Trang ChínhTìm kiếmLatest imagesVietUniĐăng kýĐăng Nhập
Bài viết mới
Những Bài Giảng Hay Thầy Thích Pháp Hoà by mytutru Yesterday at 20:28

Thơ Nguyên Hữu 2022 by Nguyên Hữu Yesterday at 20:15

Hơn 3.000 bài thơ tình Phạm Bá Chiểu by phambachieu Yesterday at 16:18

BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-1965 - LM CAO VĂN LUẬN by Trà Mi Yesterday at 10:41

TRUYỆN KIỀU CÓ TRƯỚC ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH, VÀ LÀ CỦA VIỆT NAM ??? by Trà Mi Yesterday at 10:27

Lục bát by Tinh Hoa Yesterday at 07:21

PHÁP VIỆN MINH ĐĂNG QUANG TĂNG NI & Đại Chúng by mytutru Yesterday at 00:55

SƯ TOẠI KHANH (những bài giảng nên nghe) by mytutru Sat 16 Mar 2024, 20:15

Xem tướng mạo đàn ông ngoại tình, lăng nhăng by Trà Mi Sat 16 Mar 2024, 10:05

Putin dối trá khi trả lời Tucker Carlson by Trà Mi Fri 15 Mar 2024, 11:39

Trang thơ Tú_Yên (P2) by Tú_Yên tv Fri 15 Mar 2024, 11:20

Chùm thơ "Có lẽ..." by Tú_Yên tv Fri 15 Mar 2024, 11:09

Thơ Tú_Yên phổ nhạc by Tú_Yên tv Fri 15 Mar 2024, 11:07

7 chữ by Tinh Hoa Fri 15 Mar 2024, 03:27

Một thoáng mây bay 12 by Ai Hoa Thu 14 Mar 2024, 09:55

BẮT CÁ TRỜI MƯA by Phương Nguyên Wed 13 Mar 2024, 20:48

5 chữ by Tinh Hoa Wed 13 Mar 2024, 07:56

Tiến Trình Tu Học Phật - Thành Phật by mytutru Mon 11 Mar 2024, 23:17

Tập Mỗi Ngày by mytutru Mon 11 Mar 2024, 22:48

Lan ĐV 8 by buixuanphuong09 Mon 11 Mar 2024, 11:06

SẦU LY BIỆT by Phương Nguyên Mon 11 Mar 2024, 08:02

LỀU THƠ NHẠC by Phương Nguyên Sun 10 Mar 2024, 08:39

MỪNG NGÀY 08.03 by Phương Nguyên Sun 10 Mar 2024, 08:21

Chỉn by Trà Mi Sat 09 Mar 2024, 12:30

Lỗi 404 by mytutru Fri 08 Mar 2024, 11:09

Thể Tánh Muôn Loài by mytutru Tue 05 Mar 2024, 23:44

5-8-8-8 by Tinh Hoa Tue 05 Mar 2024, 03:32

Còn mãi duyên thầy by buixuanphuong09 Mon 04 Mar 2024, 13:37

Con Đường Tâm Mytutru TKN Đào Liên by mytutru Sat 02 Mar 2024, 12:09

Hoa Sen Ao Sen by mytutru Sat 02 Mar 2024, 08:27

Tự điển
* Tự Điển Hồ Ngọc Đức



* Tự Điển Hán Việt
Hán Việt
Thư viện nhạc phổ
Tân nhạc ♫
Nghe Nhạc
Cải lương, Hài kịch
Truyện Audio
Âm Dương Lịch
Ho Ngoc Duc's Lunar Calendar
Đăng Nhập
Tên truy cập:
Mật khẩu:
Đăng nhập tự động mỗi khi truy cập: 
:: Quên mật khẩu

Share | 
 

 Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Chuyển đến trang : Previous  1, 2, 3, 4, 5  Next
Tác giảThông điệp
Ai Hoa

Ai Hoa

Tổng số bài gửi : 10549
Registration date : 23/11/2007

Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân - Page 3 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân   Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân - Page 3 I_icon13Wed 01 Sep 2021, 11:59

Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân.

Người dịch: Nguyễn Đức Vân, Nguyễn Khắc Hanh


QUYỂN II
__________________________________

HỒI THỨ TÁM

__________________________________

VƯƠNG HIẾU NỮ DAO OAN LIỀU MỆNH BẠC,
MÃ TÚ BÀ KẾ ĐỘC GẠT HỒNG NHAN

Sống chết cần tính toán trước, tính toán chết cũng không phải việc dễ, cho nên những bậc trung thần nghĩa sĩ lâm cơn nguy nan, không hề thay đổi tấm lòng, sẵn sàng chịu đựng. Không tính toán chết mà chết, thì khóc lóc chốn buồng the tỏ ra biết bao nhiêu thói thường nhi nữ. Thúy Kiều vừa bị Tú bà động chạm đến, liền đâm cổ liều mình ngay, ấy là tính toán đã lâu rồi. Giả sử lúc ấy mà chết, thì tấm thân há chẳng được sạch sẽ hơn ư? Song kiểm điểm lại danh tiết, chỉ có thể thấy sạch mình là sạch mình, mà không thấy được nhục mình cũng chính là sạch mình vậy. Thế thì tấm lòng oan khổ, trinh trung, hiếu nghĩa của Thúy Kiều chẳng hoá ra mai một mất hay sao?

Tô Vũ sang sứ đất Thuyền Vu, giả sử khi ấy chết ngay đi hay được trở về luôn, thì làm thế nào cho người ta thấy được cái tiết lớn ăn chiên uống tuyết trong mười chín năm? Có biết ý ấy thì mới biết được Thúy Kiều, mà biết được Thúy Kiều thì mới nên đọc truyện này.

Xưa nay, sự thật chưa từng có thẳng thắn rõ như thế, làm sao ngày nay những người soạn tiểu thuyết dã sử vẫn có thể tự ý thêm thắt mà lại làm ra thẳng thắn rõ ràng!..



Lại nói, vợ chồng cha con Vương Viên ngoại đứng sững trông theo hồi lâu, mãi đến khi không còn thấy hút đâu nữa, mới khóc một chập, rồi bất đắc dĩ phải cùng nhau quay về.

Mã Quy từ biệt vợ chồng Vương Viên ngoại rồi, liền bảo bọn phu xe đi mau. Dọc đường đói ăn khát uống, đêm ngủ ngày đi chừng mấy bữa đă đến địa giới Lâm Thanh. Thúy Kiều ngẫu nhiên hỏi phu xe rằng đây là nơi nào, phu xe nói, đây là địa phận phủ Lâm Thanh. Thúy Kiểu nói:

- Thế này thì sắp đến nhà rồi à?

Phu xe nói:

-Còn lâu! Còn lâu! Ít ra phải đi mấy ngày nữa.

Thúy Kiều bụng bảo dạ: “Quả không ngoài ý liệu của ta". Dọc đưòng thấy cảnh thương tình, nước mắt khô, hơi thở mệt, liền từ từ làm thành một bài thơ để ghi nỗi oán sầu. Thơ rằng:

Quan san muôn dặm đường mênh mang,
Sóng vỗ bèo trôi dạ ngổn ngang.
Chỉ chút tình si khôn rũ sạch,
Mây bay nắng xế khắp giang san.


Viết xong thơ, ngâm nga hồi lâu, trông quanh bốn phía, thấy cảnh vật tiêu điều, bất giác lệ rơi, lại làm mấy bài thơ ngũ ngôn như sau:

I
Xa xôi nơi khách xá,
Một lòng để đôi nơi.
Gạt lệ miền Đông ruổi,
Thuận giòng ngày tháng xuôi.

Nắng hết trăng sao hiện,
Rừng mờ cảnh tả tơi.
Tiêu điều trời bể cách,
Ngao ngán nghĩ đường đời.

Khát khao miền Nam nhớ,
Đi về quá xa xôi.
Quan ải bao ngăn trở,
Tình riêng gửi một bài.


II
Ta chưa đi bao xa
Nhìn lại gió xuân qua.
Xuân lạnh én theo tiết,
Chao bay chạm góc nhà.

Chim hồng buồn không chỗ,
Về cõi bắc bôn ba.
Cá côn rỡn nước rộng,
Nóng lạnh vẫn lân la.

Người buồn lời khó tả,
Đêm xuân vời vợi xa.
Đau thương trông cảnh lạ,
Chuông vọng tiếng ngân nga.


Lại đi mấy ngày nữa, mới đến địa giới thành Lâm Tri. Phu xe nói với Thúy Kiều:

- Cô ạ! Giờ đây sắp đến nhà rồi.

Lâm Tri thuộc địa phận tỉnh Sơn Đông. Khi mới đến địa đầu giới, Mã Quy liền sai người về nhà báo tin trước. Xe đi một đoạn đưòng nữa mới về tới trước nhà. Thúy Kiều thấy một mụ chừng ngoài bốn mươi tuổi, cao lớn to béo, mặt mũi cũng hơi trắng trẻo, ra đón và nói:

- Kiều con! Xuống xe đi!

Thúy Kiều thấy mụ ta xưng hô với mình như thế, chưa biết là thế nào, cứ bước xuống xe. Mụ kia nói:

- Con vào nhà, lạy gia đường hương hỏa đi đã, rồi sau sẽ làm lễ lớn.

Thúy Kiều đành cứ theo mụ bước vào, thấy trong cửa có hai người đàn bà ăn mặc loè loẹt, son tổ phấn trát, tới đón chào. Lại thấy bốn năm người học trò đương ngấp nghé trông ra. Khi vào tới gia đường, xa xa thấy trên bàn thờ đã bày nhiều hoa quả, trên treo bức tượng, giống như Quan Thánh Đế Quân, nhìn kỹ ra thì thấy tượng ấy có hai vệt lông mày trắng.

Thì ra vị thần này gọi là vị thần Mày trắng mà các nhà chứa đĩ vẫn thờ. Mỗi khi cửa hàng vắng khách thì các ả gái đĩ đến trước bàn thờ, cởi trần truồng, hướng về bàn thờ dâng hoa, khấn khứa rồi cầm đũa, gõ luôn mấy cái, đoạn đem giấu vào đầu giường. Làm như thế, qua ngày thứ hai là có khách đến chơi.

Thúy Kiều mới đến, chưa rõ gốc tích thần Mày trắng là phong tục của mỗi nơi một khác, tưởng chừng là thần Thổ công mà các nơi vẫn phụng thờ, liền sụp xuống lạy, lắng nghe Tú bà đứng bên khấn:

- Xin phù hộ cho Kiều nhi nghìn người thấy, nghìn người ưa; muôn người gặp, muôn người mến..., ngày ngày hàn thực, đêm đêm nguyên tiêu, quý khách dập dìu, giai tân tấp nâp.

Thúy Kiều tuy không nghe rõ được hết giọng nói địa phương của mụ ta, song đại khái cũng hiểu được là những lời không tốt, nước mắt tuôn ra như mưa.

Làm lễ gia đường xong, Tú bà đưa Thúy Kiều ra trước nhà, rồi bảo:

-Con làm lễ khấu đầu chào cha mẹ đi!

Thúy Kiều thấy quang cảnh như vậy, không biết làm sao, đành phải khấu đầu bốn lần. Tú bà lại trỏ qua Mã Quy và bảo:

-Con làm lễ khấu đầu với cậu con đi!

Thúy Kiều nói:

-Ông này là chồng tôi, đã cùng ăn cùng nằm với tôi, sao bữa nay lại bảo tôi gọi ông ta là cậu?

Tú bà thoạt nghe câu này, thần tam bành liền nổi chồm lên, và nói:

-Nói như thế thì mày định cướp chồng bà à?

Thúy Kiều nói:

- Rõ ràng đưa lễ cưới xin tôi làm vợ lẽ, sao lại bảo là tôi cướp... chồng!

Tú bà lại càng tức nghẹn cả hơi, nhắm về phía Mã Quy mà mắng:

- Thằng Mã Quy ba que này! Thằng đểu giả khốn nạn này! Tao bảo mày đi mua người về để tiếp khách kiếm lời, chớ ai bảo mày ăn nằm với nó?

Lại nhắm về phía Thúy Kiều mà mắng:

- Con khốn nạn này! Thằng mặt dầy có đòi nằm với mày thì mày cũng đừng có chịu, chớ sao lại sớm ngứa nghề, dẫn dụ thằng khốn nạn làm bậy như thế? Bữa nay tao không cho mày một trận, thì lần sau dạy bảo sao được...

Mụ ta không cho cãi cọ gì cả, liền túm ngay lấy tóc Thúy Kiều đánh đập túi bụi.

Thúy Kiều lúc này đã biết đây là nhà chứa, nên đã tính toán đến việc liều chết, liền lần túi lấy con dao cạo ra, kêu lớn rằng:

-Tôi không cần gì thân mạng nữa đâu!

Nói đoạn đưa ngay lưỡi dao dâm vào cuống họng, ngã lăn đùng ra, máu phun lênh láng. Một bọn người địa phương chạy vào nói:

- Mụ Mã Tú này! Mụ sai Mã Bất Tiến vờ làm phú ông đi cưới vợ lẽ, lừa gạt con gái nhà lương thiện đưa về, bắt ra tiếp khách, không chịu thì đánh đập tàn nhẫn, bức chết nhân mạng. Việc này liên lụy đến địa phương, chúng tôi không thể ngơ cho mụ được, phải trình báo quan phủ trước để tránh khỏi can hệ đến chúng tôi.

Nói xong định kéo nhau đi. Mụ Mã Tú đâm hoảng, vội vã la lớn:

- Thưa các ông! Xin các ông hãy để lại cho giây lát. Nguyên là chưa kịp hỏi hết đầu đuôi, thấy nó không chịu lạy cậu, lại còn nói là chồng nó. Tôi cần phải uốn nắn ngay từ buổi đầu, kẻo sau khó dạy, nên mới đánh nó vài cái, không dè tính nó cương liệt đến thế, liền đâm cổ tự tử! Nếu nó chết âu cũng là tội báo kiếp trước của tôi, nhưng nếu may mà được cứu sống, tôi sẽ tìm người tử tế gả chồng cho nó. Xin các ông hãy khoan báo quan vội, ở đây biện mâm rượu, mời các ông hãy uống một chén, để chúng tôi khiêng con bé này vào chữa. Nếu cứu không sống, thì việc cố nhiên phải đến quan, chừng ấy cũng nhờ các ông che đỡ cho đôi chút. May cứu sống được, tôi cũng xin có chút lễ mọn cảm tạ các ông. Xin các ông đừng báo quan vội!

Bọn người ấy làm khó dễ, rồi rút cục cũng đồng ý nhận lời mời của mụ Tú, cùng xúm nhau lại uống rượu.

Mụ Tú liền bảo một người đỡ đầu và hai ngưòi nhẹ nhàng nâng Thúy Kiều đặt lên tấm ván khiêng vào trong phòng, để lên chiếc giường có rải đệm. Mụ Tú sờ ngực Thúy Kiều, thấy vẫn còn hơi nóng, vội hối người đun nước gừng, rồi cạy răng rót vào miệng cho uống. May rằng cuống họng tuy bị thương, nhưng chưa đứt nặng, nước vào còn có thể nuốt. Mọi người cứu chữa từ giờ tỵ đến chập tối, bỗng thấy Thúy Kiều mở miệng thở phào một tiếng. Mụ Tú nói:

- Tạ trời, tạ đất! Có cơ sống được rồi!

Liền hối người đi tìm một thầy lang chuyên môn thuốc dấu đến nhờ cứu chữa. Thầy lang phết thuốc dấu vào miếng da gà, đắp lên vết thương, lại dùng mảnh lụa buộc ngoài kỹ càng, đoạn đưa ra hai liều thuốc và dặn:

- Cứ để bệnh nhân nằm yên chớ động. Hai liều thuốc thì cho uống ngay một liều, chừng năm canh hồi dương tỉnh lại, sẽ cho uống liều thứ hai. Trong hạn một trăm hai mươi ngày, đừng để bệnh nhân tức giận. Để tức giận là vết thương lại nứt ra thì không cứu chữa được nữa đâu.

Mụ Tú tạ ơn thầy lang, cắt người chăm sóc Thúy Kiều, rồi cầm mười lạng bạc ra nói với mấy người hương chức:

- Thưa các ông! Rất phiền đến các ông! Con bé kia đã có chuyển biến, chắc không đến nỗi chết. Nay tôi gọi là có mười lạng lễ mọn đưa tặng các ông làm tiền khó nhoc. Sau này nó khỏi hẳn, sẽ có lời tạ ơn các ông.

Mấy hương chức thấy nạn nhân đã được cứu sống, cả bọn lại được tiền, liền đỡ lời:

- Bà Tú ạ. Bà phải rõ cái tình cho chúng tôi, nếu bữa nay báo quan thì bà tất phải tốn kém đến vài mươi lạng bạc. Chúng tôi đã làm cho bà đỡ tốn, vì bà là người tử tế, cho nên mới như thế.

Mụ Tú luôn miệng cảm tạ, rồi bọn hương chức cầm tiền ra về. Mụ Tú về phòng dặn mọi người trong nhà bữa nay không tiếp khách và phải đến trông nom Thúy Kiều. Mọi người vâng lời. Chừng canh năm, chợt nghe Thúy Kiều kêu: “Chao ôi! Đau chết tôi mất thôi”.

Mụ Tú nói:

- Kiều con ơi! Con tỉnh lại con! Việc ban ngày là lỗi tại mẹ không phải, không biết con là con nhà lương thiện. Thôi, con cố giữ gìn cho thân thể mạnh lên, mẹ sẽ tìm người vương tôn quý khách gả chồng tử tế cho con. Nếu con không thích lấy chồng, thì cứ ở đây làm con gái mẹ suốt đời, mẹ quyết không ép con tiếp khách nữa đâu!

Thúy Kiều nghe nói như vậy liền kêu lên một tiếng:

- Tôi không cần cái mạng này nữa đâu!

Nói được một câu, khí uất đưa lên đầy ngực, chân tay giá lạnh, vết thương nứt ra, lại chết ngất đi. Mụ Tú thất sắc nói:

-Thôi! Thôi! Cây tiền[19] đổ mất rồi!

Vội vã nắm lấy vết thương đắp thuốc lên, rồi hoà thuốc rót luôn cho uống, mãi đến trưa hôm sau, bệnh nhân lại có vẻ khởi sắc. Cứu chữa luôn ba ngày, con mắt Thúy Kiều mới nhìn rõ được, song hễ nhắm mắt thì lại thấy Lưu Đạm Tiên ngồi bên, nói: “Món nợ oan nghiệt chưa xong, thoát đi sao được! Cảnh trí Tiền Đường khá đẹp, chị nên ẩn nhẫn đợi chờ”.

Thúy Kiều bụng bảo dạ: “Rõ ràng chị Lưu Đạm Tiên ở hội Đoạn trường, chị ấy bảo ta nghiệt trái chưa xong, chưa thể thoát được. Rõ ràng ta còn nhiều nghiệt trái khác, lúc này dù có chết đi, rút cục kiếp sau cũng phải trả, chi bằng kiếp này kết liễu cái nợ cũ ấy đi cho xong!”. Nghĩ thế rồi mới từ từ chịu uống thuốc nuốt cháo, lại được Tú bà chăm sóc ân cần, chia người ngày đêm luân phiên hầu hạ, dần dần mới ăn uống được. Tú bà nói:

- Con ơi! Mẹ đã hứa không ép con tiếp khách. Mẹ nuôi con đến khi lành mạnh, sẽ tìm người tử tế gả chồng cho con, coi con như con cái ruột thịt, mẹ quyết không thất tín với con đâu. Hiện nay khí trời nóng nực, nếu con không nghe lời mẹ, giữ gìn thân thể rủi có mệnh hệ nào, cái thân mẹ không cần phải nói, há chi tiếc cho cuộc đời thanh xuân niên thiếu của con sao lại kết thúc như thế mà thôi. Mẹ với con, xưa nay không oán không thù, dù cho thằng mặt dày ấy có lừa gạt con đi nữa, cũng là do con tình nguyện bán mình cứu cha, rành rành số bạc bốn trăm năm mươi lạng. Từ nay về sau không tiếp khách thì thôi, tội gì làm hại mẹ phải mang án mạng nữa. Con không chịu nói gì, mẹ chỉ khuyên con đừng nên khư khư giữ cái ý nghĩ liều chết, con có điều gì cứ nói thật kĩ càng cho mẹ nghe. Mẹ nhất nhất theo ý con, nếu không theo ý con, thì con liều chết cũng không muộn.

Thúy Kiều nghe xong, nghĩ thầm: “Mụ ấy nói cũng có lý. Thật thì mụ đã bỏ ra món tiền to để mua ta về. Một nhà ta đã thật chịu ơn về món tiền ấy của mụ, mà chưa có một chút nào báo đáp. Nếu nay ta chết, lại để mụ mắc án mạng, kiếp này tuy ta được trong sạch, kiếp sau không lẽ không trả nợ cho họ. Huống chi, lúc ta nhắm mắt, rõ ràng nghe chị Lưu Đạm Tiên bảo ta là nợ cũ chưa xong, chưa thể thoát được. Nếu nay chết đi, chẳng những nợ cũ kiếp trước chưa xong, mà lại thêm một tầng oan nghiệt kiếp này nữa thì đời nào trả cho xong! Nay mụ đã nói thế thì ta cũng nên tương kế tựu kế, liệu chuyện bày tỏ rõ ràng cho mụ nghe mới phải". Bèn nói:

- Thưa bà! Quả thật tôi đã nhận tiền bán mình của bà, có đâu lại liều chết để vỗ nợ. Nhưng mà, hồi ấy tôi đã phân trần minh bạch, tôi tự tay cầm bút viết hôn thư bán mình cho ông Mã làm vợ lẽ, không hề nói là bán mình làm đĩ. Hiện hôn thư ấy ở nơi bà có thể chất chứng, sao ngày nay lại ép tôi làm đĩ? Tôi là con gái có cha mẹ gia đình hẳn hoi, làm sao chịu được cái việc ấy, cho nên không thể không tìm con đường chết! Nay bà đã hứa sẽ chọn một người tử tế gả chồng cho, thì tôi cũng xin nghe lời bà, tôi gì mà còn liều chết? Nhưng có một điều cần phải nói rõ trước. Mai đây tôi được lành mạnh rồi, thì bà chớ đổi lời, nếu bà đổi lời chừng ấy xảy ra chuyện bà đừng có trách.

Tú bà vồn vã nói:

- Con ơi! Nếu mẹ dối con, đợi khi con lành mạnh, lại ép con tiếp khách, thì mẹ sẽ gặp tai ách, mình làm cây đuốc cắm ngược soi trời. Con bất tất đa nghi, mẹ quyết không nuốt lời đâu!

Thúy Kiều nghe nói lấy làm vui mừng, từ đó chịu khó ăn uống, thân thể dần dần khoẻ mạnh.

Tú bà sợ phía ngoài người qua lại phức tạp, nên cho Thúy Kiều rời sang ở lầu Ngưng Bích.

Ngôi lầu này, từ phía đông trông ra biển xanh, phía bắc nhìn lên Kinh kỳ, phía nam ngó lại Kim Lăng, phía tây trông ra dãy núi Kỳ Sơn, Thúy Kiều đối cảnh buồn bã, nhớ lại cái ngày cùng chàng Kim trao lời thề thốt, thân thiết biết chừng nào, mà nay vắng bặt tăm hơi, thê lương biết là dường nào, nhân cầm bút viết ra mười bài “Chẳng cùng nhau" để ghi lại tâm tình thương nhớ:

1. Một chẳng cùng nhau, một chẳng cùng nhau, lời thề chưa hết, bỗng tai bay vạ gió. Ôi chao! Tai bay vạ gió chia hai ngả.

2. Hai chẳng cùng nhau, hai chẳng cùng nhau, tình ngắn tình dài chất đầy lòng. Ói chao! Chất đầy lòng đau khổ mung lung.

3. Ba chẳng cùng nhau, ba chẳng cùng nhau, nghĩ đến người thân nước mắt ròng. Ôi chao! Nước mắt ròng, sầu khôn nguôi!

4. Bốn chẳng cùng nhau, bốn chẳng cùng nhau, chuyện xưa niềm mới khó gỡ xong. Ôi chao! Khó gở xong quanh quẩn trong lòng.

5. Năm chẳng cùng nhau, năm chẳng cùng nhau, giận nghiến răng như dại như ngây. Ôi chao! Như dại như ngây. Chống má cho khuây.

6. Sáu chẳng cùng nhau, sáu chẳng cùng nhau. Rượu li biệt sắp rót, ánh mặt trời xiên. Ôi chao! Ánh mặt trời xiên. Sao cất được đầu lên?

7. Bảy chẳng cùng nhau, bảy chẳng cùng nhau. Giận kẻ vương tôn đi chẳng lại. Ôi chao! Đi chẳng lại, quỷ thần sai?

8. Tám chẳng cùng nhau, tám chẳng cùng nhau. Chết xuống suối vàng lại sống lại. Ôi chao! Lại sống lại. Oan nghiệt an bài.

9. Chín chẳng cùng nhau, chín chẳng cùng nhau. Chết xuống suối vàng lại sống lại. Ôi chao! Phượng loan sum vầy. Xếp đặt sao đây?

10. Mười chẳng cùng nhau, mười chẳng cùng nhau. Đớn đau Thúy Kiều số mệnh trái ngang. Ôi chao! Số mệnh trái ngang, Thật bi ai!


Thúy Kiều viết xong mấy vần câu ca lại thấy nước mắt đầy khe, cỏ gò vương khói, tiếng triều rào rạt, cánh buồm thấp thoáng, bỗng nghĩ thành một bài thơ. Thơ rằng:

Bên sông nước suối thoảng mùi hoa,
Sương khói mung lung ngọn núi xa.
Gần biển, triều dâng bờ đá ướt,
Cách thành, buồm ngả bóng chiều tà.
Gió nâng vóc liễu trên từng gác,
Sóng giục người đi biệt đất nhà.
Việc cú can chi mà nhỏ lệ?
Đốt lò nhắp thử vị hương trà.


Thúy Kiều đề thơ xong, đương lúc buồn bã, bỗng nghe phía bên có
tiếng người ngâm thơ, bèn lắng tai nghe, thấy tiếng người ngâm rằng:

Cô gái nhà ai, cách mé hiên,
Bên hoa tiếng hát ý triền miên.
Sầu tuôn gọi gió lòng như nghẹn,
Oán thở hơi văn dạ những phiền.
Xa mặt, vẫn thơm mùi phấn bướm,
Gần song, càng cảm nỗi hờn duyên.
Nàng thương tôi chút thân tài nghệ,
Tôi lại thương nàng tiết vẹn nguyên.


