Bài viết mới | Lục bát by Tinh Hoa Today at 13:26
Hơn 3.000 bài thơ tình Phạm Bá Chiểu by phambachieu Yesterday at 23:55
Thơ Nguyên Hữu 2022 by Nguyên Hữu Yesterday at 20:53
SƯ TOẠI KHANH (những bài giảng nên nghe) by mytutru Yesterday at 19:40
5 chữ by Tinh Hoa Yesterday at 14:33
Bầu Cử Mỹ 2024 by chuoigia Yesterday at 02:06
Vua Trời Hỏi Phật by mytutru Mon 16 Sep 2024, 22:10
BÀI GIẢNG RẤT HAY by mytutru Mon 16 Sep 2024, 20:09
DỤNG PHÁP Ở ĐỜI by mytutru Mon 16 Sep 2024, 09:22
Những bài học thuộc lòng by buixuanphuong09 Mon 16 Sep 2024, 06:46
Đường luật by Tinh Hoa Mon 16 Sep 2024, 06:08
Kỳ thi Tú tài IBM ở Sài Gòn năm 1974 by Ai Hoa Sun 15 Sep 2024, 16:35
7 chữ by Tinh Hoa Sun 15 Sep 2024, 03:07
Khoa Học Gia Dương Nguyệt Ánh by Trà Mi Sat 14 Sep 2024, 12:43
TRANG ALBUM GIA ĐÌNH KỶ NIỆM CHUYỆN ĐỜI by mytutru Thu 12 Sep 2024, 07:44
Một thoáng mây bay 14 by Ai Hoa Wed 11 Sep 2024, 07:37
Tính cách của người Sài Gòn ngày xưa by Trà Mi Mon 09 Sep 2024, 08:28
Vinh Danh Trong Toàn Cầu Thập Bát Danh Nhân by Trà Mi Mon 09 Sep 2024, 07:21
Tin Thời Sự Và Những Bình Luận “Trái Chiều” by chuoigia Wed 04 Sep 2024, 21:29
Xe gắn máy tại miền Nam Việt Nam trước 1975 by Trà Mi Thu 29 Aug 2024, 14:22
Lưu Kỷ Niệm TX Ngọc Điền by mytutru Wed 28 Aug 2024, 16:25
Trang viết cuối đời by buixuanphuong09 Tue 27 Aug 2024, 18:39
Cột đồng chưa xanh (2) by Ai Hoa Tue 27 Aug 2024, 14:36
Một thoáng mây bay 5 by Ai Hoa Tue 27 Aug 2024, 14:22
CHIA ĐAU CÙNG PHƯƠNG NGUYÊN by Ai Hoa Mon 26 Aug 2024, 15:19
CHƯA TU &TU RỒI by mytutru Thu 22 Aug 2024, 03:13
TRANG THƠ LƯU NIỆM PHƯƠNG, LÝ by buixuanphuong09 Wed 21 Aug 2024, 15:30
Trang thơ Tú_Yên (P2) by Tú_Yên tv Tue 20 Aug 2024, 14:35
Chùm thơ "Có lẽ..." by Tú_Yên tv Tue 20 Aug 2024, 14:26
Thơ Tú_Yên phổ nhạc by Tú_Yên tv Tue 20 Aug 2024, 14:23
|
Âm Dương Lịch |
Ho Ngoc Duc's Lunar Calendar
|
| | “TỪ ĐIỂN CHÍNH TẢ TIẾNG VIỆT” NGUYỄN VĂN KHANG | |
| Tác giả | Thông điệp |
---|
Trà Mi
Tổng số bài gửi : 7165 Registration date : 01/04/2011
| Tiêu đề: “TỪ ĐIỂN CHÍNH TẢ TIẾNG VIỆT” NGUYỄN VĂN KHANG Mon 27 Nov 2023, 07:36 | |
| SAI SÓT TRONG “TỪ ĐIỂN CHÍNH TẢ TIẾNG VIỆT” CỦA GS.TS. NGUYỄN VĂN KHANGHOÀNG TUẤN CÔNGCuốn từ điển sai chính tả của GS.TS. Nguyễn Văn Khang được giới thiệu trên nhiều trang báo điện tử Từ điển chính tả tiếng Việt (GS.TS Nguyễn Văn Khang - NXB Đại học Quốc gia Hà Nội – 2018, 806 trang, khổ 10.5 x 18cm; đơn vị liên kết Công ty TNHH Văn hoá Minh Tân – Nhà sách Minh Thắng).
Trong phần “Hướng dẫn cách sử dụng từ điển”, GS.TS Nguyễn Văn Khang cho biết: “Từ điển chính tả tiếng Việt” này được biên soạn dựa trên cách xử lý chính tả trong “Từ điển tiếng Việt” của Viện Ngôn ngữ học” (Hoàng Phê chủ biên). Tuy nhiên, thực tế cho thấy GS.TS Nguyễn Văn Khang hoàn toàn không “xử lý chính tả” theo tài liệu đã nêu, mà “xử lý” theo cảm tính, hoặc căn cứ theo một nguồn tài liệu nào đó, dẫn đến rất nhiều sai sót.
Qua đối chiếu chúng tôi thấy cuốn Từ điển chính tả tiếng Việt (2018) và cuốn Từ điển chính tả tiếng Việt phổ thông (Nguyễn Văn Khang – NXB Khoa học Xã hội - 2003), gần như giống nhau hoàn toàn. Nghĩa là có tới gần như 100% số lỗi được bê nguyên xi từ cuốn trước (2003) sang cuốn sau (2018). Khác nhau có chăng là lỗi văn bản ở cuốn sau nhiều hơn cuốn trước.
Những sai sót trong cuốn Từ điển chính tả tiếng Việt của GS.TS Nguyễn Văn Khang, bao gồm rất nhiều mặt, như: sai chính tả do lẫn lộn CH với TR, S với X; D với R; GI với D; L với N; IU với ƯU; dấu hỏi ( ̓ ) với dấu ngã (~); sai về thành ngữ tục ngữ, từ ngữ Hán Việt...Nhiều mục chỉ dẫn chính tả hoàn toàn ngược lại với chuẩn chính tả hiện hành; chỉ dẫn giữa các mục từ tiền hậu bất nhất; hướng dẫn viết nhiều dạng chính tả không chuẩn, và rất nhiều lỗi văn bản khác.
Để chỉ ra sai sót trong từ điển của GS. TS. Nguyễn Văn Khang, chúng tôi sẽ căn cứ vào chính Từ điển tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học – Hoàng Phê chủ biên, gọi tắt là Hoàng Phê), và Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên, có sửa chữa bổ sung sau khi GS. Hoàng Phê thành lập Trung tâm Từ điển học Vietlex, gọi tắt là Hoàng Phê (Vietlex) để làm chuẩn. Ngoài ra, chúng tôi còn căn cứ vào nhiều cứ liệu trong hàng chục cuốn từ điển khác. Những mục không có bất cứ cuốn từ điển uy tín nào chúng tôi có trong tay viết theo dạng chính tả mà GS. TS. Nguyễn Văn Khang hướng dẫn, sẽ được đánh dấu [K], sau mỗi phần trao đổi:1. Sai chính tả do không nắm được nghĩa yếu tố cấu tạo từ; do thiếu tra cứu cẩn thận (phần trong ngoặc kép sau số mục là nguyên văn của từ điển; phần xuống dòng tiếp theo là trao đổi của HTC): 1-“chầy: chầy chật. → không viết: trầy”. Viết chuẩn là “trầy trật” (trầy da, trật xương). Hoàng Phê: “trầy trật t. Vất vả, phải mất nhiều công sức và trải qua nhiều lần vấp váp, thất bại. Trầy trật mãi mới thi đỗ”. [K].
2-“chẽn: chiếc xe nằm chẽn lối đi. → không viết: chẹn”. Viết “chẹn” mới chuẩn. Hoàng Phê (Vietlex): “chẹn đg. đè nặng hoặc chặn ngang làm cho nghẹt, cho tắc lại. đất đá chẹn mất cửa hang ~ tức chẹn họng (b)”. [K].
