Trang ChínhTìm kiếmLatest imagesVietUniĐăng kýĐăng Nhập
Bài viết mới
Thơ Nguyên Hữu 2022 by Nguyên Hữu Yesterday at 20:15

BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-1965 - LM CAO VĂN LUẬN by Trà Mi Yesterday at 12:48

LỀU THƠ NHẠC by Trà Mi Yesterday at 12:15

NỒI CƠM KHỔNG TỬ by mytutru Wed 27 Mar 2024, 23:23

Hơn 3.000 bài thơ tình Phạm Bá Chiểu by phambachieu Wed 27 Mar 2024, 22:49

Trang Thơ Phạm Đa Tình by Phạm Đa Tình Wed 27 Mar 2024, 20:46

Xem tướng mạo đàn ông ngoại tình, lăng nhăng by Trà Mi Tue 26 Mar 2024, 12:32

Giọng hát "Cọp nhai đậu phộng" by Trà Mi Tue 26 Mar 2024, 12:29

Những Bài Giảng Hay Thầy Thích Pháp Hoà by mytutru Tue 26 Mar 2024, 07:39

Khoảnh Khắc Vui Với Đường Thi by Tam Muội Mon 25 Mar 2024, 00:30

Con Đường Tâm Mytutru TKN Đào Liên by mytutru Sun 24 Mar 2024, 23:42

Tranh Thơ Viễn Phương by Viễn Phương Sat 23 Mar 2024, 02:26

Mái Nhà Chung by mytutru Fri 22 Mar 2024, 20:26

Người Em Gái Da Vàng by Viễn Phương Fri 22 Mar 2024, 19:10

Một thoáng mây bay 12 by Ai Hoa Fri 22 Mar 2024, 07:06

TRUYỆN KIỀU CÓ TRƯỚC ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH, VÀ LÀ CỦA VIỆT NAM ??? by Trà Mi Thu 21 Mar 2024, 10:43

Thơ Tú_Yên phổ nhạc by Tú_Yên tv Wed 20 Mar 2024, 11:16

Chùm thơ "Có lẽ..." by Tú_Yên tv Wed 20 Mar 2024, 11:07

Lục bát by Tinh Hoa Mon 18 Mar 2024, 07:21

PHÁP VIỆN MINH ĐĂNG QUANG TĂNG NI & Đại Chúng by mytutru Mon 18 Mar 2024, 00:55

SƯ TOẠI KHANH (những bài giảng nên nghe) by mytutru Sat 16 Mar 2024, 20:15

Putin dối trá khi trả lời Tucker Carlson by Trà Mi Fri 15 Mar 2024, 11:39

Trang thơ Tú_Yên (P2) by Tú_Yên tv Fri 15 Mar 2024, 11:20

7 chữ by Tinh Hoa Fri 15 Mar 2024, 03:27

BẮT CÁ TRỜI MƯA by Phương Nguyên Wed 13 Mar 2024, 20:48

5 chữ by Tinh Hoa Wed 13 Mar 2024, 07:56

Tiến Trình Tu Học Phật - Thành Phật by mytutru Mon 11 Mar 2024, 23:17

Tập Mỗi Ngày by mytutru Mon 11 Mar 2024, 22:48

Lan ĐV 8 by buixuanphuong09 Mon 11 Mar 2024, 11:06

SẦU LY BIỆT by Phương Nguyên Mon 11 Mar 2024, 08:02

Tự điển
* Tự Điển Hồ Ngọc Đức



* Tự Điển Hán Việt
Hán Việt
Thư viện nhạc phổ
Tân nhạc ♫
Nghe Nhạc
Cải lương, Hài kịch
Truyện Audio
Âm Dương Lịch
Ho Ngoc Duc's Lunar Calendar
Đăng Nhập
Tên truy cập:
Mật khẩu:
Đăng nhập tự động mỗi khi truy cập: 
:: Quên mật khẩu

Share | 
 

 Tứ Niệm Xứ

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Tác giảThông điệp
mytutru

mytutru

Tổng số bài gửi : 11074
Registration date : 08/08/2009

Tứ Niệm Xứ  Empty
Bài gửiTiêu đề: Tứ Niệm Xứ    Tứ Niệm Xứ  I_icon13Sat 11 Oct 2014, 23:18

Tứ Niệm Xứ
Thích Chánh Thống

(Bài giảng hôm rằm tháng 10 (10 November 1935) tại hội Phật học chùa Từ Quang, Huế)
Nam mô A Di Đà Phật
Năm trước giảng về Đạo đế đã nói có 37 phép trợ bồ đề phần là:

  • Tứ niệm xứ
  •  Tứ chánh cần
  • Tứ như ý túc
  • Ngũ căn
  • Ngũ lực
  • Thất giác chi
  • Bát chánh đạo

Trong kỳ ấy giảng về Bát chánh đạo mà thôi. Song, bát chánh đạo là lối tu hành của những bậc đã kiến đạo, cốt yếu nơi chữ “chánh”. Đối với người sơ cơ, nếu không biết chỗ chơn chánh là gì thì sao cho khỏi cái hại lấy giả làm chơn, lấy tà làm chánh. Vì vậy nên cần phải giảng về những phương tiện ban đầu để cho những ai muốn tu theo Thanh văn thừa, theo từng bực mà tu lần lên, tu cho đặng “Thất giác chi” rồi thì mới có thể tu hành “Bát chánh đạo”.

37 phép trợ bồ đề phần không thể giảng đủ trong một kỳ, vậy kỳ hôm nay tôi xin giảng riêng về “Tứ niệm xứ”.
Toàn thể pháp giới vẫn là như như bình đẳng, không tự, không tha, không năng, không sở. Lẽ ra không có chi đáng gọi là tâm niệm, chỉ vì chúng ta mê lầm không rõ bản tánh mà lại phân biệt nào tâm nào cảnh, nào ngã nào nhơn.

Nên chi thường thường khi niệm chấp có ngã, chấp có pháp, chấp cái thân này là mình, nhận hoàn cảnh là khác với mình, rồi nương theo thân mà có già đau sống chết, nương theo cảnh mà có ưa ghét buồn sợ, luân hồi đời đời kiếp kiếp trong ba cõi.
Tâm niệm lầm lạc đã làm cho chúng ta mê, chúng ta muốn hết mê phải làm thế nào?
Thưa các ngài, người đạp gai thường thấy gai mà lể, vậy chúng ta nên lấy cái tâm niệm không lầm lạc để dứt trừ cái tâm niệm lầm lạc, đến khi tâm niệm không lầm lạc nữa là ngộ.
Tâm niệm không lầm lạc là chi? Tức là “Tứ niệm xứ”.
Tứ niệm xứ là phép tối tiên của người tu hành, là bước ban đầu trên đường giải thoát, dù Tiểu thừa hay Đại thừa cũng đều phải trải qua bước đường này cả.
Thân bất tịnh
Thọ thị khổ
Tâm vô thường
Pháp vô ngã

I. Thân bất tịnh là gì?


Bất tịnh nghĩa là không sạch, là dơ nhớp. Thân bất tịnh nghĩa là cái thân này không chút gì tinh sạch cả.
Người thế gian ai cũng giữ gìn cái thân, quý báu cái thân, dầu làm việc gì cũng là vì cái thân mà làm, cho đến vì cái thân mà hao tiền tốn của, mang tiếng chịu lời cũng không kể, miễn cho cái thân đặng sống.

