Trang ChínhTìm kiếmLatest imagesVietUniĐăng kýĐăng Nhập
Bài viết mới
BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-1965 - LM CAO VĂN LUẬN by Trà Mi Today at 12:48

LỀU THƠ NHẠC by Trà Mi Today at 12:15

NỒI CƠM KHỔNG TỬ by mytutru Yesterday at 23:23

Hơn 3.000 bài thơ tình Phạm Bá Chiểu by phambachieu Yesterday at 22:49

Trang Thơ Phạm Đa Tình by Phạm Đa Tình Yesterday at 20:46

Thơ Nguyên Hữu 2022 by Nguyên Hữu Yesterday at 20:07

Xem tướng mạo đàn ông ngoại tình, lăng nhăng by Trà Mi Tue 26 Mar 2024, 12:32

Giọng hát "Cọp nhai đậu phộng" by Trà Mi Tue 26 Mar 2024, 12:29

Những Bài Giảng Hay Thầy Thích Pháp Hoà by mytutru Tue 26 Mar 2024, 07:39

Khoảnh Khắc Vui Với Đường Thi by Tam Muội Mon 25 Mar 2024, 00:30

Con Đường Tâm Mytutru TKN Đào Liên by mytutru Sun 24 Mar 2024, 23:42

Tranh Thơ Viễn Phương by Viễn Phương Sat 23 Mar 2024, 02:26

Mái Nhà Chung by mytutru Fri 22 Mar 2024, 20:26

Người Em Gái Da Vàng by Viễn Phương Fri 22 Mar 2024, 19:10

Một thoáng mây bay 12 by Ai Hoa Fri 22 Mar 2024, 07:06

TRUYỆN KIỀU CÓ TRƯỚC ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH, VÀ LÀ CỦA VIỆT NAM ??? by Trà Mi Thu 21 Mar 2024, 10:43

Thơ Tú_Yên phổ nhạc by Tú_Yên tv Wed 20 Mar 2024, 11:16

Chùm thơ "Có lẽ..." by Tú_Yên tv Wed 20 Mar 2024, 11:07

Lục bát by Tinh Hoa Mon 18 Mar 2024, 07:21

PHÁP VIỆN MINH ĐĂNG QUANG TĂNG NI & Đại Chúng by mytutru Mon 18 Mar 2024, 00:55

SƯ TOẠI KHANH (những bài giảng nên nghe) by mytutru Sat 16 Mar 2024, 20:15

Putin dối trá khi trả lời Tucker Carlson by Trà Mi Fri 15 Mar 2024, 11:39

Trang thơ Tú_Yên (P2) by Tú_Yên tv Fri 15 Mar 2024, 11:20

7 chữ by Tinh Hoa Fri 15 Mar 2024, 03:27

BẮT CÁ TRỜI MƯA by Phương Nguyên Wed 13 Mar 2024, 20:48

5 chữ by Tinh Hoa Wed 13 Mar 2024, 07:56

Tiến Trình Tu Học Phật - Thành Phật by mytutru Mon 11 Mar 2024, 23:17

Tập Mỗi Ngày by mytutru Mon 11 Mar 2024, 22:48

Lan ĐV 8 by buixuanphuong09 Mon 11 Mar 2024, 11:06

SẦU LY BIỆT by Phương Nguyên Mon 11 Mar 2024, 08:02

Tự điển
* Tự Điển Hồ Ngọc Đức



* Tự Điển Hán Việt
Hán Việt
Thư viện nhạc phổ
Tân nhạc ♫
Nghe Nhạc
Cải lương, Hài kịch
Truyện Audio
Âm Dương Lịch
Ho Ngoc Duc's Lunar Calendar
Đăng Nhập
Tên truy cập:
Mật khẩu:
Đăng nhập tự động mỗi khi truy cập: 
:: Quên mật khẩu

Share | 
 

 Hai quyển từ điển rất có hại cho tiếng Việt

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Chuyển đến trang : Previous  1, 2
Tác giảThông điệp
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7086
Registration date : 01/04/2011

Hai quyển từ điển rất có hại cho tiếng Việt - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Hai quyển từ điển rất có hại cho tiếng Việt   Hai quyển từ điển rất có hại cho tiếng Việt - Page 2 I_icon13Mon 09 Sep 2019, 08:06

Hai quyển từ điển rất có hại cho tiếng Việt

Lê Mạnh Chiến

Kỳ 2: phần chữ cái «C»

   34. «Ca nhạc, tt, có hát và có âm nhạc».

   Ca nhạc là danh từ chứ không phải tính từ nên cũng chẳng phải là «có hát và có âm nhạc». Từ điển tiếng Việt 1992 giảng sát hơn: «Nghệ thuật biểu diễn bằng tiếng đàn và giọng hát».

   35. «Ca thán. Biến âm của ta thán».

   Đây không phải là «biến âm» (thuần túy) mà do loại suy từ thành tố ca trong ca cẩm, kêu ca (nên ta thán mới thành «ca thán»)

   36. «Cà ràng. Bếp lò làm bằng đất nung».

   Lời giảng này có thể áp dụng cho cả từ tổ hỏa lò, còn cà ràng lại là một thứ lò thấp, hình bầu dục có hai phần; phần trước có ba cái mấu để bắc nồi lên trên mà đun củi bên dưới, phần sau để đựng tro than cời từ phần trước ra.

   37. «Cá mè đè cá chép. Câu ca dao của trẻ em (...)».

   Đây không phải là ca dao, cũng chẳng phải của trẻ em. Huống chi trẻ em chắc gì đã đủ nhận thức để ứng dụng câu này.

   38. «Cả cười. Nói mọi người cười đùa vui vẻ».

   Cả cười là cười to chứ không phải là mọi người đều «cười cả».

   39. «Cả quyết. Biến âm của quả quyết».

   Đây không phải là biến âm của «quả quyết» mà là một cấu trúc có thành tố thứ nhất là cả giống như trong: cả ghen, cả giận, cả nể, cả sợ, v.v...

