Trang ChínhTìm kiếmLatest imagesVietUniĐăng kýĐăng Nhập
Bài viết mới
Những Bài Giảng Hay Thầy Thích Pháp Hoà by mytutru Yesterday at 20:28

Thơ Nguyên Hữu 2022 by Nguyên Hữu Yesterday at 20:15

Hơn 3.000 bài thơ tình Phạm Bá Chiểu by phambachieu Yesterday at 16:18

BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-1965 - LM CAO VĂN LUẬN by Trà Mi Yesterday at 10:41

TRUYỆN KIỀU CÓ TRƯỚC ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH, VÀ LÀ CỦA VIỆT NAM ??? by Trà Mi Yesterday at 10:27

Lục bát by Tinh Hoa Yesterday at 07:21

PHÁP VIỆN MINH ĐĂNG QUANG TĂNG NI & Đại Chúng by mytutru Yesterday at 00:55

SƯ TOẠI KHANH (những bài giảng nên nghe) by mytutru Sat 16 Mar 2024, 20:15

Xem tướng mạo đàn ông ngoại tình, lăng nhăng by Trà Mi Sat 16 Mar 2024, 10:05

Putin dối trá khi trả lời Tucker Carlson by Trà Mi Fri 15 Mar 2024, 11:39

Trang thơ Tú_Yên (P2) by Tú_Yên tv Fri 15 Mar 2024, 11:20

Chùm thơ "Có lẽ..." by Tú_Yên tv Fri 15 Mar 2024, 11:09

Thơ Tú_Yên phổ nhạc by Tú_Yên tv Fri 15 Mar 2024, 11:07

7 chữ by Tinh Hoa Fri 15 Mar 2024, 03:27

Một thoáng mây bay 12 by Ai Hoa Thu 14 Mar 2024, 09:55

BẮT CÁ TRỜI MƯA by Phương Nguyên Wed 13 Mar 2024, 20:48

5 chữ by Tinh Hoa Wed 13 Mar 2024, 07:56

Tiến Trình Tu Học Phật - Thành Phật by mytutru Mon 11 Mar 2024, 23:17

Tập Mỗi Ngày by mytutru Mon 11 Mar 2024, 22:48

Lan ĐV 8 by buixuanphuong09 Mon 11 Mar 2024, 11:06

SẦU LY BIỆT by Phương Nguyên Mon 11 Mar 2024, 08:02

LỀU THƠ NHẠC by Phương Nguyên Sun 10 Mar 2024, 08:39

MỪNG NGÀY 08.03 by Phương Nguyên Sun 10 Mar 2024, 08:21

Chỉn by Trà Mi Sat 09 Mar 2024, 12:30

Lỗi 404 by mytutru Fri 08 Mar 2024, 11:09

Thể Tánh Muôn Loài by mytutru Tue 05 Mar 2024, 23:44

5-8-8-8 by Tinh Hoa Tue 05 Mar 2024, 03:32

Còn mãi duyên thầy by buixuanphuong09 Mon 04 Mar 2024, 13:37

Con Đường Tâm Mytutru TKN Đào Liên by mytutru Sat 02 Mar 2024, 12:09

Hoa Sen Ao Sen by mytutru Sat 02 Mar 2024, 08:27

Tự điển
* Tự Điển Hồ Ngọc Đức



* Tự Điển Hán Việt
Hán Việt
Thư viện nhạc phổ
Tân nhạc ♫
Nghe Nhạc
Cải lương, Hài kịch
Truyện Audio
Âm Dương Lịch
Ho Ngoc Duc's Lunar Calendar
Đăng Nhập
Tên truy cập:
Mật khẩu:
Đăng nhập tự động mỗi khi truy cập: 
:: Quên mật khẩu

Share | 
 

 TỪ và CHỮ

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Tác giảThông điệp
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7077
Registration date : 01/04/2011

TỪ và CHỮ Empty
Bài gửiTiêu đề: TỪ và CHỮ   TỪ và CHỮ I_icon13Wed 12 May 2021, 09:51

TỪ và CHỮ

Trần C. Trí

Nhiều lần trong những cuộc chuyện trò với bạn bè hay người quen, tôi thường nghe họ phàn nàn: “Dạo này ở hải ngoại tôi thấy có nhiều người dùng những từ trong nước nghe khó chịu quá!” Những lúc ấy, tôi cười đáp lại: “Trong câu nói của anh/chị cũng có một chữ “trong nước”, đó là chữ “từ”!”

