Trang ChínhTìm kiếmLatest imagesVietUniĐăng kýĐăng Nhập
Bài viết mới
Thơ Nguyên Hữu 2022 by Nguyên Hữu Yesterday at 20:54

Hơn 3.000 bài thơ tình Phạm Bá Chiểu by phambachieu Yesterday at 00:28

Mức thù lao không ai dám nghĩ đến by Trà Mi Wed 17 Apr 2024, 11:28

Nhận dạng phụ nữ giàu có by Phương Nguyên Wed 17 Apr 2024, 11:17

KHÔNG ĐỀ by Phương Nguyên Wed 17 Apr 2024, 11:00

BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-1965 - LM CAO VĂN LUẬN by Trà Mi Wed 17 Apr 2024, 09:02

Mái Nhà Chung by mytutru Tue 16 Apr 2024, 12:01

Cách xem tướng mạo phụ nữ ngoại tình, không chung thủy by mytutru Tue 16 Apr 2024, 11:59

Ở NHÀ MỘT MÌNH by Phương Nguyên Tue 16 Apr 2024, 09:59

Quán Tạp Kỹ - Đồng Bằng Nam Bộ by Trà Mi Tue 16 Apr 2024, 09:39

HÁ MIỆNG CHỜ SUNG by Phương Nguyên Sun 14 Apr 2024, 13:29

Trang thơ vui Phạm Bá Chiểu by phambachieu Fri 12 Apr 2024, 15:48

Những Đoá Từ Tâm by Việt Đường Fri 12 Apr 2024, 15:32

Chết rồi! by Phương Nguyên Fri 12 Apr 2024, 13:57

ĐÔI BÀN TAY NGHỆ NHÂN by mytutru Thu 11 Apr 2024, 17:43

LỀU THƠ NHẠC by Thiên Hùng Thu 11 Apr 2024, 02:15

THẬN TRỌNG SIÊU LỪA by mytutru Wed 10 Apr 2024, 20:33

Không đánh, không mắng, không phạt, không có học sinh ưu tú by Trà Mi Wed 10 Apr 2024, 11:45

Thi tập "Chỉ là...Tình thơ" by Tú_Yên tv Wed 10 Apr 2024, 11:37

Thơ Tú_Yên phổ nhạc by Tú_Yên tv Wed 10 Apr 2024, 11:32

KHÓ NGỦ by Phương Nguyên Wed 10 Apr 2024, 01:46

MỘT CHÚT BUỒN by Phương Nguyên Tue 09 Apr 2024, 15:33

Trụ vững duyên thầy by buixuanphuong09 Mon 08 Apr 2024, 08:14

"Vãi" Tiếng Việt! by Trà Mi Mon 08 Apr 2024, 08:09

7 chữ by Tinh Hoa Sun 07 Apr 2024, 22:30

TRANG ALBUM GIA ĐÌNH KỶ NIỆM CHUYỆN ĐỜI by mytutru Sun 07 Apr 2024, 19:29

Trang viết cuối đời by buixuanphuong09 Sat 06 Apr 2024, 09:10

Tranh Thơ Viễn Phương by Viễn Phương Fri 05 Apr 2024, 17:59

Những Bài Giảng Hay Thầy Thích Pháp Hoà by mytutru Thu 04 Apr 2024, 22:35

Còn mãi duyên thầy by buixuanphuong09 Thu 04 Apr 2024, 19:48

Tự điển
* Tự Điển Hồ Ngọc Đức



* Tự Điển Hán Việt
Hán Việt
Thư viện nhạc phổ
Tân nhạc ♫
Nghe Nhạc
Cải lương, Hài kịch
Truyện Audio
Âm Dương Lịch
Ho Ngoc Duc's Lunar Calendar
Đăng Nhập
Tên truy cập:
Mật khẩu:
Đăng nhập tự động mỗi khi truy cập: 
:: Quên mật khẩu

Share | 
 

 Thâm Tâm - Một thời và mãi mãi

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Tác giảThông điệp
Shiroi

Shiroi

Tổng số bài gửi : 19896
Registration date : 23/11/2007

Thâm Tâm - Một thời và mãi mãi Empty
Bài gửiTiêu đề: Thâm Tâm - Một thời và mãi mãi   Thâm Tâm - Một thời và mãi mãi I_icon13Sun 08 Sep 2013, 03:15

