Trang ChínhTìm kiếmLatest imagesVietUniĐăng kýĐăng Nhập
Bài viết mới
Những Bài Giảng Hay Thầy Thích Pháp Hoà by mytutru Yesterday at 20:28

Thơ Nguyên Hữu 2022 by Nguyên Hữu Yesterday at 20:15

Hơn 3.000 bài thơ tình Phạm Bá Chiểu by phambachieu Yesterday at 16:18

BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-1965 - LM CAO VĂN LUẬN by Trà Mi Yesterday at 10:41

TRUYỆN KIỀU CÓ TRƯỚC ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH, VÀ LÀ CỦA VIỆT NAM ??? by Trà Mi Yesterday at 10:27

Lục bát by Tinh Hoa Yesterday at 07:21

PHÁP VIỆN MINH ĐĂNG QUANG TĂNG NI & Đại Chúng by mytutru Yesterday at 00:55

SƯ TOẠI KHANH (những bài giảng nên nghe) by mytutru Sat 16 Mar 2024, 20:15

Xem tướng mạo đàn ông ngoại tình, lăng nhăng by Trà Mi Sat 16 Mar 2024, 10:05

Putin dối trá khi trả lời Tucker Carlson by Trà Mi Fri 15 Mar 2024, 11:39

Trang thơ Tú_Yên (P2) by Tú_Yên tv Fri 15 Mar 2024, 11:20

Chùm thơ "Có lẽ..." by Tú_Yên tv Fri 15 Mar 2024, 11:09

Thơ Tú_Yên phổ nhạc by Tú_Yên tv Fri 15 Mar 2024, 11:07

7 chữ by Tinh Hoa Fri 15 Mar 2024, 03:27

Một thoáng mây bay 12 by Ai Hoa Thu 14 Mar 2024, 09:55

BẮT CÁ TRỜI MƯA by Phương Nguyên Wed 13 Mar 2024, 20:48

5 chữ by Tinh Hoa Wed 13 Mar 2024, 07:56

Tiến Trình Tu Học Phật - Thành Phật by mytutru Mon 11 Mar 2024, 23:17

Tập Mỗi Ngày by mytutru Mon 11 Mar 2024, 22:48

Lan ĐV 8 by buixuanphuong09 Mon 11 Mar 2024, 11:06

SẦU LY BIỆT by Phương Nguyên Mon 11 Mar 2024, 08:02

LỀU THƠ NHẠC by Phương Nguyên Sun 10 Mar 2024, 08:39

MỪNG NGÀY 08.03 by Phương Nguyên Sun 10 Mar 2024, 08:21

Chỉn by Trà Mi Sat 09 Mar 2024, 12:30

Lỗi 404 by mytutru Fri 08 Mar 2024, 11:09

Thể Tánh Muôn Loài by mytutru Tue 05 Mar 2024, 23:44

5-8-8-8 by Tinh Hoa Tue 05 Mar 2024, 03:32

Còn mãi duyên thầy by buixuanphuong09 Mon 04 Mar 2024, 13:37

Con Đường Tâm Mytutru TKN Đào Liên by mytutru Sat 02 Mar 2024, 12:09

Hoa Sen Ao Sen by mytutru Sat 02 Mar 2024, 08:27

Tự điển
* Tự Điển Hồ Ngọc Đức



* Tự Điển Hán Việt
Hán Việt
Thư viện nhạc phổ
Tân nhạc ♫
Nghe Nhạc
Cải lương, Hài kịch
Truyện Audio
Âm Dương Lịch
Ho Ngoc Duc's Lunar Calendar
Đăng Nhập
Tên truy cập:
Mật khẩu:
Đăng nhập tự động mỗi khi truy cập: 
:: Quên mật khẩu

Share | 
 

 Một Quan Điểm Về Sống Đẹp - Lâm Ngữ Đường

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Chuyển đến trang : Previous  1, 2, 3
Tác giảThông điệp
Lữ Hoài

Lữ Hoài

Tổng số bài gửi : 749
Registration date : 15/04/2011

Một Quan Điểm Về Sống Đẹp - Lâm Ngữ Đường - Page 3 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Một Quan Điểm Về Sống Đẹp - Lâm Ngữ Đường   Một Quan Điểm Về Sống Đẹp - Lâm Ngữ Đường - Page 3 I_icon13Tue 06 Sep 2011, 15:50



LH rất thích chương X HƯỞNG THỤ THIÊN NHIÊN ,
nhất là :7. VÀI CÂU CÁCH NGÔN CỦA TRƯƠNG TRÀO
đọc rất là thú vị! :-bd

Nhắc nhở cho mình thiên đàng ở cạnh đây nếu ta biết hưởng thụ cái hay cái đẹp chung quanh mình. Chỉ cần một chút lắng đọng, tạo cho mình một chút an nhàn trong cuộc sống...thay vì lãng phí những diệu kỳ mà tạo hóa đã ban cho mình.

hearts for sharing Shiroi nhé!
Về Đầu Trang Go down
Shiroi

Shiroi

Tổng số bài gửi : 19896
Registration date : 23/11/2007

Một Quan Điểm Về Sống Đẹp - Lâm Ngữ Đường - Page 3 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Một Quan Điểm Về Sống Đẹp - Lâm Ngữ Đường   Một Quan Điểm Về Sống Đẹp - Lâm Ngữ Đường - Page 3 I_icon13Wed 07 Sep 2011, 05:14

Lữ Hoài đã viết:


LH rất thích chương X HƯỞNG THỤ THIÊN NHIÊN ,
nhất là :7. VÀI CÂU CÁCH NGÔN CỦA TRƯƠNG TRÀO
đọc rất là thú vị! :-bd

Nhắc nhở cho mình thiên đàng ở cạnh đây nếu ta biết hưởng thụ cái hay cái đẹp chung quanh mình. Chỉ cần một chút lắng đọng, tạo cho mình một chút an nhàn trong cuộc sống...thay vì lãng phí những diệu kỳ mà tạo hóa đã ban cho mình.

hearts for sharing Shiroi nhé!
:mim: Trong cuộc sống Shiroi cảm nhận được những hạnh phúc mà đôi khi đơn giản vô cùng... Một chiều hè, dưới tàng cây mát gió thổi hiu hiu... trên ngọn núi cao, nghe ngọn suối róc rách, đùa giỡn với sỏi đá, ...
tất cả đều đơn sơ giản dị... nhưng là những giây phút mà Shiroi thấy bình yên với chính mình nhất. :mim:

hearts Lữ Hoài đã ghé đọc bài sưu tầm
Về Đầu Trang Go down
Shiroi

Shiroi

Tổng số bài gửi : 19896
Registration date : 23/11/2007

Một Quan Điểm Về Sống Đẹp - Lâm Ngữ Đường - Page 3 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Một Quan Điểm Về Sống Đẹp - Lâm Ngữ Đường   Một Quan Điểm Về Sống Đẹp - Lâm Ngữ Đường - Page 3 I_icon13Sat 10 Sep 2011, 04:05

CHƯƠNG XII

HƯỞNG THỤ VĂN HOÁ


1. GIÁM THỨC

Mục đích của giáo dục và văn hóa chỉ là để phát triển khả năng giám thức và luyện tập nên những hành vi tốt. Con người có văn hóa hay có giáo dục không nhất thiết là phải có học thức rộng, nhưng phải biết yêu những cái đáng yêu, ghét những cái đáng ghét. Biết cái gì đáng yêu, cái gì đáng ghét là có giám thức (goût). Không gì bực mình bằng gặp một người đầu óc đầy những niên đại và tên nhân vật lịch sử, biết rõ những việc bên Nga, bên Tiệp Khắc, mà kiến giải hoặc thái độ thì hoàn toàn lầm lẫn. Tôi đã gặp những con người như vậy và tôi thấy về vấn đề gì họ cũng đưa ra sự kiện này, sự kiện khác mà kiến giải của họ thì thật là tệ hại. Học vấn của họ thật quảng bác nhưng họ thiếu giám thức, không biết phán đoán. Học thức quảng bác là học thức nhồi vào sọ cho thật nhiều sự kiện; còn sự giám thức, sự biện biệt phải trái là vấn đề phán đoán về cái thiện, cái mĩ. Khi phê bình một văn nhân, người Trung Hoa thường phân biệt học vấn, kiến thức với đức hạnh. Đối với các sử gia, sự phân biệt như vậy cũng xác đáng; một bộ sử có thể chứa đầy những tài liệu quí mà thiếu hẳn sự sâu sắc, sự phán đoán chân chính; khi luận về việc và người, tác giả có thể không có chút kiến giải trác việt, thâm thúy. Một tác giả như vậy ta gọi là thiếu nhãn thức. Tra cứu kĩ, thu thập được nhiều tài liệu và chi tiết là việc rất dễ. Trong thời đại lịch sử nào cũng có vô số sự kiện cho ta thu thập, nhưng biết biện biệt những sự kiện nào có ý nghĩa để lựa chọn là việc vô cùng khó khăn hơn và tùy ở kiến giải mỗi người.

Cho nên người có giáo dục, học vấn là người biết phân biệt thị phi, yêu cái đáng yêu, ghét cái đáng ghét. Biết phân biệt như vậy tức là có giám thức, mà có giám thức thì có nhã hứng. Muốn có giám thức phải có một khả năng suy tư sâu sắc, có tinh thần độc lập trong sự phán đoán, phải cương quyết không để cho một hình thức nào phỉnh gạt ta, một mê hoặc nào làm chóa mắt ta, mà những phỉnh gạt đó đầy dẫy chung quanh ta; nào là danh vọng, nào là lợi lộc; tới chính trị, lòng ái quốc, tôn giáo cũng dễ phỉnh gạt ta nữa; rồi lại thêm trong bọn thi sĩ, nghệ sĩ, tâm lí gia… có bao nhiêu kẻ dùng những thủ đoạn phỉnh gạt. Khi một nhà phân tâm học bảo ta rằng sự hoạt động của các cơ quan bài tiết trong tuổi thơ có ảnh hưởng lớn tới tính tình của ta, có thể làm cho ta lớn lên thành ra tham lam, tàn bạo hay là ôn hòa, biết bổn phận của mình; hoặc khi họ bảo rằng bệnh táo làm cho tính tình ta hóa ti tiểu, thì một người có giám thức, biết biện biệt, chỉ có một thái độ là mỉm cười [1]. Khi một kẻ nào đó lầm thì đừng viện danh nhân này, tác phẩm nọ để lòe ta; viện gì đi nữa thì cũng vẫn là lầm.

Vậy giám thức liên quan mật thiết với đức can đảm hay với đức hùng tâm mà đức này khá hiếm. Tất cả những tư tưởng gia, văn sĩ lưu lại được cái gì, đều có đức đó. Một người có đức đó có thể không thích một thi nhân mặc dầu thi nhân này được mọi người ngưỡng mộ; và khi thích một thi nhân nào thì có thể giảng được tại sao, vì đã có sự phán đoán riêng của mình rồi. Cái đó ta gọi là nhãn thức về văn chương. Người đó cũng không chịu khen một họa phái mới nhất nếu bản tâm không thích. Cái đó ta gọi là nhãn thức về nghệ thuật. Người đó cũng không chịu nhắm mắt theo một triết học rất lưu hành mặc dầu triết học đó có những nhà danh tiếng làm hậu thuẫn. Không chịu để cho một tác giả nào thuyết phục nếu lòng không cảm động; nếu tác giả đó lí luận mà mình không cãi được thì là tác giả lí luận đúng; nhưng tùy mình không cãi được mà vẫn không chịu tín phục thì là mình có lí mà tác giả đó lầm lẫn. Như vậy là có nhãn thức về tri thức. Đành rằng muốn được hùng tâm như vậy, cần có một đức tự tín đôi khi hơi ngây thơ, nhưng nếu ta không dựa vào cái tâm của ta thì dựa vào cái gì bây giờ, vào cái tâm của người ư? Và khi ta đã chối bỏ cái quyền được phán đoán theo lòng mình thì tất nhiên ta sẽ nhận tất cả những mê hoặc, phỉnh gạt ở đời.

Khổng Tử hình như đã cảm thấy rằng học mà không suy nghĩ thì hại hơn là suy nghĩ mà không học, cho nên nói: “Học nhi bất tư tắc võng, tư nhi bất học tắc đãi” [2]. Chắc ông đã thấy nhiều đệ tử vào cái hạng đó (hạng chối bỏ cái quyền phán đoán theo lòng mình) mới phát ra lời răn như vậy, một lời răn rất ích lợi trong các trường học ngày nay. Ai cũng biết rằng chính sách giáo dục và tổ chức học đường ngày nay chú trọng vào sự học cho nhiều chứ không chú trọng vào sự suy nghĩ, biện biệt; coi sự nhớ nhiều tự nó là một mục đích rồi, cơ hồ như hễ nhớ nhiều là có văn hóa cao. Nhưng tại sao trong trường học người ta lại không trọng sự suy nghĩ? Tại sao chế độ giáo dục lại đem sự vui vẻ truy cầu học vấn biến thành một sự nhồi sọ máy móc, có qui củ đơn điệu, bị động như vậy? Tại sao ta lại coi sự học trọng hơn sự suy nghĩ? Tại sao ta lại coi một cậu tú là có học vấn chỉ vì cậu đã theo học đủ một số giờ đã qui định nào đó về các môn tâm lí, trung cổ sử, luận lí và “tôn giáo”? Tại sao lại phân biệt trường này trường khác, đặt ra bằng cấp này bằng cấp nọ, và làm sao mà học sinh lại coi trọng bằng cấp hơn mục đích chân chính của giáo dục? Lí do rất dễ hiểu. Chỉ tại chúng ta giáo dục thanh niên từng loạt một như trong xưởng máy người ta sản xuất hóa phẩm từng loạt một, mà chính sách máy móc trong xưởng chỉ tạo được những cái vô sinh khí. Muốn bảo hộ danh dự của trường và nhất luật hóa các sản phẩm, người ta phải chứng thực sản phẩm bằng bằng cấp. Do đó mà cần phải đặt ra các kì thi để cho điểm rồi sắp hạng. Tổ chức đó hợp lí đến nỗi không ai thoát li được nó nữa. Nhưng kết quả thì tai hại không ai tưởng tượng được. Vì tự nhiên người ta hóa ra coi trọng sự nhớ nhiều hơn là sự phát triển khả năng giám thức, phán đoán. Tôi đã làm giáo sư và tôi đã thấy rằng lập một bảng kê những câu hỏi về niên đại lịch sử dễ dàng hơn là lập một bảng kê những câu hỏi về kiến giải, về trí thức phổ thông. Luôn luôn ta nên nhớ lời Khổng Tử: “Đa kiến nhi thức chi, tri chi thứ dã” (Thấy nhiều mà nhớ được, là thứ tri thức hạng thường) [3]. Không có đề tài gì mà bắt buộc phải học, cũng không có sách gì – ngay cả đến kịch của Shakespeare – là bắt buộc phải đọc. Học đường hình như có quan niệm ngu xuẩn này là chúng ta có thể hạn chế một số tối thiểu đề tài về sử kí, địa lí nào đó rồi cho rằng một người có học thức phải thuộc những đề tài ấy. Tôi cũng đã được hưởng thụ một nền giáo dục hoàn hảo mặc dầu có ai hỏi tôi tên kinh đô Y Pha Nho thì tôi sẽ lúng túng lắm và có hồi tôi cứ đinh ninh rằng Havane là tên một đảo ở gần đảo Cuba. Cái hại của một chính sách giáo dục như trên là nó cho biết tất cả những điều mà một người có học vấn cần biết. Vì vậy mà một cậu tú ở trường ra không cần học thêm, đọc sách thêm nữa, vì cậu tin rằng cậu đã học cả những điều cậu cần phải học rồi.

Chúng ta nên có quan niệm này là kiến thức của mỗi người có thể có mỗi hình thức, không thể dùng một tiêu chuẩn nào mà trắc lượng được. Trang Tử nói rất đúng: “Đời ta có hạn mà tri thức thì vô hạn”. (Ngã sinh dã hữu nhai nhi tri dã vô nhai) [4]. Xét cho cùng thì học hỏi chỉ là khám phá một thế giới mới, hoặc như Anatole France đã nói: “Một cuộc thám hiểm phiêu lưu của tâm linh”; nó sẽ là một cái thú chứ không phải là một cực hình, nếu ta giữ được cái tinh thần khám phá, một tinh thần vốn rộng rãi, tò mò, có tính cách phiêu lưu. Ta không nên nhồi sọ một cách có qui củ, đơn điệu và thụ động mà nên tìm trong sự học vấn một cái vui cá nhân, tích cực, mỗi ngày mỗi tăng. Khi đã bỏ chính sách cho điểm, thi cử, để phát bằng cấp rồi, (hoặc nếu không bỏ hẳn được thì cũng đừng coi trọng nữa) thì sự học hỏi sẽ hóa ra tích cực, vì ít nhất học sinh cũng bắt buộc phải tự hỏi mình học để làm gì đây. Thời nay người ta học vì nhân viên ghi học bạ, vì số lương khi ra trường, và nhiều học sinh giỏi nhất học vì cha mẹ, giáo sư, hoặc vì người vợ sau này, để khỏi ra tình bạc bẽo với những người tốn biết bao nhiêu tiền nuôi mình ăn học, với những giáo sư đại độ và tận tâm, còn gì bất đạo đức bằng những tư tưởng như vậy? Học hỏi phải là việc của cá nhân, và có như vậy học mới thành một thú vui, mới có tính cách tích cực.


2. NGHỆ THUẬT LÀ MỘT DU HÍ PHÁT BIỂU CÁ TÍNH CỦA TA

Nghệ thuật vừa là sáng tác, vừa là tiêu khiển. Hai quan niệm đó tôi cho quan niệm tiêu khiển, tức quan niệm du hí về tinh thần, là quan trọng hơn. Tôi càng quí các tác phẩm bất hủ, dù là họa phẩm, công trình kiến trúc hay nhạc phẩm, tôi lại càng cho rằng tinh thần nghệ thuật chân chính chỉ có thể phổ biến, thấm nhuần xã hội khi nào có rất nhiều người coi nghệ thuật là một tiêu khiển, chứ không mong tìm cái danh bất hủ trong nghệ thuật. Một trường trung học đào tạo được vài tay quán quân về môn quần vợt hay đá banh, điều đó đâu có quan trọng bằng tập cho toàn thể học sinh đều biết chơi hai môn đó; một dân tộc thì cũng vậy, sản xuất được một Rodin [5] đâu có quan trọng bằng dạy dỗ sao cho tất cả các trẻ em và thanh niên trong lúc nhàn rỗi sáng tác được một cái gì để tiêu khiển. Tôi muốn rằng tất cả trẻ em trong các trường đều tập nặn và tất cả các ông Giám đốc Ngân hàng, tất cả các nhà chuyên môn kinh tế vẽ lấy được tấm thiếp chúc mừng Tân Xuân, dù rằng vẽ chẳng ra hồn gì cả, cũng còn hơn là trong nước chỉ có vài nghệ sĩ coi nghệ thuật của mình là một cái nghề. Bất kì trong khu vực nào tôi cũng thích tinh thần tài tử. Nghe một ông bạn gảy tửng tưng một khúc đàn nào đó tôi thích hơn là nghe một ban nhạc chuyên môn nổi danh bực nhất. Coi một tài tử đóng trò ta vẫn thích hơn là coi một đào kép chuyên nghiệp; mà cha mẹ nào xem con cái đóng kịch vẫn thú hơn là xem diễn một vở kịch của Shakespeare tại rạp hát. Vì như vậy là tự động mà tinh thần nghệ thuật chân chính phải là tinh thần tự động. Cho nên tôi rất trọng cái quan niệm về môn họa ở Trung Hoa: người ta coi môn đó là một tiêu khiển của các văn nhân chứ không phải là một cái nghề. Muốn cho nghệ thuật khỏi biến thành thương nghiệp thì phải giữ cái tinh thần du hí, tiêu khiển đó.

