Trang ChínhTìm kiếmLatest imagesVietUniĐăng kýĐăng Nhập
Bài viết mới
BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-1965 - LM CAO VĂN LUẬN by Trà Mi Today at 12:48

LỀU THƠ NHẠC by Trà Mi Today at 12:15

NỒI CƠM KHỔNG TỬ by mytutru Yesterday at 23:23

Hơn 3.000 bài thơ tình Phạm Bá Chiểu by phambachieu Yesterday at 22:49

Trang Thơ Phạm Đa Tình by Phạm Đa Tình Yesterday at 20:46

Thơ Nguyên Hữu 2022 by Nguyên Hữu Yesterday at 20:07

Xem tướng mạo đàn ông ngoại tình, lăng nhăng by Trà Mi Tue 26 Mar 2024, 12:32

Giọng hát "Cọp nhai đậu phộng" by Trà Mi Tue 26 Mar 2024, 12:29

Những Bài Giảng Hay Thầy Thích Pháp Hoà by mytutru Tue 26 Mar 2024, 07:39

Khoảnh Khắc Vui Với Đường Thi by Tam Muội Mon 25 Mar 2024, 00:30

Con Đường Tâm Mytutru TKN Đào Liên by mytutru Sun 24 Mar 2024, 23:42

Tranh Thơ Viễn Phương by Viễn Phương Sat 23 Mar 2024, 02:26

Mái Nhà Chung by mytutru Fri 22 Mar 2024, 20:26

Người Em Gái Da Vàng by Viễn Phương Fri 22 Mar 2024, 19:10

Một thoáng mây bay 12 by Ai Hoa Fri 22 Mar 2024, 07:06

TRUYỆN KIỀU CÓ TRƯỚC ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH, VÀ LÀ CỦA VIỆT NAM ??? by Trà Mi Thu 21 Mar 2024, 10:43

Thơ Tú_Yên phổ nhạc by Tú_Yên tv Wed 20 Mar 2024, 11:16

Chùm thơ "Có lẽ..." by Tú_Yên tv Wed 20 Mar 2024, 11:07

Lục bát by Tinh Hoa Mon 18 Mar 2024, 07:21

PHÁP VIỆN MINH ĐĂNG QUANG TĂNG NI & Đại Chúng by mytutru Mon 18 Mar 2024, 00:55

SƯ TOẠI KHANH (những bài giảng nên nghe) by mytutru Sat 16 Mar 2024, 20:15

Putin dối trá khi trả lời Tucker Carlson by Trà Mi Fri 15 Mar 2024, 11:39

Trang thơ Tú_Yên (P2) by Tú_Yên tv Fri 15 Mar 2024, 11:20

7 chữ by Tinh Hoa Fri 15 Mar 2024, 03:27

BẮT CÁ TRỜI MƯA by Phương Nguyên Wed 13 Mar 2024, 20:48

5 chữ by Tinh Hoa Wed 13 Mar 2024, 07:56

Tiến Trình Tu Học Phật - Thành Phật by mytutru Mon 11 Mar 2024, 23:17

Tập Mỗi Ngày by mytutru Mon 11 Mar 2024, 22:48

Lan ĐV 8 by buixuanphuong09 Mon 11 Mar 2024, 11:06

SẦU LY BIỆT by Phương Nguyên Mon 11 Mar 2024, 08:02

Tự điển
* Tự Điển Hồ Ngọc Đức



* Tự Điển Hán Việt
Hán Việt
Thư viện nhạc phổ
Tân nhạc ♫
Nghe Nhạc
Cải lương, Hài kịch
Truyện Audio
Âm Dương Lịch
Ho Ngoc Duc's Lunar Calendar
Đăng Nhập
Tên truy cập:
Mật khẩu:
Đăng nhập tự động mỗi khi truy cập: 
:: Quên mật khẩu

Share | 
 

 Thời bao cấp: Lãng mạn cũng là... cái tội

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Tác giảThông điệp
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7086
Registration date : 01/04/2011

Thời bao cấp: Lãng mạn cũng là... cái tội Empty
Bài gửiTiêu đề: Thời bao cấp: Lãng mạn cũng là... cái tội   Thời bao cấp: Lãng mạn cũng là... cái tội I_icon13Wed 10 Oct 2018, 09:57

Thời bao cấp: Lãng mạn cũng là... cái tội

Đơn giản như việc thoa chút son cho tươi tắn cũng bị đánh giá là đua đòi ăn chơi; kiếm hoa tặng người yêu cũng bị phê phán là học đòi yêu đương mùi mẫn, ướt át, ủy mị...