Thúy Kiều nghe ngâm xong, ló đầu nhòm ra, thì thấy một gã thư sinh khăn lượt áo hoa, đang loanh quanh ngâm ngợi ở dưới chân lầu gần đó, liền nghĩ thầm: “Nghe những câu thơ anh chàng vừa ngâm, tuy không phải thơ hay vào hạng “dương xuân bạch tuyết”, song cũng là một mạch thư hương, duy chưa biết là hạng người thế nào...”.

Bèn để ý dò la kỹĩ lưỡng mới biết chàng ấy tên gọi Sở Khanh. Nàng lại nghĩ thầm: “Thân ta ngày nay bị rơi vào lò lửa, làm sao mà thoát ra được! Ý nghĩ ta trước đây chỉ muốn thoát khỏi lửa, thật là vô cùng may mắn. Nếu chàng này có thể cứu thoát ta, thì dù ta theo chàng đi nữa, cũng là may mắn”.

Thúy Kiều có sẵn ý nghĩ như thế, rồi sau chẳng biết ra sao. Xin xem hồi sau phân giải.


_________________________
Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân - Page 3 Love10

Sông rồi cạn, núi rồi mòn
Thân về cát bụi, tình còn hư không
Về Đầu Trang Go down
Ai Hoa

Ai Hoa

Tổng số bài gửi : 10549
Registration date : 23/11/2007

Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân - Page 3 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân   Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân - Page 3 I_icon13Fri 17 Sep 2021, 10:40

Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân.

Người dịch: Nguyễn Đức Vân, Nguyễn Khắc Hanh


QUYỂN II
__________________________________

HỒI THỨ CHÍN

__________________________________

TIẾC TÀI HOA, LẦM BẤT LƯƠNG THÀNH LƯƠNG THIỆN
CHÔN MỆNH BẠC, VỜ HÒA HIỆP ĐỂ XOAY TIỀN

Thúy Kiều xưa nay làm việc gì cũng sáng suốt, sao lại không biết Sở Khanh gian trá? Chao ôi, cái lòng khát khao mong được mau thoát đã làm rối loạn tinh thần đó mà thôi! Chẳng khác gì đói quá không chọn món ăn, sắp chết đuối không chọn người cứu. Phương chi kẻ kia ăn nói thi thư, đầu đội mũ nho giả, thì ngờ đâu lại là chó săn chim mồi cho đám mụ dầu kia ư? Đó là tội của phe danh giáo, chớ không phải là lỗi của Thúy Kiều dù có nhận lầm Áp Nha[20], cũng chỉ là ở trong hố lửa, bất đắc dĩ phải làm điều nguy hiểm để cầu may đó thôi, chớ không hề tự phụ là Hồng Phất biết anh hùng! Trong lúc chim đương ở lồng, vượn còn bị trói, mà muốn cứ ung dung ăn uống để chờ cuộc giải phóng hoàn toàn thì trong chốn bình khang, e rằng không có thiên lí nhân tình nào như thế! Than ôi! Tự xử mới biết là khó, trách người thì vẫn dễ dàng. Giả sử đặt mình vào cảnh ngộ ấy mà nghĩ đến cái cảnh hoa trôi bèo giạt, đây đó phiêu lưu, thì mới biết thương cho sự bất đắc dĩ của Thúy Kiều, mà đôi hàng lệ sẽ dầm dề như vậy... 


Lại nói, Thúy Kiều trông thấy bộ dạng Sở Khanh ra vẻ con nhà thi lễ, bất giác nảy ra tư tưởng phân vân, nên nhất thời ý định lung lay.

Lại một ngày kia, Thúy Kiều bỗng lại nghe tiếng Sở Khanh ngâm nga ở bên kia lầu, liền tựa cửa số ghé mắt trông kĩ. Ban đầu Sở Khanh giả vờ như không thấy, đợi khi Thúy Kiều nhìn mình mới ngoảnh đầu lại ngó sang phía Thúy Kiều vái dài một cái. Thúy Kiều đáp lại một câu “vạn phúc”, rồi vội vã rụt mình lui vào. Sở Khanh dậm chân nói một mình:

- Chao ôi sắc nước hương trời như thế, mà sao lạc lõng chốn bình khang, thật khiến ai ai cũng mày râu dựng đứng, tức giận đầy lòng. Giá được cùng nhau thương lượng, tất ta phải đóng vai Côn Lôn Nô cứu ả Hồng Tiêu[21] cho nàng được một ngựa một yên, âu cũng thoả tấm nhiệt tình này! Hiềm vì không được gặp nàng hỏi rõ nguyên do, mà nàng thì hiện ở trong lồng, không thể hiểu thấu lòng ta, làm thế nào mà đưa nàng ra khỏi hố lửa được? Còn biết làm thế nào nữa đây? Đáng tiếc bữa nay gặp mặt, nhưng lại bỏ qua mất rồi.

Nói đoạn, khép cửa đi vào, tiếng than thở vẫn còn lầm rầm không ngớt.

Thì ra Thúy Kiều tuy lui vào, song vẫn chưa xa mấy nên những lời Sở Khanh vừa nói, đều nghe được rõ ràng, bất giác mừng thầm, bụng bảo dạ: “Ta cứ tưởng chàng chỉ là một văn nhân, hay đâu lại là tay hiệp khách. Chỉ tiếc là vừa rồi ta không kêu van cùng chàng...". Rồi lại nghĩ: “Nếu ta kêu van cùng chàng, thì lại e cách tường nói riêng, người ngoài trông thấy sẽ xấu hổ bất tiện. Chi bằng viết một phong thư ném qua bên kia cửa sổ, trong thư tỏ hết sự tình đau khổ, hẳn chàng sẽ thương ta. Nếu như có thể cứu ta khỏi chốn này thì dù có theo chàng làm thân lẽ mọn đi nữa, còn hơn là làm đĩ nhiều".
Thúy Kiều nghĩ định thế rồi, bèn viết một phong thư.

Thư rằng:

“Thúy Kiều thiếp không may gặp gia biến, rơi vào chổn yên hoa, đau nỗi hồng nhan trụy lạc, thương mình bạc mệnh chơ vơ, vẫn tưởng chút thân gió bụi mong gì quân tử đoái thương. Ngỡ đâu hiệp sĩ cao nhân lại vi khách quần thoa mà động lòng. Tiếng tiếng sổ lồng, lời lời cứu khổ, lời vàng còn văng vẳng bên tai, nghĩa cảm đã ghi trong tấc dạ, vẫn muốn khóc tỏ trước chàng, khốn nỗi mình không lông cánh. Điều thiếp hy vọng là, chàng đầy lòng nghĩa khí, hơn đời cơ mưu, tất có thể bày ra mưu sâu chước lạ, đưa được rồng tù ra ngoài biển khổ. Cái đau đớn của kẻ vướng mình trong chốn bình khang này, coi một khắc như một năm. Được giải thoát sớm một khắc, ấy là đội ơn thêm một khắc. Đức của chàng ở đó, mà nguyện vọng của thiếp cũng ở đó. Kính cẩn ngóc đầu vẫy đuôi trông cậy ân nhân, mong lắm, mong lắm!”

Thúy Kiều viết xong muốn ném qua bên kia cửa sổ, nhưng lại sợ thư không rơi trúng, bị người ngoài nhặt được không tiện, mà muốn gửi đi lại không biết nhờ ai. Còn đang ngần ngại trù trừ, trong khi vô tâm bước xuống lầu, ra ngoài dạo chơi, bỗng thấy một tiểu đồng đi gánh nước. Thúy Kiều liền hỏi:

- Em là chú bé nhà nào?

Tiểu đồng giơ tay trỏ lên miệng ra hiệu là không nói được. Thúy Kiều thấy cậu nhỏ câm, ngờ là người nhà họ Sở bèn hỏi:

- Có phải em là chú bé nhà họ Sở không?

Tiểu đồng liền gật đầu lia lịa. Thúy Kiều sẽ bảo nhỏ:

- Chị có phong thư gửi cho chủ nhân của em, muốn phiền em đưa về giúp, cẩn thận nhé!

Tiểu đồng gật đầu, giơ tay cầm lấy. Thúy Kiều đưa phong thư vào tay tiểu đồng, lại dặn cất cho cẩn thận. Tiểu đồng nhét thư vào túi áo trong, rồi gánh nước về nhà.

Hôm sau tiểu đổng lại ra vục nước. Thúy Kiều tới nơi đón, hỏi:

- Thế nào? Chủ nhân em có thư trả lời không?

Tiểu đồng gật đầu, moi ra một phong thư đưa cho Thúy Kiều rồi vội vã gánh nước trở về. Thúy Kiều cầm thư, quay mình lên lầu, mở ra xem, thì thấy trong thư chỉ có hai chữ: “Tích việt”, lật qua lật lại không hiểu nghĩa ra sao. Ngẫm nghĩ hồi lâu, chợt hiểu ra, bụng bảo dạ: "Thôi phải rồi! Phải rồi! Chàng hẹn ta giờ tuất ngày hai mươi mốt sẽ vượt tường gặp nhau. Bữa nay chính là ngày hai mươi mốt, vậy buổi tối thế nào chàng cũng đến, ta phải đợi chàng”.

Đến chập tối, bỗng Tú Bà đem rượu và đồ nhắm lên cùng Thúy Kiều uống và nói chuyện phiếm mãi đến khuya mới thôi, Thúy Kiều rất bồn chồn nóng ruột, đợi tiễn Tú bà về khỏi, liền đóng cửa lên lầu. Mở song nhòm ra, thấy đã có một chiếc thang đặt dựa vào chỗ cửa sổ, thì nửa sợ nửa mừng, đằng hắng lên một tiếng, nghe phía ngoài cũng có tiếng đằng hắng đáp lại. Liền sau đó có người leo thang lên, chui qua cửa song nhảy vào. Thúy Kiều trông ra, quả là Sở Khanh, thì hết sức mừng rở, liền sụp lạy, nói:

- Thúy Kiều này mệnh bạc, lưu lạc chốn yên hoa, mong được ân nhân cứu thoát nơi cạm bẫy, thì sống xin ngậm vành, chết xin cắn cỏ!

Sở Khanh vội vã đáp lễ:

- Bấy lâu mến tiếng cô em, hiếu nghĩa hơn người, mà lại bị giam hãm trong chốn lầu xanh, tiểu sinh xiết bao tức giận. Bữa qua lại tiếp được tờ hoa gửi tới, biết rõ nỗi khổ của cô em, tiểu sinh xin hết sức cứu vớt ra khỏi nơi nước sôi lửa bỏng này, nhất định không phụ tấm lòng trông cậy của cô em đâu.

Thúy Kiều ứa nước mắt, ngỏ lời cảm tạ. Hai người nhìn nhau có vẻ rất vui. Sở Khanh nói:

- Nàng ở thanh lâu mà khư khư giữ tấm lòng thanh bạch của riêng mình, há chẳng cũng buồn tẻ lắm ru?

Thúy Kiều nói:

- Lòng thiếp trong trẻo hồn nhiên, mặc cho mây bay qua lại, không thể làm nhuốm đục được!

Sở Khanh nói:

- Chỉ sợ cũng bị nhuốm chàm một phần.

Thúy Kiều nói:

- Mặc dầu muốn nhuốm cũng không đen....

Sở Khanh nói:

- Người chứ có phải cây đâu mà vô tình được?

Rồi ghé mình lại gần sát và nói:

- Cái đêm phong quang đẹp đẽ này, chúng ta gặp nhau, há chẳng nên hờ hững bỏ qua. Huống chi ta đương tính kế cứu nàng, thì nàng há không có gì để tạ ơn ta hay sao?

Thúy Kiều nói:

- Thân này không chết, ắt có ngày khác.

Sở Khanh nói:

- Gặp nhau buổi đầu, nếu không có sự hoà hợp, e công việc sau này không lợi!

Thúy Kiều đương muốn lấy lòng hắn ta để mong sự cứu vớt và nghĩ mình đã mất trinh rồi, không còn như xưa, liền trả lời:

- Xin chàng cứu vớt, dám đâu tiếc việc hầu hạ gối chăn. Nhưng xin chàng thuỷ chung như nhất, chớ để thiếp phải có lời than “đầu bạc”[22].

Sở Khanh liền quỳ gối thề rằng:

- Sở Khanh này nếu phụ tình bữa nay của Vương Thúy Kiều thì xin bị kẻ cướp phanh thây trăm đoạn, cả nhà gặp nạn lửa binh...

Thúy Kiều vội vừa đỡ dậy, vừa nói:

- Chúc ai gặp vạ nên lành!

Rồi đó, trai tham gái mến dắt tay nhau lên giường cùng chung giấc mộng Vu Sơn, tới chừng mây tan mưa tạnh, thì đồng hồ đã chỉ canh tư. Thúy Kiều nói:

- Thiếp cảm lòng chàng nghĩa hiệp, đã đành theo viết Thôi Trương, mong chàng mau định kế giải thoát cho thiếp để được suốt đời hầu hạ người quân tử, ấy là tâm nguyện của thiếp!

Sở Khanh nói:
- Bây giờ là việc của tôi rồi. Trong ba ngày, tất có mưu lạ để giải thoát cho nàng!

Thuý Kiều ân cần cảm tạ mãi. Đến canh năm, Sở Khanh từ biệt lui về. Đêm hôm sau Sở Khanh lại sang, nói với Thúy Kiều:

- Tôi đã nhờ người dò la khẩu khí mụ Tú, xét ra mụ không có ý cho nàng tòng lương, chỉ đợi khi nàng thân thể thật khoẻ mạnh sẽ lại đem bán cho kẻ khác. Đã có người hứa trả bảy trăm lạng, nhưng mụ chưa ưng, đòi đủ một nghìn. Trong một lúc tôi không xoay xoả đủ số tiền lớn ấy, mà người kia đã có đủ bảy trăm. Nếu hắn bỏ thêm chừng trăm lượng nữa mà mua đi, há chẳng phụ tấm lòng nghĩa khí của nàng và khối nhiệt tình của tôi ư? Bây giờ đây, tôi định sẵn một kế rồi!

Thúy Kiều vội hỏi kế gì. Sở Khanh nói:

- Tôi tính ba mươi sáu chước, chỉ có chước bỏ chạy là hơn cả.

Thúy Kiều nói:

- Thế không phải là thượng sách. Vạn nhất bị họ bắt được, chàng thoát đi rồi, chừng ấy bảo thiếp chối cãi làm sao? Tự dưng đến nỗi chết không thể chết, sống không thể sống, thì rồi ra làm sao? Mưu ấy nghe chừng không ổn.

Sở Khanh nói:

- Không ngại mà! Tôi có một con ngựa tốt, ngày đi ngàn dặm, lại có một tên phu ngựa khoẻ mạnh, vũ dũng hơn người, một đêm có thể chạy xa hàng ba trăm dặm. Vậy đêm nay tôi sẽ đưa nàng leo tường xuống cưỡi ngựa đi liền, đến sáng là ra khỏi địa giới của vùng này, chừng ấy ta thuê xe lừa, cũng đi về Kinh, dọc đường nhận nàng là thân quyến của tôi, còn ai dám cản trở?

Thúy Kiều nghe nói trong lòng lo ngại, không muốn theo song nghĩ mình đã chót ăn nằm với hắn, sợ hắn giở mặt thì rất có hại. Nếu nghe theo, lại sợ chạy không thoát, bị bắt lôi về, tất nhiên sẽ bị hành hạ khổ sở, vì thế nghĩ ngợi miên man, tới lui đều khó, bụng bảo dạ: “Khổ cho tôi lại gặp phải ma rồi! Cứ tưởng nó là tay hiệp nghĩa, hay đâu lại là kẻ tiểu nhân liều lĩnh. Việc đã thế này, tất phải làm theo. Thôi, thôi liều chết cầu sống, nhắm mắt theo trời, đành phải dựa vào hắn mà thôi”. Bèn ứa nước mắt ra nói với Sở Khanh:

- Ra đi đây là việc liều mạng cầu may, lành ít dữ nhiều chàng phải toàn thuỷ vẹn chung. Nếu nửa chừng bỏ thiếp thì dù thiếp chết xuống suối vàng cũng không thể tha thứ cho chàng được!

Sở Khanh nói:

- Nàng chớ lo quá! Dù có lộ chuyện ra nữa thì đã có tôi đây đứng ra chịu đựng, chỉ đến trả số tiền trước cho mụ là xong, chớ còn sợ mụ nỗi gì?

Thúy Kiều nói:

- Chàng mà quả quyết được như thế, thì thiếp còn phải lo sợ nỗi gì?

Đêm hôm sau, chừng canh khuya, Sở Khanh lại vượt qua cửa sổ vào nói với Thúy Kiều:

- Mọi việc đều đã chuẩn bị xong xuôi, mời nàng ra đi.

Thúy Kiều vẫn còn nghi ngại, ngần ngừ chưa quyết. Sở Khanh lại thề rằng:

- Nếu việc hỏng mà tôi không ra mặt cáng đáng để nàng chịu nhục, thì tôi sẽ chết cho dòi bọ đục xác.
Chừng ấy Thúy Kiều mới quả quyết xuống lầu, lên ngựa. Sở Khanh cũng lên ngựa. Thúy Kiều thấy có một phu ngựa cầm chiếc dù cùng đi theo.

Lúc bấy giờ vào khoảng tháng chín, trong kì sương giáng, Thúy Kiều cảm thấy hơi lạnh rợn người, lại không có trăng, cảnh vật thật là thê thảm. Tâm tình chán nản, đành cứ để mặc ngựa đưa đi. Bỗng nghe tiếng gà gáy rộn, trời dần dần hửng sáng, lại nghe phía sau có tiếng reo hò ầm lên, đoán chừng là việc không hay, bèn nói với Sở Khanh:

- Phía sau tiếng cười ồn ào, tất là bọn đuổi theo ta. Thôi chàng làm hại thiếp rồi!

Sở Khanh nói:

- Tôi đây một mình đảm đương, sợ cóc gì chúng!

Hồi lâu, coi chừng bọn người đuổi theo đã dần dần kịp, Sở Khanh nói với Thúy Kiều:

- Để tôi quay lại đối phó với bọn này!

Nói đoạn, liền quay ngựa trở lại. Lúc này trời chưa thật sáng rõ, Thúy Kiểu còn tưởng là Sở Khanh quay lại nói chuyện với bọn đuổi theo, nên cũng dừng ngựa lại chờ đợi. Chẳng ngờ bọn đuổi theo thừa thế ào đến, đồng thanh reo: “Bắt được đây rồi! Bắt được đây rồi!”.

Thì ra bọn người này chính là Mã Quy, Tú bà và mấy người hàng xóm. Tú Bà quát mắng om sòm:

- Con đĩ này giỏi thật! Không chịu tiếp khách mà lại biết trốn đi theo trai! Các hạ trói lấy nó cho tôi.
Bọn thủ hạ nhất tề ra tay bắt trói Thúy Kiều. Lúc này Thúy Kiều muốn chết, chết không được, mà hối thì việc đã rồi, song vẫn còn trông mong Sở Khanh đến cứu. Có ngờ đâu bọn chúng chỉ là một cốt một đồng, không biết chạy đi đâu mất rồi.

Tú bà nói với bọn thủ hạ:

- Con đĩ không thể đi một mình được, tất phảicó đứa gian phu nào nữa, các hạ thử tìm xem.

Mọi người lùng sục trong đám cây rậm, quả tìm ra được một người hầu trong nhà Tú bà, tên gọi Đô Trá. Tú bà mắng:

- Thằng khốn nạn này! Mày đến ở nhà tao, nhà tao không hề bạc đãi mày, cớ sao mày dám dụ dỗ người nhà tao trốn đi như vậy hử?

Vừa nói vừa xấn đến túm đầu Đô Trá, đánh luôn mấy roi túi bụi. Đô Trá cứ im thin thít, không dám hé răng. Tú bà lại quay sang mắng Thúy Kiều:

- Cái mặt đẹp chưa kìa! Khách tử tế không chịu tiếp, lại đi tằng tịu với cái thằng đày tớ. Con đĩ bẩn thỉu đến nỗi này, lôi cổ mày về nhà, rồi tao sẽ nói chuyện!

Rồi đó mọi người áp điệu Thúy Kiều và Đô Trá cùng quay về, chừng giờ tỵ mới gần đến nhà. Những người trông thấy đều ái ngại thở than:

- Cô gái xinh đẹp thế kia mà lại đi theo một tên đầy tớ! Lại có người nói:

- Đừng có nói chuyện mập mờ làm mất thanh giá của cô ta. Việc này chắc lại do lão Sở dẫn dụ đấy...

Thúy Kiều nghe được câu ấy, mới biết Sở Khanh với Tú bà là một bà sắp đặt cơ mưu để lừa gạt mình, nên nghiến răng cắn lợi, thở than oán hận luôn miệng.

Khi về tới nhà, Tú bà bảo tên Oa-biên-tú lột hết quần áo Thúy Kiều, cả mảnh vải bó chân cũng cởi ra hết, đoạn dùng thừng quấn từ bụng quanh hai cánh tay, buộc vào hai ngón tay cái, rồi treo lên dầm nhà, lủng lẳng cách mặt đất một tấc, chỉ để cho mấy đầu ngón chân chạm đất và không cởi quần lót. Thúy Kiều lúc này thân thể loã lồ, thẹn thùng không biết lẩn tránh vào đâu. Và đã đến nước này, sống chết cầm ở tay người, nên chỉ nhắm nghiền đôi mắt, mặc cho nó làm gì thì làm. Tú bà quát mắng:

- Con đĩ dâm dục này! Tao bảo mày tiếp khách, mày liền cầm dao đâm cổ, tao đã cố chữa cho mày khỏi chết, lại tha tội cho mày mà nay mày lại theo tên hầu đi trốn, thế là xứng đáng à? Mày nói mày là con gái nhà tử tế không chịu làm đĩ, tao rất kính nể mày, không ép đón khách làng chơi nữa và ngày ngày đi tìm người tử tế để gả chồng cho mày. Có ngờ đâu mày lại giả bộ, mới có mấy ngày mà đã ngứa nghề không chịu nổi, thầm vụng theo trai. Theo người khác còn coi được, tại sao nóng vội đến nỗi đi theo thằng đầy tớ? Cái đồ đốn mạt này! Không đánh mày, mày có sợ đâu!

Nói đoạn, vung chiếc roi da lên vụt luôn một hơi đến hai ba mươi roi.

Ái ngại cho Thúy Kiều bị trận khảo đả, hai tay bị treo mất rồi chỉ còn mười đầu ngón chân xoay trên mặt đất, mỗi khi bị đánh một roi lại xoay một cái, cứ xoay lông lốc không ngớt, đành van lớn:

- Mẹ ơi! Không chịu đòn được nữa đâu, để con chết đi thôi!

Tú bà quát:

- Mày muốn chết à, thì tao đánh cho mày chết!

Lại đánh luôn hàng hai ba mươi roi. Thúy Kiều kinh hồn khiếp vía, liền van:

- Mẹ ơi! Con thật không chịu đòn được nữa, mặc cho mẹ bán đi thôi.

Tú bà nói:

- Mày muốn bán à? Chính là tao đánh mày về cái chỗ muốn bán này nữa...

Lại đánh tiếp luôn hai ba mươi roi nữa. Lần này Thúy Kiều nghẹn cả hơi thở, rên van:

- Mẹ ơi! Thật con không chịu đòn được nữa! Từ giờ nếu mẹ cần con tiếp khách, con sẽ xin vâng!

Tú bà quát:

- Mày lại muốn lừa để giết tao à? Tao mà tha mày, thì mày lại tác quái, chi bằng đánh mày chết quách đi cho rồi!

Thúy Kiều nghe nói lại năn nỉ van xin.

Không biết tính mệnh Thúy Kiều ra sao, xin xem hồi sau phân giải.

____________________

Chú thích:

[20] Áp Nha là tên một nhà hào hiệp đời Đường đã cứu thoát nàng Võ Song về với Vương Trụ, cho nên xưa có câu thơ: Giai nhân dĩ thuộc Sa Cha Lợi, Nghĩa sĩ kim vô Cổ Áp Nha.

[21] Điển này lấy ở truyện “Côn Lôn Nô” trong bộ tình sử Trung Quốc.

[22] Đời Hán, Tư Mã Tương Như yêu Trác Văn Quân, sau này lại yêu một người khác. Trác Văn Quân làm bài ca “Bạch đầu ngâm”, trong có câu: “Nguyện đắc đồng tâm nhân – Bạch đầu bất tương li”. Nghĩa là: “Mong được người đồng tâm – Đến lúc bạc đầu không rời nhau”.


_________________________
Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân - Page 3 Love10

Sông rồi cạn, núi rồi mòn
Thân về cát bụi, tình còn hư không
Về Đầu Trang Go down
Ai Hoa

Ai Hoa

Tổng số bài gửi : 10549
Registration date : 23/11/2007

Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân - Page 3 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân   Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân - Page 3 I_icon13Wed 22 Sep 2021, 11:23

Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân.

Người dịch: Nguyễn Đức Vân, Nguyễn Khắc Hanh


QUYỂN II
__________________________________

HỒI THỨ MƯỜI

__________________________________

QUÂN BỢM ĐÃI TRỞ MẶT VÔ TÌNH
GÁI ĐĨ GIÀ DẠY ĐIỀU HOA NGUYỆT


Thúy Kiều lần trước bị nhục, liền liều chết một cách điềm nhiên. Lần này chịu bao nỗi đoạ đầy, mà lại không chết, là tại làm sao? Là vì trước kia, Mã Quy tuy không phải hạng người xứng đáng, song mình đã nhận tiền mà lấy người ta thì không phải là nhục. Không phải là nhục mà lại bị nhục, nên chết còn có danh nghĩa. Lần này thì mình riêng bị sở Khanh lừa gạt, vì riêng nhục mà chịu nhục, thì không còn có danh nghĩa gì để mà chết.

Chết không có danh nghĩa gì mà chết bừa đi sao được. Vả chăng, riêng bị nhục thì lòng đã thẹn rồi, khí đã kém rồi. Lòng thẹn, khí kém mà bảo cầm dao làm việc dữ thì không thể được nữa, cho nên mới đành nhẫn nhục cầu sống để mong tính kế sau này.