Đặc tính của du hí là du hí để du hí chứ không cần có lí do, không nên có lí do nào khác. Du hí tự nó là mục đích của nó rồi. Quan niệm đó được sự thiên diễn của lịch sử chứng minh. Trong sự cạnh tranh để sinh tồn, vạn vật có cần đến cái đẹp đâu mà lại có những cái đẹp có hình thức phá hoại như cặp sừng của hươu nai. Học phái Darwin nhận thấy điều đó nên ngoài luật thiên nhiên tuyển trạch ra đã phải đưa thêm ra luật phụ này nữa là luật thư hùng đào thải (sélection sexuelle). Phải nhận nghệ thuật chỉ là một sự tiêu dùng cái phần thể lực và tâm lực thừa thải, tiêu dùng một cách tự do, không vì lợi thì mới hiểu được bản tính của nghệ thuật. Đó là thuyết nghệ thuật vị nghệ thuật; thuyết này bị chỉ trích kịch liệt nhưng xét nguồn gốc tâm lí của mọi sáng tác nghệ thuật thì không thể chối cãi được rằng thuyết đó đúng. Hitler chê nhiều hình thức nghệ thuật hiện nay là bất đạo đức, nhưng tôi cho rằng những kẻ vẽ chân dung Hitler, rồi bày trong Nghệ Thuật Bảo Tàng Viện để làm đẹp lòng vị chúa tể của họ mới là bất đạo đức hơn cả. Họ không phụng sự nghệ thuật mà đánh đĩ với cây cọ. Nghệ thuật mà có tính cách thương mãi thường làm tổn thương tinh thần sáng tác, còn nghệ thuật có tính cách chính trị nhất định là giết chết tinh thần đó. Vì không có tự do thì làm gì còn sáng tác? Các nhà độc tài hình như không hiểu rằng không thể dùng lưỡi lê mà bắt người ta sản xuất ra nghệ thuật được, cũng như không thể mua thứ ái tình chân thật trong một ổ điếm được. Phải có hứng thì mới sáng tác được, mà hứng là cái gì nó tự phát trong thâm tâm và thúc đẩy nghệ sĩ sáng tác, cũng như thúc đẩy nhà khoa học nghiên cứu, nhà thám hiểm đi tìm một hải đảo mới. Hứng lên thì làm, chẳng có lí do gì cả. Nhờ khoa sinh vật học, ta bắt đầu hiểu rằng đời sống tinh thần của ta tùy thuộc sự tăng giảm của các kích thích tố (hormones) nó tác động tới các cơ quan khác và tới bộ thần kinh. Giận dữ hay sợ sệt cũng là do một số lượng nào đó các chất adrénaline. Ngay như thiên tài cũng cơ hồ như do một số hạch nào đó hoạt động quá mạnh. Một tiểu thuyết gia vô danh của Trung Hoa không biết chút gì về kích thích tố đoán đại rằng những hoạt động đó do những “con trùng” ở trong cơ thể. Thông dâm là do một loạt trùng ở trong bụng nó bắt người ta phải thỏa mãn tính dục. Lòng ham danh lợi, quyền thế cũng do những loại trùng khác nó phá quấy ta, không để cho ta yên ổn khi chưa được mãn nguyện. Viết lách cũng do một loại trùng nào đó nữa. So sánh thuyết kích thích tố và thuyết trùng đó thì tôi muốn tin thuyết sau hơn vì nó có vẻ linh động hơn.

Khi bị trùng nó phá thì người ta phải sáng tác cái này, cái nọ, không thể làm khác được. Một đứa trẻ dư sinh lực thì không đi như thường mà phải nhảy. Một người dư sinh lực thì phải giậm chân hoặc múa tay. Khiêu vũ chỉ là một cách đi dạo, không mục đích, nghĩa là về phương diện lợi ích – chứ không phải là phương diện nghệ thuật – nó chỉ là một sự phí sức. Đáng lẽ tiến thẳng tới một điểm nào đó thì người ta khiêu vũ xoay tròn, và đi vòng vo. Có ai thực tâm muốn làm một nhà ái quốc khi khiêu vũ đâu, và bắt người ta khiêu vũ theo chủ nghĩa này, chủ nghĩa nọ là diệt mất tích cách du hí, tính cách vô ích đẹp đẽ của môn đó đi. Các nhà chính trị hình như nhận thấy tính cách thiêng liêng của sự làm lụng mà không thấy tính cách thiêng liêng của sự du hí.

Quan niệm nghệ thuật là du hí đó giúp ta hiểu được mối tương quan của nghệ thuật với đạo đức. Nghệ thuật là đẹp mà có cái đẹp trong hành vi cũng như có cái đẹp trong bức họa trong một công trình kiến trúc. Nghệ thuật bao trùm mọi hoạt động: Một lực sĩ đương chạy cũng có cái đẹp riêng, đời một người từ nhỏ đến già biết cách sống thích hợp với mỗi tuổi, cũng có một vẻ đẹp riêng; có cái đẹp trong một cuộc tranh cử Tổng thống khéo tổ chức, điều khiển để lần lần đưa tới thắng lợi, mà trong một nụ cười của các cựu quan liêu Trung Hoa cũng có cái vẻ đẹp. Cho nên không thể chỉ coi âm nhạc, khiêu vũ, hội họa mới là nghệ thuật [6].

Bây giờ chúng ta xét đến vấn đề nghệ thuật và đạo đức. Tại các nước độc tài người ta lẫn lộn nghệ thuật và tuyên truyền, và nhiều nhà trí thức ngây thơ nhận chủ trương đó. Người ta đã lầm ngay từ bước đầu vì họ không biết chức vụ của cá nhân, mà chỉ biết những đòi hỏi của quốc gia hoặc của đoàn thể. Văn chương và nghệ thuật phải bắt nguồn từ cảm xúc cá nhân, mà bọn người độc tài lại chỉ muốn làm nổi bật những cảm xúc của đoàn thể, của quốc gia.

Nghệ thuật chỉ liên quan với đạo đức khi nào nghệ phẩm là một sự phát biểu cá tánh của nghệ sĩ. Một nghệ sĩ có cá tính vĩ đại sản xuất được một nghệ thuật vĩ đại, một nghệ sĩ có cá tính ti tiểu chỉ sản xuất một nghệ thuật ti tiểu; một nghệ sĩ cá tính đa cảm sản xuất một nghệ thuật đa tình; một nghệ sĩ cá tính dật lạc sản xuất một nghệ thuật dật lạc. Liên quan giữa nghệ thuật và đạo đức đại thể là như vậy. Đạo đức không thể là một vật ở ngoài mà nghệ sĩ cho thêm vào tác phẩm để thỏa lòng yêu ghét bất thường của một nhà độc tài hoặc tuân những qui tắc nay thế này mai thế khác của một ông giám đốc cơ quan tuyên truyền. Đạo đức phải tự trong lòng nghệ sĩ phát ra, phải là biểu hiện tự nhiên của tâm hồn nhà nghệ sĩ. Một họa sĩ ti tiểu không thể vẽ được một bức họa vĩ đại và một họa sĩ cao thượng không thể sản xuất một bức họa ti tiểu, dù có nguy đến tính mạng cũng không thể khuất thân làm công việc đó được.

Quan niệm “phẩm” của người Trung Hoa là một quan niệm rất hay về nghệ thuật; cũng có khi người ta gọi là “nhân phẩm” hoặc “phẩm cách”. Khi họ bảo nghệ sĩ hoặc thi sĩ này là “nhất phẩm” hay “nhị phẩm” là họ có ý phân biệt cao thấp; công việc nếm vị của trà, họ cũng gọi là “phẩm trà”. Các hạng người trong mỗi hành động đều biểu hiện cái “phẩm” của mình ra. Người đánh bài (đổ bác) có “đổ phẩm”, nếu xấu tính thì gọi là “đổ phẩm” không tốt; người uống rượu (tửu) mà lúc say sưa có những hành động xấu thì gọi là “tửu phẩm” không tốt; người đánh cờ (kì) cũng có “kì phẩm” tốt hoặc không tốt. Cuốn sách đầu tiên phê bình thơ của Trung Hoa, nhan đề là “Thi phẩm”, tác giả cuốn đó là Chung Vinh (đời Nam Bắc Triều) chia thi nhân ra làm nhiều hạng; lại có những cuốn phê bình hoạ nhan đề là “Họa phẩm”.

Do quan niệm về “phẩm” đó mà nhiều người tin rằng tác phẩm của một nghệ sĩ hay hoặc dở là tùy nhân phẩm của người đó cao hoặc thấp. Tiếng “nhân phẩm” có cái nghĩa về đạo đức và nghệ thuật. Nó nhấn mạnh vào tấm lòng hiểu người, tấm lòng cao thượng, đại độ, xuất thế, bất tục, không đê tiện; hiểu theo ý đó thì nó gần giống với tiếng Manner hoặc Style (phong cách) của người Anh. Một nghệ sĩ ngông thì văn cũng có phong cách ngông; một nghệ sĩ phong nhã thì văn cũng có phong cách phong nhã, và một nghệ sĩ có mĩ thức thì không khi nào cầu kì, lố bịch. Như vậy, nhân phẩm là tinh thần chân chính của nghệ thuật. Người Trung Hoa luôn luôn mặc nhiên nhận rằng một họa sĩ không thể nào vĩ đại được nếu cá tính đạo đức và nghệ thuật không vĩ đại; phê bình chữ viết và bức họa thì họ xét người viết hoặc vẽ có một cá tính cao hay không chứ không xét kĩ thuật khéo hay không. Một tác phẩm kĩ thuật hoàn toàn có thể biểu hiện một cá tính thấp kém và như vậy là tác phẩm thiếu “đặc tính” như người Anh thường nói.

Bây giờ chúng ta xét tới vấn đề trung tâm của nghệ thuật. Đại quân sự gia Trung Hoa, Tăng Quốc Phiên, trong một bức thư gởi về nhà bảo rằng hai nguyên tắc quan trọng của thư pháp (phép viết chữ) là hìnhthần; và một thư gia nổi danh nhất đương thời, Hà Thiệu Cơ, rất tán đồng thuyết đó, cho là rất thâm thúy. Vì nghệ thuật nào cũng là vật hữu hình, cho nên luôn luôn có vấn đề kĩ thuật mà nghệ thuật gia cần phải tinh thông; nhưng nghệ thuật nào cũng có phần tinh thần nữa, cho nên yếu tố quan trọng nhất trong mọi hình thức sáng tác là sự biểu hiện của cá nhân. Chính cá tính của nghệ sĩ – chứ không phải chỉ cái kĩ thuật của họ - mới là có nhiều ý nghĩa. Trong một cuốn sách, quan trọng nhất là bút pháp cùng tình cảm của nhà văn, bút pháp và tình cảm đó hiện trong sự phán đoán, sự yêu ghét của tác giả. Cái cá tính đó, cái biểu hiện của cá nhân đó thường bị kĩ thuật che lấp, cho nên nỗi khó khăn nhất của những người tập sự, dù là trong hội họa, văn chương hay kịch trường là giữ được tự nhiên, đừng gò bó. Người tập sự luôn luôn sợ làm sai kĩ thuật, cho nên bị hình thức trói buộc. Nhưng thiếu yếu tố cá nhân thì hình thức làm sao đẹp được. Hình thức nào đẹp cũng có một tiết điệu riêng, dù là một nhà quán quân về môn dã cầu (golf), một người đá banh hoặc một người chạy đua thì cũng vậy, chính cái tiết điệu của họ làm cho cử động của họ hóa đẹp. Kĩ thuật phải giúp cho sức biểu diễn phát ra một cách tự do, thoải mái, chứ không được cản trở nó.

Nhìn một chuyến xe lửa lượn trong một khúc đường cong, hoặc một chiếc thuyền buồm lướt trên mặt nước, ta thấy có một tiết điệu, một thần thái đẹp biết bao. Một con nhạn bay, một con chim ưng đâm bổ xuống bắt mồi, một con ngựa đua sung sức phi nước đại, cũng đều có một tiết điệu, một thần thái riêng cả.

Chúng ta buộc rằng nghệ phẩm nào cũng phải có “cá tính” mà cá tính đó chính là cá tính, là tâm hồn, là tấm lòng của nghệ sĩ biểu hiện trong tác phẩm. Thiếu cá tính đó, nghệ phẩm hóa chết, và không có một tài năng một kĩ thuật tinh xảo nào có thể tiêm sinh khí cho nó được. Thiếu cá tính thì ngay cái đẹp cũng hóa ra tầm thường. Tu dưỡng cá tính cho khả ái, đó là điều căn bản trong nghệ thuật, vì làm gì thì làm, luôn luôn cá tính của ta xuất hiện trong tác phẩm của ta.

Sự tu dưỡng đó có hai phương diện: đạo đức và nghệ thuật, cần có học vấn và có nhã vận. Nhã vận cũng gần giống với phong vị, có thể do thiên phú, nhưng muốn cảm được cái thú cao nhất trong việc thẩm mĩ thì phải có học. Điều đó dễ nhận thấy trong môn họa và viết chữ, vì hai môn này có nhiều vẻ đẹp, nhiều phong cách; mà cá tính nghệ sĩ cùng kĩ thuật dung hợp với nhau đến nỗi ta không thể phân biệt ra được. Có cái đẹp ngông, có cái đẹp thô bạo, hùng tráng, có cái đẹp thuộc về tự do tính linh, có cái đẹp thuộc về đại đởm, cuồng nhiệt; phong vận lãng mạn hoặc câu thúc cũng có thể đẹp; tươi nhã, trang nghiêm, bình dị, tề chỉnh, mẫn tiệp, đều là đẹp; đôi khi có vẻ như “xuẩn ngốc” hoặc xấu xí, kì quái mà cũng đẹp. Cái gì cũng có thể đẹp được, trừ mỗi một cái là bặm môi, bặm miệng, hăm hở tạo ra cái đẹp mà như vậy thì không khi nào tạo được cái đẹp cả.


3. NGHỆ THUẬT ĐỌC SÁCH

Thú đọc sách thời nào cũng coi là một trong những cái thú tao nhã của đời sống văn minh; những người ít được đọc sách vẫn thường kính trọng và thèm cái thú đó. Điều đó dễ hiểu, một người không có thói quen đọc sách bị giam hãm trong một thế giới chật hẹp về không gian và thời gian; suốt đời quanh quẩn trong cái vòng thường lệ, chỉ tiếp xúc, chuyện trò với vài người quen, chỉ trông thấy những việc xảy ra ở chung quanh, không thoát ra khỏi cái ngục đó. Nhưng cầm một cuốn sách trên tay là tức thì người đó được sống trong một thế giới khác hẳn; nếu cuốn đó là một cuốn hay thì người đó được một người giỏi đàm thoại kể chuyện cho nghe, dẫn dắt vào một thế giới khác, một thời đại khác. Một cổ thư làm cho ta thông cảm với cổ nhân và khi đọc ta tưởng tượng tác giả ra sao, vào hạng người nào. Mạnh Tử và Tư Mã Thiên, đại sử gia của Trung Hoa, đều đã diễn ý đó. Mỗi ngày được sống hai giờ trong một thế giới khác, quên những phiền toái trong đời đi, hạnh phúc đó, người nào bị giam hãm trong cái ngục hình hài mà không thèm khát? Xét kết quả về tâm lí thì đọc sách quả như đi du lịch.

Hơn vậy nữa, người đọc sách còn được dẫn dắt vào một thế giới suy tư. Dù là một cuốn sách chỉ tả sự thực, thì đọc sách với đích thân nhìn thấy hoặc sống trong cảnh, cũng có chỗ khác nhau vì người đọc thành một khách bàng quan thoát ra ngoài cảnh. Vậy sách hay là sách dắt ta vào cái cảnh giới trầm tư, chứ không phải chỉ tả sự thực mà thôi. Ta phí biết bao thì giờ vào việc đọc báo hằng ngày, vì phần đông chúng ta đọc chỉ để biết tin tức mà không chịu suy tư.

Theo tôi, bàn về mục đích đọc sách, thì không ai bằng Hoàng Sơn Cốc, một thi hữu của Tô Đông Pha (đời Tống). Hoàng viết: “Ba ngày mà không đọc sách thì thấy ngôn ngữ vô vị, diện mục đáng ghét” (Tam nhật bất độc thư, tiện giác ngữ ngôn vô vị, diện mục khả tăng). Ông muốn nói rằng mục đích duy nhất của sự đọc sách là làm cho người ta có phong vận, phong vị. Không nên đọc sách để “trang sức tinh thần” vì nghĩ tới việc trau giồi trí tuệ là mất thú đọc sách rồi. Có những người tự nhủ: “Mình phải đọc Shakespeare, Sophocle và trọn bộ năm cuốn của bác sĩ Eliot để thành nhà trí thức”. Tôi tin chắc rằng những người đó không khi nào thành nhà trí thức. Một ngày kia họ sẽ tự bắt buộc phải đọc kịch Hamlet (của Shakespeare) để được cái lợi duy nhất này là “đã đọc” Hamlet; nhưng người đó sẽ phải bỏ dở mà coi nó như một ác mộng. Đọc sách mà có cảm tưởng bắt buộc thì là không hiểu gì về nghệ thuật đọc sách cả.

Vậy chỉ có một cách chân chính để đọc sách là như Hoàng Sơn Cốc đã nói, đọc để cho diện mục thêm khả ái, ngôn ngữ thêm ý vị. Nói diện mục khả ái, không phải nét mặt phải đẹp đẽ đâu. Hoàng Sơn Cốc bảo “diện mục đáng ghét”, không phải là nét mặt xấu xí. Có những bộ mặt xấu xí mà cực kì dễ thương, và có những bộ mặt đẹp đẽ mà rất vô duyên, khả ố. Trong số tác giả phương Tây mà tôi được coi hình, thì tôi cho nét mặt của G. K. Chersterton đẹp nhất [7]. Bộ râu, cặp kính, cặp lông mày và những nét nhăn ở chỗ lông mày giao nhau, tất cả những nét đó hòa hợp với nhau một cách kì quái mà dễ thương! Ta có cảm tưởng biết bao ý tưởng xô đẩy nhau sau vừng trán đó và chỉ chực phát ra ở cặp mắt sâu sắc hóm hỉnh đó. Một bộ mặt đẹp như vậy là bộ mặt đẹp theo Hoàng Sơn Cốc, bộ mặt không đẹp vì môi son má phấn mà đẹp vì sinh lực của tư tưởng. Còn như ý vị của ngôn ngữ thì tùy cách ta đọc sách. Nếu đọc sách ta thấy có ý vị thì ngôn ngữ của ta cũng có ý vị mà tác phẩm của ta cũng không thể không có ý vị.

Cho nên tôi cho ý vị và sở thích là cần nhất cho sự đọc sách. Sở thích tất nhiên là tùy người, ta lựa sách cũng như lựa món ăn. Cách ăn uống hợp vệ sinh nhất vẫn là thích cái gì ăn cái đó vì như vậy dễ tiêu hóa. Đọc sách cũng vậy. Một cuốn sách thích hợp với người này mà không thích hợp với người khác cũng như món thịt người này cho là bổ thì người khác cho là độc. Một giáo sư đừng nên bắt học trò thích những sách mình thích mà cha mẹ cũng đừng mong con cái có sở thích giống mình. Viên Trung Lang đã nói: “Sách nào không thích thì bỏ, để cho người khác đọc”.

Vậy không có sách nào là nhất định phải đọc cả. Hứng thú tinh thần phát triển cũng như thân cây hoặc lưu động cũng như dòng nước. Còn nhựa thì cây còn lớn; còn suối thì nước còn chảy. Khi nước gặp một tảng đá thì nó chảy vòng quanh; khi nó gặp một thung lũng tươi tốt thì nó chậm lại, uốn khúc; khi nó gặp một hồ sâu trên núi thì nó ngừng lại một thời gian, gặp thác thì nó cuồn cuộn đổ xuống. Không mệt nhọc, không có mục đích nhất định, mà một ngày kia thế nào nó cũng tới biển. Không có sách nào mà mọi người đều phải đọc, chỉ có những cuốn mà một người nào đó phải đọc vào một lúc nào đó, ở một nơi nào đó, trong một trường hợp nào đó, vào cái tuổi nào đó. Tôi tin rằng, đọc sách cũng như hôn nhân, có duyên tiền định. Dù cho rằng có những cuốn sách mà ai cũng phải đọc như Thánh Kinh chẳng hạn thì cũng chỉ nên đọc vào một tuổi nào thôi. Khi tư tưởng và kinh nghiệm chưa già dặn thì một tuyệt tác chỉ để lại cho ta một vị chát đắng. Khổng Tử bảo năm chục tuổi có thể đọc Kinh Dịch, nghĩa là mới bốn mươi lăm tuổi thì chưa nên đọc. Cái ý vị cực kì bình đạm, cái trí tuệ già dặn của ông, chúng ta không thể nào lĩnh hội nổi nếu chúng ta chưa già dặn.

Vậy việc đọc sách có hai phương diện: tác giả và độc giả. Cái lợi ích của sách do sự cống hiến của tác giả mà cũng do kinh nghiệm của độc giả nữa. Một nhà nho đời Tống [8] bàn về bộ Luận Ngữ bảo: “Người đọc Luận Ngữ có nhiều hạng, có người đọc xong không được sở đắc gì cả; có người chỉ thích vài ba hàng; có người thích quá bất giác khoa tay múa chân lên”.