   40. «Các tận sở năng (các: mọi thứ, tận: hết; sở: của người ấy; năng: năng lực) Mọi người đều làm hết sức mình».

   Ở đây, các không phải là «mọi» mà là mỗi (S. s «mỗi người vì mọi người») đồng thời cũng không chỉ đồ vật (nên không thể giảng thành «mọi thứ») mà lại nói về người (nên các là mỗi người). Tận ở đây cũng không phải là «hết» mà là phát huy cho đến mức cao nhất. Sở không phải là «của người ấy» mà là cái vốn có, sẵn có, về một phương diện nào đó.

   41. «Cách điệu hóa (cách: cách thức; điệu: đưa chỗ này qua chỗ khác... )»

   Thực ra, điệu ở đây là điệu thức, nhịp điệu.

   42. «Cải cách (cải: thay đổi; cách: cách thức)».

   Cách ở đây cũng là thay đổi chứ không phải «cách thức».

   43. «Cam lộ (cam: ngọt; lộ: hạt móc đọng trên lá)».

   Lộ ở đây không phải là «hạt móc đọng trên lá» mà là rượu ngon.

   44. «Cam tuyền (...) suối nước ngọt: Khói cam tuyền mờ mịt thức mây (Chinh phụ ngâm)».

   Cam Tuyền trong câu thơ Chinh phụ ngâm trên đây là một địa danh chứ không phải «suối nước ngọt». Đó là tên một ngọn núi ở phía Tây Bắc huyện Thuần Hóa tỉnh Thiểm Tây, trên đó có đài khói để đốt báo hiệu khi có giặc.

   45. «Cảm giác luận (luận: bàn bạc)».

   Luận ở đây là học thuyết chứ không phải «bàn bạc».

   46. «Cảm thương (thương; tổn thất) Động lòng thương xót».

   Thương đây là đau đớn, xót xa chứ không phải «tổn thất».

   47. «Canh thiếp (Canh: bậc thứ bảy trong hàng can, chỉ tuổi tác (...)».

   Thực ra, canh ở đây là tuổi tác (như niên canh) không liên quan gì đến «bậc thứ bảy trong thập can».

   48. «Cau già dao sắc lại non. Ý nói: Người tuy có tuổi nhưng biết trang điểm thì vẫn có duyên».

   Ý câu này thực ra là dù cau có già, nghĩa là có rắn, chắc (hơn là cau non) đến mấy nhưng nếu có dao sắc thì vẫn có thể bổ được dễ dàng. Nó đã được dùng theo lối tỉ (trong ba lối phú, tỉ, hứng theo cách gọi truyền thống) để dẫn đến câu:

   Nạ dòng trang điểm lại giòn hơn xưa.

   Chính câu này mới có cái ý mà tác giả đã giảng. Câu sáu của ông Nguyễn Lân và câu tám mà chúng tôi vừa nêu hợp thành một liên lục bát duy nhất (nên mới có thể là một câu ca dao hoàn chỉnh) nhưng tác giả đã ngắt bỏ câu sau rồi lại lấy ý của nó mà gán cho câu trước.

   49. «Căn cứ (căn: rễ; cứ: dựa vào)».

   Cứ ở đây là bằng chứng, là chỗ dựa chứ không phải «dựa vào» (vì không phải là động từ).

   50. «Cầm loan (cầm: đàn; loan: keo gắn dây đàn). Tình nghĩa keo sơn».

   Loan là chim loan chứ không phải «keo gắn dây đàn». Keo loan mới là keo gắn dây đàn.

   51. Cấm khẩu (cấm: không được; khẩu: miệng)».

   Cấm ở đây là câm, là không nói được chứ không phải là «không được». Có lẽ tác giả đã nhầm với chữ cấm trong nghiêm cấm, cấm kỵ, v.v... , chăng?

   52. «Câu-rút (Pháp: croix) Giá bằng gỗ hình chữ thập, trên đó Chúa Giê-su bị đóng đinh».

   Danh từ câu rút đã có mặt trong tiếng Việt muộn nhất là gần cuối thế kỷ XVIII vì nó đã được ghi nhận trong Dictionarium anamitico-latinum (1772-1773) của Pigneaux de Béhaine. Lúc đó, tiếng Pháp không thể có ảnh hưởng đến tiếng Việt nên câu rút không phải do tiếng Pháp croix mà ra. Đó là hai tiếng, phiên âm từ tiếng Bồ Đào Nha cruz, có nghĩa là cây thập giá.

   53. «Câu thần: Câu thơ mà thi sĩ cho là có thần linh giúp cho».

   Câu thần chẳng qua là câu thơ cực hay chứ chẳng phải là có thần linh nào giúp cho cả. Chính Nguyễn Lân cũng đã giảng ở phần chữ «t» rằng thần là «tinh lắm, tài lắm».

   54. «Cây con. Thực vật và động vật dùng làm thực phẩm: Khách sạn đó có sẵn cây con làm những món ăn đặc sản».
   Hẳn là tác giả cho rằng ở đây cây chỉ thực vật còn con thì chỉ động vật nên mới giảng và cho thí dụ như thế chăng? Hàng quán có thể thu nhận lối nói này chứ từ điển thì không.

   55. «Cây nhang. Từ miền Nam chỉ cây hương».

   Tác giả đã giảng từ tổ cây nhang như trên mà cây hương thì được tác giả giảng là «bệ thờ xây ngoài trời». Chúng tôi chưa được biết nơi nào ở Nam Bộ có dùng hai tiếng «cây nhang» để chỉ cái «bệ thờ xây ngoài trời» như thế cả.

   56. «Chắc lép. Không tin là người ta sẽ giữ lời hứa: Ông ta không cho anh ấy vay vì chắc lép».

   Chắc lép thực ra là «đắn đo, tính toán để mình chắc chắn được phần hơn, không bị thiệt trong quan hệ với người khác». (Từ điển tiếng Việt 1992).

   57. «Chấn động (chấn: rung động; động: làm mạnh lên)».

