Trang ChínhTìm kiếmLatest imagesVietUniĐăng kýĐăng Nhập
Bài viết mới
Thơ Nguyên Hữu 2022 by Nguyên Hữu Yesterday at 20:54

Hơn 3.000 bài thơ tình Phạm Bá Chiểu by phambachieu Yesterday at 00:28

Mức thù lao không ai dám nghĩ đến by Trà Mi Wed 17 Apr 2024, 11:28

Nhận dạng phụ nữ giàu có by Phương Nguyên Wed 17 Apr 2024, 11:17

KHÔNG ĐỀ by Phương Nguyên Wed 17 Apr 2024, 11:00

BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-1965 - LM CAO VĂN LUẬN by Trà Mi Wed 17 Apr 2024, 09:02

Mái Nhà Chung by mytutru Tue 16 Apr 2024, 12:01

Cách xem tướng mạo phụ nữ ngoại tình, không chung thủy by mytutru Tue 16 Apr 2024, 11:59

Ở NHÀ MỘT MÌNH by Phương Nguyên Tue 16 Apr 2024, 09:59

Quán Tạp Kỹ - Đồng Bằng Nam Bộ by Trà Mi Tue 16 Apr 2024, 09:39

HÁ MIỆNG CHỜ SUNG by Phương Nguyên Sun 14 Apr 2024, 13:29

Trang thơ vui Phạm Bá Chiểu by phambachieu Fri 12 Apr 2024, 15:48

Những Đoá Từ Tâm by Việt Đường Fri 12 Apr 2024, 15:32

Chết rồi! by Phương Nguyên Fri 12 Apr 2024, 13:57

ĐÔI BÀN TAY NGHỆ NHÂN by mytutru Thu 11 Apr 2024, 17:43

LỀU THƠ NHẠC by Thiên Hùng Thu 11 Apr 2024, 02:15

THẬN TRỌNG SIÊU LỪA by mytutru Wed 10 Apr 2024, 20:33

Không đánh, không mắng, không phạt, không có học sinh ưu tú by Trà Mi Wed 10 Apr 2024, 11:45

Thi tập "Chỉ là...Tình thơ" by Tú_Yên tv Wed 10 Apr 2024, 11:37

Thơ Tú_Yên phổ nhạc by Tú_Yên tv Wed 10 Apr 2024, 11:32

KHÓ NGỦ by Phương Nguyên Wed 10 Apr 2024, 01:46

MỘT CHÚT BUỒN by Phương Nguyên Tue 09 Apr 2024, 15:33

Trụ vững duyên thầy by buixuanphuong09 Mon 08 Apr 2024, 08:14

"Vãi" Tiếng Việt! by Trà Mi Mon 08 Apr 2024, 08:09

7 chữ by Tinh Hoa Sun 07 Apr 2024, 22:30

TRANG ALBUM GIA ĐÌNH KỶ NIỆM CHUYỆN ĐỜI by mytutru Sun 07 Apr 2024, 19:29

Trang viết cuối đời by buixuanphuong09 Sat 06 Apr 2024, 09:10

Tranh Thơ Viễn Phương by Viễn Phương Fri 05 Apr 2024, 17:59

Những Bài Giảng Hay Thầy Thích Pháp Hoà by mytutru Thu 04 Apr 2024, 22:35

Còn mãi duyên thầy by buixuanphuong09 Thu 04 Apr 2024, 19:48

Tự điển
* Tự Điển Hồ Ngọc Đức



* Tự Điển Hán Việt
Hán Việt
Thư viện nhạc phổ
Tân nhạc ♫
Nghe Nhạc
Cải lương, Hài kịch
Truyện Audio
Âm Dương Lịch
Ho Ngoc Duc's Lunar Calendar
Đăng Nhập
Tên truy cập:
Mật khẩu:
Đăng nhập tự động mỗi khi truy cập: 
:: Quên mật khẩu

Share | 
 

 Việt Sử Giai Thoại - Tập 5 - Nguyễn Khắc Thuần

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Chuyển đến trang : Previous  1, 2, 3, 4, 5, 6, 7  Next
Tác giảThông điệp
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Việt Sử Giai Thoại - Tập 5 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 5 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Việt Sử Giai Thoại - Tập 5 - Nguyễn Khắc Thuần   Việt Sử Giai Thoại - Tập 5 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 5 I_icon13Mon 21 Nov 2011, 04:20

38 – LẠI CHUYỆN BÙI THÌ HANH


Tháng 8 năm Mậu Thìn (1448) bởi bị quan Giảm sát ngự sử là Đồng Hanh Phát hặc tội mà Bùi Thì Hanh cùng với Bạch Khuê đều bị bãi chức. Đường danh vọng của Bùi Thì Hanh tưởng đến đó là dứt, nào ngờ, mùa hè năm sau (Ki Tị, 1449), Bùi Thì Hanh lại được cất nhắc giữ chức vụ còn cao hơn trước, dù Gián quan là Đồng Hanh Phát hết lời can ngăn. Cùng được hưởng ân huệ đặc biệt này với Bùi Thì Hanh, còn có Nguyễn Thúc Huệ. Bùi Thì Hanh được trao chức Tham nghị chính sự, còn Nguyễn Thúc Huệ được trao chức Môn hạ hữu nạp ngôn. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 11, tờ 82 a-b) chép :
"Gián quan Đồng Hanh Phát hặc tội Thúc Huệ như sau :
- Chức vụ quan trọng nhất của triều đình chỉ có Tể tướng và Hành khiển mà thôi. Nay, Thúc Huệ vốn đứa tiểu lại, chuyên dùng chính lệnh hà khắc. Xưa, khi làm quan ở Bắc Đạo thì dân nơi đó, hai người mặc chung một cái quần. Khi hắn vâng mệnh đi sứ nước ngoài thì dùng mưu kế xảo quyệt để mong thoát tội. Người nước ngoài vẫn nói hắn là đồ quỷ làm nhục cho xã tắc. Vậy, dùng hắn để làm gì ?
(Đồng Hanh Phát) lại hặc tội Bùi Thì Hanh rằng :
- Thì Hanh dùng tà thuật dối vua, xui vua rút ngày để tang, làm cho bệ hạ mang tội thất hiếu với tổ tiên. Vả chăng, việc để tang ba năm thì thời tiên đế cũng đã từng có. Trước đây, thần hặc tội Thì Hanh, khiến hắn bị bãi chức Tham tri Tây Đạo, thế mà nay lại cho hắn được thăng tới chức Chính sự tham nghị. Xét chữ, chính cũng có nghĩa là chính đáng, nếu thân mình đã không chính đáng thì việc làm sao có thể chính đáng dược. Thần nghe nói hào Lục Tam trong quẻ Giai , nguyên văn là Phụ tả thừa, trí khấu chí , có nghĩa là : kẻ tiểu nhân mang tội lại leo lên xe ngồi thì ắt giặc dã sẽ tới. Hào này hẳn đúng với bọn Thúc Huệ và Thì Hanh chăng ? Thái hậu nghe vậy liền hỏi Tể tướng :
- Gián quan hặc tội như vậy, ta nên tính sao ?
Bọn Lê Khả tâu :
- Dùng người chẳng nên cầu toàn. Bọn thần đã khảo khắp những người đương chức cũng hết thảy thân thích cố cựu, nhưng không tìm được ai. Bọn thần thấy Thúc Huệ có thể đảm được việc. Còn bọn mới lên thì thần chưa rõ ai hay ai dở thế nào, không sao cất nhắc nổi.
Thái hậu bèn theo lời (bọn Lê Khả)".


