Trà Mi
Tổng số bài gửi : 7185 Registration date : 01/04/2011
| Tiêu đề: CÔNG TỬ VƯỢT BIÊN Thu 21 Sep 2023, 07:42 | |
| CÔNG TỬ VƯỢT BIÊN
Lê Như Đức
Sài Gòn, vào những năm 1977, 1978, nếu có ai lỡ lời nói hai chữ vượt biên thì mọi người đều e dè, sợ sệt. Chỉ cần lỡ lời vài ba câu có dính líu đến hai chữ vượt biên là có thể đi tù cải tạo mút mùa. Vậy mà y lại có cái biệt danh thật là ngộ nghĩnh và hết sức ngang tàng : Công Tử Vượt Biên.
Tôi biết y rất rành, rành hơn bất cứ người bạn thân thiết nào của y, là vì một lý do rất đơn giản. Nhà tôi là chỗ trú chân đầu tiên của y mỗi lần vượt biên thất bại, trốn về Sài Gòn chờ móc nối chuyến kế. Mỗi lần như vậy, nhiệm vụ của tôi là đạp xe tới nhà y báo cho gia đình chuyến đi lại thất bại, cần thêm tiền chi tiêu và không quên nhắn thêm câu : Ba Má, tìm cho con mối khác.
Mỗi lần thất bại như vậy, tôi lại càng thấy rõ sự trưởng thành và quyết tâm của y. Bẩy lần vượt biên không làm y nản chí mà trái lại càng làm y thêm kinh nghiệm và mưu lược hơn. Trong cuộc đời tôi, y là người bạn tôi mến phục và học hỏi được nhiều nhất. Người bạn mà có lẽ khó kiếm được trong lúc sống dưới chế độ mà «cái cột đèn nếu có chân nó cũng vượt biên».
Tôi không biết được tình bạn ngày xưa đối xử giữa Bá-Nha và Tử-Kỳ như thế nào. Riêng tôi, lúc nào khi nghĩ tới y tôi đều nhủ thầm. Một trong những cái may mắn nhất trong đời tôi là được quen y. Tôi gặp y vào năm cuối cùng của trung học, trường Nguyễn Bá Tòng, Gia Định, lớp 12C1.
Tôi còn nhớ ngày đầu tiên gặp y trong sân trường Nguyễn Bá Tòng. Y là học sinh duy nhất chuyển từ trường tư Lasan Taberd tới. Chúng tôi thì ngược lại, phần lớn chuyển từ trường công Hồ Ngọc Cẩn qua. Sáu chúng tôi, băng con nhà nghèo hiếu học, đang đứng chơi trước cửa lớp, thì thấy y. Y tuy tới một mình nhưng rất là tự nhiên và tự tin. Trong khi đó băng chúng tôi thì lại e dè, ngại ngùng khi đối mặt. Có lẽ là vì tại Tường, một người bạn trong đám chúng tôi khi thấy y, nói nhỏ:
– Cái thằng đó học sinh trường Tây. Ông già nó giầu có tiếng trong xóm tao đó. Chị tao ngày xưa làm thợ dệt cho nhà nó. Nó con út, số bọc điều. Giầu tiền xài không hết. Tao nghe nói nhà nó bị kiểm kê tài sản đến hai ba lượt rồi. Vậy mà nó vẫn phây phây như thường.
Minh, người học sinh giỏi nhất trong đám tôi nhìn Tường hỏi:
– Thế nó học cừ không ?
– Tao không biết. Nhưng mà mấy thằng Tây con chắc chẳng học hành gì đâu. Tối ngày đi chọc gái rồi mút xúc-cù-là.
Tôi nhìn y từ trên xuống dưới để cố tìm xem có chất xúc-cù-là trong người y như Tường nói không. Cảm tưởng đầu tiên của tôi về y là giữa hai chúng tôi là hai thái cực. Y dáng dong dỏng cao, mái tóc bồng bềnh, quăn tự nhiên. So với chiều cao của người Việt Nam, thì y bỏ xa. Tôi thì ngược lại. Bạn bè thường gọi là «Lùn Mã Tử».