   Động không phải là «làm mạnh lên» mà là làm cho di chuyển hoặc rung chuyển.

   58. «Chất phác (chất: chân thực; phác: mới hình thành)».

   Phác ở đây là mộc mạc, không trau chuốt chứ không phải «mới hình thành».

   59. «Châu: Một trong năm phần đất đai lớn của quả đất phân chia theo quy ước».

   «Năm phần đất đai lớn» của ông Nguyễn Lân là Âu, Á, Mỹ, Úc, Phi nhưng tác giả còn quên một châu nữa là châu Nam Cực vì từ lâu người ta đã bổ sung «năm châu» thành sáu châu» (Châu Nam Cực trước kia bị nhầm là một đại dương nên gọi là Nam Băng Dương).

   60. «Chế xuất. Sản xuất vật phẩm: Thành lập khu chế xuất ở ngoại ô thành phố. Khu chế xuất Tân Thuận ở gần thành phố Hồ Chí Minh».

   Chế xuất nói nôm na là chế tạo để xuất khẩu chứ không phải chỉ là «sản xuất vật phẩm» mà thôi.

   61. «Chia bài. Phân một cỗ bài ra thành nhiều phần bằng nhau».

   Nếu nói như tác giả thì cả bộ bài sẽ được chia hết nhưng thực tế thì thường vẫn còn lại một số lá bài sau khi chia (chẳng hạn khi đánh tứ sắc hoặc đánh cắc tê, v.v... )

   62. «Chia uyên rẽ thúy (uyên là chim uyên ương tức chim đực chim cái sống từng cặp; thúy là con chim chả (sic)). Làm cho cặp vợ chồng hoặc người yêu phải xa nhau».

   Nếu thúy chỉ là con chim trả (chứ không phải «chả») thì rẽ thúy là chia làm sao? Thực ra, thúy là con chim mái trong cặp phỉ thúy mà phỉ là con trống. Phải có đôi như thế thì mới «rẽ» được chứ.

   63. «Chiếc (mạo từ)».

   Chiếc là một danh từ chính danh (X. Cao Xuân Hạo, «Sự phân biệt đơn vị / khối trong tiếng Việt và khái niệm «loại từ», Tiếng Việt - mấy vấn đề ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa, Nxb Giáo dục, 1998, tr. 305-346; đặc biệt là phần phụ lục tr. 343) còn mạo từ là article.

   64. «Chiếc bách sóng đào (đào chữ Hán là nổi sóng)».

   Đào là sóng to chứ không phải «nổi sóng». Đây là một danh từ chứ không phải động từ.

   65. «Chiêu dân lập ấp (ấp: nơi tập trung người lao động)».

   Thực ra, ấp là nơi cư trú của cả nam, phụ, lão, ấu chứ có phải ai ở ấp cũng đều là người có đủ sức lao động cả đâu.

   66. «Chiêu đãi sở (sở: nơi làm việc) Nơi tiếp đón và thết đãi: Thân nhân của quân đội được mời đến chiêu đãi sở».

   Sở ở đây là nơi chốn, chứ không phải «nơi làm việc». Thân nhân của quân đội đến chiêu đãi sở chỉ ăn kẹo, uống trà, v.v..., và nói chuyện chứ có «làm việc» gì đâu.

   67. «Chiêu mộ (chiêu: sáng; mộ: buổi chiều) sáng và chiều».

   Tác giả đã viết sai chính tả: đây là triêu chứ không phải «chiêu».

   68. «Chiếu thư (chiếu: lệnh vua; thư: viết). Tờ chiếu của vua».

   Thư ở đây là văn bản (danh từ) chứ không phải «viết» (động từ).

   69. «Chinh phục (phục: chịu theo)».

   Phục ở đây là bắt phải theo chứ không phải «chịu theo».

   70. «Chính khách (chính: việc nước; khách: người ta)».

   Khách ở đây là người (như: du khách, thích khách, v.v... ) chứ không phải «người ta».

   71. «Chính quốc (chính: trái với phụ; quốc: nước) Nước đế quốc xâm lược đối với nước bị đô hộ».

   Ở đây, chính đối với thuộc trong thuộc quốc chứ không phải «trái với phụ» (như trong vai phụ, vai chính, chẳng hạn).

   72. «Chính sử (chính: đúng đắn; sử: lịch sử) Bộ sử do chính quyền phong kiến chủ trương biên soạn, khác với dã sử do tư nhân biên chép».

   Chính ở đây là chính thức, chính thống chứ không phải «đúng đắn». Nếu giảng như tác giả thì vô hình trung đã xem dã sử là không đúng đắn.

   73. «Chọc lét, từ miền Nam có nghĩa như chọc nách».

   Tác giả viết sai chính tả vì đây là léc, phiên âm từ tiếng Khmer kliêk là cái nách. Vì vậy dân miền Nam còn có một cách nói đầy đủ hơn: chọc cà-léc: Cà-léc là phiên âm từ kliêk.

   74. «Chọc trời. Cao lắm: Nhà chọc trời».

   Trong câu Kiều «chọc trời khuấy nước mặc dầu» thì chọc trời đâu có nghĩa là cao lắm». Thực ra, hai tiếng «chọc trời» của ông Nguyễn Lân nằm trong từ tổ cố định nhà chọc trời, một hình thức sao phỏng tiếng Pháp gratte-ciel (hoặc tiếng Anh sky-scraper). Vậy không thể tách riêng hai tiếng «chọc trời» ra mà giảng là «cao lắm».

   75. «Chồm hỗm. Nói ngồi xổm một mình ở trên phản trên giường».

   Không phải «một mình» cũng chẳng phải chỉ «ở trên phản trên giường». Thí dụ: Tốp thợ xây đang ngồi chồm hỗm dưới đất để nghe cai thầu phân công. Ngồi chồm hỗm, thực ra, chỉ đơn giản có nghĩa là ngồi xổm.

   76. «Chồng chắp vợ nối. Chê cặp vợ chồng không có cưới xin đàng hoàng».

