Trà Mi
Tổng số bài gửi : 7159 Registration date : 01/04/2011
| Tiêu đề: Kiev, Ukraine trong bước chân tôi Wed 30 Mar 2022, 14:38 | |
| Trịnh Thanh ThủyChiến tranh giữa Nga và Ukraine đã bắt đầu bùng nổ vào tối Thứ Tư ngày 23 Tháng Hai năm 2022, giờ California, Hoa Kỳ. Sử sách thế giới sẽ ghi xuống hành động tấn công Ukraine này của Nga như một hành động xâm lược. Để bảo vệ tổ quốc, toàn dân và chính phủ Ukraine đã anh dũng đối đầu và chiến đấu chống lại Nga. Quân đội Nga tràn ngập Ukraine tứ phía. Cả hai phe đã cận chiến ngay trong thủ đô Kiev. Máu đã đổ, đạn đã bay và người đã chết. Tan hoang và đổ vỡ khắp nơi. Còn đâu một quốc gia Đông Âu với những người dân hiền hòa, thành phố Kiev với kiến trúc cổ độc đáo cùng nét văn hóa mà ai đến thăm một lần cũng đều yêu mến.
Thành phố Kiev
Ukraine trong ký ức tôi là một quốc gia có những ngôi giáo đường Chính Thống Giáo tuyệt đẹp. Trong một chuyến du lịch Đông Âu năm 2012, tôi đã may mắn ghé thăm thành phố Kiev của Ukraine, vào khoảng Tháng Mười, khi những chiếc lá thu bắt đầu chín vàng rơi lả tả xuống công viên. Kiev trong tôi là những khoảnh khắc an bình khi bước chân được rảo quanh các khuôn viên đầy hoa hay trên lối đi dẫn vào các thánh đường cổ nổi tiếng của thành phố.
Hình ảnh ấn tượng nhất còn ghi đậm trong tiềm thức tôi là bóng dáng ngoan hiền của những thiếu nữ tóc vàng sợi nhỏ, đầu đội khăn voan, tay ôm bó hoa hay cầm một cuốn Kinh thánh đi về phía giáo đường. Đây đó những linh mục hay các nam tu sinh còn rất trẻ đi lại hay trò chuyện cùng nhau trước nhà nguyện. Dù để râu hay không, họ cũng vẫn đẹp trong chiếc áo dòng đen dấu đi những vóc dáng cao gầy.
Ukraine là một xứ sở rất sùng đạo. Người dân thì bình dị, hiền hòa, thân thiện, ít ồn ào và dễ quen. Có lẽ vì phải chịu thân phận của một người dân nhược tiểu, bị trị quá lâu, nên tính khí con người họ trở nên ôn hòa hơn chăng? Ukraine có một lịch sử bị đô hộ bởi các cường quốc rất lâu dài. Hệt như Việt Nam, vì định mệnh khắt khe phải chung biên giới với các cường quốc, nên suốt đời bị xâm lấn và cam phận người dân bị trị.
Phụ nữ đi lễ nhà thờ
Lúc đặt chân lên xứ sở này, nghe người hướng dẫn viên kể lịch sử của họ có nét tương đồng với Việt Nam, tâm hồn tôi bỗng dấy lên một nỗi cảm hoài và gần gũi, mến thương. Vào thế kỷ 13, năm 1240, tướng Bạt Ðô (cháu Thành Cát Tư Hãn) trên đường lui quân về thảo nguyên Mông Cổ đã tiến đánh và chinh phục thành phố Kiev, Ukraine. Bạt Ðô đã tàn phá không thương tiếc thành phố này chỉ vì cái tội không chịu thần phục quân Mông. Sau đó đế quốc Mông Cổ đã thống trị Rus-Kiev hơn 100 năm. Cũng khoảng thời gian đó, năm 1257 bộ tướng Nguyên Mông Cổ là Ngột Lương Hợp Thai trên đường vòng về qua ngõ Ðại Lý (Vân Nam, Trung Hoa) đã tiến đánh Ðại Việt cũng vì cái tội không chịu thần phục họ, nhưng vì không hợp thủy thổ nên quân Nguyên Mông đã bị Ðại Việt đẩy lùi.
