Trang ChínhTìm kiếmLatest imagesVietUniĐăng kýĐăng Nhập
Bài viết mới
BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-1965 - LM CAO VĂN LUẬN by Trà Mi Today at 12:48

LỀU THƠ NHẠC by Trà Mi Today at 12:15

NỒI CƠM KHỔNG TỬ by mytutru Yesterday at 23:23

Hơn 3.000 bài thơ tình Phạm Bá Chiểu by phambachieu Yesterday at 22:49

Trang Thơ Phạm Đa Tình by Phạm Đa Tình Yesterday at 20:46

Thơ Nguyên Hữu 2022 by Nguyên Hữu Yesterday at 20:07

Xem tướng mạo đàn ông ngoại tình, lăng nhăng by Trà Mi Tue 26 Mar 2024, 12:32

Giọng hát "Cọp nhai đậu phộng" by Trà Mi Tue 26 Mar 2024, 12:29

Những Bài Giảng Hay Thầy Thích Pháp Hoà by mytutru Tue 26 Mar 2024, 07:39

Khoảnh Khắc Vui Với Đường Thi by Tam Muội Mon 25 Mar 2024, 00:30

Con Đường Tâm Mytutru TKN Đào Liên by mytutru Sun 24 Mar 2024, 23:42

Tranh Thơ Viễn Phương by Viễn Phương Sat 23 Mar 2024, 02:26

Mái Nhà Chung by mytutru Fri 22 Mar 2024, 20:26

Người Em Gái Da Vàng by Viễn Phương Fri 22 Mar 2024, 19:10

Một thoáng mây bay 12 by Ai Hoa Fri 22 Mar 2024, 07:06

TRUYỆN KIỀU CÓ TRƯỚC ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH, VÀ LÀ CỦA VIỆT NAM ??? by Trà Mi Thu 21 Mar 2024, 10:43

Thơ Tú_Yên phổ nhạc by Tú_Yên tv Wed 20 Mar 2024, 11:16

Chùm thơ "Có lẽ..." by Tú_Yên tv Wed 20 Mar 2024, 11:07

Lục bát by Tinh Hoa Mon 18 Mar 2024, 07:21

PHÁP VIỆN MINH ĐĂNG QUANG TĂNG NI & Đại Chúng by mytutru Mon 18 Mar 2024, 00:55

SƯ TOẠI KHANH (những bài giảng nên nghe) by mytutru Sat 16 Mar 2024, 20:15

Putin dối trá khi trả lời Tucker Carlson by Trà Mi Fri 15 Mar 2024, 11:39

Trang thơ Tú_Yên (P2) by Tú_Yên tv Fri 15 Mar 2024, 11:20

7 chữ by Tinh Hoa Fri 15 Mar 2024, 03:27

BẮT CÁ TRỜI MƯA by Phương Nguyên Wed 13 Mar 2024, 20:48

5 chữ by Tinh Hoa Wed 13 Mar 2024, 07:56

Tiến Trình Tu Học Phật - Thành Phật by mytutru Mon 11 Mar 2024, 23:17

Tập Mỗi Ngày by mytutru Mon 11 Mar 2024, 22:48

Lan ĐV 8 by buixuanphuong09 Mon 11 Mar 2024, 11:06

SẦU LY BIỆT by Phương Nguyên Mon 11 Mar 2024, 08:02

Tự điển
* Tự Điển Hồ Ngọc Đức



* Tự Điển Hán Việt
Hán Việt
Thư viện nhạc phổ
Tân nhạc ♫
Nghe Nhạc
Cải lương, Hài kịch
Truyện Audio
Âm Dương Lịch
Ho Ngoc Duc's Lunar Calendar
Đăng Nhập
Tên truy cập:
Mật khẩu:
Đăng nhập tự động mỗi khi truy cập: 
:: Quên mật khẩu

Share | 
 

 Âm nhạc trong Truyện Kiều - Trần văn Khê

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Tác giảThông điệp
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7086
Registration date : 01/04/2011

Âm nhạc trong Truyện Kiều - Trần văn Khê Empty
Bài gửiTiêu đề: Âm nhạc trong Truyện Kiều - Trần văn Khê   Âm nhạc trong Truyện Kiều - Trần văn Khê I_icon13Fri 12 Jun 2020, 10:23

Âm Nhạc trong Truyện Kiều


GS Trần Văn Khê

Âm nhạc trong Truyện Kiều - Trần văn Khê Kieu1_10

Chưa có trong một tác phẩm văn chương nào của Việt Nam mà âm nhạc được nhắc đến nhiều như trong truyện Kiều của Nguyễn Du. Khi muốn mạn đàm về âm nhạc trong truyện Kiều, chúng ta có thể đặt ra nhiều câu hỏi như sau:

Câu hỏi thứ nhứt: Thúy Kiều dùng cây đàn gì?

Âm nhạc trong Truyện Kiều - Trần văn Khê Kieu2_10

Những họa sĩ thiết kế trang bìa thường vẽ Thúy Kiều ôm cây đàn Tì bà. Riêng tôi, tôi đã trả lời câu hỏi này từ lâu, đã có in ra bằng Pháp ngữ và Việt ngữ những tiểu luận về cây đàn ấy và đã khẳng định rằng Thúy Kiều không đàn cây Tì bà như phần đông các họa sĩ đã vẽ. Cây đàn trong tay Thuý Kiều vừa có thùng đàn tròn như mặt trăng: “Trên hiên treo sẵn cầm trăng”; Cây đàn ấy lại có bốn dây “Bốn dây to nhỏ nên vần cung thương”. Cây đàn đó phải là một loại với Hồ cầm “Nghề riêng ăn đứt, Hồ cầm một trương”.

Sau khi xem trong sách Thích danh và Tự điển Từ Nguyên - Từ Hải thì chỉ có ba cây đàn thuộc về Tì Bà loại: tứ huyền Tì bà, ngũ huyền Tì bà và Nguyễn Tì bà. Ba cây đàn ấy đều có thể được gọi là Hồ cấm. Nhưng hai cây đầu thì thùng đàn hình bầu dục chỉ có cây Nguyễn Tì bà tên thật là Nguyễn cầm do Nguyễn Hàm đời Tấn chế ra. Đàn có thùng hình tròn như mặt trăng, có bốn dây, cần dài hơn Nguyệt cầm của Trung Quốc, hiện đã thất truyền tại Trung Quốc, chỉ còn hình vẽ của Nguyễn cầm trong động Đôn Hoàng và một cây đàn nguyên bản trong Bảo tàng viện Shosoin tại Nara, Nhựt Bổn. Chúng ta cũng không thể nói đó là cây đàn nguyệt vì chữ Hán gọi là “Yue Qin” tức Nguyệt cầm thì thùng đàn tròn mà cần đàn rất ngắn thường ở trong tay người bán hàng rong chứ người quí tộc không sử dụng Yue Qin. Tiếng Việt đàn Nguyệt cầm ngày nay gọi là đàn Nguyệt dưới thời cụ Nguyễn Du không được gọi là Nguyệt cầm mà mang tên đàn Song Vận. Điều này phỏng theo tư liệu đã in trong quyển “Đại Thanh hội điển sự lệ”, sử gia Trung Quốc có chép lại tên các cây đàn của dàn nhạc An Nam quốc nhạc, là một trong chín dàn nhạc của nước ngoài có mặt tại triều nhà Thanh tức là một thời đại với Nguyễn Du.

Vậy cây đàn Thúy Kiều sử dụng phải là Nguyễn cầm. Cụ Nguyễn Du có lẽ thích cây đàn Nguyễn cầm nên để nó trong tay Thuý Kiều và cả một người danh cầm khác ở làng Long Thành trong bài viết bằng chữ Hán có mấy câu:

“ Long Thành cầm giả ca ....

Độc thiện Nguyễn cầm ...”


Có nghĩa là một người ca nhi biết đờn Cầm ở làng Long Thành, chuyên đờn rất hay cây Nguyễn cầm.

Âm nhạc trong Truyện Kiều - Trần văn Khê Kieu310


Câu hỏi thứ hai: Trong cả truyện, Kiều đã đàn bao nhiêu lần, đàn cho ai nghe và trong dịp nào?


Kể cả những lần Nguyễn Du chỉ nói phớt qua thì Thuý Kiều đàn tất cả tám lần.

