Trang ChínhTìm kiếmLatest imagesVietUniĐăng kýĐăng Nhập
Bài viết mới
Thơ Nguyên Hữu 2022 by Nguyên Hữu Today at 20:22

EM CHIM HÁT HAY QUÁ by mytutru Today at 20:18

Hơn 3.000 bài thơ tình Phạm Bá Chiểu by phambachieu Today at 11:15

Một thoáng mây bay 13 by Ai Hoa Today at 10:00

ĐÔI BÀN TAY NGHỆ NHÂN by mytutru Yesterday at 23:54

BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-1965 - LM CAO VĂN LUẬN by Trà Mi Yesterday at 08:05

Cột đồng chưa xanh (2) by Ai Hoa Mon 06 May 2024, 11:42

Chết rồi! by Ai Hoa Mon 06 May 2024, 11:31

LỀU THƠ NHẠC by Thiên Hùng Sun 05 May 2024, 11:06

Tranh Thơ Viễn Phương by Viễn Phương Fri 03 May 2024, 19:13

Người Em Gái Da Vàng by Viễn Phương Fri 03 May 2024, 06:36

Mái Nhà Chung by mytutru Thu 02 May 2024, 00:38

Những Đoá Từ Tâm by Việt Đường Wed 01 May 2024, 21:49

7 chữ by Tinh Hoa Tue 30 Apr 2024, 10:59

5 chữ by Tinh Hoa Sun 28 Apr 2024, 22:27

Thi tập "Chỉ là...Tình thơ" by Tú_Yên tv Thu 25 Apr 2024, 12:56

Trang thơ Tú_Yên (P2) by Tú_Yên tv Thu 25 Apr 2024, 12:51

Thơ Tú_Yên phổ nhạc by Tú_Yên tv Thu 25 Apr 2024, 12:46

Quán Tạp Kỹ - Đồng Bằng Nam Bộ by Thiên Hùng Wed 24 Apr 2024, 11:48

Trụ vững duyên thầy by Trà Mi Tue 23 Apr 2024, 07:34

THIỀN TUỆ (diệt trừ đau khổ) by mytutru Tue 23 Apr 2024, 00:07

Nhận dạng phụ nữ giàu có by Trà Mi Mon 22 Apr 2024, 08:36

Bức tranh gia đình by Trà Mi Mon 22 Apr 2024, 08:09

Mẹo kho thịt by Trà Mi Mon 22 Apr 2024, 07:29

SẦU LY BIỆT by Phương Nguyên Sun 21 Apr 2024, 23:01

Trang Họa thơ Phương Nguyên 2 by Phương Nguyên Sun 21 Apr 2024, 22:56

Trang viết cuối đời by buixuanphuong09 Sun 21 Apr 2024, 06:38

Mức thù lao không ai dám nghĩ đến by Trà Mi Wed 17 Apr 2024, 11:28

KHÔNG ĐỀ by Phương Nguyên Wed 17 Apr 2024, 11:00

Cách xem tướng mạo phụ nữ ngoại tình, không chung thủy by mytutru Tue 16 Apr 2024, 11:59

Tự điển
* Tự Điển Hồ Ngọc Đức



* Tự Điển Hán Việt
Hán Việt
Thư viện nhạc phổ
Tân nhạc ♫
Nghe Nhạc
Cải lương, Hài kịch
Truyện Audio
Âm Dương Lịch
Ho Ngoc Duc's Lunar Calendar
Đăng Nhập
Tên truy cập:
Mật khẩu:
Đăng nhập tự động mỗi khi truy cập: 
:: Quên mật khẩu

Share | 
 

 Chính sách cải cách ruộng đất Việt Nam (1954-1995)

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Chuyển đến trang : Previous  1, 2
Tác giảThông điệp
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7114
Registration date : 01/04/2011

Chính sách cải cách ruộng đất Việt Nam (1954-1995)  - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Chính sách cải cách ruộng đất Việt Nam (1954-1995)    Chính sách cải cách ruộng đất Việt Nam (1954-1995)  - Page 2 I_icon13Tue 11 Apr 2023, 07:50



II.4. Phân hoá giàu nghèo sau luỹ tre làng

Chỗ ở và tiện nghi sinh hoạt là bề nổi rõ nhất của sự phân hoá giàu nghèo ở nông thôn bởi thời đó tiền hoặc vàng ở nông thôn rất ít. Có thể chia làm 3 đối tượng giàu nghèo khác nhau từ yếu tố quyền lực và sức lao động nhiều ít ở mỗi hộ.

Nhóm nhà giàu gồm có: cán bộ từ các đội trưởng, thư ký đội đến ban chủ nhiệm hợp tác xã; chánh phó chủ tịch xã và bí thư đảng ủy xã; nhà có con đi học nước ngoài hoặc có người làm việc trên huyện, trên tỉnh. Các gia đình này thường có nhà ngói 5 gian, 3 gian chính ở giữa, 2 buồng đầu hồi xây lồi ra 2m để đỡ lấy mái hiên của 3 gian chính. Nền nhà cao, đủ tam cấp (3 bậc). Sân gạch rộng chừng 60-100m2 với một bên là dãy nhà bếp, cối xay thóc, chuồng lợn và một bên là giếng, bể nước, nhà tắm. Sau lưng nhà là vườn rau hoặc cây ăn quả rộng chừng 1 sào đất. Chính giữa nhà là bàn thờ gia tiên, 2 bên là 2 cỗ phản gỗ tốt dày 6-8 cm. Rất ít nhà dùng giường gỗ kiểu Đức hoặc giường “mô-đéc” như ở thành phố. Bàn ghế tiếp khách thường là bộ trường kỷ bằng gỗ lim. Nhà nào khá giả hơn thì kê thêm một tủ chè khảm trai hoặc 1 tủ “buýp-phê”. Trên tường treo nhiều huân huy chương, bằng khen và khung ảnh. Mỗi nhà thường có 2 chiếc xe đạp, 1 chiếc đài bán dẫn của Liên Xô hoặc Trung Quốc. Như vậy nhà giàu sau lũy tre làng thời đó mới chỉ dừng ở mức đủ ăn, đủ mặc, có phương tiện đi lại thô sơ và phương tiện giải trí, cộng với chút quyền uy mà thôi. Nhóm gia đình này chiếm khoảng 7-10% trong làng.

Ông LTC, sinh năm 1946, kỹ sư địa vật lý dầu khí, hiện công tác tại liên doanh VietsovPetro ở Vũng Tàu kể:

“Hồi tôi đi thực địa ở Phố Tăng, huyện Tiên Hưng – Thái Bình (1970) để đo carotar lỗ khoan khoảng 1 tháng, có biết một chuyện kể ra ngỡ tiếu lâm hiện đại. Bà con ở đây kiểm điểm ông chủ nhiệm và bà kế toán hợp tác xã rất gay gắt về tội tham ô, hủ hóa. Thế nhưng khi bầu lại chủ nhiệm và kế toán cho khóa sau, họ vẫn bầu cho 2 vị ấy. Ông lãnh đạo huyện về dự đại hội xã viên hỏi: “Vì sao lại như vậy?” Bà con đáp: “Chuyện hủ hóa thì bà kế toán có cái ấy, tùy bà ta giữ hay cho ai thì cho. Còn như chức chủ nhiệm và kế toán, chúng tôi thấy họ đã tham ô đủ nhà, xe, đài rồi, làm tiếp khóa nữa bất quá chỉ thêm vài bữa nhậu. Nếu bầu người khác họ lại cấu véo của tập thể mua đài, mua xe, xây nhà, còn tệ hơn””. Ông LTC nhận xét: “Một ngôi nhà xây hồi đó cỡ 4.000 đồng, 2 cái xe và một cái đài cỡ 1.000 đồng. Tổng cộng tài sản tham ô hết 5.000 đồng. Xem ra mục tiêu và mức độ tham nhũng ở nông thôn thời chiến chưa lớn.”