Tôi cho rằng tìm được một tác giả mình thích là sự tình quan trong nhất trong sự phát triển tinh thần của ta. Trên đời có sự đồng thanh, đồng khí và ta có thể rán tìm trong các tác phẩm cổ kim một tâm hồn giống với ta. Đọc sách mà theo cách đó thì mới thực là có lợi. Ta phải độc lập tự kiếm lấy bực thầy của mình. Ta không nên khuyên người khác nên thích tác giả này tác giả khác, nên để cho bản năng của họ lựa cho họ. Nhiều văn sĩ sống cách nhau mấy thế kỉ mà lối tư tưởng cảm xúc y như nhau, đến nỗi người sau đọc người trước tưởng như tìm thấy được hình ảnh của chính mình trên trang sách. Gặp những trường hợp đó, người Trung Hoa bảo rằng như có sự chuyển kiếp, chẳng hạn Tô Đông Pha là hậu thân của Trang Tử hoặc Đào Uyên Minh. Tô Đông Pha bảo lần đầu tiên đọc Trang Tử ông có cảm tưởng rằng từ hồi nhỏ ông đã có nhiều ý nghĩ như Trang Tử. George Eliot khi mới được đọc Rousseau, tinh thần kích động mạnh như bị điện giật. Nietzsche cũng có cảm giác đó khi đọc Shopenhauer, nhưng vì Shopenhauer là một ông thầy rầu rĩ mà Nietzsche là một môn sinh táo bạo, cho nên sau này trò chống lại thầy. Người đàn ông nào cũng thấy tình nhân của mình mười phân vẹn mười; người đọc sách cũng vậy, tác giả nào mình thích thì luôn luôn là không có chỗ chê: từ bút pháp đến tâm trạng, thị hiếu, kiến giải, cách suy nghĩ đều hoàn toàn cả. Có sự đồng thanh, đồng khí, nên hễ thấy tác phẩm của tác giả đó là đọc nghiến đọc ngấu cho hết. Như bị bỏ bùa, người đó sung sướng tuân theo tác giả, bắt chước từ giọng nói, cách cười dong mạo của tác giả. Nhưng vài năm sau, bùa bả như tan rồi, bắt đầu thấy chán và kiếm những tác giả khác. Cũng có nhiều độc giả không bao giờ yêu tha thiết một tác giả nào cả, cũng như có nhiều trai gái chỉ ve vãn nhau mà không thể thắm thiết với nhau được. Những độc giả đó có thể đọc mọi tác giả, nhưng rút cục vô sở đắc.

Có quan niệm như trên thì không thể coi đọc sách như một bổn phận hoặc một sự bó buộc được. Ở Trung Hoa, người ta thường khuyên học sinh phải “khổ độc”. Có một đại học giả nọ cần khổ đọc sách như vậy và ban đêm đương đọc sách mà buồn ngủ thì lấy dùi đâm vào vế [9]. Một nhà khác bảo một nữ tì đánh thức mình mỗi khi ngủ thiếp đi. Thật vô nghĩa. Sách hay mở trước mặt, một tác giả hiền minh chuyện trò với mình mà mình lại buồn ngủ thì đi ngủ phắt đi có hơn không? Những người đọc sách mà thành công ít nhiều tất không dùng cái phương pháp “cần nghiên” (hăm hở nghiên cứu), “khổ độc” đó. Họ yêu sách nên đọc sách, không thể làm khác được, thế thôi.

Vấn đề đó giải quyết rồi, bây giờ tới vấn đề nên đọc sách vào lúc nào, ở chỗ nào. Không có gì nhất định cả. Hễ thích đọc thì ở đâu đọc cũng được. Tăng Quốc Phiên, trong một bức thư gởi cho một người em muốn lên kinh sư kiếm một trường tốt nhất để học, khuyên em như vầy:

“Nếu có chí muốn tự lập thì có thể đọc sách [10] ở một trường học thôn quê; ngay ở trong sa mạc, hoặc giữa phố xá đông đúc, ngay trong lúc nuôi heo, đốn củi cũng đọc sách được. Còn như không có chí tự lập thì chẳng những ở trường học thôn quê không đọc sách được mà ngay ở trong nhà vắng vẻ, ở cõi thần tiên cũng không đọc sách được”.

Có người chê phòng lạnh quá, ánh sáng chói quá, bàn khó ngồi quá, không đọc sách được. Những người đó không muốn đọc sách nên kiếm cớ ra như vậy, và suốt năm không có mùa nào cho họ đọc sách cả: mùa xuân thì đẹp quá không nên đọc sách, mùa hè thì nóng quá chỉ nên ngủ, thu buồn quá, đông lạnh quá…

Vậy nghệ thuật đọc sách ra sao? Giản dị lắm: cứ mở sách ra đọc lúc nào thấy muốn đọc. Lấy tập Ly Tao của Khuất Nguyên hay tập thơ của Omar Khayyam [11] rồi ra ngồi bờ sông. Mây trên trời mà đẹp ư? Thì cứ gấp sách lại, ngắm mây một lúc đã. Có một cối thuốc, một chén trà thì càng thú. Hoặc một đêm tuyết rơi, ngồi trước lò sưởi, ấm nước sôi trên lò, kiếm một gói thuốc lá và mươi, mười hai cuốn sách, lật sơ sơ coi cuốn nào thích thì đọc. Kim Thánh Thán cho rằng một đêm tuyết rơi, khóa kĩ cửa lại, đọc cấm thư thì không còn gì thú bằng.


4. NGHỆ THUẬT VIẾT VĂN

Nghệ thuật viết có nghĩa rộng hơn kĩ thuật viết. Một người mới tập viết nên liệng bỏ kĩ thuật đi, đừng quan tâm tới những tiểu tiết bề ngoài đó mà nên dùng công đào sâu tâm linh mình, để phát triển một cá tính độc đáo về văn chương, cái đó mới là cơ sở của việc cầm bút. Khi cơ sở đã vững, cá tính độc đáo đã phát triển thì tự nhiên có bút pháp, mà những tiểu tiết về kĩ thuật sẽ giải quyết được dễ dàng. Từ pháp, ngữ pháp còn vài điểm chưa thông thạo ư, cái đó không quan trọng miễn là ta có cái gì để mà nói.

Các nhà xuất bản luôn luôn có những biên hiệu viên (lecteur) để sửa các dấu phết, dấu chấm phết trong các bản thảo. Vả lại nếu không tu dưỡng cá tính của mình thì dù phết lên mấy lớp sơn ngữ pháp hay văn chương cũng không thành một nhà văn được. Buffon nói: “Bút pháp tức là tác giả” [12]. Bút pháp không phải chỉ là một phương pháp, một hệ thống hoặc một yếu tố trang sức, mà là toàn thể ấn tượng của ta về tinh thần của tác giả: Tác giả sâu sắc hay nông cạn, có nhiều kiến thức hay không, có những đức nào khác nữa, thái độ đối với mọi sự vật ra sao. Tất nhiên không có sách nào dạy cái “kĩ thuật hài hước”, hoặc “kĩ thuật ngạo đời”, không có sách nào chỉ cho ta được “mười lăm qui tắc thực tế” hay “mười một qui tắc cảm xúc tế nhị”.

Trong cuộc vận động để phục hưng thuyết Tính linh (expressionnisme) để phát biểu cái “bản ngã” và đề xướng một thể tản văn giản dị, linh động, tự nhiên, tôi bắt buộc phải viết nhiều thiên tiểu luận về văn học và nghệ thuật viết. Tôi cũng đã rán viết ít câu cách ngôn gom dưới nhan đề là “Tuyết gia yên khôi” (Tàn thuốc xì gà).


A. KĨ THUẬT VÀ CÁ TÍNH

Các giáo sư dạy tác văn mà bàn về văn học thì cũng không khác các chú phó mộc bàn về mĩ thuật. Các nhà phê bình chuyên áp dụng kĩ thuật mà phân tích văn chương thì cũng không khác các ông kĩ sư dùng cái côm-pa (compas) để đo chiều cao và tính sự cấu tạo của núi Thái Sơn.

Không có cái gì là kĩ thuật viết văn cả. Các văn sĩ Trung Hoa mà tôi nhận là có giá trị đều bảo như vậy.

Kĩ thuật đối với văn học cũng như giáo điều đối với giáo phái: đều là tiểu tiết cả mà chỉ bọn tính tình hẹp hòi, vụn vặt mới lưu ý tới.

Những người mới tập tành thường bị kĩ thuật huyễn hoặc: kĩ thuật viết tiểu thuyết, kĩ thuật soạn kịch, kĩ thuật diễn kịch. Họ không biết rằng có một cái gọi là cá tính, chính cá tính mới là cơ sở của mọi thành công trên đường nghệ thuật và văn học.

B. THƯỞNG THỨC VĂN HỌC

Một người đọc nhiều danh tác mà thấy rằng tác giả thứ nhất tự thuật linh động, tác giả thứ nhì rất tế nhị, tác giả thứ ba văn ý sướng đạt, tác giả thứ tư có bút pháp cảm động, tác giả thứ năm thấm thía như một thứ rượu ngon, tức là đã có đủ kinh nghiệm cần thiết để nhận thức được văn thế nào là “ấm”, thế nào là thuần thục, thế nào là mạnh mẽ, thế nào là hùng tráng, thế nào là rực rỡ, thế nào là chua cay, thế nào là tế nhị, thế nào là phong vận. Khi đã nếm qua các vị đó rồi thì không cần dùng một loại sách chỉ nam nào nữa cũng biết được thế nào là thứ văn học ưu mĩ.

Một học sinh về văn học trước hết cần tập phân biệt các tư vị khác nhau. Tư vị ưu mĩ nhất là vị “ấm” và vị thuần thục mà hai cái đó khó học được nhất. Văn “ấm áp” với văn lạt lẽo chỉ cách nhau có một chút thôi.

Một nhà văn mà tư tưởng không sâu sắc, thiếu tính cách sáng tạo, có thể tập viết lối văn giản dị, nhưng rồi sẽ hóa ra vô sinh khí. Chỉ cá tươi mới có thể không cần gia vị, riêng cái vị của nó cũng đủ ngon rồi; cá không tươi thì phải thêm nước tương, hồ tiêu, hạt cải – càng thêm nhiều càng tốt.

Một tác giả có tài cũng như em gái Dương Quí Phi, vô chầu thiên tử mà không cần phấn son, còn các mĩ nhân khác trong cung đều phải tô phấn thoa son. Vì vậy mà rất ít nhà văn dám dùng văn thể [13] giản dị.

C. VĂN THỂ VÀ TƯ TƯỞNG

Một tác phẩm hay hoặc dở hoàn toàn do có phong vận và tư vị hay không và nếu có thì phong vận và tư vị đó ra sao. Không có qui tắc nào để luyện cho có được phong vận. Nó từ tác phẩm phát ra cũng như khói thuốc phát từ ống điếu, mây phát từ đầu núi, không ai biết nó ở đâu tới. Văn thể ưu mĩ nhất là văn thể giống như “mây bay nước chảy” (hành vân lưu thủy) của Tô Đông Pha.

Văn thể là ngôn ngữ, tư tưởng và cá tính hợp lại.

Rất ít khi tư tưởng sáng sủa mà ngôn ngữ không sáng sủa. Nhưng nhiều khi tư tưởng không sáng sủa mà ngôn ngữ rất sáng sủa; văn như vậy có thể gọi là tối tăm một cách sáng sủa.

Dùng ngôn ngữ tối tăm để diễn những tư tưởng sáng sủa là lối viết của những người suốt đời ở độc thân vì họ không bao giờ phải giải thích một cái gì cho vợ nghe. Thí dụ: Emmanuel Kant [14]. Ngay đến Samuel Butler cũng đôi khi kì quái.

Văn của một người luôn luôn có màu sắc của tác giả mà người đó thích. Họ càng ngày càng giống tác giả đó từ cách suy nghĩ tới cách diễn giải. Người mới tập viết chỉ có cách đó là luyện văn được thôi. Về sau, từng trải nhiều rồi, người ta mới phát hiện được cái “bản ngã” mà tạo được một lối viết riêng.

Ghét tác giả nào thì đọc sách của họ không có ích gì hết. Các giáo sư nên nhớ kĩ lời đó.

Phẩm tính của ta một phần là bẩm sinh, văn thể của ta cũng vậy. Còn một phần nữa hoàn toàn là do tiêm nhiễm của người.

Trên thế giới, thế nào cũng có một tác giả hợp với mỗi người, nhưng phải mất công phu mới tìm ra được tác giả đó.

Một số tác giả luôn luôn kích thích độc giả như một chiếc áo đầy rận của người ăn mày. Ngứa ngáy là một cái thú trên đời.

Vương Trung (27-100) phân biệt chuyên gia và học giả, tác giả và tư tưởng gia. Tôi cho rằng một chuyên gia mà học thức quảng bác thêm thì thành một học giả, một tác giả mà trí tuệ thâm thúy thì thành một tư tưởng gia.

Một học giả cũng như một con chim ưng già ăn thức gì thì mớm thức đó cho chim con; một tư tưởng gia cũng như một con tằm không nhả ra lá dâu mà nhả ra tơ.

Cây bút cũng như chiếc dùi của người đóng giày, càng đóng càng bén, nhưng phạm vi của quan niệm thì mỗi ngày một mở rộng như một người leo núi ngắm cảnh, càng lên cao càng nhìn được xa.

D. HỌC PHÁI TÍNH LINH

Học phái Tính linh [15] do ba anh em họ Viên [16] thành lập ở cuối thế kỉ mười sáu (cũng gọi là học phái Công An vì họ Viên quê ở huyện Công An), chủ trương phát huy cái bản ngã của ta. Tính là tính tình cá nhân mà linh là tâm linh cá nhân.

Viết chẳng qua để phát huy tính tình hoặc biểu diễn tâm linh của mình. Cái mà ta gọi là ‘thần linh” chính là sự lưu động của tâm linh đó.

Đọc một cuốn sách cổ hoặc coi một bức họa cổ, chỉ là xét xem tâm linh của tác giả lưu động ra sao. Khi mà tâm lực khô cạn hoặc tinh thần suy giảm đi thì những văn sĩ, họa sĩ đa tài nhất cũng thiếu tinh thần, thiếu hoạt bát.

Cái bản ngã hoặc cá tính của ta gồm tứ chi, da thịt, gân cốt, thần kinh, trí tuệ, tình cảm, giáo dục, học vấn, kinh nghiệm. Một phần do bẩm sinh, một phần do tu dưỡng. Tính tình người ta đã cố định từ khi mới sanh hoặc trước nữa. Có người thì cứng cỏi thô bỉ, có người lỗi lạc, ngay thẳng, khảng khái; có người thì nhu nhược, nhút nhát, đa sầu đa cảm. Cái đó ở trong cốt tủy ta, giáo sư tài giỏi hoặc cha mẹ thông minh tới mấy cũng không thể sửa đổi được. Nhưng cũng có những phẩm chất do giáo dục, kinh nghiệm mà có; vì tư tưởng, quan niệm, ấn tượng thay đổi tùy thời đại, hoàn cảnh, trào lưu, nguồn gốc rất khác nhau, cho nên quan niệm, kiến giải có hồi mâu thuẫn nhau.

Học phái Tính linh chủ trương rằng khi viết ta chỉ nên diễn tư tưởng, tình cảm, cái yêu, cái ghét, nỗi sợ, cùng tật ham mê chân thật của ta thôi. Không được giấu giếm cái xấu mà khoe cái hay của mình, không được sợ người ngoài cười chê, mà cũng không sợ trái với lời thánh hiền đời xưa.

Phái Tính linh chỉ thích cá tính được xuất hiện trong mỗi thiên, mỗi tiết, mỗi câu, mỗi tiếng. Chỉ miêu tả hay tự thuật những cảnh vật mình trông thấy, tình cảm mình cảm thấy, sự thực mình hiểu biết. Như vậy mới là văn chương chân thực.

Nàng Lâm Đại Ngọc trong Hồng Lâu Mộng là một người trong phái Tính linh. Nàng bảo: “Nếu quả thật được một câu thơ kì dị thì ngay đến phạm luật bằng trắc, hư thực cũng không sao”.

Vì yêu tình cảm chân thật, phái Tính linh rất ghét lối tô điểm, mà chỉ trọng sự thiên chân. Phái đó trọng thuyết “Ngôn dĩ đạt chí” (nói để diễn được chí mình) của Mạnh Tử.

Phái đó có nhiều tệ bệnh: nếu nhà văn không thận trọng thì mắc cái tệ nhạt nhẽo (như Viên Trung Lang) hoặc mắc cái tệ quái đản (như Kim Thánh Thán), hoặc quá trái ngược với kinh của cổ nhân (như Lý Trác Ngô) nên bị nhà Nho đời sau rất ghét.
Nhưng cứ thực mà xét thì tư tưởng và văn học Trung Hoa hoàn toàn nhờ những tác giả trong phái đó mà không đến nỗi bị tiêu diệt.

Mục tiêu của phái văn học chính thống Trung Hoa là chỉ biểu hiện tấm lòng của thành hiền thời xưa chứ không phải tấm lòng của mình, cho nên không có sinh khí. Mục tiêu của phái Tính linh là chỉ biểu hiện tấm lòng của mình chứ không phải tấm lòng của thánh hiền thời xưa, cho nên có sinh khí.

Người nào cặp mắt sáng suốt, không bị ngoại vật huyễn hoặc thì thường giữ được tấm lòng hiếu kì, kinh thán; người đó không cần uốn cong sự thật cho cảnh vật có vẻ tân kì. Quan niệm cùng kiến giải của những người trong phái Tính linh có vẻ rất tân kì chỉ vì độc giả đã quen nhìn sai cảnh vật rồi.

Các nhà trong phái Tính linh đều phản đối sự mô phỏng cổ nhân hoặc kim nhân, lại phản đối cả các kĩ thuật văn học. Anh em họ Viêm tin rằng cứ “để cho miệng và tay tự nhiên” thì sẽ được những kết quả tốt đẹp. Lí Lạp Ông tin rằng văn chương cần nhất là nhã và thú. Viên Tử Tài tin rằng “không có kĩ thuật để viết văn”. Hoàng Sơn Cốc đời Bắc Tống tin rằng “chương, cú trong văn ngẫu nhiên mà thành như những đường sâu đục trong khúc cây vậy”.[/i]

VĂN THỂ BÌNH TỤC [17]

Tác giả với độc giả nên coi nhau như bạn thân rồi lần lần mới sinh ra nhiệt tình.

Viết văn mà không dám dùng tiếng “tôi” thì không thành nhà văn có tài được.

Tôi thích nói láo hơn là nói thực. Tôi thích nói láo mà không thận trong hơn là nói láo mà thận trọng. Không thận trọng tức là rất yêu quí độc giả đấy.

Tôi rất tin một người ngốc mà không giữ gìn lời nói chứ không dám tin một vị luật sư.

Tôi cho rằng tạp chí tốt nhất là thứ bán nguyệt san. Không cần phải là một cuốn sách chân chính, cứ hai tuần một kì chiêu tập một số người, hội họp với nhau trong một căn nhà nhỏ, mỗi người tùy ý bàn phiếm khoảng hai giờ, mà độc giả là người bàng thính. Như vậy cùng bằng một cuộc dạ đàm tuyệt vui.

Tôi rất thích cùng với hai ba bạn tri kỉ lại một quán cơm nhỏ ăn uống với nhau, mà rất ghét dự một bữa thịnh yến với các phú ông hoặc các nhân vật quan trọng. Trong quán nhỏ đó, vừa ăn uống, vừa bàn phiếm, trào lộng, thậm chí rượu đổ, chén vỡ, cái vui đó, các khách sang trọng trong bữa tiệc không hưởng được mà cũng không mơ tưởng được.

E. THẾ NÀO LÀ ĐẸP?


Trong văn học cũng như trong vạn vật, cái đẹp tùy thuộc sự biến đổi và động tác, mà cơ sở của nó là sự sống. Cái gì sống thì luôn luôn biến đổi và động tác, thì tự nhiên đẹp. Làm sao có thể có những qui tắc trong văn học được khi ta thấy núi cao, hang thẳm, suối trong đều có một vẻ đẹp kì dị, trang nghiêm gấp bao nhiêu lần những con kinh đào, mà những cảnh thiên nhiên đó có kiến trúc sư nào tính toán, xây dựng nên đâu? Tinh tú là cái văn của trời, núi cao sông lớn là cái văn của đất. Gió thổi, mây trôi mà trên trời trải ra một bức gấm; sương rơi, lá rụng mà mặt đất khoác vào một chiếc áo mùa thu.

