Tổng số bài gửi : 7165 Registration date : 01/04/2011
Tiêu đề: Những tờ giấy trắng có ý nghĩa gì? Tue 17 Jan 2023, 09:09
Những tờ giấy trắng đã trở thành biểu tượng phản đối của nhiều người tuần hành trên đường phố Trung Quốc và Mỹ trong những ngày gần đây. Phóng viên VOA Elizabeth Lee giải thích.
(VOA Tiếng Việt)
Trà Mi
Tổng số bài gửi : 7165 Registration date : 01/04/2011
Tiêu đề: Re: Những tờ giấy trắng có ý nghĩa gì? Wed 18 Jan 2023, 10:11
Biểu tình lan rộng ở Trung Quốc
Bình luận của Chu Lập Luân
Người dân cầm giấy trắng phản đối chính sách Không COVID ở Trung Quốc trong một cuộc tưởng niệm các nạn nhân vụ hỏa hoạn ở Urumqi tại Đại học Hong Kong hôm 29/11/2022 (Reuters)
Trung Quốc hỗn loạn
Hơn một tháng sau Đại hội XX, Đảng Cộng sản Trung Quốc bất ngờ chứng kiến một làn sóng phẫn nộ bùng lên từ mấy ngày nay. Tại hàng chục thành phố lớn từ Thượng Hải đến Bắc Kinh, Vũ Hán, Quảng Châu, Trùng Khánh, người biểu tình đòi tự do đi lại và chấm dứt các đợt phong tỏa không hồi kết trong phòng chống COVID-19. [1]
Cho đến ngày 27/11, các cuộc biểu tình chống các lệnh hạn chế vì đại dịch COVID-19 ở Trung Quốc đã bước sang đêm thứ hai và lan sang các thành phố lớn như Bắc Kinh. Người biểu tình đã tập hợp ở thủ đô Bắc Kinh và trung tâm tài chính Thượng Hải, một số hô vang thông điệp yêu cầu Chủ tịch Tập Cận Bình, Đảng Cộng sản Trung Quốc phải từ chức. Hàng nghìn người đã tập hợp tại Thượng Hải vào cuối tuần qua.
Mọi người đã đổ xuống đường phố ở các thành phố lớn và tập trung trong khuôn viên của các trường đại học trên khắp Trung Quốc, tạo thành một làn sóng phản đối chưa từng thấy trên toàn quốc kể từ sau khi các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ năm 1989 bị dập tắt.
Các lực lượng an ninh Trung Quốc hôm 28/11 đã xuất hiện dày đặc trên các đường phố của Bắc Kinh và Thượng Hải sau khi xuất hiện những lời kêu gọi trên mạng về việc tổ chức một đêm biểu tình nữa để yêu cầu quyền tự do chính trị và chấm dứt các lệnh phong tỏa để kiểm soát dịch COVID-19.
Sự việc bắt đầu với một vụ hỏa hoạn gây thương vong vào tuần trước ở Urumqi, thủ phủ của khu vực Tân Cương, là chất xúc tác khiến công chúng phẫn nộ, khi nhiều người đổ lỗi cho việc phong tỏa để kiểm soát dịch COVID-19 đã cản trở các nỗ lực cứu hộ.
Chính sách “Không COVID” của Tập Cận Bình, quy định cách ly tất cả những người mắc bệnh, đã giúp giữ cho số ca mắc bệnh của Trung Quốc thấp hơn so với Mỹ và các nước lớn khác. Tuy nhiên, chính sách này đã khiến hàng triệu người phải ở trong nhà suốt bốn tháng qua và một số người đã phàn nàn về việc thiếu nguồn cung thực phẩm và y tế.
