Trang ChínhTìm kiếmLatest imagesVietUniĐăng kýĐăng Nhập
Bài viết mới
Thơ Nguyên Hữu 2022 by Nguyên Hữu Yesterday at 20:15

BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-1965 - LM CAO VĂN LUẬN by Trà Mi Yesterday at 12:48

LỀU THƠ NHẠC by Trà Mi Yesterday at 12:15

NỒI CƠM KHỔNG TỬ by mytutru Wed 27 Mar 2024, 23:23

Hơn 3.000 bài thơ tình Phạm Bá Chiểu by phambachieu Wed 27 Mar 2024, 22:49

Trang Thơ Phạm Đa Tình by Phạm Đa Tình Wed 27 Mar 2024, 20:46

Xem tướng mạo đàn ông ngoại tình, lăng nhăng by Trà Mi Tue 26 Mar 2024, 12:32

Giọng hát "Cọp nhai đậu phộng" by Trà Mi Tue 26 Mar 2024, 12:29

Những Bài Giảng Hay Thầy Thích Pháp Hoà by mytutru Tue 26 Mar 2024, 07:39

Khoảnh Khắc Vui Với Đường Thi by Tam Muội Mon 25 Mar 2024, 00:30

Con Đường Tâm Mytutru TKN Đào Liên by mytutru Sun 24 Mar 2024, 23:42

Tranh Thơ Viễn Phương by Viễn Phương Sat 23 Mar 2024, 02:26

Mái Nhà Chung by mytutru Fri 22 Mar 2024, 20:26

Người Em Gái Da Vàng by Viễn Phương Fri 22 Mar 2024, 19:10

Một thoáng mây bay 12 by Ai Hoa Fri 22 Mar 2024, 07:06

TRUYỆN KIỀU CÓ TRƯỚC ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH, VÀ LÀ CỦA VIỆT NAM ??? by Trà Mi Thu 21 Mar 2024, 10:43

Thơ Tú_Yên phổ nhạc by Tú_Yên tv Wed 20 Mar 2024, 11:16

Chùm thơ "Có lẽ..." by Tú_Yên tv Wed 20 Mar 2024, 11:07

Lục bát by Tinh Hoa Mon 18 Mar 2024, 07:21

PHÁP VIỆN MINH ĐĂNG QUANG TĂNG NI & Đại Chúng by mytutru Mon 18 Mar 2024, 00:55

SƯ TOẠI KHANH (những bài giảng nên nghe) by mytutru Sat 16 Mar 2024, 20:15

Putin dối trá khi trả lời Tucker Carlson by Trà Mi Fri 15 Mar 2024, 11:39

Trang thơ Tú_Yên (P2) by Tú_Yên tv Fri 15 Mar 2024, 11:20

7 chữ by Tinh Hoa Fri 15 Mar 2024, 03:27

BẮT CÁ TRỜI MƯA by Phương Nguyên Wed 13 Mar 2024, 20:48

5 chữ by Tinh Hoa Wed 13 Mar 2024, 07:56

Tiến Trình Tu Học Phật - Thành Phật by mytutru Mon 11 Mar 2024, 23:17

Tập Mỗi Ngày by mytutru Mon 11 Mar 2024, 22:48

Lan ĐV 8 by buixuanphuong09 Mon 11 Mar 2024, 11:06

SẦU LY BIỆT by Phương Nguyên Mon 11 Mar 2024, 08:02

Tự điển
* Tự Điển Hồ Ngọc Đức



* Tự Điển Hán Việt
Hán Việt
Thư viện nhạc phổ
Tân nhạc ♫
Nghe Nhạc
Cải lương, Hài kịch
Truyện Audio
Âm Dương Lịch
Ho Ngoc Duc's Lunar Calendar
Đăng Nhập
Tên truy cập:
Mật khẩu:
Đăng nhập tự động mỗi khi truy cập: 
:: Quên mật khẩu

Share | 
 

 CAO BÁ QUÁT - một thiên tài kỳ vĩ của văn học Việt Nam

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Tác giảThông điệp
Shiroi

Shiroi

Tổng số bài gửi : 19896
Registration date : 23/11/2007

CAO BÁ QUÁT - một thiên tài kỳ vĩ của văn học Việt Nam Empty
Bài gửiTiêu đề: CAO BÁ QUÁT - một thiên tài kỳ vĩ của văn học Việt Nam   CAO BÁ QUÁT - một thiên tài kỳ vĩ của văn học Việt Nam I_icon13Fri 27 Jan 2012, 05:02


CAO BÁ QUÁT

một thiên tài kỳ vĩ của văn học Việt Nam


CAO BÁ QUÁT - một thiên tài kỳ vĩ của văn học Việt Nam 16655830-f0a


Thơ Cao Bá Quát vút lên từ một số phận. Không phải số phận của chỉ một cá nhân mà còn là của cả một dân tộc. Hàng ngàn năm, chúng ta mới có một hiện tượng văn học kỳ tuyệt và đáng ngạc nhiên như vậy. Không phải ngẫu nhiên mà trước Cách mạng tháng Tám, lúc mà thơ Cao Bá Quát chưa sưu tầm được bao nhiêu, có nhà nghiên cứu đã cho rằng “ba bốn trăm bài của Cao Chu Thần thi thảo giá ở Trung Quốc thì đã được in ra, làm cho tác giả đứng ngang hàng với Đỗ Thiếu Lăng, Tô Đông Pha chẳng hạn, nhưng ở nước ta, đành mai một”[1].

Cao Bá Quát đã sống như một huyền thoại. Với những động cơ khác nhau và cách nhận thức khác nhau về ông, người ta đã sáng tác ra những giai thoại và nhiều khi hậu thế chỉ hiểu ông qua những giai thoại ít nhiều xuyên tạc đó. Dù sao, trong tâm thức nhân dân, ông đã trở thành một bậc “thánh” của thơ. Điều này cũng không có gì quá đáng, thậm chí là một đánh giá tương đối chính xác.

Trong thời Cao Bá Quát sống và làm thơ, như lời ông nói, “tác gia nối gót xuất hiện”, nhưng các nhà thơ ấy mắc phải nhiều bệnh như “ủy mị”, “dễ dãi”, “nuốt sống bắt tươi”, “vơ vét trăm nhà, thâu tóm mọi thể, mô phỏng quá nhiều mà phong cốt chưa cao, tô điểm có khéo nhưng tinh thần còn thấp…” (Tựa đề cuối tập thơ của Thương Sơn). Trong khi đó, thơ Cao Bá Quát như một vầng hồng chính khí bao trùm lên thi đàn, cái thi đàn bị trói buộc, gò bó bởi một triều đại chuyên chế và u ám. “Giữa thế kỷ bạo tàn, tôi đã ca ngợi tự do”, thi hào Pushkin (1799-1837), người đồng thời với Cao Bá Quát, viết. Còn khổ nhục hơn Pushkin bị quản thúc ở Mikhailôpskoie, Cao Bá Quát đã bị tù và bị tra tấn dã man ở nhà lao Kinh đô Huế và từ song cửa nhà tù, tiếng thơ của ông ca ngợi tự do, phản đối nhục hình, tiếng thét bi phẫn của con người chân chính bị đày ải, đã vút lên và làm xúc động chúng ta ngày nay.

Bên cạnh những đỉnh cao chói lọi trong văn học Việt Nam như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, chúng ta lại có Cao Bá Quát (1808-1855), người phản kháng, người ca ngợi tự do, người thương dân đen, người yêu thương nhân dân lao động như tấm lòng của Đỗ Phủ “cùng niên ưu lê nguyên” (Quanh năm lo dân đen), lại là người biết ước mơ một cuộc sống xứng đáng với con người như trích tiên Lý Bạch, và lạ hơn đã dám tuốt gươm khởi nghĩa. Ông đã từ một con người của từ chương bước vào hiện thực và chiến đấu, từ một con người của vần điệu và khí phách biến thành con người của dòng lịch sử đang vật vã chuyển mình, thành anh hùng khởi nghĩa. Và thế là Cao Bá Quát đã có một số phận khác thường trong lịch sử văn học.

Cao Bá Quát có lẽ là một hiện tượng chỉ xuất hiện một lần trong văn học Việt Nam.


CAO BÁ QUÁT - một thiên tài kỳ vĩ của văn học Việt Nam 16655851-7e3

Bút tích của Cao Bá Quát


Cuộc đời ông từ thuở thư sinh, học rất giỏi và chữ viết cũng rất đẹp. Đường đời đã định với ông, theo gia phong là đi học, đi thi làm quan để vinh hiển với đời và cũng để giúp đời. Có thể nào có con đường khác. Cha ông đặt tên cho anh em ông (sinh đôi) là Bá Đạt và Bá Quát, hai hiền thần vào đời Chu và ông lấy hiệu Chu Thần là theo ý nguyện đó của cha.

Vào đời, ông tự ví mình là “thiên lý mã”, chở nặng trách nhiệm và phải đi xa. Và đã vào đời, làm sao tránh được cái danh. Nhưng phải là cái danh trong sạch, xứng đáng: “Đạp hướng danh đồ bất điệu đầu” (Bước lên con đường danh, đầu vẫn ngay thẳng). Những giai thoại mà người đời gán cho ông, mô tả tuổi trẻ của ông thông minh, đối đáp giỏi nhưng kiêu ngạo và tham vọng. Có thể là sau cái chết giữa trận của ông, ông bị bêu đầu, bị ghép vào tội nặng nhất là tội phản nghịch, cả nhà bị giết, người ta vừa thương, vừa kính lại vừa sợ và đã sáng tác ra các giai thoại đó để huyền thoại hóa một con người. Các giai thoại này đã làm sống một nhân vật gọi là Cao Bá Quát trong văn hóa dân gian nhưng nó cũng xuyên tạc tính cách và khuôn mặt thật của ông không ít.

Bài văn đáng tin cậy để bộc lộ chân dung chân thực của Cao Bá Quát là bài phú Tài tử đa cùng. Hiện không tìm thấy bản Nôm gốc. Nhưng từng câu, từng chữ, tư tưởng, chí khí, tính cách, phong cách của bài văn là của Cao Bá Quát chứ không thể là của ai khác. Đó là một Cao Bá Quát thời thư sinh chưa nếm trải chuyện thi cử và chưa bước vào đời. Đó còn là con người của mơ ước và khát vọng. Ngay từ thuở thư sinh ấy, ông đã rất khác với thế tục.

