Trang ChínhTìm kiếmLatest imagesVietUniĐăng kýĐăng Nhập
Bài viết mới
LỀU THƠ NHẠC by Thiên Hùng Today at 12:06

Hơn 3.000 bài thơ tình Phạm Bá Chiểu by phambachieu Today at 08:53

Thơ Nguyên Hữu 2022 by Nguyên Hữu Yesterday at 20:15

BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-1965 - LM CAO VĂN LUẬN by Trà Mi Yesterday at 12:48

NỒI CƠM KHỔNG TỬ by mytutru Wed 27 Mar 2024, 23:23

Trang Thơ Phạm Đa Tình by Phạm Đa Tình Wed 27 Mar 2024, 20:46

Xem tướng mạo đàn ông ngoại tình, lăng nhăng by Trà Mi Tue 26 Mar 2024, 12:32

Giọng hát "Cọp nhai đậu phộng" by Trà Mi Tue 26 Mar 2024, 12:29

Những Bài Giảng Hay Thầy Thích Pháp Hoà by mytutru Tue 26 Mar 2024, 07:39

Khoảnh Khắc Vui Với Đường Thi by Tam Muội Mon 25 Mar 2024, 00:30

Con Đường Tâm Mytutru TKN Đào Liên by mytutru Sun 24 Mar 2024, 23:42

Tranh Thơ Viễn Phương by Viễn Phương Sat 23 Mar 2024, 02:26

Mái Nhà Chung by mytutru Fri 22 Mar 2024, 20:26

Người Em Gái Da Vàng by Viễn Phương Fri 22 Mar 2024, 19:10

Một thoáng mây bay 12 by Ai Hoa Fri 22 Mar 2024, 07:06

TRUYỆN KIỀU CÓ TRƯỚC ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH, VÀ LÀ CỦA VIỆT NAM ??? by Trà Mi Thu 21 Mar 2024, 10:43

Thơ Tú_Yên phổ nhạc by Tú_Yên tv Wed 20 Mar 2024, 11:16

Chùm thơ "Có lẽ..." by Tú_Yên tv Wed 20 Mar 2024, 11:07

Lục bát by Tinh Hoa Mon 18 Mar 2024, 07:21

PHÁP VIỆN MINH ĐĂNG QUANG TĂNG NI & Đại Chúng by mytutru Mon 18 Mar 2024, 00:55

SƯ TOẠI KHANH (những bài giảng nên nghe) by mytutru Sat 16 Mar 2024, 20:15

Putin dối trá khi trả lời Tucker Carlson by Trà Mi Fri 15 Mar 2024, 11:39

Trang thơ Tú_Yên (P2) by Tú_Yên tv Fri 15 Mar 2024, 11:20

7 chữ by Tinh Hoa Fri 15 Mar 2024, 03:27

BẮT CÁ TRỜI MƯA by Phương Nguyên Wed 13 Mar 2024, 20:48

5 chữ by Tinh Hoa Wed 13 Mar 2024, 07:56

Tiến Trình Tu Học Phật - Thành Phật by mytutru Mon 11 Mar 2024, 23:17

Tập Mỗi Ngày by mytutru Mon 11 Mar 2024, 22:48

Lan ĐV 8 by buixuanphuong09 Mon 11 Mar 2024, 11:06

SẦU LY BIỆT by Phương Nguyên Mon 11 Mar 2024, 08:02

Tự điển
* Tự Điển Hồ Ngọc Đức



* Tự Điển Hán Việt
Hán Việt
Thư viện nhạc phổ
Tân nhạc ♫
Nghe Nhạc
Cải lương, Hài kịch
Truyện Audio
Âm Dương Lịch
Ho Ngoc Duc's Lunar Calendar
Đăng Nhập
Tên truy cập:
Mật khẩu:
Đăng nhập tự động mỗi khi truy cập: 
:: Quên mật khẩu

Share | 
 

 Ngôn ngữ ngậm ngùi

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Tác giảThông điệp
Shiroi

Shiroi

Tổng số bài gửi : 19896
Registration date : 23/11/2007

Ngôn ngữ ngậm ngùi Empty
Bài gửiTiêu đề: Ngôn ngữ ngậm ngùi   Ngôn ngữ ngậm ngùi I_icon13Fri 07 Dec 2012, 03:59

Ngôn ngữ ngậm ngùi
Lê Hữu

Ngôn ngữ ngậm ngùi Giutho10
Giữ thơm quê mẹ, thư pháp Trụ Vũ


“Tiếng nước tôi,
bốn ngàn năm ròng rã buồn vui”
(Tình ca, Phạm Duy)

Một người bạn, qua Mỹ năm 1975, kể với tôi rằng, thành phố gia đình anh định cư trong năm đầu có rất ít người Á châu. Mỗi lần thoáng trông thấy một cái “đầu đen” nào là anh ta chạy ngay đến để xem thử có phải là người Việt không. Một hôm, trên đường phố, bất chợt anh ta nghe một tiếng nói quen thuộc cất lên. Tiếng Việt Nam. “Một cái đầu đen,” anh ta la lên, chạy bay đến trước mặt người đàn ông vừa thốt ra thứ tiếng ấy, nắm chặt hai vai, lắc lắc: “Việt Nam à? Tôi cũng Việt Nam đây!” (Anh ta không nói “tôi cũng là người Việt Nam đây!”). Người đàn ông cũng tỏ ra vui sướng không kém. Hai người quấn lấy nhau, tíu ta tíu tít như hai người bạn thân lâu ngày gặp lại và cùng tuôn ra một tràng tiếng Việt, mặc cho những người bản xứ đi qua đi lại nhìn chằm chằm hai người, ngạc nhiên vì một thứ ngôn ngữ “lạ tai”. Nỗi khát khao bị dồn nén lâu ngày, vỡ ra, ùa ra. Anh bạn tôi không cần biết người đàn ông nói tiếng Việt kia là ai, ở đâu ra, vì sao lại có mặt nơi đây(?). Không cần biết, chỉ cần… nói tiếng Việt. Thế là đủ.