Nhóm gia đình có mức sống trung bình ở nông thôn chiếm khoảng 50-60%. Chỗ ở của họ là ngôi nhà xây 3 gian hoặc 5 gian, nhưng hẹp và thấp. Vùng Hà Bắc, Hà Tây, Hải Hưng nhà thường lợp ngói, khung nhà bằng gỗ xoan và tre ngâm. Ở vùng biển Thái Bình, Hà Nam Ninh dân ít lợp ngói mà lợp bằng cói rất dày. Nền nhà một số láng xi măng, còn một số chỉ đầm đất với tro thật đanh và phẳng. Sân gạch và bể nước to bằng khoảng một nửa nhà giàu. Ưu điểm nổi bật của nhóm này là có tới 90% gia đình có hố xí hai ngăn hợp vệ sinh. Chuồng lợn và bếp thường bố trí sau nhà hoặc sát đầu hồi. Bàn ghế tiếp khách có nhà dùng bộ trường kỷ, có nhà dùng ngay cỗ phản gỗ kê ở giữa nhà. Đối tượng thuộc các nhóm này là các nhà có nhiều lao động khỏe, có con cái đi “thoát ly”, vợ chồng hoặc con gái lớn thạo buôn bán ở các chợ quê. Rất ít nhà trong nhóm này có đài bán dẫn, còn xe đạp thường chỉ có một cái đã cũ. Ông LTC (đã dẫn) cho biết, ở Thái Bình, Hưng Yên cứ 30 nhà trong nhóm này mới có 1 chiếc đài bán dẫn Sông Hồng của VN lắp, 5 nhà có 1 chiếc xe đạp Thống Nhất cà tàng.

Nhóm gia đình nghèo chiếm 20-30%. Họ ở nhà tranh vách đất, không có sân gạch, bể nước. Đó là những gia đình ít lao động, gia đình địa chủ cũ bị ngược đãi, một số khác do chủ hộ ốm đau, bệnh tật hoặc có dị tật. Nhóm này tiện nghi sinh hoạt không có gì đáng giá.

Thay lời kết

Ta vừa xét đến sự phân hóa giàu nghèo sau lũy tre làng là do những yếu tố quyền lực, cơ may và số lượng lao động trong một hộ gia đình. Còn có một hiện tượng giàu lên theo đúng nghĩa của quy luật kinh tế thị trường, rất hiếm hoi, bắt nguồn từ sự bứt phá để thay đổi cơ cấu thu nhập vốn rất vô lý của mô hình hợp tác xã cấp cao. Như đã biết, thu nhập của nông dân từ hợp tác xã chỉ đạt khoảng 40%, số còn lại dựa vào nguồn thu từ ruộng 5% và thu khác. Cái nguồn “thu khác” ấy chính là sự vận động của quy luật kinh tế thị trường ngay trong mô hình kinh tế HTX quan liêu bao cấp ở nông thôn. Vì vậy, thay cho lời kết, tôi sẽ đưa ra 2 câu chuyện làm ăn của ông NĐT (nhân chứng đã dẫn ở đầu bài viết). Nó mách bảo ta sức sống mãnh liệt của kinh tế thị trường, gợi nhiều điều suy gẫm.

Ông NĐT (xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành – Bắc Ninh) kể:

Câu chuyện thứ nhất:

“Bắt đầu từ năm 1964, thu nhập của bà con nông dân thôn tôi nếu dựa vào hợp tác xã chỉ đạt một nửa, dần dà không được một nửa. Tất cả mọi thứ chi tiêu về dầu đèn, sách vở cho con, may sắm và sửa chữa nhà cửa đều trông vào mảnh ruộng 5% của gia đình. Quê tôi vừa có đồng, vừa có bãi. Số đất bãi chiếm 2/3 nên sản phẩm phụ của bà con trông cả vào vụ rau mấy tháng giáp tết ngoài bãi sông Đuống. Nhà nào giỏi lại chịu khó thì có thu nhập cả rau giống và rau ăn. Hạt giống su hào của Trung Quốc Nhà nước chỉ bán rất hạn chế cho hợp tác xã. Nhà nào trồng su hào giống phải mua chợ đen với giá 200 đồng/lạng, tương đương 3 chỉ vàng (1964). Năm 1968, Nhà nước đột nhiên bán ruộng rãi hạt giống su hào với giá 60 đồng/lạng, lại chia từng gói nhỏ 30-50 gam cho vừa túi tiền của nông dân. Các nhà trồng cây giống su hào đều ngừng hết vì nghĩ ai có ruộng cũng mua hạt giống của Nhà nước, mình gieo hạt rồi bán cho ma. Tôi với ông bạn NVD bên xóm Chùa bàn nhau, thiên hạ sợ và bỏ cả thì ta gieo sẽ lãi to vì người trồng rau họa hoằn mới có người biết gieo giống. Năm ấy tôi và ông bạn vay tiền ngân hàng gieo giống su hào đại trà, thuê cả ruộng của các nhà quen biết trong thôn. Kết quả năm ấy khắp các chợ Dâu, Keo, Phủ Hồ, Điện Tiền, Yên Nhuế, Lạc Đạo, Bần Yên Nhân chỉ có cây giống su hào của anh em chúng tôi, bán đắt như tôm tươi. Giá một mớ su hào giống mọi năm có hào rưỡi, nay lên tới hai hào, hai hào rưỡi, có hôm “cháy chợ” lên tới ba hào. Vụ rau giống su hào năm 1968 tôi thu lãi hơn 2.000 đồng, đủ tiền xây nhà cho cô em gái có chồng đi B. Ông D bạn tôi qua vụ này mua xe đạp, đài bán dẫn rồi vẫn còn tiền xây lại bếp và đào giếng.”

Câu chuyện thứ hai:

“ Quê tôi cách trường đại học Nông nghiệp Hà Nội khoảng 18 km. Tôi và ông bạn NVD nghe tin ở đó có nhu cầu dựng nhanh mấy trăm gian nhà tranh cho cán bộ và sinh viên đi sơ tán về vào cuối năm 1969. Biết họ cần 10 vạn tấm gianh lá mía, chung tôi liền lân la tìm đến, đãi đằng mấy ông ở phòng kế hoạch để xin ký hợp đồng. Hồi ấy, cá nhân không có tư cách ký hợp đồng với cơ quan nhà nước nên tôi phải vất vả, tốn kém rất nhiều với ban chủ nhiệm hợp tác xã mới xin được con dấu và chữ ký. Mọi việc xong xuôi, tôi với ông bạn ngồi bàn triển khai hợp đồng mới thấy mình liều: vốn liếng 2 nhà góp lại được gần 3.000; giá trị hợp đồng 70.000 đồng (0,7đ x 100.000 tấm) mà cơ quan chỉ tạm ứng cho 2.000 đồng, còn đâu giao hàng đợt nào lấy tiền đợt ấy, nhưng chậm nhất 3 tháng phải giao đủ 10 vạn tấm gianh. Cuối cùng thì chúng tôi cũng đã tìm được cách tháo gỡ khó khăn. Để làm một tấm gianh cần có lá mía, hom tre và thợ chẻ hom, đánh gianh. Bãi mía bạt ngàn bên sông Đuống là nguồn cung cấp lá mía trả chậm cho hợp tác xã nên khỏi lo, chỉ cần “tế nhị” với ban chủ nhiệm. Thợ đánh gianh, chẻ hom có sẵn ở mấy làng bên tỉnh Hưng Yên, đang mùa nông nhàn, gọi sang vài trăm người không khó. Cái vướng nhất là tiền ăn cho thợ và tiền mua tre để chẻ hom. Năm ấy có biểu hiện nước sông sẽ lên to, tất cả các bụi tre bên sông Đuống từ thôn Lệ Chi qua Đình Tổ, Đại Trạch, Phú Mỹ, Á Lữ lên đến phủ Thuận Thành đều có khả năng bị Nhà nước trưng dụng để hộ đê. Chúng tôi đã tính toán kỹ khối lượng tre dùng cho hợp đồng không ảnh hưởng gì đến kế hoạch hộ đê nếu lũ lụt xảy ra. Song người nông dân sẵn tâm lý tư lợi, xót của vì giá trưng dụng hộ đê thấp gần như cho không mà số tiền ít ỏi còn lại rất lâu mới nhận được. Nắm được tâm lý ấy, chúng tôi dùng tiền đãi ngộ chính quyền các xã có tre, thông qua họ bảo lãnh để mua chịu tre của nông dân với giá đắt hơn ngoài thị trường 5-7%. Có được tre mua về, chúng tôi xử lý cho cắt 1,2 m ngọn tre bán cho xí nghiệp sản xuất nông cụ làm cán cuốc, cán xẻng. Đoạn 0,8 m gốc tre chúng tôi huy động nhân lực 2 gia đình, họ hàng, xóm giềng làm chổi tre bán cho cửa hàng bách hóa trên huyện, trên tỉnh và giao đi các chợ ở Hà Nội.