Lời bàn :

Khổng Tử nói : “Hà chính mãnh ư hổ”, nghĩa là, chính sự hà khắc thì còn ghê gớm hơn cả cọp. Thúc Huệ nhận mệnh Vua đi chăn dân mà để dân cả một đạo phải hai người mặc chung một quần, ấy cũng là thứ “Hà chính mãnh ư hổ” vậy. Cộng với tội đi sứ mà làm nhục quốc thể, Thúc Huệ bị đàn hặc ngay giữa triều đình cũng đáng lắm.
Bùi Thì Hanh chứng nào vẫn tật ấy. Bao nhiêu lần sử chép về Bùi Thì Hanh là bấy nhiêu lần thấy Bùi Thì Hanh gian tà, mượn xảo thuật để làm điều bất chính, vậy mà hắn vẫn được tái dụng, sợ thay !
Tuy nhiên, câu của Lê Khả trả lời Thái hậu có lẽ còn đáng sợ hơn. Đành là nhân vô thập toàn, song, chẳng phải vì thế mà dùng bọn bất nhân thất đức.
Mới hay, đặt chức Gián quan mê không nghiêm cẩn suy xét lời của gián quan, thì Gián quan chẳng qua cũng chỉ là chức trang điểm cho triều đình mà thôi.

_________________________
Việt Sử Giai Thoại - Tập 5 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 5 Signat21
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Việt Sử Giai Thoại - Tập 5 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 5 Empty
Bài gửiTiêu đề: 39 – NGƯỜI Ở TRÊN PHÉP NƯỚC    Việt Sử Giai Thoại - Tập 5 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 5 I_icon13Fri 02 Dec 2011, 02:06

39 – NGƯỜI Ở TRÊN PHÉP NƯỚC


Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 11, tờ 85-b) chép :
"Con trai của Đại đô đốc Lê Khuyển, tên là Lê Quán Chi, đang đêm tụ tập phá phách rồi đánh chết người ở giữa chợ. Việc bị phát giác, Quán Chi bị tống giam vào ngục. Khi bị giam, Quán Chi cung khai tội lỗi, bị can liên hệ đến hơn một chục người, trong đó có con cái của Nội quan và nhiều quan chức khác, án xét sắp xong rồi nhưng Thái hậu thấy Khuyển cũng là bậc đại thần, chỉ huy cấm binh, mà cấm binh là chỗ dựa tin cậy của Vua, cho nên sợ rằng, nếu giết con trai của Khuyển, Khuyển sẽ đau lòng (khó tin cậy được nữa). Bà liền làm trái phép nước, tha tội chết cho hắn, chỉ lấy tiền bồi thường cho kẻ bị giết thôi.
Gián quan lúc ấy là Lê Lâm im lặng không dám hé miệng nói lời nào. Trẻ con ở chợ nắm tay nhau hát rằng : Ta tiếc không được làm Đài quan thôi !”.


Lời bàn :

Chuyện này xảy ra vào tháng 11 năm 1449. Năm này, vua Lê Nhân Tông mới được 8 tuổi, quyền hành trong nước thuộc về bà Thái hậu Nguyễn Thị Anh. Thái hậu là ngôi tôn quý, nhưng dẫu tôn quý đến bao nhiêu thì ngôi ấy cũng nằm trong phép nước mà thôi. Ở đây, Thái hậu đã tự đặt ngôi tôn quý của mình ở trên phép nước. Người đương thời thì sợ mà không phục, còn hậu thế thì chẳng sợ, chẳng phục, lại còn nghiêm phê.
Khi ở trên pháp nước thì dễ đạp lên phép nước. Việc Thái hậu tha chết cho Lê Quán Chi chẳng khác gì việc Thái hậu thô bạo đạp chân lên phép nước tôn nghiêm vậy.
Gián quan Lê Lâm lo giữ thân hơn lo giữ phép nước nên mới im lặng không dám hé nửa lời, để trẻ con ngoài chợ hát chế giễu, nhục thay !
Hóa ra ở thời này, được làm và làm được việc quan, khác nhau xa lắm. Xem kĩ mới biết, trong nhiều kẻ được làm nào đã có mấy kẻ làm được đâu.

_________________________
Việt Sử Giai Thoại - Tập 5 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 5 Signat21
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Việt Sử Giai Thoại - Tập 5 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 5 Empty
Bài gửiTiêu đề: 40 – CHUYỆN TRỊNH KHẢ   Việt Sử Giai Thoại - Tập 5 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 5 I_icon13Fri 02 Dec 2011, 02:09