Trượt chức bí thư vì thoa son

"Bây giờ phụ nữ ra đường để mặt mộc có khi còn bị coi là không tôn trọng cộng đồng, chứ cái thời tôi còn trẻ, nếu không phải văn công mà tô son điểm phấn thì không hay đâu", bà Hoàng Linh, hiện sống ở Gia Lâm, Hà Nội, nói. "Ở thành phố lớn như thủ đô, nơi người ta quen nhìn phụ nữ ngắm vuốt thì không biết thế nào, chứ ở cái thị xã miền Trung quê tôi hồi đó, cô nào diện một chút là gây ngứa mắt lắm".

Bà Linh đang nói đến những năm cuối thập kỷ 60, đầu thập kỷ 70 của thế kỷ trước, khi toàn dân đang dốc sức cho việc đánh Mỹ và thống nhất đất nước. Tất cả cho chiến trường, mọi người đều phải chịu thiếu thốn, đến ăn còn không đủ. Vì vậy, những thứ dùng cho việc làm đẹp trở thành xa xỉ và khó với và nếu có, việc sử dụng chúng dường như cũng lạc lõng.

Bà Linh kể: "Tôi có bà chị họ đi nghiên cứu sinh về tặng một thỏi son đỏ, bảo thỉnh thoảng thoa một tí cho xinh. Lần đầu tiên tôi được cầm một vật xinh đẹp như vậy, lại còn thơm nữa. Chưa trang điểm bao giờ nên tôi cũng ngượng, giấu thỏi son trong rương, mỗi tối soi gương thoa trộm, tự ngắm nghía một tí rồi chùi đi".

"Một hôm chủ nhật, anh bạn cùng cơ quan rủ đi thăm người ốm. Nghĩ thế nào, tôi lại lấy son ra bôi, có lẽ vì tôi thích anh ta. Đến nhà chị bạn bị ốm, chị ấy khen xinh. Tôi thích lắm nên mấy hôm sau khi đi làm cũng lôi son ra thoa nhẹ, phớt một chút thôi, nhưng chị em nhận ra ngay, xúm lại hỏi han, bảo hôm sau mang son đến cho họ bôi thử với".


Thời bao cấp: Lãng mạn cũng là... cái tội Khon-k10

Thỏi son từng được cho là thứ xa xỉ quá mức.


"Không ngờ, tuần đó họp đoàn, tôi bị phê vì gieo rắc tư tưởng đua đòi ăn chơi tiểu tư sản, mà người phê phán tôi lại chính là anh chàng tôi thích. Anh ta bảo tôi là người trong ban chấp hành, thậm chí có tiềm năng trở thành bí thư khóa tới, mà như thế thì làm gương thế nào được, mà thực tế là nhiều nữ đoàn viên cũng bị cuốn theo thói hư của tôi".

Sau hôm đó, bà Linh hết dám ho he trang điểm, chị em trong cơ quan cũng chả dám xin bôi thử son nữa. Tưởng thế là xong, ai ngờ các cuộc họp sau đó, chuyện thỏi son của Linh vẫn tiếp tục được đưa ra để nhắc nhở, cảnh báo về chuyện giữ vững lối sống lành mạnh. Và đến kỳ đại hội đoàn sau đó, bà Linh cũng bị gạch tên khỏi danh sách đề cử ban chấp hành.