Thâm Tâm - Một thời và mãi mãi


Văn Giá




Thâm Tâm - Một thời và mãi mãi View.php?img=1378584858

Có một cách hình dung về đội ngũ những người sáng tạo văn học, căn cứ vào mức độ gắn bó với nghề, có thể chia làm hai loại: Một, những người nếu không viết vẫn sống được, họ có thể bỏ bút đi làm nghề khác, ừ thì cũng có một chút lưu luyến nào đó với nghề, nhưng mà văn chương chẳng phải là... tất cả, cuộc đời còn có những thú vị khác hơn; và hai, những người nếu không viết thì không thể sống nổi, hiểu theo nghĩa cụ thể, vật chất, và cả với nghĩa tinh thần của nó.
Không sống nổi bởi vì, nếu không viết văn thì họ chẳng biết làm gì, họ không có cái khả năng mưu sinh bằng những nghề khác, họ không thạo đi giữa cuộc đời. Không sống nổi bởi vì cái đam mê văn chương như là định mệnh, nó cứ ám ảnh suốt đời. Có lúc rơi vào chán nản, muốn vứt hết chữ nghĩa văn chương đi, nhưng rồi bất ngờ nó lại hiện về, nó rủ rê quyến rũ anh, anh lại vồ lấy bút, lại đêm đêm động lực viết như thiêu thân, viết như hành xác, viết đến lao lực...
Nhà văn Thâm Tâm thuộc trường hợp thứ hai, nghĩa là Thâm Tâm sinh ra để làm nghệ sĩ. Như người ta vẫn thường nói: Văn chương nó chọn anh, chứ không phải anh chọn văn chương.
Vâng, văn chương đã chọn Thâm Tâm để cất cánh trở thành thơ ca và truyện ngắn, trong đó có những vần thơ bất hủ, và một số áng văn xuôi đẹp đẽ.
Gia cảnh Thâm Tâm rất cơ hàn, túng quẫn. Từ Hải Dương lên Hà Nội (1938), kéo theo cả nhà gồm cha mẹ già, hai người chị cùng bốn đứa em còn nhỏ và người vợ, có đến cả chục miệng ăn như tằm ăn rỗi. Ngần ấy người dồn ép vào sống trong một căn nhà thuê tháng rộng khoảng chừng 20 mét vuông. Thâm Tâm nhận việc đóng sách cho nhà in Mai Lĩnh rồi mang về cho cả gia đình làm, còn riêng mình thì đi vẽ tranh minh họa cho các báo, làm thơ, viết truyện, viết kịch, viết tạp văn... gửi đăng các báo vừa để sinh nhai, vừa thỏa cái mộng văn chương hằng ấp ủ. Có nghĩa là ông viết cật lực, chẳng kén chọn gì lắm về đề tài, thể loại, nơi in...
Nhà văn Vũ Bằng kể lại, khi đương giữ chân thư ký tòa soạn cho tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy quãng năm 1941-1943, ông thấy gia cảnh bạn mình túng thiếu, nên thường ưu tiên cho đăng của Thâm Tâm 2 bài trong một số (hoặc một truyện, một thơ; hoặc một truyện, một kịch với hai bút danh: Thâm Tâm và Tuấn Trình) để bạn mình có chút đỉnh nhuận bút. Bây giờ nếu ai có điều kiện tiếp xúc trực tiếp với tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy vào quãng thời gian này sẽ thấy liên tục trên các số báo có tác phẩm của Thâm Tâm với hai bút danh như vậy. Ngoài ra ông còn viết cho Truyền Bá, Phổ Thông Bán Nguyệt San (cũng của nhà Tân Dân), Tiểu Thuyết Thứ Năm của Lê Tràng Kiều (chủ bút) và một số báo khác.
Tính sơ bộ trong tài liệu mà chúng tôi sưu tầm được, ông có hàng chục bài thơ, 70 truyện ngắn truyện dài, trên chục vở kịch, một số tạp văn... ra đời trong quãng thời gian này. Có thể khẳng định rằng cái động cơ thôi thúc Thâm Tâm viết được nhiều như vậy chủ yếu thuộc về lý do mưu sinh, viết văn để kiếm sống, để phụ giúp vào một gia đình mà lúc nào cũng có nguy cơ đứt bữa.
Có thể ai đó sẽ cho rằng cách giải thích này không được "thơ" cho lắm, nhưng quả thật như thế (Cơm áo không đùa với khách thơ)! Mà chẳng cứ gì Thâm Tâm. Nhiều nhà văn nhà thơ ưu tú của chúng ta thời đó vướng vào nghiệp văn chương, cũng đã từng lận đận mưu sinh bằng ngòi bút. Kể từ bậc "trưởng lão" Tản Đà, cho đến Ngô Tất Tố, Lê văn Trương, Lan Khai, Thạch Lam, Nam Cao, Tô Hoài và rất nhiều nhà văn khác. Vũ Trọng Phụng chẳng đã từng vừa ôm ngực vừa ho vừa viết, viết đến lao lực rồi chết đó sao.
Mà đã viết mưu sinh thì không thể không chạy theo số lượng. Tác phẩm được in ấn càng nhiều, thì cái nồi cơm trong mỗi bữa lại càng đầy thêm một chút, trong bữa ăn mọi người đỡ phải trông nồi ý tứ nhường nhau, mới dám nhìn thẳng vào mặt nhau một cách tự nhiên, thành thực. Chẳng may trong nhà có ai ốm đau, con cái có đứa nào sài đẹn mới có cái để chạy thuốc men cho đỡ tủi.
Tuy nhiên, ở những nhà văn có tài, trong số các văn phẩm ít nhiều chạy theo số lượng ấy vẫn có những tác phẩm đỉnh cao như thường. Vâng, phải có tài, người có tài thì ngay cả khi viết trong một điều kiện ngặt nghèo nhất, hoặc viết chạy theo một mục đích sát sườn nhất thì các trang viết vẫn cứ có thể lấp lánh như thường.


