Bài viết mới | Hơn 3.000 bài thơ tình Phạm Bá Chiểu by phambachieu Yesterday at 23:55
Thơ Nguyên Hữu 2022 by Nguyên Hữu Yesterday at 20:53
SƯ TOẠI KHANH (những bài giảng nên nghe) by mytutru Yesterday at 19:40
5 chữ by Tinh Hoa Yesterday at 14:33
Bầu Cử Mỹ 2024 by chuoigia Yesterday at 02:06
Vua Trời Hỏi Phật by mytutru Mon 16 Sep 2024, 22:10
BÀI GIẢNG RẤT HAY by mytutru Mon 16 Sep 2024, 20:09
DỤNG PHÁP Ở ĐỜI by mytutru Mon 16 Sep 2024, 09:22
Những bài học thuộc lòng by buixuanphuong09 Mon 16 Sep 2024, 06:46
Đường luật by Tinh Hoa Mon 16 Sep 2024, 06:08
Kỳ thi Tú tài IBM ở Sài Gòn năm 1974 by Ai Hoa Sun 15 Sep 2024, 16:35
7 chữ by Tinh Hoa Sun 15 Sep 2024, 03:07
Khoa Học Gia Dương Nguyệt Ánh by Trà Mi Sat 14 Sep 2024, 12:43
TRANG ALBUM GIA ĐÌNH KỶ NIỆM CHUYỆN ĐỜI by mytutru Thu 12 Sep 2024, 07:44
Một thoáng mây bay 14 by Ai Hoa Wed 11 Sep 2024, 07:37
Tính cách của người Sài Gòn ngày xưa by Trà Mi Mon 09 Sep 2024, 08:28
Vinh Danh Trong Toàn Cầu Thập Bát Danh Nhân by Trà Mi Mon 09 Sep 2024, 07:21
Tin Thời Sự Và Những Bình Luận “Trái Chiều” by chuoigia Wed 04 Sep 2024, 21:29
Lục bát by Tinh Hoa Sat 31 Aug 2024, 23:09
Xe gắn máy tại miền Nam Việt Nam trước 1975 by Trà Mi Thu 29 Aug 2024, 14:22
Lưu Kỷ Niệm TX Ngọc Điền by mytutru Wed 28 Aug 2024, 16:25
Trang viết cuối đời by buixuanphuong09 Tue 27 Aug 2024, 18:39
Cột đồng chưa xanh (2) by Ai Hoa Tue 27 Aug 2024, 14:36
Một thoáng mây bay 5 by Ai Hoa Tue 27 Aug 2024, 14:22
CHIA ĐAU CÙNG PHƯƠNG NGUYÊN by Ai Hoa Mon 26 Aug 2024, 15:19
CHƯA TU &TU RỒI by mytutru Thu 22 Aug 2024, 03:13
TRANG THƠ LƯU NIỆM PHƯƠNG, LÝ by buixuanphuong09 Wed 21 Aug 2024, 15:30
Trang thơ Tú_Yên (P2) by Tú_Yên tv Tue 20 Aug 2024, 14:35
Chùm thơ "Có lẽ..." by Tú_Yên tv Tue 20 Aug 2024, 14:26
Thơ Tú_Yên phổ nhạc by Tú_Yên tv Tue 20 Aug 2024, 14:23
|
Âm Dương Lịch |
Ho Ngoc Duc's Lunar Calendar
|
| | Việt Sử Giai Thoại - Tập 4 - Nguyễn Khắc Thuần | |
| |
Tác giả | Thông điệp |
---|
Y Nhi Admin
Tổng số bài gửi : 3173 Registration date : 22/11/2007
| Tiêu đề: Việt Sử Giai Thoại - Tập 4 - Nguyễn Khắc Thuần Mon 14 Mar 2011, 02:42 | |
| VIỆT SỬ GIAI THOẠI - tập 4
36 GIAI THOẠI THỜI HỒ VÀ THỜI THUỘC MINH
Nguyễn Khắc Thuần NXB Giáo dục 2003 Tái bản lần thứ tám VIỆT SỬ GIAI THOẠI LÀ BỘ SÁCH GIỚI THIỆU NHỮNG MẨU CHUYỆN GIÀU CHẤT TRIẾT LÍ VÀ GIÁ TRỊ ĐẠO LÍ, CÓ NGUỒN GỐC TRỰC TIẾP TỪ CHÍNH SỬ XƯA CỦA TỔ TIÊN. NÓI CHUNG, SỬ THẦN XƯA THƯỜNG TỎ RA ÍT THIỆN CẢM VỚI TRIỀU HỒ VÀ ĐẶC BIỆT LÀ VỚI HỒ QUÝ LY. BỞI LẼ ĐÓ, VIỆT SỬ GIAI THOẠI SẼ KHÔNG SAO TRÁNH KHỎI SỰ THIẾU THỎA ĐÁNG. XIN BẠN ĐỌC HÃY RỘNG LÒNG MIỄN THỨ. CHÚNG TÔI KHÔNG HỀ LÀM CÔNG VIỆC ĐÁNH GIÁ TRIỀU HỒ MÀ CHỈ LÀM CÔNG VIỆC TRÍCH DỊCH MỘT SỐ ĐOẠN CỦA CHÍNH SỬ XƯA VỀ TRIỀU HỒ VÀ MẠO MUỘI VIẾT THÊM LỜI BÀN THEO CÁCH HIỂU RIÊNG CỦA MÌNH MÀ THÔI.