Những năm đó, việc mang tiếng tiểu tư sản không đến nỗi "nguy hiểm chết người" nhưng cũng đủ cản trở sự thăng tiến, vì nó được đánh đồng với "lập trường không vững, tư tưởng mơ hồ, coi thường lao động", tóm lại là cần được uốn nắn, giáo dục nhiều. Thích những thứ xa xỉ, phù phiếm cũng là một biểu hiện của cái thói tiểu tư sản. Vì thế hồi đó, những anh chị điệu đà dễ bị "để ý".

"Mẹ tôi kể, hồi đó bố đi nước ngoài về tặng mẹ đôi xu chiêng nhọn với cái khăn mỏng rất điệu. Mẹ mới quàng cái khăn đã bị phê là tiểu tư sản rồi, sợ quá cất luôn, đôi xu chiêng nhọn cũng chả dám mặc nữa vì sợ lúc giặt phơi bị phát hiện, lại thành học đòi lối sống đồi trụy thì chết", chị Mai Lê, 39 tuổi, nói. "Dì tôi được cho cục xà phòng thơm, cũng suốt ngày đem ra hít hà, ngửi lấy ngửi để mà không dám dùng, vì nó thơm quá, không giống xà phòng thường vốn hôi xì".

Lại còn quần áo nữa. Những năm 1960, dễ gặp lôi thôi nhất là những anh mặc quần ống tuýp, nếu thêm kiểu đầu "đít vịt" (tóc để dài, bôi sáp bóng mượt, chải túm về phía sau) nữa thì càng đích thị là kẻ không ra gì. Để thể hiện tinh thần văn minh, tiến bộ, có nơi còn để bảng cấm đầu đít vịt, quần ống tuýp vào làng. Tới những năm sau giải phóng, mốt quần trên bó dưới loe cùng mốt tóc dài kiểu John Lennon từ miền Nam tràn ra Bắc, càng được cho là tàn dư của lối sống hưởng thụ cực kỳ độc hại, ảnh hưởng xấu đến tư tưởng, đạo đức thanh niên.

Thế là hồi đó, trên các ngã tư, đường phố thường có các đội thanh niên cờ đỏ cầm kéo chực sẵn, hễ thấy anh chị nào mặc quần ống loe thì nhẹ là cắt dọc theo đường may, nặng là cắt xoẹt cụt cả ống quần. Anh nào tóc dài, râu xồm xoàm cũng bị xén trụi. "Tôi bị mất đứt hai cái quần ngay ngoài phố", ông Thiện, người Hà Nội, nhớ lại.

Sự cố từ tính lãng mạn

Chỉ cần báo cáo tổ chức là đôi trai gái được phép công khai tìm hiểu nhau nhằm tiến tới hôn nhân. Thế nhưng thể hiện tình yêu như thế nào cũng là chuyện không phải muốn gì làm nấy. Nếu như thanh niên bây giờ vắt óc nghĩ ra cách thể hiện sự lãng mạn để người yêu hài lòng thì thời bao cấp, lãng mạn quá nhiều khi sinh vạ.

"Nghèo quá, chẳng có gì để tặng người yêu, tôi xót lắm vì nàng cũng nghèo, công việc vất vả, sức khỏe lại yếu. Để động viên nàng, mỗi chiều thứ 7 sang thăm, tôi đều cố kiếm một vài bông hoa để tặng, báo hại nàng bị phê phán là học đòi yêu đương mùi mẫn kiểu tiểu tư sản. Yêu hoa là tốt, nhưng ướt át, ủy mị đến mức thứ 7 nào cũng kiếm hoa tặng thì còn lao động, phấn đấu sao được", ông Trần Long, người Thanh Hóa, kể, "Sau này, tôi được biết chẳng có chủ trương, chỉ thị nào cấm những cái đó cả, nhưng mà nhiều người họ cứ suy diễn theo ý họ".