   Đây là tình trạng của những cặp vợ chồng mà người chồng đã có một đời vợ trước còn người vợ đã có một đời chồng trước chứ không phải là chuyện «không có cưới xin đàng hoàng». Có khi họ cưới nhau còn đàng hoàng hơn là bao nhiêu đám cưới «tơ» khác ấy chứ.

   77. «Chồng chéo (... ). Có mâu thuẫn với nhau: Đó là những vấn đề chồng chéo lên nhau».

   Thực ra, đây chỉ là chuyện cái này và (những) cái khác có những phần trùng lẫn với nhau chứ không nhất thiết «có mâu thuẫn với nhau».

   78. «Chồng chung vợ chạ. Chê những cặp vợ chồng không chung thủy với nhau».

   Đây không phải là chuyện «không chung thủy với nhau» mà là một kiểu «đa phu đa thê», một ông mấy bà một bà hai ông (mà vẫn ở chung nhà. Có thật đấy!). Họ đánh bài ngửa với nhau cả đấy chứ đâu cần đặt ra vấn đề chung thủy hay không chung thủy.

   79. «Chơi gái. Có quan hệ sinh lý với phụ nữ».

   Cứ như lời giảng trên đây của ông Nguyễn Lân thì, trừ những ông bất lực, có ông chồng nào lại chẳng «chơi gái» (Mỗi lần... với vợ là một lần «có quan hệ sinh lý với phụ nữ»).

   80. «Chu chuyển (chu: vòng quanh; chuyển: lay động)».

   Chuyển ở đây là lăn, đổi chỗ, vận động chứ không phải «lay động».

   81. «Chủ nhân (chủ: tự mình; nhân: người)».

   Chủ ở đây là người sở hữu chứ không phải «tự mình».

   82. «Chủ nô (chủ: đứng đầu; nô: nô lệ)».

   Ông Nguyễn Lân tưởng rằng chủ nô là một cấu trúc tiếng Hán nhưng thực tế hai tiếng này lại do người Việt Nam đặt ra theo cú pháp tiếng Việt. Còn tiếng Hán lại là nô lệ chủ (núlìzhú) trong đó chủ cũng là người sở hữu chứ không phải là «đứng đầu». Còn nếu chủ nô là tiếng Hán và cách giảng của ông Nguyễn Lân thực sự đúng (chủ: đứng đầu) thì chủ nô tất nhiên sẽ là người nô lệ đứng đầu những người nô lệ khác (chứ không phải chủ của nô lệ).

   83. «Chúa đất. Từ miền Nam chỉ bọn địa chủ lớn».

   Trong Nam Bộ, không có ai dùng hai tiếng chúa đất để «chỉ bọn địa chủ lớn» cả. Người ta chỉ gọi là đại điền chủ.

   84. «Chúng sinh (chúng: số đông; sinh: sống)».

   Sinh ở đây là sinh vật chứ không phải là «sống».

   85. «Chuyên đề (đề: đưa ra)».

   Đề ở đây là đề mục, đề tài chứ không phải «đưa ra».

   86. «Chuyên gia (gia: nhà)».

   Gia ở đây là người chứ không phải «nhà», còn nhà trong nhà văn, nhà báo thì cũng là người chứ không phải chỗ ở.

   87. «Chuyên luận (luận: bàn bạc)».

   Luận ở đây là luận đề, luận văn chứ không phải «bàn bạc».

   88. «Chuyên san (san: in ra)».

   San ở đây là tạp chí ra theo định kỳ chứ không phải «in ra».

   (Đăng lần đầu tiên trên tạp chí Văn, bộ mới, số 8, tháng 11.2000 )

(còn tiếp)

(Nguồn: Talawas)
Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7086
Registration date : 01/04/2011

Hai quyển từ điển rất có hại cho tiếng Việt - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Hai quyển từ điển rất có hại cho tiếng Việt   Hai quyển từ điển rất có hại cho tiếng Việt - Page 2 I_icon13Tue 10 Sep 2019, 10:53

Hai quyển từ điển rất có hại cho tiếng Việt

Lê Mạnh Chiến

89. «Chữ đinh (Chữ Hán có nét ngang và nét sổ dọc) 丁 )».

Thực ra, nét thứ hai của chữ đinh 丁 không phải là «nét sổ dọc» ( | ) mà lại là nét sổ móc . Nếu nét đang xét đúng là «nét sổ dọc» như Nguyễn Lân khẳng định thì ta sẽ có chữ T và đây là cổ văn của chữ hạ 下, chứ chẳng có liên quan gì đến chữ đinh 丁 cả.

90. «Chưa chút. Vẫn không được tí gì: Tóc tơ chưa chút đền ơn sinh thành».

Ở đây tác giả cứ ngỡ chữ chưa và chữ chút đi đôi với nhau như mặc dù, nhưng mà, tuy nhiên,... chứ không ngờ rằng đó là một sự ghép đôi ngộ nghĩnh vì «chưa chút» không phải là một từ cổ cố định.

91. «Chức sắc
(H. sắc: chiếu chỉ của vua)».

Đây là chữ sắc 色 có nghĩa là « thứ», «loại» chứ có phải 敕 đâu mà bảo là «chiếu chỉ của vua».

92. «Chức vị (H. vị: đơn vị)».

Chữ vị ở đây mà giảng là «đơn vị» thì người đọc đành phải... chào thua vì vị ở đây thực ra là «ngôi thứ».

93. «Chứng khoán (H. khoán: bằng cứ)».

Thực ra, khoán không phải là «bằng cứ» mà là tờ giấy dùng để làm bằng chứng.

94. «Có hậu. Nói quyển truyện có phần kết lạc quan, tốt đẹp».

Nếu lời giảng của tác giả mà tuyệt đối đúng thì một vở kịch hoặc một bộ phim «có phần kết lạc quan, tốt đẹp» sẽ không được coi là «có hậu» chăng?

95. «Con én đưa thoi (Cái thoi khung dệt đưa đi đưa lại như chim én bay lượn)».

