Ai Hoa

Tổng số bài gửi : 10474 Registration date : 23/11/2007
 | Tiêu đề: Re: Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân Sat 15 Jul 2023, 13:52 | |
| - Phương Nguyên đã viết:
- Ai Hoa đã viết:
- Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân.
Người dịch: Nguyễn Đức Vân, Nguyễn Khắc Hanh
QUYỂN III
__________________________________
HỒI THỨ MƯỜI BẢY__________________________________ VÒNG MA CHƯỚNG, ỠM Ờ TRÊU MÁ PHẤN CHỐN YÊN HOA, MAY MẮN GẶP ANH HÙNG
Ngũ Tử Tư là tay anh hùng, thế mà đến bước đường cùng còn phải thổi sáo kiếm ăn, huống chi Thúy Kiều là thân gái mềm yếu. Sợ vạ đi trốn mà trốn đến lúc tiến không thể được, lùi cũng không xong, lại đông có tròng, tây có bẫy, dù “ chắp cánh cũng không thể bay thoát, như én lạc đàn, như vượn mất tổ, phải thui thủi ngậm đắng nuốt cay, chịu ép dưới tay người.
Tình cảnh ấy thật đáng thương đáng xót, dù gan sắt đà, đọc đến đoạn này cũng không thể không thương không khóc. May nhờ đọc đến đoạn sau, thấy nàng bỗng gặp người kì dị đất Thái Nguyên, khiến nàng được hả giận, chừng ấy mới phá buồn làm vui mà cười rằng: “Dù việc ấy là hành vi trái ngược, nhưng cũng chỉ đủ làm nổi bật sự đắc ý của người anh hùng bị khốn khổ vậy”...
Đây hãy tạm gác chuyện Thúy Kiều trốn ở am Chiêu Ẩn. Nhắc lại sáng hôm ấy, hai thị nữ Xuân Hoa và Thu Nguyệt ngủ dậy, thấy cửa lầu mở rộng, lại có để mấy hàng chữ, chạy vào trong phòng tìm Thúy Kiểu thì không thấy người, chỉ có chiếc giường không mà thôi, vội vàng ra báo cho Hoạn thư biết.Hoạn thư nói:
-Con a đầu này mau chân thật, để nó trốn mất rồi! Vậy chúng mày thử xem mất những vật gì!
Hai thị nữ báo rằng không thấy chuông vàng, khánh bạc, đèn châu và đỉnh báu, đáng giá chừng hơn hai trăm lạng. Hoạn thư nghe vậy liền sai người đi lùng tìm, một mặt sai người đi dán chiêu đề tìm bắt.
Hồi này Thúc sinh đương ở Huệ Sơn đọc sách, chợt được tin báo, trong bụng đã rõ, song chưa biết Thúy Kiều có chạy được thoát không, nên trong lòng áy náy không yên, liền trở về nhà. Dọc đường thấy giấy chiêu đề đã nhan nhản dán khắp mọi nơi liền sai mấy gia đinh tâm phúc đi bóc hết những giấy chiêu đề ấy đi, rồi về nhà nói với Hoạn thư:
- Trạc Tuyền không biết trốn đi đâu nhỉ?
Hoạn thư nói:
- Thiếp đã sai người đi theo dõi lùng bắt!
Thúc sinh nói:
- Nó là người bên nhà nhạc phụ, nếu nhà họ Thúc ta đứng tên đi bắt, người ngoài biết nó là hạng thị nữ thì còn ra gì nữa. Phương chi, đàn bà con gái đã bỏ nhà đi, khó bề giữ được thanh sạch. Nay bắt về, để thì coi không nhã, mà giết đi thì thêm tội. Cứ ý tôi thì mặc cho nó đi đâu thì đi, ta đừng hỏi đến nữa là xong.
Hoạn thư nghe nói, biết việc Thúy Kiều trốn đi là do mưu kế của chồng. Nay nếu truy cứu ráo riết, e phương hại đến tình nghĩa vợ chồng. Huống chi kẻ tình địch đã đi rồi, lòng cũng đã hả, liền tiếp lời nói:
- Cậu bàn phải lắm! Thôi! Bảo người đi nhặt hết giấy chiêu đề về, bất tất đi lùng tìm làm gì nữa!
Vì thế mà Thúy Kiều ở am Chiêu Ẩn quá nửa năm được yên ổn vô sự.