Tống biệt hành của Thâm Tâm là một thi phẩm thuộc vào hàng đỉnh cao sáng giá như vậy. Xin kể lại một kỷ niệm thời còn học vào quãng những năm sau 1975, lúc bấy giờ hầu hết thơ mới đang còn bị định kiến, bị hiểu lầm. Cho nên trong giới sinh viên, ai biết được bài nào liền thì thụt đọc hoặc chép cho nhau, vì thế nên có tình trạng tam sao thất bản. Riêng với bài Tống biệt hành, lứa sinh viên bọn tôi chỉ biết có 4 câu đầu. Vì là thể hành, nên đoán chắc bài thơ sẽ còn dài nữa, nhưng chẳng mấy ai biết phần tiếp theo là như thế nào, mà hỏi thầy thì không dám. Thôi thì đành ngâm nga 4 câu thơ đầu:

Đưa người, ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng
Bóng chiều không thắm không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong...


Phải thừa nhận rằng 4 câu mở đầu này có một sức quyến rũ mê người. Và hầu hết trong số chúng tôi đều coi mấy câu thơ ấy viết về tình yêu, viết về cuộc tiễn biệt của đôi trai gái yêu nhau nào đó. Bảo là nỗi buồn nặng trĩu trong lòng đôi người yêu nhau kẻ đi người ở có gì là sai đâu. Chúng tôi lại còn ngâm nga, thậm chí viết tặng vào sổ tay bạn gái như một gửi gắm vu vơ. Sau này, khi định kiến đối với thơ mới dần được gỡ bỏ, tư liệu về thơ mới được công bố công khai, rộng rãi, mới biết rằng không phải như thế. Hóa ra bài thơ là câu chuyện và tâm sự của hai người đàn ông tráng chí nặng tình tiễn biệt nhau, một ở lại một lên đường vì chí lớn. Thậm chí lại có tư liệu cho biết nhà thơ Thâm Tâm viết tặng cho một người bạn hoạt động bí mật trong tổ chức cách mạng nhân lần tiễn bạn đi chiến khu chiến đấu.
Tuy nhiên, không vì thế mà ý nghĩa bài thơ bị bó hẹp vào một cách giải thích cụ thể nào, hoặc vẻ đẹp của nó bị suy giảm. Bài thơ đã được đưa vào trong chương trình văn trung học phổ thông. Bài thơ đã gây ra những thảo luận, tranh luận sôi nổi một dạo. Có những cách hiểu khác nhau ít nhiều, điều này càng chứng tỏ tầm vóc của thi phẩm. Một tác phẩm hay, nó không chịu nằm yên trong một cách hiểu duy nhất nào, mà nó luôn muốn vượt thoát để đến với tất thảy mọi người, thuộc về mọi người. Như hương của một loài hoa quí, nó dâng tặng mọi người, nhưng hễ ai có ý định "nhốt" mùi hương lại đều cảm thấy ít nhiều thất bại. Với bài thơ bất hủ này, nhà văn Vũ Bằng, một người bạn đàn anh của Thâm Tâm đã tặng Thâm Tâm một thi hiệu nghe lạ lạ và thú vị: Nhà phù thủy hô sóng vào lòng và gọi hoàng hôn lên mắt.
Cũng lại Vũ Bằng, ông bảo Thâm Tâm là một người ốm yếu mà can đảm, ý muốn nói thân hình Thâm Tâm thì nhỏ bé, da hơi đen, hơi gầy, ít nói, mà làm thơ viết văn thì hay nói đến cái tráng chí, cái hùng khí của con người. Quả thật, trong thơ của Thâm Tâm, thấy ông nói rất nhiều về niềm sầu hận, có khi trực tiếp, có khi xa gần gián tiếp:

Tan tiệc quần anh, người nuốt giận
Thằng bó văn chương đôi gối hận
Chán ngắt gia tình sầu ngất ngất
Già teo thân thế hận mang mang
Tro tàn có đốt không hồng nữa
Thắt lạnh bên lòng nỗi hận thương
Lòng ai bầm tím, ai buồn tối
Cũng tại rừng đời lạc lối ra...