Thế gian quý hóa cái thân như vậy, nay nghe Phật nói “thân bất tịnh” thì sao cho khỏi nghi hoặc mà cho là quá đáng.
Song, xét cho cùng thì cái thân này nhờ phụ tinh mẫu huyết mà thành, phụ tinh mẫu huyết là vật dơ nhớp, vậy cái thân này đã do những vật dơ nhớp tạo thành, thì làm sao mà tinh sạch cho được. Lúc mới đầu thai, trạng thái nhỏ nhen như bộ trùng, lần lần sinh năm sinh bảy, lớn bằng hột đậu cho đến lớn bằng miếng thịt, đầy những máu me rất dơ nhớp.
Về sau, nhờ sức duy trì của nghiệp thức, lần tượng ra hình người nằm trong bọc nước, cái bọc nước đầy những mồ hôi nước tiểu. Cái thân nằm trong đó đủ chín tháng mười ngày rồi mới ra khỏi bụng mẹ theo con đường rất dơ nhớp, đầy những máu me, rồi nằm trên vũng máu hả miệng oe oe ba tiếng chào đời, thật không chút gì là tinh sạch cả. Đã sanh ra rồi, khi nhỏ nhờ bú sữa, lúc lớn nhờ ăn uống mà càng ngày càng lớn.

Nhưng lạ thiệt, như trong Trí độ luận đã nói: “Bản thị mỹ vị, nhơn chi sở thị, túc tích chi gian, biến thành bất tịnh”. Nghĩa là “Ban đầu là của ngon vật lạ, ai nấy đều thích, mà ăn vào cách chừng một đêm đã biến thành đồ dơ nhớp”.

Cái thân này rõ là một bộ máy để làm ra đồ dơ nhớp. Mà dơ nhớp thiệt. Sớm mai ngủ dậy chưa súc miệng thì trong miệng đã hôi thúi, bốn năm ngày không tắm rửa thì áo quần đã tẩm mồ hôi, đen điu rít rắm. Lại còn nước mũi, ráy tai, lắm chuyện dơ nhớp nữa. Đó là nói về bề ngoài. Về bề trong lại còn dễ sợ hơn. Chẳng nói chi máu me xương thịt, chỉ trong một bộ lòng đã đầy những đồ hôi thúi, chẳng khác gì một thùng phẩn vậy.

Đó là nói khi lành mạnh. Chớ khi đau ốm lại dễ sợ hơn nữa: nào đờm, nào mũi, thúi tha tanh hôi, xiết bao là dơ nhớp. Dơ nhớp như vậy năm sáu chục năm đã đầu bạc mặt nhăn, lưng còm răng rụng, không còn sức sửa soạn bề ngoài, nên càng dơ nhớp hơn nữa. Đến khi chết, nghiệp thức không còn duy trì để thay lớp mới đổi lớp cũ, thì da thịt rã rời đụng đâu rệu đấy, nếu không chôn cất thì không ai chịu nổi cái mùi hôi thúi ấy được.
Vậy thì biết cái thân này rõ là bất tịnh.

Người đời không biết cái thân bất tịnh mà yêu quý cái thân, cưng dưỡng cái thân. Nếu cái thân ưa gì thì ưa, cái thân ghét gì thì ghét, đến nỗi làm nô lệ cho cái thân, gây nghiệp chịu báo đời đời kiếp kiếp mà không tự hối. Vì cái thân mà tham, sân, si. Vì cái thân mà sát, đạo, dâm. Vì cái thân mà vọng ngôn ỷ ngữ, ác khẩu lưỡng thiệt. Trăm ngàn vạn điều dữ cũng đều do cưng dưỡng cái thân này mà tạo thành cả.
Vậy người tu hành cần phải quán sát cho rõ cái thân là bất tịnh, thì mới tránh được những nghiệp dữ và tâm mình mới được vài phần tự chủ.

II. Thọ thị khổ là gì?


Thọ là lãnh thọ. Thọ thị khổ nghĩa là có lãnh thọ thì có khổ. Người ta sanh ra ở đời, từ nhỏ đến lớn không lãnh thọ điều này thì lãnh thọ điều khác. Vậy nói “Thọ thị khổ” cũng không khác chi nói rằng “đời người là khổ”.

Hiện trong thế giới này, người người đương đua nhau về vật chất văn minh, nào quyền lợi, nào danh vọng, nào lầu đài kiểu mới, nào xe điện tàu bay, bàng the lụa là, đàn ca xướng hát v.v..., những phô diễn hằng ngày biết bao là êm tai vui mắt, thế mà tôi lại nói “đời người là khổ” chẳng là quá đáng lắm sao? Thưa không, xin các ngài hãy bình tâm mà suy nghiệm từ khi đầu thai cho đến khi chết trải biết bao là sự cay đắng khổ não.

Khi ở trong thai khác gì ở trong ngục, có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe. Bà mẹ đã có ốm có nhọc thì đã đau đớn khó chịu, tay chọi chân đạp, muốn ra cho khỏi, nhưng chết thì chịu chết, làm sao mà ra đặng. Đến khi mới đẻ, ở trong thai đã quen, bỗng chốc ra ngoài, cảm xúc với cái hoàn cảnh chưa từng quen chịu nên sanh ra đau khổ. Mấy tiếng u oa khi mới lọt lòng là tiêu biểu của sự đau đớn khi mới đẻ.

Từ đấy dần đi, kể biết bao những cảnh bất bình như muốn tắm mà mẹ cứ cho bú, muốn bú mà mẹ cứ bắt tắm; khi muốn ngủ mà mẹ cứ bắt chơi, khi muốn chơi mẹ lại cứ bắt ngủ; muốn nói thì chưa biết nói, mà lắm lúc khóc đã hết hơi cũng chẳng ai biết làm cho vừa ý muốn.
Thế rồi lần lần khôn lớn, biết đi học lại phải lo làm, làm để nuôi sống.
Lại khi lạnh khi nóng, khi đói khi khát là khổ. Cái gì ưa hết sức cầu mà không được là khổ, ân tình cách biệt là khổ, oán cừu gặp gỡ là khổ, những thói quen mê lầm muốn bỏ mà bỏ không nổi là khổ. Nhưng đó chỉ là cái khổ vừa vừa, đến như mấy cái khổ sau này mới thiệt là khổ: Những cái khổ khi đau, khi già, khi chết.

Ở đời không chi khổ bằng đau ốm. Cái khổ trong khi đau. Tôi tưởng ai cũng đã kinh nghiệm đến. Mà đau nào phải một chứng đâu, nào là thương hàn, sốt rét, nào là thổ tả, ho lao v.v... Già đau trẻ cũng đau, lớn đau nhỏ cũng đau, trăm ngàn vạn chứng đau kể sao cho xiết. Cái đau trùm khắp cả bầu trời mấy ai tránh khỏi.

Người mạnh khỏe gặp phải cơn đau mà trở thành yếu ớt, nhà đương giàu gặp phải cơn đau mà trở thành cực khổ. Vì đau mà học hành thua kém. Vì đau mà công danh lỡ làng. Chưa nói đến khi bị tật nguyền, nào đui nào điếc, nào què nào bại, nó đã làm cho lắm người hữu dụng trở thành vô dụng. Kịp đến khi già lại càng dễ đau hơn nữa. Tóc bạc răng rụng, lưng mỏi gối dùn, tai lẫn mắt lòa, tinh thần lẫn lộn, ăn không ngon, nằm không ngủ, trời trở thì trở theo trời, khổ sở kể sao cho xiết.
Nhưng khổ như vậy nào phải sống đời được đâu, chừng trong khoảng 100 năm là phải chết. Người đời ai chẳng muốn sống, khi thấy cái chết đến nơi không có sức chống lại thì khổ sở biết là ngần nào.

Cái khổ trong khi chết còn nhiều, khó bề kể xiết. Mà cái khổ sau khi chết cũng không phải là hết đâu. Chúng ta hãy còn muốn sống, thì chết rồi lại sanh ra thân khác, rồi lại phải chịu đủ các sự khổ như khi trước.

Tôi nói như vậy chắc các ngài cho là bi quan và nghĩ rằng trong đời cũng lắm trò vui, chưa chắc toàn là khổ hết. Tôi cũng tạm nhận có cái vui như vậy, nhưng tôi thiết tưởng cái vui ấy chỉ làm nhân cho cái khổ, chỉ là cái vui trong cảnh khổ đó thôi. Xét những cái vui của phần đông người ở đời thì không ngoài danh lợi và ngũ dục. Song danh lợi thì tôi thấy lắm người vì muốn có lợi có danh mà lo ngày lo đêm, ăn không ngon, nằm không ngủ. Rủi không được thăng thưởng hoặc bị lỗ lả thì rực đầu rực óc, khổ sở không phải là ít.