TÁC GIẢ _________________________ |
| | | Y Nhi Admin
Tổng số bài gửi : 3173 Registration date : 22/11/2007
| Tiêu đề: Mục lục Mon 14 Mar 2011, 02:51 | |
| _________________________
Được sửa bởi Ý Nhi ngày Fri 15 Apr 2011, 03:20; sửa lần 17. |
| | | Y Nhi Admin
Tổng số bài gửi : 3173 Registration date : 22/11/2007
| Tiêu đề: MẤY LỜI DẪN CHUYỆN VỀ TRIỀU HỒ Mon 14 Mar 2011, 02:58 | |
| MẤY LỜI DẪN CHUYỆN VỀ TRIỀU HỒ
Sách Đại việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 8, tờ 33-a) cho biết rằng, Hồ Quý Ly, tự là Lý Nguyên, người gốc ở Chiết Giang (Trung Quốc). Vào thời Ngũ Quý (Cũng gọi là thời Ngũ Đại Thập Quốc, 907 - 960), tiên tổ của Hồ Quý Ly là Hồ Hưng Dật được cử sang làm Thái thú Diễn Châu (Nghệ An ngày nay). Hồ Hưng Dật làm nhà ở thôn Bào Đột, về sau, con cháu Hồ Hưng Dật trở thành trại chủ của đất này. Thời Lý (1010 - 1225), họ Hồ đã có người lấy Công chúa Nguyệt Đích, sinh ra Công chúa Nguyệt Đoan, dẫu vậy, họ Hồ vẫn chưa phải là một cự tộc. Đến đời thứ 12, một người của họ Hồ ở Diễn Châu là Hồ Liêm đã di cư ra vùng Đại Lại (Thanh Hóa), làm con nuôi của quan Tuyên úy Lê Huấn, nên nhận là người họ Lê. Nếu coi Lê Huấn là tổ thì Hồ Quý Ly là cháu bốn đời của ông. Bởi mối quan hệ này, sử cũ vẫn gọi Hồ Quý Ly là Lê Quý Ly. Thuở nhỏ, Hồ Quý Ly theo học võ nghệ với Sư Tề. Sư Tề người họ Nguyễn, có người con trai là Nguyễn Đa Phương cũng rất giỏi võ nghệ. Hồ Quý Ly kết nghĩa anh em với Nguyễn Đa Phương. Về đường danh vọng, tuy là được xây đắp phần lớn bằng thủ đoạn và hẳn nhiên là cả bằng xương máu của nhiều người nữa, song, quả là cổ kim hiếm có nhân vật lịch sử nào có thể sánh được với Hồ Quý Ly. Sách Đại Việt sử kí toàn thư viết: “Đời Trần Nghệ Tông (1370 - 1372 - ND), từ chức Chi hậu tứ cục chánh chưởng, thăng lên Khu mật viện đại sứ, lên Tiểu tư không, tiến phong Đồng binh chương sự, sau liên tiếp gia phong tới Phụ chính thái sư nhiếp chính, Khâm Đức Hưng Liệt Đại vương, Quốc tổ chương hoàng rồi thay nhà Trần, đặt quốc hiệu mới là Đại Ngu, trở lại họ Hồ, chưa đầy một năm thì truyền ngôi cho con là Hán Thương". Triều Hồ chỉ tồn tại được vỏn vẹn chưa đầy 7 năm (1400 – 1407) nhưng lại là triều đại có lắm chuyện đáng lưu tâm. Có những chuyện do chính bản thân triều Hồ tạo ra, nhưng cũng có không ít chuyện do người đời sau khác ý khi nhận định về triều Hồ mà có. Với triều đại quá ngắn ngủi này, chúng tôi xét thấy không cần thiết phải lập thêm một bảng niên biểu riêng, chỉ xin kê ra đây mấy sự kiện lớn trước khi kế từng giai thoại riêng biệt.
1 – HỒ QUÝ LY - Năm 1371 : được vua Trần Nghệ Tông phong tước Trung Tuyên quốc thượng hầu, chức Khu mật viện đại sứ. - Năm 1375 : được Thượng hoàng Trần Nghệ Tông và vua Trần Duệ Tông thăng chức Tham mưu quân sự. - Năm 1379 : được Thượng hoàng Trần Nghệ Tông và vua Trần Phế Đế thăng chức Tiểu tư không, kiêm Khu mật viện đại sứ. - Năm 1380 : được Thượng hoàng Trần Nghệ Tông và vua Trần Phế Đê thăng chức Nguyên nhung, quản việc Hải Tây đô thống chế. - Năm 1387 : được Thượng hoàng Trần Nghệ Tông và vua Trần Phế Đế thăng chức Đồng binh chương sự (thành viên cơ quan tối cao của nhà nước). - Năm 1395 : được vua Trần Thuận Tông thăng tước Tuyên Trung vệ quốc Đại vương. - Năm 1397 : ép vua Trần Thuận Tông phải dời đô từ Thăng Long vào Thanh Hóa. - Năm 1398 : ép vua Trần Thuận Tông phải nhường ngôi cho Trần Thiếu Đề (lúc ấy mới 3 tuổi). - Năm 1399 : giết vua Trần Thuận Tông, sau lại giết thêm 370 người mà Hồ Quý Ly cho là thuộc phe đối nghịch với mình, rồi tự xưng là Quốc tổ chương hoàng. - Năm 1400 : truất ngôi của vua Trần Thiếu Đế (cũng là cháu ngoại của Hồ Quý Ly), tự lập làm vua và đặt quốc hiệu mới là Đại Ngu. Quốc hiệu Đại Ngu chỉ có dưới thời Hồ (1400 – 1407).
2 – HỒ HÁN THƯƠNG : con của Hồ Quý Ly - Năm 1399 : xưng là Nhiếp thái phó. - Năm 1401 : được Hồ Quý Ly nhường ngôi (từ đó Hồ Quý Ly là Thái thượng hoàng). - Năm 1407 : Nhà Minh xâm lược nước ta. Cuộc kháng chiến do nhà Hồ lãnh đạo bị thất bại. Thượng hoàng Hồ Quý Ly, vua Hồ Hán Thương và một loạt các đại thần của nhà Hồ bị nhà Minh bắt về Trung Quốc làm tù binh. Nước ta bị nhà Minh đô hộ trong vòng 20 năm (1407 - 1427).
Thời thuộc Minh là một trong những thời bi thương nhất của lịch sử dân tộc ta. Quân Minh đô hộ đã tìm đủ mọi phương sách để đàn áp và bóc lột nhân dân ta đến tận cùng của sự tàn bạo và thậm tệ, đúng như Nguyễn Trãi đã tổng kết :
…"Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn, Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ. Dối trời, lừa người, mưu gian đủ muôn ngàn kế Cậy binh gây hấn, tội ác chứa ngót hai mươi năm". (Bình Ngô đại cáo)
Song, thời thuộc Minh cũng là thời nhân dân ta liên tiếp vùng dậy chiến đấu ngoan cường. Hàng loạt anh hùng hào kiệt đã anh dũng dựng cờ xướng nghĩa đánh giặc cứu nước. Hai mươi năm chiến đấu gian lao cũng là hai mươi năm có biết bao mẩu chuyện đáng nhớ đã xảy ra. Chúng tôi quả là có phần lúng túng khi chọn kết cấu thích hợp cho tập sách nhỏ này. Sau nhiều lần cân nhắc, chúng tôi quyết định vẫn giữ nguyên tên gọi là giai thoại về thời Hồ và thời thuộc Minh, nhưng tất cả những giai thoại gắn liền với Lam Sơn, với cuộc đời và sự nghiệp của Lê Lợi, chúng tôi đều chuyển sang tập sau, mặc dầu nhiều chuyện thực sự xảy ra trong thời thuộc Minh. Cuối cùng, xin chân thành cám ơn Nhà xuất bản Giáo dục đã giúp chúng tôi nối nhịp cầu giao lưu với bạn đọc gần xa, những người thành kính ngưỡng mộ tổ tiên mình, và cũng xin tất cả bạn đọc hãy nhận ở đây chút lòng thành của tôi.