3-“cheo: quắt cheo”. Chỉ có “quắt queo” (ghép đẳng lập): “quắt” = khô cong, teo lại; “queo” = cong, co lại. Hoàng Phê: “quắt queo t. Quắt (nói khái quát). Bị hạn, lúa héo quắt queo. Người gầy bé quắt queo”. [K].
4-“chéo: chéo ngoe. → không viết: tréo”. Viết “tréo” mới đúng (“tréo” = cái nọ quặp, ngoắc, vắt lên cái kia); trong khi “chéo” chỉ là những đường xiên cắt nhau. Hoàng Phê: “tréo ngoe t. (ph., hoặc kng.). Rất ngược đời. Chuyện tréo ngoe”.[K].
5-“chét: Chét cho kín các khe hở. → không viết: trét”. Viết “trét” không sai, thậm chí “trét cho kín” mới chuẩn chính tả phổ thông. Hoàng Phê: “trét đg. Làm cho kín bằng cách nhét một chất dính vào chỗ hở và miết kĩ. Trét kín các kẽ hở. Trét thuyền”.[K].
6-“chia: chia xẻ (= chia sẻ)”. Chỉ dẫn “chia xẻ” = “chia sẻ” là sai. “Xẻ” trong “chia xẻ” (chia, xẻ/cắt ra nhiều phần, khiến cho không còn nguyên vẹn như vốn có nữa), chính là “xẻ” trong “chia năm xẻ bảy” (tình trạng bị phân tán, chia cắt, xé lẻ). Còn “sẻ” trong “chia sẻ” (cùng hưởng, cùng chịu), lại là “sẻ” trong “chia ngọt sẻ bùi” (cùng chung hưởng với nhau, dù ít dù nhiều). Như vậy, “chia xẻ” và “chia sẻ” không phải một từ với hai dạng chính tả, mà là hai từ khác nhau.[K].
7-“dặm: Hát dặm. → không viết: giặm”. Viết “giặm” không sai. Hoàng Phê (Vietlex): “hát giặm d. lối hát dân gian, nhịp điệu dồn dập, lời dựa vào thơ năm chữ, hai câu cuối bao giờ cũng lặp lại về âm vận và cao độ, phổ biến ở Nghệ An, Hà Tĩnh”.
8-“dọi Dọi đèn pha. → không viết: rọi”. Viết “rọi” mới đúng. Vì “rọi” trong “rọi đèn pha” chính là “rọi” trong “soi rọi”. Hoàng Phê: “rọi đg. Hướng luồng ánh sáng chiếu thẳng vào. Rọi đèn pha. Ánh nắng rọi qua khung cửa”.
9-“giơ: Trục bánh xe bị giơ (= rơ) // ăn giơ. → không viết: dơ, rơ”. Mục này mắc hai lỗi chính tả + hai chỉ dẫn sai: ① Nếu muốn nói các bộ phận, chi tiết không còn ăn khớp với nhau, thì phải viết “RƠ” (bị rơ), không viết “GIƠ”. Hoàng Phê (Vietlex): “rơ [Fr: jeu] t. [bộ phận trong máy móc] không còn khớp chặt với chi tiết khác nữa. trục xe bị rơ ~ bánh xe rơ”. [K] ② Nếu “ăn giơ” với nghĩa “ăn bẩn” (“ăn dơ, ở bẩn”), thì phải viết “dơ” (ăn dơ). ③ Nếu “ăn giơ” với nghĩa “thoả thuận ngầm với nhau, hoặc “hợp ý nhau, phối hợp ăn ý với nhau, thì phải viết “rơ” (ăn rơ; Pháp: jeu = trò chơi). Hoàng Phê: “ăn rơ đg. (kng.). Có ý định hợp với nhau, tạo ra sự nhất trí trong hành động; ăn ý. Các cầu thủ chơi rất ăn rơ”. Hoàng Phê (Vietlex) chú gốc Pháp: “ăn rơ • [Fr: jeu] đg. [kng] thoả thuận ngầm với nhau, đi đến sự nhất trí trong hành động [thường dùng với nghĩa xấu]. kế toán ăn rơ với giám đốc để rút tiền công quỹ • t.[kng] hợp ý nhau, tạo ra sự phối hợp ăn ý trong hành động, lời nói. hai người diễn rất ăn rơ với nhau. Đn: ăn ý”. Tóm lại, dù thế nào thì cũng “không có cửa” cho “bị giơ” và “ăn giơ”.
10-“khuông khuông nhạc // → không viết: khuôn”. Thực ra trong tiếng Việt có cả khuông nhạc lẫn khuôn nhạc. Khuông nhạc là một tập hợp gồm năm dòng kẻ ngang song song đồng thời cách đều nhau, tạo thành bốn khoảng trống ở giữa gọi là bốn khe nhạc....Còn khuôn nhạc, lại là nét nhạc hoàn chỉnh về giai điệu, có vế cân đối, có thể được nhắc lại nhiều lần bằng lời khác. Bởi vậy, từ điển của GS. Nguyễn Văn Khang đưa ra lời khuyên “không viết: khuôn” là sai.
11-“lền: lền trời // → không viết: nền”. Không rõ “lền trời” đây nghĩa là gì. Nếu “lền” là cái được trải rộng ra và làm nổi lên những gì trên đó, thì phải viết là “nền” = nền trời. Nếu “lền” có nghĩa là nhiều, đông; “lền trời” = đầy trời, thì phải có phụ chú để người dùng không bị nhầm lẫn (đây chỉ là phỏng đoán, vì không thấy bất cứ cuốn từ điển nào ghi nhận “lền trời”). Ví dụ, một người có tật nói ngọng (lẫn lộn N thành L), đang phân vân không biết viết “nền trời” hay “lền trời”, khi giở từ điển chính tả, gặp chỉ dẫn như mục “lền” sẽ bị viết sai.
12-“lợn: lợn nòi, lợn nái, lợn rừng…”. Mục này có 2 điểm cần trao đổi: -Nếu viết “lợn nòi” thay vì “lợn lòi” là sai. Vì “lòi” trong “lợn lòi” nghĩa là thòi, lòi ra, chỉ giống lợn nanh lòi, chìa ra ngoài, mà Hoàng Phê giảng: “lợn lòi d. Lợn rừng to, nanh lớn chìa ra khỏi mép”.
Gọi “lợn lòi” cũng như dân gian gọi “cá thòi lòi”, chỉ giống cá có đôi mắt “thòi”, “lòi” hẳn ra ngoài như mắt cua. [cập nhật: Việt Nam tự điển (Hội Khai trí Tiến đức) có ghi nhận: “lòi • Nơi để cây mọc mà lấy gỗ lấy củi <> Vào lòi lấy củi”. Cũng có thể “lòi” trong “lợn lòi” được hiểu theo nghĩa giống lợn sống ngoài cồn cây hoang rậm]. Điều quan trọng hơn, dù hiểu theo nghĩa nào thì xưa nay cũng không có từ điển chính tả nào viết “lợn nòi” để chỉ giống lợn rừng (lưu ý: mục “lợn”, không thấy Từ điển của GS. TS. Nguyễn Văn Khang thu thập “lợn lòi”).Cá thòi lòi. Ảnh: ST -Nếu “lợn nòi” được hiểu như “gà nòi”, “ngựa nòi”, “chó nòi”, thì khái niệm này cũng hoàn toàn xa lạ. Người ta không gọi một con lợn thịt ngon là “lợn nòi”, nhưng sẽ gọi con gà chọi, ngựa đua, chó săn…là gà nòi, ngựa nòi, chó nòi…. Vì “nòi” ở đây là chỉ đặc tính di truyền ưu việt, tố chất vượt trội nào đó. [K].Lợn lòi. Ảnh: ST 13-“rắn: rắn dọc dừa”. 14-“rắn: rắn dọc dưa”. Không có loại rắn nào gọi là “dọc dừa”, hay “dọc dưa”, mà chỉ có “rắn sọc dưa”, còn gọi rắn rồng hay rắn hổ ngựa (tên khoa học: Coelognathus radiata). Sở dĩ gọi là “rắn sọc dưa” vì rắn có sọc chạy dọc theo thân mình, giống như sọc của quả dưa.[K].Rắn sọc dưa Sọc của quả dưa. Ảnh: ST 15-“rắt//đái rắt. → không viết: dắt”. Viết “đái dắt” mới chuẩn. Hoàng Phê (Vietlex): “đái dắt • đg. [bệnh] đái liên tục nhiều lần, nhưng mỗi lần đều đái rất ít. Đn: đái láu”.
