Trang ChínhTìm kiếmLatest imagesVietUniĐăng kýĐăng Nhập
Bài viết mới
Hơn 3.000 bài thơ tình Phạm Bá Chiểu by phambachieu Today at 16:41

Thơ Nguyên Hữu 2022 by Nguyên Hữu Yesterday at 18:57

Thi tập "Chỉ là...Tình thơ" by Tú_Yên tv Yesterday at 12:56

Trang thơ Tú_Yên (P2) by Tú_Yên tv Yesterday at 12:51

Thơ Tú_Yên phổ nhạc by Tú_Yên tv Yesterday at 12:46

LỀU THƠ NHẠC by Thiên Hùng Wed 24 Apr 2024, 11:55

Quán Tạp Kỹ - Đồng Bằng Nam Bộ by Thiên Hùng Wed 24 Apr 2024, 11:48

Trụ vững duyên thầy by Trà Mi Tue 23 Apr 2024, 07:34

Mái Nhà Chung by Trà Mi Tue 23 Apr 2024, 07:33

THIỀN TUỆ (diệt trừ đau khổ) by mytutru Tue 23 Apr 2024, 00:07

BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-1965 - LM CAO VĂN LUẬN by Trà Mi Mon 22 Apr 2024, 09:57

Nhận dạng phụ nữ giàu có by Trà Mi Mon 22 Apr 2024, 08:36

Bức tranh gia đình by Trà Mi Mon 22 Apr 2024, 08:09

Mẹo kho thịt by Trà Mi Mon 22 Apr 2024, 07:29

SẦU LY BIỆT by Phương Nguyên Sun 21 Apr 2024, 23:01

Trang Họa thơ Phương Nguyên 2 by Phương Nguyên Sun 21 Apr 2024, 22:56

Trang viết cuối đời by buixuanphuong09 Sun 21 Apr 2024, 06:38

Mức thù lao không ai dám nghĩ đến by Trà Mi Wed 17 Apr 2024, 11:28

KHÔNG ĐỀ by Phương Nguyên Wed 17 Apr 2024, 11:00

Cách xem tướng mạo phụ nữ ngoại tình, không chung thủy by mytutru Tue 16 Apr 2024, 11:59

Ở NHÀ MỘT MÌNH by Phương Nguyên Tue 16 Apr 2024, 09:59

HÁ MIỆNG CHỜ SUNG by Phương Nguyên Sun 14 Apr 2024, 13:29

Trang thơ vui Phạm Bá Chiểu by phambachieu Fri 12 Apr 2024, 15:48

Những Đoá Từ Tâm by Việt Đường Fri 12 Apr 2024, 15:32

Chết rồi! by Phương Nguyên Fri 12 Apr 2024, 13:57

ĐÔI BÀN TAY NGHỆ NHÂN by mytutru Thu 11 Apr 2024, 17:43

THẬN TRỌNG SIÊU LỪA by mytutru Wed 10 Apr 2024, 20:33

Không đánh, không mắng, không phạt, không có học sinh ưu tú by Trà Mi Wed 10 Apr 2024, 11:45

KHÓ NGỦ by Phương Nguyên Wed 10 Apr 2024, 01:46

MỘT CHÚT BUỒN by Phương Nguyên Tue 09 Apr 2024, 15:33

Tự điển
* Tự Điển Hồ Ngọc Đức



* Tự Điển Hán Việt
Hán Việt
Thư viện nhạc phổ
Tân nhạc ♫
Nghe Nhạc
Cải lương, Hài kịch
Truyện Audio
Âm Dương Lịch
Ho Ngoc Duc's Lunar Calendar
Đăng Nhập
Tên truy cập:
Mật khẩu:
Đăng nhập tự động mỗi khi truy cập: 
:: Quên mật khẩu

Share | 
 

 Danh tướng Việt Nam 3 - Nguyễn Khắc Thuần

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Chuyển đến trang : Previous  1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8  Next
Tác giảThông điệp
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Danh tướng Việt Nam 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: HOÀNG CÔNG CHẤT (tt)   Danh tướng Việt Nam 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 2 I_icon13Wed 03 Mar 2010, 23:54

Xây căn cứ Mãnh Thiên và từ Mãnh Thiên, liên tục tấn cỏng đến khắp các vùng lân cận

Thủ lĩnh Thành bị giết hại nhưng lực lượng của Hoàng Công Chất về cơ bản vẫn được bảo toàn. Ông rút về Mãnh Thiên1 và nhanh chóng biến Mãnh Thiên thành một khu căn cứ rất lợi hại. Sự kiện này xảy ra vào khoảng đầu năm 1761. Tại Mãnh Thiên, Hoàng Công Chất cho xây dựng thành lũy rất kiên cố, trong đó, lớn nhất là Tam Vạn Thành (có nghĩa là thành chứa được ba vạn quân). “Hiện nay ở xã Ba Man phía nam Lai Châu, trên thượng lưu sông Đà còn có dấu vết một thành lũy xưa của Hoàng Công Chất gọi là Tam Vạn Thành2.


Từ Mãnh Thiên, Hoàng Công Chất liên tục tổ chức những trận đánh vào các địa phương lân cận. Tháng 10 năm 1767, nhân cơ hội chúa Trịnh Doanh vừa mới qua đời3, chúa Trịnh Sâm mới lên nối nghiệp và đang chú tâm lo củng cố địa vị của mình, nghĩa quân Hoàng Công Chất đã đánh bảy trận lớn4. Cụ thể như sau:

- Trận thứ nhất: đánh vào Mai Châu (nay thuộc tỉnh Hòa Bình, khu vực nằm sát với Mộc Châu của tỉnh Sơn La).

- Trận thứ hai: đánh vào Mộc Châu (nay thuộc tỉnh Sơn La, khu vực nằm sát với Mai Châu của Hòa Bình).

- Trận thứ ba: đánh vào Quan Gia (nay thuộc Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa).

- Trận thứ tư: đánh Cổ Lũng (nay thuộc Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa).

- Trận thứ năm: đánh Thiết Úng (nay thuộc Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa).

- Trận thứ sáu: đánh Ái Chử (nay thuộc Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa).

- Trận thứ bảy: đánh Bất Một (nay thuộc Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa).

Tin cáo cấp liên tiếp đưa về, Bá quan văn võ ai cũng lấy làm lo ngại. Trịnh Sâm vội vã hạ lệnh thành lập một guồng máy chỉ huy cuộc trấn áp gồm các nhân vật chủ chốt như sau:

- Thiếu Phó Phương Nghĩa Hầu Trịnh Phương5làm tổng chỉ huy, đồng thời, trực tiếp cầm đầu đạo quân đi càn quét ở Hưng Hóa.

- Điển Vũ Hầu Nguyễn Trọng Điển6 chỉ huy đạo quân đi càn quét ở Thanh Hóa.

- Trấn Thủ Thanh Hóa, là Nguyễn Đình Diễn7 có nhiệm vụ đem hết quân bản bộ ra hợp sức chiến đấu với đạo quân của Nguyễn Trọng Điển.

Thực hiện chủ trương lánh chỗ mạnh, đánh vào chỗ yếu, Hoàng Công Chất đã nhanh chóng cho rút hầu hết lực lượng của mình khỏi đất Thanh Hóa và Hòa Bình ngày nay. Nhưng, một loạt các cuộc tấn công ồ ạt khác lại nhất loạt được tổ chức. Tháng giêng năm 1768, Hoàng Công Chất đã chiếm được đất của mười châu8. Điều này khiến cho Trịnh Sâm vô cùng tức tối. Một bộ chỉ huy đàn áp mới hơn được thành lập, gồm có:

- Nguyễn Đình Huấn9 làm Chánh Thống Lãnh.

- Phạm Ngô Cầu10 làm Hiệp Thống Lãnh.

- Hoàng Phùng Cơ11 làm Hiệp Thống Lãnh.

- Phan Lê Phiên12 làm Tán Lí.

- Nguyễn Xuân Huyên13 làm Hiệp Tán Lí.

Đến tháng 8 năm 1768, Đoàn Nguyễn Thục14 được điều động tới, giữ chức Giám Quân và tăng cường cho bộ chi huy cuộc đàn áp này. Tam Vạn Thành và căn cứ Mãnh Thiên phải chịu đựng một sức ép ngày càng dữ dội. Đúng vào lúc căng thẳng nhất ấy nghĩa quân Hoàng Công Chất lại phải chịu một tổn thất rất nặng nề: Hoàng Công Chất qua đời vì lâm bệnh nặng tại Mãnh Thiên. Người kế tục sự nghiệp của Hoàng Công Chất là con trai ông: Hoàng Công Toản. Hoàng Công Toản tuy là người có chí lớn, nhưng, xét về kinh nghiệm trận mạc thì chưa thể sánh với Hoàng Công Chất. Đó chính là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến thất bại của cuộc khởi nghĩa này.


Tam Vạn Thành bị phá vỡ, Mãnh Thiên nhuộm đỏ máu anh hùng

Nguyễn Đình Huấn là Thống Lãnh, nhưng chính Thống Lãnh Nguyễn Đình Huấn lại luôn tỏ ra dè dặt, thậm chí là có phần lo sợ khi cầm quân đánh vào các địa phương ở Hưng Hóa. Sai quân đi thu lương thực trong dân không được, hạ lệnh bắt thêm lính cũng không xong, Nguyễn Đình Huấn biết là lòng người đều đã hướng về căn cứ Mãnh Thiên, vì thế, cố sức nghĩ kế để rút quân. Các tướng dưới quyền, đặc biệt là Phạm Ngô Cầu, rất ủng hộ Nguyễn Đình Huấn, chỉ có Giám Quân Đoàn Nguyễn Thục là phản đối mà thôi. Sử cũ chép:

“Bọn (Nguyễn) Đình Huấn cho người phi ngựa về kinh đô, đệ tờ khải, đại ý nói rằng: Lương ăn của quân không được đầy đủ, tiến thoái đều khó cả. Vả chăng, quân sĩ có nhiều người mắc bệnh, vậy xin cho thêm thuốc thang để chữa.

Lúc ấy, (Đoàn) Nguyễn Thục cũng làm tờ khải trình lên theo, nói là (Nguyễn) Đình Huấn hiệu lệnh không nghiêm, đã thế lại còn khinh rẻ và lấn át chư tướng, thả lỏng cho binh lính đi cướp bóc, chần chừ không chịu tiến quân. Tóm lại có mười việc sai trái.

Nhận được tờ khải của (Nguyễn) Đình Huấn, đang đêm mà Trịnh Sâm cũng không bằng lòng, liền cho triệu các quan vào phủ để bàn định. (Trịnh Sâm) nghiêm trách Nguyễn Đình Huấn. Kế đó lại nhận được tờ khải của (Đoàn) Nguyễn Thục, Trịnh Sâm nổi giận nói:

- Ta vẫn biết (Nguyễn) Đình Huấn không thể dùng được, nay quả nhiên là đúng như thế.

(Nói rồi), lập tức hạ lệnh triệu (Nguyễn) Đình Huấn về và bổ (Đoàn) Nguyễn Thục kiêm chức Thống Lãnh các đạo, thay (Nguyễn) Đình Huấn. Vũ Huy Đĩnh15 được bổ làm Giám Quân và Nguyễn Trọng Hoành16 được bổ làm Tán Lí”17.


Tháng giêng năm 1769, Đoàn Nguyễn Thục dốc toàn lực ra đánh trận quyết định với Hoàng Công Toản. Trước khi xuất quân, Đoàn Nguyễn Thục tuốt gươm ra nói với quân sĩ rằng: “Kẻ nào không tuân theo mệnh lệnh thì hãy trông vào thanh kiếm này”.

Hoàng Công Toản đã chủ động bố trí nhiều trận mai phục rất lợi hại, nhưng, quân ít chẳng thể chống nổi đối thủ mạnh, nghĩa quân bị thua liên tiếp mấy trận liền. Cuối cùng, Hoàng Công Toản đành phải chạy sang Vân Nam (Trung Quốc). Số phận Hoàng Công Toản về sau ra sao thì không thấy thư tịch cổ ghi chép gì. Các tướng lĩnh và nghĩa sĩ của Hoàng Công Toản cũng mỗi người tản mác một nơi, không chịu đầu hàng, khuất phục.

Cuộc khởi nghĩa do Hoàng Công Chất phát động và chỉ huy, sau ba mươi năm chiến đấu ngoan cường, đến đó là chấm dứt. Hoàng Công Chất là biểu tượng của khí phách hiên ngang, của ý chí chiến đấu dẻo dai phi thường, của tài chỉ huy chiến đấu ở nhiều địa hình rất khác nhau. Hiện nay, ở Điện Biên Phủ vẫn còn đền thờ Hoàng Công Chất do nhân dân địa phương dựng lên.

____________________________________
1. Mãnh Thiên là tên động, động này thuộc châu Ninh Biên, trấn Hưng Hóa. Nay, động Mãnh Thiên thuộc địa phận tỉnh Lai Châu.
2.
Hoàng Bình Chính: Hưng Hóa phong thổ lục. Dẫn lại của Phan Huy Lê - Chu Thiên - Vương Hoàng Tuyên - Đinh Xuân Lâm trong Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam (tập III), Nhà Xuất bản Giáo dục, Hà Nội, 1960, trang 233.
3. Trịnh Doanh mất vào tháng 1 năm 1767. Chúa kế vị là Trịnh Sâm, ở ngôi chúa từ năm 1767 đến năm 1782.
4. Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Chính biên, quyển 43, tờ 14). Tư liệu ở đây là tư liệu tổng hợp, không phải là trích lục từ nguyên tác.
5. Theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Chính biên, quyển 43, tờ 14) thì Trịnh Phương là người thuộc dòng họ của chúa Trịnh. Ngoài ra, các chi tiết khác về lai lịch cuộc đời Trịnh Phương hiện vẫn chưa rõ.
6. Nguyễn Trọng Điển còn có tên là Nguyễn Trọng Thân. người làng Quế Ổ, huyện Quế Dương (nay thuộc Bắc Ninh), con của Tạo Sĩ Nguyễn Trọng Uông.
7. Nguyễn Đình Diễn người làng Nội Duệ, huyện Tiên Du cũ (nay thuộc Bắc Ninh), xuất thân là hoạn quan.
8. Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Chính biên, quyển 48, tờ 16) chú thích rằng: “Mười châu đó gồm có Chiêu Tấn, Quỳnh Nhai, Lai Châu, Ninh Biên Quảng Lăng, Hoàng Nham, Hợp Phì, Lễ Tuyền, Khiêm Châu và Tuy Phụ. Nay bốn châu Chiêu Tấn, Quỳnh Nhai, Lai Châu và Ninh Biên đều thuộc Hưng Hóa. Hai châu Quảng Lăng và Hoàng Nham đều thuộc Vân Nam (Trung Quốc-NKT). Còn bốn châu Hợp Phì, Lễ Tuyền, Khiêm Châu và Tuy Phụ không khảo cứu được”.
9. Nguyễn Đình Huấn người làng Yên Thường, huyện Đông Ngàn (nay thuộc Bắc Ninh), xuất thân là hoạn quan.
10. Phạm Ngô Cầu hiện chưa rõ lai lịch, chỉ biết về sau được phong tới tước Quận Công. Năm 1786, Phạm Ngô Cầu bị Tây Sơn bắt giết.
11. Hoàng Phùng Cơ quê ở Vân Cốc, huyện Bạch Hạc (nay thuộc huyện Phong Châu, tỉnh Phú Thọ). Lúc này: Hoàng Phùng Cơ đang giữ chức Lưu Thủ Sơn Tây.
12. Phan Lê Phiên (1735-1809) người làng Đông Ngạc, huyện Từ Liêm (nay là thôn Đông Ngạc, xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội), đỗ Tiến Sĩ năm 1757. Phan Lê Phiên chỉ giữ chức Tán Lí từ tháng giêng đến tháng 6 năm 1768. Từ tháng 7 năm 1768, Đốc Trấn Cao Bằng là Nguyễn Trọng Hoành (người làng Bột Thái, huyện Hoằng Hóa, nay thuộc
Thanh Hóa) được cử đến thay Phan Lê Phiên.