Sầu hận là một trạng thái tâm lý chỉ có đến giai đoạn cuối của phong trào thơ mới mới xuất hiện, nghĩa là vào quãng từ 1940 trở đi. Trước đó chỉ có thấy sầu mộng (Lưu Trọng Lư, Thế Lữ...) sầu đơn, sầu tủi, u sầu (Xuân Diệu, Nguyễn Bính...) Những nỗi sầu đó về cơ bản vẫn không nằm ngoài một chữ tình. Vượt ra khỏi chữ tình một chút, với Huy Cận, lại là vũ trụ sầu. Đến thời này, sự bế tắc của đời sống cá nhân nghệ sĩ đã lên đến tột đỉnh. Vũ Hoàng Chương phải kêu lên:

Lũ chúng ta lạc loài dăm bảy đứa
Bị quê hương ruồng bỏ, giống nòi khinh


Trần Huyền Trân thì:

Kinh thành mây đỏ như son
Cái lồng eo hẹp giam con chim trời
Đến Nguyễn Bính, cũng đã chán cảnh "giang hồ vặt":
Đất khách cùng đường ta khóc ta...


Ngay cả Xuân Diệu của những năm 42-43 khi đang lưu lạc ở Mỹ Tho cũng đã bắt đầu thấy nhắc đến 2 chữ "sầu hận": Ngủ đi, ngủ đi, sầu hận muôn năm (Riêng tây)... Nếu như các trạng thái sầu trên kia có nguyên do trực tiếp từ tâm tình cá nhân thì đến sầu hận, nguyên do lại bắt nguồn từ thời thế, từ những vang động xã hội. Một câu hỏi trực diện đặt ra cho bất cứ người nghệ sĩ nào lúc này là: Đi về đâu? Câu hỏi đó lập tức bắt người nghệ sĩ phải đối mặt với thời cuộc. Đi tìm giải pháp cho cách thế tồn tại của cuộc đời, mỗi người lựa chọn theo những cách khác nhau. Có người vùi mình vào những hưởng thụ cá nhân, nên bế tắc lại càng bế tắc. Có người nỗ lực tìm đường đổi thay số phận, không chịu bị cuộc sống đè bẹp. Trong những nỗ lực cảm động đó, có Thâm Tâm. Thơ ca cũng như văn xuôi của Thâm Tâm có khá nhiều tác phẩm trình bày hình ảnh người ra đi. Người ra đi này thường được đặt trong tình huống tống biệt, chia ly. Thông thường người ra đi là một người mang sầu hận, ôm chí lớn, và bữa rượu tiễn biệt đều có những nhân vật mang dáng dấp trượng phu hoặc chiến binh thời trung đại. Uống rượu thì phải ném vỡ tan chén rượu, phải tỏ chí ngang tàng, lắm khi nói lời thề thốt:

Thở phù hơi rượu đua tranh
Quăng tay chén khói tan thành trời mưa
Ly khách! Ly khách! Con đường nhỏ
Chí lớn chưa về bàn tay không


Có người rắp tâm ôm chí lớn nhưng không thành, quyết nuôi chí phục thù. Hình ảnh Huyền Sinh trong truyện ngắn Lá quạt hoa quỳ là một người như vậy. Chí lớn không có cơ thực hiện, người yêu bị quỉ vương chiếm đoạt, chàng tưởng như lâm vào tuyệt vọng. Chàng giả điên để chờ thời. Người điên này chiều chiều thả vào trời đất tiếng sáo ai oán của mình. Thế rồi một hôm, một người có dáng trượng phu đến gặp rủ đi. Từ bấy chàng điên mất tích. Chàng đã lên đường. Đó là một hình ảnh ẩn dụ, nhuốm mầu bi tráng.
Tất cả những điều đó nói với chúng ta rằng Thâm Tâm thuộc trong số không nhiều các nhà văn có khí cốt mạnh mẽ lúc bấy giờ. Họ không thích kêu rên, than khóc. Cũng không muốn chết chìm vào trong những khoái thú cá nhân. Họ muốn đổi thay, muốn lên đường. Dòng huyết mạch chảy mạnh mẽ trong cơ thể họ. Quả tim trẻ tuổi đang đập rộn trong lồng ngực họ. Thơ của Thâm Tâm, Trần Huyền Trân có cái ngang tàng, khỏe khoắn, dám đi "ngược gió" giữa đời. Sự thực là sầu hận và chí lớn đã tạo nên cái "chút bâng khuâng khó hiểu của thời đại" trong Tống biệt hành như Hoài Thanh đã từng cảm nhận.
Tôi nghĩ rằng nếu nói lúc viết Tống biệt hành (1940-1941) Thâm Tâm đã đứng vào hàng ngũ hoạt động cách mạng thì e hơi sớm, nhưng bảo là Thâm Tâm đã cảm nhận được không khí sục sôi đang diễn ra từng ngày từng giờ của thời đại do những người cách mạng khởi xướng, lãnh đạo và đồng tình với nó thì chắc chắn là đã có. Cho nên, như một tất yếu, sau cách mạng tháng 8, Thâm Tâm rất sớm đi theo kháng chiến, đứng vào hàng ngũ những người cách mạng đánh đuổi kẻ thù xâm lược.
Nhưng nếu chỉ nói như thế không thôi, thì Thâm Tâm không đi xa hơn là mấy so với các nhà thơ trung đại. Cái điều làm cho Thâm Tâm trở thành điệu hồn thơ mới, Tống biệt hành trở thành thi phẩm thơ mới là ở chỗ nhà thơ đã thể hiện được một cách sâu sắc và thành thực đến cảm động cái mối dằng xé giữa con người tráng chí (con người tỏ mình trước cuộc đời) với con người tình nghĩa (con người vừa mang bổn phận hiếu đễ với gia đình, vừa thuận theo cái tình cảm tự nhiên mà ai cũng có với người thân, với bạn bè)
Mối dằng xé này đã làm vọt ra những câu thơ đứng vào hàng tuyệt bút. Hãy thử lắng nghe xem đằng sau cái vẻ rất Kinh Kha kia là niềm ray rứt, nỗi xót thương của một người nặng tình biết bao nhiêu, tưởng như những giọt nước mắt cố nén nay chực vỡ òa:

Người đi? Ừ nhỉ người đi thực!
Mẹ thà coi như chiếc lá bay
Chị thà coi như là hạt bụi
Em thà coi như hơi rượu cay


Bài thơ đã chạm vào nỗi lòng muôn thủa của kiếp người, tấm lòng thuộc về nhân loại. Chính vì thế, bài thơ đã đi vào bất tử. Không có cái tôi thơ mới, các nhà thơ của chúng ta làm sao có thể đập vỡ được cái vỏ ước lệ thuộc về cái ta trung đại để bước vào cái tôi nhân văn phổ quát.
Như ta đã biết, sau này Thâm Tâm đi theo kháng chiến. Ông là thư ký tòa soạn báo Vệ Quốc Quân (tiền thân của báo Quân Đội Nhân Dân ngày nay) trụ sở đóng tại vùng căn cứ kháng chiến thuộc tỉnh Cao Bằng. Theo các tài liệu trong hồi ức của bạn bè đồng chí, Thâm Tâm là một người làm báo tận tụy, rất có trách nhiệm trước công việc, trước bạn đọc. Chỉ một cái địa danh in sai trên bản in thử mà ông đã băng rừng gần chục cây số qua suối lũ, hổ rừng đe dọa để sửa. Ông mất vì bệnh sốt rét rừng. Cũng là do làm việc quá sức, ăn uống kham khổ, lại khí hậu khắc nghiệt mà ra cả. Đồng đội ông kể lại rằng khi phát hiện ra Thâm Tâm bị ốm thì đã vội cáng nhà thơ về trạm xá của đơn vị cách chừng một ngày đường đi bộ để điều trị, tiếc thay trên đường nhà thơ đã lặng lẽ tắt thở, không kịp trăn trối điều gì. Lúc ấy vào rạng sáng một ngày thu sương trên núi rừng Việt Bắc: 18-8-1950.
Người viết bài này đã cùng thân nhân gia đình Thâm Tâm và một số nhà văn nhà thơ khác của tỉnh Cao Bằng cất công đi tìm mộ nhà thơ Thâm Tâm. Thật kỳ công. Khung cảnh nơi đây đã khác hẳn. 50 năm vật đổi sao dời. Khi xác định được đúng ngôi mộ rồi, thì hài cốt nhà thơ đã được bốc dỡ, di dời về nghĩa trang huyện Quảng Hòa. Nhưng tiếc thay, về tới đây, khi chưa kịp gắn bia mộ, sơ đồ mộ chí còn trong túi hồ sơ, thì chẳng may trong vụ tháng 2, 1979, hồ sơ bị những kẻ ngoại bang đốt sạch. Vậy là ngôi mộ Thâm Tâm hiện giờ không rõ đích xác ngôi mộ nào, nhưng chỉ biết chắc chắn là đã có mặt trong các hàng mộ liệt sĩ vô danh tại nghĩa trang Quảng Hòa. Tên anh đã hòa cùng tên đất nước.
Khi Thâm Tâm mất, hành trang chẳng có gì. Sau này gia đình nhà thơ được đơn vị trao lại một chiếc ba lô, trong đó còn một vài thứ gồm mấy trang ghi chép có tính chất nhật ký, cuốn Đại đội Kim Sơn của tác giả mới in, một bài tham luận tại đại hội văn nghệ, 6 bức ảnh chụp hình nhà thơ và các bạn văn nghệ kháng chiến, một chiếc bút máy và một cái thìa nhỏ. Tất cả chỉ có thế. Bà quả phụ Thâm Tâm lâu nay vẫn đặt chiếc thìa nhỏ đó lên bàn thờ Thâm Tâm như một kỷ vật thân thương duy nhất còn giữ được.
Tuy nhiên, còn có một thứ hành trang vô giá mà Thâm Tâm để lại đó là các áng văn thơ. Ông viết không phải là nhiều. Cũng không thể nói đó là một sự nghiệp đồ sộ. Nhưng lạ lùng thay, văn chương không phục tùng qui luật của số lượng, mà chỉ tuân theo qui luật về chất. Với Tống biệt hành, với vài ba truyện ngắn, thí dụ như Thuốc mê chẳng hạn, Thâm Tâm vĩnh viễn có chỗ đứng riêng trong nền văn chương dân tộc.
Núi rừng Việt Bắc, con người Việt Bắc, cùng đất nước đã tiễn đưa Thâm Tâm vào cõi mây trời cách đây 50 năm có lẻ. Cuộc tống biệt này không có ngày đoàn tụ. Mỗi khi nhớ về ông, bỗng lại có sương khói hoàng hôn và những gợn sóng lòng ba động.
Về Đầu Trang Go down
HanSiNguyen

