Trang ChínhTìm kiếmLatest imagesVietUniĐăng kýĐăng Nhập
Bài viết mới
Những Bài Giảng Hay Thầy Thích Pháp Hoà by mytutru Yesterday at 20:28

Thơ Nguyên Hữu 2022 by Nguyên Hữu Yesterday at 20:15

Hơn 3.000 bài thơ tình Phạm Bá Chiểu by phambachieu Yesterday at 16:18

BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-1965 - LM CAO VĂN LUẬN by Trà Mi Yesterday at 10:41

TRUYỆN KIỀU CÓ TRƯỚC ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH, VÀ LÀ CỦA VIỆT NAM ??? by Trà Mi Yesterday at 10:27

Lục bát by Tinh Hoa Yesterday at 07:21

PHÁP VIỆN MINH ĐĂNG QUANG TĂNG NI & Đại Chúng by mytutru Yesterday at 00:55

SƯ TOẠI KHANH (những bài giảng nên nghe) by mytutru Sat 16 Mar 2024, 20:15

Xem tướng mạo đàn ông ngoại tình, lăng nhăng by Trà Mi Sat 16 Mar 2024, 10:05

Putin dối trá khi trả lời Tucker Carlson by Trà Mi Fri 15 Mar 2024, 11:39

Trang thơ Tú_Yên (P2) by Tú_Yên tv Fri 15 Mar 2024, 11:20

Chùm thơ "Có lẽ..." by Tú_Yên tv Fri 15 Mar 2024, 11:09

Thơ Tú_Yên phổ nhạc by Tú_Yên tv Fri 15 Mar 2024, 11:07

7 chữ by Tinh Hoa Fri 15 Mar 2024, 03:27

Một thoáng mây bay 12 by Ai Hoa Thu 14 Mar 2024, 09:55

BẮT CÁ TRỜI MƯA by Phương Nguyên Wed 13 Mar 2024, 20:48

5 chữ by Tinh Hoa Wed 13 Mar 2024, 07:56

Tiến Trình Tu Học Phật - Thành Phật by mytutru Mon 11 Mar 2024, 23:17

Tập Mỗi Ngày by mytutru Mon 11 Mar 2024, 22:48

Lan ĐV 8 by buixuanphuong09 Mon 11 Mar 2024, 11:06

SẦU LY BIỆT by Phương Nguyên Mon 11 Mar 2024, 08:02

LỀU THƠ NHẠC by Phương Nguyên Sun 10 Mar 2024, 08:39

MỪNG NGÀY 08.03 by Phương Nguyên Sun 10 Mar 2024, 08:21

Chỉn by Trà Mi Sat 09 Mar 2024, 12:30

Lỗi 404 by mytutru Fri 08 Mar 2024, 11:09

Thể Tánh Muôn Loài by mytutru Tue 05 Mar 2024, 23:44

5-8-8-8 by Tinh Hoa Tue 05 Mar 2024, 03:32

Còn mãi duyên thầy by buixuanphuong09 Mon 04 Mar 2024, 13:37

Con Đường Tâm Mytutru TKN Đào Liên by mytutru Sat 02 Mar 2024, 12:09

Hoa Sen Ao Sen by mytutru Sat 02 Mar 2024, 08:27

Tự điển
* Tự Điển Hồ Ngọc Đức



* Tự Điển Hán Việt
Hán Việt
Thư viện nhạc phổ
Tân nhạc ♫
Nghe Nhạc
Cải lương, Hài kịch
Truyện Audio
Âm Dương Lịch
Ho Ngoc Duc's Lunar Calendar
Đăng Nhập
Tên truy cập:
Mật khẩu:
Đăng nhập tự động mỗi khi truy cập: 
:: Quên mật khẩu

Share | 
 

 Nguyễn Thái Học 1902- 1930 (Nhượng Tống)

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Chuyển đến trang : 1, 2, 3, 4  Next
Tác giảThông điệp
Ai Hoa

Ai Hoa

Tổng số bài gửi : 10549
Registration date : 23/11/2007

Nguyễn Thái Học 1902- 1930 (Nhượng Tống) Empty
Bài gửiTiêu đề: Nguyễn Thái Học 1902- 1930 (Nhượng Tống)   Nguyễn Thái Học 1902- 1930 (Nhượng Tống) I_icon13Wed 30 Jun 2021, 12:36

Nguyễn Thái Học 1902- 1930 (Nhượng Tống)

Nhượng Tống là bút danh của Hoàng Phạm Trân (1904-1949), ông là nhà văn, nhà báo nhưng được biết đến nhiều hơn với vai trò một trong những yếu nhân của Việt Nam Quốc Dân Đảng thời kỳ đầu. Nhượng Tống trước nhất là bạn đồng chí, sau là người đã chứng kiến cuộc đời tráng liệt của Nguyễn Thái Học vị anh hùng hiếm có đã vượt trên được những tranh cãi ý thức hệ. Cuốn sách Nguyễn Thái Học (1902-1930) được viết dưới dạng tiểu sử, bao gồm 43 Chương, xuất bản năm 1945 tại Hà Nội và trước 1975 có ba lần tái bản tại Sài Gòn. Ấn bản đầu tiên của cuốn sách hiện nay được lưu trữ tại Thư Viện Quốc Gia Pháp (Bibliothèque nationale de France). Thông qua nội dung cuốn sách, độc giả hẳn sẽ thấy một Nguyễn Thái Học thực gần gũi với mình, ông không phải thiên thần và cũng không giống như thần trụ trời có thể dời núi ngăn sông chớp nhoáng, một thanh niên đang tuổi ăn tuổi lớn và cũng đắm say trong mối tình thơ như bao học trò khác, nhưng cũng qua cuốn sách, chúng ta có thể tìm ra lời đáp cho một câu hỏi: Vì đâu mà Nguyễn Thái Học dám từ bỏ lối sống vô lo thường nhật để dấn thân vào cuộc đời sóng gió?

Nguyễn Thái Học 1902- 1930 (Nhượng Tống) Nguyen10

Trang bìa ấn bản đầu tiên, in năm 1945 tại Hà Nội. Thời điểm này, cao trào cách mạng đang dậy sóng khắp nước sau sự kiện Hoàng Đế Bảo Đại đọc tuyên bố Việt Nam Độc Lập (11 tháng 3 năm 1945), gương liệt sĩ thuở trước trở thành niềm khích lệ to lớn đối với mọi tầng lớp xã hội. Hai tổ chức chính trị lớn khi đó là Việt Minh (Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội) và Việt Quốc (Mặt Trận Quốc Dân Việt Nam) liên tục tổ chức những sinh hoạt hoặc ra văn hóa phẩm khơi dậy nhiệt huyết ái quốc. Cuốn sách Nguyễn Thái Học (1902- 1930) ở trong số đó.

ĐỀ TỰA

Các Bạn,

Dù sao thì ba chữ Nguyễn Thái Học tới nay cũng đã là một cái tên trên lịch sử.

Không phải trên lịch sử của dân tộc Việt Nam bị xiềng xích ! Mà là trên lịch sử của cả nhân loại, hiện nay còn quằn quại đau thương ! Đó không phải là ý riêng tôi, một bạn cùng thề với Anh.

Nhưng là ý chung hết thảy những kẻ hữu tâm ở thế gian này, chẳng hạn như những nhà văn Nhật Bản, khi họ viết cuốn ‘’An Nam lê minh ký’’ hay ‘’Nam phương dân tộc vận động sử’’. Trong các cuốn sách ấy, người ta đã vì công lý, vì nhân đạo mà nói nhiều về Nguyễn Thái Học.

Vậy mà Quốc Dân ta, các đồng bào Anh, đối với thân thế Anh, nhiều người mong được biết qua loa mà không thể được !

– Bao nhiêu là đợi trông !

– Bao nhiêu là tủi nhục !