Còn ông Lê Văn Hưởng, người Bắc Ninh, hiện sống ở Thanh Xuân, Hà Nội, thì "chết" vì những bài thơ tình ông viết cho người yêu. Cũng vì bạn gái tự hào về tài thơ của ông quá, mang ra khoe. Các cô khác truyền tay nhau chép lại ngâm nga. Rồi một người trong cơ quan phát hiện ra những vần thơ này có vấn đề. Trong khi những người khác hoặc đổ máu ngoài chiến trường, hoặc lao động quên mình vì sự nghiệp chung thì anh chàng này lại chỉ nói về "hạnh phúc riêng hai đứa" với những lời sướt mướt, lại còn dám ước "tất cả tan biến thành hư vô, chỉ tình yêu, anh với em còn lại", quá ư ích kỷ. Rồi người ta thông báo đến cơ quan ông Hưởng để họ theo dõi và uốn nắn, giáo dục ông.

"Mấy chục năm, tôi vẫn nhớ lời 'tâm sự' của thủ trưởng cơ quan ngày đó, bảo chẳng ai cấm cậu làm thơ tình, nhưng thơ tình của cậu lãng mạn xa rời thực tế, thiếu tính chiến đấu, cực kỳ nguy hiểm và độc hại… Tôi nghe đến đâu, mồ hôi lạnh túa ra đến đó", ông Hưởng chia sẻ.

Còn ông Mai Văn Hồng thì gặp rắc rối vì yêu nhạc, nhất là những ca khúc tiền chiến, thời đó không được khuyến khích vì tính trữ tình ướt át có thể làm ảnh hưởng đến tinh thần chiến đấu. Có lần cơm xong ngồi hóng mát ở hành lang, ông hát: "Hà Nội ơi! Hướng về thành phố xa xôi, ánh đèn giăng mắc muôn nơi, áo màu tung gió chơi vơi. Hà Nội ơi! Dáng huyền tha thướt đê mê, tóc thề thả gió lê thê…" Ngay hôm sau Hồng đã bị căn vặn rằng anh đang ở Hà Nội, lại còn muốn hướng về cái Hà Nội nào, có phải cái Hà Nội tư sản ánh đèn giăng mắc với những cô áo màu, dáng huyền tha thướt đê mê không? Hú hồn.

Để hát cho thỏa, Hồng và các bạn anh thường chui xuống cái hầm trong nhà một cậu trong nhóm, đàn hát với nhau cho thỏa thích những ca khúc trữ tình lãng mạn mà họ say đắm. Cũng may mà không ai phát hiện ra, nếu không có khi cả bọn lại bị hiểu nhầm là đang làm chuyện gì mờ ám.

"Tôi vẫn thỉnh thoảng kể con cái những chuyện ngày xưa, để chúng biết thế hệ bố mẹ đã trải qua những khó khăn nào, và hiện chúng đang được hưởng những gì, và trân trọng hơn những giá trị của cuộc sống", ông Hồng nói.

Theo Xzone
Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7086
Registration date : 01/04/2011

Thời bao cấp: Lãng mạn cũng là... cái tội Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Thời bao cấp: Lãng mạn cũng là... cái tội   Thời bao cấp: Lãng mạn cũng là... cái tội I_icon13Wed 18 Aug 2021, 09:46

THỜI BAO CẤP

Thời Bao cấp là tên gọi được sử dụng tại Việt Nam để chỉ một giai đoạn mà hầu hết sinh hoạt kinh tế diễn ra dưới nền kinh tế kế hoạch hóa, một đặc điểm của nền kinh tế theo Chủ Nghĩa Cộng Sản. Theo đó thì kinh tế tư nhân dần bị xóa bỏ, nhường chỗ cho kinh tế do nhà nước chỉ huy. Mặc dù kinh tế chỉ huy đã tồn tại ở miền Bắc dưới chế độ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ trước năm 1975, song thời kỳ bao cấp thường được dùng để chỉ sinh hoạt kinh tế cả nước Việt Nam ở giai đoạn từ đầu năm 1976 đến cuối năm 1986 trên toàn quốc, tức là trước thời kỳ Đổi Mới.

Trong nền kinh tế kế hoạch, thương nghiệp tư nhân bị loại bỏ, hàng hóa được phân phối theo chế độ tem phiếu do nhà nước nắm toàn quyền điều hành, hạn chế đến thủ tiêu việc mua bán trên thị trường hoặc vận chuyển tự do hàng hoá từ địa phương này sang địa phương khác. Nhà nước có độc quyền phân phối hàng hóa, hạn chế trao đổi bằng tiền mặt.