HanSiNguyen

Tổng số bài gửi : 2855
Registration date : 12/10/2009

Thâm Tâm - Một thời và mãi mãi Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Thâm Tâm - Một thời và mãi mãi   Thâm Tâm - Một thời và mãi mãi I_icon13Sat 21 Sep 2013, 07:13

rose

Bản chính thức trích từ sách giáo khoa VĂN lớp 11 :

TỐNG BIỆT HÀNH
-Thâm Tâm-

Đưa người ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng
Nắng chiều không thắm không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong

Đưa người ta chỉ đưa người ấy
Một giã gia đình một dửng dưng
Ly khách ! Ly khách con đường nhỏ
Chí lớn chưa về bàn tay không

Thì không bao giờ nói trở lại
Ba năm mẹ già cũng đừng trông

Ta biết người buồn chiều hôm trước
Bây giờ mùa Hạ sen nở nốt
Một chị hai chị cũng như sen
Khuyên nốt em trai dòng lệ sót

Ta biết người buồn sáng hôm nay
Trời chưa mùa Thu buồn lắm thay
Em nhỏ rưng rưng đôi mắt biếc
Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay

Người đi, ừ nhỉ , người đi thật
Mẹ thà coi như chiếc lá bay
Chị thà coi như là hạt bụi
Em thà coi như hơi rượu say

Thâm Tâm

rose 
Về Đầu Trang Go down
https://www.youtube.com/hsn2k3
HanSiNguyen

HanSiNguyen

Tổng số bài gửi : 2855
Registration date : 12/10/2009

Thâm Tâm - Một thời và mãi mãi Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Thâm Tâm - Một thời và mãi mãi   Thâm Tâm - Một thời và mãi mãi I_icon13Sat 21 Sep 2013, 07:17

rose 

DỊ BẢN lưu truyền ở phương Nam :

TỐNG BIỆT HÀNH
-Thâm Tâm-

Đưa người ta không đưa qua sông
Mà sao có sóng ở trong lòng
Nắng chiều không sẫm không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong

Đưa người ta chỉ đưa người ấy
Một giã gia đình một dửng dưng
Ly khách ! Ly khách con thuyền nhỏ
Chí lớn chưa về bàn tay không

Thì không bao giờ nói trở lại
Ba năm mẹ già cũng đừng trông

Ta biết người buồn chiều hôm trước
Bây giờ mùa Hạ sen nở nốt
Một chị hai chị cũng như sen
Khuyên nốt em trai dòng lệ sót

Ta biết người buồn sáng hôm nay
Trời chưa vào Thu buồn lắm thay
Em nhỏ rưng rưng đôi mắt biếc
Gói tròn thương nhớ chiếc khăn tay

Người đi, ừ nhỉ , người đi thật
Mẹ thà coi như chiếc lá bay
Chị thà coi như là hạt bụi
Em thà coi như hơi rượu cay

Thâm Tâm

rose
Về Đầu Trang Go down
https://www.youtube.com/hsn2k3
HanSiNguyen

HanSiNguyen

Tổng số bài gửi : 2855
Registration date : 12/10/2009

Thâm Tâm - Một thời và mãi mãi Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Thâm Tâm - Một thời và mãi mãi   Thâm Tâm - Một thời và mãi mãi I_icon13Sat 21 Sep 2013, 07:23

 :bong: rose :hoa: 

TỐNG BIỆT HÀNH

Thơ Thâm Tâm
Nhạc Hàn Sĩ Nguyên
Hòa âm & Video HSN

-Diễn tấu-





:bong: rose :hoa: 
Về Đầu Trang Go down
https://www.youtube.com/hsn2k3
Shiroi

Shiroi

Tổng số bài gửi : 19896
Registration date : 23/11/2007

Thâm Tâm - Một thời và mãi mãi Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Thâm Tâm - Một thời và mãi mãi   Thâm Tâm - Một thời và mãi mãi I_icon13Sun 22 Sep 2013, 05:50

Cám ơn anh HSN với bài "Tống biệt hành" chính thức, và bài nhạc phổ của anh Nguyên applause

rose 
Về Đầu Trang Go down
HanSiNguyen

HanSiNguyen

Tổng số bài gửi : 2855
Registration date : 12/10/2009

Thâm Tâm - Một thời và mãi mãi Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Thâm Tâm - Một thời và mãi mãi   Thâm Tâm - Một thời và mãi mãi I_icon13Sun 22 Sep 2013, 08:40

rose 

Cám ơn Shiroi....