Cho nên trong lúc này, là lúc có thể được, tôi cần phải viết ngay cho Anh một cuốn tiểu sử. Tôi tự nhận đó là một nghĩa vụ.

Nghĩa vụ đối với Quốc Gia, vì thân thế Anh chính là tấm gương phấn đấu, hy sinh, cần phải được nêu ra để khích lệ tất cả mọi người trong nước. Nghĩa vụ đối với văn hóa, vì thân thế Anh chính là một kết tinh phẩm của hai giáo lý Phật và Khổng, nó đã cho phương Đông ta nảy ra một ánh sáng riêng.

Sau hết, nghĩa vụ đối với khoa lịch sử học, vì tôi với Anh chẳng những là người đồng thời, còn là bạn đồng chí. Có lẽ trong các cây bút ở đây khó có ai hiểu biết về Anh hơn tôi nữa. Bởi vậy, tôi đã cố lục lọi sách, báo, cùng trí nhớ, để viết nên cuốn sách nhỏ này.

Tôi rất mừng rỡ đã cho xuất bản kịp trước ngày 17 tháng 6.

Ngày mà Tỉnh Đảng Bộ Yên Báy đã xây xong mộ Anh và lập cho Anh cùng các đồng chí hy sinh vì Đảng một đài kỷ niệm. Ngày mà các đồng bào đã công khai làm lễ truy điệu Anh ở khắp mọi nơi.

Anh Học !

Hãy đem tinh thần bất tử mà lãnh đạo cho Quốc Dân trên con đường tranh đấu lấy một địa vị ở dưới ánh sáng mặt trời !

Các anh em !

Hãy giúp thêm tôi về tài liệu để những lần xuất bản sau, cuốn tiểu sử này có thể thêm đầy đủ.

Ngày 28 tháng 5 năm đầu Độc Lập.

Nhượng Tống

_________________________
Nguyễn Thái Học 1902- 1930 (Nhượng Tống) Love10

Sông rồi cạn, núi rồi mòn
Thân về cát bụi, tình còn hư không
Về Đầu Trang Go down
Ai Hoa

Ai Hoa

Tổng số bài gửi : 10549
Registration date : 23/11/2007

Nguyễn Thái Học 1902- 1930 (Nhượng Tống) Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Nguyễn Thái Học 1902- 1930 (Nhượng Tống)   Nguyễn Thái Học 1902- 1930 (Nhượng Tống) I_icon13Wed 30 Jun 2021, 12:51

Chương I: ĐỜI HỌC SINH


Dưới chế độ thực dân, người Pháp chẳng bao giờ muốn mở mang việc học ở xứ này. Họ tìm hết cách giam hãm dân ta trong vòng ngu tối. Trong các cách ấy thì có một cách tàn tệ nhất là hạn tuổi học. Quá hạn ấy thì không được vào các trường công nữa! Muốn trốn thoát cái lưới đê tiện ấy, các người làm cha, mẹ thường rút tuổi con trong giấy chứng nhận ngày sinh.

Cũng vì lẽ đó mà theo giấy tờ của nhà trường thì anh Nguyễn Thái Học sinh ngày mồng 1 tháng 12 năm 1904. Kỳ thực thì anh tuổi Quý Mão (1902). Ngày sinh tháng đẻ hiện còn chưa hỏi được rõ.

Quê anh là làng Thổ Tang, Tổng Lương Điền, Phủ Vĩng Tường, Tỉnh Vĩnh Yên. Ông thân sinh là Nguyễn Văn Hách, một nhà tiểu nông. Bà là Nguyễn Thị Quỳnh, thường làm nghề buôn vải. Tư cơ ông, bà có mấy nếp nhà tranh và ngót ba mẫu ruộng. Hiện nay ông đã mất, nhưng bà còn mạnh. Hôm mới đây, chúng tôi lên thăm thì bà còn đi chợ bán vải chưa về. Nói tóm lại, thì đó là một nhà thanh bần, lúc nào cũng sống trong sự siêng năng và kiệm phát.

Ông, bà sinh hạ được nhiều con. Trong số đó thì có bốn trai và anh Học là trưởng. Trong bốn trai ấy thì Quốc Dân Đảng và Tổ Quốc rẽ mất một nữa, anh Nho, em Anh cũng là một liệt sĩ thực hành sự hy sinh bằng tính mệnh! Hai em nữa là Lâm và Nỷ, hiện nay làm ruộng ở quê nhà.

Anh người tầm thước, cao độ một công xích sáu mươi phân. Trán hói, tóc thưa, đôi mắt thông minh, một nhìn đủ khiến ta đem lòng tin mến. Da ngăm đen, thuộc dòng huyết tính. Môi dày, hàm răng vồ, miệng lúc nào cũng tươi. Cằm nở, tỏ ra người quả quyết thực hành. Đặt lưng nằm là ngủ được ngay, đủ rõ trong tâm lúc nào cũng bình tĩnh. Ngủ bao giờ cũng nằm sấp, và hai bàn chân quặp lai trên mông. Cách ăn vận không hề chú ý đến bao giờ. Một áo ngoài, một đôi giầy, hỏng mới thay bộ khác. Có tiền, chúng bạn tiêu không tiếc. Hết tiền, xin các người thân với vẻ mặt rất tự nhiên. Ăn trầu, hút thuốc lào, nhưng không nghiện món nào cả. Nói thường ngọng vần L. Cái lá, cây lim, không bao giờ nói đúng. Tư đức tốt, học hành chăm chỉ, nhưng ở nhà trường chỉ là một học sinh hạng trung bình.

Ban đầu anh học chữ Hán. Sau ra học chữ Pháp ở Trường Tỉnh Vĩnh Yên. Tốt nghiệp rồi, ra học Trường Sư Phạm ở Hà Thành. Sau lại học Trường Cao Đẳng Thương Mại. Trong đời học sinh, người bạn thân nhất của anh là đồng chí Hồ Văn Mịch. (Anh này cũng là một trong những người sáng lập ra Việt Nam Quốc Dân Đảng. Năm 1929, bị bắt và bị đày, mất ở Côn Lôn. Ở đấy, anh em có dựng trên mộ một cái bia bằng xi măng, khắc mấy chữ ‘’Hồ Văn Mịch, 1930’’ để làm kỷ niệm).

Cứ lời anh Mịch nói với tôi thì anh Học là người ngoài tuy nóng nảy nhưng trong lòng thường điềm tĩnh, đãi người rất chân thành nhưng liệu việc rất nhiều trí mưu.


Nguyễn Thái Học 1902- 1930 (Nhượng Tống) Nguyen11


Theo cuốn Việt Nam Quốc dân Đảng trong lịch sử cách mạng Việt Nam (tác giả Nguyễn Văn Khánh. Nhà xuất bản Thế Giới, 2005), Chánh Mật Thám Louis Marty từng nhận xét: ‘’Nguyễn Thái Học là một học sinh bướng bỉnh, hay cãi lại thầy giáo’’.


o O o


Chương II: TƯ TƯỞNG CÁCH MẠNG


Có lần tôi hỏi anh Học:

– Tư tưởng cách mệnh của mày nẩy ra từ hồi nào?

Anh đáp:

– Từ năm tao lên mười tuổi! Hồi ấy tao còn học chữ Nho ở nhà quê. Xong buổi học lại đi chăn trâu, và nhiều hôm chăn sang đến đồng làng bên cạnh. Làng ấy (?) là quê ông Đội Cấn. Ông Cấn chết đi, còn để lại mẹ già. Bà cụ thương con quá, hóa như kẻ dở người. Hễ gặp chúng tao là bà cụ lại ôm choàng lấy, vứa khóc vừa nói: ‘’Các cậu! Các cậu! Làm thế nào báo được thù cho con tôi!’’. Tao còn bé, mỗi khi gặp bà cụ là lòng lại bồi hồi! Rồi nghĩ, chỉ có đạp đổ chế độ thực dân mới trả hộ được thù cho con bà cụ! Ấy, tư tưởng cách mạng nẩy ra trong óc tao từ đấy!