Tài tử đa cùng là một kiệt tác về mặt nghệ thuật. Phú Nôm không phải là một sự “bứng trồng” (transplation)[2] của Hán phú, Đường phú… mà là một sự “tiếp biến văn hóa” (acculturation), mang đặc sắc Việt Nam. Trước hết, đó là tiếng Việt trau chuốt, ý vị; là cấu trúc và qui mô thay đổi, và chức năng “nhuận sắc hồng đồ” triều đại trong phú Trung Quốc được thay bằng chức năng mô tả đời sống thế tục Việt Nam. Từ đó, hiện lên một lý tưởng nhân văn mang tính nhân dân tiến bộ, đặc biệt là ở những bài phú Nôm châm biếm, hài hước: “Ngã ba Hạc phú”, “Thầy đồ hỏng thi phú”, “Hàn Nho phong vị phú”… Tài tử đa cùng là một bài phú trữ tình, một bài văn xuôi có nhịp (prose rythmée), tuyên ngôn của một giai tầng, giai tầng kẻ sĩ, có ý nghĩa văn hóa - lịch sử của xã hội Việt Nam.

Ở đời người ta ghét những kẻ kiêu ngạo, nhưng lại yêu những kẻ có hoài bão lớn. Cao Bá Quát không bao giờ là người kiêu ngạo. Ông chỉ coi khinh bọn quyền quý áp bức, bọn “chim hoàng điểu kiếm ăn”… Ông sánh mình với tất cả những người ưu tú của nền văn hóa phương Đông cổ đại, những Y Doãn, Phó Duyệt, Khổng Tử, Nhan Uyên, Trình Hạo, Chu Hy, những Lý Bạch, Đỗ Phủ, Lạc Tân Vương, Dương Quýnh… Trong đoạn văn bộc lộ hết mình, “xé mình ra mà viết” ấy, có cái gì hào hứng, trẻ trung rất đáng yêu, khác với những câu văn cử nghiệp tầm thường mà trống rỗng:

Nghiêng cánh nhạn, tếch mái rừng Nhan Khổng, chí xông pha nào quản chông gai;
Cựa đuôi kình, toan vượt bể Trình Chu, tài bay nhảy ngại chi lao khổ.


Lắc bầu rượu dốc nghiêng non nước lại, chén tiếu đàm mời mọc Trích Tiên;
Hóng túi thơ nong hết gió trăng vào, cơn xướng họa thì thầm Lão Đỗ.


Tươi nét mặt thư sinh lồ lộ, bưng mắt trần toan đạp cửa phù đồ;
Rửa buồng gan du tử nhơn nhơn, giương tay tạo rắp xoay cơn khí số.


Chúng ta chú ý tới nhịp điệu, giọng điệu, cú pháp của các câu. Các câu đặt “đảo trang”: các cú đoạn định ngữ theo thông lệ của cú pháp tiếng Việt phải được đặt sau (cựa đuôi kình, lắc bầu rượu…) ở đây được đặt lên trước để gây ấn tượng và tạo ngữ khí, đặc biệt các động từ đặt ở đầu mỗi câu (cựa, lắc, hóng, tươi, rửa…) được chọn lọc và dùng rất thích đáng. Cả những động từ dùng trong các cú đoạn khác cũng thế: dốc, nong, bưng, giương…; tài sử dụng tiếng Việt có thể nói là tuyệt vời!

Nhưng cuộc đời phong kiến không có chỗ cho những tài hoa, nhất là cho những chí khí như thế: “Song nghĩ lại trần ai không đếch chỗ”. Và cái nghèo, cái cùng khổ, “cần lao” và “tân khổ”, cơm và áo… là cái cửa ải đầu tiên mà cuộc đời mở ra cho chàng thư sinh. Và không có ai có thể viết hay, tiêu tao như Cao về cái ảnh hưởng của hoàn cảnh đến người tài tử ấy.

Gió trăng rơi rụng, để cái quyên gầy,
Sương tuyết hắt hiu, làm con nhạn võ.


Vẫn là những hình tượng và những động từ “đặc hiệu”: rơi rụng, hắt hiu, gầy - võ…
Nhưng hoàn cảnh không đè bẹp được tráng chí của chàng thư sinh, và cái thanh cao cao vút ấy của chàng chỉ có thể sánh với Bá Di, Thúc Tề và Lã Vọng:

Đói rau rừng, thấy thóc Chu mà trả, đá Thú Dương chơm chởm, xanh mắt Di nằm tót gáy o o.

Khát nước sông, trông dòng đục không vơ, phao Vị Thủy lênh đênh, bạc đầu Lã ngồi giai ho lụ khụ.


Khát mà không thèm uống, đói mà không thèm ăn, “bần tiện bất năng di, phú quí bất năng dâm…” những ý tưởng đã nghìn năm ấy phải được gói trong những từ ngữ tiếng Việt: “không vơ”, “trả”, “chơm chởm”, “lênh đênh”… mới thành được những lời thơ “thiên cổ”. Một luồng chính khí biến thành văn khí chạy suốt bài phú, có thể là đã được viết một hơi, “tẩu bút” như Cao Bá Quát thường làm, đưa đến một ngữ điệu mới cho phú, cho thơ văn Nôm. Rất tiếc là Cao Bá Quát không tiếp tục loại hình này, và ông đi thi, vào Kinh… và trong giới “tinh hoa” ấy, chỉ có thơ chữ Hán mới định được giá trị, tài năng. Chỉ sau Nguyễn Du ba bốn chục năm, những thể chế áp lực của triều Nguyễn độc tôn Hán học – Nho học lên sáng tác là cực kỳ lớn.

Một loạt các bài “hát nói” lâu nay vẫn được truyền tụng là của Cao Bá Quát cũng rất tài hoa, độc đáo, thú vị. Trong một thể loại dù sao cũng gắn với một cái gì đó tự do hơn – “hát ả đào”, một thú chơi, nơi bộc lộ con người “không chính thức”, nó là một bước tiến mới về thể loại văn học; ở đó sự tự do hóa và dân chủ hóa hình thức đi đôi với sự bộc lộ một nội dung đã bắt đầu khác chung quanh…

Cao Bá Quát để lại hàng ngàn bài thơ chữ Hán. Mà đó chắc là số lượng bài còn lại sau khi đã mất mát, bởi vì ông khởi nghĩa chống triều đình, bởi vì ông “làm loạn”, “phản nghịch” – và ít ai dám lưu trữ tác phẩm của ông. Thế nhưng đã còn lại được hàng ngàn bài, đủ biết đời vẫn còn yêu ông, quý ông lắm.

Trong hàng ngàn bài còn lại ấy, hiện lên chân dung, tính cách một nhà thơ vĩ đại.

Ông đã đặt ra trong thơ mình biết bao vấn đề nhân sinh to lớn, đáng suy ngẫm trong thế kỷ ông và cả trong thời chúng ta. Ông là một nhà thơ đã đi đến tận cùng số phận mình, đã đốt cháy tất cả năng lượng tâm hồn mình thành một bó đuốc thơ rực cháy giữa đêm đen của một thế kỷ đầy giông bão. Ông đã suy nghĩ rất nhiều về thơ của thời đại mình, kiên quyết đi con đường lớn của thơ: con đường gắn thơ với nhân sinh, với thời cuộc, với lý tưởng xã hội và lý tưởng nhân văn, làm một cuộc cách tân sâu sắc chống lại những giáo điều, “ăn sống nuốt tươi”, ủy mị, tù túng, nhàm chán… những cái sẽ giết chết thơ.

Cao Bá Quát không cần chúng ta ca ngợi hay dựng tượng đài. Tự bản thân tác phẩm của Cao Bá Quát đã là một tượng đài lớn. Tự bản thân thơ ông đã làm cho con người kiêu hãnh.

................................................



(1)
Phan Khôi, Khái luận về văn học chữ Hán ở nước ta. Tao Đàn số 1 (3/1939), tr.13-18. Tao Đàn số 2 (3/1939), tr.107-114.

(2)Chữ dùng của Viện sĩ D.X. Likhasôp nói về sự “di thực” của nền văn hóa Bidăngxơ sang văn hóa Slavơ. Dẫn theo Riptin B.L: Mấy vấn đề nghiên cứu những nền văn học phương Đông theo phương pháp loại hình. T/c Văn học, 2/1974.

MAI QUỐC LIÊN

Về Đầu Trang Go down
Shiroi

Shiroi

Tổng số bài gửi : 19896
Registration date : 23/11/2007

CAO BÁ QUÁT - một thiên tài kỳ vĩ của văn học Việt Nam Empty
Bài gửiTiêu đề: Cao Bá Quát, cuộc đời và sự nghiệp   CAO BÁ QUÁT - một thiên tài kỳ vĩ của văn học Việt Nam I_icon13Fri 27 Jan 2012, 05:07

Cao Bá Quát, cuộc đời và sự nghiệp


Phần I: Cuộc đời và sự nghiệp văn chương

Cao Bá Quát (1809? – 1855), tên tự là Chu Thần, hiệu là Cúc Đường, biệt hiệu là Mẫn Hiên. Ông là lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương (nay thuộc thị xã Sơn Tây, Hà Nội), và là một nhà thơ nổi danh ở giữa thế kỷ 19 trong văn học Việt Nam.

I. Thân thế & sự nghiệp:

Cao Bá Quát, người làng Phú Thị, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh nay là xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội). Ông là con Cao Tửu Chiếu, tuy không đỗ đạt nhưng là một nhà nho khá nổi danh; và là em (song sinh) với Cao Bá Đạt (cha Cao Bá Nhạ, tác giả Tự tình khúc).

Thuở nhỏ, Cao Bá Quát sống trong cảnh nghèo khó, nhưng nổi tiếng là trẻ thông minh, chăm chỉ và văn hay chữ tốt. Năm 14 tuổi, ông trúng tuyển kỳ thi khảo hạch ở Bắc Ninh. Năm Tân Mão (1831) đời vua Minh Mạng, ông thi hương đỗ Á Nguyên tại trường thi Hà Nội, nhưng đến khi duyệt quyển, thì bị bộ Lễ kiếm cớ [1] xếp ông xuống hạng cuối cùng trong số 20 người đỗ Cử nhân. Sau đó trong chín năm, cứ ba năm một lần, Cao Bá Quát vào kinh đô Huế dự thi Hội, nhưng lần nào cũng bị đánh hỏng.

