Trang ChínhTìm kiếmLatest imagesVietUniĐăng kýĐăng Nhập
Bài viết mới
Những Bài Giảng Hay Thầy Thích Pháp Hoà by mytutru Yesterday at 20:28

Thơ Nguyên Hữu 2022 by Nguyên Hữu Yesterday at 20:15

Hơn 3.000 bài thơ tình Phạm Bá Chiểu by phambachieu Yesterday at 16:18

BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-1965 - LM CAO VĂN LUẬN by Trà Mi Yesterday at 10:41

TRUYỆN KIỀU CÓ TRƯỚC ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH, VÀ LÀ CỦA VIỆT NAM ??? by Trà Mi Yesterday at 10:27

Lục bát by Tinh Hoa Yesterday at 07:21

PHÁP VIỆN MINH ĐĂNG QUANG TĂNG NI & Đại Chúng by mytutru Yesterday at 00:55

SƯ TOẠI KHANH (những bài giảng nên nghe) by mytutru Sat 16 Mar 2024, 20:15

Xem tướng mạo đàn ông ngoại tình, lăng nhăng by Trà Mi Sat 16 Mar 2024, 10:05

Putin dối trá khi trả lời Tucker Carlson by Trà Mi Fri 15 Mar 2024, 11:39

Trang thơ Tú_Yên (P2) by Tú_Yên tv Fri 15 Mar 2024, 11:20

Chùm thơ "Có lẽ..." by Tú_Yên tv Fri 15 Mar 2024, 11:09

Thơ Tú_Yên phổ nhạc by Tú_Yên tv Fri 15 Mar 2024, 11:07

7 chữ by Tinh Hoa Fri 15 Mar 2024, 03:27

Một thoáng mây bay 12 by Ai Hoa Thu 14 Mar 2024, 09:55

BẮT CÁ TRỜI MƯA by Phương Nguyên Wed 13 Mar 2024, 20:48

5 chữ by Tinh Hoa Wed 13 Mar 2024, 07:56

Tiến Trình Tu Học Phật - Thành Phật by mytutru Mon 11 Mar 2024, 23:17

Tập Mỗi Ngày by mytutru Mon 11 Mar 2024, 22:48

Lan ĐV 8 by buixuanphuong09 Mon 11 Mar 2024, 11:06

SẦU LY BIỆT by Phương Nguyên Mon 11 Mar 2024, 08:02

LỀU THƠ NHẠC by Phương Nguyên Sun 10 Mar 2024, 08:39

MỪNG NGÀY 08.03 by Phương Nguyên Sun 10 Mar 2024, 08:21

Chỉn by Trà Mi Sat 09 Mar 2024, 12:30

Lỗi 404 by mytutru Fri 08 Mar 2024, 11:09

Thể Tánh Muôn Loài by mytutru Tue 05 Mar 2024, 23:44

5-8-8-8 by Tinh Hoa Tue 05 Mar 2024, 03:32

Còn mãi duyên thầy by buixuanphuong09 Mon 04 Mar 2024, 13:37

Con Đường Tâm Mytutru TKN Đào Liên by mytutru Sat 02 Mar 2024, 12:09

Hoa Sen Ao Sen by mytutru Sat 02 Mar 2024, 08:27

Tự điển
* Tự Điển Hồ Ngọc Đức



* Tự Điển Hán Việt
Hán Việt
Thư viện nhạc phổ
Tân nhạc ♫
Nghe Nhạc
Cải lương, Hài kịch
Truyện Audio
Âm Dương Lịch
Ho Ngoc Duc's Lunar Calendar
Đăng Nhập
Tên truy cập:
Mật khẩu:
Đăng nhập tự động mỗi khi truy cập: 
:: Quên mật khẩu

Share | 
 

 Hệ thống tiếng Việt và nguyên tắc chính tả

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Tác giảThông điệp
Shiroi

Shiroi

Tổng số bài gửi : 19896
Registration date : 23/11/2007

Hệ thống tiếng Việt và nguyên tắc chính tả Empty
Bài gửiTiêu đề: Hệ thống tiếng Việt và nguyên tắc chính tả   Hệ thống tiếng Việt và nguyên tắc chính tả I_icon13Sat 30 Aug 2014, 02:19

HỆ THỐNG TIẾNG VIỆT VÀ NGUYÊN TẮC CHÍNH TẢ



Bài nghiên cứu của Giáo Sư LÊ NGỌC TRỤ trong VIỆT-NGỮ CHÍNH-TẢ TỰ VỊ
Được biên sọan năm 1959 qua tham khảo với nhiều học giả đương đại như Nguyễn Hiến Lê, Tạ Quang Phát...



HỆ THỐNG TIẾNG VIỆT (Phần 1)

Vì là tiếng mẹ-đẻ, nói ra hiểu liền, nên chúng ta thường ít để ý đến tánh cách của mỗi phần tử tạo nên tiếng Việt. Chớ khi khảo xét tường tận, ta thấy từ sự kết cấu các âm thể đến cách tiếng-nói biến đổi chuyển di, hầu hết đều có mạch lạc, ở trong vòng hệ thống tinh thần ngôn ngữ học.

Hệ thống tinh thần Việt ngữ ấy, chúng ta có thể tóm lược đại thể thành nguyên tắc trụ cốt là “luật tương đồng đối xứng của các âm thể: các âm thể đồng tánh cách phát âm và đồng chỗ phát âm đi chung nhau và đổi lẫn nhau.”

I. NGUYÊN ÂM VÀ VẬN.

1. Nguyên âm - Theo chỗ phát âm, có ba lọai: nguyên âm trước, nguyên âm giữa [ư, ơ(â), (ă) a mà ă ở trước a, â ở sau ơ], và nguyên âm sau (u, ô, o)

Theo cách phát âm cũng có ba lọai: nguyên-âm hẹp (i, u, ư), nguyên âm trung (ê, ô, ơ mà â gắt hơn ơ) và nguyên âm rộng (e, a, o mà ă gắt hơn a).

Các nguyên âm tóm thành bảng dưới đây:

Trước Giữa Sau

Hẹp i(y) ư u

trung ê ô ơ

Rộng e a (ă) o


Theo nguyên tắc trên, các nguyên âm đồng tánh cách đổi lẫn nhau.

a) Đồng chỗ phát âm:
-
Nguyên âm trước:
i ~ ê : bịnh = bệnh; lịnh = lệnh; nghinh= nghênh; kỷ > ghế
i ~ iê : kính kiếng; chinh > chiêng; thinh > tiếng…
i ~ êy : chỉ > giấy; vi > vô; thi > thây…
i ~ ă : niên > năm; tiến > giắm; thiết > sắt…
ê ~ e : kế (mẫu) > (mẹ) ghẻ; tế >cha; mệ ~ mẹ
ê ~ ay : để > đáy; tề > tày; thế > thay ; lễ > lạy…
ê ~ êy (ây): tệ > bậy; trệ > chày; nê > lầy…

- Nguyên âm giữa :
ă ~ iê …
â ~ ă : cân > khăn; bắc > bấc; ân (hận) > ăn năn…
â ~ ơ : nhân = nhơn; hận > hờn; chân = chơn…
â ~ ư : câng = cưng; bậc = bực; chân = chưn
ơ ~ ư : thơ = thư ; tợ = tự…
ươ ~ ư : khương > gừng; cương > cứng…
ưu ~ âu: ngưu > ngâu; khưu = khâu…
a vì là nguyên âm gốc nên đổi lẫn với các nguyên âm khác:
a ~ ă : làm > lằm; đạm > đằm thắm; giáp : cặp;…
ă ~ ươ : bằng = bường; hằng > thường; trương > giăng;…
a ~ e : đam = đem; sàm > gièm; xa > xe; hàn > hèn;…
a ~ ê : mạng = mệnh; trát = trết, phết…
a ~ iê càn = kiền; cang > giềng; phàn = phiền; …
a ~ i : lãnh = lĩnh; sanh = sinh; thạnh = thịnh;…
a ~ ơ : đan = đơn; can = cơn (cớ); san = sơn;…
a ~ â : bàu = bầu (cử); mày = mầy; này = nầy;…
a ~ o : giác > góc; lãng > sóng; đánh ~ đóng;…
a ~ ô : kháng > chống; manh (nha) > mộng; nam > nôm;…

- Nguyên âm sau:
u ~ â : Hấp > hút; sập ~ sụp; nấm núm;
u ~ o : thụ > thọ; trú > trọ; trọc > đục; tùng = tòng;. ..
u ~ ô : chủng > giống (nòi); chúng : đông ; trùng : chồng (chập);…
ô ~ o : hộ > họ; cộng : cọng; độc > đọc (sách); long > rồng;….
o ~ uô :phòng > buồng; phóng > buông;…
u ~ uô: chung > chuông; hung > huông ; hùng > huồng;…

b) Đồng cách phát âm:
- Nguyên âm hẹp:
i ~ ư : đình > dừng; ti = tư; thịnh > đựng;…
ư ~ u : tự > chùa…
u ~ ư : cũ > mưa; phủ > vừa; tu > sửa; phụng > vựng;…

- Nguyên âm trung:
ô ~ ơ : ô > dơ (nhơ); cố > cớ; độ > cỡ;…
iê ~ ươ : kiếm > gươm; kiếp > cướp; liễm > lượm;….
iê ~ uô : liên > luôn; tiến > tuôn; nhiễm > nhuộm;…
iê ~ â : tiến = tấn;…
ươ ~ ô : lương > (xương) sống; hường = hồng…
ươ ~ uơ : thương > chuộng; dược > thuốc.