16-“riếc: riếc móc (= nhiếc móc) → không viết: diếc”. Viết “nhiếc” mới chuẩn. Hoàng Phê: “diếc móc • đg. [ph] xem nhiếc móc”.
17-“rò: Rò lan. → không viết: dò, giò”. Viết “dò” mới đúng. Hoàng Phê: “dò • d. nhánh cây hoa, cây cảnh được trồng riêng [với một số loại cây]. dò phong lan ~ dò thuỷ tiên”.
18-“rỏ = nhỏ: nhỏ rãi”. Viết “nhỏ dãi” mới đúng. Hoàng Phê: “dãi • d. nước dãi [nói tắt]. “Về đến nhà, con bé khóc hết hơi. Con lớn thì lem luốc, mũi dãi (…) bôi đầy mặt.” (Nam Cao)”.
19-“ròm: ống ròm. → không viết: dòm”. Viết chuẩn là “nhòm”. Hoàng Phê: “ống nhòm • d. dụng cụ quang học dùng để quan sát những vật ở xa. quan sát bằng ống nhòm. Đn: ống dòm”.
20-“ron: Con ron. → không viết: don”. Viết “don” mới đúng. Hoàng Phê: “don d. Loài hến nhỏ, sống ven biển”.[K].
21-“rong rong riềng → không viết: dong”. Viết “dong” mới đúng. Hoàng Phê: “dong riềng d. Cây trồng, thân cỏ, lá to, màu tím nhạt, củ trông giống củ riềng, chứa nhiều tinh bột, dùng để ăn hoặc chế bột làm miến”. [K].Dong riềng. Ảnh: ST 22-“rứt: rứt tình → không viết: dứt”. Viết “dứt tình” mới đúng. Vì “dứt” (Hán = đoạn 斷/tuyệt 絕); “dứt tình” = đoạn tình, tuyệt tình. Hoàng Phê: “dứt: 2 Làm cho đứt sự liên hệ, lìa bỏ hẳn cái gắn bó về tình cảm, về tinh thần. Không thể dứt tình máu mủ.[K].
23“sâm: sâm sấp. → không viết: xâm”. Viết chuẩn là “xăm xắp”. Hoàng Phê: “xăm xắp • t. [nước] ở mức không đầy lắm, chỉ đủ phủ kín khắp bề mặt. nước xăm xắp mặt ruộng ~ “Nước sông trong veo lặng lẽ trôi, mùa lũ nước sông dềnh lên xăm xắp đôi bờ cỏ cây xanh tốt.” (Dương Hướng). Đn: xâm xấp”.
24-“sập: sập sè”. Viết chuẩn là “xập xoè”.
25-“sè: sập sè: không viết: xè”. “Xập xè” là dạng ít dùng, viết chuẩn là “xập xoè” (xập lại và xoè ra).
26-“si: nguyên si. → không viết: xi”. Viết “xi” mới đúng. Vì “xi” [cire] gốc Pháp, có nghĩa như Hoàng Phê giảng: “xi d. Chất làm bằng cánh kiến pha lẫn tinh dầu, dùng để niêm phong bao, túi, gắn kín nút chai lọ, v.v. Xi gắn nút chai. ~ Đóng dấu xi”. Khi ta nói còn “nguyên xi”, tức còn nguyên dấu gắn xi, chưa mở ra, với nghĩa rộng như Hoàng Phê giảng: “nguyên xi t. (kng.). 1 Còn nguyên như mới, như hoàn toàn chưa dùng đến. Chiếc đồng hồ còn mới nguyên xi. Số tiền còn nguyên xi, chưa tiêu đồng nào. 2 Y như vốn có, không có sự thay đổi, thêm bớt. Giữ nguyên xi bản thảo. Bắt chước nguyên xi.”.[K].
27-“siếc: siếc sẫm”. Viết chuẩn là “siếc sẩm”.
28-“siêu: siêu tán. → không viết: xiêu”. Viết “xiêu” mới đúng. Vì “xiêu” có nghĩa là trôi nổi, lưu lạc (như hồn xiêu phách lạc, xiêu lạc, xiêu dạt, xiêu lưu…). Hoàng Phê (Vietlex): “xiêu tán 飄散 [phiêu tán nói trại] đg. [cũ] như phiêu tán. dân phải xiêu tán vì giặc giã”. [K].
29-“siêu: liêu siêu. → không viết: xiêu”. Viết “xiêu” mới đúng. Nếu xem “liêu xiêu” là từ láy, thì “xiêu” chính là tiếng gốc, có nghĩa là xiêu vẹo, xiêu đổ. Hoàng Phê: “liêu xiêu t. Ở trạng thái ngả nghiêng, lệch như muốn đổ. Đi liêu xiêu chỉ chực ngã”.[K].
30-“síu: tí síu. → không viết: xíu”. Viết “xíu” mới đúng. Vì “xíu” nghĩa là “nhỏ” (trong “bé xíu”, “chút xíu”). Hoàng Phê: “tí xíu I d. (kng.; id.). Như chút xíu. Còn tí xíu nữa”. [K].
31-“soan: dâu da soan. → không viết: xoan”. Viết “xoan” mới đúng. Hoàng Phê: “giâu gia xoan cv. dâu da xoan d. Cây nhỡ, lá kép lông chim, hoa trắng mọc thành chùm, quả như quả xoan, ăn được”. [K].Giâu gia xoan. Ảnh: ST 32-“song: song sóc. → không viết: xong”. Viết chuẩn là “xong xóc”.
33-“sói: sỉa sói. → không viết: xói”. Viết chuẩn là “xỉa xói” (ghép đẳng lập): “xỉa” là dùng ngón tay chỉ thẳng vào mặt người khác mà chửi mắng (như: Chửi gì thì chửi, đừng có xỉa vào mặt người ta như thế!); “xói” là hướng trực diện vào với cường độ mạnh (như Nhìn xói vào mặt; Nắng xói vào nhà). Hoàng Phê: “xỉa xói đg. Giơ ngón tay xỉa liên tiếp vào mặt người khác để mắng chửi”.[K].
34-“sở: xoay sở → không viết: xở”. Viết “xở” mới đúng (ghép đẳng lập): “xoay” nghĩa là chạy vạy, tìm đủ mọi cách cho được, có được (như xoay tiền); “xở” là làm, sửa soạn, tháo, gỡ (như xở việc; vội không xở kịp). Người Thanh Hoá nói: Nhà bác xở cơm chưa? = Nhà bác đã làm cơm chưa? Hoàng Phê: “xoay xở đg. Làm hết cách này đến cách khác để giải quyết cho được khó khăn, hoặc để có cho được cái cần có. Xoay xở đủ nghề. Giỏi xoay xở. Xoay xở tiền mua xe. Hết đường xoay xở”. [K]
35-“sởi: sởi lởi. → không viết: xởi”. Viết “xởi” mới đúng. Nếu xem “xởi lởi” là từ láy, thì “xởi” chính là tiếng gốc. Tuy nhiên, “xởi lởi” là từ ghép đẳng lập: “xởi” = rời ra, tơi ra; “lởi” là biến âm của “lơi” = lỏng, không chặt. Khi hợp nghĩa, “xởi lởi” được hiểu là cởi mở, rộng rãi (tính xởi lởi), đối với hẹp hòi, chặt chẽ (như: Xởi lởi thì trời cởi cho, xo ro thì trời co lại – tục ngữ). Đại Nam quấc âm tự vị: “xởi lởi: rời rộng”; Hoàng Phê: “xởi lởi • t. [kng] 1. Tỏ ra cởi mở, dễ dàn trong quan hệ tiếp xúc với người khác. chuyện trò xởi lởi với nhau.” [K].