Từ hai khoản tiền thu được từ các sản phẩm đơn giản này, cộng với số vốn ít ỏi đã có, chúng tôi đủ tiền mua gạo, thực phẩm và tạm ứng cho 120 thợ bên Hưng Yên mỗi người 15 đồng để họ khẩn trương thu xếp việc nhà sang chẻ hom, đánh gianh. Suốt đoạn đê sông Đuống gần chùa Bút Tháp dài 2 km biến thành “xí nghiệp” sản xuất cơ động của tôi và anh bạn, tấp nập hơn 2 tháng. 10 vạn tấm gianh chứ 20 vạn chúng tôi cũng dư sức hoàn thành đúng tiến độ của hợp đồng.

Chưa hết, ở khâu vận chuyển lại nảy ra sáng kiến mới. Hàng ngày đội máy kéo của huyện có 3-5 xe công nông ra thị trấn Trâu Quỳ ở quốc lộ 5, gần trường Đại học Nông nghiệp để chở phân đạm bón ruộng hay xi măng làm thủy lợi cho huyện. Trên đường đi về họ phải qua chợ Dâu, cách chỗ chúng tôi 4 km. Nếu bình thường chúng tôi thuê xe chở gianh lá mía giao cho chủ hợp đồng phải mất 1,2 hào/1 tấm gianh. Thuyết phục đội trưởng đội máy kéo của huyện, chúng tôi ký được hợp đồng vận chuyển chỉ mất 0,6 hào/1 tấm và đôi bên lại cùng có lợi. Tính riêng tiền vận chuyển 10 vạn tấm gianh, chúng tôi đã tiết kiệm 600 đồng. Tổng cộng các khoản lợi nhuận sau 3 tháng hợp đồng, tôi và ông NVD chia nhau mỗi người 24.000 đồng (khoảng 25 cây vàng). Chằng những thế, chúng tôi còn đem lại việc làm cho 120 lao động ở Hưng Yên và 80 lao động ở thôn Đình Tổ, giá trị ngày công là 1,4 đồng/ngày, tương đương với lao động công nhật ngoài thành phố (giá công lao động ở hợp tác xã Đình Tổ lúc đó chỉ đạt mức rẻ mạt 2 hào 7 xu/ngày). Ngoài ra, đội máy kéo của huyện nhờ hợp đồng với chúng tôi mà có thu nhập thêm 600 đồng.

Năm 1969, sau khi Mỹ tuyên bố ngừng bắn phá miền Bắc từ vĩ tuyến 19 trở ra, các cơ quan, xí nghiệp, trường học từ khu sơ tán lục tục kéo về thành phố nên nhu cầu dựng nhà tạm tranh tre nứa lá rất lớn. Nhưng tôi không được ký tiếp những hợp đồng kinh tế khác nữa vì địa phương ganh ghét, quy chụp tôi và ông NVD là đảng viên mà có tư tưởng phục hồi chủ nghĩa tư bản, điều tôi ra trông coi bến đò Lệ Chi, không cho làm trưởng trại chăn nuôi rất nhàn hạ nữa. Nếu từ hồi ấy, họ để tôi tự do mở một công ty hay xí nghiệp biết đâu tôi và ông NVD đã thành ông chủ lớn, chẳng đến nỗi làm ông già nông dân 72 tuổi chân đất, mắt toét như bây giờ…”


Những người như ông NĐT, ông NVD thời nào cũng hiếm, trong chiến tranh, giữa cơ chế hợp tác xã theo mô hình Stalin càng cực hiếm. Nhưng đất nước muốn phát triển không thể thiếu họ. Đó là quy luật tất yếu, cũng là hiện thực đời sống. Họ là tia chớp giữa bầu trời đêm, báo hiệu sự đào thải của mô hình Stalin ngay cả khi nó tưởng như đang cực thịnh bởi chiến tranh làm cho mặt ưu việt phát huy đến mức tuyệt vời, mặt tiêu cực bị nhòa lấp bởi lòng yêu nước và sức chịu đựng phi thường của nông dân Việt Nam. Kinh tế thị trường chỉ có một tên gọi duy nhất. Những cách gọi khác đi…dường như có cái gì không ổn!…

(Nguồn: Văn Việt)
Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7114
Registration date : 01/04/2011

Chính sách cải cách ruộng đất Việt Nam (1954-1995)  - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Chính sách cải cách ruộng đất Việt Nam (1954-1995)    Chính sách cải cách ruộng đất Việt Nam (1954-1995)  - Page 2 I_icon13Thu 25 May 2023, 13:37

Cải Cách Ruộng Đất 1953-1956: Ảnh Hưởng Của Cố Vấn Trung Quốc

GS Alex-Thái Đình Võ


Chính sách cải cách ruộng đất Việt Nam (1954-1995)  - Page 2 29540f10

Hình ảnh một vụ đấu tố trong thời cải cách ruộng đất ở miền Bắc Việt Nam


Được mô phỏng theo kinh nghiệm của Trung Quốc, cải cách ruộng đất do Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thực hiện giai đoạn 1953–56 có lẽ là chính sách đối nội quan trọng nhất của cách mạng Cộng sản Việt Nam. Tuy nhiên, vì sự khan hiếm của các nguồn tài liệu chính, có rất ít thông tin về ảnh hưởng của các cố vấn Trung Quốc đối với chính sách này. Khuyến nghị của La Quý Ba về việc phát động quần chúng thực hiện cải cách ruộng đất là một trong số rất ít tài liệu được biết đến do một cố vấn hàng đầu của Trung Quốc soạn thảo cho giới lãnh đạo Cộng sản Việt Nam. Việc cung cấp tài liệu này giúp bạn đọc có một cái nhìn rõ hơn về quan điểm và sự đánh giá của Trung Quốc về tình hình Việt Nam vào đầu những năm 1950. Nó cũng làm sáng tỏ khía cạnh về vai trò và ảnh hưởng của các cố vấn Trung Quốc trong quan hệ Trung - Việt vào thập kỷ đó, cũng như đối với những quyết định của Hồ Chí Minh, chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và giới lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam, đặc biệt trong chương trình cải cách ruộng đất, vốn đã gây nhiều tranh cãi hơn nửa thế kỷ qua.