Thành phố Hồ Chí Minh 9 - 1 992 NGUYỄN KHẮC THUẦN
_________________________ |
| | | Y Nhi Admin
Tổng số bài gửi : 3173 Registration date : 22/11/2007
| Tiêu đề: 1- HỒ QUÝ LY VỚI ĐỢT CÔNG PHÁ ĐẦU TIÊN VÀO TRIỀU TRẦN Mon 14 Mar 2011, 03:02 | |
| 1- HỒ QUÝ LY VỚI ĐỢT CÔNG PHÁ ĐẦU TIÊN VÀO TRIỀU TRẦN
Bởi có hai bà cô ruột cùng lấy vua Trần Minh Tông (1314 - 1329) một bà là Hoàng phi Minh Từ, người sinh ra vua Trần Hiến Tông (1329 - 1341), một bà là Hoàng phi Đôn Từ, người sinh ra vua Trần Duệ Tông (1372 - 1377), nên Hồ Quý Ly rất được triều Trần biệt đãi. Đã thế, con gái của Hồ Quý Ly là Hoàng hậu của vua Trần Thuận Tông (1388 - 1398), rồi bản thân Hồ Quý Ly cũng lấy Công chúa Huy Ninh là con của vua Trần Nghệ Tông (1370 - 1372) và em gái họ của Hồ Quý Ly lại lấy vua Trần Duệ Tông (người sinh ra vua Trần Phế Đế)... cho nên, quan lại triều Trần thời Nghệ Tông hầu như không ai không kiêng sợ Hồ Quý Ly. Được Thượng hoàng Trần Nghệ Tông che chở và tin cẩn, Hồ Quý Ly không còn coi ai ra gì nữa. Trong suốt thời gian Nghệ Tông làm Thượng hoàng (từ năm 1372 đến năm 1394), Hồ Quý Ly đã gần như thao túng được toàn bộ các hoạt động của triều đình, đồng thời dùng mọi cách để lần lượt thủ tiêu những kẻ đối nghịch. Cuộc công phá có quy mô lớn đầu tiên của Hồ Quý Ly vào triều Trần là việc lật nhào ngôi vị của vua Trần Phế Đế (1377 - 1388). Sự kiện này diễn ra vào tháng 8 năm Mậu Thìn (1388) và được sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 8, tờ 10-b và tờ 11 a) chép lại như sau : "Vua (đây chỉ Trần Phế Đế - ND) bàn mưu với Thái úy Ngạc (tức Trang Định Vương Trần Ngạc - ND) rằng : - Thượng hoàng tin yêu ngoại thích là Quý Ly, cho hắn mặc sức làm gì thì làm, nếu không lo trước đi thì sau sẽ rất khó chế ngự. Con của Vương Nhữ Chu là (Vương) Nhữ Mai lúc ấy đang hầu Vua học, nhân đó biết mà tiết lộ mưu này nên Hồ Quý Ly biết được. Đa Phương (con Sư Tề, em kết nghĩa của Hồ Quý Ly - ND) khuyên Hồ Quý Ly tránh ra núi Đại Lại (tức núi Kim Ân, thuộc Vĩnh Lộc, Thanh Hóa - ND) để chờ xem biến động thế nào. Phạm Cự Luận nói : - Không được. Một khi đã ra ngoài (kinh thành) thì khó mà lo nổi chuyện sống còn. Quý Ly nói : - Nếu không còn phương sách gì thì ta đành tự tử, không để tay kẻ khác giết mình. Cự Luận nói : - Thượng hoàng trong lòng vẫn căm Vua về việc giết Quan Phục Đại vương (một trong những người con của Nghệ Tông - ND), và Vua cũng chẳng vui gì về chuyện này. Nay quyền bính trong thiên hạ đều ở đại nhân cả mà Vua lại mưu hại đại nhân thì ắt Thượng hoàng càng lấy làm ngờ lắm. Đại nhân nên hãy liều vào lạy Thượng hoàng, bày tỏ lợi hại thì nhất định Thượng hoàng sẽ nghe theo, chuyển họa thành phúc dễ như trở bàn tay vậy. Thượng hoàng có nhiều con đích, đại nhân cứ tâu rằng, thần nghe ngạn ngữ nói : "Chưa ai dám bán con để nuôi cháu, chỉ thấy bán cháu để nuôi con" (ý muốn chỉ việc Nghệ Tông cho lập cháu nội là Trần Phế Đế, con của Trần Duệ Tông, làm vua mà không lập con mình lên ngôi vua - ND). (Nghe thế), may ra Thượng hoàng sẽ tỉnh ngộ mà đổi lập Chiêu Định Vương (tức Trần Ngung, con út của Nghệ Tông - ND) lên ngôi. Nếu đến lúc ấy mà Thượng hoàng vẫn không nghe thì chết cũng chưa muộn. Quý Ly nghe theo, bí mật tâu với Thượng hoàng như lời Cự Luận bàn. Thượng hoàng cho là phải".