Thật vậy, cũng như những người ấy, tôi rất lấy làm khó chịu về những chữ “nhập cảng” từ bên Việt Nam qua. Tuy nhiên, chữ làm tôi khó chịu nhất chính là chữ “từ”. Lâu nay, tôi vẫn suy nghĩ, tìm tòi trong kho tiếng Việt truyền thống của chúng ta xem có khi nào hay ở đâu chúng ta dùng chữ “từ” hay không. Hay là từ lúc những người cộng sản vào chiếm miền Nam, chúng ta mới bắt đầu nghe (và sau đó là dùng) chữ ấy.

Hai chữ “từ” và “chữ” đều là tiếng Hán-Việt. Vậy chúng ta nên bắt đầu từ tiếng Hán để xem ngọn ngành ra sao đã. Xin phép cho tôi được “dài dòng văn tự” một chút khi tìm về đầu mối của hai chữ này. Trước hết, chữ “từ” là phiên âm của chữ Hán 詞. Trước khi xét đến cách dịch trong tiếng Việt, chúng cũng nên xem qua cách dịch qua tiếng Anh của chữ này ra sao. Tôi đã tra cứu một số từ điển Anh-Hoa và Hoa-Anh thì thấy họ dịch qua dịch lại một cách lòng vòng, lẩn quẩn. Tra từ điển Hoa-Anh, tôi thấy chữ 詞 có hai nghĩa chính trong tiếng Anh là ‘word’ và ‘phrase’. Nhưng nếu tra ngược dùng từ điển Anh-Hoa, tôi lại thấy chữ ‘word’ tương đương với chữ 字 trong tiếng Hán. Khi tra từ điển Hán-Việt, ta sẽ thấy 字có nghĩa là ‘chữ’ hay ‘chữ cái’, trong khi 詞 lại là ‘nhóm chữ’!

Ngoài việc tra cứu trong sách vở, tôi còn tìm thêm cách khác qua thực tế. Cách đây không lâu, trong một lớp tiếng Tây Ban Nha của tôi có cô học trò người Hoa. Trong giờ giải lao, tôi hỏi cô ta về hai chữ 詞 và 字. Tôi viết lên bảng chữ Tây Ban Nha ‘mesa’ (có nghĩa là ‘cái bàn’) và nhóm chữ ‘en la mesa’ (có nghĩa là ‘trên bàn’), đoạn tôi hỏi cô ta gọi danh từ ‘mesa’ và nhóm chữ ‘en la mesa’ bằng những tên văn phạm gì trong tiếng Quan Thoại. Tôi thấy cô ta cũng khá lúng túng. Suy nghĩ một hồi, cô bảo đối với ‘chữ viết’ (‘written word’) thì cô dùng chữ 字 (cũng như chúng ta thường nghe những người Hoa nói tiếng Quảng Đông nói ‘xẻ chì’ 寫 字, có nghĩa là ‘viết chữ’). Còn nói đến ‘chữ nói’ (‘spoken word’) thì cô dùng cả hai chữ 詞và 字! Tuy nhiên, đối với nhóm chữ (‘phrase’) ‘en la mesa’ (mà ở Việt Nam gọi là ‘cụm từ’!), cô bảo chỉ có một cách gọi là 詞mà thôi.

Tổng hợp lại những gì đã tra cứu qua từ điển và lời giải thích của cô học trò người Hoa, tạm thời tôi ghi nhận những nghĩa chính của hai chữ 字và 詞như sau:

TỪ và CHỮ Tuvach10

Thật là rắc rối! Tại sao hai chữ Hán này lại vừa đồng nghĩa vừa khác nghĩa như vậy? Tiếng Hán dùng loại văn tự gọi là tượng hình (‘pictographic’ hay ‘logographic’) và tượng ý (‘ideographic’), khác với tiếng Việt chúng ta ngày nay dùng hệ thống chữ cái (‘alphabetic’). Trong khi một chữ tiếng Việt (‘word’) được phân tích ra thành nhiều chữ cái (‘letter’), thì một chữ của tiếng Hán (trong tiếng Anh vừa gọi là ‘word’ = 詞, mà cũng gọi là ‘character’ = 字) được phân tích ra thành nhiều nét (筆 ‘stroke’). Chính từ hai khái niệm khác nhau của hai loại văn tự trong tiếng Hán và tiếng Việt mà nảy sinh ra sự mơ hồ về ý nghĩa của hai chữ 詞và 字khi du nhập vào tiếng Việt. Nói cách khác, hai chữ này có thể đồng nghĩa trong tiếng Hán, nhưng khi vào tiếng Việt, chúng có thể vừa là đồng nghĩa, vừa có nghĩa tương phản! Người Hoa không có khái niệm “chữ” (có nghĩa là ‘letter’), mà chỉ có khái niệm “nét” (‘stroke’). Trong khi đó, người Việt chúng ta có khái niệm giống như người nói tiếng Anh hay tiếng Pháp về “chữ” (‘word’/‘mot’) và “chữ cái” (‘letter’/‘lettre’) vì cùng dùng chung bảng mẫu tự La-tinh.

Trong kho từ vựng của tôi (và của rất nhiều người khác) không có chữ “từ”. Tuy vậy, trong câu vừa rồi tôi lại có dùng chữ “từ vựng”, có chứa chữ “từ”! Xin được giải thích điều này. Chữ “từ” trong tiếng Việt truyền thống không dùng riêng lẻ mà chỉ dùng trong những chữ kép. Một số ví dụ khác ngoài chữ ‘từ vựng’ là ‘danh từ, động từ, phép tu từ, từ ngữ’, vân vân và vân vân. Trong nhiều cuốn từ điển nổi tiếng, chữ ‘từ’ không được liệt kê riêng mà chỉ nằm chung với một số chữ khác như đã nêu trên dưới dạng chữ kép, hoặc có liệt kê riêng nhưng không có nghĩa là ‘chữ/word’. Điển hình là những cuốn từ điển sau đây:

§ Từ Điển Hán-Việt – Đào Duy Anh, Huế, 1932:

Từ 詞Lời văn – Một thể văn Tàu – Loại chữ cũng gọi là từ (trang 333).

§ Hán Việt Từ Điển – Thiều Chửu, Hà Nội, 1942:

詞 từ 1 lời văn 2 một lối văn để hát, như từ khúc詞曲 3 các chữ dùng để giúp lời văn đều gọi là từ, như những chữ 兮,只, v.v. (trang 616).

§ Việt-Anh Anh-Việt Từ Điển Thông Dụng – Nguyễn văn Khôn, Sài Gòn, 1967:

từ Danh từ: Noun. Động từ: Verb. Diễn từ: Speech (trang 819).

Ngược lại, cũng trong cùng một từ điển của Nguyễn văn Khôn đã dẫn ở trên, tác giả đã giải thích chữ “chữ” với nghĩa đầu tiên như sau:

chữ 1 letter, word, character. Hay chữ: lettered, literate, well-read (trang 203).

Trong ấn bản bỏ túi Từ Điển Anh-Việt – English-Vietnamese Dictionary (1967, do nhà xuất bản Khai Trí in lần thứ tư), tác giả Nguyễn văn Khôn đã giải thích chữ ‘word’ trong tiếng Anh là “chữ” chứ không phải là “từ” trong tiếng Việt:

word n. 1 tiếng, chữ, lời. Word for word translation: sự dịch từng chữ một. He doesn’t know a word of Latin: Nó không biết một chữ La-tin nào cả (trang 1727).

Trong năm nghĩa còn lại của chữ “word” ở trên, tuyệt nhiên không có nghĩa nào là “từ” cả.

Trong khi đó, trong cuốn Từ Điển Việt-Anh của Bùi Phụng do trường Đại Học Tổng Hợp Hà Nội xuất bản, (in lần thứ nhất vào năm 1977 và lần thứ hai vào năm 1986) ở miền bắc cộng sản, chữ “từ” đã nghiễm nhiên nằm riêng thành một mục, có ý nghĩa riêng, không cần phải kết hợp với chữ nào khác:

từ word; vocabulary term; anh ấy biết ít từ his vocabulary was sparse; những từ kính trọng honorific words (trang 909).

Gần như cùng thời điểm đó ở Sài Gòn, cuốn Tân Đại Tự Điển Việt-Anh của giáo sư Nguyễn văn Tạo được dự định phát hành vào tháng 5/1975 nhưng không thành. Tuy nhiên, bản thảo đã may mắn đem được ra nước ngoài và được nhà xuất bản Tân Văn in và phát hành vào năm 1986. Trong cuốn từ điển này, chữ “từ” hoàn toàn không được tác giả để riêng với ý nghĩa là ‘word’. Ông chỉ kể đến nó trong các chữ kép, bắt đầu từ trang 2095, như ‘từ nghĩa’ semantics, ‘từ nguyên’ etymology, ‘từ nhân’ man of letters, v.v.

