Trang ChínhTìm kiếmLatest imagesVietUniĐăng kýĐăng Nhập
Bài viết mới
Thơ Nguyên Hữu 2022 by Nguyên Hữu Yesterday at 20:54

Hơn 3.000 bài thơ tình Phạm Bá Chiểu by phambachieu Yesterday at 00:28

Mức thù lao không ai dám nghĩ đến by Trà Mi Wed 17 Apr 2024, 11:28

Nhận dạng phụ nữ giàu có by Phương Nguyên Wed 17 Apr 2024, 11:17

KHÔNG ĐỀ by Phương Nguyên Wed 17 Apr 2024, 11:00

BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-1965 - LM CAO VĂN LUẬN by Trà Mi Wed 17 Apr 2024, 09:02

Mái Nhà Chung by mytutru Tue 16 Apr 2024, 12:01

Cách xem tướng mạo phụ nữ ngoại tình, không chung thủy by mytutru Tue 16 Apr 2024, 11:59

Ở NHÀ MỘT MÌNH by Phương Nguyên Tue 16 Apr 2024, 09:59

Quán Tạp Kỹ - Đồng Bằng Nam Bộ by Trà Mi Tue 16 Apr 2024, 09:39

HÁ MIỆNG CHỜ SUNG by Phương Nguyên Sun 14 Apr 2024, 13:29

Trang thơ vui Phạm Bá Chiểu by phambachieu Fri 12 Apr 2024, 15:48

Những Đoá Từ Tâm by Việt Đường Fri 12 Apr 2024, 15:32

Chết rồi! by Phương Nguyên Fri 12 Apr 2024, 13:57

ĐÔI BÀN TAY NGHỆ NHÂN by mytutru Thu 11 Apr 2024, 17:43

LỀU THƠ NHẠC by Thiên Hùng Thu 11 Apr 2024, 02:15

THẬN TRỌNG SIÊU LỪA by mytutru Wed 10 Apr 2024, 20:33

Không đánh, không mắng, không phạt, không có học sinh ưu tú by Trà Mi Wed 10 Apr 2024, 11:45

Thi tập "Chỉ là...Tình thơ" by Tú_Yên tv Wed 10 Apr 2024, 11:37

Thơ Tú_Yên phổ nhạc by Tú_Yên tv Wed 10 Apr 2024, 11:32

KHÓ NGỦ by Phương Nguyên Wed 10 Apr 2024, 01:46

MỘT CHÚT BUỒN by Phương Nguyên Tue 09 Apr 2024, 15:33

Trụ vững duyên thầy by buixuanphuong09 Mon 08 Apr 2024, 08:14

"Vãi" Tiếng Việt! by Trà Mi Mon 08 Apr 2024, 08:09

7 chữ by Tinh Hoa Sun 07 Apr 2024, 22:30

TRANG ALBUM GIA ĐÌNH KỶ NIỆM CHUYỆN ĐỜI by mytutru Sun 07 Apr 2024, 19:29

Trang viết cuối đời by buixuanphuong09 Sat 06 Apr 2024, 09:10

Tranh Thơ Viễn Phương by Viễn Phương Fri 05 Apr 2024, 17:59

Những Bài Giảng Hay Thầy Thích Pháp Hoà by mytutru Thu 04 Apr 2024, 22:35

Còn mãi duyên thầy by buixuanphuong09 Thu 04 Apr 2024, 19:48

Tự điển
* Tự Điển Hồ Ngọc Đức



* Tự Điển Hán Việt
Hán Việt
Thư viện nhạc phổ
Tân nhạc ♫
Nghe Nhạc
Cải lương, Hài kịch
Truyện Audio
Âm Dương Lịch
Ho Ngoc Duc's Lunar Calendar
Đăng Nhập
Tên truy cập:
Mật khẩu:
Đăng nhập tự động mỗi khi truy cập: 
:: Quên mật khẩu