Tác giả đã giảng hoàn toàn ngược với chữ nghĩa thông thường vì đây là chim én liệng đi liệng lại giống như cái thoi khung dệt đưa đi đưa lại chứ đâu phải «cái thoi khung dệt đưa đi đưa lại như chim én bay lượn.»

96. «Cố đạo. Linh mục của Thiên chúa giáo».

Thực ra đây là linh mục Công giáo; còn Thiên chúa giáo thì rộng hơn và gồm nhiều chi phái khác nhau mà quan trọng nhất là Công giáo, Tin lành và Chính giáo.

97. «Công sứ
(sứ: nhận lệnh trên đi làm việc gì)».

Thực ra, sứ là người được phái đi làm công việc được giao.

98. «Công trạng (trạng: hình dáng)».

Thực ra thì trạng ở đây là cái hình ảnh cụ thể bao gồm những chi tiết cụ thể.

99. «Công trình sư (sư: thầy)».

Có phải trong bất cứ cấu trúc nào sư cũng có nghĩa là «thầy» đâu. Bỉnh sư chỉ là anh thợ làm bánh mà thôi. Ở đây, sư là người thành thạo về một loại công việc nhất định.

100. «Cộng hòa tư sản (sản: sinh ra)».

Ở đây sản không phải là «sinh ra» mà là của cải.

101. «Cốt cách (cách: cách thức)».

Cách ở đây là bộ xương, khung xương chứ sao lại là «cách thức»?

102. «Cốt cán (cán: tài năng)».

Cán không phải là «tài năng» mà là cái cốt yếu của sự vật.

103. «Cốt tử (tử: con)».

Tử ở đây là một hình vị có tác dụng danh hóa chứ không phải là «con».

104. «Cơ cầu
(H. cơ: khéo léo; cầu: mưu mô)».

Tác giả Nguyễn Lân đã giảng sai hoàn toàn. Sau đây là lời giảng chính xác trong Hán-Việt từ điển của Đào Duy Anh: «Cơ là cái thúng, cầu là áo cầu. Con cháu hay nối nghiệp cha ông gọi là cơ cầu, tỷ như con nhà thợ làm cung giỏi thì tuy không được khéo bằng cha, nhưng cũng suy được ý cha mà bắt chước cách làm cung, để uốn nắn cây tre mà làm thành cái thúng; con nhà thợ hàn giỏi tuy không được khéo bằng cha nhưng tất cũng có thể mô phỏng được ý của cha, mà biết chắp vá loài da để làm áo cầu, ý nói con cháu giòng (sic) không bao giờ không dống (sic) cha ông.»

105. «Cơ đốc (H. cơ: gốc; đốc: xem xét)».

Thực ra đây chỉ là hai tiếng hoàn toàn vô nghĩa dùng để phiên âm mà thôi.

106. «Cơ hoang (H. cơ: đói; hoang: bỏ không)».

Thực ra, hoang là mất mùa chứ không phải «bỏ không».

107. «Cơ quan
(H. cơ: trạng yếu; quan: then cửa)».

Thực ra, cơ ở đây là máy, bộ máy (đối với quan là then, chốt).

108. «Cơm bưng nước rót. Ý nói: Phục vụ chu đáo».

Thực ra, đây là chuyện được phục vụ chu đáo chứ không phải phục vụ chu đáo (cho người khác).

109. «Cua thâm càng nàng thâm môi.
Chê một người phụ nữ môi không đỏ».

Cua thâm càng là cua óp, ít gạch; nàng thâm môi là nàng có dấu hiệu bệnh lý gì đó nên chàng phải cẩn thận chứ làm gì có chuyện chê nàng không đỏ môi.

110. «Của đời muôn sự của chung. Ý nói: Cái đáng quý không phải là của cải vật chất».

Thực ra, ở đây ta có một liên lục bát:

Ở đời muôn sự của chung
Hơn nhau một tiếng anh hùng mà thôi


Chữ đầu của câu lục («ở») đã bị Nguyễn Lân cải biên thành «của» rồi giảng theo ý riêng nên tất nhiên là... chẳng ăn nhập vào đâu cả.

111. «Cục tác. Tiếng gà mái kêu».

Dĩ nhiên là nếu lời giảng trên đây của Nguyễn Lân mà đúng thì gà trống sẽ chẳng bao giờ biết cục tác cả.

112. «Củi. Thứ dùng để đun bếp».

Cứ như lời giảng trên đây thì rơm, mùn cưa, dầu hỏa, than và cả ga (gas) nữa, không thể dùng đun bếp chăng?

113. «Cung cầu (cầu: hỏi xin)».

Cầu là cần dùng chứ không phải «hỏi xin»

114. «Cực khoái. Nói thái độ của những kẻ ham mê sự khoái lạc về xác thịt».

Thực ra thì cực khoái tương ứng với tiếng Anh orgasm và tiếng Pháp orgasme và đó là điểm đỉnh của «sự khoái lạc về xác thịt».

115. «Cục cưng.
Đứa trẻ được người mẹ nuông chiều».

Có lẽ tác giả chưa biết chuyện sếp cũng có thể gọi cô nữ thư ký xinh đẹp của mình là «cục cưng» chăng?

116. «Cửa Phật.
Nơi thờ Phật».

Cửa Phật là chốn tu hành (theo Phật giáo) chứ đâu chỉ là «nơi thờ Phật».

117. «Cương mục (H. cương: cái chủ yếu; mục: mắt lưới)».

Đối với mắt lưới thì cương là cái giềng lưới.

118. «Cưỡng chế (H. chế: phép định ra)».

Thực ra, chế ở đây là bắt buộc.