Vào ngày 9 tháng 10 năm 1952, một tài liệu dài bảy trang, viết bằng tiếng Việt với tựa “Ý kiến sơ bộ về vận động quần chúng năm 1953” đã được chuyển đến Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (VNDCCH). Trực tiếp và có kế hoạch, bản khuyến nghị đã vạch ra các bước vận động quần chúng. Có thể lập luận bản khuyến nghị này là khuôn mẫu cho cuộc vận động quần chúng và cải cách ruộng đất do Đảng Lao động Việt Nam (ĐLĐ Việt Nam) thực hiện từ năm 1953 đến năm 1956. Cuộc vận động đã thúc đẩy sự ủng hộ của nông dân với chính quyền, điều vô cùng cần thiết cho việc đánh bại quân Pháp tại Điện Biên Phủ vào ngày 7 tháng 5 năm 1954 và tạo điều kiện cho Đảng Lao động củng cố quyền lực của mình ở miền Bắc. Cuộc vận động quần chúng cũng là một chiến dịch bạo lực mang lại sự thay đổi “long trời lở đất” mà hầu hết người Việt Nam ở nông thôn miền Bắc đã trải qua trong những năm 1950.

Bản khuyến nghị gởi đến Hồ Chí Minh tầm đầu tháng 10, được ký vào ngày 3 tháng 9 năm 1952 bởi “Quý” - viết tắt của La Quý Ba, trưởng đoàn Cố vấn Chính trị Trung Quốc tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ năm 1951 đến năm 1954, và là đại sứ đầu tiên của Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc (CHNDTQ) từ năm 1954 đến năm 1957.

Số lượng nghiên cứu lịch sử về các cuộc chiến ở Việt Nam trong thế kỷ XX rất lớn và đang phát triển, nhưng rất ít bài viết về mối quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam trong Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất (1946–54) và Chiến tranh Đông Dương lần thứ hai (1959–75). Một số ít nghiên cứu được xuất bản có xu hướng nhấn mạnh mối quan hệ giữa và quá trình ra quyết định, chính sách của các nhà lãnh đạo tầm quốc gia, những chủ đề như tình đồng chí giữa Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh hay ảnh hưởng ngoại giao của Chu Ân Lai đối với việc đàm phán Hiệp định Geneva 1954. Một số tài liệu thảo luận về sự hiện diện của các cố vấn Trung Quốc ở Việt Nam, và đặc biệt là ảnh hưởng của họ trong trận Điện Biên Phủ và chiến dịch cải cách ruộng đất của VNDCCH. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu trong số này thường chỉ phân nhóm các nhân sự Trung Quốc được cử sang Việt Nam một cách mơ hồ với cụm từ “cố vấn Trung Quốc” nhưng rất ít nỗ lực để giải thích những cố vấn này là ai, họ đóng vai trò cụ thể nào trong việc ảnh hưởng giới lãnh đạo của ĐLĐ Việt Nam và VNDCCH.

Nhấn mạnh bản ý kiến của La Quý Ba gởi cho giới lãnh đạo Đảng Lao Động Việt Nam và đặc biệt là Hồ Chí Minh, tôi lập luận về sự cần thiết nên phổ biến và nghiên cứu bản tài liệu lịch sử quan trọng này. Lý do vì nó làm sáng tỏ vai trò và ảnh hưởng của các cố vấn Trung Quốc trong quan hệ Việt - Trung trong những năm 1950, đặc biệt là về chiến dịch cải cách ruộng đất gây tranh cãi của VNDCCH. Tài liệu này quan trọng vì một số lý do. Thứ nhất, nó bối cảnh hóa mối quan hệ giữa Cộng Sản Trung Quốc và VNDCCH trong Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, đặc biệt khi mối quan hệ đó liên quan đến việc tiếp thu kinh nghiệm và thực hành mô hình của Trung Quốc vào Việt Nam thông qua các cố vấn Trung Quốc và các khuyến nghị của họ. Thứ hai, nó mô tả vai trò quan trọng và ảnh hưởng trực tiếp của các cố vấn Trung Quốc trong việc hình thành và thực hiện chính sách cải cách ruộng đất ở Việt Nam từ 1953 đến 1956.

Sự hiện diện của La Quý Ba và các cố vấn Trung Quốc tại Việt Nam

La Quý Ba đã chuẩn bị bản “Ý kiến sơ bộ về vận động quần chúng năm 1953” vào thời điểm Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam đang cần nhất sự viện trợ của CHND Trung Quốc dưới hình thức vũ khí, vật chất cũng như những cố vấn chính trị và quân sự. Việt Nam Dân chủ Cộng hoà cần củng cố quyền lực và giành được sự ủng hộ của số đông quần chúng để giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Ba năm trước, vào năm 1949, Đảng Lao động dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh đã sa lầy vào  cuộc chiến tranh du kích kéo dài với người Pháp. Liên Xô, ngọn hải đăng của chủ nghĩa cộng sản quốc tế đã quan tâm đến châu Âu hơn là với những diễn biến cách mạng ở Đông Nam Á. Cùng lúc, Mao Trạch Đông và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thì lại bận rộn với cuộc nội chiến dữ dội chống lại chính phủ Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch. Mãi đến khi Mao Trạch Đông chiến thắng và tuyên bố thành lập nước CHND Trung Quốc vào ngày 1 tháng 10 năm 1949, hy vọng cách mạng của Hồ Chí Minh và ĐLĐ Việt Nam mới được hồi sinh. Tháng 12 năm 1949, Hồ Chí Minh cử hai đại diện là Lý Bích Sơn và Nguyễn Đức Thủy sang Bắc Kinh để đề nghị Trung Quốc hỗ trợ và công nhận ngoại giao đối với chính phủ của ông.



Chính sách cải cách ruộng đất Việt Nam (1954-1995)  - Page 2 50663510

Văn bản ý kiến sơ bộ về vận động quần chúng của chuyên gia Trung Quốc La Quý Ba. Hình tư liệu do tác giả cung cấp


Khi nhận được yêu cầu của Hồ Chí Minh, quyền chủ tịch của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ Lưu Thiếu Kỳ đã triệu tập cuộc họp Bộ Chính trị ĐCSTQ vào ngày 24 tháng 12 nhằm xem xét tình hình Đông Dương. Bốn ngày sau, Lưu Thiếu Kỳ thay mặt cho Ủy ban Trung ương ĐCSTQ gọi điện cho Hồ Chí Minh để nêu rõ rằng CHND Trung Quốc sẽ đồng ý thành lập quan hệ ngoại giao với VNDCCH và rằng Chính phủ CHND Trung Quốc sẽ cử một nhóm đại diện sang Việt Nam nhằm đánh giá các nhu cầu của VNDCCH. Đến đầu năm 1950, Trung Quốc đã mở cửa liên lạc với Việt Nam. Lưu Thiếu Kỳ, được sự ủy quyền của Mao Trạch Đông khi ông ấy đang trên đường thăm Matxcơva, đã chọn La Quý Ba làm lãnh đạo đại diện liên lạc của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ. La Quý Ba được chọn bởi kinh nghiệm cách mạng và lãnh đạo du kích của mình. Ngày 16 tháng 1 năm 1950, La Quý Ba chính thức lên đường sang Việt Nam.

Sinh ngày 14 tháng 7 năm 1908 tại huyện Nam Khang - tỉnh Giang Tây, La Quý Ba trở thành đảng viên của ĐCSTQ vào tháng 1 năm 1927. Từ năm 1927 đến năm 1934, ông là một chỉ huy quân sự và là một trong những thành viên sáng lập của Căn cứ Cách mạng Xô viết Nam Giang Tây. Từ tháng 11 năm 1930 đến tháng 5 năm 1931, ông tham gia vào cuộc phản công của Hồng quân Công nhân và Nông dân Trung Quốc chống lại chiến dịch bao vây lần thứ nhất và thứ hai của chính phủ Quốc dân đảng ở Giang Tây. Sau sự sụp đổ của căn cứ Nam Giang Tây, La Quý Ba tham gia cuộc vạn lý trường chinh dài một năm đến Diên An từ tháng 10 năm 1934 đến tháng 10 năm 1935, và ông nằm trong số tám nghìn người ước tính còn sống sót sau cuộc rút lui lịch sử này. Trong chiến dịch quân sự ngày 20 tháng 8 đến ngày 5 tháng 12 năm 1940 chống lại lực lượng Nhật Bản ở miền Trung Trung Quốc, được gọi là  "Đại chiến Bách Đoàn," La Quý Ba giữ chức Tư lệnh Mặt trận quân Nam của Khu vực biên giới Sơn Tây – Tuy Viễn. Trước khi được bổ nhiệm làm đại diện liên lạc của Trung Quốc tại Việt Nam, La Quý Ba từng là tổng đốc của Tổng văn phòng Ủy ban Quân sự Trung ương của CHND Trung Quốc.