36-“quốc: trứng quốc”. Chỉ có một dạng chính tả duy nhất: “trứng cuốc” (chuối trứng cuốc – chuối tiêu mùa đông khi chín vỏ chuyển sang màu vàng sẫm và lốm đốm như trứng chim cuốc; cây trứng cuốc - loại cây có quả hình thù và màu sắc lốm đốm như trứng chim cuốc; hoặc tổ hợp “trứng cuốc” (trứng chim cuốc); “tổ cuốc” (tổ chim cuốc). Sở dĩ phải viết “cuốc” là để phân biệt với “quốc” 國 - yếu tố gốc Hán - nghĩa là “nước”, trong các cấu tạo từ: tổ quốc 祖國, quốc gia 國家, quốc kì 國旗…[K].
37-“trản: Đĩa trản lòng. → không viết: trảng”. Viết “trảng” mới đúng, vì “trảng lòng” có nghĩa là “cạn lòng”. “Việt Nam tự điển” (Lê Văn Đức): “trảng lòng tt. Trẹt, cạn lòng, có cái đáy cạn: Dĩa (đĩa) trảng lòng, sông trảng lòng”.[K].
38-“tràng: tràng dịch. → không viết tràn”. Không hiểu “tràng dịch” đây có nghĩa là gì. Nếu “tràng dịch” với nghĩa một chứng bệnh, thì phải viết “tràn dịch” mới đúng (như tràn dịch khớp gối; tràn dịch màng phổi…).[K].
39-“trói: trăng trói (=trăng trối)”. “Trăng trói” nghĩa là gông và trói. Không hiểu căn cứ vào đâu, GS. TS. Nguyễn Văn Khang chỉ dẫn “trăng trói = trăng trối”: -Việt Nam tự điển (Lê Văn Đức): “trăng • dt. Gông làm bằng hai tấm ván có khoét lỗ tròn để tròng vào cổ hay vào chân người có tội: Dện trăng, đóng trăng, mang trăng, ních trăng, ngồi trăng”; “trói • đt. Buộc, cột chặt (chỉ dùng cho người và loài vật) : Buộc trói, cột trói, trăng-trói; Trói voi bỏ rọ (tng)”;“trăng trói • đt. Đóng trăng hoặc trói lại, tiếng dùng chung cho việc giam giữ người có tội : Ngoá An-nam, lứ khách-trú, Trăng trói lùm-xùm nhau một lũ...,”.[K]. -Việt Nam tự điển (Hội Khai trí Tiến đức): “trăng-trói • Gông cổ và trói tay. Nghĩa bóng: Bó-buộc hành-hạ người ta <> Dân nghèo bị kẻ cường-hào trăng-trói đủ đường.”.
40-“trân: trân tráo. → không viết: trâng”. Viết “trâng” mới đúng. Hoàng Phê: “trâng tráo t. Ngang ngược, láo xược, không kể gì đạo lý và dư luận xã hội, trơ trơ trước sự chê cười, khinh bỉ của người khác. Thái độ trâng tráo. Trâng trâng tráo tráo, chẳng còn biết xấu hổ là gì”. [K].
41-“trọc: tròng trọc. → không viết: chọc”. Viết chuẩn là “chòng chọc”. Hoàng Phê: “chòng chọc t. (dùng phụ cho đg.). Từ gợi tả vẻ nhìn thẳng và lâu vào một chỗ mắt không chớp, biểu lộ sự ham muốn hoặc tò mò. Em bé nhìn chòng chọc vào đồ chơi bày trong tủ kính”.[K].
42-“trứng: trứng quốc, trứng sáo”. Viết “trứng cuốc” mới đúng (xem lại mục 37).[K].
43-“trừu: trừu mến. → không viết: trìu”. Viết “trìu” mới đúng. Vì “trìu” biến âm của “tríu” nghĩa là thương mến, không muốn rời ra. Hoàng Phê: “trìu mến đg. (hay t.). Biểu lộ tình yêu thương tha thiết. Vuốt ve trìu mến. ánh mắt trìu mến. Giọng trìu mến”. [K].
44-“xẩm: xẩm hát dong”. Viết đúng là “hát rong”, vì “rong” mới có nghĩa là: “Đi đây đó hết chỗ này đến chỗ khác, không dừng lại lâu ở đâu cả. Suốt ngày chỉ rong chơi. Đi rong phố. Bán hàng rong. Gánh hát rong.” (Hoàng Phê).[K].
45-“xẻ: chia xẻ. → không viết: sẻ”. “Chia xẻ” và “chia sẻ” là hai từ khác nhau. Bởi vậy, không có chuyện viết “chia xẻ” thay cho “chia sẻ”. (xem lại mục 6).[K].
46-“xỉa: xưng xỉa. → không viết: sỉa”. Viết chuẩn là “sưng sỉa” (ghép đẳng lập): “sưng” = phồng, phù da thịt lên (như sưng mặt; sưng phù); “sỉa” = sưng phù lên (như Mặt sưng mày sỉa). Hoàng Phê: “sưng sỉa t. (Mặt) nặng ra, và như sưng lên, lộ rõ vẻ không bằng lòng. Mặt sưng sỉa như đang chửi nhau”. [K].
47-“xon: nốt xon (= son) trong bản nhạc”. Chỉ có một dạng chính tả chuẩn duy nhất là “nốt son”. “Son” là từ gốc Pháp, Hoàng Phê (Vietlex): “son [Fr: sol] d. tên nốt nhạc thứ năm trong gam nhạc, ký hiệu là G”.[K].
48-“xương: xương quai sanh”. Viết “xương quai xanh” mới đúng. Vì “xương quai xanh” (còn gọi xương đòn) là cách gọi xương theo hình dáng quai của cái xanh (“quai xanh, vành chảo”). Hoàng Phê: “xương quai xanh d. x. xương đòn”.[K]. |
| | | Trà Mi
Tổng số bài gửi : 7165 Registration date : 01/04/2011
| Tiêu đề: Re: “TỪ ĐIỂN CHÍNH TẢ TIẾNG VIỆT” NGUYỄN VĂN KHANG Thu 07 Dec 2023, 11:17 | |
| SAI SÓT TRONG “TỪ ĐIỂN CHÍNH TẢ TIẾNG VIỆT” CỦA GS.TS. NGUYỄN VĂN KHANG (2)HOÀNG TUẤN CÔNGTừ điển chính tả sai chính tả của GS.TS. Nguyễn Văn Khang. Ảnh: HTC Những sai sót trong cuốn Từ điển chính tả tiếng Việt của GS.TS Nguyễn Văn Khang, bao gồm rất nhiều mặt, như: sai chính tả do lẫn lộn CH với TR, S với X; D với R; GI với D; L với N; IU với ƯU; dấu hỏi (?) với dấu ngã (~); sai về thành ngữ tục ngữ, từ ngữ Hán Việt...Nhiều mục chỉ dẫn chính tả hoàn toàn ngược lại với chuẩn chính tả hiện hành; chỉ dẫn giữa các mục từ tiền hậu bất nhất; hướng dẫn viết nhiều dạng chính tả không chuẩn, và rất nhiều lỗi văn bản khác. 2- Hướng dẫn viết các thành ngữ tục ngữ thiếu chính xác: 50-“cải: triệu lệnh mộ cải”. Viết đúng là “triêu lệnh mộ cải”. Vì “triêu” 朝 mới có nghĩa là “buổi sáng”. Hán điển (zdic.net): “triêu lệnh mộ cải: buổi sáng mới ra lệnh, đến buổi chiều đã thay đổi; ví chính lệnh, chủ trương hoặc ý kiến thay đổi bất thường”.[朝令暮改:早上下达的命令,到晚上就改变了.比喻政令,主张或意见反复无常].[K].