- Lần thứ nhứt, Kiều đàn cho Kim Trọng nghe khi gặp gỡ lần đầu. Kim Trọng tự tay lấy cây đàn “Cầm trăng”, dâng đàn lên ngang mày và yêu cầu Thúy Kiều đàn cho mình nghe vì đã biết tiếng Thúy Kiều là một danh cầm. Lần này, tác giả đã dùng tới hai mươi tám câu thơ (từ câu 463 đến câu 490).

Rằng nghe nỗi tiếng cầm đài
Nước non luống những lắng tai Chung Kỳ
Thưa rằng: “Tiện kỹ sá chi
Đã lòng dạy đến, dạy thì phải vâng”
Hiên say treo sẵn cầm trăng
Vội vàng sinh đã tay nâng ngang mày.
Nàng rằng: “Nghề mọn riêng tay
Làm chi cho bận lòng nầy lắm thân!”
So lần dây Vũ dây Văn
Bốn dây to nhỏ theo vần Cung, Thương.
Khúc đau Hán Sở chiến trường
Nghe ra, tiếng sắt tiếng vàng chen nhau.
Khúc dâu Tư Mã Phượng cầu
Nghe ra như oán như sầu phải chăng !
Kê Khang, nầy khúc Quảng lăng
Một rằng lưu thủy, hai rằng hành vân.
Quá quan, nầy khúc Chiêu Quân
Nửa phần luyến chúa, nửa phần tư gia.
Trong như tiếng hạc bay qua
Đục như tiếng suối mới sa nửa vời
Tiêng khoan như gió thoảng ngoài
Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa.
Ngọn đèn khi tỏ khi mờ
Khiến người ngồi đó cũng ngơ ngẩn sầu
Khi tựa gối, khi cúi đầu
Khi vò chín khúc khi chau đôi mày.
Rằng: “Hay thì thật là hay
Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào!”


- Lần thứ nhì, khi Mã Giám Sinh đến làm trung gian lấy ba trăm lạng bạc mà chuộc tội cho Vương Ông, đã gạt Thúy Kiều bắt nàng phải đàn cho mình nghe và gầy cuộc trăng hoa (câu 640: “Ép câu cầm nguyệt thử bài quạt thơ”)

Âm nhạc trong Truyện Kiều - Trần văn Khê Kieu410

Tranh của Họa sĩ Ngọc Mai

- Lần thứ ba, Kiều bị bắt buộc phải đàn khi tiếp khách trong lầu xanh (câu 1246: “Cung cầm trong nguyệt nước cờ dưới hoa”).

- Lần thứ tư, sau khi gặp Thúc Sinh trong lầu xanh, một hôm Kiều có đàn cho Thúc Sinh nghe (câu 1298: “Bàn vây điểm nước, đường tơ họa đàn”).

- Lần thứ năm, khi Hoạn Thơ biết chồng mình là Thúc Sinh đã dan díu với một khách làng chơi là Thúy Kiều thì tìm cách bắt nàng về nhà hành hạ như một hoa nô. Khi biết Thúy Kiều có tiếng đàn hay, một hôm, Hoạn Thơ bảo Thúy Kiều đàn cho mình nghe (câu 1777 đến 1780).

Phải đêm êm ả chiều trời
Trúc tơ hỏi đến nghề chơi mọi ngày
Lĩnh lời nàng mới lựa dây
Nỉ non thánh thót dễ say lòng người.


Sau khi nghe Thúy Kiều “lên dây nắn phím” thì Hoạn Thơ cũng có chút thương tài mà đối đãi bớt phần nghiêm khắc.

- Lần thứ sáu, khi Thúc Sinh về nhà, Hoạn Thơ chẳng những bắt Thúy Kiều dâng rượu để “làm cho nhìn chẳng được nhau”, lại còn bắt nàng đàn cho Thúc sinh nghe (câu 1850 đến 1862).

“...Bản đàn thử dạo một bài chàng nghe!”
Nàng đà tán hón tê mê
Vâng lời ra trước bình the vặn đàn;
Bốn dây như khóc như than
Khiến người trên tiệc cũng tan nát lòng!
Cũng trong một tiếng tơ đồng
Người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm
Giọt châu lả chả khôn cầm
Cúi đậu chàng những gạt thầm giọt Tương
Tiểu thư lại thét lấy nàng
“ Cuộc vui gây khúc đoạn trường ấy chi?
Sao chẳng biết ý tứ gì?
Cho chàng buồn bã tội thì tại ngươi”


- Lần thứ bảy, khi Hồ Tôn Hiến gạt Thúy Kiều khuyên Từ Hải ra hàng, phục binh bất ngờ xuất hiện. Từ Hải mặc dầu võ dõng nhưng “mãnh hổ nan địch quần hồ” nên đã bị tử trận và chết đứng. Sau khi đó, Hồ Tôn Hiến đã bắt Thúy Kiều dâng rượu và ép nàng phải đàn cho mình nghe (câu 2567 đến 2578).

Bắt nàng thị yến dưới màn
Dở say lại ép cung đàn nhặt tâu
Một cung gió thảm mưa sầu
Bốn dây nhỏ máu năm đầu ngón tay
Ve ngâm vượn hót nào tày
Lọt tai Hồ cũng nhăn mày rơi châu.
Hỏi rằng: “Này khúc ở đâu?
Nghe ra muôn oán nghìn sầu lắm thay!”
Thưa rằng: “Bạc mệnh khúc nầy
Phổ vào đàn ấy những ngày còn thơ
Cung cầm lựa những ngày xưa
Mà gương bạc mệnh bây giờ là đây”


- Lần thứ tám, đàn cho Kim Trọng nghe lúc tái ngộ, đoàn viên (từ câu 3197 đến 3206).

Phím đàn dìu dặt tay tiên
Khói trầm cao thấp, tiếng huyền gần xa
Khúc đâu đầm ắm dương hoà
Ấy là hồ điệp hay là Trang sinh.
Khúc đâu êm ái xuân tình
Ấy hồn Thục đế hay mình Đỗ Quyên
Trong sau châu nhỏ duềnh quyên
Ấm sao hạt ngọc Lam điền mới đông
Lọt tai nghe suốt năm cung
Tiếng nào là chẳng não nùng xôn xao.


Khi xem qua tám lần ấy, chúng ta thấy rằng Thúy Kiều chưa lần nào tự nguyện mà đàn. Đối với Từ Hải, người đã giúp cho Kiều báo ân, báo oán, nàng chưa một lần nào đàn cho chàng nghe. Lần quan trọng nhứt là lần đầu khi Kiều đàn cho Kim Trọng theo lời yêu cầu của chàng, tác giả tả rành mạch tiếng đàn và kể tên cả những bản đã đàn.

Âm nhạc trong Truyện Kiều - Trần văn Khê Kieu510

Tranh của Họa sĩ Ngọc Mai


(còn tiếp)
Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7086
Registration date : 01/04/2011

Âm nhạc trong Truyện Kiều - Trần văn Khê Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Âm nhạc trong Truyện Kiều - Trần văn Khê   Âm nhạc trong Truyện Kiều - Trần văn Khê I_icon13Mon 15 Jun 2020, 10:34

Âm Nhạc trong Truyện Kiều


GS Trần Văn Khê


Câu hỏi thứ ba: Thúy Kiều đã đàn những bản gì?

Bản đàn được nhắc đầu tiên mang tên “Bạc mệnh” (câu 34: “Một thiên bạc mệnh lại càng não nhân”). Thúy Kiều đã soạn bài đó nhưng khi đàn lần đầu cho Kim Trọng nghe lại không dùng bài đó mà chỉ đàn khi bắt buộc phải đàn cho Hồ Tôn Hiến (câu 2575 đến 2578).

Lúc gặp Kim Trọng lần đầu, bản đàn của Thúy Kiều biểu diễn được Nguyễn Du mô tả bằng câu thơ: “Khúc đâu Hán Sở chiến trường” nhưng ngang qua đó, chúng ta có thể đoán được tên những bản đàn Tì bà Trung Quốc được nổi tiếng đến bây giờ mà Thuý Kiều đã đàn.