Trong sách “Lý Lăng”có câu: “Giết mình vô ích, chỉ càng thêm thẹn, giơ tay chịu nhục, đành phải sông thừa", chính giống với trường hợp này đây. Đã giơ tay chịu nhục thì hiệp liệt là vô dụng; hiệp liệt đã vô dụng thì không thể không chịu sự dạy bảo trăng hoa được.

Còn như gã Sở Khanh giở mặt vô tình, là hạng người không bằng loài cầm thú, chính là để trách cái lỗi nhận lầm của Thúy Kiều vậy...



Lại nói, Thúy Kiều chịu đau không nổi, đành phải van lơn:

- Mẹ ơi! Đó là lỗi ở con. Từ rầy trở đi con không dám như thế nhất nhất nghe theo lời dạy bảo của mẹ, chỉ mong mẹ nghĩ lại sinh phúc cho con. Tha cho con cái lỗi nhất thời u mê, chót nghe những lời hứa phỉnh của Sở Khanh, đã bỏ mẹ trốn chạy, ngày nay rơi vào tay mẹ, thì quyền sống chết là ở mẹ, chỉ xin mẹ thương con lìa làng bỏ nước, trôi dạt đến đây. Ngày nay lên trời hết lối, xuống đất không đường, đau đớn ê chề, thật không sao chịu đựng được đòn nữa. Dù mẹ đánh chết thì con cũng chẳng đáng là bao, nhưng chẳng nhẽ mẹ chịu mất số tiền bốn năm trăm lạng của mẹ hay sao? Mẹ không coi mặt người là trọng thì cũng nên coi trọng mặt tiền kia. Xin tha cho con lần này! Từ rầy về sau, nếu con không nghe lời mẹ dạy, sẽ đánh con nữa cũng không muộn mà.

Tú bà nói:

- Đã vậy tao còn đánh mày trăm roi nữa, để làm gương rồi sẽ xử lý mày sau.

Nói đoạn lại giơ roi lên, toan đánh nữa. Thúy Kiều khiếp sợ, không còn hồn vía, la lên:

- Thôi! Chịu không nổi nữa, chết mất thôi!

Đầu nàng xoay mấy vòng, chân tay dẫy dụa. Tiếp đó mười đầu ngón chân chảy máu ròng ròng, tóc rối bời, miệng sùi bọt trắng, hai mắt ứa máu. Các chị em làng chơi thấy quang cảnh ấy liền quỳ xuống xin hộ cho Thúy Kiều.

Tú bà thấy như thế cũng sợ nàng chết mất, liền trả lời:

-Ta cũng nể lời chị em tha cho mày, nhưng mày phải hứa, từ rầy còn trái lệnh ta thì sẽ bị đánh bao nhiêu roi?

Thúy Kiều rên rỉ, nói:

-Nếu còn trái lệnh mẹ, xin chịu tội một trăm roi.

Tú bà nói:

- Từ rầy hễ gặp ai cũng phải chào hỏi. Khách đến phải rót trà, dâng rượu, gợi tình đưa đón hầu hạ, không được trái lời. Trái lời cũng phải đánh trăm roi... Nghe chưa?

Thúy Kiều nói:

-Vâng, vâng! Con xin làm như thế!

Tú bà nói:

- Có chị nào đảm bảo cho mày không xảy ra việc gì thì tao mới tha!

Thúy Kiều lại rên rỉ, nói với các chị em:

- Các chị ơi! Có chị nào bảo đảm cho em với nào?

Trong bọn họ có một chị tên gọi Mã Kiều nói:

- Chị Vương ạ! Em xin bảo đảm cho chị, nhưng chỉ sợ khi chị được thả ra rồi, lại tìm cách chết, thì mạng em cũng chết vì tay chị mất.

Thúy Kiều nói:

- Chị ơi! Em biết mình nặng nợ, khó bề giải thoát, xin yên lòng tùy theo số mệnh, quyết không để liên luỵ đến chị đâu!

Mã Kiều nói:

- Được vậy thì em xin bảo đảm cho chị...

Liền quay sang quỳ xuống trước mặt Tú bà nói:

- Thưa mẹ! Con xin bảo đảm cho chị Vương, nếu chị ấy còn có chuyện gì, con đều xin chịu tội!

Tú bà nói:

- Con bảo đảm thì phải bảo đảm cho hoàn toàn, nếu có xảy ra lầm lỡ một tí gì, đều trách cứ ở con cả đấy!

Mã Kiều nói:

-Con xin nhất thiết bảo đảm cho chị ấy đến cùng!

Tú bà nói:

-Như vậy, hãy hạ nó xuống.

Mã Kiều chừng ấy mới bảo Oa-biên-tú nhè nhẹ thả xuống, nhưng Thúy Kiều làm gì đứng vững được. Mã Kiều lại mặc hộ quần áo, đi giầy vào cho Thúy Kiều, vén lại mái tóc và nói:

-Để con cùng chị Kiều vào rửa mày rửa mặt, rồi sẽ ra tạ tội!

Mã Kiều dìu Thúy Kiều vào phòng an ủi một hồi, lại hâm một bồ rượu, đưa cho uống và khẽ bảo:

- Chị Vương là người lanh lợi mà sao cũng vướng phải kế đà đao của họ? Sở Khanh là thằng bạc tình có tiếng ở vùng này đã lừa gạt không biết bao nhiêu chị em, làm hại bao nhiêu vợ con nhà lương thiện. Việc này do lão bố dầu mượn nó, hứa cho nó ba mươi lạng bạc, xúi nó bày mưu lừa chị đó mà! Bây giờ đã chót mắc vào cạm bẫy của chúng, chị nên dằn lòng nén ý, đợi thời mà hành động. Lúc nãy, đáng lý chị không nên nói ra cái chuyện Sở Khanh đưa chị đi trốn. Nó mà biết thì nó lại còn đến phân biện trắng đen. Chị chối đi thì còn đỡ, chớ mà cứ nhất quyết giữ lời lấy được, thì nó là thằng rất dễ trở mặt đấy, chị cũng đừng có đối chọi với nó.

Thúy Kiều nói:

-Lời nó thề với em còn văng vẳng bên tai, e có lẽ không đến nỗi phụ lòng như vậy.

Mã Kiều cười:

- Em nói không sai đâu, rồi chị sẽ thấy! Thôi chị uống ngụm rượu rồi ra mà tạ tội đi.

Thúy Kiều suốt đêm hôm trước đã không ngủ, lại bị đánh hàng trăm roi, tinh thần và sức lực mỏi mệt, bụng đói miệng khát, nhờ được mấy chén rượu mới tỉnh táo dần, bèn cố gượng đi ra, đến trước Tú bà khấu đầu tạ tội.

Chợt thấy Sở Khanh từ ngoài tiến vào. Tú bà đứng đậy đón chào:

-Kìa bác Sở ! Trận gió nào đưa bác đến đây thế?

Thúy Kiều thấy Sở Khanh vào, còn ngây thơ tưởng hắn đến để phân trần phải trái cho mình, nên cứ cúi đầu lẳng lặng ngồi yên, liền nghe Sở Khanh nói với Tú bà:

-Tôi nhân nghe được một câu chuyện vu oan, nên định đến hỏi cho ra lẽ. Nghe nói có ả nào nhà chị đi theo thằng hầu lại nói là tôi đưa nó đi trốn? Vậy chị gọi nó ra đây, để tôi hỏi tận mặt nó, coi nó biết tôi là hạng người nào mà dám vu vạ.

Tú bà nói:

- Không mà! Bác Sở! Không có câu chuyện như thế đâu, chớ nghe người ta nói nhảm!

Sở Khanh nói:

- Người nhà tôi đến đây xem đánh đòn, nghe thấy chính miệng con ấy chỉ tên tôi mà nói, nên tôi cần gặp mặt nó để hỏi cho nó câm miệng không nói được, thì tôi mới thôi.

Tú bà bị nói kèo lèo quá, đành phải gọi Thúy Kiều:

- Kiều con! Mau ra xin lỗi bác Sở đi nào!

Lúc này Thúy Kiều tức giận đầy lòng, nhưng không biết tính sao, đành phải bước ra chào. Sở Khanh nói:

- À! Té ra là con này ăn nói quàng xiên. Mày gặp tao bao giờ? Tao đi với mày lúc nào? Mày phải trả lời cho tao nghe, thì tao sẽ thôi bằng không thì tao không chịu đâu.

Thúy Kiều nói:

- Anh nói không thì là không chớ sao!...

Sở Khanh nổi giận hằm hằm nói:

- À ra con dâm phụ này vẫn nhất định đổ riệt cho tao! Tao hẹn mày trốn bao giờ thế? Con đĩ không biết họ Sở này! Không đánh mày, sao cho hả giận...

Vừa nói, vừa sấn đến, nhè vào mặt Thúy Kiều đánh ngay một tát.

Thúy Kiều liền lăn ra giẫy giụa, kêu ầm lên:

- Thằng họ Sở vong ơn bội nghĩa kia! Mày nói không hẹn tao trốn đi, thế thì hai chữ “Tích việt" tay mày viết ra, ngầm hẹn tao đêm hôm hai mươi mốt vượt cửa sổ gặp nhau, không lẽ cũng là giả à? Mày ép tao đi theo, tao cố từ không chịu. Chính miệng mày hứa, nếu việc thất bại, một mình mày sẽ cáng đáng. Trời cao chứng giám, mày có dám thề không? Mày ép tao ăn nằm với mày, hứa với tao bạc đầu giai lão, thề thốt với trời! Người tha mày! Chớ trời nào tha cho mày! Mày đẩy tao xuống vực sâu, không nghĩ rằng nên nói đỡ cho ta một đôi lời, trái lại, lại còn đến biện bạch à! Tao nghĩ có mẹ ngồi đây, tao không hề nói với mày một câu nào là để giữ thể diện cho mày cũng đã được rồi, mày lại còn đánh tao, mày tưởng đánh tao là có thể gỡ được mối ngờ của mọi người. Có biết đâu, dối người được chớ dối sao được trời. Mày nói không đưa tao đi trốn, thì mày vào đây, tao thề cho mày xem.

Nói đoạn, túm ngay lấy vạt áo Sở Khanh, nhất định không buông.

Sở Khanh bị Thúy Kiều cứ khăng khăng một mực trước sau nói rõ sự thật, thành ra ý muốn che đậy những tội ác, bây giờ trái lại càng lộ rõ thêm những xấu xa hồi trước. Mọi người nghe rõ câu chuyện, đều nhao nhao lên:

- Cứ như những lời chị Vương vừa kể, rõ ràng là thằng cha họ Sở đã làm hại chị, lại còn dậm doạ làm bộ, chúng ta phải giúp đỡ chị Vương báo thù câu chuyện bất bình này.

Rồi mọi người la ầm lên: "Cái thằng lừa đảo đã làm hại chị Kiều chính là thằng chó săn chim mồi này đây”. Họ nói như thế, làm cho Sở Khanh chẳng còn mặt mũi nào, đành phải rút lui.

Sau đó Tú bà thấy Thúy Kiểu vừa bị đòn đau, không nên để cho đứng lâu, liền bảo Mã Kiều đưa về phòng nghỉ.

Sáng hôm sau, Thúy Kiều không thể ngồi dậy, khắp mình đau đớn như dần và sốt tấy lên. Mã Kiều nói cho Tú bà biết. Tú bà thân hành vào thăm và nói:

- Kiều con ạ! Sở Khanh vốn là một tên quang côn vô lại, sao con lại dại để nó đánh lừa? Nó mà đem được con đi thoát rồi cũng đến bán con cho kẻ khác để kiếm tiền, chớ đâu cầu con làm vợ! Nay mẹ bảo thật, nếu con chịu theo mẹ làm ăn thì mẹ sẽ biệt đãi con. Bằng con không muốn thì mẹ sẽ tìm chủ nào có tiền lại bán con đi tiếp khách. Tuỳ con định lấy.

Thúy Kiều nói:

-Bình đã vỡ rồi, đi với người mới chi bằng ở với người cũ. Từ nay con xin theo mẹ làm ăn.

Tú bà rất mừng, và nói:

- Con đã bằng lòng theo mẹ thì hãy nghỉ ngơi dăm ba ngày nữa, mẹ sẽ nói những mánh khoé nhà nghề và những công phu chăn gối con nghe, rồi mới biết cách làm ăn được.

Liền bảo tên Oa-biên-tú tìm thứ rượu ngon và những vị thuốc hành thuyết như hồng hoa, tô mộc, đào nhân, nga truật và tam lăng, sắc lên cho Thúy Kiều uống. Thúy Kiều uống thuốc, thân thể mỗi ngày một mạnh, dần dần lại được bình phục như cũ.

Một hôm,Tú bà nói với Thúy Kiều:

- Con ạ. Tên con là Vương Thúy Kiều, nay phải đổi là Mã Kiều. Nếu có khách đến mà con chẳng biết gì cả thì làm thế nào mà giữ được khách lại? Phỏng có lưu được, chỉ tổ để họ cười cho mà thôi.

Thúy Kiều nói:

- Ăn nằm thì cũng đến ăn nằm như thế, chẳng lẽ lại còn kiểu cách gì nữa?

Tú bà cười nói:

-Con ngốc này! Nếu nhà gái đĩ cũng như những nhà lương dân thì còn ma nào đến đây chơi nữa? Trong đó còn có nhiều cái thú để mẹ thong thả giảng cho con nghe, con cần phải nhớ vào lòng cho kỹ! Này nhé! Nếu khách chè chén xong, sắp lên giường, mình phải nhường khách nằm trước vào phía trong, mình nằm ngoài, mặt phải quay vào phía khách, giang tay ra cho khách gối đầu. Sau đó khách nhất định sờ mó khắp người con, thì con cũng đưa tay sờ hạ bộ của họ. Nếu bé, ngắn thì mình dùng phép “Đánh trống giục hoa"; nếu to, dài thì mình dùng phép “Sen ròng khoá xiết”. Nếu người cấp tính thì dùng phép “Mở cờ đánh trống”; người tính hoãn thì dùng phép “Đánh chậm gõ sẽ”; người không dai sức, dùng phép “Đỡ dần buộc chặt”; người dai sức, dùng phép “Gắn bó truy hồn”; người mê sắc thì dùng phép “Dềnh dàng cướp vía". Thế là tám nghề, kể ra cũng còn nhiều phép nữa, nhưng đại khái cũng không ra ngoài tám phép này. Sau khi luyện xong công phu về chăn gối rồi thì phải học đến những mánh khoé thường dùng hàng ngày. Mánh khoé ấy gồm có bẩy chữ: Thứ nhất là Khóc. Tiếp được khách có tiền ở lại ít lâu, lúc họ định ra về, thì mình phải khóc: “Tình lang ơi! Sao chàng nỡ bỏ thiếp mà đi cho đành”. Giả cách nũng nịu ngây thơ quyến luyến không rời xa, thì khách dù có gan dạ cứng rắn như thế nào cũng phải ở lại. Hoặc có khi gặp tay lõi đời, họ tất nói: “Nàng ở đây, khách đến khách đi luôn luôn thì làm sao mà lưu tình cho hết được. Ta với nàng chẳng qua là gặp thú thì chơi mà thôi, nàng coi thế nào như thật được”. Thế thì mình phải nghẹn ngào khóc rằng: “Thế mới biết đàn ông cay độc thật. Đừng nói đôi ta tương đắc, quyến luyến không rời, dù cho một cục đá, ôm lâu thì cũng nóng nữa. Thiếp khách tuy nhiều, nhưng chung tình có một, thiếp thật là quyến luyến không nỡ rời chàng". Thế rồi hai hàng nước mắt tầm tã chứa chan thì dù người sắt tất cũng phải mềm, mà không thể dứt lòng ra đi được!...

Thúy Kiều hỏi:

-Nếu không có nước mắt thì làm thế nào?

Tú bà cười nói:

- Có khó gì đâu! Giã gừng sống vắt lấy nước, tẩm vào khăn tay đem lau mắt thì nước mắt sẽ chảy ra như suối tràn... Thứ hai là Xén. Khách ở lâu có ý mê mình thì mình phải tính kế để lấy lòng khách. Sợ khi bạn bè khách có kẻ thấy hai người yêu nhau muốn phá đám thì mình với khách phải bảo nhau cùng xén một ít tóc, trộn lại làm một mớ, rồi chia làm đôi, mỗi người buộc một nửa vào cánh tay để tỏ ra ý muốn kết tóc, tất nhiên khách cho mình là có lòng thật mà không nỡ rời. Thứ ba là Thích. Hai bên đã tương đắc, tất phải dùng đến ngón mạnh hơn để buộc lấy lòng khách. Mình phải hoặc ở cánh tay, hoặc ở bắp chân, dung kim thích mấy chữ “Chồng tên là Mỗ...Mỗ”, rồi lấy mực xoa vào, khiến rửa không sạch ngấn, để khách trông thấy, sẽ cho là mình riêng chung tình với khách, tất khách phải mắc mưu chết mê chết mệt với mình. Nếu khách ấy đi rồi, có khách khác đến sau thấy vậy, tất phải nghĩ ràng: “Không biết người ấy người nọ đối đãi với cô ta thế nào mà cô phải quyến luyến như thế”. Khách tất lại phải càng xử hậu với mình để hòng tránh lấy cái yêu của mình đối với người trước. Thế thì mình phải nhân đó dùng mẹo, nhăn nhó khóc nói: “Chàng nọ đã vì thiếp tiêu tốn bao nhiêu tiền, dụng tình thế nào, chiều chuộng thế nào mà thiếp chưa hề có gì báo đáp được chàng”. Nói xong giả chảy nước mắt, tất khách phải cảm động mà phải vung tiền ra nữa với mình. Thứ tư là Đốt: đốt là kế khổ nhục. Hiện nay chị em quỷ quyệt mà khách làng chơi cũng nhiều tay khôn khéo. Muốn được khách vui lòng để mình bòn tiền của nó, nếu không có cách gì khua động lòng khách một cách mạnh mẽ, thì lung lạc thế nào được khách sa vào tay mình, đành phải dùng đến kế khổ nhục này. Mình với khách phải cùng phát thệ: trai không đổi lòng, gái không hai dạ, nếu sau phản phúc, thần người đểu giết v.v. Rồi hai người cùng chích, huyệt thứ nhất chích với người yêu thứ nhất, ân tình nhiều nhất, gọi là “nguyện đồng tâm”. Hai người mở áo, bụng kề bụng, da kề da, dùng hương mà chích; thứ hai, gục đầu vào nhau mà chích, gọi là “nguyện kết tóc"; thứ ba, tay tả mình khít với tay tả khách cùng chích, gọi là “hứa nguyện liên tình" bên tả; thứ tư, tay hữu mình khít với tay hữu của khách cùng chích, gọi là “hứa nguyện liên tình” bên hữu; thứ năm, đùi tả mình khít với đùi hữu khách cùng chích, gọi là "hứa nguyện giao đùi” bên tả; thứ sáu, đùi hữu mình khít với đùi tả khách cùng chích, gọi là “hứa nguyện giao đùi” bên hữu. Ngày xưa Tào Tháo đem tám mươi ba vạn quân xuống đánh Giang Nam mà còn bị kế khổ nhục của Hoàng Cái đánh diệt hết nữa là? Huống chi mấy thằng con trai ngu xuẩn trên đời này, nếu mình chịu khổ, đốt hương cùng chích với chúng thì chúng dù có tan cửa nát nhà cũng không phàn nàn. Thứ năm là Gá. Khách làng chơi không nói lấy nhau thì còn gì thú vi. Mà chị em không nói “gá” với nhau, thì còn có gì là ôn tồn nữa. Nhưng tiếng gá của gái đĩ không thể so sánh với tiếng lấy của các cô gái con nhà nề nếp được. Tiếng gá ở đây là khéo léo, đo người cắt áo gặp cảnh sinh tình. Khách là con nhà giàu hỏi thân giá mình chừng bao nhiêu, mình nên nói: “Nguyên nhân giá em bán cho chủ là ngần ấy tiền, tiếp khách cho chủ mấy năm được bao nhiêu tiền, cũng đã được vốn được lời rồi, ngày nay bất quá chỉ trả cho chủ chừng hơn trăm lạng nữa là được thôi. Thế rồi, suốt ngày mình thề bồi, bàn cách lấy nhau, làm cho khách mê mẩn tâm thần, tự nhiên có đồng nào bỏ ra hết. Chừng khi chi tiêu hết tiền rồi, không có gì mà cưới mình nữa thì mình không phải đuổi, khách cũng tự ngoan ngoãn rút lui thôi. Thứ sáu là Chạy. Đây là cách khéo nhân kế dùng kế. Khi khách đã chơi hết tiền, muốn cưới thì không có của, muốn chơi thì không có tiền, muốn tống khách ra khỏi cửa thì chỉ có một cách giả chạy trốn là lừa được nó. Mình giả hẹn khách thuê thuyền ở chỗ nào, lừa cho khách thật tin, không chút ngờ vực. Rồi đến ngày thu xếp ra đi, mình bí mật máy người đến phá đám, dậm dạo định bắt trình quan, như vậy khách tất nhiên mắc cỡ, phải lảng rút lui. Ấy là mẹo giả binh đó. Khách cứ tưởng là duyên hôi phận bạc, việc vui mừng bị phá vỡ, chớ có ngờ đâu là đã mắc mưu kế “đà đao” của mình! Thứ bẩy là Chết. Chết đây là chết giả, chớ không phải chết thật đâu. Hai người thân nhau, coi chừng lòng khách đã dao động thì mình bảo khách: “Thiếp sống là vợ của chàng, chết là ma nhà chàng. Thiếp quyết lấy chàng, nếu chàng không lấy thiếp thì dù chết cũng chết ở bên mình chàng”. Nếu khách đã có thê có thiếp, mình biết rõ là khách không thể lấy mình, thì bảo: ‘Thiếp không thể làm vợ chàng, thật là uổng cả mối tình thân mật đối với chàng. Thiếp tuy tiếp khách đã nhiều, song không được mấy ai ôn tồn như chàng. Nếu chàng không thể lấy thiếp thì đôi ta song song cùng chết, còn hơn là sống ở đời mà phải xa nhau. “Giải đồng không kết kiếp này- Thì xin kiếp khác làm cây liền cành”. Như thế không lo gì khách không giốc một lòng với mình, dù phải khánh kiệt gia tài cũng là cam chịu. Đó, con mà nắm vững được cái bí quyết của bẩy chữ ấy, thì có thể nhẩy lên sân khấu mà làm nhiều trò tiểu xảo nữa... Đứng trước cửa thấy khách nhìn mình thì mình phải tươi cười đưa đón. Nếu có hàm răng đẹp đẽ, thì cười để lộ răng, cốt khoe cái đẹp gọi là Dùng răng bạc. Nếu chân nhỏ nhắn thẳng thiu, thì dẫm lên bậc cửa, cúi đầu ngắm nghía, gọi là Phượng gật đầu. Nếu vóc người đẹp thì ra ngoài bước đi, gọi là Hiện thân thuyết pháp. Nếu tay đẹp thì để lộ nửa ngón tay búp măng; nếu tóc mây thì nghiêng nghiêng khẽ vén hoặc khoé mắt đưa tình, hoặc ngâm nga gợi ý. Nghĩa là phải làm sao để khơi động lòng xuân, khêu gợi lòng dục của khách làng chơi. Thạo những ngón kể trên, thì có thể làm đĩ vậy.

Thúy Kiều nói:

-Té ra như thế! Con xin lĩnh hội cẩn thận.

Không biết Thúy Kiều tiếp khách ra sao? Xin xem hồi sau phân giải.


_________________________
Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân - Page 3 Love10

Sông rồi cạn, núi rồi mòn
Thân về cát bụi, tình còn hư không
Về Đầu Trang Go down
Ai Hoa

Ai Hoa

Tổng số bài gửi : 10549
Registration date : 23/11/2007

Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân - Page 3 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân   Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân - Page 3 I_icon13Mon 10 Jan 2022, 08:50

Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân.

Người dịch: Nguyễn Đức Vân, Nguyễn Khắc Hanh

QUYỂN II
__________________________________

HỒI THỨ MƯỜI MỘT

__________________________________

KHÓC HOÀNG THIÊN, BÌNH KHANG ĐÀNH GỬI HẬN
SAY PHONG NGUYỆT, NHÀ VÀNG MƯU LẤY KIỀU



Thúy Kiều nghĩ mình tấm thân trong ngọc trắng ngà mị phải lưu lạc chốn yên hoa, thì không khóc sao được. Đã khóc mà lại xa cha mẹ anh em, thì không khóc trời sao được? Đã khóc kêu trời, ta ngỡ rằng trời nghe tiếng, tất đau lòng lệ rơi mà mở chomột con đường sống nên đã khiến Thúc sinh muốn cưới, muốn lấy trọn đời. Ai ngờ trời cũng không tốt, cái nợ giăng hoa ấy không cho một lần trả xong, lại bầy ra việc gặp Thúc sinh đề làm tấn trò quá độ, sao mà nhẫn tâm lắm thay!

Thúy Kiều là con chim đã bị thương, tất nhiên phải lo trước như thế, lo sau như thế và căn dặn đinh ninh đến như thế. Ngày nay xem ra, chê là quá nhỏ nhặt. Nhưng đến sau này mà bàn, thì lại trách là quá sơ sài.

Con gái một thân không nơi nương tựa, sướng khổ tuỳ người, thật là đáng thương, đáng than thở...



Lại nói, Thúy Kiều mình rơi vào chốn lầu xanh, tài nghệ và dung nhan đều vào hàng nhất, cái tiếng thạo hồ cầm và thi phú bay khắp gần xa. Ai ai cũng biết Mã Kiều là tay giỏi tân thanh, thạo hồ cầm, rung động tâm tình người ta, hấp dẫn hồn phách người ta, thật là một tiếng cười đáng giá ngàn vàng.

Thúy Kiểu thường thường nghĩ mình xuất thần là hạng người thế nào, bình sinh hứa hẹn những gì, mà ngày nay rơi vào nơi bể khổ biết bao giờ có ngày mở mày mở mặt, vì thế mà mối sầu chan chứa mới viết ra bài “ Khóc trời” (Khốc hoàng thiên) để ghi nỗi bất bình:

Số mệnh bạc, vận nhà nghiêng ngửa,
Vì cứu cha, hố lửa vướng chân,
Nhát dao đã tính liều thân,
Giữ cho trong giá trắng ngần như ai.