51-“chiều: xuôi chiều mát mái. → không viết: triều”. Viết "xuôi chiều", hay "xuôi triều" đều sai. Viết đúng là “xuôi chèo” (chèo = chèo thuyền), đối với “mát mái” (mái = mái chèo). Dị bản: Chèo xuôi mát mái; Êm chèo mát mái. Hoàng Phê: “xuôi chèo mát mái Ví công việc trôi chảy, thuận lợi, không gặp trở ngại, khó khăn”. [K].
52-“nghe: nghe gà hoá cuốc”. Chỉ có “nhìn gà hoá cuốc”, không có “nghe gà hoá cuốc” (Tiếng gà và tiếng cuốc hoàn toàn khác nhau, nên không có cơ sở để ví sự nhầm lẫn. Có thể GS.TS. Nguyễn Văn Khang đã tham khảo dị bản này trong Đại từ điển tiếng Việt – Nguyễn Như Ý chủ biên, mà không có sự suy xét).[K]. Sai sót trong sách "Từ điển chính tả tiếng Việt" của GS.TS. Nguyễn Văn Khang. Ảnh: HTC 53-“nhường: nhường cơm xẻ áo”. Viết đúng là “nhường cơm sẻ áo”. Cơm áo ở đây được hiểu là nhu cầu ăn mặc. “Nhường cơm” thì đã rõ, còn “sẻ áo” là chia sẻ, san sẻ, giúp cho nhau về cái mặc (thế nên còn có dị bản “sẻ cơm nhường áo”). Còn “xẻ áo”, chỉ có nghĩa là cắt, xé cái áo ra làm nhiều mảnh. Hoàng Phê: “nhường cơm sẻ áo Giúp đỡ nhau những thứ tối cần thiết cho đời sống khi thiếu thốn, khó khăn”.
54-“suy: “khâu(sic) tụng tâm suy. → không viết: xuy, sui”. 55-“tụng: khẩu tụng tâm suy”. Cả hai mục từ đều dẫn sai. Viết “duy” trong “tâm duy” mới đúng. Hán ngữ đại từ điển: “Khẩu tụng tâm duy: miệng đọc, lòng suy nghĩ” [口誦心維: 口裡念誦, 心裡思考].
56-“suyển // Ngô ngưu suyển nguyệt, suy suyển. → không viết: suyễn”. Viết “suyễn” trong “Ngô ngưu suyễn nguyệt” mới đúng. “Suyễn” 喘 đây có nghĩa là thở dốc, thở gấp (chính là “suyễn” 喘 trong “hen suyễn”). Điển tích “Ngô ngưu suyễn nguyệt” - 吳牛喘月: vùng Giang Nam – Trung Quốc (tương ứng nước Ngô xưa), khí hậu rất nóng nực. Con trâu cày ở nước Ngô sợ nắng đến mức đêm về nhìn thấy trăng lên còn ngỡ là mặt trời, nên thở lên hồng hộc.[K].
57-“tàn: tàn che ngựa cưởi”. Tiếng Việt không có từ hoặc yếu tố nào viết “cưởi”. Viết chuẩn là “tàn che ngựa cưỡi”. Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam (Vũ Dung – Vũ Thuý Anh – Vũ Quang Hào, gọi tắt = Từ điển Vũ Dung): “tàn che ngựa cưỡi: Cảnh phú quý giàu sang, vinh hiển”.
58-“tay: tay cắt ruột xót”. Viết đúng là “tay đứt ruột xót” (viết như từ điển sẽ hiểu thành ai đó tự “cắt” vào thịt mình rồi tự “xót”). Từ điển Vũ Dung: “tay đứt ruột xót: Cùng quan hệ ruột thịt, yêu thương gắn bó, người này gặp hoạn nạn đau đớn thì người khác cũng thương xót”.
59-“tay: tay dùi dục, chân bàn chổi”. Không có “bàn chổi”, chỉ có “bàn cuốc”: “tay dùi đục, chân bàn cuốc”. Hoàng Phê (Vietlex): “bàn cuốc • II t. [răng, bàn chân] có hình to bè ra và thô, tựa như hình cái bàn cuốc. răng bàn cuốc ~ “Những chân bàn cuốc xỏ vào những đôi guốc quai lốp ô tô gõ trên đường gạch côm cốp.” (Trần Tiêu). Mục này nhiều khả năng GS. TS. Nguyễn Văn Khang đã tham khảo Từ điển từ và ngữ Việt Nam của GS. Nguyễn Lân: “tay dùi đục, chân bàn chổi • ng. Chê người có tay chân thô lỗ <> Mặc dầu có người chê anh ta là tay dùi đục chân bàn chổi, chị ấy vẫn cứ yêu”. Hình dáng cái bàn cuốc to bè ra hai bên là cơ sở để dân gian ví với bàn chân thô to của người chuyên đi chân đất và lao động nặng nhọc. Ảnh: ST
60-“tật: thuốc đắng dã tật”. “Đã tật” mới chính xác, vì “đã tật” = khỏi bệnh; trong khi “dã” chỉ ở mức độ và tính chất như Hoàng Phê (Vietlex) giảng: “dã • g. làm giảm, làm mất tác dụng của chất, thường là có hại, đã hấp thu vào trong cơ thể. ăn chè đậu xanh cho dã rượu’. Theo đây, phải là “đã tật” (khỏi bệnh) thì mới bõ cơn uống thuốc đắng (cũng như viết đã khát = hết khát; đã thèm = hết thèm, chứ không viết dã khát; dã thèm). Tục ngữ “Đau chóng đã chầy” có nghĩa lúc bệnh thì các chứng đau đớn mệt mỏi tăng nhanh và rất ghê gớm, còn lúc khỏi bao giờ bệnh cũng khỏi từ từ (không khỏi ngay được), nên hãy kiên trì điều trị, chớ sốt ruột. Hiện tồn tại cả hai dị bản “Thuốc đắng đã/dã tật”. Tuy nhiên, người làm từ điển nên chọn dị bản chuẩn cả chữ lẫn nghĩa.
61-“trái: trái trứng trái nết.” Phải viết “chứng” mới đúng. Vì “chứng” đây có nghĩa là thói, tật. Viết “trái trứng” là vô nghĩa. Hoàng Phê: “trái chứng trái thói”. [K].
62-“trèo: trèo đèo lặn suối”. Chỉ có “trèo đèo lội suối”, không có “lặn suối” (đang đi đường, không ai lặn xuống suối làm gì). Hoàng Phê: “trèo đèo lội suối Tả cảnh gian nan vất vả trên chặng đường xa”.[K]. 63-“trông: trông gà hoá cáo”. Chỉ có “trông gà hoá cuốc”, không có “hoá cáo”. Vì “gà” và “cuốc” đều là giống cầm, khi nhìn xa hoặc thấp thoáng nơi bờ tre góc vườn mới có thể bị nhầm, khiến người đi săn cuốc lại bắn nhầm phải gà nhà.[K].
64-“thâm: thâm nghiêm cùng cốc”. Chỉ có “thâm sơn cùng cốc”, không có “thâm nghiêm cùng cốc”: -Hán ngữ đại từ điển: “thâm sơn cùng cốc: nơi núi sâu, xa cách với bên ngoài, ít dấu vết con người lui tới”. [深山窮谷: 與山外距離遠, 人跡罕至的山嶺, 山谷]. -Hoàng Phê (Vietlex): “thâm sơn cùng cốc • 深山窮谷 [cũ] núi sâu hang cùng; nơi núi rừng hẻo lánh, xa xôi. “(…) nhiều lần tôi đã dám nghĩ đến chuyện đem nàng đi trốn một chỗ thâm sơn cùng cốc hay góc bể chân trời nào, không ai biết đến (…)” (Hoàng Ngọc Phách)”. Trong khi: “thâm nghiêm • 深嚴 t. sâu kín và gợi vẻ uy nghiêm. nơi đền đài thâm nghiêm” (Hoàng Phê - Vietlex), không ăn nhập gì với “cùng cốc”. [K].