Trong lúc chưa có đầy đủ tài liệu cho thấy chữ”từ” đã thâm nhập vào ngữ vựng của người miền Bắc một cách chính xác vào thời điểm nào trong giai đoạn chế độ cộng sản thành hình sau khi đất nước chia đôi vào năm 1954, ta có thể chứng minh được rằng chữ “từ” chưa bao giờ được dùng bởi những cây bút miền Bắc trong Tự Lực Văn Đoàn. Chúng ta hãy xem cuộc đối thoại của một người chồng nói với vợ dưới đây, trích trong tiểu thuyết “Gia đình” (1936) của Khái Hưng (1896-1947):

… Viết cười:

– Nói dễ nghe nhỉ! Cứ một chữ “cũng tốt” mà người ta bỏ đi cho chữ “cũng”, cũng đủ khá, cũng đủ thăng!

Rồi chàng nói lảng, để xa hẳn câu chuyện người đàn bà:

– Mợ ạ, cụ tuần này lạ quá, đến hay có cái thói quen dùng chữ “cũng”: cũng tốt, cũng chăm, cũng thông minh. Có lẽ cụ không thạo tiếng An Nam, và cũng không hiểu cái tai hại của chữ “cũng” cụ dùng sai, cụ dùng không phải chỗ (trang 155).

Văn chương miền Bắc thời tiền chiến không đụng đến chữ “từ”. Văn chương miền Nam tự do lại càng không bao giờ có chữ “từ” lạ lẫm đó. Hoàng Ngọc Tuấn (1947-2005), một nhà văn “trẻ” trong thập niên 60-70, là một trong những ví dụ điển hình qua truyện ngắn “Thư về Đường Sơn Cúc” (1972):

… Tôi cúi đầu ngưỡng mộ ngôn ngữ của nước chúng ta. có biết bao chữ than ôi, eo ơi, hỡi ơi… thế mà em chỉ nói chao ơi, hồn tôi cũng chùng xuống như những sợi dây đàn lắng đau theo ngón tay bấm của một bài sầu khúc.

Sau khi miền Bắc cộng sản thôn tính miền Nam tự do vào tháng 4 năm 1975, dòng văn học tự do, nhân bản của miền Nam Việt Nam bắt đầu trải dài qua hải ngoại. Dòng văn học Việt Nam này bao gồm những cây bút đã thành danh từ trong nước và những cây bút mới. Trong số những người viết mới, có một người “không mới” trong giới khoa bảng ở miền Nam. Đó là Nguyễn Đức Lập (1945-2016), vốn là một luật sư ở Sài Gòn. Qua đến Hoa Kỳ, ông mới bắt đầu cầm bút và trở thành một trong những nhà văn tiêu biểu của dòng văn học Việt hải ngoại. Câu hỏi đặt ra ở đây là nhà văn Nguyễn Đức Lập có bao giờ dùng đến chữ “từ” trong văn chương của ông không. Xin đọc một trích đoạn trong bài viết Tìm nhân tìm ngãi của ông, đăng trong tạp chí Làng Văn số 102, tháng 9 năm 1993, dưới đây:

… Tìm vàng tìm bạc dễ tìm,
Tìm câu nhân ngãi khó tìm lắm anh.

Bạn thắc mắc rằng, tại sao trong câu hát không nói là “nhân nghĩa” mà lại nói là “nhân ngãi”? Nói cho bạn nghe, đất nầy, hồi trước thuộc về xứ Đàng Trong. Trong số chín vị chúa Nguyễn cai trị Đàng Trong, từ chúa Tiên Đoan quận công Nguyễn Hoàng tới ĐỊnh Vương Nguyễn Phúc Thuần, có một vị là chúa Nghĩa Hoằng quốc công Nguyễn Phúc Trăn. Bởi vậy, để kiêng tên Chúa, dân xứ Đàng Trong phải đọc trại chữ “nghĩa” thành chữ “ngãi”. Và cũng bởi vậy, Quảng Nghĩa mới thành Quảng Ngãi (trang 53).