Năm 1841, lúc này ông đã 32 tuổi, mới được quan tỉnh Bắc Ninh tiến cử lên triều đình, triệu vào Huế để nhận một chức tập sự ở bộ Lễ (Hành tẩu). Tháng 8 năm đó, ông được cử làm sơ khảo trường thi Thừa Thiên, thấy một số bài thi hay nhưng có chỗ phạm trường quy, ông bàn với bạn đồng sự là Phan Nhạ rồi lấy son hòa muội đèn chữa giúp 24 quyển . Việc bị phát giác, Giám trường thi là Hồ Trọng Tuấn đàn hặc, ông bị bắt giam, bị tra tấn rồi bị kết vào tội chết. Nhưng khi án đưa lên, vua Thiệu Trị đã giảm cho ông từ tội trảm quyết xuống tội giảo giam hậu, tức được giam lại đợi lệnh.

Sau gần ba năm bị giam cầm khổ sở, ông được triều đình tạm tha, nhưng phải đi xuất dương hiệu lực (để lấy công chuộc tội) trong phái bộ do Đào Trí Phú làm trưởng đoàn. Phái đoàn ông đi sang Batavia (Indonesia) và Campuchia với mục đích chính là đem đường bán cho nước ngoài để mua về những hàng xa xỉ cho triều đình.

Vào tháng 8 năm 1844, đoàn thuyền của phái bộ về đến Việt Nam, và sau đó Cao Bá Quát được gọi về bộ Lễ. Ở đây không lâu, ông bị thải hồi về quê. Trước đây, ông vốn ở phố Hàng Ngang (nay gần phố Nguyễn Thái Học), năm 24 tuổi ông vào kinh thi Hội, thì vợ ông ở nhà đã xin phép cha chồng cho sửa lại một ngôi nhà gần Cửa Bắc về phía Hồ Tây và Hồ Trúc Bạch.

Về Hà Nội, ông dạy học nhưng luôn sống trong cảnh nghèo và bệnh tật [2] Ở đây những lúc rỗi, ông thường xướng họa với các danh sĩ là Nguyễn Văn Siêu, Trần Văn Vi, Diệp xuân Huyên...

Sau ba năm bị thải về, Cao Bá Quát nhận được lệnh triệu vào kinh (1847) làm ở Viện Hàm lâm, lo việc sưu tầm và sắp xếp văn thơ. Được hơn một tháng, ông nhận lệnh đi công cán ở Đà Nẵng, rồi trở về công việc cũ. Thời gian ở kinh lần này, ông kết thân với các văn nhân như Nguyễn Hàm Ninh, Đinh Nhật Thận, Nguyễn Phúc Miên Thẩm, Nguyễn Phúc Miên Trinh...và ông đã gia nhập Mạc Vân Thi xã do hai vị hoàng thân này sáng lập.

Năm 1851[3], không được lòng một số quan lớn tại triều, Cao Bá Quát phải rời kinh đô Huế đi làm Giáo thụ ở phủ Quốc Oai (Sơn Tây cũ). Một lần nữa, ông lại trở về quê để cùng khổ với dân, để suy nghĩ thêm về những chính sách hà khắc của triều đình, để thêm quyết tâm đánh đổ nó.

Giữa năm 1853, lấy cớ về nuôi mẹ già, ông xin thôi dạy học. Gặp lúc vùng Sơn Tây bị hạn nặng, lại có nạn châu chấu làm cho mùa màng mất sạch, đời sống người dân hết sức đói khổ. Phần thì phẫn chí, phần thì thương dân, khoảng cuối năm 1854, Cao Bá Quát tham gia lãnh đạo (tự lãnh chức Quốc sư) cuộc khởi nghĩa ở Mỹ Lương (Sơn Tây), do Lê Duy Cự làm “Minh chủ”.

Đang trong quá trình chuẩn bị, thì việc bị bại lộ. Trước cục diện này, Cao Bá Quát đành phải phát lệnh tấn công vào cuối năm 1854. Buổi đầu cuộc khởi nghĩa giành được một số thắng lợi ở Ứng Hòa, Thanh Oai...Nhưng sau khi quan quân triều đình tập trung đông đảo và tổ chức phản công thì nghĩa quân liên tiếp bị nhiều thiệt hại.

Tháng Chạp năm Giáp Dần (tháng Chạp năm này rơi vào năm dương lịch 1855), sau khi bổ sung lực lượng (chủ yếu là người Mường và người Thái ở vùng rừng núi Mỹ Lương), Cao Bá Quát đem quân tấn công huyện lỵ Yên Sơn lần thứ hai. Phó lãnh binh Sơn Tây Lê Thuận đem quân nghênh chiến. Cuộc đối đầu đang hồi quyết liệt tại vùng núi Yên Sơn, theo sử nhà Nguyễn, thì Cao Bá Quát bị Suất đội Đinh Thế Quang bắn chết tại trận. Tiếp theo, thủ lĩnh Nguyễn Kim Thanh và Nguyễn Văn Thực cũng lần lượt sa vào tay đối phương (sau, cả hai đều bị chém chết). Ngoài những thiệt hại này, hơn trăm nghĩa quân bị chém chết và khoảng 80 nghĩa quân khác bị bắt.

Nghe tin đại thắng, vua Tự Đức lệnh cho ban thưởng và cho đem thủ cấp của nghịch Quát bêu và rao khắp các tỉnh Bắc Kỳ rồi giã nhỏ quăng xuống sông.


II. Tác phẩm:

Ngay khi Cao Bá Quát tham gia cuộc khởi nghĩa ở Mỹ Lương (Sơn Tây), các tác phẩm của ông đã bị triều đình nhà Nguyễn cho thu đốt, cấm tàng trữ và lưu hành, nên đã bị thất lạc không ít. Tuy vậy, trước 1984, nhóm biên soạn sách Thơ văn Cao Bá Quát, đã tìm đến kho sách cổ của Thư viện Khoa học kĩ thuật trung ương (Hà Nội), và sau khi loại trừ những bài chắc chắn không phải của ông, thì số tác phẩm còn sót lại cũng còn được trên ngàn bài được viết bằng thứ chữ Nôm và chữ Hán.

Cụ thể là hiện còn 1353 bài thơ và 21 bài văn xuôi, gồm 11 bài viết theo thể ký hoặc luận văn và 10 truyện ngắn viết theo thể truyền kỳ. Trong số này về chữ Nôm, có một số bài hát nói, thơ Đường luật và bài phú Tài tử đa cùng (Bậc tài tử lắm cảnh khốn cùng). Về chữ Hán, khối lượng thơ nhiều hơn, được tập hợp trong các tập:
-Cao Bá Quát thi tập
-Cao Chu Thần di thảo
-Cao Chu Thần thi tập
-Mẫn Hiên thi tập

III. Sự nghiệp văn chương:

Tuổi trẻ của Cao Bá Quát được ghi lại bằng hàng loạt bài thơ tràn đầy khí phách (Tài mai [Trồng mai], Thanh Trì phiếm châu nam hạ [Từ Thanh Trì buông thuyền xuôi nam], Quá Dục Thúy Sơn [Qua núi Dục Thúy]...). Trích hai câu trong bài Quá Dục Thúy Sơn:

Ngã dục đăng cao
Hạo ca ký vân thủy


Dịch:
Ta muốn trèo lên đỉnh cao ngất
Hát vang lên để gửi tấm lòng vào mây nước...

Nhưng rồi, mấy lần khăn gói vào Huế thi đều bị hỏng, nên mộng khoa cử đã tan. Năm 32 tuổi, lần đầu ông được bộ làm một chức quan nhỏ (Hành tẩu bộ Lễ). Ở đây, ông bắt đầu cảm thấy nhục chí và bế tắc khi nhìn thấy cảnh thối nát, bất công và hèn yếu của nhà Nguyễn. Đến khi bị tù, bị tra tấn vì chữa những quyển thi, ông càng đau khổ, uất ức và căm thù cái triều đình ấy (Cấm sở cảm sự, túng bút ngẫu thư [Nơi nhà giam nhân việc cảm xúc phóng bút viết ngay], Trường giang thiên [Một thiên vịnh cái gông dài], Đằng tiên ca [Bài ca cái roi song], Độc dạ cảm hoài [Ban đêm một mình cảm nghĩ]...). Trích mấy câu trong Trường giang thiên (dịch):

Gông dài!
Gông dài!
Mày biết ta chăng?
Ta chẳng có gì đáng hợp với mày cà!
Mày biết thế nào được ai phải ai trái!
Mày chẳng qua chỉ là cái máy làm nhục người đời mà thôi...


Sau thời gian dương trình hiệu lực, Cao Bá Quát bị thảy về quê quán. Ông càng có nhiều dịp tiếp xúc với đời sống của nhân dân. Những cảnh người dân vì túng thiếu đói rét, phải đi xin ăn hay những cảnh họ bị bắt phu bắt lính...đều đã làm ông đau xót, day dứt (Cái tử [Người ăn xin], Phụ tương tử [Người vác hòm], Quan chẩn [Xem phát chẩn]...).

Đứng trước những cảnh tình ấy, cộng thêm nỗi đau của bản thân, cuối cùng đã dẫn ông đến những ý nghĩ hành động:
Ta đã không nỡ nghe mãi bài thơ Hoàng Điểu nói lên cảnh ly tán của nhân dân do chính sự hà khắc, thì lẽ nào chỉ chịu gửi gắm mãi tâm sự vào khúc ngâm của Gia Cát Lượng khi chưa ra giúp đời (trích bản dịch bài Ngẫu nhiên nằm mơ đến thăm ông Tuần phủ...)

Tuy nhiên, mãi đến lần Cao Bá Quát bị đổi về làm Giáo thụ ở Quốc Oai, thì suy nghĩ mới trở thành quyết tâm đứng lên đánh đổ nhà Nguyễn (Đối vũ [Nhìn mưa], Trích Tống Nguyễn Trúc Khê xuật lỵ Thường Tín kiêm trí Lê Huy vĩnh lão khê [Tiễn Nguyễn Trúc Khê ra nhận chức tại phủ Thường Tín, đồng thời gửi cho ông bạn già là Lê Huy Vĩnh]...). Trích giới thiệu:

Mặt trời đỏ lẩn đi đàng nào?
Để dân đen than thở mãi...

(trích Đối Vũ)
Và:
Tài trai sống ở đời, đã không làm được việc phơi gan, bẻ gãy chấn song, giữ vững cương thường.
Lại ngồi nhìn bọn cầm quyền sói lang hoành hành,
Đến lúc tuổi già thì mặc áo gấm ban ngày về bôi nhọ quê hương.
Chỉ cúi đầu luồn xuống mái nhà thấp, nhục cả khí phách,
Đến lúc già thì gối đầu vào vợ con mà chết,
Giả sử hạng người ấy xuống suối vàng gặp hai cụ (Chu Văn An và Nguyễn Trãi),

Thì cũng mặt dầy, trống ngực đánh, thần sắc rũ rượi ra mà thôi…
(Trích bản dịch nghĩa bài Tống Nguyễn Trúc Khê xuật lỵ Thường Tín kiêm trí Lê Huy vĩnh lão khê).