Tóc tôi lại thưa, loại rễ tre, xỉa thẳng đứng lên trời. Y đẻ trong gia đình giầu có, nhà tôi thì lại thiếu ăn hàng ngày. Tôi con cả, y con út. Có lẽ chúng tôi chỉ có một điều giống nhau. Học tầm thường, chả có gì đặc biệt. Tôi nhủ thầm như vậy trước khi bước vào lớp học đầu tiên của niên khoá 1978-1979.
Không những tôi lầm, mà cả Tường cũng lầm luôn. Sự học vấn và kiến thức của y làm ngạc nhiên không những chúng tôi mà cả thầy chủ nhiệm Vật Lý Nguyễn Văn Lành. Tôi còn nhớ thầy có nói : «Em rất có khiếu về Vật Lý. Sau này có cơ hội nhớ theo ngành này. Em nhé». Chỉ trong hai tuần lễ học, bọn chúng tôi phần lớn chuyển từ Hồ Ngọc Cẩn qua, đã phải bầu y nắm một chức vụ quan trọng nhất trong lớp, đó là trưởng ban học tập.
Sở dĩ chức này quan trọng là vì trưởng lớp do chi đoàn chỉ định, trưởng ban học tập do học sinh bầu. Trưởng ban học tập phải là tay cự phách. Nó đòi hỏi không những thầy cô tin yêu mà anh em nể phục. Trưởng lớp phải là chi đoàn hay cảm tình đoàn. Trưởng ban học tập không cần nhưng phải là tay chiến, dám đối mặt với cả thầy cô lẫn chi đoàn. Y không những không chi đoàn mà còn lại là thành phần chế độ bất dung – tư sản mại bản.
Có lẽ y chiếm được hết cảm tình của lớp chúng tôi qua cách đối xử đặc biệt đầu tiên với cô giáo Hoá-Học Nguyễn Thị Hoàng-Hoa, Phó Chủ Nhiệm lớp. Sau một tuần lễ học, cô khảo bài bốn học sinh trong lớp. Tất cả đều không thuộc bài. Cô tức giận đỏ mặt, hét ầm ầm. Cả lớp im lặng. Y bỗng nhiên đưa tay lên xin phát biểu. Cô gật đầu. Y nói:
– Thưa cô, chúng em không thuộc bài thật là không đúng. Nhưng thái độ của cô đối xử với chúng em cũng không được hoàn toàn đúng lắm.
Cả bọn chúng tôi đều trố mắt nhìn y như một con quái vật. Cô nổi tiếng là dữ nhất trường. Thầy giám hiệu cũng phải kiêng. Cô đẹp, giỏi, hơi lớn tuổi, chưa lập gia đình nên… chẳng sợ ai. Tôi nhớ : mặt cô đang từ đỏ chuyển sang tái xanh. Cô vừa nói vừa thở :
– Em nói rõ tôi nghe chỗ nào tôi đối xử không đúng?
Y ung dung trả lời:
– Chúng em không thuộc bài, cô la thì đúng nhưng không vì vậy mà cô tức giận, nhăn nhó. Cô sẽ mau già, đau tim, chết sớm. Chúng em không thuộc bài, cô có quyền la nhưng không có quyền tự hành hạ thân thể mình như vậy!!!
Cô nhìn y một lúc rồi không nhịn được phải phì cười. Cả lớp chúng tôi phá lên cười theo. Đời cô từ đó cũng thay đổi nhiều vì học được một nhân sinh quan mới từ y.
Y học giỏi không chỉ một vài môn mà đặc biệt ở tất cả các môn học. Từ Toán, Lý, Hoá, cho đến Luận Văn, Anh Văn, Sinh Vật, và cả… Chính Trị nữa. Thầy Khải dân Tập Kết, chuyên dậy môn Chính Trị Học, có lần ngạc nhiên hỏi: Kiến thức em về bác Hồ thật là uyên bác. Có nhiều chuyện về bác không hiểu em đọc từ đâu mà thầy cũng chưa từng nghe tới bao giờ.
Sau này, Tường có kể tôi nghe y nói y lấy những lời nói của những danh nhân và lãnh tụ nổi tiếng trên Thế Giới rồi cứ việc sửa George Washington, Charles De Gaule… thành bác nói.