65-“trảo: kỳ mã trảo mã”. Viết đúng là “kỵ”, vì “kỵ mã” 騎馬 mới có nghĩa là cưỡi ngựa. Kỵ mã trảo mã 騎馬找馬 (cưỡi ngựa tìm ngựa), ví người lẩn thẩn, tay đang cầm vật gì, mà lại đi tìm chính vật đó; hoặc ám chỉ tâm lý đứng núi này trông núi nọ (dị bản Kỵ mã tầm mã - 騎馬尋馬).[K].
66-“tu: tu binh mãi mã”. Chỉ có “chiêu binh”, không có “tu binh”: -Hán ngữ đại từ điển: “chiêu binh mãi mã: 1. chiêu mộ binh sĩ, mua thêm chiến mã, nói tổ chức vũ trang, tăng cường binh lực; 2. tổ chức hoặc tăng cường nhân lực”. [招兵買馬: 1. 招募士兵, 購置戰馬; 謂組織武裝, 擴充兵力; 2. 比喻組織或擴充人力]. -Hoàng Phê (Vietlex): “chiêu binh mãi mã • 招兵買馬 1 [cũ] chiêu mộ binh lính, mua ngựa chiến để chuẩn bị chiến tranh. chiêu binh mãi mã chờ ngày xuất quân. 2 [kng] tập hợp lực lượng, vây cánh để tranh giành quyền lực”.[K].
67-“trạng chết vua cũng băng hà”. Chính xác là “Trạng chết Chúa cũng băng hà” (câu này gắn liền với giai thoại Trạng Quỳnh và chúa Trịnh). Từ điển Vũ Dung: “trạng chết chúa cũng băng hà (trạng: học vị của người đỗ đầu trong khoa thi đình thời phong kiến; chúa: người có quyền lực cao nhất trong một nước có vua thời phong kiến). x. Cỏ úa thì lúa cũng vàng).
68-“trấn: uy trấn nhất phương. → không viết: chấn”. Viết “chấn” mới đúng. Có lẽ tác giả từ điển phỏng đoán rằng, “uy trấn” là cái uy trấn giữ. Tuy nhiên, cả tiếng Việt lẫn tiếng Hán đều không có khái niệm này: -Hán ngữ đại từ điển: “uy chấn: 1. khiến cho người phải kinh sợ uy lực hoặc thanh thế; 2. lấy uy lực hoặc thanh thế khiến cho phải kinh động”. [威震: 1.使人震驚的威力或聲勢; 2. 以威力或聲勢使之震動]. “Uy chấn nhất phương” 威震一方 = Uy thế chấn động cả một vùng. -Từ điển Việt Nam phổ thông (Đào Văn Tập): “uy chấn Lấy oai đè ép, làm cho người ta sợ <> thế-lực chúa Trịnh uy-chấn cả nhà vua”.
69-“triết: bách triết thiên ma, thiên ma bách triết. → không viết: chiết”. Viết “chiết” mới đúng. Nhiều từ điển thường giải thích “bách chiết thiên ma” là trăm lần gãy, nghìn lần mài, nhưng thực ra trong Hán ngữ, “chiết ma” 折磨 = đau đớn, khổ sở; “bách chiết thiên ma” 百折千磨, hay “thiên ma bách chiết” 千磨百折 = trăm đau, ngàn khổ, ý nói trải qua muôn vàn gian nan vất vả. Đây là cách nói giống như tân khổ 辛苦 (cay đắng), thiên tân vạn khổ 千辛萬苦 = trăm đắng ngàn cay).
70-“trung: mục chung vô nhân”. Viết “trung” mới đúng (“mục trung” 目中 = trong mắt); “mục trung vô nhân” 目中無人 = trong mắt không có ai = ngạo mạn, không coi ai ra gì.” (Không hiểu sao ở mục “trung” lại thu thập “mục chung vô nhân”?).[K].
71-“trận: vô hồi là trận”. Viết đúng là “vô hồi kỳ trận” 無回其陣 (dị bản: liên hồi kỳ trận). Hoàng Phê (Vietlex): “liên hồi kỳ trận 連回其陣 [kng] [sự việc, hành động diễn ra] liên tiếp dồn dập, hết đợt này đến đợt khác”.
72. “xơ: xơ như nhộng, xác như rờ”. “Xác như vờ” mới đúng. Hoàng Phê (Vietlex): “xác như vờ • t. [kng] xem xác vờ. “Chúng em đã xác như vờ, Gặp anh nhân ngãi như cờ lông công.” (Cdao); “xác vờ • t. nghèo tới mức như chỉ có trơ thân, tựa như xác những con vờ trôi trên mặt nước. “Bác mày giàu, giàu lắm, chứ không xác vờ như bố mày đây!” (Ma Văn Kháng). Đn: xác như vờ”.
|
| | | Trà Mi
Tổng số bài gửi : 7165 Registration date : 01/04/2011
| Tiêu đề: Re: “TỪ ĐIỂN CHÍNH TẢ TIẾNG VIỆT” NGUYỄN VĂN KHANG Mon 11 Dec 2023, 11:52 | |
| SAI SÓT TRONG “TỪ ĐIỂN CHÍNH TẢ TIẾNG VIỆT” CỦA GS.TS. NGUYỄN VĂN KHANG (3)HOÀNG TUẤN CÔNGTừ điển chính tả tiếng Việt phổ thông (2003) của GS.TS Nguyễn Văn Khang (bản lưu ở Thư viện Quốc gia). Ảnh: HTC Những sai sót trong cuốn Từ điển chính tả tiếng Việt của GS.TS Nguyễn Văn Khang, bao gồm rất nhiều mặt, như: sai chính tả do lẫn lộn CH với TR, S với X; D với R; GI với D; L với N; IU với ƯU; dấu hỏi (?) với dấu ngã (~); sai về thành ngữ tục ngữ, từ ngữ Hán Việt... Nhiều mục chỉ dẫn chính tả hoàn toàn ngược lại với chuẩn chính tả hiện hành; chỉ dẫn giữa các mục từ tiền hậu bất nhất; hướng dẫn viết nhiều dạng chính tả không chuẩn, và rất nhiều lỗi văn bản khác. Để chỉ ra sai sót trong từ điển của GS.TS Nguyễn Văn Khang, chúng tôi sẽ căn cứ vào chính Từ điển tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học – Hoàng Phê chủ biên, gọi tắt là Hoàng Phê), và Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên, có sửa chữa bổ sung sau khi GS Hoàng Phê thành lập Trung tâm Từ điển học Vietlex, gọi tắt là Hoàng Phê (Vietlex) để làm chuẩn. Ngoài ra, chúng tôi còn căn cứ vào nhiều cứ liệu trong hàng chục cuốn từ điển khác. Những mục không có bất cứ cuốn từ điển uy tín nào chúng tôi có trong tay viết theo dạng chính tả mà GS.TS Nguyễn Văn Khang hướng dẫn, sẽ được đánh dấu [K], sau mỗi phần trao đổi. 3-Sai chính tả do phát âm sai và không hiểu nghĩa của từ ngữ, yếu tố Hán Việt: 50-“cải: triệu lệnh mộ cải”. Viết đúng là “triêu lệnh mộ cải”. Vì “triêu” 朝 mới có nghĩa là “buổi sáng”. Hán điển (zdic.net): “triêu lệnh mộ cải: buổi sáng mới ra lệnh, đến buổi chiều đã thay đổi; ví chính lệnh, chủ trương hoặc ý kiến thay đổi bất thường”.[朝令暮改:早上下达的命令,到晚上就改变了.比喻政令,主张或意见反复无常].[K].