Về ngũ dục thì không ngoài sắc đẹp tiếng hay, mùi ngon vị lạ, cờ bạc rượu chè mà thôi. Nhưng rượu trà thì khổ về say sưa, cờ bạc thì khổ về mất ăn mất ngủ, thiếu trước thiếu sau, vị lạ tiếng hay phải mất công tìm kiếm. Còn vui về tình ái là khi gặp gỡ thì vui, khi xa nhau lại nhớ thương buồn rầu. Lại còn lắm đôi trai gái vì sự trắc trở, muốn trọn chữ tình mà đành phải ném mình vào hang sâu vực thẳm, khổ sở kể sao cho xiết.

Cái vui ở đời không được mấy mà cái khổ đã đeo theo một bên, thiệt chẳng khác chi một bọn tù tội, khi ra đường cũng đùa cũng bỡn, khi rảnh việc cũng rủ nhau đánh lú đánh bài. Tuy trong khi ấy cũng vui cũng sướng, cũng reo cũng cười, nhưng rốt cuộc cái thân tù tội vẫn khổ lại hoàn khổ.
Xét kỹ thì những sự vui ở đời thường sanh ra ba điều khổ là khổ khổ, hành khổ và hoại khổ.

Khổ khổ là vì khổ mà khổ, như vì nhàm chán mà khổ, vì sanh say sưa, nghèo cực, đau ốm mà khổ.
Hoại khổ là vì hết đi mà khổ, ví như đương ưa xem hát bỗng hết giờ phải về là khổ.
Hành khổ là vì vô thường thay đổi mà khổ, ví như một đồ xưa quý báu bị bể đi mà sanh ra khổ.
Cuộc đời khổ như vậy nên trong kinh Niết bàn Phật có dạy: “Tam giới giai vô thường, chư hữu vô hữu lạc”. Nghĩa là tam giới đều vô thường, trong các cõi không có cõi nào là vui cả. Phật thấy chúng sanh chìm đắm trong bể khổ rất đáng thương xót nên chỉ dạy cho chúng sanh biết cái nguyên nhân của sự khổ.

Nguyên nhân của sự khổ là chi? Chính là cái lãnh thọ vậy. Vì chúng ta lãnh thọ cái thân này là thân của chúng ta, lãnh thọ cái này là đáng ưa là thuận cảnh, cái kia là đáng ghét là nghịch cảnh, nên mới hóa ra có khổ.
Ngày xưa có một thầy Bà la môn thấy học trò mình theo Phật, sanh lòng tức giận, muốn đem lý luận mà biện bác thì biện bác không nổi nên trổ ngọn thô bỉ đến mắng nhiếc Phật giữa chúng hội. Thầy Bà la môn mắng nhiếc đã lâu, thấy Phật vẫn vui vẻ yên lành không đáp lại một tiếng, thì càng tức giận hỏi Phật rằng: “Tôi mắng nhiếc ông đã lâu sao ông không nói lại?”.
Phật lại hỏi: “Khi ông tặng người ta một vật gì, người ta không nhận lãnh thì vật ấy về ai?”.
Thầy Bà la môn đáp: “Về tôi chớ về ai”.
Phật liền bảo rằng: “Hèn lâu ông mắng nhiếc, nhưng tôi không lãnh thọ thì cái mắng nhiếc đó trở về phần ông, can chi tôi mà phải đáp lại”.
Thầy Bà la môn nghe nói liền giác ngộ, cúi đầu kính lạy và xin quy y theo Phật.

Vậy là biết cái không lãnh thọ là quý hóa dường nào. Nếu chúng ta tập cái tánh không lãnh thọ, thì sắc đẹp tiếng hay, mùi ngon vị ngọt, danh vọng quyền lợi không thể lay động chúng ta được. Đối với cảnh, tâm vẫn bình thường không thấy cái đáng ưa cũng không thấy cái đáng ghét, không thấy cái đáng mừng cũng không thấy cái đáng buồn, không có cái gì đáng gọi là vui, không có cái gì đáng gọi là khổ, thì mới chắc vui riêng theo đạo lý ra ngoài tất cả các món cảm xúc.

III. Tâm vô thường

Tâm vô thường nghĩa là cái tướng của tự tâm chúng ta là vô thường thay đổi. Tướng của tự tâm là chi? Chính là cái phân biệt rõ biết vậy. Người đời không biết thể chơn như, nhận cái phân biệt rõ biết là cái ta, rồi lầm nhận cái ta đó là thường còn không thay không đổi, như những ngoại đạo chấp có thần ngã hay có linh hồn thường trụ.

Thần ngã là lối chấp của Sổ Luận Sư. Họ chấp rằng cái thần ngã của chúng ta tự tại trong sạch vì phân biệt hiện ra cả vũ trụ, rồi nương theo vũ trụ sanh lòng ưa muốn nên bỏ mất tánh tự tại trong sạch. Vậy muốn cho thần ngã được giải thoát thì phải dứt cả các món phân biệt, dứt cho hết sạch không thấy không nghe, không hay không biết nữa thì thần ngã mới được tự tại trong sạch như trước và mới nhận biết rằng vì mình mới sanh ra có vũ trụ.

Họ cho như vậy là rốt ráo mà không biết đó chỉ là ma cảnh trong hành ấm.
Còn linh hồn là lối chấp của phần nhiều Thần giáo hiện thời, họ cho rằng duy cái xác thịt chết, chớ cái linh hồn không chết. Cái linh hồn kia cũng biết mình là ai, cũng thấy cũng nghe như xác thịt, duy có một điều là cái hình chất của linh hồn con mắt thịt không thấy được mà thôi.
Vì muốn đối trị những vọng chấp như kia, nên Phật phải dạy lý tâm vô thường, để cho chúng sanh chứng biết cái tâm không phải là một vật chết đứng, vô dụng. Nó là pháp vô thường có thể thay đổi đủ vành đủ cách, tùy chỗ tu tập của mình mà tấn hóa.
Kinh Niết bàn có câu: “Tâm nhược thường giả tắc bất ưng ngôn; ngã vật tha vật nhược sanh nhược tử. Tâm nhược thường giả, tuy hữu sở tác bất ưng tăng trưởng. Thiện nam tử, dĩ thị nghĩa cố, đương tri tâm tánh các các sai biệt, hữu biệt dị cố, đương tri vô thường”. Nghĩa là nếu tâm là thường thì không thể nói vật của mình hay vật của người là sống hay là chết. Nếu tâm là thường thì tuy có tu hành cũng không tăng trưởng được.

Thiện nam tử, vì những nghĩa ấy nên biết, tâm tánh mỗi mỗi đều sai khác; đã có sai khác thì biết vô thường. Mà thật vậy, nếu cái tâm là thường thì không thể nói có chết có sống. Nếu tâm là thường, thì người dốt cứ dốt, người vụng cứ vụng, người dữ cứ dữ, lúc sinh ra thế nào về sau cũng thế ấy, không thay đổi được.

Nếu tâm là thường thì không có nhân quả, tu cũng chừng ấy, không tu cũng chừng ấy, dữ cũng chừng ấy mà lành cũng chừng ấy, cho đến người có học, người không học cũng như nhau, người có kinh nghiệm, người không kinh nghiệm cũng như nhau, thiệt không nghĩa lý gì cả.