Không mời mà y tự nhiên coi như đã nhập vào băng chúng tôi. Không những thế mà thái độ y như đứng đầu băng chỉ huy anh em. Minh ức lắm. Vì y bị giáng chức, xuống thứ 2. Minh có biệt danh là Đại Tướng vì tên họ là Dương Văn Minh. Một trong những Đại Tướng có quyết định rất lớn đến sự sụp đổ của miền Nam Việt Nam. Phạm Tất Đồng tự Thủ Tướng đứng thứ 3. Kế tới là Tường Kiếm Hiệp, Khánh Khổ, Sáu Luận và tôi «Lùn Mã Tử».
Chúng tôi thường gọi y là Công Tử. Sau vài lần vượt biên hụt, đổi thành Công Tử Vượt Biên. Biệt danh của Sáu Luận sau bị Công Tử đổi thành «Luận Bò». Lần đầu nghe, tôi thích lắm vì nghĩ Công Tử giống tôi, cho sức học của tôi hơn nó. Công Tử giải thích : Không đâu, nó vẫn hơn mày, nhưng tại nó cứ hay cãi bậy với tao. Nó biết sai vẫn cãi cối. Nên là con bò rừng.
Luận Bò hình như rất thích cái biệt danh này hơn. Được có tiếng hay tranh cãi với Công Tử là một vinh hạnh. Tôi buồn bã trở lại vị thứ bẩy của mình. Tuy đứng cuối trong nhóm nhưng vẫn là thứ bẩy của lớp. Tôi vẫn đứng trên nhiều người lắm, trên cả thằng chi đoàn trưởng lớp. Công Tử, dĩ nhiên đứng đầu lớp.
Một lần Tường Kiếm Hiệp khám phá ra trường Lê Văn Duyệt có một cô học sinh rất mi nhon, hay đạp xe ngang qua trường tôi đi học. Hôm đó cả bọn ở lại trễ chờ. Cô bé tuyệt vời, nhỏ nhắn, xinh đẹp thật vừa xứng với kích thước… của tôi.
Tôi đang ngây ngất ngắm thì bỗng Công Tử phán : Con nhỏ này, tưởng gì chứ cho tao 3 ngày là tao sẽ ẵm em đi học ngay. Cả bọn nhao lên, chửi bới um sùm. Công Tử nói : Tụi bay dám cá không, nếu tao làm được thì từ đây sẽ là đại ca nhóm. Còn không, bao tụi mày một chầu. Đi đâu ăn cũng được. Chúng tôi đồng ý.
Ba ngày sau, Công Tử đạp xe chở nàng ngang qua trường chúng tôi. Tôi nhìn nàng ôm eo ếch của Công Tử thật tự nhiên và tình tứ ! ! Phải chi trong đời tôi được một lần đạp xe chở nàng đi học nhỉ? Từ đó tất cả đều phục tùng tuy rằng sau này khám phá ra cô bé là em họ của Công Tử!!!
Chuyến vượt biên đầu tiên của Công Tử vào cuối Tháng Mười Một năm đó. Chúng tôi được tin, hùn tiền, đãi Công Tử bữa tiệc cuối cùng tại vườn nhà Tường Kiếm Hiệp vào chiều Thứ Bảy. Sở dĩ nhà Tường được chọn là vì ở cuối xóm dưới. Chung quanh nhà là ruộng rau muống. chúng tôi tha hồ nói năng phản động tới chế độ mà không sợ sự soi mói của mấy tên “mật vụ” khu phố..
Căn nhà Tường nhỏ 3 gian, vá víu bằng đủ mọi loại vật liệu kiếm được. Mái nửa lá nửa tôn, thỉnh thoảng chen vài viên ngói mẻ, vách chỗ gạch chỗ đất, có chỗ vá cả bằng miếng các tông bự. Tường sống với ba và chị. Ba Tường và Tường chuyên môn cắt, bó rau muống để chị Tường đem bán ngoài chợ nhỏ.
Trước ngày 30/4, chị Tường làm thợ dệt cho nhà Công Tử. Ba Tường phải kiêm luôn việc bán rau. Giữa nhà đặt một cái bàn nước cọc cạch, mấy cái ghế xiêu vẹo và hai tấm phản hai bên để ngủ và ngơi. Đặc biệt chung quanh vách nhà là những giá sách với đầy áp sách… kiếm hiệp. Bố con Tường mê đọc chuyện kiếm hiệp và… cắt rau muống. Đặc biệt dù nghèo cũng không muớn, mà chỉ mua chuyện về đóng thành sách, trưng khắp nhà.