Chế độ hộ khẩu được thiết lập trong thời kỳ này để phân phối lương thực, thực phẩm theo đầu người, tiêu biểu nhất là sổ gạo ấn định số lượng và mặt hàng được phép mua. Trong thời kì bao cấp, có rất nhiều loại tem phiếu, trong đó có những loại quan trọng nhất sau đây:

* SỔ MUA LƯƠNG THỰC

Là loại sổ quan trọng nhất mà dân chúng gọi vắn tắt là sổ gạo. Một trong những hiện tượng tiêu biểu của thời bao cấp trên miền Bắc đất nước ta.

Đã có một thời mà “sổ gạo” gắn liền với sự sống còn của người dân, như một “vị cứu tinh”, một bùa hộ mệnh. Theo từ điển Bách khoa toàn thư: Sổ lương thực, hay nôm na là sổ gạo, là một quyển sổ ghi chỉ tiêu lương thực của một hộ gia đình được mua hàng tháng, trong thời bao cấp.

Hàng tháng, người dân thành phố được mua một số lượng gạo và chất độn nhất định tùy theo tiêu chuẩn được ghi trong sổ. Sổ này do Sở Lương thực cấp căn cứ vào tên, tuổi, nghề nghiệp đăng ký trong sổ hộ khẩu chính thức. Để nhận lương thực, người dân mang sổ lương thực và xếp hàng tại cửa hàng lương thực. Nguyên nhân sâu xa của việc hình thành chế độ cấp sổ gạo ở Việt Nam là cung luôn luôn thấp hơn cầu. Tình trạng này xuất hiện ở Miền Bắc từ cuối thập kỷ 50 và kéo dài trong cả nước sau 1975 cho tới khi đổi mới kinh tế. Bắt đầu từ ngày 1-3-1957, Nhà nước thực hiện chế độ cung cấp gạo ăn hàng tháng cho tất cả bộ đội, CBCNV, học sinh các trường chuyên nghiệp, học sinh trường phổ thông hưởng học bổng toàn phần, bệnh nhân tại các bệnh viện, trạm điều dưỡng…

Giá thống nhất và ổn định là 0,4 đ/kg (4 hào/kg) Định lượng như sau:

– Cán bộ viên chức làm công tác hành chính sự nghiệp được tiểu chuẩn 13,5kg/người/tháng
– Trẻ em từ sơ sinh đến 4 tuổi được hưởng 4kg/tháng. Tăng một tuổi được tăng thêm 1kg và không quá 15kg.
– Từ 18 tuổi trở lên được hưởng 13kg/người/tháng.
– Công nhân lao động tùy theo công việc nhẹ, nặng hay độc hại được hưởng theo công việc từ 18kg -24kg/tháng.

Cho nên có những người không thích làm công việc nhẹ nhàng, muốn được giao làm công việc nặng nhọc để được tiêu chuẩn lương thực cao hơn. Định lượng như vậy nhưng không phải là được mua toàn gạo mà phải mua kèm từ 25% đến 50%(có lúc lên tới 75%) chất độn có thể là ngô, khoai, sắn, bột mỳ, mỳ sợi, thậm chí là hạt bo bo (loại thức ăn dùng cho gia súc).

Sổ gạo như là một tài sản lớn để đảm bảo cuộc sống cho một gia đình, nếu không may làm mất thì trong thời gian chờ đợi các thủ tục cấp lại phải ăn gạo giá thị trường thì vô cùng khốn khổ.Cho nên dân Hà Nội ai cũng biết câu “mặt nghệt như mất sổ gạo”.

* PHIẾU VẢI

Từ 1962, định lượng phân phối như sau :
– CBCNVC nhà nước 5m/người/năm.
– Nhân dân thành phố, thị xã 4m/người/ năm
– Nhân dân nông thôn 3m/người/ năm

Các loại phiếu vải cũng chia ra hai loại nam và nữ. Phiếu vải nữ có quyền được mua mỗi năm 2m vải Ta-tăng hoặc lụa đen hay các loại vải tương tự để may quần.