Không may gặp hạng người bợm bãi,
Miệng đặt điều khó cãi cho ra.
Trói mình treo ngược xà nhà,
Đánh cho toé máu toạc da tơi bời.

Đau gần chết, ngất thôi mấy lượt,
Kêu van hoài chẳng được dung tha.
Nằn nì trăm bận xin qua,
Ép mình đưa đón kiếm ra tiền tài.

Nghĩ mình vốn thân đài các ấy,
Biết làm sao đưa đẩy làm tiền.
Những nghe dạy bảo mà phiền,
Vô liêm vô sỉ, giận điên cả người.

Khoa chăn gối, học đòi nghề nghiệp,
Để đêm đêm mặc đẹp ấp người.
Người vui thức, cũng thức hoài,
Người say ngủ kĩ, mình thời nằm yên.

Đã để ý, sợ mang quở trách,
Lại lưu tâm, phòng khách lén đi.
Khách ham dâm dục những gì...
Âm thầm cứ chịu, nhu mì đón đưa.

Khách quen thuộc, chào thưa còn khá,
Khách lạ lùng, hầu hạ khổ sao.
Mặc cho tính khách thô hào,
Riêng mình cố chịu ngọt ngào cho qua.

Mụ ưa thích, chỉ là nhiều bạc,
Đẹp xấu coi chẳng khác gì nhau.
Hoa thơm dâng bọn lái trâu,
Nỡ đem người ngọc để ngâu nó vầy.

Dù hôi hám mặc thây cứ chịu,
Dù ốm đau, bẩn thỉu dám hờn.
Nếu hơi tỏ chút than phiền,
Tức thì đánh mắng liền liền không tha.

Sống thờ khắp người ta làm vợ,
Chết không chồng nấm mộ tha ma.
Kiếp người khổ nhất đàn bà,
Đàn bà khổ nhất ấy là gái chơi.

Làm tì thiếp còn nơi vấn vít,
Thân gái chơi sống chết biết đâu?
Vái trời khóc lạy kêu cầu,
Mỗi câu là vạn mối sầu kết tinh.

Nhắn các bạn lầu xanh kiều diễm,
Hố lửa này mau liệu thoát ra.
Chớ chờ khi đuổi khỏi nhà,
Gió tây nhỏ lệ thân ta còn gì!


Bài ca này truyền tụng ra ngoài, người nghe thương tâm, người thấy lệ rơi. Thúy Kiểu lại đem bài ca phổ vào hồ cầm, gảy nên những tiếng não nuột bi ai. Không nói chi là bọn chị em son phấn nghe phải than khóc, ngay đến độc ác như Tú bà nghe cũng phải chảy nước mắt.

Lại nói, hồi này ở đây có một gả thư sinh họ Thúc, tên Thủ, tự là Kỳ Tâm, quê ở huyện Vô Tích, Thường Châu, có cha mở cửa hàng buôn bán ở Lâm Tri nên theo cha đến đây. Thúc sinh tuổi kém đôi mươi, gia tư giàu có, lấy vợ Hoạn thị, con gái viên Thượng thư Bộ Lại. Nàng này đã đẹp lại thông minh, chỉ có tính hay ghen, mà ghen có bề thế, lại việc gì cũng làm theo ý của mình. Đã không chịu chia sẻ ái tình với ai mà cũng không để cho ai chia sẻ ái tình với mình. Tài trí Thúc Thủ không bằng vợ mà công việc trong nhà thì Hoạn thị xếp đặt đâu vào đó đểu có nề nếp thứ tự cả. Thúc Thủ tuy có bụng dạ ngoại tình song chỉ mắt nhìn thèm thuồng mà thôi.

Thúc sinh nhân lúc theo cha đến Lâm Tri du học nghe tiếng Mã Kiều bèn giấu cha, rủ một bạn chơi tên là Bộ Tân sửa soạn mấy tấm hàng dắt nhau đến thăm Mã Kiều, đưa danh thiếp và lễ vật làm lễ giáp mặt. Thúy Kiều nói:

-Đội ơn các ngài hạ cố đã là vinh hạnh cho thiếp, vội cho lễ hậu thế này, thiếp sao cho đáng!

Thúc sinh nói:

-Đã lâu vẫn mộ tiếng thơm, bữa nay đến thăm gọi là có chút quà mọn, dám đâu nói sự thành kính, bất quá mới chỉ tò chút lòng ngưỡng vọng đó thôi!

Thúc sinh lại đưa ba lạng bạc làm tiệc rượu. Tú bà sửa soạn tiệc rượu to thết đãi.

Chiếu hôm ấy, mọi người chén tạc chén thù, bài bạc vui chơi. Thúy Kiều hình dung yểu điệu, thật là ít có trên đời, lại sau khi uống vài chén rượu, mặt tựa hoa đào, tình tứ ôn nhu, nói năng phong nhã, càng thêm vẻ phong lưu đáng yêu. Thúc sinh ngắm nghía, lòng vui thích, liền nói:

-Tiểu sinh này tuy không thạo thơ từ, nhưng gặp bậc giai nhân tuyệt sắc, há không có gì lưu tặng. Vậy chẳng ngại quê mùa xin góp nhặt mấy câu thô lậu để ghi lại cuộc gặp gỡ này!

Thơ rằng:

Nuồn nuột dung nhan coi tựa ngọc,
Nõn nà cốt cách ngỡ rằng tiên.
Phù dung xưa vốn chưa từng biết,
Yến tiệc may sao lại gặp duyên.
Tay ngọc chén nâng vừng huyệt sáng,
Áo là gương rọi bóng đèn xuyên.
Vui thú khuê môn từng đã lắm,
Nhưng chỉ vui này đệ nhất thiên.


Thúc sinh đề thơ xong, tiệc tàn người vắng, hai người dắt nhau về phòng, ái ân đằm thắm.

Sau đó Thúc sinh nhân dịp cha về nam thăm nhà không ai câu thúc nên càng tự do say đắm về tình.

Hai người uống rượu tuý luý, ca hát cuồng nhiệt, đàn sáo vang lừng, rồi cùng nhau ngâm vịnh, thưởng ngoạn dưới trăng.

Từ đó luôn ba tháng liền, Thúc sinh cứ lưu luyến ở nhà họ Mã. Anh ta vung tiền như đất nên hết thảy mọi ngưòi trong nhà họ Mã đều ưa thích.

Một buổi chiểu, Thúy Kiều tắm xong càng đẹp lộng lẫy, Thúc sinh nói:

-Coi dung mạo nàng mơn mởn như hoa, ngắm thân hình nàng nõn nà tựa ngọc. Không ngờ nơi gió bụi lại có phẩm lạ như vậy, thật khiến lòng tôi say đắm. Nay thấy cái thế thái ăn vận của nàng sau khi tắm xong cũng là hiếm có, ngẫu nhiên vịnh vài lời để ghi cảnh tắm.

Thơ rằng:

Trăng chiếu lầu xanh, giốc ngọc hồ,
Băng tinh người đẹp dáng say mơ.
Da ngà, cung quế đua tươi sáng,
Vóc tuyết, muôn hoa cũng ngẩn ngơ.
Thoạt đứng sượng sùng nhờ kẻ đỡ,
Khi đi bẽn lẽn cậy người đưa.
Nõn nà, lánh vội vào màn gấm,
Bên gối âm thầm khúc hát xưa.


Thúy Kiều nói:

-Đội ơn chàng quá yêu, thiếp cũng muốn họa theo một bài, song lòng đang băn khoăn nhớ nhà, xin đợi lúc khác.

Thúc sinh sửng sốt hỏi:

-Thế ra không phải là con gái bà Tú ở đây à?

Thúy Kiều nói:

-Chàng đừng hỏi cái việc đoạn trường ấy nữa, nói ra càng thêm đau lòng.

Thúc sinh nghe xong càng kinh ngạc cố gạn hỏi cho biết tò tường ngành ngọn. Thúy Kiều nói:

-Thiếp như bông hoa cắm lọ, chàng như cái bướm lượn chơi, chúa xuân đã có chủ trương rồi, hà tất hỏi cặn kẽ làm chi?

Thúc sinh nói:

-Tôi muốn cưới nàng nên hỏi như thế.

Thúy Kiều nói:

-Cưới vợ lẽ khó, mà việc tòng lương cũng không phải là dễ đâu. Lúc này chàng vào chốn lầu xanh, thấy thiếp tô son điểm phấn thì lầm lẫn quá yêu. Một mai về nhà chàng theo lề lối làm ăn lương thiện, nhạt phấn phai son thì lòng yêu của chàng vị tất đã được như thế. Vả lại thiếp đã yêu chàng, theo chàng về nhà chỉ trơ trọi nương tựa vào một mình chàng. Thiếp lại nghĩ vợ cả chàng là vị tiểu thư con nhà quý phái, vợ chồng đang hoà hiệp yên vui, nếu nay thêm một thiếp vào rồi sẽ có điều rắc rối. Vợ chồng đương hòa hảo, vì một thiếp mà thành ra Sâm Thương lủng củng, tội ấy đều do thiếp cả. Sau nữa nếu chàng có để thế lực che chở cho thiếp, thì thiếp tuy mang tội làm rấc rối cuộc ái ân của vợ chồng chàng nhưng còn được yên thân. Còn như hoàn toàn thuộc quyền vợ cả thì dù nhẹ cũng phải roi vọt, mà nặng thì có khi đến phải bỏ đời. Thành ra thiếp cầu mong thoát khỏi chốn lầu xanh lại rơi vào hoạn nạn, chi bằng cử nấn ná ở đây, đợi khi nạn hết tai qua, thê nào cũng có lúc thu trường kết cục. Thiếp nghĩ việc lấy chàng thật là rất đỗi khó khãn, không phải dễ dàng đâu.

Thúc sinh nói:

-Nàng lo tính công việc rất có lý, song tôi đã quyết ý lấy nàng. Nếu nàng không lấy tôi thì tôi xin chết ở bên mình nàng đây!

Thúy Kiều nói:

-Lấy nhau thì chẳng có gì khó song chỉ sợ lấy nhau rồi lại không được như ngày nay thôi!

Thúc sinh liền phát thệ:

-Nếu Thúc Thủ này sau khi lấy Mã Kiểu mà đổi lòng đổi dạ, không như ngày nay thì xin trời tru đất diệt!

Thúy Kiều nói:

-Chàng muốn thiếp lấy chàng thì phải ưng cho thiếp một việc!

Thúc sinh nói:

- Đừng nói một việc, dù mười việc cũng xin ưng!

Thúy Kiều nói:

- Thiếp từng bị lao lung, rất là khiếp sợ. Nếu thiếp lấy chàng thì thiếp không về Vô Tích đâu, mà chỉ muốn sống trong cửa hàng của chàng ở đây thôi.

Thúc sinh nói:

- Tôi vẫn định không đưa nàng về Vô Tích, vẫn định chia ở đôi nơi, mà lấy nàng cũng là ý ấy. Giờ đây cũng không đưa nàng về cửa hàng ngay mà hãy thuê một nơi cho nàng ở tạm, đợi khi cha tôi về, thưa rõ câu chuyện rồi mới để nàng về ở hẳn cửa hàng.

Thúy Kiều nói:

- Việc này chàng đừng nên coi thường, vì một khi thiếp lấy chàng, ra khỏi cửa nhà họ Mã này rồi thì có chết cũng sẽ chết ở trong nhà chàng chứ nhất định không chịu cái nước cóc chết ba năm quay đầu về núi đâu! Đừng có mà khi cha chàng về, không cho lấy thiếp nữa lại đuổi thiếp về nhà họ Mã để cho thiếp chịu bêu chịu riếu...

Thúc sinh nói:

-Nàng bất tất quá lo xa, quyết không đến nỗi thế đâu!

Thúy Kiều nói:

-Thiếp chỉ sợ chàng lấy thiếp rồi sẽ xảy ra nhiều chuyện...

Thúc sinh nói:

-Chỉ cốt nàng ưng thì mọi việc tôi có thể cáng đáng được hết!

Thúy Kiều nói:

-Được như thế thiếp sẽ xin nâng khăn sửa túi.

Thúc sinh mừng lắm, liền dắt tay Thúy Kiều về phòng cùng ngủ.

Chẳng biết rồi ra thế nào, xin xem hồi sau phân giải.


_________________________
Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân - Page 3 Love10

Sông rồi cạn, núi rồi mòn
Thân về cát bụi, tình còn hư không
Về Đầu Trang Go down
Phương Nguyên

Phương Nguyên

Tổng số bài gửi : 4760
Registration date : 23/03/2013

Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân - Page 3 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân   Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân - Page 3 I_icon13Tue 11 Jan 2022, 13:32

Ai Hoa đã viết:
Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân.

Người dịch: Nguyễn Đức Vân, Nguyễn Khắc Hanh

QUYỂN II
__________________________________

HỒI THỨ MƯỜI MỘT

__________________________________

KHÓC HOÀNG THIÊN, BÌNH KHANG ĐÀNH GỬI HẬN
SAY PHONG NGUYỆT, NHÀ VÀNG MƯU LẤY KIỀU



Thúy Kiều nghĩ mình tấm thân trong ngọc trắng ngà mị phải lưu lạc chốn yên hoa, thì không khóc sao được. Đã khóc mà lại xa cha mẹ anh em, thì không khóc trời sao được? Đã khóc kêu trời, ta ngỡ rằng trời nghe tiếng, tất đau lòng lệ rơi mà mở chomột con đường sống nên đã khiến Thúc sinh muốn cưới, muốn lấy trọn đời. Ai ngờ trời cũng không tốt, cái nợ giăng hoa ấy không cho một lần trả xong, lại bầy ra việc gặp Thúc sinh đề làm tấn trò quá độ, sao mà nhẫn tâm lắm thay!

Thúy Kiều là con chim đã bị thương, tất nhiên phải lo trước như thế, lo sau như thế và căn dặn đinh ninh đến như thế. Ngày nay xem ra, chê là quá nhỏ nhặt. Nhưng đến sau này mà bàn, thì lại trách là quá sơ sài.

Con gái một thân không nơi nương tựa, sướng khổ tuỳ người, thật là đáng thương, đáng than thở...



Lại nói, Thúy Kiều mình rơi vào chốn lầu xanh, tài nghệ và dung nhan đều vào hàng nhất, cái tiếng thạo hồ cầm và thi phú bay khắp gần xa. Ai ai cũng biết Mã Kiều là tay giỏi tân thanh, thạo hồ cầm, rung động tâm tình người ta, hấp dẫn hồn phách người ta, thật là một tiếng cười đáng giá ngàn vàng.

Thúy Kiểu thường thường nghĩ mình xuất thần là hạng người thế nào, bình sinh hứa hẹn những gì, mà ngày nay rơi vào nơi bể khổ biết bao giờ có ngày mở mày mở mặt, vì thế mà mối sầu chan chứa mới viết ra bài “ Khóc trời” (Khốc hoàng thiên) để ghi nỗi bất bình:

Số mệnh bạc, vận nhà nghiêng ngửa,
Vì cứu cha, hố lửa vướng chân,
Nhát dao đã tính liều thân,
Giữ cho trong giá trắng ngần như ai.

Không may gặp hạng người bợm bãi,
Miệng đặt điều khó cãi cho ra.
Trói mình treo ngược xà nhà,
Đánh cho toé máu toạc da tơi bời.

Đau gần chết, ngất thôi mấy lượt,
Kêu van hoài chẳng được dung tha.
Nằn nì trăm bận xin qua,
Ép mình đưa đón kiếm ra tiền tài.

Nghĩ mình vốn thân đài các ấy,
Biết làm sao đưa đẩy làm tiền.
Những nghe dạy bảo mà phiền,
Vô liêm vô sỉ, giận điên cả người.

Khoa chăn gối, học đòi nghề nghiệp,
Để đêm đêm mặc đẹp ấp người.
Người vui thức, cũng thức hoài,
Người say ngủ kĩ, mình thời nằm yên.

Đã để ý, sợ mang quở trách,
Lại lưu tâm, phòng khách lén đi.
Khách ham dâm dục những gì...
Âm thầm cứ chịu, nhu mì đón đưa.

Khách quen thuộc, chào thưa còn khá,
Khách lạ lùng, hầu hạ khổ sao.
Mặc cho tính khách thô hào,
Riêng mình cố chịu ngọt ngào cho qua.

Mụ ưa thích, chỉ là nhiều bạc,
Đẹp xấu coi chẳng khác gì nhau.
Hoa thơm dâng bọn lái trâu,
Nỡ đem người ngọc để ngâu nó vầy.

Dù hôi hám mặc thây cứ chịu,
Dù ốm đau, bẩn thỉu dám hờn.
Nếu hơi tỏ chút than phiền,
Tức thì đánh mắng liền liền không tha.

Sống thờ khắp người ta làm vợ,
Chết không chồng nấm mộ tha ma.
Kiếp người khổ nhất đàn bà,
Đàn bà khổ nhất ấy là gái chơi.

Làm tì thiếp còn nơi vấn vít,
Thân gái chơi sống chết biết đâu?
Vái trời khóc lạy kêu cầu,
Mỗi câu là vạn mối sầu kết tinh.

Nhắn các bạn lầu xanh kiều diễm,
Hố lửa này mau liệu thoát ra.
Chớ chờ khi đuổi khỏi nhà,
Gió tây nhỏ lệ thân ta còn gì!


Bài ca này truyền tụng ra ngoài, người nghe thương tâm, người thấy lệ rơi. Thúy Kiểu lại đem bài ca phổ vào hồ cầm, gảy nên những tiếng não nuột bi ai. Không nói chi là bọn chị em son phấn nghe phải than khóc, ngay đến độc ác như Tú bà nghe cũng phải chảy nước mắt.

Lại nói, hồi này ở đây có một gả thư sinh họ Thúc, tên Thủ, tự là Kỳ Tâm, quê ở huyện Vô Tích, Thường Châu, có cha mở cửa hàng buôn bán ở Lâm Tri nên theo cha đến đây. Thúc sinh tuổi kém đôi mươi, gia tư giàu có, lấy vợ Hoạn thị, con gái viên Thượng thư Bộ Lại. Nàng này đã đẹp lại thông minh, chỉ có tính hay ghen, mà ghen có bề thế, lại việc gì cũng làm theo ý của mình. Đã không chịu chia sẻ ái tình với ai mà cũng không để cho ai chia sẻ ái tình với mình. Tài trí Thúc Thủ không bằng vợ mà công việc trong nhà thì Hoạn thị xếp đặt đâu vào đó đểu có nề nếp thứ tự cả. Thúc Thủ tuy có bụng dạ ngoại tình song chỉ mắt nhìn thèm thuồng mà thôi.

Thúc sinh nhân lúc theo cha đến Lâm Tri du học nghe tiếng Mã Kiều bèn giấu cha, rủ một bạn chơi tên là Bộ Tân sửa soạn mấy tấm hàng dắt nhau đến thăm Mã Kiều, đưa danh thiếp và lễ vật làm lễ giáp mặt. Thúy Kiều nói:

-Đội ơn các ngài hạ cố đã là vinh hạnh cho thiếp, vội cho lễ hậu thế này, thiếp sao cho đáng!

Thúc sinh nói:

-Đã lâu vẫn mộ tiếng thơm, bữa nay đến thăm gọi là có chút quà mọn, dám đâu nói sự thành kính, bất quá mới chỉ tò chút lòng ngưỡng vọng đó thôi!

Thúc sinh lại đưa ba lạng bạc làm tiệc rượu. Tú bà sửa soạn tiệc rượu to thết đãi.

Chiếu hôm ấy, mọi người chén tạc chén thù, bài bạc vui chơi. Thúy Kiều hình dung yểu điệu, thật là ít có trên đời, lại sau khi uống vài chén rượu, mặt tựa hoa đào, tình tứ ôn nhu, nói năng phong nhã, càng thêm vẻ phong lưu đáng yêu. Thúc sinh ngắm nghía, lòng vui thích, liền nói:

-Tiểu sinh này tuy không thạo thơ từ, nhưng gặp bậc giai nhân tuyệt sắc, há không có gì lưu tặng. Vậy chẳng ngại quê mùa xin góp nhặt mấy câu thô lậu để ghi lại cuộc gặp gỡ này!

Thơ rằng:

Nuồn nuột dung nhan coi tựa ngọc,
Nõn nà cốt cách ngỡ rằng tiên.
Phù dung xưa vốn chưa từng biết,
Yến tiệc may sao lại gặp duyên.
Tay ngọc chén nâng vừng huyệt sáng,
Áo là gương rọi bóng đèn xuyên.
Vui thú khuê môn từng đã lắm,
Nhưng chỉ vui này đệ nhất thiên.


Thúc sinh đề thơ xong, tiệc tàn người vắng, hai người dắt nhau về phòng, ái ân đằm thắm.

Sau đó Thúc sinh nhân dịp cha về nam thăm nhà không ai câu thúc nên càng tự do say đắm về tình.

Hai người uống rượu tuý luý, ca hát cuồng nhiệt, đàn sáo vang lừng, rồi cùng nhau ngâm vịnh, thưởng ngoạn dưới trăng.

Từ đó luôn ba tháng liền, Thúc sinh cứ lưu luyến ở nhà họ Mã. Anh ta vung tiền như đất nên hết thảy mọi ngưòi trong nhà họ Mã đều ưa thích.

Một buổi chiểu, Thúy Kiều tắm xong càng đẹp lộng lẫy, Thúc sinh nói:

-Coi dung mạo nàng mơn mởn như hoa, ngắm thân hình nàng nõn nà tựa ngọc. Không ngờ nơi gió bụi lại có phẩm lạ như vậy, thật khiến lòng tôi say đắm. Nay thấy cái thế thái ăn vận của nàng sau khi tắm xong cũng là hiếm có, ngẫu nhiên vịnh vài lời để ghi cảnh tắm.

Thơ rằng:

Trăng chiếu lầu xanh, giốc ngọc hồ,
Băng tinh người đẹp dáng say mơ.
Da ngà, cung quế đua tươi sáng,
Vóc tuyết, muôn hoa cũng ngẩn ngơ.
Thoạt đứng sượng sùng nhờ kẻ đỡ,
Khi đi bẽn lẽn cậy người đưa.
Nõn nà, lánh vội vào màn gấm,
Bên gối âm thầm khúc hát xưa.


Thúy Kiều nói:

-Đội ơn chàng quá yêu, thiếp cũng muốn họa theo một bài, song lòng đang băn khoăn nhớ nhà, xin đợi lúc khác.

Thúc sinh sửng sốt hỏi:

-Thế ra không phải là con gái bà Tú ở đây à?

Thúy Kiều nói:

-Chàng đừng hỏi cái việc đoạn trường ấy nữa, nói ra càng thêm đau lòng.

Thúc sinh nghe xong càng kinh ngạc cố gạn hỏi cho biết tò tường ngành ngọn. Thúy Kiều nói:

-Thiếp như bông hoa cắm lọ, chàng như cái bướm lượn chơi, chúa xuân đã có chủ trương rồi, hà tất hỏi cặn kẽ làm chi?

Thúc sinh nói:

-Tôi muốn cưới nàng nên hỏi như thế.

Thúy Kiều nói:

-Cưới vợ lẽ khó, mà việc tòng lương cũng không phải là dễ đâu. Lúc này chàng vào chốn lầu xanh, thấy thiếp tô son điểm phấn thì lầm lẫn quá yêu. Một mai về nhà chàng theo lề lối làm ăn lương thiện, nhạt phấn phai son thì lòng yêu của chàng vị tất đã được như thế. Vả lại thiếp đã yêu chàng, theo chàng về nhà chỉ trơ trọi nương tựa vào một mình chàng. Thiếp lại nghĩ vợ cả chàng là vị tiểu thư con nhà quý phái, vợ chồng đang hoà hiệp yên vui, nếu nay thêm một thiếp vào rồi sẽ có điều rắc rối. Vợ chồng đương hòa hảo, vì một thiếp mà thành ra Sâm Thương lủng củng, tội ấy đều do thiếp cả. Sau nữa nếu chàng có để thế lực che chở cho thiếp, thì thiếp tuy mang tội làm rấc rối cuộc ái ân của vợ chồng chàng nhưng còn được yên thân. Còn như hoàn toàn thuộc quyền vợ cả thì dù nhẹ cũng phải roi vọt, mà nặng thì có khi đến phải bỏ đời. Thành ra thiếp cầu mong thoát khỏi chốn lầu xanh lại rơi vào hoạn nạn, chi bằng cử nấn ná ở đây, đợi khi nạn hết tai qua, thê nào cũng có lúc thu trường kết cục. Thiếp nghĩ việc lấy chàng thật là rất đỗi khó khãn, không phải dễ dàng đâu.

Thúc sinh nói:

-Nàng lo tính công việc rất có lý, song tôi đã quyết ý lấy nàng. Nếu nàng không lấy tôi thì tôi xin chết ở bên mình nàng đây!

Thúy Kiều nói:

-Lấy nhau thì chẳng có gì khó song chỉ sợ lấy nhau rồi lại không được như ngày nay thôi!

Thúc sinh liền phát thệ:

-Nếu Thúc Thủ này sau khi lấy Mã Kiểu mà đổi lòng đổi dạ, không như ngày nay thì xin trời tru đất diệt!

Thúy Kiều nói:

-Chàng muốn thiếp lấy chàng thì phải ưng cho thiếp một việc!

Thúc sinh nói:

- Đừng nói một việc, dù mười việc cũng xin ưng!

Thúy Kiều nói:

- Thiếp từng bị lao lung, rất là khiếp sợ. Nếu thiếp lấy chàng thì thiếp không về Vô Tích đâu, mà chỉ muốn sống trong cửa hàng của chàng ở đây thôi.

Thúc sinh nói:

- Tôi vẫn định không đưa nàng về Vô Tích, vẫn định chia ở đôi nơi, mà lấy nàng cũng là ý ấy. Giờ đây cũng không đưa nàng về cửa hàng ngay mà hãy thuê một nơi cho nàng ở tạm, đợi khi cha tôi về, thưa rõ câu chuyện rồi mới để nàng về ở hẳn cửa hàng.