- Nguyên âm rộng:
a ~ e : tham > thèm; giảm > kém; …
a ~ o : bác > bóc; lạc > lọt; hát ~ hót; lát ~ lót;…

Dấu riêng
< : do gốc Hán-Việt, như cũ < cựu.
< : tiếng Hán-Việt cho ra chữ nôm cựu > cũ.
~ : đổi lẫn nhau.


2). Vận.

Có vận trơn (nguyên âm ở cuối) và vận cản (phụ âm cuối) họp theo lối dịu giọng, nhị trùng âm hoặc tam trùng âm.

a) Lỗi dịu giọng, để cho tíếng “dịu” bớt, thường thêm nguyên âm a (trở thành bán âm) trong vận trơn, hoặc một nguyên âm đồng lọai khi là vận cản.
Vận trơn Vận cản
- Nguyên âm trước:
i + a = ia i + ê = iê
bi > bia; li > lìa; thì >thìa linh : thiêng; tỉnh > giếng; Kính > kiếng
- Nguyên âm giữa:
ư -> ư + a = ưa ư -> ư + ơ
ơ -> ư + a = ưa trưng = trương
dư > thừa; cứ > cựa;…
sở > thửa; tợ > tựa;…
- Nguyên âm sau:
u
ô -> u + a = ua u -> u + ô = uô
o
du > dua; vụ > mùa ; chung > chuông
tu > tua; thố > chua lung > luông (tuồng)
vũ (võ) múa;…
b) Lối nhị trùng âm và tam trùng âm.

Vận trơn. Các nguyên âm giữa họp được với hai lọai nguyên âm trước và nguyên âm sau.
Nguyên âm giữa Trước (i,y) Sau (o,u)
a ai ao
ă ăy (ay) ău (au)
ơ ơi ơu
â ây âu
ư ưi ưu
ươ ươi ươu

Nguyên âm dài (a, ơ, ư) ghép với bán âm dài (i,o) : ai, ao, ơi, ưi. Hai nguyên âm gắt ă, â ghép với bán âm đồng tánh cách gắt y, u: ăy, (ay), ău (au), ây, âu.
Với tính cách đối xứng tương đồng, lọai nguyên âm trước ráp với loại nguyên âm sau, và ngược lại:
Nguyên âm trước:
i iu
iê iêu
ê êu
e eo
Nguyên âm sau:
u ui
uô uôi
ô ôi
o oi

Trong lọai “họp khẩu”, bán âm o ghép với a (ă), e (hoa, hoặc, khỏe…), bán âm u ghép với â, y (tuân, thủy…)

Vận cản.- Vận cản là vận có phụ âm cuối. Phụ-âm cuối có hai lọai: tỵ âm cuối (m, n, nh, ng) và tắc âm cuối (p, t, ch ). Mỗi loại có bốn phụ âm, tùy chỗ phát âm tai môi, tại nớu (răng), tại cúa và tại màng cúa, đối chiếu nhau:
Môi Nớu Cúa Màng cúa
tỵ âm m n nh ng
tắc âm p t ch c

Các phụ âm cuối của hai lọai cùng một chỗ phát âm có liên quan; hoặc đi chung với nhau, hoặc đổi lẫn nhau:
- đi chung với nhau theo luật thuận-thinh-âm.
Môi Nớu Cúa Màng-cúa
m/p n/t nh/ch ng/c
nươm nướp; chan chát; thinh thích; phong phóc
sùm sụp; vùn vụt; xình xịch; vằng vặc

- đổi lẫn nhau, vì gần nhau, phụ âm môi gần phụ âm nớu; phụ âm cúa gần phụ âm màng-cúa.
1:
m ~ n : niên > năm; tiễn > giắm; thôn > xóm; bàn > mâm; hõan > chậm
p ~ t : hấp >hút; sáp ~ sát; ngột ~ ngộp; dụt ~ dập; lạp > dắt
2:
nh ~ ng: kính > kiếng; tỉnh > giếng; trình >chừng; lương > lành; linh > thiêng
ch ~ c: bích > biếc; xích > thước. tích > tiếc; họach > vạc; bạch > bạc

II. PHỤ ÂM.

Có hai lọai chánh, kể khi luồng âm bị chận tạm trong miệng (tắc âm) hay bị ép sát gần cúa (sát âm) trước khi phát ra thành tiếng. Mỗi lọai phụ âm trong (hoặc thanh) đối chiếu với lọai đục (hoặc trọc) và chia làm bốn bộ, tùy chỗ phát âm.

Các phụ-âm sắp thành bảng như dưới đây:
Hệ thống tiếng Việt và nguyên tắc chính tả 2d8kvpz



Theo nguyên tắc trên, chẳng kể các tiếng đã biến đổi do ảnh hưởng giọng Tàu hoặc mấy tiếng láng giềng khác, các phụ âm đồng bộ đỗi lẫn nhau.

- âm môi:
b ~ b : bại > (ống) bễ; bạn > bọn; bỉnh > bánh; …
m ~ m : ma > mè; ma > mài; mãnh > mạnh; mi > mày; …
ph ~ ph : phế > phổi; phái > phe ; phan (phiên) > phướng …
v ~ v : vạn > vàn; viên > vườn; việt > vượt; …
b ~ m : bàn > mâm; muộn > buồn; mồ (côi) ~ bồ côi; …
ph ~ b : phòng > buồng; phán > bán; phủ > búa ; …
ph ~ m : phẩu (phẫu) > mổ; …
ph ~ v : phủ > vừa (mới); phụ > vợ; phương > vuông; …
v ~ m : vạn > muôn; vụ > mùa; vọng > mong; …

- âm nớu:
đ ~ đ : đái > đội; điện > đền ; đảo > đổ; đỗ ~ đậu; …
t ~ t : tá > tớ; tản > tan; tàm > tằm; tề : tày; …
th ~ th : thì > thìa; thể > thái; thán > than; …
n ~ n : nam > nồm; ni ~ nầy; nương > nàng; …
x ~ x : xa > xe; xung > xông; xúy > xúi; …
d ~ d : dị > dể; di > dời; dụng > dùng; duy > dây; …
l ~ l : lợi > lời; lễ > lạy; lị > lài; liên > liền; …
r ~ r : rồi ~ rỗi; ran ~ rền; …
đ ~ t : đại > túi; đội > tụi; tỳ > đày (tớ) ; đà (công) > tài; …
đ ~ d : đao > dao; đái > dải; đình > dừng; …
đ ~ th : đại > thay; đề (lại) > thầy; đà : (ngựa) thồ; …
đ ~ n : điếm > niệm; đổi ~ nỗi; nối > đói; …
đ ~ x : đang > xanh; …
d ~ t : dựa ~ tựa; …
d ~ th: dược > thuốc ; du > thau; dũng > thùng; …
d ~ l : dần ~ lần; day ~ lay; lánh > dành; …
d ~ r di > rợ; danh > (con) ranh ; dổi ~ rổi
th ~ x : thanh > xanh ; thành > xong ; thường > xòang; xích > thước; xuy > thổi; xá > tha; …
th ~ l : thiểm > liếm; linh > thiêng ; la > thét; …
n ~ t : tiêu > nêu; …
n ~ l lọai : nòi; nê > lầy; …
l ~ r : liêm > rèm ; lan > ràn; lương > rường; lánh > riêng; …