* PHIẾU SỮA

Chỉ trẻ em sơ sinh và người ốm mới được cấp Phiếu mua sữa
– Sản phụ là CNVC nhà nước thì trẻ sơ sinh được tiêu chuẩn 4 hộp /tháng.

Nếu sản phụ có giấy chứng nhận mất sữa thì đứa trẻ được 8 hộp /tháng.Các loại sữa đều là sữa đặc có đường như Thảo Nguyên, Ông Thọ hay Nét-lê… Sữa thường bị quá hạn nên đặc đến mức vón cục phải luộc cả hộp trong nước sôi thì mới rót ra được.
– Người ốm phải có giấy chứng nhận đang nằm điều tri ở bệnh viện mới được cấp tem mua sữa.

* PHIẾU ĐƯỜNG


– loại N của nhân dân 0,1kg/tháng.
– loại TR của trẻ em 0,25kg/tháng
– loại E của người làm hành chính sự nghiệp 0,35kg/tháng
– loại I, II, III của công nhân lao động tùy theo công việc nặng, nhẹ đươc mua 0,5kg/tháng, 0,75kg/tháng, 1kg/tháng.

* PHIẾU MUA CHẤT ĐỐT. (Dầu, than, củi, mùn cưa)

– Các hộ gia đình ở thành phố, thị xã từ 4 người trở lên được cấp than là chủ yếu và được mua 10kg củi/hộ (để nhóm lò).Than chủ yếu là loại than cám, mua về phải tự nắm thành nắm mới đun được.
– Các hộ dưới 4 người được dùng dầu hoàn toàn.Về sau do hiếm than củi nên tất cả các hộ gia đình chủ yếu là đun bếp dầu hỏa. Vì chất đốt khan hiếm như vậy nên có gia đình còn phải kiếm thêm chất đốt bằng cách quét lá cây, cành cây khô gẫy, rụng trên đường phố.

* SỔ CUNG CẤP PHỤ TÙNG XE ĐẠP

Từ năm 1965, Nhà nước quy định tiêu chuẩn của mỗi CBCNVC nhà nước là được phân phối 1 chiếc xe đạp trong cả đời công tác. Ai đã có xe đạp thì được đăng ký để xin sổ mua phụ tùng. Việc phân phối này khá phức tạp. Mỗi đợt có “tiêu chuẩn” đưa về cơ quan và xí nghiệp như xích, líp, xăm, lốp… là lại có một cuộc bình xét hoặc gắp thăm. Người cần lốp lại gắp được xích, người cần săm lại gắp được líp là chuyện quá bình thường.

* BÌA MUA HÀNG GIA ĐÌNH

Các hộ gia đình (kể cả thành thị và nông thôn) được cấp bìa mua hàng để được mua các mặt hàng như: chiếu, xà phòng, diêm, kim chỉ… và trong các dịp lễ tết thì được mua các loại chè, thuốc, bánh, mứt, kẹo…Bìa mua hàng cũng được phân loại A,B,C,D…tùy theo hộ gia đình có ít hay nhiều nhân khẩu để được mua lượng hàng không bằng nhau.

– Ngày Quốc khánh (2/9), các bìa được cung cấp bánh, kẹo, thuốc lá, chè.
– Ngày tết Trung thu, được cung cấp bánh nướng, bánh dẻo.
– Ngày tết Nguyên đán được cung cấp phong phú hơn cả: Mỗi hộ được mua 1 túi hàng Tết bao gồm: Mứt tết, bánh, kẹo, chè, thuốc lá, một miếng bóng bì, vài lạng miến, vài lạng đỗ xanh, gói mỳ chính, gói hạt tiêu, một chai rượu mầu Cam hoặc Chanh, lại có cả một bánh pháo Trúc Bạch để đốt lúc giao thừa.