Thúy Kiều nói:

- Việc này chàng đừng nên coi thường, vì một khi thiếp lấy chàng, ra khỏi cửa nhà họ Mã này rồi thì có chết cũng sẽ chết ở trong nhà chàng chứ nhất định không chịu cái nước cóc chết ba năm quay đầu về núi đâu! Đừng có mà khi cha chàng về, không cho lấy thiếp nữa lại đuổi thiếp về nhà họ Mã để cho thiếp chịu bêu chịu riếu...

Thúc sinh nói:

-Nàng bất tất quá lo xa, quyết không đến nỗi thế đâu!

Thúy Kiều nói:

-Thiếp chỉ sợ chàng lấy thiếp rồi sẽ xảy ra nhiều chuyện...

Thúc sinh nói:

-Chỉ cốt nàng ưng thì mọi việc tôi có thể cáng đáng được hết!

Thúy Kiều nói:

-Được như thế thiếp sẽ xin nâng khăn sửa túi.

Thúc sinh mừng lắm, liền dắt tay Thúy Kiều về phòng cùng ngủ.

Chẳng biết rồi ra thế nào, xin xem hồi sau phân giải.


Thầy ui “Ảo là” là gì ạ? Có phải trang phục của người xưa không ạ?
Về Đầu Trang Go down
Ai Hoa

Ai Hoa

Tổng số bài gửi : 10549
Registration date : 23/11/2007

Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân - Page 3 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân   Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân - Page 3 I_icon13Wed 12 Jan 2022, 08:33

Phương Nguyên đã viết:


Thầy ui “Ảo là” là gì ạ? Có phải trang phục của người xưa không ạ?

Áo là: áo bằng tơ mỏng  :tongue:   (mắt tinh thế!)  

Theo Đại Nam Quấc Âm tự Vị, lụa là: thứ hàng dệt thưa, lụa dày, là mỏng

Vội về thêm lấy của nhà,
Xuyến vàng đôi chiếc, khăn là một vuông
(Truyện Kiều)

_________________________
Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân - Page 3 Love10

Sông rồi cạn, núi rồi mòn
Thân về cát bụi, tình còn hư không
Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7077
Registration date : 01/04/2011

Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân - Page 3 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân   Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân - Page 3 I_icon13Thu 13 Jan 2022, 07:37

Ai Hoa đã viết:
Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân.

Người dịch: Nguyễn Đức Vân, Nguyễn Khắc Hanh


QUYỂN II
__________________________________

HỒI THỨ MƯỜI

__________________________________

QUÂN BỢM ĐÃI TRỞ MẶT VÔ TÌNH
GÁI ĐĨ GIÀ DẠY ĐIỀU HOA NGUYỆT


Thúy Kiều lần trước bị nhục, liền liều chết một cách điềm nhiên. Lần này chịu bao nỗi đoạ đầy, mà lại không chết, là tại làm sao? Là vì trước kia, Mã Quy tuy không phải hạng người xứng đáng, song mình đã nhận tiền mà lấy người ta thì không phải là nhục. Không phải là nhục mà lại bị nhục, nên chết còn có danh nghĩa. Lần này thì mình riêng bị sở Khanh lừa gạt, vì riêng nhục mà chịu nhục, thì không còn có danh nghĩa gì để mà chết.

Chết không có danh nghĩa gì mà chết bừa đi sao được. Vả chăng, riêng bị nhục thì lòng đã thẹn rồi, khí đã kém rồi. Lòng thẹn, khí kém mà bảo cầm dao làm việc dữ thì không thể được nữa, cho nên mới đành nhẫn nhục cầu sống để mong tính kế sau này.

Trong sách “Lý Lăng”có câu: “Giết mình vô ích, chỉ càng thêm thẹn, giơ tay chịu nhục, đành phải sông thừa", chính giống với trường hợp này đây. Đã giơ tay chịu nhục thì hiệp liệt là vô dụng; hiệp liệt đã vô dụng thì không thể không chịu sự dạy bảo trăng hoa được.

Còn như gã Sở Khanh giở mặt vô tình, là hạng người không bằng loài cầm thú, chính là để trách cái lỗi nhận lầm của Thúy Kiều vậy...



Lại nói, Thúy Kiều chịu đau không nổi, đành phải van lơn:

- Mẹ ơi! Đó là lỗi ở con. Từ rầy trở đi con không dám như thế nhất nhất nghe theo lời dạy bảo của mẹ, chỉ mong mẹ nghĩ lại sinh phúc cho con. Tha cho con cái lỗi nhất thời u mê, chót nghe những lời hứa phỉnh của Sở Khanh, đã bỏ mẹ trốn chạy, ngày nay rơi vào tay mẹ, thì quyền sống chết là ở mẹ, chỉ xin mẹ thương con lìa làng bỏ nước, trôi dạt đến đây. Ngày nay lên trời hết lối, xuống đất không đường, đau đớn ê chề, thật không sao chịu đựng được đòn nữa. Dù mẹ đánh chết thì con cũng chẳng đáng là bao, nhưng chẳng nhẽ mẹ chịu mất số tiền bốn năm trăm lạng của mẹ hay sao? Mẹ không coi mặt người là trọng thì cũng nên coi trọng mặt tiền kia. Xin tha cho con lần này! Từ rầy về sau, nếu con không nghe lời mẹ dạy, sẽ đánh con nữa cũng không muộn mà.

Tú bà nói:

- Đã vậy tao còn đánh mày trăm roi nữa, để làm gương rồi sẽ xử lý mày sau.

Nói đoạn lại giơ roi lên, toan đánh nữa. Thúy Kiều khiếp sợ, không còn hồn vía, la lên:

- Thôi! Chịu không nổi nữa, chết mất thôi!

Đầu nàng xoay mấy vòng, chân tay dẫy dụa. Tiếp đó mười đầu ngón chân chảy máu ròng ròng, tóc rối bời, miệng sùi bọt trắng, hai mắt ứa máu. Các chị em làng chơi thấy quang cảnh ấy liền quỳ xuống xin hộ cho Thúy Kiều.

Tú bà thấy như thế cũng sợ nàng chết mất, liền trả lời:

-Ta cũng nể lời chị em tha cho mày, nhưng mày phải hứa, từ rầy còn trái lệnh ta thì sẽ bị đánh bao nhiêu roi?

Thúy Kiều rên rỉ, nói:

-Nếu còn trái lệnh mẹ, xin chịu tội một trăm roi.

Tú bà nói:

- Từ rầy hễ gặp ai cũng phải chào hỏi. Khách đến phải rót trà, dâng rượu, gợi tình đưa đón hầu hạ, không được trái lời. Trái lời cũng phải đánh trăm roi... Nghe chưa?

Thúy Kiều nói:

-Vâng, vâng! Con xin làm như thế!

Tú bà nói:

- Có chị nào đảm bảo cho mày không xảy ra việc gì thì tao mới tha!

Thúy Kiều lại rên rỉ, nói với các chị em:

- Các chị ơi! Có chị nào bảo đảm cho em với nào?

Trong bọn họ có một chị tên gọi Mã Kiều nói:

- Chị Vương ạ! Em xin bảo đảm cho chị, nhưng chỉ sợ khi chị được thả ra rồi, lại tìm cách chết, thì mạng em cũng chết vì tay chị mất.

Thúy Kiều nói:

- Chị ơi! Em biết mình nặng nợ, khó bề giải thoát, xin yên lòng tùy theo số mệnh, quyết không để liên luỵ đến chị đâu!

Mã Kiều nói:

- Được vậy thì em xin bảo đảm cho chị...

Liền quay sang quỳ xuống trước mặt Tú bà nói:

- Thưa mẹ! Con xin bảo đảm cho chị Vương, nếu chị ấy còn có chuyện gì, con đều xin chịu tội!

Tú bà nói:

- Con bảo đảm thì phải bảo đảm cho hoàn toàn, nếu có xảy ra lầm lỡ một tí gì, đều trách cứ ở con cả đấy!

Mã Kiều nói:

-Con xin nhất thiết bảo đảm cho chị ấy đến cùng!

Tú bà nói:

-Như vậy, hãy hạ nó xuống.

Mã Kiều chừng ấy mới bảo Oa-biên-tú nhè nhẹ thả xuống, nhưng Thúy Kiều làm gì đứng vững được. Mã Kiều lại mặc hộ quần áo, đi giầy vào cho Thúy Kiều, vén lại mái tóc và nói:

-Để con cùng chị Kiều vào rửa mày rửa mặt, rồi sẽ ra tạ tội!

Mã Kiều dìu Thúy Kiều vào phòng an ủi một hồi, lại hâm một bồ rượu, đưa cho uống và khẽ bảo:

- Chị Vương là người lanh lợi mà sao cũng vướng phải kế đà đao của họ? Sở Khanh là thằng bạc tình có tiếng ở vùng này đã lừa gạt không biết bao nhiêu chị em, làm hại bao nhiêu vợ con nhà lương thiện. Việc này do lão bố dầu mượn nó, hứa cho nó ba mươi lạng bạc, xúi nó bày mưu lừa chị đó mà! Bây giờ đã chót mắc vào cạm bẫy của chúng, chị nên dằn lòng nén ý, đợi thời mà hành động. Lúc nãy, đáng lý chị không nên nói ra cái chuyện Sở Khanh đưa chị đi trốn. Nó mà biết thì nó lại còn đến phân biện trắng đen. Chị chối đi thì còn đỡ, chớ mà cứ nhất quyết giữ lời lấy được, thì nó là thằng rất dễ trở mặt đấy, chị cũng đừng có đối chọi với nó.

Thúy Kiều nói:

-Lời nó thề với em còn văng vẳng bên tai, e có lẽ không đến nỗi phụ lòng như vậy.

Mã Kiều cười:

- Em nói không sai đâu, rồi chị sẽ thấy! Thôi chị uống ngụm rượu rồi ra mà tạ tội đi.

Thúy Kiều suốt đêm hôm trước đã không ngủ, lại bị đánh hàng trăm roi, tinh thần và sức lực mỏi mệt, bụng đói miệng khát, nhờ được mấy chén rượu mới tỉnh táo dần, bèn cố gượng đi ra, đến trước Tú bà khấu đầu tạ tội.

Chợt thấy Sở Khanh từ ngoài tiến vào. Tú bà đứng đậy đón chào:

-Kìa bác Sở ! Trận gió nào đưa bác đến đây thế?

Thúy Kiều thấy Sở Khanh vào, còn ngây thơ tưởng hắn đến để phân trần phải trái cho mình, nên cứ cúi đầu lẳng lặng ngồi yên, liền nghe Sở Khanh nói với Tú bà:

-Tôi nhân nghe được một câu chuyện vu oan, nên định đến hỏi cho ra lẽ. Nghe nói có ả nào nhà chị đi theo thằng hầu lại nói là tôi đưa nó đi trốn? Vậy chị gọi nó ra đây, để tôi hỏi tận mặt nó, coi nó biết tôi là hạng người nào mà dám vu vạ.

Tú bà nói:

- Không mà! Bác Sở! Không có câu chuyện như thế đâu, chớ nghe người ta nói nhảm!

Sở Khanh nói:

- Người nhà tôi đến đây xem đánh đòn, nghe thấy chính miệng con ấy chỉ tên tôi mà nói, nên tôi cần gặp mặt nó để hỏi cho nó câm miệng không nói được, thì tôi mới thôi.

Tú bà bị nói kèo lèo quá, đành phải gọi Thúy Kiều:

- Kiều con! Mau ra xin lỗi bác Sở đi nào!

Lúc này Thúy Kiều tức giận đầy lòng, nhưng không biết tính sao, đành phải bước ra chào. Sở Khanh nói:

- À! Té ra là con này ăn nói quàng xiên. Mày gặp tao bao giờ? Tao đi với mày lúc nào? Mày phải trả lời cho tao nghe, thì tao sẽ thôi bằng không thì tao không chịu đâu.

Thúy Kiều nói:

- Anh nói không thì là không chớ sao!...

Sở Khanh nổi giận hằm hằm nói:

- À ra con dâm phụ này vẫn nhất định đổ riệt cho tao! Tao hẹn mày trốn bao giờ thế? Con đĩ không biết họ Sở này! Không đánh mày, sao cho hả giận...

Vừa nói, vừa sấn đến, nhè vào mặt Thúy Kiều đánh ngay một tát.

Thúy Kiều liền lăn ra giẫy giụa, kêu ầm lên:

- Thằng họ Sở vong ơn bội nghĩa kia! Mày nói không hẹn tao trốn đi, thế thì hai chữ “Tích việt" tay mày viết ra, ngầm hẹn tao đêm hôm hai mươi mốt vượt cửa sổ gặp nhau, không lẽ cũng là giả à? Mày ép tao đi theo, tao cố từ không chịu. Chính miệng mày hứa, nếu việc thất bại, một mình mày sẽ cáng đáng. Trời cao chứng giám, mày có dám thề không? Mày ép tao ăn nằm với mày, hứa với tao bạc đầu giai lão, thề thốt với trời! Người tha mày! Chớ trời nào tha cho mày! Mày đẩy tao xuống vực sâu, không nghĩ rằng nên nói đỡ cho ta một đôi lời, trái lại, lại còn đến biện bạch à! Tao nghĩ có mẹ ngồi đây, tao không hề nói với mày một câu nào là để giữ thể diện cho mày cũng đã được rồi, mày lại còn đánh tao, mày tưởng đánh tao là có thể gỡ được mối ngờ của mọi người. Có biết đâu, dối người được chớ dối sao được trời. Mày nói không đưa tao đi trốn, thì mày vào đây, tao thề cho mày xem.

Nói đoạn, túm ngay lấy vạt áo Sở Khanh, nhất định không buông.

Sở Khanh bị Thúy Kiều cứ khăng khăng một mực trước sau nói rõ sự thật, thành ra ý muốn che đậy những tội ác, bây giờ trái lại càng lộ rõ thêm những xấu xa hồi trước. Mọi người nghe rõ câu chuyện, đều nhao nhao lên:

- Cứ như những lời chị Vương vừa kể, rõ ràng là thằng cha họ Sở đã làm hại chị, lại còn dậm doạ làm bộ, chúng ta phải giúp đỡ chị Vương báo thù câu chuyện bất bình này.

Rồi mọi người la ầm lên: "Cái thằng lừa đảo đã làm hại chị Kiều chính là thằng chó săn chim mồi này đây”. Họ nói như thế, làm cho Sở Khanh chẳng còn mặt mũi nào, đành phải rút lui.

Sau đó Tú bà thấy Thúy Kiểu vừa bị đòn đau, không nên để cho đứng lâu, liền bảo Mã Kiều đưa về phòng nghỉ.

Sáng hôm sau, Thúy Kiều không thể ngồi dậy, khắp mình đau đớn như dần và sốt tấy lên. Mã Kiều nói cho Tú bà biết. Tú bà thân hành vào thăm và nói:

- Kiều con ạ! Sở Khanh vốn là một tên quang côn vô lại, sao con lại dại để nó đánh lừa? Nó mà đem được con đi thoát rồi cũng đến bán con cho kẻ khác để kiếm tiền, chớ đâu cầu con làm vợ! Nay mẹ bảo thật, nếu con chịu theo mẹ làm ăn thì mẹ sẽ biệt đãi con. Bằng con không muốn thì mẹ sẽ tìm chủ nào có tiền lại bán con đi tiếp khách. Tuỳ con định lấy.

Thúy Kiều nói:

-Bình đã vỡ rồi, đi với người mới chi bằng ở với người cũ. Từ nay con xin theo mẹ làm ăn.

Tú bà rất mừng, và nói:

- Con đã bằng lòng theo mẹ thì hãy nghỉ ngơi dăm ba ngày nữa, mẹ sẽ nói những mánh khoé nhà nghề và những công phu chăn gối con nghe, rồi mới biết cách làm ăn được.

Liền bảo tên Oa-biên-tú tìm thứ rượu ngon và những vị thuốc hành thuyết như hồng hoa, tô mộc, đào nhân, nga truật và tam lăng, sắc lên cho Thúy Kiều uống. Thúy Kiều uống thuốc, thân thể mỗi ngày một mạnh, dần dần lại được bình phục như cũ.

Một hôm,Tú bà nói với Thúy Kiều:

- Con ạ. Tên con là Vương Thúy Kiều, nay phải đổi là Mã Kiều. Nếu có khách đến mà con chẳng biết gì cả thì làm thế nào mà giữ được khách lại? Phỏng có lưu được, chỉ tổ để họ cười cho mà thôi.

Thúy Kiều nói:

- Ăn nằm thì cũng đến ăn nằm như thế, chẳng lẽ lại còn kiểu cách gì nữa?

Tú bà cười nói:

-Con ngốc này! Nếu nhà gái đĩ cũng như những nhà lương dân thì còn ma nào đến đây chơi nữa? Trong đó còn có nhiều cái thú để mẹ thong thả giảng cho con nghe, con cần phải nhớ vào lòng cho kỹ! Này nhé! Nếu khách chè chén xong, sắp lên giường, mình phải nhường khách nằm trước vào phía trong, mình nằm ngoài, mặt phải quay vào phía khách, giang tay ra cho khách gối đầu. Sau đó khách nhất định sờ mó khắp người con, thì con cũng đưa tay sờ hạ bộ của họ. Nếu bé, ngắn thì mình dùng phép “Đánh trống giục hoa"; nếu to, dài thì mình dùng phép “Sen ròng khoá xiết”. Nếu người cấp tính thì dùng phép “Mở cờ đánh trống”; người tính hoãn thì dùng phép “Đánh chậm gõ sẽ”; người không dai sức, dùng phép “Đỡ dần buộc chặt”; người dai sức, dùng phép “Gắn bó truy hồn”; người mê sắc thì dùng phép “Dềnh dàng cướp vía". Thế là tám nghề, kể ra cũng còn nhiều phép nữa, nhưng đại khái cũng không ra ngoài tám phép này. Sau khi luyện xong công phu về chăn gối rồi thì phải học đến những mánh khoé thường dùng hàng ngày. Mánh khoé ấy gồm có bẩy chữ: Thứ nhất là Khóc. Tiếp được khách có tiền ở lại ít lâu, lúc họ định ra về, thì mình phải khóc: “Tình lang ơi! Sao chàng nỡ bỏ thiếp mà đi cho đành”. Giả cách nũng nịu ngây thơ quyến luyến không rời xa, thì khách dù có gan dạ cứng rắn như thế nào cũng phải ở lại. Hoặc có khi gặp tay lõi đời, họ tất nói: “Nàng ở đây, khách đến khách đi luôn luôn thì làm sao mà lưu tình cho hết được. Ta với nàng chẳng qua là gặp thú thì chơi mà thôi, nàng coi thế nào như thật được”. Thế thì mình phải nghẹn ngào khóc rằng: “Thế mới biết đàn ông cay độc thật. Đừng nói đôi ta tương đắc, quyến luyến không rời, dù cho một cục đá, ôm lâu thì cũng nóng nữa. Thiếp khách tuy nhiều, nhưng chung tình có một, thiếp thật là quyến luyến không nỡ rời chàng". Thế rồi hai hàng nước mắt tầm tã chứa chan thì dù người sắt tất cũng phải mềm, mà không thể dứt lòng ra đi được!...

Thúy Kiều hỏi:

-Nếu không có nước mắt thì làm thế nào?

Tú bà cười nói:

- Có khó gì đâu! Giã gừng sống vắt lấy nước, tẩm vào khăn tay đem lau mắt thì nước mắt sẽ chảy ra như suối tràn... Thứ hai là Xén. Khách ở lâu có ý mê mình thì mình phải tính kế để lấy lòng khách. Sợ khi bạn bè khách có kẻ thấy hai người yêu nhau muốn phá đám thì mình với khách phải bảo nhau cùng xén một ít tóc, trộn lại làm một mớ, rồi chia làm đôi, mỗi người buộc một nửa vào cánh tay để tỏ ra ý muốn kết tóc, tất nhiên khách cho mình là có lòng thật mà không nỡ rời. Thứ ba là Thích. Hai bên đã tương đắc, tất phải dùng đến ngón mạnh hơn để buộc lấy lòng khách. Mình phải hoặc ở cánh tay, hoặc ở bắp chân, dung kim thích mấy chữ “Chồng tên là Mỗ...Mỗ”, rồi lấy mực xoa vào, khiến rửa không sạch ngấn, để khách trông thấy, sẽ cho là mình riêng chung tình với khách, tất khách phải mắc mưu chết mê chết mệt với mình. Nếu khách ấy đi rồi, có khách khác đến sau thấy vậy, tất phải nghĩ ràng: “Không biết người ấy người nọ đối đãi với cô ta thế nào mà cô phải quyến luyến như thế”. Khách tất lại phải càng xử hậu với mình để hòng tránh lấy cái yêu của mình đối với người trước. Thế thì mình phải nhân đó dùng mẹo, nhăn nhó khóc nói: “Chàng nọ đã vì thiếp tiêu tốn bao nhiêu tiền, dụng tình thế nào, chiều chuộng thế nào mà thiếp chưa hề có gì báo đáp được chàng”. Nói xong giả chảy nước mắt, tất khách phải cảm động mà phải vung tiền ra nữa với mình. Thứ tư là Đốt: đốt là kế khổ nhục. Hiện nay chị em quỷ quyệt mà khách làng chơi cũng nhiều tay khôn khéo. Muốn được khách vui lòng để mình bòn tiền của nó, nếu không có cách gì khua động lòng khách một cách mạnh mẽ, thì lung lạc thế nào được khách sa vào tay mình, đành phải dùng đến kế khổ nhục này. Mình với khách phải cùng phát thệ: trai không đổi lòng, gái không hai dạ, nếu sau phản phúc, thần người đểu giết v.v. Rồi hai người cùng chích, huyệt thứ nhất chích với người yêu thứ nhất, ân tình nhiều nhất, gọi là “nguyện đồng tâm”. Hai người mở áo, bụng kề bụng, da kề da, dùng hương mà chích; thứ hai, gục đầu vào nhau mà chích, gọi là “nguyện kết tóc"; thứ ba, tay tả mình khít với tay tả khách cùng chích, gọi là “hứa nguyện liên tình" bên tả; thứ tư, tay hữu mình khít với tay hữu của khách cùng chích, gọi là “hứa nguyện liên tình” bên hữu; thứ năm, đùi tả mình khít với đùi hữu khách cùng chích, gọi là "hứa nguyện giao đùi” bên tả; thứ sáu, đùi hữu mình khít với đùi tả khách cùng chích, gọi là “hứa nguyện giao đùi” bên hữu. Ngày xưa Tào Tháo đem tám mươi ba vạn quân xuống đánh Giang Nam mà còn bị kế khổ nhục của Hoàng Cái đánh diệt hết nữa là? Huống chi mấy thằng con trai ngu xuẩn trên đời này, nếu mình chịu khổ, đốt hương cùng chích với chúng thì chúng dù có tan cửa nát nhà cũng không phàn nàn. Thứ năm là Gá. Khách làng chơi không nói lấy nhau thì còn gì thú vi. Mà chị em không nói “gá” với nhau, thì còn có gì là ôn tồn nữa. Nhưng tiếng gá của gái đĩ không thể so sánh với tiếng lấy của các cô gái con nhà nề nếp được. Tiếng gá ở đây là khéo léo, đo người cắt áo gặp cảnh sinh tình. Khách là con nhà giàu hỏi thân giá mình chừng bao nhiêu, mình nên nói: “Nguyên nhân giá em bán cho chủ là ngần ấy tiền, tiếp khách cho chủ mấy năm được bao nhiêu tiền, cũng đã được vốn được lời rồi, ngày nay bất quá chỉ trả cho chủ chừng hơn trăm lạng nữa là được thôi. Thế rồi, suốt ngày mình thề bồi, bàn cách lấy nhau, làm cho khách mê mẩn tâm thần, tự nhiên có đồng nào bỏ ra hết. Chừng khi chi tiêu hết tiền rồi, không có gì mà cưới mình nữa thì mình không phải đuổi, khách cũng tự ngoan ngoãn rút lui thôi. Thứ sáu là Chạy. Đây là cách khéo nhân kế dùng kế. Khi khách đã chơi hết tiền, muốn cưới thì không có của, muốn chơi thì không có tiền, muốn tống khách ra khỏi cửa thì chỉ có một cách giả chạy trốn là lừa được nó. Mình giả hẹn khách thuê thuyền ở chỗ nào, lừa cho khách thật tin, không chút ngờ vực. Rồi đến ngày thu xếp ra đi, mình bí mật máy người đến phá đám, dậm dạo định bắt trình quan, như vậy khách tất nhiên mắc cỡ, phải lảng rút lui. Ấy là mẹo giả binh đó. Khách cứ tưởng là duyên hôi phận bạc, việc vui mừng bị phá vỡ, chớ có ngờ đâu là đã mắc mưu kế “đà đao” của mình! Thứ bẩy là Chết. Chết đây là chết giả, chớ không phải chết thật đâu. Hai người thân nhau, coi chừng lòng khách đã dao động thì mình bảo khách: “Thiếp sống là vợ của chàng, chết là ma nhà chàng. Thiếp quyết lấy chàng, nếu chàng không lấy thiếp thì dù chết cũng chết ở bên mình chàng”. Nếu khách đã có thê có thiếp, mình biết rõ là khách không thể lấy mình, thì bảo: ‘Thiếp không thể làm vợ chàng, thật là uổng cả mối tình thân mật đối với chàng. Thiếp tuy tiếp khách đã nhiều, song không được mấy ai ôn tồn như chàng. Nếu chàng không thể lấy thiếp thì đôi ta song song cùng chết, còn hơn là sống ở đời mà phải xa nhau. “Giải đồng không kết kiếp này- Thì xin kiếp khác làm cây liền cành”. Như thế không lo gì khách không giốc một lòng với mình, dù phải khánh kiệt gia tài cũng là cam chịu. Đó, con mà nắm vững được cái bí quyết của bẩy chữ ấy, thì có thể nhẩy lên sân khấu mà làm nhiều trò tiểu xảo nữa... Đứng trước cửa thấy khách nhìn mình thì mình phải tươi cười đưa đón. Nếu có hàm răng đẹp đẽ, thì cười để lộ răng, cốt khoe cái đẹp gọi là Dùng răng bạc. Nếu chân nhỏ nhắn thẳng thiu, thì dẫm lên bậc cửa, cúi đầu ngắm nghía, gọi là Phượng gật đầu. Nếu vóc người đẹp thì ra ngoài bước đi, gọi là Hiện thân thuyết pháp. Nếu tay đẹp thì để lộ nửa ngón tay búp măng; nếu tóc mây thì nghiêng nghiêng khẽ vén hoặc khoé mắt đưa tình, hoặc ngâm nga gợi ý. Nghĩa là phải làm sao để khơi động lòng xuân, khêu gợi lòng dục của khách làng chơi. Thạo những ngón kể trên, thì có thể làm đĩ vậy.