51-“chiều: xuôi chiều mát mái. → không viết: triều”. Viết "xuôi chiều", hay "xuôi triều" đều sai. Viết đúng là “xuôi chèo” (chèo = chèo thuyền), đối với “mát mái” (mái = mái chèo). Dị bản: Chèo xuôi mát mái; Êm chèo mát mái. Hoàng Phê: “xuôi chèo mát mái Ví công việc trôi chảy, thuận lợi, không gặp trở ngại, khó khăn”. [K].
52-“nghe: nghe gà hoá cuốc”. Chỉ có “nhìn gà hoá cuốc”, không có “nghe gà hoá cuốc” (Tiếng gà và tiếng cuốc hoàn toàn khác nhau, nên không có cơ sở để ví sự nhầm lẫn. Có thể GS.TS. Nguyễn Văn Khang đã tham khảo dị bản này trong Đại từ điển tiếng Việt – Nguyễn Như Ý chủ biên, mà không có sự suy xét).[K]. Lỗi chính tả trong cùng một mục từ. Tờ phía trái là bản in năm 2003 tờ phía phải (đánh dấu đỏ) là bản in 2018. Ảnh: HTC 73-“chiêu: chiêu mộ → không viết: triêu”. Không ít người lầm tưởng chỉ có “chiêu mộ”, không có “triêu mộ”. Ví dụ “Từ điển từ và ngữ Việt Nam” (GS. Nguyễn Lân) giảng: “chiêu mộ dt. Sáng và chiều”; “chiêu mộ đgt. Tuyển người làm một việc gì”. Sự thực, ngoài “chiêu mộ” 招募 (tuyển mộ), còn có “triêu mộ” 朝暮 (sớm chiều), như “tiếng chuông triêu mộ”.[K]. Như vậy, ở mục từ này, đáng ra Từ điển phải có phụ chú và chỉ dẫn cụ thể, ví dụ: “chiêu mộ” (tuyển mộ), không lầm với “triêu mộ” (sớm chiều)”, thì GS. TS. Nguyễn Văn Khang lại chỉ dẫn “không viết: triêu”. Nếu ai đó băn khoăn không biết nên viết “ba hồi chiêu mộ” hay “ba hồi triêu mộ”, khi giở sách và dùng theo chỉ dẫn của từ điển này sẽ bị sai.[K].
74-“soản: soản đoạt// → không viết: xoản, soẵn, soàng”.
Viết đúng là “soán đoạt”, vì “soán” là chiếm, cướp: -Hán ngữ đại từ điển: “soán: 1. dùng sức mạnh để mà cướp lấy; 2. chỉ bề tôi cướp ngôi vua.”[篡: 1. 用強力奪取; 2. 特指臣子奪取君位]. -Hoàng Phê (Vielex): “soán đoạt • 篡奪 đg. [cũ, id] xem thoán đoạt”. thoán đoạt • 篡奪 đg. [cũ] cướp ngôi vua. Đn: soán đoạt, thoán nghịch”. 75-“trí: đắc trí. → không viết: chí” Viết “chí” mới đúng. Vì “chí” 志 ở đây là chí nguyện, chí hướng: -Hán ngữ đại từ điển: “đắc chí: 1. nói thực hiện được chí hướng và nguyện vọng; 2. chỉ danh lợi, khát vọng được thoả mãn”.[得志: 1. 謂實現其志願; 2. 指名利欲望得到滿足]. -Hoàng Phê (Vietlex): “đắc chí • 得志 t. 1 tỏ ra thích thú vì đã đạt được điều mong muốn. “Nói xong, ông lý vỗ vào đùi bôm bốp, đắc chí lắm, sung sướng lắm.” (Vũ Trọng Phụng; 15). Đn: đắc ý, khoái chí. 2 [cũ] được thoả mãn như hằng mong muốn. “(…) ánh trăng vằng vặc, sáng tỏ như ban ngày, chiếu thêm nét mặt những anh hùng đắc chí.” (Nguyễn Huy Tưởng).[K].
76-“sán: sán lạn, sán lợn. → không viết: xán”. Viết “xán” trong “xán lạn” 燦爛 mới đúng (ghép đẳng lập): “xán” 燦 có nghĩa là rực rỡ, chói lọi; mà “lạn” 爛 cũng có nghĩa là tươi sáng, rực rỡ. Còn “sán” với tự hình 疝 lại chỉ nhóm giun kí sinh thân dẹt ở người, động vật, hoặc chỉ bệnh sa đì, bệnh thoát vị bẹn, bệnh sưng hòn dái. “Hán ngữ đại từ điển” giảng: “xán lạn: 1. vẻ rực rỡ, tươi đẹp; 4. hình dung sự việc hoặc sự nghiệp huy hoàng, tốt đẹp.” [燦爛: 1. 明亮貌; 鮮明貌; 4. 形容事情或事業輝煌; 美好]. [K].
77-“sáng: sáng lạn → không viết: sán”. Điều kỳ lạ là ở mục “sán”, GS. TS. Nguyễn Văn Khang hướng dẫn viết “sán lạn”, đến mục này lại hướng dẫn viết “sáng lạn”, đồng thời khuyên “không viết: sán” (rất nhiều mục từ chỉ dẫn kiểu tiền hậu bất nhất này). Điều đáng nói, là cả hai cách viết này đều sai. Hoàng Phê (Vietlex) giảng: “xán lạn 燦爛 t. rực rỡ, chói lọi. tiền đồ xán lạn”. Dù không phải từ điển chính tả, nhưng Hoàng Phê đã có thêm chỉ dẫn như sau: “nên nói và viết là xán lạn, không nên dùng sáng lạn (sai khá phổ biến)”. Có lẽ GS. Hoàng Phê cũng không thể ngờ rằng, người từng là cộng sự của ông - GS. TS. Nguyễn Văn Khang - khi biên soạn từ điển chính tả, ngoài viết sai “sáng lạn”, còn thêm một kiểu sai nữa là “sán lạn”, đặt cạnh mục “sán lợn”.[K].
78-“sao: thôi sao. → không viết: xao”. Viết “xao” mới đúng. “Thôi xao” 推敲, nghĩa là đẽo gọt, lựa chọn chữ nghĩa. Nguyên Giả Ðảo đời Đường có câu thơ: Điểu túc trì trung thụ, Tăng xao nguyệt hạ môn 鳥宿池中樹, 僧敲月下門. Vốn Giả Ðảo định dùng chữ thôi 推 = đẩy (cửa), rồi lại định dùng chữ xao 敲 = gõ (cửa), băn khoăn mãi mà không biết nên chọn chữ nào. Khi hỏi Hàn Dũ, ông bảo nên dùng chữ xao 敲. Sau này “thôi xao” 推敲 được dùng với nghĩa cân nhắc, lựa chọn chữ nghĩa.[K].
79-“siêu: siêu tán. → không viết: xiêu”. Viết “xiêu” mới đúng. Vì “xiêu” có nghĩa là trôi nổi, lưu lạc (như “hồn xiêu phách lạc, xiêu lạc, xiêu dạt, xiêu lưu…). Hoàng Phê (Vietlex): “xiêu tán 飄散 [phiêu tán nói trại] đg. [cũ] như phiêu tán. dân phải xiêu tán vì giặc giã”.[K]. 80-“lãi: lãi xuất”. Viết chuẩn là “lãi suất” (do “lợi suất” 利率 trong tiếng Hán). Theo đây, “suất” 率 là yếu tố gốc Hán, có nghĩa tỉ lệ, mức. Hoàng Phê: “lãi suất d. Tỉ lệ phần trăm giữa lãi so với vốn”.[K].