- âm cúa:
Ch ~ ch: chinh > chiêng; chính > chiếng ; chẩu > (cùi) chỏ; ….
tr ~ tr : trệ > trễ; trú > trọ; trình > (ở) truồng; …
gi ~ gi : giác > gióc; …
s ~ s : sái > sai ; sài > sói; si > say (mê); …
ch ~ tr : chè < trà; chén < trản; chém < trảm ; trầm > chìm; …
ch ~ gi : tranh > giành; trương > giương ; trượng > giượng (dượng); …
s ~ gi : sàm > gièm; sàng > giường; sát > giết; …
nh ~ gi : gia > nhà ; nha (thái) > giá (đậu); …

- âm màng cúa:
k ~ k : cá > cái; cát > cắt; cấp > kíp; …
k ~ g : các > gác; cân > gân; can > gan ; ký > ghi ; …
k ~ kh : can > (khô) khan; cân > khăn; cuồng > khùng; khiếu > kêu; …
kh ~ kh : khai > khui; khê > khe ; khiếp > khớp; …
kh ~ g : khiêu > gợi; khương : gừng ; khóai > gỏi; …
kh ~ qu : khuẩn ~ quẫn; khóang > quặng; …
kh ~ h : khí > hơi; khứu > hửi; khái > ho; …
h ~ h : hàn > hèn ; hàng > hãng; hận > hờn; …
h ~ ng : ngọai > ngòai; nga > ngài; nghi > ngờ; …
qu ~ qu : quá > qua; quái > quẻ; quỹ > quầy; …
qu ~ k : quyển > cuốn; …
qu ~ g : quả > góa; …
Ngoài ra, cách phát âm của v giống như cách phát âm của mấy tiếng “họp khẩu” có h hoặc q khởi đầu, nên cũng có sự đổi lẫn giữa hai loại phụ âm v và h : hòa > và; họa > vẽ; họach > vạch; hòang > vàng; hoang > vắng; …

Đây là đại-cương về nguyên tắc căn bản của hệ thống ngôn ngữ. Nhờ đó ta hiểu được then chốt biển đổi của một số nhiều tiếng Việt, bởi, ngoài luật phát âm kể trên, tiếng nói còn bị ảnh hưởng của luật suy loại, do các âm thinh kế gần thường ảnh hưởng với nhau, hoặc do tập quán tạo nên, như âm d cũng đỗi với nh ( dơ ~ nhơ; nhện ~ dện;…) hoặc l đổi ra s hay ch: lạp > sáp; lực > sức; lang > chàng; làm > chàm; …

III. Thinh.

Tiếng Việt có tám giọng, thành hệ thống liên hệ nhau: bốn giọng bổng đối chiếu với bốn giọng trầm:

Bổng: ngang, hỏi, sắc, sắc nhập
Trầm: huyền, ngã, nặng, nặng nhập

Đối chiếu với tứ thinh tiếng Hán-Việt: bình, thượng, khứ, nhập thì giọng bổng là thanh thinh, giọng trầm là trọc thinh, tóm thành bảng như dưới đây:

Bình Thượng Khứ Nhập
thanh hoặc thượng ngang hỏi sắc sắc bổng
trọc hoặc hạ huyền ngã nặng nặng trầm

Luật “tương đồng đối xứng” càng thấy rõ rệt trong thinh tiếng Việt. Các thinh đồng bực đi chung và đổi lẫn nhau: thinh bổng với thinh bổng, thinh trầm với thinh trầm. Riêng về tiếng Hán-Việt, các thinh còn tùy thuộc âm khởi đầu: âm khởi đầu là thanh âm thì thuộc thanh thinh (giọng bổng) :âm đầu là trọc âm thì thuộc trọc thinh (giọng trầm).

A. Tiếng Nôm với luật Bổng-Trầm.

Xét về đại thể, dầu là tiếng “đơn” hay tiếng “đôi lấp-lày”. Thinh của tiếng ta đã theo luật căn bản mà chúng tôi gọi luật bổng-trầm, hoặc chuyển đổi nhau hoặc đi chung với nhau.

a) Bổng:
1. Chuyển đổi nhau:
Tan ~ tản ~ tán; không > chẳng; chỉ > giấy; bản > ván; gián > can; giảm > kém; tủa ~ tua; giới > cai; kế (mẫu) > (mẹ) ghẻ; kỷ > ghế > tỉnh > giếng; tiển (tiễn) > tên.

2. đi chung với nhau:
- ngang-ngang: hay ho; bơ ngơ
- ngang-hỏi: bây bẩy; dể duôi; năn nỉ; nghỉ ngơi; …
- ngang-sắc: mau-mắn; lơ láo; nói năng
- hỏi-hỏi: bải hỏai; tỉ mỉ; xửng-vửng;…
- hỏi-sắc: giỏi giắn; khỏe khoắn; mát mẻ; chải chuốt; …
- sắc-sắc: đứng đắn; dính dấp; nhúc nhích; …

b) Trầm:
1. chuyển đổi nhau:
lời ~ lãi ~ lợi; dẫu ~ dầy; đã ~ đà; cũng ~ cùng; đôi > đợi; mãnh > mạnh; quỹ > quầy; trệ > trễ; trì > chầy; kỵ > giỗ; kỵ > cữ; tự > chữ; độ > cỡ.

2. đi chung với nhau:
huyền-huyền: dôi dào; nồng nàn; dần dà;
huyền-ngã: cằn cỗi; lần- ữa; dễ dàng; giữ gìn;
huyền-nặng: đầy đặn; rời rạc; lẹ làng; ngại ngùng.
ngã-ngã: kỹ lưỡng; lẵng nhẵng; chẫm rãi
ngã-nặng: nghĩ ngợi; mạnh mẽ; rực rỡ; chững chặc; …
nặng-nặng : cặm cụi; chậm chạp; ngượng nghịu.

Luật bổng trần được chứng minh với tiếng đôi loại “bình nhập” họp theo luật thuận-thinh-âm: tiếng đầu thuộc thinh bình (ngang huyền) tiếng kép thuộc thinh nhập, theo vận m/p, n/t, nh/ch,ng/e;
bổng: nươm nướp; vun vút; thinh thích, rưng rức;
trầm: nườm nượp, vùn vụt, thình thịch, vằng vặc;

Loại tiếng nầy nếu không giữ đúng luật bổng-trầm thì nghe không thuận tai được.
Muốn mạnh ý, người ta thêm vận a hoặc ơ ghép vào giữa hai tiếng đôi sẵn có thành tiếng kép bốn chữ. Vận a hoặc ơ cũng giữ đúng luật bổng-trầm, nghĩa là nếu hai tiếng thuộc loại bổng thì vận a hoặc ơ ở thinh bổng, thuộc loại trầm, thì ở thinh trầm:
lắc lẻo = lắc la lắc lẻo; vất-vưởng = vất vơ vất vưởng.
đì đùng = đì đà đì đùng; trặc trẹo = trặc trờ trặc trẹo; …
Với giọng mai mỉa bỏ lừng, thì ghép vận iêc để kéo dài tiếng ra; học hiệc; giỏi giếc; thôi thiếc; dược diệc; … Vận iêc nầy vẫn theo đúng luật thuận-thinh-âm.

B. Tiếng Hán-Việt với Luật Thanh-Trọc.

Tiếng Hán-Việt là chữ Hán đọc theo giọng Việt, nên còn giữ đặc tánh của tiếng Trung Hoa là theo nguyên tắc thanh trọc: ”những thanh âm thuộc thanh thinh, những trọc âm thuộc trọc thinh”, tóm lược đại thể như bảng sau đây:
Hệ thống tiếng Việt và nguyên tắc chính tả 20aqqt10



Nhưng vì lâu đời biến đổi, hai loại thanh âm và trọc âm của tiếng Hán-Việt hỗn hợp nhau. Như tíếng Việt không có âm môi thang p, âm nầy đã trở thành âm môi trọc b, vì vậy ta thấy những tiếng khởi đầu bằng b, thuộc trọc thinh viết dấu ngã, như bãi, mà cũng thuộc thanh thinh viết dấu hỏi, như bổn. Xét tiếng Hán-Việt ngày nay ta thấy tình trạng các âm như vầy:
Hệ thống tiếng Việt và nguyên tắc chính tả 1f25d910


Theo đây thì các nguyên âm thuộc thanh thinh và các hữu âm thuộc trọc thinh; còn mấy phụ âm khác thì thanh, trọc lẫn lộn. Như vậy, làm sao phân biệt? Nhờ vịn theo phiên thiết của tự điển chữ Hán, phương pháp nầy còn giữ đúng nguyên tắc thanh trọc của giọng Trung Hoa.