Thì ra một bà cụ dở người mà đã đúc được hai đứa con anh hùng sắt máu! Một đứa con ruột thịt là nhà chỉ huy việc đánh Thái Nguyên! Một đứa con tinh thần là người tạo nhân cuộc khởi nghĩa Yên Báy. Trước sau hơn mười năm, hai đứa con bà đã làm vẻ vang cho cả một dân tộc! Nghĩ đến bà, lòng ta cảm khái bao nhiêu?

Tuy vậy, năm mười tuổi, anh mới được bà gieo vào óc cái hạt giống tự do đó mà thôi. Hạt giống ấy, còn phải vun tưới ròng rã trên mười năm nữa, bằng những máu nóng, lệ nóng của đồng bào, bằng những gió dập, mưa dồn chung quanh Tổ Quốc, nó mới đến lúc khai hoa kết quả.

Ấy là năm 1926…


Nguyễn Thái Học 1902- 1930 (Nhượng Tống) Nguyen12

Ông Đội Cấn (1881-1918) và cuộc binh biến Thái Nguyên.

_________________________
Nguyễn Thái Học 1902- 1930 (Nhượng Tống) Love10

Sông rồi cạn, núi rồi mòn
Thân về cát bụi, tình còn hư không
Về Đầu Trang Go down
Ai Hoa

Ai Hoa

Tổng số bài gửi : 10549
Registration date : 23/11/2007

Nguyễn Thái Học 1902- 1930 (Nhượng Tống) Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Nguyễn Thái Học 1902- 1930 (Nhượng Tống)   Nguyễn Thái Học 1902- 1930 (Nhượng Tống) I_icon13Wed 07 Jul 2021, 08:04

Chương  III: 1926


Trong hồi Âu chiến trước, nhà cầm quyền Pháp dụng tâm ru ngủ tinh thần dân tộc của ta bằng câu chuyện ‘’Pháp Việt đề huề!’’. Nhưng…như một câu nói chua của tôi hồi bấy giờ, ‘’tay phải giơ ra nói đề huề, để tay trái luồn xuống lần lưng móc túi’’.

Ở Bắc Việt, họ mở ra báo Nam Phong, lại lập ra Hội Khai Trí Tiến Đức, để làm hai cơ quan cho chính sách ngu dân ấy!

Dân ta trúng kế! Hơn mười năm, bọn thực dân được cao gối ngủ yên trên xương máu của đồng bào ta!

Giấc ngủ ấy, ngon lành mãi đến năm 1925, chúng mới giật mình!…Giật mình vì tiếng của liệt sĩ Phạm Hồng Thái ném bom Toàn Quyền Merlin khi qua Sa Điện.

Các bạn thứ cho tôi, ở đây không phải chỗ kể đầu đuôi câu chuyện ấy. Chỉ biết rằng, vì việc đó mà chúng phải cố lùng bắt cho được nhà chí sĩ Phan Bội Châu ở ngoại quốc về. Rồi chúng phái Toàn Quyền Varenne sang. Varenne là một lãnh tụ của Đảng xã hội đệ nhị quốc tế nước Pháp. Ông tự xưng là tín đồ trung thành của Các-mác với Đô-rét! Rồi cái bài kèn đề huề đã hồ tịt lít kia lại được bọn chiếm nước và bản nước phùng mang thổi lên cực kỳ náo nhiệt!

Tin vào chủ nghĩa xã hội, tin vào các đảng quốc tế, nhà lãnh tụ còn trẻ người non dạ của chúng ta mắc lõm! Năm 1926, anh Học khi ấy còn học Trường Cao Đẳng, xin vào yết kiến và đưa một chương trình yêu cầu cải cách lên Varenne. Khi vào tiếp kiến, Quan Toàn Quyền sồm râu làm ra trò niềm nở ân cần! Nhưng khi ra, Anh được tụi mật thám xúm lại khám mình và dọa nạt! Anh chưa thất vọng, còn gửi cho Varenne một bức thư điều trần nữa! Lần này thì bức thư không được trả lời. Và sau một hồi vơ vét cho nặng túi, sau khi ký thêm cho dân Bảo Hộ mấy đạo nghị định thắt cổ, nào là cấm bán những vị cần dùng cho thuốc Bắc, nào là rút cho thêm hẹp quyền ngôn luận, ông Varenne liền cuốn gói về Tây.

Varenne cút! Pasquier sang! Anh còn chưa nản chí hoàn toàn! Hồi tháng 6 năm sau (1927), Anh còn xin phép Thống Sứ ra một tập tạp chí nửa tháng, lấy tên là Nam Thanh. Mục đích tạp chí là nâng cao trình độ trí, đức, thể dục cho nhân dân, khuyến khích họ bỏ lối thích danh hão, thích làm quan, mà chú trọng về nông, công, thương nghiệp.

Một cơ quan dạy khôn nhau như thế, lại chủ trương do một tay có chí khí, có nhiệt tâm, đời nào họ cho phép!

Thích làm quan, thích ông nọ, bà kia, chính là cái dây xích, dây thừng, để chúng xỏ vào mũi, khoác vào cổ những dân trí thức xứ này, đặng sai họ làm ngựa, làm trâu, nếu không phải làm trành, làm chó! Còn, nếu đồng bào ta lại biết hiệp lực nhau mà mở mang thực nghiệp, thì tụi tư bản Pháp còn hòng gì chiếm lĩnh được kinh tế, lũng đoạn được lợi quyền ? Tuy nhiên, cái thâm ý ấy khi nào chúng chịu nói ra! Chúng không cho Anh mở báo, lấy cớ rằng Anh đã gian trá trong sự để chỗ ở. Trong giấy, Anh đề là 56 Phố Hàng Quạt. Nhưng thực thì anh ở chung với nhóm Nam Đồng Thư Xã, một nhóm có tư tưởng bài xích chế độ thực dân.

Nhưng đâu có phải thế! Hồi ấy Anh ở Hàng Quạt thật! Chẳng qua Anh hay đi lại với tụi tôi, thế thôi!



Nguyễn Thái Học 1902- 1930 (Nhượng Tống) Nguyen13

Toàn Quyền Alexandre Varenne (đội mũ) được biết đến là một chính khách cấp tiến. Trong thời gian cầm quyền tại Đông Dương, ông đã khởi xướng nhiều chính sách an sinh hướng đến đối tượng nông dân (chiếm 95% xã hội đương thời) và ân xá cho nhiều tù nhân chính trị trong đó có Phan Bội Châu. Vì những chính sách rộng rãi này, Alexandre Varenne bị chính phủ Pháp cách chức và triệu hồi.


o O o


Chương  IV: NAM ĐỒNG THƯ XÃ


Thư xã ở số 6 đường 96, bờ hồ Trúc Bạch, gần đối diện với Chùa Châu Long. Nó là một nhà xuất bản do tôi và hai anh Phạm Tuấn Lâm (Dật Công), Phạm Tuấn Tài (Mộng Tiên) lập nên vào cuối năm 1926. Nguyên hồi ấy, phong trào chính trị đương bùng bộc. Tuy vậy, trình độ trí thức của dân mình còn thấp kém! Đại đa số người dân không có một chút gì là công dân giáo dục. Chúng tôi lập ra thư xã là mong làm việc ấy. Nghĩa là dạy cho người ta biết thương đồng bào, biết yêu Tổ Quốc, biết thế nào là nghĩa vụ và quyền lợi của một người công dân. Sau nữa, giúp cho ai nấy có đôi chút thường thức về các khoa chính trị, như kinh tế học, xã hội học, các hiến pháp, các chủ nghĩa. Tất cả công việc ấy sẽ làm bằng cách xuất bản và phát hành các sách. Sách chúng tôi bán rất rẻ, chỉ mỗi cuốn một, hai hào mà thôi! Sách hồi ấy còn được xuất bản tự do, không phải kiểm duyệt trước như các báo. Những bài bị xóa ở các báo, có thể đem in thành sách. Cố nhiên là có thể bị cấm. Nhưng, với cái gọi là ‘’chậm trễ hành chính’’ của nhà cầm quyền Pháp, khi họ ra được cái nghị định cấm thì sách mình đã bán hết rồi!