40 – CHUYỆN TRỊNH KHẢ


Trịnh Khả (1403 - 1451), người xã Sóc Sơn, huyện Vĩnh Ninh, nay là huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, sau vì có công, ông được mang quốc tính nhà Lê, sử vì thế vẫn thường chép là Lê Khả. Tổ tiên của Trịnh Khả từng có người làm quan dưới thời Trần, sang thời Hồ, thân sinh của Trịnh Khả là Trịnh Quyện làm Chánh tổng. Sách Đại Việt thông sử (trang 207) chép rằng :
"Ông 16 tuổi, đi cày ruộng chăn trâu, ngồi nghỉ ở cổng chùa trên núi. Có viên tướng nhà Minh từ thành Tây Đô đến, thấy vẻ mặt ông thì ưa, bèn dẫn về nuôi làm nô, ít lâu sau, y xem tướng bảo rằng "Đứa bé này hình rồng mắt hổ, khỏe nhất ba quân, ngày sau tất cầm cờ mao tiết". Chợt lại bảo ông : "Ngày sau đuổi chúng ta tất là mày ? Phải giết ngay đi, nếu không sẽ lo ngại về sau”.
Trịnh Khả trốn được, sau, ông từng có mặt trong hội thề Lũng Nhai, và trở thành một trong những vị tướng của Lam Sơn, từng lập được nhiều công lao lớn. Năm 1428, ông được Lê Lợi (lúc ấy là vua Lê Thái Tổ), phong hàm Kim tử vinh lộc đại phu, Tả lân hổ vệ tướng quân, tước Liệt hầu, có tên trong bảng khắc ghi danh sách 93 vị công thần khai quốc.
Đầu đời Lê Nhân Tông, Trịnh Khả được phong hàm Nhập nội suy trung tán lí dương vũ công thần, kiêm Lỗi Giang trấn phủ quân, Thượng tướng quân, cai quản việc quân các vệ ở Tây Đạo, tước Quận thượng hầu. Lúc này, cùng với Lê Thụ, ông là bậc tể phụ của triều đình, nhưng khác với Lê Thụ, ông là người thẳng thắn, biết tự nhận lỗi của mình. Sinh thời, ông rất ghét bọn tham quan ô lại và bọn xu nịnh Sách Đại Việt thông sử (trang 212 - 213) viết :
“Viên Chủ bạ Nam Đạo là Đàm Thảo Lư ẩn lậu 4 quan tiền thuế, theo luật không đến nỗi xử tử, nhưng y đã từng vu hãm Nguyễn Thiên Tích nên ông ghét lắm, bèn quyết định ghép vào tội chết. Viên Chuyển vận phó sứ huyện Văn Bàn là Trương Tông Ký ăn hối lộ, việc phát giác (án làm xong sắp đem chém), tả hữu xin tha, ông nói : "Ăn trộm của một nhà còn không tha được huống hồ ăn trộm của một huyện sao". Lại giao xuống tra xét, xử tội (chết). Các quan liêu thời bấy giờ, không ai không run sợ. Ông cứ theo lí làm hết chức trách, trong khoảng vài năm, trong nước yên ổn".
Lúc Lê Nhân Tông còn nhỏ, ông rất sợ Nhà vua bị tập nhiễm thói hư, nên lúc nào cũng nghiêm cẩn trong việc chăm sóc Vua. Cũng sách trên (trang 212) chép rằng :
“Một hôm ông thoái chầu, thấy có đám đông tụ tập ở trước công đường, trong đó có người mang cái lưới săn, ông vội bảo phải cất ngay đi, không được để Nhà vua trông thấy, sẽ khơi mào ra cái tính ham chơi săn bắn của Vua sau này. Ông phòng xa ngăn trước cẩn thận đến như thế đấy".
Thế nhưng, bậc đại thần này lại bị kẻ ghen ghét gièm pha, khiến Thái hậu Nguyễn Thị Anh cả tin mà nổi giận, giết ông cùng với con trai ông là Trịnh Bá Quát vào tháng 7 năm 1451. Hai năm sau, ông được minh oan, nhưng mọi sự lúc ấy đã quá muộn rồi.


Lời bàn :

Thời chinh chiến, Trịnh Khả là bậc dũng tướng có tài, từng lập nhiều công lao. Có sự thành công của cuộc đại định, ấy cũng bởi có những người trung kiên bất khuất như Trịnh Khả, cho nên, xếp ông vào bậc công thần khai quốc là phải lắm.
Lúc thái bình, Trịnh Khả biết tự sửa lỗi, lại dốc lòng lo phò tá vua còn bé thơ, ấy cũng có thể gọi là bậc lương thần. Tiếc thay, bậc lương đống tài năng và có chí cả ấy không chết khi xông pha trận mạc nguy hiểm mà lại chết vì lời gièm pha của đồng liêu. Đất bằng nổi sóng là đấy chăng ?
Ôi ! cứu đại họa xâm lăng cho nước nhà thì chỉ có những bậc anh hùng cái thế mới làm được, những tưởng anh hùng là bất tử, dè đâu, anh hùng lại bị chết chỉ vì câu gièm pha đê tiện của kẻ tiểu nhân thấp hèn, tung ra đúng nơi và đúng lúc. Đáng suy gẫm lắm thay !

_________________________
Việt Sử Giai Thoại - Tập 5 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 5 Signat21
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Việt Sử Giai Thoại - Tập 5 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 5 Empty
Bài gửiTiêu đề: 41 - LOẠN LÊ NGHI DÂN    Việt Sử Giai Thoại - Tập 5 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 5 I_icon13Fri 02 Dec 2011, 02:12

41 - LOẠN LÊ NGHI DÂN


Lê Nghi Dân là con trưởng của vua Lê Thái Tông, do bà Dương Thị Bí sinh ra vào tháng 6 năm 1439. Đến tháng 3 năm 1440, Lê Nghi Dân được lập làm Hoàng thái tử. Lúc ấy, bà Dương Thị Bí được Nhà vua đặc biệt yêu quý nên sinh ra kiêu căng, bởi vậy, ai cũng ghét bà. Nhà vua thấy bà xử sự như vậy cũng không ưa liền giáng bà làm Minh nghi (hàng thấp của vợ vua). Bà không sửa lỗi lại còn oán vua ra mặt. Vua Lê Thái Tông giận, cho rằng tính khí người mẹ như vậy thì con bà đẻ ra chưa chắc đã là người hiền, bên giáng bà làm thứ nhân, lại còn xuống chiếu cho khắp thiên hạ biết rằng, ngôi Thái tử vẫn chưa định. Con bà là Lê Nghi Dân bi truất làm Lạng Sơn Vương.
Ngày 9 tháng 6 năm Tân Dậu (1441), bà Tuyên Từ Hoàng hậu là Nguyễn Thị Anh sinh hạ Hoàng tử Bang Cơ. Chẳng bao lâu sau, Bang Cơ được lập làm Thái tử.
Ngày 4 tháng 8 năm Nhâm Tuất (1442) vua Lê Thái Tông đột ngột qua đời. Ngày 12 tháng 8 năm đó, Lê Bang Cơ được tôn lên ngôi vua, đó là vua Lê Nhân Tông. Ngôi vị thứ bậc của hoàng tộc đến đó kể như đã định đoạt xong. Nhưng, Lê Nghi Dân vẫn ngầm nuôi ý khác.
Ở ngoài, Lê Nghi Dân đã tập hợp được hơn một trăm thủ hạ thân tín, ở trong, Lê Nghi Dân lại có thêm viên chỉ huy vệ binh là Lê Đắc Ninh cùng với bọn Phạm Đồn, Phạm Ban và Trần Lăng làm nội ứng , cho nên , đêm ngày 3 tháng 10 năm 1459, Lê Nghi Dân quyết định khởi sự thí vua. Đêm ấy, Lê Nghi Dân cùng bộ hạ bắc thang trèo tường và lẻn vào giết chết Nhà vua. Hôm sau, Lê Nghi Dân lại giết bà Tuyên Từ Thái hậu và một số người khác, rồi tự lập làm vua, đổi niên hiệu là Thiên Hưng.
Bây giờ, các bậc đại thần như Đỗ Bí, Lê Ê, Lê Ngang, Lê Thụ... đều căm tức, bí mật bàn chuyện lật đổ Lê Nghi Dân, nhưng chẳng may mưu ấy bị lộ, họ đều bị Lê Nghi Dân giết chết. Bọn gian trá, xu nịnh được dịp tung hoành.
Ngày 6 tháng 6 năm 1460, các bậc đại thần khác là Nguyễn Xí, Lê Lăng, Đinh Liệt, Lê Niệm, Lê Nhân Thuận, Lê Nhân Quý... cùng nhiều tướng lĩnh và quan lại khác đã đồng lòng giết được Lê Nghi Dân và bọn tòng phạm. Loạn Lê Nghi Dân đến đó là dứt. Triều thần đón Hoàng tử Lê Tư Thành (con của vua Lê Thái Tông do bà Ngô Thị Ngọc Dao sinh ra) lên ngôi. Đó là vua Lê Thánh Tông.