Vậy những vật sinh động trong vũ trụ đều có vẻ đẹp cả. Thân cây đằng già đẹp hơn nét chữ Vương Hi Chi, mà sườn núi đứng trang nghiêm hơn những mộ bi của Trương Mộng Long. Xét vậy thì ta viết rằng cái “văn” hoặc cái đẹp của văn học do tự nhiên mà có và cái gì phát huy được hết thiên tính thì đều đẹp cả. Cái đẹp vốn là nội sinh chứ không phải ngoại lai. Móng ngựa sinh ra để chạy, thích hợp với động tác chạy; vuốt cọp sinh ra để vồ mồi, thích hợp với động tác vồ mồi; chân hạc thích hợp với động tác đi ở ao vũng, còn chân gấu thích hợp với động tác đi trên lớp băng. Con ngựa, con cọp, con hạc hoặc con gấu có bao giờ nghĩ tới cái vẻ đẹp của hình thể chúng đâu? Chúng sống tự nhiên và có cái tư thế tự nhiên thích hợp khi cử động. Nhưng theo quan niệm của chúng ta thì chúng ta thấy rằng móng con ngựa, vuốt con cọp, chân con hạc hay con gấu có một vẻ đẹp kì dị, hoặc hùng tráng, hoặc tế xảo, hoặc thanh kì hoặc thô bạo. Cái đẹp của chúng do tư thế cùng hoạt động của chúng, mà hình thể của chúng là do các cơ quan rất hiệu năng của chúng tạo thành. Đó là bí quyết của cái đẹp trong văn. Khi cái “thế” cần một cử động, một hình dáng nào thì không thể cưỡng mà ngăn cản nó được; không cần tới nữa thì phải ngưng lại liền. Một danh tác cũng giống một sự phát triển của thiên nhiên, tự cái chỗ không có cái “thế” mà thành một cái “thế” đẹp. Phong cách cùng cái vẻ đẹp đều tự nhiên phát sanh, vì cái mà ta gọi là cái “thế” đó, chính là cái đẹp của động tác chứ không phải là cái đẹp của định hình. Hễ hoạt động thì có cái “thế”, do đó mà có vẻ đẹp, có sức mạnh, có văn.




Chú thích:


[1] So đoạn này với tiết 4 chương II và đoạn đầu tiết 2 chương VI ta thấy tư tưởng của tác giả có vẻ như mâu thuẫn. Tác giả có nhận rằng vật chất ảnh hưởng tới tinh thần không?
[2] Câu đó tôi chép theo Luận ngữ - chương Vi Chính. Theo lời chú thích của Chu Hi thì câu đó nghĩa là:
Học mà không suy nghĩ thì mờ tối, không hiểu được gì; suy nghĩ mà không chịu học thì lòng không yên ổn. Trần Trọng Kim trong Nho giáo giảng hơi khác: “… Suy nghĩ mà không chịu học thì khó nhọc, mất công”. Nhưng trong bản L’importance de vivre, tôi thấy dịch ra tiếng pháp: “Penser sans étudier vour rend frivole, mais étudier sans penser est un désastre” (suy nghĩ mà không học thì ta thành ra phù phiếm, học mà không suy nghĩ là một tai hại). Còn trong sách “Sinh hoạt đích nghệ thuật”, tôi thấy chép là: “Tư nhi bất học tắc võng, học nhi bất tư tắc đãi”. Như vậy ngược với câu trong Luận Ngữ nhưng lại đúng với bản dịch trong tiếng Pháp. Vậy tôi ngờ rằng Lâm Ngữ Đường đã thay đổi câu trong Luận Ngữ hoặc đã dùng câu trong một Luận Ngữ nào khác với bản Chu Hi chú thích chăng? Vì còn ngờ cho nên tôi cứ chép đúng câu trong chính văn Luận Ngữ. “Thinking without learning makes one flighty, and learning without thinking is a disaster”. (Goldfish)].
[3] Tiếng Pháp dịch là: La science qui consisle dans la mémorisation des faits ne qualifie pas un homme pour l’enseignement”. (Người nào học vấn chỉ do nhớ nhiều sự kiện (chứ không suy nghĩ) thì không đủ tư cách dạy học)
[4] Sách Trang tử, thiên Dưỡng sinh. (Goldfish).
[5] Nhà điêu khắc nổi nhất nước Pháp (1840-1917), tác giả các tác phẩm như Người tư tưởng (Le Penseur)Cái hôn (Le baiser).

[6] Bỏ một đoạn tác giả khen y phục đời Tấn, điệu bộ, giọng nói và cả tiếng cười của người Trung Hoa.
[7] Tôi thấy Einstein cũng rất đẹp. (D.G).
[8] Trong bản tiếng Pháp, ghi tên nhà Nho đó là Ch’eng Yich’uan Trong bản
tiếng Hán không ghi. Chúng tôi không đoán được Ch’eng Yich’uan là ai.
Kiến thức ngày nay, số 648, ngày 10.8.2008, trang 41. (Goldfish)].
[9] Tô Tần đời Chiến Quốc.
[10] Hai tiếng “độc thư” của Trung Hoa còn có nghĩa là học.
[11] Thi sĩ Ba Tư ở thế kỉ XII, cũng nổi danh như Lí Bạch ở Trung Hoa. Ông cũng là một nhà toán học và thiên văn học.
[12] Le style c’est l’homme. Ta thường dịch “Văn tức là người”.
[13] Lâm Ngữ Đường dùng chữ văn thể theo nghĩa bút pháp (style). [Trong bản chữ Hán ghi là 文体 (văn thể), còn trong nguyên tác ghi là: style (bút pháp). (Goldfish)]
[14] Kant là triết gia Đức (1724-1804) tác giả Phê phán Lí trí thuần lí và Phê phán Lí trí thực tiễn. Samuel Butler, nhà văn Anh(1835-1902) tác giả The Way Of All Fresh (Xác thịt là thế đấy)
[15] Nguyên tác tiếng Anh là: The School of Self-Expression. (Goldfish).
[16] Tức Viên Tôn Đạo, Viên Hoằng Đạo, Viên Trung Đạo (đời Minh).
[17] Đoạn này không có trong bản tiếng Pháp. Nguyên văn chữ Hán của Lâm là “gia thường”; tôi đoán “gia thường” ở đây là Familiar của Anh, hoặc familier của Pháp, ta thường dịch là văn bình tục hay thân mật. [Nguyên tác tiếng Anh là: The Familiar Style. (Goldfish)]
Về Đầu Trang Go down
Shiroi

Shiroi

Tổng số bài gửi : 19896
Registration date : 23/11/2007

Một Quan Điểm Về Sống Đẹp - Lâm Ngữ Đường - Page 3 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Một Quan Điểm Về Sống Đẹp - Lâm Ngữ Đường   Một Quan Điểm Về Sống Đẹp - Lâm Ngữ Đường - Page 3 I_icon13Sun 11 Sep 2011, 03:08

CHƯƠNG XIII

NHỮNG QUAN HỆ VỚI THƯỢNG ĐẾ



1. KHÔI PHỤC TÔN GIÁO

Biết bao kẻ cho rằng biết Thượng Đế, được Thượng Đế yêu hay ghét, thành thử bàn đến vấn đề khôi phục tôn giáo thì thế nào tôi cũng bị nhiều người rầy là phạm tội bất kính hoặc chê là muốn đóng vai tiên tri. Những sinh vật là chúng ta này, nhỏ không bằng một phần tỉ của vỏ trái đất mà chính vỏ trái đất cũng không bằng một phần tỉ của vũ trụ, mà lại dám tự nhận rằng biết Thượng Đế!

Tuy nhiên, không một triết lí nào được đầy đủ, không một quan niệm nào về đời sống tinh thần được đứng đắn nếu không tìm ra được những quan hệ thỏa mãn và hòa hợp với đời sống của vũ trụ ở chung quanh ta. Nhân loại tự nó cũng đã quan trọng rồi và nó là đầu đề chính để ta nghiên cứu: đó là yếu tố của chủ nghĩa nhân bản. Nhưng con người trong một vũ trụ cũng vĩ đại, kì diệu không kém; cho nên người nào không biết vũ trụ, không tìm hiểu vũ trụ khởi nguyên từ đâu, kết cục ra sao thì không thể nói là có một đời sống thỏa mãn được.

Khuyết điểm của phái chính thống trong Ki Tô giáo [1] là trong lịch trình tiến triển, nó thường xen lẫn vào những hoạt động hoàn toàn ở ngoài phạm vi tôn giáo, chẳng hạn xen vào môn vật lí học, địa chất học, thiên văn học, phạm tội học, xen vào vấn đề tính dục, và quan niệm về phụ nữ. Nếu nó tự hạn trong phạm vi của nó thì công việc định hướng lại cho nó không đến nỗi quá khó khăn như ngày nay.

Mặt khác, khoa học ngày nay đã đem lại cho người theo đạo Ki Tô một ý thức mới mẻ và sâu sắc hơn về cái thần bí của vũ trụ và một quan niệm mới về vật chất – quan niệm cho rằng vật chất có thể biến thành năng lực; sau cùng về bản thân của Thượng Đế thì theo lời của James Jeans: “Vũ trụ cơ hồ như gần giống với một tư tưởng vĩ đại hơn là với một bộ máy vĩ đại”. Chính các nhà toán học cũng đã chứng thực được rằng có một cái gì không thể tính bằng toán học được. Vậy tôn giáo cứ nên đứng trong phạm vi của nó, đừng can thiệp quá nhiều như vậy vào các phạm vi các khoa học tự nhiên, mà nên thừa nhận rằng những khoa học đó không thuộc về tôn giáo. Nó nên tự hạn và chắc chắn nó sẽ tự hạn trong phạm vi lương tâm; mà lương tâm cũng tôn nghiêm ngang hoa cỏ, cá chim, tinh tú, chứ đâu có kém. Thánh Paul đã làm công việc mổ xẻ đầu tiên, cắt môn nấu bếp ra khỏi tôn giáo, mà làm lợi cho tôn giáo vô chừng. Vậy tôn giáo cũng nên tách ra khỏi môn địa chất học, môn tỉ giảo giải phẩu học (Anatomie compareé). Khi các giáo sư sinh lí học lên tiếng thì tôn giáo nên làm thinh, như vậy đỡ lố bịch biết bao mà lại được nhân loại kính mộ hơn biết bao.

Luôn luôn ta có thể tuân phục Thượng Đế trong một không khí lễ nghi và kính ngưỡng. Như vậy sự sùng bái thành một kinh nghiệm mĩ thuật chân chính, tựa như khi ta ngắm vừng Thái dương lặn sau một hàng cây trên núi. Và như vậy, tôn giáo là một sự kiện thuộc về lương tâm, có tính cách giống với thi ca.

Còn giáo hội mà như ngày nay thì người nào thật sùng bái Thượng Đế sẽ coi thường nó, vì Thượng Đế của người đó không phải là một đấng có thể mua chuộc được bằng những món nhỏ cúng dâng hàng ngày. Khi người đó muốn tiến về phương Bắc, thì không xin Thượng Đế cho gió thổi về hướng Bắc, muốn tiến về phương Nam thì không xin Thượng Đế cho gió thổi về hướng Nam. Cảm tạ Thượng Đế vì gió thuận là một hành động vô lễ; vì như vậy tức là cho rằng Thượng Đế ghét bỏ những kẻ tiến về phương Nam, chỉ phù hộ cho một mình ta vì ta tiến về phương Bắc, như vậy là tự cho rằng chỉ có mình mới là quan trọng. Phải có một sự cảm thông giữa người và Thượng Đế, chứ người không xin Thượng Đế một ân huệ nào cả. Tôn giáo đã biến chuyển một cách kì dị. Làm sao còn có thể hiểu ý nghĩa của nó nữa? Phải chăng nó dùng một thứ cảm xúc thần bí để tán tụng hiện trạng của xã hội? Hay là nó dùng một mớ chân lí đã thần bí hóa, đã được che đậy để cho bọn giáo sĩ có thể sống được? Nó là một phương tiện để giữ cho huyết thống của người da trắng châu Âu khỏi bị pha lộn chăng? Hay chỉ là một bức tường ngăn cấm sự li dị và sự hạn chế sinh dục? Hay chỉ là một cách để mạt sát tất cả những người có tinh thần cải cách xã hội?

Vậy con người ngày nay không được an lòng – riêng tôi, trái lại, thì rất thỏa mãn – khi thấy rằng tôn giáo chỉ còn là sự tôn sùng cái đẹp, cái vĩ đại và cái thần bí của đời sống với những trách nhiệm của nó; còn bao nhiêu chuẩn xác cổ lỗ mà thần học đã tích lũy trên bề mặt của tôn giáo thì đã cởi bỏ được hết rồi. Theo tôi, dưới hình thức đó, tôn giáo sẽ rất giản dị mà cũng đủ thỏa mãn được nhiều người trong thời đại này rồi.

Ta lo lắng về sự trường sinh, và nỗi lo đó có các tính cách bệnh hoạn. Loài người muốn được bất tử, là điều dễ hiểu nhưng nếu không có đạo Ki Tô thì chúng ta không quá chú ý tới vấn đề đó như vậy đâu. Đáng lí nó chỉ nên là một tư tưởng đẹp, một ước vọng ngông cuồng cao nhã ở giữa cảnh hư và thực, thì nó lại thành một vấn đề nghiêm trọng quá đỗi, và các nhà tu hành suốt đời thắc mắc hoài về cái chết, tự hỏi hoài rằng chết rồi sẽ ra sao. Sự thực thì ngoài năm chục tuổi, ít người sợ chết mà cũng ít người nghĩ tới Thiên đường hay Địa ngục. Có người còn đem vấn đề đó ra bỡn cợt trên bài minh [2] viết sẵn để chết rồi sẽ khắc lên mộ bia. Nhiều bậc tài đức nhất ở thời chúng ta, chẳng hạn H.G. Wells, A. Einstein, Arthur Keith, tỏ ý không tin rằng con người trường sinh, hoặc chẳng hề quan tâm tới vấn đề đó. Họ đem một quan niệm vĩnh sinh khác đáng tin hơn nhiều thay vào quan niệm vĩnh sinh đó: tức quan niệm chủng tộc vĩnh sinh, quan niệm sự nghiệp và ảnh hưởng vĩnh tồn. Miễn là chết rồi, sự nghiệp của mình vẫn còn tồn tại, và còn ảnh hưởng – dù là rất ít – tới đời sống xã hội, như vậy là đủ rồi. Chúng ta hái một bông hoa, ngắt cánh hoa liệng xuống đất, nhưng hương của nó còn hoài trong không khí. Thuyết vĩnh tồn đó hợp lí hơn, không có ý nghĩa tự tư, tư lợi, cho nên cao đẹp hơn. Hiểu như vậy thì ta có thể nói rằng Louis Pasteur, Luther Bubank và Thomas Edison vẫn còn sống với chúng ta. Thể xác họ đã nát rồi, nhưng cái đó có đáng kể chi vì “thể xác” chỉ là những phân tử hóa học hợp lại mà thành, rồi lại biến đổi hoài hoài để tạo nên những trạng thái khác. Loài người bắt đầu nhận thức rằng đời mình chỉ là một giọt nước trong một dòng sông lớn chảy hoài, bất diệt, và tự lấy làm sung sướng được cống hiến một phần nào vào cái dòng sinh hoạt lớn đó. Nếu bớt tự tư đi một chút thôi, thì chúng ta sẽ cho như vậy là mãn nguyện lắm rồi chứ.


2. TẠI SAO TÔI LÀ MỘT DỊ GIÁO ĐỒ [3]

Tôn giáo luôn luôn là một việc cá nhân. Mỗi người đều có thể có ý kiến riêng của mình về tôn giáo, và muốn nghĩ sao thì nghĩ, Thượng Đế không khi nào trách ai cả. Kinh nghiệm về tôn giáo của người nào thì chỉ giá trị đối với người đó, vì tôn giáo không phải là một vấn đề có thể chứng minh được. Nhưng kinh nghiệm của một tâm hồn thành thực đã có lần thắc mắc, chiến đấu về vấn đề tôn giáo, tất có thể hữu ích cho một số người khác; cho nên tôi trình bày dưới đây trường hợp của tôi.

Tôi là một dị giáo đồ. Tất có người sẽ cho rằng như vậy là tôi phản nghịch [4] Ki Tô giáo; nhưng tiếng phản nghịch có nghĩa nặng quá vì tôi xa đạo Ki Tô lần lần, do một sự chuyển biến tâm lí rất chậm, và trong khi có sự chuyển biến đó, tôi cố níu lấy tín ngưỡng cũ của tôi một cách thất vọng với tất cả tấm lòng nhiệt thành tôn sùng, nhưng tín ngưỡng cũ cứ lần lần bỏ xa tôi ra. Như vậy, đã không có oán hận thì làm gì có phản nghịch?

Tôi sinh ra trong một gia đình mục sư, trong một thời gian tôi đã dự bị theo nghề truyền đạo; và trong cuộc chiến đấu cảm xúc tự nhiên của tôi vẫn hướng về tôn giáo chứ không chống lại nó. Rồi lần lần tôi có thái độ hiện nay; phủ nhận thuyết chuộc tội, thái độ mà theo một quan niệm giản dị, người ta có thể coi là thái độ của một dị giáo đồ. Sự diễn biến đó rất tự nhiên như đứa trẻ thôi bú hoặc như một trái táo chín rụng trên đất; tới lúc trái táo đó phải rụng thì tôi để cho nó rụng, không ngăn cản nó. Dùng ngôn ngữ của Đạo gia thì như vậy là sống theo Đạo (theo Tự Nhiên); mà dùng ngôn ngữ phương Tây thì như vậy là thành thực với bản thân và với vũ trụ, sống theo kiến giải của mình. Tôi cho rằng người ta không thể tự nhiên và sung sướng được nếu không thành thực với chính mình về phương diện tinh thần. Đối với tôi, làm một dị giáo đồ, chỉ là cầu được tự nhiên, tự tại thôi.

Là một dị giáo đồ” từ ngữ đó cũng chỉ như từ ngữ “là một Ki Tô giáo đồ”, về phương diện ý nghĩa không có gì hơn kém; từ ngữ đó chỉ là một lời phủ nhận, vì đối với độc giả trung bình thì dị giáo đồ là một người không theo Ki Tô giáo, mà từ ngữ là “là Ki Tô giáo đồ” đã có một nghĩa rất rộng, rất mơ hồ, thì từ ngữ trái ngược lại “dị giáo đồ” cũng có nghĩa rất rộng, rất mơ hồ. Tệ hơn, có người cho rằng dị giáo đồ là một kẻ không tin tôn giáo, không tin Thượng Đế; nhưng thế nào là có một “thái độ tôn giáo”? Và hiểu Thượng Đế ra sao? Cần phải trả lời hai câu đó đã rồi hãy phán đoán. Những dị giáo đồ vào hàng danh nhân luôn luôn có một thái độ rất thành kính đối với thiên nhiên. Vậy thì tại sao lại dùng tiếng “dị giáo đồ”, theo một ý nghĩa ước định, hẹp hòi để trỏ một người không bước chân vào giáo đường, không thuộc vào cái nhóm người Ki Tô giáo, không thừa nhận những giáo nghĩa chính thống của Ki Tô giáo?

Xét về phương diện thực tế, thì một dị giáo đồ Trung Hoa là một người nghĩ rằng chỉ có thể lo về kiếp trần được thôi, còn những kiếp khác thì xa vời quá; người đó muốn sống đầy đủ và vui vẻ trong khi còn ở trên cõi trần, đôi khi cũng có một nỗi buồn thấm thía nhưng rán vui vẻ chịu đựng; người đó có một ý thức mạnh mẽ về cái đẹp và điều thiện, nghĩ rằng làm được một điều thiện là đủ vui rồi, bất tất phải đòi một phần thưởng nào khác. Người đó có lẽ còn thương hại hay hơi khinh bỉ những giáo đồ làm điều thiện để mong được lên Thiên Đường, và nếu không có hi vọng được lên Thiên Đường hoặc nếu không sợ bị đày xuống Địa Ngục thì không có ý làm điều thiện nữa. Nếu quan niệm về dị giáo đồ đó mà đúng thì tôi cho rằng ở xứ này có nhiều người là dị giáo đồ mà không tự biết đấy. Những Ki Tô giáo đồ có tư tưởng rộng rãi hiện nay rất gần những dị giáo đồ, họ chỉ không đồng ý kiến với nhau khi bàn về Thượng Đế thôi [5].

Tôi ngạc nhiên thấy loài người bạo gan và ngạo nghễ khoa trương làm sao! Dám khoe là nhận thức rõ ràng được một đấng “siêu việt”, dám cho đấng đó có tính cách này tính cách nọ, khi mà sự nghiệp sáng tạo của đấng đó mênh mông, ta chỉ mới biết được một phần cực nhỏ.

Một giáo nghĩa căn bản của đạo Ki Tô là rất coi trọng cá nhân. Trong đời sống hàng ngày của giáo đồ, giáo nghĩa đó đưa tới một thái độ khoa trương lố bịch làm sao!