Chính sách cải cách ruộng đất Việt Nam (1954-1995)  - Page 2 5df31b10

Một trang trong ý kiến sơ bộ về vận động quần chúng của chuyên gia Trung Quốc La Quý Ba. Hình do tác giả cung cấp


Với tư cách là đại diện liên lạc của CHND Trung Quốc với VNDCCH, nhiệm vụ của La Quý Ba bao gồm thiết lập liên lạc với lãnh đạo Cộng sản Việt Nam, điều tra tình hình chung ở Việt Nam và báo cáo những phát hiện của ông cho Bắc Kinh để các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể đưa ra quyết định hỗ trợ VNDCCH. Trước chuyến đi, La Quý Ba đã gặp gỡ các đại biểu Việt Nam tại Bắc Kinh để làm quen với các phong tục và tập quán Việt Nam. Tháp tùng La Quý Ba trong chuyến đi Việt Nam có 8 nhân viên, bao gồm nhân viên điện báo, thư ký và bảo vệ. La Quý Ba cùng cộng sự đến Việt Nam vào ngày 26 tháng 2 năm 1950. Đến nơi, ông được Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tổng Bí thư ĐLĐ Việt Nam Trường Chinh đón tiếp. Chuyến đi tưởng chỉ chừng ba tháng của La Quý Ba đã kéo dài thành bảy năm.

Trong những năm đầu ở Việt Nam, La Quý Ba đã giúp thành lập Nhóm cố vấn quân sự Trung Quốc và Nhóm cố vấn chính trị Trung Quốc. Với tư cách là người đứng đầu Nhóm cố vấn chính trị Trung Quốc, La Quý Ba lãnh đạo hơn một trăm cố vấn có chuyên môn về tài chính, ngân hàng và cung cấp ngũ cốc để tư vấn cho VNDCCH về các vấn đề quân sự, tài chính và kinh tế, an ninh công cộng, văn hóa và giáo dục, và các vấn đề như hoạt động của mặt trận thống nhất, hợp nhất đảng và pháp luật cải cách. Công việc của họ bao gồm giới thiệu kinh nghiệm của Trung Quốc cho Việt Nam; phát triển các chiến lược cấp vĩ mô và các thủ tục hoạch định chính sách; đưa ra khuyến nghị về các vấn đề liên quan đến các quy tắc, quy định và chỉ thị; và giúp giới lãnh đạo Việt Nam thực hiện các chương trình. Đến năm 1952, những cố vấn này đã trở thành công cụ giúp Hồ Chí Minh và chính phủ của ông thành lập các bộ máy pháp lý và các chính sách để củng cố quyền lực quân sự và chính trị xã hội.

Xem kế hoạch của La Quý Ba về huy động quần chúng và thực hiện giai đoạn thử nghiệm của cải cách ruộng đất năm 1953 sẽ cho thấy ảnh hưởng của Trung Quốc đối với VNDCCH tại thời điểm này. Sau khi ký vào ngày 3 tháng 9 năm 1952, La Quý Ba đã gởi bản ý kiến sơ bộ của mình cho “Thận” – tức Lê Văn Thận, một tên khác của Trường Chinh, người sau này làm trưởng ban chỉ đạo Ủy ban chỉ đạo Cải cách ruộng đất. Không rõ bản ký kiến này được chuyển cho Trường Chinh trong hoàn cảnh nào, nhưng rất có thể nó đã được chuyển đến tay tổng bí thư Đảng Lao động trước hoặc trong dịp La Quý Ba được mời tham dự cuộc họp của Bộ Chính trị Đảng Lao động vào đầu-giữa tháng 9 năm 1952. Ngày 9 tháng 10 năm 1952, Trường Chinh ra lệnh cho nhân viên văn phòng của mình chuyển bản ý kiến của La Quý Ba cho Hồ Chí Minh, ngay lúc ông Hồ đang trên một chuyến thăm bí mật đến Bắc Kinh và Matxcơva. Hồ Chí Minh đã rời Việt Nam vào giữa tháng 9 và đến Bắc Kinh vào ngày 29 tháng 9. Thời gian ở lại Bắc Kinh của ông chủ yếu là để thảo luận với các nhà lãnh đạo Trung Quốc về Chiến dịch Tây Bắc và các kế hoạch chiến lược khác, bao gồm cả cải cách ruộng đất. Hồ Chí Minh và ĐLĐ Việt Nam có thể đã sắp xếp chuyến đi để kịp thời cho ông tham gia đi cùng trong phái đoàn của CHND Trung Quốc sang tham dự Đại hội lần thứ mười chín của Đảng Cộng sản Liên Xô.

Do đó, bản ý kiến của La Quý Ba có thể đã đến tay Hồ Chí Minh khi ông đang ở Matxcơva tham dự đại hội (từ ngày 5 đến ngày 14 tháng 10 năm 1952) và gặp trực tiếp Joseph Stalin -  lãnh tụ tối cao của Liên bang Xô Viết, để thông báo cho ông ấy về tình hình Việt Nam, bao gồm mục tiêu cách mạng ở Việt Nam và vấn đề cải cách ruộng đất. Sau cuộc gặp với Stalin vào ngày 28 tháng 10, Hồ Chí Minh đã gửi hai bức thư cho Stalin vào ngày 30 và 31 tháng 10, để thông báo về tiến độ của chương trình cải cách ruộng đất của Việt Nam và kêu gọi sự trợ giúp của ông ta. Trong bức thư đầu tiên, Hồ Chí Minh nói rằng ông đã bắt đầu phát triển chương trình cải cách ruộng đất ở Việt Nam và ông sẽ trình bày nó với Stalin. Trong bức thư thứ hai, Hồ Chí Minh vạch ra chương trình cải cách ruộng đất của ĐLĐ Việt Nam và yêu cầu Stalin xem xét và cho chỉ thị. Hồ Chí Minh cho biết ông đã lên kế hoạch cho chương trình với sự giúp đỡ của Lưu Thiếu Kỳ và Vương Giá Tường, đại sứ CHND Trung Quốc tại Liên Xô từ năm 1949 đến 1951. Trong các cuộc trao đổi này, Hồ Chí Minh cũng yêu cầu Stalin cử các quan chức Liên Xô sang Việt Nam để khảo sát điều kiện và yêu cầu bổ sung 10 tấn thuốc trị sốt rét, vũ khí và cho phép Việt Nam gửi từ 50 đến một trăm sinh viên Việt Nam sang Liên Xô để huấn luyện quân sự và tư tưởng. Ngày 29 tháng 11, trong thư từ biệt Stalin, Hồ Chí Minh viết rằng ông sẽ làm việc siêng năng để thực hiện cải cách ruộng đất và tiếp tục tiến hành cuộc chiến tranh chống Pháp. Ông bày tỏ hy vọng sẽ trở lại Matxcơva sau hai hoặc ba năm để báo cáo về kết quả của những nỗ lực đó.

___________________

*Bài nghiên cứu này được đăng trên tạp chí khoa học SOJOURN vào năm 2016, nay nhân dịp 70 năm việc khởi xướng chiến dịch cải cách ruộng đất ở Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, xin dịch sang tiếng Việt và đăng lại cùng với bản photo của bản tài liệu gốc để độc giả rộng đường tham khảo.