Anh bạn tôi thèm được nghe, thèm được nói thứ ngôn ngữ ấy, cái mà anh ta thiếu thốn, khao khát đã lâu. Anh ta đi tìm chút “quê hương trong tiếng nói”. Cái cảm xúc ấy chỉ đến với anh ta một, hai lần sau đó, và không bao giờ trở lại nữa. Nơi anh ta sống bây giờ có khá đông người Việt, có khá nhiều “đầu đen”. “Người Việt ‘phức tạp’ quá!” anh ta nói, nhún vai.

Đấy là chuyện của anh bạn tôi. Chuyện của tôi thì có hơi khác một chút. Năm đầu đến Mỹ, tôi có cái vui gặp lại những người bạn cũ. Một ông bạn, sau ít câu thăm hỏi chuyện gia đình, hỏi tôi:

“Con trai ông tên gì?”
“Hữu Nghị.”
“Bộ hết tên rồi hay sao mà đặt cái tên gì ghê vậy?”
“Ông nói ‘ghê’ là ghê làm sao?” tôi hỏi.
“Thì ‘từ Việt cộng’ chứ còn ‘làm sao’ nữa,” người bạn phang một câu xanh rờn.

Từ VC! Không phải là lần đầu tôi nghe cái “từ” 1 này, bèn có một sự phản kháng:
“Thứ nhất, ông muốn tôi đặt tên gì khác bây giờ? Cả nhà tôi, mấy anh em trai đều là Lê Hữu… gì gì đó, Phước, Lộc, Tài, Đức…, đến đời thằng con tôi thì cũng phải cho nó cái ‘Hữu…’ gì chứ! Thứ hai, tôi đã plan cái tên ấy từ trước năm 75, vì muốn thằng con đi về… ngành ngoại giao. Việt cộng đâu có phải là người ‘phát minh’ ra cái chữ ấy, và cũng đâu có ‘độc quyền’ cái chữ ấy. Tiếng Việt là tài sản chung của người Việt mà.”

Người bạn nín thinh, cũng không tỏ dấu hiệu nào là có “nhất trí” hay không.

“Hữu Nghị”, cái tên ấy, hai chữ ấy (và những chữ khác nữa) tự nó không có lỗi gì cả. Vậy mà tội nghiệp, nó đã bị ghét bỏ một cách oan uổng, chỉ vì… “ghét ai ghét cả tông chi họ hàng”. Tâm lý này khá phổ biến và có thể hiểu được. Ghét người nào là ghét cả cái nhà cái xe, cái chăn cái chiếu, con chó con mèo… của người ấy. Nhiều người cảm thấy “ghét” chữ này chỉ vì thường đọc/nghe trên “báo, đài” 1 nào là “Tình hữu nghị thắm thiết môi hở răng lạnh”, nào là “Chúc cho tình hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước đời đời bền vững, mãi mãi xanh tươi”… vân vân và vân vân. Nghe mà dễ… ghét.

1. Tiếng Việt trong nước

Ông bạn tôi (và khá nhiều người như thế) chỉ suy nghĩ đơn giản, hoặc chỉ lập lại những gì ông ta nghe người khác nói, thành thử nhiều khi nói mà… không biết mình nói cái gì.

Sau này, mỗi khi bị “truy chụp” 1 là dùng “từ Việt cộng”, tôi tìm được cách giải thích khác, gọn hơn: “Ông thử lật tự điển tiếng Việt trước năm 75 của miền Nam ra xem, nếu có chữ này thì ông không thể gọi là ‘từ VC’ được.”

Tuy nhiên, lời giải thích ấy không phải lúc nào cũng “có sức thuyết phục” 1, lắm người không cần biết chữ ấy có hay không có trong tự điển “phe ta”, hễ tiếng nào “đối phương” sính dùng (nhất là dùng không đúng, nghe chướng tai, hoặc có vẻ “đao to búa lớn”) thảy đều là… “từ VC”. Những đối tượng ấy kể cũng hơi… khó nói chuyện (ngày trước gọi là “không có tinh thần đối thoại”).

Tội nghiệp cho những con chữ ấy, nằm yên ổn trong những trang sách tự điển từ bao nhiêu năm, nay bỗng nhiên bị nắm đầu lôi cổ ra tố khổ một cách oan uổng, như là những kẻ… nằm vùng. Vai trò của chữ nghĩa xưa nay vốn độc lập, không nghiêng bên này ngả bên kia, vậy mà nay lại bị gọi lên “làm việc” 1, tra vặn: “Anh theo bên nào?”

