu tiên tôi gặp Thượng Nghị Sĩ Mike Mansfield, thuộc đảng Dân Chủ đang nắm quyền đơn vị trách nhiệm của ông là Tiểu Bang Montana, vốn là nơi Âu Ngọc Hồ theo học trước đây và do đó hiểu biết về tiểu bang này rất nhiều. Nhờ đó câu chuyện giữa chúng tôi rất cởi mở vui vẻ. Câu chuyện kéo dài suốt một buổi chiều.

Ông Mansfield có vẻ lưu tâm nhiều đến tình hình chính trị Việt Nam, lo lắng cho chế độ ông Diệm khó qua được cơn sóng gió. Ông trình bày sự đổi hướng của dư luận Mỹ, những năm trước 1960 thì hết sức thiện cảm với ông Diệm, và ủng hộ ông tích cực, nhiệt thành, nhưng sau cuộc bầu cử Tổng Thống ngày 9.4.1961 báo chí Mỹ bắt đầu chỉ trích chế độ ông Diệm là một chế độ độc tài, và cuộc bầu cử lần thứ hai này có nhiều trò gian dối, đôi lúc không cần thiết vì lúc đó uy tín của ông Diệm trong nước còn khá lớn, đủ để ông đắc cử dễ dàng.

Thượng Nghị Sĩ Mansfield cho tôi biết rằng hiện nay chẳng những dư luận báo chí Mỹ mà phần lớn các nhân vật chính phủ Mỹ đều cho rằng chế độ ông Diệm là một chế độ độc tài, gia đình trị, Công Giáo trị, không đoàn kết được toàn dân, đẩy những kẻ đối lập quốc gia đến bước đường cùng phải chống đối bằng bạo động, do đó không thể thắng được cộng sản. Chính phủ Mỹ cũng như dân chúng Mỹ hết sức lo lắng và thất vọng. Ông khuyên tôi nên trình bày lại với ông Diệm hiểu chiều hướng của dư luận Mỹ, và nếu có thể nên giúp ông Diệm thay đổi đường lối, nhân sự thì mới được sự ủng hộ của Mỹ, bằng không rất có thể Mỹ sẽ bỏ rơi ông Diệm, nếu không phải là bỏ rơi Việt Nam.

Tôi cố gắng biện hộ cho ông Diệm, trả lời rằng theo chỗ tôi thấy thì không có nạn cuồng tín tôn giáo tại Việt Nam lúc này, và cũng không có sự xung đột tôn giáo nào giữa Phật Giáo và Công Giáo. Có thể có những mâu thuẫn hiềm khích giữa chính quyền và Phật Giáo.

Ông Diệm không mấy tin tưởng Phật Giáo và Phật Tử tích cực chống cộng cho nên dè dặt đối với Phật Giáo. Tôi cũng trình bày về chuyện cấm treo cờ, biến cố ở Huế, vừa đưa ra lối giải thích cùng quan điểm của tôi. Những giải thích và biện hộ của tôi xem chừng không đủ sức thuyết phục được Thượng Nghị Sĩ Mansfield.

Trước khi chia tay, Thượng Nghị Sĩ Mansfield nhắc nhở lần nữa rằng nếu ông Diệm không có những thay đồi chính trị sâu rộng, nhằm đưa ra một chế độ dân chủ thật sự kết hợp nhiều thành phần chính trị dị biệt, thì chính phủ Mỹ cũng như dân chúng Mỹ không thể tiếp tục ủng hộ ông Diệm lâu hơn được nữa.

Lúc bấy giờ đảng Dân Chủ của Tổng Thống Kennedy đang nắm quyền nhiệm kỳ một và ông Mansfield là một lãnh tụ nhiều uy tín của đảng này. Lập trường cũng như ý kiến của ông có thể được coi như lập trường không chính thức của đảng và chính phủ Dân Chủ.

Do đó những lời ông Mansfield nói ra làm tôi lo lắng nhiều lắm. Tôi có cảm tưởng là người Mỹ đã hết tin ở ông Diệm và đang nghĩ đến một thay đổi lớn lao không phải chỉ là thay đổi nhân sự hay chính sách.

Tôi muốn biết thêm quan điểm của đảng Cộng Hòa đối lập, do đó tôi thu xếp gặp Thượng Nghị Sĩ Dirksen, một lãnh tụ Cộng Hòa lão thành. Ông Dirksen cũng cho tôi biết những ý kiến tương tự như ông Mansfield, nói rằng dân chúng Mỹ, các chính khách Mỹ không phân biệt Cộng Hòa hay Dân Chủ đều tỏ ý thất vọng với chế độ ông Diệm, và coi như sự ủng hộ của Mỹ đối với ông Diệm nên được chấm dứt càng sớm càng tốt.