Share | 
 

 Việt Sử Giai Thoại - Tập 2 - Nguyễn Khắc Thuần

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Chuyển đến trang : Previous  1, 2, 3, 4, 5, 6
Tác giảThông điệp
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Việt Sử Giai Thoại - Tập 2 - Nguyễn Khắc Thuần  - Page 6 Empty
Bài gửiTiêu đề: 48 - TRIỀU LÝ THOÁT NẠN NHỜ SỰ MAY MẮN CỦA LIỆT HẦU CAO KHA   Việt Sử Giai Thoại - Tập 2 - Nguyễn Khắc Thuần  - Page 6 I_icon13Sun 24 Oct 2010, 16:33

48 - TRIỀU LÝ THOÁT NẠN NHỜ SỰ MAY MẮN CỦA LIỆT HẦU CAO KHA


Phạm Bỉnh Di bị giết rồi, phe đảng còn lại đứng dầu là Quách Bốc quyết định trả thù. Tháng 8 năm Kỉ Tị (1209), Quách Bốc cho thủy quân đánh vào kinh sư. Tiền quân của Quách Bốc có nhiệm vụ băng qua khu vực dốc Hàng Than (Hà Nội) để đánh thẳng vào cấm thành mà cướp báu vật, còn đại quân của Quách Bốc thì đóng ở bến Thiên Hà (Hà Nội) rồi đánh thẳng vào cửa Thiên Thu. Tình hình kinh đô trở nên hết sức nguy ngập, ngai vàng của Lý Cao Tông có cơ bị lật nhào.
Song, đội quân hùng mạnh ấy của Quách Bốc đã bị thất bại một cách hài hước chỉ bởi một mũi tên bắn lén của Liệt hầu Cao Kha. Sách Đại Việt sử lược (quyển 3, tờ 19-b và tờ 20-a) cho biết, khi đại quân của Quách Bốc vừa tiến vào đến quán Vũ Sư thì bị Liệt hầu Cao Kha nấp sẵn ở Chấn Vi bắn cho một phát. Mũi tên ấy trúng ngay vú một người lính của Quách Bốc. Cao Kha thấy thế thích quá, quên cả nguy hiểm mà vỗ tay reo hò. Chẳng ngờ mũi tên bắn lén và hú họa mà trúng ấy, cộng với tiếng vỗ tay reo hò rất tự nhiên của Cao Kha đã làm cho toán lính đi đầu hốt hoảng bỏ chạy ra bờ sông. Bấy giờ, lính giữ thuyền thấy vậy cứ tưởng là quân đội triều đình ra đánh, bèn vội chèo thuyền ra giữa sông. Đúng lúc đó, gió bấc thổi mạnh, thuyền bè vì thế mà trôi dạt hết cả. Quân Quách Bốc đang ở trên bờ thấy thuyền trôi thì mất hết tinh thần mà tự tan vỡ, nhân đó, bị tiêu diệt, chết hơn 300 người. Hài hước hơn nữa, người tiêu diệt quân Quách Bốc lại chính là dân kinh thành chứ không phải là quân đội triều đình !

Lời bàn :

Trong cuộc chém giết đương thời, không một ai là người có chính nghĩa cả. Không có chinh nghĩa thì chẳng có gì đáng giá để cố kết lòng người. Đội quân ấy chỉ trông cậy ở vũ khí và phương tiện chiến đấu mà thôi. Thuyền mới trôi mà đã mất tinh thần rồi tự tan vỡ, ấy cũng là chuyện dễ hiểu. Trong chỗ không ngờ, triều Lý đã gặp may nhờ mũi tên tình cờ mà trúng của Liệt hầu Cao Kha. Ở đời, có người nổi tiếng nhờ tài đức, nhưng cũng có người nổi tiếng nhờ sự tàn bạo, hoặc giả là gặp chuyện hi hữu, đại loại như Cao Kha. Ôi, thời loạn quả lả lắm chuyện lạ!