Hôm đó chúng tôi đãi Công Tử bằng một con gà luộc, một đĩa dồi chó và ba chai bia quốc doanh. Thủ Tướng nói phải cho Công Tử ăn món quê hương để suốt đời nhớ… người ở lại!!!
Công Tử ở lại nhà Tường mãi tới đêm khuya để nói chuyện với ba Tường. Tôi tưởng họ đang bàn chuyện đất nước hoặc kinh tế Thế Giới. Sau nghe mới biết họ đang nói chuyện … kiếm hiệp!!
Tối Chủ Nhật hôm sau, Công Tử đáp chuyến xe lửa đi Nha Trang rồi xuống ghe ra khơi. Ngày Thứ Hai kế là ngày dài nhất của bọn chúng tôi. Ngồi nhìn chỗ trống của Công Tử trong lớp, bọn chúng tôi lúc bồi hồi, lúc phập phồng, lúc lo lắng. Chúng tôi phải báo cáo láo với Thầy Lành là Công Tử bị ốm nặng. Qua sáng Thứ Năm, Công Tử lù lù bước vào lớp, cả bọn nửa buồn nửa vui. Buồn vì Công Tử đi chưa được, vui vì lại gặp được người mình ưa thích. Giờ ra chơi, cả bọn bu lại hỏi. Công Tử kể:
– Tao xuống ghe nhỏ để ra ghe lớn. Đợi tới gần sáng chả thấy ghe mẹ gì mới biết bị lừa, nên về thăm tụi mày lại.
Tháng sau, Công Tử lại từ gỉa chúng tôi để đi Phan Thiết. Mặc dù tài chánh eo hẹp, chúng tôi cũng cố gắng tổ chức lại một bữa tiệc tiễn tại vườn nhà Tường. Lần này thiếu món dồi vì nghe nói thịt chó ăn xui.
Hình như thịt gà cũng xui nên Công Tử lại trở về đi học lại. Hai lần sau đó, chúng tôi chỉ đãi uống chứ không ăn. Khánh Khổ than với tôi : Khổ quá, Công Tử chưa tới Mỹ thì mình đã phải khai phá sản. Lúc nào y cũng có thể than khổ.
Lần thứ 5 Công Tử đi ở Vũng-Tầu thì bị bắt và đưa vào Bình-Ba cải tạo lao động. Chúng tôi không thể giấu được trường mãi. Lúc đó thầy trò trong cả trường mới biết tới một nhân vật có biệt danh «Công Tử Vượt Biên».
Chi đoàn họp liên tục, phê bình, kiểm điểm sáng tối. Bọn chúng tôi thủ khẩu như bình. Huyền thoại về Công Tử được mọi người mọi lớp truyền tụng hơn cả huyền thoại về… “bác”.
Mỹ Ngọc, hoa khôi của trường tuyên bố sẵn sàng ra đi với Công Tử bất cứ lúc nào dù là đi… kinh tế mới. Bích Huyền, Bích Ca, hoa hậu song sinh đều đồng ý cùng nâng một khăn, sửa một áo nếu Công Tử có… sức. Thầy chủ nhiệm bị giám hiệu gọi lên khiển trách vì để Công Tử nghỉ ốm nhiều mà không báo cáo. Cô Hồng-Hoa thỉnh thoảng trong lúc giảng bài đi xuống ngồi vào chỗ trống của Công Tử, đăm chiêu nghĩ ngợi thương nhớ về một người học trò ưu tú của mình.
Bốn tháng sau, bố mẹ Công Tử tìm được mối chạy 5 cây vàng để Quản giáo lén chở Công Tử về Sài Gòn. Sợ phường khóm gây rắc rối cho nhà mình, Công Tử tới nhà tôi trú ngụ vì bố tôi là Tổ Trưởng Tổ Dân Phố có thể biết trước ngày nào phường khóm tới khám nhà.
Công Tử, tôi và đứa em kế chia nhau căn gác lửng cuối nhà. Căn gác nhỏ chỉ kê vừa 2 cái bàn học và trải cái chiếu gai. Vậy mà Công Tử ở đó hơn nửa năm. Trong năm đó Công Tử Vượt Biên hụt 2 lần nữa. Lần sau nhờ có kinh nghiệm nên không bị tó. Tôi trở thành người đưa tin giữa Công Tử và gia đình. Mỗi lần sang nhà Công Tử nhắn tin, tôi đều ghé lại nhà Luận Bò để cho tin tới mọi người trong nhóm.