13. Nguyễn Xuân Huyên (còn có tên là Nguyễn Diêu), người làng Hoàng Xá, huyện Thư Trì (nay là làng Nguyên Xá, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình), đỗ Tiến Sĩ năm 1752.
14. Đoàn Nguyễn Thục (còn có tên là Đoàn Duy Tĩnh: 1728 - 1783), người làng Hải An, huyện Quỳnh Côi (nay là xã Quỳnh Nguyên, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình), đỗ Hoàng Giáp năm 1752.
15. Vũ Huy Đĩnh (1730-1789) người làng Mộ Trạch, huyện Đường An, nay là thôn Mộ Trạch, xã Tân Hồng huyện Cẩm Bình, tỉnh Hải Dương, đỗ Tiến Sĩ năm 1754, làm quan được thăng dần lên đến chức Lễ Bộ Hữu Thị Lang, tước Hồng Trạch Hầu.
16. Nguyễn Trọng Hoành người làng Bột Thái, huyện Hoằng Hóa (nay thuộc Thanh Hóa).
17. Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Chính biên, quyển 43, tờ 21).

_________________________
Danh tướng Việt Nam 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 2 Signat21


Được sửa bởi Ý Nhi ngày Thu 11 Mar 2010, 00:09; sửa lần 1.
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Danh tướng Việt Nam 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: NGUYỄN DANH PHƯƠNG   Danh tướng Việt Nam 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 2 I_icon13Thu 04 Mar 2010, 00:04

04. NGUYỄN DANH PHƯƠNG (? - 1751)

“Danh Phương chiếm Độc Tôn Sơn,
Tuyên-Hưng là đất, Lâm Man là nhà”
1


Trước năm 1740, ở trấn Sơn Tây có một cuộc khởi nghĩa khá lớn do thủ lĩnh Tế cầm đầu. Trong thành phần của lực lượng tham gia cuộc khởi nghĩa này, có một nhà Nho trẻ, đó là Nguyễn Danh Phương.

Nguyễn Danh Phương còn có tên là Nguyễn Danh Ngũ, tuy nhiên, người đương thời thường gọi ông một cách thân mật và trìu mến là Quận Hẻo. Ông người làng Tiên Sơn, huyện Yên Lạc, trấn Sơn Tây (nay quê ông thuộc huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc). Hiện vẫn chưa rõ Nguyễn Danh Phương sinh vào năm nào. Thư tịch cổ cũng như một số tài liệu dân gian cho biết rằng, thuở thiếu thời, ông từng dùi mài kinh sử để thử vận may khoa trường, nhưng rồi chán cảnh nhân tình thế thái ngày một đen bạc, ông đã hăng hái đi theo nghĩa binh của thủ lĩnh Tế. Nhờ có nghĩa khí và văn tài, ông được thủ lĩnh Tế trọng dụng, xếp vào hàng những người thân tín nhất.

Tháng 2 năm Canh Thân (1740), chúa Trịnh lúc đó là Trịnh Doanh đã phong cho Võ Tá Lý2 làm Chinh Tây Đại Tướng Quân, đồng thời, sai cầm quân đi đánh thủ lĩnh Tế. Trong trận ác chiến ở Yên Lạc3, thủ lĩnh Tế thua trận, Nguyễn Danh Phương liền đem tàn quân chạy về Tam Đảo để tính kế chiến đấu lâu dài. Từ đây, Nguyễn Danh Phương thực sự trở thành thủ lĩnh của một cuộc khởi nghĩa mới.

“Nguyễn Danh Phương vốn là dư đảng của Tế, chiếm núi Tam Đảo, lợi dụng địa thế hiểm trở để xây thành đắp lũy, chiêu mộ dân binh, quyên góp lương thực và rèn đúc khí giới, họp phe đảng ẩn náu trong núi rừng”4.

Theo Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái, chốn núi rừng mà Nguyễn Danh Phương cùng nghĩa sĩ của mình ẩn náu chính là ngọn Độc Tôn Sơn trong dãy Tam Đảo5. Từ Độc Tôn Sơn, Nguyễn Danh Phương liên tục tổ chức nhiều cuộc tấn công ra các vùng chung quanh, gây chấn động khắp cả hai trấn Tuyên Quang và Hưng Hóa.

Khi mới dựng cờ khởi nghĩa, do tương quan thế và lực rất chênh lệch, Nguyễn Danh Phương chủ trương kết hợp rất chặt chẽ giữa kiên quyết với mềm mỏng. Kiên quyết là kiên quyết trừng trị đích đáng những kẻ tham quan ô lại, những đơn vị quân đội nhỏ của chúa Trịnh dám hung hăng tiến sâu vào căn cứ của nghĩa quân. Mềm dẻo là mềm dẻo trong sách lược đối phó với âm mưu đàn áp đẫm máu của triều đình. Mục tiêu của Nguyễn Danh Phương là gây tiếng vang bằng những trận đánh hiểm hóc, giành hiệu quả lớn nhất với những tổn thất nhỏ nhất. Bấy giờ, hễ gặp cơ hội thuận tiện là Nguyễn Danh Phương tấn công không khoan nhượng, nhưng, nếu xét thấy điều kiện chưa cho phép thì thường là ông gửi thư giả vờ xin hàng.

“Nhiều lần (Nguyễn) Danh Phương vờ xin hàng để hoãn binh, Trịnh Doanh biết là mưu giả trá nhưng cũng đem ra bàn với bầy tôi. (Trịnh) Doanh cho rằng, việc đánh dẹp cần phải biết có lúc phải hòa hoãn. Nay, trước hết là phải bàn cho rõ, giặc nào cần diệt trước, giặc nào cần dẹp sau”6.

Giặc cần dẹp trước, theo Trịnh Doanh, chính là nghĩa binh của Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ, Nguyễn Hữu Cầu, Hoàng Công Chất… còn như giặc có thể dẹp sau chính là nghĩa binh của Nguyễn Danh Phương. Xuất phát từ nhận định đó, Trịnh Doanh chủ trương tập trung lực lượng đàn áp Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ, Nguyễn Hữu Cầu, Hoàng Công Chất, đồng thời, hạ lệnh cho Trấn Thủ Sơn Tây tạm chấp nhận đề nghị xin hàng của Nguyễn Danh Phương.

Bất ngờ đánh vào Bạch Hạc (1744), phá vòng vây của tướng Văn Đình Ức ở Nghĩa Yên và xây căn cứ mới ở Thanh Lãnh

Tháng 11 năm 1744, lợi dụng lúc chúa Trịnh Doanh đang phải lúng túng huy động lực lượng đối phó với nghĩa quân của Nguyễn Hữu Cầu và Hoàng Công Chất, Nguyễn Danh Phương đã táo bạo cho quân đánh chiếm Việt Trì7 và sau đó là tung hoành khắp cả vùng Bạch Hạc. Trước đó chỉ mấy ngày, Trịnh Doanh vừa nhận được tin Trương Khuông bị Nguyễn Hữu Cầu đánh cho tơi bời ở Ngọc Lâm8, kế tiếp là Đinh Văn Giai bị Nguyễn Hữu Cầu đánh cho đại bại tại Xương Giang9, cho nên, rất lấy làm tức tối. Tướng Văn Đình Ức10 lập tức được lệnh chiêu mộ thêm quân sĩ để đi bình định đất Bạch Hạc. Văn Đình Ức nắm quyền chỉ huy khoảng vài vạn quân, thanh thế rất hùng mạnh. Với quân số áp đảo như vậy Văn Đình Ức hi vọng sẽ nhanh chóng bóp nát lực lượng của Nguyễn Danh Phương. Nhưng, Văn Đình Ức đã lầm. Mới bày binh bố trận ở Nghĩa Yên11, chưa kịp ra tay thì Nguyễn Danh Phương đã khôn khéo dùng kế nghi binh rồi nhanh chóng dẫn hết quân sĩ về chiếm cứ Thanh Lãnh12.


Từ Thanh Lãnh, Nguyễn Danh Phương cho các tướng chia quân đi đánh hầu khắp các huyện thuộc trấn Sơn Tây cũ. Những vị trí quan trọng trong trấn này đều bị nghĩa quân Nguyễn Danh Phương chiếm giữ. Đánh giá về sai lầm của Văn Đình Ức trong trận Nghĩa Yên, sử cũ viết: “Từ đấy (Nguyễn Danh Phương) bố trí đồn lũy, chiếm cứ nơi hiểm yếu để kháng cự với triều đình. Tất cả đều do sai lầm (của Văn Đình Ức) ở trận này cả”13.

Sau Văn Đình Ức, tướng Hoàng Ngũ Phúc cũng được điều đến Trấn Sơn Tây, nhưng tất cả các tướng lĩnh cao cấp này của chúa Trịnh đều bị sa lầy, suốt bốn năm trời (từ 1744 đến 1748) vẫn không đánh được một trận nào đáng kể. Trước diễn biến ngày một phức tạp của tình hình chung như vậy, Trịnh Doanh quyết định đưa tướng Đinh Văn Giai lên thay Hoàng Ngũ Phúc. Đinh Văn Giai được trao chức Trấn Thủ và phải chịu trách nhiệm tổ chức trấn áp cho bằng được lực lượng của Nguyễn Danh Phương. Trước khi ra đi, Đinh Văn Giai được Trịnh Doanh trực tiếp giao nhiệm vụ rất rõ như sau:

“Trấn Sơn Tây là phên giậu của nước nhà, thế mà phía Bắc thì bị (Nguyễn) Danh Phương (chiếm cứ), mặt Nam thì bị (thủ lĩnh) Tương và (Lê Duy) Mật chiếm cứ, giặc mạnh tràn lan, lòng người lo sợ. Vậy, cho phép ngươi được tùy ý làm việc, miễn sao ta đỡ lo nghĩ mặt Tây (kinh thành) là được”14.

Tháng 9 (nhuận) năm 1748, Đinh Văn Giai đến trấn Sơn Tây nhận chức. Nhưng, Đinh Văn Giai là kẻ khôn ngoan, thích sống để giữ quyền cao chức trọng, chẳng dại xông pha trận mạc quá mức để rồi có thể chết bất cứ lúc nào, bởi thế, bất đắc dĩ lắm Đinh Văn Giai mới cho quân ra đánh cho có đánh vậy thôi. Nghĩa quân Nguyễn Danh Phương nhờ đó vẫn ung dung đóng giữ ở hầu khắp các vị trí hiểm yếu của trấn Sơn Tây. Để có thêm cơ hội thuận tiện, nhằm xây dựng và củng cố lực lượng của mình, một lần nữa, Nguyễn Danh Phương lại giả vờ xin hàng. Sử cũ cho biết:

“Nguyễn Danh Phương dùng lễ vật rất hậu rồi mật sai người đến đút lót cho vợ của chúa Trịnh là Trịnh Thị (quê ở làng Thịnh Mỹ, huyện Lôi Dương)15 và hoạn quan là Đàm Xuân Vực16. (Đàm) Xuân Vực giúp (Nguyễn Danh Phương) dâng tờ biểu xin hàng. Trịnh Doanh đã y cho, nhưng khi xuống lệnh triệu vào thì (Nguyễn Danh Phương) không chịu vào nhận mệnh”17.

Cuối năm 1749, Nguyễn Danh Phương bất ngờ cho quân đi đánh ở huyện Tiên Phong18. Thành hình rất nguy cấp. Hiệp Trấn Sơn Tây là Hà Tông Huân19 phải dâng thư chạy gấp về triều đình. Trịnh Doanh phải hạ lệnh cho các tướng Bùi Trọng Huyến20 và Nguyễn Phan21 đưa quân đi cứu viện. Nhưng, rốt cuộc thì hàng vạn quân của chúa Trịnh, do những viên tướng được coi là tài ba nhất chỉ huy, vẫn không sao có thể đè bẹp được lực lượng của Nguyễn Danh Phương.


____________________________________
1. Lê Ngô Cát - Phạm Đình Toái: Đại Nam quốc sử diễn ca.
2. Võ Tá Lý người làng Hà Hoàng, huyện Thạch Hà (nay là 18 Thạch Môn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh). Lúc này, Võ Tá Lý được phong tới tước Quận Công.
3. Yên Lạc nay thuộc huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc.
4, 6.
Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Chính biên, quyển 38, tờ 28).
5. Đại Nam quốc sử diễn ca.
7. Việt Trì ở đây là tên thôn. Lúc này, thôn Việt Trì thuộc làng Bạch Hạc, huyện Bạch Hạc. Nay, đất này thuộc huyện Phong Châu, tỉnh Phú Thọ.
8, 9. Xin vui lòng tham khảo thêm mục 2-Nguyễn Hữu Cầu (ở phần II,chươngthứ nhất).
10. Văn Đình Ức người làng Lạc Phố huyện Hương Sơn (nay là huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh), đỗ Tạo Sĩ (Tiến Sĩ võ). Ông sinh ra trong một gia đình nối đời là võ quan cao cấp: ông nội là Cổn Quận Công Văn Đình Nhân, chưa là Điều Quận Công Văn Đình Dẫn, bản thân ông cũng được phong là Quảng Quận Công. Con ông là Tạo Sĩ Văn Đình Cung.
11. Nghĩa Yên là tên một làng của huyện Bạch Hạc xưa (nay thuộc huyện Phong Châu, tỉnh Phú Thọ).
12. Thanh Lãnh là tên một làng thuộc huyện Bình Xuyên cũ (nay thuộc tỉnh Vĩnh Phúc).
13. Khâm định Việt sử thông giám cương mục(Chính biên, quyển 40, tờ 11).
14. Khâm định Việt sử thông giám cương mục(Chính biên, quyển 40, tờ 29).
15. Huyện Lôi Dương nay thuộc Thanh Hóa.
16.
Đàm Xuân Vực người làng Tương Trúc, huyện Thanh Trì (nay thuộc Hà Nội).
17. Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Chính biên, quyển 41, tờ 3).
18. Huyện Tiên Phong nay thuộc Hà Tây.
19. Hà Tông Huân cũng tức là Hà Huân (1697-1766) người làng Kim Vực, huyện Yên Định (nay thuộc huyện Thiệu Yên tỉnh Thanh Hóa), trước đã đỗ Sĩ Vọng, đến năm 1724 lại đỗ Bảng Nhãn. Ông làm quan được thăng dần lên đến chức Thượng Thư, quyền Tham Tụng, hàm Thái Bảo, tước Quận Công.
20. Bùi Trọng Huyến (1713-?) người làng Tiên Mộc, huyện Nông Cống, nay thuộc huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa, đỗ Tiến Sĩ năm 1739.
21. Nguyễn Phan người làng Hà Dương, huyện Hoằng Hóa, nay thuộc huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, võ quan cao cấp.

_________________________
Danh tướng Việt Nam 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 2 Signat21
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Danh tướng Việt Nam 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: NGUYỄN DANH PHƯƠNG   Danh tướng Việt Nam 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 2 I_icon13Thu 04 Mar 2010, 00:11

Đặt đại bản doanh ở Ngọc Bội1, thành lập chính quyền và anh dũng chống trả cuộc đàn áp do đích thân Trịnh Doanh chỉ huy

Từ cuối tháng 9 (nhuận) năm 1748, sau khi từ chối việc về triều, Nguyễn Danh Phương bắt đầu tiến hành xây dựng một hệ thống căn cứ mới. Đại bản doanh của Nguyễn Danh Phương đặt tại núi Ngọc Bội. Ông cho gọi đó là Đại Đồn. Tại Đại Đồn, Nguyễn Danh Phương cho xây thành lũy kiên cố, đồng thời, bước đầu xây dựng chính quyền riêng. Theo sự mô tả của sử cũ thì: “Nguyễn Danh Phương xưng là Thuận Thiên Khải Vận Đại Nhân, lập cung điện, đặt quan chức, quy định cờ quạt, xe cộ và đồ dùng, tiếm lạm ngang với Thiên Tử”2.