Bài này tôi viết không nhằm đưa ra một quan điểm cá nhân, vì tôi tin chắc rằng có rất nhiều, rất nhiều người Việt khác cũng cùng quan điểm như tôi. Quan điểm này không phải là chủ quan mà có. Nó dựa vào cách sử dụng tiếng Việt truyền thống bắt nguồn từ xa xưa, từ lúc chữ Nôm bắt đầu được dùng để thay thế chữ Nho, cho đến thời chữ Quốc ngữ được lưu hành cho đến ngày nay. Quan điểm này cũng dựa vào nền giáo dục Việt Nam từ thời Pháp thuộc đến tận những ngày cuối cùng của nền giáo dục đầy nhân bản của Việt Nam Cộng Hoà. Bên cạnh đó, quan điểm này cũng được thành hình từ nền báo chí, văn chương, thi ca và âm nhạc Việt Nam suốt từ thời tiền chiến đến lúc chiến tranh Việt Nam chấm dứt, và kéo dài ra đến hải ngoại ngày nay.

Để nói rõ hơn, quan điểm đó là như thế này:

– “Từ”(tương đương với tiếng Anh là ‘word’) chỉ dùng trong những chữ kép (danh từ, dộng từ, từ ngữ, từ vựng, v.v.)

– “Chữ”(tương đương với tiếng Anh cũng là ‘word’) có thể dùng độc lập. Ví dụ: “Chữ này nghĩa là gì?”, hay “Cô ấy rất thích chơi chữ!” (Tôi không tin rằng ngay cả những người thích dùng chữ “từ” lại có thể nói “Cô ấy rất thích chơi từ!”).

– “Chữ cái”(tương đương với tiếng Anh là ‘letter’) tất nhiên là các chữ a, b, c, v.v. trong bảng mẫu tự tiếng Việt. Nhiều khi chỉ nói là “chữ”.

Những người có quan điểm này, khi nói chuyện hằng ngày, có thể dùng chữ “chữ” cho cả hai nghĩa ‘word’ và ‘letter’ mà không sợ bị nhầm lẫn vì đã có văn cảnh xác định được ý nghĩa của nó. Thay vì phải nói dài dòng là “chữ cái a, chữ cái b, chữ cái c, v.v.” chúng ta chỉ cần nói “chữ a, chữ b, chữ c” là đã có thể hiểu được. Mặt khác, khi đặt câu hỏi “Chữ này nghĩa là gì?”, tất nhiên chữ “chữ” phải có nghĩa là ‘word’, chứ ‘letter’ thì làm sao có nghĩa được?

Những ai đã có dịp mài đũng quần trên ghế nhà trường thời Việt Nam Cộng Hoà chắc chưa bao giờ hỏi thầy cô câu này: “Thưa thầy/cô, “từ” này có nghĩa là gì ạ?” Trong gia đình tôi (và rất nhiều gia đình nói tiếng Việt truyền thống) dứt khoát là không có chuyện nói những câu đại loại như “Tại sao con lại dùng “từ” đó?” hay “Em không thích “từ” này”.

Như vậy, cách dùng chữ “từ” riêng lẻ bắt nguồn từ ở đâu và vào lúc nào? Không khó gì để tìm ra điều này. Nhìn vào sách báo, từ điển miền Bắc, từ thời đất nước còn chia đôi cho tới tận bây giờ (và cả miền Nam sau khi bị cộng sản cưỡng chiếm), ta có thể thấy chữ “từ” nghiễm nhiên trở thành một chữ riêng. Chữ này, cùng với cơ man nào là những chữ Hán-Việt mới khác, đã ồ ạt du nhập kho từ vựng tiếng Việt từ cửa miệng của những cán bộ Trung cộng, hay do những người Việt con ông cháu cha du học hoặc đi công tác bên Tàu mang về. Có lẽ phải làm riêng một cuốn từ điển Hán-Việt mới, dành cho những tiếng mới du nhập khi hai nhà nước cộng sản Hoa-Việt kề vai sát cánh với nhau suốt nhiều thập niên như “núi liền núi, sông liền sông” mới đủ nói lên hiện trạng này. Kể sơ qua một số chữ Hán-Việt mới ở trong nước thay thế chữ Hán-Việt truyền thống như ‘đại sứ quán’ (thay vì ‘toà đại sứ’), ‘hộ chiếu’ (thay vì ‘sổ thông hành’), ‘tác nghiệp’ (thay vì ‘hành nghề’), ‘doanh nhân’ (thay vì ‘thương gia’), ‘thương lái’ (thay vì ‘lái buôn’), ‘công nghiệp’ (thay vì ‘kỹ nghệ’), ‘công nghệ’ (thay vì ‘kỹ thuật’), ‘chức năng’ (thay vì ‘công dụng’), ‘đăng ký’ (thay vì ‘ghi danh’), ‘động viên’ (thay vì ‘khích lệ’), ‘bức xúc’ (thay vì ‘uất ức’), ‘động cơ’ (thay vì ‘động lực’), ‘tham quan’ (thay vì ‘thăm viếng’), ‘cơ trưởng’ (thay vì ‘phi công trưởng’)… Ôi thôi, rõ ràng là phải cần tới một cuốn từ điển mới liệt kê cho xuể những chữ mới này. Độc đáo nữa là cách dùng chữ “từ” trong nhóm chữ “đài từ” trong giới điện ảnh và chuyển âm ở Việt Nam. “Đài từ” có nghĩa là kỹ thuật (hay nghệ thuật) đối thoại mà các diễn viên sử dụng trong khi đóng phim hoặc chuyển âm (mà trong nước gọi là ‘lồng tiếng’!).