Lời bàn :
Nhờ có tài, lại nhờ mối quan hệ hôn nhân chằng chịt, Hồ Quý Ly đã tạo được thần thế cho riêng mình. Đã vậy, bên cạnh Quý Ly còn có võ tướng khét tiếng là Nguyễn Đa Phương, mưu sĩ trí xảo là Phạm Cự Luận, triều Trần đổ nát thật khó lòng mà quản chế nổi. Đến cả nhà vua mà còn bị gièm pha để rồi bị truất phế và bị giết một cách thê thảm, thì thử hỏi còn ai đủ sức qua mặt Hồ Quý Ly ? Hồ Quý Ly là người thế nào, khỏi bàn cũng đã rõ, chỉ tiếc là cái gốc của sự điên loạn lại nằm ngay trong phép dùng người của triều Trần. Với Nghệ Tông, Trần Phế Đế là cháu nội, Trần Thuận Tông là con đẻ. Với Hồ Quý Ly, Trần Thuận Tông vừa là cháu họ lại vừa là con rể. Máu mủ trực hệ mà Nghệ Tông còn không thương tình, bảo Quý Ly phải thương xót con rể làm sao được ? Sau, Quý Ly giết chết vua Trần Thuận Tông, cách nghĩ cách làm tuy có khác, nhưng mạch đức hạnh thì cũng chung nhau đó thôi. _________________________ |
| | | Y Nhi Admin
Tổng số bài gửi : 3173 Registration date : 22/11/2007
| Tiêu đề: 2 - HỒ QUÝ LY MƯỢN TAY THƯỢNG HOÀNG NGHỆ TÔNG ĐỂ GIẾT VUA PHẾ ĐẾ Tue 15 Mar 2011, 04:43 | |
| 2 - HỒ QUÝ LY MƯỢN TAY THƯỢNG HOÀNG NGHỆ TÔNG ĐỂ GIẾT VUA PHẾ ĐẾ
Ngày 6 tháng 12 năm Mậu Thìn (1388), nghĩa là bốn tháng sau khi nghe lời mật tấu đầy ác ý gièm pha của quan Đồng bình chương sự (Hồ Quý Ly - ND), cũng là thông gia của mình, thượng hoàng Trần Nghệ Tông quyết định phế bỏ vua Trần Phế Đế. Đây là một trong những cuộc phế lập rất thương tâm, được sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 8 tờ 11 a-b) chép lại như sau : 'Tháng 12, ngày mồng 6, sáng sớm, Thượng hoàng vờ ngự về An Sinh sai Điện hậu hộ vệ, rồi sai Chỉ huy hậu nội nhân gọi Vua tới bàn việc nước. Vua chưa kịp ăn, vội đi ngay, chỉ có hai người theo hầu mà thôi. Đến nơi, Thượng hoàng bảo Vua : - Đại vương lại đây ! Nói rồi, lập tức cho người đem Vua ra giam ở chùa Tư Phúc, tuyên đọc nội chiếu rằng : "Trước đây, Duệ Tông đi tuần phương Nam không trở về, lấy con đích (của Duệ Tông) để nối ngôi, đó là đạo xưa. Nhưng, từ khi quan gia lên ngôi đến nay, lòng dạ trẻ con, giữ đức không thường, gần gũi bọn tiểu nhân, nghe lời Lê Á Phu, Lê Dữ Nghị gièm pha vu hãm công thần, làm lung lay xã tắc, nay phải giáng làm Linh Đức Đại vương. Song, quốc gia không thể không có chủ, ngôi báu không thể bỏ trống lâu, nên truyền đón Chiêu Định (tức Trần Ngung, con út của Nghệ Tông - ND) vào nối ngôi đại thống. Bá cáo trong ngoài để mọi người đều biết". Việc truất phế bất ngờ này đã gây nên một làn sóng phản kháng khá mạnh mẽ của quan quân và tướng sĩ. Cũng sách trên đã chép tiếp rằng : “Nhiều tướng chỉ huy của các phủ quân cũ như tướng chỉ huy quân Thiết Liêm là Nguyễn Khoái, Nguyễn Vân Nhi, tướng chỉ huy quân (thiếu tên đơn vị - ND) là Nguyễn Kha, Lê Lặc, tướng chỉ huy quân Thiết Sang là Nguyễn Bát Sách... định đem quân vào cướp lấy Vua đem ra. Vua viết hai chữ giải giáp đưa cho các tướng và răn bảo họ không được làm trái ý Thượng hoàng nên các tướng mới thôi. Lát sau, Thượng hoàng (sai người) dìu Vua xuống phủ Thái Dương thắt cổ cho chết".
Lời bàn :
Muốn cướp ngôi, trước phải làm cho thời loạn thêm loạn. Muốn làm cho thời loạn thêm loạn, trước phải làm cho hoàng tộc sát hại nhau. Lúc ấy, trong cuộc hoàng tộc giết hại nhau, không gì kinh khủng bằng việc Thượng hoàng giết vua. Nhà đã dột từ nóc tất phải gỡ đi mà làm lại. Quý Ly mượn được cả tay Thượng hoàng để giết vua, gớm thay ! Mới hay, người cầm quyền bính mà tai thích nghe lời xu nịnh gièm pha thì không có chuyện gì lại không thể xảy ra. Nghệ Tông xuống chiếu kết tội Phế Đế nhưng hậu thế lại kết tội chinh Nghệ Tông. Sinh thời cậy quyền cậy thế để tác oai tác quái, có biết đâu khi đã chết, dẫu ngàn năm vẫn chưa hết lời hậu thế chê bai. Còn như Phế Để lúc ấy, thế dã vậy thì đành phải vậy. Đáng để trách chăng là ở chỗ, nhà vua ở ngôi lúc tuổi trẻ dồi dào sức lực và trí tuệ, song lại không làm được điều gì cho xứng với ngôi vị của mình. Làm vua như vậy, dễ thay ! _________________________ |
| | | Y Nhi Admin
Tổng số bài gửi : 3173 Registration date : 22/11/2007
| Tiêu đề: 3 - CUỘC SÁT HẠI CÓ QUY MÔ LỚN CỦA HỒ QUÝ LY Tue 15 Mar 2011, 04:47 | |
| 3 - CUỘC SÁT HẠI CÓ QUY MÔ LỚN CỦA HỒ QUÝ LY
Trong những ngày trị vì cuối đời của Trần Phế Đế, không ít quý tộc và quan lại của triều đình tỏ ra căm ghét Hồ Quý Ly. Họ muốn trừ khử Hồ Quý Ly nhưng lại không biết chung lưng sát cánh để bàn mưu tính kế với nhau, bởi vậy, tất cả đều bị Hồ Quý Ly lần lượt thủ tiêu. Trước khi chính thức mượn tay Thượng hoàng Trần Nghệ Tông để giết Trần Phế Đế, Hồ Quý Ly đã tìm đủ mọi cơ hội để chặt bớt vây cánh của nhà vua. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 8, tờ 12-a) chép rằng : “Trước đó, theo lệ cũ ở các đài, sảnh, chỉ các quan từ chức Đồng bình chương sự trở lên mới được ngồi ghế sơn đen có tựa. Bấy giờ, Trang Định Đại vương (Trần) Ngạc làm Thái úy, Lê Quý Ly làm Đồng bình chương sự. Quan trị thẩm hình viện là Lê Á Phu nói với Ngạc bỏ ghế của Quý Ly đi, không cho ngồi cùng nữa. (Ông) lại bí mật tâu vua giết Quý Ly. Cơ mưu bị lộ mà thất bại, bọn (Lê) Á Phu, (Nguyễn) Khoái, (Nguyễn) Vân Nhi, (Nguyễn) Kha, (Nguyễn) Bát Sách, (Lê) Lặc, và người học sinh được tin yêu là Lưu Thường đều (lần lượt ) bị giết cả. Trước khi bị hành hình, Lưu Thường có làm bài thơ rằng :
Phiên âm :
Tàn niên tứ thập hựu dư tam, Trung ái phùng chu tử chính cam, Bảo nghĩa sinh tiền ưng bất ngỗ, Bộc thi nguyên thượng cánh hà tàm.