Thế nhưng ‘’đạo cao năm thước, thì ma cao một trượng!’’ Thấy sách chúng tôi vẫn bị cấm mà vẫn ra, bọn mật thám liền bắt buộc các chủ nhà in, bao nhiêu sách xuất bản phải đưa chúng xem trước! Vì thế, có cuốn sách sớm vừa ở nhà in lấy ra thì chiều đã có nghị định cấm, và có người đi thu sách, tịch biên sách! Rồi, hơn năm sau, Toàn Quyền ra nghị định bắt buộc các sách cũng phải đưa kiểm duyệt trước như các báo! Thế là ô hô, đi đời cái quyền ngôn luận của dân ta!

Anh Học khi ấy học trong Trường Cao Đẳng Thương Mại. Với các anh em Cao Đẳng, bọn ‘’Nam Đồng Thư Xã’’ chúng tôi thường liên lạc để làm các việc tuyên truyền, hợp với mục đích của chúng tôi. Ví dụ như truy điệu Cụ Phan Tây Hồ, truy điệu Cụ Lương Văn Can, mở các lớp dạy cho anh em lao động học biết chữ Quốc Ngữ (1). Vì thế chúng tôi quen với anh Học, và sự đi lại mỗi ngày một thêm thân. Đến cuối năm 1927, thì Anh cùng anh Mịch lên ở hẳn với chúng tôi. Chúng tôi đã trở nên những người bạn ‘’đồng xu cuối cùng’’. Nghĩa là ‘’còn cùng ăn, hết cùng nhịn!’’.


Nguyễn Thái Học 1902- 1930 (Nhượng Tống) Nguyen14

Nhóm Nam Đồng Thư Xã ảnh chụp trong buổi khai trương. Người đứng thứ hai từ trái sang là Nguyễn Thái Học, lúc ấy ông để tóc dài và rẽ giữa.

Chú Thích:

1.- Các lớp dạy này, mở tại các trường tư trong các đô hội như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định. Học sinh được phụ cấp bút, giấy. Sau bị nhà cầm quyền Pháp cấm chỉ.

_________________________
Nguyễn Thái Học 1902- 1930 (Nhượng Tống) Love10

Sông rồi cạn, núi rồi mòn
Thân về cát bụi, tình còn hư không
Về Đầu Trang Go down
Ai Hoa

Ai Hoa

Tổng số bài gửi : 10549
Registration date : 23/11/2007

Nguyễn Thái Học 1902- 1930 (Nhượng Tống) Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Nguyễn Thái Học 1902- 1930 (Nhượng Tống)   Nguyễn Thái Học 1902- 1930 (Nhượng Tống) I_icon13Tue 27 Jul 2021, 15:23

Chương V: HÒA BÌNH CÁCH MỆNH


Thấy nhóm thực dân không thể nào hợp tác được rồi, chúng tôi, vào khoảng giữa năm 1927, đã quả quyết đi vào con đường cách mệnh!

Nhưng tôi, một kẻ thư sinh, muốn cách mệnh một cách hợp pháp!

Nguyên ở đây, việc lập các quỹ trừ súc và các hợp tác xã không cần phải xin phép. Chỉ cần đem điều lệ trình các người đương cục. Tôi liền bảo Anh Học, một người thuộc thương luật thảo điều lệ các hội ấy và đem đi cổ động ở khắp mọi nơi. Những hội ấy sẽ lập lên ở giữa các bồi bếp, các công chức, các binh lính, các thợ thuyền, nói tóm lại, ở giữa những người cộng tác với người Pháp. Những hội ấy sẽ do những người có tâm huyết cầm đầu, và trong khi trò chuyện với anh em, sẽ tìm cách làm phổ thông những thường thức về công dân giáo dục. Cái chương trình ấy, tôi gọi là ‘’chương trình sáu năm’’. Tôi mong các hội viên buôn bán và tiết kiệm, để dành tiền trong sáu năm…Và sau sáu năm, sẽ đủ tiền nuôi mình và gia đình trong sáu tháng…Rồi, nhân một dịp tiện lợi, chúng tôi sẽ yêu cầu người Pháp cho tự trị…Cố nhiên là họ không cho! Khi ấy, tất cả anh em sẽ tổng bãi công trong sáu tháng để làm hậu thuẫn cho chúng tôi. Sáu tháng bất hợp tác! Sáu tháng nghĩ việc của tất cả các viên chức, các sở công, sở tư! Tình hình chính trị và kinh tế ở xứ này rối loạn đến mức nào! Khi ấy sẽ cổ động cả sự ‘’bất tuân thượng lệnh’’ ở giữa anh em binh lính! Nhười Pháp tất phải nhượng bộ và ít nhất là cho ta được tự trị!

Chúng tôi cổ động. Anh em hưởng ứng. Những hội đầu tiên đã thành lập là nhà dây thép Hà Nội, nhà máy sợi Nam Định.

Thế nhưng có một hôm, cả ba anh Tài, Học và Mịch, cùng xúm lại bảo cho tôi biết: Chương trình của tôi chỉ hoàn toàn thuộc về tương lai mà thôi!


Nguyễn Thái Học 1902- 1930 (Nhượng Tống) Nguyen15


Thủ bút của Nguyễn Thái Học.


o O o


Chương VI:PHẢI SẮT VÀ PHẢI MÁU


‘’Mày nghe lời cái lão già Cam Địa, chực hòa bình cách mạng! Nhưng thử hỏi cái lão già ấy đã làm được việc gì cho Ấn Độ chưa ?’’.

Đó là lời Anh Học bảo tôi. Rồi tài và Mịch phụ họa thêm vào. Tôi đã bàn cãi với họ luôn hai đêm. Sau cùng, tôi nghĩ, mình còn nhỏ tuổi hơn cả, mà anh em lại đồng thanh bác cái lý của mình, như vậy, có lẽ mình là đứa lạc lõng trong không tưởng thật!

‘’Mày là đứa chỉ sống trong mộng và trong sách, đã biết đời là cái quái gì! Phải theo chúng tao! Nghĩa vụ một đứa em nhỏ là phải thế!’’.

Anh Tài vỗ vai tôi, quyết định tôi một lần nữa.

Chúng tôi liền định lập một đảng bí mật, theo hẳn chủ trương thiết huyết cách mạng. Anh Học đi rủ anh em quen biết ở Hà Nội, được hơn mười người, liền tổ chức nên đệ nhất chi bộ.


Nguyễn Thái Học 1902- 1930 (Nhượng Tống) Nguyen16

Phạm Tuấn Tài (1905-1937).


o O o


_________________________
Nguyễn Thái Học 1902- 1930 (Nhượng Tống) Love10

Sông rồi cạn, núi rồi mòn
Thân về cát bụi, tình còn hư không
Về Đầu Trang Go down
Ai Hoa

Ai Hoa

Tổng số bài gửi : 10549
Registration date : 23/11/2007

Nguyễn Thái Học 1902- 1930 (Nhượng Tống) Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Nguyễn Thái Học 1902- 1930 (Nhượng Tống)   Nguyễn Thái Học 1902- 1930 (Nhượng Tống) I_icon13Wed 01 Sep 2021, 10:46

Chương VII:VIỆT NAM QUỐC DÂN ĐẢNG

Trong kỳ ‘’Toàn Kỳ Đại Biểu Hội Nghị’’ ấy, mỗi đại biểu đều đem đem tỏ bày một bản dự thảo riêng của nhóm mình về chương trình, ðiều lệ của Ðảng. Chúng tôi ðã phải làm việc suốt hai đêm ròng rã. Kết quả, những ý kiến riêng đã hun đúc lại thành một kỷ cương chung. Trước kia, Đảng chỉ mới là một ý định mơ hồ. Đến bây giờ, mới có đủ một hình thức, một tinh thần rõ rệt.