Báo chí Mỹ có vẻ đã thổi phồng những xung đột giữa chính phủ ông Diệm và Phật Giáo với một dụng ý nào đó tôi không hiểu rõ lúc bấy giờ.

Trong lúc tôi đang ở Hoa Thịnh Đốn thì có tin về những cuộc lễ cầu siêu cho các nạn nhân vụ đổ máu tại đài phát thanh Huế và lễ cầu siêu đã biến thành biểu tình ở Huế và Sài Gòn, ngày 30-5 báo chí Mỹ đăng những tin tức về những hành động đàn áp Phật Giáo, như Quân Đội hay các Lực Lượng An Ninh canh gác các Chùa ở Huế, cúp điện nước trong khu Chùa Từ Đàm.

Trong thời gian này, tôi gặp ông Robert Kennedy, bào đệ Tổng Thống Kennedy, hiện là Bộ Trưởng Tư Pháp. Ông Kennedy chỉ trích mạnh mẽ những hành động độc tài và đàn áp đối lập, kỳ thị tôn giáo của ông Diệm. Ông nói rằng nếu tình trạng này không thay đổi thì chính phủ Mỹ không thể tiếp tục ủng hộ ông Diệm được nữa, vì dư luận dân chúng và Quốc Hội Mỹ sẽ áp lực buộc chính phủ Mỹ bỏ rơi ông Diệm hoặc là bỏ rơi hẳn Việt Nam.

Trong cuộc họp báo ngày 22-5 về Việt Nam, Tổng Thống Kennedy đã có những lời lẽ chỉ trích chính phủ ông Diệm, và một câu nói của ông như một lời giận dỗi: Mỹ sẽ rút hết Quân Đội và chấm dứt viện trợ cho Việt Nam bất cứ lúc nào chính phủ Việt Nam yêu cầu. Trả lời báo chí, ông ngụ ý là Việt Nam muốn chiến thắng cộng sản, cần phải có những thay đổi chính trị sâu rộng, từ căn bản.

Trong cuộc gặp gỡ với Bộ Trưởng Tư Pháp Mỹ Robert Kennedy tôi được nghe ông nhắc lại những luận điệu này, và ông nói rõ hơn là ông Diệm phải mở rộng chính phủ, lập Thủ Tướng, tăng quyền cho các Bộ Trưởng, kêu gọi các thành phần chính trị đối lập tham gia tân chính phủ, chấm dứt những sự bắt bớ đàn áp vì lý do chính trị hay tôn giáo.

Giọng ông có vẻ gay gắt khi nhắc đến những tin tức quanh việc đàn áp Phật Giáo. Ông châm biếm rằng không nên vì cái chuyện cờ quạt mà làm mất lòng 80 phần trăm dân chúng Việt Nam. Ông đề cập đến ông bà Nhu và tuy ông không nói rõ, nhưng ngụ ý rằng cách hay nhất để xoa dịu dư luận Việt Nam cũng như Mỹ, là ông Diệm nên cho các ông Nhu, ông Cẩn và bà Nhu rời khỏi chính trường trong ít lâu, hay đi du lịch thế giới với tư cách cá nhân. Đến đây thì tôi không thể nghi ngờ gì được nữa. Tôi hiểu ảnh hưởng của ông Robert Kennedy đối với Tổng Thống Kennedy, vậy quan điểm của ông em cũng có thể coi như quan điểm của ông anh.

Mặc dầu ông Robert Kennedy không nói rõ ra, nhưng tôi hiểu ý muốn dành cho ông Diệm một cơ hội cuối cùng, muốn tôi khuyên ông Diệm nên cải tổ chính trị sâu rộng để tránh khỏi bị Mỹ bỏ rơi.

Đến nơi nào tôi cũng được nghe những dư luận tương tự. Những sinh viên Việt Nam mà tôi gặp ở các nơi cũng tỏ vẻ bất mãn với ông Diệm, có lẽ vì bị ảnh hưởng của dư luận Mỹ nhiều hơn là do chính kiến của họ. Dĩ nhiên là tôi cố gắng bênh vực ông Diệm, nhưng tôi chẳng thuyết phục được ai cả.

Ở lại Hoa Thịnh Đốn hơn một tuần thì có máy bay của Đại Học Chio, Tỉnh Athenes lên đón tôi về thăm Đại Học này. Một Khoa Trưởng và một Giáo Sư Đại Học lên theo máy bay hướng dẫn tôi. Từ nhiều năm, Đại Học Chio đã bảo trợ và giúp đỡ Đại Học Sư Phạm Huế, và hằng năm tôi gửi sang nhiều sinh viên du học, đồng thời Chio cũng đã gửi sang nhiều Giáo Sư giảng dạy tại Đại Học Sư Phạm Huế.