Sách Sử ký có ghi lại rằng dưới đời Tần, Lưu Bang và Hạng Võ cùng nhau đánh vua Tần. Khi thắng trận, Hạng Võ tự xưng mình là Tây Sở Bá vương còn Lưu Bang trở thành Hán vương. Hai nước Hán và Sở đều muốn mở rộng bờ cõi nên có sự giao tranh. Trong một trận lớn Sở Bá vương bị vây trong thành Cát Hạ thì lúc đó muốn thoát khỏi vòng vây phải cởi giáp nặng nề để phi ngựa ra khỏi chiến trường. Trong những bài bản cổ điển cho đàn Tì Bà có hai loại:

- Văn khúc gồm những bài tả cảnh, tả tình nét nhạc êm dịu, tiết tấu hòa hoãn như loại bài “Dương xuân bạch tuyết”, tả cảnh mùa xuân ấm áp khi tuyết vừa tan; hay bài “Xuân giang hoa nguyệt dạ” tả cảnh một đêm trăng đi thuyền trên sông, trên trăng dưới nước dọc hai bên bờ có hoa nở đầy cành.

- Vũ khúc gồm những bài tả lại không khí, khung cảnh của chiến trường như bản “Bá vương xả giáp” tả lúc vua nước Sở cởi giáp để thoát nạn phá được vòng vây đầy gian lao khổ cực vì đi đến cửa nào cũng bị đoàn Hán quân mai phục trong bản“Thập diện mai phục” vượt ra khỏi chiến trường đến sông Ô thì đâm mình để tự tử.

Do đó mà chúng ta có thể nghĩ rằng bản nhạc Thúy Kiều đàn cho Kim Trọng nghe có lẽ thuộc về loại vũ khúc đó. Đặc biệt nhứt trong bài “Thập diện mai phục” từ chương ba đến sau có nhiều đoạn ngón tay giữa của bàn tay trái phải chen vào các dây làm cho tiếng đàn khảy không phát ra các âm có độ cao nhứt định mà nghe như tiếng gươm giáo chạm vào nhau. Nguyễn Du chẳng có câu: “Nghe ra tiếng sắt tiếng vàng chen nhau”. Vì vậy bản đàn Thúy Kiều đàn chỉ có thể  là “Thập diện mai phục”.


Âm nhạc trong Truyện Kiều - Trần văn Khê Kieu610

Tranh của Họa sĩ Ngọc Mai

Sau đó, đến câu “Khúc đâu Tư Mã phượng cầu” thì ai cũng biết rằng bản đàn đó là “Phụng cầu hoàng” mà một nhà danh cầm đời Hán, Tư Mã Tương Như đàn cho Trác Văn Quân nghe. Chúng tôi chỉ muốn nói rõ thêm là bài Phụng cầu hoàng trong nhạc Trung Quốc rất khác xa hai bản “Phụng hoàng”“Phụng cầu” trong âm nhạc tài tử miền Nam trong loạt bốn bài Tứ oán. Có rất nhiều trường hợp bản đàn trùng tên mà nét nhạc chẳng giống nhau. “Danh tương như thực bất tương” như: Bản Nam Ai trong hai truyền thống Ca nhạc Huế và đàn tài tử, bản “Bình sa lạc nhạn” trong cổ nhạc Trung Quốc và trong truyền thống ca nhạc Huế.

Tư Mã Tương Như người ở đất Lâm Cùng, một hôm, đến chơi nhà Trác Vương Tôn và dự tiệc rượu. Con gái của Vương Tôn tên Văn Quân nhan sắc tuyệt vời, nổi tiếng làm thơ hay, ca hát giỏi. Nàng mới góa chồng và ý định thủ tiết thờ chồng. Nàng cũng biết tiếng Tư Mã Tương Như là một người tài hoa, phong nhã nên khi giữa tiệc mọi người yêu cầu Tư Mã Tương Như đánh đàn thì nàng đứng sau cửa nhìn trộm. Tư Mã Tương Như nổi tiếng đàn cổ cầm rất hay. Hôm đó, chẳng những chàng so dây cây Ỷ cầm lại còn sáng tác ra hai khúc ca. Vừa đàn, vừa ca như có ý nhắn nhủ với người đẹp không có mặt ở tiệc rượu nhưng vẫn ở đâu đó trong tư thất để nghe. Ca rằng:

Phượng hề, phượng hề qui cố hương
Du ngao tứ hải cầu kỳ hoàng


Có nghĩa là:

Chim phượng về quê
Sau khi đi ngao du bốn biển để tìm chim hoàng đẹp

Hữu nhứt diễm nữ đại thức tương
Thất nhi nhân hà độc ngã trang
Hà do giao tiếp vị uyên ương


Có nghĩa là:

Có một người con gái đẹp ở nơi đây, ngay trong nhà này
Phòng gần, người xa làm khô héo ruột gan ta
Biết làm sao gặp gỡ được nhau để trở thành đôi uyên ương.

Sau khi nghe bài ca và tiếng đàn của Tư Mã Tương Như, Trác Văn Quân vô cùng xúc động và đêm đó đã thu xếp hành lý bỏ nhà theo chàng.

Tiếp theo từ câu 477 đến câu 478

“Kê Khang này khúc Quảng Lăng
Một rằng lưu thuỷ hai rằng hành vân”.


Kê Khang, theo sách Thông chí là người ở nước Ngụy sống vào đời Tam quốc, thuộc hạng hào hoa phong nhã, diện mạo khôi ngô, thấm nhuần đạo Lão Trang, được người xưa tôn làm một trong bảy vị hiền trong phái Trúc Lâm Thất hiền. Một đêm, ở trọ trong Hoa Dương Đình, vùng Lạc Tây, lấy đàn cầm ra gẩy. (Đàn cầm là một nhạc khí theo tương truyền do vua Phục Hy chế ra. Mặt đàn cong như vòm trời, lưng đàn phẳng như mặt đất (quan điểm của người xưa). Đàn có năm dây tượng trưng cho ngũ hành. Sau Văn vương thêm một dây, Võ vương thêm một dây nên đàn có tất cả là bảy dây. Cây đàn này đã được ở trong tay của những danh cầm như Khổng Tử, người đã sáng tác bản U Lan (Bông Lan trong bóng tối) để bày tỏ lòng mình khi rời nước Lỗ muốn ẩn dật như bông Lan ở trong bóng tối, không ánh sáng mặt trời mà sắc vẫn đẹp, hương vẫn nồng. Bá Nha cũng dùng cổ cầm đàn cho Chung Tử Kỳ nghe đến khi người bạn tri âm quá vãn, đạp cây đàn của mình để không bao giờ đàn nữa vì trên đời này nếu không còn người tri kỷ, tri âm thì tiếng đàn của mình có còn ai hiểu được nữa mà đàn. Đàn cổ cầm cũng là cây đàn mà Tư Mã Tương Như sau khi biểu diễn được nàng Trác Văn Quân bỏ nhà đi theo mình - giải thích thêm của người viết).

Trong lúc Kê Khang đang chìm trong tiếng nhạc thì có người khách lạ đến xin gặp Kê Khang để bàn luận về âm luật. Ngay buổi đó, Kê Khang và vị khách đã trở thành hai người bạn tâm giao. Vị khách quí lấy đàn và soạn ra được một khúc Quảng Lăng. Kê Khang được truyền bản đó và nổi tiếng là người đàn bản Quãng Lăng hay nhứt. Vị khách có tiên phong đạo cốt có dặn Kê Khang là không nên truyền bản đó cho người đời sau. Lúc cuối đời, Kê Khang bị kẻ thù ám hại nên có giai đoạn bản Quảng Lăng bị thất truyền. Nhưng ngày nay, có nhiều nhà nhạc học Trung Quốc tìm đâu được dấu vết của bản Quảng Lăng nên hiện giờ tại Trung Quốc lục địa hay ở Đài Loan, bản Quảng Lăng được các danh cầm trình bày trong những buổi hòa nhạc.

Sau đó là câu:

“Một rằng lưu thuỷ hai rằng hành vân”

Lưu Thủy
Hành Vân, trong nhạc sử của Trung Quốc không thấy nhắc đến hai bản đàn liền nhau như một cặp mà chỉ có tên Lưu Thủy và bản Cao san lưu thủy đều là những bản đàn đặt riêng cho cổ cầm.