Chữ Hán là lối chữ biểu ý. Muốn ghi âm phải dùng hai chữ mà nói lái theo lối phiên thiết; lấy âm khởi đầu của tiếng trước với vận của tiếng sau, đọc nối liền lại; tiếng đầu định bực thanh, trọc, và tiếng sau dùng làm vận và định loại thinh của tiếng tìm.

Thí-dụ chữ khứ.
Khang-Hi tự-điển ghi: khưu + cứ thiết
Từ nguyên ghi: khúc + dự thiết

Tiếng đầu khưu hoặc khúc cho ra âm khởi đầu kh, thuộc tiếng không dấu (khưu) hoặc dấu sắc (khúc) và làm đại biểu cho thanh âm, thì tiếng tìm phải ở trong một của bốn thanh thinh: ngang, hỏi, sắc, sắc nhập.
Tiếng sau, cứ hoặc dư cho ra vận ư, thuộc khứ thính, vì hai dấu giọng sắc, nặng thuộc thanh khứ thinh và trọc khứ thinh.
Nhưng tiếng đầu thuộc thanh âm, vậy kết-quả tiếng tìm phải thuộc thanh khứ thinh:
Kh + ư sắc = khứ.

1. Tiếng đầu định bực thanh, trọc, nghĩa là: nếu tiếng đầu là thanh âm, tiếng tìm phải ở thanh thinh; tiếng đầu là trọc âm, tiếng tìm phải ở trọc thinh.

Thí-dụ mấy tiếng sau nầy khi viết dấu hỏi, dấu ngã khác nhau là do tiếng đầu định bực thanh, trọc:
Hệ thống tiếng Việt và nguyên tắc chính tả 243g8z10

Chúng ta thấy rõ: sự định bực cho mỗi tiếng tùy âm khởi đầu . Đổ và đỗ cùng vận ngũ, đồng một vận mà khác bực là tại tiếng đầu đổng hoặc đô là tiếng có dấu hỏi hoặc ngang thuộc thanh âm nên đổ phải ở thanh thanh, viết dấu hỏi. Còn đỗ, viết dấu ngã vì tiếng đầu: đọng hoặc độc là tiếng có dấu nặng, thuộc trọc âm, (1)

2. Tiếng sau định vận và loại thinh.
Các tự điển Trung Hoa thường không chỉ tiếng đương sự ở loại thinh nào. Phải bằng cứ vào tiếng sau làm vận mà hiểu ra. Xin trở lại thí dụ tiếng khứ.
“Muốn cho âm chữ khứ cho là (khưu + cứ thiết) hay (khưu + cự thiết) cũng được.
“… Thay vào chữ cư hay cừ (bình thinh) thì chữ đương sự phải đọc là khư; thay vào bằng chữ cử hay cữ (nếu có chữ cữ, thượng thinh) thì chữ đương sự phải đọc là khử, chớ không còn là khứ được nữa.” (Trúc Khê, báo Nước Nam, số 107, 1941).

Tóm lại, âm và thinh của tiếng Hán-Việt đã quy định theo “nguyên tắc thanh trọc”, đối với hệ thống ngôn ngữ của tiếng ta.

Và trong ba phần của tiếng Việt, âm, vận, thinh, xét về phương diện tác dụng, mỗi phần đã theo đúng hệ thống tinh thần ngôn ngữ.


------------------------------------
(1) Khi tiếng khởi đầu bằng nguyên âm thì tiếng tìm phải khởi đầu bằng nguyên-âm và kết quả của tiếng tìm là vận của tiếng sau.
Thí dụ: a= ư + hà thiết ; ác = ô + các thiết
á = y + giá thiết.

Về Đầu Trang Go down
Shiroi

Shiroi

Tổng số bài gửi : 19896
Registration date : 23/11/2007

Hệ thống tiếng Việt và nguyên tắc chính tả Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Hệ thống tiếng Việt và nguyên tắc chính tả   Hệ thống tiếng Việt và nguyên tắc chính tả I_icon13Sat 30 Aug 2014, 02:24

NGUYÊN TẮC CHÁNH TẢ (phần 2)

Có bốn phương pháp chánh tả:

- theo giọng đọc, đọc sao thì viết vậy;
- theo phương pháp phân biệt, để tránh sự lầm lẫn;
- theo sự quen dùng, viết theo phần đông, hoặc theo các nhà văn tên tuổi.
- viết theo tự nguyên, vì tiếng đó đã chuyển gốc nơi một tiếng khác.

Bốn lối nầy bổ cứu lẫn nhau, bởi ta không thể dùng hẳn một lối nào, nếu chẳng phát âm được đúng. Song lối theo tự nguyên hợp lý hơn, khi ta phát âm sai; nó giúp ta giải thích được lý do chánh tả và hiểu được nguồn gốc, nghĩa lý rành rẽ mỗi tiếng.

Có một số ít tiếng, vì lâu đời bị phát âm biến đổi trại lạc cách xa tiếng gốc, nên viết khác đi, ta có thể sắp các tiếng ấy về ngoại lệ, chánh tả mỗi tiếng đúng ra tùy theo tự nguyên, bởi chánh tả là ghi lại sự phát âm bằng chữ viết, sự phát âm thuộc trong hệ thống ngôn ngữ.

Tiếng Việt gồm hai loại, liên hệ nhau, nhưng vẫn giữ đặc tánh riêng rẽ:
- Tiếng Hán-Việt là chữ Hán đọc theo giọng Việt;
- Và tiếng nôm, là tiếng người Nam tạo nên, với những tiếng hoặc đã Việt hóa tiếng mượn các nước ngòai, hoặc đã biến trại tiếng của mình.

Vậy nên xét chánh tả mỗi loại.



I. Tiếng Hán-Việt.

Chánh tả tiếng Hán-Việt đã quy định nhờ vịn theo phiên thiết của tự điển Trung Hoa, lấy 36 âm gốc, 106 vận, và tứ thinh làm mực thước để tiêu âm (coi: Luật Thanh trọc, quyển 2, tr. 31-45)

a) Âm.- Tuy vậy, có một số ít tiếng, vì kiêng húy hay vì lẽ gì khác đã phát âm sai, lâu đời thành quen, ví dụ như: bỉ, bịnh,phất; phí, trở thành: tỉ, tịnh, thất, thí hoặc tỷ…Hoặc những tiếng: hõan, hoanh, khảng, khảo, lõa, sất, siết, tuẩn, trậm, trùy… thì đọc ra ảo, oanh, cang (lệ), xảo, khỏa, trất, triệt, duẫn, chẫm, chùy…

Vậy trừ một số ít tiếng, tất cả đều theo đúng luật phiên thiết:

1) phụ âm d. - âm dụ và các đại biểu : dư, di, dĩ, dương, dực, dữ, doanh, duyệt dùng ghi cho âm d của Hán-Việt.

2) Phụ-âm gi.- âm kiến và các đại biểu: cổ, công, cách, cô… dùng ghi âm gi khởi đầu của tiếng Hán-Việt, hoặc nói cách khác, những tiếng Hán-Việt khởi đầu bằng ghi thì tự điển Trung-Hoa dùng âm kiến hoặc các âm đại biểu cho nó để phiên thiết. Vì vậy mấy tiếng giá, giả, giác mà Hán-Việt từ điển Đào Duy Anh ghi: dá, dả, dác, thì phải viết với gi khởi đầu, bởi tự điển Trung Hoa phiên-thiết là: cổ + nhạ, cổ + nhã, cổ + nhạc.

Và ngược lại, chữ dã (Hán-Việt từ điển Đào Duy Anh ghi giã) thì tự điển Trung Hoa phiên thiết là dương + giả hoặc dĩ + giả, nên phải viết với d.

Về hai âm x, s,cũng có mấy tiếng đại biểu dùng phiên-thiết riêng biệt.