_________________________
Việt Sử Giai Thoại - Tập 2 - Nguyễn Khắc Thuần  - Page 6 Signat21
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Việt Sử Giai Thoại - Tập 2 - Nguyễn Khắc Thuần  - Page 6 Empty
Bài gửiTiêu đề: 49 - ĐÀM DĨ MÔNG BỊ HẶC TỘI   Việt Sử Giai Thoại - Tập 2 - Nguyễn Khắc Thuần  - Page 6 I_icon13Sun 24 Oct 2010, 16:36

49 - ĐÀM DĨ MÔNG BỊ HẶC TỘI


Thời Lý Cao Tông, Đàm Dĩ Mông làm quan đã có lúc lên tới chức Phụ quốc Thái phó, quyền uy khét tiếng cả triều đình. Bởi cậy quyền mà đánh Nguyễn Bảo Lương nên đến năm 1203, Đàm Dĩ Mông bị phe cánh Nguyễn Bảo Lương trả thù, bị vua giáng xuống hàng Đại liêu ban. Nhưng rồi về sau, kinh thành náo loạn, chính sự rối ren, tên tuổi Đàm Dĩ Mông gần như bị chìm trong quên lãng. Vào năm Kỉ Tị (1209), để trả thù vụ Phạm Du giết chết cả chủ tướng của mình là Phạm Bỉnh Di, Quách Bốc đã đem quân đội đánh thẳng vào cấm cung, bắt cả Vương Tử Thầm và Vương Tử Hạo Sảm về Hải Ấp. Bấy giờ, mặc dù trên danh nghĩa, triều đình Cao Tông vẫn còn đó, nhưng bọn Quách Bốc đã cùng nhau lập Vương Tử Thầm lên ngôi. Sau, họ lại lấy cớ Vương Tử Thầm chỉ là con thứ nên lập Vương Tử Hạo Sảm. Có lẽ lúc ấy do Vương Tử Hạo Sảm chỉ mới 15 tuổi, dễ sai khiến hơn nên họ mới lập Hạo Sảm làm vua thay cho Vương Tử Thầm. Một triều đình nhỏ tồn tại ở ngoài một triều đình lớn đã được thiết lập. Trong triều đình nhỏ của Hạo Sảm, Đàm Dĩ Mông bỗng dưng được cất nhắc, cho làm đến chức Thái úy.
Triều đình nhỏ này tồn tại chưa được bao lâu thì bị vua Lý Cao Tông giải tán. Vương Tử Hạo Sảm lại trở về kinh. Đàm Dĩ Mông và tất cả những ai đã nhận chức tước do Hạo Sảm ban đều vì thế mà rất lo lắng cho số phận của mình. Để lập công chuộc tội, Đàm Dĩ Mông đã phản bội những người trước đã cùng mình nhận chức tước của Hạo Sảm, bắt họ về nạp cho Lý Cao Tông. Sách Đại Việt sử lược (quyển 3, tờ 20-a) chép rằng :
"Mùa thu, tháng 7 (năm Canh Ngọ, 1210 - ND) Dĩ Mông đem 28 người nhận tước phong của Vương Tử (Sảm) dâng Vua. Đỗ Anh Doãn (cũng có sách viết là Đỗ Anh Triệt - ND) đường đường kể tội Dĩ Mông rằng :
- Mày là đại thần của nước, đã đem lòng vô quân, nhận tước phong của giặc, nay lại cùng ngồi với ta, ta tuy bất tài nhưng còn mặt mũi nào mà nhìn mày nữa. Dĩ Mông vừa thẹn vừa sợ mà lui".

Lời bàn :

Lúc quyền thế thì coi rẻ tình đồng liêu, khi sa cơ thì nghĩa vua tôi chẳng kể, đến hồi hoạn nạn thì phản bạn mà lo thân, con người Đàm Dĩ Mông quả là thủ đoạn khó lường. Đành là đời Cao Tông, mọi sự đều đảo lộn, nhưng nhân thời đảo lộn mà làm cho đảo lộn thêm, chỉ kẻ tiểu nhân mới có tâm địa ấy. Đàm Dĩ Mông bị hặc tội ngay giữa triều đình, thế cùng phải lắm.