Vậy khi cụ Nguyễn Du nói đến “lưu thủy” và “hành vân” có thể là cụ nghĩ tới cách đàn lưu loát và êm dịu như trong Tống sử có một nhân vật là Tô Thức thường ví lời văn hay như “mây trôi nước chảy” (hành vân, lưu thủy).

Sau đó có hai câu:

“Quá quan này khúc Chiêu quân
Nửa phần luyến chúa nửa phần tư gia”


là cụ Nguyễn Du muốn nhắc lại nàng cung nữ nhà Hán tên là Vương Tường nhưng được người đời biết tên là Chiêu Quân, con nhà lương thiện ở đất Tường Qui, nhan sắc tuyệt vời, tài nghệ xuất chúng được tuyển vào cung dưới thời vua Hán Nguyên Đế. Số cung phi rất đông nên vua nhà Hán sai một họa sĩ tên Mạc Duyên Thọ vẽ lại các cung nữ. Nhà vua chỉ nhìn trên bức họa đó mà chọn những người nào vào hầu nhà vua. Các cung tần mỹ nữ đều lo lót cho Duyên Thọ tô điểm thêm để vẽ mình thêm đẹp. Riêng Chiêu Quân không lo lót nên họa sĩ khi vẽ nàng có thêm một nốt ruồi sát phu vì thế mà Chiêu Quân không bao giờ được gọi vào cung. Đến khi Thiền Vu là vua Hung nô đem hậu lễ cống cho vua Hán để mong được chức chư hầu và xin vua cho mình một cung nữ đẹp để đem về làm hoàng hậu thì coi theo hình vẽ vua chọn Chiêu Quân. Đến khi đem Chiêu Quân ra mắt nhà vua trước khi gả cho Hung nô thì nhà vua giựt mình trước sắc đẹp lộng lẫy của nàng và không hề có nốt ruồi sát phu. Nhà vua muốn lưu Chiêu Quân ở lại nhưng việc đã rồi, không thể nào thay đổi. Chiêu Quân khi phải lên đường để đi đến nước Hung nô, lúc qua cửa ải lòng vô cùng xúc động vì rời bỏ quê hương, đất nước nên ôm tỳ bà khảy một khúc đàn để nói lên sự đau khổ của lòng mình và sau đó có rất nhiều nhạc sĩ phỏng theo câu chuyện đó mà đặt ra nhiều bản đàn. Tại Quảng Đông, đầu thế kỷ 20, có một danh ca tên Hồng Tuyến Nữ được cả nước say mê khi cô hát bài “Chiêu Quân xuất tái” và trong một bản đàn Triều Châu truyền sang nước Việt Nam có bản “Quá ngũ quan” còn được thông dụng. Trong các bài ca vọng cổ có bài mà nghệ sĩ Bạch Tuyết trong vai Dương Quí Phi trách An Lộc Sơn không về kịp để cứu mình có dùng bản “Quá ngũ quan” giữa hai đoạn vọng cổ. Bản của Thúy Kiều đàn có lẽ là bản “Quá quan” trong những bản văn khúc đặt cho đàn Tì bà.

Khi lọt vào tay Mã Giám Sinh thì Kiều bị ép buộc phải đàn một bản và đề thơ vịnh quạt để thử tài thì chúng ta chỉ thấy câu thơ: “Ép cung cầm nguyệt thử bài họa thơ” mà không biết Kiều đàn bản gì.

Đến khi vào lầu xanh, Tú Bà sau khi biết tài Thúy Kiều thì bắt buộc Kiều khi tiếp khách phải đàn và đánh cờ trong câu: “Cung cầm trong nguyệt, nét cờ dưới hoa”. Biết Thúy Kiều có đàn nhưng đàn bản gì chúng ta cũng không rõ.

Khi gặp Thúc Sinh, lúc đầu còn ngại ngùng nhưng lâu ngày thì:

“Khi hương sớm, khi trà trưa
Bàn vây điểm nước, đường tơ họa đàn”


Có đàn, có đánh cờ nhưng chúng ta cũng không biết đàn bản gì.

Lúc Hoạn Thơ bắt được Kiều về nhà, đày đoạ Kiều như một nô tỳ. Một hôm muốn biết tài Thúy Kiều nên “Trúc tơ hỏi đến nghề chơi mọi ngày”. Thúy Kiều “Lĩnh lời nàng mới lựa dây, nỉ non thảnh thót dễ say lòng người”. Sau buổi đó, Hoạn Thơ đối với Kiều có phần nhẹ nhàng hơn nhưng chúng ta cũng không biết Thúy Kiều đàn bản gì.

Khi Thúc Sinh về nhà, Hoạn Thơ bắt Kiều phải hầu tiệc rót rượu như một hoa nô và bảo Kiều đàn cho Thúc Sinh nghe. Có lẽ Thuý Kiều đàn một bản buồn lắm mặc dầu không nói tên ra nhưng cụ Nguyễn Du đã viết:

“Bốn dây như khóc như than
Khiến người trên tiệc cũng tan nát lòng”


Thúc Sinh nghe lã chã dòng châu, Kiều lại một phen bị Hoạn Thơ mắng: “Cuộc vui gẩy khúc đoạn trường ấy chi”. Và cũng như những lần khác, chúng ta không biết Thúy Kiều đàn bản gì.

Trong đoạn sau, khi Kiều bị Hồ Tôn Hiến gạt và bắt buộc đàn cho Hồ Tôn Hiến nghe.

“Bắt nàng thị yến dưới màn
Dở say lại ép cung đàn nhặt tâu”...
“Một cơn gió thảm mưa sầu
Bốn dây nhỏ máu năm đầu ngón tay”


Tiếng đàn đã làm cho Hồ Tôn Hiến phải rơi lụy và hỏi nàng đã đàn bản gì.

“Thưa rằng bạc mệnh khúc này
Phổ vào âm ấy những ngày còn thơ”
“Cung cầm lựa những ngày xưa
Mà gương bạc mệnh bây giờ là đây”


Đây là lần đầu tiên nghe Thúy Kiều đàn bản “Bạc mệnh” mà từ trước tới giờ không bao giờ nghe nhắc đến.

Đến khi tái ngộ với Kim Trọng, Kiều một hôm đã đàn lại cho Kim Trọng nghe (từ câu 3197 - 3206)

“Khúc đâu đầm ấm dương hòa
Ấy là hồ điệp hay là Trang sinh”
Khúc đâu êm ái xuân tình
Ấy hồn Thục đế hay mình đỗ quyên ?”
Trong sao, châu nhỏ duềnh quyên
Ấm sao hạt ngọc Lam - điền mới đông”


“Hồ điệp” là con bướm, “Trang sinh” tức là một người con trai tên Trang Chu người ở huyện Mông, nước Lương thời chiến quốc. Trong sách Trang tử có đoạn nói rằng: Trang Chu một hôm nằm chiêm bao thấy mình hóa ra một con bướm. Trong lòng rất vui thích quên hẳn mình là Trang Chu nhưng khi thức giấc thì Trang Chu vẫn là Trang Chu. Trong sách đã có nêu câu hỏi không biết Trang Chu nằm chiêm bao thấy mình thành con bướm hay con bướm thấy chiêm bao biến thành Trang Chu?

Trong cổ nhạc Trung Quốc, chúng tôi chưa gặp bài nào tên “Hồ Điệp”. Trong cổ nhạc Việt Nam, theo truyền thống Huế, thì “Hồ điệp” là một bản rất gần với “cổ bản” theo hơi khách. Nét nhạc vui tươi. Có thể lúc gặp Kim Trọng, tiếng đàn của Kiều không não nùng như khi xưa mà có nét vui tươi của lần tái ngộ và chúng ta cũng không biết rõ đó là bản gì.

“Xuân tình”
đây là tình trong mùa xuân. Trong cổ nhạc Việt Nam miền Trung, có bản “xuân tình điểu ngữ” là tiếng chim rộn rã trong mùa xuân. Trong âm nhạc tài tử miền Nam, có bài “xuân tình chấn” là một trong sáu bản Bắc lớn. Chúng tôi không nghĩ rằng Thúy Kiều đã đàn một trong hai bản đó vì không phải là bản đặc biệt cho đàn Tỳ Bà.