Phía ngoài Đại Đồn, cách Đại Đồn không xa là đồn Hương Canh3. Đồn Hương Canh được gọi là Trung Đồn. Tuy không lớn và không kiên cố bằng Đại Đồn, nhưng, Trung Đồn cũng được xây dựng khá chắc chắn. Và, phía ngoài Trung Đồn, tại khu vực Úc Kỳ4, Nguyễn Danh Phương còn cho xây dựng thêm một hệ thống đồn lũy khác, gọi là Ngoại Đồn. Đại Đồn, Trung Đồn và Ngoại Đồn phối hợp rất chặt chẽ với nhau, sẵn sàng ứng phó một cách linh hoạt với mọi cuộc tấn công từ ngoài vào. Nguyễn Danh Phương cũng cho xây dựng rất nhiều đồn lũy ở các địa phương khác, tính ra, tổng số còn lớn gấp đôi Đại Đồn, Trung Đồn và Ngoại Đồn cộng lại. Theo ghi chép của sử cũ thì:

“Quân đóng ở đâu là làm ruộng, chứa thóc để làm kế lâu dài. (Nguyễn Danh Phương) lại còn tự tiện giữ mối lợi về sản xuất và buôn bán chè, sơn, tre, gỗ... Ở miền thượng du, chưa kể xưởng khai thác mỏ ở Tuyên Quang, do đó mà thóc gạo và của báu chất cao như núi. Hắn (chỉ Nguyễn Danh Phương - NKT) chia quân đóng giữ những nơi hiểm yếu để chống lại quan quân. Triều đình bao phen cất quân đánh nhưng hắn lại đem của đến đút lót, mà các tướng thì hám lợi, cứ dung túng cho giặc (chỉ nghĩa quân Nguyễn Danh Phương - NKT), cốt bảo toàn lấy tấm thân, vì thế, giặc càng ngày càng vững vàng. Trải hơn mười năm trời, (Nguyễn) Danh Phương nghiễm nhiên là vua một nước đối địch với triều đình vậy”5.

Tháng 12 năm 1750, các đạo quân của chúa Trịnh phối hợp đánh mạnh vào lực lượng của Nguyễn Danh Phương ở khu vực Thanh Lãnh. Bấy giờ, khu vực này do hai người em của Nguyễn Danh Phương là Nguyễn Văn Bì và Nguyễn Văn Quảng trông coi. Bởi quá bất ngờ, cả Nguyên Văn Bì và Nguyễn Văn Quảng đều bị bắt. Nhưng, quan quân của họ Trịnh chưa kịp vui mừng thì Nguyễn Danh Phương đã kịp thời đem binh sĩ tới. Từ chỗ chủ động đi tấn công và bao vây, các tướng lĩnh của chúa Trịnh buộc phải lâm vào thế bị tấn công, bị bao vây và có nguy cơ bị tiêu diệt hết. Chúng bèn thả Nguyễn Văn Bì và Nguyễn Văn Quảng để đổi lại là được tháo lui.

Sau trận Thanh Lãnh, Nguyễn Danh Phương mở rộng phạm vi hoạt động của nghĩa quân ra nhiều vùng lân cận. “Các huyện thuộc những phủ như Tam Đái, Lâm Thao và Đà Dương đều bị (Nguyễn Danh) Phương chiếm cứ”6. Lo sợ trước sự phát triển mạnh mẽ của nghĩa quân, Trịnh Doanh đã tự mình làm tướng, đem đại binh đi đánh dẹp. Trước khi xuất quân, Hoàng Ngũ Phúc và Đỗ Thế Giai7 cùng phối hợp với nhau, soạn ra 37 điều quân lệnh buộc tất cả tướng sĩ phải tuân thủ một cách nghiêm ngặt. Trịnh Doanh cũng thành lập một bộ chỉ huy hành quân, theo đó thì ngoài Trịnh Doanh ra, bộ chỉ huy này còn có:

- Hoàng Ngũ Phúc làm Giám Quân.

- Nguyễn Nghiễm8 làm Tán Lí.

- Đoàn Chú làm Hiệp Đồng.

Tất cả quân sĩ được chia làm bốn đạo, tiến thẳng vào khu căn cứ của Nguyễn Danh Phương. Nhưng, Trịnh Doanh cũng chẳng thể làm được gì hơn các tướng trước đó. Trải một năm chinh chiến gian nan mà chẳng thu được kết quả gì, Trịnh Doanh đành phải kéo quân về.


Mất Úc Kỳ và Hương Canh, Ngọc Bội Đại Đồn tan vỡ, Nguyễn Danh Phương thua trận và bị bắt (1751)

Hao công tốn của mà không diệt được nghĩa quân Nguyễn Danh Phương, Trịnh Doanh tuy buộc phải kéo quân về nhưng lòng vẫn rất lấy làm ấm ức. Sau tết Nguyên đán năm Tân Mùi (1751), một lần nữa, Trịnh Doanh lại cầm đại quân đi đánh Nguyễn Danh Phương. Lần này, để tạo bất ngờ lớn, Trịnh Doanh cho quân băng qua Kinh Bắc (vùng Bắc Ninh và Bắc Giang ngày nay), tiến thẳng đến Thái Nguyên rồi từ Thái Nguyên đánh ập xuống.

Tháng 2 năm 1751, Trịnh Doanh thúc quân, nhân đêm tối, đánh ồ ạt vào Ngoại Đồn Úc Kỳ. Do hoàn toàn bị bất ngờ, Ngoại Đồn Úc Kỳ không sao chống đỡ nổi. Toàn bộ lực lượng nghĩa quân Nguyễn Danh Phương đóng ở đây bị diệt. Trịnh Doanh lập tức hạ lệnh cho các tướng đánh thẳng đến Trung Đồn Hương Canh. Tại đây, lực lượng nghĩa quân của Nguyễn Danh Phương do đã biết Ngoại Đồn Úc Kỳ thất thủ nên chủ động đánh trả rất quyết liệt. Một trận ác chiến thực sự đã diễn ra. Sử cũ viết:

“Giặc (chỉ nghĩa quân Nguyễn Danh Phương - NKT) đem hết quân ra chống cự, tên đạn bay như mưa, quan quân không sao tiến lên được. Bấy giờ, trong hàng tướng lĩnh của chúa Trịnh chỉ có Nguyễn Phan được coi là vô địch. Trịnh Doanh trao thanh gươm cho Nguyễn Phan và nói:

- Nếu không phá được đồn này thì lập tức sẽ bị đem ra xử theo đúng quân pháp.

(Nguyễn) Phan dẫn quân tiến lên, cởi chiến bào, bỏ ngựa đi chân đất. Trước khi xông ra, y ngoảnh lại nói với thủ hạ của mình rằng:

- Quân sĩ đã có tên trong sổ, tất phải biết giữ quân pháp. Các ngươi đều là tôi tớ của ta, nay chính là lúc ta liều mình đền nợ nước, cũng chính là lúc các ngươi có dịp đền ơn ta. Vậy, những ai có cha mẹ già hoặc con thơ, không nỡ dứt tình riêng thì ta cho lui ra, còn thì hãy cùng ta quyết liều mình vì nước, chẳng nên sống uổng một kiếp mày râu.

Mọi người nghe lời (Nguyễn) Phan nói, không ai chịu lùi. (Nguyễn) Phan tự xông lên trước quân sĩ, cố sức đánh, phá tan được (đồn Hương Canh).

(Nguyễn) Danh Phương thu nhặt tàn quân, lui về giữ Đại Đồn Ngọc Bội. Ngọc Bội là sào huyệt của giặc, thế núi cao chót vót rất hiểm trở. Ở đây, giặc đã lấp hết các cửa ngõ và đường tắt từ trước, lại còn bố trí súng ở trên núi cao để cố thủ. Trịnh Doanh lại sai (Nguyễn) Phan tiến đánh. (Nguyễn) Phan sai quân cầm gươm giáo, cho phép ai cũng được tự ý đâm chém, đồng thời hạ lệnh rằng, hễ nghe tiếng súng nổ thì nằm phục xuống, bằng không thì phải trèo lên núi đá mà tiến. (Nguyễn) Phan đem quân tiến trước, ba quân ồ ạt theo sau, quân sĩ tràn lên núi, xa trông cứ như một đàn kiến. Giặc tan vỡ. (Nguyễn) Danh Phương chạy về Độc Tôn Sơn. Quan quân lại đuổi tiếp, (Nguyễn) Danh Phương thua trận, đành phải đốt đồn lũy rồi nhân đêm tối chạy trốn.

Quan quân đuổi theo, bắt được (Nguyễn) Danh Phương tại làng Tĩnh Luyện, huyện Lập Thạch”9.

Sau hơn mười năm chiến đấu ngoan cường và thông minh, đến đây, cuộc khởi nghĩa do Nguyễn Danh Phương lãnh đạo đã bị đè bẹp. Nguyễn Danh Phương bị bắt và bị giết cùng một ngày với Nguyễn Hữu Cầu.

Nguyễn Danh Phương là một trong những danh tướng xuất thân áo vải lừng danh nhất Đàng Ngoài. Cuộc đời oanh liệt của ông đã khiến cho không biết bao nhiêu tướng lĩnh cao cấp của Đàng Ngoài phải thất điên bát đảo. Ông chưa từng được học ở bất cứ một trường võ bị nào, nhưng, tài năng quân sự của ông thì các võ quan chuyên nghiệp đương thời chưa dễ đã sánh được. Nói khác hơn, ông chính là tướng tài trong số những tướng tài vậy.

_____________________________________
1. Ngọc Bội là tên dãy núi nằm tiếp giáp giữa hai huyện Tam Dương và Bình Xuyên xưa của Sơn Tây, nay cả hai huyện này đều thuộc địa phận tỉnh Vĩnh Phúc.
2. Khâm định Việt sử thông giám cương mục(Chính biên, quyển 41, tờ 3).
3. Hương Canh là tên làng, thuộc huyện Yên Lãng xưa, nay thuộc tỉnh Vĩnh Phúc.
4. Úc Kỳ là tên làng. Làng này xưa thuộc huyện Tư Nông (nay thuộc tỉnh Thái Nguyên).
5. Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Chính biên, quyển 41, tờ 3 và 4).
6. Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Chính biên, quyển 41, tờ 4). Các phủ Tam Đái, Lâm Thao và Đà Dương nay thuộc các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Hà Tây.
7. Đỗ Thế Giai người làng Đông Ngạc, huyện Từ Liêm (nay thuộc huyện Từ Liêm, Hà Nội), tuy chỉ đỗ có Hương Cống (sau đổi gọi là Cử Nhân), nhưng rất có thế lực trong triều đình.
8. Nguyễn Nghiễm (1708-1775) người làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân (nay là xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh), đỗ Hoàng Giáp năm 1731. Ông là cha của Tiến Sĩ Nguyễn Khản và thi hào Nguyễn Du.
9. Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Chính biên, quyển 41, tờ 7 và 8 ) Làng Tĩnh Luyện thuộc huyện Lập Thạch, trong lời trích ở trên, nay thuộc huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc.

_________________________
Danh tướng Việt Nam 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 2 Signat21
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Danh tướng Việt Nam 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: LÊ DUY MẬT   Danh tướng Việt Nam 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 2 I_icon13Fri 05 Mar 2010, 00:18

05. LÊ DUY MẬT (? - 1770)


“Lê Duy Mật là người chí thân của vua Lê,
đau về nỗi nhà Lê không sao ngóc đầu lên được nên đã đem thân
ra xa mãi chốn núi rừng để đánh giặc. Việc Lê Duy Mật làm có thể
gọi là danh chính ngôn thuận, không thể ví như bọn giặc cỏ được.
Dẫu rằng lòng trời chẳng còn muốn giúp nhà Lê, khiến cho việc của
Lê Duy Mật không thể thành công, nhưng, nói về nghĩa lớn vua tôi
thì không bao giờ mai một được”1.



Chuyện bắt đầu từ trong hoàng cung

Tháng 4 năm Kỷ Dậu (1729), chúa Trịnh lúc bấy giờ là Trịnh Cương đã ép vua Lê Dụ Tông2 phải nhường ngôi cho con thứ là Lê Duy Phường3. Lê Dụ Tông sợ bị chúa Trịnh bức bách, cho nên đã lặng lẽ chấp nhận việc này. Lê Duy Phường ở ngôi được ba năm thì bị chúa Trịnh lúc đó là Trịnh Giang vu cho tội thông dâm với vợ của cha hắn là Trịnh Cương rồi phế làm Hôn Đức công. Tháng 9 năm 1732, Lê Duy Phường bị Trịnh Giang giết khi mới vừa 26 tuổi. Sự kiện này đã tạo ra một làn sóng phản kháng mạnh mẽ trong hoàng tộc cũng như bá quan văn võ.

Lợi dụng sự bất bình này, tháng 12 năm Mậu Ngọ (1738), Lê Duy Mật4, Lê Duy Chúc5 và Lê Duy Quy6 đã cùng với một loạt văn thần và võ tướng khác, như Phạm Công Thế7, Vũ Thước8, Lại Tế Thế9... v.v. đã bí mật họp bàn tính kế đốt kinh thành, lật đổ Trịnh Giang. Nhưng, kế lớn chưa kịp tiến hành đã bị bại lộ và Trịnh Giang đã thẳng tay đàn áp. Lê Duy Quy chạy đi Cẩm Thủy10 và sau đó thì lâm bệnh và mất. Lê Duy Mật và Lê Duy Chúc thì chạy đến Nghi Dương11. Ở Nghi Dương chưa được bao lâu thì Lê Duy Chúc cũng lâm bệnh mà qua đời. Lực lượng hoàng tộc nhà Lê quyết chí chống lại họ Trịnh, lúc ấy chỉ còn lại một mình Lê Duy Mật nữa mà thôi.

Từ đây, một cuộc khởi nghĩa lớn do Lê Duy Mật cầm đầu đã hình thành ở vùng thượng du phía Tây của Thanh Hóa. Khẩu hiệu đầu tiên của Lê Duy Mật là Phù Lê diệt Trịnh. Tuy không tạo được sức hút mạnh mẽ đối với toàn xã hội, nhưng chính khẩu hiệu này lại có tác dụng khá to lớn đối với đội ngũ trí thức Nho học đương thời. Có không ít Nho sĩ đã hăng hái tề tựu dưới ngọn cờ của Lê Duy Mật, một phần cũng bởi lí do quan trọng này.

Trước khi khởi sự, Lê Duy Mật đã cho phổ biến rộng rãi bài hịch của mình. Trong bài hịch đó, Lê Duy Mật vừa ca ngợi công đức của Lê Thái Tổ, ca ngợi cống hiến của các bậc tiên đế nhà Lê, vừa lên án sự chuyên quyền độc đoán của họ Trịnh, đồng thời, kêu gọi tất cả mọi người hãy đồng lòng vùng lên trừ khử họ Trịnh và trả lại quyền uy ngôi báu cho nhà Lê. Với nhân dân đang bị đọa đày, giềng mối chính thống của nhà Lê chẳng có ý nghĩa gì đáng kể nữa, nhưng, chí lớn và lời hịch khảng khái của Lê Duy Mật lại khiến cho họ rất cảm kích.
Giữa họ và Lê Duy Mật, lúc đầu tuy địa vị và nếp nghĩ rất khác nhau, nhưng lại có chung một kẻ thù, đó là ách thống trị tàn bạo của tập đoàn họ Trịnh. Họ tập hợp và chiến đấu anh dũng dưới ngọn cờ của Lê Duy Mật, trước hết và chủ yếu cũng bởi sự trùng hợp tự nhiên này.