Một hôm trong am mở đại hội Vu Lan, thiện nam tín nữ đến khá đông, trong đó có nhiều vị phu nhân và tiểu thư vợ con nhà sĩ hoạn. Thúy Kiều giả cách ốm không xuống lầu.
Một vị phu nhân họ Thường vào phòng Giác Duyên, thấy chuông vàng khánh bạc, thì ngạc nhiên hỏi:
- Vật này từ đâu đến đây? Chỉ trong gác Quan Âm nhà họ Thúc mới có vật trân bảo này. Nghe nói vật quý này do nước ngoài gửi tặng quan Lại bộ họ Hoạn, rồi Hoạn tiểu thư đem về nhà chồng cúng dàng thờ Phật, cả vùng ai cũng cho là vật báu chẳng ngờ chùa ta cũng có. Nếu thế thì vật báu nhà họ Thúc cũng chưa đủ gọi là của lạ.
Giác Duyên thoạt nghe kinh hãi, hàm hồ trả lời cho qua.
Khi hội hè đã xong, Giác Duyên mới đem câu chuyện ấy nói lại cho Thúy Kiều nghe. Thúy Kiều thất kinh nói:
-Thôi! Việc hỏng rồi, biết làm sao đây!
Giác Duyên vội hỏi là duyên cớ gì, Thúy Kiều nói:
- Những vật này thật là của họ nhà Thúc, bây giờ em không thể còn giấu diếm sư huynh...
Bèn đem đầu đuôi câu chuyện mình trước đây thuật kỹ môt lượt cho Giác Duyên nghe. Giác Duyên nghe nói sợ hãi rụng rời. Thúy Kiều nói:
-Sư huynh chớ lo, em có kế này khả dĩ che được mắt họ, nhưng em không thể yên thân ở đây được nữa rồi. Trước hết hãy xin sư huynh tìm giúp cho em một chỗ yên thân đi đã, sau rồi sư huynh tìm hiệu thợ đồng thuê đúc theo kiểu chuông và khánh này, rồi đem mạ vàng và bạc để thờ trong phòng. Nếu họ nghe phong phanh có đến tra xét, thì thấy kiểu chuông khánh của quý phủ đẹp, đã theo kiểu đúc theo, chớ không phải là của thật, tự khắc họ phải chịu thôi.
Giác Duyên nói:
- Mưu hay lắm! Còn em thì chỗ nhà bà mẹ nuôi của chị là họ Bạc có thể ở được. Vậy em đổi thay quần áo để rồi sang bên ấy!
Thúy Kiều nói:
-Em không có quần áo thường tục thì làm thế nào?
Giác Duyên nói:
-Để chị đi sắm cho.
Giác Duyên liền đến cửa hàng quần áo, mua mấy bộ đem về. Thúy Kiều thay mặc nữ trang, còn quần áo nhà chùa thì để lại cho Giác Duyên cả. Nhân khi đêm tối, Giác Duyên liền đưa Thuý Kiều đến nhà họ Bạc.
Nguyên mụ Bạc này là một tay côn đồ trong hạng đàn bà, thấy nhan sắc Thúy Kiều, lại nghe nói là lánh nạn đến thì trong lòng nẩy ra ý bất lương, thường thường bịa chuyện để doạ nạt. Thúy Kiểu khiếp sợ đã sẵn, không khỏi đâm ra hoảng hốt, nên thổ lộ hết để cùng mụ bàn tính. Mụ Bạc nói:
- Tôi tưởng chốn này quyết không thể ở lâu, chỉ có một cách đi lấy chồng xa thì mới yên thân được. Song, người ở xa, biết họ là hạng thế nào, lấy họ liệu có tin cậy được hay không? Chi bằng tiện đây, tôi có người cháu tên là Bạc Hạnh, đã hai tám tuổi, bộ dạng coi cũng thanh nhã, còn chưa lấy vợ, lâu nay buôn bán ở Châu Thai bên tỉnh Chiết Giang hiện nay về đây mua hàng. Tính kế bây giờ, thì chi bằng cô lấy quách hắn cho rồi, rồi về ở Chiết Giang mới là cái kế yên thân toàn vẹn được! Chẳng hay ý cô ra sao?