Trích đánh giá trong Từ điển văn học (bộ mới):

Cao Bá Quát là một nhà thơ rất có bản lĩnh. Từ những tác phẩm đầu tiên đã thấy lòng tin của nhà thơ vào ý chí và tài năng của mình. Ông sống nghèo, nhưng khinh bỉ những kẻ khom lưng uốn gối để được giàu sang, và tin rằng mình có thể tự thay đổi đời mình.
Đến khi làm quan, muốn đem tài năng ra giúp đời, nhưng rồi Cao Bá Quát sớm nhận ra rằng vấn đề không hề đơn giản như ông tưởng.
Có những lúc cảm thấy bất lực trong việc thay đổi, ông muốn hưởng nhàn, vào hưởng lạc như Nguyễn Công Trứ. Thế nhưng mỗi khi nghĩ đến những người cùng khổ bị áp bức, ông lại thấy cách đó là không thể, mà phải tìm một con đường khác. Cuối cùng, con đường mà ông chọn là đến với phong trào nông dân khởi nghĩa chống lại triều đình.
Ngoài những chủ đề nêu trên, ông còn viết về vợ con, bè bạn, học trò và quê hương. Bài nào cũng thắm thiết, xúc động. Ông cũng có một số bài đề cao những anh hùng trong lịch sử, để qua đó thể hiện hoài bão của mình. Ông cũng có một số bài thơ viết về chuyện học, chuyện thi mà ông cho rằng chỉ là chuyện "nhai văn nhá chữ". Trong dịp đi sang Indonesia, ông cũng có những bài thơ phản ảnh cảnh bất công giữa người da trắng với người da đen...
Về mặt nghệ thuật, Cao Bá Quát là một nhà thơ trữ tình với một bút pháp đặc sắc. Ông làm thơ nhanh, có lúc "ứng khẩu thành chương", nhưng vẫn thể hiện được cảm xúc vẫn dồi dào và sâu lắng. Và mặc dù hình tượng trong thơ ông thường bay bổng, lãng mạn, nhưng trong những bài viết về quê hương thì ông lại sử dụng rất nhiều chi tiết hiện thực gợi cảm. Ngoài ra, đối với thiên nhiên, ông cũng hay nhân cách hóa, coi đó như những người bạn tri kỷ tri âm...(tr.209)


Trích thêm một số nhận xét khác:

-GS. Dương Quảng Hàm:
Cao Bá Quát là một văn hào có nhiều ý tứ mới lạ, lời lẽ cao kỳ.

-GS. Thanh Lãng:
Tư tưởng độc lập của Cao Bá Quát khác cái chí nam nhi của Nguyễn Công Trứ. Ông Trứ lập nghiệp là để giúp vua, để chu toàn nghĩa quân thần; còn ông Quát mang cả cái mộng thay đổi thời cuộc và chuyển vần số mệnh...Về mặt nghệ thuật, sở trường của ông là thể phú và thể ca trù. Hai thể này, với ông đã vươn tới một trình độ nghệ thuật tuyệt vời. Có điều ông hay lạm dụng chữ nho và điển tích, vì vậy có thua kém Nguyễn Công Trứ về thể loại ca trù.

-Thi sĩ Xuân Diệu:
Cao Bá Quát trước mắt chúng ta, tượng trưng cho tài thơ và tinh thần phản kháng. Còn triết lý của ông chính là bền bĩ phục vụ cho đời.


IV. Những giai thoại:

Hiện vẫn còn tồn tại nhiều giai thoại liên quan đến nhân cách và tài thơ của Cao Bá Quát (như Bịa thơ tài hơn vua, Chữa câu đối của vua, Cá nuốt người- người trói người, Trên dưới đều chó, Câu thơ thi xã v.v…). Tuy nhiên, theo GS. Vũ Khiêu thì đa phần chúng đều thiếu căn cứ và chưa được xác minh. Bởi vậy theo ông chỉ có thể hiểu Cao Bá Quát và đánh giá đúng tư tưởng cùng hành động của ông trên cơ sở phân tích nguồn gốc xã hội, diễn biến trong cuộc đời và trong thơ văn của ông mà thôi. Ở một đoạn khác, giáo sư lại viết:

Khác với một số giai thoại có ý nói Cao Bá Quát là một con người kiêu căng, ngỗ ngược; và qua số một bài thơ cùng bài hát nói được gán cho ông, có người còn muốn coi ông là kẻ thích hưởng lạc, chè rượu, trai gái… Trái lại, qua cuộc đời và thơ văn ông, chỉ thấy ông là một người biết giữ gìn phẩm hạnh, đối xử đúng mực với cha mẹ, anh em, vợ con, hàng xóm và biết yêu quí đất nước, quê hương.

Đề cập đến Trần tình văn [5] của Cao Bá Nhạ, theo giáo sư thì rất có thể người cháu này đã đỗ lỗi cho chú để minh oan cho mình.

V. Thơ liên quan:

Không chỉ tác phẩm của Cao Bá Quát bị thu đốt, cấm tàng trữ và lưu hành; mà những bài thơ của các tác giả khác có nói đến ông đều không được in ấn hay phổ biến. Sau đây là hai bài thơ còn sót lại:

Nghe tin Cao Bá Quát bị bắt đi hiệu lực, buồn rầu Thương Sơn công (tức Tùng Thiện Vương) đã làm bài thơ như sau:

Giữa đất trời một tấm thân khốn khổ
Nơi chân trời chỉ có hình và bóng tự thân thiết với nhau.
Vườn cũ, ba lối cúc tùng hoang lấp
Đêm tàn, trong sương gió nhớ hai người.
(Nghĩ đến chuyện) sừng ngựa không mọc, luống rơi nước mắt
Muốn bói ngày về lại chẳng có nguyên do
Tình bạn bè vì ông, ngoảnh nhìn về phương Nam lo lắng
Ngày này bao lần trông được ân xá.

(Dịch nghĩa bài Tặng Cao Bá Quát) [6]

Nghe tin ông mất, bạn ông là danh sĩ Nguyễn Văn Siêu có bài thơ truy điệu, được dịch ra rằng:
Đàn còn bên vách, sách bên màn
Một giấc nghìn thu bặt tiếng vang,
Điên đảo non sông nhòa lối cũ,
Âm thầm đất nước ngấm bi thương.
Duyên văn đã kết đây cùng đó,
Nghĩa cũ dù ai nhớ chẳng buồn!
Đạo học tỏ mờ chưa dễ biết,
Cửa người khép nép mãi sao đương
[7].

Sau này, khi đọc tập thơ Cao Bá Quát, nhà chí sĩ Phan Bội Châu đã cảm khái làm ba bài thơ đề hậu, trích một:
Ừ, thế non sông mới thấy tài,
Tài cao há lẽ núp như ai.
Xung lên, trời muốn hai tay đấm,
Hứng tới, vời toan một cẳng bơi.
Mây gió xoay tròn đầu ngọn bút,
Càn khôn chốt lỏng nửa tròng ngươi.
Khí thiêng đất nước còn nguyên đó,
Chín suối ai ơi đứng dậy cười!
[8]

Bùi Thụy Đào Nguyên, soạn





Chú thích:


[1] GS. Phạm Thế Ngũ giải thích: Vì ông không chịu khuôn phép trường quy. Như có lần, ông viết quyển thi bằng bốn kiểu chữ: chân, thảo, triện, lệ. Ngoài ra, văn ông rất có khí phách ngang tàng. Bởi vậy, mà các khảo quan đâm ra ghét và tìm cách đánh hỏng (sách đã dẫn, tr. 438).
[2] Nhà ông có lúc không có gạo thổi cơm chiều (Bữa chiều không cơm, viết đùa ghi việc). Ông bị bệnh đái ra máu, chạy chữa cả năm mới khỏi. (Chi tiết chép theo Thơ văn Cao Bá Quát, tr. 235).
[5] Trích Trần tình văn:
Chú tôi (tức Cao Bá Quát) cậy tài càn rỡ, vốn tính ngông cuồng, thường bè bạn với bọn rượu chè, kết giao với con buôn, tiếng là ở nhà nuôi mẹ, nhưng thật ra đạo thần tôn vẫn còn thiếu sót. Vả lại túng thiếu đâm ra liều, xoay ra lối kinh doanh trục lợi. Bạn bè khuyên răn thì cãi lại, anh (tức Cao Bá Đạt) ngăn bảo thì xé cả thư. Cho nên bạn bè vì thế mà tuyệt giao, gia đình vì thế mà sinh bất mục...
[6] Sừng ngựa không mọc (Mã giác bất sinh): Theo Sử ký, Thái tử Đan nước Yên phải sang Tần làm con tin. Vua Tần bảo: Chỉ khi nào quạ trắng đầu, ngựa mọc sừng mới cho về. Xem nguyên tác bằng chữ Hán trong Thơ Tùng Thiện Vương (sách đã dẫn, tr. 51). Cũng theo sách này thì bài thơ không được in trong Thương Sơn thi tập. Sở dĩ tồn tại là vì trước đó nó đã được đưa vào tập Phong nhã thống biên do vua Tự Đức sai soạn để tặng cho sứ bộ nhà Thanh.
[7] Nguyễn Văn Siêu (1795-1872) và Cao Bá Quát đã được vua Tự Đức khen ngợi qua câu thơ: Văn như Siêu Quát vô tiền Hán, có nghĩa văn như ông Siêu và ông Quát, thì đến văn đời Tiền Hán cũng không có giá trị gì. Xem nguyên văn bài thơ chữ Hán trong sách Từ điển nhân vật Việt Nam do Nguyễn Q. Thắng và Nguyễn Bá Thế biên soạn (Nxb KHXH, Hà Nội, 1992, tr. 68).
[8] Chép theo Thơ văn Phan Bội Châu. Nxb Văn học (do Chương Thâu biên soạn & giới thiệu), 1985, tr. 285.




Sách tham khảo chính:

-Dương Quảng Hàm, Việt Nam văn học sử yếu. Trung tâm học liệu xuất bản, Sài Gòn, 1968.
-Phạm Thế Ngũ, Việt Nam Văn học giản ước tân biên (quyển trung). Quốc học tùng thư, Sài Gòn, 1963.
-Thanh Lãng, Bảng lược đồ văn học Việt Nam (quyển thượng). Nxb Trình bày, không ghi năm xuất bản.
-Nhiều người soạn, Từ điển Văn học (bộ mới, mục từ do Nguyễn Lộc soạn). NXb Thế giới, 2004.
-Nhiều người soạn, Thơ văn Cao Bá Quát. Nxb Văn học, 1984.
-Xuân Diệu, Các nhà thơ cổ điển Việt Nam (tập 2). Nxb Văn học, 1987.