“Thục đế” là vua nước Thục, “Đỗ quyên” là chim quốc cũng gọi là “Tử qui”. Trong sách Hoàn vũ ký có đoạn nhắc vua nước Thục tên là Đỗ Vũ. Khi nhường ngôi vua cho người khác, lên núi Tây Sơn ở ẩn, chết hóa thành con chim Đỗ quyên. Tiếng kêu ai oán. Do đó, chúng tôi hơi ngạc nhiên là cụ Nguyễn Du nói rằng tiếng nhạc êm ái xuân tình. Có thể cụ Nguyễn Du muốn nói Thuý Kiều vì muốn “nể lòng người cũ” nên đàn một bản “êm ái xuân tình” nhưng lòng vẫn sầu bi cho kiếp phận như tiếng kêu ai oán của chim đỗ quyên. Nhưng rồi chúng ta cũng không biết Thuý Kiều đã đàn bản gì.

“Duyềnh ” là vùng biển có trăng soi. “Lam-điền” tên núi ở Thiểm Tây bên Trung Quốc là nơi sanh ra nhiều ngọc quí.

Cả sáu câu này, không nói rõ ra bản gì nhưng ý thơ là lấy trong bài thơ mang tên là “Cầm Sắt” của Lý Thương Ẩn đời Đường:

“Trang sinh hiểu mộng mơ hồ điệp
Thục đế xuân tâm, thác Đỗ quyên
Thương hải nguyệt minh châu hữu lệ
Lam-điền nhựt noãn ngọc sinh yên”


Có nghĩa là:  

Lại một lần nữa chúng ta thấy rằng từ tên bản đàn đến lời thơ của Lý Thương Ẩn đều có liên quan đến đàn Cầm và đàn Sắt chứ không phải đàn Tì Bà nhưng cụ Nguyễn Du dựa trên những ý đẹp đó mà diễn tả tiếng đàn của Thuý Kiều.

Kết luận:


Âm nhạc trong Truyện Kiều - Trần văn Khê Kieu710

GS. Trần Văn Khê

Chưa có trong quyển truyện thơ nào trong văn chương Việt Nam mà tác gỉa đã dành rất nhiều câu về âm nhạc khi nói đến nhân vật chánh như trong truyện Kiều của Nguyễn Du.

Những câu thơ đó chứng tỏ rằng tác gỉa rất yêu âm nhạc và đã đọc khá nhiều sách về cổ nhạc Trung Quốc nên nhắc lại nhiều tên bản đờn danh tiếng và khi miêu tả cách đàn của Thuý Kiều có rất nhiều câu chứng tỏ tác gỉa là người nhận xét tiếng đàn một cách tế nhị và thi vị. Tuy nhiên, khi nhắc đến những bản danh tiếng của cổ nhạc Trung Quốc, cụ Nguyễn Du không để ý rằng ngoài bản “Thập diện mai phục”“Chiêu quân xuất tái” là những bản đặc biệt cho đàn Tì bà còn những bản khác là những bản dành riêng cho cây đàn cổ cầm mà những nhạc khí như Hồ cầm không biểu diễn được.

Vì thế nên khi chú thích những câu thơ của Nguyễn Du nếu phối hợp được sự hiểu biết văn thơ từ ngữ và điển tích với Âm nhạc sử và Âm nhạc học của Trung Quốc ngày xưa mới có thể đầy đủ được.

Trên đây, chúng tôi có hơi nặng về Âm nhạc học nếu có chi sơ sót về mặt văn chương từ ngữ hay điển tích, xin quí bạn độc giả bổ sung, chỉnh lý cho. Chúng tôi rất sẵn sàng lĩnh giáo và chân thành cảm ơn.


Trần Văn Khê
Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7086
Registration date : 01/04/2011

Âm nhạc trong Truyện Kiều - Trần văn Khê Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Âm nhạc trong Truyện Kiều - Trần văn Khê   Âm nhạc trong Truyện Kiều - Trần văn Khê I_icon13Wed 17 Jun 2020, 09:56

THÚY KIỀU CHƠI LOẠI ĐÀN GÌ?

Vương Trung Hiếu

       (Nhân đọc bài “Âm nhạc trong Truyện Kiều” của GS TS Trần Văn Khê)

    Truyện Kiều (chữ Nôm: 傳翹) hay Đoạn Trường Tân Thanh là một truyện thơ nổi tiếng của đại thi hào Nguyễn Du. Truyện này gồm có 3.254 câu thơ viết bằng chữ Nôm theo thể lục bát, nội dung dựa trên tác phẩm Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, Trung Quốc. Hiện nay, nhiều họa sĩ vẽ tranh minh họa cho thấy Thúy Kiều (nhân vật chính trong Truyện Kiều) chơi một loại nhạc cụ có thân đàn hình quả lê với cần thẳng, đầu đàn hơi ngả về phía sau, nhưng một số lại cho thấy loại đàn đó có cần thẳng với đầu đàn cong vểnh ra phía sau.


Âm nhạc trong Truyện Kiều - Trần văn Khê Kieu1710

 
    Theo những miêu tả trên, rõ ràng là Thúy Kiều sử dụng đàn tì bà 4 dây. Có lẽ những họa sĩ ấy đã dựa vào chữ Hồ cầm trong câu Nghề riêng ăn đứt Hồ cầm một trương (câu 33 trong Truyện Kiều) để vẽ tranh, và có thể người đi sau đã dựa vào tranh của người đi trước để tiếp tục “sáng tạo” hình ảnh cây đàn tì bà (?). Có thể họa sĩ đã thấy một số từ điển và tài liệu viết về Truyện Kiều giải thích: “Hồ cầm là một loại đàn tì bà” nên họ mới vẽ như thế. Trên thực tế, đây là cách giải thích sai. Trước khi lý giải vì sao sai, chúng tôi mời các bạn xem qua những câu có chữ Hồ cầm, trích từ 4 bản truyện Kiều bằng chữ Nôm khác nhau:


Âm nhạc trong Truyện Kiều - Trần văn Khê Kieu17101
 

    Trong bốn câu trên, những chữ Hồ 胡 đều giống nhau. Đây là cách mượn nguyên xi chữ hồ 胡 trong chữ Hán để tạo ra chữ Nôm. Tương tự như vậy, chữ cầm 琴 trong câu 3 và 4 cũng lấy nguyên xi từ chữ cầm 琴 trong tiếng Hán. Chữ cầm 琴 này có nghĩa là một loại đàn, kết hợp với chữ hồ 胡 để tạo ra khái niệm Hồ cầm (đàn hồ). Hồ cầm trong truyện Kiều có thể là:

    + Đàn Hồ, một loại đàn dây cung kéo có nguồn gốc từ người Hồ (5) du nhập vào Trung Quốc rồi từ Trung Quốc “lan tỏa” đến Việt Nam. Trong quá trình phát triển tại nước ta, nhạc cụ này có ba biến thể: Hồ, Hồ trung và Hồ đại. Chúng thường có trong biên chế của dàn nhạc dân tộc cổ truyền. Cái tên Hồ cầm đôi khi còn được dùng cho đàn nhị, một loại đàn dây cung kéo khác phổ biến trong cộng đồng người Kinh. Nhiều tộc người thiểu số ở Việt Nam cũng sử dụng các biến thể của loại đàn này với tên gọi khác. Đàn nhị còn được gọi là líu, nhị líu; trong miền nam người ta gọi nó là Đờn cò, người Mường gọi là Cò ke. Cấu trúc và vật liệu làm loại đàn này có khác biệt đôi chút tùy theo tộc người sử dụng (6).

    + Hồ cầm cũng có thể là thuật ngữ nói về Hồ cầm của Trung Quốc. Trong phân loại nhạc cụ của Trung Quốc, Hồ cầm (胡琴, huqin) là từ dùng để gọi chung cho họ đàn dây cung kéo của Trung Quốc chứ không chỉ riêng một nhạc cụ nào đó. Hồ cầm bao gồm những nhạc cụ có cần đàn thẳng nối với thân đàn hình tròn, lục giác hay bát giác. Thí dụ như Bản hồ (板胡), Cách hồ (革胡), Cao hồ (高胡), Da hồ (椰胡, Đê hồ (低胡), Nhị hồ (二胡), Trung hồ (中胡), Trụy hồ (墜胡)… Nhìn chung, các loại Hồ cầm thường có 2 dây, ngoại trừ đàn Tứ hồ (四胡) có 4 dây chỉnh thành 2 cặp.