**Giáo sư Alex-Thái Đình Võ hiện công tác tại Viện Việt Nam và Lưu Trữ, Đại học Texas Tech, Hoa Kỳ. Ông nhận bằng tiến sĩ từ Đại học Cornell, và chuyên về lịch sử Việt Nam và Đông Nam Á.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

(Nguồn: rfa)
Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7114
Registration date : 01/04/2011

Chính sách cải cách ruộng đất Việt Nam (1954-1995)  - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Chính sách cải cách ruộng đất Việt Nam (1954-1995)    Chính sách cải cách ruộng đất Việt Nam (1954-1995)  - Page 2 I_icon13Mon 29 May 2023, 11:05

Cải Cách Ruộng Đất 1953-1956: Ảnh Hưởng Của Cố Vấn Trung Quốc

GS Alex-Thái Đình Võ


Chính sách cải cách ruộng đất Việt Nam (1954-1995)  - Page 2 3ef70710

Cải cách ruộng đất ở miền Bắc Việt Nam 1953 - 1956


Khuyến nghị sơ bộ


La Quý Ba trình bày đề xuất của mình vào thời điểm Đảng Lao Động Việt Nam đã thu hút được sự ủng hộ của cả Liên Xô và CHND Trung Quốc, những quốc gia cộng sản hùng mạnh nhất thế giới. Sự hỗ trợ này làm giảm bớt nhu cầu của ĐLĐ Việt Nam phải dựa vào giới địa chủ và nông dân khá giả để có nguồn lực chống lại Pháp. Nó đã tạo cho ĐLĐ Việt Nam sự ủng hộ để thực hiện cải cách ruộng đất như một chiến lược xã hội, kinh tế và chính trị hầu củng cố quyền lực địa lý và chính trị ở nông thôn. Đề xuất này cũng được đưa ra hai năm sau khi CHND Trung Quốc bắt đầu thực hiện chương trình cải cách ruộng đất của riêng họ vào mùa hè năm 1950. Do đó, CHND Trung Quốc và các cố vấn được cử sang Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm liên quan. Chưa kể trước đấy, La Quý Ba cũng đã có được kinh nghiệm của riêng mình khi thực hiện cải cách ruộng đất ở Giang Tây và Diên An trong những năm 1930. Kinh nghiệm này cho La Quý Ba đủ điều kiện để đề xuất với giới lãnh đạo Việt Nam đường lối vận động quần chúng và tiến hành cải cách ruộng đất.

Được chia thành sáu phần, bản khuyến nghị của La Quý Ba nêu ra mục đích, yêu cầu và các bước cần thiết để lãnh đạo phong trào vận động quần chúng, tổ chức lại hệ thống làng-xã và giành ưu thế chính trị ở nông thôn. Mục tiêu cơ bản được đề ra là kích động quần chúng tấn công lật đổ tầng lớp địa chủ, giành quyền kiểm soát chính trị ở nông thôn, xoa dịu nông dân, tăng gia sản xuất nông nghiệp và ủng hộ cuộc kháng chiến chống Pháp. Mục tiêu rộng hơn của đề xuất này là phác thảo các bước cần thiết nhằm tích lũy tài nguyên và sự ủng hộ của số đông để ĐLĐ Việt Nam củng cố vị trí của mình. Nó được viết ra (đặc biệt là các nguyên tắc cơ bản được đặt ra trong phân đoạn thứ tư) dựa trên quan điểm của cố vấn Trung Quốc nhằm thúc giục lãnh đạo Việt Nam áp dụng “lập trường vững” và “thái độ rõ rệt” để vượt qua nỗi sợ hãi rằng việc huy động quần chúng sẽ làm cho mặt trận thống nhất bị hoang mang và chia rẽ, dẫn đến những phản ứng không lành từ giai cấp địa chủ.

Sự khuyến khích này từ La Quý Ba dường như đã đóng một vai trò trong việc khởi xướng động thái của ĐLĐ Việt Nam từ mục tiêu “kéo địa chủ về phe kháng chiến” sang nhấn mạnh vào việc “trung lập một số địa chủ, đánh đuổi đế quốc và đại địa chủ phong kiến phản động.” Nó cũng thể hiện sự trấn an của cố vấn Trung Quốc đối với ban lãnh đạo ĐLĐ Việt Nam rằng việc đổi mặt đối các tầng lớp giàu có và đặc quyền đã từng ủng hộ chính quyền VNDCCH và cuộc kháng chiến trước đây sẽ không gây ra rủi ro quá đáng, vì CHND Trung Quốc (cũng như Liên Xô) sẽ thay thế các nhóm này làm hậu thuẫn về mặt quân sự và tài chính chính cho cuộc cách mạng của ĐLĐ Việt Nam.



Chính sách cải cách ruộng đất Việt Nam (1954-1995)  - Page 2 50e1a710

Văn bản Ý kiến sơ bộ về vận động quần chúng của cố vấn Trung Quốc La Quý Ba. Hình do tác giả cung cấp


So sánh nội dung đề xuất của La Quý Ba với các chính sách vận động quần chúng ở nông thôn của ĐLĐ Việt Nam trước và sau đó cho thấy rõ ảnh hưởng đáng kể của cố vấn Trung Quốc đối với việc phát triển cấu trúc phương pháp luận cho chiến dịch vận động quần chúng của ĐLĐ Việt Nam - từ ý tưởng đến thực hành. Nội dung và ngôn ngữ của năm phần đầu tiên trong bản đề xuất của La Quý Ba đã trở thành khuôn mẫu để lãnh đạo ĐLĐ Việt Nam phát huy rõ định hướng chính sách cũng như lý luận của mình, chủ yếu trong các chỉ thị, nghị định, thông tư, báo cáo, thông báo, cũng như những tập huấn luyện được lưu hành nội bộ. Ảnh hưởng này được thể hiện rõ nhất trong Chỉ thị 37 / CT / TW do Tổng Bí thư Trường Chinh ban hành ngày 24 tháng 4 năm 1953, đêm trước đợt thi hành chiến dịch thí nghiệm phát động quần chúng, vì nó đã dùng giọng điệu và nội dung của La Quý Ba để xây dựng khuôn mẫu phát động quần chúng.

Hơn nữa, phần thứ sáu của đề xuất cho thấy ảnh hưởng trực tiếp của La Quý Ba đối với sự chuẩn bị của ĐLĐ Việt Nam cho việc bắt đầu chiến dịch cải cách ruộng đất. Để chuẩn bị cho một chiến dịch thử nghiệm mà các chiến dịch trong tương lai có thể sử dụng làm hình mẫu, La Quý Ba khuyến nghị nên cẩn thận đặt nền tảng cho việc huy động quần chúng để “thu được kết quả mong muốn, không xảy ra hoặc ít xảy ra lệch lạc.” Công việc này bao gồm khảo sát vùng nông thôn, tuyên truyền các chính sách của ĐLĐ Việt Nam, đào tạo cán bộ và lựa chọn các khu vực để thực hiện cải cách ruộng đất. Cụ thể hơn, ông ta đã khuyên ĐLĐ Việt Nam phân công và đào tạo hai trăm cán bộ để thực hiện chiến dịch này tại hai mươi xã trong Liên khu I - hay Việt Bắc - và Liên khu IV, hai khu vực này từ lâu đã là thành trì của ĐLĐ Việt Nam.