Những thử thách và tổn thất đầu tiên

Ngay khi vừa phát hiện kế hoạch đốt cháy kinh thành của Lê Duy Mật, Trịnh Giang đã hạ lệnh vây bắt để trừng trị rất gắt gao. Như trên đã nói, Lê Duy Mật và những người đồng lòng hợp mưu đã phải vội vã trốn khỏi kinh thành Thăng Long. Trịnh Giang liền sai quân đuổi theo. Vũ Thước bị bắt và bị giam vào ngục tối. Sau dó không bao lâu, Vũ Thước bị đem ra xử tử.

Lê Duy Mật chạy đến Nghi Dương. Trong thế bức bách, ông thấy không thể nào ở lại đất Nghi Dương được. Rất may cho Lê Duy Mật, một viên thổ hào của huyện Nghi Dương là Ngô Hưng Tạo đã đưa ông vượt biển vào Nam, đến với đất tổ của nhà Lê là Thanh Hóa.

Tháng 12 năm 1738, cuộc đụng độ đầu tiên giữa quân đội của chúa Trịnh Giang với lực lượng của Lê Duy Mật đã xảy ra. Trong cuộc đụng độ này, một nhân vật rất thân tín của Lê Duy Mật là Phạm Công Thế đã bị bắt và sau đó là bị giết. Sử cũ viết rằng:

“Lúc bấy giờ, Phạm Công Thế đang giữ chức Đông Các Hiệu Thư, theo (Lê) Duy Mật dấy quân, đánh nhau rồi bị bắt. Bầy tôi trong triều trách (Phạm) Công Thế rằng:

- Nhà ngươi là người khoa giáp, tại sao lại đi theo bọn phản nghịch?

(Phạm) Công Thế cười và nói:

- Danh phận không rõ đã từ lâu, thuận nghịch lấy đâu mà phân biệt?

Nói rồi vươn cổ chịu chém, không hề tỏ sự nao núng hay khuất phục”12.

Cái chết của Vũ Thước rồi kế đến là cái chết của Phạm Công Thế, thực sự là những tổn thất lớn của Lê Duy Mật và những người cùng chí hướng với ông. Trong bối cảnh đầy khó khăn như vậy, nếu không biết khôn khéo xây dựng và phát triển lực lượng mà lại công khai đối địch vũ trang với quân đội của chúa Trịnh là hết sức sai lầm. Xuất phát từ nhận thức đó, Lê Duy Mật đã lặng lẽ rút lui về miền thượng du ở phía tây Thanh Hóa và từng bước xây dựng căn cứ hoạt động cho mình tại đây.

Trong khoảng hai năm (từ năm 1738 đến năm 1740), Lê Duy Mật đã thực sự chung sống với nhân dân thượng du, có cơ hội để hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng cũng như những sở trường và sở đoản của họ. Đây là hai năm đầu tiên nhưng cũng là hai năm có ý nghĩa rất đặc biệt đối với Lê Duy Mật. Từ một người có địa vị cao sang trong hoàng tộc, ông đã đến với nhân dân, chịu sự cảm hóa mạnh mẽ của nhân dân để rồi dần dần trở thành một lãnh tụ thực sự của nhân dân. Nói khác hơn, tuy không phải xuất thân áo vải, nhưng, Lê Duy Mật cũng là một trong những thủ lĩnh xuất sắc của lực lượng nông dân áo vải trong cuộc đấu tranh xã hội quyết liệt đương thời.

Căn cứ đầu tiên của Lê Duy Mật ở Thanh Hóa là vùng huyện Thạnh Thành ngày nay. Tại đây, Lê Duy Mật đã cho xây dựng dinh lũy tại xã Ngọc Lâu. Ông xưng là Thiên Nam Đế Tử. Một guồng máy chỉ huy khởi nghĩa nhanh chóng được tổ chức và ngày càng được nâng cao. Thuận lợi đáng kể nhất của Lê Duy Mật lúc này là sự phân hóa và chia rẽ trong nội bộ cung vua và phủ chúa, sự sa đọa của Trịnh Giang và những cuộc vùng dậy của đồng bào các dân tộc ít người. Nhưng, cũng trong hai năm đầu tiên, khó khăn của Lê Duy Mật là phải chống trả hàng loạt những cuộc tấn công đàn áp đẫm máu của quân đội chúa Trịnh. Lúc này, các cuộc khởi nghĩa lớn do Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ và đặc biệt là do Nguyễn Hữu Cầu, Hoàng Công Chất và Nguyễn Danh Phương chỉ huy, hoặc chỉ vừa mới hình thành, hoặc đang trong thời kì chuẩn bị, cho nên, chưa thể góp phần phân tán sức mạnh quân sự của họ Trịnh, chưa thể “chia lửa” một cách tự nhiên đối với Lê Duy Mật.

Tháng 1 năm 1740, Trịnh Doanh đã khôn khéo thực hiện được cuộc phế truất Trịnh Giang và lên ngôi chúa. Trịnh Giang tuy được tôn làm Thượng Vương nhưng kì thực là đã bị mất hết mọi quyền hành. Về phần mình, ngay sau khi lên ngôi chúa, Trịnh Doanh đã ra lệnh đàn áp một cách khốc liệt đối với mọi phong trào đấu tranh của nhân dân. Nhưng, cũng đúng lúc Trịnh Doanh lên ngôi chúa, một loạt những cuộc khởi nghĩa lớn đã bùng nổ. Cơ hội để Lê Duy Mật tìm cách đẩy mạnh và mở rộng hoạt động đã hình thành. Và, Lê Duy Mật cũng đã không bỏ qua cơ hội thuận lợi đó.


Bình tĩnh chống trả âm mưu kết hợp giữa tấn công với mua chuộc của Trịnh Doanh

Cuối tháng giêng năm 1740, từ căn cứ Ngọc Lâu, Lê Duy Mật cho quân tràn ra, tấn công dồn dập vào các đồn lũy của quân đội chúa Trịnh ở hai huyện Phúc Lộc13 và Tiên Phong14. Khắp các địa phương của trấn Sơn Tây bị náo dộng. Trịnh Doanh vội vã trao cho Trần Đình Miên15 chức Đốc Lãnh Sơn Tây, cầm quân đi đánh dẹp. Trần Đình Miên cất quân chưa được bao lâu thì Trịnh Doanh lại sai tiếp quan giữ chức Bồi Tụng là Nguyễn Bá Lân16 đem cả bộ binh lẫn tượng binh lên tiếp ứng. Dù quân số đã rất đông, Trần Đình Miên và Nguyễn Bá Lân vẫn tiếp tục chiêu mộ thêm binh sĩ, quyết dùng lực lượng áp đảo để đàn áp cho bằng được nghĩa binh của Lê Duy Mật. Trước tình thế khó khăn này, Lê Duy Mật liền cho lui quân về Thanh Hóa. Trần Đình Miên và Nguyễn Bá Lân cũng không dám cho quân mạo hiểm đuổi theo.

Tháng 5 năm 1740, một biến cố chính trị khá lớn nữa lại xảy ra trong kinh thành Thăng Long. Bấy giờ, Trịnh Doanh đã ép vua Lê Ý Tông17 phải nhường ngôi cho cháu là Lê Duy Diêu18 để lên làm Thái Thượng Hoàng. Sử cũ viết rằng:

“Lê Duy Diêu là con trưởng (của vua Lê Thuần Tông), lẽ ra đã được lập làm vua từ trước, nhưng vì có chú ruột là (Lê) Duy Mật dấy quân cho nên, Trịnh Giang ghét mà truất đi đã lâu, lại còn giam vào ngục cấm. Đến đây, Trịnh Doanh sai người bí mật dời Lê Duy Diêu đến ở tại nhà Bính Quận Công Vũ Tất Thận19. Vũ Tất Thận không hề được báo trước chuyện này, nhưng một hôm, ông nằm mơ thấy một người ra vẻ “kẻ cả” đến nhà, cờ quạt, âm nhạc... nghi trượng hệt như là thiên tử. Hôm sau thì thấy (Lê) Duy Diêu đến. (Vũ) Tất Thận bèn đem chuyện nằm mơ nói với (Trịnh) Doanh. (Trịnh) Doanh cũng muốn nhờ cậy ở phúc đức của (Lê) Duy Diêu, bèn bàn với các đại thần tôn lập (Lê Duy Diêu) làm vua. Xong, xin vua (Lê Ý Tông) nhường ngôi cho (Lê) Duy Diêu. Trong tờ chiếu nhường ngôi của Lê Ý Tông có đoạn:

- Nghĩ bọn gian ngoan và ngu tối đang quấy rối ở chốn biên cương20, nên muốn kinh kì được yên, bốn biển được tĩnh, mới theo lẽ chính đáng, suy tôn người đích trưởng, cốt sao kính trọng giềng mối chính thống và thuận theo lòng dân”21.


Đây thực chất là một âm mưu mua chuộc của Trịnh Doanh. Thông qua việc đưa Lê Duy Diêu lên ngôi, Trịnh Doanh hi vọng sẽ làm lung lay ý chí của Lê Duy Mật, bởi vì một khi ngôi đích trưởng của họ Lê đã được xác lập, ngọn cờ phù Lê của Lê Duy Mật sẽ thật khó mà vững vàng. Lê Duy Diêu là cháu gọi Lê Duy Mật bằng chú ruột, nếu Lê Duy Mật chấp thuận bỏ vũ khí trở về với triều đình, ắt hẳn đặc quyền đặc lợi của Lê Duy Mật cũng sẽ được bảo vệ. Tóm lại, biến cố tuy xảy ra trong hoàng thành nhưng mối liên hệ thì vươn đến tận biên cõi xa xôi. Khác với tính toán của chúa Trịnh Doanh, Lê Duy Mật nhận ra rất rõ, rằng đó bất quá chỉ là đòn phủ đầu thường thấy của các chúa Trịnh đối với vua Lê mỗi khi nhà chúa muốn xác lập quyền uy lúc mới lên ngôi mà thôi. Và, Lê Duy Diêu nhiều lắm thì cũng chỉ là con bài tội nghiệp của chúa Trịnh, chẳng có thực lực hay quyền uy gì cả...


____________________________________
1. Lời cẩn án của các sử gia thời Nguyễn trong Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Chính biên, quyển 37, tờ 25).
2. Tên thật là Lê Duy Đường, ở ngôi từ năm 1705 đến năm 1729, làm Thượng Hoàng từ năm 1729 đến năm 1731, mất vào tháng 1 năm 1731, thọ 51 tuổi.
3. Lê Duy Phường là con thứ của Lê Dụ Tông, cũng là cháu ngoại của chính Trịnh Cương. Lê Duy Phường tức Lê Đế Duy Phường, ở ngôi ba năm (1729-1732).
4. Lê Duy Mật là con thứ của vua Lê Dụ Tông (1705-1729)
5. Lê Duy Chúc là con thứ của vua Lê Hy Tông (1675-1705), tức là vai chú ruột của Lê Duy Mật và Lê Duy Quy.
6. Lê Duy Quy là con thứ của vua Lê Dụ Tông (1705-1729).
7. Phạm Công Thế người làng Hoàng Xá, huyện Đông Quan (nay là xã Phương Đông, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình), đỗ Tiến Sĩ năm 1727.
8. Hiện vẫn chưa rõ lai lịch của Vũ Thước.
9. Lại Tế Thế người làng Quang Lãng, huyện Tống Sơn, (nay thuộc tỉnh Thanh Hóa).
10. Cẩm Thủy là một trong những huyện của phủ Quảng Hóa (nay thuộc Thanh Hóa).
11. Nghi Dương là một trong những huyện của phủ Kinh Môn (nay thuộc Hải Dương). Lê Duy Mật và Lê Duy Chúc chỉ ở Nghi Dương một thời gian rất ngắn. Sau khi Lê Duy Chúc qua đời, Lê Duy Mật đã đem hết những người tùy tùng chạy vào Thanh Hóa và phát động khởi nghĩa tại vùng đất này.
12. Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Chính biên, quyển 38, tờ 7).
13. Huyện Phúc Lộc cũng tức là huyện Phúc Thọ. Nay huyện này thuộc tỉnh Hà Tây.
14. Huyện Tiên Phong cũng tức là huyện Tân Phong. Nay huyện này thuộc tỉnh Hà Tây.
15. Trần Đình Miên cũng tức là Trần Đình Cẩm. Hiện chưa rõ lai lịch.
16. Nguyễn Bá Lân (1701-1786) người làng Cổ Đô, huyện Tiên Phong (nay là thôn Cổ Đô, xã Cổ Đô huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây), đỗ Tiến Sĩ năm 1731.
17. Lê Ý Tông tên thật là Lê Duy Thận, con thứ 11 của vua Lê Dụ Tông. Lê Ý Tông ở ngôi 5 năm (1735-1740).
18. Tức vua Lê Hiển Tông (1740-1786).
19. Vũ Tất Thận là em của Vũ Thái Phi (vợ Trịnh Cương).
20. Chỉ cuộc khởi nghĩa của Lê Duy Mật.
21. Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Chính biên, quyển 38, tờ 31).

_________________________
Danh tướng Việt Nam 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 2 Signat21
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Danh tướng Việt Nam 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: LÊ DUY MẬT   Danh tướng Việt Nam 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 2 I_icon13Fri 05 Mar 2010, 00:38

Cuộc đụng độ với tướng Đặng Đình Mật ở Sơn Tây (9-1741)

Tháng 9 năm 1741, nghĩa là chẳng bao lâu sau các trận giáp chiến với Trần Đình Miên và Nguyễn Bá Lân, Lê Duy Mật lại táo bạo cho quân tấn công ra Bắc lần thứ hai. Lần này, nghĩa quân Lê Duy Mật men theo An Hóa1 và Phụng Hóa2, băng qua Mỹ Lương3 và Minh Nghĩa4 rồi đánh đến tận Hưng Hóa và Sơn Tây. Cuộc tấn công này khiến cho Trịnh Doanh rất lo ngại, vì vậy mới sai Đặng Đình Mật5 là một trong những viên tướng thân tín nhất đem quân đi đàn áp. Sử cũ viết:

“Trịnh Doanh thấy (Đặng) Đình Mật là con nhà thuộc dòng dõi thế thần, vừa là chỗ thân thích lại cũng vừa là kẻ có công, nên muốn đãi ngộ hơn các tướng khác. (Trịnh Doanh) liền cho triệu (Đặng Đình Mật) đến, trao cho thanh kiếm vàng lại còn ban cho cả cờ mao và phủ việt6 của tướng quân. Đã thế, (Trịnh Doanh) còn chọn ngày làm lễ bái yết cung miếu7 rồi mới sai đi đánh. Trước đó, triều đình sai tướng đem quân đi đánh dẹp, chưa bao giờ cử hành lễ này”8.