Nói cho rõ hơn, chữ “từ” chưa bao giờ được chấp nhận trong tiếng Việt truyền thống. Điều này có thể chứng minh một cách rạch ròi qua lịch sử ngôn ngữ, văn hoá, văn học và nghệ thuật của chúng ta cho đến ngày phần còn lại của đất nước rơi vào tay những người cộng sản. Từ thời xa xưa đến cuối thế kỷ thứ XIV, khi tiếng Việt chưa có văn tự riêng, chuyện tranh cãi giữa “từ” và “chữ” không thành vấn đề. Lý do đơn giản là trong thời kỳ đó người Việt dùng chữ Nho, nên chuyện muốn gọi chữ của người Tàu là “từ” hay “chữ” cũng không phải là chuyện của mình. Sang đến thế kỷ thứ XV, chữ Nôm bắt đầu được giới thiệu với người Việt. Nội cái tên “Chữ Nôm” cũng đủ nói lên khái niệm “chữ” đối với người Việt là như thế nào. Chữ Nôm dựa vào chữ Hán, mỗi đơn vị viết là một “chữ”, tương đương với tiếng Anh là ‘character’ hay ‘word’. Như vậy, mỗi chữ Nôm là một “chữ”, có nghĩa là ‘word’ chứ không phải là ‘letter’. Nếu mỗi chữ Nôm gọi là một “từ” thì tên gọi của văn tự này phải là “từ Nôm”! Ví dụ như chữ Nôm 頭 (đọc là ‘đầu’) phải là một “chữ” trong hệ thống chữ Nôm, không phải là một “từ”, như chính những học giả sáng tạo ra hệ thống chữ viết này đã ấn định như vậy.

Trong văn học cổ điển Việt Nam, Kim Vân Kiều (thế kỷ XIX) là một trong những tác phẩm đầu tiên dùng chữ Nôm. Trong đại tác phẩm này, chúng ta có thể tìm ra hàng chục câu thơ có chứa chữ “chữ”, tất nhiên là với nghĩa ‘word’ chứ không thể nào là ‘letter’, vì vào thời đó, khi chữ Quốc ngữ vẫn còn trong giai đoạn phôi thai, chắc cụ Nguyễn Du (1765-1820) chưa biết chữ a, b, c là cái chi chi. Chẳng hạn như với câu”Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”, tại sao Cụ lại không viết “Từ tâm kia mới bằng ba từ tài”? Đây cũng là một ví dụ để chúng ta suy nghĩ. Chữ “từ” khi đi với một chữ khác (nhưng không phải là trong một chữ kép (hay ghép), rất nhiều khi gây ra hiểu lầm. ‘Từ tâm’ nghĩa là ‘chữ tâm’, ‘từ trong tim mà ra’ hay là ‘tốt bụng’? ‘Từ đó’ có nghĩa là ‘that word’ hay ‘ever since’?