Đối diện nhà Luận có một bông hoa biết nói mà Luận theo đuổi từ hồi mặt mới mọc mụn. Luận thường tự hào gọi nàng là Thiên Hạ Đệ Nhất Niên. Niên thường ngồi cạnh cửa sổ nhà để xếp hàng mà nhà Niên dệt mướn. Thỉnh thoảng cuồng chân, nàng đi dạo vài vòng trước nhà. Lúc nào Niên cũng mặc áo vàng in bông cúc nổi và quần xa tanh bóng đen.
Tôi thắc mắc, Luận thật tình trả lời: «Hỏi Công Tử đó. Tao tốn cả đời theo đuổi không thành. Công Tử chỉ nhập nhóm ca với em mấy ngày là em mê tít. Mẹ kiếp, giọng Công Tử Bắc kỳ the thé vậy mà mắt em cứ lim dim, phê giọng trầm và ấm!!». Đó là lần đầu tiên tôi mới hiểu tại sao Luận hay so đo, ghen tương với Công Tử.
Niên dáng thanh và cao. Nếu mang guốc cao gót, tôi chắc Luận chỉ đứng tới tai Niên. Công Tử đứng với Niên thật là xứng đôi, như Rồng với Phượng. Niên đứng với Luận như Phượng với … Ngưu. Tôi chắc chính Luận cũng biết vậy. Khi tôi về là Luận vội chạy qua nhà Niên để cho tin và cũng để … chiêm người đẹp.
Chiều hôm ấy tôi cố tình nói chuyện về Luận rồi đưa đẩy tới Niên. Tôi có hỏi sao Công Tử không tìm cách liên lạc với Niên. Công Tử trả lời:
– Mày nghĩ tao đang nghỉ Hè hay sao mà thăm với viếng. Công An mà biết chuyện giữa tao và Niên. Tao chắc nó bám Niên kỹ lắm. Nếu tao gặp Niên là sẽ gặp … “bác” ngay. Cuộc đời có những cái mình phải hiểu để sống. Số tao sinh ra là để vượt biên, đi Mỹ học, số Niên là ở đây ca hát … xây dựng chủ nghĩa. Hai đường đi hai nẻo, phải dứt khoát thì mới làm được cái mình muốn. Rồi Công Tử kể tôi nghe chuyện tình với Niên. Câu chuyện tình đầy tính chất … xã hội chủ nghĩa.
Mùa Hè năm trước, tất cả các học sinh trong phường phải đăng bạ sinh hoạt đoàn thể. Như thường lệ Công Tử ra trình diện trễ 2 ngày. Tên uỷ viên thanh niên thấy gai mắt, cho Công Tử đứng chờ chơi. Đang lúc đó thì Niên tới phàn nàn là tổ ca của nàng thiếu Nam, chỉ toàn mấy em gái choai choai mười hai mười ba thôi. Công Tử kể : «Tên uỷ viên nghe xong, sực nhớ tới tao, nó đưa hàm răng vàng ố, ám khói thuốc lào ra cười hô hố chỉ tao nói:
– Đồng chí xung phong vô tổ ca ngồi kia kìa. Tao đứng dậy tính phản đối, thấy Niên quay qua nhìn, tao gật đầu ngay.
Cũng như mọi chàng trai đất Việt, lần đầu tiên gặp người đẹp, Công Tử bỡ ngỡ nói một câu hết sức … lãng mạn cách mạng. Dân Việt Nam ăn toàn bo bo không, sao lại có người như Niên, xinh đẹp như vậy. Niên đỏ mặt, đổi đề tài, hỏi nhà Công Tử ở chỗ nào trong phường để nàng biết, tới gọi đi họp khi cần. Công Tử kể tiếp:
– Tao chỉ nhà, Niên không tin nói nhà tao chỉ đến bà chị kế tao là hết. Tao nói ông gìa anh mới nhận anh làm con nuôi tối qua.
Hôm sau Niên đi hỏi dò sự thật trong xóm mới biết Công Tử là con Út trong nhà, ít khi ra đường nên phần lớn mọi người không biết tới. Gặp Công Tử, Niên hỏi:
– Anh làm gì mà tối ngày cứ ru rú ở trong nhà không?