Những từ ngữ Hán-Việt như “hữu nghị”, “khẩn trương”, “tranh thủ”, “động viên”… không mới mẻ, lạ lùng gì với người dân miền Nam trước năm 1975. Nếu có khác là khác về cách diễn nghĩa và cách sử dụng. Ở miền Nam ngày trước ta vẫn nghe: “Thủ tướng chính phủ vừa ký quyết định ban hành tình trạng khẩn trương trên toàn lãnh thổ…”, hoặc “Tranh thủ nhân tâm (hay ‘tranh thủ sự ủng hộ của dư luận thế giới’ / ‘tranh thủ một nền hòa bình công chính’) là một trong những mục tiêu hàng đầu của công tác đấu tranh chính trị”, hoặc “Phái đoàn đến thăm viếng ủy lạo và động viên tinh thần binh sĩ”.

“Nhân dân cách mạng Việt Nam vùng đứng lên cùng thế giới
Vai chen vai bên nhau mưu cuộc giải phóng giống nòi…”

Những câu hát ấy ở trong bài “Nhân dân cách mạng Việt Nam”, nhạc sĩ Hùng Lân sáng tác ở trong Nam, cho thấy những từ ngữ “nhân dân”, “giải phóng”… không phải là “độc quyền” của người Việt ngoài Bắc.

Nói đi thì cũng nói lại, hai chữ “đồng bào” không phải là “độc quyền” của người Việt trong Nam. “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?” người Việt ngoài Bắc từng nghe câu ấy cách nay hơn sáu mươi năm. Vì sao người ta không chịu xài hai tiếng “thân thương” 1 đầy… “tình ruột thịt nghĩa đồng bào” ấy nữa lại là… chuyện khác.

Dẫn ra các ví dụ trên để thấy rằng tiếng Việt là của người Việt, không có Bắc Trung Nam chi cả, và chỉ vì duyên cớ nào đó mà đem lòng oán ghét những “từ” này “từ” nọ thì kể cũng bất công và tội tình cho chữ nghĩa. Hãy trả ngôn ngữ về vị trí độc lập như nó đã từng.

Trong phạm vi bài này, để cho dễ gọi (và để không phải lặp lại nhiều lần “trước/sau năm 1975”), xin được tạm dùng những “cụm từ” sau:

- “Tiếng Việt trong nước”: tiếng Việt được sử dụng trong cả nước hiện nay.
- “Tiếng Việt ngoài nước”: tiếng Việt được người Việt định cư ở nước ngoài (trước và sau năm 1975) sử dụng.
- “Tiếng Việt cũ”: cách nói hoặc từ ngữ được sử dụng ở miền Nam trước năm 1975.
- “Tiếng Việt mới”: cách nói hoặc từ ngữ thay cho “tiếng Việt cũ”, được sử dụng ở trong nước hiện nay.
- “Miền Nam thuở trước”: miền Nam Việt Nam trước năm 1975.

Những cách gọi này có tính cách tương đối, giai đoạn (do những biến động của lịch sử), và chỉ sử dụng trong phạm vi bài này.

Từ đây trở đi, trong bài sẽ không có những chữ nghĩa như “từ VC”, “tiếng Saigon”… hoặc những phê phán kiểu “xưởng đẻ”, “chiến sĩ gái”, “Công ty chất đốt thanh niên”, “Cửa hàng thịt tươi sống phụ nữ”… ngụ ý cười nhạo sự quê mùa của người sử dụng ngôn ngữ. Quê mùa không phải là cái tội, chỉ là sự thua thiệt do không có may mắn được đến trường đến lớp để “tiếp thu” 1 những kiểu cách văn minh lịch sự. Theo đà tiến hóa, chắc chắn là những cách nói ấy sẽ không tồn tại. Ông cha ta ngày xưa ít được học hành đến nơi đến chốn, hầu hết đều đi từ “chân quê” đến văn minh thành thị. Có người Việt nào lò dò đặt chân đến nước Mỹ lần đầu mà không… ngáo ngáo, chỉ khác là không bị người bản xứ cười nhạo (và chỉ ít lâu sau đó là bắt đầu có sự phân biệt kẻ đến trước, người đến sau, trong lúc đều cùng một thân phận tha hương, ăn nhờ ở đậu, không lấy gì làm vẻ vang).
Ngôn ngữ là tài sản chung của dân tộc, chắc không ai phủ nhận điều này. Ngôn ngữ là sản phẩm của con người, chứ không… làm nên con người. Tiếng Việt cũng không ra khỏi lẽ ấy. Tiếng Việt dùng chung cho cả nước. “Người phát minh” ra tiếng Việt không hề có ý định cấp giấy phép cho “bên” nào đặc quyền sử dụng; vì vậy, thiết tưởng ta cũng không nên làm cho tiếng Việt–ngôn ngữ của nước ta–trở nên “phức tạp” .

Nếu ta có thể “nhất trí” được với nhau, tiếng Việt là những “tiếng” được ghi lại trong các bộ tự điển tiếng Việt của cả miền Bắc lẫn miền Nam thuở trước (tất nhiên những bộ tự điển này luôn cần được bổ sung) thì không có chữ nào, tiếng nào là độc quyền của “bên” nào. Bên nào xài cũng được, miễn là chịu khó xài cho đúng.

1.1. Chữ và nghĩa

Ngôn ngữ tự nó không có lỗi gì cả. Hoặc nếu có, chỉ là ở nơi người sử dụng chúng. Thế nhưng, như thế nào gọi là “lỗi”? Có thể kể ra một ít ví dụ về cách dùng từ ngữ và những cách nói cần được điều chỉnh sao cho hợp lý.