SmileSmileSmile

rose 


ĐÔI ĐIỀU NÓI THÊM VỀ CÁC DỊ BẢN của bài TỐNG BIỆT HÀNH
 
Ngay từ những năm 60 của thế kỷ trước, khi còn là một chú nhóc, tôi đã được đọc một số các dị bản của bài TỐNG BIỆT HÀNH được lưu truyền rộng rãi trong dân gian, trong đó có một bản được mở đầu và kết thúc bằng 2 câu như sau :
 
Dịch thủy hàn hề, phong tê tê
Tráng sĩ một đi chẳng trở về
 
Và phải thú thật không chỉ ngay lúc mới đọc ấy, mà cho đến tận bây giờ bài thơ này, 2 câu “hành” khởi đầu và kết thúc này vẫn khiến tôi cãm thấy “Phong tê tê” thực sự.
 
(Dịch thủy hàn hề, phong tê tê nghĩa là : Nước sông Dịch lạnh, gió châm chích liên tục vào da thịt, cũng có nghĩa là gió buốt đến rứt thịt rứt da, gió buốt đến tận xương)
 
1-Về bối cảnh xuất xứ của bài thơ:  Dựa trên nội dung của bài thơ ta có thể nhận thấy tác giả Thâm Tâm muốn viết về những cảm xúc vô cùng vô tận của một người thanh niên, giã biệt gia đình, để lại mẹ già, chị, và em nhỏ, để cất bước sang sông làm một việc có tính chất quốc gia đại sự, mà hành trình sẽ rất gian nan, nguy hiểm, cực khổ, nếu không muốn nói là “bất khả thi”.
 
Việc đó có thể hiểu là việc Thâm Tâm sang sông, gia nhập quân kháng chiến, chống lại giặc Pháp, giành lại độc lập, tự do cho quê hương, cho tổ quốc. Trong bối cảnh phải dùng tầm vông, giáo mác, gạch đá, cung tên để chống lại súng ống, tàu thuyền, máy bay, đại bác của giặc thì cuộc hành trình chiến đấu gian khổ ấy quả thật là rất đỗi gian nan, và “tráng sĩ một đi chẳng trở về” là khả năng dễ xảy ra thật!
 
Từ xuất phát điểm ấy, hành trình ấy, việc sang sông của “Người-vì-nước” này có tính chất không khác gì Kinh Kha, rời nước Yên, sang sông Dịch, làm nhiệm vụ thích khách, ám sát bạo chúa Tần Thủy Hoàng ngày xưa.
 
Do đó, bài thơ này không phải viết về Kinh Kha, mà là viết về một “Người-vì-nước Việt Nam”, con sông trong bài thơ này cũng không phải sông Dịch ở Trung Hoa, mà là một con sông bình thường nào đó ở trung du Bắc Việt. Nhiệm vụ khó thực hiện trong bài thơ này là “Cứu quốc”, “đánh đuổi giặc Pháp”, chứ không phải là hành vi ám sát, hành thích một cá nhân nào.
 
Tuy vậy, hình ảnh sang sông, bối cảnh giã biệt gia đình, tâm trạng lạnh lùng và hùng khí ngất trời của người tráng sĩ, dễ khiến liên tưởng đến hình ảnh hào hùng, bất khuất của Kinh Kha xưa vậy.
 
2-Một chút so sánh các dị bản:
 
Bản trong sách giáo khoa VĂN lớp 11, là bản được công nhận chính thức trên văn bản. Các dị bản khác với một số khác biệt về nội dung, tuy không được công nhận chính thức, nhưng lại được lưu truyền rộng rãi trong dân gian, và thực sự có những ưu điểm hơn hẳn bản chính thức nói trên
 
-“Sao có tiếng sóng ở trong lòng” (BCT) và “Mà sao có sóng ở trong lòng” (DB): 4 thanh trắc liên tiếp “có tiếng sóng ở” trong bản chính thức khiến câu thơ khi đọc lên rõ ràng là không êm, không hay bằng câu trong dị bản (Nhị, tứ, lục đảo thanh).
 