Tại Đại Học Đường Chio, tôi được tiếp đãi nồng hậu, tham dự nhiều cuộc tiếp tân, thuyết trình liên hoan. Đại Học Đường Chio cấp cho tôi một bằng danh dự. Sau mấy ngày thăm viếng các cơ sở của Đại Học, đàm luận với các Viện Trưởng, Khoa Trưởng, Giáo Sư, Sinh Viên, tôi lại được Đại Học dùng máy bay riêng chở đến Chicago để gặp một số sinh viên Việt Nam du học tại đây.

Hầu hết các sinh viên đều bất mãn với ông Diệm, nhất là ông Nhu, bà Nhu, và chỉ trích các hành động đàn áp chính trị và tôn giáo.

Một số ký giả Mỹ đến gặp tôi. Tôi không có ý định họp báo, hay dành cho họ một cuộc phỏng vấn nào. Nhưng khi tiếp họ, dĩ nhiên tôi phải trao đổi với họ nhiều câu chuyện quanh những đề tài thời sự Việt Nam. Tôi cố tránh không nêu lên quan điểm của tôi, chỉ giải thích các sự kiện theo hiểu biết của mình. Trong câu chuyện, tôi được biết rằng báo chí Mỹ hầu hết bây giờ quay qua chỉ trích ông Diệm, bênh vực Phật Giáo.

Vài hôm sau tôi lên Nữu Ước, và tại đây tôi gặp một chuyện bất ngờ đau lòng: Người từng giúp đỡ cho văn hóa Việt Nam, cho Đại Học Huế tích cực nhiều nhất, là Giáo Sư Buttinger, trước là Chủ Tịch Hội New Land Foundation và bây giờ là Chủ Tịch Hội ‘’Những người Mỹ bạn Việt Nam’’ tỏ ra chán nản thất vọng về Việt Nam, về ông Diệm và không còn sốt sắng giúp đỡ cho Việt Nam như trước nữa. Tôi định gặp ông để ngỏ lời cám ơn về những sự giúp đỡ của ông đối với Đại Học Huế, và đề cập đến dự án lập Trường Kỹ Thuật Huế, nhưng khi thấy thái độ của ông như vậy tôi không còn nghĩ đến việc xin ông giúp đỡ nữa. Những chỉ trích của Giáo Sư Buttinger cũng tương tự như của các ông Mansfield, Kennedy, Dirksen.

Giáo Sư Buttinger còn nói rõ hơn, là nếu ông Diệm không kịp thời thay đổi sâu rộng, thì Mỹ sẽ bỏ rơi ông.

Ông khuyên tôi nên làm cách gì cho ông Diệm hiểu mà thay đổi chính phủ cải tổ nội các, bớt quyền Tổng Thống, lập Thủ Tướng Tổng Trưởng có thực quyền gồm những chính khách có uy tín, và tốt nhất nên mời một số chính khách đối lập tham gia tân chính phủ, bàn về những biến cố thời sự. Giáo Sư Buttinger cho rằng ông Diệm cần phải giải quyết cấp thời vấn đề Phật Giáo, chấm dứt mọi hành động có tính cách đàn áp hay kỳ thị.

Hôm sau tôi gặp một ông Giáo Sư khác, ông Fishell từng là bạn thân của ông Diệm từ khi ông còn lưu vong ở Mỹ. Về sau tôi biết rằng ông Fishell là một nhân viên Trung Ương Tình Báo Mỹ, thuộc hàng cao cấp.

Ông đã từ Michigan lên Nữu Ước tìm gặp tôi. Tôi nói chuyện với ông Fishell từ chiều đến 12 giờ khuya và câu chuyện vẫn quanh những đề tài chính trị Việt Nam. Những nhận định và chỉ trích mà ông Fishell nêu lên tương tự như các nhận định và chỉ trích của những nhân vật Mỹ tôi đã từng gặp trước, nhưng ông Fishell nhấn mạnh hơn. Một lúc, không hiểu vô tình hay cố ý để cảnh cáo, nhắn nhủ, ông Fishell nói rõ rằng nếu ông Diệm không thay đổi sâu rộng đường lối chính trị của ông thì nội trong năm 1963, Mỹ phải tìm cách loại bỏ ông Diệm khỏi sân khấu chính trị Việt Nam và biện pháp thủ tiêu có thể được xét tới. Dĩ nhiên là ông Fishell lúc bấy giờ chỉ nói điều này ra như một lời nhận định về kế hoạch trong tương lai gần của chính phủ Mỹ.

Ở Nữu Ước được vài ngày thì tôi nhận được điện tín tại Tòa Đại Sứ Việt Nam tại Hoa Thịnh Đốn cho biết Tổng Thống gọi tôi về nước gấp. Tôi để Âu Ngọc Hồ ở lại Mỹ tiếp tục công cuộc vận động sự giúp đỡ cho Viện Kỹ Thuật Huế, còn tôi rời Mỹ trở về, qua ngã Ba Lê.