Lời bàn :

Lời xét đoán của Lê Thái Tông lúc sinh thời đối với bà Dương Thị Bí và con là Lê Nghi Dân, thoạt nghe có vẻ như vừa vu vơ, vừa khe khắt. Nhưng, nếu xét kĩ hành trạng của Lê Nghi Dân sau này thì rõ là Lê Thái Tông cũng có cái đúng của ông. Hậu thế có quyền trách Lê Thái Tông khi ông thoái thác trách nhiệm của mình đối với con là Lê Nghi Dân, đối với vợ là bà Dượng Thị Bí, song, hậu thế cũng chẳng thể vì thế mà tha thứ hành vi của Lê Nghi Dân. Giết vua là mang trọng tội với nước, giết em ruột và giết người nói chung là mang tội ác không thể dung tha, dùng bọn gian xảo và xu nịnh là chà đạp lương tâm của bậc trung nghĩa, sống mà như vậy, độn thổ còn chưa hết nhục, lẽ đâu lại dám cả gan ngồi lên ngai vàng ?
Kẻ độc ác và tầm thường, khi sống thì chỉ biết tuân theo sở thích riêng của mình, biết đâu, cái chết luôn rình rập bên chúng, và khi chúng chết rồi, miệng thế muôn đời vẫn lên tiếng nghiêm phê. Sợ thay !

_________________________
Việt Sử Giai Thoại - Tập 5 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 5 Signat21
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Việt Sử Giai Thoại - Tập 5 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 5 Empty
Bài gửiTiêu đề: 42 – NGUYỄN SƯ HỒI VỚI BÀI THƠ VIẾT THEO LỐI CHIẾT TỰ    Việt Sử Giai Thoại - Tập 5 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 5 I_icon13Fri 02 Dec 2011, 02:15

42 – NGUYỄN SƯ HỒI VỚI BÀI THƠ VIẾT THEO LỐI CHIẾT TỰ


Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 12, tờ 9-b và tờ 10-a) cho biết, tháng 3 năm Nhâm Ngọ (1462), bởi căm tức một số đại thần của triều đình, Nguyễn Sư Hồi đã làm một bài thơ viết theo lối chiết tự, đem vất ra đường, khiến cho người ta đọc rồi truyền đến tai vua.
Bài thơ ấy, nguyên văn (phiên âm) như sau :
Nhân hữu nhị tâm vưu khả nghi,
Tự lai chung cánh hiếu vi phi.
Thổ biên hữu hoặc chân hung bạo,
Thủy tại tây bàng xã tắc nguy.


Dịch nghĩa :
Câu 1 : Chữ nhân, ghép với chữ nhị và chữ tâm (nhân hữu nhị tâm) là chữ Niệm, chỉ Lê Niệm. Vưu khả nghi nghĩa là đáng ngờ lắm. Cả câu nói Lê Niệm là người rất đáng ngờ.
Câu 2 : Giống như chữ lai (tự lai) tức chữ lỗi, chỉ Nguyễn Lỗi. Chung cánh hiếu vi phi nghĩa là rốt cuộc chỉ thích làm điều phi pháp. Cả câu nói Nguyễn Lỗi cuối cùng chỉ thích làm điều phi pháp.
Câu 3 : Bên cạnh chữ thổ (thổ biên) có chữ hoặc (hữu hoặc),  tức là chữ vực, chỉ Lê Thọ Vực. Chân hung bọa nghĩa là thật hung bạo. Cả câu nói Lê Thọ Vực thật là hung bạo.
Câu 4 : Chữ thủy sát với chữ tây (thủy tại tây bàng) tức chữ Sái, chỉ Trịnh Văn Sái. Xã tắc nguy nghĩa là đất nước lâm nguy. Cả câu nói Trịnh Văn Sái làm cho xã tắc nguy nan.

Triều đình, mà nhất là các bậc đại thần có tên trong bài thơ rất lấy làm căm tức. Sư Hồi không kí tên dưới bài thơ, nhưng chẳng rõ nhờ đâu, mọi người đều biết rằng đấy là thơ của Sư Hồi. Vì lẽ đó, triều đình đem Nguyễn Sư Hồi ra xét xử, khép ông vào tội tử hình. Án ấy dâng lên, vua Lê Thánh Tông phê rằng : "Sư Hồi vì có công trung hưng, đã thế, cha hắn là Nguyên Xí lại có công lớn hồi khai quốc, cho nên tha tội chết".
Duyệt án xong, Nhà vua vẫn sợ bọn Lê Niệm, Nguyễn Lỗi, Lê Thọ Vực và Trịnh Văn Sái trả thù Nguyễn Sư Hồi, bèn dụ bảo họ rằng :
"Bài thơ yêu ma đó chưa chắc đã do Sư Hồi làm. Trong chỗ còn ngờ, dễ làm cho người hàm oan lắm. Vả chăng, những câu kể tội Lê Niệm, Nguyễn Lỗi, Trịnh Văn Sái thì còn tạm cho là rõ, chứ như câu nói Thọ Vực hung bạo thì mơ hồ lắm. Đó chưa phải là tội phản nghịch thì bắt Sư Hồi phải chết làm sao được ? Còn như nếu hắn quả đáng tội chết mà chưa bị giết thì trời sẽ hại nó, sao lại manh tâm báo thù nó làm gì ?".