_________________________
Việt Sử Giai Thoại - Tập 2 - Nguyễn Khắc Thuần  - Page 6 Signat21
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Việt Sử Giai Thoại - Tập 2 - Nguyễn Khắc Thuần  - Page 6 Empty
Bài gửiTiêu đề: 50 - TÌNH NGHĨA VỢ CHỒNG CỦA VUA LÝ HUỆ TÔNG   Việt Sử Giai Thoại - Tập 2 - Nguyễn Khắc Thuần  - Page 6 I_icon13Sun 24 Oct 2010, 16:38

50 - TÌNH NGHĨA VỢ CHỒNG CỦA VUA LÝ HUỆ TÔNG


Lý Huệ Tông (1210 - 1224) tên húy là Sảm, con trưởng của Cao Tông. Tiếng là vua nhưng chẳng mấy khi được sống yên ổn ở kinh thành Thăng Long, ngược lại, luôn phải bôn tẩu đó đây bởi những cuộc xâu xé giữa các phe phái trong triều đình đương thời. Chạy mãi thì mất uy, sai bảo chẳng còn ai nghe nữa, có lúc Nhà vua chỉ còn vỏn vẹn trong tay vài ba chục người theo hầu.
Với Lý Huệ Tông, quả đúng là "họa vô đơn chí", đang khi bôn tẩu gian nan thì cuộc xung đột trong nội bộ hoàng tộc lại bùng nổ quyết liệt, giữa một bên là Đàm Thái hậu (mẹ đẻ của Lý Huệ Tông) và một bên là Trần Thị Dung (vợ của Lý Huệ Tông).
Trở lại chuyện cũ, hồi Lý Huệ Tông còn là Thái tử, bởi cuộc náo loạn kinh thành năm 1209 mà Lý Huệ Tông phải chạy đến Hải Ấp. Tại đây, Huệ Tông đã kết hôn với con gái của Trần Lý là Trần Thị Dung, năm đó, Huệ Tông 15 tuổi. Nhưng, cuộc hôn nhân này không được vua cha là Lý Cao Tông chấp thuận. Tháng 3 năm 1210, Lý Cao Tông đã sai quan Thượng phẩm phụng ngự là Đồ Quảng đến Hải Ấp đón Huệ Tông về, còn Trần Thị Dung thì bắt phải trở về với cha mẹ đẻ. Mấy tháng sau, Lý Cao Tông mất. Lý Huệ Tông lên nối ngôi và công việc đầu tiên của Nhà vua trẻ tuổi này là cho người di đón Trần Thị Dung. Gia đình Trần Thị Dung lấy cớ giặc giã chưa yên nên chưa cho đón. Sau nhiều lần bị ngăn trở, cuối cùng, Trần Thị Dung cũng đến được với Lý Huệ Tông, song, cũng kể từ đó, bà luôn bị Đàm Thái hậu. tìm cách bức hại. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 4, tờ 29 a-b) chép rằng :
"Mùa xuân (năm Bính Tí, 1216 - ND) sách phong Ngự nữ (chỉ bà Trần Thị Dung -- ND) làm Phu nhân Thuận Trinh. Thái hậu cho Trần Tự Khánh (anh Trần Thị Dung - ND) là kẻ phản trắc, thường chỉ Phu nhân mà nói là bè đảng của giặc, bảo Vua bỏ và đuổi đi. (Thái hậu) lại sai người nói với Phu nhân rằng phải tự sát. Vua biết bèn ngăn lại. Thái hậu bỏ thuốc độc vào đồ ăn thức uống của Phu nhân, nên mỗi bữa ăn, Vua chia cho Phu nhân một nửa số đồ ăn thức uống của mình, và không lúc nào cho xa rời. Thái hậu lại sai người cầm chén thuốc độc đến bắt Phu nhân phải uống mà chết, Vua lại ngăn không cho. Đêm ấy, Vua cùng với Phu nhân lẻn đến chỗ quân của Tự Khánh".
Mùa hè năm Bính Tí (1216), Trần Thị Dung sinh hạ Thuận Thiên Công chúa và cuối năm đó thì được sách phong làm Hoàng hậu. Rất tiếc là Huệ Tông sau đó bị điên, Trần Thị Dung lại phải sống trong một nỗi khổ tâm khác.

Lời bàn :

Cưới Trần Thị Dung lúc mới 15 tuổi đầu, lại đang trên đường chạy loạn và không hề có ý chỉ của vua cha, chỗ đó có thể tạm coi là lỗi của Lý Huệ Tông.
Tư cách làm vua của Lý Huệ Tông thế nào mặc dầu, chớ tư cách làm chồng của Lý Huệ Tông thì quả là đáng kính. Vua chúa mà làm được như vậy, hiếm lắm. Đọc sử, chẳng ai có thể tin rằng Lý Huệ Tông lại do chính người đàn bà độc ác là Đàm thái hậu sinh ra.