Chính sách cải cách ruộng đất Việt Nam (1954-1995)  - Page 2 6f331610

Văn bản Ý kiến sơ bộ về vận động quần chúng của cố vấn Trung Quốc La Quý Ba. Hình do tác giả cung cấp


Đã xin được sự chấp thuận và hậu thuẫn của Stalin và Mao, sau khi trở về từ Bắc Kinh và Mátxcơva, Hồ Chí Minh đã làm việc cùng với các thành viên còn lại của ban lãnh đạo ĐLĐ Việt Nam để bắt đầu thực hiện đề xuất của La Quý Ba về vận động quần chúng. Họ đã thực hiện các bước để thay đổi lập trường trước đây của họ về cải cách ruộng đất. Họ bắt đầu bằng cách yêu cầu một cuộc điều tra sâu hơn về các điều kiện ở nông thôn. Từ ngày 25 đến ngày 30 tháng 1 năm 1953, họ đã triệu tập Hội nghị Trung ương lần thứ tư của đảng để bắt đầu đưa ra các mục tiêu và đặt nền móng cho một chiến dịch cải cách ruộng đất rộng lớn. Nền tảng này bao gồm việc xây dựng nhiều khía cạnh trong đề xuất của La Quý Ba và đưa chúng vào chính sách của họ. Tại Hội nghị Trung ương, Hồ Chí Minh đọc báo cáo nêu rõ hai nhiệm vụ chính cần chú trọng trong năm 1953 để giành thắng lợi hoàn toàn trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Những nhiệm vụ này bao gồm: lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp và đưa ra các chính sách quân sự liên quan, vận động quần chúng giảm địa tô hơn nữa và thực hiện cải cách ruộng đất. Về chính sách ruộng đất, Hồ Chí Minh cho rằng, vì “hoàn cảnh đặc biệt,” chỉ thực hiện giảm địa tô và giảm lãi suất trong những năm trước năm 1953. Tuy nhiên, do hoàn cảnh đã thay đổi nên hiện nay cần thiết cho cuộc cách mạng mở rộng chính sách ruộng đất và “nâng cao quyền lợi kinh tế và chính trị của nông dân” bằng cách thực thi cải cách ruộng đất một cách triệt để hơn. Những cải cách này sẽ bao gồm việc phân phối lại ruộng đất cho nông dân. Khi mục đích này thành công, ĐLĐ Việt Nam sẽ có thể huy động đầy đủ nhân lực cần thiết từ giai cấp nông dân để tiến hành cuộc chiến kéo dài và giành thắng lợi tuyệt đối.

___________________

*Bài nghiên cứu này được đăng trên tạp chí khoa học SOJOURN vào năm 2016, nay nhân dịp 70 năm việc khởi xướng chiến dịch cải cách ruộng đất ở Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, xin dịch sang tiếng Việt và đăng lại cùng với bản photo của bản tài liệu gốc để độc giả rộng đường tham khảo.

**Giáo sư Alex-Thái Đình Võ hiện công tác tại Viện Việt Nam và Lưu Trữ, Đại học Texas Tech, Hoa Kỳ. Ông nhận bằng tiến sĩ từ Đại học Cornell, và chuyên về lịch sử Việt Nam và Đông Nam Á.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

(Nguồn: rfa)
Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7114
Registration date : 01/04/2011

Chính sách cải cách ruộng đất Việt Nam (1954-1995)  - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Chính sách cải cách ruộng đất Việt Nam (1954-1995)    Chính sách cải cách ruộng đất Việt Nam (1954-1995)  - Page 2 I_icon13Tue 30 May 2023, 08:36

Cải Cách Ruộng Đất 1953-1956: Ảnh Hưởng Của Cố Vấn Trung Quốc

GS Alex-Thái Đình Võ


Chính sách cải cách ruộng đất Việt Nam (1954-1995)  - Page 2 Ff04b810

Văn bản Ý kiến sơ bộ về vận động quần chúng của cố vấn Trung Quốc La Quý Ba. Hình do tác giả cung cấp


Để hiểu rõ quyết định đẩy mạnh cải cách ruộng đất triệt để hơn vào thời điểm này, cần phải chấp nhận một thực tế rằng cải cách ruộng đất đã là một mục tiêu cách mạng hàng đầu của Đảng Cộng sản kể từ khi thành lập năm 1930. Tuy nhiên, trong những năm đầu tiên của cuộc chiến Đông Dương với Pháp, các chính sách của ĐLĐ Việt Nam đối với lĩnh vực nông nghiệp chỉ giới hạn trong việc giảm tô và thuế. Lý do vì giới lãnh đạo ĐLĐ Việt Nam sợ rằng cải cách nông nghiệp triệt để hơn sẽ làm suy yếu sự thống nhất của mặt trận thống nhất chống Pháp bằng cách tạo sự chia rẽ với giai cấp địa chủ cũng như phú nông. Trong bối cảnh này, điều quan trọng cần lưu ý là các chủ đất và những người có tài sản là những người ủng hộ kinh tế chính cho nỗ lực chiến tranh, vì cho đến năm 1950 ĐLĐ Việt Nam vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ từ các đồng minh cộng sản. Do đó, đảng chỉ có thể giới hạn việc thúc đẩy các chính sách cấp tiến hơn ở các khu vực do quân đội trực tiếp kiểm soát, chẳng hạn như Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh. Tuy nhiên, khi ĐCS Trung Quốc đã thành công trong cuộc chiến chống lại Chính phủ Quốc dân đảng, bắt đầu cử cố vấn sang Việt Nam, trực tiếp hỗ trợ quân sự và tài chính qua biên giới phía Nam của Trung Quốc, các nhà lãnh đạo Việt Nam tin rằng đã đến thời điểm thích hợp để thực hiện toàn bộ cuộc vận động nông dân xóa bỏ “giai cấp thống trị” ở nông thôn miền Bắc và tập hợp nhân lực cần thiết để kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp.

Trong một báo cáo dài sau bài phát biểu của Hồ Chí Minh, Trường Chinh cho rằng cần tranh thủ sự ủng hộ của Liên Xô và Trung Quốc để lật đổ đế quốc Pháp và phong kiến. Theo sát các khuyến nghị của La Quý Ba, Trường Chinh xác định mục đích, ý nghĩa, phương châm và phương pháp cụ thể của các chính sách cải cách ruộng đất và đề ra kế hoạch thực hiện chúng. Báo cáo của Trường Chinh phản ánh sự thay đổi lập trường của đảng đối với tầng lớp địa chủ khi cho rằng lý do mà các chính sách cấp tiến về đất đai không được thực hiện trong những năm trước năm 1953 là do đảng này đã đánh giá quá cao mức độ hợp tác của giai cấp địa chủ. Trường Chinh tiếp tục cáo buộc các thành viên của tầng lớp này là những kẻ phản động phong kiến ​​bất hợp tác, những người đã làm việc chống lại các chính sách của đảng và các nỗ lực chiến tranh. Do đó, ông đã mạnh mẽ kêu gọi “phóng tay phát động quần chúng, triệt để giảm tô, thực hiện giảm tức; chuẩn bị tiến tới cải cách ruộng đất, thực hiện người cày có ruộng ở vùng tự do.” Chỉ khi các chính sách này được thực thi đầy đủ thì ĐLĐ Việt Nam mới “động viên nông dân hăng hái hy sinh cho kháng chiến, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, củng cố được chính quyền nông thôn.”