Đảng lấy tên là ‘’Việt Nam Quốc Dân Đảng’’ theo đề nghị của anh em Hà Nội. Người vào đảng phải làm lễ phát thệ, theo đề nghị của anh em Thanh Hóa…

Mục đích là liên lạc tất cả các anh em đồng chí, không phân biệt giai cấp, tôn giáo, dùng võ lực để lấy lại quyền Độc Lập cho nước Việt Nam.

Cách tổ chức thì mỗi chi bộ gồm nhiều nhất là mười chín người. Vì theo pháp luật hiện hành, sự hội họp quá mười chín người phải xin phép trước. Mỗi chi bộ chia làm bốn ban: Ban Tài Chính, Ban Tuyên Truyền, Ban Trinh Thám và Ban Tổ Chức. Rồi bầu lấy một người chi bộ trưởng và một người đại biểu lên tỉnh bộ. Người trong tỉnh bộ gồm có các đại biểu của chi bộ. Cũng chia bốn ban. Cũng bầu bộ trưởng. Và cũng một người thay mặt cho anh em để dự vào đảng bộ cấp trên. Cấp trên là kỳ bộ, nguyên tắc tổ chức cũng như ở dưới. Rồi mỗi kỳ bộ sẽ cử lên một số đại biểu để họp thành Tổng Bộ. Tổng Bộ, cơ quan tối cao của Đảng, so với các đảng bộ dưới, có thêm ra bốn ban: Ban Binh Vụ, Ban Ngoại Giao, Ban Giám Sát và Ban Ám Sát.

Suốt trong thời kỳ Anh Học còn, vì sự tuyên truyền chưa lan được khắp Trung, Nam, nên Tổng Bộ chỉ là Kỳ Bộ miền Bắc tạm quyền công việc. Đã một hồi tại Sài Gòn và mấy tỉnh đường trong, có lập được ít nhiều chi bộ. Nhưng Kỳ Bộ miền Nam chưa hề có cử người về Tổng Bộ. Hai nơi chỉ là cùng nhau liên lạc mà thôi. Tổ chức thì thế, còn chương trình hoạt động thì chia làm ba thời kỳ:

– Thời kỳ thứ nhất là phôi thai, làm trong vòng bí mật.

– Thời kỳ thứ hai là dự bị, làm trong vòng bí mật.

– Thời kỳ thứ ba là phá hoại, tức là đánh đổ đối phương.

Xét ra thì cách tổ chức của Đảng lúc ban đầu hoàn toàn theo lối dân chủ đại nghị. Nó rất giống với cách tổ chức của đảng Tân Việt Cách Mệnh. Kỳ thực thì cả điều lệ lẫn chương trình, phần nhiều là châm chước theo đề nghị của anh Hoàng Văn Tùng (1), đại biểu Thanh Hóa. Anh Tùng vốn là bạn thân của anh Tôn Quang Phiệt, người bên Tân Việt…Hoặc giả đề nghị của anh đã dựa theo đảng cương bên Tân Việt, cũng chưa biết chừng! Cho cả đến lễ phát thệ, anh em ‘’đường ngoài’’ lúc trước cũng chưa hề nghĩ đến bao giờ.

‘’Trước giang sơn Tổ Quốc, trước mặt anh em đồng chí, tên tôi là (mỗ), (bao nhiêu) tuổi, thề hy sinh cho Đảng, xin giữ bí mật của Đảng, xin phục tùng mệnh lệnh của Đảng, không được tự do li Đảng. Nếu sai lời xin chịu tử hình !’’.

Lời thề ấy đã làm tim tôi bao nhiêu lần hồi hộp, mỗi khi đi chứng kiến sự thành lập một chi bộ gồm có các đồng chí sáu, bảy chục tuổi, đầu tóc bạc phơ! Hay một chi bộ nhà binh, thường là các hạ sĩ quan, trên vai đóng ngà vàng lấp lánh. Bởi vì là một đảng bí mật, nên chúng tôi hết sức tránh việc giấy tờ. Đảng viên không có danh sách. Các kỳ họp cũng không có lập biên bản. Chương trình nghị sự, xong buổi họp rồi đốt đi. Có ai ngờ kín đáo như vậy, mà ngay từ khi đảng chưa thành hình, Ty Mật Thám đã mong manh biết. Kẻ tố cáo đầu tiên, than ôi, lại là một trong những thanh niên trí thức: Nguyễn Quốc Túy tiên sinh !

Chú Thích:

1.- Anh Tùng bị bắt năm 1929, mất trong Hỏa Lò.

Nguyễn Thái Học 1902- 1930 (Nhượng Tống) Nguyen17
Nguyễn Thái Học 1902- 1930 (Nhượng Tống) Nguyen18
Nguyễn Thái Học 1902- 1930 (Nhượng Tống) Nguyen19
Nguyễn Thái Học 1902- 1930 (Nhượng Tống) Nguyen20
Nguyễn Thái Học 1902- 1930 (Nhượng Tống) Nguyen21

Tuần báo Cộng Hòa số 1&2 ra mắt ngày 27 tháng 9 năm 1964 tại Sài Gòn, chủ đề đặc biệt về sự kiện thành lập Việt Nam Quốc Dân Đảng và cuộc Khởi Nghĩa Yên Bái. Lúc này, nền Đệ Nhất Cộng Hòa vừa sụp đổ và luật kiểm duyệt báo chí bị bãi bỏ.




_________________________
Nguyễn Thái Học 1902- 1930 (Nhượng Tống) Love10

Sông rồi cạn, núi rồi mòn
Thân về cát bụi, tình còn hư không
Về Đầu Trang Go down
Ai Hoa

Ai Hoa

Tổng số bài gửi : 10549
Registration date : 23/11/2007

Nguyễn Thái Học 1902- 1930 (Nhượng Tống) Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Nguyễn Thái Học 1902- 1930 (Nhượng Tống)   Nguyễn Thái Học 1902- 1930 (Nhượng Tống) I_icon13Wed 01 Sep 2021, 10:51


Chương VIII: NGUYỄN QUỐC TÚY


Như trên đã nói, hồi ấy, các sinh viên Cao Đẳng thường cùng chúng tôi làm chung nhau mọi việc vận động có màu sắc chính trị. Trong các anh ấy, có một nhóm lấy Cụ Nghè Ngô Đức Kế làm lãnh tụ. Trong đám đồ đệ của Cụ, có ba anh tỏ ra vẻ sốt sắng nhất: Trần Tiến Vỹ, Nguyễn Quốc Túy, và anh Nguyễn Văn Phùng. Trừ anh Phùng ra, người ta nói bọn kia thường mượn màu ái quốc để mưu đồ cả lợi lẫn danh. Tuy lúc nào cũng bô bô là đi với anh em lao động, nhưng họ đã sống một cuộc đời thật trưởng giả! Đi tất ô tô! Ngủ tất nhà ả đào hay phòng khách sạn! Và ăn thường là ở cao lâu khách hay hàng cơm tây! Ấy là mỗi khi họ đi công căn một tỉnh nào! Tiền đâu mà họ ăn xài lớn vậy ? Vì họ không phải con nhà giàu. Họ đã lạm dụng lòng tin, lòng tốt của mọi người. Họ đã ăn chơi bằng những tiền họ đi quyên. Lúc thì quyên giúp anh em trường Bưởi bãi khóa! Lúc thì quyên giúp anh em Trường Bách Nghệ đình công. Lúc thì quyên giúp anh Phạm Tất Đắc ở tù vì tội viết và xuất bản cuốn Chiêu hồn nước. Nhưng người ta không ngờ đến rằng trong đó lại có kẻ hạ mình quá thấp đến địa vị trành, chó!