81-“sử: sử kiện. → không viết: xử”. Viết “xử” mới đúng (xử 處 là yếu tố gốc Hán có nghĩa là phân xử). Việt Nam tự điển (Lê Văn Đức): “xử kiện • đt. Phân-xử một vụ kiện, định phần lỗi phải về ai và định tội-trạng: Quan ngồi xử kiện”.
82-“sử: sử nữ. → không viết: xử”. Viết "xử” mới đúng (còn nếu viết "sử" thì phải là "nữ sử"女史): -Hán ngữ đại từ điển: “xử nữ: 1. người con gái còn ở với cha mẹ; 2. chỉ con gái chưa đi lấy chồng, chưa từng quan hệ tính giao.” [處女: 1. 指待在家中的婦女; 2. 特指未出嫁,未曾有過性行為的女子]; “xử nữ mạc: lớp màng mỏng bịt quanh đường âm đạo, có lỗ tròn, của phụ nữ.” [處女膜: 婦女陰道口周圍的一層薄膜] -Việt Nam tự điển-Hội Khai trí Tiến đức): “xử nữ: Người con gái còn ở nhà với bố mẹ, chưa đi lấy chồng.” . -Việt Nam tự điển (Lê Văn Đức): “xử nữ mạc • dt. Màng trinh, tấm da thật mỏng trong cửa mình người gái còn trinh".
83-“sử: sử tử. → không viết: xử”. Viết “xử” 處 mới đúng. Vì “xử tử” 處死 nghĩa là xử tội chết, thi hành án tử hình. Hán ngữ đại từ điển: “xử tử: 2. xử tử hình; chấp hành án tử hình; 3. giết chết (phiếm chỉ)”. [處死 [chǔ sǐ] 2. 判處死刑; 執行死刑 3. 泛指殺死]. Nếu “sử tử” 使死 được Từ điển dùng với nghĩa “khiến cho phải chết”, thì trong tiếng Việt cũng như tiếng Hán đều không có từ này.[K].
84-“sử: tình sử, xét sử. → không viết: xử”. Phải viết “xử” trong “xét xử” mới đúng. Trong tiếng Việt không có khái niệm “xét sử”.[K]. 85-“sửu: tài sửu. → không viết: sỉu”. Viết “sửu” hay “sỉu” đều không đúng. “Tài xỉu” 大小 (đại tiểu) là một trò cờ bạc có tên đầy đủ là “đổ đại tiểu” 賭大小. Theo đây, “xỉu” là phiên âm của “tiểu” 小 (bính âm: xiǎo), nên phải viết “tài xỉu”.
86-“triết: khúc triết. → không viết: chiết”. Viết “chiết” mới đúng. Vì “chiết” 折 nghĩa là cong, “khúc chiết” 曲折 là quanh co. Hoàng Phê (Vietlex): “khúc chiết 曲折 t. 1 [cũ, id] quanh co, không thẳng. lựa lời khúc chiết để chối quanh. 2 [cách diễn đạt] có từng đoạn, từng ý, rành mạch và gãy gọn. lời văn khúc chiết”.[K].
87-“trung: “triết trung chủ nghĩa”. Viết đúng là “chiết trung chủ nghĩa”. -Hán ngữ đại từ điển: “chiết trung: 3. chỉ dung hoà sự bất đồng ý kiến hoặc tranh chấp.” [折中: 3. 指調和不同意見或爭執]. -Hoàng Phê (Vietlex): “chiết trung • 折中 đg. [id] [phương pháp nghiên cứu hoặc giải quyết vấn đề] dung hoà, thường là một cách khiên cưỡng, các ý kiến khác nhau cho gọi là vừa phải. một ý kiến có tính chất chiết trung.”; “chiết trung chủ nghĩa 折中主義 t. có xu hướng, có tính chất chiết trung”.[K]. 88-“trung: lang chung”. Viết chuẩn là “lang trung” 郎中 (thầy thuốc, lương y; tên một chức quan; Không rõ vì sao mục “trung” lại thu thập “lang chung”?).[K].
89-“trưởng: trưởng bạ. → không viết: chưởng”. Viết “chưởng” mới đúng. Vì “chưởng” 掌 nghĩa là nắm, giữ; “chưởng bạ” 掌簿 = người nắm giữ sổ sách giấy tờ; “chưởng ấn” 掌印 = người giữ ấn tín. Hoàng Phê (Vietlex): “chưởng bạ 掌簿 d. [cũ] nhân viên trông coi sổ sách về ruộng đất của chính quyền ở làng xã thời trước. “Giấy má làm theo kiểu văn tự bán đất có chữ ký, có triện của lý trưởng chưởng bạ.” (Tô Hoài).[K].
90-“xa: xa trường. → không viết: sa”. Viết “sa” mới đúng. Vì “sa trường” 沙場 là từ Việt gốc Hán, trong đó “sa” 沙 nghĩa gốc là “cát”, “bãi cát ven sông”. “sa trường” 沙場 = bãi cát bằng mà rộng, thường dùng để chỉ chiến trường. Hoàng Phê (Vietlex): “sa trường • 沙場 d. [cũ] chiến trường. bỏ thân ngoài sa trường ~ người thì ở lại, kẻ đi sa trường”. [K].
91-“xa: kiêu xa. → không viết: sa”. Viết “sa” không sai. Vì ngoài “kiêu xa • 驕奢 t. [cũ, id] kiêu căng và xa xỉ. quen thói kiêu xa.”, còn có “kiêu sa • t. [người phụ nữ] đẹp một cách sang trọng và tỏ ra kiêu hãnh. vẻ đẹp kiêu sa.” (Hoàng Phê – Vietlex).
92-“xuất: khinh xuất. → không viết: suất”. Viết “suất” mới đúng (ghép đẳng lập): “khinh” 輕 = xem nhẹ; “suất” 率 = hấp tấp, không thận trọng: -Hán ngữ đại từ điển: “khinh suất: nói năng hành động tuỳ tiện; không thận trọng, không nghiêm túc.” [輕率: 言行隨便; 不慎重, 不嚴肅]. -Hoàng Phê (Vietlex): “khinh suất • 輕率 t. thiếu thận trọng, không chú ý đầy đủ, do coi thường. còn lo ngại nên không dám khinh suất.” [K].
93-“xuất: thống xuất. → không viết: suất”. Viết “suất” mới đúng. Vì “suất” 率 có nghĩa là dẫn đầu, chỉ huy. Từ điển Hoàng Phê (Vietlex): “thống suất 統率 đg. [cũ] chỉ huy, đốc suất toàn quân đội”.[K].
94-“xuyên: xuyên giáp sơn”. Chỉ có xuyên sơn giáp 穿山甲 (tên chữ của con trút, tê tê), không có “xuyên giáp sơn”.[K].
95-“xứ: xứ bộ. → không viết: sứ”. Viết “sứ” mới đúng. Hoàng Phê (Vietlex): “sứ bộ 使部 d. [cũ] phái đoàn đi sứ thời phong kiến”. Nếu “xứ bộ” mang một nghĩa nào khác (kiểu như “xứ uỷ”), thì phải có chỉ dẫn cụ thể để không nhầm với “sứ bộ” 使部. [K].
Như vậy, GS. TS. Nguyễn Văn Khang đã bỏ qua bước tra cứu tài liệu, đưa ra chuẩn chính tả theo cảm tính, dẫn đến hàng loạt sai sót về từ và yếu tố Hán Việt ngay từ thời xuất bản Từ điển chính tả tiếng Việt phổ thông (2003), sau đó tiếp tục tái bản, dĩ hư truyền hư dưới tên sách Từ điển chính tả tiếng Việt (2018).
|
| | | Sponsored content
| Tiêu đề: Re: “TỪ ĐIỂN CHÍNH TẢ TIẾNG VIỆT” NGUYỄN VĂN KHANG | |
| |
| | | |
Similar topics | |
|
Trang 1 trong tổng số 1 trang | |
| Permissions in this forum: | Bạn không có quyền trả lời bài viết
| |
| |
| |