Công Tử đáp:
– Tại chưa gặp Niên nên không muốn ra ngoài, bây giờ thì lúc nào cũng nằm ngoài đường.
Từ đó phường 7, quận Phú-Nhuận có chuyện tình để mọi người kháo cho qua những tháng ngày vô vị dưới chế độ ba khoan. Khoan sống, khoan hưởng và khoan yêu. Họ nhìn Công Tử và Niên để ước sao cho cuộc tình được êm đẹp và thành tựu. Hình như Công Tử và Niên cũng thấy. Họ lúc nào cũng quyến luyến và ước mơ.
Mùa Hè chấm dứt, chị phụ trách sinh hoạt phường, tổ ca, Quách thị Cẩm – Niên đặt bút phê vào sổ sinh hoạt của Công Tử : tiên tiến vượt chỉ tiêu. Tên uỷ viên thanh niên phường gầm gừ phản đối ngầm.
Một ngày cuối Đông năm 1979, Công Tử đưa tiền cho đứa em gái tôi dặn ra chợ Phú Nhuận mua sôi và thịt vịt. Hôm đó nhà chúng tôi được thưởng thức một món mà mọi người ưa thích. Tôi có linh cảm xa nhau thật nhiều. Tối hôm đó Công Tử nói : Bố mẹ tao đóng tiền bán chính thức xong rồi. Ngày mai em họ tao tới đón tao xuống Rạch Gía.
Công Tử đưa tôi xem thẻ căn cước mới có tên Tầu là Lý Phu Trình. Tôi nói : Công Tử Vượt Biên giờ trở thành Cái Nị Dượt Piên. Chúng tôi cười nói nhiều tới khuya. Ba tháng sau, không thấy tin tức gì của Công Tử, tôi ghé qua nhà hỏi. Bà mẹ Bắc Kỳ, thật Việt Nam, thấy tôi bà ôm mừng khóc : Nó đã tới được Mã Lai rồi con ạ. Tôi từ giả vội để chạy qua nhà Luận báo tin.
Mọi lần thì khác, nhưng lần này vừa thấy chiếc xe đạp Mỹ mà Công Tử để lại cho tôi đậu trước nhà Luận, Niên có linh cảm tin mừng, chạy vội băng qua đường.
Đó là lần đầu tiên tôi giáp mặt Niên. Niên có gương mặt trái soan. Cặp mắt không to không nhỏ, rất đi đôi với khuôn mặt. Mũi Niên hơi cao, có sóng, không tẹt như mũi người Việt Nam. Mái tóc dài ngang lưng, không dầy không thưa nhưng đen nhánh như hai hàng lông mi của nàng. Da Niên trắng tựa như người sinh đẻ ở Gia Nã Đại.
Mái tóc đen dài, gương mặt trái soan, làn da trắng, chiếc áo vàng in hình bông cúc nổi, cái quần xa tanh bóng đen, những thứ ấy tương xứng, đối chọi làm Niên đã đẹp càng đẹp thêm. Không chỉ đẹp, dáng Niên cao cao trông sang và quyền quý. Phải nói Niên là một kỳ công tuyệt mỹ của tạo hoá. Bây giờ tôi mới hiểu hết câu nói đầu tiên, ngớ ngẩn của Công Tử khi gặp Niên. Dân Việt Nam ăn toàn bo bo không, sao lại có người như Niên, xinh đẹp như vậy.
Niên bước vào nhà Luận, căn nhà tự nhiên như sáng hẳn ra. Không hiểu từ mái tóc Niên hay từ thân thể Niên, cũng có thể từ sự tưởng tượng của tôi, tôi như thấy một mùi thơm ngọt dịu thoảng qua. Niên không để ý gì cả, chỉ hỏi vội :
– Có tin gì của ảnh, chưa anh?
Tôi gật đầu đáp:
– Tới Mã Lai rồi.
Chưa đầy một phút sau, hai dòng nước mắt vui mừng đã chảy dài trên gương mặt xinh đẹp của Niên. Tôi cảm động cũng không cầm được nước mắt. Luận Bò cũng khóc. Chúng tôi nhìn nhau, khóc vui mừng thật dễ dàng. Chín tháng sau tôi mới nhận được lá thư đầu tiên của Công Tử gửi từ một nơi có cái tên lạ hoắc của tiểu bang Texas : College Station.