Tôi còn nhớ trong hồi xảy ra vụ Bắc Ninh, Nguyễn Văn Phùng thình lình bị bắt. Sau khi được tha, Phùng lên thăm chúng tôi ở Nam Đồng Thư Xã. Khi ra về, Phùng buồn rầu mà nói:

– Các anh phải coi chừng! Mật thám ở ngay bên mình chúng ta đó! Không vào ‘’trong ấy’’, không ai có thể tưởng tượng được mực đê tiện của giống người!

Tôi hỏi:

– Ai vậy ?

Phùng đáp:

– Nói ra không tiện! Nhưng anh cứ yên lòng, vì không phải ở trong đám các anh.

Lời Phùng nói làm tôi nặng một mối ngờ. Cho mãi đến năm 1929, một hôm ở trong Hỏa Lò, người ta đã gọi lên cho dở coi hồ sơ của mình để mà viết bài tự bênh vực, tôi mới biết rõ ý nghĩa của câu Phùng nói.

Trong hồ sơ, tôi thấy kèm có hai tờ khai của Túy trong năm 1927. Mới đầu năm với cuối năm, mà Túy đổi khác như hai người.

Đầu năm ấy, nhân dân đất Bắc định đón Cụ Phan Bội Châu ra chơi. Túy cùng mấy anh em nữa, đưa ô tô vào mời Cụ. Ra đến Vinh, mật thám rước Cụ quay về và giữ Túy lại hỏi.

Đại khái Túy đáp:

– Ông cử Can dựng lên ‘’Đông Kinh Nghĩa Thục’’ thật, nhưng bây giờ ông ấy già rồi, vừa nhút nhát, vừa gàn dở! Ông Hoàng Tăng Bí thì có gì! Khi xưa vào nghĩa thục cũng là bị lôi cuốn theo phong trào! Còn bây giờ thì chỉ muốn yên thân! Lại làm thuê cho lão Nguyễn Văn Vĩnh, là người đối với quốc dân mất hết tín nhiệm! Riêng Cụ Ngô Đức Kế là tay cách mệnh sáng suốt, lúc nào cũng cương quyết, vững bền, không dễ lấy tiền mà mua chuộc được! Vì vậy chúng tôi năng lui tới nhà cụ, để nghe lời chỉ bảo. Còn các tay chí sĩ khác ở các miền nhà quê, thường vẫn giúp tiền chúng tôi. Các thanh niên đi lại với chúng tôi, đều bị liệt tên vào sổ đen. Thế nhưng nào có chuyện gì! Ngoài sự tập võ Tàu, võ Nam ra, toàn là chuyện phiếm cả!…Tôi không thân với Cơ-lê-măng-ty, vì tôi cho hắn là kẻ muốn lợi dụng lòng ái quốc của chúng tôi để kiếm chác! Còn bọn Nam Đồng Thư Xã cũng chẳng hơn gì!…’’

Hùng hồn thay! Trong khi đối đáp ấy, Túy thực đã ‘’mắt xanh chẳng để ai vào!’’ thực đã ‘’mục không nhất thế!’’

Thế mà đến hồi tháng 9, khi bị trục xuất khỏi Bắc Việt, vì cớ hay nhúng tay vào các việc chính trị nhúng tay trước để mút tay sau! Túy đã nằn nì với R. mật thám:

– Xin ông cho tôi ở lại! Tôi sẽ xin báo cho ông biết những tin quan trọng lắm kia!

R. cười khẩy, đáp bằng một giọng mỉa mai:

– Quan trọng à ? Về qua Vinh anh sẽ khai với Quan Chánh Mật Thám Vinh. Ngài còn nhớ anh đấy!

Ấy thế mà khi qua Vinh, Túy cũng khai nữa! Trong các điều quan trọng mà Túy khai, tôi nhớ có câu này: ‘’…Hôm trước đây, người bạn đồng song của tôi là Nguyễn Thái Học, có đến rủ tôi vào một hội kín mà mục đích là dùng võ lực đánh đổ chế độ thực dân. Trong hội kín ấy có cả Nhượng Tống và Phạm Tuấn Tài…’’

Về Phùng, chắc Túy cũng không tha! Cho nên Phùng mới phàn nàn với chúng tôi.

Dưới tờ khai của Túy, sở mật thám có chua mấy câu: ‘’Tên Túy này là một tay cáo mật chuyên môn! Mỗi lần ra sở mật thám là một dịp hắn tâu nạp tấn công. Hôm trước bị bắt về việc Hải Phòng, Túy đã cho chúng ta nhiều tin. Và hứa mổi khi biết chuyện gì nữa sẽ có thư trình sau. Thư ấy sẽ không ký tên, và đánh một chữ ‘’thập’’ làm dấu.

Cho hay những hạng đê hạ ở đời, dù được việc cho người ta, mà người ta vẫn coi thường, coi rẻ! Cái ấy, tục gọi là ‘’thiên lý tại nhân tâm’’.


Nguyễn Thái Học 1902- 1930 (Nhượng Tống) Nguyen10

Ngô Đức Kế (1878-1929)

_________________________
Nguyễn Thái Học 1902- 1930 (Nhượng Tống) Love10

Sông rồi cạn, núi rồi mòn
Thân về cát bụi, tình còn hư không
Về Đầu Trang Go down
Ai Hoa

Ai Hoa

Tổng số bài gửi : 10549
Registration date : 23/11/2007

Nguyễn Thái Học 1902- 1930 (Nhượng Tống) Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Nguyễn Thái Học 1902- 1930 (Nhượng Tống)   Nguyễn Thái Học 1902- 1930 (Nhượng Tống) I_icon13Fri 17 Sep 2021, 11:01

Chương IX: VIỆC HẢI PHÒNG


Tôi vừa nói đến việc Hải Phòng.

Vào khoảng tháng 8 năm 1927, ở Hải Phòng không hiểu tại vì sao, xảy ra việc Việt-Hoa xung đột. Người ta kéo bè đánh người Tàu ở ngoài phố, rồi đến sấn vào phá phách các cửa hàng.

Có người cho đó là thủ đoạn của nhóm thực dân Pháp. Họ bỏ tiền ra thuê bọn du côn gây sự lôi thôi. Nếu người mình giết kiều dân Tàu ở bên này, thì chính phủ Tàu hoài hơi đâu mà giúp đỡ cho bọn cách mệnh Việt Nam ở bên ấy! Biết cái mưu cay độc ấy, anh em Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí mà Tổng Bộ đặt ở Quảng Châu, liền rải truyền đơn vào đêm 22 tháng 8. Trong truyền đơn nói rõ các tình tệ, cuối cùng khuyên người mình, người Tàu, cùng giống da vàng, không nên mắc mưu mà làm những việc vô ý thức như thế! Trái lại, nên đồng tâm hiệp lực mà tẩy uế chế độ thực dân là mối hại chung! Truyền đơn ấy rải ra, người Hải Phòng bị bắt lung tung. Ng. M. B., một văn sĩ kiêm y sĩ, liền tâu với sở mật thám là có lẽ do anh Phạm Tuấn Tài rải…

Nguyên chúng tôi khi ấy thấy việc Việt, Hoa xung đột cũng sốt ruột. Sợ nó lan lên đến Hà Nội, liền phải tìm phương đối phó. Một mặt, nhờ các anh em du côn lảng vảng canh các phố Khách, nhất là các hiệu ăn. Nếu kẻ nào đến tìm cách sinh sự với người khách, anh em sẽ thẳng tay trừng trị ngay. Một mặt, đến bảo các ông Bang Trưởng thông tri cho các người Tàu: ‘’Nếu gặp người Việt Nam nào sinh sự thì đừng đối đáp lại một cách nóng nảy quá! Tự nhiên sẽ có đồng bào chúng tôi đến can thiệp và hòa giải’’. Nhưng còn muốn điều tra cho thật rõ nguyên nhân, chúng tôi liền cắt anh Học và Tài xuống Cảng xem xét tận chỗ. Nhân thể đi tuyên truyền hai hạt Hải Phòng, Hải Dương. Các anh đi hôm 24, về hôm 26. Đến 28 thì mật thám đến khám Nam Đồng Thư Xã và bắt anh Tài đem đi. Đó là kết quả về lời trình của B. B. chỉ quen có Tài, nên không tâu gì về Học. Nếu không, Học cũng bị bắt rồi, còn chi! Nhưng khi giải đến Cảng hỏi, thì họ biết là truyền đơn chẳng rải tự tay Tài. Việc đã xảy ra từ ngày 22, nghĩa là hai ngày trước khi tài có mặt ở đây. Vả lại khi khám Thư Xã cũng không bắt được tang vật gì khả nghi cả. Họ liền tha anh Tài về. Tuy vậy, từ đấy anh cũng bị chú ý nhiều hơn trước. Họ cho việc để anh dạy học ở Trường Đỗ Hữu Vị, một trường tập sự của các viên giáo tập, là khá bề lợi hại! Họ rắp tâm đổi anh đi xa hẳn đất Thăng Long.