Đảng Cộng sản Trung Quốc tháng trước đã hứa hẹn sẽ khắc phục tình trạng gián đoạn này bằng cách thay đổi quy định cách ly và các quy tắc khác. Tuy nhiên, công chúng ngày càng mất kiên nhẫn sau khi số ca mắc tăng đột biến khiến các thành phố phải thắt chặt kiểm soát. Ngày 28/11, số ca mắc mới hằng ngày đã tăng lên 40.347 trường hợp, trong đó có 36.525 ca không có triệu chứng.[2]
Người dân bất mãn
Kể từ sau cuộc biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989, chưa từng có nhiều người Trung Quốc chấp nhận nguy cơ bị bắt giữ và bất chấp hậu quả để xuống đường biểu tình như lần này. Bates Gill, một chuyên gia về Trung Quốc tại Viện Chính sách Asia Society, nhận định: “Trong suốt 10 năm cầm quyền của Tập Cận Bình, đây là lần thể hiện bức xúc công khai và lan rộng nhất của người dân đối với chính sách của chính phủ”.[3]
Sự bất mãn của công chúng với chính sách “Không COVID” của Tập Cận Bình, thể hiện trên mạng xã hội, áp phích trong các trường đại học hoặc các cuộc biểu tình, là thách thức đối nội lớn nhất của Tập Cận Bình kể từ cuộc biểu tình năm 2019 ở Hong Kong nhằm chống lại dự luật dẫn độ.
Các nhà phân tích cho biết mặc dù các cuộc biểu tình khiến Tập Cận Bình bối rối, nhưng chúng không thể lật đổ được ông ta, bởi vì Tập Cận Bình có toàn quyền kiểm soát đảng, quân đội, bộ máy an ninh và tuyên truyền.
Như thường lệ, Bắc Kinh đã cáo buộc "các thế lực có động cơ ngầm" đã tìm cách liên kết vụ hỏa hoạn với các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.
Tại một khu vực ở trung tâm kinh tế của Thượng Hải, nơi những người biểu tình tụ tập hồi cuối tuần trước, nhiều người đã chứng kiến cảnh sát đã dẫn giải hai người đi.[4] Bộ máy kiểm duyệt không gian mạng của Trung Quốc cũng tìm cách loại bỏ các dấu hiệu của các cuộc biểu tình do phương tiện truyền thông xã hội phát động.
Sau Đại hội XX, Tập Cận Bình đã ở đỉnh cao quyền lực, khi tái nhiệm với tư cách là lãnh đạo đảng và tổng tư lệnh quân đội, đồng thời bổ nhiệm các thân tín của mình vào tất cả các vị trí quan trọng trong đảng. Các lãnh đạo từng bày tỏ quan điểm trái ngược hoặc quản lý theo phong cách khác với Tập Cận Bình đều không được trọng dụng. Mặc dù sự sắp xếp “độc đoán” này cho phép Tập Cận Bình tập trung quyền lực hơn, nhưng nó cũng cho thấy những vấn đề bất ổn nội tại trong xã hội Trung Quốc mà các cuộc biểu tình đã phơi bày phần nào.
Ngay trong thời gian đang diễn ra Đại hội XX, tại cầu Tứ Thông (Sitong), một người biểu tình đơn độc đã treo một biểu ngữ lên án Tập Cận Bình trước khi bị bắt giữ.
Mặc dù hầu hết những người biểu tình lần này chỉ quan tâm đến việc phản đối chính sách phong tỏa các khu dân cư hoặc bỏ việc xét nghiệm vi-rút thường xuyên. Nhưng cũng có một số người biểu tình hô vang “đả đảo Tập Cận Bình, đả đảo Đảng Cộng sản Trung Quốc”. Nhiều sinh viên Đại học Thanh Hoa đã giơ cao một tờ giấy trên đó có in một phương trình của Milton Friedman, theo một số người giải thích đó là một cách chơi chữ. Friedman đọc gần giống như “free man” (người tự do).[5]
Thế nhưng, không đơn giản chỉ là tên gọi của Milton Friedman giống cách gọi “người tự do”. Milton Friedman đã từng đến Trung Quốc vài lần trước đây và ông ta cũng rất được chào đón ở Trung Quốc khi đó. Một phương châm nổi tiếng của Milton Friedman nói với lãnh đạo Trung Quốc khi nước này muốn chuyển sang kinh tế thị trường, đó là “Free to choose”, có nghĩa là “tự do chọn lựa”.[6] Điều này cũng mang hàm ý rất lớn trước việc người dân Trung Quốc không được tự do chọn lựa cuộc sống của họ, lãnh đạo của họ…
Lance Gore, một chuyên gia về Trung Quốc tại Viện Đông Á ở Singapore, nhận định: “Với việc xung quanh chỉ toàn kẻ nịnh hót, Tập Cận Bình đã tự nhốt mình trong vòng vây của những lời nịnh bợ, điều này có thể khiến ông đánh giá thấp hoặc không cảm nhận được các tác động tiêu cực mà người dân đã phải chịu đựng từ chính sách ‘Không COVID’”.[7]