-“Nắng chiều không thắm, không vàng vọt” (BCT), và “Nắng chiều không sẫm, không vàng vọt” (DB): Chữ “thắm” có màu sắc tươi quá, do đó cũng không bằng chữ “sẫm” trong dị bản
 
-“Ly khách! Ly khách, con đường nhỏ” (BCT) và “Ly khách! Ly khách con thuyền nhỏ” (DB): Khác biệt nhau chỉ một chữ “đường” và một chữ “thuyền” thôi, nhưng hiệu quả và hậu quả thì hoàn toàn khác xa nhau. Phải chăng vì câu đầu “Đưa người, ta không đưa qua sông”, khiến biên tập viên bài thơ, biên tập viên sách giáo khoa Văn cho rằng Ly khách đã đi bằng … đường bộ (!), và phải là “Con đường nhỏ” mới đúng (?). Thật ra, “không đưa qua sông”, phải được hiểu là “chỉ đưa đến bờ sông thôi, và ly khách sang sông một mình đơn độc”. Do đó các dị bản đều chép là “Con thuyền nhỏ” là rất hợp lý và rất chính đáng vậy.
 
-“Trời chưa mùa Thu” (BCT) và “Trời chưa vào Thu” (DB) : Đây là một khác biệt tương đối nhỏ, và cũng không ảnh hưởng gì nhiều đến nội dung hay âm hưởng của bài thơ. Do đó, dù là “mùa” hay “vào” thì cũng tương đối ổn. Tất nhiên chữ “vào” là một giới từ chỉ hướng chuyển động vẫn “ăn tiền” hơn chữ “Mùa” có tính chất tĩnh.
 
-“Gói tròn thương tiếc” (BCT) và “Gói tròn thương nhớ” (DB) : “Thương tiếc” là một tình cảm, một cảm xúc, một xúc động mãnh liệt trước những gì “ĐÃ MẤT, hoặc nhất là VỪA MẤT”. Do đó không ai đưa tiễn người thân, bạn hữu ra đi mà lại trù ẻo bằng cách …“THƯƠNG TIẾC” cả. Có chăng “THƯƠNG TIẾC” là khi trở về trong hình hài vô tri bất động của một thực thể đã giã từ nhân gian thì lúc ấy dùng từ THƯƠNG TIẾC mới đúng. Dị bản dùng 2 từ THƯƠNG NHỚ chính xác hơn nhiều.
 
-“hơi rượu say” (BCT) và “hơi rượu cay” (DB) : Hơi rượu say thì làm cho người ta chếnh choáng, bốc hào khí ngùn ngụt lên đầu. Còn “hơi rượu cay” thì diễn tả một thoáng “chua xót, ngậm ngùi” khi phải để những người thân yêu ở lại… Cái nào hay hơn? Điều ấy tùy thuộc hoàn toàn vào cảm quan của người đọc vậy.
 
Tóm lại, với 6 khác biệt vừa nêu, trong đó có 2 khác biệt vô cùng quan trọng là “Đường và Thuyền”, “Thương tiếc và Thương nhớ”, một câu hỏi, một băn khoăn không nguôi vẫn hiện hữu trong tôi: Đâu mới là bản gốc của Thâm Tâm?
 
 
3-Đâu là bản gốc của Thâm Tâm? Câu trả lời là: -"Không biết! Không rõ!”. Có thể có 2 khả năng xảy ra:
 
- Một là, có thể ông đã viết đúng như nguyên bản trong bản chính thức của sách giáo khoa Văn lớp 11 trước đây. Và người đời sau, khi tiếp cận với bài thơ của ông đã linh động thêm thắt, chỉnh sửa lại đôi chút theo nhãn quan và kiến thức của riêng họ. Các danh tác được người đời yêu mến vẫn thường hay bị “tam sao thất bản” là vì thế.
 
-Hai là, có thể Thâm Tâm đã viết giống như trong dị bản và BẢN CHÍNH THỨC đã biên tập sai theo ý kiến chủ quan của biên tập viên thời ấy. Đừng quên Bản chính thức này chỉ là bản chính thức trong sách giáo khoa mà thôi. Giữa BẢN CHÍNH THỨC này và BẢN GỐC của tác giả vẫn có thể có không ít khác biệt vậy.
 
 
4-Một chút cảm tác:

LY NHỎ

Rượu nồng tiễn biệt lúc lên đường
Bến vắng đìu hiu khói nhuốm sương
Ly nhỏ khó vơi sầu vạn cổ
Thuyền con khôn chở chí ngàn phương
Mái chèo khua nước khơi hùng chí
Thanh kiếm chọc trời biệt cố hương
Thương xót mẹ già đầu bạc trắng
Anh hùng đến mấy cũng lệ vương.

HÀN SĨ NGUYÊN
-----------------------------------------
Ngày tháng đong đưa đời gió bụi
Mặc ai xa mã chốn gian trần

:bong: rose :hoa: 
Về Đầu Trang Go down
https://www.youtube.com/hsn2k3
Sponsored content




Thâm Tâm - Một thời và mãi mãi Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Thâm Tâm - Một thời và mãi mãi   Thâm Tâm - Một thời và mãi mãi I_icon13

Về Đầu Trang Go down
 
Thâm Tâm - Một thời và mãi mãi
Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
daovien.net :: VƯỜN VĂN :: BIÊN KHẢO, BÌNH LUẬN THƠ VĂN-