Dịch thơ :
Đời tàn vào tuổi bốn ba, Chết vì trung ái cũng là đáng thôi. Hết lòng giữ nghĩa một đời, Dẫu cho đồng nội thây phơi sá gì."
Trong số những người chống đối, chỉ có Lê Dữ Nghị là được Hồ Quý Ly tạm cho tha chết, bắt phải tội đi đày, sau cũng vờ cho phục chức, nhưng rồi lại bị Hồ Quý Ly khép vào tội kết bè kết cánh mà giết đi. Nguyễn Bát Sách thì hoảng sợ mà bỏ trốn, Hồ Quý Ly không thèm đuổi mà cho người bắt giam mẹ của ông. Vì thương mẹ già bị tù tội mà Nguyễn Bát Sách phải ra hàng, rốt cuộc cũng bị Hồ Quý Ly giết nốt. Sau khi Trần Phế Đế cùng những người thuộc vây cánh của nhà vua bị giết, Hồ Quý Ly còn cho cả Thượng hoàng Trần Nghệ Tông lẫn triều đình mắc lỡm. Trong hoàng tộc lúc ấy, chỉ có Trang Định Đại vương Trần Ngạc (con của Thượng hoàng Nghệ Tông) là người tỏ vẻ căm ghét Hồ Quý Ly ra mặt. Trước đó, chính Trang Định Đại vương đã mật bàn với nhà vua về việc giết Hồ Quý Ly, nhưng Hồ Quý Ly không bị giết, ngược lại nhà vua bị Thượng hoàng giết chết. Đã bày mưu sát hại nhà vua là cháu nội của Thượng hoàng, nay nếu lại bày mưu giết ngay Trang Định Đại vương là con của Thượng hoàng nữa, Hồ Quý Ly sẽ khó mà tiếp tục lợi dụng được Thượng hoàng. Nghĩ vậy, Hồ Quý Ly bèn cho người nói phao lên rằng, Trang Định Đại vương Trần Ngạc sắp được đưa lên ngôi vua. Thấy phe đảng chẳng còn ai, Trang Định Đại vương Trần Ngạc sợ hãi mà vội đính chính tin đồn đó. Hồ Quý Ly chỉ chờ có vậy để đưa con út của Thượng hoàng Nghệ Tông (cũng là con rể của Hồ Quý Ly) lên ngôi vua, đó là vua Trần Thuận Tông (1388 - 1398). Trang Định Đại vương Trần Ngạc chỉ được tạm yên thân một thời gian ngắn. Đến tháng 6 năm Tân Mùi (1391) ông cũng bị Hồ Quý Ly lập mưu giết chết.
Lời bàn :
Trần Nghệ Tông danh nghĩa là Thượng hoàng nhưng thực ra chỉ là con cờ trong tay Hồ Quý Ly vậy. Các bậc tôn thất đại thần và văn quan võ tướng nhà Trần căm ghét Hồ Quý Ly thì có thừa mà sao chẳng có lấy được một chút cơ mưu nào đáng kể, khiến Hồ Quý Ly có thể giết hại dễ như trở bàn tay. Cất cái ghế tựa sơn đen ở đài sảnh của Hồ Quý Ly thì có khác gì tự mình đưa đầu cho Hồ Quý Ly chém ? Than ôi ! thời loạn mọi sự đều loạn. Lấy lễ thường để xét đoán thời loạn là không thể được vậy. Hồi chuông cáo chung của nhà Trần bắt đầu điểm những tiếng đầu tiên. _________________________ |
| | | Y Nhi Admin
Tổng số bài gửi : 3173 Registration date : 22/11/2007
| Tiêu đề: 4 - CÁI CHẾT CỦA NGUYỄN ĐA PHƯƠNG Tue 15 Mar 2011, 04:52 | |
| 4 - CÁI CHẾT CỦA NGUYỄN ĐA PHƯƠNG
Nguyễn Đa Phương người Thanh Hóa, con của Sư Tề. Thuở còn hàn vi, Hồ Quý Ly từng theo học võ nghệ với Sư Tề, nhân đó kết nghĩa anh em với Nguyễn Đa Phương. Là con dòng cháu giống, Nguyễn Đa Phương sớm có tài, từng là võ tướng khét tiếng của nhà Trần thời Trần Phế Đế (1377 - 1388). Cùng với Phạm Cự Luận là người túc trí đa mưu, bộ ba Hồ Quý Ly, Nguyễn Đa Phương và Phạm Cự Luận đã khiến cho cả triều đình phải khiếp sợ. Đến đời Trần Thuận Tông (1388 - 1398), quyền bính hầu như nằm hết trong tay bộ ba nguy hiểm này. Tháng 10 năm Kỉ Tị (1389), quân Chiêm Thành tiến ra đánh phá vùng Thanh Hóa, Thượng hoàng Trần Nghệ Tông sai Hồ Quý Ly đem quân đi đánh giặc. Cùng đi với Hồ Quý Ly còn có một số tướng lĩnh cao cấp khác như Nguyễn Đa Phương, Phạm Khả Vĩnh v.v… Lần ấy, Hồ Quý Ly bị thất bại, tướng chỉ huy quân Thánh Dực là Nguyễn Chí (cũng có sách chép là Trần Đình Quý) bị giặc bắt, 70 tướng khác bị tử trận. Hồ Quý Ly trốn về xin Thượng hoàng cho thêm quân cứu viện nhưng Thượng hoàng không chấp thuận, nhân cớ đó, Hồ Quý Ly xin thôi, không cầm quân đi đánh nữa. Thượng hoàng phải cử tướng Trần Khát Chân đi thay. Tình thế quân đội triều Trần lúc ấy rất nguy, may nhờ Nguyễn Đa Phương dùng kế nghi binh mới thoát được. Khi về triều, Nguyễn Đa Phương cậy mình có chút công lao, hay chê bai Hồ Quý Ly bất tài. Hồ Quý Ly cũng gièm pha lại rằng : bởi Hồ Quý Ly nghe lời của Nguyễn Đa Phương nên mới bại trận. Nói rồi, Hồ Quý Ly xúi Thượng hoàng xuống chiếu thu lại hết toàn bộ số quân do Nguyễn Đa Phương chỉ huy. Dẫu ở thế cô, Nguyễn Đa Phương vẫn chưa hết kiêu ngạo. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 8, tờ 16-b) chép rằng : "Thượng hoàng nói : - Nên trị tội nhẹ để cảnh cáo hắn. Quý Ly tâu rằng : - Đa Phương rất gan góc và tráng kiện, thần sợ hắn sẽ trốn sang nước Minh ở phương Bắc hay nước Chiêm Thành ở phương Nam, tức là thả cọp để lại mối họa về sau, chi bằng giết đi là hơn. Rồi sau (Thượng hoàng) bắt Đa Phương phải tự tử. Đa Phương than rằng : - Ta vì có tài nên được giàu sang, lại cũng vì có tài mà đến nỗi chết, chỉ hận là không được chết ở nơi chiến trận mà thôi".