* PHIẾU MUA THỰC PHẨM

Mỗi đầu người được một tờ phiếu để mua thực phẩm cả năm.Trên tờ phiếu được chia theo nhiều ô có in số, in Tháng và in cả loại phiếu như N,TR, E, I,II,III để phân biệt định lượng được mua.

– N là nhân dân 0,3kg thịt/tháng – E là nhân viên hành chính sự nghiệp 0,5kg thịt/tháng

– I,II,III La Mã là công nhân lao động được mua từ 0,5kg, 0,75kg, 1kg đến 1,5kg thịt/tháng. Ngoài ô mua thịt còn có các ô khác để mua đậu phụ, nước mắm, Trứng muối , thức ăn chín…..

Phiếu in cả số tháng nên nếu quên không mua để quá hạn là coi như mất tiêu chuẩn.

Ngoài các loại tem phiếu trên, còn có nhiều thứ giấy tờ có thể mua hàng: giấy giới thiệu, giấy chứng nhận kết hôn, giấy báo tử, bệnh tật… cũng có giá trị để xét cho hưởng chế độ cung cấp định lượng.

Tang ma (có giấy báo tử) thì gia đình được mua 1 quan tài theo giá cung cấp kèm theo một số vải tang để khâm liệm (người dân tộc: 10m/người; người Kinh: 6m/người)…
Có giấy khai sinh (cho trẻ sơ sinh) thì được mua xoong nồi, chậu tắm, vải làm tã lót…
Có giấy kết hôn được mua 1 màn đôi, 2kg bánh kẹo, 10 bao thuốc lá, ngoài ra tuỳ nơi, tuỳ lúc mà còn có thể được mua cả 1 giường đôi, 1 xoong hoặc nồi nhôm, 1 phích nước…

Thời bao cấp, nhà nước chia ra 11 mức được hưởng chế độ cung cấp thực phẩm và nhu yếu phẩm.

Cán bộ cao cấp hưởng tiêu chuẩn ĐB (đặc biệt), cấp bộ trưởng hưởng tương đương tiêu chuẩn A, cấp thứ trưởng tiêu chuẩn B; cấp trưởng của các “cục, vụ, viện”, các chuyên viên cấp cao, giám đốc… được tiêu chuẩn C.
Còn cán bộ, công nhân viên chức hưởng tem phiếu E nhưng tùy theo mức lương sẽ được tiêu chuẩn tem phiếu E1 hay E2.
Cán bộ độc thân là tiêu chuẩn D.
Công nhân làm trong môi trường độc hại, lao động nặng nhọc thì hưởng tiêu chuẩn I, II, III và cuối cùng nhân dân là tiêu chuẩn N.

Cấp bộ trưởng hoặc tương đương là phiếu A, trước 1975 hưởng 6 kg thịt, 3 kg đường, sau năm 1975 hưởng 4,2 kg thịt, 2 kg đường/tháng.

Cán bộ trung cấp phiếu C trước 1975 hưởng 1,5 kg thịt, 1 kg đường/tháng, sau 1975 hưởng 1 kg thịt, 0,8 kg đường/tháng…

Về lương thực, tiêu chuẩn A, B hay C là 21 kg/tháng, cao hơn cán bộ bình thường nhưng thấp hơn tiêu chuẩn công nhân độc hại. Còn vải, ngoài tiêu chuẩn 5 m/năm thì cán bộ tiêu chuẩn A có sổ giao tế có thể tự do mua thêm các loại vải khác mà không cần phiếu.Tiêu chuẩn N của nhân dân trước sau vẫn là 0,3kg thịt/tháng và 0,1kg đường/tháng.