_________________________
Việt Sử Giai Thoại - Tập 2 - Nguyễn Khắc Thuần  - Page 6 Signat21
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Việt Sử Giai Thoại - Tập 2 - Nguyễn Khắc Thuần  - Page 6 Empty
Bài gửiTiêu đề: 51 - KẾT CỤC CỦA TRIỀU LÝ   Việt Sử Giai Thoại - Tập 2 - Nguyễn Khắc Thuần  - Page 6 I_icon13Sun 24 Oct 2010, 16:44

51 - KẾT CỤC CỦA TRIỀU LÝ


Lý Huệ Tông là ông vua bất hạnh. Khi còn ở ngôi Thái Tử, ông đã phải chạy loạn long đong, đến khi lên ngôi báu, Nhà vua cũng vẫn phải tiếp tục bôn tẩu vì loạn lạc cứ thế nối dài không dứt. Trong triều, quan lại chia bè kết cánh mưu sát lẫn nhau, trong nhà, Thái hậu tìm cách bức hại Hoàng hậu, đã thế, Huệ Tông lại không có con trai nối dõi, thành thử Nhà vua trẻ tuổi ấy đã buồn chán mà phát điên. Năm 1216 (lúc mới 22 tuổi), Nhà vua bắt đầu bị nhuốm bệnh. Từ năm 1217 trở đi, bệnh tình của Nhà vua càng ngày càng nặng. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 4, tờ 30-a) chép rằng :
"Mùa xuân, tháng 3, Vua dần dần phát điên, có khi tự xưng là thiên tướng giáng hạ, tay cầm giáo và mộc, tóc cắm cờ nhỏ, đùa múa từ sáng sớm đến chiều tối không nghỉ, đôi khi thôi đùa thì người đổ mồ hôi, nóng bức và khát nước, uống rượu ngủ li bì đến hôm sau mới tỉnh, chính sự không quyết đoán được, giao phó hết cho Trần Tự Khánh, quyền lớn trong nước dần dần về tay người khác họ".
Tháng 10 năm Giáp Thân (1224) Huệ Tông lập con gái thứ hai (cũng là con gái út) là Lý Chiêu Thánh làm Thái tử rồi truyền ngôi cho. Huệ Tông đi tu ở chùa Chân Giáo (ngay trong đại nội thành Thăng Long).
Công chúa Chiêu Thánh lên ngôi, hiệu là Lý Chiêu Hoàng, lúc ấy chỉ mới 7 tuổi. Bấy giờ, phe cánh của họ Trần trong triều rất mạnh. Trần Thủ Độ đã bố trí cháu của mình là Trần Cảnh (lúc ấy mới 8 tuổi) vào giữ chức Chính thủ chi hậu. Sau, cũng chính Trần Thủ Độ vừa là tác giả, vừa là đạo diễn màn kịch chuyển giao ngôi vị từ họ Lý sang họ Trần vào ngày 11 tháng 12 năm Ất Dậu (1225). Cũng sách trên (tờ 33 a-b) chép rằng :
"Cảnh lúc ấy mới lên 8 tuổi, chực hầu ở bên ngoài. Một hôm phải giữ việc bưng nước rửa, nhân thế, vào hầu bên trong. Chiêu Hoàng trông thấy, lấy làm ưa, mỗi khi chơi đêm đều cho gọi đến để cùng chơi, thấy Cảnh ở chỗ tối thì thân đến trêu chọc, hoặc nắm lấy tóc, hoặc đứng lên bóng. Có một hôm, Cảnh bưng chậu nước đứng hầu, Chiêu Hoàng rửa mặt, lấy tay vốc nước té ướt cả mặt Cảnh rồi cười trêu, đến khi Cảnh bưng khăn trầu thì lấy khăn ném cho Cảnh. Cảnh không dám nói gì, về ngầm thưa với Thủ Độ. Thủ Độ nói :
- Nếu thực như thế thì họ ta thành hoàng tộc hay bị diệt tộc đây ?
Một hôm, Chiêu Hoàng lại lấy khăn trầu ném cho Cảnh, Cảnh lạy rồi nói :
- Bệ hạ có tha tội cho thần không ? Thần xin vâng mệnh.
Chiêu Hoàng cười và nói :
- Tha tội cho ngươi. Nay ngươi đã biết nói khôn rồi đó.
Cảnh lại về thưa với Thủ Độ. Thủ Độ sợ việc tiết lộ ra thì bị giết cả, bấy giờ mới tự đem gia thuộc thân thích vào ở trong cung cấm. Thủ Độ đóng cửa thành và các cửa cung, sai người coi giữ, các quan đến chầu không được vào. Thủ Độ loan báo rằng : "Bệ hạ đã có chồng rồi". Các quan đều vâng lời, xin chọn ngày vào chầu. Tháng ấy, ngày 11, các quan vào chầu lạy mừng".