Tôi hẹn gặp các Giáo Sư Đức tại đây, và dự định sẽ cùng họ sang thăm viếng Đức. Bây giờ vì lệnh triệu hồi khẩn cấp của Tổng Thống Diệm tôi đành hủy bỏ chuyến thăm viếng Tây Đức. Tôi dùng cơm trưa với các Giáo Sư Đức, trình bày tình hình có vẻ khẩn trương ở Việt Nam, xin lỗi họ và ngày hôm sau tôi về thẳng Sài Gòn.

Tôi nhớ thì hình như tôi đến Sài Gòn vào khoảng đầu tháng sáu. Tôi vào ngay Dinh Độc Lập gặp ông Diệm. Chính ông cho tôi biết rằng: Các sinh viên và nhiều Giáo Sư Đại Học Huế đã biểu tình ủng hộ Phật Giáo. Ý ông Diệm định cách chức một số Khoa Trưởng, Giáo Sư, vì họ không kiểm soát được sinh viên. Tôi chưa hiểu gì, xin ông Diệm cho tôi một thời gian.

– Xin Cụ khoan đưa ra những biện pháp mạnh lúc này. Cụ cho phép tôi ra Huế cố gắng dàn xếp nếu không xong, sau đó Cụ muốn có biện pháp nào tùy ý Cụ.

Tôi đã được biết Đại Biểu Chính Phủ miền Trung là ông Hồ Đắc Khương bị thay thế, Tỉnh Trưởng Thừa Thiên Nguyễn Văn Đẳng và Phó Tỉnh Trưởng Đặng Sỹ bị triệu hồi về Bộ Nội Vụ. Nhiều cuộc biểu tình có bạo động xảy ra tại Huế, các chùa bên kia sông Phú Cam bị phong tỏa, và ngày nào cũng có những cuộc tiếp xúc giữa Ủy Ban Liên Phái Phật Giáo và Ủy Ban Liên Bộ của chính phủ, nhưng không giải quyết được tình trạng căng thẳng khắp toàn quốc.

Tình hình tại Huế rất lộn xộn. Nhiều cuộc biểu tình đã liên tiếp diễn ra mấy hôm nay, mà theo lời ông thì thành phần tham dự đông đảo là học sinh sinh viên Phật Tử.
Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7172
Registration date : 01/04/2011

BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-1965 - LM CAO VĂN LUẬN - Page 4 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-1965 - LM CAO VĂN LUẬN   BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-1965 - LM CAO VĂN LUẬN - Page 4 I_icon13Mon 08 Apr 2024, 08:00

BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-1965

L. M. Cao Văn Luận


40. Lần gặp gỡ cuối cùng với Tổng Thống Diệm 

    Tôi cho rằng tình hình đã đi quá đà, nay dù ở trung ương có những nỗ lực dàn xếp thì các địa phương một số người quá khích của bên chính phủ, hoặc bên Phật Giáo vẫn cứ gây ra những hành động nguy hiểm, khiêu khích.

    Tôi trở về Huế giữa lúc tình hình tại đấy hết sức căng thẳng. Các sinh viên hay tin tôi đã trở về, kéo vào gặp tôi rất đông. Một đại diện sinh viên trình bày các biến chuyển vừa qua, cho biết một số sinh viên bị bắt giam, tra tấn và một số khác bị đe đọa. Họ đòi hỏi chính phủ phải trả tự do cho tất cả những kẻ bị bắt và chấm dứt những hành động áp bức đối với những sinh viên Phật Tử.

    Tôi hứa sẽ can thiệp với nhà chức trách để yêu cầu trả tự do cho những người bị bắt, kêu gọi các sinh viên bình tĩnh. Nhân danh một Linh Mục, tôi xác nhận với anh em sinh viên Phật Tử rằng không hề có chuyện Công Giáo bách hại, hay đàn áp Phật Giáo mà chỉ có thể có chuyện một chính phủ có những hành động có thể không đúng đối với Phật Giáo. Tôi cam kết với các sinh viên rằng nếu quả thực chính phủ có chủ trương đàn áp Phật Giáo thì chính tôi với tư cách Linh Mục và Viện Trưởng sẽ đứng về phía các anh em sinh viên.

    Trong lúc số sinh viên đang tụ tập trong và ngoài phòng tôi, tôi gọi điện thoại ngay cho Đại Biểu Chính Phủ miền Trung, lúc đó là ông Nguyễn Xuân Khương vừa được bổ nhiệm thay thế ông Hồ Đắc Khương được triệu hồi về. Tôi yêu cầu ông Đại Biểu Chính Phủ trả tự do mau chóng cho những sinh viên bị bắt. Ông Khương hứa giải quyết ngay.