Về Đầu Trang Go down
Shiroi

Shiroi

Tổng số bài gửi : 19896
Registration date : 23/11/2007

CAO BÁ QUÁT - một thiên tài kỳ vĩ của văn học Việt Nam Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: CAO BÁ QUÁT - một thiên tài kỳ vĩ của văn học Việt Nam   CAO BÁ QUÁT - một thiên tài kỳ vĩ của văn học Việt Nam I_icon13Fri 27 Jan 2012, 05:10

HAI CHỦ ĐỀ ĐỘC ĐÁO TRONG THƠ CAO BÁ QUÁT



Cao Bá Quát là một tài thơ trác việt ở nửa đầu thế kỷ XIX. Thơ ông có những cách tân nghệ thuật táo bạo, không còn là loại thơ “kỷ sự” của thế kỷ XVIII mà đã chuyển sang một giọng điệu mới, kết hợp tự sự với độc thoại, cho nên lời thơ hàm súc, đa nghĩa, và mạch thơ hướng tới những đề tài có ý nghĩa xã hội sâu rộng.

Có thể bắt gặp trong thơ ông nhiều chủ đề khác nhau, chủ đề nào cũng mang những hàm nghĩa phong phú, chẳng hạn chủ đề khát vọng của tuổi trẻ, muốn đem hết năng lực tài trai ra đóng góp cho đời. Hay chủ đề tình bạn, tình thầy trò, chủ đề lữ du, đi tìm cái đẹp và lẽ sống của chàng thanh niên họ Cao và những bạn bè cùng chí hướng.
Lại cũng có thể nói đến chủ đề giải phóng cá nhân ở một chiều kích không trùng với người khác, ví như ý thức khẳng định chữ danh như là bản lĩnh của cái “tôi”, chữ danh gắn liền với một tài năng có thực và một nhân cách cứng cỏi :

“Đạp hướng danh đồ bất điệu đầu”
- Bước tới đường danh chẳng cúi đầu

(Trường giang thiên - Vịnh cái gông).

Chủ đề ta thường gặp nhiều hơn trong thơ Cao Bá Quát vào tuổi trung niên về sau là mâu thuẫn giữa ước vọng và hiện thực, là sự chịu đựng cảnh nghèo túng hoạn nạn mà mình và vợ con lâm vào như một định mệnh… Nhưng có hai chủ đề gần như xuyên suốt các thời kỳ sáng tác của ông dưới những cấp độ khác nhau, ấy là chủ đề về nỗi bi phẫn của một con người có tầm vóc quá khổ lại phải sống trong một khuôn lồng chật chội, quay trở ngả nào cũng bế tắc, không còn đường thoát, và chủ đề về cái nhìn tỉnh táo, nhạy cảm đối với tấn bi kịch của lớp người “dưới đáy”…

Chủ đề nào đi vào thơ Cao Bá Quát cũng có một giá trị nhân bản sâu sắc và một sự chiêm nghiệm giàu ý vị triết lý. Dưới đây, từ góc độ tiếp cận nghệ thuật, xin thử phân tích hai trong số những chủ đề vừa lược dẫn ở trên : tiếng nói trữ tình bi phẫn và sự cảm thông với mọi cảnh ngộ khốn cùng.


*1*

Trước hết, hãy nói về chủ đề trữ tình bi phẫn. Khái niệm “bi phẫn” dùng cho Cao Bá Quát bắt đầu từ Nguyễn Đổng Chi trong Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam1. Bi phẫn là một trạng thái tâm lý / tư tưởng không bình thường, một sự dồn nén phấn khích của con người bất đắc chí với xã hội, bị thành kiến xã hội đẩy đến chỗ có những phản ứng vượt khỏi các chuẩn mực cảm xúc thường thấy.

Trong phạm vi nghệ thuật, bi phẫn là một loại tình cảm thẩm mỹ quá khổ, xuất phát từ cách đánh giá bất thường về mối tương quan giữa chủ thể và khách thể. Chủ thể tự thấy mình không còn phù hợp với những điều kiện của khách thể, quyết liệt phủ định mọi thước đo giá trị mà khách thể dùng để áp đặt lên mình. Giới hạn ở phạm vi thơ trữ tình, tiếng nói bi phẫn thường là những độc thoại nội tâm, được thể hiện như những biểu tượng nghệ thuật dồi dào tính ẩn dụ, trong đó các cung bậc của tình cảm đều cách điệu đến kích cỡ cao nhất.

Cao Bá quát vốn là một “tài danh đất Bắc”, học giỏi lừng tiếng, “thơ văn rất hay, chữ viết cũng rất đẹp” (Đặng Huy Trứ. Đặng Dịch Trai ngôn hành lục), là con người có hoài bão lớn “Tươi nét mặt thư sinh lồ lộ, bưng mắt trần toan đạp cửa phù đồ / Rửa buồng gan du tử nhơn nhơn, giương tay tạo rắp xoay cơn khí số” (Phú tài tử đa cùng). Nhưng đấy cũng là một người có cốt cách phóng khoáng, một kẻ sĩ “bất cơ” - không chấp nhận khuôn khổ của chữ “lễ” như người đời quan niệm. Va vào thực tế nghiệt ngã, tài năng, ý chí của ông bị quăng quật và lần hồi bị nghiền nát. Từ chỗ hồn nhiên muốn làm một người hữu ích, muốn gánh vác những trách nhiệm khó khăn bậc nhất (Tống Nghiêu Phong Nguyễn xuất tể chi lỵ - Tiễn Nguyễn Nghiêu Phong đi nhậm chức ở quần đảo Cát Bà), ông sa chân vào “bể hoạn” “Sấm ran chớp giật làm mắt người kinh hãi” (Hoành Sơn vọng hải ca - Bài ca đứng trên núi Hoành Sơn trông ra bể) và trở thành người “ngoài lề” lúc nào không hay.

Sự tương phản giữa nghị lực phi thường của cá nhân và sức ép xã hội tàn nhẫn, giữa mộng ước cao xa và thực tế bi thảm đã tạo nên một âm hưởng thơ kỳ lạ, nó là điệp khúc tuyệt vọng của một con người biết mình thất bại trước gông xiềng của cơ chế song cũng biết chống chọi đến cùng. Chủ đề trữ tình bi phẫn trong thơ Cao Bá Quát thể hiện ở không ít bài thơ nhưng hai bài tiêu biểu nhất theo chúng tôi là Sa hành đoản ca (Bài ca ngắn đi trên cát) và Trà giang thu nguyệt ca (Bài ca trăng thu trên sông Trà).
Một bài làm cuối những năm ông vào kinh đi thi Hội, và một bài làm sau khi ông đã bị giam ở lao Thừa phủ (1841) và đã đi “dương trình hiệu lực” trở về (1843), bị thải hồi về quê hương mấy năm, được bổ lại vào Viện Hàn lâm một thời gian ngắn rồi lại bị phát phối vào Quảng Ngãi (1847). Hai bài thơ đều thuộc thể trường thiên cổ phong tức là thể thơ tự do. Cao Bá Quát đã chọn thể thơ đó để triển khai những tìm tòi sáng tạo nghệ thuật độc đáo nhằm gửi gắm được hết ý tưởng của mình.

Bài ca ngắn đi trên cát dựng lên hình tượng một con người đi giữa một bãi cát mênh mông, mỗi bước chân đều bị lún xuống cát, cho nên hễ tiến lên một bước lại phải lùi lại một bước. Ngay từ đầu, bài thơ đã sử dụng điệp âm, và điệp âm đặt trong cách ngắt nhịp 2/3 liên tiếp trong hai câu thơ năm chữ đã gợi lên cái cảm giác của bước chân người đi luôn luôn bị kéo giật lại :

Trường sa / phục trường sa,
Nhất bộ / nhất hồi khước.

(Cát dài / bãi cát dài,
Mỗi bước / lùi một bước)

Con người đi trong trạng thái bất thường như thế tất nhiên là đi liên miên suốt đời mà không bao giờ thấy đích. Anh ta không còn chút ấn tượng nào về thời gian, về sáng tối. Chỉ có nỗi phiền muộn cứ chất mãi lên trái tim anh :

Nhật nhập hành vị dĩ,
Khách tử lệ giao lạc.

(Mặt trời đã lặn đi chưa nghỉ,
Bộ hành nước mắt lã chã rơi).

Bài thơ cho thấy, chỉ mới ở tuổi trong ngoài ba mươi, Cao Bá Quát đã cảm nhận được sự bế tắc cùng cực của một loại hình nhà nho không hợp khuôn với chế độ hiện hành. Nhà thơ tự đặt ra một lối thoát là trong cuộc đi vô tận đó, nếu người ta có thể ngủ đi được theo phép “thụy du” của những ông tiên thì may ra mọi nỗi thống khổ mới chấm dứt. Tiếc thay phép thụy du đối với những người vốn đã quá tỉnh lại chẳng có chút gì hiệu lực. Vì thế, càng đi trong sự tỉnh táo thì mọi nỗi oán hận trong lòng người đi chỉ càng thêm chất chồng :

Quân bất học tiên gia mỹ thụy ông,
Đăng sơn thiệp thủy oán hà cùng ?

(Không học được tiên ông phép ngủ,
Trèo non lội suối giận sao nguôi ?)

Và nhà thơ lại thử làm một phép so sánh giữa loại “hành nhân” đáng gọi là tỉnh kia với vô số những người ngược xuôi vì danh lợi, thì hóa ra số người tỉnh rất ít, còn tất cả bọn họ đều là người say :

Cổ lai danh lợi nhân,
Bôn tẩu lộ đồ trung;
Phong tiền tửu điếm hữu mỹ tửu,
Tỉnh giả thường thiểu, túy giả đồng.

(Xưa nay phường danh lợi,
Bôn tẩu trên đường đời;
Gió thoảng hơi men trong quán rượu,
Say cả hỏi tỉnh được mấy người ?)