Hiện nay chúng ta thì không phải thế. Cái tâm của chúng ta khi nhỏ khác, khi lớn khác, khi có học khác, khi chưa học khác, khi vui khi buồn , khi thương khi ghét, khi chuyên niệm về một chỗ, khi tán loạn bởi trần duyên, không có chi đáng gọi là thường cả.
Chúng sanh không biết cái tâm là vô thường nên lầm nhận thiệt có cái ta, rồi nương theo đó mà sanh ra biết bao nhiêu là vọng tưởng. Tất cả phiền não từ tham, sân, si cho đến hãm, cuốn, kiêu, hại, cũng đều do ngã chấp tạo thành cả. Lại cũng vì chấp tâm là thường nên chi chi cũng cho là bản tánh của mình. Tánh tôi hay nóng giận, tánh tôi hay tham lam, tánh tôi ưa đờn ca xướng hát, tánh tôi ưa cờ bạc rượu chè mà không chịu nâng cao tâm trí theo con đường chân chánh.
Vậy chúng ta hằng ngày thường phải quán xét xái tâm là vô thường, đổi cái tâm mê lầm ra cái tâm giác ngộ đặng phá trừ ngã chấp và ra khỏi luân hồi sanh tử.

IV. Pháp vô ngã

Pháp theo tiếng Phạn là Dharma, nghĩa là Quỷ trì, tức là nhiệm trì tự tánh, quỷ sanh vật giải. Ví như cây mai, nó nắm giữ tự tánh cây mai, không phải cây đào cây lý, nên gọi là Nhiệm trì tự tánh. Nó lại có tánh cách của nó, cây thế nào, lá thế nào, bông thế nào, đủ làm khuôn phép để cho ai thấy có thể nhận biết là cây mai, thì gọi là Quỷ sanh vật giải. Cái gì có Nhiệm trì tự tánh, Quỷ sanh vật giải thì gọi là pháp. Nghĩa chữ pháp rộng lớn mênh mông, chẳng những các vật hữu hình, cho đến các vật vô hình, các tâm vương, tâm sở, các pháp thế gian, các pháp xuất thế gian cũng đều gọi là pháp cả.
Cu xá luận chia các pháp ra 75 món là:
Sắc pháp 11
Tâm pháp 1
Tâm sở pháp 46
Bất tương ưng hạnh pháp14
Vô vi pháp 3
Sắc pháp, Tâm pháp, Tâm sở pháp có chỗ đã nói rõ rồi, tuy Đại thừa với Tiểu thừa có khác nhau một ít, nhưng cũng có nhiều chỗ đồng nhau lắm.
Bất tương ưng hạnh pháp là những hạnh không tương ưng với tâm do phận vị đối đãi của Tâm pháp và Sắc pháp giả dối thi thiết, tuy không thể nói là Tâm pháp, Sắc pháp, nhưng cũng không ngoài Tâm pháp và Sắc pháp được.
Bất tương ưng hạnh pháp nói lược thì có 14 món, nói rộng ra thì có 24 món, là:
Đắc
Vô tưởng định
Diệt tưởng định
Vô tưởng thiên
Mạng căn
Chúng đồng phận
Sanh
Lão
Trụ
Vô thường
Danh thân
Cú luận
Văn thân
Dị sanh tánh
Lưu chuyển
Định dị
Tương ưng
Thứ đệ
Thế tộc
Thời
Phương
Số
Hòa hiệp
Bất hòa hiệp
Các pháp khác về loài ấy cũng đều thuộc về Bất tương ưng hạnh pháp cả.
Nói về Vô vi pháp thì đối với Tiểu thừa duy có ba món, là
1. Hư không vô vi
2. Phi trạch diệt vô vi
3. Trạch diệt vô vi
Do đối trị cái chấp có ngoại sắc mà lập Hư không vô vi. Do đối trị cái chấp thật có sanh diệt mà lập Phi trạch diệt vô vi. Do đối trị các pháp hữu lậu mà lập Trạch diệt vô vi. Trong 75 pháp ấy đã gồm đủ tất cả các pháp.

Còn ngã nghĩa là chủ tể, là riêng có tự tướng của mình ra ngoài tất cả các pháp khác. Trong thế gian thường chấp tất cả các pháp đều có tự tướng. Đối với thân tâm mình, chấp có tự tướng đã đành, mà đối với người khác, vật khác cũng đều chấp rằng thiệt có tự tướng. Thế giới có tự tướng của thế giới, quốc gia có tự tướng của quốc gia, xã hội có tự tướng của xã hội, đoàn thể có tự tướng của đoàn thể, nên đeo đuổi theo hoàn cảnh, buộc chặt theo hoàn cảnh mà không khi nào giải thoát ra được.
Đã chấp có tự tướng của mình, tất nhiên có tự tướng của người khác. Đối với tự tướng của một vật, hễ về mình thì không về kẻ khác, mà về kẻ khác thì không về mình, nên hai bên thường xông xé nhau, xung đột nhau, bên nào cũng muốn cho cái tự tướng của mình được phần hơn cả.
Thế rồi bên nào được thì sanh ra kiêu căng e sợ, bên nào mất thì sanh ra oán hận lo buồn, lửa phiền não càng thêm, nghiệp oan gia càng nặng, lần lần bành trướng ra cả đoàn thể, cả quốc gia, cả xã hội, mặc dầu xương chất như núi, máu chảy thành sông mà nào có biết cái nguyên nhân của những điều kia là vì chấp có tự tướng.

Song, xét cho kỹ thì các pháp nào phải thiệt có tự tướng đâu, nói về lục trần thì sắc đối với không, động đối với tịnh, hữu vị, hữu xúc, hữu hương đối với vô vị, vô xúc, vô huơng, sanh đối với diệt, nào có cái gì riêng một mình thiệt có tự tướng.
Trần đối với căn mà có hình tướng, căn đối với trần mà có tác dụng, ngoài trần thì không có căn, ngoài căn thì không có trần, vậy thì biết tất cả sắc pháp dầu căn dầu trần đều không có tự tướng cả. Còn nói về tâm pháp, tâm sở pháp, thì tâm là năng tri, ngoài sở tri ra, năng tri lấy gì làm tự tướng. Lại vui đối với buồn, lành đối với dữ, giận đối với thương, ưa đối với ghét v.v..., các tâm sở riêng một mình cũng không lấy gì làm tự tướng.