Cao Bá Quát (1809-1855) là một thi sĩ nổi tiếng trong văn học sử, làm thơ bằng cả tiếng Hán và tiếng Nôm. Ông cũng là một người kiêu ngạo có một không hai. Tương truyền rằng có lần ông tuyên bố như sau: “Trong thiên hạ có bốn bồ chữ, mình tôi giữ hai bồ, anh tôi Bá Đạt và bạn tôi Nguyễn Văn Siêu giữ một bồ, còn bồ phân phát cho thiên hạ.” Trong thời của Cao Bá Quát, tuy chữ Quốc ngữ đã được hình thành, phải đến gần cả thập niên sau khi ông mất mới được chính quyền thực dân khuyến khích sử dụng. Vì thế, ta có thể nói rằng Cao Bá Quát dùng chữ “chữ” không với nghĩa là a, b, c vì ông chưa dùng tới chữ Quốc ngữ. Vả lại nếu “chữ” có nghĩa là a, b, c thì đâu cần tới bốn cái bồ chỉ để đựng 29 chữ cái trong tiếng Việt?

Sau này, khi chữ Quốc ngữ đã khá phổ thông, có một bài thơ ái quốc theo thể loại song thất lục bát nổi tiếng của thi sĩ Á Nam Trần Tuấn Khải (1895-1983), viết bằng chữ Quốc ngữ vào năm 1926, với tựa đề là “Hai chữ nước nhà”. Thi sĩ là một nhà Nho học, sống trong buổi giao thời Hán học và tây học, tại sao ông không dùng chữ Hán-Việt để đặt tựa đề cho bài thơ là “Hai từ nước nhà”?

Trong khi đó, văn học dân gian hay ngôn ngữ bình dân cũng đầy rẫy nhưng câu ca dao, tục ngữ hay thành ngữ có chữ “chữ”, mà hầu như không có câu nào có chữ “từ”, như một số ví dụ đan cử dưới đây:

§ Tục ngữ:

– Xấu hay làm tốt, dốt hay nói chữ. (Chứ không phải “dốt hay nói từ”!)

– Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy. (Chứ không phải “một từ cũng là thầy”!)

– Một kho vàng không bằng một nang chữ. (Chứ không phải “một nang từ”!)

§ Ca dao:

– Muốn sang thì bắt cầu kiều,
Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy. (Chứ không phải “muốn con hay từ”!)

– … Anh về học lấy chữ nhu,
Chín trăng em đợi, mười thu em chờ. (Chứ không phải “anh về học lấy từ nhu”!)

§ Thành ngữ:

– Một chữ bẻ đôi cũng không biết. (Chứ không phải “một từ bẻ đôi”!)

– Mấy ai học được chữ ngờ. (Chứ không phải “mấy ai học được từ ngờ”!)

– Chữ tác đánh chữ tộ, chữ ngộ thành chữ quá. (Chứ không phải “từ tác đánh từ tộ”!)

Trong âm nhạc, tuy muốn kiếm một bài hát có dùng chữ ‘chữ’ khá khó khăn, ta cũng thấy được ít nhất một bài như vậy. Trong bài “Tình thư của lính” của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh (1942-2005), chữ ‘chữ’ được dùng hai lần, một lần với nghĩa là ‘letter’ và một lần với nghĩa là ‘word’. Ở giữa bài hát có câu “Thư của lính, ba-lô làm bàn nên nét chữ không ngay”. Qua câu này, ta hiểu ý nhạc sĩ muốn nói từng chữ cái viết không được đẹp vì phải kê trên ba-lô mà viết. Câu cuối cùng trong bài như sau: “Thư của lính chấm dứt ở đây, sau khi đề thêm hai chữ hôn em’. Rõ ràng là ở đây, ‘chữ’ có nghĩa là ‘word’. Xin cám ơn nhạc sĩ Trần Thiện Thanh. Nếu ông viết “sau khi đề thêm hai từ hôn em” chắc không em gái hậu phương nào dám nhận một nụ hôn sống sượng như thế!

Trong thơ ca, bài “Đây thôn Vỹ Dạ” của thi sĩ Hàn Mặc Tử (1912-1940), được sáng tác vào khoảng năm 1938, cũng có thể được dùng để làm một dẫn chứng cho bài viết này. Trong bốn câu đầu, nhà thơ viết:

Sao anh không về chơi thôn Vỹ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên.
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.

Đọc đến đây, chắc chúng ta nghĩ giá nhà thơ viết “Lá trúc che ngang mặt từ điền” thì nét mặt được miêu tả trong cảnh tương phùng của hai nhân vật trong bài thơ sẽ… chẳng giống con giáp nào cả. Mà cảnh vườn thôn Vỹ cũng chẳng còn chi là thơ mộng nữa.