Âm nhạc trong Truyện Kiều - Trần văn Khê Kieu1712


      Tóm lại, dẫu Hồ cầm là tên gọi của đàn Hồ, đàn nhị hay là thuật ngữ gọi chung cho họ đàn dây cung kéo của Trung Quốc thì chắc chắn rằng hồ cầm không thể là đàn tì bà.

    – Trong bài “Âm nhạc trong Truyện Kiều” (7), GS TS Trần Văn Khê khẳng định: “Thúy Kiều không đàn cây Tì bà như phần đông các họa sĩ đã vẽ.” Chúng tôi đồng ý nhận định này. Tuy nhiên khi đọc tiếp chúng tôi thấy có những điểm cần trao đổi. Giáo sư viết: “Cây đàn trong tay Thuý Kiều vừa có thùng đàn tròn như mặt trăng: “Trên hiên treo sẵn cầm trăng”; Cây đàn ấy lại có bốn dây “Bốn dây to nhỏ nên vần cung thương”. Cây đàn đó phải là một loại với Hồ cầm “Nghề riêng ăn đứt, Hồ cầm một chương”. Điều này có chính xác không?

    Hiện nay nhiều người công nhận “một cách truyền thống” rằng câu Nghề riêng ăn đứt Hồ cầm một trương (trương chứ không phải chương) nhằm nói tới tài chơi Hồ cầm điêu luyện của Thúy Kiều. Có thể họ đã dựa vào Kim Vân Kiều truyện, bởi vì trong tác phẩm này Thanh Tâm Tài Nhân cho biết Thúy Kiều chơi Hồ cầm rất giỏi và cho thấy rằng Kiều đã nhiều lần sử dụng Hồ cầm (đàn cho Kim Trọng, Hoạn Thư, Thúc Sinh và Hồ Tôn Hiến nghe…), nhưng trong Truyện Kiều, thi hào Nguyễn Du lại cho Thúy Kiều chơi một loại đàn khác chứ không phải là Hồ cầm, thể hiện qua chữ “cầm nguyệt, cầm trăng”. Điều này chúng tôi sẽ phân tích ở phần sau.

    Như chúng ta biết, trong toàn bộ truyện Kiều, chữ Hồ cầm chỉ xuất hiện một lần duy nhất, còn Thúy Kiều thì gảy đàn chứ không sử dụng cung kéo (“Cuộc vui gảy khúc đoạn trường ấy chi?”– câu 1860), do đó khó có thể cho rằng Thúy Kiều sử dụng Hồ cầm hoặc cây đàn cùng loại với Hồ cầm. Tuy truyện Kiều có những cụm từ và mệnh đề như ép cung đàn, ép cung cầm nguyệt, cung cầm trong nguyệt, một cung gió thảm mưa sầu… song theo chúng tôi, những chữ cung ở đây dùng để chỉ cung trong âm nhạc chứ không phải là cung kéo của nhạc cụ để có thể liên tưởng tới Hồ cầm.

    Vậy tại sao thi hào Nguyễn Du viết: “Nghề riêng ăn đứt Hồ cầm một trương”? Trước hết, chúng ta phân tích: chữ một ( , 没…) có nghĩa là một (số đếm); còn trương 張 có nghĩa là cây trong văn cảnh của câu. Hồ cầm một trương là cấu trúc đảo từ cho phù hợp với vần của câu và bắt cầu cho trương hợp với chương trong câu kế tiếp: Khúc nhà tay lựa nên chương. Theo chúng tôi, Hồ cầm một trương có nghĩa là một cây Hồ cầm. Có người phân tích rằng “Tài riêng (của Thúy Kiều) ăn đứt (người khác) ở khả năng chơi một cây Hồ cầm”. Nếu phân tích như thế thì rõ ràng công nhận Thúy Kiều sử dụng Hồ cầm rất giỏi (lại một “cách nghĩ truyền thống”). Tại sao chúng ta không thể nghĩ rằng một cây Hồ cầm biểu thị cho người chơi Hồ cầm? Nếu như thế thì Nghề riêng ăn đứt Hồ cầm một trương có nghĩa là tài đánh đàn của Thúy Kiều “ăn đứt” người chơi Hồ cầm, một thủ pháp so sánh chung chung, không cần thiết phải nói rõ đối tượng, người đọc chỉ cần biết là Thúy Kiều chơi đàn rất giỏi. Về sau thi hào Nguyễn Du mới cho biết Thúy Kiều sử dụng loại đàn như thế nào.

     - GS Trần Văn Khê viết: “Sau khi xem trong sách Thích danh và Tự điển Từ Nguyên – Từ Hải thì chỉ có ba cây đàn thuộc về Tì Bà loại: tứ huyền Tì bà, ngũ huyền Tì bà và Nguyễn Tì bà. Ba cây đàn ấy đều có thể được gọi là Hồ cấm. Nhưng hai cây đầu thì thùng đàn hình bầu dục chỉ có cây Nguyễn Tì bà tên thật là Nguyễn cầm do Nguyễn Hàm đời Tấn chế ra. Đàn có thùng hình tròn như mặt trăng, có bốn dây, cần dài hơn Nguyệt cầm của Trung Quốc, hiện đã thất truyền tại Trung Quốc, chỉ còn hình vẽ của Nguyễn cầm trong động Đôn Hoàng và một cây đàn nguyên bản trong Bảo tàng viện Shosoin tại Nara, Nhựt Bổn”.

    Một lần nữa, chúng tôi lại nghĩ khác. Trước tiên xin nói về đàn tì bà. Chúng tôi không biết ba cây tứ huyền Tì bà, ngũ huyền Tì bà và Nguyễn Tì bà mà GS Trần Văn Khê giới thiệu là những loại tì bà đã xuất hiện ở Việt Nam hay ở Trung Quốc. Nếu ở Trung Quốc thì không chỉ có 3 loại đàn tì bà này, chúng tôi xin bổ sung vài loại tì bà khác.

    Từ triều đại Tần – Hán cho đến Tùy – Đường, tất cả nhạc cụ gảy dây ở Trung Quốc đều được gọi là Tì bà (琵琶, pipa). Theo quyển Thích Danh (釋名), trong những văn bản cổ xưa nhất, cái từ “tì bà” dù được viết khác nhau (tì bà 枇杷 hay phê bà 批把) song chúng vẫn có nguồn gốc từ người Hồ 胡. Trong quyển Những ghi chép về đàn tì bà, học giả Đoạn An Tiết (段安節) viết rằng theo một tài liệu cuối thế kỷ thứ 3 (thời nhà Tấn), thuật ngữ “tì bà” đã xuất hiện trong triều đại nhà Tần (221–206 TCN). Đến triều đại nhà Tống (宋朝, 960-1279) thì những nhạc cụ gảy dây khác đã có tên riêng, thuật ngữ “tì bà” chỉ còn được sử dụng độc quyền cho nhạc cụ hình quả lê.

    Về tì bà hình quả lê, theo Mễ An Tiết (米华健), Giáo sư sử học của Đại học Georgetown, có ba loại tì bà mà những nhà nghiên cứu cho rằng chúng có khả năng du nhập từ Trung Đông, vương quốc cổ Gandhāra (tiếng Phạn: गन्धार) hay Ấn Độ vào miền bắc Trung Quốc trong thế kỷ thứ 4. Loại thứ nhất gọi là Hồ tì bà (胡琵琶, Hu pipa); thứ hai là Quy từ tì bà (龜茲琵琶, Kuche pipa), có cần đàn cong với 4 chốt chỉnh dây và 4 dây đàn; còn loại thứ ba là Ngũ huyền tì bà (五弦琵琶, wuxian pipa), có cần đàn thẳng, 5 chốt chỉnh và 5 dây. Trong quyển Phong tục thông nghĩa (風俗通義) vào cuối triều Đông Hán, nhà sử học Ứng Thiệu (應劭) cho biết vào thời nhà Hán có loại đàn gọi là Hán tì bà (漢琵琶, Han pipa). Nhạc cụ này có 4 dây đàn tượng trưng cho 4 mùa, còn chiều dài của đàn tượng trưng cho Thiên – Địa – Nhân và Ngũ hành. (Phải chăng đây là loại Tứ huyền tì bà mà Giáo sư Trần Văn Khê đã nhắc tới?). Bên cạnh loại tì bà thông thường còn có một loại khác gọi là Nam âm tì bà (南音琵琶, nanyin pipa – viết gọn là nanpa) hay Nam quản tì bà (南管琵琶, Nanguan pipa), gọi dân dã là “tì bà miền nam” hoặc “tì bà nằm ngang”. Nhạc cụ này có nguồn gốc ở khu vực trung tâm Trung Quốc, về sau được đưa tới tỉnh Phúc Kiến rồi được dùng chủ yếu ở tỉnh này. Nam âm có thân đàn khá giống loại tì bà thông thường, những khác biệt chính nằm ở chỗ phím đàn, trục đàn và mặt thân đàn sơn màu đen. Và cuối cùng là Tần tì bà xuất hiện trong triều đại nhà Tần – đây là tên gọi cũ của đàn Nguyễn cầm mà GS Trần Văn Khê đã nhắc tới, chúng tôi sẽ bàn sau.