Một dốc đồi
Sau khi Mông Cổ suy yếu, lãnh thổ của Ukraine lại bị phân chia giữa nhiều thế lực khác nhau tại châu Âu, cụ thể là Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga. Đến thế kỷ XIX, khi Nga bành trướng và đánh bại hai địch thủ còn lại, hầu hết lãnh thổ Ukraine nằm trong Đế quốc Nga. Năm 1922, Ukraine trở thành một nước đồng sáng lập Liên bang Xô Viết và trở thành một nước cộng hòa theo thể chế xã hội chủ nghĩa nằm trong Liên Xô. Năm 1991, Liên Xô sụp đổ và Ukraine lại trở thành một quốc gia độc lập và tự chủ. Hơn hai mươi năm trôi qua, Ukraine đang dần hòa nhịp vào nền kinh tế thị trường thế giới, ngành du lịch cũng trở thành một kỹ nghệ quan trọng đang phát triển ở đất nước này. Tuy nhiên trong những năm gần đây, Ukraine mất quyền kiểm soát ở một số vùng lãnh thổ trọng yếu đã làm cho tình hình đất nước này đi xuống một cách trầm trọng.
Một nhà hàng ở Kiev
Đến thăm Kiev vài ngày trong một chuyến du lịch bao gồm các nước Đông Âu, tôi chỉ có cơ hội nhìn ngắm và ghi lại những nét đặc thù gây ấn tượng mạnh của nước này trong trí nhớ nhỏ bé của tôi thôi. Tôi được dẫn đi thăm thành phố Kiev với các tu viện, thánh đường, các pho tượng và kiến trúc cổ của các toà nhà có kiến trúc theo trường phái Barrocco còn sót lại sau Thế chiến thứ hai. Dù bị Mông Cổ thống trị, Kiev không còn một di tích nào của đế quốc Mông Cổ ngày xưa còn ghi dấu. Người ta chỉ có cơ hội được xem những di tích của đế quốc Xô Viết vừa mới sụp đổ vào hai thập niên trước.
Tượng Bogdan Khmelnytsky & nhà thờ St. Michael
Khắp nơi trên đường phố Kiev, người ta đều thấy những tượng đài, kiến trúc đồ sộ thời Xô Viết để lại. Những di tích này còn rất mới, nhưng hình như người dân Ukraine không quan tâm lắm đến những công trình dưới thời Cộng sản Xô Viết. Chính phủ Ukraine đã bỏ tiền và công sức rất nhiều để trùng tu, phục chế những kiến trúc cổ của Ukraine bị tàn phá bởi thời gian, chiến tranh, nhất là sự phá hoại của chế độ Cộng sản đã từng ngự trị nơi đây đến hơn 60 năm.
Chúng tôi được nhìn thấy chiếc cầu bắc ngang thành phố và con sông Dnieper River là một con sông lớn từ hướng Bắc chảy xuyên qua Kiev chia thành phố làm hai. Phía bên trái thuận theo dòng sông chảy là một bình nguyên rất rộng được dành cho người dân cư trú, những tòa chung cư cao tầng cũng như những nhà cửa, khu vực thương mại, hàng quán được xây dựng dồn tụ về đây. Phía bên phải sông là những ngọn đồi cao với những tu viện, thánh đường, đại học, bảo tàng, phố cổ và pho tượng Motherland của thời Xô Viết cao lớn đứng sừng sững bên dòng sông Dnieper. Phần đẹp nhất của Kiev chính là kiến trúc của các ngôi tu viện và thánh đường cổ được thành phố Kiev trùng tu lại.