Vì tiêu chuẩn giữa cán bộ cao cấp và nhân dân chênh lệch nhiều như thế nên phải có những cửa hàng riêng để phục vụ. Cán bộ tiêu chuẩn A, B, Bộ Nội thương cho mở các cửa hàng riêng. Ở phố Ngô Quyền (Q.Hoàn Kiếm) là cửa hàng chuyên bán gạo. Tuy tiêu chuẩn không nhiều hơn so với cán bộ bình thường nhưng tiêu chuẩn A, B không phải ăn độn, chất lượng gạo ngon hơn. Ngoài bán cho cán bộ tiêu chuẩn A, B, cửa hàng Ngô Quyền còn bán cho gia đình các vị, tất nhiên vẫn phải ăn độn như quy định nhưng không bao giờ có gạo mốc, hôi và đen như các cửa hàng lương thực bán cho nhân dân. Cửa hàng 17 phố Tôn Đản thì chuyên bán thực phẩm và rau quả, nói chung thịt cá bao giờ cũng tươi ngon còn rau quả không bao giờ có rau héo. Đúng ra cửa hàng này chỉ dành riêng cho cán bộ cấp cao, tuy nhiên nếu có quan hệ thì gia đình họ vẫn có thể mua thực phẩm ở đây, tiêu chuẩn thì theo quy định nhưng mua ở đây không phải xếp hàng, không phải ăn thịt ướp lạnh, không phải chịu cảnh cửa hàng có gì mua nấy. Và nói chung nhân viên bán hàng này rất biết họ đang phục vụ ai nên nhã nhặn, lịch sự không vênh váo như mấy bà bán tại các cửa hàng dành cho nhân dân.

Cán bộ tiêu chuẩn A và B còn được cấp sổ mua hàng ở cửa hàng giao tế (nay là Intimex, phố Lê Thái Tổ, Q.Hoàn Kiếm). Tiêu chuẩn của mỗi sổ giao tế được mua mấy cây thuốc lá trong một tháng, đường, xà phòng bán theo tiêu chuẩn nhưng bánh, kẹo, bơ, vải, pin… mua tự do. Đó là những mặt hàng rất hiếm, có mặt hàng không có ngoài thị trường nên mức chênh lệch giá rất lớn.

Còn cán bộ tiêu chuẩn C cũng có cửa hàng thực phẩm riêng. Q.Hai Bà Trưng có cửa hàng Vân Hồ, Q.Ba Đình có cửa hàng Đặng Dung, Q.Hoàn Kiếm có cửa hàng ở số 1 phố Nhà Thờ. Sự ra đời các cửa hàng đặc biệt dành riêng cho cán bộ cao cấp bắt đầu từ sau tiếp quản thủ đô 10.10.1954, ban đầu nó hình thành do đề xuất của ngành công an vì muốn bảo vệ cán bộ, tránh bị đầu độc, nhưng năm 1965, giá cả nhiều mặt hàng ngoài thị trường tăng trong khi cửa hàng lại không thể tăng theo và lương cán bộ thì vẫn giữ nguyên.

Để đảm bảo đời sống cho cán bộ cao cấp nên đã sinh ra chế độ như vậy. Nhưng đâu chỉ có cán bộ cao cấp mà còn rất đông cán bộ trung cấp nên mới sinh ra tiêu chuẩn C. Trước tiêu chuẩn của các cán bộ “đi xe Volga ăn gà Tôn Đản”, dư luận xã hội cũng lèo xèo. Nhưng xóa bỏ hệ thống này lại đụng chạm quyền lợi của những người mà tiếng nói của họ có trọng lượng trong cơ chế. Trong thời buổi như thế, xã hội đã sinh ra một lớp người làm nghề mua đi, bán lại tem, phiếu, sổ mua hàng cung cấp thậm chí là cả giấy giới thiệu. Đối tượng làm nghề này được dân chúng gọi là “Con phe”.

Nhớ gì, kể nấy coi như là chuyện phiếm để ôn lại đất nước ta đã từng có một thời như thế, là nỗi kinh hoàng ám ảnh một thế hệ con người đến tận bây giờ. Trong bài có chỗ nào thiếu sót hay không chuẩn xác xin quý vị bổ sung và lượng thứ.

*********(Viet Cuong Sarraut sưu tầm và biên tập)
Nguồn: Vàng son một thuở
Về Đầu Trang Go down
 
Thời bao cấp: Lãng mạn cũng là... cái tội
Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
daovien.net :: GIẢI TRÍ :: Quê Hương yêu dấu :: Văn Hoá-