Thúy Kiều nghĩ thầm: “Nếu không đi thì ở đây không phải là nơi kết cục, nếu đi thì không biết bụng dạ người ấy ra sao?”. Bỗng thấy một ngưòi đàn ông vào, nói là mời thím ra nói chuyện. Bạc bà ra đón hắn chuyện trò. Thúy Kiều đưa mẳt nhìn trộm một cái, thấy anh chàng ăn mặc kiểu Tô Châu, bộ dạng cũng coi được. Duy mặt mũi có vẻ gian trá, chưa chắc đã không phải là hạng người hiểm độc vô tình.
Người ấy đi rồi, mụ Bạc trở vào nói:
- Cô Vương đã nhìn rõ hắn chưa? Chính là cháu tôi đấy! Cô mà ưng ý, tôi sẽ mời sư phụ Giác Duyên đến bàn tính. Nếu không ưng thì tuỳ ý cô!
Thúy Kiều cúi đầu, không nói sao cả. Mụ Bạc đoán chừng Thúy Kiều bằng lòng, liền đi tìm Giác Duyên kể lại việc trước. Giác Duyên theo mụ Bạc về gặp Thúy Kiều, Thúy Kiều thi lễ xong, Giác Duyên hỏi:
- Câu chuyện bà Bạc nói đó, ý em nghĩ thế nào?
Thúy Kiều rưng rưng nước mắt nói:
- Việc ấy thì em cũng không biết nghĩ ra thế nào? Nếu em không đi thì chỗ này cũng không thể ở lâu được, mà đi xa thì khốn nỗi đàn bà con gái, hành động lại bị người ta kiềm chế. Cái việc bà Bạc bàn kể ra thật đáng thẹn, khó bề ưng thuận, mà vì lẽ bất đắc dĩ lại không tiện chối thẳng đi. Không biết chị dạy em nên như thế nào?
Giác Duyên nói:
-Chị cũng không nỡ xa em, nhưng em ở đây vẫn coi là một việc tạm bợ... Âu là theo cháu bà Bạc đi hẳn nơi xa đi, cho thoát khỏi cái đất nguy hiểm này. Có điều hắn mà sánh với em thì cố nhiên là không được bằng em.
Thúy Kiều nói:
- Cái đó thì cũng đành thôi! Có điều, em coi anh ta bộ dạng có vẻ giảo quyệt, tựa hồ không phải hạng người trung hậu. Chỉ sợ lại coi em như món hàng lạ, thế là em lại rơi vào tay con quỳ Dạ Xoa rồi vậy.
Mụ Bạc đỡ lời, nói:
- Cháu tôi là người trung hậu. Cô có ngại thì bảo hắn viết một tờ giấy cam đoan cho cô là được.
Thúy Kiều nói:
-Cái đó cũng không cần! Miễn là anh ta đối trời phát thệ suốt đời không phụ nhau, thì tôi sẽ theo anh ta đi.
Mụ Bạc nói:
- Cái đó tôi nói một lời là được. Nhưng còn lễ vật thì cô muốn độ bao nhiêu?
Thúy Kiều nói:
- Thân tôi đã thuộc về anh ấy, dù có lấy tiền thì rồi cũng trở vế nhà anh ây. Có điều, tôi không có của hồi môn, chỉ cần anh ấy đưa cho hai mươi lạng bạc, để tạ bà năm lạng và năm lạng gửi về bên am làm tiền dầu đèn cúng Phật, còn mười lạng thi sắm giúp tôi bộ chăn màn là đủ.
Mụ Bạc liền đi tìm Bạc Hạnh nói cho biết việc ấy. Bạc Hạnh mừng lắm, liền đi mua ngay giấy tiền, hương, nến đem đến. Rồi đặt bàn đốt nến thắp hương, làm lễ trời đất, thề rằng: “Nếu Bạc Hạnh này phụ tình Vương Thúy Kiều, không cùng nàng sum họp đến già thì cam chịu chết đâm chết chém". Thề xong, Bạc Hạnh đi ra thu xếp hai mươi lạng bạc, bốn bộ quần áo và một đôi thoa xuyến, sai tiểu đồng đưa đến. Mụ Bạc tiếp nhận trao lại cho Thúy Kiểu. Thúy Kiểu nghĩ việc khẩn cấp đành phải chịu thu nhận, đưa năm lạng bạc tạ ơn mụ Bạc, gửi Giác Duyên năm lạng để làm tiền dầu đèn và đưa mười lạng nhờ Giác Duyên đi sắm giúp bộ chăn màn.