Lời bàn :

Ai cũng khẳng định bài thơ nặc danh kia thực ra là do Sư Hồi làm, riêng vua Lê Thánh Tông thì vẫn còn hơi ngờ vực. Giết người khi tội trạng hãy còn ngờ, dù chỉ hơi ngờ, là điều khó dung tha được. Sự nghiêm cẩn của Lê Thánh Tông thật đáng kính. Lời dụ bảo của Nhà vua chứng tỏ Nhà vua luôn coi trọng chứng lí, bình tâm gạt bỏ mọi thù hằn cá nhân, các bậc đại thần không cúi đầu vâng mệnh làm sao được.
Tác giả của bài thơ chiết tự thật đáng chê trách. Đường đường là quan lại của triều đình, lẽ đâu lại bạc nhược đến độ không dám nói điều phải quấy của đồng liêu ? Hóa ra, vì thiếu dũng khí nên định nhờ lời đàm tiếu của thiên hạ, vì tâm địa khó lường nên chơi trò ném đá giấu tay, chữ nghĩa đủ để làm bài thơ chiết tự phức tạp mà khôn ngoan không đủ để phát biểu đúng suy nghĩ riêng của mình, thương hại thay !

_________________________
Việt Sử Giai Thoại - Tập 5 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 5 Signat21
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Việt Sử Giai Thoại - Tập 5 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 5 Empty
Bài gửiTiêu đề: 43 - THƯỢNG THƯ NGUYỄN NHƯ ĐỔ BỊ KHIỂN TRÁCH   Việt Sử Giai Thoại - Tập 5 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 5 I_icon13Thu 29 Dec 2011, 01:40

43 - THƯỢNG THƯ NGUYỄN NHƯ ĐỔ BỊ KHIỂN TRÁCH


Nguyễn Như Đổ người làng Đại Lan, huyện Thanh Đàm, nay là huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội. Năm Nhâm Tuất (1442) ông đỗ Tiến sĩ Cập đệ Đệ nhị danh (tức Bảng nhãn), làm quan trải các triều Nhân Tông và Thánh Tông. Năm 1460, ông được bổ làm Thượng thư bộ Lại.
Ngay khi vừa nhận chức Thượng thư, Nguyễn Như Đổ đã bị vua Lê Thánh Tông khiển trách. Sự kiện này, được sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (chính biên, quyển 19, tờ 14) chép lại như sau :
"Nguyễn Như Đổ thấy Đỗ Bất Một tuổi đã cao, bèn xin cho (Bất Một) được nghỉ việc quan. Nhà vua nói :
- Trước kia, nhà ngươi nhận lời cầu xin (của Bất Một) mà bổ cho Bất Một được giữ chức Tổng tri vệ Bắc Bình, khiến cho triều đình lúc ấy phải bàn tán xôn xao. Nay, nhà ngươi lại xin cho Bất Một về nghỉ với hàm ấy, quả là gian dối lắm. Từ nay phải chừa đi mới được.
Nhà vua còn bảo Nguyễn Như Đổ rằng :
- Trong triều, nếu quân tử được tiến dụng, thế là thời thịnh đã có gốc có rễ, nếu tiểu nhân được tiến dụng thì thời loạn lạc đã có lối để thông vào. Trẫm cùng các khanh phải nhắc nhở lẫn nhau, tiến dụng quân tử, trừ bỏ tiểu nhân, ngày đêm không lúc nào quên được, có thế nước nhà mới mong được thịnh trị".


Lời bàn :

Bộ Lại là bộ trông coi việc tuyển dụng và bổ nhiệm quan lại, nói chung là những việc có liên quan đến nhân sự của bộ máy nhà nước. Thượng thư là chức đứng đầu bộ, cả triều đình xưa chỉ có sáu người giữ chức Thượng thư mà thôi. Xem thế cũng đủ thấy chức trách của Nguyễn Như Đổ quan trọng biết nhường nào.
Nguyễn Như Đổ muốn cho Đỗ Bất Một được về hưu với chức danh lớn hơn (Để rồi tiếng tăm và lợi lộc cũng lớn hơn) nên tìm cách xin cho Đỗ Bất Một được thăng chức trước khi về hưu, thế tà trong chỗ không tính toán, thương một người mà hại đến muôn người vậy. Nếu chức tước có hạn mà lãm thưởng không có hạn, nguy cơ của sự rẻ rúng triều đình sẽ đến gần, vua Lê Thánh Tông khiển trách là phải lắm.
Lời vua Lê Thánh Tông về phép tiến dụng người quả đáng suy gẫm. Chức lớn mà lòng dạ nhỏ nhen, kiến thức hẹp hòi, tương lai của vận nước ra sao, khỏi bàn cũng rõ. Song le, khi đã có quyền, có chức, thật khó mà nhận ra kẻ tiểu nhân quanh mình. Thường thì tiểu nhân làm cho ta chết không kịp hối, âu cũng là cách chúng lấy lại mọi sự thiệt thòi mà trước đó chúng đã bỏ ra để mua chuộc, nịnh bợ ta. Chân dung tiểu nhân dễ thấy nhất vẫn là trong sử. Cho nên, đọc sử để tìm cách xa lánh tiểu nhân là cần lắm vậy.