(còn tiếp)

(Nguồn: Talawas)
Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7086
Registration date : 01/04/2011

Hai quyển từ điển rất có hại cho tiếng Việt - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Hai quyển từ điển rất có hại cho tiếng Việt   Hai quyển từ điển rất có hại cho tiếng Việt - Page 2 I_icon13Wed 11 Sep 2019, 09:40

Hai quyển từ điển rất có hại cho tiếng Việt

Lê Mạnh Chiến

Bạn đọc nào có tạp chí Văn, số 8 (bộ mới), tháng 11-2000, cũng có thể thấy được ngay phía dưới mục số 87 (tr. 106) có bốn chữ «còn tiếp kỳ sau». Nghĩa là sẽ đăng tiếp nhận xét của chúng tôi từ mục 88 đến mục 117 trên đây. Nhưng sau khi đăng bức thư của tác giả Nguyễn Lân gửi cho Tổng biên tập tạp chí Văn (cũng trên số 8), không biết do lời ra tiếng vào như thế nào mà BBT đã quyết định bỏ, không đăng tiếp. Vì vậy nên lần này, nhân đưa bài đang nói vào sách, chúng tôi xin đưa các mục từ 88 đến 117 vào cho trọn phần chữ cái «c» mà chúng tôi đã bỏ thời gian và công sức ra để nhận xét, và cũng để bạn đọc thấy thêm nhiều chỗ sai khác nữa trong quyển Từ điển từ và ngữ Việt Nam của tác giả Nguyễn Lân. Dĩ nhiên là những chỗ sai của tác giả này không dừng lại ở cuối phần chữ cái «c». Nói có sách, mách có chứng, bước sang chữ cái «d», ta cũng thấy được hàng loạt mục từ có vấn đề: da màu, da trắng vỗ bì bạch, dã sử, dạ đài, danh bút, danh cầm, danh hài, danh họa, danh tác, danh thiếp, danh vọng, danh y, dày dày, v.v... và v.v... Đó là ta còn chưa bước sang đến các chữ: dă-, dâ-, cho đến du, dư-, và cũng chỉ mới hạn chế ở chữ «d». Và chỉ cần liếc sơ sơ thêm, ta cũng có thể thấy nhiều chỗ ngoạn mục, chẳng hạn:

   * «Dắt gái. Nói kẻ xấu đưa phụ nữ đến cảnh mại dâm.»

   Thực ra, dắt gái là đưa (những) phụ nữ đã cam tâm mại dâm đến với các đấng mày râu «hảo ngọt» muốn đi «dã chiến».

   * «Dân túy (H. túy: say sưa)»

   Ta khó lòng biết được do phép lạ nào mà tác giả lại nghĩ ra được rằng túy là «say sưa» trong khi đây lại là chữ túy (粹) trong tinh túy, thuần túy v.v...

   * «Dối già. Làm việc gì vui vẻ trong tuổi già».

   Trước nhất, tác giả đã viết sai chính tả vì đây là giối, biến thể ngữ âm của trối, chứ không phải «dối». Kế đến, tác giả đã giảng hoàn toàn sai. Trối già là «(làm việc gì) nhằm cho thật thỏa mãn lúc tuổi già, coi là lần cuối trong đời» (Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên, 1992). v.v... và v.v...

   Rõ ràng là Từ điển từ và ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân đầy rẫy những chỗ sai khó tin nhưng có thật. Chính tác giả cũng đã thừa nhận trong bức thư gửi Tổng biên tập tạp chí Văn:

   «Tôi đã 95 tuổi, một mình soạn quyển từ điển dày 2111 trang ấy. Tất nhiên không thể hoàn hảo được nên trong bài Đôi lời tâm sự thay lời tựa tôi có ghi: Vì tuổi cao có thể có những sai sót, dám mong các độc giả dùng sách này vui lòng chỉ bảo cho.» (Văn, số 8-2000, tr. 100-1)

   Ông Nguyễn Lân đã viết như thế nhưng khi chúng tôi nêu lên một số trường hợp có lựa chọn trong những chỗ sai đó thì ông lại viết trái hẳn với tinh thần trên đây:

   «Sau khi đọc bài ‘Đọc lướt Từ điển từ và ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân’ do ông Huệ Thiên viết, tôi rất ngạc nhiên trước những nhận xét sai lệch của ông ấy (...) Ông Huệ Thiên nêu lên đến 34 từ (thực ra là 33 – HT) để phê bình tôi, nhưng đại loại từ nào ông ấy cũng mắc sai lầm cả.» (Đã dẫn, tr. 101-2)

   Chúng tôi sai lầm ở chỗ nào thì bạn đọc và các chuyên gia có thể nhận thấy được một cách dễ dàng vì chúng tôi đã trình bày rõ ràng trên giấy trắng mực đen. Còn về cái lý do «vì tuổi cao» nên «có thể có sai sót» của Nguyễn Lân thì, sau khi phân tích nhiều trường hợp cụ thể, nhà ngữ học Nguyễn Đức Dương đã khẳng định như sau:

   «Có người nghĩ rằng đây chẳng qua chỉ là những lời giải nghĩa chợt nghĩ ra và chưa được rà soát kỹ nên «(vì tuổi cao) có thể có sai sót» (như lời GS. Lân thường biện minh). Sự thật hoàn toàn chẳng phải vậy! Chứng cớ? Cách đây hơn 10 năm, vào năm 1989, tác giả cũng cho ra mắt công chúng TP. Hồ Chí Minh một công trình biên khảo tuy không đồ sộ lắm nhưng cũng dày tới gần 900 trang, cuốn Từ điển từ và ngữ Hán Việt, trong đó một loạt mục từ đã được ông giải thích chẳng khác chút nào so với những mục từ có trong Từ điển từ và ngữ Việt Nam mà chúng ta đang bàn. Lời giảng của hai bên giống nhau đến mức ai cũng có thể nhận thấy ngay rằng nội dung của nhiều mục từ trong Từ điển từ và ngữ Việt Nam chỉ là bản sao của Từ điển từ và ngữ Hán Việt. Nói cách khác, những lời giải thích đó, thực ra, đều là những «tri thức» đã được chắt lọc và nghiền ngẫm kỹ lưỡng trong suốt mười mấy năm ròng!»