Nguyễn Thái Học 1902- 1930 (Nhượng Tống) Nguyen22

Hải Phòng khoảng thập niên 1920. Trong ảnh là Phố Paul Bert, nay được gọi phố Điện Biên Phủ.

_________________________
Nguyễn Thái Học 1902- 1930 (Nhượng Tống) Love10

Sông rồi cạn, núi rồi mòn
Thân về cát bụi, tình còn hư không
Về Đầu Trang Go down
Ai Hoa

Ai Hoa

Tổng số bài gửi : 10549
Registration date : 23/11/2007

Nguyễn Thái Học 1902- 1930 (Nhượng Tống) Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Nguyễn Thái Học 1902- 1930 (Nhượng Tống)   Nguyễn Thái Học 1902- 1930 (Nhượng Tống) I_icon13Fri 17 Sep 2021, 11:05

Chương X: VIỆC BẮC NINH


Ngoài việc Hải Phòng, hồi ấy còn có một việc nữa là việc Bắc Ninh.

Muốn cho hạ cái khí bất bình của cả một dân tộc đã chứa chất lại bao năm, một số anh em thảo dã, anh hùng ở Bắc Ninh, mưu tính làm một việc khởi nghĩa. Đứng đầu việc ấy là ông Quản Trạc, và giúp sức vào có cả các dư đảng của Hoàng Hoa Thám khi xưa. Anh em chế bom, anh em rèn gươm, dao. Anh em định lấy hai điểm: Bắc Ninh và Đáp Cầu. Nghe chúng tôi ở Hà Nội có ít nhiều đồng chí, anh em liền phái người sang nhờ chúng tôi giúp sức.

Gặp nhau trên gác Nam Đồng, tôi bảo người sứ giả:

– Dù cho lấy được hai nơi ấy nữa, chỉ trong ba hôm, chúng ta sẽ bị đè bẹp: Gần Hà Nội quá!

Sứ giả đáp:

– Phần thua thì cầm chắc, nhưng ít ra nó cũng ảnh hưởng được bằng việc Thái Nguyên.

Tôi nói:

– Dân ta còn yếu lắm! Yếu vì thiếu tổ chức. Hiện nay các đồng chí xa gần đương bắt đầu tổ chức. Đó là một hy vọng. Nếu việc các ông làm mà hỏng, nhóm thực dân tất hạ độc thủ với các nhóm bí mật. Một khi tan rữa, các nhóm ấy gây dựng bao giờ cho lại ? Thời chưa đến. Việc các ông làm thấy lợi ít mà hại nhiều.

Sứ giả cười:

– Ông còn trẻ, ông có thể đợi thời! Anh em chúng tôi phần nhiều đứng tuổi cả rồi, không làm ngay, sợ xương mục cũng như cây cỏ!

Biết thế trận gay go, tôi xoay mặt khác:

– Thôi, cũng phải! Thế nhưng việc Thái Nguyên là làm ra từ tay quân đội sẵn súng. Muốn làm được thế, các ông đã tuyên truyền được binh sĩ làm nội ứng chưa ?

Sứ giả đáp:

– Ở Bắc Ninh đã được vài ông Đội. Ở Đáp Cầu thì phần nhiều là lính Tây với lính Lê Dương cả. Nhưng anh em cũng đã có ít người.

– Vậy phương lược tiến công các ông định ra sao ?

– Chúng tôi định đánh ở ngoài vào. Nửa đêm anh em sẽ đem bom ném vào các trại. Và nhân lúc chúng rối loạn không đề phòng, ta sẽ ra tay. Sáng ngày sẽ lấy súng, đạn, đánh Hà Nội!

Tôi mỉm cười.

– Tôi thì không tin như thế. Tôi cho rằng đồn nào nó cũng có lính gác, và có tường, có rào cẩn thận. Trong lúc anh em tiến vào, lính gác sẽ hô: ‘’Muốn sống thì dừng lại!’’ Không dừng…, chúng bắn. và chúng hô thêm người bắn. Gươm, dao, đòn đoản, chống đòn trường sao được! Anh em sẽ có kẻ quăng cả dao mà chạy! Sáng hôm sau, các báo sẽ đăng là: ‘’Đêm qua hai đồn 15 lính Bắc Ninh và Đáp Cầu suýt mất trộm. May lính gác không ngủ, bắn súng ra thì kẻ trộm ù chạy, quăng lại mấy con dao bây!’’ Ấy thế! Làm gì có tiếng tăm được bằng việc Thái Nguyên!

Giọng nói hài hước ấy đã làm cho sứ giả mặt nẩy hồng quang! Và cũng làm cho tôi suýt nữa mất đầu! Số là đến khi anh em họp bàn thì đa số quyết nghị là nên đem toàn lực ra giúp anh em bên kia. Tôi và anh Vũ Hiển viện bao nhiêu lý do ra đều vô công hiệu.

Câu hỏi cuối cùng của tôi:

– Cố nhiên là chúng ta không sợ chết rồi, nhưng xin hỏi các anh: Chúng ta làm việc cốt được việc hay cốt lấy chết ?

Một anh trả lời tôi:

– Chúng ta hãy làm lấy chết đã! Sẽ có những người tiến sau ta làm lấy được việc!

Sau một tràng pháo tay, đến một hồi bốn tường im phắc. Tôi và anh Hiển thở dài cúi đầu để anh em cắt việc. Việc của tôi là phải thảo một tờ hịch. Thảo xong, giao xong, tôi nằm trên gác Nam Đồng mà chờ chết!

Nhưng cái chết đã không tới. Vì cái mưu của anh em bên Bắc bị bại lộ, và khắp nơi xảy ra những việc khám nhà, bắt người!

Mấy hôm sau, anh Hiển bảo tôi:

– Anh có biết không ? Anh em bên Bắc yêu cầu giết anh với tôi trước khi khởi sự ở Hà Nội.

Từ đấy, anh Hiển không làm việc với chúng tôi nữa. Có lẽ vì thấy anh em nóng nảy quá, có thể gây cho anh cái chết chẳng đành lòng.

Về việc này, một tên thám tử chơi với Anh Học (tên nào ?) có hót với chủ rằng: ‘’Việc Bắc Ninh, nếu không có Học ngăn lại, thì đã xảy ra rồi!’’

Câu ấy đã hoàn toàn không đúng với sự thực.