- Biểu diễn: Thay vì nói “Ca sĩ L.T. đã biểu diễn những ca khúc gắn liền với tên tuổi chị”, nói “Ca sĩ L.T. đã trình diễn những ca khúc gắn liền với tên tuổi chị”.
Ta không nói biểu diễn một bài hát, nhất là khi ca sĩ đứng yên một chỗ mà hát, không múa may nhảy nhót.

- Chúc sức khỏe: Thay vì nói “Chúc sức khỏe!” hoặc “Chúc sức khỏe anh chị!”, nói “Chúc khỏe!” hoặc “Chúc anh chị khỏe!” hoặc “Chúc anh chị nhiều sức khỏe!”
Nói “Chúc sức khỏe!” là không đủ ý (và chưa thành câu chúc), mà phải là “Chúc sức khỏe… (như thế nào?)”, chẳng hạn “Chúc sức khỏe tốt / dồi dào!” Hoặc, có thể nói “Chúc khỏe!”, “Chúc khỏe nhé!” (tương tự “Chúc vui!”, “Chúc thọ!”, “Chúc may mắn!”….).

- Chuyên môn: Thay vì nói “Cô Nga là giáo viên phụ trách chuyên môn”, nói “Cô Nga là giáo viên phụ trách về biên soạn tài liệu giáo khoa” (hoặc “… về hướng dẫn sư phạm”, hoặc “… về sinh hoạt học đường”, hoặc “… về sổ sách kế toán”).
Nói “phụ trách chuyên môn” là không đủ ý, vì có cả trăm thứ “chuyên môn”, người nghe không rõ là “chuyên môn” về… cái gì(?).

- Quá trình: Thay vì nói “Xin nói sơ qua về quá trình thực hiện một bộ phim”, nói “Xin nói sơ qua về tiến trình thực hiện một bộ phim”.
Nói “quá trình” là nói về trình tự của một diễn tiến đã kết thúc. Ví dụ: “Đơn xin việc cần ghi rõ quá trình học vấn”, hoặc: “Sau mười năm, nhìn lại quá trình hoạt động của trường”.

- Tản mạn: Thay vì nói “Tản mạn về tiếng Việt”, nói “Chuyện trò tản mạn về tiếng Việt”, hoặc “Mạn đàm về tiếng Việt”.
Nói “tản mạn về…” là không đúng nghĩa. Tản mạn (tính từ) chỉ có nghĩa tương tự “lan man”, “rải rác”, “tản mác”…, chứ không có nghĩa là “mạn đàm”, “phiếm luận”, “trò chuyện” (động từ)…

- Trao đổi: Thay vì nói “Sau khi trao đổi, chúng tôi hiểu nhau hơn”, nói “Sau khi trao đổi ý kiến, chúng tôi hiểu nhau hơn”.
Nói “trao đổi” là không đủ ý, mà cần nói “trao đổi”… cái gì(?), ví dụ: “trao đổi ý kiến / kinh nghiệm / quan niệm / hàng hóa / tù binh”…

- Trình độ văn hóa: Thay vì nói “Trình độ văn hóa: lớp 12”, nói “Trình độ học vấn: lớp 12”.
Muốn hỏi về quá trình học vấn hay bằng cấp của một người, câu hỏi là: “Trình độ học vấn?”.

- Tư liệu: Thay vì nói “Có thể tham khảo thêm các tư liệu về đề tài này ở các thư viện”, nói “Có thể tham khảo thêm các tài liệu về đề tài này ở các thư viện”.

“Tư liệu” là tài liệu riêng thuộc quyền sở hữu của cá nhân, gia đình, tổ chức…, không phổ biến đại chúng.

Những từ ngữ và những cách nói trên khá thông dụng ở trong nước và cả ở ngoài nước. Ngoài ra, có ít từ ngữ “mới” mà ý nghĩa và cách dùng chưa thống nhất, rõ ràng. “Dân oan”, chẳng hạn. Không rõ là cái “từ” này ở đâu ra, trong hay ngoài nước? Các “báo, đài” 1 ở ngoài nước có vẻ sính dùng “từ” này. Một dòng chữ đọc được bên dưới tấm ảnh, “Dân oan tập trung khiếu kiện trước nhà thờ Đức Bà”. Trong ảnh là đám đông tụ tập thành những nhóm dăm ba người, kẻ đứng người ngồi, chuyện trò bàn bạc chi đó. Nhiều người ăn mặc bảnh bao, mặt mũi tươi rói. “Dân oan” có khi được dùng thay cho “người dân”, có khi thay cho… “một người dân”, chẳng hạn “Lá thư kêu cứu của một dân oan”, hay “Một dân oan tỉnh Tiền Giang cho biết…” Ngày trước ta có những “dân chúng”, “dân lành”, “dân quê”, “dân nghèo”, “dân đen”…, nay lại có thêm tầng lớp mới là “dân oan” (không chừng mai đây lại có thêm “dân ức”, “dân oán”, “dân khổ”, “dân đói”…). Đến ngày nào “tuyệt đại bộ phận” 1 nhân dân được gọi là “dân oan” cả thì nhà cầm quyền cũng “mệt” đấy chứ không phải chơi.