   («Những chỗ chưa ổn trong bộ từ điển mới của GS. Nguyễn Lân», Thông tin Khoa học & Công nghệ, Thừa Thiên - Huế, số 1 (31) - 2001, in lại trong Tìm về linh hồn tiếng Việt, Nxb Trẻ, TP. HCM, 2003, tr. 120)

   Đấy, quyển từ điển của ông Nguyễn Lân là một công trình như thế đấy. Thế nhưng khi chúng tôi chỉ ra nhiều chỗ sai của nó bằng những lời phân tích thường là ngắn gọn mà rành mạch thì ông lại phản ứng:

   «Những điều mà ông Huệ Thiên nêu lên trong bài ‘Đọc lướt’ của ông ấy đều tỏ rằng sự phê bình như thế là không chính đáng. Rất mong các vị độc giả đã đọc bài ‘Đọc lướt’ của ông ta trên tạp chí Văn ở miền Nam sẽ đánh giá khả năng và tư cách của ông ấy thế nào.» (Đã dẫn, tr. 102)

   Vâng, người đọc có thể đánh giá tư cách và khả năng của chúng tôi (Nguyễn Lân và Huệ Thiên) vì chữ nghĩa của hai bên đều rành rành trên giấy trắng mực đen. Nếu Huệ Thiên khen từ điển của tác giả Nguyễn Lân thì câu chuyện có lẽ đã đi theo một cái hướng khác. Còn dưới đây là một lời khen mà Nguyễn Đức Dương đã nhận xét như sau:

  «Viết đến đây, tôi bỗng nhớ tới những lời nhà thơ Trần Đăng Khoa khen ngợi cuốn Từ điển từ và ngữ Việt Nam của GS. Lân. Tôi không nhớ rõ lắm nhà thơ nổi danh này đưa ra câu đó ở đâu, trong dịp nào. Chỉ biết rằng lời khen này được đăng trên tạp chí Tài hoa trẻ (số 132-133, tháng 11-2000, tr. 5) và nguyên văn như sau:

   «Một mình ông làm bằng công việc của cả một viện ngôn ngữ. Công trình đồ sộ ấy ông lại hoàn thành ở cái tuổi 95... Ở ông, điều làm cho tôi kinh ngạc là dường như ông không có tuổi già...»


   Đọc những lời tán dương nồng nhiệt đó, óc tôi chợt nảy ra ý nghĩ: trước khi viết ba câu tôi vừa dẫn, hẳn tác giả Góc sân và Khoảng trời và Chân dung và Đối thoại, chỉ mới kịp lật dăm trang đầu và vài trang cuối để biết rõ công trình mình sắp nhận xét dày bao nhiêu trang, thế thôi! Chứ nếu chịu khó đọc một chút, dù chỉ vài chục trang thôi, chắc thế nào người viết cũng phải đỏ bừng mặt, bởi lẽ những gì mà ông viết ra chỉ chứng tỏ được một điều: Chẳng cần có một chút tri thức nào về tiếng mẹ đẻ, người ta vẫn có thể trở thành một nhà thơ, thậm chí một nhà thơ nổi tiếng!» (Bđd, tr. 124-5)

Trở lên là lời đánh giá của nhà ngữ học Nguyễn Đức Dương mà chúng tôi xin mượn để kết thúc bài nhận xét về quyểnTừ điển từ và ngữ Việt Nam của tác giả Nguyễn Lân.

(Viết thêm giữa tháng 7-2003, in lại trong Những tiếng trống qua cửa các nhà sấm, Nxb Trẻ, 2004, trang 449-478.)

(còn tiếp)

(Nguồn: Talawas)
Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7086
Registration date : 01/04/2011

Hai quyển từ điển rất có hại cho tiếng Việt - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Hai quyển từ điển rất có hại cho tiếng Việt   Hai quyển từ điển rất có hại cho tiếng Việt - Page 2 I_icon13Thu 12 Sep 2019, 10:14

Hai quyển từ điển rất có hại cho tiếng Việt

Lê Mạnh Chiến

Như đã nói ở trên, mọi sai lầm trong cuốn Từ điển từ và ngữ Hán – Việt đều được mang gần như trọn vẹn sang cuốn Từ điển từ và ngữ Việt Nam. Bởi vậy, khi đọc bài của ông Huệ Thiên, chúng tôi nghiệm ra hai điều. Một là, chính mình còn bỏ sót khá nhiều lỗi đáng kể trong cuốn Từ điển từ và ngữ Hán – Việt, mặc dầu ông Huệ Thiên không khảo sát cuốn này. Hai là, ông Huệ Thiên mới “đọc lướt” nên chưa phát hiện được một số sai lầm nghiêm trọng khác, mà chủ yếu là ở các từ ngữ Hán Việt. Ví dụ, ông đã đọc từ vần A đến vần C trong Từ điển từ và ngữ Việt Nam nhưng không phát hiện được sai lầm khi GS Nguyễn Lân giảng giải các từ ác ôn (từ tố ôn vốn là côn 棍, có nghĩa gốc là cái gậy, nghĩa bóng là kẻ vô lại, là côn đồ, rồi bị biến âm mà thành ra ôn, thì GS Nguyễn Lân giảng rằng ôn nghĩa là bệnh dịch) và anh hùng (hùng 雄 nghĩa là người tài giỏi thì ông “vận dụng kinh nghiệm” mà suy luận ra rằng, hùng nghĩa là con thú khoẻ nhất, bởi vì, cũng có chữ hùng 熊 nghĩa là con gấu).

Hai điều này cho phép đi đến kết luận:

Số từ phạm sai lầm (chứ không phải là số sai lầm, vì ở mỗi từ, ông Nguyễn Lân có thể phạm sai lầm ở 1 hoặc cả 2 từ tố, ở nghĩa của từ và cả ở ví dụ) trong Từ điển Từ và ngữ Hán Việt còn cần thêm nhiều công sức mới phát hiện hết.