Bốn ngày trước khi cử hành đám tang má tôi, mưa bỗng trút xuống như thác. Ở Chương Châu mưa thường kéo dài mà nếu lần này mưa không sớm dứt thì cả châu thành sẽ ngập, không thể nào làm đám tang được. Nhiều người từ Thượng Hải lại để đưa đám, nếu phải hoãn lại ngày chôn cất thì bất tiện cho họ. Một bà trong họ tôi bảo rằng bà tin ở Thượng Đế, Thượng Đế sẽ làm vừa lòng các con của Ngài (ở Trung Hoa không thiếu gì hạng Ki Tô giáo tin như vậy). Bà cầu nguyện và mưa tạnh. Thế là cơ hồ như mưa tạnh để cho một gia đình theo đạo Ki Tô có thể cử hành một đám tang cho kịp ngày. Cơ hồ như nếu không có gia đình chúng tôi thì có lẽ Thượng Đế đã bắt cả mấy chục ngàn dân Chương Châu bị nạn lụt rồi. Ý đó làm cho tôi bất bình: thực là ích kỉ một cách không tưởng tượng được. Thượng Đế mà lại phù hộ cho những đứa con ích kỉ như vậy ư?

Một mục sư Ki Tô giáo viết sách kể đời mình để tán dương Thượng Đế, vì Thượng Đế đã nhiều lần chiếu cố đến ông ta. Một lần ông ta gom góp được sáu trăm đồng bạc để mua vé tàu qua Mĩ; ngày mua vé, Thượng Đế thương ông ta, làm cho hối suất hạ xuống. Có sáu trăm đồng thì hối suất hạ xuống nhiều lắm, ông ta cũng chỉ được lợi vài chục đồng; vậy mà Thượng Đế đã làm náo động cả thị trường chứng khoán ở Luân Đôn, Nữu Ước, Ba Lê để làm vui lòn con người lố bịch đó! Lối tán thưởng Thượng Đế đó không phải là hiếm thấy trong số giáo đồ Ki Tô đâu. Như vậy có phải là bất kính với Thượng Đế và hợm hĩnh không?

Xét toàn thể thì nhân loại có thể có chút ý nghĩa về lịch sử nhưng xét từng cá nhân thì như Tô Đông Pha đã nói, chúng ta so với vũ trụ chỉ là một hạt kê trong một đại dương, hoặc một con phù du, sớm sinh tối chết, vì cuộc đời thọ lắm là sáu bảy chục năm có nghĩa lí gì đối với không gian vô cùng. Ki Tô giáo đồ có vẻ như không khiêm tốn, không thỏa mãn vì sự trường tồn của dòng sinh hoạt tập thể, trong đó có họ; họ còn muốn chính họ cũng được trường sinh nữa. Như vậy có khác gì cái bình đất sét hỏi người thợ nặn: “Tại sao ông lại nặn tôi thành hình này và tại sao tôi lại dễ vỡ?”. Cái bình đó [6] khi vỡ còn để lại được vài cái bình con, vậy mà vẫn chưa thỏa mãn. Con người không thỏa mãn rằng đã nhận được của Thượng Đế cái thân thể kì diệu, gần như thần thánh đó. Con người muốn sống hoài kia, không để cho Thượng Đế được yên ổn, ngày nào cũng tụng niệm cầu xin Thượng Đế ban cho cái này cái khác, cả những cái lặt vặt. Tại sao họ cứ quấy rầy Thượng Đế hoài vậy nhỉ?

Hồi xưa, một học giả Trung Hoa không tin đạo Phật mà bà mẹ thì rất tin. Bà muốn tích công đức, niệm “Nam Mô A Di Đà Phật” cả ngàn lần một ngày. Mỗi lần bà ta niệm tới tên Phật thì người con lại gọi “Mẹ”. Bà ta bực mình, gắt lên. Người con đáp: “Mẹ nghĩ coi, nếu đức Phật nghe được mẹ gọi tên Ngài hoài như vậy, Ngài không bực mình sao?”.

Song thân tôi đều là những tín đồ rất thành kính của Ki Tô giáo. Cứ nghe ba tôi cầu kinh mỗi buổi tối thì biết lòng mộ đạo của người ra sao. Tôi là con một vị mục sư, đã được hưởng những tiện lợi của giáo mục trong giáo hội, hấp thụ được những sở trường của nó mà cũng đã đau khổ về những sở đoản của nó. Tôi đã luôn luôn mang ơn về những sở trường, còn sở đoản thì tôi đã chuyển ra thành sức mạnh cho tôi. Vì theo triết học Trung Hoa, trong đời không có gì là họa, là phúc cả; họa là phúc mà phúc cũng là họa. Hồi nhỏ người ta cấm tôi vô hí viện Trung Hoa, cấm tôi nghe hát Trung Hoa và tôi không được biết chút gì về thần thoại cùng cố sự Trung Hoa. Sau khi vô trường Nhà Dòng, thì tôi quên hết ít đoạn trong Tứ Thư mà ba tôi đã dạy tôi. Như vậy có lẽ mà lại hay vì sau này khi đã hấp thụ một nền giáo dục hoàn toàn Âu Tây, tôi nghiên cứu lại cựu học với một tinh thần mới mẻ và với những hứng thú của một thanh niên phương Tây khám phá được những cái kì diệu của phương Đông.

Tới thời thiếu niên – tuổi đó thường là mộ đạo nhất – bỗng phát ra một sự xung đột giữa lòng tôi và óc tôi: lòng tôi thì cảm thấy những cái đẹp của Ki Tô và óc tôi thì muốn lí luận về mọi sự. Cũng lạ là tôi không bao giờ bị giày vò, thất vọng như Tolstoi mà đến nỗi xuýt muốn tự tử. Trái lại, trong một giai đoạn, tôi thấy mình là tín đồ của một đạo Ki Tô giáo thống nhất, sống hòa hợp với tín ngưỡng, chỉ hơi khoáng đạt, tự do hơn các tín đồ khác, chấp nhận ít giáo điều hơn họ. Vả chăng lúc nào tôi cũng có thể suy nghĩ lại về bài thuyết giáo trên núi. Những câu như: “Các con hãy coi những bông huệ trong ruộng”, ý tưởng đẹp quá, nên thơ quá, tất phải là đúng. Do đó mà tôi ý thức được một đời sống Ki Tô giáo trong nội tâm, nó làm tăng nguồn sinh lực của tôi lên.

Còn những giáo nghĩa thì nó trốn đi đâu mất một cách đáng kính, và nhiều cái thiển cận làm cho tôi phát chán. Tín điều “nhục thể phục hoạt” trong giáo nghĩa đã bị bác bỏ từ lâu, vì ở thế kỉ thứ nhất, người ta không thấy Chúa giáng lâm lần nữa, mà xác của các thánh đồ nằm yên trong mộ chứ không sống lại; vậy mà điều đó vẫn y nguyên còn nằm trong bộ “Tín điều của Thánh đồ” (Symbole des Apôtres). Đó là một trong những cái thiển cận tôi kể làm thí dụ.

Rồi sau tôi vô ban Thần học; đây mới là chốn linh thiêng nhất. Tôi được biết thêm rằng tín điều “Xử nữ sanh con” là một vấn đề mà các vị Khoa Trưởng các Viện thần học ở Mĩ còn chưa tin, còn đương bàn cãi, mỗi nhà đưa ra một kiến giải. Thế mà các tín đồ Trung Hoa nhất định phải chấp nhận tín điều đó rồi mới được phép làm lễ rửa tội. Tôi bực mình về điểm đó lắm. Có vẻ như người ta thiếu thành thực, dù sao thì cũng là thiếu công bằng.

Tôi tìm đọc thêm những sách cao hơn, đọc những bài bình luận thông thái về những vấn đề vụn vặt, và tôi thấy rằng một quan niệm như trên về thần học chẳng có giá trị gì cả. Kết quả là tới kì thi, tôi bị loại. Các giáo sư bảo tính tình tôi không hợp với nghề mục sư, và viên Chủ giáo khuyên tôi đừng tiếp tục nữa. Phí công cho các vị đó. Như vậy, tuy rủi mà hóa may cho tôi. Nếu lúc đó tôi cứ tiếp tục rồi sau này khoác áo mục sư thì không biết làm sao tôi có thể thành thực với tôi được. Nếu người ta cho tôi là đã phản nghịch thì chỉ có mỗi lần đó, lần tôi bất bình rằng sao các nhà thần học có quyền nghi ngờ một tín điều mà các tín đồ lại bắt buộc phải tin, là trong lòng tôi có một tình cảm gì gần giống với sự phản nghịch.

Thời đó, tôi đã tới giai đoạn coi các nhà thần học là kẻ thù lớn nhất của Ki Tô giáo. Tôi không sao hiểu được hai mâu thuẫn lớn lao này.

Mâu thuẫn thứ nhất: các nhà thần học xây dựng tất cả tín ngưỡng về đạo trên một quả táo. Nếu ông Adam không ăn một quả táo cấm trên vườn Thượng Đế thì không có tội ác nguyên thủy, mà không có tội ác nguyên thủy thì không cần phải chuộc tội. Dù trái táo đó có tượng trưng cho cái gì đi nữa thì tôi vẫn cho lẽ đó là hiển nhiên. Mà tín điều đó, theo tôi, trái hẳn với giáo huấn của đấng Ki Tô, Ngài không hề nói tới tội ác nguyên thủy và sự chuộc tội, tuyệt nhiên không. Với lại, cũng như nhiều người khác ở thời đại này, tôi không nhận thấy mình có tội ác nguyên thủy, tôi không tin điều đó. Tôi chỉ biết rằng nếu Thượng Đế chỉ yêu tôi bằng nửa má tôi yêu tôi thì không khi nào Ngài đày tôi xuống địa ngục cả. Đó, trong thâm tâm tôi nghĩ như vậy, cho như vậy là đúng rồi, khỏi bàn gì nữa, và tôi không vì bất kì một tôn giáo nào phủ nhận sự thực đó.

Mâu thuẫn thứ nhì, tôi thôi, còn vô lí hơn: Khi ông Adam và bà Eve, trong tuần trăng mật, lỡ ăn một trái táo thì Thượng Đế nổi giận tới nỗi bắt con cháu hai ông bà đời đời kiếp kiếp phải chịu tội chỉ vì một lỗi nhỏ của tổ tiên; nhưng tới khi cũng những đứa con cháu đó của hai ông bà giết người con độc nhất của cũng vị Thượng Đế đó thì Ngài lại vui vẻ đến nỗi tha tội cho hết. Ai muốn giảng gì thì giảng, đưa những luận cứ gì thì đưa, tôi không thể nào chấp nhận sự vô lí đó được. Đó là sự kiện cuối cùng làm tôi thắc mắc.

Tuy vậy, sau kì thi, tôi vẫn còn là một tín đồ nhiệt tâm, và tôi tự nguyện dạy Thánh kinh mỗi ngày chủ nhật ở Thanh Hoa học hiệu, một trường không phải là của giáo hội, làm cho nhiều giáo viên đồng sự ngạc nhiên. Buổi học Thánh Hoa nghe về đau khổ, vì buổi đó tôi phải kể cho trẻ em Trung Hoa nghe về đời sống của Thiên thần ca hát dưới ánh trăng trên Thiên Đường, điều mà tôi không tin một mảy may. Mọi sự đã quyết định từ trước rồi; tôi bỏ hết các tín điều mâu thuẫn, mà chỉ giữ lại một lòng yêu và một nỗi sợ: tôi yêu Thượng Đế vô cùng sáng suốt, Ngài đã cho tôi được vui vẻ và bình tĩnh, và tôi ngờ rằng thiếu lòng yêu đó thì tôi khó mà vui vẻ, bình tĩnh được như vậy; và tôi sợ sẽ bị sa đọa vào một thế giới mồ côi.

Sau cùng tôi được cứu thoát. Tôi biện luận với một bạn đồng sự. Tôi bảo: “Nhưng nếu không có Thượng Đế thì còn ai làm điều thiện nữa và thế giới sẽ điên đảo mất”.

Ông bạn theo Khổng giáo của tôi đáp: “Tại sao lại như vậy? Chúng tôi phải sống một đời sống hợp với đạo chỉ vì chúng ta là những con người hiểu đạo, thế thôi”.

Nghe lời giảng đó về sự tôn nghiêm của đời sống con người, tôi cắt hết những liên lạc với đạo Ki Tô và tôi thành một dị giáo đồ từ hồi đó.

Bây giờ thì đối với tôi, mọi sự minh bạch lắm. Thế giới của dị giáo đồ là thế giới giản dị. Dị giáo đồ không giả định một điều gì cả, không bắt buộc phải giả định một điều gì cả. Người đó chuyên lập luận trên sự thực của đời sống và nhờ vậy làm cho đời sống hấp dẫn hơn. Người đó không cần phải làm điều thiện để tự biện hộ cho mình (nghĩa là thấy điều thiện là đáng làm thì làm, không cần vì một lẽ gì khác), như vậy là biện hộ cho điều thiện còn hơn các tôn giáo. Nếu người ta nhận rằng nên làm điều thiện chỉ vì nó là điều thiện thì người ta không thể không coi những lời mà khoa thần học dẫn dụ tín đồ làm điều thiện chẳng những là thừa mà còn làm che lấp mất cái rực rỡ của đạo đức nữa.

Lòng yêu nhân loại phải là một sự thực chung kết và tuyệt đối. Chúng ta phải có thể yêu nhau được mà không cần có một vị nào ở trên Trời bắt buộc ta cả. Theo tôi, đạo Ki Tô làm cho đạo đức hóa ra khó khăn, rắc rối một cách vô ích, mà làm cho tội lỗi hóa ra tự nhiên, thích thú. Theo tôi, chỉ có dị giáo chủ nghĩa là có thể cứu tôn giáo ra khỏi thần học, khôi phục được tính cách giản dị và đẹp đẽ của tín ngưỡng, khôi phục được sự tôn nghiêm của tình cảm trong tôn giáo.

Vì đâu mà những thuyết lầm lẫn rắc rối về thần học đã phát hiện trong mấy thế kỉ đầu kỉ nguyên và biến đổi những chân lí giản dị trong bài “Thuyết giáo trên núi” thành một cơ cấu cứng ngắc, kì dị, để cho giai cấp tế sư lợi dụng? Theo tôi, nguyên do chỉ ở trong hai chữ “Thiên khải”. Sự tin tưởng rằng có một bí mật hoặc một ý chí của Thượng Đế được Thượng Đế khải thị cho một vị tiên tri, rồi vị tiên tri truyền thụ lại cho sư sinh, là một sự tin tưởng chung cho tất cả các tôn giáo: Ki Tô giáo, Hồi giáo, Móc Môn giáo, (Mormonisme) [7], Hoạt Phật giáo (Lamaisme), Ki Tô giáo khoa học (Christian Science) [8] để cho mỗi tôn giáo có thể giữ độc quyền cứu rỗi tín đồ, một thứ độc quyền có chấp chiếu chứng thư. Những chân lí giản dị mà Đức Ki Tô dạy ta ở trên Núi, phải được tô điểm thêm, những bông huệ mà Ngài khen là đẹp phải được sơn son thếp vàng cho đẹp thêm. Do đó mà có ông “Adam thứ nhất”, ông “Adam thứ nhì” vân vân…

Những lí luận của thánh Paul, ở buổi đầu kỉ nguyên Ki Tô, có vẻ chắc chắn, đáng tin, không thể bác được đó, ngày nay người ta cho là không vững, vì óc phán đoán nào cũng bấp bênh lắm. Chỉ có cách trở về chủ trương dị giáo, bỏ hẳn tín điều “khải thị” đó thì con người ngày nay mới tìm lại được đạo Ki Tô nguyên thủy mà tôi cho là thỏa mãn hơn.

Vậy bảo dị giáo đồ là một người không tin tôn giáo là lầm: người đó chỉ không tin sự “khải thị” thôi. Một dị giáo đồ luôn luôn tin ở Thượng Đế nhưng không muốn nói ra, sợ bị hiểu lầm. Tất cả các dị giáo đồ Trung Hoa tin ở Thượng Đế, mà trong văn học họ thường gọi là Tạo vật hoặc Hóa Công. Chỉ khác mỗi điều này là người Trung Hoa thành thực, để đấng Tạo Vật ẩn sau một vừng hào quang bí mật, như vậy họ càng kính sợ Tạo Vật hơn.

Họ thường lãnh hội được cái đẹp của vũ trụ, sự an bài thông minh trong vũ trụ, sự kì diệu của vạn vật, cái bí mật của tinh tú, sự mênh mông bao la của Trời Đất và cái tôn nghiêm của linh hồn; và bấy nhiêu cũng đủ rồi. Họ nhận sự chết cũng như nhận sự đau khổ, rồi họ đặt lên bàn cân, một bên là sự chết, một bên là sự sống; một bên là đau khổ, một bên là thanh phong, minh nguyệt. Thấy hai bên cũng ngang nhau và họ không phàn nàn gì cả. Họ cho rằng thuận mạng trời mới chính là thái độ tín ngưỡng, và thái độ đó, họ gọi là “Sống trong Đạo” (Sinh ư Đạo). Nếu tạo vật muốn cho họ chết hồi bảy chục tuổi thì đến bảy chục tuổi họ vui vẻ chết. Họ cũng tin rằng “thiên lí tuần hoàn”, cho nên trên thế giới không có sự bất công vĩnh viễn. Bấy nhiêu đủ rồi, họ không cần gì hơn nữa.


Chú thích:

[1] Tác giả nói về Ki Tô giáo vì tác giả viết cho người Âu Mĩ đọc mà cũng vì tác giả sanh trong một gia đình Ki Tô giáo.
[2] Một thể văn ngắn để ghi một việc, một điều gì.
[3] Tiếng Pháp là Paien, mới đầu trò những dân tộc thời cổ theo đa thần giáo, không thờ một vị thần duy nhất, tức Thượng Đế. Rồi sau đó, người Ki Tô giáo gọi tất cả những người ngoại đạo là Paien. Người Trung Hoa dịch Paien là dị giáo đồ; Đào Duy Anh dịch là người tà giáo, người vô tín ngưỡng. Dịch là dị giáo đồ có phần hơn cả, nhưng ta nên nhớ chữ “dị” đó là đối với Ki Tô giáo mà nói.
[4] Phản ngịch vì trước tác giả theo Ki Tô giáo rồi sau bỏ.
[5] Chúng tôi lược bỏ hai trang vì không có lợi mấy đối với phần đông độc giả ở nước ta.
[6] Tác giả muốn nói về con người.
[7] Một tôn giáo mới thành lập ở Mĩ vào khoảng 1830.
[8] Một tôn giáo mới thành lập năm 1879 ở Mĩ, lấy Thánh Kinh làm căn bản.
Về Đầu Trang Go down
Shiroi

Shiroi

Tổng số bài gửi : 19896
Registration date : 23/11/2007

Một Quan Điểm Về Sống Đẹp - Lâm Ngữ Đường - Page 3 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Một Quan Điểm Về Sống Đẹp - Lâm Ngữ Đường   Một Quan Điểm Về Sống Đẹp - Lâm Ngữ Đường - Page 3 I_icon13Tue 13 Sep 2011, 01:57

CHƯƠNG XIV

NGHỆ THUẬT TƯ TƯỞNG

1. CẦN CÓ NHỮNG TƯ TƯỞNG CẬN NHÂN TÌNH

Tư tưởng là một nghệ thuật chứ không phải là một khoa học. Xét về học vấn thì một trong những tương phản quan trọng nhất giữa phương Đông và phương Tây ở điểm này: phương Tây có nhiều tri thức chuyên môn mà ít tri thức cận nhân tình, còn Trung Hoa không có tri thức chuyên môn mà rất chú ý tới vấn đề nhân sinh. Chúng ta nhận thấy rằng ngay khu vực tri thức cận nhân tình của phương Tây cũng bị tư tưởng khoa học xâm chiếm, cho nên cũng có tính cách chuyên môn, cũng dùng quá nhiều thuật ngữ khoa học hoặc bán khoa học. Tôi dùng những “tư tưởng khoa học” đó là theo nghĩa ngày nay chứ theo nghĩa chân chính thì “tư tưởng khoa học” không thể tách khỏi lương tri và tưởng tượng được. Theo nghĩa ngày nay thì “tư tưởng khoa học” của phương Tây tách xa lương tri mà chỉ có tính cách lí luận khách quan, rất chuyên môn và “nguyên tử” từ phương pháp tới quan niệm. Tóm lại, sự tương phản giữa hai nền học vấn Đông và Tây là một bên trọng lương tri, một bên trọng luận lí. Luận lí mà thiếu lương tri thì hóa ra bất cận nhân tình, lương tri mà thiếu luận lí thì không thể thấu triệt được những bí mật của hóa công.