Thúy Kiều nói:

-Té ra như thế! Con xin lĩnh hội cẩn thận.

Không biết Thúy Kiều tiếp khách ra sao? Xin xem hồi sau phân giải.


nguyên đoạn văn tả kỹ càng vậy mà Nguyễn Du chỉ tóm lại có 1 câu! Hay thiệt!   :jj:
Về Đầu Trang Go down
Ai Hoa

Ai Hoa

Tổng số bài gửi : 10549
Registration date : 23/11/2007

Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân - Page 3 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân   Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân - Page 3 I_icon13Fri 21 Jan 2022, 12:13

Trà Mi đã viết:
Ai Hoa đã viết:
Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân.

Người dịch: Nguyễn Đức Vân, Nguyễn Khắc Hanh


QUYỂN II
__________________________________

HỒI THỨ MƯỜI

__________________________________

QUÂN BỢM ĐÃI TRỞ MẶT VÔ TÌNH
GÁI ĐĨ GIÀ DẠY ĐIỀU HOA NGUYỆT


Thúy Kiều lần trước bị nhục, liền liều chết một cách điềm nhiên. Lần này chịu bao nỗi đoạ đầy, mà lại không chết, là tại làm sao? Là vì trước kia, Mã Quy tuy không phải hạng người xứng đáng, song mình đã nhận tiền mà lấy người ta thì không phải là nhục. Không phải là nhục mà lại bị nhục, nên chết còn có danh nghĩa. Lần này thì mình riêng bị sở Khanh lừa gạt, vì riêng nhục mà chịu nhục, thì không còn có danh nghĩa gì để mà chết.

Chết không có danh nghĩa gì mà chết bừa đi sao được. Vả chăng, riêng bị nhục thì lòng đã thẹn rồi, khí đã kém rồi. Lòng thẹn, khí kém mà bảo cầm dao làm việc dữ thì không thể được nữa, cho nên mới đành nhẫn nhục cầu sống để mong tính kế sau này.

Trong sách “Lý Lăng”có câu: “Giết mình vô ích, chỉ càng thêm thẹn, giơ tay chịu nhục, đành phải sông thừa", chính giống với trường hợp này đây. Đã giơ tay chịu nhục thì hiệp liệt là vô dụng; hiệp liệt đã vô dụng thì không thể không chịu sự dạy bảo trăng hoa được.

Còn như gã Sở Khanh giở mặt vô tình, là hạng người không bằng loài cầm thú, chính là để trách cái lỗi nhận lầm của Thúy Kiều vậy...



Lại nói, Thúy Kiều chịu đau không nổi, đành phải van lơn:

- Mẹ ơi! Đó là lỗi ở con. Từ rầy trở đi con không dám như thế nhất nhất nghe theo lời dạy bảo của mẹ, chỉ mong mẹ nghĩ lại sinh phúc cho con. Tha cho con cái lỗi nhất thời u mê, chót nghe những lời hứa phỉnh của Sở Khanh, đã bỏ mẹ trốn chạy, ngày nay rơi vào tay mẹ, thì quyền sống chết là ở mẹ, chỉ xin mẹ thương con lìa làng bỏ nước, trôi dạt đến đây. Ngày nay lên trời hết lối, xuống đất không đường, đau đớn ê chề, thật không sao chịu đựng được đòn nữa. Dù mẹ đánh chết thì con cũng chẳng đáng là bao, nhưng chẳng nhẽ mẹ chịu mất số tiền bốn năm trăm lạng của mẹ hay sao? Mẹ không coi mặt người là trọng thì cũng nên coi trọng mặt tiền kia. Xin tha cho con lần này! Từ rầy về sau, nếu con không nghe lời mẹ dạy, sẽ đánh con nữa cũng không muộn mà.

Tú bà nói:

- Đã vậy tao còn đánh mày trăm roi nữa, để làm gương rồi sẽ xử lý mày sau.

Nói đoạn lại giơ roi lên, toan đánh nữa. Thúy Kiều khiếp sợ, không còn hồn vía, la lên:

- Thôi! Chịu không nổi nữa, chết mất thôi!

Đầu nàng xoay mấy vòng, chân tay dẫy dụa. Tiếp đó mười đầu ngón chân chảy máu ròng ròng, tóc rối bời, miệng sùi bọt trắng, hai mắt ứa máu. Các chị em làng chơi thấy quang cảnh ấy liền quỳ xuống xin hộ cho Thúy Kiều.

Tú bà thấy như thế cũng sợ nàng chết mất, liền trả lời:

-Ta cũng nể lời chị em tha cho mày, nhưng mày phải hứa, từ rầy còn trái lệnh ta thì sẽ bị đánh bao nhiêu roi?

Thúy Kiều rên rỉ, nói:

-Nếu còn trái lệnh mẹ, xin chịu tội một trăm roi.

Tú bà nói:

- Từ rầy hễ gặp ai cũng phải chào hỏi. Khách đến phải rót trà, dâng rượu, gợi tình đưa đón hầu hạ, không được trái lời. Trái lời cũng phải đánh trăm roi... Nghe chưa?

Thúy Kiều nói:

-Vâng, vâng! Con xin làm như thế!

Tú bà nói:

- Có chị nào đảm bảo cho mày không xảy ra việc gì thì tao mới tha!

Thúy Kiều lại rên rỉ, nói với các chị em:

- Các chị ơi! Có chị nào bảo đảm cho em với nào?

Trong bọn họ có một chị tên gọi Mã Kiều nói:

- Chị Vương ạ! Em xin bảo đảm cho chị, nhưng chỉ sợ khi chị được thả ra rồi, lại tìm cách chết, thì mạng em cũng chết vì tay chị mất.

Thúy Kiều nói:

- Chị ơi! Em biết mình nặng nợ, khó bề giải thoát, xin yên lòng tùy theo số mệnh, quyết không để liên luỵ đến chị đâu!

Mã Kiều nói:

- Được vậy thì em xin bảo đảm cho chị...

Liền quay sang quỳ xuống trước mặt Tú bà nói:

- Thưa mẹ! Con xin bảo đảm cho chị Vương, nếu chị ấy còn có chuyện gì, con đều xin chịu tội!

Tú bà nói:

- Con bảo đảm thì phải bảo đảm cho hoàn toàn, nếu có xảy ra lầm lỡ một tí gì, đều trách cứ ở con cả đấy!

Mã Kiều nói:

-Con xin nhất thiết bảo đảm cho chị ấy đến cùng!

Tú bà nói:

-Như vậy, hãy hạ nó xuống.

Mã Kiều chừng ấy mới bảo Oa-biên-tú nhè nhẹ thả xuống, nhưng Thúy Kiều làm gì đứng vững được. Mã Kiều lại mặc hộ quần áo, đi giầy vào cho Thúy Kiều, vén lại mái tóc và nói:

-Để con cùng chị Kiều vào rửa mày rửa mặt, rồi sẽ ra tạ tội!

Mã Kiều dìu Thúy Kiều vào phòng an ủi một hồi, lại hâm một bồ rượu, đưa cho uống và khẽ bảo:

- Chị Vương là người lanh lợi mà sao cũng vướng phải kế đà đao của họ? Sở Khanh là thằng bạc tình có tiếng ở vùng này đã lừa gạt không biết bao nhiêu chị em, làm hại bao nhiêu vợ con nhà lương thiện. Việc này do lão bố dầu mượn nó, hứa cho nó ba mươi lạng bạc, xúi nó bày mưu lừa chị đó mà! Bây giờ đã chót mắc vào cạm bẫy của chúng, chị nên dằn lòng nén ý, đợi thời mà hành động. Lúc nãy, đáng lý chị không nên nói ra cái chuyện Sở Khanh đưa chị đi trốn. Nó mà biết thì nó lại còn đến phân biện trắng đen. Chị chối đi thì còn đỡ, chớ mà cứ nhất quyết giữ lời lấy được, thì nó là thằng rất dễ trở mặt đấy, chị cũng đừng có đối chọi với nó.

Thúy Kiều nói:

-Lời nó thề với em còn văng vẳng bên tai, e có lẽ không đến nỗi phụ lòng như vậy.

Mã Kiều cười:

- Em nói không sai đâu, rồi chị sẽ thấy! Thôi chị uống ngụm rượu rồi ra mà tạ tội đi.

Thúy Kiều suốt đêm hôm trước đã không ngủ, lại bị đánh hàng trăm roi, tinh thần và sức lực mỏi mệt, bụng đói miệng khát, nhờ được mấy chén rượu mới tỉnh táo dần, bèn cố gượng đi ra, đến trước Tú bà khấu đầu tạ tội.

Chợt thấy Sở Khanh từ ngoài tiến vào. Tú bà đứng đậy đón chào:

-Kìa bác Sở ! Trận gió nào đưa bác đến đây thế?

Thúy Kiều thấy Sở Khanh vào, còn ngây thơ tưởng hắn đến để phân trần phải trái cho mình, nên cứ cúi đầu lẳng lặng ngồi yên, liền nghe Sở Khanh nói với Tú bà:

-Tôi nhân nghe được một câu chuyện vu oan, nên định đến hỏi cho ra lẽ. Nghe nói có ả nào nhà chị đi theo thằng hầu lại nói là tôi đưa nó đi trốn? Vậy chị gọi nó ra đây, để tôi hỏi tận mặt nó, coi nó biết tôi là hạng người nào mà dám vu vạ.

Tú bà nói:

- Không mà! Bác Sở! Không có câu chuyện như thế đâu, chớ nghe người ta nói nhảm!

Sở Khanh nói:

- Người nhà tôi đến đây xem đánh đòn, nghe thấy chính miệng con ấy chỉ tên tôi mà nói, nên tôi cần gặp mặt nó để hỏi cho nó câm miệng không nói được, thì tôi mới thôi.

Tú bà bị nói kèo lèo quá, đành phải gọi Thúy Kiều:

- Kiều con! Mau ra xin lỗi bác Sở đi nào!

Lúc này Thúy Kiều tức giận đầy lòng, nhưng không biết tính sao, đành phải bước ra chào. Sở Khanh nói:

- À! Té ra là con này ăn nói quàng xiên. Mày gặp tao bao giờ? Tao đi với mày lúc nào? Mày phải trả lời cho tao nghe, thì tao sẽ thôi bằng không thì tao không chịu đâu.

Thúy Kiều nói:

- Anh nói không thì là không chớ sao!...

Sở Khanh nổi giận hằm hằm nói:

- À ra con dâm phụ này vẫn nhất định đổ riệt cho tao! Tao hẹn mày trốn bao giờ thế? Con đĩ không biết họ Sở này! Không đánh mày, sao cho hả giận...

Vừa nói, vừa sấn đến, nhè vào mặt Thúy Kiều đánh ngay một tát.

Thúy Kiều liền lăn ra giẫy giụa, kêu ầm lên:

- Thằng họ Sở vong ơn bội nghĩa kia! Mày nói không hẹn tao trốn đi, thế thì hai chữ “Tích việt" tay mày viết ra, ngầm hẹn tao đêm hôm hai mươi mốt vượt cửa sổ gặp nhau, không lẽ cũng là giả à? Mày ép tao đi theo, tao cố từ không chịu. Chính miệng mày hứa, nếu việc thất bại, một mình mày sẽ cáng đáng. Trời cao chứng giám, mày có dám thề không? Mày ép tao ăn nằm với mày, hứa với tao bạc đầu giai lão, thề thốt với trời! Người tha mày! Chớ trời nào tha cho mày! Mày đẩy tao xuống vực sâu, không nghĩ rằng nên nói đỡ cho ta một đôi lời, trái lại, lại còn đến biện bạch à! Tao nghĩ có mẹ ngồi đây, tao không hề nói với mày một câu nào là để giữ thể diện cho mày cũng đã được rồi, mày lại còn đánh tao, mày tưởng đánh tao là có thể gỡ được mối ngờ của mọi người. Có biết đâu, dối người được chớ dối sao được trời. Mày nói không đưa tao đi trốn, thì mày vào đây, tao thề cho mày xem.

Nói đoạn, túm ngay lấy vạt áo Sở Khanh, nhất định không buông.

Sở Khanh bị Thúy Kiều cứ khăng khăng một mực trước sau nói rõ sự thật, thành ra ý muốn che đậy những tội ác, bây giờ trái lại càng lộ rõ thêm những xấu xa hồi trước. Mọi người nghe rõ câu chuyện, đều nhao nhao lên:

- Cứ như những lời chị Vương vừa kể, rõ ràng là thằng cha họ Sở đã làm hại chị, lại còn dậm doạ làm bộ, chúng ta phải giúp đỡ chị Vương báo thù câu chuyện bất bình này.

Rồi mọi người la ầm lên: "Cái thằng lừa đảo đã làm hại chị Kiều chính là thằng chó săn chim mồi này đây”. Họ nói như thế, làm cho Sở Khanh chẳng còn mặt mũi nào, đành phải rút lui.

Sau đó Tú bà thấy Thúy Kiểu vừa bị đòn đau, không nên để cho đứng lâu, liền bảo Mã Kiều đưa về phòng nghỉ.

Sáng hôm sau, Thúy Kiều không thể ngồi dậy, khắp mình đau đớn như dần và sốt tấy lên. Mã Kiều nói cho Tú bà biết. Tú bà thân hành vào thăm và nói:

- Kiều con ạ! Sở Khanh vốn là một tên quang côn vô lại, sao con lại dại để nó đánh lừa? Nó mà đem được con đi thoát rồi cũng đến bán con cho kẻ khác để kiếm tiền, chớ đâu cầu con làm vợ! Nay mẹ bảo thật, nếu con chịu theo mẹ làm ăn thì mẹ sẽ biệt đãi con. Bằng con không muốn thì mẹ sẽ tìm chủ nào có tiền lại bán con đi tiếp khách. Tuỳ con định lấy.

Thúy Kiều nói:

-Bình đã vỡ rồi, đi với người mới chi bằng ở với người cũ. Từ nay con xin theo mẹ làm ăn.

Tú bà rất mừng, và nói:

- Con đã bằng lòng theo mẹ thì hãy nghỉ ngơi dăm ba ngày nữa, mẹ sẽ nói những mánh khoé nhà nghề và những công phu chăn gối con nghe, rồi mới biết cách làm ăn được.

Liền bảo tên Oa-biên-tú tìm thứ rượu ngon và những vị thuốc hành thuyết như hồng hoa, tô mộc, đào nhân, nga truật và tam lăng, sắc lên cho Thúy Kiều uống. Thúy Kiều uống thuốc, thân thể mỗi ngày một mạnh, dần dần lại được bình phục như cũ.

Một hôm,Tú bà nói với Thúy Kiều:

- Con ạ. Tên con là Vương Thúy Kiều, nay phải đổi là Mã Kiều. Nếu có khách đến mà con chẳng biết gì cả thì làm thế nào mà giữ được khách lại? Phỏng có lưu được, chỉ tổ để họ cười cho mà thôi.

Thúy Kiều nói:

- Ăn nằm thì cũng đến ăn nằm như thế, chẳng lẽ lại còn kiểu cách gì nữa?

Tú bà cười nói:

-Con ngốc này! Nếu nhà gái đĩ cũng như những nhà lương dân thì còn ma nào đến đây chơi nữa? Trong đó còn có nhiều cái thú để mẹ thong thả giảng cho con nghe, con cần phải nhớ vào lòng cho kỹ! Này nhé! Nếu khách chè chén xong, sắp lên giường, mình phải nhường khách nằm trước vào phía trong, mình nằm ngoài, mặt phải quay vào phía khách, giang tay ra cho khách gối đầu. Sau đó khách nhất định sờ mó khắp người con, thì con cũng đưa tay sờ hạ bộ của họ. Nếu bé, ngắn thì mình dùng phép “Đánh trống giục hoa"; nếu to, dài thì mình dùng phép “Sen ròng khoá xiết”. Nếu người cấp tính thì dùng phép “Mở cờ đánh trống”; người tính hoãn thì dùng phép “Đánh chậm gõ sẽ”; người không dai sức, dùng phép “Đỡ dần buộc chặt”; người dai sức, dùng phép “Gắn bó truy hồn”; người mê sắc thì dùng phép “Dềnh dàng cướp vía". Thế là tám nghề, kể ra cũng còn nhiều phép nữa, nhưng đại khái cũng không ra ngoài tám phép này. Sau khi luyện xong công phu về chăn gối rồi thì phải học đến những mánh khoé thường dùng hàng ngày. Mánh khoé ấy gồm có bẩy chữ: Thứ nhất là Khóc. Tiếp được khách có tiền ở lại ít lâu, lúc họ định ra về, thì mình phải khóc: “Tình lang ơi! Sao chàng nỡ bỏ thiếp mà đi cho đành”. Giả cách nũng nịu ngây thơ quyến luyến không rời xa, thì khách dù có gan dạ cứng rắn như thế nào cũng phải ở lại. Hoặc có khi gặp tay lõi đời, họ tất nói: “Nàng ở đây, khách đến khách đi luôn luôn thì làm sao mà lưu tình cho hết được. Ta với nàng chẳng qua là gặp thú thì chơi mà thôi, nàng coi thế nào như thật được”. Thế thì mình phải nghẹn ngào khóc rằng: “Thế mới biết đàn ông cay độc thật. Đừng nói đôi ta tương đắc, quyến luyến không rời, dù cho một cục đá, ôm lâu thì cũng nóng nữa. Thiếp khách tuy nhiều, nhưng chung tình có một, thiếp thật là quyến luyến không nỡ rời chàng". Thế rồi hai hàng nước mắt tầm tã chứa chan thì dù người sắt tất cũng phải mềm, mà không thể dứt lòng ra đi được!...

Thúy Kiều hỏi:

-Nếu không có nước mắt thì làm thế nào?

Tú bà cười nói:

- Có khó gì đâu! Giã gừng sống vắt lấy nước, tẩm vào khăn tay đem lau mắt thì nước mắt sẽ chảy ra như suối tràn... Thứ hai là Xén. Khách ở lâu có ý mê mình thì mình phải tính kế để lấy lòng khách. Sợ khi bạn bè khách có kẻ thấy hai người yêu nhau muốn phá đám thì mình với khách phải bảo nhau cùng xén một ít tóc, trộn lại làm một mớ, rồi chia làm đôi, mỗi người buộc một nửa vào cánh tay để tỏ ra ý muốn kết tóc, tất nhiên khách cho mình là có lòng thật mà không nỡ rời. Thứ ba là Thích. Hai bên đã tương đắc, tất phải dùng đến ngón mạnh hơn để buộc lấy lòng khách. Mình phải hoặc ở cánh tay, hoặc ở bắp chân, dung kim thích mấy chữ “Chồng tên là Mỗ...Mỗ”, rồi lấy mực xoa vào, khiến rửa không sạch ngấn, để khách trông thấy, sẽ cho là mình riêng chung tình với khách, tất khách phải mắc mưu chết mê chết mệt với mình. Nếu khách ấy đi rồi, có khách khác đến sau thấy vậy, tất phải nghĩ ràng: “Không biết người ấy người nọ đối đãi với cô ta thế nào mà cô phải quyến luyến như thế”. Khách tất lại phải càng xử hậu với mình để hòng tránh lấy cái yêu của mình đối với người trước. Thế thì mình phải nhân đó dùng mẹo, nhăn nhó khóc nói: “Chàng nọ đã vì thiếp tiêu tốn bao nhiêu tiền, dụng tình thế nào, chiều chuộng thế nào mà thiếp chưa hề có gì báo đáp được chàng”. Nói xong giả chảy nước mắt, tất khách phải cảm động mà phải vung tiền ra nữa với mình. Thứ tư là Đốt: đốt là kế khổ nhục. Hiện nay chị em quỷ quyệt mà khách làng chơi cũng nhiều tay khôn khéo. Muốn được khách vui lòng để mình bòn tiền của nó, nếu không có cách gì khua động lòng khách một cách mạnh mẽ, thì lung lạc thế nào được khách sa vào tay mình, đành phải dùng đến kế khổ nhục này. Mình với khách phải cùng phát thệ: trai không đổi lòng, gái không hai dạ, nếu sau phản phúc, thần người đểu giết v.v. Rồi hai người cùng chích, huyệt thứ nhất chích với người yêu thứ nhất, ân tình nhiều nhất, gọi là “nguyện đồng tâm”. Hai người mở áo, bụng kề bụng, da kề da, dùng hương mà chích; thứ hai, gục đầu vào nhau mà chích, gọi là “nguyện kết tóc"; thứ ba, tay tả mình khít với tay tả khách cùng chích, gọi là “hứa nguyện liên tình" bên tả; thứ tư, tay hữu mình khít với tay hữu của khách cùng chích, gọi là “hứa nguyện liên tình” bên hữu; thứ năm, đùi tả mình khít với đùi hữu khách cùng chích, gọi là "hứa nguyện giao đùi” bên tả; thứ sáu, đùi hữu mình khít với đùi tả khách cùng chích, gọi là “hứa nguyện giao đùi” bên hữu. Ngày xưa Tào Tháo đem tám mươi ba vạn quân xuống đánh Giang Nam mà còn bị kế khổ nhục của Hoàng Cái đánh diệt hết nữa là? Huống chi mấy thằng con trai ngu xuẩn trên đời này, nếu mình chịu khổ, đốt hương cùng chích với chúng thì chúng dù có tan cửa nát nhà cũng không phàn nàn. Thứ năm là Gá. Khách làng chơi không nói lấy nhau thì còn gì thú vi. Mà chị em không nói “gá” với nhau, thì còn có gì là ôn tồn nữa. Nhưng tiếng gá của gái đĩ không thể so sánh với tiếng lấy của các cô gái con nhà nề nếp được. Tiếng gá ở đây là khéo léo, đo người cắt áo gặp cảnh sinh tình. Khách là con nhà giàu hỏi thân giá mình chừng bao nhiêu, mình nên nói: “Nguyên nhân giá em bán cho chủ là ngần ấy tiền, tiếp khách cho chủ mấy năm được bao nhiêu tiền, cũng đã được vốn được lời rồi, ngày nay bất quá chỉ trả cho chủ chừng hơn trăm lạng nữa là được thôi. Thế rồi, suốt ngày mình thề bồi, bàn cách lấy nhau, làm cho khách mê mẩn tâm thần, tự nhiên có đồng nào bỏ ra hết. Chừng khi chi tiêu hết tiền rồi, không có gì mà cưới mình nữa thì mình không phải đuổi, khách cũng tự ngoan ngoãn rút lui thôi. Thứ sáu là Chạy. Đây là cách khéo nhân kế dùng kế. Khi khách đã chơi hết tiền, muốn cưới thì không có của, muốn chơi thì không có tiền, muốn tống khách ra khỏi cửa thì chỉ có một cách giả chạy trốn là lừa được nó. Mình giả hẹn khách thuê thuyền ở chỗ nào, lừa cho khách thật tin, không chút ngờ vực. Rồi đến ngày thu xếp ra đi, mình bí mật máy người đến phá đám, dậm dạo định bắt trình quan, như vậy khách tất nhiên mắc cỡ, phải lảng rút lui. Ấy là mẹo giả binh đó. Khách cứ tưởng là duyên hôi phận bạc, việc vui mừng bị phá vỡ, chớ có ngờ đâu là đã mắc mưu kế “đà đao” của mình! Thứ bẩy là Chết. Chết đây là chết giả, chớ không phải chết thật đâu. Hai người thân nhau, coi chừng lòng khách đã dao động thì mình bảo khách: “Thiếp sống là vợ của chàng, chết là ma nhà chàng. Thiếp quyết lấy chàng, nếu chàng không lấy thiếp thì dù chết cũng chết ở bên mình chàng”. Nếu khách đã có thê có thiếp, mình biết rõ là khách không thể lấy mình, thì bảo: ‘Thiếp không thể làm vợ chàng, thật là uổng cả mối tình thân mật đối với chàng. Thiếp tuy tiếp khách đã nhiều, song không được mấy ai ôn tồn như chàng. Nếu chàng không thể lấy thiếp thì đôi ta song song cùng chết, còn hơn là sống ở đời mà phải xa nhau. “Giải đồng không kết kiếp này- Thì xin kiếp khác làm cây liền cành”. Như thế không lo gì khách không giốc một lòng với mình, dù phải khánh kiệt gia tài cũng là cam chịu. Đó, con mà nắm vững được cái bí quyết của bẩy chữ ấy, thì có thể nhẩy lên sân khấu mà làm nhiều trò tiểu xảo nữa... Đứng trước cửa thấy khách nhìn mình thì mình phải tươi cười đưa đón. Nếu có hàm răng đẹp đẽ, thì cười để lộ răng, cốt khoe cái đẹp gọi là Dùng răng bạc. Nếu chân nhỏ nhắn thẳng thiu, thì dẫm lên bậc cửa, cúi đầu ngắm nghía, gọi là Phượng gật đầu. Nếu vóc người đẹp thì ra ngoài bước đi, gọi là Hiện thân thuyết pháp. Nếu tay đẹp thì để lộ nửa ngón tay búp măng; nếu tóc mây thì nghiêng nghiêng khẽ vén hoặc khoé mắt đưa tình, hoặc ngâm nga gợi ý. Nghĩa là phải làm sao để khơi động lòng xuân, khêu gợi lòng dục của khách làng chơi. Thạo những ngón kể trên, thì có thể làm đĩ vậy.

Thúy Kiều nói:

-Té ra như thế! Con xin lĩnh hội cẩn thận.

Không biết Thúy Kiều tiếp khách ra sao? Xin xem hồi sau phân giải.


nguyên đoạn văn tả kỹ càng vậy mà Nguyễn Du chỉ tóm lại có 1 câu! Hay thiệt!   :jj:  

nói ít hiểu nhiều, hehe! lol2

_________________________
Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân - Page 3 Love10

Sông rồi cạn, núi rồi mòn
Thân về cát bụi, tình còn hư không
Về Đầu Trang Go down
Ai Hoa

Ai Hoa

Tổng số bài gửi : 10549
Registration date : 23/11/2007

Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân - Page 3 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân   Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân - Page 3 I_icon13Fri 21 Jan 2022, 12:52

Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân.