Sau đó Thúy Kiều tắm gội, trang sức xong một chốc thì kiệu hoa nhà họ Bạc đến đón. Thúy Kiều từ giã mụ Bạc và Giác Duyên, rồi lên kiệu về nhà Bạc Hạnh. Hai người làm lễ trời đất xong, cùng nhau vào trong phòng. Bạc Hạnh nói:
-Đội ơn nàng không chê, chịu lấy kẻ hèn này, xin cùng nàng trọn đời đoàn tụ!
Thúy Kiều khóc nói:
-Việc hôm nay thật là bất đắc dĩ, xin chàng giữ trọn thuỷ chung, chớ bỏ thiếp, ấy là thiếp được nhờ lắm rồi!
Bạc Hạnh nói:
-Lời thề luôn vẳng bên tai, tôi đâu dám phụ lòng!
Bèn cầm khăn lau ráo nước mắt cho Thúy Kiều, rồi dắt nhau vào giường, thành đôi chồng vợ.
Hôm sau, Bạc Hạnh thuê thuyền cùng Thúy Kiều khởi hành, qua Chiết Giang, rồi thẳng vê Châu Thai. Khi thuyền cập bến. Bạc Hạnh đưa Thúy Kiều vào nghỉ ở quán trọ và dặn rằng:
-Nương tử hãy tạm ở quán trọ, tôi về trước thu xếp nhà cửa, rồi sẽ đến đón!
Bạc Hạnh đi ra, chừng nửa ngày mới đưa một người cùng về, nói với Thúy Kiều:
- Người đến với tôi đây là bạn buôn cùng mở cửa hiệu, vậy nàng nên ra chào khách đi!
Thúy Kiều từ trong phòng bước ra, thấy người ấy mày rậm mắt to, trạng mạo coi như là kẻ cướp, bèn vái chào, rồi quay ngay trở vào, hỏi Bạc Hạnh:
- Nhà cửa ra thế nào rồi?
Bạc Hạnh nói:
- Đã lâu tôi không đến, có người láng giềng sang ở nhờ. Họ hẹn đêm nay thu xếp dọn đi để ngày mai cho ta trở về!
Người bạn giục nhà quán sửa soạn tiệc rượu chào mừng Bạc Hạnh, mời cả chủ quán dự tiệc vui. Ba người ăn uống mãi tới canh hai mới giải tán.
Bạc Hạnh về phòng, Thúy Kiều nói:
- Anh bạn ây, coi tướng như kẻ cướp.
Bạc Hạnh nói:
- Anh ta sinh trưỏng ở vùng bể, mới ra hình dạng thế thôi. Nàng đừng sợ, rồi đây về cửa hàng, trông qua mấy lần rồi cũng sẽ quen mắt thôi. Bây giờ ta với nàng đi ngủ thôi.
Thì ra Bạc Hạnh vốn là tay chỉ chuyên buôn người, đóng bộ khách hàng đi mua con gái, hoặc con hầu vợ lẽ người ta, giả danh làm vợ, rồi đưa về bến, để ở tạm quán trọ, tự khắc có người bán giúp. Người mặt đen râu xồm kia là một tay trong phường bán thịt buôn người, nhận lời với mụ khách đến xem mặt hàng, rồi bàn nhau bàn định số tiền mua là hai trăm bốn mươi lạng bạc. Số này về Bạc Hạnh hai trăm, còn về chủ quán và trung gian bốn mươi lạng.
Hôm sau ngủ dậy, ăn cơm sáng xong, Bạc Hạnh nói với Thúy Kiều:
- Tôi về hiệu trước, cho kiệu đến đón nàng. Còn hành lý, tôi sẽ sai người đến lấy. Nàng cứ ngồi kiệu về hiệu là được.
Nói xong ra đi.
Thúy Kiều bụng bảo dạ: “Anh chàng này mới kỳ quái làm sao! Bộ dang vội vàng, chắc là lập mưu lừa mình. Xem bộ dạng hình như định tống mình đi đâu đấy. Mình phải thu xếp y phục hành lý vào một rương, đem luôn trong kiệu, dù có xảy việc gì không may cũng tiện bề phòng thân”.