Trên cơ sở các mục tiêu mà Hồ Chí Minh và Trường Chính đã vạch ra, Hội nghị Trung ương lần thư tư đã đề ra nghị quyết kêu gọi phát động quần chúng thực hiện cải cách ruộng đất ở những vùng do đảng trực tiếp kiểm soát. Hồ Chí Minh và ban lãnh đạo ĐLĐ Việt Nam bắt đầu ban hành một loạt đạo luật và quy định để mở đường cho việc thực hiện đề xuất của La Quý Ba. Để hỗ trợ cho giai đoạn quan trọng này của chiến dịch, vào mùa xuân năm 1953, ĐCS Trung Quốc đã bổ nhiệm Kiều Hiểu Quang sang Việt Nam để đứng đầu Ban Cải cách ruộng đất và Hợp nhất Đảng thuộc Nhóm cố vấn chính trị của Trung Quốc tại Việt Nam. Bắc Kinh đã cử thêm 42 chuyên gia cải cách ruộng đất trong cùng năm đó để củng cố đội ngũ của Kiều Hiểu Quang. Theo đề xuất của La Quý Ba, các cố vấn này đã dạy các cán bộ Việt Nam, vốn đã được giới lãnh đạo ĐLĐ Việt Nam chọn, cách khảo sát, phân tích và phân loại các điều kiện kinh tế xã hội và giai cấp của các làng xã. Sau khi các cán bộ cải cách ruộng đất được đào tạo, ĐLĐ Việt Nam phát động đợt thí nghiệm phát động quần chúng vào ngày 15 tháng 4 năm 1953. Chiến dịch kéo dài đến tháng 8 năm 1953, được thực hiện ở 23 xã - nhiều hơn ba xã so với bản khuyến nghị của La Quý Ba - ở Việt Bắc và Liên Khu IV.



Chính sách cải cách ruộng đất Việt Nam (1954-1995)  - Page 2 Eea71710

Văn bản Ý kiến sơ bộ về vận động quần chúng của cố vấn Trung Quốc La Quý Ba. Hình do tác giả cung cấp


Chiến dịch vận động quần chúng thực nghiệm được thực hiện theo một quy trình phức tạp bao gồm nhiều bước để kích động đấu tranh giai cấp. Nó bắt đầu bằng việc cử một đoàn cán bộ phát động quần chúng được đào tạo đặc biệt đến một địa điểm được chọn, thường là một xã, để khảo sát các mối quan hệ giữa các tầng lớp của người dân trong xã và phân loại họ thành các tầng lớp xã hội khác nhau. Cải trang thành nông dân, những cán bộ này thâm nhập vào xã bằng cách tiếp xúc với những nông dân và bần cố nông nghèo nhất. Họ làm quen với điều kiện của nông dân bằng cách áp dụng chiến lược “ba cùng”: cùng ăn, cùng ở, cùng làm. Thông qua quá trình “thăm nghèo hỏi khổ,” các cán bộ gieo vào lòng nông dân sự căm thù đối với tầng lớp địa chủ (và sau này là phú nông và trung nông) bằng cách so sánh sự nghèo khổ của họ với sự sung túc của địa chủ. Các cán bộ phát động xúi giục giới nông dân phát động, nổi dậy chống lại địa chủ. Khi lòng căm thù đã dấy lên và điều kiện đấu tranh giai cấp đã chín muồi, cán bộ vận động tập hợp các địa chủ trong xã và đưa họ ra xét xử trước một “Tòa án Nhân dân đặc biệt,” trong đó họ khích những người từ giới nông dân và bần cố nông tố cáo những “tội ác” và sự lộng hành của địa chủ. Sau phiên đấu tố, các tòa án đưa ra quyết định về số phận của các địa chủ, gia đình và tài sản của họ. Quá trình phát động này đã trở thành khuôn mẫu cho phần còn lại của chiến dịch cải cách ruộng đất từ ​​tháng 4 năm 1953 đến tháng 7 năm 1956. Trớ trêu thay, một trong những người đầu tiên bị đưa ra xét xử và hành quyết là Nguyễn Thị Năm, một địa chủ yêu nước được mệnh danh là “mẹ kháng chiến,” người đã ủng hộ cuộc chiến chống thực dân và nhiều lãnh đạo của Việt Minh, bao gồm Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh và Phạm Văn Đồng.


Chính sách cải cách ruộng đất Việt Nam (1954-1995)  - Page 2 88167610

Văn bản Ý kiến sơ bộ về vận động quần chúng của cố vấn Trung Quốc La Quý Ba. Hình do tác giả cung cấp


Bản ý kiến sơ bộ của La Quý Ba có thể không phải là bản khuyến nghị duy nhất hoặc cuối cùng đã dẫn ĐLĐ Việt Nam đến việc thi hành chương trình cải cách ruộng đất. Nhưng bối cảnh lịch sử La Quý Ba đưa ra những khuyến nghị đó và mức độ giới lãnh đạo ĐLĐ Việt Nam tuân theo lời khuyên của người đại diện ĐCS Trung Quốc cho thấy cố vấn Trung Quốc và những góp ý của họ đóng vai trò vô cùng quan trọng, có thể nói là khung sườn cho chiến dịch vận động quần chúng và cải cách ruộng đất của ĐLĐ Việt Nam từ tháng 4 năm 1953 đến tháng 7 năm 1956. Nó không phải là một bản thiết kế từng bước cho nỗ lực cải cách ruộng đất lâu dài, phức tạp và nhiều bạo lực, nhưng nó vừa là khuôn khổ để Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo ĐLĐ Việt Nam xây dựng và phát triển, vừa là phương tiện để các cố vấn Trung Quốc tiếp tục gây ảnh hưởng đến nỗ lực đó. Quan trọng hơn, đề xuất này cho thấy chính xác những gì các cố vấn Trung Quốc đã thực sự trao đổi với các lãnh đạo của ĐLĐ Việt Nam, điều chưa nghiên cứu nào về cải cách ruộng đất đề cập trước đây. Tài liệu có thể giúp chúng ta hiểu cách các cố vấn đó đã định khung các khuyến nghị của họ và mức độ mà phía Việt Nam chấp nhận chúng. Nó cho phép chúng ta hiểu cách lãnh đạo Việt Nam vàT rung Quốc quan hệ với nhau như thế nào khi họ xử lý tình hình xã hội, kinh tế và chính trị ở Việt Nam. Đó là bản khuyến nghị cho thấy niềm tin của giới lãnh đạo ĐLĐ Việt Nam và ĐCS Trung Quốc rằng một chương trình cải cách ruộng đất nghiêm ngặt, thậm chí đầy bạo lực là cần thiết nếu ĐLĐ Việt Nam muốn giành được không gian địa chính trị, nhân lực và tài lực cần thiết để tiến hành cuộc chiến toàn diện đối với Pháp.


Chính sách cải cách ruộng đất Việt Nam (1954-1995)  - Page 2 7c660f10

Văn bản Ý kiến sơ bộ về vận động quần chúng của cố vấn Trung Quốc La Quý Ba. Hình do tác giả cung cấp
 

___________________

*Bài nghiên cứu này được đăng trên tạp chí khoa học SOJOURN vào năm 2016, nay nhân dịp 70 năm việc khởi xướng chiến dịch cải cách ruộng đất ở Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, xin dịch sang tiếng Việt và đăng lại cùng với bản photo của bản tài liệu gốc để độc giả rộng đường tham khảo.

**Giáo sư Alex-Thái Đình Võ hiện công tác tại Viện Việt Nam và Lưu Trữ, Đại học Texas Tech, Hoa Kỳ. Ông nhận bằng tiến sĩ từ Đại học Cornell, và chuyên về lịch sử Việt Nam và Đông Nam Á.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

(Nguồn: rfa)
Về Đầu Trang Go down
Sponsored content




Chính sách cải cách ruộng đất Việt Nam (1954-1995)  - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Chính sách cải cách ruộng đất Việt Nam (1954-1995)    Chính sách cải cách ruộng đất Việt Nam (1954-1995)  - Page 2 I_icon13

Về Đầu Trang Go down
 
Chính sách cải cách ruộng đất Việt Nam (1954-1995)
Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Similar topics
-
» Thi ca miền Nam 1954 - 1975
» Lại Nguyên Ân và Alec Holcombe – Con tim và lý trí của thi sĩ Xuân Diệu: giai đoạn 1954 – 1958
Trang 2 trong tổng số 2 trangChuyển đến trang : Previous  1, 2

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
daovien.net :: TRÚC LÝ QUÁN :: Lịch Sử-