1.2. Tiếng Hán-Việt và tiếng “nửa Hán-Việt”


Không phải từ ngữ Hán-Việt nào cũng cần và cũng có thể thay được bằng từ ngữ “thuần Việt”. Khá nhiều tiếng Hán-Việt khó mà tìm được tiếng thuần Việt nào tốt hơn hoặc tương đương để thay thế.

Một ít từ ngữ Hán-Việt thường được sử dụng trong nước có thể thay được bằng thuần Việt và… hay không kém, chẳng hạn: “đại đa số” hoặc “đại bộ phận” có thể thay bằng “phần lớn”, “phần đông”; “tuyệt đại đa số” hoặc “tuyệt đại bộ phận” có thể thay bằng “hầu hết”; “giáo trình”, “giáo án” có thể thay bằng “bài giảng”; “tham quan” có thể thay bằng “thăm”, “thăm viếng”; “thường niên” có thể thay bằng “hàng năm”; “tiếp thu” có thể thay bằng “hiểu”, “am hiểu”, “học hỏi”; “tranh thủ” có thể thay bằng “cố gắng”, “cố thu xếp”; “khẩn trương” có thể thay bằng “mau mắn”, “lẹ làng” hoặc “căng thẳng” (tùy nghĩa trong câu).

Trong khi đó, một số từ ngữ Hán-Việt được trong nước đổi sang thuần Việt khá tốt như: “cả nước” thay cho “toàn quốc”; “nhà nước” thay cho “quốc gia”; “trong nước” thay cho “quốc nội”; “ngoài nước” thay cho “hải ngoại”; “nước ngoài” thay cho “ngoại quốc”; “chữ cái” thay cho “mẫu tự”; “quý” thay cho “tam cá nguyệt” (miền Nam thuở trước có chữ này nhưng ít dùng); “tàu sân bay” thay cho “hàng không mẫu hạm”; “Lầu Năm Góc” thay cho “Ngũ Giác Đài”; “Hội Chữ Thập Đỏ” thay cho “Hội Hồng Thập Tự”.

Các ví dụ trên cũng cho thấy một điều hơi lạ, người Việt trong nước, một mặt có xu hướng thuần-Việt-hóa các từ ngữ Hán-Việt, một mặt lại sính dùng các từ ngữ này. Có vẻ như đối với những gì “trân quý” 1 hoặc muốn “phô trương thanh thế” thì họ chuộng sử dụng tiếng Hán-Việt, hoặc giữ nguyên tên Hán-Việt chứ không muốn đổi sang tiếng thuần Việt. Ví dụ: siêu đẳng, siêu thị, siêu tốc, siêu xa lộ, siêu khuyến mãi, siêu tiết kiệm, thậm chí siêu giảm giá, siêu rẻ, siêu sao, siêu mẫu, siêu quậy, siêu hot, siêu mỏng, siêu nhỏ, siêu khủng (không rõ là “khủng” gì, “khủng khiếp”, “khủng long” hay “khủng bố”?!) và cả siêu xe nữa (chẳng hạn: “Siêu xe Ferrari 599 GTB dạo quanh Hồ Gươm”). Về tên riêng, các tên gọi như Thiên An Môn, Hữu Nghị Quan, Vạn Lý Trường Thành… vẫn được giữ nguyên, trong lúc Tòa Bạch Ốc (hay Bạch Cung), Ngũ Giác Đài… thì lại đổi thành Nhà Trắng, Lầu Năm Góc.

Tiếng Hán-Việt, dù muốn dù không, trở thành một “bộ phận không thể tách rời” 1 trong ngôn ngữ của người Việt. Nhiều từ ngữ Hán-Việt được sử dụng thường xuyên trong sinh hoạt hàng ngày tạo cảm giác gần gũi, thiết thân không kém gì tiếng thuần Việt. Hơn nữa, sử dụng tiếng Hán-Việt dẫu sao vẫn hơn là vay mượn những tiếng nước ngoài, vì dễ nghe hơn, dễ hiểu hơn, và ít ra cũng còn được… một nửa Việt.

Bên cạnh từ ngữ Hán-Việt, một số từ ngữ “nửa Hán-Việt” (tiếng Hán-Việt và tiếng thuần Việt sánh đôi nhau) cũng được sử dụng nhiều trong nước, như: người phát ngôn, nhà văn hóa, viện chăn nuôi, in ấn (thay vì “ấn loát”), tranh cãi (thay vì “tranh luận”, “tranh biện”), truy tìm (thay vì “truy tầm”), truy đuổi (thay vì “truy nã”), truy quét, truy lùng (thay vì “truy kích”), truy hỏi, truy vặn (thay vì “truy vấn”), vụ việc (thay vì “sự vụ”), di dời (thay vì “di động”), tu sửa (thay vì “tu bổ”)…

Một “đặc trưng” 1 khác của người Việt trong nước là sính “nói chữ”, thích dùng những “cụm từ” văn vẻ, quanh co hoặc bóng gió (thường là để tránh “đi thẳng vào vấn đề” hoặc để làm giảm nhẹ cái xấu), như: có khả năng (có thể); tạo điều kiện (tìm cách; thu xếp); kém văn hóa (ít học); bệnh thành tích (làm láo, báo cáo hay); quyết định thôi giữ chức (quyết định từ chức/cách chức); tình hình diễn biến phức tạp (tình hình xấu đi); giao lưu tình cảm (làm quen, kết bạn tâm tình); quà biếu trên mức tình cảm (hối lộ); ùn tắc giao thông (kẹt xe); trẻ em chưa ngoan (trẻ em hư hỏng); học sinh ngồi nhầm lớp (học sinh kém trình độ, cần cho xuống lớp dưới); điều kiện kinh tế gia đình rất hạn chế (gia đình nghèo khó, mức sống chật vật)…

1.3. Tiếng Việt “cũ” và “mới”


Bên dưới là một ít từ ngữ phổ biến ở trong nước, thay cho từ ngữ hoặc cách nói tương đương (ghi trong ngoặc đơn) của người Việt ở miền Nam thuở trước. (Các từ ngữ này xếp theo thứ tự vần abc).