Người dịch: Nguyễn Đức Vân, Nguyễn Khắc Hanh

QUYỂN III
__________________________________

HỒI THỨ MƯỜI HAI

__________________________________

VỆ HOA DƯƠNG DÙNG TRÍ LỪA HỌ MÃ
THÚC KỲ TÂM VUI MỪNG CƯỚI NÀNG VƯƠNG


Dùng mẹo khôn để “hạ” Tú bà, tất phải cần đến hạng người như Vệ Hoa Dương. Còn như Thúc ông kiện con về tội ngỗ nghịch để hòng đuổi Thúy Kiều trở về Lầu Xanh thì lúc ấy dùng Vệ Hoa Dương lại không được nữa, tất phải nhờ vể cái kiến thứ: xin chịu gông và cái thi tài vịnh gông của Thúy Kiều đã làm rung chuyển quan tri phủ, thì mới có thể bảo toàn được.

Tuyệt vời thay tài sắc đã làm cho người trên phải kính yêu vậy. Nhưng đáng tiếc cho Thúy Kiều có tài thức như thế mà không không được sự báo
đáp của tài thức. Ày củng là do số mệnh làm chủ, biết làm sao được!...



Truyện rằng, hôm sau Thúc sinh dậy, đưa Thúy Kiểu về hiệu buôn, đoạn dẫn đến ở một nhà riêng rồi hai người nói cho Tú bà biết là muốn chuộc mình cho Thúy Kiểu. Tú bà được tin vội đến ngay cửa hàng nhà họ Thúc. Bọn người nhà đều nói:

- Cậu chúng tôi không có ở nhà, nghe đâu sang vườn hoa họ Dương nghỉ mát!

Tú bà vội đến vườn hoa họ Dương thì người ở đó cũng nói là không có. Tìm luôn hơn mười ngày chẳng thấy tăm hơi đâu cả.

Hôm ây chợt thấy Bộ Tân, Tú bà liền níu lấy hỏi:

- Ông Bộ này! Con gái tôi hiện ở đâu? Xin ông bảo dùm!

Bộ Tân nói:

- Té ra bà không biết con gái ở đâu? Nghe nói chị ta đã tòng lương rồi mà! Bữa trước, tôi bỗng nhiên qua trước cổng huyện, nghe người ta đồn đại xôn xao rằng, “Sớm nay có một kỹ nữ tuổi còn non, đến huyện xin tòng lương được quan huyện phê chuẩn, không biết tên cô ả là gì...”. Một người nói: “Ấy chính là cô Mã Kiểu nổi tiếng nhất về thi phú và thạo hồ cầm đó! ”Tôi nghe câu chuyện biết là con gái bà liền hỏi người ấy: “Mã Kiểu xin tòng lương thì lấy ai?”.Người ấy nói: “Lấy cậu tú Thúc người Vô Tích....”. Tôi nói: “Cậu Tú thì không đối chọi được với bà Tú đâu”. Người ấy nói: “Ông chỉ biết cậu Thúc là người trung hậu, biết đâu rằng người giúp việc cho cậu ta lại là tay cứng lắm..”. Người giúp việc cho cậu ta là Vệ Hoa Dương, cả tỉnh này ai cũng biết tiếng. Nay bà muốn biết chỗ con gái ở, tôi tưởng Vệ Hoa Dương đã là người giúp viêc cho cậu Thúc, thì thế nào hắn cũng ở nhà ông ấy.

Tú bà nghe ba tiếng Vệ Hoa Dương thì đâm lún ngay, liền nói:

- Thôi hỏng! Họ tìm ra tay đối thủ rồi, biết tính sao đây? Ông Bộ! Tôi nhờ ông đi tìm cậu Thúc và nói giúp cho rằng nếu cậu ấy muốn lấy con gái
tôi thì cứ bảo thẳng ngay tôi, việc gì mà phải kiện cáo cho tốn tiền?

Bộ Tân nói:

- Tôi đang định tìm gặp anh ta, đến cửa hiệu hỏi họ nói là anh ta đang ở bên nhà Vệ Hoa Dương. Bây giờ tôi đang tính qua bên ấy để tìm.

Tú bà nói:

- Cậu Thúc mà ở bên nhà họ Vệ, tất nhiên là họ định gây chuyện đấy. Vậy xin phiền ông Bộ thăm dò tin tức giúp tôi. Nếu quà cậu Thúc ở bên nhà họ Vệ thì muôn vàn nhờ ông nói giúp với cậu ấy rằng nếu cậu muôn lấy con gái tôi, thì tôi chỉ xin số tiền mua trước, chớ không có ý gì khác. Nhờ ông thế nào cũng xin cho tôi biết tin đích xác.

Bộ Tân nhận lời, rồi hai ngưòi chia tay nhau.

Lại nói đến gã Bộ Tân này, thì chính y đến để thi hành mưu kế của Vệ Hoa Dương và Thúc sinh. Vừa hay gặp Tú bà, nói như thế rồi liển vội vã trở
về báo tin cho Thúc sinh và Vệ Hoa Dương. Hoa Dương nói:

- Nếu thế thì nhuệ khí của con mụ này đã nhụt rổi đấy. Ngay đêm nay anh đến bảo cho mụ ấy biết, rằng đã gặp và nói lại những lời của mụ ấy cho Thúc sinh và Vệ Hoa Dương nghe rồi, nhưng họ bảo rằng Mã Bất Tiến mua con nhà lương thiện về làm việc đê hèn và mụ Tú thì ép liệt nữ làm gái lầu xanh. Cứ như thế, nếu mụ biết lỗi thì ta sẽ tha thứ, bằng mụ không biết điều thì ta sẽ cáo phát cả hai tội luôn thể!

Bộ Tân y lời, liển đem câu chuyện ấy nói lại với Tú bà. Tú bà nói:

- Giong lưỡi của họ đến như thế, tôi còn biết nói làm sao?

Bộ Tân nói:

- Họ là người không sợ việc gì đâu! Một khi công việc đưa đến quan thì sẽ lộ ra câu chuyện nguồn gốc năm xưa. Dù không thế nữa thì bà cũng
phải tiêu tốn không biết bao nhiêu tiền bạc. Chi bằng đã chót gặp ma thì phải luỵ ma. Bà phải thân đến nhà cầu cạnh Hoa Dương đi, vì hắn là tay
quang côn sừng sỏ, thua mềm chứ không chịu thua cứng đâu. Nếu bà đến cầu hắn, tự nhiên hắn sẽ bỏ qua những thù oán trước, chớ mà bà định kiện nhau với hắn, thi hắn là tay có tiền, lại quen biết nhiều trong đám sai nha. Việc lỡ ra thì không biết ai thắng ai bại? Việc này tôi không dám dính dáng đến đâu!

Tú bà nói:

- Tất nhiên là tôi phải cầu hoà, chớ lấy gì mà đối chọi được với các ông ấy. Nhưng mà cầu hoà thì tôi phải phiền ông dàn xếp giúp cho!

Bộ Tân cười nói:

- Điều đó bất tất phải nói! Bây giờ tôi hãy xin về, sáng sớm mai sẽ đến!

Tú bà nói:

-Trời tối rồi! Ông nằm nghỉ lại đây để sớm mai tiện việc bàn bạc mà làm việc.

Bộ Tân cũng vui lòng ở lại.

Bên kia, Thúc sinh đợi lâu không thấy Bộ Tân trở lại, Hoa Dương liền nói:

-Lão Bộ không về thì việc tất xong.Ngày mai mụ Tú tất đến cầu hòa.Vậy ta phải làm như thế... như thế...

Thúc sinh nói:

- Xin y lời.

Sống hôm sau, Tú bà sai Bảo nhi sửa soạn bốn hộp đồ ăn cùng Bộ Tân đến nhà họ Vệ nhờ người vào thông báo thấy Vệ Hoa Dương ra nói:

- Không biết bà hạ cố nên chưa kịp đón tiếp!

Tú bà nói:

- Tôi đã làm kinh động đến ngài.

Kế đó mọi ngưòi chào nhau rồi ngồi xuống. Hoa Dương nói:

- Dám hỏi Tú bà đến đây có chuyện gì thế?

Tú bà nói:

- Nghe tin con gái tôi định kết duyên với cậu Thúc, nên tôi đến nhờ ông làm mối nên nghĩa giao hảo của hai nhà!

Hoa Dương nói:

- Nghe đâu cậu tú định sửa soạn cùng bà Ngô, Việt giao binh, ngờ đâu bà lại muốn kết nghĩa Tấn, Tần.

Tú bà nói:

- Gái đĩ tòng lương là việc rất tốt, tôi không hề làm khó khăn gì. Sao cậu Thúc lại định kiện tôi, hay là ngờ tôi có bụng dạ nào muốn sinh sự đó
chăng? Mấy bữa trước tôi tìm hỏi mãi không được tin gì. Hôm qua gặp ông Bộ mới biết là con tôi hiện ở nhà ông Vệ, vì thế tôi đến nhờ ông giúp cho thành việc vui mừng của hai nhà!

Vệ Hoa Dương nói:

- Bà vốn chưa hiểu rõ câu chuyện trong đó. Thoạt đầu con gái bà cáo trạng tòng lương thì cậu Thúc định xin niêm yết ngay. Song tôi khuyên cậu
hãy thong thả, chờ coi bên bà hành động thế nào rồi sẽ gây chuyện cũng chưa muộn. Nay bà lại đến nhờ tôi giúp đỡ, thế là đúng quẻ cầu tài rồi. Vậy tôi mời cậu Thúc ra đây để ba mặt một lời cho dễ nói chuyện.

Nói đoạn, đứng dậy vào nhà trong, hồi lâu dắt Thúc sinh cùng ra. Thúc sinh thấy Tú bà, liền hỏi:

- Thế nào? Bà mẹ đến đây là định giảng hoà hay định giao tranh đấy?

Tú bà nói:

- Định giao tranh thì đã chẳng đến đây! Tôi nghĩ Kiều nhi là con nhà lương thiện, nay lấy cậu khác nào vật đã gặp được chủ. Tôi dù mến nó đến
đâu cũng đành phải nén lòng lìa dứt, vì thế mới đến nhờ ông Vệ đây làm mối để gả cho cậu!

Vệ Hoa Dương nói:

- Thôi, cậu Thúc ạ. Nay bà Tú không nói năng gì, lại đến nhờ tôi thì cũng đáng kể là mặt nữ trượng phu thức thời lắm đấy. Như thế cậu cũng nên gác bỏ ý đã định để mà bàn việc chuộc mình cho cô Kiều! Còn về phần bà Tú, bà đã đến giảng hoà thì tờ giây viết bán mình cho Mã Quy làm thiếp, bà trả lại cho cô Kiều, rồi viết một tờ khác cho cô ấy đi lấy chồng. Một bên giao tiền, một bên giao văn khế, thế là xong chuyện!

Tú bà nói:

- Thế thì ngoài số tiền bán mình ra, cậu Thúc trả thêm cho tôi một số như thế nữa thôi.

Thúc sinh nói:

- Cô ta tiếp khách ba năm, số tiền đã hơn gấp mười rồi. Ý tôi lúc đầu là định kiện nhau với bà và chẳng cho bà một lạng nào hết nhưng nay bà đã
biết nghĩ lại thì tôi cũng thôi và chuộc khế bán bằng một nửa số tiền trước đây.

Vệ Hoa Dương cười nói:

-Một bên đòi nhiều, một bên muốn ít, đều không đúng cả. Cứ nguyên giá mà chuộc đi và hẹn bữa mai, hai bên giao giả cho xong là được.

Nói xong, hổi gia đinh đem rượu ra uống. Tú bà cũng gọi Bảo nhi mở hộp, hâm rượu lên. Mọi người cùng ngồi ăn uống, trò chuyện vui vẻ, rồi mới giải tán.

Hôm sau, Tú bà cùng Mã Bất Tiến đến nhà họ Vệ. Vệ Hoa Dương đặt tiệc rượu linh đình, mời thêm mươi anh em đến dự, rồi ba mặt một lời thuật lại câu chuyện hôm qua. Thúc sinh cân bốn trăm năm mươi lạng bạc giao cho Tú bà. Tú bà nài thêm. Thúc sinh lại phải thêm năm mươi lạng. Tú bà coi chừng không thể nài hơn nữa, đành phải đưa hôn thư trước ra, lại viết một giấy nhận tiền, giao cả cho Thúc sinh. Thúc sinh nói:

- Chẳng biết giấy này có phải do chính tay em Kiều viết hay không?

Vệ Hoa Dương nói:

- Hôm nay, thế nào cũng phải mời cô Kiều ra tạ ơn bà Tú. Vậy cậu đem giấy vào cho cô ta xem, rồi nhân tiện bảo cô ấy ra đây.

Thúc sinh nói:

- Phải đấy!

Liền cầm giấy vào nhà trong, hồi lâu cùng Thúy Kiều ra. Thúy Kiều nhất nhất thi lễ với mọi ngưòi. Tú bà nói:

- Kiều con! Mừng cho con lấy được ông chồng phong lưu.

Thúy Kiều nói:

- Đa tạ mẹ! Đó là nhờ phúc của me!

Mã Bất Tiến cũng ngỏ lời chúc mừng. Thúy Kiều gật đầu không nói gì. Kế đó, mọi người nhất tề đứng dậy vái và nói:

-Chúc mừng cô từ nay ra khỏi nơi hố lửa.

Thúy Kiều nói:

- Xin đa tạ tất cả chư vị.

Nói đoạn, cúi đầu chào mọi người, rồi khép nép lui vào. Hôm đó mọi người vì còn có việc riêng nên thẩy đều ăn uống qua loa rồi giải tán. Tú bà
ra khỏi nhà họ Vệ nghĩ đến Thúy Kiều kiếm ra biết bao nhiêu là tiền, nay biết tìm đâu ra cho được một người như thế nữa, bất giác ứa hai hàng lệ, cụt hứng trở về.

Lại nói, Thúc sinh tiễn Tú bà và mọi người ra khỏi, liền đưa một trăm lạng bạc tạ ơn Vệ Hoa Dương, rồi bảo người nhà thắp đèn đốt đuốc, đón Thúy Kiều về một biệt thự làm lễ cưới. Bạn bè kéo đến chúc mừng. Thúc sinh đã mãn nguyện, trong lòng sung sướng vô ngần.

Từ đó hai người tình nghĩa càng nồng, kính nhau như khách. Một hôm, có tin cha từ quê đã đến, Thúc sinh nói với Thúy Kiều:

- Cha tôi đã tới, thế nào người ngoài cũng có lời bàn tán. Vậy tôi về chào trước, rồi sẽ đưa nàng về bái kiến sau!

Thúy Kiều dặn:

- Mọi việc chàng đều phải cẩn thận đấy! Dù có bị trách mắng cũng phải cố nhịn chiểu ý!

Thúc sinh gật đầu khen phải, rồi về chào cha.

Thúc Chính mắng:

- Thằng ngu xuẩn này! Mày đã bao nhiêu tuổi mà vội cưới vợ lẽ? Lấy vợ lẽ là không nên, mà lại còn đi rước đĩ về nhà! Mày phải biết bố vợ mày là hạng người như thế nào? Vợ mày là tiểu thư con nhà quý phái, biết mày lấy vợ lẽ, giận đến núi cao đầy nước thì mày bảo chịu sao nổi điểu tức giận đó. Mày phải đuổi ngay con ấy về nhà họ Mã đi thì muôn việc đều êm. Chứ mà còn say mê không tỉnh thì dù có phải đi kiện tao cũng đi kiện để đuổi nó đi.

Thúc sinh nói:

- Lạy cha! Cha mắng con, đánh con, con xin cam chịu, chớ bảo con đuổi cô ấy trở về làm đĩ thì thể diện con ra thế nào? Con chết thì thôi, chớ việc này khó bề nghe lời cha được.

Thúc Chính cả giận nói:

- Mày cưỡng lời tao thì tao nhất định phải đi kiện để đuổi nó đi.

Thúc sinh nói:

- Quan thì phải chiếu luật, chỉ có luật cho gái đi tòng lương, có luật nào bắt con gái nhà lương đi làm đĩ...

Thúc Chính quát:

- Mày cứng lý sự thì tao nhất định phải đuổi nó đi.

Nói xong chạy thẳng ra ngoài. Vừa may gặp quan phủ đi qua,Thúc Chính liền la lớn kêu oan, nói là con ngỗ nghịch với cha.

Quan phủ nghe nói, bảo dẫn về nhà môn và hỏi xem việc gì. Thúc Chính nói:

-Bẩm quan! Con tôi lấy một gái đĩ. Tôi bắt nó đuổi con kia về lầu xanh, nó ngỗ nghịch không chịu đuổi đi.

Tri phủ hỏi:

- Lấy nhau đã bao lâu?

Thúc Chính nói:

- Bẩm, đã gần một năm rồi!

Tri phủ hỏi:
- Con ấy ở nhà ông, có làm nhơ nhớp đến môn phong nhà ông không?

Thúc Chính nói:

- Bẩm! Cái đó thì không có!

Tri phủ lại hỏi:

-Con ông là hạng người thế nào?

Thúc Chính nói:

- Bẩm quan! Nó là nho sinh huyện Vô Tích!

Tri phủ hỏi:

- Nếu đã là nho sinh lấy vợ lẽ về nhà rồi lại cho trở về tiếp khách thì còn ra gì nữa. Ông vì cớ gì mà bắt chúng phải bỏ nhau?

Thúc Chính nói:

- Bẩm! Đó là chỗ quan lớn chưa thấu rõ cho! Là vì cha vợ nó là Lại bộ thiên quan, vợ nó đương trạc trẻ trung, sợ rồi không thể dung nhau được, cho nên phải bắt nó đuổi con kia đi.

Tri phủ nói:

- Té ra như thế! Vậy gọi nó đến để bản chức hỏi xem ra thế nào.

Liền thảo tờ trát màu hồng, giục một công sai đem đi đòi Thúc sinh đưa cả người thiếp đến hầu. Thúc sinh vốn đứng sẵn ngoài cổng phủ, khi
thấy có trát hồng đòi, liền bước vào công đường bái kiến.

Tri phủ nói:

- Cha anh thưa anh vể tội ngỗ nghịch. Anh nói thế nào?

Thúc sinh nói:

- Bẩm quan lớn! Tôi học hành, biết lễ nghĩa, đâu dám làm điều ngỗ nghịch. Chỉ vì từ ngày năm ngoái, tôi có lấy kỹ nữ Mã Kiều làm vợ lẽ. Đã gần một năm, nay cha tôi bắt phải đuổi người ấy về làm đĩ, như thế thì thể diện nho sinh này sẽ ra sao? Vả lại người đàn bà ấy không hể phạm phải một trong số bảy tội nặng phải ly dị. Đã là vợ nhà lương thiện rồi mà phải bắt sa vào nhà đĩ thì lòng sao nỡ. Cho nên tôi kiên quyết không tuân lời, vì thế cha tôi nói là ngỗ nghịch.

Tri phủ nói:

- Điều đó quả nhiên là không nên làm, hãy cứ về đi, ta sẽ có cách phân xử.

Giữa lúc này, bỗng thấy Thúy Kiều đến. Tri phủ nói:

- Mã Kiều! Ông Thúc Chính đến thưa, xin bắt chị trở về lầu xanh, chị nói thế nào?

Thúy Kiều nói:

- Bẩm quan lớn! Chỉ có gái đi tòng lương chớ không có lý bắt đàn bà nhà lương thiện đi làm đĩ. Việc này thực khó có thể tuân lệnh!

Tri phủ nói có ý thử thách:

- Nhà họ Thúc không cần đến chị, tất nhiên trả chị về nhà đĩ. Nếu chị không tuân, bản chức tất nhiên phải dùng hết pháp trừng trị!

Thúy Kiều nói:

- Bẩm quan! Tôi xin quyết chịu chết dưới hình pháp, chớ không muốn trở lại làm đĩ.

Tri phủ hối người đem ra một chiếc gông và nói:

- Đánh đòn thì ta hãy tha cho, nhưng phải mang gông đi rao một tháng, sau đó mới quyết định cho chị khỏi phải trở về nhà đĩ.

Thúy Kiều nói:

- Xin tuân lệnh của quan lớn.

Lập tức đóng gông vào cổ. Thúc sinh chạy vào công đường ôm lấyThúy Kiều khóc lớn:

- Tôi làm lụy nàng rồi! Tôi làm luỵ nàng rồi!

Tri phủ hỏi:

- Anh làm luỵ nó như thế nào?

Thúc sinh nói:

- Bẩm! Ngay lúc nho sinh này muốn cưới nàng, nàng đã đoán trước đến việc này. Không ngờ ngày nay quả đúng như lời!

Trí phủ nói:

- Nếu quả như vậy thì chị này cũng là người hiểu biết đấy.

Thúc sinh nói:

- Bẩm! Nàng không chỉ hiểu biết nhiều mà còn rất thông chữ nghĩa. Xin quan lớn mở đường tha cho!

Trí phủ nói:

- Mã Kiều đã thông chữ nghĩa, sao không lấy “chiếc gông” làm đầu đề vịnh thử một bài. Ta biết một tài nữ hồi xưa cũng lấy đầu đề ấy vịnh thành
khúc “Hoàng oanh nhi”, nghe rất phong nhã. Vậy chị cũng vịnh ngay một bài tức sự, nếu nghe được ta sẽ tha cho.

Thúy Kiểu vâng lời, liền cầm bút viết ngay khúc “Hoàng oanh nhi.”

Từ rằng:

Với gỗ tuy thù sâu,
Mừng trong vòng được ló đầu.
Ôi! Khung vuông tròn khoe thân ô nhục!
Nhưng hình hài khúm núm, thẹn lòng nhau.
Ngồi đáy giếng, lo âu,
Đáng thương thay mắt cạn khô lệ sầu!
Ơn hiền hầu!
Day cho cứng cổ,
Lại chẳng bắt làm ca lâu.


Tri phủ xem xong, vui vẻ nói:

- Bài này so với bài trước, lại càng hay hơn! Thật là giai nhân sánh với tài tử. Thôi! Ta tha cho về đoàn tụ với nhau!

Liền hối tả hữu mở gông tha cho Thúy Kiều, đoạn gọi Thúc Chính lên khuyên nhủ:

- Người ta kiếm được người vợ như thế, thật là khó lắm. Ông sợ nhà thông gia quở trách thì đừng đưa chị này về quê nhà là yên chuyện. Cha con
nhà ông đã đến đây cũng phải lượng tình, còn như bố vợ không có lý gì cấm đoán được việc này!

Thúc Chính nghe nói ngậm miệng, không biết đáp lại thế nào. Quan phủ hối tả hữu sửa soạn cờ quạt, cỗ nhạc, kiệu hoa có chữ “Hỷ” đỏ, đưa hai người song song về nhà.

Hai người lạy tạ Tri phủ, cảm ơn tác thành rồi lên kiệu trở về, rất là vui sướng.

Không biết hai người về sau thế nào, xin xem hồi sau phân giải.

_________________________
Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân - Page 3 Love10

Sông rồi cạn, núi rồi mòn
Thân về cát bụi, tình còn hư không
Về Đầu Trang Go down
Ai Hoa

Ai Hoa

Tổng số bài gửi : 10549
Registration date : 23/11/2007

Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân - Page 3 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân   Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân - Page 3 I_icon13Thu 21 Apr 2022, 08:13

Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân.

Người dịch: Nguyễn Đức Vân, Nguyễn Khắc Hanh

QUYỂN III
__________________________________

HỒI THỨ MƯỜI BA

__________________________________

BIỆT LY ĐAU KHỔ, SAO NỠ CHIA PHÔI
GHEN TUÔNG SÂU CAY, KHÔNG HỀ NÓI HỘ


Vợ chồng ân ái, bỗng chốc chia phôi, cố nhiên khó bề chia dứt. Song cứ một mực khóc lóc thảm thương thì cũng không phải là điềm tốt.

Thúc sinh chia tay với Thúy Kiều, chẳng qua tạm biệt để về thăm quê, ít là sáu tháng, nhiều chỉ một năm, hà tất phải lệ nhoà máu chảy, đòi đoạn can trường, chừng như vĩnh quyết, thảo nào chuyến đi này thành ra
sinh ly tử biệt.

Hoạn tiểu thư ghen tuông sâu độc, song sở dĩ không nói ra ngay cũng chỉ là cứ lẳng lặng thử coi Thúc sinh thú thật hay không thú thât, che giấu hay không che giấu đó thôi. Nếu thú thật nói ngay, thì tuy lấy vợ lẽ, chia sẻ yêu thương, mà cái tình vợ chồng vẫn còn. Đằng này Thúc sinh lại giấu biệt không nói, thành ra chỉ biết yêu vợ lẽ mà không biết yêu vợ cả. Yêu và thương đều mất cả, thế thì ai mà không giận? Đã giận rồi thì không thẳng tay làm khổ sao được? Làm khổ Thúy Kiều tức là làm khổ Thúc sinh này.

Nếu Thúc sinh nghe lời Thúy Kiều, về đến nhà liền thú thật và xin lỗi thì Hoạn tiểu thư dù có ghen tuông đến đâu cũng quyết không nỡ quá khắc nghiệt đến như vậy. Thế mà anh chàng lại không nghe lời khuyên bảo của Thúy Kiều, giấu đầu hở đuôi, để gây tai vạ cho Thúy Kiều đến như thế. Vả chăng, Thúc sinh và Hoạn tiểu thư kết duyên với nhau đã lâu mà lại không biết vợ là người thế nào, thật cũng tầm thường lắm thay!...



Lại nói, Thúc Chính thấy tri phủ phán truyền cho Thúc sinh và Mã Kiều được nên duyên vợ chồng lâu dài, đã đến bước này chẳng biết làm sao, dành phải nghe lời dặn của tri phủ, che dấu kín đáo không để cho người nhà biết chuyện.

Hôm sau, Thúc sinhcùng Thúy Kiểu tới lạy tạ ơn cha. Thúc Chính nói:

- Con ạ! Không phải cha không thể dung được con đâu! Chỉ sợ con dâu lớn ở nhà không dung được con thôi!

Thúy Kiều nói:

- Thưa cha! Con sẽ hết sức làm tròn bổn phận của kẻ lẽ mọn. Mặc dù chị con có làm điểu gì ngang trái, con cũng xin hết sức cam chịu.