Dạo trong vườn văn học và triết học Trung Hoa ta thấy gì? Thấy không có khoa học, không có tín điều, không có những lí luận cực đoan và thực ra cũng không có cả những triết học tính chất khác hẳn nhau. Lương tri và tinh thần không cực đoan đã đè bẹp tất cả các lí thuyết, các tín điều. Cũng như thi hào Bạch Cư Dị đời Đường, học giả Trung Hoa mượn đạo Nho để điều chỉnh hành vi, mượn đạo Phật để luyện tâm cho thanh tĩnh, mượn sử kí, hội họa, núi sông, thi tửu, ca nhạc để an ủi tinh thần [9]. Họ xử thế mà như xuất thế.

Vậy, cơ hồ như Trung Hoa là một dân tộc không chịu gắng sức vào sự suy tư, mà chỉ rán tìm một lối sống. Triết học đối với họ chỉ là một vấn đề lương tri, viết thành một bộ sách dày cũng được mà tóm tắt vào hai câu thơ cũng đủ. Xét chung, họ không có một hệ thống triết học, không có môn luận lí, môn siêu hình, không có những từ ngữ khó hiểu như trong các học viện phương Tây; họ có rất ít tinh thần độc đoán; rất ít tinh thần cuồng tín, rất ít từ ngữ trừu tượng và lôi thôi dài dòng. Không có một chủ nghĩa duy lí máy móc nào mà có thể phát triển ở Trung Hoa [10] được mà người ta thâm oán cái quan niệm “tất cả luận lí” [11]. Xứ đó không cần luật sư trong công việc làm ăn, mà cũng không cần luận lí gia trong triết học. Chỉ có một cảm giác thâm thiết về sinh hoạt mà không có những hệ thống triết học tinh vi; không có những triết gia như Kant, Hegel mà chỉ có những nhà viết những thiên tùy bút, tiểu luận, những câu cảnh ngữ [12], thiền ngữ và những ngụ ngôn như trong phái Đạo gia.

Xét toàn diện thì văn học Trung Hoa chỉ có những đoản thi, đoản văn, kẻ nào không ưa thì thấy rất chán, cho rằng bài nào như bài nấy; nhưng người nào đã ưa thì thấy có nhiều vẻ thay đổi và đẹp đẽ lạ lùng như một cảnh thiên nhiên. Văn nhân Trung Hoa chỉ viết những bài đoản văn dài vài ba trăm hoặc năm sáu trăm chữ để diễn cái cảm giác về sinh hoạt. Trong những bài ngẫu hứng, trong những đoạn nhật kí, bút kí, trong những bức thư và tiểu luận của họ, chúng ta thấy tác giả khi thì bình luận về những cảnh chìm nổi trong đời, khi thì kể lại chuyện một thiếu nữ tự tử; hoặc mô tả một buổi du xuân, một bữa tiệc trên tuyết, hoặc chép một cuộc chơi thuyền dưới trăng, một buổi tối nằm trong chùa nghe mưa. Chúng ta thấy rất nhiều văn gia đồng thời là thi gia, và nhiều thi gia đồng thời là văn gia, viết không bao giờ quá năm bảy trăm chữ, nhưng thường khi chỉ một hàng cũng chứa được cả một triết lí về nhân sinh. Chúng ta gặp nhiều ngụ ngôn, cảnh ngữ, nhiều bức thư phóng bút, không sắp đặt tư tưởng cho chặt chẽ. Do đó mà các môn phái, các hệ thống khó phát sinh đươc. Trí tuệ thường bị tinh thần cận tình hợp lí, nhất là bị cảm xúc nghệ thuật áp đảo, hạn chế, không cho nảy nở. Quả thực là người Trung Hoa không tín nhiệm tri thức, trí tuệ.

Chẳng cần phải chứng minh rằng luận lí là một lợi khí của trí óc, nhờ đó mà khoa học mới tiến. Tôi sở dĩ vạch những nhược điểm của tư tưởng luận lí là chỉ để độc giả thấy một sở đoản đặc biệt của tư tưởng phương Tây, chẳng hạn chính sách cơ giới trong chính trị của người Đức mà người Nhật bắt chước. Luận lí cũng có vẻ quyến rũ của nó, và tôi coi loại tiểu thuyết trinh thám là một sản phẩm thú vị của tinh thần luận lí, trong đó Trung Hoa tuyệt nhiên không có. Nhưng luận lí cũng có mặt trái của nó [13].

Đặc tính hiển hiện nhất của học vấn phương Tây là nó quá chuyên môn, phân biệt tri thức thành nhiều môn quá. Sự chuyên môn hóa với những danh từ kĩ thuật đã tạo ra hiện trạng kì dị này của văn minh phương Tây: triết học bị kéo lùi về phía sau, đứng sau chính trị và kinh tế một khoảng rất xa, thành thử phần đông chúng ta không quan tâm tới triết học mà chẳng hề thấy chút ân hận nào trong lòng. Hạng trung nhân và cả hạng tri thức cũng cho triết học là một môn chẳng cần phải biết. Đó là một hiện tượng kì dị của văn hóa hiện đại, vì triết học đáng lẽ phải hợp nhân tâm nhân sự thì lại cách biệt hẳn với đời sống. Hồi xưa, nền văn minh cổ điển Hi Lạp, La Mã đâu có như vậy; ở Trung Hoa cũng không vậy: người ta có văn hóa phải quan tâm trước hết tới sinh hoạt. Con người ngày nay trái lại chẳng chú ý gì tới vấn đề nhân sinh cả; hay là tại chúng ta đã tiến bộ quá rồi chăng? Phạm vi tri thức của ta đã mở rộng ra quá, chúng ta đã có nhiều “môn” quá, đến nỗi triết học đáng lẽ phải là môn quan trọng nhất cần học hơn cả thì lại là môn mà chẳng ai thèm học. Thành thử môn triết học cũng y như các thiên tử nhà Chu thời Chiến Quốc, đáng lẽ được các vua chư hầu cống lễ, thì lại mất dần quyền lực và quốc thể, chỉ còn một số ít dân trung tín nhưng nghèo đói.

Vì chúng ta đã tới một giai đoạn văn hóa, trong đó con người chỉ có môn loại tri thức, chứ không có tri thức; chỉ có sự chuyên môn chứ không có sự tổng hợp; chỉ có nhà chuyên môn chứ không có triết gia về tri thức của nhân loại. Sự chuyên môn quá đỗi trong khoa học cũng không khác gì sự chuyên môn quá đỗi về thuật nấu bếp trong hoàng cung Trung Hoa. Người ta kể chuyện khi một triều đại nào đó bị lật đổ, một vị đại thần mướn được một người bếp trước làm cung nữ. Hãnh diện lắm, ông ta mời bạn bè lại dự tiệc do một tay bếp giỏi trong hoàng cung đích thân nấu nướng, sắp đặt. Gần tới ngày, ông bảo người cung nữ sửa soạn một bữa thịnh yến. Người cung nữ đáp là không biết nấu. Chủ nhân hỏi:

- Thế hồi trước ở trong cung làm gì?

Cung nữ đáp:

- Tôi chuyên giúp việc làm bánh.

- Thế thì làm mấy món bánh để đãi khách.

- Tôi không làm bánh được, chỉ chuyên cắt hành để làm nhân bánh.

Vị đại thần bật ngửa ra.

Khu vực tri thức của nhân loại ngày nay cũng có tình trạng như vậy. Chúng ta có một nhà sinh-vật-học chuyên nghiên cứu một phần về sinh mạng và bản chất con người; một nhà tinh-thần-bệnh-học chuyên nghiên cứu về một phần khác về sinh mạng; một nhà địa-chất-học chuyên nghiên cứu lịch sử nhân loại trước thời hồng hoang; một nhà nhân-chủng-học chuyên nghiên cứu tâm tính các dân tộc dã man; một nhà sử học, nếu thực có tài, có thể giảng cho ta về những bài học khôn, dại của thời trước; một nhà tâm-lí-học đôi khi có thể giúp chúng ta hiểu tâm trạng, thái độ của chúng ta nhưng cũng có lúc chỉ nói bậy nói bạ. Vài nhà tâm lí kiêm mô phạm làm cho tôi kinh ngạc. Người ta chỉ lo chuyên môn hóa mà không nghĩ tới tổng hợp các tri thức để đạt mục đích tối cao này là giúp cho tri thức về nhân sinh được tăng tiến. Các nhà bác học phương Tây mà không hoạt động một cách giản dị hơn và bớt luận lí đi thì không thể thực hiện sự tổng hợp đó được. Chỉ việc gom góp những tri thức chuyên môn thì không thể làm cho sự minh triết của con người tăng lên được; mà công việc nghiên cứu các bảng thống kê cũng chẳng bố ích gì về phương diện đó cả; phải có óc minh trí, phải có nhiều lương tri hơn, phải có óc trực giác sáng suốt hơn, tế nhị hơn thì mới thành công được.

Một tư tưởng hợp môn luận lí khác xa một tư tưởng hợp lý, cũng như một tư tưởng có tính cách học viện khác xa một tư tưởng có tính cách thi vị. Trong thế giới hiện đại, có nhiều tư tưởng học viện mà ít tư tưởng thi vị. Aristole và Platon là những triết gia “hiện đại”, không phải vì người Hi Lạp giống người thời nay mà vì hai nhà đó là thủy tổ của tư tưởng hiện đại. Mặc dầu Aristole có nhiều kiến giải hợp với chủ nghĩa nhân tính và thuyết Trung dung, ông chính là ông tổ các tác giả sách khoa học ngày nay vì ông là người đầu tiên tạo ra thứ ngôn ngữ trong học viện mà phần đông không ai hiểu nổi, thứ ngôn ngữ mà các nhà khoa học và tâm lí học sở trường vào bậc nhất, không nhà nào chịu thua nhà nào. Mặc dầu Platon hiểu thấu bản chất con người, ông cũng chịu trách nhiệm về phong trào tôn sùng khái niệm và trừu tượng của phái Tân-Platon; truyền thống đó đáng lẽ nên điều hòa bớt đi thì ngày nay được phổ biến trong giới văn nhân: nhà nào cũng bàn về khái niệm và ý thức hệ, cơ hồ như những cái đó có một tính tồn tại độc lập. Gần đây, các nhà tâm lí học đã cướp của chúng ta những bộ môn “lí trí”, “ý chí”, “tình cảm”; như vậy là đã tiếp tay vào việc sát hại “tâm hồn”, sát hại cái mà các nhà thần học thời trung cổ coi là một thực thể. Chúng ta đã giết mất “linh hồn” nhưng chúng ta đã tạo ra cả ngàn khẩu hiệu xã hội, chính trị (như cách mạng, phản cách mạng, tiểu tư sản, tư sản, đế quốc) để thống trị tư tưởng của chúng ta, tạo ra những thực thể như “giai cấp”, “vận mạng”, “quốc gia” rồi chúng ta biến đổi quốc gia thành một quái vật nuốt sống cá nhân.

Tôi cho rằng cần phải cải tạo tư tưởng cho nó thêm sinh lực, thêm thi vị, phải nhận xét sinh mạng một cách nghiêm trang, coi nó là một toàn thể. James Harvey Robinson đã cảnh báo chúng ta: “Vài quan sát gia minh trí thành thực tin rằng nếu chúng ta không nâng trình độ tư tưởng lên thật cao, thì văn minh thế nào cũng thoái hóa mất”. Giáo sư Robinson cũng nhận một cách sáng suốt rằng: “Lương tâm và sự minh trí đáng lẽ phải hòa hợp với nhau thì lại chống đối nhau”. Các nhà kinh tế học và tâm lí học ngày nay, theo tôi thấy, có nhiều lương tâm mà thiếu minh trí. Có một điểm mà chúng ta phải nhấn mạnh hoài là nên coi chừng, đừng áp dụng môn luận lí vào thế sự. Nhưng sức mạnh và uy quyền của tư tưởng khoa học đã quá lớn đến nỗi mặc dầu nhiều người đã cảnh cáo, nó vẫn lấn hoài khu vực triết học: người ta tin rằng tâm linh con người có thể nghiên cứu như một hệ thống ống cống trong châu thành, mà những làn sóng tư tưởng có thể nghiên cứu như những điện ba của máy phát thanh. Hậu quả không tai hại gì lắm trong những tính toán, suy tư hằng ngày của chúng ta, nhưng rất tai hại trong môn chính trị thực hành.


2. TRỞ VỀ LƯƠNG TRI

Người Trung Hoa ghét từ ngữ: “tất yếu luận lí”, vì không có gì là tất yếu luận lí trong thế sự cả. Họ nghi ngờ môn luận lý; mới đầu là họ khinh các danh từ, rồi kinh sợ các định nghĩa, cuối cùng là họ thâm oán các hệ thống, các lí thuyết. Khi người ta chú ý tới danh từ là triết học bắt đầu suy. Một học giả Trung Hoa Cung Định Am bảo: “Thánh nhân thì không nói, người có tài thì nói còn kẻ ngu thì biện luận”, mặc dầu chính ông ta lại ham biện luận.

Lịch sử triết học thực là một lịch sử bi thảm: các triết gia đều thuộc vào hạng hay nói chứ không phải hạng làm thinh. Hết thảy đều muốn nghe tiếng nói của chính mình. Ngay như Lão Tử là người đầu tiên bảo ta rằng: “Đại khối vô ngôn” (vũ trụ không nói gì cả) [14] vậy mà trước khi vô ẩn ở U cốc quan, hưởng lạc dư niên cũng quyết tâm lưu lại bộ Đạo Đức Kinh gồm năm ngàn chữ. Đáng đại biểu nhất cho hạng triết gia thiên tài ham ăn nói là Khổng Tử. Ông chu du “bảy mươi hai nước” để rán thuyết phục các vua chúa; Socrate còn hơn nữa, suốt ngày dạo phố ở thành Athènes, gặp người qua đường nào cũng vẫy người ta lại, đặt hết câu hỏi này đến câu hỏi khác để được nghe mình dạy khôn cho người ta. Vậy câu “thánh nhân không nói” chỉ đúng một cách tương đối.

Tuy nhiên, có một sự cách biệt giữa bực thánh và hạng có tài vì bực thánh bàn về sinh hoạt là do những lịch duyệt của bản thân còn hạng có tài thì bàn về những lời nói của thánh nhân, mà kẻ ngu thì lại tranh biện về những lời nói của hạng có tài. Phái Ngụy biện Hi Lạp, đại biểu cho hạng hay nói, chỉ dùng cái thuật “nhai văn nhá chữ”.
Triết học vốn là môn trọng sự minh triết đã biến thành một môn trọng danh từ, và số nhà ngụy biện càng tăng thì triết học càng li khai với sinh hoạt. Các triết gia dùng càng ngày càng nhiều danh từ, dùng những câu càng ngày càng dài; rồi những cảnh ngôn ngăn ngắn biến thành những câu dài; những câu dài biến thành những thiên biện luận; những thiên biện luận biến thành những chuyên thư; những chuyên thư biến thành những bộ đại luận; những bộ đại luận biến thành những bộ nghiên cứu về ngôn ngữ học; luôn luôn phải dùng thật nhiều danh từ, mỗi ngày một nhiều, để định nghĩa, phân loại các từ ngữ mà người ta dùng, phải thành lập nhiều học phái để cho khác nhau và để kế tiếp những học phái trước; cứ như thế cho đến khi người ta quên hẳn cái cảm giác trực tiếp và thâm thiết về sinh hoạt đi, mà hạng phàm nhân chúng ta có quyền hỏi họ: “Ông nói cái gì thế?”. Thỉnh thoảng cũng có vài nhà tư tưởng đọc lập được đời sống trực tiếp kích thích – chẳng hạn Goethe, Samuel Johnson, Emerson, William James – họ không chịu dùng thứ ngôn ngữ khó hiểu của bọn ham nói và luôn luôn chống lại tinh thần phân loại. Họ là những nhà minh triết, giữ cho ta được ý nghĩa chân chính của triết học. Nhiều khi họ không dùng luận cứ, chỉ dùng ít cảnh ngữ.

Khi người ta thích dùng danh từ là người ta bắt đầu tiến tới sự ngu muội, khi người ta thích định nghĩa là đã tiến thêm một bước nữa tới gần sự ngu muội. Càng phân thích thì người ta cần phải định nghĩa, càng định nghĩa thì lại càng muốn cho được hoàn toàn hợp luận lí, nhưng không thể nào đạt được sự hoàn toàn hợp luận lí, mà muốn như vậy là ngu muội. Vì từ ngữ cần thiết cho sự phô diễn tư tưởng cho nên định nghĩa là việc hoàn toàn đáng khen. Cái nguy hiểm là sau khi ý thức được những từ ngữ ta định nghĩa rồi, ta bắt buộc lại phải định nghĩa những tiếng dùng để định nghĩa, rút cục là bên cạnh những tiếng phô diễn sinh hoạt, chúng ta có thêm một loạt tiếng để định nghĩa những tiếng trên và các triết gia chỉ chú trọng tới loại tiếng đó. Tất nhiên có một sự khác nhau xa giữa những tiếng hữu ích và những tiếng vô ích, những tiếng thường dùng trong đời sống hàng ngày và những tiếng chỉ dùng trong nhóm triết gia; lại có một sự khác nhau xa giữa những định nghĩa của Socrate, của Francis Bacon và những định nghĩa của các giáo sư ngày nay. Shakespeare có cảm giác thâm thiết về đời sống chắc chắn là không thèm định nghĩa một cái gì cả; nói cho đúng hơn, vì ông không thèm định nghĩa cho nên những tiếng ông dùng mới có một “thực thể” mà ta không thấy trong dụng ngữ của các tác giả khác; do đó ngôn ngữ của ông mới thấm nhuần được cái ý nghĩa về nhân sinh bi kịch, mới có cái ý vị trang nghiêm, hùng tráng mà ít ai kiếm được.

Từ ngữ chia cắt tư tưởng của ta trong trình tự phô diễn, mà lòng ưa sắp đặt thành hệ thống còn tai hại hơn nữa, vì nó làm cho ta không nhận thức được đời sống tinh nhuệ. Một hệ thống chỉ là một lối nhìn nghiêng chân lý. Hệ thống mà xây dựng càng hợp với luận lí thì sự nhìn nghiêng đó càng đáng sợ. Các ý muốn nhìn chân lí một cách phiến diện rồi phát triển nó ra, xây dựng thành một hệ thống hoàn toàn, hợp luận lí, là một nguyên nhân làm cho triết học của chúng ta cách biệt với đời sống. Nội một việc bàn đến chân lí là đã làm tổn hại chân lí rồi; nếu còn rán chứng minh nó thì là làm cho nó thương tàn, biến tướng đi; nếu lại dán cho nó một nhãn hiệu, một phái danh thì là giết nó; mà kẻ nào tín ngưỡng nó là chôn chặt nó. Cho nên chân lí nào dựng thành hệ thống là chân lí ấy chết, bị chôn chặt rồi. Và trong khi làm đám tang chân lí thì ai nấy đều tấu lên khúc vãn ca này: “Tôi hoàn toàn có lí, còn các anh hoàn toàn lầm lẫn”. Người ta không quan tâm tới chân lí nữa, chỉ chú trọng tới đám táng. Vì tất cả các đảng phái triết học cổ cũng như kim chỉ lo việc chứng minh có mỗi một điều: “Tôi hoàn toàn có lí, còn các anh hoàn toàn lầm lẫn”.

Kết quả của thứ luận lí bất cận nhân tình đó là tạo thành một thứ chân lí bất cận nhân tình. Ngày nay chúng ta có một triết học cách biệt hẳn với đời sống, một triết học đã bỏ cái mục đích dạy con người về ý nghĩa của nhân sinh và về thái độ minh triết, một triết học không còn cái thâm thiết, cái ý thức về đời sống nữa. William James [15] gọi cái cảm giác thâm thiết đó là “yếu tố của kinh nghiệm”. Trước khi làm cho triết học phương Tây hóa ra cận nhân tình, phải làm cho môn luận lí của họ cận nhân tình đã. Phải trở về một lối suy tư thiết thực, đừng cách biệt sự thực, nhất là đừng cách biệt bản chất con người. Câu bất hủ của Descartes: “Tôi suy tư, vậy tôi tồn tại” phải bỏ đi mà thay vào câu này của Walt Whitman: “Địa vị hiện tại của tôi như vầy là đủ cho tôi rồi”. Đời sống không cần quì gối cầu khẩn môn luận lí chứng thực rằng nó là một sự vật có thực.