Lời bàn :
Hồ Quý Ly kết nghĩa anh em với Nguyễn Đa Phương, mượn tình nghĩa tử mà moi cho bằng hết những bí quyết nhà nghề của thầy là Sư Tề, sau cũng để có thêm Nguyễn Đa Phương tăng thêm vây cánh, chứ đâu phải là để nghe lời chỉ bảo hay gièm pha của Nguyễn Đa Phương. Nguyễn Đa Phương nhận mình là người có tài, e chưa được phải lắm. Nói cho ngay, Nguyễn Đa Phương chỉ mới có biệt tài cầm quân, còn như tài xét đoán người và xét đoán sự đời thì ông chưa có. Sống giữa thời loạn mà không có tài xét đoán sự đời thì chết dễ như chơi. Về mặt này, Nguyễn Đa Phương làm sao mà sánh được với Phạm Cự Luận, cũng là người cùng phe cánh với ông. _________________________ |
| | | Y Nhi Admin
Tổng số bài gửi : 3173 Registration date : 22/11/2007
| Tiêu đề: 5 - SỐ PHẬN CỦA TRÂN NGUYÊN DIỆU Wed 16 Mar 2011, 01:33 | |
| 5 - SỐ PHẬN CỦA TRÂN NGUYÊN DIỆU
Trần Nguyên Diệu là con của vua Trần Duệ Tông (1372 - 1377), em ruột của vua Trần Phế Đế (1377 - 1388) và là anh ruột của Chương Tĩnh Vương Trần Nguyên Hy. Năm 1388, Thượng hoàng Trần Nghệ Tông vì nghe lời gièm pha của Hồ Quý Ly mà truất phế rồi giết chết vua Trần Phế Đế, Nguyên Diệu lấy đó làm mối thâm thù. Đến tháng 11 năm Kỉ Tị (1389), nhân thấy vua Chiêm Thành lúc ấy là Chế Bồng Nga đem quân sang đánh nước ta, Nguyên Diệu đầu hàng giặc và cam lòng làm tay sai cho giặc. Đầu năm Canh Ngọ (1390), Nguyên Diệu dẫn đường cho quân Chiêm tiến vào đánh phá hầu khắp vùng Bắc Bộ ngày nay, tình thế trở nên rất nguy cấp. Nhưng chẳng dè, trong trận đánh ngày 23 tháng 1 năm Canh Ngọ, tướng Trần Khát Chân đã đánh bại quân Chiêm, giết chết Chế Bổng Nga tại trận, Nguyên Diệu lâm vào một tình thế vô cùng khốn quẫn. Để mong cứu được mạng sống, Nguyên Diệu đã làm gì ? Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 8, tờ 17-b) chép rằng :
“Khi ấy, Bồng Nga cùng với Nguyên Diệu dẫn hơn 100 thuyền chiến đến quan sát tình thế của quan quân. Các thuyền giặc còn chưa kịp tập hợp lại thì có tên tiểu thần của Bồng Nga là Ba Lậu Kê nhân bị Bồng Nga trách phạt, sợ bị giết, liền chạy sang doanh trại quân ta, chỉ vào chiến thuyền sơn màu xanh mà bảo rằng đó là thuyền của quốc vương hắn. (Trần) Khát Chân liền ra lệnh cho các tay súng đều nhất tề nhả đạn, bắn trúng Bồng Nga, xuyên thủng cả ván thuyền. Bồng Nga chết, người trong thuyền ồn ào kêu khóc. Nguyên Diệu vội cắt lấy đầu Bồng Nga rồi chạy về với quan quân. Đại đội phó của Thượng đô quân Long Tiệp là Phạm Nhữ Lặc và Đầu ngũ là Dương Ngang liền giết Nguyên Diệu, lấy luôn cả đầu của Bồng Nga. Quân giặc tan vỡ. (Trần) Khát Chân sai Giám quân là Lê Khắc Khiêm bỏ đầu giặc vào hòm, đi thuyền về báo tin thắng trận ở hành tại Bình Than. Bấy giờ đồng hồ đã điểm canh ba, Thượng hoàng đang ngủ say, giật mình vì tưởng giặc đánh vào ngự doanh. Đến khi nghe tin thắng trận, lại biết là đã lấy được đầu Bồng Nga thì mừng lắm, gọi các quan tới xem cho kĩ. Các quan mặc triều phục, hô "muôn năm". Thượng hoàng nói : - Ta với Bồng Nga cầm cự nhau đã lâu, ngày nay mới được gặp nhau, có khác gì Hán Cao Tổ thấy đầu Hạng Vũ. Thiên hạ nay được yên rồi".