Còn nói về Bất tương ưng hạnh pháp thì xét cho kỹ ngoài sắc pháp, tâm pháp ra, còn cái gì đáng gọi là Bất tương ưng hạnh pháp.
Do trong chỗ nối nhau không xen hở, thấy có nơi sai khác mà gọi là đắc,
do ly các tưởng tượng mà gọi là vô tưởng,
do diệt các tâm pháp có gián đoạn và một phần tâm pháp tương tục mà gọi là diệt tận định,
do sanh vào một cõi đã diệt hiện hạnh của các tâm sở cố gián đoạn mà gọi là Vô tưởng thiên,
do nghiệp trước thành thục mà dẫn đến thọ sanh ở một chỗ nào gọi là mạng căn,
do các loài hữu tình có tánh giống nhau mà gọi là chúng đồng phận,
do cái mê lầm vô thỉ làm cho luân hồi kiếp này kiếp khác mà gọi là dị sanh tánh,
do nhân duyên hòa hiệp pháp khởi mà gọi là sanh,
do trước sau thay đổi khác nhau mà gọi là lão,
do tiếp tục không gián đoạn mà gọi là trụ,
do gián đoạn hư nát mà gọi là vô thường,
do giả dối kiến lập những tên để kêu gọi các pháp mà gọi là danh thân, 
do nhóm góp các danh, phô bày ý nghĩa mà gọi là cú thân,
do muốn phát hiện danh thân, cú thân nơi sắc trần, phải giả dối đặt ra chữ gọi là văn thân,
do nhân quả nối nhau không dứt mà gọi là lưu chuyển,
do cái này đối với cái khác không đồng nhau mà gọi là định dị,
do cân xứng với nhau mà gọi là tương ưng,
do các món lưu chuyển có kíp có chầy mà gọi là thế tốc,
do tương đối lưu chuyển lớp này đến lớp khác mà gọi là thứ đệ, trong các thứ đệ lập ra có trước có sau mà có thời,
do các sắc pháp đối đãi với nhau chia ra từng ngằn mà có phương,
do đối với một pháp, nói tóm các pháp đồng loại mà lập ra có số,
do nhân duyên tụ hội mà lập ra hòa hiệp,
do nhân duyên chia rẽ mà lập ra bất hòa hiệp.
Các Bất tương ưng hạnh pháp như vậy đều là giả pháp nên không có tự tướng.
Còn các pháp vô vi là đối với các pháp hữu vi mà có, ngoài các pháp hữu vi ra, không còn gì đáng gọi là vô vi, nên các pháp vô vi riêng một mình cũng không có tự tướng.
Trong kinh Lăng nghiêm Phật có dạy: “Nhân duyên hòa hiệp, hư vọng hữu sanh, nhơn duyên biệt ly, hư vọng danh diệt”. Nghĩa là nhân duyên nhóm hiệp thì giả dối có sanh ra, các nhân duyên chia rẽ thì giả dối gọi rằng chết. Vậy thì biết tất cả các pháp đều nhân duyên với nhau mà in tuồng là có chứ không có tự tướng. Không có tự tướng tức vô ngã.
Ví như trong giấc chiêm bao, vì nhân duyên chiêm bao hiện ra thân này cảnh khác, đương khi ấy người chiêm bao cũng lầm nhận là thiệt có; đến khi tỉnh dậy mới biết nó chỉ là cảnh giới giả dối trong chiêm bao. Chúng ta cũng vậy, vì mê lầm không nhận được chỗ chân thật, nên trong khi tâm duyên với cảnh, cảnh duyên với tâm, hiện ra vạn pháp giữa vũ trụ, chúng ta cũng tưởng là thiệt có đó thôi; Thiệt ra, các pháp đều không có tự tướng, đều là vô ngã.
Chúng sanh không biết lý pháp vô ngã nên ngoài bị hoàn cảnh kích thích, trong bị phiền não lay động, tuy muốn tự tại mà chưa hề lúc nào được tự tại, muốn an vui mà chưa hề lúc nào được an vui, muốn thanh tịnh mà thường chan chứa những phiền não, muốn thường trụ mà vẫn phải trôi lăn trong vòng sanh tử.
Nếu chúng sanh chứng được pháp vô ngã rồi thì một thể vô ngã trùm khắp cả pháp giới, cảnh cũng vô ngã, phiền não cũng vô ngã, tâm thức cũng vô ngã, còn cái chi đâu nữa mà làm cho ưa ghét vui buồn, còn ai đâu nữa mà chịu luân hồi sanh tử.
Pháp vô ngã là lối tu giải thoát rất rốt ráo. Nếu ai ai cũng biết tu hạnh vô ngã một đôi phần, thì đâu còn những lối ích kỷ hại nhân, mà cảnh tượng thế giới hòa bình, về sau mới có ngày thực hiện.
Trong ngày hôm nay tôi đã giảng rõ vì sao mà biết rằng thân bất tịnh, thọ thì khổ, tâm vô thường, pháp vô ngã. Sau này tôi xin giảng riêng về lối tu tập đặng chứng bốn pháp ấy.
Phật học cao đẳng học sanh
Thích Chánh Thống

 

   
Về Đầu Trang Go down
http://<marquee>mytutru_welcome.. tứ trụ kính chúc T
mytutru

mytutru

Tổng số bài gửi : 11074
Registration date : 08/08/2009

Tứ Niệm Xứ  Empty
Bài gửiTiêu đề: Tứ Diệu Đế    Tứ Niệm Xứ  I_icon13Sat 28 Jul 2018, 22:52

Tứ Niệm Xứ  FkneRfhixACegPAF-aLgJDaKUiUYXVWXvtHQfZEexVaWhXFbZWjc8gBqGbESyeBby_l5wMFjzZaqs-Bdtomor8ZZs1dM6XvxK0i1-r-j9NEhQnLIFbNhJZVwzQyRGwQ1hPnxdPUR

TẬP MỘT
Phần II - Bài 1
Bốn Chân Lý (Tứ Diệu Đế)
Thích Viên Giác
---
A- Dẫn nhập
-
Một hôm, Đức Phật đang ở tại Kosambi trong rừng cây simsàpa, Ngài nhặt một ít lá simsàpa đưa lên hỏi: «Này các Tỳ kheo, các ông nghĩ thế nào?
Lá simsàpa ở trong tay ta nhiều hay là ở trong rừng simsàpa nhiều?«.
«Bạch Đức Thế Tôn, lá trong tay Thế Tôn quá ít, còn lá trong rừng simsàpa thì quá nhiều«.
Phật dạy: «Cũng vậy, này các Tỳ kheo, điều ta biết thì quá nhiều, nhưng những gì ta dạy cho các ông thì rất ít; nhưng đó là những gì cần thiết và căn bản cho sự giải thoát.
* Những gì ta đã dạy cho các ông? Chính là «Đây là Khổ«, «Đây là Khổ tập«, «Đây là Khổ diệt«, «Đây là con đường đưa đến Khổ diệt«
(Tương Ưng V).
-
Giáo lý Tứ đế là nền tảng của hệ thống giáo lý đạo Phật.
Ngay sau khi Đức Phật thành đạo, Ngài đến vườn Nai thuyết pháp cho năm anh em Kiều Trần Như, những bạn tu khổ hạnh với Ngài trước đây; nội dung bài thuyết giáo đầu tiên ấy là Tứ diệu đế.
Từ đó, xuyên suốt hành trình hoằng hóa của Ngài, giáo lý Tứ diệu đế được triển khai, mở rộng.
Đức Phật nhiều lần xác định về tầm quan trọng và siêu việt của giáo lý Tứ đế, Ngài dạy: «Những bậc A La Hán chánh đẳng giác ở trong quá khứ, ở trong tương lai hay hiện tại, được coi là vị Chánh đẳng giác đúng nghĩa là Chánh đẳng giác về Bốn thánh đế« (Tương Ưng V).

Mục đích của đạo Phật là giải thoát mọi đau khổ, vì vậy các pháp môn được thiết lập, mọi nỗ lực tu tập đều hướng về mục tiêu ấy.
Giáo lý Tứ điệu đế được coi là thiện pháp tối thắng.
Ngài Xá Lợi Phất nhận định: «Ví như tất cả dấu chân của mọi loài động vật đều bị nhiếp trong dấu chân voi, vì dấu chân này lớn nhất trong tất cả dấu chân.
Cũng vậy, chư hiền giả, tất cả các thiện pháp đều tập trung trong Tứ thánh đế« (Trung Bộ kinh I).
Đức Phật cũng dạy: «Này các Tỳ kheo, nếu có ai nói rằng không cần xây dựng tầng dưới của ngôi nhà, tôi sẽ xây tầng trên của ngôi nhà, sự kiện này không thể xảy ra.
Cũng vậy, nếu có ai nói rằng không cần giác ngộ Tứ thánh đế, ta sẽ đoạn diệt khổ đau, sự kiện này không thể xảy ra« (Tương Ưng V).

Cho đến lúc sắp nhập Niết bàn dưới cây sa la song thọ, một lần cuối, Ngài nhắc lại giáo lý Tứ đế: «Các thầy Tỳ kheo, đối với Bốn chân lý, các thầy còn hoài nghi chỗ nào thì có thể chất vấn tức khắc, không nên giữ sự hoài nghi mà không cầu giải đáp« (kinh Di Giáo, Trí Quang dịch).
Như vậy, tầm quan trọng của giáo lý Tứ diệu đế đã được xác định bởi chính Đức Phật và những đệ tử xuất sắc của Ngài.
Trải qua hơn 2.500 năm, giáo lý Tứ diệu đế vẫn được tất cả các bộ phái Phật giáo, Nguyên thủy hay Đại thừa, đều xiển dương và hành trì.
B- Nội dung
I- Định nghĩa
Tứ diệu đế là Hán dịch từ chữ Phạn Catvary Aryasatyani.
Arya là Diệu, cao quý, mầu nhiệm; Satya là Đế, là sự thật, là chân lý.
Tứ diệu đế còn được gọi là Tứ chân đế, Tứ thánh đế, Bốn chân lý mầu nhiệm.
1- KHỔ ĐẾ QUỐC (Dukkha): là thực trạng đau khổ của con người.
2- TẬP ĐẾ (Samudaya): là nguồn gốc hay nguyên nhân dẫn đến thực trạng đau khổ.
3- DIỆT ĐẾ (Nirodha): là sự kết thúc hay sự chấm dứt khổ đau.