    Các sinh viên còn cho tôi biết rằng nếu vụ Phật Giáo không dàn xếp yên được ngay, thì sẽ có nhiều vị Sư Sãi ở Chùa Từ Đàm tự thiêu, nhiều sinh viên cũng sẽ tự thiêu, và nhiều cuộc biểu tình sẽ diễn ra khắp Thành Phố Huế.

    Tôi chỉ khuyên các sinh viên bình tĩnh, đừng lầm lẫn phạm vi chính trị với tôn giáo, còn những hoạt động của anh em sinh viên thì tùy theo lương tâm, mọi người tự do tham dự vào các hoạt động họ thấy là chính đáng.

    Ngày hôm sau ông Đại Biểu Chính Phủ và Tòa Tỉnh Thừa Thiên trả tự do cho một số sinh viên bị bắt giam mấy hôm trước. Các sinh viên tuy chưa được thỏa mãn hoàn toàn, nhưng có vẻ hòa hoãn hơn đôi chút.

    Hôm sau tôi vào gặp ông Cẩn, mặc dù là người ít học, nhưng ông Cẩn, theo nhận xét của tôi không hẹp hòi thiển cận như nhiều người lầm tưởng.

    Khi nghe tôi trình bày về dư luận quần chúng và các chính khách ở Mỹ đối với chế độ và vụ Phật Giáo, ông Cẩn đã đặc biệt lưu tâm, tỏ ra hết sức lo lắng khuyên tôi nên vào gặp thẳng ông Diệm để trình bày sự thật đầy đủ, may ra còn cảnh tỉnh chăng:

    – Cha cần phải về Sài Gòn nói rõ mọi chuyện cho ‘’cụ’’ biết (ông Cẩn gọi ông Diệm bằng tiếng Cụ). Con hiểu nhưng không biết làm cách nào giúp cho Cụ hiểu được. Cha biết là con khó mà nói gì Cụ tin. Con có ý thưa với Cha, là chẳng những Cha nói miệng, mà Cha nên ghi lại trên giấy những điều Cha định nói với Cụ, rồi lúc Cha ra về Cha để lại tấm giấy đó cho Cụ, để Cụ có dịp đọc lại mà suy nghĩ kỹ hơn. Cha làm như thế có thể Cụ sẽ đưa cho ông Nhu và Đức Cha đọc.

    Lúc này quyền hành của ông Cẩn trên thực tế chẳng có gì. Những ảnh hưởng đối với các nhà chức trách thì đã lọt vào tay Đức Cha Thục, cho nên dù ông Cẩn hết sức hòa dịu, cố gắng dàn xếp, nhưng vì thiếu quyền hành, ảnh hưởng nên khó làm được việc gì ích lợi quan trọng để ổn định tình hình.

    Trong lúc đó, tình hình biến chuyển mau chóng, trưa 11-6 Thượng Tọa Thích Quảng Đức tự thiêu, báo chí quốc tế, các hãng truyền hình lớn đã chụp hình, quay phim và tường thuật vụ này, làm cả thế giới lên án chế độ ông Diệm, ông Diệm hiệu triệu quốc dân, và ý ông muốn kêu gọi dân chúng bình tĩnh, tin tưởng vào thiện chí dàn xếp của ông, nhưng câu nói cuối cùng của ông có thể bị hiểu lầm là một câu nói đầy kiêu căng, khinh miệt: ‘’Sau lưng Phật Giáo trong nước hãy còn có hiến pháp nghĩa là có tôi!’’.

    Ngày 16-6 các Tăng Ni biểu tình trước Tòa Đại Sứ Mỹ đồng thời tại Chùa Giác Minh hàng ngàn Phật Tử tụ tập dự tang lễ Thượng Tọa Quảng Đức. Cuộc tụ tập biểu tình, có xô xát với cảnh sát, làm cho nhiều người bị thương, hàng trăm bị bắt. Tại Huế, không khí thật ngột ngạt, làm tôi có cảm tưởng như không khí một buổi chiều sắp dông bão lớn.

    Ngày 23-6 tôi vào Sài Gòn và sáng hôm sau ngày 24-6, Lễ Thánh Gioan Baptista, Quan Thầy của Tổng Thống, tôi đã vào dinh để chúc mừng ông. Theo lời khuyên của ông Cẩn tôi đã viết sẵn lên giấy những điều sắp nói cầm theo vào phòng làm việc của ông Diệm.