Lời bàn :
Nguyên Diệu thâm thù Thượng hoàng Nghệ Tông (cho dù Thượng hoàng Nghệ Tông cũng chính là ông nội của Nguyên Diệu), thì sự đời trớ trêu ấy cũng cứ tạm cho là hợp lẽ. Song, vì mối thâm thù riêng mà cam lòng phản quốc, Nguyên Diệu dẫu có mắt cũng kể như mù hơn cả người mù. Nhưng, có phải thực lòng Nguyên Diệu vì muốn trả thù riêng mà đành theo giặc hay không ? Nếu quả có vậy, chắc Nguyên Diệu đã chẳng cắt đầu của kẻ đã chết là Chế Bồng Nga đem về dâng nộp. Phạm Nhữ Lặc, Dương Ngang giết chết Nguyên Diệu, âu cũng là để trừ khử ngay kẻ cơ hội đó thôi. Phàm đã là người đứng giữa cõi trời đất thì không thể xử thế theo cách của loài dơi trong trận giao tranh giữa chim và chuột, để rồi hễ chuột thắng thì dơi nhận mình đích thị là chuột, hễ chim thắng thì dơi nhận mình chính tông là chim. Chỉ thời loạn mới có kẻ loạn thần tặc tử như Nguyên Diệu, song, có lẽ cũng cần nói thêm là chỉ thời loạn mới có lời điên loạn như lời của Thượng hoàng Nghệ Tông. Ôi, kẻ nhát gan đại hạng mà dám ví mình với Hán Cao Tổ, xấu hổ thay ! _________________________ |
| | | Y Nhi Admin
Tổng số bài gửi : 3173 Registration date : 22/11/2007
| Tiêu đề: 6 - HỒ QUÝ LY VỚI NHỮNG ĐỐI THỦ CHÍNH TRỊ CUỐI CÙNG Wed 16 Mar 2011, 01:37 | |
| 6 - HỒ QUÝ LY VỚI NHỮNG ĐỐI THỦ CHÍNH TRỊ CUỐI CÙNG
Sau vụ mượn tay Thượng hoàng Trần Nghệ Tông để bức hại vua Trần Phế Đế và một loạt văn thần võ tướng thân tín khác của nhà vua, Hồ Quý Ly tuy bề ngoài thì vờ như không đả động gì đến, nhưng trong lòng thì vô cùng căm ghét kẻ đã dám bàn mưu trừ khử mình là Trang Định Vương Trần Ngạc. Ngày ngày, Hồ Quý Ly tìm cách cô lập Trang Định Vương, đồng thời dùng mọi thủ đoạn để dồn Trang Định Vương vào thế quẫn bách. Đến năm Tân Mùi (1391), cơ hội rất thuận tiện để Hồ Quý Ly ra tay đã đến. Sách Đại Việt sứ kí toàn thư (bản kỉ, quyển 8, tờ 20-b) chép rằng:
"Tháng 6, Trang Định Vương (Trần) Ngạc trốn ra trang Nam Định. Người ở trong trang ấy lấy thuyền đưa Ngạc ra trại Vạn Ninh (nay là vùng Quảng Ninh - ND). Nhưng, người trong trại ấy là Dương Độ không nhận. Thượng hoàng sai viên tướng coi quân Ninh Vệ là Nguyễn Nhân Liệt đuổi bắt về. Quý Ly ngầm sai Liệt giết (Ngạc) đi. Nhân Liệt đánh chết Ngạc rồi về tâu là Ngạc bạo ngược nên đã bị giết".
Chẳng bao lâu sau khi Trang Định Vương chết, Thượng hoàng chợt tỉnh ngộ, hỏi ai là người đi bắt Trang Định Vương. Lúc ấy, Nguyễn Nhân Liệt sợ quá mà thắt cổ tự tử. Thế là Trần Ngạc và Nhân Liệt thì mất mạng, triều đình thì mất một thân vương và một võ tướng, Thượng hoàng thì mất một người con, chỉ có Hồ Quý Ly là chẳng mất gì cả, lại còn được thêm uy quyền.
Bấy giờ, các tướng giữ đất Hóa Châu (vùng Bình Trị Thiên cũ) như Phan Mãnh, Chu Bỉnh Khuê ... đều buồn chán mà đàm tiếu đủ chuyện, đều bị Hồ Quý Ly bắt giết cả. Trong khi Hồ Quý Ly lộng quyền như thế thì người có trách nhiệm can gián và hặc tội là quan Ngự sử Đỗ Tử Trừng lại không dám nói gì. Hồ Quý Ly bèn làm thơ nhạo báng Đỗ Tử Trừng. Thơ ấy có câu rằng :
Phiên âm
Tá vấn Tử Trừng nọa trung úy, Thư sinh hà nhẫn phụ bình sinh.
Nghĩa là
Dám hỏi Tử Trừng trung úy nhát, Thư sinh sao nỡ phụ bình sinh ?
Đến đó, chừng như Hồ Quý Ly vẫn chưa thật sự an tâm, bởi vậy vào tháng 4 năm Nhâm Thân (1392) nhân vì trời hạn hán, Hồ Quý Ly xin Thượng hoàng và nhà vua xuống chiếu cầu lời nói thẳng. Có một người tên là Bùi Mộng Hoa cả tin, vội dâng lời của mình. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 8, tờ 21-b) chép :
“Bùi Mộng Hoa dâng thư, đại ý nói : "Thần nghe trẻ con có câu hát rằng, thâm hiểm thay Thái sư họ Lê. Xem thế cũng đủ biết Quý Ly nhất định có ý dòm ngó ngôi báu”. Thượng hoàng xem xong tờ tâu thì đưa cho Quý Ly. Sau, Quý Ly chuyên chính, Mộng Hoa ẩn lánh không ra nữa".
Từ đây, chuyện Hồ Quý Ly cướp ngôi chẳng qua chỉ còn là việc chọn thời điểm nào cho thích hợp nữa mà thôi.