Sự đối lập thức / ngủ và tỉnh / say thực ra chỉ là những biện pháp loại trừ nhằm giới hạn dần và soi tỏ từng bước đặc trưng loại biệt của đối tượng. Và đến đây, cảm hứng về một con người lầm lũi đi không biết tháng biết năm, đi mà không bao giờ tới đích, đi nhưng vẫn cứ như dẫm chân tại chỗ… ở đầu bài thơ được tiếp thêm bởi cái cảm hứng về sự cô đơn tuyệt đối của chính người bộ hành ấy, đã nâng hình tượng trữ tình của bài thơ lên mức một ẩn dụ có sức ám ảnh ghê gớm : người hành nhân ấy vẫn cứ đang mải miết đi, nhưng nhìn lên phía Bắc thì muôn ngọn núi lớp lớp đã sừng sững chắn mất lối; ngoảnh về Nam, núi và sóng hàng muôn đợt cũng đã vây phủ lấy mình. Và nhìn khắp bốn phía, thì nào có còn ai, chỉ còn độc một mình mình đứng trơ trên bãi cát. Bài thơ mở đầu bằng một câu vần bằng và ba câu vần trắc, đều là câu năm chữ, như muốn ném ra giữa cuộc đời một nhận xét chua chát về sự cố gắng tìm đường vô ích. Kế tiếp là hai cặp câu vần bằng dài - ngắn và hai cặp câu vần bằng xen trắc, cùng dài nhưng khác vần, biểu hiện những quặn khúc trong quá trình cọ xát với thực tiễn của chủ thể trữ tình / con người lặn lội tìm đường một cách hoài công :

Quân bất học tiên gia mỹ thụy ông,
Đăng sơn thiệp thủy oán hà cùng/
Cổ lai danh lợi nhân,
Bôn tẩu lộ đồ trung/
Phong tiền tửu điếm hữu mỹ tửu,
Tỉnh giả thường thiểu túy giả đồng/
Trường sa trường sa nại cừ hà !
Thản lộ mang mang úy lộ đa/

Thế rồi ở phần cuối, bài thơ kết thúc bằng một câu vần bằng và ba câu vần trắc bảy chữ, báo hiệu một cái gì đang thắt lại trong tư tưởng, là cái tuyên ngôn “cùng đường” của nhà thơ. Phép điệp âm ở đây lại được sử dụng tiếp, cài vào nhau, đan chéo nhau, đẩy cảm giác nhức nhối đến cùng tột :

Thính ngã nhất xướng “cùng đồ” ca :
Bắc sơn chi Bắc / sơn vạn điệp,
Nam sơn chi Nam / ba vạn cấp;
Quân hồ vi hồ sa thượng lập ?

(Nghe ta ca “cùng đường” một khúc :
Phía Bắc núi Bắc / núi muôn lớp,
Phía Nam núi Nam / sóng muôn đợt;
Sao mình anh trơ trên bãi cát ?)

Hình ảnh kết đọng cao nhất là một con người đã mất hết ý niệm về thời gian vì những cuộc đi, lại mất luôn cả ý niệm về phương hướng vì không còn có không gian xoay trở. Đấy là con người mất ý thức về lẽ tồn tại. Nhưng câu cuối cùng của bài thơ là một câu hỏi, cho nên cần hiểu : trong cảnh ngộ tuyệt vọng, con người này vẫn luôn luôn băn khoăn thắc mắc mà không giải đáp nổi vì sao và do đâu mình lại tự đánh mất lý do tồn tại của mình.

Ở bài thơ thứ hai Trăng thu trên sông Trà thì cảm hứng bi thiết không lộ diện trong suốt mạch thơ mà ẩn kín đằng sau nhịp điệu man mác trữ tình. Vì thế mới đọc dễ có cảm tưởng đây tuy là một bài thơ tâm trạng nhưng cũng khá nhẹ nhàng. Mới vào bài, nhà thơ quả chỉ phơi bày tình cảm nhớ nhung của một người xa cách vợ con, bị đày ải một mình nơi đất khách :

Trà giang nguyệt,
Kim dạ vị thùy thanh ?
Quan sơn vạn lý hạo nhất sắc,
Hà xứ bất hệ ly nhân tình ?

(Trăng sông Trà,
Đêm nay vì ai mà trong sáng ?
Muôn dặm quan sơn trắng xóa một màu;
Khắp nơi vương vấn tình người xa nhau)

Sau nỗi nhớ thông thường đó, nhà thơ bỗng đi ngay vào “đối diện đàm tâm” với trăng, như một người bạn tri âm tri kỷ. Điều lạ lùng là bài thơ này mang phụ đề “Tặng bác Bảo Xuyên đi quân thứ ở An Giang” nhưng cho đến đây “bác Bảo Xuyên” vẫn chưa xuất hiện; chỉ có nhà thơ mời trăng uống rượu và thổ lộ tâm tình cùng trăng. Mặc nhiên ai cũng hiểu trăng mới là nơi gửi gắm nỗi niềm sâu kín của nhà thơ. Mọi tình cảm thương nhớ thường tình đến đây bỗng biến mất. Tâm sự nấu nung thực của ông bắt đầu hiện rõ, qua hình ảnh một bóng người đang tung hoành ngang dọc. Nhưng vì đây là tâm sự chỉ dành riêng cho “chị Nguyệt” nên hình ảnh bóng người ngang dọc kia cũng chỉ xuất hiện trong đáy chén rượu, được ánh trăng soi vào, và chợt hiện chợt biến trong khoảnh khắc :

Cử bôi thí yêu nguyệt,
Nguyệt nhập bôi trung hành.
Hàm bôi dục yết cánh phi khứ,
Chỉ hữu nhân ảnh tương tung hoành.
Đình bôi thả phục trí,
Hựu kiến cô quang sinh.
Vấn quân hà thị luyến luyến bất nhẫn xả ?
Ngã thị Trúc Lâm cùng đồ chi Bộ binh !

(Cất chén thử mời trăng,
Trăng đi vào trong chén.
Đỡ chén lên môi trăng vụt biến,
Chỉ còn bóng người đang dọc ngang.
Ngừng chén và đặt xuống,
Trăng hiện về, bóng lại long lanh.
Hỏi trăng vì sao quyến luyến đi không nỡ ?
Ta chỉ là anh Bộ binh trong bọn Trúc Lâm gặp bước đường cùng).

Chỉ cần có thế. Khi sự đối thoại giữa nhà thơ với trăng đã đến chỗ hiểu thấu lòng nhau thì mạch trữ tình ngoại đề bồng bột chấm dứt. Nhà thơ bây giờ mới bước vào chủ đề chính là cuộc chia tay với bạn dưới sự chứng kiến của trăng sông Trà :

Tửu mãn tu khuynh vị quân thuyết :
Đà môn cựu lữ Tồn Chân ông,
Cần hải minh tiên hiểu tương biệt...

(Muốn nghiêng bầu rượu cùng trăng nói :
Tồn Chân bạn cũ cửa sông Đà,
Sớm mai quất ngựa bể Cần xa…)

Tuy nhiên, hình ảnh ông bạn, và cuộc chia tay sắp tới với bạn lại bị mờ ngay đi. Đấy cũng vẫn chỉ là “cái cớ” để nhà thơ vin lấy mà tiếp tục tâm sự với trăng về những chuyện sinh ly, về nỗi khó khăn của những gặp gỡ, tao ngộ, những vận hội bất ngờ trong đời mỗi con người… Và cuộc đối thoại lần thứ hai này với trăng lại là một dịp nữa giúp cho cảm hứng trữ tình bi thiết mà nhà thơ đang nén lại bỗng lai láng tuôn trào - cái cảm hứng làm ông cảm thấy “lạnh suốt xương da”, bởi nhắc đến vận hội là nhắc đến một ước mơ xốn xang song không bao giờ còn được phép biết đến đối với một người tù đày ải:

Tạc dạ kim phong há thiên khuyết,
Bạch lộ, thanh sương hảo xâm cốt,
Nhân sinh hội ngộ an khả thường ?
Hữu tửu khả ẩm Trà giang nguyệt !

(Gió vàng đêm qua,
Từ cửa trời thổi xuống.
Móc trắng sương trong lạnh suốt xương da.
Đời người gặp gỡ nhau được mấy ?
Có rượu hãy uống với trăng sông Trà).

Bốn câu cuối cùng là lời kết, tưởng chừng là một lời tiễn biệt, nhưng thực tế lại là một mạch thơ độc thoại. Nhà thơ không hẳn nói lời chia tay với bạn mà như tự nói với mình. Quan trọng hơn, đây còn là một lời nhắn gửi kín đáo, mượn tấm gương chị Hằng trên dòng sông làm người chứng giám, rằng : cái chí nguyện tung hoành của mình chưa thể bị đè bẹp. Mình vốn đang mong muốn trở thành người tự do bay nhảy, và thực chất mình đang là con người tự do - không có gì ngăn cản được bước chân kẻ trượng phu :

Trà giang nguyệt !
Như kính há ngân lưu.
Trượng phu án kiếm khứ tiện khứ,
Kỳ lộ vô vi nhi nữ sầu !

(Trăng sông Trà,
Như mảnh gương soi dòng nước bạc.
Trượng phu chống kiếm đi thì đi,
Đừng buồn như đàn bà trong lúc phân ly).

Bài ca trăng thu trên sông Trà tưởng chừng êm ả hơn Bài ca ngắn đi trên cát nhưng đi sâu vào mới thấy, giọng điệu thơ là sự đan xen khéo léo giữa những cao trào bi phẫn dâng lên và những cố gắng làm cho cảm xúc dịu xuống. Trong sự giao thoa từng đợt đó của tình cảm, chủ thể trữ tình hình như cũng đang ấp ủ những dự định táo bạo. Con người trong thơ không còn là con người vô phương giữa một không gian dồn ép đến ngột thở, mà đã nhìn thấy trời cao sông dài và có ánh trăng soi đường. Con người ấy đang nung nấu ý muốn vẫy vùng.


*2*

Chủ đề về con người “dưới đáy” trong thơ Cao Bá Quát có thể phân ra thành ba loại thơ. Loại thứ nhất là những bài thơ nhìn nhận đối tượng ở khía cạnh con người và số phận con người của họ. Khía cạnh này mang tính nhân văn thâm thúy, vì đã nói đến hạng người “dưới đáy”, con mắt thông tục ít ai nhìn thấy sự ngang hàng giữa họ với mình. Cao Bá Quát đã không rơi vào những hạn chế của thói tục. Ông không có mặc cảm, ít ra đã không đặt mình lên trên để hài hước hóa khi chạm vào “vùng nhạy cảm” - nơi phơi bày nỗi đau của thế nhân.