Đặng Đình Mật được Trịnh Doanh trao quyền Thống Lãnh, chỉ huy quân các đạo ở Thanh Hóa, An Sơn9 Mỹ Lương và Chương Đức10 trong trận đánh quan trọng này. Để tạo sự bất ngờ, nhân đêm tối, Đặng Đình Mật cho quân tấn công vào lực lượng của Lê Duy Mật. Nghĩa quân Lê Duy Mật tuy có bị lúng túng trong cuộc giao tranh đầu tiên, nhưng ngay sau đó đã nhanh chóng tìm được phương pháp đánh trả thích hợp. Một trận đồ nghi binh và mai phục được hình thành. Đặng Đình Mật tuy đã cố gắng hết sức vẫn không sao có thể đè bẹp được nghĩa quân. Tuy nhiên, do tình thế chưa cho phép đẩy mạnh và mở rộng hơn nữa những trận đụng độ với các đạo quân của Đặng Đình Mật, Lê Duy Mật đã hạ lệnh rút lui về Văn Lãng11, rồi từ Văn Lãng, tìm đường lui về với căn cứ Ngọc Lâu.

Khi phần lớn lực lượng của Lê Duy Mật đã trở về căn cứ Ngọc Lâu, tình hình Thanh Hóa ngày một trở nên căng thẳng. Trịnh Doanh cho rằng, muốn đàn áp được Lê Duy Mật, muốn làm dịu lòng dân ở miền đất đặc biệt này, trước hết phải biết khôn khéo tìm cách phủ dụ và trấn an. Xuất phát từ nhận định đó, Trịnh Doanh đã sai hai văn thần rất tin cậy là Lê Hữu Kiều12 và Hà Tông Huân13 đến Thanh Hóa. Bấy giờ, Lê Hữu Kiều đang giữ chức Bồi Tụng trong phủ chúa được điều đến Thanh Hóa giữ chức Lưu Thủ, còn Hà Tông Huân là Binh Bộ Thượng Thư, quyền Tham Tụng. Đưa một nhân vật quê Thanh Hóa, rất có danh vọng với đời như Hà Tông Huân, về ngay chính đất Thanh Hóa để phủ dụ nhân dân, Trịnh Doanh hi vọng sẽ cô lập được Lê Duy Mật. Nhưng, mưu sâu này của Trịnh Doanh cũng không thu được kết quả gì. Căn cứ Ngọc Lâm nhìn chung vẫn được giữ vững, đất Thanh Hóa vẫn chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của Lê Duy Mật.

Trận Thịnh Mỹ (10-1742) và trận Kinh Lão (3-1749)

Trong khi Lê Hữu Kiều và Hà Tông Huân đang ra sức tìm cách để phủ dụ nhân dân Thanh Hóa thì Lê Duy Mật đã cho quân đánh vào Nghệ An. Nghĩa quân Lê Duy Mật chiếm được Cổ Nam14 và nhanh chóng biến Cổ Nam thành một căn cứ mới của mình. Khoảng giữa năm 1742, Lê Duy Mật bất ngờ đưa quân tiến ra Lôi Dương15, đánh bại quân đội của chúa Trịnh đóng ở thành Bái Thượng16. Nhân đà thắng lợi, Lê Duy Mật còn định cho quân vượt đò Lương Giang17 để ra An Trường18.

Tháng 10 năm 1742, Trịnh Doanh hạ lệnh cho Đặng Đình Mật phải gấp rút đem quân đi đánh trả. Hà Tông Huân và Nguyễn Nghiễm19 cũng được điều đến để giúp sức cho Đặng Đình Mật. Đại binh của họ Trịnh do tướng Đặng Đình Mật cầm đầu đã đánh một trận khá lớn với nghĩa quân Lê Duy Mật tại Thịnh Mỹ20. Với ưu thế áp đảo về quân số, Đặng Đình Mật quyết tiêu diệt hoàn toàn lực lượng của Lê Duy Mật ngay tại Thịnh Mỹ và các vị trí khác thuộc huyện Lôi Dương. Rất tiếc là viên tướng khét tiếng mưu dũng hơn người này đã không thể nào thực hiện được tham vọng đó. Lê Duy Mật vừa tổ chức đánh trả một cách ngoan cường, vừa khôn khéo tìm cách bố trí lui quân để bảo toàn lực lượng. Khi Đặng Đình Mật vào được Thịnh Mỹ thì nghĩa quân Lê Duy Mật đã rút về Lang Chánh21 rồi.

Tại Lang Chánh, Lê Duy Mật vừa xây căn cứ mới, vừa tổ chức cho quân khai khẩn đất hoang, sản xuất và tích trữ lương thực, đồng thời, không ngừng chiêu mộ thêm lực lượng. Sau bảy năm (1742-1749), sức mạnh của nghĩa quân chẳng những đã được hồi phục mà còn phát triển hơn trước. Lang Chánh trở thành đầu não của nghĩa quân trong một thời gian khá dài.

Tháng 3 năm 1749, từ Lang Chánh, Lê Duy Mật đã cho quân bất ngờ vượt đường xa, đánh thẳng vào Kinh Lão22. Đây là một vị trí cách kinh thành Thăng Long không xa, vì thế, Trịnh Doanh rất lấy làm lo lắng. Đã vậy, phối hợp chặt chẽ với Lê Duy Mật, đạo quân do thủ lĩnh Tương23 chỉ huy cũng tình nguyện đánh mạnh vào Kiệt Sơn24 nhằm tạo ra thế thanh viện lẫn nhau, không dễ gì đàn áp được. Trước tình hình nguy cấp đó, Trịnh Doanh đã có hai quyết định quan trọng. Một là sai Văn Đình Ức25 và Mai Thế Chuẩn26 đem quân đánh chặn bước tiến của Lê Duy Mật và Thủ Lĩnh Tương. Hai là mật sai Lân Trung Hầu27 đem quân vào Thanh Hóa, đánh ồ ạt vào căn cứ của Lê Duy Mật. Văn Đình Ức và Mai Thế Chuẩn đánh trả rất quyết liệt nhưng vẫn không thu được thắng lợi nào đáng kể. Lân Trung Hầu dốc sức đánh vào Ngọc Lâu. Lúc này, Ngọc Lâu không còn là căn cứ đầu não nữa, nhưng, cuộc tấn công vào Ngọc Lâu quả thật là một đòn rất hiểm của Trịnh Doanh. Tin cáo cấp đưa ra, Lê Duy Mật buộc phải đình chỉ cuộc tấn công để kéo quân về Thanh Hóa.


_____________________________________
1. An Hóa là tên huyện, xưa thuộc phủ Thiên Quan, nay thuộc tỉnh Ninh Bình.
2. Phụng Hóa là tên huyện, xưa thuộc phủ Thiên Quan, nay thuộc tỉnh Ninh Bình.
3. Mỹ Lương là tên huyện. Huyện này xưa thuộc trấn Sơn Tây, nay thuộc tỉnh Hà Tây.
4. Minh Nghĩa là tên huyện. Huyện này xưa thuộc trấn Sơn Tây, nay thuộc tỉnh Hà Tây.
5. Đặng Đình Mật người làng Lương Xá, huyện Chương Đức (nay thuộc huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây). Ông là con của Huân Quận Công Đặng Đình Gián và là cháu của Ứng Quận Công Đặng Đình Tướng.
6. Phủ việt là cái búa có sắc vàng, vua dùng khi đi đánh dẹp. Đây ban cho tướng là tỏ sự đặc biệt trọng vọng.
7. Cung miếu là nơi thờ các chúa Trịnh.
8. Khâm định Việt sử thông giám cương mục(Chính biên, quyển 39, tờ 17).
9. An Sơn cũng tức là Ninh Sơn hay Yên Sơn, là tên một huyện thuộc trấn Sơn Tây xưa, nay thuộc Hà Tây.
10. Chương Đức là tên huyện, nay thuộc tỉnh Hà Tây.
11. Văn Lãng là tên huyện, nay thuộc tỉnh Thái Nguyên.
12. Lê Hữu Kiều (1691-1760) người làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, nay là thôn Liêu Xá, xã Liêu Xá, huyện Mỹ Văn, tỉnh Hưng Yên, đỗ Tiến Sĩ năm 1718. Ông là con út của Hoàng Giáp Lê Hữu Danh, em của Tiến Sĩ Lê Hữu Hỷ, và Tiến Sĩ Lê Hữu Mưu, chú của Tiến Sĩ Lê Trọng Tín và Tiến Sĩ Lê Hữu Dung.
13. Hà Tông Huân (1697-1766) cũng tức là Hà Huân, người làng Kim Vực huyện Yên Định, nay thuộc huyện Thiệu Yên, tỉnh Thanh Hóa, đỗ Bảng Nhãn năm 1724.
14. Cổ Nam xưa thuộc châu Quy Hóa, nay là Quỳ Châu (Nghệ An).
15. Lôi Dương nay thuộc tỉnh Thanh Hóa.
16. Bái Thượng là tên làng ở huyện Lôi Dương (nay thuộc tỉnh Thanh Hóa).
17. Lương Giang cũng tức là Ngu Giang, tên một chi lưu của sông Mã ở huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
18. An Trường là tên làng ở huyện Thụy Nguyên (nay thuộc Thanh Hóa).
19. Nguyễn Nghiễm người làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân (nay thuộc Hà Tĩnh), đỗ Hoàng Giáp năm 1731. Ông là cha của Tiến Sĩ Nguyễn Khản và thi hào Nguyễn Du.
20. Thịnh Mỹ là tên làng. Làng này thuộc huyện Lôi Dương xưa, nay thuộc tỉnh Thanh Hóa.
21. Lang Chánh là tên châu, nay thuộc Thanh Hóa.
22. Kinh Lão là tên làng. Làng này thuộc huyện Mỹ Lương xưa, nay thuộc tỉnh Hà Tây.
23. Xin tham khảo thêm mục 3-Bốn phương rầm rộ khởi binh thuộc phần I của chương thứ nhất.
25. Kiệt Sơn là tên làng. Làng này thuộc huyện Mỹ Lương xưa, nay thuộc tỉnh Hà Tây.
25. Văn Đình Ức người làng Lạc Phố, huyện Hương Sơn. Nay đất này thuộc địa phận tỉnh Hà Tĩnh. Văn Đình Ức đỗ Tạo Sĩ (Tiến Sĩ võ).
26. Mai Thế Chuẩn (1703-1761) người làng Thạch Tuyền, huyện Nga Sơn, nay thuộc huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa, đỗ Tiến Sĩ năm 1731. Ông làm quan văn được phong tới Hữu Thị Lang, sau chuyển sang ngạch quan võ, được phong tới Hữu Hiệu Điểm, quyền Phủ Sự.
27. Lân Trung Hầu hiện chưa rõ họ tên và lai lịch.

_________________________
Danh tướng Việt Nam 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 2 Signat21


Được sửa bởi Ý Nhi ngày Thu 11 Mar 2010, 00:10; sửa lần 1.
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Danh tướng Việt Nam 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: LÊ DUY MẬT (tt)   Danh tướng Việt Nam 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 2 I_icon13Fri 05 Mar 2010, 01:02

Đánh Quỳ Châu và Trà Long (5-1763), tướng giữ chức Đốc Suất ở trấn Nghệ An là Văn Đình Ức thua trận và bị Trịnh Doanh lột hết chức tước

Sau trận đụng độ với Lê Duy Mật ở Kinh Lão, tướng Văn Đình Ức được bổ làm Đốc Suất ở trấn Nghệ An. Văn Đình Ức là một kẻ tham lam, “bòn rút của dân, chính lệnh hà khắc, lại còn hay nhũng nhiễu dân lành, bị thuộc hạ nhiều phen tố cáo”1. Suốt thời gian giữ chức Đốc Suất ở Nghệ An, ngoài việc bòn rút và vơ vét của dân, Văn Đình Ức hầu như không làm được bất cứ một việc gì. Nhân lòng căm giận của dân, đầu tháng 5 năm 1763, Lê Duy Mật cho quân đánh vào Trấn Ninh2 và Cao Châu3. Thấy tình hình nguy cấp, viên tù trưởng của Trấn Ninh là Lư Cầm sai người đi cấp báo cho Văn Đình Ức. Thay vì đem quân đến Trấn Ninh, Văn Đình Ức đã bắt giam người của Lư Cầm!

Trấn Ninh và Cao Châu nhanh chóng bị nghĩa quân Lê Duy Mật khống chế và kiểm soát. Tướng dưới quyền của Văn Đình Ức là Võ Tá Đoan4 xin xuất quân mãi mà không được, bèn dâng thư tố cáo Văn Đình Ức về triều đình. Trong khi đó, Lê Duy Mật cũng không bỏ qua cơ hội hiếm hoi, tung quân đánh vào Quỳ Châu5 và Trà Long6. Lần này, Văn Đình Ức mới quyết định đưa quân đi đánh trả, nhưng, tất cả đã muộn màng. Những vị trí then chốt ở Quỳ Châu và Trà Long đều đã bị nghĩa quân Lê Duy Mật chiếm lĩnh. Văn Đình Ức thua trận, bị đem ra xét xử. Triều đình đương thời luận tội rằng: “Văn Đình Ức dối trên lừa dưới, phải khép vào án tử hình, nhưng Trịnh Doanh lấy cớ rằng Văn Đình Ức là người từng có công lao, cho nên, chỉ lột hết quan chức, cho về làm dân”7.

Sau trận đánh quan trọng này, Lê Duy Mật biến toàn bộ những vùng đất mới chiếm được ở Nghệ An thành căn cứ mới của mình. Đại bản doanh của Lê Duy Mật đặt tại động Trình Quang8. Bao quanh đại bản doanh Trình Quang là Nội Phủ và Ngoại Phủ (tức là những cơ quan trực thuộc của Lê Duy Mật). Án ngữ phía ngoài Nội Phủ và Ngoại Phủ là cả một hệ thống đồn lũy. Sử cũ cho biết có tất cả 16 đồn lũy với đầy đủ thành cao, hào sâu, đài quan sát và điếm canh từ xa để bảo vệ một cách cẩn thận9. Từ đây, hàng loạt những cuộc tấn công xuống đồng bằng Nghệ An và đồng bằng Thanh Hóa liên tiếp được tổ chức.

Trịnh Doanh vội vã bổ dụng Bùi Thế Đạt10 nắm giữ các việc ở Nghệ An, kiêm giữ chức Đốc Suất, “được tùy ý lo xếp đặt mọi việc”11. Tháng 7 năm 1764, Trịnh Doanh lại bổ dụng viên hoạn quan thân tín là Đàm Xuân Vực12 làm Thống Suất cả hai trấn Thanh Hóa và Nghệ An. Nhưng, thêm Bùi Thế Đạt rồi thêm cả Đàm Xuân Vực, tình hình Thanh Hóa và Nghệ An vẫn không thay đổi. Nghĩa quân Lê Duy Mật vẫn tồn tại và hoạt động rất mạnh mẽ.

Trận Hương Sơn (4-1767)

Khi Lê Duy Mật đang chiếm được nhiều vùng đất rộng lớn của Thanh Hóa và Nghệ An thì ở Thăng Long, chúa Trịnh Doanh qua đời13. Tin này truyền đến Trình Quang khiến cho Lê Duy Mật và toàn thể lực lượng của ông rất hồ hởi. Một kế hoạch tấn công cấp tốc được thông qua. Lần này, Lê Duy Mật chủ trương kết hợp giữa việc mở rộng phạm vi ảnh hưởng ở vùng đồng bằng Nghệ An với việc đánh mạnh xuống khu vực phía nam sông Lam.

Ở Nghệ An, mục tiêu chính của Lê Duy Mật là đất Thanh Chương14. Ở phía nam sông Lam, mục tiêu chính của Lê Duy Mật là đất Hương Sơn15. Ngoài lực lượng chủ yếu là bộ binh, khá nhiều voi chiến cũng được huy động vào cuộc tấn công bất ngờ này. Tháng 4 năm 1767, quân Lê Duy Mật đồng loạt ra trận. Tướng chỉ huy quân đồn trú của họ Trịnh tại Nghệ An là Hà Lãm16 không sao chống đỡ nổi, liền bỏ chạy thục mạng. Tại phía nam sông Lam, nghĩa quân Lê Duy Mật cũng nhanh chóng chiếm được Hương Sơn. Tin thua trận liên tục truyền về Thăng Long, chúa mới lên nối nghiệp là Trịnh Sâm17 rất lo lắng.