    Riêng về tứ huyền Tì bà, ngũ huyền Tì bà và Nguyễn Tì bà thì không thể cho rằng đó là những loại Hồ cầm. Chúng tôi xin nhắc lại, Hồ cầm là từ gọi chung cho họ đàn dây cung kéo của Trung Quốc, mặt khác, nếu gọi đàn Hồ, đàn Nhị là Hồ cầm thì tất cả cũng không liên quan gì tới tì bà – những loại đàn gảy dây chứ không sử dụng cung kéo.

    – GS Trần Văn Khê khẳng định: “Nguyễn cầm do Nguyễn Hàm đời Tấn chế ra”. Chúng tôi không đồng thuận với nhận định này. Nguyễn cầm 阮琴 (đàn Nguyễn) là loại đàn gảy dây của Trung Quốc, xuất hiện trên 2000 năm qua. Trong triều đại nhà Tần, loại đàn này có tên là Tần tì bà (秦琵琶). Theo nhà soạn nhạc Trầm Tinh Dương (沈星扬) (8), trong triều đại Đông Tấn (東晉, 317- 420), đạo sĩ Nguyễn Hàm (阮咸) trong nhóm Trúc Lâm Thất Hiền nổi tiếng với tài chơi điêu luyện một loại đàn giống như Tần tì bà. Vì thế, trong giai đoạn Nữ hoàng Võ Tắc Thiên cai trị (690-705), người ta mới đặt tên khác cho Tần tì bà là Nguyễn Hàm (阮咸, ruanxian), đến khi nhà Đường thiết lập trở lại thì tên loại đàn này được rút gọn là Nguyễn (阮, ruan). Kết luận, Nguyễn Hàm không phải là người chế tạo ra Nguyễn cầm, nhạc cụ này chính là Tần tì bà được gọi bằng cái tên mới là Nguyễn Hàm hay Nguyễn cầm (đàn Nguyễn).

    Đàn Nguyễn có 4 dây, thân đàn tròn với cần đàn thẳng. Chúng có 5 kích cỡ với cách chỉnh dây khác nhau:
    + Cao âm nguyễn (高音阮, gaoyinruan), giọng soprano, chỉnh dây: Sol3 – Rê4 – Sol4 – Rê5.
    + Tiểu nguyễn (小阮, xiaoruan), giọng alto, chỉnh dây: Rê3 – La3 – Rê4 – La4.
    + Trung nguyễn (中阮, zhongruan), giọng tenor, chỉnh dây: Sol2 – Rê3 – Sol3– Rê4.
    + Đại nguyễn (大阮, daruan), giọng bass, chỉnh dây: Rê2 – La2 – Rê3 – La3.
    + Đê âm nguyễn (低音阮, diyinruan), giọng contrabass, chỉnh dây: Sol1 – Rê2 – Sol2 – Rê3.
 

Âm nhạc trong Truyện Kiều - Trần văn Khê Kieu1713


      - Giáo sư Trần Văn Khê cho rằng Nguyệt cầm (Yue Qin) có “thùng đàn tròn mà cần đàn rất ngắn thường ở trong tay người bán hàng rong chứ người quí tộc không sử dụng Yue Qin”. Sự thật có phải vậy không? Theo trang mạng Văn hóa Trung Quốc và Wikipedia (9), Nguyệt cầm là nhạc cụ quan trọng trong Kinh kịch (京劇) Bắc Kinh (Beijing opera), thường giữ vai trò chơi giai điệu chính thay cho nhóm đàn dây cung kéo. Ngưởi ta không chỉ sử dụng Nguyệt cầm trong Kinh kịch và nhạc dân gian, mà còn còn sử dụng trong nhạc khiêu vũ và nhạc hát nói (rap), đặc biệt là dùng để độc tấu. Như vậy, Nguyệt cầm không chỉ do người bán hàng rong sử dụng!

    – Giáo sư Trần văn Khê viết: “…đàn Nguyệt cầm ngày nay gọi là đàn Nguyệt dưới thời cụ Nguyễn Du không được gọi là Nguyệt cầm mà mang tên đàn Song Vận. Điều này phỏng theo tư liệu đã in trong quyển “Đại Thanh hội điển sự lệ”, sử gia Trung Quốc có chép lại tên các cây đàn của dàn nhạc An Nam quốc nhạc, là một trong chín dàn nhạc của nước ngoài có mặt tại triều nhà Thanh tức là một thời đại với Nguyễn Du. Vậy cây đàn Thúy Kiều sử dụng phải là Nguyễn cầm”.

    Thật sự đàn Song Vận có phải là tên gọi cũ của đàn Nguyệt không? Một số trang mạng viết về Nhã nhạc cung đình Huế có đề cập đến Song Vận với chú thích là đàn Nguyệt. Theo chúng tôi, họ đã dựa vào “nguồn tin” mà GS Trần Văn Khê cung cấp. Chúng ta cũng cần lưu ý rằng, cái tên Song Vận do sử gia Trung Quốc gọi một loại đàn trong dàn nhạc An Nam quốc nhạc, chứ không phải là cái tên mà người Việt gọi cho một loại nhạc cụ của Việt Nam. Bằng chứng là chúng ta không thấy có những tài liệu, sách báo viết về nguồn gốc của loại đàn này. Có chăng chỉ là những bài dựa theo ý kiến của GS Trần Văn Khê với chú thích Song Vận (đàn Nguyệt), Song Vận (Nguyệt cầm), còn nguồn gốc thì…bóng chim tăm cá! Ngay cả GS Trần Văn Khê còn cho biết “Điều này phỏng theo tư liệu đã in trong quyển “Đại Thanh hội điển sự lệ”. Như vậy thì chưa chắc chắn trong thời đại Nguyễn Du, đàn Nguyệt được gọi là Song vận. Giả sử có như thế thì chúng tôi vẫn cho rằng cây đàn Thúy Kiều sử dụng chính là Nguyệt cầm. Tại sao? Chúng ta xét câu 467 trong truyện Kiều qua bốn bản chữ Nôm đã dẫn:


Âm nhạc trong Truyện Kiều - Trần văn Khê Kieu1714

   
Trong bốn câu trên hai chữ cầm 琴 và trăng 𦝄 đều giống nhau. Chúng ta xét tiếp câu 640:
 

Âm nhạc trong Truyện Kiều - Trần văn Khê Kieu1715


    Chữ cầm 琴 trong cầm trăng và chữ nguyệt 月 trong cầm nguyệt là hai chữ được mượn nguyên xi từ chữ Hán. Tuy Cầm trăng và cầm nguyệt có cách viết khác nhau nhưng đều cùng một nghĩa, dùng để chỉ nguyệt cầm. Sở dĩ có cách viết khác là do luật gieo vần bằng trắc của thể lục bát buộc phải thay đổi chữ cho hợp vần của câu. Bây giờ chúng ta xét số lượng dây của cây đàn Thúy Kiều sử dụng. Thí dụ đoạn Thúy Kiều đánh đàn cho Kim Trọng thưởng thức (câu 471 – 472):

    So dần dây vũ dây văn,
    Bốn dây to nhỏ theo vần cung thương


    Hay đoạn Hoạn Thư buộc Thúy Kiều đánh đàn, phục vụ tiệc cho bà và Thúc Sinh. Lúc ấy tâm trạng của Kiều vô cùng đau đớn (câu 1853 – 1854):

    Bốn dây như khóc như than
    Khiến người trong tiệc cũng tan nát lòng


    Hoặc đoạn Hồ Tôn Hiến buộc Thúy Kiều đánh đàn sau khi Từ Hải vừa mới qua đời, chưa kịp chôn cất. Kiều buồn đến nỗi (câu 2569 – 2570):

    Một cung gió thảm mưa sầu,
    Bốn dây nhỏ máu năm đầu ngón tay!