Thủ Tướng gật gù giải thích:
– Thì đúng rồi, Công Tử phải ở chỗ những người giỏi của nước Mỹ. College Station là chỗ của những người ít nhất phải có bằng Đại Học ở.
Chúng tôi đều đồng ý. Tôi mang thư qua nhà Công Tử khoe. Hai ông bà nhìn tôi một lúc rồi khẽ nói:
– Hai bác có chuyện muốn nói với cháu. Trước khi nó đi, hai bác có đóng thêm một chỗ, phòng nếu đi không xong sẽ có mối khác cho nó. Lúc nó đi có nói nếu trót lọt thì để dành cho cháu để cám ơn gia đình cháu đã giúp nó. Tiền Bác đã đóng rồi, lấy về cũng không được. Cháu về thưa với Bố Mẹ, rồi sang cho Hai Bác hay.
Trên đường về, tôi bàng hoàng như người bị say sóng. Bố tôi nghe xong nói:
– Trời Phật thương gia đình mình rồi con ơi. Cơ hội ngàn vàng con đừng bỏ. Con phải đi để cứu các em con và cứu cả bố mẹ thoát khỏi chế độ này… Con đi Bố chỉ mất chức… Tổ Trưởng là cùng.
Hai tuần sau, tầu tôi cập bến Mã Lai. Tôi cũng được chuyển qua đảo Pulau Bidong như Công Tử. Vì thuộc diện chờ nước Mỹ hốt rác nên tôi ở đảo gần 2 năm. Sau khi bị từ chối bởi Úc, Pháp, Ý và Thuỵ Sĩ, tôi mới được Mỹ hốt. Tôi tới Houston vào cuối Đông năm 1982. Trời năm đó lạnh và u ám.
Công Tử ra đón tôi ở phi trường. Vẫn phong thái và kiểu nói của năm xưa, tôi thấy trời đất chuyển ấm và sáng dần:
– Lùn Mã Tử, tao trốn mày gần nửa vòng trái đất, vậy mà mày cũng bám theo. Làm sao tao có thể dứt mày được đây?
Tôi trả lời:
– Khánh Khổ nói số mày đẻ bọc điều, sinh ra để sống trong nhung lụa. Số tao với nó là số khổ, do đó tao phải bám sát mày. Chỉ cần một tí cái bọc điều của mày, là hưởng suốt đời không hết.
Đúng như Đại Tướng đoán trước, chương trình học 4 năm của Đại Học Mỹ, Công Tử chỉ tốn 3 năm hơn. Tôi vào trường được hơn 1 năm, Công Tử tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí và chuyển lên Fort Worth làm cho một hãng máy bay quốc phòng nổi tiếng.
Ngày tôi ra trường, Công Tử lái xe về mừng. Gặp tôi, Công Tử thành thật:
– Tao tính mua tặng mày một món quà thật lớn. Nhưng tuần sau tao xong Cao Học, mày lại phải trả nợ, mua đồ mừng tao. Do đó đổi ý không mua gì cả. Mày mới ra trường chưa có nhiều tiền, chơi cái trò tư bản này không xong đâu.
Tôi có hỏi Công Tử có tiếp tục học lên Tiến Sĩ không? Công Tử trả lời:
– Phải ngưng một thời gian, ba má tao nói ngưng học, đi lấy vợ học mới… thông ra thêm. Ông bà cũng già rồi, tao tính về thăm một chuyến, tiện thể tính bề gia thất.
Ngập ngừng một lúc tôi mới nói Công Tử một điều mà tôi đã giấu hơn 6 năm nay:
– Niên đã lấy chồng lâu rồi, chắc giờ con cũng đã lớn.
Lần đầu tiên trong cuộc đời, tôi thấy mặt Công Tử đổi sắc. Công Tử nhìn tôi một lúc như muốn hỏi điều gì, nhưng rồi thôi, chỉ quay đi nhìn về một hướng xa xa.
Tôi hiểu Công Tử muốn hỏi gì nên khẽ đáp:
– Luận Bò.
(theo Lê Như Đức – Houston)
Nguyễn Văn Danh chuyển tiếp (Nguồn: Một thời Sài gòn - cafevannghe)
Ghi chú: ảnh trong bài chỉ mang tính minh họa |
|