Ban chấp hành (thay cho “ban điều hành”), bản chất (thay cho “bản tính”), biểu diễn (thay cho “trình diễn”), bức xúc (thay cho “ấm ức”; “bứt rứt”; “bực tức”; “nhức nhối”).

Ca từ (thay cho “lời ca”; “câu hát”), chấp hành (thay cho “thi hành”), chất lượng (thay cho “phẩm chất”), chủ trì (thay cho “chủ tọa”), chuyên nghiệp (thay cho “nhà nghề”), có sức/tính thuyết phục (thay cho “thuyết phục được”), cơ bản (thay cho “căn bản”), công nhân viên (thay cho “công chức”), cụm từ (thay cho “nhóm chữ”), cực đoan (thay cho “quá khích”), cường điệu (thay cho “phóng đại).

Di dời (thay cho “di chuyển”), dị ứng (thay cho “phản ứng”; “khó chịu”), diễn viên điện ảnh (thay cho “tài tử màn bạc”), diễu hành (thay cho “diễn hành”).
Đánh giá cao/thấp (thay cho “xem là có giá trị/kém giá trị”), đặc trưng (thay cho “đặc điểm”), đăng ký (thay cho “ghi danh”; “ghi tên”), đạt yêu cầu (thay cho “đáp ứng yêu cầu”), định kiến (thay cho “thành kiến”), đội ngũ (thay cho “hàng ngũ”), đột xuất (thay cho “bất ngờ”; “ngoài dự kiến”), đứng lớp (thay cho “dạy lớp”; “phụ trách lớp”).
Gần gụi (thay cho “gần gũi”), giao tiếp (thay cho “giao tế”; “xã giao”), giáo án (thay cho “giáo trình”; “bài giảng”).
Hải quan (thay cho “quan thuế”), hành xử (thay cho “xử sự”), hiện đại (thay cho “tối tân”), hộ chiếu (thay cho “sổ thông hành”), hộ khẩu (thay cho “tờ khai gia đình”), hoành tráng (thay cho “vĩ đại”), hội nhập (thay cho “hòa nhập”), hư cấu (thay cho “tưởng tượng”).
Khẳng định (thay cho “xác định”), khâu (thay cho “bước”; “phần hành”; “giai đoạn”), kiểm tra (thay cho “kiểm soát”).
Liên hệ (thay cho “liên lạc”, “tiếp xúc”), linh hoạt (thay cho “linh động”).
Năng nổ (thay cho “năng động”), nghiêm túc (thay cho “nghiêm chỉnh”; “nghiêm trang”; “đứng đắn”), nghiệp dư (thay cho “tài tử”), ngữ pháp (thay cho “văn phạm”), nhắc nhớ (thay cho “nhắc nhở”), nhất trí (thay cho “đồng ý”).
Phản cảm (thay cho “phản tác dụng”), phản hồi (thay cho “hồi đáp”), phát hiện (thay cho “phát giác”), phức tạp (thay cho “rắc rối”), phương án (thay cho “kế hoạch”).
Quá trình (thay cho “tiến trình”), quảng trường (thay cho “công trường”), quân hàm (thay cho “cấp bậc”).
Sâu sắc (thay cho “sâu xa”), sự cố (thay cho “trục trặc”; trở ngại”).
Tâm đắc (thay cho “ưng ý”; “đúng ý”), tản mạn (thay cho “mạn đàm”), tập trung (thay cho “tập họp”), tham gia (thay cho “tham dự”), tham quan (thay cho “thăm”; “thăm viếng”), thành danh (thay cho “tên tuổi”), thân thương (thay cho “thân yêu”; “thân mến”), thông tin (thay cho “tin tức”), thông tin thương mại (thay cho “quảng cáo”), thống nhất (thay cho “đồng nhất”), thu nhập (thay cho “lợi tức”), thuật ngữ (thay cho “danh từ kỹ thuật”), tiếp thu (thay cho “tiếp nhận”), tiết học (thay cho “giờ học”), tính từ (thay cho “tĩnh từ”), tình huống (thay cho “tình thế”; “tình cảnh”; “hoàn cảnh”), toàn bộ (thay cho “tất cả”), trân quý (thay cho “quý trọng”; “yêu quý”), tư liệu (thay cho “tài liệu”), tư vấn (thay cho “cố vấn”), từ (thay cho “chữ”; “từ ngữ”).
Vận động viên (thay cho “lực sĩ”), xuất khẩu (thay cho “xuất cảng”), xử lý (thay cho “giải quyết”)…
Những chữ in đậm (bold) ở đoạn trên là các từ ngữ được người Việt ở hải ngoại sử dụng nhiều trong sinh hoạt thường ngày, kể cả trong giới truyền thông, văn học (viết văn, viết báo, truyền thanh, truyền hình…) và các trường dạy tiếng Việt, khiến dần dà người ta không còn phân biệt được đâu là “tiếng Việt cũ”, đâu là “tiếng Việt mới” nữa.