Nghĩ rồi liền thu nhặt những y phục và các vật dụng của mình chứa vào một rương, còn chăn màn thì bọc làm một bó. Thu xếp vừa xong thì phu kiệu đã đến.Thúy Kiều bảo phu kiệu đặt cái rương và bó chăn màn vào trong kiệu.
Phu kiệu nói:
- Ông Bạc dặn rằng những chăn màn và đồ hành lý không cần đem theo chút nào.
Chủ quán cũng nói:
-Ồng Bạc dặn hãy để những đồ vật ấy ở quán tôi đây, lần khác sẽ đến lấy về!
Thúy Kiều càng ngờ, bèn nói:
- Đây là những vật tuỳ thân của tôi, tự nhiên phải tuỳ ý tôi, không ai ngăn trở được hết!
Bèn giục phu kiệu cứ đặt hành lý vào kiệu, rồi từ biệt chủ quán lên đường. Đi hàng nửa ngày mới đến trước một ngôi nhà và dừng lại ở đó.
Thúy Kiều để ý không trông thấy Bạc Hạnh ra đón, chỉ thấy một mụ chừng ngoài ba mươi tuổi chạy đến bên kiệu, nói:
- Cô Vương! Mời cô vào trong này ngồi.
Thúy Kiểu nhìn mụ, thây bộ dạng quả là một mụ đầu lầu xanh, tự biết nghiệp chướng chưa dứt, khó bề trốn thoát, nên đáp lại ngay.
- Xin mẹ đưa giúp hành lý vào nhà cho con!
Người đàn bà đó bèn đem đồ đạc, gọi Thúy Kiều theo. Thúy Kiều xuống kiệu, theo mụ vào nhà, thấy bên trong có mấy cô gái đứng đó thì lòng càng phát nghi. Vào tới nhà trong, liền nói:
-Xin mời mẹ ngồi lên cho con bái kiến!
Mụ kia vui mừng nói:
- Con ơi không cần lạy.
Thúy Kiều sụp mình lạy bốn lạy.
Thì ra mụ này chính là mụ khách, mụ ta liền hỏi:
-Tại sao con biết là người ta bán con?
Thúy Kiều nói:
-Con thấy hành động của hắn rất là khác thường cho nên đã biết. Chẳng biết mẹ đã mua con hết bao nhiêu lạng bạc?
Mụ khách nói:
-Hai trăm bốn mươi lạng!
Thúy Kiều thở dài nói:
-Lời gấp mười rồi đấy!
Mụ khách gạn hỏi đầu đuôi. Thúy Kiều kể lại một lượt. Mụ khách nói:
-Hắn dụng tâm đến như thế, may mà con có kiến thức mang được hành lý theo về. Nay mẹ cũng không làm khó dễ gì cho con vậy con phải cố gắng giúp mẹ làm ăn.
Thúy Kiều nói:
- Như thế đủ thấy nghiệp chướng của con chưa hết nên lại vào đây. Thôi con cũng không mơ tưởng hão huyền nữa.
Mụ khách nghe thấy Thúy Kiều nói vậy, lấy làm vừa ý bằng lòng lắm.
Còn Bạc Hạnh nắm được số tiền tránh đi nơi khác. Đợi cho Thúy Kiều đi khỏi mới trở về quán trọ, thấy những đồ dạc hành lý của Thúy Kiều đã đem đi rồi thì dẫm chân nói:
-Thật là lợi mụ khách, bốn mươi lạng bạc đồ quần áo trang sức!
Ý muốn đến nhà mụ khách đòi, lại sợ gặp Thúy Kiều sẽ xảy ra việc lôi thôi nên đành chịu, bèn thu xếp hành lý trở về Vô Tích.
Lại nói, Thúy Kiều lại rơi vào chốn lầu xanh, tự than mệnh bạc. Hồi trước đã được tòng lương, chịu bao nỗi lầm than khổ ải, nay lại rơi vào chốn cũ lầu xanh, há chẳng là số mệnh hay sao? Số mệnh đã nhất định phải như thế nên cũng không mơ tường hão huyền gì nữa. Từ buổi bắt đầu tiếp khách, chẳng qua là mấy người cầu vui ở mình thì mình cũng mượn người khiển hứng, lời ca suốt sáng, trận cười thâu đêm, tiếng tăm lừng lẫy một vùng.