Trong bài thơ “Lá thư ngày trước” của thi sĩ Vũ Hoàng Chương (1916-1976), trong tập thơ “Mây”, 1943, ông dùng chữ “chữ” với hai nghĩa khác nhau. Lần thứ nhất, ông dùng “chữ” với nghĩa ‘letter’:

Trong mạch máu, chút gì nghe vướng rối,
Như tơ tình thắc mắc buổi chia xa…
Ngón tay run ghì nét chữ phai nhoà,
Hỡi năm tháng, hãy đưa đường giấc điệp!

Lần thứ nhì, ông dùng “chữ” với nghĩa “word”:

Nét thon mềm run rẩy gắng đưa nhanh,
Lòng tự thú giữa khi tìm chốn nấp.
Mươi hàng chữ đơn sơ, ồ ngượng ngập!
E dè sao mươi hàng chữ đơn sơ!

Chúng ta thử tưởng tượng xem, nếu tác giả viết ‘Mươi hàng từ đơn sơ, ồ ngượng ngập! E dè sao mươi hàng từ đơn sơ!’ thì không những âm điệu của đoạn này bị lạc so với luật bằng trắc (hay luật phối thanh), mà tứ thơ cũng chẳng còn gì là lãng mạn nữa!

Chuyện lớn nào cũng bắt đầu từ chuyện nhỏ. Theo thiển ý của tôi, muốn loại bỏ những từ ngữ phản truyền thống trong nước đang lan tràn khắp nơi ở hải ngoại, từ người sử dụng tiếng Việt hằng ngày đến các cơ quan truyền thông, báo chí, việc đầu tiên là không dùng chữ “từ”, vì nó chính là cội rễ của tất cả những “từ” độc hại khác. Có phải tôi là người cực đoan hay không? Xin thưa rằng không, nếu chúng ta đồng ý với nhau rằng việc giữ gìn tiếng Việt truyền thống là chuyện nên làm. Đành rằng ngôn ngữ nào cũng phát triển, thay đổi theo thời gian, nhưng việc mở cửa kho tàng ngôn ngữ của chúng ta để cho những từ ngữ lạ tai từ một nước láng giềng cộng sản xâm nhập vì mục đích chính trị và mưu đồ đồng hoá dân tộc chúng ta thì không thể nào làm ngơ được. Bài viết này chú trọng vào cách dùng chữ “từ”, thoạt nhìn thì có vẻ như chuyện vạch lá tìm sâu, tủn mủn, nhỏ nhặt. Tuy nhiên, nếu con sâu có thể làm rầu nồi canh thì chắc cũng nên diệt con sâu ấy để trừ hậu hoạn.

Môi trường ngôn ngữ chung quanh lúc nào cũng có một tác động mạnh mẽ đến chúng ta là những người sử dụng tiếng Việt. Cho dù có một thái độ rõ ràng với việc gìn giữ tiếng Việt truyền thống, chắc cũng có đôi lần, đâu đó, chúng ta “lỡ miệng” dùng những chữ mà thường ngày chúng ta vẫn không thích dùng. Đó cũng là vì những từ ngữ “phản truyền thống” đã len lỏi vào nhiều ngõ ngách trong cộng đồng hải ngoại của chúng ta, từ từ nhưng vô cùng mạnh mẽ. Những từ ngữ đó bây giờ nhan nhản trên sách báo, truyền thanh, truyền hình, và không thiếu gì người trong cộng đồng chúng ta sử dụng. Những từ ngữ ấy cũng đang dần dần len lỏi vào các lớp dạy tiếng Việt, từ những lớp Việt ngữ cuối tuần, đến các lớp tiếng Việt ở một số trường trung học, cao đẳng và đại học Mỹ. Nếu muốn “chống lại” làn sóng những từ ngữ phản truyền thống trong cộng đồng người Việt hải ngoại ngày nay, điều thiết thực nhất là chúng ta nên bắt đầu từ chuyện nhỏ, và bắt đầu từ việc nhắc nhở nhau không dùng chữ “từ” nữa.

Trần C. Trí
(damau.org)

Về Đầu Trang Go down
 
TỪ và CHỮ
Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
daovien.net :: GIẢI TRÍ :: Quê Hương yêu dấu :: Tiếng Việt-