Tu viện Kiev Pechersk Lavra
Ukraine là quốc gia mà đa số người dân theo Chính Thống Giáo (Ukrainian Orthodox), vì thế các ngôi thánh đường đều được kiến trúc theo lối Ukrainian Baroque (pha trộn giữa trường phái Baroque và Byzantine). Hai trong các tu viện thánh đường tại Kiev đều nằm trong danh sách di sản thế giới UNESCO. Đó là khu tu viện Kiev Pechersk Lavra và ngôi thánh đường St. Sophia gần giữa trung tâm phố cổ.
Thánh đường St. Sophia
Thật vậy, không hổ danh là di sản thế giới UNESCO, Thánh đường St. Sophia là một trong những địa danh nổi tiếng nhất của thành phố. Ngoài cấu trúc chính, nhà thờ bao gồm một tập hợp các cấu trúc phụ trợ như tháp chuông và nhà của Tổng giám mục. Tên của nó xuất phát từ công trình nổi tiếng Hagia Sophia thế kỷ thứ sáu ở Constantinople tức Istanbul ngày nay. Nền móng đầu tiên được xây dựng vào năm 1037 hoặc 1011 nhưng nhà thờ phải mất đến hai thập niên để hoàn thành. Cấu trúc nhà thờ có năm gian, năm khu tụng niệm và điều đặc khác biệt trong kiến trúc Byzantine là 13 vòm bát úp. Nội thất nhà thờ vẫn lưu giữ các bức tranh khảm và bích họa có niên đại từ thế kỷ thứ 11.
Thánh đường St. Andrew
Ngoài ra, chúng tôi còn được viếng thăm các ngôi nhà thờ khác như Church of the St. Michael, Church of the St. Andrew, Church of the Vladimir. Mỗi nhà thờ mang một kiến trúc riêng biệt và màu sắc khác nhau, tất cả đều tuyệt đẹp. Điều làm tôi thích nhất là được thăm tu viện Kiev Pechersk Lavra. Đứng trên đồi cao, tôi nhìn về phía tu viện và thấy lòng mình thanh thản hẳn lên vì cảm nhận được cái không gian đẹp như ẩn dấu chút gì huyền bí của nó. Đây là một khu tu viện cổ được xây cất trên một ngọn đồi nhìn xuống dòng sông Dnieper. Tu viện có một tháp chuông lớn và cổng Gate Pechersk Lavra bao quanh tạo thành một dãy nhà thờ với tường trắng tháp vàng, nổi bật trên nền trời xanh như một bức tranh tuyệt mỹ.
Ngoài ra, khu vực nhà thờ St. Andrew thì được người ta gọi là “Montmartre của Kiev” tương tự như khu “Montmartre của thành phố Paris.” Tuy nhiên, nó chưa có thể so sánh bằng Montmartre của Paris, nhưng nó cũng làm người ta nhớ tới Paris.
Thánh đường Dormition
Hôm nay bom lại nổ, đạn pháo kích lại rót vào Kiev. Người dân Ukraine phải chui xuống những đường hầm xe điện để tránh bom đạn. Máu và nước mắt hòa trộn trong kiên cường và anh dũng. Mạng sống con người còn mong manh hơn tơ trời, huống hồ gì những thánh đường mà họ đã ra công nỗ lực trùng tu và kiến thiết còn được nguyên vẹn hở trời? Tôi không biết làm gì hơn là cầu nguyện cho họ. Cầu nguyện cho thân phận những người đã có cùng một định mệnh giống chúng tôi và đất nước Ukraine qua khỏi ách nạn chiến tranh này. Cả thế giới đều hướng về Ukraine cầu nguyện. Xin cầu cho Ukraine bảo vệ được nền dân chủ, độc lập và tự do của họ.
Ảnh: Trịnh Thanh Thủy, Nguyễn Minh Nguồn: SÀI GÒN NHỎ |
|