4- ĐẠO ĐẾ (Magga): là con đường hay phương pháp thực hành dẫn đến chấm dứt khổ đau.
Giáo lý Tứ diệu đế được nói đến trong các kinh: Đế phân biệt tâm kinh (Trung Bộ III), kinh Phân biệt thánh đế (Trung A Hàm), kinh Chuyển pháp luân (Tương Ưng & Tạp A Hàm), và rải rác trong kinh tạng Pàli cũng như Hán tạng.
II- Nội dung Tứ diệu đế
1)- Khổ đế (Dukkha): Khổ đau là một thực trạng mà con người cảm nhận từ lúc lọt lòng mẹ cho đến khi nhắm mắt xuôi tay, không ai phủ nhận điều ấy.
Con người luôn có xu hướng vượt thoát khổ đau, tìm kiếm hạnh phúc, nhưng vì không hiểu rõ bản chất của khổ đau nên không tìm được lối thoát thực sự; đôi khi ngược lại, càng tìm kiếm hạnh phúc càng vướng vào khổ đau.
Khổ đế là một chân lý, một sự thực về bản chất cái khổ.
Đức Phật dạy: «Này các Tỳ kheo, sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, thương yêu mà biệt ly là khổ, mong cầu mà không được là khổ.
Tóm lại, chấp thủ năm uẩn là khổ« (Tương Ưng V).
Như vậy, Khổ có thể chia làm 3 phương diện như sau:
a)- Về phương diện sinh lý: Khổ là một cảm giác khó chịu, bức xúc, đau đớn.
Khi ta bị một gai nhọn đâm buốt bàn chân hay một hạt cát vào trong mắt khó chịu...
Đây là sự bức bách đau đớn của thể xác.
Sự đau đớn của thể xác rất lớn, như Lão Tử nói: «Ngô hữu đại hoạn do ngô hữu thân«
(Có thân nên có khổ).
* Con người sinh ra đã vất vả khốn đốn; lớn lên già yếu, bệnh tật khốn khổ vô cùng; và cuối cùng, cái chết: sự tan rã cuối cùng của thể xác đem đến khổ thọ lớn lao.
b)- Về phương diện tâm lý: Là sự khổ đau do không toại ý, không vừa lòng v.v... Sự không vừa ý sẽ tạo nên nỗi đau đớn về tâm lý.
Những mất mát, thua thiệt trong cuộc đời làm mình khổ.
Người mình thương muốn gần mà không được, người mình ghét mà cứ gặp gỡ hoài, mình muốn tiền tài, danh vọng, địa vị nhưng nó cứ vụt qua ngoài tầm tay của mình.
Cuộc đời như muốn trêu ngươi, những ước mơ không toại ý, lòng mình luôn trống trải, bức bách v.v... Đây là nỗi khổ thuộc về tâm lý.
-
c)- Khổ là sự chấp thủ năm uẩn (Upadana-skandhas): Cái khổ thứ ba này bao hàm hai cái khổ trên, như trong kinh đã dạy: «Chấp thủ năm uẩn là khổ«.
Năm uẩn là 5 yếu tố nương tựa vào nhau để tạo thành con người, gồm có: thân thể vật lý và cấu trúc tâm lý như: cảm giác, niệm tưởng, hành và thức (sắc, thọ, tưởng, hành, thức).
* Nói một cách tổng quát, khi ta bám víu vào 5 yếu tố trên, coi đó là ta, là của ta, là tự ngã của ta, thì sự khổ đau có mặt.
Ý niệm về «thân thể tôi«, «tình cảm tôi«, «tư tưởng tôi«, «tâm tư tôi«, «nhận thức của tôi«... hình thành một cái tôi ham muốn, vị kỷ; từ đó, mọi khổ đau phát sinh.
Mọi khổ đau, lo lắng, sợ hãi, thất vọng, điên cuồng đều gắn liền với ý niệm về «cái tôi« ấy.
Tóm lại, cái khổ về mặt hiện tượng là cảm giác khổ về thân, sự bức xúc của hoàn cảnh, sự không toại nguyện của tâm lý.
Về mặt bản chất, khổ đau là do sự chấp thủ, ngã hóa năm uẩn.
2)- TẬP ĐẾ (Samudaya): Tập là tích tập, các phiền não tụ hội tạo thành năng lực đưa đến khổ đau; đây là nguyên nhân, là nguồn gốc của các khổ.
Khi nhận thức được bản chất của khổ một cách rõ ràng, ta mới có thể đi vào con đường đoạn tận khổ đau (Đạo đế).
Cuộc đời là khổ đau hay không khổ? Câu trả lời là tùy thuộc vào thái độ tâm lý, cảm thọ và nhận thức của mỗi người; nguyên nhân của khổ có nguồn gốc sâu xa trong tâm tưởng của con người.
Phật giáo cũng nhìn thấy các nguyên nhân của đau khổ; có cái phát sinh từ vật chất hay hoàn cảnh xã hội, nhưng nguyên nhân thật sự vẫn là tâm thức.
Nguyên nhân của khổ thường được các kinh đề cập chính là tham ái, do tham ái mà chấp thủ, bám víu vào các đối tượng của tham ái.
Sự khao khát về dục lạc sẽ dẫn đến khổ đau, bởi vì lòng khao khát ấy không bao giờ thỏa mãn.
Nguyên nhân sâu hơn và căn bản hơn chính là vô minh, tức là si mê không thấy rõ bản chất của sự vật hiện tượng đều nương vào nhau mà sinh khởi, đều vô thường và chuyển biến, không có cái chủ thể, cái bền vững độc lập ở trong chúng.
Do không thấy rõ nên sinh tâm tham muốn, ôm giữ lấy các đối tượng lạc thú.
Do không thấy rõ mới lầm tưởng rằng «cái tôi« là quan trọng nhất, là cái có thực cần phải bám víu, củng cố và thỏa mãn nhu cầu của nó.
Nói cách khác, do vô minh mà có chấp thủ «cái tôi« và «cái của tôi« như thân tôi, tình cảm tôi, tư tưởng tôi...
Người yêu của tôi, tài sản của tôi, sự nghiệp của tôi...
Do những chấp thủ ấy mà có những nỗi thống khổ của cuộc đời.
Tóm lại, chúng ta có thể nhận thấy một cách rõ ràng, khổ hay không là do lòng mình; lòng mình đầy tham lam, chấp thủ, nhận thức sai lầm thì khổ là chắc chắn.
Nói cách khác, do cái nhìn của mỗi người đối với cuộc đời mà có khổ hay không.
Nếu không bị sự chấp ngã và dục vọng vị kỷ hay phiền não khuấy động, chi phối, ngự trị trong tâm thì cuộc đời đầy an lạc, hạnh phúc.