Từ điển từ và ngữ Việt Nam, ngoài hàng trăm sai lầm từ cuốn Từ điển từ và ngữ Hán – Việt mang sang mà chúng tôi đã đối chiếu, chỉ từ vần A đến vần C (chiếm khoảng 20% tổng số trang) mà ông Huệ Thiên đã vạch ra 117 sai lầm. Số sai lầm trong cả quyển phải là con số dăm bảy trăm hay hơn nữa.

Những quyển từ điển về tiếng Việt phạm quá nhiều sai lầm như vậy sẽ gây tai hại như thế nào đối với nền văn hoá và giáo dục của nước nhà? Các trường học, các thư viện, các thầy giáo, các bậc phụ huynh có nên sử dụng chúng làm công cụ để trau giồi vốn từ ngữ tiếng Việt cho bản thân mình và cho thế hệ trẻ hay không?

Ðộc giả hoàn toàn có thể tự trả lời những câu hỏi này.

Nghĩ về vô số sai lầm trong hai cuốn từ điển của GS Nguyễn Lân, chúng tôi nhớ đến các GS Lê Trí Viễn và Vũ Khiêu vì họ đã đóng góp những Lời giới thiệu khó quên.

Về Từ điển từ và ngữ Hán – Việt, Gs Lê Trí Viễn đã viết Lời giới thiệu, trong đó đã đánh giá rằng nó (Từ điển của Nguyễn Lân) hơn hẳn các từ điển Hán Việt đã có từ trước, rồi kèm theo những lời ca ngợi: ”Ưu điểm lớn nhất trong đó là nó thể hiện được trình độ tiếng Việt hiện đại trong lĩnh vực Hán – Việt... Với nội dung phù hợp với yêu cầu có giới hạn do tác giả đặt ra từ đầu, trong mảnh đất văn học, nó sẽ là một công cụ tra cứu rất quý không thể thiếu được đối với bất kỳ ai, trước hết là học sinh, sinh viên, các thầy cô giáo, các nhà nghiên cứu, biên soạn khi muốn nắm được nghĩa chính xác các từ và ngữ Hán Việt trong tiếng Việt hiện nay.”

Trong Lời giới thiệu viết cho Từ điển từ và ngữ Việt Nam, Gs Vũ Khiêu đã dành nhiều lời để biểu dương trí tuệ uyên bác và vốn tiếng Việt vô cùng phong phú cùng với tâm huyết và tinh thần trách nhiệm cao cả của Gs Nguyễn Lân rồi kết thúc bằng những câu thật truyền cảm:“Hôm nay đọc bản thảo cuốn từ điển này, tôi xúc động nghĩ tới một trí thức tuổi đã cao mà vẫn đơn thương độc mã, cặm cụi suốt ngày viết viết, xoá xoá để cho ra cuốn từ điển này. Tác giả coi công trình của mình chỉ là một từ điển thông dụng mà thôi, nhưng tôi nghĩ rằng trí tuệ và tâm huyết của tác giả đã tạo ra một tác phẩm rất có giá trị mà cả xã hội đang mong đợị”


Trước khi viết những Lời giới thiệu ngọt ngào, hai ông đã biết những gì về các quyển từ điển kia mà đưa ra được những lời tán tụng hấp dẫn đến thế. Phải chăng, khi giới thiệu sách, các ông chỉ cần đọc Lời nói đầu của tác giả để khẳng định giá trị của chúng một cách chắc chắn như đinh đóng cột rồi đưa ra những lời khen thật đẹp đẽ để tác động mạnh mẽ đến lòng tin của độc giả mà không cần nghĩ đến trách nhiệm to lớn đối với họ?

______________________________

Tài liệu tham khảo chính:

Hán –Việt từ điển, Ðào Duy Anh, NXB Trường Thi, Sài Gòn
Hán – Việt tân từ điển, Nguyễn Quốc Hùng, Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn, 1975
Ðại Nam quốc âm tự vị, Huình Tịnh Paulus Của, Sài Gòn, 1896
Dictionnaire Annamite – Francais, J.F.M. Génibrel, Saigon 1898.
Quốc triều hương khoa lục , Cao Xuân Dục, NXB Thành phố Hồ Chí Minh
Quốc triều khoa bảng lục, Cao Xuân Dục, NXB Văn học, 2001
Cổ kim Hán ngữ từ điển, Thương vụ ấn thư quán, Bắc Kinh, 2000
Cổ kim Hán ngữ thực dụng từ điển. Tứ Xuyên nhân dân xuất bản xã, 1989
Tân hiện đại Hán ngữ từ điển (Kiêm tác Hán-Anh từ điển), Hải Nam xuất bản xã.
Hán Anh đại từ điển, Thượng Hải Giao thông Ðại học xuất bản xã, 1999
Từ nguyên, Thương vụ ấn thư quán, Bắc Kinh, 1997
Từ hải, Thượng Hải từ thư xuất bản xã, 1995
McGraw-Hill Dictionary of Scientific and Technical Terms, Fifth Edition, 1996
Comprehensive Dictionary of Engineering and Technology, English-French, Editions de l’Usine, Paris, 1984

talawas chân thành cảm ơn nhà văn Trương Thái Du đã giúp biên tập phần chữ Hán theo font Unicode để độc giả có thể thuận tiện theo dõi.

(Nguồn: Talawas)
Về Đầu Trang Go down
Sponsored content




Hai quyển từ điển rất có hại cho tiếng Việt - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Hai quyển từ điển rất có hại cho tiếng Việt   Hai quyển từ điển rất có hại cho tiếng Việt - Page 2 I_icon13

Về Đầu Trang Go down
 
Hai quyển từ điển rất có hại cho tiếng Việt
Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Similar topics
-
» Bí quyết nướng thịt
» Bí quyết để luộc gà
» Quyết thôi!
» Bí Quyết Hạn Chế Sẹo Sau Bị Thương
» Tình Yêu Thương (Truyện Ngắn)
Trang 2 trong tổng số 2 trangChuyển đến trang : Previous  1, 2

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
daovien.net :: GIẢI TRÍ :: Quê Hương yêu dấu :: Tiếng Việt-