    Vậy đã quá rõ ràng: Thúy Kiều sử dụng loại đàn 4 dây, điều này phù hợp với cây Nguyệt cầm (月琴) 4 dây. Bây giờ chúng ta thử xem đàn Nguyệt và Nguyệt cầm có gì liên quan với nhau? Trước hết, chúng ta phân tích giọng của hai loại đàn này.

    – Nguyệt cầm: có 4 dây chia thành 2 cặp, thường được chỉnh giọng cách nhau một quãng năm đúng (mỗi cặp có giọng giống nhau: Rê­­­­­­1 và La1); loại dùng trong Kinh kịch có thể chỉnh Đô# – Sol#; còn loại sử dụng trong nhạc dân gian Trung Quốc có thể chỉnh giọng theo quãng bốn đúng: Đô Fa Đô Fa.

    – Đàn nguyệt: có 2 dây, thường được chỉnh giọng theo quãng năm đúng: Fa – Đô1 hay Sol – Rê1; hoặc quãng 4 đúng: Sol – Đô1 hay Rê1 – Sol1.

    Về cách chỉnh dây, tuy cao độ có khác nhau nhưng ở cả hai loại đàn này đều có điểm chung là chỉnh ở quãng năm đúng hoặc quãng bốn đúng. Sau khi Nguyệt cầm du nhập vào Việt Nam, cha ông ta đã bỏ bớt 2 dây, cải tiến cần đàn dài hơn để mở rộng âm vực, tạo thành loại đàn Nguyệt đặc trưng của Việt Nam. Từ những yếu tố này, có thể khẳng định rằng Thúy Kiều đã sử dụng Nguyệt cầm. Xin nhắc lại, thi hào Nguyễn Du (1766 –1820) sinh vào nửa cuối thế kỷ 18, rất có khả năng ông đã gọi Nguyệt cầm là cầm trăng, cầm nguyệt theo cú pháp chữ Nôm trước khi loại đàn này được cải tiến để thành đàn Nguyệt (còn gọi là đàn kìm hay Quân tử cầm).

    Theo chúng tôi Nguyễn cầm không phải là loại đàn Thúy Kiều sử dụng, bởi lẽ: trong toàn bộ nội dung truyện Kiều không hề có chữ Nguyễn, còn chữ Hàm xuất hiện bốn lần trong hàm sư tử (câu 1350), hàm én (câu 2167, 2274), hàm rồng (2672). Chúng tôi đã tra cứu 4 bản chữ Nôm đã nêu trong bài, nhận thấy chữ hàm được viết là , 呤, 唅, 頷 – chẳng liên quan gì tới hàm 咸 (chữ Hán) trong Nguyễn Hàm 阮咸 cả. Vậy làm sao có cơ sở để liên tưởng cây đàn Thúy Kiều sử dụng là Nguyễn cầm (hay Nguyễn Hàm)? Nói cách khác, nếu chỉ dựa vào đàn Nguyễn có 4 dây với thùng đàn tròn rồi khẳng định rằng đó là loại đàn Thúy Kiều sử dụng e rằng chưa thật sự thuyết phục!


Âm nhạc trong Truyện Kiều - Trần văn Khê Kieu1716

   
   Tóm lại, theo thiển ý của chúng tôi, Thúy Kiều sử dụng Nguyệt cầm chứ không phải Hồ cầm, tì bà hay đàn Nguyễn Hàm. Nếu các vị tiền bối thấy bài này có điều gì chưa đúng, xin vui lòng chỉ giáo. Ngoài ra, xin GS Trần Văn Khê lượng thứ nếu người viết có chỗ thiếu tế nhị trong cách dùng từ. Tất cả những gì chúng tôi thể hiện ở đây đều trên tinh thần khoa học, mong tìm được sự chính xác trong cách hiểu truyện Kiều, dẫu ở chi tiết nhỏ: Thúy Kiều chơi loại đàn gì!

Vương Trung Hiếu

——————————
Tham khảo:

(1): Truyện Kiều bản 1870 (bản Kinh đời Tự Ðức). Nguyễn Quảng Tuân—Phiên âm – khảo dị. Nhà xuất bản Văn học & Trung tâm Nghiên cứu Quốc học (2003).
(2) Truyện Kiều bản 1871 (bản Liễu Văn Ðường). Nguyễn Quảng Tuân—Phiên âm – khảo dị. Nhà xuất bản Văn học & Trung tâm Nghiên cứu Quốc học (2002).
(3) Truyện Kiều bản 1872 (Tư liệu Truyện Kiều: Bản Duy Minh Thị). Nguyễn Tài Cẩn (Moskva). Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội (2002).
(4) Truyện Kiều bản 1902 (bản Kiều Oánh Mậu). Sưu tầm, khảo chú & chế bản Nôm: Nguyễn Thế & Phan Anh Dũng. Hiệu đính chữ Nôm: Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Đình Thảng. Nhà xuất bản Thuận Hoá — Huế 2004.
    Tất cả 4 bản trên chúng tôi trích từ tư liệu của Hội Bảo Tồn Di Sản Chữ Nôm (VNPF).
(5) Theo lịch sử Trung Quốc, người Hồ (胡人) dùng để chỉ các sắc dân ngoại lai tại Trung Á và Tây Á hoặc các dị tộc ở phương bắc và các dân tộc Tây Vực. Người Hồ gồm có Đảng Hạng 黨項; Đê 氐; Đinh Linh 丁零 (Cao Xa 高車, Sơ Lặc 疏勒); Đông Hồ 東胡; Đột Quyết 突厥; Hồi Hột 回紇/Hồi Cốt 回鶻; Hung Nô 匈奴; Khiết Đan 契丹; Khố Mạc Hề 庫莫奚/Hề tộc 奚族; Khương 羌; Khuyển Nhung 犬戎; Mạt Hạt 靺鞨; Mông Cổ 蒙古; Nguyệt Chi 月氏; Nhu Nhiên 柔然/Nhuyễn Nhuyễn 蠕蠕/Như Như 茹茹; Nữ Chân 女真; Ô Hoàn 烏桓; Sơn Nhung 山戎; Thất Vi 室韋; Thổ Phồn 吐蕃; Tiên Ti 鮮卑; Yết 羯.
(6) http://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%C3%A0n_nh%E1%BB%8B
(7) http://home.vicnet.net.au/~aaf/tvk1.htm
(8) (沈星扬): Shen, Sin-Yan (1991). Chinese Music and Orchestration: A Primer on Principles and Pracrice, p. 108. Chinese Music Society of North America, Woodridge. October 19, 2009. (9) http://arts.cultural-china.com/en/94Arts3057.htmlhttp://en.wikipedia.org/wiki/Ruan

(tạp chí Da Màu - Hoa Kỳ, 2013)
Về Đầu Trang Go down
Sponsored content




Âm nhạc trong Truyện Kiều - Trần văn Khê Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Âm nhạc trong Truyện Kiều - Trần văn Khê   Âm nhạc trong Truyện Kiều - Trần văn Khê I_icon13

Về Đầu Trang Go down
 
Âm nhạc trong Truyện Kiều - Trần văn Khê
Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Similar topics
-
» Khái Niệm Về "Vuông Tròn" Trong Văn Hóa Việt
» Câu Truyện Mơ Trong Giấc Mộng-Truyện ngắn Nhất Linh
» Giảm Stress bằng thơ
» Truyện ngắn Bùi Văn Hải
» Đôi đũa trong văn hóa Á Đông
Trang 1 trong tổng số 1 trang

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
daovien.net :: VƯỜN VĂN :: BIÊN KHẢO, BÌNH LUẬN THƠ VĂN-