3) Đại-biểu cho phụ âm s có : sở, sơ, sang, sô, dùng cho “âm thanh” và sàng, sừ, sui, sĩ, sùng, dùng cho “âm trọc”

4) Về phụ âm x, thì đại biểu cho “âm thanh” có: xương, xích, xứ, xuân, và đại biểu cho âm trọc của tiếng Hán-Việt có: thì, thực, thường, thần v.v… Như chữ: Xà : thực : cha (giá) thiết; Xã: thường + giả thiết…

Như thế, chánh tả tiếng Hán-Việt được giải quyết nhờ một phần lớn vịn theo luật phiên thiết của tự điển Trung Hoa.

b) Vận.
Theo luật gieo vận trong thi ca, có một số vận phải đọc trại, như an đọc ra ơn; ang: ương; anh: inh; at: iết; ao: iêu; ân: ơn hoặc iên: oan: uyên; oat: uyêt; oc: ươc; ong: ung hoặc ương; uc: uôc… Trại âm chớ chánh-tả vẫn giữ đúng theo vận chánh, nghĩa là mấy vận chánh, thí dụ, viết có g hoặc c cuối, thì mấy vận trại cũng theo mà viết có g hoặc c cuối.

Số vận của tiếng Hán-Việt ít hơn số vận của tiếng nôm. Ta có thể lập thông lệ như sau để viết chánh-tả. Tiếng Hán-Việt chỉ có:

1) Vận ao, iêu, ưu, nghĩa là không có vận ay, au, iu, ươu hoặc nói cách khác tất cả tiếng Hán-Việt vận ai, ao… đều viết với i hoặc o cuối: vận iêu thì đều viết có ê, còn vận ưu, đều viết không ơ.

2) Vận ac, óac, ăng, oăng mà không có vận ă, óat, ăn, oăn trừ sắt (cầm), đúng giọng là sát; đắt (kỷ) (trại giọng của đát); và căn, văn, trán, chánh vận là cân, vân, trân;

3) Vận uc, ung, uôc, uông mà không có vận ut, un, uô, uôn trừ bứt (chánh vận bất), phún (phun) chính vận phấn) , và muộn (chính vận mận);

4) vận ưc, ưng, ươc, ương mà không có vận ưt, ưn, ươt, ươn, trừ hai tiếng nhựt, nhựt là trại giọng của nhất, nhật;

5) vận oan, oat mà không có vận oang, oac trừ mấy tiếng hoang, hòang, hoảng, khóang; và quang, quáng, quảng.

6) Vận ân, ất, uân, uất mà không có vận âng, ấc, uâng, uâc trừ tiếng quấc trại giọng của quốc.

7) vận iên, iêt, uyên, uyêt mà không có vận iêng, iêc, uyêng, uyêc, trừ tiếng diệc, trại giọng của dịch; tiếng kiểng, thiềng, yếng … là trại giọng của cảnh, thành, ánh…

8) vận inh, ich mà không có vận in, it, trừ hai tiếng tín ( chánh vận tấn) và thìn (trại giọng của thần);

9) vận âm, âp mà không có vận ăm, ăp;

10) vận iêm, iêp mà không có rận im, ip, trừ hai tiếng kim (vàng) , kim (ngày nay);

11) Tiếng Hán-Việt đáng lý ra chỉ có vận ôc, ông. Vận oc, ong chỉ trại giọng của vận uc, ung. Mấy vận ấy cũng đọc ra ươc, ương.

12) Hai tiếng mùi, muội là trại của giọng vị, mội; và muộn (môi + hồn = môn) là tiếng môn đọc trại.


c. Thinh.
Về thinh, cũng nhờ luật phiên thiết của tự điển Trung Hoa mà định được chánh tả, đại để những âm khởi đầu thanh thuộc dấu hỏi, những âm khởi đầu trọc thuộc dấu ngã. Ta có thể lập lệ cho dễ nhớ như sau:

1) Tất cả tiếng Hán-Việt khởi đầu bằng nguyên âm: a, â, ê, i, y, o, ô, u, ư đều viết dấu hỏi, vì các nguyên âm thuộc thanh âm.

2) Tất cả tiếng Hán-Việt khởi đầu bằng ch, gi, kh, đều viết dấu hỏi, vì các phụ âm, ấy thuộc thanh âm;

3) Tất cả tiếng Hán-Việt khởi đầu bằng hữu âm: l, m, n, ng, nh, đều viết dấu ngã, vì thuộc trọc âm, trừ chữ ngải. Phụ-âm v, d thuộc âm trọc cũng viết dấu ngã, trừ phiếu diểu.
Mấy phụ âm khởi đầu khác, vì đều có ở hai bực thanh và trọc, khó phân biệt, nên phải tra tự điển; nhưng cũng theo luật chung: thanh viết dấu hỏi, trọc dấu ngã.

Theo luật trên, ta thấy một tiếng Hán-Việt có khi đọc nhiều cách, và tùy âm khởi đầu mà định chánh tả. Như tiếng hoạn, Khang Hi tự điển ghi: hồ + quán thiết, âm hoạn; hoặc hồ + hiện thiết, âm hiện. Vậy phải đọc: họan hay hõan, huyện hay huyễn, nghĩa là kết quả phải dấu nặng hoặc dấu ngã, vì âm h có hai bực thanh và trọc. Ở thí dụ này nó thuộc trọc âm. Nhưng lại quen đọc là ảo là tiếng khởi đầu bằng nguyên âm thuộc thanh âm nên phải viết dấu hỏi.
Chữ duẫn đúng âm là tuẩn (dấu hỏi), tự-điển phiên thiết là tư + dẫn thiết, nhưng vì phát âm là duẫn, âm d thuộc hữu-âm ở bực trọc, nên phải viết ngã.
Lõa dấu ngã, khi đọc khỏa thì viết dấu hỏi.
Chữ trậm, trẫm, Việt Nam tự điển ghi chẫm (dấu ngã), tự vị Genibrel và Paulus Của viết chẩm (dấu hỏi). Khang Hi tự điển ghị: trực + cấm thết, vậy phải đọc trậm hoặc trẩm. Nhưng thay vì đọc trầm (dấu ngã) lại đọc chẩm thì phải viết dấu hỏi, bởi âm tr có ở hai bực thanh và trọc, mà tiếng nầy thuộc âm trọc, vì tiếng dùng phiên thiết là trực, dấu nặng thuộc trọc âm, nên kết quả phải thuộc trọc thinh, viết dấu ngã (trẫm), còn âm ch của tiếng Hán-Việt chỉ có một bực thuộc thanh âm, nên phải viết dấu hỏi mới hợp lệ. Hán-Việt từ điển Đào Duy Anh nơi chữ Đảm cũng ghi: “cũng đọc chẩm” (dấu hỏi).

Về Đầu Trang Go down
Shiroi

Shiroi

Tổng số bài gửi : 19896
Registration date : 23/11/2007

Hệ thống tiếng Việt và nguyên tắc chính tả Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Hệ thống tiếng Việt và nguyên tắc chính tả   Hệ thống tiếng Việt và nguyên tắc chính tả I_icon13Sat 30 Aug 2014, 02:32

II. Tiếng nôm.

Có hai loại tiếng nôm: tiếng nôm chuyển gốc Hán-Việt và tíêng nôm lõi. Chánh tả của hai loại tiếng nầy, ngoại trừ một số ít, đại-để cũng tùy tiếng gốc.


a) Tiếng nôm chuyển gốc Hán-Việt.


Chúng ta hay lẫn lộn âm d với gi, s với x. Theo nhận xét chung thì:

a) Âm

1). âm d của tiếng nôm thường chuyển bên gốc Hán-Việt khởi đầu bằng âm d, đ, y, l: dây
2). âm gi của tiếng nôm thường chuyển bên gốc Hán-Việt khởiđầu bằng âm gi, k, ch, tr, s, t, th: giả < giả; gieo
3). âm s của tiếng nôm thường chuyển bên gốc Hán-Việt âm s, h, l, t: sói < sài; sống < sanh; sai < sai…; sau < hậu; sợ < hãi; sao < hà…; sáp < lạp; sen < liên; sức < lực; sường < lương …; say < túy; sửa < tu ; sáo < tiêu…

4). âm x của tiếng nôm, trừ mấy tiếng: xét < sát; xát < sát; sâu < sưu xưa < (cổ ) sơ…, thường chuyển bên gốc Hán-Việt âm khởi-đầu bằng x, th, hoặc kh:
Xe < xa; xấu < xú; xơm < xâm; xua < xu (khu)…; xanh

b) Vận

Trừ một số ít tiếng như : bài > bày; bất-thần > thình-lình; đán > tảng (sáng); đăng > đèn ; điểm > chấm; lân-cương > láng-diềng; thăng > lên…các tiếng nôm chuyển bên Hán Việt đều suy loại tiếng gốc mà viết.