Nguyễn Thái Học 1902- 1930 (Nhượng Tống) Nguyen23

Bắc Ninh

_________________________
Nguyễn Thái Học 1902- 1930 (Nhượng Tống) Love10

Sông rồi cạn, núi rồi mòn
Thân về cát bụi, tình còn hư không
Về Đầu Trang Go down
Ai Hoa

Ai Hoa

Tổng số bài gửi : 10549
Registration date : 23/11/2007

Nguyễn Thái Học 1902- 1930 (Nhượng Tống) Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Nguyễn Thái Học 1902- 1930 (Nhượng Tống)   Nguyễn Thái Học 1902- 1930 (Nhượng Tống) I_icon13Wed 22 Sep 2021, 11:32


Chương XI: TỔNG BỘ ĐẦU TIÊN


Những việc tôi vừa nhắc lại, toàn là những việc xảy ra khi Việt Nam Quốc Dân Đảng chưa ra đời, mà chúng tôi mới chỉ là một nhóm anh em đồng chí.

Trên, tôi đã nói đến cuộc hội đồng cuối năm 1927. Kỳ ấy, nay tôi nhớ lại, tất cả mọi người trong đệ nhất chi bộ chúng tôi đều xuất tịch. Trái lại, ở các nơi, mỗi tỉnh cử về có một người. Một cuộc hội họp ngót bốn chục người mà cơ hồ nghe rõ cả từng con muỗi bay. Chúng tôi nói nhỏ mà anh em cũng đủ nghe. Anh Học làm chủ tịch, còn anh Đạt đứng giữ trật tự. Vẻ im lặng tôn nghiêm làm cho người ta nghĩ đến những việc thiêng liêng, cao cả. Tôi tưởng đâu như hết thảy các vị anh hùng cứu quốc đương đứng ở trên đầu trên cổ mà chứng giám chúng tôi.

Do kỳ hội nghị ấy, bầu nên một Tổng Bộ lâm thời. Tổng Bộ gồm có mười lăm người: Anh Học làm Chủ Tịch, anh Nghiệp làm Phó Chủ Tịch. Ban Tuyên Truyền thì tôi làm Trưởng Ban, anh Cử Nhân Lê Xuân Hy làm Phó. Ngoại Giao: Anh Nguyễn Ngọc Sơn, anh Hồ Văn Mịch. Giám Sát: Anh Nguyễn Hữu Đạt, anh Hoàng Trác. Tài Chính: Anh Đặng Đình Điển, anh Đoàn Mạnh Chế. Ám Sát: Anh Hoàng Văn Tùng. Tổ Chức: Anh Phó Đức Chính, anh Lê Văn Phúc. Ban Binh Vụ bấy giờ chưa đặt. Còn anh Phạm Tiềm, anh Tưởng Bảo Dân, nay tôi quên không rõ thuộc ban nào.

Anh Phạm Tuấn Tài sở dĩ không ở Tổng Bộ là vì khi anh đã phải đổi đi dạy học ở Tuyên Quang.

Tổng Bộ đầu tiên ấy đã làm việc trong sáu tháng đầu. Dưới đây xin lần lượt kể công việc đã làm trong thời kỳ ấy.



Nguyễn Thái Học 1902- 1930 (Nhượng Tống) Nguyen24

Phó Đức Chính (1907-1930)

_________________________
Nguyễn Thái Học 1902- 1930 (Nhượng Tống) Love10

Sông rồi cạn, núi rồi mòn
Thân về cát bụi, tình còn hư không
Về Đầu Trang Go down
Ai Hoa

Ai Hoa

Tổng số bài gửi : 10549
Registration date : 23/11/2007

Nguyễn Thái Học 1902- 1930 (Nhượng Tống) Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Nguyễn Thái Học 1902- 1930 (Nhượng Tống)   Nguyễn Thái Học 1902- 1930 (Nhượng Tống) I_icon13Wed 22 Sep 2021, 11:35


Chương XII: VIỆC LIÊN LẠC NHÀ BINH VÀ CÁC NƠI TRONG NƯỚC


Sau khi anh Tài đổi đi Tuyên Quang, vào khoảng đầu năm 1928, Nam Đồng Thư Xã đã tự đóng cửa, vì không còn xuất bản được cuốn sách nào nữa. Tên Chánh Mật Thám Hà Nội đã bảo tôi:

– Anh đừng ra sách nữa. Ra cuốn nào, chúng tôi sẽ tịch thu cuốn ấy. Anh hẳn những mất công viết, còn mất cả tiền in!

Vậy Thư Xã chỉ còn là chỗ ở của Anh Học, để anh em các nơi về tạm trú hay họp hội đồng.

Ban Binh Vụ khi ấy chưa đặt. Tuy vậy, anh Học, đã bắt đầu chú ý đến anh em võ trang, nhất là các hạ sĩ quan trẻ tuổi. Các chi bộ nhà binh ở Hà Nội, ở Chùa Thông, ở Sơn Tây, ở Hải Phòng, ở Yên Viên và ở các nơi khác, kế tiếp nhau thành lập. Và nhờ các đồng chí ở trong quân đội, anh đã lấy được những địa đồ quân sự, những phương lược động binh và cấp báo của các Bộ Tham Mưu.

Còn các chi bộ khác thì có hồ khắp các Tỉnh Bắc Việt, cho đến những nơi xa lánh như Lạng Sơn, Hàng Mỏ, Lao Kay, đâu đâu cũng có anh em đồng chí cả.

Ở Trung Việt, từ Vinh trở vào, không hề có Quốc Dân Đảng, trừ ra có Cụ Phan Bội Châu vui lòng nhận chức danh dự chủ tịch. Ngoài ra, người ta vào cả Tân Việt hoặc Thanh Niên.

Việc hợp nhất với hai đảng ấy giao thiệp mãi không thành. Không phải vì chủ trương hay quy tắc khác nhau. Mà chỉ là: Tân Việt thì cho chúng tôi làm việc trống trải quá. Thanh Niên thì khăng khăng đòi đặt Tổng Bộ ở ngoài nước. Ở Nam Việt, sau khi anh Sơn, anh Mịch vào tuyên truyền (Hè 1928) Quốc Dân Đảng thì có thành lập được một tỉnh bộ và mấy chi bộ. Đảng viên ở đấy tuy ít nhưng bền vững. Bởi thế anh em còn kế tục phấn đấu cho mãi đến ngày nay.

Nhân nói đến Ban Binh Vụ, tôi tưởng nên nhắc đến việc binh khí ở đây. Anh Học đi đâu thường mang súng ngắn trong người. Một hôm vào chỗ tôi trú, tôi thấy Anh bỏ cặp nặng quá, mở ra coi thì ba khẩu súng tay! Anh vẫn xách cái cặp ấy đi ngang nhiên ở giữa phố ban ngày! Mà không phải một lần như thế.


Nguyễn Thái Học 1902- 1930 (Nhượng Tống) Nguyen25

Hà Nội năm 1928. Trong ảnh là khu vực Hồ Gươm, nay được gọi là Hồ Hoàn Kiếm

_________________________
Nguyễn Thái Học 1902- 1930 (Nhượng Tống) Love10

Sông rồi cạn, núi rồi mòn
Thân về cát bụi, tình còn hư không
Về Đầu Trang Go down
Sponsored content




Nguyễn Thái Học 1902- 1930 (Nhượng Tống) Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Nguyễn Thái Học 1902- 1930 (Nhượng Tống)   Nguyễn Thái Học 1902- 1930 (Nhượng Tống) I_icon13

Về Đầu Trang Go down
 
Nguyễn Thái Học 1902- 1930 (Nhượng Tống)
Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Similar topics
-
» Việt Sử Giai Thoại - Tập 4 - Nguyễn Khắc Thuần
» Danh tướng Việt Nam 3 - Nguyễn Khắc Thuần
» Còn chút gì để nhớ - Nguyễn Nhật Ánh
» Hình Tự Chụp + tự Vẽ và Sưu Tầm lắp ghép
» Thơ Xướng Hoạ : Hoạ thơ cu> Tản Đà Nguyễn khắc Hiếu
Trang 1 trong tổng số 4 trangChuyển đến trang : 1, 2, 3, 4  Next

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
daovien.net :: VƯỜN VĂN :: Truyện Sưu tầm :: Hồi ký, tuỳ bút-