    Tôi vào đề ngay:

    – Thưa Cụ vừa đi Mỹ về tôi được lệnh Cụ phải ra Huế giải quyết vụ sinh viên ngay chưa có dịp nào thưa chuyện với cụ về dư luận Mỹ đối với Việt Nam. Nay nhân dịp vào mừng lễ bổn mạng Cụ, tôi muốn thưa với Cụ những khuynh hướng chính trong dư luận Mỹ đối với tình thế hiện nay. Khuynh hướng thứ nhất của một nhóm chủ chiến thiểu số do một Tướng lãnh chủ trương muốn đánh mạnh để thắng mau.

    Khuynh hướng này không được chính phủ, Quốc Hội và dân chúng ủng hộ. Khuynh hướng thứ hai chủ hòa, chấp nhận một giải pháp trung lập. Khuynh hướng này do các chính khách Dân Chủ như Harriman, Hillman chủ xướng. Khuynh hương này tuy được quần chúng và giới trẻ ở Mỹ ủng hộ rầm rộ, nhưng không được chính phủ Mỹ nghe theo hoàn toàn.

    Một khuynh hướng có vẻ ôn hòa trung dung muốn rằng chính phủ Kennedy vẫn tiếp tục ủng hộ Việt Nam với một số những điều kiện đặc biệt nào đó. Khuynh hướng này được chính phủ Kennedy lưu ý đặc biệt. Theo khuynh hướng này thì một trong những điều kiện mà Mỹ đòi hỏi ở Việt Nam là Cụ phải có những thay đổi chính trị sâu rộng, lập Thủ Tướng và các Tổng Trưởng có thực quyền, chọn những người không có liên hệ gia đình, và nếu thấy ai có tài năng thì dù họ thuộc một đảng phái đối lập cũng nên dùng họ. Các Bộ Trưởng nên được nâng lên hàng Tổng Trưởng để tăng thêm uy tín và quyền hành. Tại Quốc Hội cũng phải cố gắng lập khối đối lập thực sự. Nếu Cụ có những thay đổi chính trị như vậy thì Mỹ có thể tiếp tục ủng hộ Việt Nam để chiến thắng cộng sản, nếu không nội cuối năm 1963 Mỹ sẽ dùng Phật Giáo làm cái cớ để lật đổ chế độ của Cụ, vì Tổng Thống Kennedy sắp phải ra tranh cử nhiệm kỳ 2, cần gây uy tín để đắc cử. Đối với cử tri Mỹ trong mùa vận động tuyển cử này, thì xem chừng lật Cụ là việc làm ăn khách nhất.

    Ông Diệm có vẻ trầm ngâm, nhưng là cái trầm ngâm của một người không muốn biết một sự thật không vừa ý, hơn là sự trầm ngâm của một người muốn tìm một con đường mới. Ông chống chế:

    – Những thay đổi ở thượng tầng kiến thiết quốc gia không cần thiết lắm. Những người nào có chút khả năng thì như Cha biết tôi đã dùng hết rồi, và có mấy ai ra gì đâu. Cha thử nghĩ xem, nếu đặt Thủ Tướng thì lấy ai xứng đáng bây giờ? Nhóm Caravelle thì Cha đều biết qua cả có ai xứng đáng giữ chức Thủ Tướng đâu? Điều quan trọng là tổ chức hạ tầng kiến thiết tức là Ấp Chiến Lược.

    Tôi cố gắng thêm lần cuối để thuyết phục ông Diệm chấp nhận những thay đổi cần thiết trên thượng tầng:

    – Thưa Cụ, nói rằng thượng tầng cơ sở không quan trọng thì e không đúng lắm. Cụ chẳng đang ở vị thế cao nhất trong thượng tầng cơ sở, và giữ một trách nhiệm quan trọng nhất, nặng nề nhất đó sao. Chẳng những Cụ cần những người thuộc hạ trung thành ở thượng tầng cơ sở, mà Cụ còn cần những cộng tác viên tài năng can đảm, liêm sỉ, nhiều sáng kiến. Có thể lúc này Cụ không tìm ra những người như thế để xây dựng thượng tầng, nhưng với sự nới rộng sẽ khích lệ những kẻ tài năng đến với Cụ nhiều hơn, tạo cơ hội cho những nhân tài kiêu căng hoặc e thẹn đến hợp tác với chế độ. Đó là nói về những lợi ích trong nước, trong nội bộ. Bây giờ, thưa Cụ chúng ta cần người Mỹ, lệ thuộc nhiều vào người Mỹ, chịu ảnh hưởng nặng nề vì sự thương hay ghét của họ. Nếu không vì những lợi ích thiết thực mà phải cải tổ chính phủ, thì cũng nên vì để làm hài lòng người Mỹ mà cải tổ, để họ khỏi phá hoại. Cụ cũng đã hiểu câu châm ngôn ‘’ai chi tiền thì kẻ đó cai trị’’. Hiện nay người Mỹ đang chi tiền. Nếu Cụ cứng rắn quá sẽ bị bẻ gẫy.