_________________________
Việt Sử Giai Thoại - Tập 5 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 5 Signat21
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Việt Sử Giai Thoại - Tập 5 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 5 Empty
Bài gửiTiêu đề: 44 - THÁI ÚY LÊ LĂNG BỊ GIẾT   Việt Sử Giai Thoại - Tập 5 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 5 I_icon13Thu 29 Dec 2011, 01:43

44 - THÁI ÚY LÊ LĂNG BỊ GIẾT


Lê Lăng là con của Lê Triện. Lê Triện theo Lê Lợi xướng nghĩa ở Lam Sơn, từng lập được nhiều công lao. Năm 1427, ông hi sinh ở ngoại thành thành Đông Quan, không có may mắn được chứng kiến ngày vui đại định.
Trong giai đoạn cuối của khởi nghĩa Lam Sơn, Lê Lăng đã là một vị tướng trẻ, lập được khá nhiều chiến công. Sau, ông làm quan trải ba đời vua là Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông và Lê Nhân Tông. Khi Lê Nghi Dân nổi loạn thí nghịch, Lê Lăng cùng với nhiều bậc đại thần khác, đã hợp mưu giết chết Lê Nghi Dân. Lê Nghi Dân bị giết rồi, ông có ý định đưa Cung vương Lê Khắc Xương lên ngôi, nhưng các bậc đại thần khác mà đứng đầu là Nguyễn Xí lại không bằng lòng. Họ cùng tôn lập Hoàng tử Lê Tư Thành lên làm Hoàng đế. Đó là Lê Thánh Tông. Lê Lăng không phản đối, nhưng ý định ban đầu của ông, sau chẳng hiểu sao lại truyền đến tai Lê Thánh Tông, khiến cho Lê Thánh Tông không vừa lòng. Tuy nhiên, vị vua trẻ tuổi này tỏ ra rất khôn ngoan, chẳng những không bộc lộ sự bất bình mà còn phong cho Lê Lăng làm Thái úy, luôn ca ngợi công lao diệt loạn Lê Nghi Dân mà Lê Lăng đã lập được. Rất tiếc là Lê Lăng không ý thức được vấn đề tế nhị này nên đã làm cho Nhà vua ngầm nuôi mối hận đối với Lê Lăng. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (chính biên, quyển 19, tờ 21) chép rằng :
"Cùng các đại thần giết được đảng nghịch xong rồi, Lê Lăng bàn nên lập Cung vương Khắc Xương, nhưng Lê Xí (tức Nguyễn Xí - ND) đã không bằng lòng, họ đón lập Nhà vua (chỉ Lê Thánh Tông - ND).
Nhà vua nghe biết việc ấy, có ý để bụng không ưa. Đến khi (Nhà vua) lên ngôi, Lăng vì là công thần, được giúp việc chính sự. Nhưng tính Lăng thẳng thắn, bộc trực, khiến Vua đôi khi cũng nể ngại, bèn thi thoảng lại sai Nguyễn Lỗi đem bạc lạng đến tặng cho Lăng, lại còn dụ bảo rằng :
- Nhà ngươi phải cẩn thận trước sao sau vậy, phải thanh khiết công bằng. Tính khí nhà ngươi cương trực quá. Ngoài có vẻ nghiêm mà trong thì vừa nhu vừa ác. Ai ưa thì bế bồng âu yếm, ai ghét thì xô xuống đất đen, người ngoài nghe biết, lấy làm không thỏa mãn. Nhà ngươi phải sửa chữa mới được.
Lê Lăng được thăng dần đến chức Thái úy. Đến đây, có người tố cáo là Lăng ngấm ngầm mưu loạn, Vua cả giận, sai giết đi, tịch thu gia sản rồi bố cáo tội trạng khắp trong ngoài cho thiên hạ biết. Mọi người đều nói Lăng bị giết oan”.


Lời bàn :

Lời Lê Lăng bàn lập Cung vương Khắc Xương ngay khi vừa trừ diệt được Lê Nghi Dân mà sau cũng đến được tai Vua, hẳn bá quan lúc ấy cũng không ít kẻ chuyên nghề bới móc lỗi lầm của đồng liêu. Để bụng nuôi thù vặt, đó không phải là phép xử sự của bậc trượng phu, huống hồ đây là Hoàng đế, cho nên, hậu thế dẫu rất ngợi khen Thánh Tông Hoàng đế, vẫn khó có thể bỏ qua cho chút tì vết này. Vua mới lên ngôi mà giết ngay kẻ khác ý, trong chuyện cụ thể này, chừng như không phải Vua muốn giữ đức mà là Vua cẩn trọng giữ thân. Vua ban chức Thái úy cho Lê Lăng, lại còn ban bạc lạng cho Lê Lăng, việc ấy có chút gì đó từa tựa như ban bữa cỗ cuối cùng cho kẻ lãnh án xử tử.
Sợ thay ! Còn những kẻ chuyên đi bới móc sơ hở của bè bạn và đồng lieu, xin hãy mau dừng lại, trên trời, có gì ghê sợ như việc giết người bằng cái lưỡi lắt léo của mình đâu !

_________________________
Việt Sử Giai Thoại - Tập 5 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 5 Signat21
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Việt Sử Giai Thoại - Tập 5 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 5 Empty
Bài gửiTiêu đề: 45 – LƯỢC TRUYỆN TRẦN PHONG    Việt Sử Giai Thoại - Tập 5 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 5 I_icon13Mon 30 Jan 2012, 04:25

45 – LƯỢC TRUYỆN TRẦN PHONG


Thời Lê Thái Tổ (1428 - 1433) và thời Lê Thánh Tông (1460- 1497) có hai nhân vật nổi tiếng, cùng họ cùng tên là Trần Phong, Trần Phong thời Lê Thái Tổ nổi tiếng về sự phản bội đất nước, bị triều đình xử tử vào tháng 8 năm 1428. Trần Phong thời Lê Thánh Tông là đại thần, nổi tiếng vì được sử cũ nhiều lần nhắc đến lỗi lầm. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 12, tờ 20-a) cho biết, tháng 9 năm Ất Dậu (1465), Trần Phong đang giữ chức Thượng thư ở triều đình thì bị đổi ra làm Tuyên chính sứ Tây Đạo. Trần Phong đi rồi. Vua nói với bá quan văn võ như sau :
"Trần Cẩn là em của Trần Phong. Có lần Cẩn phạm tội, trẫm hỏi Phong về phép xử sự ngày thường trước kia của Cẩn, Phong nhân đó bới móc mọi nết xấu của Cẩn, định hại Cẩn. Thế thì, tình anh em nhà nó đã có nguy tan rã rồi, nhân luân bại hoại chẳng có gì tệ hại như vậy. Lần này, nếu Trần Phong biết sửa chữa lỗi lầm, một lòng trung hiếu, thì ta cũng kiên tâm mà đợi chờ kết quả sửa chữa của hắn".
Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (chính biên, quyển 21, tờ 12) chép một đoạn khá dài về Trần Phong như sau :
"Bấy giờ (tháng 10 năm Mậu Tí 1468 - ND) có viên quan là Lê Bô mắc tội ăn hối lộ, lẽ phải khép vào tội thích chữ vào trán rồi đổ chàm lên, nhưng Trần Phong xin cho Lê Bô được nộp tiền chuộc tội. Nhà vua nghe vậy, bèn bảo bề tôi trong triều rằng :
- Trần Phong xin cho kẻ ăn hối lộ được nộp tiền chuộc tội, vậy thì kẻ giàu có tiến đút lót là khỏi tai vạ, chỉ kẻ nghèo không có tiền mới bị trừng trị. Trần Phong làm trái phép tắc của tổ tông, dám thiện tiện tác oai tác phúc, làm hại đến nước nhà, vì thế, cần hạ lệnh cho Pháp ti xét xử và trị theo luật định.
Trần Phong là người ưa ton hót. Bấy giờ, có người bố đẻ của Hoàng hậu là Nguyễn Đức Trung, cùng với người cậu của Vua là Nguyễn Yên, được Vua yêu, quyến thế khó ai sánh kịp. Phong liền  kiếm cách nịnh bợ hai người này. Một hôm, bởi lời đàm tiếu nhiều quá Phong phải đàn hặc chút lỗi của Đức Trung, nhưng ngay chiều hôm đó, Phong chạy đến nhà Đức Trung để xin lỗi.
Phong muốn làm thông gia với Nguyễn Yên, bèn đến lạy trước nhà Nguyễn Yên suốt cả ngày, bấy giờ Nguyễn Yên mới nhận. Nhà vua nói với Nguyễn Như Đổ rằng :
- Trần Phong bề ngoài thì làm bộ nghiêm nghị mà bên trong thì hiểm độc, nói năng không cẩn thận. Hắn ton hót và nịnh bợ bọn quyền quý, hút máu cho Đức Trung, mút ung nhọt cho Nguyễn Yên, dùng mánh khóe ấy để mong được tiến thân".