Xét tiếng Hán-Việt chuyển ra tiếng nôm, lấy phần đa số, có mấy thông lệ này giúp ta viết ít sai:

- vận ai đổi ra ai; đổi ra ay, khi âm khởi đầu đã đổi như: đại < thay; hài > giày; sái ; rảy; trai > chay; trái > vay…
- vận ao đổi ra ao; đổi ra au, có khi au cũng đọc âu:
bảo > bàu (bầu); đào > cô dàu (ít dùng) (đầu); tào > tàu (tầu); tạo > tạu (tậu)…
- vận a đổi ra ă:
đam > đăm đăm; đam > đằm (thắm); đáp > đắp; giáp > gặp, cắp, gắp; hàm > cằm; sáp (tháp) > chắp, lắp, giắt; tàm > tằm; thám > thăm…
- vận âm, ấp đổi ra im, ip:
cầm > chim; cầm > (đờn) kìm; cấp > kíp; cập > kịp; châm > kim; chấp chíp; tâm > tim ; tầm > tìm; thẩm : thím ; trầm > chìm, gìm…;
- vận ê, I đổi ra ay:
- dề (lại) > thày (thầy); để > đáy; lễ > lạy; tề > tày; thế > thay; mi > mày ; phi > bay; quy > quay (quây); quy > quày; tì > đày (đầy) (tớ) ; trì chày (chầy)…
- vận iêm, iêp đổi ra ăm, ắp:
hiềm > hằm-hằm; niêm > nắm; tiêm > tăm, xăm; thiêm > giặm; hiệp > chặp; kiếp > (ăn) cắp; tiếp > chắp…
- vận ai, ôi, oi đổi ra ui:
dại > túi; đội : tụi; hỉ > vui ; hội > hụi; khai > khui; phôi > phui; sỉ > tủi; tị > mũi; thôi > xui, xúi; thối > lui, lùi; vị > mùi…
- vận ich đổi ra iêc, ươc:
bích > biếc; chích > chiếc; dịch > diệc; tích > tiếc; tích > thiếc; tịch > tiệc; nghịch > ngược : xích > thước…
- vận inh đổi ra iêng:
chinh > chiêng; chính > chiếng; chính (ngọat) > (tháng) giêng; kính > kiêng; kính . kiếng; linh > thiêng-liêng; (bản) lĩnh > (vốn) liếng; minh; miệng; tinh > siêng; tỉnh > giếng; thinh > tiếng ; trình > chiềng…

Về các phụ âm cuối, ta thấy sự liên hệ đỗi lần nầy trong tiếng nôm chuyển gốc Hán-Việt:

- ch đổi ra c : bích > biếc; nghịch > ngược…
- nh đổi ra ng : dình > dừng; trình (độ) > chừng.
- p đổi ra t: hấp > hút; lạp > dắt…
- m đổi ra n : niên > năm ; thôn > xóm ;

Mấy thông lệ trên để chỉ những tiếng nôm đã biến trại âm tiếng gốc, chớ mấy tiếng không biến vận thì vẫn giữ chánh tả của tiếng Hán-Việt như:

Dải < dái; ; dao < dao; giặc < tặc; (con) lằng < nhăng; gấp < cấp; rậm < sâm; tiệm < điếm; bắc < bắc; gân < cân; ngất < ngật…
Trừ mấy tiếng : bày < bài; cọng < cộng; đọc < độc; khóc < khốc; rồng < lòng.
Lộc thì cho ra tiếng lọc và lược (nước)

c) Thinh.

Thinh của tiếng nôm chuyển gốc Hán-Việt thì theo bực thinh của tiếng gốc, nghĩa là tiếng gốc là một tiếng dấu hỏi, dấu sắc hoặc không dấu thì tiếng nôm viết dấu hỏi; tiếng gốc là một tiếng dấu ngã dấu nặng hoặc dấu huyền thì tiếng nôm viết dấu ngã, như:

giả > kẻ ; giá > gả; hô > thở; tu > sửa…
dĩ > đã; kỵ > cỡi; hàng (hành) > hãng (buôn) …

Trừ
Dụ > dủ, rủ, ; lý > lẽ; (làng Kim) Lũ > (làng) lủ; lõa > (ở) ; miếu > miễu; nỗ > (cung) nỏ; nỗ (lực) > (năng) nổ; ngại > ngải, (bôi) nghỉ; ngưỡng > ngẩng, ngửa; nhĩ > nhữ (mồi)

Hai tiếng nê, ni thuộc hữu-âm, đáng lý chuyển ra tiếng nôm dấu ngã nhưng có lẽ suy lọai nơi tiếng không dấu, nên kết-quả viết dấu hỏi : (sình) nẩy, nỉ (nhung). Tự vị Genibrel và P. Của viết nĩ (dấu ngã).


b) Tiếng nôm lõi


Có hai loại: tiếng đơn và tiếng đôi.

1) Tiếng đơn.


a) Âm.

Hai âm của s và gi phát-âm khác với hai âm nớu x và d, vậy nên phải giữ đúng chánh tả:

- âm d thường đổi với nh, l, r: dần ∞ lần; nhử ∞ rử; nhơ ∞ dơ;
- âm gi thường đổi với c, ch, tr: giăng ∞ căng; giờ ∞ chừ; giặm ∞ chêm; giời ∞ trời; giăng ∞ trăng.

Với âm s, phát âm phải cong lưỡi và xịt hơi mạnh ơn khi phát âm x.

b) Vận.

Tiếng Việt có nhiều tiếng đồng họ, ý nghĩa liên quan, thường đồng một vận với nhau. Mấy tiếng ấy tùy nhau mà viết:

cắt, chặt, gặt, ngắt, xắt;
cuối, đuôi, chuôi, nuối;
họng, giọng, ngọng, nọng.

Bị ảnh-hưởng của tiếng nôm chuyển gốc Hán-Việt, tiếng nôm đơn cũng có mấy thông lệ:

- a đổi ra ă: càm ∞ cằm; nạm ∞ nắm; ba mươi ∞ băm; hai mươi ∞ hăm…
- a đổi ra u: ấp ∞ úp; nấp ∞ núp; nấm ∞ núm; ngất ∞ ngút; sập ∞ sụp…

Mấy phụ âm âm cuối cũng đổi lẫn nhau:

- ch đổi ra c: mách ∞ méc;
- nh đổi ra ng: mảnh ∞ miểng;
- m đổi ra n: mỉm ∞ mỉn;
- p đổi ra t: dập ∞ dụt; núp ∞ đụt; mấp ∞ mút; ngập ∞ lụt…

Ngoài ra, lấy phần đa số, ta có thể lập thông lệ dễ nhớ như vầy:

- vận en, eng, trừ (rối) beng, leng-keng (kẻng-kẻng), phèng (la) xẻng, tất cả đều viết en, không g.
- vận ec, et, trừ (con) kéc, (chọc) léc, méc (trại giọng của mách), tất cả đều viết et với t cuối.
- vận êc, ê, êch, trừ chệc (1), ếc (cũng viết ếch), (quêng) quếc, tất cả đều viết ê với t cuối.
- vận êch khi trại giọng của vận ich.
- vận ên, êng, trừ quêng (quếch), tất cả đều viết ên không g.
- vận ênh là trại giọng của inh.
- vận âng là trại giọng của ưng, trừ tiếng chân là chưn, tất cả đều viết có g.
- vận ân, âng, trừ lâng-lâng, quầng (do chữ vòng), tất cả đều viết ân không g.
- vận ui, ươi, trừ hửi (ngửi), cử, chửi (cũng viết chưởi), tất cả đều viết ươi có ơ, như: bưởi, lưỡi, rưỡi…
- vận ưu, ươu, trừ cưu (mang), trưu-trức, trừu, tất cả đều viết ươu có ơ, như: bướu, hươu, khướu, mưỡu…

c) Thinh.

Trừ một số ít tiếng, phải biết đọc trúng giọng, vì không rõ căn nguyên hoặc vì bị biến giọng, mấy tiếng nôm đơn, khi trại bên một tiếng khác, đều tùy tiếng chánh, hoặc bổng oặc trầm, mà viết hỏi hay ngã.