Để cứu nguy, Trịnh Sâm liền sai Nguyễn Nghiễm đến Nghệ An, giữ chức Hiệp Đốc Suất, cùng với quan giữ chức Đốc Suất đã có mặt ở Nghệ An trước đó là Bùi Thế Đạt để cùng nhau bàn định kế sách đánh dẹp. Bùi Thế Đạt và Nguyễn Nghiễm vừa dốc hết lực lượng, vừa cưỡng bức dân đi lính và làm dân phu, vất vả trong một thời gian khá dài mới tạm đẩy lùi được các đạo quân của Lê Duy Mật. Nghĩa quân rút về Trấn Ninh, tiếp tục chiếm đóng và khống chế Trấn Ninh, Cao Châu, Quỳ Châu và Trà Long như cũ.


Bị con rể là Lại Thế Thiều phản phúc, anh hùng ôm hận tự thiêu (1-1770)

Tại Trình Quang, thanh thế của Lê Duy Mật ngày một lên cao. Ảnh hưởng của nghĩa binh Lê Duy Mật không phải chỉ dừng lại ở Nghệ An và Thanh Hóa mà còn lan sang tận cả đất Lào. Một khối đoàn kết chống tập đoàn họ Trịnh ngày càng được mở rộng và củng cố. Điều này khiến cho chúa mới nối nghiệp là Trịnh Sâm rất tức tối. Tháng 8 năm Kỷ Sửu (1769), Trịnh Sâm sai viên quan lúc ấy đang giữ chức Tham Nghị ở Nghệ An là Nguyễn Mậu Dĩnh18 đem thư tới phủ dụ, nhưng Nguyễn Mậu Dĩnh không được vào Trình Quang. Trước tình thế đó, Trịnh Sâm quyết chí dùng đại binh để đàn áp. Kế hoạch của Trịnh Sâm là đồng thời đưa cả ba đạo quân lớn, nhất loạt đánh vào Trấn Ninh mà mục tiêu quan trọng nhất ở Trấn Ninh là thành Trình Quang. Ba đạo quân đó gồm có:

- Đạo thứ nhất là tất cả quân sĩ Nghệ An, đặt dưới quyền chỉ huy chung của Thống Lãnh Bùi Thế Đạt.

- Đạo thứ hai bao hàm tất cả quân sĩ ở Thanh Hóa, do Nguyễn Phan19 cầm đầu.

- Đạo thứ ba gồm toàn bộ quân sĩ ở Hưng Hóa, do Đốc Lãnh Hoàng Đình Thể20 điều khiển.

Nghe tin đại binh của họ Trịnh kéo đến, Lê Duy Mật đã bình tĩnh bố trí trận địa, sẵn sàng đánh trả. Ba đạo quân lớn, vũ khí đầy đủ, lương thực dồi dào, nhưng phải đánh mãi từ tháng 8 năm 1769 đến tháng 1 năm 1770 mới tiến đến được ở phía ngoài của Ngoại Phủ Trình Quang mà thôi.

Trình Quang là một vị trí rất hiểm yếu. Ngoài 16 đồn lũy bảo vệ rất chắc chắn cho Ngoại Phủ và Nội Phủ, ngoài thành cao, hào sâu được xây dựng rất kiên cố, nơi đây còn có vách núi cheo leo, không dễ gì vượt qua được. Bấy giờ, Lê Duy Mật chủ trương cố thủ trong thành, không vội động binh. Các tướng của chúa Trịnh sợ mắc mưu của Lê Duy Mật nên cũng không dám tiến.

Thấy đại quân bị sa lầy, Trịnh Sâm vội điều thêm tướng Hoàng Ngũ Phúc21 tới Nghệ An. Hoàng Ngũ Phúc không vội đem quân đi đánh mà sai người bắt và tìm cách dụ hàng mẹ của Lại Thế Thiều22. Đối với Lê Duy Mật, Lại Thế Thiều vừa là tướng tâm phúc, lại cũng vừa là con rể, cho nên rất được tin cậy. Biết rõ điều ấy, Hoàng Ngũ Phúc đã kết hợp giữa hù dọa với dụ dỗ và mua chuộc để mẹ của Lại Thế Thiều chịu viết thư cho con, xúi giục Lại Thế Thiều chống Lê Duy Mật, làm nội ứng cho quân sĩ họ Trịnh. Và, Lại Thế Thiều đã đồng ý. Sử cũ chép rằng:

“Lại Thế Thiều là con rể của (Lê) Duy Mật. Khi nhận được thư của mẹ, hắn bỗng hóa thành kẻ ăn ở hai lòng, ngầm sai đồ đảng là Lê Văn Bản mở cửa thành cho quan quân (chỉ quân đội họ Trịnh - NKT) tiến vào. Khi quan quân đã vào rồi, hắn bèn cho dựng thang trèo lên cao mà bắn. Lê Duy Mật biết rõ biến loạn đã bắt đầu ngay từ trong nhà mình, vì thế, tụ tập hết vợ con lại rồi phóng lửa đốt mà tự thiêu”23.

Cuộc khởi nghĩa do Lê Duy Mật phát động và lãnh đạo, sau hơn ba mươi năm chiến đấu anh dũng và ngoan cường, đến đó đã bị đè bẹp. Tuy xuất thân không phải là nông dân áo vải, nhưng, trải hơn ba mươi năm đồng cam cộng khổ với nhân dân bị đọa đày dần dần, Lê Duy Mật đã thực sự trở thành một trong những thủ lĩnh xuất sắc của phong trào chiến tranh nông dân thế kỷ thứ XVIII. Cuộc trường chinh chống tập đoàn họ Trịnh đã biến Lê Duy Mật từ một nhân vật bình thường của hoàng tộc nhà Lê thành một bậc danh tướng, thành một trong những biểu tượng của khí phách hiên ngang.


_________________________________
1. Khâm định Việt sử thông giám cương mục(Chính biên, quyển 42, tờ 16).
2. Trấn Ninh nguyên là đất Bồn Man, vua Lê Thánh Tông đổi làm phủ, quản lĩnh bảy huyện. Đại để, phủ này tương ứng với vùng phía Tây của Nghệ An.
3. Cao Châu tức Trịnh Cao là một huyện của phủ Ngọc Ma, nay, phủ này thuộc Nghệ An.
4. Võ Tá Đoan người làng Hà Hoàng, huyện Thạch Hà, nay thuộc xã Thạch Môn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
5. Quỳ Châu là tên phủ, nay phủ này thuộc tỉnh Nghệ An.
6. Trà Long cũng tức là Trà Lân, sau đổi là Tương Dương. Phủ này nay thuộc tỉnh Nghệ An.
7, 11. Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Chính biên, quyển 42, tờ 17).
8. Động Trình Quang thuộc phủ Trấn Ninh, nay thuộc tỉnh Nghệ An.
9. Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Chính biên, quyển 42, tờ 22).
10. Bùi Thế Đạt người làng Tiên Lý, huyện Đông Thành (nay thuộc tỉnh Nghệ An).
12. Đàm Xuân Vực người làng Tương Trúc, huyện Thanh Trì, nay thuộc Hà Nội. Bấy giờ, có rất nhiều người vốn dĩ là hoạn quan nhưng được chuyển sang ngạch quan võ.
13. Trịnh Doanh mất vào tháng 1 năm Đinh Hợi (1767) sau 27 năm ở ngôi chúa (1740-1767).
14. Thanh Chương trước đó có tên là Thổ Du. Nay đất này thuộc tỉnh Nghệ An.
15. Hương Sơn trước đó còn có tên là Đỗ Gia. Nay đất này thuộc tỉnh Hà Tĩnh.
16. Hà Lãm là võ tướng, hiện nay chưa rõ lai lịch.
17. Trịnh Sâm là con của Trịnh Doanh, nối nghiệp chúa từ tháng 1 năm Đinh Hợi (1767), ở ngôi chúa được tất cả 15 năm (1767-1782).
18. Lai lịch Nguyễn Mậu Dĩnh hiện chưa rõ.
19. Nguyễn Phan người làng Hà Dương, huyện Hoằng Hóa (nay thuộc tỉnh Thanh Hóa).
20. Hoàng Đình Thể người làng Hà Thượng, huyện Hậu Lộc (nay thuộc tỉnh Thanh Hóa). Ông đỗ Tạo Sĩ (Tiến Sĩ võ).
21. Hoàng Ngũ Phúc người làng Phụng Công, huyện Yên Dũng (nay thuộc tỉnh Bắc Giang), xuất thân là hoạn quan.
22. Lại Thế Thiều người làng Quang Lãng, huyện Tống Sơn (nay thuộc Thanh Hóa). Hiện chưa rõ Lại Thế Thiều đến với Lê Duy Mật rồi trở thành tướng và con rể của Lê Duy Mật từ lúc nào.
23. Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Chính biên, quyển 43, tờ 28). Nhân vật Lê Văn Bản trong đoạn
trích nói trên người làng Xuân Dương, huyện Yên Khánh (nay huyện này thuộc tỉnh Ninh Bình).

_________________________
Danh tướng Việt Nam 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 2 Signat21


Được sửa bởi Ý Nhi ngày Thu 11 Mar 2010, 00:11; sửa lần 1.
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Danh tướng Việt Nam 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: NGUYỄN NHẠC, NGUYỄN HUỆ và NGUYỄN LỮ   Danh tướng Việt Nam 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 2 I_icon13Sat 06 Mar 2010, 01:19

Chương thứ hai

NGUYỄN NHẠC, NGUYỄN HUỆ và NGUYỄN LỮ
BA LÃNH TỤ CỦA PHONG TRÀO TÂY SƠN, BA
DANH TƯỚNG KIỆT XUẤT NHẤT CỦA THẾ KỶ THỨ XVIII



I - QUÊ HƯƠNG, DÒNG HỌ VÀ GIA ĐÌNH

Danh tướng Việt Nam 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 2 H21dan10
“Thiên phiên địa phúc nhân nan ký,
Thanh liêu cẩn chí hữu Bút Sơn”
1.
(Chuyện trời lật đất nghiêng thì người thật khó mà ghi lại,
Cẩn trọng chép giữa trời rộng lớn đã có Bút Sơn).


01. ĐÔI LỜI VỀ NGUỒN GỐC

Từ năm 1627 đến năm 1672, hai bên họ Trịnh và họ Nguyễn đã xua quân đánh nhau tất cả bảy trận lớn. Trong số bảy trận đánh lớn ấy, chỉ có trận thứ năm2 là trận duy nhất họ Nguyễn chủ động đem quân vượt sông Gianh, tấn công vào khu vực lãnh thổ do họ Trịnh cai quản. Quân đội của chúa Nguyễn đã chiếm được một vùng đất rộng lớn từ Nghệ An trở vào. Nhưng rồi năm năm sau, thấy không thể nào giữ được, họ Nguyễn lại rút quân về. Và khi rút quần về như vậy, họ Nguyễn đã cưỡng bức rất nhiều người di cư vào Nam. Trong số những người bị cưỡng bức di cư ấy, có người họ Hồ ở Hưng Nguyên (Nghệ An). Người họ Hồ được đứa đến ấp Tây Sơn Nhất3, trải bốn đời thì đổi thành họ Nguyễn, đó là Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ.... v v 4. Hiện nay, ở khu vực chân núi Đài Phong, gần với núi Đại Hải, thuộc làng Thái Lão, xã Hưng Thái, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, còn có một khu đất bằng phẳng, tương truyền là khu mộ tổ của anh em Tây Sơn5.


Trong lịch sử nước ta, họ Hồ là một trong những cự tộc. Theo những tài liệu hiện còn lưu giữ được thì người đầu tiên của họ Hồ định cư tại trấn Nghệ An xưa là Hồ Hưng Dật. Ông đến Nghệ An vào năm 960 và chẳng bao lâu thì đã có sản nghiệp lớn. Vào thời Lý, hậu duệ của Hồ Hưng Dật đã có người được cưới Công Chúa của vua Lý, trở thành Phò Mã của nhà Lý.

Hậu duệ đời thứ mười hai của Hồ Hưng Dật là Hồ Liêm đã di cư từ Nghệ An ra Thanh Hóa. Tại Thanh Hóa, Hồ Liêm trở thành con nuôi của quan Tuyên úy là Lê Huấn, vì thế, chi họ Hồ ở Thanh Hóa cũng có một thời mang họ Lê. Cháu bốn đời của Hồ Liêm là Hồ Quý Ly - người đã lật đổ triều Trần và lập ra triều Hồ (1400-1407).

Tổ tiên đời thứ nhất và đời thứ hai của ba anh em Tây Sơn tại xứ Đàng Trong tên là gì, hiện vẫn chưa được rõ, chỉ biết đời thứ ba, tức thân sinh của Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ là Hồ Phi Phúc. Hồ Phi Phúc không ở ấp Tây Sơn Nhất nữa mà di cư về ấp Kiên Thành6. “Ở đây còn di tích Gò Lăng, theo nhân dân địa phương là vườn ở và nền nhà cũ của ông bà Hồ Phi Phúc - Nguyễn Thị Đồng”7. Bấy giờ, ấp Kiên Thành có nhiều thôn, nơi Hồ Phi Phúc định cư đầu tiên là thôn Phú Lạc. Ở Phú Lạc một thời gian ngắn, Hồ Phi Phúc lại di cư đến quê vợ - bà Nguyễn Thị Đồng - là thôn Kiên Mỹ (cũng thuộc ấp Kiên Thành). Khu đất xưa kia là nhà của ông bà Hồ Phi Phúc ở thôn Kiên Mỹ, ấp Kiên Thành, nay chính là khu đất đại để tương ứng với Bảo Tàng Tây Sơn (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định). Nơi đây còn có một cây me và một giếng nước cổ là hai chứng tích vườn xưa của ông bà Hồ Phi Phúc - Nguyễn Thị Đồng.

Như vậy, dòng dõi Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ từ Đàng Ngoài vào Đàng Trong, trải bốn đời, đã định cư ở bốn địa chỉ khác nhau như sau:

01 - HƯNG NGUYÊN (Nghệ An).
02 - TÂY SƠN NHẤT (Hoài Nhơn, Quy Nhơn).
03 - PHÚ LẠC (Kiên Thành, Hoài Nhơn, Quy Nhơn).
04 - KIÊN MỸ (Kiên Thành, Hoài Nhơn, Quy Nhơn).

Trong bốn địa chỉ nói trên, địa chỉ thứ tư chính là nơi chôn rau cắt rốn của Nguyễn Huệ.


________________________________
1. Thủ bút Vịnh sử của tác giả.
2. Trận này bắt đầu từ năm 1655 và kéo dài cho đến hết năm 1660.
3. Xưa, Tây sơn có hai ấp là Tây Sơn Nhất và Tây Sơn Nhì. Ấp Tây Sơn Nhất sau đổi gọi là ấp An Khê còn ấp Tây Sơn Nhì thì sau đổi gọi là ấp Cửu An. Hai ấp này, xưa thuộc huyện Quy Ninh, sau đổi gọi là huyện Hoài Nhơn, phủ Quy Nhơn.
4. Đại Nam chính biên liệt truyện (Sơ tập, quyển 30).
5. Phan Huy Lê: Quang Trung Nguyễn Huệ - Con người và sự nghiệp. Sở Văn hóa Thông Tin Nghĩa Bình xuất bản, 1986, trang 5.
6. Nay thuộc xã Bình Thành, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định.
7. Phan Huy Lê: Quang Trung Nguyễn Huệ - Con người và sự nghiệp. Sở Văn hóa Thông Tin Nghĩa Bình xuất bản, 1986,
trang 6.