Lời bàn :

Với anh em ruột thịt, Trần Phong đã không có lượng bao dung lại còn tìm cơ hội thuận tiện để hãm hại, ấy là bạc tình bạc nghĩa. Với kẻ ăn hối lộ, Trần Phong cố xin cho được dùng tiền chuộc tội, ấy là bất chính và bất lương. Với kẻ có quyền thế thì nhục nhã hạ mình để cầu cạnh và nịnh bợ, ấy là tâm địa tiểu nhân hèn hạ. Nhân cách cỡ đó, làm người thường còn chưa dễ được, huống là rắp tâm nuôi chí làm kẻ có danh vọng cao?
Trần Phong tầm thường một cách toàn diện đến thế hay sao ? Ôi, nếu quả đúng là như vậy thì lỗi của vua, lỗi của triều đình cũng không nhỏ. Xưa nay, có ai dùng kẻ tầm thường làm thuộc hạ mà mình lại có thể tránh được hết mọi sự tầm thường đâu !
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Việt Sử Giai Thoại - Tập 5 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 5 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Việt Sử Giai Thoại - Tập 5 - Nguyễn Khắc Thuần   Việt Sử Giai Thoại - Tập 5 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 5 I_icon13Mon 30 Jan 2012, 04:28

46 – CUỘC ĐỐI ĐÁP GIỮA THÁM HOA LƯƠNG NHƯ HỘC VỚI VĂN LƯ


Lương Như Hộc người Hải Dương, đỗ Thám hoa năm Nhâm Tuất (1442), làm quan trải hai triều là Lê Nhân Tông và Lê Thánh Tông, chức Tả thị lang bộ Lễ. Ông từng đi sứ sang Trung Quốc, và tương truyền, ông là người đã đưa nghề khắc in bản gỗ vào nước ta, cho nên, dân làm nghề khắc in bản gỗ vẫn tôn ông là Tổ sư của nghề mình. Như vậy, xét về danh vọng và địa vị xã hội, ông thuộc lớp cao sang của người đương thời.
Văn Lư là tên của một người lính ở vệ Oai Lôi thời Lê Thánh Tông. Thân phận của Văn Lư nếu đem so với Lương Như Hộc thì hiển nhiên là rất thấp kém. Tuy nhiên, vào năm Đinh Hợi (1467), giữa hai người có địa vị rất cách biệt này đã có một cuộc đối đáp khá thú vị, được sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (chính biên, quyển 20, tờ 22) ghi lại như sau :
"Bấy giờ, Vua hạ lệnh lính Ngũ Phủ chế tạo binh khí theo kiểu mới, nhưng chưa được bao lâu lại sai chế tạo theo kiểu khác, quân lính vì vậy mà phàn nàn. Một quân nhân ở vệ Oai Lôi tên là Văn Lư dâng thư nói rằng :
- Tháng giêng năm nay, hệ hạ đã ban hình dạng mới về vũ khí, khiến cho quân nhân theo đó mà chế tạo. Nay, bệ hạ cho thay đổi hình dạng vũ khí theo kiểu khác, như thế là chính lệnh bất thường.
Nhà vua sai các quan ở bộ Lại đến dụ bảo Văn Lư rằng :
- Binh khí cùng một dạng ấy cả chứ có khác gì ? Nhà ngươi chỉ được cái nói càn mà thôi.
Quan Thị lang là Lương Như Hộc nói riêng với Văn Lư rằng :
- Nhà ngươi không phải người giữ chức Ngôn quan, hà cớ gì lại nói càn đến việc quốc gia đại sự ?
Văn Lư trả lời :
- Nước lấy dân làm gốc rễ, còn như lính là để bảo vệ dân. Nay, chính lệnh trước sau bất nhất, quân dân ai oán, ông là cận thần của Nhà vua, thế mà cam ngậm miệng không nói. Giờ đây, Lư này nói lời ấy chính là vì yêu Vua đó thôi. Bọn Như Hộc nghe lời Văn Lư nói, đều im lặng.

Lời bàn :

Dân gian có chuyện kể rằng, có nhà quyển thế nọ muốn tỏ rõ uy quyền đặc biệt của mình, bèn chỉ con vịt mà bảo tôi tớ rằng đó là con gà, tôi tớ của hắn vì sợn mà từ ấy, cứ thấy con vịt là nói ngay rằng đấy là con gà. Chuyện nhà vua thay đổi kiểu dáng vũ khí nhưng vẫn khăng khăng rằng không thay đổi, ắt cũng gần giống với chuyện của nhà quyền thế kể trên. Thế mới biết là có quyền thế bao giờ cũng dễ ăn dễ nói.
Thân phận những người lính như Văn Lư, thấp hèn là quả rõ. Tuy nhiên, lời anh nói lại chẳng thấp kém một chút nào. Dám dâng thư can vua, ấy là người có dũng khí. Can vua vì chút lòng thành với quân dân, vì sự nhất quán của chính lệnh chứ chẳng hề vì lợi ích riêng, ấy là người có đức trung.
Cuộc đối đáp giữa quan Tả thi lang là Lương Như Hộc với Văn Lư cho thấy sự khác biệt của hai phép xử thế. Khi sống, mỗi người có quyền chọn cho mình một phép xử thế riêng, có điều khi chết rồi, hậu thế có quyền khen người này, chê người nọ. Bạn hãy nói cho tôi biết, bạn thích lời của Lương Như Hộc hay lời của Văn Lư, tôi sẽ nói ngay rằng bạn là người như thế nào.
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Việt Sử Giai Thoại - Tập 5 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 5 Empty
Bài gửiTiêu đề: 47 - VUA LÊ THÁNH TÔNG ĐÒI ĐỌC NHẬT LỊCH   Việt Sử Giai Thoại - Tập 5 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 5 I_icon13Mon 30 Jan 2012, 04:31