    Ông Diệm có dáng suy nghĩ, lo lắng, chú ý hơn lúc đầu một chút:

    – Nếu bây giờ chúng ta nhượng bộ một bước thì Mỹ sẽ lại đòi thêm, biết nhượng bộ đến bao giờ cho vừa lòng họ? Tôi muốn võ trang đầy đủ cho Bảo An, Dân Vệ, thanh niên chiến đấu. Mỹ không chịu. Tôi muốn tăng cường Quân Đội, Mỹ từ chối không cấp vũ khí và phương tiện, Mỹ chỉ muốn đưa quân qua Việt Nam mà thôi.

    Ông Diệm ngưng một lúc, nhìn mơ màng lên trời rồi bắt đầu thuyết về Ấp Chiến Lược. Ông cho rằng Ấp Chiến Lược là giải pháp hay nhất để đánh bại cộng sản ở nông thôn, thực hiện những cải cách cần thiết cho nông dân. Tôi đã được nghe ông Nhu nói về Ấp Chiến Lược một cách say sưa. Những lý lẽ ông Diệm đưa ra quanh vấn đề Ấp Chiến Lược cũng không khác gì luận điệu của ông Nhu. Tôi tán đồng chủ trương đó, chỉ tiếc rằng đã không được thực hiện từ khi mọi cơ hội còn thuận tiện, ngày tháng còn dài, chờ đến bây giờ thì e muộn quá rồi.

    – Thưa Cụ, tôi xin đồng ý với Cụ là Quốc Sách Ấp Chiến Lược hay lắm, nhưng chúng ta cần có thì giờ và phương tiện để thực hiện. Nếu làm cho người Mỹ bực tức, họ không ủng hộ ta, thì lấy đâu phương tiện mà thực hiện. Hơn nữa người Mỹ có thể không cho chúng ta có thì giờ để thực hiện đủ với phương tiện riêng của chúng ta.

    Ông Diệm im lặng, có vẻ không muốn nghe tôi nói thêm. Tôi biết ý ông nên kiếu từ ra về. Thấy không lung lạc được ông Diệm tôi cảm thấy gần như tuyệt vọng, nhìn thấy trước những viễn ảnh đen tối cho chế độ và cho quốc gia. Hơn nữa những hỗn loạn quanh vụ Phật Giáo càng ngày càng lớn thêm. Không cần Mỹ phải trực tiếp nhúng tay vào, chỉ cần một lực lượng chính trị hay quân sự nào đủ gan liều một chút, biết khai thác đúng cách và đúng lúc những xáo trộn chính trị và tôn giáo hiện nay cũng có thể lật đổ được chế độ ông Diệm. Dù kính mến ông Diệm vì những thân tình cá nhân, những liên hệ bằng hữu, tôi nghĩ rằng, nếu có một lãnh tụ nào tài đức hơn ông Diệm đứng lên làm công việc đó, thì vì quyền lợi quốc gia dân tộc, tôi sẽ chấp nhận.

    Nhưng trước mắt tôi, đếm kỹ những nhân vật tên tuổi trong danh sách những chính khách Việt Nam, tôi không nhìn thấy một ai đủ khả năng thay thế ông Diệm để lãnh đạo quốc gia. Vì những ý nghĩ đó, hơn là vì cảm tình riêng của tôi đối với ông Diệm và gia đình ông, tôi cố gắng tìm mọi cách để cứu vãn chế độ ông Diệm, mặc dầu tôi linh cảm mọi nỗ lực của tôi đều vô ích, vô vọng.

    Tôi nghĩ rằng ông Diệm rất mộ đạo, kính nể những bậc lãnh đạo tôn giáo, nên tôi đến gặp Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình ngay sau khi rời văn phòng ông Diệm. Tôi lại trình bày những điều tôi vừa trình bày với ông Diệm:

    – Thưa Đức Cha, con đi Mỹ về, nhận thấy dư luận Mỹ đã hết thiện cảm với chế độ này và chính phủ Mỹ vì áp lực của dư luận quần chúng và Quốc Hội, chỉ có thể tiếp tục ủng hộ chế độ nếu có những cải tổ chính trị sâu rộng ở thượng tầng, bằng không Mỹ có thể tính cách triệt hạ chế độ và lật đổ ông Diệm. Như Đức Cha biết, một sự hỗn loạn chính trị lúc này có thể đưa quốc gia chúng ta đến nguy vong. Con đã cố gắng trình bày những nhận định của con với Tổng Thống nhưng Cụ không nghe, con chỉ là một Linh Mục, dù Cụ có lúc coi con như bạn, nhưng không thể gây ảnh hưởng gì quan trọng đối với Cụ. Con nghĩ rằng nếu bây giờ các Đức Cha trên toàn quốc gửi cho Cụ một văn thư khuyến cáo Cụ thay đổi chính sách và cải tổ nội các, thì có lẽ Cụ sẽ nghe theo.