Thúc Chính nói:

- Ừ! Con nói cũng phải, nhưng con không về Vô Tích thì nó cũng không làm gì được con.

Thúy Kiều lạy tạ lui ra. Thúc Chính dặn Thúc sinh xếp một căn nhà mới cho Thúy Kiều ở riêng, kẻo người bên nhà đến trông thấy sinh chuyện thêm phiền.

Trên dưới cứ một mực bưng bít như vậy. Chẳng ngờ có người biết, đem chuyện ấy chuyển đến tai Hoạn tiểu thư. Hoạn tiểu thư cười nói:

- Ta chỉ muốn chàng cứ giấu ta. Nếu chàng nói rõ cho ta biết lấy vợ lẽ thì một là ta phải chiều chồng, hai là phải giữ thể diện của mình nữa. Nay chàng đã giấu ta thì ta phải nhân đó tính kế làm cho chúng câm miệng không thể nói gì được nữa, thử xem chúng có cách nào thoát được tay ta hay không?

Bỗng có một tên người ở muốn lấy lòng chủ, ton hót:

- Bẩm bà! Ông con ra ngoài, nghe nói mới cưới một cô vợ lẽ tài sắc hơn người.

Hoạn tiểu thư nghe, không đợi người kia nói hết, liến quát mắng om sòm:

- Tên này muốn chết! Ông lấy vợ lẽ, có khi nào lại không nói với ta? Chắc là ông đánh mày, bây giờ mày đến trước mặt ta, đặt điều gây vạ, để ly gián vợ chồng ta chứ gì? Thật là đáng giận!

Liền phạt người ấy phải tự vả vào mồm ba chục cái, đoạn còn hầm hè nói:

- Tên này láo thật! Gây vạ cho người khác đã đành, sao lại dám gây vạ cho cả ông chủ nữa? Từ nay về sau, đứa nào còn tầm bậy tầm bạ nữa thì bà sẽ bẻ bốn cái răng cửa.

Bọn người ở thấy vậy không ai còn dám hé môi nữa.

Bỗng một hôm, có người vú em, gọi là mụ Lý, nói với Hoạn tiểu thư:

- Dễ chừng việc cậu lấy vợ lẽ là có thật, mợ ạ!

Hoạn tiểu thư nói:

-Tôi vẫn tin nhà tôi lắm. Nếu nhà tôi lấy vợ lẽ, tất không giấu tôi đâu! Vú vừa nói câu chuyện ấy là nghe ở miệng ai nói ra?

Mụ Lý nói:

- Đó là nghe anh Thúc Sô từ Lâm Tri về nói đấy.

Tiểu thư nói:

- Đặt điều gây sự, té ra là thằng này. Hồi trước nó đánh vỡ chiếc chén ngọc là vật ưa thích của nhà tôi, nên nhà tôi đã đánh nó một trận đòn. Nó vẫn để bụng, nay mới thêu dệt ra câu chuyện, cốt gây tức để làm tôi mang tiếng là người vợ bất hiền và làm nhà tôi mang tiếng là người chồng bạc hạnh, thật là đáng giận!

Liền bảo Thúc Năng ra gọi Thúc Sô vào. Giây lát Thúc Sô đến. Hoạn tiểu thư quát bảo cả bốn gia đinh:

- Thằng Thúc Sô này hỗn xược, dám phỉ báng chủ nhà, vậy bay nhổ hộ tao bốn cái răng cửa của nó.

Bọn gia đinh nghe xong liền trói Thúc Sô lại, rồi kẻ kìm người búa nhất tề ra tay.Thúc Sô kêu thét lên một tiếng, nằm chết ngất dưới đất, hồi lâu mới tỉnh, thì đã bị nhổ mất bốn chiếc răng cửa rồi. Từ đó vê sau, không còn một ai dám nói đến việc chủ nhà lấy vợ lẽ nữa. Qua hơn một năm, im lìm như không ai nghe biết có chuyện gì cả.

Trong thời gian ấy, Thúc sinh đã từng sai một gia dinh thân tín về nhà dò xét chuyện này nhưng cũng tuyệt không hề nghe ngóng thấy gì cả bèn trở về báo lại. Thúc sinh mừng lắm nói với Thúy Kiều:

- Tôi cưới nàng đã hơn một năm và sai người về nhà nghe ngóng thì chị cả không hề hay biết gì. Nàng tính giấu giếm như thế có khéo hay không?

Thúy Kiều nói:

- Người đi động cỏ, chim bay rụng lông. Ở Lâm Tri này kinh động đến quan nha như thế, chẳng lẽ bên nhà lại không chút tăm hơi gì cả. Có lẽ là có mưu gian gì đây?

Thúc sinh nói:

- Nàng đoán cũng phải! Song những thư từ qua lại, không có một chút gì tỏ ra là biết có việc này. Không lẽ lại không đáng tin sao?

Thúy Kiều nói:

- Việc tuy thế song thiếp vẫn ngờ. Chàng ở Lâm Tri lâu, nhân lúc chị chưa biết gì, tưởng nên trở về nhà thăm một chuyến dò xem. Nếu có chuyện gì cũng tiện việc điều đình, bằng không có gì nữa cũng để cho chị an tâm. Chàng thường nói chị ấy là người ít nói ít cười, mừng nhiều giận lắm cũng không lộ ra sắc mặt. Hạng người ấy cơ trí sâu xa, thiếp rất sợ. Còn thật thà trung hậu như chàng, e không phải là địch thủ của Trí đa tinh [23] đâu?

Thúc sinh nói:
- Thật thế! Chị ấy với tôi, đôi bên ân ái rất là ý hiệp tâm đầu. Từ khi lấy nhau đến nay chưa có điểu gì ngang trái. Nhưng quả thật tôi sợ chị ấy như cọp, vì chị ấy cử chỉ trang nghiêm, làm việc không cẩu thả. Gần chị ấy như gần thần linh, không hề dám phóng túng. Đã lâu rồi cùng muốn về để xem chị ấy có biết hay không, chỉ vì mới cưới nàng nên không nỡ vội xa cách đấy thôi!

Thúy Kiều nói:

- Chị ấy có yên thì ta mới được yên. Làm cho chị yên, tức là để ta yên. Không nhân lúc chuyện này chưa vỡ lở mà tự điều chỉnh đi, một mai việc lộ, biết làm thế nào? Thiếp đã lấy chàng, là người của chàng, chỉ mong một nhà hoà thuận, trên dưới yên vui, còn từ đây về sau, ngày xuân còn dài, lo gì?

Thúc sinh nói:

- Nếu thế thì tôi cũng yên lòng về thăm nhà vậy!

Bỗng có người đưa tin cha gọi, Thúc sinh liền theo sang cửa hiệu hầu cha. Thúc Chính thấy con đến, liền bảo:

- Vương thị đã là vợ lẽ con rồi, cố nhiên là ở lâu dài cùng trời đất. Nhưng con ở ngoài đã lâu cũng nên về nhà cho ổn định lòng vợ cả. Chớ để người ngoài chê là đắm đuối bên này, phụ tình bên kia làm cho ông bà bên ấy tức giận thì cha lại thêm mang luỵ vào thân.

Thúc sinh nói:

- Vợ lẽ con cũng đã khuyên con về thăm nhà một chuyến, nay cha lại nói như thế thì để bữa mai, còn sẽ về Nam.

Thúc Chính mừng lắm, liền thu xếp tiền bạc để đưa Thúc sinh lên đường. Thúc sinh về, nói lại ý cha cho Thúy Kiểu nghe. Đêm hôm ấy Thúy Kiều sửa soạn tiệc rượu để tiễn đưa Thúc sinh và nói:

- Chàng đi chuyến này cần phải khéo an ủi. Ngày này sang năm, thiếp chờ mong chàng trở lại!

Thúc sinh nói:

-Tôi đi nhiều là nửa năm, ít chỉ ba tháng, thế nào cũng xong. Không để nàng phải nhọc lòng mong đợi lâu!

Thúy Kiều nói:

- Chàng ở đây đã hơn một năm mới tính việc trở về. Nếu ba tháng nửa năm lại muốn đi ngay, há chẳng làm cho chị cả sinh lòng ngờ vực? Đã ngờ vực thì tất sinh chuyện. Nên chi, dù chàng có nhớ thiếp đến mấy đi nữa, không được một năm là nhất quyết không nên quay lại đây.

Thúc sinh nghẹn ngào nói:

- Phong ba vô hạn, vừa mới được yên. Nhân duyên hữu hạn, lại vội xa cách, thì dù sắt đá cũng tan tác lòng!

Thúy Kiều gạt nước mắt, nói:

- Thiếp há không muốn cùng chàng đoàn tụ luôn luôn hay sao? Chỉ vì thời cùng thế bách, không thể hoãn được, nên mới phải đang tâm giục chàng lên đường, chớ thật lòng thiếp cũng tơi bời đau đớn lắm!

Kế đó, hai người trông nhau mà khóc. Thúc sinh nói:

- Nàng vốn thạo thơ từ, bữa nay biệt nhau, sao mỗi người không làm một thiên để ghi lại cuộc ly biệt này!

Thúy Kiều nói:

- Xin chàng ngâm trước!

Thúc sinh đặt chén, rồi làm một bài thơ rằng:

- Dùng dằng đau ly biệt,
Rượu tiễn lệ chan hoà.
Làng cũ nay trở lại,
Quê người ngày dần xa.
             *
Thuyền trôi buồm mở rộng,
Vó ngựa mù bến sông.
Hai miến xa vạn dặm,
Sầu đau mắt ngóng trông.


Thúy Kiều xem rồi nói:

-Tình buồn ý xa, không kém gì bài phú ly biệt của Giang Yêm. Vậy thiếp xin hoạ lại bằng mười bài “Đêm nay đêm gì?” để rộng thêm ý:

1. Đêm nay đêm gì?
Chàng làm bài thơ đi xa,
Thiếp ở thâm khuê lòng ghi nhớ,
Hỏi chàng bao giờ trở lại nhà?

2. Đêm nay đêm gì?
Thương tình cảnh biệt ly,
Một khúc ly ca hai ngấn lệ,
Dương quan, mai sớm tiễn chàng đi.

3. Đêm nay đêm gì?
Ly biệt đau lòng thay,
Canh thâu trằn trọc không an giấc,
Bỗng đâu vó ngựa ruổi đường mây.

4. Đêm nay đêm gì?
Mai sớm mỗi người đi một nơi,
Mong ngóng đường về khắp phương trời
Yêu mà chẳng thấy lệ đầy vơi!

5. Đêm nay đêm gỉ?
Trăng tròn người chia ly,
Muôn dặm non sông, đường cách trở,
Ngày về chẳng biết đến bao giờ?

6. Đêm nay đêm gì?
Giáp mặt lòng nghẹn ngào,
Chợt nghe tiếng nhạn khóc trên trời,
Như oán tình ly chửa hết lời.

7. Đêm nay đêm gì?
Rượu say lòng héo sầu,
Nghe nói giải buồn thường mượn rượu,
Mà sao càng rượu lại càng sầu?

8. Đêm nay đêm gì?
Trông trăng mà ngại ngùng,
Trăng tròn trăng khuyết một tuần trăng,
Chàng đi chàng về không biết chừng.

9. Đêm nay đêm gì?
Gượng vui tiễn người đi,
Sợ chàng ủ rủ thêm sầu bi,
An ủi cho chàng buổi biệt ly.

10. Đêm nay đêm gì?
Sinh ly tử biệt ngậm ngùi than,
Sinh ly, đành khổ chia hai ngả,
Tử biệt, cùng nhau gặp suối vàng.

Thúc sinh xem thấy lời thơ bi thương, bất giác chảy nước mắt, cơ hồ muốn khóc rống lên. Thúy Kiều cũng nghẹn ngào hồi lâu mới nói nên lời:

- Chàng đừng có làm như thái độ nữ nhi. Người ngoài trông vào sẽ cho chàng là không có chí khí trượng phu. Người đời nói: “Đi xa phải kiêng kỵ sự đau thương”. Thiếp xin chàng hãy nguôi đau thương, há không nghe câu "Trượng phu tuy có lệ - Không gạt lúc chia ly” hay sao?

Thúc sinh nói:

-Tôi không phải là không biết, song tình thương đến thế thì tự khắc tình nhi nữ phải dài mà khí anh hùng phải giảm! Huống đôi ta là hàng giai nhân tài tử, sự chung tình thường ở bọn ta dù đến bậc cha mẹ và mọi người trong nước chê trách thì cũng có can chi?

Thúy Kiều nói:

-Chàng dạy thế tức là yêu thiếp quá lắm rồi. Há phải đâu thiếp lại muốn chia cắt ái ân, nhưng ngày mai chàng đi xa, đường trường sương gió, mà đem cái thân thể quá đau đớn xông phi vào đó, thì không phải là tự biết quý sức khoẻ của mình!

Liền rót chén rượu đầy đưa mời Thúc sinh và nói:

- Mời chàng cạn chén này. Thiếp xin ngâm một bài thơ để tăng thêm hăng hái cho chàng lúc lên đường!

Thúc sinh đỡ lấy chén rượu và nói:

- Lúc này trong cổ nghẹn ngào, thật không sao uống trôi được nữa!

Thúy Kiều nói:

- Rượu biệt ly cần phải cố nuốt để giải lòng phiền!

Bèn đọc mấy vần thơ cổ rằng:

- Ngàn dặm có bao xa?
Mười năm về muộn gì!
Cùng trong trời đất cả,
Hà tất giận chia ly?


Thúy Kiều ngâm xong, Thúc sinh nói:

-Bài thơ ấy giải sao được mối sầu cho tôi, chỉ làm tăng thêm nỗi u uất của tôi mà thôi! Lúc này tôi buồn ngủ lắm rồi.

Thúy Kiều nói:

- Nhưng chỉ sợ xuân sắc trêu người, ngủ chẳng được mà thôi.

Thúc sinh nói:

- Đây chính là lúc đêm xuân một khắc đáng ngàn vàng, không nên hờ hững bỏ trôi qua!

Thúy Kiều nói:

- Đã vậy, xin để thiếp sửa soạn lại chăn gối, mời chàng đi nằm.

Thúc sinh ngâm:

- Màn phù dung đêm nay cùng ngủ,
Mai lên đường lạnh lẽo tính sao?


Kiều vội đáp luôn:

- Nước chảy chưa khô người vẫn trẻ
Năm sau ta lại bắc Ngân hà.


Rồi đó hai người lên giường, chính là lúc đào thơm mận chín, ái ân mặn nồng không dứt. Mây mưa lai láng, tình cảm tràn trề mãi tới canh năm mới tàn cuộc. Trời sáng rõ, Thúc sinh dậy chải đầu rửa mặt xong thì ngựa xe đã giục giã lên đường.

Lúc này Thúc sinh không thể lưu luyến được nữa, đành chỉ nói hai chữ: “Giữ mình”, rồi rưng rưng nước mắt mà đi. Thúy Kiều muốn tiễn ra ngoài cửa, chợt thấy Thúc Chính và các bạn ờ cửa hiệu cùng kéo nhau đến tiễn hành. Vì thế Thúy Kiều không theo tiễn được xa, chỉ đứng sau bình phong gạt lệ mà thôi. Thúc sinh đưa hành lý ra, xong lại quay vào nói với Thúy Kiều:

- Tôi đi đây! Nàng cố nén buồn phiền nhé!

Vừa nói, vừa vái dài một cái, nước mắt chảy ròng ròng khắp mặt. Thúy Kiểu không thể đáp lại được một lời nào, cũng chỉ châu lệ chứa chan đầy mặt và gật đầu mà thôi.

Thúc sinh ra bái từ cha và chào các bạn rồi lên ngựa đi về phía nam, đến doanh Vương gia, qua Hoàng Hà, giong thuyền đi Vô Tích, chừng sáu bảy ngày nữa thì cập bến về đến nhà. Thúc sinh sợ Hoạn tiểu thư đã nghe phong phanh được ít nhiều nên trong lòng có phần thấp thỏm. Song đã đến nơi, đành cứ phải bước vào. Thị nữ thoáng thấy vội báo tin cho chủ biết. Tiểu thư lật đật chạy ra chào:

- Ô kìa, cậu đã về!

Thúc sinh nói:

- Chà! Xa nhau lâu quá! Lâu quá!

Tiểu thư hỏi:

- Cửa hiệu vẫn khá chứ? Cha có mạnh khoẻ không?

Thúc sinh nói:

- Tinh thân cha hồi này khá hơn trước. Việc buôn bán trong cửa hiệu vẫn được phát đạt. Còn bên này, ông bà nhạc vẫn được khỏe mạnh như thường chứ?

Tiều thư nói:

- Cha mẹ thiếp đều được như thường. Mới đây, mẹ thiếp có hứa sẽ tìm một thị nữ kháu khỉnh cho sang hầu thiếp, song không biết bao giờ mới chọn được người vừa ý....

Nói xong, liền hối nhà bếp sửa soạn tiệc rượu tẩy trần để nghênh đón ông chủ. Kế đó, hết thảy gia đinh và phụ nữ trong nhà đều ra lạy chào.

Đêm ấy, vợ chồng cùng nhau ăn uống vui vẻ hết mức cho đến tận lúc tan tiệc. Đúng như lời thường nói: “Mới cưới không bằng xa về”, việc ái ân như thế nào không cần phải nói nữa.

Ban đầu Thúc sinh còn e là vợ đã biết chuyện nên vẫn nhẩm sẵn nhiều câu để hòng đối đáp. Nào ngờ Hoạn tiểu thư không hề đả động gì đến chuyện ấy cả. Do đó Thúc sinh cũng không dám thổ lộ, chỉ bụng bảo dạ: “Nàng đã không biết thì cứ giấu thẳng cho rồi”. Nhưng lại nghĩ: “Thúy Kiều dặn ta khi về đến nhà thì thú thật ngay, lời ấy cũng phải. Nếu để chậm một ngày thì không tiện nói nữa”. Chợt lại nghĩ: “Bữa nay ta mới về, vợ chồng đương mừng rỡ hoan hỉ, nếu ta đem ngay chuyện này ra nói, vạn nhất nó trở mặt làm om sòm lên thì còn thể diện nào nữa? Chi bằng hãy cứ yên ngủ, ngày mai dò la trong bọn gia đinh, nếu trong đó đã biết chút tăm hơi thì ta sẽ nói rõ cũng chưa muộn gì". Thúc sinh suy tính đắn đo hồi lâu, rồi cố lờ đi, không nói gì cả.

Độc giả hãy nghĩ xem, thế là nhiều việc xảy ra sau này, chỉ vì thiếu mấy lời thú thật mà ra. Cho nên việc đời đến lúc cần thì phải nói ngay, nếu để lỡ dịp không nói, ấy là bỏ qua mất rồi, sau này dù muốn nói nữa không thể được.

Hôm sau, Thúc sinh lưu ý dò la hết thẩy mọi ngưòi trong nhà, nhưng không thấy một ai biết chút tăm hơi gì cả. Sau cùng có một lão bộc nói:

- Nửa năm trước đây cũng có tin đồn về việc này, nhưng bà không tin. Sau đó anh Thúc Sô từ Lâm Tri về, nói hết sự thật. Bà nghe nói nổi giận, mắng anh ta là hạng tôi tớ đặt chuyện để ly gián vợ chồng nhà chủ, tình lý đều không thể dung tha, bèn sai bẻ lấy bốn cái răng cửa của anh ta. Từ đó không còn một ai dám nhắc đến chuyện ấy nữa. Còn bà thì vẫn cười nói như thường, giống như là không biết gì cả. Ông thường ngày vẫn qua lại thư từ với bà, sao không nói gì đến chuyện ấy. Bây giờ đây, việc chứa chất đã lâu rồi, nếu ông nói ra e chỉ mua lấy những chuyện tức giận mà thôi!

Thúc sinh nói:

- Nếu thật bà không biết thì ta cứ giấu quách hẳn cho rồi!

Lão bộc nói:

- Hiện nay những chuyện nói ra nói vào không có nữa, không anh nào còn dám hé răng và đôi nơi cách nhau hàng nghìn dặm, muốn giấu thì cũng dễ dàng thôi!

Thúc sinh nghe lời lão bộc bèn quyết ý không nhắc đến việc ấy nữa. Cách mấy ngày sau, Thúc sinh sang thăm bố mẹ vợ. Ông nhạc đã đi vào Kinh, chỉ còn bà nhạc ở nhà. Thấy con rể đến, bà rất vui mừng, bầy tiệc khoản đãi, nói một ít chuyện phiếm, không hề có nửa lời đả động đến việc con rể lấy vợ lẽ.

Thúc sinh bái từ trở về, trong bụng mừng thầm: “Việc làm ấy kể ra cũng kín đáo thật. Cả hai nhà đều không ai hay biết gì hết”.

Một buổi chiều, Hoạn tiểu thư nói với Thúc sinh:

- Nếu thiếp không phải là người hiểu biết, thì suýt nữa đã bị những kẻ không tốt làm ly gián đôi ta! Hồi trước Thúc Sô từ Lâm Tri về, có lẽ thấy cậu đón kỹ nữ hầu rượu, về đây có đồn đại cưới vợ lẽ. Thiếp nói: “Lấy vợ lẽ cũng là việc hay, chớ không phải là việc phạm pháp. Nếu quả thế, tất ông đã nói cho ta biết rồi. Tình vợ chồng bấy nay chúng ta vẫn tin nhau, chớ có đâu lại làm cái viêc giấu đầu hở đuôi ấy”. Thế rồi, thiếp sai nhổ luôn bốn cái răng của nó, từ đó câu chuyện mới im. Rồi sau thiếp hỏi lại nó kỹ lưỡng, thì nó thưa rằng quả thật nó thấy cậu đặt tiệc đãi khách, gọi kỹ nữ về hầu rượu chơi. Đó cậu xem, tên khốn ấy có đáng giận không?

Thúc sinh bất giác sắc mặt đỏ bừng, lúng túng không yên, bèn gắng gượng nói:

- Nhân đặt tiệc đãi khách ở xa tới, gọi kỹ nữ hầu rượu thì có, chớ nếu lấy vợ lẽ sao không bàn trước với nàng?

Hoạn tiểu thư nói:

- Thiếp cũng tin là như thế. Cậu hà tất phải lúng túng không yên!

Thúc sinh bị vợ đánh cho một đòn chặn họng, từ đó không còn có lối để tự thú nữa. Rồi sau đó vợ chồng ân ái rất là nồng đượm. Duy Thúc sinh không thể nào quên được Thúy Kiều.

Thời giờ thấm thoắt, ngày tháng thoi đưa, Thúc sinh về thăm nhà xem chừng gần đầy năm. Một hôm thong thả nói với vợ:

- Tôi xa cha đã một năm, muốn đi viếng thăm, sau đó trở về làm lễ đại tường cho mẹ rồi còn đi thi!

Hoạn tiểu thư nói:

- Cậu chẳng nói thì thiếp cũng đương tính giục cậu lên đường.Vì cha đã nhiều tuổi, lại một mình trú ngụ ở ngoài. Câu đang trong thời kỳ cư tang, cũng nên gánh đỡ khó nhọc cho cha mà chăm sóc đến công việc trong cửa hiệu mới phải. Vậy cậu định bữa nào khởi hành?

Thúc sinh nói:

- Hôm sau là ngày tốt, tôi định khởi hành!

Hoạn tiểu thư liền hối gia đinh đi thuê thuyền nói là hôm sau ông định đi lên miền bắc.

Hôm sau, Thúc sinh từ biệt vợ trở về, tiểu thư bày rượu tiễn hành. Vợ chồng ăn uống, trò chuyện rất vui vẻ.

Qua ngày thứ ba, Thúc sinh từ biệt vợ, rồi thầy trò xuống thuyền nhổ neo khởi hành.

Hoạn tiểu thư tiễn chồng đi khỏi, liền đáp kiệu sang thẳng nhà mẹ, nói với phu nhân:

- Lúc chồng con chưa đi, con đã toan sai bắt con khốn ấy về cho nó một mẻ hả giận, song con lại sợ mang tiếng ác là ghen tuồng và làm thương tổn đến hoà khí vợ chồng, vì thế con cứ làm lơ như không hề nghe biết. Nay chồng con đi rồi, con muốn tính một mẹo, bắt nó về dùng làm thị nữ, cứ nói là thị nữ do cha con mua cho. Khi nào chồng con về đây ở trong một nhà, khiến cho hai người muốn nhận không nhận được nhau, mà nói ra thì cũng không được. Thế là phần con thì nhổ được cái đinh trong mắt mà không mang tiếng ác ghen tuông. Về phần nó thì chịu tiếng ngu và phải cam chịu lòng tủi nhục. Như vậy thì con mới thoả lòng.

Phu nhân nói:

- Chồng con chưa đi thì có thể dùng mưu kế. Nay nó đi rồi thì con làm sao được?

Hoạn tiểu thư cười nói:

- Con tính đã kỹ lắm. Lâm Tri là đất miền biển, nếu men đường biển mà đi thì chỉ không đầy mười ngày có thể đi về được một chuyến. Chồng con chưa đi đến nửa đường thì công việc của con đã được xong xuôi. Nhà ta có hai anh Hoạn Ưng và Hoạn Khuyển vốn là dân miền biển, thông thạo đường đi lối lại, con sẽ bầy mưu kế cho họ làm thì thế nào cũng bắt được con ấy.

Chưa biết Hoạn tiểu thư thi hành mưu kế như thế nào, xin xem hồi sau phân giải.

_________________________
Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân - Page 3 Love10

Sông rồi cạn, núi rồi mòn
Thân về cát bụi, tình còn hư không
Về Đầu Trang Go down
Sponsored content




Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân - Page 3 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân   Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân - Page 3 I_icon13

Về Đầu Trang Go down
 
Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân
Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Similar topics
-
» TRUYỆN KIỀU CÓ TRƯỚC ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH, VÀ LÀ CỦA VIỆT NAM ???
» Bên Cầu Dệt Lụa - Thanh Nga (NSƯT), Thanh Sang - tuyệt phẩm cải lương xưa
» Câu Truyện Mơ Trong Giấc Mộng-Truyện ngắn Nhất Linh
» Có một Sài Gòn từng thanh lịch, duyên dáng và thanh lịch
» Truyền Thuyết Truyện Cổ
Trang 3 trong tổng số 5 trangChuyển đến trang : Previous  1, 2, 3, 4, 5  Next

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
daovien.net :: TRÚC LÝ QUÁN :: Tài Liệu-