47 - VUA LÊ THÁNH TÔNG ĐÒI ĐỌC NHẬT LỊCH


Trong triều đình xưa thường có chức Sử quan. Chức này chuyên lo việc ghi chép việc làm và lời nói hàng ngày của vua vào một cuốn sổ riêng, gọi là nhật lịch. Sau, Sử quan lại dựa vào nhật lịch để viết chính sử cho nước nhà, sử ấy gọi là thực lục. Điển lễ xưa quy định, vua không bao giờ được xem nhật lịch cũng không được xem thực lục về triều đại của mình. Lễ ấy đặt ra cốt để khiến cho Sử quan có thể dễ dàng viết cả việc xấu, lời dở của vua một cách trung thực và tự nhiên. Điển lễ ấy đúng sai thế nào, xin hãy miễn bàn, chỉ biết người xưa hiển nhiên là tuân thủ điển lễ xưa.
Thế nhưng, năm 1467, vua Lê Thánh Tông lại đòi xem nhật lịch. Việc làm trái lễ này của Nhà vua đã được sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (chính biên, quyển 20, tờ 27) chép lại kèm theo hai lời phê khá nặng như sau :
"Nhà vua muốn Xem xét công việc của Sử quan, bèn sai Trung sứ (người nhận mệnh Vua đi làm một việc cụ thể gì đó - ND) đến Hàn Lâm Viện, dụ bảo Sử quan là Lê Nghĩa rằng :
- Ngày xưa, Phòng Huyền Linh giữ chức Sử quan dưới thời Đường Thái Tông, Thái Tông muốn xem thực lục, Huyền Linh không cho. Nay nhà ngươi nếu đem so với Phòng Huyền Linh thì ai giỏi hơn ?
Lê Nghĩa trả lời :
- Sự biến xảy ra ở cửa Huyền Vũ (nơi ba anh em Đường Thái Tông chém giết lẫn nhau - ND), sau Huyền Linh mới chép chứ không dám chép ngay lúc đó, vì có lệnh của Đường Thái Tông. Xem thế thì đủ biết Huyền Linh chưa chắc đã giỏi.
Trung sứ nói :
- Ý Nhà vua là muốn đọc nhật lịch từ năm Quang Thuận thứ nhất (1460 - ND) đến nay.
(Lê) Nghĩa nói :
- Làm Vua mà đọc nhật lịch như Đường Thái Tông đọc nhật lịch do Phòng Huyền Linh chép thì sẽ bị đời sau chê cười đấy.
Trung sứ nói :
- Vua cho là đọc nhật lịch để biết trước kia nếu làm điều gì lầm lỗi thì nay có thể tự xét mà sửa đổi.
(Lê) Nghĩa nói :
- Thì bệ hạ cứ gắng làm điều tốt, hà cớ gì phải xem nhật lịch .
Vua sai Trung sứ dụ bảo mấy lần, Lê Nghĩa liền nói :
- Nếu thánh thượng thực lòng muốn tự sửa lỗi, đó là may mắn lớn lao không cùng cho xã tắc. Vậy thì đọc nhật lịch cũng là nghe thêm lời can ngăn trong khi ngỡ như không có ai can ngăn vậy.
(Nói rồi, Lê Nghla) bèn dâng nhật lịch.

Lời phê :

Lòng hiếu danh của Lê Thánh Tông cũng chẳng khác gì Đường Thái Tông nên mới đòi xem nhật lịch.

Lời phê : Lê Nghĩa giữ đạo không nghiêm".

Lời bàn :

Vua tự biết việc đòi xem nhật lịch là trái phép nên mới sai trung sứ đến Hàn Lâm Viện gặp Lê Nghĩa, dẫn chuyện Đường Thái Tông với Phòng Huyền Linh để lung lạc lòng cương trực vốn có của Sử quan. Bị Lê Nghĩa phản đối, Vua buộc phải nói rằng, đọc nhật lịch là để biết lỗi trước mà tự sửa. Ý xa và lời gần của Vua. xem ra đều không chính đáng. Đã biết việc của Đường Thái Tông và Phòng Huyền Linh là sai mà còn noi theo, ấy là đã bị tập nhiễm cái xấu. Lỗi mình gây ra, tự mình, mình phải biết. Người đã quên lỗi của mình, đâu dễ đọc lại nhật lịch là tự sửa được ?
Lê Thánh Tông hiếu danh chăng ? Lời phê của các sử gia thời Nguyễn. trong trường hợp cụ thể này, có lẽ là chưa xác đáng. Còn như Lê Nghĩa giữ đạo không nghiêm thì rõ rồi. Song, nghiêm với kẻ dưới thì được, chớ nghiêm với người trên, nhất lại là người ở trên ngai vàng, chẳng phải dễ đâu.
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Sponsored content




Việt Sử Giai Thoại - Tập 5 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 5 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Việt Sử Giai Thoại - Tập 5 - Nguyễn Khắc Thuần   Việt Sử Giai Thoại - Tập 5 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 5 I_icon13

Về Đầu Trang Go down
 
Việt Sử Giai Thoại - Tập 5 - Nguyễn Khắc Thuần
Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Similar topics
-
» Việt Sử Giai Thoại - Tập 1 - Nguyễn Khắc Thuần
» Việt Sử Giai Thoại - Tập 3 - Nguyễn Khắc Thuần
» Việt Sử Giai Thoại - Tập 2 - Nguyễn Khắc Thuần
» Việt Sử Giai Thoại - Tập 4 - Nguyễn Khắc Thuần
» Giai thoại văn học Việt Nam
Trang 5 trong tổng số 7 trangChuyển đến trang : Previous  1, 2, 3, 4, 5, 6, 7  Next

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
daovien.net :: TRÚC LÝ QUÁN :: Lịch Sử-