Từ đó, xảy ra chuyện khôi hài, một bài báo công kích việc sử dụng “tiếng Việt mới” ở trong nước, thế nhưng trong bài tác giả lại sử dụng khá nhiều từ ngữ “mới” ấy, đại khái: “Tôi rất ‘tâm đắc’ với tác giả ‘bài viết’ ấy. Nội dung rất ‘sâu sắc’ và ‘có sức thuyết phục’. Mỗi lần đọc hay nghe những ‘từ’ ấy tôi rất ‘dị ứng’. Là người Việt phải biết ‘trân quý’ tiếng Việt ‘thân thương’ của ‘ta’…” Bài báo cho thấy người viết bị nhiễm “virus ‘tiếng Việt mới’” khá nặng, cần được điều trị.

Mỗi người có thể có những cách “đánh giá” 1 khác nhau về các “từ” của “tiếng Việt mới”. Cá nhân tôi, vẫn sử dụng các từ ngữ sau:

Dị ứng: Không dễ tìm được từ ngữ nào tương đương trong “tiếng Việt cũ” (không hẳn là “phản ứng” hay “khó chịu”). Nói: “Tôi rất dị ứng với cái từ ấy”, nghe giống như là ăn phải món gì đó, hoặc uống nhằm thứ thuốc men gì đó, da dẻ phát ngứa, nổi mề đay, gãi sồn sột…
Bản chất: Nghe “mạnh” hơn là “bản tính”. Nói: “Bản chất của hắn ta là vậy”, có nghĩa là “hắn ta”… hết thuốc chữa. Cái gì đã thuộc về “bản chất” rồi là đã nằm trong máu trong thịt, không cách chi “cải tạo” được, chỉ có nước… thay máu.
Tâm đắc: Nghe… tâm đắc hơn là “ưng ý”, “hợp ý”.
Nhạy cảm: Nghe… nhạy cảm hơn là “dễ đụng chạm”, “dễ gây xích mích”, “dễ xa nhau”.
Tính từ: Từ ngữ chỉ về tính cách, tính chất của người, vật, sự việc (đúng hơn “tĩnh từ”, nghĩa tương phản với “động từ”).
Vận động viên: Đúng hơn “lực sĩ”. Nhiều vận động viên không phải là “lực sĩ”.
Các từ ngữ mới như “đối tác”, “dữ kiện”, “dữ liệu”, “phản hồi”, “truy cập”, “hiển thị”… không thấy có trong “tiếng Việt cũ” cũng thường được tôi sử dụng. Những từ ngữ “quan ngại”, “phản ánh”, “hình thành”, “đảm bảo”… không phải là “tiếng Việt mới” như nhiều người tưởng mà từng được sử dụng ở miền Nam thuở trước.
Phần này không đề cập đến những tiếng lóng hoặc ngôn ngữ đường phố (street language) mà “tiếng Việt cũ”, “tiếng Việt mới” gì cũng đều có.

1.4. Nói sai, hiểu đúng

“Lát nữa đây tôi sẽ trao đổi với anh,” nghe người bạn nói vậy, ta tự động hiểu là anh ta sẽ trao đổi ý kiến với mình (chứ không phải trao đổi… hình ảnh tài liệu, hay thứ gì khác).
“Anh có thể vào trang web ấy để tham khảo ít tư liệu,” nghe người bạn nói thế, ta hiểu là cả nước đều có thể tham khảo thoải mái các tài liệu ấy (chứ chẳng phải riêng tư gì).
Nếu ta “nhất trí” được với nhau ngôn ngữ là “công cụ truyền đạt ý tưởng và giao tiếp giữa con người” thì hai câu nói trên xem như “đạt yêu cầu” 1. Người nói muốn nói cách nào cũng được, chỉ cần người nghe hiểu được và hiểu đúng là ngôn ngữ đã hoàn thành tốt đẹp vai trò của mình.
“Tư liệu” hay “tài liệu” thì cũng chỉ là cách gọi, là cái tên con người đặt để ra. Giả sử “nhà phát minh” chữ nghĩa chỉ tay vào cái bàn và nói “đây là cái ghế” thì vật dụng ấy sẽ có tên là “ghế”.

Giả sử ta gọi “chó” là “mèo” và “mèo” là “chó” thì khi nói “chó”, người nghe sẽ hiểu đấy là con vật nuôi ở trong nhà, kêu “meo meo” và giỏi bắt chuột; ngược lại, “mèo” là con vật nuôi để giữ nhà, sủa “gâu gâu”, và thường ngoắc ngoắc đuôi mừng chủ đi đâu về. Mới nghe thì có vẻ ngược ngạo, nhưng nghe riết cũng thành… quen tai. Tên gì thì cũng chỉ là cái… tên.