    Đức Cha Bình gật gù:

    – Tôi cũng nhận thấy tình thế lúc này thật khó khăn, phức tạp. Tôi chấp nhận ý kiến của Cha và sẽ bàn sau với các Đức Cha khác để thảo văn thư và gửi Tổng Thống.

    Tôi không rõ về sau Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình và các Đức Cha có gặp gỡ nhau thảo văn thư khuyến cáo ông Diệm thay đổi chính sách và cải tổ chính phủ hay không, nhưng tôi không còn được nghe tin gì.

    Cũng ngày hôm đó tôi đến gặp Đức Khâm Sứ Tòa Thánh là Đức Cha Asto khoảng 5 giờ chiều. Đức Khâm Sứ mới được cử sang Việt Nam ít lâu. Tôi trình bày mọi việc, từ những nhận xét về dư luận Mỹ, đến hai cuộc gặp gỡ ông Diệm và Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình, cùng mọi ý kiến riêng của tôi. Đức Khâm Sứ cũng đồng ý với những nhận định của tôi, tỏ ra lo lắng về những diễn biến dồn dập của tình thế. Ngài có ý dịch bản điều trần của tôi gởi về Tòa Thánh và xin Đức Giáo Hoàng khuyến cáo ông Diệm, hy vọng làm như thế thì với tư cách một tín đồ Công Giáo ông sẽ chịu nghe dễ dàng hơn. Lúc bấy giờ Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII vừa băng hà ngày 4-6, và Đức Hồng Y Gio-Vanni Battita Montini vừa được bầu lên ngôi Giáo Hoàng, lấy hiệu là Giáo Hoàng Phao Lô VI hôm 21-6.

    Tôi thưa với Đức Khâm Sứ rằng tôi chỉ viết tay một bản mà thôi nên nay không thể nào có bản thứ hai y hệt như bản điều trần để lại trên bàn ông Diệm. Đức Khâm Sứ ngỏ ý muốn tôi ngồi lại, viết thật giống như bản điều trần đã đưa ông Diệm, rồi trao cho ngài để ngài cho dịch ra. Tôi thưa rằng bây giờ tôi không có thì giờ, vì lát nữa, lúc 7 giờ tối, tôi phải dự một bữa cơm chiều với một số trí thức, nhân sĩ, và 8 giờ sáng thì tôi đã phải lên máy bay về Huế. Đức Khâm Sứ nhất định buộc tôi phải cố nhớ mà viết lại bản điều trần, ngài nói:

    – Cha đi ăn về trễ lắm thì cũng đến 10 giờ là cùng. Cha nên chịu khó thức khuya một chút viết lại bản điều trần bằng tiếng Pháp, càng giống càng tốt, rồi bất cứ giờ nào viết xong thì đưa lên cho tôi, để gửi sang Tòa Thánh Vatican.

    Tôi đi dùng cơm tối với một số trí thức như Tôn Thất Thạch, Đại Tá Tung, Nguyễn Trân v.v…Sau đó tôi vội về nhà trọ, cố nhớ lại, viết lại bản điều trần bằng tiếng Pháp, 5 giờ sáng tôi lên gặp Đức Khâm Sứ Tòa Thánh, và ngài yêu cầu tôi ký tên dưới bản điều trần. Tôi cười:

    – Thưa Đức Khâm Sứ, bên La Mã ai biết đến tên tuổi con mà ký làm gì?

    – Cha lầm đó, bên La Mã người ta biết đến Cha lắm chứ. Tôi hy vọng Đức Thánh Cha sẽ có thư khuyến cáo ông Diệm và ông sẽ nghe mà sửa đổi.

    Tôi nói chuyện với Đức Khâm Sứ một chút rồi ra phi trường về Huế.
Về Đầu Trang Go down
Sponsored content




BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-1965 - LM CAO VĂN LUẬN - Page 4 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-1965 - LM CAO VĂN LUẬN   BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-1965 - LM CAO VĂN LUẬN - Page 4 I_icon13

Về Đầu Trang Go down
 
BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-1965 - LM CAO VĂN LUẬN
Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Similar topics
-
» Chuỗi Thơ Tự Do - Nhất Lang Nguyễn Thành Sáng
» BÊN LỀ CUỘC ĐỜI
» Thơ PHẠM KHANG
» MƯA Ở BÊN KIA
» BÊN HỒ
Trang 4 trong tổng số 5 trangChuyển đến trang : Previous  1, 2, 3, 4, 5  Next

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
daovien.net :: VƯỜN VĂN :: Truyện Sưu tầm :: Hồi ký, tuỳ bút-