_________________________
Danh tướng Việt Nam 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 2 Signat21
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Danh tướng Việt Nam 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: NGUYỄN NHẠC, NGUYỄN HUỆ và NGUYỄN LỮ   Danh tướng Việt Nam 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 2 I_icon13Sat 06 Mar 2010, 01:25

02. QUÊ HƯƠNG VÀ GIA ĐÌNH


Thôn Kiên Mỹ, ấp Kiên Thành là vùng nằm giáp ranh giữa cao nguyên Gia Lai với đồng bằng Bình Định ngày nay. Nơi đây có dòng sông Côn, tuy không lớn nhưng cũng rất thuận tiện cho việc giao thông buôn bán. Kinh tế Kiên Mỹ nhờ đó mà khá phát đạt. Trước hết, ruộng đồng Kiên Mỹ rất tươi tốt, cho nên, hầu như gia đình nào cũng tương đối no đủ. Ngoài trồng trọt, dân Kiên Mỹ còn có khá nhiều nghề thủ công khác nhau, mỗi nghề tập trung vào một số cụm gia đình nhất định, gọi là xóm, ví dụ:

- Xóm Ươm: chuyên nuôi tằm, ươm tơ.
- Xóm Rèn: chuyên về nghề rèn.
-
Xóm Mía:
chuyên ép mía lấy mật, làm đường ăn.
- Xóm Đậu: chuyên làm bánh đậu và nấu chè đậu.
- Xóm Bún: chuyên làm
bún.
- Xóm Chợ: nơi có chợ Kiên Mỹ.
- Xóm Trầu: chuyên buôn bán trầu.
- Xóm Giấy: chuyên sản xuất giấy bản.

Kiên Mỹ có chợ Kiên Mỹ (Xóm Chợ) buôn bán khá tấp nập, tạo cho Kiên Mỹ sự giao lưu kinh tế rộng rãi với nhiều địa phương khác nhau. Bản thân Nguyễn Nhạc cũng có thời từng tham gia vào hoạt động buôn bán tại quê nhà.

Đất Hoài Nhơn xưa là nơi định cư của khá nhiều thành phần dân tộc khác nhau. Lâu dời hơn cả vẫn là đồng bào các dân tộc ít người mà đặc biệt là người Bana. Người Việt đến lập nghiệp muộn hơn và như trên đã nói, trong số những người Việt đến vùng này vào khoảng giữa thế kỷ thứ XVII, có tổ tiên của Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ. Tây Sơn Nhất và Tây Sơn Nhì1 là hai ấp người Việt cổ nhất của vùng này.

Quê hương Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ rất nổi danh với truyền thống thượng võ. Nơi đây có hai lò võ được gần xa biết đến, đó là Thuận Truyền và An Thái. Dân gian có câu: “Roi Thuận Truyền, quyền An Thái” là để chỉ đặc trưng riêng của hai lò võ nức tiếng này.

Trên miền đất trù phú và có truyền thống thượng võ ấy, gia đình Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ là một trong những gia đình khá giả. Cả ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ đều được cha là ông Hồ Phi Phúc và mẹ là bà Nguyễn Thị Đồng tạo điều kiện cho ăn học và để lại cho một sản nghiệp cũng tương đối lớn. Họ tuy xuất thân là nông dân nhưng không phải là nông dân nghèo khổ, càng không phải là nông dân “không một tấc đất cắm dùi”.

Thuở thiếu thời, ba anh em Tây Sơn được gửi đến Bàng Châu để học võ với võ sư Đinh Văn Nhưng. Bàng Châu nay thuộc xã Đập Đá, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Võ sư Đinh Văn Nhưng là một người giàu nghĩa khí, tính ngang tàng, dân địa phương đương thời thường gọi ông là Ông Chảng. Dân Bình Đình có câu “Ngang quá Ông Chảng” và câu “Chảng ngang thiên” là để chỉ khí khái ngang tàng kiểu võ sư Đinh Văn Nhưng. Nghĩa khí của thầy dạy võ có ảnh hưởng rất lớn đối với phẩm cách của ba anh em Tây Sơn sau này. Về chữ nghĩa văn chương, ba anh em Tây Sơn cũng có gia sư riêng. Gia sư của cả ba anh em Tây Sơn thường được sử cũ chép là Thầy giáo Hiến2. Thầy giáo Hiến từng là một trong số những môn khách của quan Nội Hữu Trương Văn Hạnh3. Khi Nội Hữu Trương Văn Hạnh bị tên quyền thần Trương Phúc Loan giết hại, thầy giáo Hiến chạy về dạy học tại An Thái4. Sau, ông về hẳn Tây Sơn và trở thành gia sư của ba anh em Tây Sơn. Thầy giáo Hiến cũng là người giàu lòng yêu nước thương dân và chính lòng yêu nước thương dân đó đã có ảnh hưởng không nhỏ tới cả ba anh em Tây Sơn. Nhưng, điều rất quan trọng mà ba anh em Tây Sơn thụ bẩm được ở thầy giáo Hiến không phải chỉ là văn chương chữ nghĩa và lòng yêu nước thương dân. Vốn dĩ là môn khách của quan Nội Hữu Trương Văn Hạnh, từng sống và làm việc ở ngay trong phủ chúa Nguyễn, thầy giáo Hiến còn cung cấp cho ba anh em Tây Sơn những thông tin đầy đủ và chính xác về nội tình thối nát của tập đoàn thống trị họ Nguyễn đương thời. Đây chính là cơ sở thực tiễn để về sau, ba anh em Tây Sơn có thể căn cứ vào đó mà nêu lên được khẩu hiệu phân hóa kẻ thù một cách rất lợi hại.

Như trên đã nói, thân phụ của ba anh em Tây Sơn là Hồ Phi Phúc, còn thân mẫu là Nguyễn Thị Đồng. Nơi định cư của hai ông bà là thôn Phú Lạc, ấp Kiên Thành (nay thuộc xã Bình Thành, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định). Nơi đây, ngoài di tích Gò Lăng còn có di tích được nhân dân địa phương gọi là Hai hố Nguyệt. Di tích này nằm ở dưới chân nói Ngang, tương truyền, đó là mộ của hai ông bà Hồ Phi Phúc và Nguyễn Thị Đồng. Mộ đã bị triều Nguyễn khai quật vào đầu thế kỷ thứ XIX nên chỉ còn hai cái hố mà thôi.

Ông bà Hồ Phi Phúc và Nguyễn Thị Đồng sinh hạ được ba người con trai và một người con gái5. Sử cũ nói: “Con trưởng là Nhạc, con thứ là Lữ và con thứ nữa là Huệ”6, nhưng, xét hành trạng cụ thể của từng người trong toàn bộ quá trình tham gia phát động và lãnh đạo phong trào Tây Sơn, đặc biệt là xét hàng loạt những chuyện kể dân gian vùng Tây Sơn nói riêng và Bình Định nói chung, thì thứ bậc trước sau của ba anh em Tây Sơn có khác, theo đó thì con trưởng là Nguyễn Nhạc, kế đến là Nguyễn Huệ và sau cùng mới là Nguyễn Lữ.

Nguyễn Nhạc còn có tên là ông Hai Trầu và tên khác nữa là ông Biện Nhạc. Sở dĩ có tên là ông Hai Trầu vì Nguyễn Nhạc từng có một thời đi buôn trầu và với người miền Nam, thứ hai chính là con trưởng. Sở dĩ còn có tên khác là Biện Nhạc, bởi lẽ Nguyễn Nhạc cũng từng có một thời làm Biện Lại, tức là làm một viên chức hành chánh bậc thấp ở địa phương.

Nguyễn Huệ còn có tên là anh Ba Thơm hoặc Nguyễn Văn Bình. Nguyễn Nhạc thường hay gọi Nguyễn Huệ là chú Bình. Với người miền Nam, anh ba, chị ba... là từ dùng để chỉ người con kế ngay sau con trưởng và điều ấy đã xác nhận rằng, Nguyễn Huệ là em kế của Nguyễn Nhạc.

Nguyễn Lữ còn có tên là thầy tư Lữ. Sở dĩ gọi là thầy vì Nguyễn Lữ từng có một thời đi tu, còn như thứ tư (thầy tư Lữ) cũng có nghĩa là Nguyễn Lữ ở vai em Nguyễn Huệ (thứ ba) và Nguyễn Nhạc (thứ hai).

Hiện tại, chúng ta chỉ mới biết năm mất của ba anh em Tây Sơn, còn như năm sinh, thì ngoài Nguyễn Huệ, chưa ai rõ Nguyễn Nhạc và Nguyễn Lữ sinh năm nào. Tuy nhiên, căn cứ vào nhiều cơ sở khác nhau, một số nhà nghiên cứu đã đoán định rằng, Nguyền Nhạc lớn hơn Nguyễn Huệ chừng 10 tuổi, tức là sinh vào khoảng năm 1743, còn như Nguyễn Lữ thì có lẽ chỉ nhỏ hơn Nguyễn Huệ một vài tuổi, tức là sinh vào khoảng từ năm 1754 đến 1756.


_______________________________________
1. Tây Sơn Nhì nay thuộc huyện An Khê, tỉnh Gia Lai.
2. Hiện vẫn chưa rõ họ và lai lịch của thầy giáo Hiến.
3. Hiện vẫn chưa rõ lai lịch của Trương Văn Hạnh.
4. An Thái nay thuộc xã An Nhơn, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Trường học do thầy giáo Hiến mở tại An Thái chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn mà thôi. Khi thầy giáo Hiến về Tây Sơn, trường này cũng không còn nữa.
5. Tên và lí lịch cuộc đời của người con gái này hiện vẫn chưa rõ.
6. Đại Nam liệt truyện (Chính biên, sơ tập, quyển 30), mục Ngụy Tây truyện.

_________________________
Danh tướng Việt Nam 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 2 Signat21
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Danh tướng Việt Nam 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: NGUYỄN NHẠC, NGUYỄN HUỆ và NGUYỄN LỮ   Danh tướng Việt Nam 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 2 I_icon13Sat 06 Mar 2010, 01:31

II - TÓM LƯỢC CÁC GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN CỦA PHONG TRÀO TÂY SƠN


01. GIAI ĐOẠN THỨ NHẤT: CHUẨN BỊ

“Giận Quốc Phó ra lòng bội bạc,
Nên Tây Sơn xướng nghĩa cần vương.
Trước là ngăn cột đá giữa dòng,
Kẻo đảng nghịch đặt mưu ngấp nghé.
Sau là tưới mưa dầm khi hạn,
Kẻo cùng dân sa chốn lầm than”
1.


Bước đường sa đọa của tập đoàn thống trị họ Nguyễn

Từ khoảng giữa thế kỷ thứ XVI trở đi, với sự kiện 1558 và sau đó là sự kiện 15702, cơ đồ riêng của họ Nguyễn mới bắt đầu hình thành. Để xây dựng và ra sức củng cố cơ đồ riêng đó, họ Nguyễn đã ban hành nhiều chính sách tương đối tích cực và tiến bộ. Mâu thuẫn xã hội ở khu vực Thuận Hóa3 và Quảng Nam4 không gay gắt như ở những vùng thống trị của tập đoàn họ Trịnh.

Từ năm 1627 đến năm 1672, bảy trận ác chiến lớn giữa họ Trịnh và họ Nguyễn đã bùng nổ. Bởi ảnh hưởng mạnh mẽ của cuộc phân tranh quyết liệt này, xã hội Đàng Trong tuy có bị phân hóa và phân cực ngày một sâu sắc, nhưng nhìn chung, cũng chưa đến nỗi khốc liệt như ở Đàng Ngoài. Sau năm 1672, với những thành công trong việc kết hợp giữa mở đất về phương Nam với tổ chức khẩn hoang họ Nguyễn lại tiếp tục giữ vững và cũng cố tính tương đối ổn định của xã hội Đàng Trong thêm một thời gian nữa.

Từ thế kỷ thứ XVIII trở đi, tập đoàn thống trị họ Nguyễn càng ngày càng lao sâu vào con đường ăn chơi xa xỉ. Nếu các chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725), Nguyễn Phúc Chú (1725-1738) và Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765) chỉ mới là những người mở đường cho sự sa đọa, thì đến chúa Nguyễn Phúc Thuần (1765-1777), nhân cách và phẩm giá của giai cấp thống trị đã sụp đổ một cách thảm hại.

Năm 1765, Nguyễn Phúc Khoát qua đời, cuộc khủng hoảng trong nội bộ phủ chúa diễn ra ngày một sâu sắc. Nguyễn Phúc Khoát có tất cả 15 người con, con trưởng là Nguyễn Phúc Hiệu, cũng tức là Đức Mụ5 chẳng may qua đời sớm. Theo lẽ, con trưởng của Nguyễn Phúc Hiệu là Nguyễn Phúc Dương, tức Hoàng Tôn Dương6 sẽ được lên nối nghiệp làm chúa, nhưng vì trước đó, do thấy Nguyễn Phúc Dương còn nhỏ tuổi, Nguyễn Phúc Khoát đã có ý cho người con thứ đã hơn hai mươi tuổi là Chưởng Vũ được phép tập điều khiển các việc của Phủ chúa. Chưởng Vũ7 được giao cho quan Nội Hữu, tước Ý Đức Hầu8 kèm cặp. Nhưng, Nguyễn Phúc Khoát vừa qua đời thì quan Thái Giám, tước Chử Đức Hầu9 và quan Ngoại Tả, tước Đạt Quận Công là Trương Phúc Loan đã cùng với bà phi là Nguyễn Thị Ngọc Cầu10 lập mưu hãm hại Ý Đức Hầu, Nguyễn Phúc Dương không được lập làm chúa nữa mà bị quản thúc. Con út của Nguyễn Phúc Khoát (do bà Nguyễn Thị Ngọc Cầu sinh hạ) là Nguyễn Phúc Thuần được đưa lên nối nghiệp chúa. Lúc này, Nguyễn Phúc Thuần mới 12 tuổi nhưng hoang chơi lại rất quá quắt. Sử cũ viết:

“Nguyễn Phúc Thuần mới 12 tuổi được nối nghiệp làm chúa, lấy hiệu là Khánh Phủ Đạo Nhân. (Nguyễn) Phúc Thuần còn có tên là (Nguyễn) Phúc Hân. Chúa tuổi trẻ, thích chơi bời múa hát, mắc bệnh không gần được đàn bà, bèn sai người con hát dâm loạn với đám cung nữ để mua vui”11.

Từ khi phe cánh của mình tạm thắng thế, Trương Phúc Loan đắc chí, xưng là Quốc Phó. Trương Phúc Loan có hai người con trai là rể của Nguyễn Phúc Khoát12, cả hai đều là võ quan cao cấp, được phong tới Chưởng Doanh Cai Cơ, quyền uy vì thế mà lấn lướt cả nhà chúa. Trương Phúc Loan cũng là kẻ tham lam vô độ:

__________________________________
1. Hịch xuất quân đánh Trịnh của Tây Sơn năm 1786. Quốc Phó ở đây là quyền thần Trương Phúc Loan.
2. Năm 1558, Nguyễn Hoàng đi làm Trấn Thủ xứ Thuận Hóa và năm 1570, Nguyễn Hoàng được kiêm quản cả xứ Quảng Nam.
3. Vùng từ phía nam Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế ngày nay.
4. Vùng tương ứng với Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai và Kon Tum ngày nay.
5. Từ thời Nguyễn Phúc Khoát, con trai nhà chúa thì gọi là ả hoặc mụ, còn con gái thì gọi là anh.
6. Hoàng Tôn Dương cũng gọi là ả Dương hay chị Dương.
7. Chưởng Vũ không rõ tên thật là gì.
8. Hiện vẫn chưa rõ họ tên của Ý Đức Hầu.
9. Hiện vẫn chưa rõ họ tên của Chử Đức Hầu.
10. Nguyễn Thị Ngọc Cầu là mẹ của Nguyễn Phúc Thuần.
11. Lê Quý Đôn: Phủ biên tạp lục (quyển 1).
12. Một là con trưởng (Trương Phúc Thăng), lấy con gái thứ hai của Nguyễn Phúc Khoát là Nguyễn Thị Ngọc Nguyện và hai là con thứ (Trương Phúc Đạo) lấy con gái thứ bảy của Nguyễn Phúc Khoát là Nguyền Thị Ngọc Đạo.