Hồi ấy có một tay hảo hán họ Từ, tên Hải, hiệu Minh Sơn,vốn người đất Việt, tâm tính khoáng đạt,độ lượng lớn lao, coi phú quý như lông hồng, nhìn người đời tựa cỏ rác, và lại anh hùng rất mực tinh thông lược thao. Lúc thiếu thời cũng có học tập khoa cử, vì không đỗ đạt mới bỏ đi làm nghề buôn, của cải dư dật, lại thích kết giao bè bạn. Nghe nói Thúy Kiều là trang tài sắc, lại có tính tình hào hiệp khảng khái, Từ Hải bèn đến thăm chơi. Mụ khách biết Từ Minh Sơn là tay hảo hán, nay bỗng thấy chiếu cố đến nhà mình, vội gọi Thúy Kiểu ra tiếp.
Bốn mắt nhìn nhau đều có phần trìu mến. Minh Sơn nói:
- Nghe đồn khanh ở đây đã một năm rồi mà chưa một lần ai được lọt vào mắt, có phải thế không?
Thúy Kiều nói:
-Người ta đồn vậy là quá đáng. Thiếp tìm người gửi của, trông mặt đặt tên, cho nên không khinh suất mà uỷ thác can trường cho phường tục tử thì có đấy. Còn như trong con mắt mà không kể gì kẻ ngu người hiền thì tha thứ làm sao được?
Minh Sơn nói:
-Nếu như thế thì khanh cũng như câu thơ cũ đã nói: "Can trường nào biết ai cùng gửi - khiến người lại nhớ Bình Nguyên Quân". Phỏng như bỉ nhân đây, muôn phần liệu có được một giống như Bình Nguyên Quân không?
- Anh hùng đại độ, chàng đáng là bậc dị nhân ở đất Thái Nguyên, chớ Bình Nguyên Quân cũng không khoáng đạt đến như thế!
Minh Sơn cười, nói:
- Khanh xem xét anh hùng trong chốn trần ai, chớ có nhận lầm nhé!
Thúy Kiều nói:
- Đôi mắt biết anh hùng này của thiếp há không nhận đúng được.
Minh Sơn nói:
-Hay lắm! Từ Hải này hôm nay gặp được người tri kỉ rồi đây!
Liền bảo chủ nhà đặt tiệc rượu cùng Thúy Kiều ăn uống chuyện trò, rồi lưu lại nghỉ đêm. Thúy Kiều bèn đem việc chung thân của mình ra phó thác cho Từ. Từ cũng khảng khái coi đó là trách nhiệm của mình.
Hôm sau, Từ đưa ra hai trăm lạng vàng làm tiền chuộc mình cho Thúy Kiều và tìm thuê một nơi cho Thúy Kiều ở, lại mượn một thị nữ để hầu hạ. Thúy Kiều nói:
- Sao chàng không đưa thiếp về quê nhà mà còn gây thêm bếp núc ở đây?
Từ Minh Sơn nói:
- Khanh nói như thế, có thể nói là không bằng nàng Chuyển Ngọc rồi. Chuyển Ngọc đòi mười vị triều quan làm mối mới chịu lấy Hách sinh, thì ta đây há lại không thể đem mười vạn binh đến đón nàng à? Bây giờ hãy ở tạm đây, chỉ trong vài ba năm ta sẽ đón nàng vu quy với những đao to, búa lớn, gươm tuốt, cung giương, hậu ủng, tiền hô, muôn quân ngàn ngựa, tức là cái lúc Từ Hải này đắc chí đó. Lúc ấy nàng sẽ rót rượu ở vùng Đông Nam để mừng cho ta. Chứ như nay, ta chỉ trơ trọi một mình, thì đưa nàng nào biết về đâu?
Thúy Kiều nghe nói mới vỡ lẽ. Từ Hài bèn dựng một toà nhà để cùng ăn ở với Thúy Kiều. Vợ chồng đoàn tụ chừng nửa năm, Từ Hải liền từ biệt Thúy Kiều ra đi.
Không biết sau khi đi thế nào, xin xem hồi sau phân giải.
Đúng là hồng nhan đa truân hồng nhan nì cũng hong hiền đâu! _________________________ Sông rồi cạn, núi rồi mòn Thân về cát bụi, tình còn hư không |
|