Nhà thơ vận dụng thủ pháp tự sự một cách linh hoạt và sắc sảo, bằng mấy nét vẽ lên như tạc những con người cùng khốn mà mình bắt gặp trên con đường nay đây mai đó. Bài Đạo phùng ngã phu (Giữa đường gặp người đói) khắc tạc hình ảnh liêu xiêu, áo rách nón rách, của một ông thầy thuốc từ vùng quê lên kinh đô hành nghề kiếm sống. Nhưng đấy là một ý tưởng quá ngông bởi lẽ thầy thuốc ở kinh đô nhan nhản, không một ai thèm đoái tới ông. Thế là đành phải lê bước trở lại nhà, và cũng từ đây ông sa chân vào hoạn nạn : ngày thứ nhất còn cố nhịn được, ngày thứ hai còn cầm được chiếc tráp lấy chút gì bỏ bụng, ngày thứ ba thì đói nhoài, chịu hết nổi, gặp người qua lại vẫn cố nặn ra nụ cười nhưng nói đã không nên lời.

Trong bài Cái tử (Người hành khất), cái nhìn tinh tế của tác giả đã nhận ra một thoáng tần ngần nơi người ăn mày, chứng tỏ anh ta còn có chút tự trọng. Nhưng tự trọng cũng chẳng được, vì bộ dạng cổ quái tự nó đã tố cáo anh ta là người không còn đường sống : “Y khiên song lạp phá” – Lê cái áo bằng hai mê nón rách chắp lại. Chính bộ dạng cổ quái đó là cái đích nhòm ngó, chọc ghẹo của đám trẻ con tò mò. Khỏi phải nói, bút pháp tả thực của Cao Bá Quát là sự kế tục bút lực nặng cân của Nguyễn Du trong Thái Bình mại ca giả (Người hát rong ở châu Thái Bình), Sở kiến hành (Bài hành về những điều trông thấy)…
Nhưng cả Nguyễn Du và Cao Bá Quát đều gặp nhau ở chỗ, họ không tự sự đơn thuần. Đúng hơn, họ không chỉ có duy nhất một điểm nhìn tự sự mà biết chuyển điểm nhìn tài tình từ khách thể sang chủ thể. Ở hai vị trí xã hội khác nhau, từ sự chuyển dịch ấy, Nguyễn Du và Cao Bá Quát đi đến những suy nghiệm và day dứt, dằn vặt… cũng khác nhau. Nguyễn Du so sánh hoàn cảnh cao sang của mình với người cùng khổ để trở nên bất an trong tâm trạng một ông Chánh sứ. Còn Cao Bá Quát, vốn đã ở trong cảnh “Chiều nay không có cơm / Ruột quặn cồn cào như kiến bò” (Mộ lai khuyết úng tôn / Khô trường tẩu vạn nhĩ) (Mộ phạn bất cấp hý bút ký sự- Bữa chiều không cơm, viết đùa ghi việc), nên dễ dàng đồng nhất chủ thể với khách thể để đi đến một tiếng kêu thống thiết về quyền làm người của những con người bất hạnh trong bài Người hành khất : “Bất tài diệc nhân dã” – Anh ta tuy hèn nhưng cũng là người đấy. Hoặc đi đến một triết lý cay đắng về thân phận lầm lũi của họ, và bằng kinh nghiệm bản thân, ông lên tiếng cảnh báo về cái giá phải trả cho một ý muốn không đâu, một ước mơ “bất tử” được đổi thay địa vị, được từ bỏ, vượt thoát số phận của mỗi người. Ông đáp lời người thầy thuốc đói khát trong bài Giữa đường gặp người đói :

Y ! tử thả hưu lệ,
Nhất quỹ dữ tử hoan.
Du du nghịch lữ trung,
Bách niên thùy tự khoan ?
Mạn dã ! Mạc sậu yết,
Bạo doanh phi tráng nhan.

(Ôi thôi ! Bác ngừng lệ,
Cùng ta dùng bữa chơi.
Trăm năm trong quán trọ,
Ung dung nào mấy ai ?
Thong thả đừng vội nuốt,
Chợt no dễ khốn người).

Loại thứ hai là một số bài thơ đã hé nhìn thấy những vấn đề xã hội ẩn hiện thấp thoáng đằng sau tấn bi kịch của con người khốn cùng. Trong bài Phụ tương tử (Người vác hòm) nhà thơ chỉ cho thấy quá trình tha hóa của một bác nông dân, từ chỗ có đến mười mẫu ruộng đến chỗ phải đi tha phương cầu thực vì mất mùa đói kém. Nhưng sự tha hóa còn đeo đuổi anh ta khi anh ta trở lại quê, bị đám chức dịch xúm vào bắt nộp thuế cho mười mẫu ruộng hoang, mà ruộng thì không bán được. Túng thế, anh ta đành phải đi ở thuê cho một nhà buôn, nghĩa là biến tấm thân tự do thành kẻ tôi đòi. Bước tha hóa mới này đẩy thẳng anh vào cái “xiềng” nô lệ : “Xuy cấu nhật giao tinh” – Ngày ngày cứ bị đánh mắng hoài. Nhất là phải chấp nhận “những điều ngang trái” mà trước kia anh chưa bao giờ nếm :

Đường thượng sung phì cam,
Hạ tận sấu lộ tích.

(Trên nhà thì của ngon vật lạ ê hề,
Dưới bếp người nào cũng gầy giơ xương).

Tồi tệ hơn nữa, một lối thoát khả dĩ trước mắt anh hoàn toàn không có. “Nợ thuế tích lại đã lâu ngày” (Tô trách nhật dĩ cửu) mà “Tiền công làm mướn để dành được mấy quan” (Dong tiền dư sổ mâu) thì “Chẳng may, sáng nay dọn tiệc rượu / Lại lỡ tay đánh vỡ mất cái bình bằng ngọc lưu ly của ông chủ” (Triêu lai lý tửu tịch / Ngộ phá lưu ly tôn). Nhưng không chỉ có thế. Vấn đề là dưới trời này không thể tìm ra một nơi nào không có ông chủ mà vẫn sống được :

Thùy gia vô chủ nhân,
Khứ thử diệc hà thích ?

(Có nhà nào mà không có ông chủ,
Bỏ đây còn biết đi đâu ?)

Bài thơ Người vác hòm thực đã khắc họa được một biểu tượng rất đắt về sự “cùng đường” của một phân số nông dân trong xã hội Việt Nam đương thời, không khác gì cái “cùng đường” về mặt tinh thần của một bộ phận trí thức trong Bài ca ngắn đi trên cát.

Loại thứ ba là những bài thơ nói đến tấn kịch “dưới đáy” không phải của một đối tượng nào khác mà của chính bản thân nhà thơ. Đó là những bài Cao Bá Quát tự khắc họa mình trong thân thế của một tên tù bị giam ở lao Thừa Phủ năm 1841. Trong những bài này có sự kết hợp chặt chẽ cảm hứng xót xa về cảnh ngộ bị rơi xuống vực thẳm với cảm hứng bi phẫn không thừa nhận cảnh ngộ, chống lại cảnh ngộ bất nhân. Ta để ý đến ba bài Trường giang thiên (Bài thơ vịnh cái gông dài) và một bài Đằng tiên ca (Bài ca chiếc roi song). Ba bài trên, vừa là mạch thơ tự sự về tấm thân cơ cực của một con người đang phải mang gông, suốt ngày không rời được nó :

Thướng thủ bạn tương tam xích giản,
Hiếp kiên duệ trước ngũ thùy y.

(Giơ tay lên, lôi theo mảnh tre ba thước,
So vai lại, kéo xệch cả manh áo nhẹ năm ly).

lại vừa là một giọng thơ đối thoại – là tiếng nói đối thoại của người mang gông trong tư cách một tội đồ với cái gông tượng trưng cho bạo lực của kẻ cầm quyền. Cái người đang bị bạo lực đẩy xuống dưới đáy cùng vực thẳm đã lên tiếng phủ định bạo lực :

Nhậm giao thùy thị nhậm thùy phi,
Tổng dữ nhân gian quản nhục ky.

(Dù cho ai phải ai trái cũng mặc kệ,
Nói chung đây chỉ là cái máy làm nhục người đời mà thôi).

Và tác giả tự thấy mình không việc gì phải “nổi giận với bóng” hay “hổ thẹn với chăn” khi phải sống chung với cái vật bất lương đó. Mạch thơ trữ tình đưa ông lên một cảm hứng mới. Ông dứt khoát đòi lại lẽ phải, đòi lại sự trong trắng của chính mình :

Tiện đương tế chúc song hàng tả,
Minh trước Nghiêu Phu “Thiện sự ngâm”.

(Tiện đây nên chẻ mày ra để viết lên đấy mấy dòng,
Viết bài Thiện sự ngâm của nhà thơ Thiệu Ung).

Nội dung bài thơ Thiện sự ngâm (Thơ về việc thiện) của Thiệu Ung đời Tống nói rằng : Người ta làm việc thiện là vì việc thiện nên làm. Với hai câu kết dùng điển tích Thiệu Ung một cách cố ý để che mờ đi ý tưởng táo tợn đòi chẻ cái gông ra làm nhiều mảnh mà ai cũng biết ngay không phải là sáo ngữ, Cao Bá Quát đã dứt khoát khẳng định việc mình chữa quyển thi cho học trò trong kỳ thi ở Huế năm 1841 mà ông được giao chức Sơ khảo là : “vì điều thiện”. Không thể gông trói ông, thậm chí phải chẻ nhỏ cái gông ra vì ông hoàn toàn vô tội. Từ tư thế một người bị kết án, bằng sự chuyển hóa tinh tế các biểu tượng nghệ thuật thơ, ông đã nghiễm nhiên trở thành người lên án.