Nhiều người Việt ngoài nước vẫn phê phán hai chữ “chất lượng” của “tiếng Việt mới”, cho rằng “lượng” không thể nào là “phẩm” được, và nói “nâng cao chất lượng” là không đúng mà phải nói “nâng cao phẩm chất”. Thực ra, không phải người Việt trong nước không biết rằng chữ “lượng” (trong từ ngữ “chất lượng”) là chỉ mức độ lớn nhỏ, nhiều ít, cân đo đong đếm được. Cũng không phải họ không biết đến hai chữ “phẩm chất”. Từ ngữ này vẫn có trong từ điển tiếng Việt của họ, và được định nghĩa “Cái làm nên giá trị của người hay vật” (và còn cho ví dụ: “Hàng kém phẩm chất”). Trong lúc “chất lượng” được định nghĩa “Cái tạo nên phẩm chất, giá trị của một con người, một sự vật, sự việc” (Từ điển tiếng Việt, Nhiều tác giả, Viện Ngôn ngữ học, Nxb Đà Nẵng, Trung tâm Từ điển học, 2006). Như vậy thì hai từ ngữ này có nghĩa tương tự, thế nhưng họ lại sính dùng “chất lượng” hơn, và giải thích rằng, nói “chất lượng” là để… phân biệt với “số lượng”.

Nói gì thì nói, cái “từ” ấy (và các “từ” khác nữa của “tiếng Việt mới”) vẫn được lưu hành rộng rãi trong mọi sinh hoạt của người Việt ở hải ngoại. Các “báo, đài” vẫn cứ “đảm bảo chất lượng” lia chia, các xướng ngôn viên truyền thanh, truyền hình vẫn cứ “nâng cao chất lượng” đều đều, và vẫn cứ phát ngôn ra rả những “phát hiện”, “kiểm tra”, “tham gia”, “tham quan”, “biểu diễn”, “đăng ký”, “tập trung”, “chủ yếu”, “tháng Một”, “tháng Bốn” (thay vì tháng Giêng, tháng Tư)… vân vân. “Khán thính giả nghe đài” thì cũng dễ dãi, ít có ai thắc mắc hay ý kiến này nọ, hoặc nếu có phản kháng thì cũng… yếu ớt, vì biết có phản kháng cũng chẳng ăn thua gì. Người nghe nghe mãi, nghe riết cũng… quen tai, và tới nay thì dù muốn dù không cũng đành chấp nhận “sống chung hòa bình”. Cũng không thể phê phán các cô xướng ngôn viên ấy được, vì các cô chỉ đọc làu làu các văn bản được ai đó soạn sẵn, và “ai đó” thì hầu như cũng chẳng bận tâm đến chuyện đúng sai, phải trái, “tiếng Việt mới”, “tiếng Việt cũ” của các “từ” ấy.

Trả lời các phản hồi của “thính giả nghe đài” về việc sử dụng nhiều từ ngữ “tiếng Việt mới” trong các chương trình phát thanh bằng Việt ngữ, người phụ trách chương trình này của một đài phát thanh nước ngoài giải thích, “Đối tượng của chương trình này ‘đại đa số’ 1 là thính giả ở trong nước chứ không phải chỉ là người Việt ở nước ngoài. Chúng tôi sử dụng từ ngữ thông dụng ở trong nước để việc ‘truyền thông’ đạt được hiệu quả .” “Thính giả nghe đài” chắc cũng thỏa mãn cách giải thích này nên không có ý kiến gì thêm.

[Cách gọi “thính giả nghe đài” cũng là “cụm từ” 1 của tiếng Việt trong nước. Thoạt đầu là “các bạn nghe đài”, sau đổi thành “quý bạn nghe đài” (nghe “trân quý” hơn), sau lại đổi thành “quý thính giả nghe đài” hoặc “quý khán thính giả xem đài” (lẽ ra phải là “quý khán thính giả xem và nghe đài”). Thế nhưng, đổi như vậy thì lại thừa ra cái đuôi “nghe đài”, “xem đài”. Những “cụm từ” này cũng được ít đài truyền thanh, truyền hình của người Việt ở hải ngoại vay mượn. Với cách dùng “từ” như thế, e rằng mai đây sẽ lại có thêm những “khán giả xem phim”, “khán giả xem kịch”, “độc giả đọc sách”, “độc giả đọc báo”... vân vân].
Thực tế, “tiếng Việt mới” và “tiếng Việt cũ” đều có những trường hợp sử dụng từ ngữ không được chính xác. Người Việt ở miền Nam thuở trước vẫn viết hoặc nói “áo lạnh” (thay vì “áo ấm”); “gái mãi dâm” (thay vì “gái mại dâm”); “đi khám bác sĩ” (thay vì “đi khám bệnh”, hoặc “đi gặp bác sĩ”)… Và người đọc hay người nghe, khi nghe “áo lạnh”, thay vì yêu cầu người nói điều chỉnh, phải… tự điều chỉnh não bộ (là nơi tiếp nhận ngôn ngữ) để hiểu rằng người nói muốn nói là “áo ấm”. Việc này có thể tạo ra chút lúng túng ở lần đầu tiên vì “sự cố” 1 có hơi bất thường; tuy nhiên, từ đó về sau thì “quá trình” tự điều chỉnh ấy sẽ trôi chảy và trở nên bình thường.

Nói sai nhưng… hiểu đúng là được, như cách nói của người Mỹ, “That’s ok, no problem”. Về mặt truyền đạt ý tưởng, như thế gọi là “đạt yêu cầu”.


Lê Hữu



Về Đầu Trang Go down
 
Ngôn ngữ ngậm ngùi
Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
daovien.net :: GIẢI TRÍ :: Quê Hương yêu dấu :: Tiếng Việt-