3)- DIỆT ĐẾ (Nirodha): Diệt là chấm dứt, là dập tắt. Diệt đế là sự chấm dứt hay dập tắt phiền não, nguyên nhân đưa đến đau khổ và sự chấm dứt khổ đau; cũng có nghĩa là hạnh phúc, an lạc.
Diệt đế đồng nghĩa với Niết bàn (Nirvana/Nibbàna).
Đạo Phật xác nhận cuộc đời đầy dẫy những đau khổ, đồng thời cũng xác định có một sự thật khác nữa là an lạc, hạnh phúc. Vì vậy mà có sự tu tập để đạt được hạnh phúc. Hạnh phúc là gì? Hạnh phúc có các mức độ khác nhau.
a)- Hạnh phúc tương đối: Một khi bạn đã làm lắng dịu lòng tham ái, chấp thủ, thì những nỗi lo âu, sợ hãi, bất an giảm hẳn, thân tâm của bạn trở nên thanh thản, đầu óc tỉnh táo; bạn nhìn mọi vấn đề trở nên đơn giản và rộng lượng hơn.
Đó là một hình thức của hạnh phúc. Kinh Trung Bộ có một ví dụ: Có một người con trai đang yêu một cô gái.
* Tình cờ, anh ta bắt gặp cô gái nói chuyện, cười đùa với một chàng trai khác.
Tâm hồn của người con trai đang yêu ấy bị xáo trộn mạnh mẽ, khó chịu, bực bội và đau khổ.
Thời gian sau, người con trai ấy không còn yêu thương cô gái ấy nữa; lần này, anh ta gặp cô ái ấy đang nói chuyện, cười đùa với những chàng trai khác, nhưng hình ảnh ấy không làm tâm hồn anh ta đau đớn nữa.
* Cũng vậy, nhờ tâm trí không bị chi phối bởi những tư tưởng chấp thủ, nhờ không bị đun nóng bởi các ngọn lửa phiền muộn, lo lắng, sợ hãi, mà tâm ý của bạn trầm tĩnh và sáng suốt hơn, khả năng nhận thức sự vật hiện tượng sâu sắc và chính xác hơn, bạn tạo nên một phép lạ:
Thân tâm được chuyển hóa, thái độ ứng xử của bạn đối với mọi người độ lượng, bao dung và khiêm tốn; đối với của cải, tài sản, danh vọng trở nên thanh thản hơn, không còn bị áp lực của nó đè nặng lên trái tim mình.
Trên cơ sở ấy, bạn hưởng thụ đời sống có phẩm chất hơn.
Tóm lại, tùy vào khả năng giảm thiểu lòng tham, sân và vô minh đến mức độ nào thì đời sống của bạn sẽ được tăng phần hạnh phúc lên mức độ ấy.
-
Nếu bạn phát triển hạnh phúc tinh thần cao hơn bằng cách tu tập thiền định thì bạn sẽ có sự an lạc tuyệt vời.
* Đức Phật dạy: «Có người có thể không bị bệnh về thể xác trong một năm hay có thể đến cả trăm năm, nhưng thật hiếm có người không bị bệnh về tinh thần, dù chỉ trong một phút«.
Những tâm lý được coi là bệnh của tinh thần gồm có 5 trạng thái tâm lý, thường gọi là 5 triền cái: tham lam, sân hận, hôn trầm ngủ nghỉ, dao động và hối hận, hoài nghi và do dự.
* Khi 5 loại tâm lý này có mặt, nó sẽ trói buộc và ngăn che tâm trí bạn; loại trừ chúng thì tinh thần sẽ sáng tỏ thanh tịnh và an lạc như mặt trăng thoát khỏi mây che.
Các trạng thái hạnh phúc tinh thần này được gọi là Tứ thiền.
b)- Hạnh phúc tuyệt đối: Trên nền tảng hạnh phúc tinh thần, bạn phát triển tuệ quán, hướng tâm đến đoạn trừ toàn bộ phiền não vi tế, thâm sâu, bạn có thể đạt hạnh phúc tuyệt đối, tối thượng là Niết bàn.
Diệt đế chính là Niết bàn.
Niết bàn là sự thanh tịnh, là hạnh phúc tuyệt đối. Đức Phật dạy: «Vô bệnh lợi tối thắng, Niết bàn lạc tối thắng« (K.Magandiya, TBK II).
-
Niết bàn còn được diễn tả dưới nhiều danh từ khác nhau, tiêu biểu như: vô sanh, giải thoát, vô vi, vô lậu, đáo bỉ ngạn, tịch tịnh, chân như, thực tướng, pháp thân...
Niết bàn không phải là đối tượng của tư duy, khái niệm hay ngôn ngữ.
Đây là trạng thái an lạc, hạnh phúc tuyệt đối khi tâm ý đã vắng mặt tham, sân, si.
Chúng ta thường quan niệm Niết bàn như một cảnh giới, một cõi nào đó cao cấp hơn cõi người, như là cõi thiên đường của các tôn giáo khác; đó là một sai lầm lớn.
Niết bàn vượt thoát mọi khái niệm đối đãi về thời gian, không gian, có, không, lớn, nhỏ...
Dù vậy, Niết bàn không phải là hư vô, mà là một thực tại thanh tịnh, siêu việt, không nằm trong phạm vi phân biệt của ý thức, hay nói cách khác, không thể nhận thức được Niết bàn khi đang còn tham, sân, si.
Một vị Thiền sư nói: «Hãy nhìn những rặng núi, những con suối chảy, những rừng cây xanh ngắt đẹp tuyệt vời kia.
* Khi biết nhìn mọi vật với một nhãn quan mới, một nhãn quan không bị chi phối bởi tham sân si, thì cảnh đẹp kia chính là Niết bàn đó !

Niết bàn không phải là một nơi chốn nào khác biệt với thế gian, một cảnh giới nào mà người ta có thể tìm đến. Niết bàn chính là ở đây«.
Đức Phật và các vị Bồ Tát, A La Hán đã đạt Niết bàn ngay trong đời sống này.
Điều đó nghĩa là Niết bàn nằm ngay trong tầm tay của mỗi người.
Biểu hiện của Niết bàn là không còn tạo nghiệp và không còn tái sinh.
4)- Đạo đế (Magga): Đạo là con đường, là phương pháp thực hiện để đạt được an lạc, hạnh phúc trong đời sống hàng ngày hay hạnh phúc tuyệt đối Niết bàn.
Như vậy, toàn bộ giáo lý mà Đức Phật đã dạy đều là Đạo đế, tổng quát và căn bản gồm có 37 pháp, thường gọi là 37 phẩm trợ đạo.

Đức Phật dạy: «Này các Tỳ kheo, đây là những pháp do ta chứng ngộ và giảng dạy, các con phải khéo học hỏi, thực chứng tu tập, truyền bá rộng rãi để chánh pháp được trường tồn, vì hạnh phúc cho chúng sinh, vì an lạc cho chúng sinh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người.