1) Bổng

- hỏi chuyển ra sắc và ngược lại :
búa ∞ bửa; hả ∞ há; lén ∞ lẻn; miếng ∞ miểng; mủn ∞ mún; rải ∞ rưới; thế ∞ thể; ván ∞ phản...
- hỏi chuyển ra hỏi:
bảo ∞ biểu; bổ ∞ mổ; cổi ∞ cởi; (khi) dể ∞ (coi) rẻ; (quên) lảng ∞ (quên) lửng; (mệt) lả ∞ (mệt) lử; nhỉ ∞ rỉ; nhỏ ∞ rỏ; rủ ∞ xủ; tỏa ∞ tủa; tủi ∞ mủi (lòng); xẻ ∞ chẻ…
- hỏi chuyển ra ngang và ngược lại:
cản ∞ can; chẳng ∞ chăng; chưa ∞ chửa; dải ∞ dai; không ∞ khổng; nhủi ∞ chui; quăng ∞ quẳng…

2) Trầm

- ngã chuyển ra nặng và ngược lại:
bạm (ăn) ∞ bám; cỗi ∞ cội; đậu ∞ đỗ; chậm ∞ chẫm (rãi); chẵn ∞ trọn; chõi ∞ chọi; chữ ∞ trự; giẵm ∞ giậm; giữa ∞ trựa; lưỡi ∞ lợi; trịu ∞ trĩu.
- ngã chuyển ra ngã:
bã ∞ rã; bẽ ∞ bẽn-lẽn ∞ trẽn; chỡ (dậy) ∞ chỗi (dậy); dõi ∞ rõi; đĩa ∞ dĩa; giễu ∞ riễu; hãng ∞ hẵng ∞ hãy; khẽ ∞ sẽ; lỗ ∞ rỗ; nỗi ∞ dỗi; ngẫm ∞ gẫm; ruỗng ∞ luỗng ∞ rỗng; ũi ∞ dũi, (dế) nhũi.
- ngã chuyển ra huyền và ngược lại:
cùng ∞ cùng; dầu ∞ dẫu; đã ∞ đà; bõ ∞ bù; cõi ∞ cỗi ∞ còi; đầy ∞ dầy; chình ∞ chĩnh; giũa ∞ giồi; lời ∞ lãi; mõm ∞ mồm; ngỡ ∞ ngờ; nhằng ∞ nhẵng; thòng ∞ thõng…

Trừ:
Dẫy (xe) ∞ đẩy; gõ ∞ khỏ; hõm ∞ (sâu) hóm; kẻ ∞ gã; (thuộc) làu ∞ làu; lõm ∞ lóm; (mệt) lử ∞ (đói) luỗi; mặn ∞ mẳn; ngõ ∞ ngả; phồng ∞ phổng; quãng ∞ khỏang; rải ∞ vải, rõ ∞ tỏ; trội ∞ trổi…

Ngoài ra, mấy tiếng nói ríu, hợp với tiếng “ấy” đều viết dấu hỏi, như: anh + ấy = ảnh; bà + ấy = bả ; cậu + ấy = cẩu ; chị + ấy = chỉ, năm + ấy = nẳm; người + ấy = nghỉ; thằng chả ( cha + ấy), con mẻ (mẹ + ấy); mủ (mụ + ấy) …



2) Tiếng đôi


Bởi tính cách độc vận ngắn ngủn, nên tiếng Việt thường hợp tiếng đôi để cho dịu giọng hoặc đổi nghĩa.
Khác với tiếng ghép, thường là tiếng hán-Việt, do hai hoặc ba tiếng có nghĩa riêng ghép lại để chỉ một ý-niệm mới, tiếng đôi, thường là tiếng nôm, do hai hoặc nhiều tiếng hiệp lại, để rõ ý, hoặc dịu giọng.
Có lọai tiếng đôi do hai tiếng đều có nghĩa, và loại tiếng đôi, cũng gọi là tiếng lấp láy, do một tiếng có nghĩa hợp với một tiếng không nghĩa, hoặc do hai tiếng không nghĩa hợp lại, nhưng giọng nghe hài hòa, thuận tai, dễ đọc.

a) Tiếng đôi mà hai tiếng đều có nghĩa, thì mỗi tiếng đều giữ chánh tả riêng của nó, về âm, vận, cũng như về thinh: bàn ghế; bồng ẵm; cổi gỡ; chống đối; đầy đủ; heo cúi; lỡ dở; mỏi mệt; sàng sảy; sâu xa, tìm kiếm; tỏ rõ, ủ rũ…

Như tiếng dì giượng, dông gió, có bạn đề nghị viết dì dượng (chính Việt Nam tự điển cũng viết dượng) và giông gió, lấy lẽ rằng, hai tiếng đừng gần nhau, chúng nó bị đồng hóa với nhau: vậy hai tiếng đều viết với d hoặc gi hết.

Trường-hợp”đồng hóa” cũng thường xảy ra, với tiếng đôi, mà một tiếng không nghĩa bị đồng hóa với một tiếng có nghĩa, như: giỏi giắn, giỏi giang, dần dà, xa xôi, say sưa… Còn ở đây, mỗi tiếng dì, giượng, dông, gió, đều có nghĩa riêng nên không bị đồng hóa, và giữ chánh tả riêng biệt của mỗi tiếng:

- Dì do chữ di (tiếng Hán) là chị hoặc em của mẹ;
- Giượng do chữ trượng (tiếng Hán) là chồng của cô (cô trượng), hoặc của dì (dì trượng).
Trượng cho ra tiếng giượng, cũng như trăng ∞ giăng, tranh ∞ gianh, tro ∞ gio; trời ∞ giời…

- Tiếng gió, không rõ nguồn gốc, nhưng viết với gi khởi đầu, trái lại dông, do chữ dương (tiếng Hán) là gió nổi lớn lên, mà tiếng gốc viết với d (dương) thì tiếng trại phải viết với d: dông.

Hoặc như mấy chữ đứng đắn, vuông vắn, mỗi tiếng đều có nghĩa riêng, chớ không thể suy loại tiếng trước có g mà viết sau đắn (g) hoặc vắn (g) có g được.

- Đứng đắn do gốc từ ngữ đoan chính (tiếng hán – ngay thẳng, không cong lệch). Chữ đoan cho ra tiếng đắn trong tiếng đôi: đúng đắn; chữ chính cho ra tiếng đứng; đứng đắn là nghiêm chỉnh không cong lệch.
- Còn tiếng vuông chuyển bên tiếng phương (tiếng Hán); tiếng văn, bên tiếng doản (tiếng Hán).

Như thế, mỗi tiếng có nghĩa riêng của nó và tùy tiếng gốc mà được viết ra.

b) Tiếng đôi do một tiêng có nghĩa hợp với tiếng đệm, thường không nghĩa và tiếng đôi do hai tiếng không nghĩa hợp lại.

Vì không nghĩa riêng, tiếng đệm phải tùy tiếng chánh, hoặc tiếng đầu (nếu hai tiếng đều không nghĩa) mà viết, theo âm, vận, thinh:

- dí dỏm, giỏi giang, sáng sủa, xót xa…
- áy náy, ăn năn, bần thần, lao đao…
- bẽn lẽn, lẵng nhẵng, võ vẽ…
- bẩu lẩu, hể hả, nhỏng nhẻo, xẩn bẩn…



1) Âm khởi đầu.

Những tiếng đệm không nghĩa bị đồng hóa thì viết một thể với tiếng chính, như đã nói trên: giấu giếm, dư dả, say sưa, xa xăm…

2) Vận.

Những tiếng đôi điệp vận, nghĩa là vận tiếng sau đồng một vận với tiếng trước, thì chánh tả tiếng sau tùy tiếng trước:

(an năn, tằn mằn, lăng căng, xăng văng…
bủn-rủn, lùn-đùn, bung-xung, lủng-củng, lui-cui, lụi-đụi…

Về những tiếng đôi không điệp vận, có mấy vận sau nầy, lấy phần đa số, ta có thể lập thành lệ:

- Vận âp: trừ mấy tiếng đắp đổi, đắp điếm, lắp bắp (lặp bặp), rắp ranh, vì nó có nghĩa riêng, hai tiếng đôi không nghĩa, mà vận âp đứng trước thì tiếng ấp viết với â:
bấp bênh, bập bẹ, bập bệu, chập chững, gập ghềnh, hấp hối, lấp lánh, lấp láy, lập lòe, phập phều, rập rộn, xấp xỉ…

- Vận ang, àng: tất cả tiếng đôi không điệp vận mà tiếng sau không nghĩa xuống vận ang, àng đều viết có g: dở-dang, hở-hang, mở-mang, nể-nang…
bẽ bàng, bộn bàng, dịu dàng, gọn gàng, lẹ làng, mịn màng, ngó ngàng, nhẹ nhàng, sẳn sàng, vội vàng…

Trừ: chứa chan, hỏi han, nồng nàn, việc vàn;

- Vận ắn: trừ lo lắng, sốt sắng, tằng (đằng, dặng) hắng, tất cả tiếng đôi không điệp vận xuống vận ắn đều viết không g: đứng đắn, giỏi giắn, may mắn, ngay ngắn, xinh xắn…

- Vận ằng: trái lại, những tiếng không điệp vận xuống vận ằng đều viết có g: dùng dằng, đãi đằng, gùng gằng, khùng khằng, ngùng ngằng, vùng vằng.