Lời bàn :
Loạn thần gieo mầm loạn đã đành, nhưng, những người quyết chí chống loạn thần, chừng như cũng đã vô tình gieo thêm mầm loạn. Trang Định Vương bỏ trốn, tưởng thế là được yên, rốt cuộc chẳng thoát lưới bạo tàn. Phan Mãnh và Chu Bỉnh Khuê đàm tiếu khen chê, cứ tưởng mình là bậc trí gia, nào hay đứt đầu vẫn chưa kịp nhận ra mình dại khờ. Bùi Mộng Hoa mượn lời trẻ con để nói ý mình, quả là trẻ con còn hơn cà con trẻ. Nói Hồ Quý Ly có tài (dù là tài xảo quyệt) cũng được, mà nói là triều Trần lúc ấy có quá nhiều kẻ bất tài cũng được. Nói cho công bằng thì, nếu chẳng có một Thượng hoàng Trần Nghệ Tông mê muội, sẽ chẳng bao giờ có nổi một Hồ Quý Ly lộng quyền. Mới hay, giặc ngoài vào chưa hẳn đã tàn phá giang sơn bằng kẻ cầm quyền bính trong nước mà kém cỏi cả tài năng lẫn đức hạnh. Nếu cứ trách riêng Hồ Quý Ly, ắt có chỗ chẳng công bằng. _________________________ |
| | | Y Nhi Admin
Tổng số bài gửi : 3173 Registration date : 22/11/2007
| Tiêu đề: 7 – CUỘC SONG HÀNH GIỮA QUYỀN LỰC VÀ HỌC THUẬT CỦA HỒ QÚY LY Thu 17 Mar 2011, 01:19 | |
| 7 – CUỘC SONG HÀNH GIỮA QUYỀN LỰC VÀ HỌC THUẬT CỦA HỒ QÚY LY
Sách Đại Việt Sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 8, tờ 22 a-b và tờ 23-a) có chép lại một mẩu chuyện khá độc đáo về nhân vật Hồ Quý Ly như sau :
"Quý Ly soạn sách Minh đạo gồm 14 thiên rồi dâng lên (Thượng hoàng). Sách ấy đại lược cho rằng Chu Công (tức Chu Công Đán, con của Chu Văn Vương, người định ra quan chế, lễ nhạc cho Trung Quốc xưa - ND) là tiên thánh, Khổng Tử là tiên sư. (Bởi vậy), trong Văn Miếu, tượng của Chu Công phải được đặt ở chính giữa, mặt nhìn về hướng Nam (hướng nhìn tượng trưng cho thiên tử - ND), còn tượng của Khổng Tử thì chỉ đặt ở một bên, mặt nhìn hướng Tây. (Quý Ly) cũng cho sách Luận ngữ (một trong Tứ thư - ND) có bốn chỗ đáng ngờ. Đó là :
- Khổng Tử ra mắt nàng Nam Tử (vợ của Vệ Linh Công, rất đẹp nhưng cũng rất dâm dật - ND). - Khổng Tử bị hết lương ở nước Trần. - Công Sơn (tức Công Sơn Phất Nhiễu) và Phật Hất cho gọi, Khổng Tử muốn tới giúp cả hai. - (Chỗ đáng ngờ thứ tư, không thấy chép, chắc bỏ sót - ND).
Quý Ly cũng cho Hàn Dũ (danh Nho đời Đường - ND) là kẻ "đạo Nho" (nghĩa là kẻ ngoài miệng thì nói đạo nghĩa thánh hiền mà việc làm thì chẳng khác- kẻ trộm cắp - ND), cho bọn Chu Mậu Thúc (tức Chu Đôn Di, ông tổ của phái Lý học ở Trung Quốc, người đời Tống - ND), Trình Di, Trình Hạo (hai anh em, cũng là hai bậc danh Nho Trung Quốc đời Tống - ND), Dương Thì, La Trọng Tố, Lý Diên Bình, Chu Tử (Chu Tử tức Chu Hy, Chu Hy là học trò của Lý Diên Bình, Lý Diên Bình là học trò của La Trọng Tố, La Trọng Tố là học trò của Dương Thì, Dương Thì là học trò của Trình Di và Trình Hạo, còn Trình Di và Trình Hạo cũng đều là học trò của Chu Đôn Di, ... tất cả đều là những danh Nho Trung Quốc đời Tống - ND) tuy học rộng nhưng ít tài, không sát với sự việc, chỉ thạo cóp nhặt (văn ý của người xưa). Thượng hoàng (xem xong) ban chiếu dụ khen.
Quốc tử trợ giáo là Đoàn Xuân Lôi dâng thư nới rằng, như thế là không phải, bị đày đi châu gần. Xuân Lôi người Ba Lỗ, huyện Tân Phúc (nay thuộc ngoại thành Hà Nội - ND), là người thông minh, nhanh trí, hiểu biết nhiều, có kinh nghiệm, sau làm quan đến chức Trung thư hoàng môn thị lang kiêm tri Ái Châu thông phán, chết trong khi tại chức. (Khi bị đi đày), Xuân Lôi khai là Đào Sư Tích có xem thư ấy, nên Sư Tích (người đỗ Trạng nguyên khoa Giáp Dần, 1374 - ND) bị giáng làm Trung thị lang đồng tri thẩm hình viện sự.
Sử thần Ngô Sĩ Liên nói : Đạo của tiên thánh, nếu không có Khổng Tử thì không ai phát huy được. Hậu thánh sinh ra, nếu không có Khổng Tử thì không còn ai làm khuôn phép nữa. Từ thuở có sinh dân đến nay, chưa có ai nổi tiếng hơn Khổng Tử, thế mà Quý Ly lại dám khinh suất bàn về ngài thì thực là không biết tự lượng sức mình vậy".
Lời bàn :
Vị trí của Khổng Tử trong Nho học ra sao, Ngô Sĩ Liên và các bậc đại khoa túc Nho đã nói, kẻ hậu sinh không dám lạm bàn nữa, chỉ xin có đôi lời về cuộc song hành giữa quyền lực và học thuật của Hồ Quý Ly. Ở đời phàm kẻ có thực tài bao giờ cũng thuyết phục thiên hạ một cách rất tự nhiên bằng chính cái thực tài của mình, chẳng cần sự phụ giúp của bất cứ một phương tiện nào, kể cả quyền lực. Cũng có những bậc chân tài xuất chúng, thông minh mẫn tuệ đến tột bậc, người đồng thời chưa dễ hiểu được cao kiến của họ, nhưng thường thì họ thà cam chịu sự cô đơn bất hạnh chớ quyết không bao giờ tìm cách thuyết phục mọi người bằng bất cứ thứ gì ngoài sở học của mình Và, họ luôn được đền bù thỏa đáng bởi sự kính trọng và ngưỡng mộ của hậu thế. Ai đó còn muốn dùng uy quyền để áp đặt tư duy thiên hạ, có lẽ cũng nên đọc chuyện này. _________________________ |
| | | Sponsored content
| Tiêu đề: Re: Việt Sử Giai Thoại - Tập 4 - Nguyễn Khắc Thuần | |
| |
| | | |
Similar topics | |
|
Trang 1 trong tổng số 5 trang | Chuyển đến trang : 1, 2, 3, 4, 5 | |
| Permissions in this forum: | Bạn không có quyền trả lời bài viết
| |
| |
| |