Đó là Bốn niệm xứ, Bốn chánh cần, Bốn thần túc, Năm căn, Năm lực, Bảy Bồ đề phần, Tám thánh đạo phần« (kinh Đại Bát Niết Bàn).
Trong 37 pháp thì Tám thánh đạo được coi là tiêu biểu và căn bản nhất của Đạo đế.
Tám thánh đạo, còn gọi là Tám chánh đạo - con đường chân chính - có 8 chi phần:
1)- Chánh kiến (Sammà Ditthi): Thấy và hiểu đúng đắn, nghĩa là nhận thức đúng về đạo đức của cuộc sống, cái nào là thiện, cái nào là ác.
Nhận biết đúng về bản chất của sự vật là vô thường, vô ngã, duyên sinh.
Nhận thức rõ bản chất của khổ, nguyên nhân của khổ, sự diệt khổ và con đường đưa đến hết khổ.
2)- Chánh tư duy (Sammà Sankappa): Suy nghĩ đúng đắn, nghĩa là đừng để đầu óc của mình nghĩ ngợi những vấn đề bất thiện như tham dục, tức tối giận hờn, bạo động hãm hại...
Dẫn tư duy của mình hướng về tâm cao thượng như tư duy về sự buông thả, sự giải thoát, về thương yêu giúp đỡ chúng sinh, về sự bất bạo động, nhẫn nhục, trầm tĩnh.
-
3)- Chánh ngữ (Sammà Vàcà): Ngôn ngữ đúng đắn, nghĩa là không nói những lời đưa đến đau khổ, chia rẽ, hung bạo, căm thù. Nói những lời lẽ đưa đến xây dựng niềm tin, đoàn kết hòa hợp, thương yêu và lợi ích.
4)- Chánh nghiệp (Sammà Kammanta): Hành vi đúng đắn, nghĩa là không có hành vi giết hại, trộm cướp, hành dâm phi pháp.
Thực hành sự thương yêu, cứu giúp, không ham muốn thú vui bất thiện.
-
5)- Chánh mạng (Sammà Ajivà): Đời sống đúng đắn, nghĩa là phương tiện mưu sinh, nghề nghiệp chân chính, không sống bằng những nghề phi pháp, độc ác, gian xảo.
6)- Chánh tinh tấn (Sammà Vàyàma): Nỗ lực đúng đắn, nghĩa là nỗ lực đoạn trừ điều ác, nỗ lực thực hành điều thiện.
7)- Chánh niệm (Sammà Sati): Nhớ nghĩ đúng đắn, nghĩa là đừng nhớ nghĩ các pháp bất thiện, đừng để cho các đối tượng bất chính dẫn dắt mình đi lang thang. An trú tâm ý vào thiện pháp, không quên thiện pháp.
-
8)- Chánh định (Sammà Samàthi): Tập trung tư tưởng đúng đắn, nghĩa là đừng để tâm thức bị rối loạn, tập trung tư tưởng làm an tịnh tâm thức một cách đúng đắn, có hiệu quả phát triển tuệ giác.
Mối quan hệ giữa các chi phần Bát chánh đạo là không thể phân ly, chi phần này có trong chi phần kia, cái kia hỗ trợ cho cái này.
Tám chánh đạo có thể chia làm 3 bước là Giới, Định và Tuệ.
Giới là Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng; Định là Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định; Tuệ là Chánh kiến, Chánh tư duy.
Xác định Bát chánh đạo là con đường đưa đến giải thoát, Đức Phật dạy: «Này Subhadda, trong pháp luật nào không có Bát thánh đạo thì ở đấy không có Tứ quả Sa môn« (kinh Đại Bát Niết bàn, TB I).
Đức Phật dạy thêm: «Nếu những Tỳ kheo sống chân chính (theo Bát chánh đạo) thì cõi đời này không thiếu vắng những vị A La Hán«.
Con đường tu tập của Đạo đế là con đường nỗ lực tự thân của mỗi hành giả Phật tử; con đường ấy vừa thực tiễn vừa có hiệu quả ngay tại đời sống này.
III- Tu tập Bốn chân lý
Giáo lý đạo Phật không phải là một học thuyết, mà là một công trình tu tập, có thực hành mới biến lý thuyết thành thực tiễn, thành chất liệu sống trong mỗi con người, như ăn cơm mới no, uống nước mới hết khát.
Đó là chỗ khó khăn của người Phật tử, không thể nhờ cậy vào ai tu giúp cho mình, hoặc ai ban cho mình được giải thoát, hết khổ.
Trong kinh đưa ra 3 giai đoạn nhận thức và hành trì đối với Bốn chân lý, thuật ngữ gọi là Tam chuyển: Thị chuyển, Khuyến chuyển, Chứng chuyển.
1)- Đối với Khổ đế:Thị chuyển là nhận thức, hay nhận diện cái khổ.
Thấy được khổ là bước đầu tiên; nếu không thấy, không biết thì sẽ không có hành động diệt khổ.
Khuyến chuyển là đi sâu hơn vào bản chất cái khổ, khởi lên ước muốn đoạn trừ khổ. Chứng chuyển cảm nhận một cách sâu sắc và toàn diện về bản chất của khổ đau.
2)- Đối với Tập đế: Thị chuyển là nhận diện nguyên nhân đưa đến đau khổ. Khuyến chuyển là khởi lên ước muốn đoạn trừ các nguyên nhân ấy. Chứng chuyển là tu tập, nỗ lực để đoạn trừ chúng.
3)- Đối với Diệt đế: Thị chuyển là nhận thức được sự vắng mặt của đau khổ là hạnh phúc, là không có đau khổ, ta phải thấy điều ấy.
Khuyến chuyển là khởi lên ước muốn được hạnh phúc, hưởng được niềm vui, thanh thản an lạc của đời sống.
* Chứng chuyển là đạt được, hưởng thụ thật sự trạng thái an lạc ấy.
4)- Đối với Đạo đế: Thị chuyển là nhìn thấy con đường, thấy được phương pháp diệt khổ, thấy rõ rằng đây là con đường đưa đến giải thoát; nói cách khác, thấy được lối thoát !
Khuyến chuyển là khởi lên ước muốn đi trên con đường ấy, khởi hành trên lộ trình ấy.
Chứng chuyển là đi trên con đường ấy một cách trọn vẹn.
Tóm lại, đối với mỗi chân lý, chúng ta đều phải nhận thức rõ ràng.
Từ nhận thức thông suốt sẽ dẫn đến ước muốn hành động, và cuối cùng đạt được mục đích.
Chúng ta phải thấy rõ diễn biến của hành vi, ngôn ngữ và tư duy của chính mình, cái nào có đau khổ, gây ra đau khổ, ta phải nhận diện và diệt trừ chúng; ta chuyển hóa nó để hưởng được niềm an bình hạnh phúc của Diệt đế.
Hạnh phúc hay đau khổ đều xuất phát từ nơi thân tâm của chúng ta.
C- Kết luận
Con người đau khổ không phải vì thiếu thốn vật chất, tiền của, danh vọng, mà chính là vì vô minh.
Sự mê muội làm cho con người chưa nhận thức đúng đắn bản chất của cuộc đời.
Đạo Phật chỉ dẫn cho con người một hướng đi, một lối thoát, cung cấp phương tiện để cho con người khai mở kho tàng trí tuệ của chính mình.
* Định nghĩa về vô minh, Đức Phật dạy: «Chính là không biết rõ khổ, nguyên nhân của khổ, sự diệt khổ và con đường đưa đến diệt khổ, này các Tỳ kheo, đấy gọi là vô minh« (Tương Ưng V).
Và ngược lại là minh, là trí tuệ.
Dưới cái nhìn của trí tuệ, mối quan hệ duyên sinh của Bốn chân lý hiển lộ rõ ràng, thấy được một chân lý là thấy được toàn bộ chân lý.
Đức Phật dạy: «Này các Tỳ kheo, ai thấy khổ, người ấy cũng thấy nguyên nhân của khổ, thấy khổ diệt, thấy con đường đưa đến khổ diệt. Ai thấy được nguyên nhân của khổ, cũng thấy được khổ, thấy được khổ diệt và con đường đưa đến diệt khổ.
Ai thấy được khổ diệt, cũng thấy được khổ, nguyên nhân của khổ, con đường đưa đến khổ diệt.
Ai thấy được con dường đưa đến khổ diệt, thì cũng thấy được khổ, nguyên nhân của khổ và sự diệt khổ« (Tương Ưng V).
Nhận thức đúng như thế là Chánh kiến, nó đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình tu tập Bốn chân lý; nói cách khác, Chánh kiến đi hàng đầu trong mọi pháp môn.
Nhận thức sáng tỏ ấy còn gọi là Kiến đạo.
-
Giáo lý Bốn chân lý vừa là phương tiện, vừa là cứu cánh.
Một giáo lý hoàn chỉnh đầy tính nhân bản đem lại niềm tin, sức sống cho con người, xã hội đương thời và vẫn thiết thực lợi ích cho con người và xã hội hiện đại.
Đặc tính của giáo lý Tứ diệu đế là con đường Trung đạo, không rơi vào cực đoan hưởng thụ dục lạc hay khổ hạnh ép xác.
Giáo lý Tứ diệu đế bao hàm tất cả các giáo pháp mà Đức Phật đã dạy.
Giáo lý Tứ diệu đế có thể thực hành cho người xuất gia cũng như tại gia, ai cũng tu tập được, ai cũng có thể nếm hương vị giải thoát, đáp ứng được nhu cầu thoát khổ cho cá nhân và chuyển hóa xã hội./.
Câu hỏi hướng dẫn ôn tập
1)- Tứ diệu đế là gì?
2)- Hãy trình bày mối quan hệ giữa giáo lý Tứ diệu đế và Bát chánh đạo.
3)- Tại sao Khổ (Dukkha) được xem là một chân lý (thánh đế)?
Source: Nguyệt san Giác Ngộ
---------
Về Đầu Trang Go down
http://<marquee>mytutru_welcome.. tứ trụ kính chúc T
 
Tứ Niệm Xứ
Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
daovien.net :: VƯỜN VĂN :: Truyện sáng tác, truyện kể ::   :: mytutru-