Trừ: cọc- cằn (tiếng cằn có nghĩa riêng), dử dằn, nhọc nhằn.

- Vận ẩn, ẫn: những tiếng đôi mà tiếng sau không nghĩa xuống vận ẩn, ẫn, đều viết không g: đú đẩn, ngớ ngẩn, sơ sẩn, thơ thẩn, đờ đẩn, thờ thẩn, vờ vẫn…

Trừ khi vận ẩng, ẫng cũng đọc ửng, ững thì mới viết có g: hí hẩng = hí hửng; hờ hẫng = hờ hững; …

- Vận ưng: trái lại, những tiếng đôi mà tiếng sau không nghĩa xuống vận ưng đều viết có g: bửng-tưng, đứng sựng, lưng chừng, mí mửng, pha lửng, tưng bừng...

- Vận ung: những tiếng đôi không điệp vận mà tiến sau không nghĩa xuống vận ung đều viết có g: ấp úng, bão bùng, lạ lùng, ngại ngùng…

Trừ : mảy mún, ngắn ngủn, vắn chủn vì tiếng sau có nghĩa là “vắn, nát vụn”

- Vận iu, ui thường đi chung với một tiếng thuộc vận cản nớu, ăn, ân, ăt, it, ut: bận bịu, chắt chiu, dắt díu, kĩu kịt, mắt míu, nhăn nhíu, ríu rít, trằn trịu (trĩu), dìu dắt, cui cút, gần gũi (gụi), hân hủi, ngui ngút, sùi sụt…

Trừ: lăng líu, mắc míu, nâng niu, phẳng phiu, tằng tịu, tục tĩu, xằng xịu.

3) Thinh.

a) Tiếng đôi lấp láy.

Về thinh của tiếng đôi lấpláy, thì theo “luật bổng-trầm”

- Những tiếng dấu hỏi, thuộc bực bổng, trong tiếng đôi lấp láy thường đi chung với một tiếng dấu ngang, hoặc dấu hỏi, hay dấu sắc: dở dang, nghỉ ngơi, thẩn thơ, nho nhỏ, xây xẩm, bải hỏai, đỏ đẻ, đủng đỉnh, chải chuốt, khỏe khoắn, mải miết, nhảm nhí, bóng bẩy, chớn chở, mắt mỏ, gắng gỏi…

- Những tiếng dấu ngã thuộc bực trầm, trong tiếng đôi lấp láy thường đi chúng với một tiếng dấu huyền, hoặc dấu gã, hay dấu nặng: hờ hẫng, dằng dẵng, rờ rẫm, nhão nhẹt, giặc giã, vạm vỡ…

Trừ những tiếng sau nầy không giữ lệ ấy: bền bỉ, binh bãi, chang bảng, chàng hảng, chèo bẻo, ẻo ẹo, giãy nảy, hòai hủy, ĩnh ương, lãng xẹt, lý lẽ, mình mẩy, mủ mỉ, ngoan ngõan, nhểu nhão, sành sỏi, sừng sỏ, sửng sờ, thỏng thừa, thung lũng, trễ nải, trọi lỏi, trơ-trẻn, ve vãn, vỏn vẹn, vương vãi, xảnh xẹ.

Để ý:

- Có nhiều tiếng đôi, vì thuận thinh âm phải bỏ bớt một dấu giọng, mấy tiếng mất giọng đó cũng là tiếng chánh lặp lại, chớ không phải tiếng đệm, nên không theo luật bổng trầm: dê dễ là dễ dễ: đa-đã là đã đã, đăng-đãng là đằng đẵng; khe khẽ, se-sẽ là khẽ-khẽ, sẽ sẽ…

- Có tiếng đôi bị đổi giọng như: hẳn-hoi trở thành hẳn hòi; kỹ càng trở thành kỹ cang.

b) Tiếng đôi gồm hai tiếng có nghĩa.

Không theo luật bổng-trầm, mỗi tiếng giữ chánh tả riêng của nó, như:

bằng : bằng + phẳng-phiu; cổi-gỡ : cổi
mồ mả : cái mồ (mộ : chỗ chôn người chết mà bằng mặt đất, + mả là núm đất niêm phong cái mồ; mỏi mệt : mỏi + mê mệt; riêng rẽ : riêng lánh + rẽ rời; rỗi rảnh : nhàn rỗi + rảnh rang; trồng tỉa : trồng trặc + trỉa (tỉa ra mà trồng)

ủ-rũ : ủ-ê + rũ-rượi; vỡ-lở : vở < hoại + lở-lói; kiêng cữ : kiêng < kính + cữ , kỵ; sửa chữa : sửa < tu + chữa < trừ

vỉ vạt : vỉ < va, th đổi ra v + vạt < mạt là “cuối”. Tiếng mạt bị tiếng vỉ đồng hóa âm v thành vạt.

c) Tiếng đôi hợp theo thuận thinh âm.

Mỗi tiếng Việt có thể hợp thành tiếng đôi dễ dàng. Ví như tiếng thấp, ngoài tiếng đôi thấp thỏi, ta có thể nói thấp thiếc, thấp thấp, thâm thấp.

Vậy có ba cách đổi tiếng đơn thành tiếng đôi:

- Lặp lại tiếng đó, có khi đổi thinh, như: áy thành áy áy hoặc ay áy.

- Hợp với một tiếng vận iếc (giọng bổng hoặc iệc (giọng trầm) như: học = học hiệc; nói = nói niếc. Vận iêt hợp với một tiếng vận cản nớu (có n, t cuối) và p, còn vận iêc hợp với mấy vận khác. Nhưng thông thường, điều viết với iêc cả.

- Hợp theo lối “bình-nhập”, với những tiếng thinh bình mà âm rốt là tỵ âm: m, n, nh, ng, và những tiếng nhập-thinh (p,t,ch, c cuối) đối chiếu. Mấy tiếng đôi nầy phải điệp âm, như:
ăm ắp, thinh thích, ang ác, in ít, nườm nượp, chành chạch, vằng vặc, kìn kịt…

Theo lệ nầy thì dễ biết chánh tả của tiếng hợp thành tiếng đôi. Nếu tiếng chánh viết với nh cối thì tiêng đệm viết ch cuối, hoặc ngược lại. Tiếng chánh viết n hoặc ng cuối, thì tiếng đệm viết t hoặc c cuối, trừ những tiếng đôi mà hai tiếng có nghĩa riêng, như : chằng chịt, khắng khít, man mác…

Tóm lại, bốn phương pháp chánh tả bổ cứu lẫn nhau; khi phát âm sai mà cũng chẳng rõ tự nguyên, người ta thường dùng phương pháp phân biệt hoặc viết theo sự quen dùng, nhưng với lý lẽ giải thích ở trên, chúng ta thấy, trừ một số ít tiếng ngoại lệ, mỗi chánh tả tiếng Việt đều có lý do là vịn theo tự nguyên.
Về Đầu Trang Go down
Sponsored content




Hệ thống tiếng Việt và nguyên tắc chính tả Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Hệ thống tiếng Việt và nguyên tắc chính tả   Hệ thống tiếng Việt và nguyên tắc chính tả I_icon13

Về Đầu Trang Go down
 
Hệ thống tiếng Việt và nguyên tắc chính tả
Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Similar topics
-
» Việt Sử Giai Thoại - Tập 4 - Nguyễn Khắc Thuần
» Danh tướng Việt Nam 3 - Nguyễn Khắc Thuần
» Đường Thi
» Danh sĩ kim cổ thế giới - Nhất Như, Phạm Cao Hoàn
» Bình Ngô Đại Cáo - Nguyễn Trãi
Trang 1 trong tổng số 1 trang

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
daovien.net :: TRÚC LÝ QUÁN :: Tài Liệu-