Tôi càng ngày càng nhận thấy rằng triết học và phép luận lí của William James có hại cho tư tưởng hiện đại của phương Tây. Mặc dầu không biết lối tư tưởng của người Trung Hoa, ông khổ trí rán chứng thực và bênh vực nó. Chỉ khác có mỗi một điều là nếu ông sinh ở Trung Hoa thì ông đã không viết nhiều như vậy, chỉ chép trong một bài tiểu luận dài từ ba tới năm trăm chữ, hoặc trong một trang nhật kí rằng mình nghĩ như vậy đó; và ông đã đề phòng từ ngữ vì biết rằng càng dùng nhiều từ ngữ thì người ta lại càng không hiểu mình. Nhưng ông quả là có tinh thần Trung Hoa vì nhận thức đời sống một cách sâu sắc, thấu triệt được những lịch duyệt của con người, phản đối chủ nghĩa duy lí máy móc, lo lắng giữ sao cho tư tưởng được linh động; ông bực mình vì có những kẻ tự cho là đã phát minh được một chân lí tuyệt đối, bao hàm được tất cả các chân lí khác, rồi giam hãm chân lí tuyệt đối đó vào một hệ thống cứng ngắc. Ông lại có tinh thần Trung Hoa vì ông nhất định cho rằng về phương diện ý thức nghệ thuật thì sự thực do tri giác quan trọng hơn sự thực do quan niệm. Triết gia là người cảm tính cực cao, quan sát kĩ lưỡng những biến động của sinh hoạt, luôn luôn kinh thán về những mâu thuẫn của sinh hoạt, luôn luôn kinh thán về những mâu thuẫn tân kì nhất, về những bất thường, về những lệ ngoại không sao giảng được. Triết gia không chấp nhận một hệ thống, không phải vì nó sai mà vì nó là một hệ thống.

Khổng Tử nói: “Đạo không xa người; cái gì người ta coi là đạo mà lại xa người [16] thì không phải là đạo” (đạo bất viễn nhân, nhân chi vi đạo nhi viễn nhân, bất khả dĩ vi đạo). Ông còn nói một câu rất sáng suốt, giống khẩu khí của James: “Người ta có thể làm cho đạo rộng lớn ra chứ đạo không làm cho người vĩ đại lên (nhân
năng hoằng đạo, phi đạo hoằng nhân). Không, thế giới không phải là một phép tam đoạn luận (syllogisme) hoặc một luận cứ, nó là một sinh vật; vũ trụ không nói, chỉ sinh hoạt thôi; nó không biện luận, nó tồn tại, thế thôi.


3. CẬN NHÂN TÌNH

Trái với óc luận lí, có cái lương tri, hay đúng hơn có cái tinh thần cận nhân tình. Tôi cho tinh thần cận nhân tình là lí tưởng cao cả, lành mạnh nhất về phương diện tu dưỡng, và con người cận nhân tình là mẫu người có giáo dục, kiến thức nhất. Không ai có thể hoàn toàn được, chỉ có thể trở thành một người dễ thương và cận nhân tình thôi. Tôi mong mỏi được thấy một thời mà mọi dân tộc trên thế giới có tinh thần đó trong việc nhà cũng như trong việc nước. Các quốc gia hợp nhân tình sống yên ổn với nhau; vợ chồng hợp nhân tình vui vẻ với nhau. Lựa rể, tôi chỉ cần có mỗi một tiêu chuẩn này: phải là một người cận nhân tình. Không một cặp vợ chồng hoàn toàn nào không cãi nhau bao giờ, mà chỉ có những cặp vợ chồng cận nhân tình, cãi nhau một cách hợp tình hợp lí rồi làm lành với nhau một cách hợp tình hợp lí. Chỉ trong một thế giới mà mọi người đều cận nhân tình thì mới có thể có thái bình và hạnh phúc được.

Tinh thần cận nhân tình là vật quí nhất mà Trung Hoa có thể cống hiến cho phương Tây. Tôi không bảo bọn quân phiệt [17] bắt dân chúng đóng trước năm chục năm thuế là cận nhân tình đâu; tôi chỉ muốn nói rằng tinh thần cận nhân tình là phần tinh túy của văn minh Trung Hoa. Hai người Mĩ đã ở Trung Hoa lâu năm ngẫu nhiên chứng thực phát minh đó của tôi. Một vị bảo rằng tất cả đời sống xã hội Trung Hoa đặt cơ sở trên từ ngữ “giảng lí” (nói sao cho hợp tình hợp lí). Trong một cuộc tranh luận Trung Hoa, luận cứ cuối cùng là: “Cái đó có hợp tình lí không?”. Lời trách cứ nặng nhất mà cũng thường dùng nhất là lời này: “Người đó không giảng lí”, nghĩa là ăn nói không hợp tình hợp lí. Người nào chịu nhận rằng mình không hợp tình hợp lí là chịu thua trong cuộc tranh luận rồi.

Trong cuốn “My country and my people(Nước tôi và dân tộc tôi), tôi viết “Đối với một người phương Tây, một luận thuyết chỉ cần hợp phép luận lí. Đối với một người Trung Hoa thì còn phải hợp nhân tình. Hợp nhân tình, tức “cận tình”, thực ra còn quan trọng hơn là hợp luận lí. Tiếng reasonableness (hợp lí) của Anh dịch ra tiếng Trung Hoa là “tình lí”; tính lí gồm hai nguyên tố “nhân tình” và “thiên lí”. Tình là thuộc về lòng người, lí là định luật của vũ trụ. Người có giáo dục, kiến thức là người hiểu nhân tình và thiên lí. Nho gia sống hòa hợp với lòng người và thiên nhiên để mong thành một thánh nhân. Thánh nhân, theo quan niệm của họ, chỉ là một người cạn nhân tình, như Khổng Tử mà ai cũng ngưỡng mộ là có lương tri sáng suốt, có nhân tính tự nhiên.

Một tư tưởng nhân-tính-hóa chỉ là một tư tưởng cận nhân tình. Người chuyên giảng luận lí luôn luôn là một kẻ ngụy thiện (giả đạo đức), vậy là không hợp nhân tình, là lầm lẫn; còn người cận nhân tình thì luôn luôn ngờ mình lầm, vì vậy mà luôn luôn có lí. Người hợp luận lí và người cận nhân tình khác nhau ở đoạn tái bút trong bức thư. Tôi vẫn thích đoạn tái bút trong thư từ của các bạn tôi, đặc biệt là những đoạn nói ngược lại hẳn lời lẽ trong thư. Những đoạn đó luôn luôn chứa những tư tưởng cận nhân tình, những do dự cùng những ý tưởng thông minh, có lương tri. Những tư-tưởng-gia đại tài là một người sau khi đã cặm cụi tìm những luận-cứ dài dòng để chứng minh một luận thuyết, bỗng do trực giác, do lương tri, thấy rằng mình lầm lẫn và chịu rằng mình lầm, hủy bỏ tất cả các luận-cứ đó. Như vậy là có một tư tưởng nhân-tính-hóa.

Có tinh thần cận nhân tình thì không quyết tin rằng mình phải mà người trái, tư tưởng và hành vi của ta nhờ vậy mà bớt cạnh góc đi. Tinh thần trái ngược lại là tinh thần nhiệt cuồng và vũ đoán. Tôi cho rằng ở Trung Hoa ít có sự nhiệt cuồng và vũ đoán. Quần chúng Trung Hoa có khi cũng dễ bạo động, nhưng tinh thần cận nhân tình của họ đã nhân-tính-hóa chính thể chuyên chế, tôn giáo và tục mà người ta gọi là tục “khinh thị đàn áp phụ nữ”. Tất nhiên cũng có lệ ngoại nhưng xét đại thể thì điều đó đúng, và tinh thần cận nhân tình làm cho dân chúng coi các Hoàng Đế, thần thánh và các ông chồng Trung Hoa chỉ như những người thường. Hoàng Đế Trung Hoa không phải là một đấng bán thần như Hoàng Đế Nhật Bản; và tuy các sử gia Trung Hoa dựng lên cái thuyết rằng Hoàng Đế thay trời trị dân, nhưng nếu họ thất đức không biết trị dân thì sẽ mất sự ủy nhiệm của Trời, dân chúng sẽ chặt đầu họ; và sự thực dân Trung Hoa đã chặt đầu nhiều vị vua chúa quá nên không tin rằng họ là thần thánh hoặc bán thần thánh nữa. Các hiền triết Trung Hoa không bị phong thần mà chỉ được coi là những bậc thầy sáng suốt, mà thần thánh Trung Hoa cũng không phải là những kiểu mẫu hoàn thiện, trái lại cũng hủ bại, ăn hối lộ như bọn quan liêu. Cái gì mà ra ngoài tình lí thì bị coi là “bất cận nhân tình”, và một người thần thánh hóa, hoàn toàn quá thì có thể là một tên đại gian, vì về tâm lí, người đó có cái gì bất thường.

Về chính trị, tại nhiều xứ châu Âu, có cái gì bất cận nhân tình một cách dị thường trong luận lý và hành sự. Tôi không ngại lí thuyết phát xít và chuyên chế bằng sợ tinh thần cuồng nhiệt trong những thuyết đó, và sợ cái phương pháp mà người ta dùng để đưa lí thuyết đến chỗ phi lí. Kết quả là các giá trị điên đảo hết, môn chính trị học, môn nhân loại học, nghệ thuật, tuyên truyền, ái quốc, khoa học, chính phủ, tôn giáo lẫn lộn với nhau một cách đáng lo; tai hại nhất là có sự đảo lộn các tương quan về quyền lợi của quốc gia và cá nhân. Chỉ một tinh thần bệnh hoạn mới có thể biến quốc gia thành một vị thần, một ngẫu tượng nuốt sống các quyền lợi cá nhân.

Albert Pauphilet đã nói: “Không có gì giống nhau bằng tinh thần cực hữu và tinh thần cực tả”. Đặc tính của hai chế độ và hai ý thức hệ đó là trước hết tin vào sực mạnh, vào quyền lực – tin tưởng này quả là tin tưởng nông nổi, ngu muội nhất của tinh thần phương Tây – rồi sau nữa là tin ở tất yếu luận lí. Tôi mong rằng sẽ có người nhận thấy nỗi đau khổ của nhân loại do tinh thần luận lí gây nên.

Ta còn có thể nói rằng châu Âu ngày nay không do tinh thần cận nhân tình, cũng không do tinh thần hợp lí, mà do tinh thần cuồng nhiệt thống trị. Nhìn hiện trạng châu Âu, chúng ta có cảm giác không yên ổn, không phải chỉ do những xung đột về quốc gia, về biên giới, về vấn đề thực dân – mà do tinh thần của các nhà lãnh đạo.

Cảm giác không yên ổn đó y như cảm giác của một người ngồi trong một chiếc tắc-xi chạy trong một châu thành ngoại quốc, rồi bỗng nhiên hoảng hốt vì không tin cậy người lái xe. Hắn chẳng những không biết đường đi mà lại còn nói lảm nhảm, không ra đầu đuôi gì cả làm cho ta ngờ rằng hắn say rượu. Nguy hơn nữa là hắn lại có súng mà mình không có cách nào phóng ra khỏi chiếc xe được. Bảo cái tinh thần đó không phải chính là tinh thần của nhân loại, mà chỉ là một trạng thái thác loạn, một thứ bệnh nhất thời, rồi đây nó sẽ qua đi như một luồng dịch khí; bảy như vậy thì cũng có lí. Chúng ta nên tin ở khả năng của tâm linh con người, tin rằng tâm linh của mỗi người dù hạn chế cũng vô cùng cao cả, sáng suốt hơn trí tuệ của các nhà lãnh đạo khinh suất ở châu Âu, mà sau này chúng ta sẽ có thể sống yên ổn được vì loài người sẽ có những tư tưởng hợp nhân tình.


Chú thích:


[9] Bạch Cư Dị viết câu đó để khắc trên mộ bi của ông. Tiếc rằng trong bản tiếng Hán không chép nguyên văn, chỉ dịch ý theo bản tiếng Anh thôi.
[10] Thời xưa, tất nhiên.
[11] Nghĩa là: cứ theo phép luận lí thì nhất định phải như thế này, thế nọ; và hễ cái gì hợp với khoa luận lí thì nhất định là đúng.
[12] Cảnh ngữ: Bản chữ Hán ghi là 警語. Theo Thiều Chửu thì chữ cảnh 警 có nghĩa là: Răn bảo, lấy lời nói ghê gớm khiến cho người phải chú ý nghe gọi là “cảnh”.
[13] Triết gia Bergson cũng bảo: “Không có một cái tội nào, một hành vi ghê tởm nào mà môn luận lí không biện hộ cho được”.
[14] Các học giả ngày nay cho rằng Lão Tử sinh sau Khổng Tử. Nếu thuyết đó đúng thì Khổng Tử mới là người đầu tiên bảo rằng Trời không nói gì cả (Thiên hà ngôn tai?)
[15] Triết gia Mỹ (1842 -1910), nổi tiếng về tâm lý học, trọng chủ nghĩa thực dụng.
[16] Theo Lâm. Có người hiểu là: kẻ muốn làm theo Đạo mà lại xa cách với người...
[17] Trung Hoa trước thế chiến vừa rồi.
Về Đầu Trang Go down
Shiroi

Shiroi

Tổng số bài gửi : 19896
Registration date : 23/11/2007

Một Quan Điểm Về Sống Đẹp - Lâm Ngữ Đường - Page 3 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Một Quan Điểm Về Sống Đẹp - Lâm Ngữ Đường   Một Quan Điểm Về Sống Đẹp - Lâm Ngữ Đường - Page 3 I_icon13Tue 13 Sep 2011, 02:08

DANH NHÂN và DANH TÁC TRUNG HOA

dẫn trong cuốn này
(Danh tác in chữ nghiêng)


A
Án Tử 晏子
Ảnh mai am ức ngữ 影梅庵憶語
Ẩm soạn bộ 飮饌部
Âu Dương Tu 歐陽修

B
Bạch Cư Dị 白居易
Bạch Ngọc Thiềm 白玉蟾
Bán bán ca 半半歌
Bát đại sơn nhân 八大山人
Bồ Tùng Linh 蒲松齡

C
Càn Long 乾隆
Cát Hồng 葛 洪
Cầu nhiêm khách 虬髯各
Công an phái 公安派
Cung Định Am 龔定庵

CH
Chiến quốc sách 戰國策
Chu Đỗ 朱杜
Chu Văn Vương 周文王
Chung Vinh 鍾蠑
Chử tuyền 煑泉

D
Dong am 慵菴
Dương Chu 楊朱
Dương Quí Phi 楊貴妃

Đ
Đại học 大學
Đào Tiềm 陶潛 Uyên Minh 淵明
Đạo đức kinh 道德經
Điền Nghệ Hằng [1] 田藝恆
Đồ Long 屠隆
Đồ Xích Thủy 屠赤水
Đỗ Phủ 杜甫
Đỗ Quang Đình 杜光庭
Đường Minh Hoàng 唐明皇

GI
Giả Phù Tây賈鳧西

H
Hà Thiệu Cơ 何紹基
Hàn Phi Tử 韩非子
Hàn Sơn hòa thượng 寒山和尚
Hán cung thu oán khúc 漢 宮秋怨曲
Hoài Nam Tử 淮南子
Hoàng Cửu Nhân 黄九姻
Hoàng Sơn Cốc 黄山谷
Hồng lâu mộng 紅樓夢
Huệ Tử 惠子
Huyền Trang 玄奘

K
Kim Bình Mai 金瓶梅
Kim Thánh Thán 金聖歎

KH
Khảo bàn dư sự 考槃 餘事
Khổng Tử 孔子
Khuất Nguyên 屈原

L
Lan đình tập tự 蘭亭集序
Lão Tử 老子
Lâm Bô 林逋 Quân Phục 君復
Liệt Tử 列子
Liêu trai 聊齋
Liễu Như thị 柳如是
Liễu Tôn Nguyên [2] 柳宗元
Luận ngữ 論語
Lữ thị Xuân thu 呂氏春秋
Ly Tao 離騷
Lý Bạch 李白
Lý Lạp Ông 李笠翁
Lý Mật Am3][3] 李寓菴
Lý Trác Ngô 李卓吾

M
Mạnh Thường Quân 孟尝君
Mặc Tịch Cương 冒辟疆
Mặc Tử 墨子
Mạnh Tử 孟子
Mễ Phí 米芾 Mễ Điên 米顛
Minh Liêu tử du 冥廖子游
Mộc Bì Tử 木皮子

NH
Nhan Hồi 顔囘
Nhan Nguyên 顔元
Nhàn tình ngẫu ký [4] 閒情偶記

NG
Nghê Vân Lâm 倪雲林
Nguyễn Tịch 阮藉

PH
Phù sinh lục ký 浮生六記

Q
Quản phu nhân 管夫人
Qui khứ lai từ 歸去來辭

S
Sở Bá Vương 楚霸王
Sơn viên tiểu mai thi 山園小梅詩
Sử ký 史記

T
Tạ Đạo Uẩn 謝道蕴
Tạ Linh Vận 謝靈運
Tào Triêm 曹霑 Tuyết Cần 雪芹
Tăng Quốc Phiên 曾國藩
Tần Thủy Hoàng 秦始皇
Tây du ký 西遊記
Tây sương ký 西廂記
Tế Điên 濟顛
Tô Đông Pha 蘇東坡
Tô Tần 蘇秦
Tôn Tư Mạc 孫思邈
Tư Mã Thiên 司馬遷
Từ Văn Trường 徐文長
Tử Tư [5]子思
Tưởng Thản 蔣坦

TH
Thạch Đà 石濤
Thẩm Tam Bạch 沈三白
Thi Nại Am 施耐庵
Thi phẩm 詩品
Thu đăng tỏa ức 秋燈瑣憶
Thu Phù 秋芙
Thủy Hử 水滸
Thư Bạch Hương 舒白香

TR
Trà lục 茶錄
Trà sớ 茶疏
Trang Chu 莊周 Trang Tử 莊子
Triêu Vân 朝雲
Triệu Mạnh Phủ 趙孟頫
Trịnh Bản Kiều 鄭闆橋
Trung dung 中庸
Trương Đại 張岱
Trương Mộng Long 張夢龍
Trương Trào 张潮
U mộng ảnh 幽夢影

V
Vân 雲
Viên Hoằng Đạo [6] 袁宏道 Trung Lang 中良
Viên Mai 袁枚 Tử Tài 子才
Viên Tôn Đạo 袁宗道
Viên Trung Đạo 袁中道
Vũ lâm linh khúc 雨霖玲曲
Vương Hi Chi 王羲之
Vương Hoằng 王弘
Vương Trung 王中

X
Xuân dạ yến đào lý viên tự 春夜宴桃李園序
Xuân Thân Quân 春申君






[1] Khi kiểm tra tên tác giả của tác phẩm “Chử tuyền” lilypham tìm thấy tên khác là Điền Nghệ Hành 田藝蘅. Do vậy cứ chép ra để bạn đọc tham khảo. (Lilypham).
[2] Hoặc là Liễu Tông Nguyên. (Lilypham).
[3] Chắc là sách in sai vì trong Sinh hoạt đích nghệ thuật (bản chữ chữ Hán) chép là 李寓庵. (Lilypham).
[4] Chắc là sách in sai. Bản chữ chữ Hán chép là 閑情偶寄. (Lilypham).
[5] Có tài liệu ghi là 子胥. (Lilypham).
[6] Từ điển Thiều Chửu phiên âm là: Viên Hoành Đạo. (Lilypham).
Về Đầu Trang Go down
Shiroi

Shiroi

Tổng số bài gửi : 19896
Registration date : 23/11/2007

Một Quan Điểm Về Sống Đẹp - Lâm Ngữ Đường - Page 3 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Một Quan Điểm Về Sống Đẹp - Lâm Ngữ Đường   Một Quan Điểm Về Sống Đẹp - Lâm Ngữ Đường - Page 3 I_icon13Tue 13 Sep 2011, 02:15

PHỤ LỤC 1

(MỘT BÀI TẠP BÚT CỦA LÂM NGỮ ĐƯỜNG)
CÁI MẶT VÀ NỀN PHÁP TRỊ

(…) Theo chỗ chúng tôi quan sát, nếu nước Trung Hoa muốn có nền pháp trị thật sự bình đẳng thì không gì bằng ai nấy vứt cho mất quách cái mặt đi. Một khi cái mặt đã mất, nền pháp trị tự nhiên sẽ thực hiện, nước Trung Hoa tự nhiên sẽ mạnh giàu. Thí dụ như ngồi xe hơi chẳng hạn: theo phép tòa Đô chính, người thường chỉ được chạy ba mươi lăm dặm một giờ thì ngài Bộ trưởng phải cho chạy năm, sáu mươi dặm một giờ mới “có mặt”. Muôn một có đè chết người, cảnh sát có chạy lại thì Ngài Bộ móc ví đưa ra một tấm danh thiếp rồi ngài ung dung bỏ đi, cái mặt ngài lúc đó phình ra to tướng. Nhỡ ra gặp thày phú lít, không biết nếp tẻ, cứ giữ Ngài lại, không cho Ngài đi thì Ngài há miệng ra ngài chửi: “Không biết thằng bố mày à?”, rồi Ngài bảo tài xế mở máy, một thày phú-lít thật hạt lẩm cẩm cứ bắt giam anh chàng tài xế của Ngài thì Ngài hầm hầm bỏ đi, gọi máy nói cho me xừ Cẩm và chỉ nửa giờ sau là chú tài xế được tha về, là thày phú lít lập tức bị bãi chức, là me xừ Cẩm thân chinh đến Bộ xin lỗi: lúc đó cái mặt ngài Bộ thật phình to không sao tưởng tượng nổi.