Còn Bài ca chiếc roi song là một bài trường thiên thất ngôn, tả cái cảnh chịu đựng cực hình của người tù bị nọc ra đánh giữa công đường. Một bài thơ thuộc loại rất hiếm trong thơ cổ, cũng là bài thơ tả thực tài hoa bậc nhất của thơ Cao Bá Quát. Nhà thơ mô tả tỷ mỷ từ đầu đến cuối câu chuyện mà mình đóng vai chính, với nét bút lướt nhanh như những lớp kịch. Từ cái hình ảnh “Người tù xù đầu ngồi trên chiếc giường gãy / Ngọn gió phần phật thổi vào áo quần” (Cơ nhân bồng phát tọa đoạn sàng / Bi phong táp táp xuy y thường), bỗng nghe “Tiếng gọi lanh lảnh của chú lính lệ” (Bộ đinh yết lai thanh lang lang) đến bắt ông lên công đường; rồi cảnh giải đi “Khăn rách xốc xếch, chân bước vội vàng / Lúc vào đến cửa có lính canh ngục kèm hai bên” (Tệ cân bất chỉnh tẩu thả mang / Nhập môn ngục tốt hiệp lưỡng bàng); cảnh người dân kinh kỳ thấy lạ xúm xít lại để xem; cảnh công đường hiện ra oai nghiêm với các quan lớn ngồi trên, quan nhỏ ngồi dưới, và lệnh truyền đem hình cụ bày ra, trong đó “Có cái roi song to, dài đến là dài / Da nó tía, mình nó cứng, uốn nó lại thẳng đờ trở lại” (Cự đằng chi tiên trường thả trường / Phu tử, nhục ngạnh, nhụ như cương); tiếp đấy là cảnh người tù bị nọc ra “nằm duỗi, vẻ sợ hãi xanh xám / Đầu quay nghiêng, mắt lấm lét như con dê hoảng hốt / Chân tay căng thẳng, hai mắt quáng lên” (Cơ nhân yển ngọa hình thương hoàng / Hồi đầu trắc cố như kinh dương / Thủ thân cước trực, lưỡng nhãn hoang). Cần lưu ý là những mô tả ở đây đều xuất phát từ nội tâm nhà thơ / người tù, nên vừa rất thực lại vừa là những ảnh xạ thần tình của tâm trạng chủ thể mà người đứng ngoài không sao tưởng tượng được. Và trận đòn tra tấn bắt đầu. Trong khi tiếng quan thét lên thị uy “như tiếng sét, rung cả rường nhà” (Quan thanh tích lịch tồi đài lương), tiếng nạn nhân bị nỗi sợ làm tắc ứ “miệng không há rộng được / Chỉ khan vã “Oan ! Oan !” và gào trời” (khẩu bất trương / Khổ đạo khuất khuất hào khung thương) thì ngọn roi song “quất nhoang nhoáng như ánh chớp” (Điện hỏa thiểm thiểm giao phi tường) mà uy lực của nó được đặc tả thông qua cái cảm giác đau đớn của người chịu trận – đánh đã đau buốt mà ngừng đánh lại càng đau hơn :

Hân như song giao bác hoại đường,
Bãi như lãnh thủy quán cấp thang.

(Roi giơ lên quất như hai con thuồng luồng quật vào bờ ao lở,
Roi ngừng lại như nước lạnh xối vào nồi nước sôi).

Người tù hồn vía lên mây nhưng cũng còn hé mắt mong tìm một chỗ bấu víu, thì thật là trớ trêu, cái anh nhìn thấy đầu tiên lại là “Hai cái nọc đứng sừng sững, có dáng ngạo nghễ” (Lưỡng mộc trác lập, thế quật cường). Thêm một sự đe dọa, một mỉa mai cho người đang gặp nạn. Bài ca chiếc roi song là một sự phối hợp tuyệt diệu hình ảnh, âm thanh, câu chữ, tạo nên một không khí đầy náo động, căng thẳng, và những tâm thế đối lập đến cực điểm giữa những con người đang tham gia vào “cuộc chơi” phũ phàng này, trong đó hai hình ảnh đối cực nổi bật nhất là chiếc roi song và người tù. Nhà thơ cũng vận dụng ở đây phép láy chữ với những cặp từ đồng âm và đồng vần, xếp đặt liên tiếp nhau trong cả bài thơ hoặc đặt gián cách một chữ : ảm thảm, táp táp, lang lang, thúc xúc, trường thả trường, thương hoàng, bàng quang, vấn tấn, khuất khuất, tích lịch, thiểm thiểm, thương mang, thùy thùy, đột ngột, kê thê… tạo nên một ngữ điệu miên man, dồn dập và vô cùng bức xúc. Bài thơ gieo vần bằng và độc vận : vần ương, góp thêm ấn tượng vào âm hưởng miên man bức xúc ấy. Nhưng ở gần cuối bài, tác giả bỗng chen vào ba vần trắc, gây nên một phản hưởng. Về nghệ thuật, cú “dội trở lại” đó nói lên điều gì ? Chính là một dụng ý của người viết, báo hiệu động thái chấm dứt dòng tự sự để bắt đầu chuyển sang độc thoại trữ tình của nhà thơ – độc thoại mà cũng là phản tỉnh : sau khi trận đòn chấm dứt, tù nhân được thả ra, “Roi song rủ xuống, thôi không hung hăng như trước nữa” (Đằng tiên thùy thùy khí bất dương), nhưng “con người” trong người tù thì gượng đứng dậy và tìm một chỗ tựa tinh thần để không gục ngã. Chỉ có thể quay nhìn vào chính mình, tự khẳng định lại giá trị của mình chứ không còn cách nào khác :

Ta tai đằng tiên !
Nhĩ bất kiến :
Đức Giang chi dương,
Nguyệt Hằng chi cương.
Thượng hữu bán tử chi tùng bách,
Đột ngột đống cửu chi tương vương !
Cẩu phất khí vu triết tượng,
Cố vô thủ hồ kê thê dữ dự chương,
Nhi hà tiễn phạt chi đương ?

(Này này roi song !
Mày có thấy :
Ở bờ Nam Đức Giang,
Trên đỉnh núi Nguyệt Hằng;
Trên đó có cây tùng cây bách đang chết dở,
Giữa trời đông rét mướt mà vẫn đứng hiên ngang.
Ví phỏng có người thợ giỏi biết dùng không bỏ nó,
Thì sá chi những loài bồ kết chướng não tầm thường !
Vậy mà nỡ nào còn đốn chặt cho đang ?)

Đức Giang và Nguyệt Hằng là những địa danh ở quê hương Cao Bá Quát. Rõ ràng, chỉ một câu hỏi cuối cùng của bài thơ đã có giá trị tẩy rửa và hoàn nguyên lại tư thế cứng cỏi của nhà thơ Cao Bá Quát trong chiếc áo người tù.

Thơ tù của Cao Bá Quát đáng cho ta quan tâm vì đó là “hợp lưu” của nhiều giọng điệu : trữ tình có, tự sự có, bi thiết phẫn nộ đều có. Tác giả biết đặt mình như một đối tượng để quan sát thấu đáo từ bên ngoài rồi mới nhập thân trở lại, bổ sung cho cái nhìn từ bên trong, nên cái nhìn bên trong là cái nhìn thẳm sâu, nhìn vào chỗ khuất khúc nhất của cõi lòng tác giả. Ông cũng biết vạch chỗ hèn yếu của mình khi mình đã trót sa chân xuống địa ngục, bị hạ nhục, nói như Nguyễn Du : “Thân lươn bao quản lấm đầu”. Nhưng điều quan trọng hơn là cuối cùng ông đã biết cưỡng lại, trong muôn nghìn khốn khó vẫn tìm cách đoạt trở về cái nhân phẩm vốn có của mình. Việc đó hoàn toàn không dễ. Ý nghĩa thẩm mỹ đột xuất của những vần thơ này của ông là cái khả năng thanh lọc kỳ diệu để không hạ thấp giá trị của hình tượng trữ tình mà còn đẩy nó lên cao hơn. Mặt khác, những vần thơ đó đã đánh thức lương tri của người đọc, bắt người đọc phải hòa nhập vào thái độ không chịu khuất phục hoàn cảnh của chủ thể. Bằng tiếng nói nghệ thuật, con người “dưới đáy” ở đây đã lấy lại sự thiện lương cho mình, sự tự do và vị trí tinh thần cao quý trong tâm thức độc giả cùng thời và đương đại.


© Copyright Nguyễn Huệ Chi 2003





CHÚ THÍCH

1 Xem Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam, Quyển V. Nxb. Sử học, Hà Nội, 1960; tr. 138.
2 Bản dịch của nhóm Trà Lĩnh. Hội Sử học Việt Nam xuất bản, Hà Nội, 1993; tr. 139. Đặng Huy Trứ : 1825-1874. Những trích dẫn ở trên là lời Đặng Huy Trứ ghi lại ý kiến thân phụ Đặng Văn Trọng (1799-1849), người từng được tiếp xúc nhiều lần với Cao Bá Quát ở Hà Nội, trong dinh Tổng đốc của anh ruột mình là Đặng Văn Hòa (1791-1856).

Thú Nhàn

Thế sự thăng trầm quân mạc vấn (1)
Yên ba thâm xứ hữu ngư châu (2)
Vắt tay nằm nghĩ chuyện đâu đâu
Ðem mộng sự đọ với chân thân thì cũng hệt
Duy giang thượng chi thanh phong,
dữ sơn gian chi minh nguyệt (3)
Kho trời chung, mà vô tận của mình riêng
Cuộc vuông tròn phó mặc khuôn thiêng
Kẻ thành thị kẻ vui miền lâm tẩu
Gõ nhịp lấy, đọc câu 'Tương Tiến Tửu' (4)
"Quân bất kiến Hoàng Hà chi thủy thiên thượng lai, bôn lưu đáo hải bất phục hồi" (5)
Làm chi cho mệt một đời.

(1) Cuộc đời lên xuống, bạn đừng hỏi
(2) Chốn sâu khói sóng, buông thuyền câu
(3) Chỉ ở trên sông có gió mát, chỉ trong khoảng núi có trăng sáng, Trích trong bài tiền Xích Bích của Tô Ðông Pha một danh sỹ đời Tống
(4) Ðầu đề của một bài ca của Lý Bạch
(5) Bạn chưa thấy nước sông Hoàng Hà, từ trời xuống chảy tuôn xuống biển không hề quay lui. Ý nói đời sống, thời gian một đi không trở lại



Về Đầu Trang Go down
Sponsored content




CAO BÁ QUÁT - một thiên tài kỳ vĩ của văn học Việt Nam Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: CAO BÁ QUÁT - một thiên tài kỳ vĩ của văn học Việt Nam   CAO BÁ QUÁT - một thiên tài kỳ vĩ của văn học Việt Nam I_icon13

Về Đầu Trang Go down
 
CAO BÁ QUÁT - một thiên tài kỳ vĩ của văn học Việt Nam
Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Similar topics
-
» Nhạc Tài Tử Nam Phần ...
» Văn Thiên Tường
» Sau 50 Năm Đọc Lại Quốc Văn Giáo Khoa Thư (GS Trần Văn Chi)
» 13 hiện tượng thiên văn "đặc biệt" nhất năm 2013
» ĐỪNG SỢ NỮA - Lời Thiều Minh, nhạc Phan Văn Hưng
Trang 1 trong tổng số 1 trang

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
daovien.net :: VƯỜN VĂN :: BIÊN KHẢO, BÌNH LUẬN THƠ VĂN-