_________________________
Danh tướng Việt Nam 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 2 Signat21


Được sửa bởi Ý Nhi ngày Thu 11 Mar 2010, 00:13; sửa lần 1.
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Danh tướng Việt Nam 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: NGUYỄN NHẠC, NGUYỄN HUỆ và NGUYỄN LỮ   Danh tướng Việt Nam 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 2 I_icon13Sat 06 Mar 2010, 01:39

“(Trương Phúc) Loan hưởng ngụ lộc riêng, chỉ tính việc thu thuế lâm thổ sản ở các nguồn như Sái Nguyên, Thu Bồn, Trà Sơn, Trà Vân và Đông Hương đã có mỗi năm từ bốn đến năm vạn quan tiền. Hắn còn lãnh trưng các tạp vụ ở Hộ Tào1, thu nhập thêm không dưới ba bốn vạn quan tiền nữa. Đã thế, hắn lại còn bán quan, thu tiền chuộc tội để làm giàu, vàng bạc châu báu và gấm vóc lụa là chất đầy như núi. Hắn có ruộng vườn, nhà cửa và nô bộc, trâu ngựa, nhiều không biết bao nhiêu mà kể. (Trương Phúc) Loan có biệt thự ở xã Phấn Dương, một năm, mùa thu nước lụt hòm rương bị ướt hết, đến khi nước rút, hắn đem vàng ra phơi giữa ban ngày, khiến cả một sân rộng rực sáng”2.

Để có đủ tiền chi phí cho cuộc sống xa hoa, tập đoàn thống trị ở Đàng Trong đã tiến hành hai biện pháp chính yếu. Một là bán chức tước và hai là tăng cường bóc lột nhân dân bằng sưu cao thuế nặng. Về việc bán chức tước, Lê Quý Đôn cho biết:

“Có nơi một xã mà gồm những mười sáu hoặc mười bảy Tướng Thần3 và đến hơn hai mươi viên Xã Trưởng, đều cho được cùng làm việc”4.

Lê Quý Đôn còn cho biết một số trường hợp cụ thể với những chức tước và các khoản tiền phải nạp một cách rất chi tiết. Ví dụ:

- Năm Bính Tuất (1766) ở huyện Phù Ly (nay là đất hai huyện Phù Cát và Phù Mỹ, tỉnh Bình Định - NKT) có viên Tướng Thần là Đoàn Phúc Chiêm đã nạp nhiều khoản tiền khác nhau, tổng cộng là 664 quan, 3 tiền, 6 đồng để được thăng chức làm Kí Phủ5.

- Người ở huyện Duy Xuyên (nay thuộc Quảng Nam - NKT) là Nguyễn Kim Châu và người huyện Đông Xuân (nay thuộc tỉnh Phú Yên - NKT) là Trần Văn Kiến phải nạp mỗi người tổng cộng các khoản là 277 quan, 1 tiền, 45 đồng để được
làm Kí Huyện6.

- Người huyện Minh Linh (nay thuộc địa phận Quảng Trị - NKT) là Dương Bá Tích, đang là con quan, đã nạp các khoản tiền tổng cộng là 165 quan, 2 tiền, 15 đồng để được làm Cai Tổng7.

- Người ở Phú Châu (nay chưa rõ thuộc địa phận tỉnh nào - NKT) là Trần Văn Tình đã nạp các khoản tiền tổng cộng là 82 quan, 4 tiền, 30 đồng để được làm Duyên Lại8.


Biện pháp chính yếu thứ hai là tăng thuế. Trên danh nghĩa thuế ở xứ Đàng Trong không cao, nhưng do chỗ giai cấp thống trị Đàng Trong càng ngày càng đặt ra lắm khoản phụ thu, cho nên, mức đóng góp của nhân dân rất nặng nề. Thống kê ghi chép của thư tịch cổ9, chúng ta có thể kể ra đây mấy khoản phụ thu thường thấy như sau:

- Gạo đầu mẫu10.

- Tiền trình diện (khi đến đóng thuế).

- Tiền dầu đèn (dùng cho quan khi đi thu thuế).

- Tiền trầu cau (dùng cho quan khi đi thu thuế).

- Ngụ lộc Cai Trưng11.

- Tiền chuyên chở12.

- Tiền làm nhà kho.

- Tiền làm bao (đựng thóc) và mua mây (xỏ tiền).

- V.v.

Nếu từ khoảng giữa thế kỷ thứ XVIII trở về trước, chế độ bóc lột ở Đàng Trong, nói theo cách nói của Trịnh Hoài Đức là “pháp chế khoan dung giản dị”13 thì từ giữa thế kỷ thứ XVIII trở về sau, đời sống của nhân dân Đàng Trong càng ngày càng bị chèn ép nặng nề. Mâu thuẫn xã hội cũng càng ngày càng trở nên sâu sắc. Đúng lúc đó thì các phe phái trong nội bộ phủ chúa lại hình thành, không ngừng mâu thuẫn, xung đột và xâu xé lẫn nhau. Bấy giờ, phe quyền thần Trương Phúc Loan mạnh hơn cả, do vậy, ra sức khuynh loát mọi hoạt động của phủ chúa, tự cho mình quyền ban phúc hoặc giáng họa cho bất cứ một ai. Sử cũ chép:

“Chú của chúa Nguyễn Phúc Thuần là Thường Quận Công bị (Trương) Phúc Loan ghét, bèn vu cho tội dám tự chế tạo binh khí để rồi đem giết đi”14.

“Trương Phúc Loan đã là một nhà quý hiển, quyền uy lấn át cả trong lẫn ngoài, lại còn đưa tay chân là Thái Sinh nắm giữ Hộ Bộ, đoạt về cho mình mọi chức trọng yếu. Hắn càng ngày càng kiêu căng và tàn nhẫn, làm điều càn quấy không biết sợ ai, người đương thời gọi hắn là Trương Tần Cối”15.

Thực trạng rối ren và bi đát của phủ chúa đều được thầy giáo Hiến cung cấp cho ba anh em Tây Sơn. Từ đất quê hương của mình, ba anh em Tây Sơn đã âm thầm chuẩn bị cho một cuộc nổi dậy, trước là để cứu sinh linh của trăm họ đang bị áp bức đọa đày, sau là “khuấy nước chọc trời”, làm thay đổi cả một trật tự xã hội lỗi thời và xấu xa. Quá trình chuẩn bị công phu, âm thầm và quyết liệt này được tiến hành với nhiều nội dung phong phú khác nhau. Dưới đây là một vài nội dung chủ yếu và nổi bật nhất.

Khôn khéo tìm cách tạo ra sự nhất trí hoàn toàn trong đồng bào các dân tộc ở Tây Sơn.

Muốn chuẩn bị khởi nghĩa và khởi nghĩa thành công, vấn đề quan trọng hàng đầu là phải làm sao tạo ra được sự nhất trí cao độ trong nội bộ đồng bào các dân tộc quần cư ở Tây Sơn. Lòng căm phẫn của nhân dân đối với ách cai trị tàn bạo của tập đoàn họ Nguyễn thì có thừa, nhưng, điều ấy không có nghĩa là ai ai cũng đều sẵn lòng tập hợp dưới ngọn cờ của ba anh em Tây Sơn. Xuất phát từ nhận thức như vậy, ba anh em Tây Sơn mà người có công đầu lúc này là Nguyễn Nhạc, đã kiên nhẫn và khôn khéo tìm nhiều biện pháp khác nhau để lôi kéo và tập hợp nhân dân, xây dựng một sự nhất trí cao độ trước hết là trong đồng bào các dân tộc ở Tây Sơn. Hiện tại, nhân dân vùng Tây Sơn nói riêng và nhân dân Bình Định cùng các địa phương lân cận nói chung, còn lưu truyền rất nhiều chuyện kể lí thú về quá trình chuẩn bị này. Dưới đây là tóm lược vài chuyện kể tiêu biểu nhất:

Dùng gùi gánh nước để gây sự chú ý đầu tiên: Chuyện kể rằng, một hôm, Nguyễn Nhạc sai người đan cho mình mấy cái gùi liền. Xong, ông lấy nhựa cây trát kín bên trong và đem hai cái gùi đã trát kín nhựa cây ở bên trong như thế đi gánh nước. Mọi người trông thấy, cho là kì dị, liền hỏi rằng:

- Không ai có thể dùng gùi để đựng nước, tại sao ông lại làm được như vậy?

Nguyễn Nhạc đáp:

- Tôi là người nhà trời. Người nhà trời làm việc tất nhiên là có chỗ không giống với người của hạ giới làm việc rồi.

Từ đó trở đi, khắp cả một vùng rộng lớn, người ta liên tục rỉ tai nhau rằng, Nguyễn Nhạc là người nhà trời, không phải là người thường của hạ giới. Họ nhìn ba anh em Tây Sơn với cái nhìn đầy cảm phục, nhưng cũng phảng phất chút hoài nghi.

Gọi bầy ngụa hoang tới gần, đánh tan sự nghi hoặc: Bấy giờ, trong số những người phảng phất hoài nghi, có người mạnh dạn đề nghị phải thử để xác định rõ hư thực. Nhân vì ở núi Hiển Hách (cách Tây Sơn không xa) có bầy ngựa hoang rất nhát, hễ thấy bóng người từ xa là đã nhanh chân chạy mất, đồng bào các dân tộc đương thời gọi là ngựa trời, họ bèn đến gặp Nguyễn Nhạc và nói:

- Nếu quả thật ông là người nhà trời thì ắt hẳn là ông phải gọi được bầy ngựa trời ấy đến với ông. Liệu ông có làm được không?

Nguyễn Nhạc bình tĩnh trả lời:

- Điều ấy có gì là khó đâu.

Nói vậy nhưng thực ra thì lúc ấy, Nguyễn Nhạc vẫn chưa nghĩ ra được cách gì có thể gọi bầy ngựa hoang đến với mình. Về nhà Nguyễn Nhạc nghĩ mãi, nghĩ mãi, cuối cùng, ông ra chợ mua một con ngựa cái tơ. Ngày ngày, Nguyễn Nhạc cất công tập cho con ngựa cái tơ của mình một thói quen, ấy là hễ ông phát tín hiệu thì dẫu đang ở đâu, con ngựa cái tơ ấy vẫn chạy đến với chủ và sung sướng được chủ thưởng cho một mớ cỏ non. Sau khi đã tập thành thục, Nguyễn Nhạc dắt con ngựa cái tơ của mình vào núi Hiển Hách. Câu “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã16 của cổ nhân quả là không sai. Bầy ngựa hoang tỏ ra rất háo hức khi thấy con ngựa cái tơ của Nguyễn Nhạc xuất hiện. Đúng lúc quan hệ giữa bầy ngựa hoang với con ngựa cái tơ của Nguyễn Nhạc đạt tới mức mật thiết nhất thì Nguyễn Nhạc phát tín hiệu. Con ngựa cái tơ vội chạy tới. Bầy ngựa hoang cũng chạy theo. Dần dần thành quen, Nguyễn Nhạc đã có thể gọi bầy ngựa hoang đến với mình một cách rất nhanh chóng và tự nhiên. Bấy giờ, Nguyễn Nhạc mới mời các vị Tù Trưởng tới và nói:

- Tôi là người nhà trời, cho nên, tôi có thể gọi bầy ngựa trời ấy tới với mình. Không tin, các ông hãy đến mà xem, có điều tất cả các ông phải núp thật kín, làm sao để các ông có thể nhìn thấy ngựa mà ngựa thì không thể nào nhìn thấy các ông.

Các vị Tù Trưởng đồng ý và họ đã được chứng kiến cảnh Nguyễn Nhạc gọi bầy ngựa trời tới. Từ đó, ai cũng tin rằng ba anh em Tây Sơn quả đúng là người nhà trời. Nhưng, họ là người được trời sai xuống hay bị trời đày xuống? Một mối nghi hoặc khác lại nổi lên. Nguyễn Nhạc biết và lại khôn khéo nghĩ cách phá tan sự nghi hoặc ấy.


___________________________________
1. Cơ quan làm công việc của Bộ Hộ trong phủ chúa.
2. Đại Nam liệt truyện (Tiền biên, quyển 6).
3. Tướng Thần là người lo việc đi thu thuế.
4. Phủ biên tạp lục (quyển 3).
5, 6, 7, 8. Lê Quý Đôn – Phủ biên tạp lục (quyển 3). Kí Phủ là chức việc hành chánh ở phủ, Kí Huyện là chức việc hành chánh ở huyện. Cai Tổng là người đứng đầu một Tổng. Duyên Lại là nhân viên hành chính bậc thấp ở huyện và ở phủ.
9. Lê Quý Đôn: Phủ biên tạp lục, Trịnh Hoài Đức: Gia Định thành thông chí. Quốc Sử Quán Triều Nguyễn: Đại Nam thực lục (Tiền biên), Đại Nam liệt truyện (Tiền biên)... v.v..
10. Gạo dân phải nạp cho quan đi thu thuế tính theo diện tích đất đai cụ thể mà họ canh tác.
11. Bổng lộc của Cai Trưng (tức của người làm nhiệm vụ thu thuế).
12. Dân phải tự chuyên chở thóc lúa đóng thuế đến tận kho nhưng vẫn phải đóng khoản tiền này.
13. Trịnh Hoài Đức: Gia Định thành thông chí.
14. Lê Quý Đôn: Phủ biên tạp lục (quyển 1).
15. Quốc Sử Quán Triều Nguyễn: Đại Nam thực lục (Tiền biên, quyển 6). Trương Tần Cối nghĩa là người họ Trương (Trương Phúc Loan) ác như Tần Cối. Tần Cối là quan đại thần của nhà Tống (Trung Quốc) nhưng lại âm mưu thông đồng với giặc Kim để bại Tống và nham hiểm vu oan giá họa để giết Nhạc Phi và nhiều trung thần nữa.
16. Trâu tìm trâu, ngựa tìm ngựa.

_________________________
Danh tướng Việt Nam 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 2 Signat21


Được sửa bởi Ý Nhi ngày Thu 11 Mar 2010, 00:13; sửa lần 1.
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Sponsored content




Danh tướng Việt Nam 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Danh tướng Việt Nam 3 - Nguyễn Khắc Thuần   Danh tướng Việt Nam 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 2 I_icon13

Về Đầu Trang Go down
 
Danh tướng Việt Nam 3 - Nguyễn Khắc Thuần
Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Similar topics
-
» Danh Tướng Việt Nam 1 - Nguyễn Khắc Thuần
» Danh Tướng Việt Nam 2 - Nguyễn Khắc Thuần
» Danh tướng Việt Nam 4 - Nguyễn Khắc Thuần
» Việt Sử Giai Thoại - Tập 1 - Nguyễn Khắc Thuần
» Việt Sử Giai Thoại - Tập 3 - Nguyễn Khắc Thuần
Trang 2 trong tổng số 8 trangChuyển đến trang : Previous  1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8  Next

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
daovien.net :: TRÚC LÝ QUÁN :: Lịch Sử-