Có điều lắm lúc tôi thấy đi chung xe, chung tàu, chung máy bay với những con người “có mặt”, là điều khá nguy hiểm, không bằng đi chung xe, chung tàu, chung máy bay với những con người “không có mặt” lại hóa lợi hơn. Tỉ dụ năm ngoái, có một ông quyền có cái mặt to quá, không chịu nghe lời người mãi biện căn dặn, cứ nhất định hưởng cho bằng được cái vinh diệu hút thuốc lá giữa một căn lầu chất đầy diêm sinh. Người mãi biện sợ ông quyền hỏi mình “có biết thằng bố mày không” nên chịu nước lép, đành phải nể nang cái mặt ông quyền. Kết quả? Kết quả về sau con tàu Trường Giang bốc cháy. Ông quyền cố nhiên giữ vẹn được cái “mặt”, nhưng lại không giữ vẹn được cái thây nó bị cháy tiêu. Lại như năm nọ, ngài thị trưởng Thượng Hải đi máy bay, cái mặt Ngài cũng to quá, Ngài cứ bắt máy bay chất hành lý quá trọng tải ấn định. Viên phi công ngại cái mặt Ngài Thị Trưởng, nên cũng nể nang nó. Vì thế, lúc cất cánh, máy bay mới tròng trành. Ngài Thị Trưởng lại muốn cho những người đi tiễn được chiêm ngưỡng cái mặt to tướng của Ngài, nên Ngài bắt máy bay phải lượn quanh mấy vòng trước khi tiến kinh. Chẳng may máy bay bổ ngang, bổ ngửa, chúi đầu, chúi mũi, húc phải cột tàu mà ngã lăn đùng. Kết quả là Ngài Thị Trưởng giữ vẹn được cái mặt nhưng lại cụt mất cái đùi. Tôi nghĩ phàm bà con nào cho rằng cái “mặt” đủ để đảm bảo cho máy bay dù hành lý có chất quá trọng tải cũng không sao, bà con ấy đều nên cụt chơi một đùi và thừa nhận rằng đó là một hân hạnh được ông Trời nể nang cái mặt mình.

(…) Phương pháp lên mặt của người mình rất nhiều. Trên tàu, xe, cấm không cho khạc đờm thì cứ khạc đờm; bãi cỏ cấm không được giẫm lên thì cứ giẫm lên, hạm đội của hải quân thì cứ dùng mà chở thuốc phiện; ông Trưởng ty cấm thuốc phiện thì lại cứ đích thân xin mua thuốc phiện. Tất cả những cái đó đều có một vinh diệu tương xứng. Khốn nỗi những cái đó dù sao cũng chả ích lợi gì cho nhân quần xã hội, nhân quần xã hội có thể cóc cần những cái đó. Tụi dân đen nước ta vốn dĩ chẳng có mặt miếc gì hết, cho nên họ van xin các ông cả bà lớn hãy vứt quách cái mặt đi cho rồi để nền pháp trị được sớm thực hiện, để quốc gia mau đi tới cảnh thái bình.

Trích trong Ngã đích thoại
GIẢN CHI dịch




Trong tập Thả giới đình (tạp văn), Lỗ Tấn cũng có nói về cái mặt. Xin trích ra đây để quý vị độc giả cùng xem. (chú thích của Giản Chi).

“… Mà cái nghĩa “bẽ mặt” thì lại tùy người mà không giống nhau: Anh phu xe ngồi bên đường cởi trần bắt rận không sao, chứ ông rể nhà giàu mà ngồi bên đường cởi trần bắt rận thì “bẽ mặt”. Anh phu xe không phải không có “mặt” có điều lúc đó anh không cho là “bẽ”, kịp bị vợ đá cho một cái quay lơ ra khóc, bấy giờ mới thấy là “bẽ mặt” (…). Cái cơ hội “bẽ mặt”, hầu như trong giới “thượng lưu” tương đối có nhiều hơn; nhưng cũng không hẳn như vậy đâu: chẳng hạn anh phu xe ăn cắp một túi tiền bị người ta tóm được thì “bẽ mặt” mà người “thượng lưu” vét một mẻ ngọc vàng châu báu, lại hình như không thấy tí gì là “bẽ mặt”, họ lại có cái “xuất dương quan sát” làm phương thuốc hay để đổi cái “mặt” nữa kia.

Trích trong bài Nói về cái mặt.
Về Đầu Trang Go down
Shiroi

Shiroi

Tổng số bài gửi : 19896
Registration date : 23/11/2007

Một Quan Điểm Về Sống Đẹp - Lâm Ngữ Đường - Page 3 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Một Quan Điểm Về Sống Đẹp - Lâm Ngữ Đường   Một Quan Điểm Về Sống Đẹp - Lâm Ngữ Đường - Page 3 I_icon13Tue 13 Sep 2011, 02:25

PHỤ LỤC 2


Trong bài Tựa, cụ Nguyễn Hiến Lê viết:

“Bản tiếng Hoa đầy đủ, chép hết những cổ văn, cổ thi Trung Hoa mà Lâm Ngữ Đường dẫn trong tác phẩm và nhiều khi lại chép thêm bản dịch những bài đó của Lâm nữa. Bản tiếng Pháp có cắt bớt nhiều đoạn và bỏ hẳn vài tiết. (…) Mới đầu chúng tôi đã có ý chép thêm vào cuối sách những văn thơ chữ Hán để một số độc giả có thể thưởng thức nguyên văn của cổ nhân; nhưng sau tính lại nếu chép hết rồi phiên âm nữa thì sách này sẽ dày thêm ít nhất là trăm rưỡi trang, giá sách sẽ khó mà phổ thông được”.

Tuy không phải lo “giá sách khó phổ thông”, nhưng trong Phụ lục 2 này, tôi chỉ tạm chép vài bài thơ mà nguyên tác chữ Hán chưa thấy đăng trên các trang web tiếng Việt. Nói là tạm chép là vì hai câu trong bài Phóng thuyền của Đỗ Phủ mà Lâm Ngữ Đường trích dẫn không giống với hai câu tương ứng với bài Phóng thuyền mà tôi tìm thấy trên mạng, cho nên các bài còn lại tôi cũng không chắc là có thật giống với các bài mà Lâm Ngữ Đường đã dùng hay không.
Goldfish


*
* *


1. Bài Dong Am của Bạch Ngọc Thiềm

Bài thơ này Bạch Ngọc Thiềm treo ở thư trai và là bài thơ được Lâm Ngữ Đường khen là “rất mực ca tụng sự thanh nhàn”.

慵庵

丹經慵讀,道不在書;
藏教慵覽,道之皮膚。
至道之要,貴乎清虛,
何謂清虛?終日如愚。
有詩慵吟,句外腸枯;
有琴慵彈,弦外韻孤;
有酒慵飲,醉外江湖;
有棋慵弈,意外干戈;
慵觀溪山,內有畫圖;
慵對風月,內有蓬壺;
慵陪世事,內有田廬;
慵問寒暑,內有神都。
松枯石爛,我常如如。
謂之慵庵,不亦可乎?



Dong Am

Đan kinh dong độc, đạo bất tại thư.
Tạng giáo dong lãm, đạo chi bì phu.
Chí đạo chi yếu, quí hồ thanh hư.
Hà vị thanh hư? Chung nhật như ngu.
Hữu thi dong ngâm, cú ngoại trường khô.
Hữu cầm dong đạn, huyền ngoại vận cô.
Hữu tửu dong ẩm, tuý ngoại giang hồ.
Hữu kì dong dịch, ý ngoại can qua.
Dong quan khê sơn, nội hữu hoạ đồ.
Dong đối phong nguyệt, nội hữu bồng hồ;
Dong bồi thế sự, nội hữu điền lư.
Dong vấn hàn thử, nội hữu thần đô.
Tùng khô thạch lạn, ngã thường như như.
Vị chi Dong Am, bất diệc khả hồ?

Am biếng nhác

Đan kinh [1] biếng đọc vì Đạo không phải ở trong sách.
Tạng kinh [2] biếng coi vì chỉ là cái bì phu của Đạo.
Cái tốt của Đạo là trong sự thanh hư.
Thanh hư là gì? Là suốt ngày như ngu.
Có thơ mà biếng ngâm vì ngâm xong thì ruột héo [3],
Có đàn mà biếng gảy, vì gảy xong là hết nhạc.
Có rượu mà biếng uống vì ngoài cái say còn có sông hồ [4].
Có cờ mà biếng chơi vì ngoài nước cờ còn có can qua [5].
Biếng coi núi khe vì trong lòng có hoạ đồ rồi [6].
Biếng ngắm gió trăng vì trong lòng có Bồng Lai rồi.
Biếng lo việc đời vì trong lòng có vườn ruộng nhà cửa rồi.
Biếng hỏi nóng lạnh vì trong lòng có cảnh tiên ấm áp rồi [7].
Dù tùng héo núi tan, ta cũng vậy thôi8][8],
Cho nên gọi là “Am biếng nhác”, chẳng cũng đúng ư?

(Nguyễn Hiến Lê dịch)

The Hall of Idleness

I’m too lazy to read the Taoist classics, for Tao doesn t reside in the books;
Too lazy to look over the sutras, for they go no deeper in Tao than its looks.
The essence of Tao consists in a void, clear, and cool.
But what is this void except being the whole day like a fool?
Too lazy am I to read poetry, for when I stop, the poetry will be gone;
Too lazy to play on the ch in, for music dies on the string where it s born;
Too lazy to drink wine, for beyond the drunkard s dream there are rivers and lakes;
Too lazy to pky chess, for besides the pawns there are other stakes;
Too lazy to look at the hills and streams, for there is a painting within my heart s portals;
Too lazy to face the wind and the moon, for within me is the Isle of the Immortals;
Too lazy to attend to worldly affairs, for inside me are my hut and my possessions;
Too lazy to watch the changing of the seasons, for within me are heavenly processions.
Pine trees may decay and rocks may rot; but I shall always remain what I am.
Is it not fitting that I call this the Hall of Idleness?

(Lâm Ngữ Đường dịch)


2. Bài thơ của Chu Đỗ

Theo Lâm Ngữ Đường thì “mớ tọc bạc cũng có vẻ đẹp của nó”, đừng cố tranh đấu làm gì với “quang âm thấm thoát” như Chu Đỗ trong bài dưới đây:

白发新添数百茎,
几番拔尽白还生;
不如不拔由他白,
那得功夫与白争.



Bạch phát tân thiêm sổ bách hành,
Kỉ phiên bạt tận bạch hoàn sinh;
Bất tri bất bạt do tha bạch,
Ná đắt công phu dữ bạch tranh.

Tóc trắng lại thêm vài trăm cọng,
Mấy lần nhổ hết, nó lại mọc.
Chẳng bằng đừng nhổ, cho nó trắng,
Tranh đấu làm chi cho thêm mệt.

(Nguyễn Hiến Lê dịch)

I ve gained white hairs, some hundreds, on my head,
As often as they re plucked, still more grow in their stead.
Why not stop plucking, then, and let the white alone?
Who has the time to fight against the silvery thread?

(Lâm Ngữ Đường dịch)


3. Bài từ khúc của Quản phu nhân

Bài này cũng không có nhan đề. Lâm Ngữ Đường cho rằng Quản phu nhân, vợ của hoạ sư [9] danh tiếng Triệu Mạnh Phủ đời Nguyên, đã dùng thí dụ nước và đất sét để tả tình vợ chồng, do vậy mà trong bản dịch ra tiếng Anh, ta thấy Lâm dùng các từ wet, water. Tuy trong nguyên tác và cả trong bản Việt dịch của cụ Nguyễn Hiến Lê, ta không thấy từ nào có nghĩa là nước hay ẩm ướt, nhưng chỉ có đất khô, có đất mà không có nước, thôi thì làm sao mà nặn thành tượng được?

你侬我侬,
忒煞情多,
情多处热如火。
把一块泥,
捻一个你,
塑一个我。
将咱两个,
一齐打破,
再捻一个你,
再塑一个我。
我泥中有你,
你泥中有我;
与你生同一个衾,
死同一个椁。



Nhĩ nùng ngã nùng,
Thắc sát tình đa,
Tình đa xứ nhiệt như hoả.
Bả nhất khối nê,
Niệm nhất cá nhĩ,
Tố nhất cá ngã.
Tương gia lưỡng cá,
Nhất tề đả phá,
Tái niệm nhất cá nhĩ,
Tái tố nhất cá ngã.
Ngã nê trung hữu nhĩ,
Nhĩ nê trung hữu ngã;
Dữ nhĩ sinh đồng nhất cá khâm,
Tử đồng nhất cá quách.

Anh của em, em của anh,
Giữa chúng ta tình cực đậm đà,
Cho nên nhiều khi nồng như lửa.
Lấy một nắm đất sét,
Nặn thành hình anh,
Đắp thanh hình em.
Rồi đạp phá cả hai hình chúng ta, nhào chung lại,
Lại nặn thành hình anh,
Lại đắp thành hình em.
Trong chất đất của em có anh,
Trong chất đất của anh có em,
Anh với em, sống thì đắp chung mền,
Mà chết thì liệm chung quách.

(Nguyễn Hiến Lê dịch)

Twixt you and me
There s too much emotion.
That s the reason why
There s such a commotion!
Take a lump of clay,
Wet it, pat it,
And make an image of me,
And an image of you.
Then smash them, crash them,
And add a little water.
Break them and re-make them,
Into an image of you,
And an image of me.
Then in my clay, there s a litde of you.
And in your clay, there s a litde of me.
And nothing ever shall us sever;
Living, we ll sleep in the same quilt,
And dead, we ll be buried together.

(Lâm Ngữ Đường dịch)

*
* *

4. Bài Phóng thuyền của Đỗ Phủ

Một trong những phút vui của Kim Thánh Thán là: “Ngồi trong chiếc thuyền nhỏ, gặp gió tốt, khổ nỗi không có buồm để giương cho nó hả. Bỗng thấy một chiếc thuyền lớn tiến vùn vụt như gió. Thử liệng cái móc qua, hi vọng níu được. Không ngờ mà móc trúng, rồi lấy dây đỏi cột vào đuôi thuyền lớn, và ngâm hai câu của Đỗ Phủ: “Màu xanh làm ta nhớ tiếc núi, màu đỏ bảo ta rằng có cam quít” (Thanh tích phong loan, hồng tri quất dữu) rồi vui vẻ phá lên cười. Chẳng cũng khoái ư?”.

Hai câu thơ đó, Lâm Ngữ Đường dịch như sau: “The green makes me feel tender toward the peaks, and the red tells me there are oranges”. Các bản chữ Hán tôi tìm thấy trên mạng, kể bản trong Sinh hoạt đích nghệ thuật đăng trên website Sina, đều chép là: Thanh tích phong loan khứ, hoàng tri quất dữu lai” (câu 5 và câu 6).

放船
送客蒼溪縣
山寒雨不開
直愁騎馬滑
故作放舟逥
青惜峰巒過
黃知橘柚來
江流大自在
坐穩興悠哉



Phóng thuyền

Tống khách Thương Khê huyện,
Sơn hàn vũ bất khai.
Trực sầu kị mã hoạt,
Cố tác phóng thuyền hồi.
Thanh tích phong loan quá,
Hoàng tri quất dữu lai.
Giang lưu đại tự tại,
Tọa ổn hứng du tai.

Thuyền đi nhanh vút

Tiễn đưa khách, huyện Thương Khê
Núi non tuy lạnh, chẳng hề có mưa
Ngựa đi dễ trượt, phải ngừa
Nên dùng thuyền nhỏ, để đưa khách về
Xanh, qua vùng núi, tiếc ghê,
Vàng, là vùng quất, sắp về tới nơi
Đi trên sông, thật thảnh thơi
Biết bao hứng thú, ngồi nơi lòng thuyền

(Anh Nguyên dịch)

Thả thuyền

Đưa khách đến huyện Thương Khê
Núi non lạnh lẽo bốn bề mưa đâu
Đường trơn, cưỡi ngựa đang rầu
Thả con thuyền ngỏ ngõ hầu về thôi
Xanh xanh, bên núi dần trôi
Màu vàng, biết quýt đến hồi trĩu cây
Sông trôi, tự tại thế này
Trên thuyền, cảm hứng đong đầy tứ thơ

(Khuyết danh dịch)



Chú thích:

[1] Tức kinh Đạo giáo.
[2] Tức kinh Phật.
[3] Nghĩa là hết thơ,
[4] Nghĩa là ngoài cảnh mộng lúc say có có cảnh thiên nhiên.
[5] Nghĩa là ngoài sự đấu trí trong cuộc cờ còn có sự chiến đấu trong đời.
[6] Ý nói: trong lòng cảnh đẹp như tranh (hoạ đồ) rồi, không cần coi cảnh thiên nhiên nữa.
[7] Nguyên văn: Thần đô là cảnh tiên. Lâm dịch là: trong lòng có đám rước trên trời (Within me there are heavenly processions).
[8] Nghĩa là: dửng dưng, không quan tâm tới.
[9] Bản tiếng Hán chép là: 画师 (hoạ sư). Có người bảo Triệu Mạnh Phủ là Thư pháp gia. (Goldfish).
Về Đầu Trang Go down
Shiroi

Shiroi

Tổng số bài gửi : 19896
Registration date : 23/11/2007

Một Quan Điểm Về Sống Đẹp - Lâm Ngữ Đường - Page 3 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Một Quan Điểm Về Sống Đẹp - Lâm Ngữ Đường   Một Quan Điểm Về Sống Đẹp - Lâm Ngữ Đường - Page 3 I_icon13Tue 13 Sep 2011, 02:35

:bong:
Về Đầu Trang Go down
Lữ Hoài

Lữ Hoài

Tổng số bài gửi : 749
Registration date : 15/04/2011

Một Quan Điểm Về Sống Đẹp - Lâm Ngữ Đường - Page 3 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Một Quan Điểm Về Sống Đẹp - Lâm Ngữ Đường   Một Quan Điểm Về Sống Đẹp - Lâm Ngữ Đường - Page 3 I_icon13Wed 14 Sep 2011, 01:13

Shiroi đã viết:


:mim: Trong cuộc sống Shiroi cảm nhận được những hạnh phúc mà đôi khi đơn giản vô cùng... Một chiều hè, dưới tàng cây mát gió thổi hiu hiu... trên ngọn núi cao, nghe ngọn suối róc rách, đùa giỡn với sỏi đá, ...
tất cả đều đơn sơ giản dị... nhưng là những giây phút mà Shiroi thấy bình yên với chính mình nhất. :mim:

hearts Lữ Hoài đã ghé đọc bài sưu tầm


hm... sự bình yên đơn giản nhẹ nhàng như thế rất là thú vị! :mim:
LH thì chỉ cần ngồi hóng mát nhìn trời cao cũng thấy êm đềm lắm rồi, dù là ngắm mưa hay những đêm có trăng sao đầy trời cũng thấy đẹp.
Thanks Shiroi for st bài hay, LH enjoy reading them, nhất là chương XIV NGHỆ THUẬT TƯ TƯỞNG - rất đúng vô cùng!
It's very entlighting & thâm thúy!
:-bd

Một ngày đẹp nha! :hoa:
Về Đầu Trang Go down
Sponsored content




Một Quan Điểm Về Sống Đẹp - Lâm Ngữ Đường - Page 3 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Một Quan Điểm Về Sống Đẹp - Lâm Ngữ Đường   Một Quan Điểm Về Sống Đẹp - Lâm Ngữ Đường - Page 3 I_icon13

Về Đầu Trang Go down
 
Một Quan Điểm Về Sống Đẹp - Lâm Ngữ Đường
Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Similar topics
-
» Quan Điểm Sống Của Người Hiền
» Giác quan thứ 6
» Thử tài quan sát
» Quan hệ rộng
» Việt Sử Giai Thoại - Tập 2 - Nguyễn Khắc Thuần
Trang 3 trong tổng số 3 trangChuyển đến trang : Previous  1, 2, 3

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
daovien.net :: TRÚC LÝ QUÁN :: Tài Liệu-