Lời bàn :

Nhà Lý từ đời Lý Thần Tông trở đi là thời kì suy vi, từ đời Lý Cao Tông trở đi là thời kì đổ nát, từ đời Lý Huệ Tông trở đi là thời kì chỉ còn lại một chút hư danh hão huyền, bị phế bỏ là điều không sao tránh khỏi.
Khi chính quyền trung ương tan nát thảm hại thì tất nhiên là các phe phái sẽ xâu xé lẫn nhau, mà đã xâu xé thì cuối cùng cũng phải có người giành được phần thắng. Họ Trần tinh khôn, vừa ra sức phát triển thế lực, vừa nhanh tay nắm lấy hai con bài chính trị là Lý Huệ Tông và Lý Chiêu Hoàng, để rồi hạ màn kết thúc một cách bất ngờ, trước sự ngơ ngác của các phe phái khác.
Triều Lý mở đầu bằng chuyện mẹ Lý Công Uẩn (tức Lý Thái Tổ) đi chơi ở chùa, có thai với thần nhân mả đẻ ra vua, sau hơn 200 năm. lại kết thúc bằng chuyện vua cha là Lý Huệ Tông đến chùa đi tu, để ngôi báu lại cho con gái được hơn một năm thì mất. Trước đến chùa mà được ngôi, sau đến chùa mà mất ngôi. ấy là chuyện khác biệt của triều Lý đó chăng ?

_________________________
Việt Sử Giai Thoại - Tập 2 - Nguyễn Khắc Thuần  - Page 6 Signat21
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Việt Sử Giai Thoại - Tập 2 - Nguyễn Khắc Thuần  - Page 6 Empty
Bài gửiTiêu đề: NIÊN BIỂU TRIỀU LÝ   Việt Sử Giai Thoại - Tập 2 - Nguyễn Khắc Thuần  - Page 6 I_icon13Tue 26 Oct 2010, 17:47

NIÊN BIỂU TRIỀU LÝ


Triều Lý được thiết lập năm 1010 và mất ngôi năm 1225, tồn tại tổng cộng 215 năm. Trong khoảng thời gian 215 năm đó, có tất cả 9 vua Lý đã nối nhau trị vì. Để bạn đọc đỡ mất công tra cứu khi xét thấy cần, chúng tôi lập bảng niên biểu này, kê đủ tên thật, cha sinh mẹ đẻ, thời gian làm vua và tuổi thọ của từng vị hoàng đế họ Lý. Điều cần lưu ý là ngày tháng ghi trong niên biểu này là ngày tháng âm lịch.

1 - LÝ THÁI TỔ (1010 - 1028) : tên húy là Công Uẩn, quê ở châu Cổ Pháp (nay là Bắc Ninh). Vua sinh ngày 12 - 2 năm Giáp Tuất (974). Thời Tiền Lê, Lý Công Uẩn làm quan Điện tiền chỉ huy sứ. Năm Kỉ Dậu (1009), Lê Ngọa Triều mất, ông được triều thần (mà đại diện là Đào Cam Mộc) và các nhà sư (mà đại diện là sư Vạn Hạnh) cùng nhau tôn lên ngôi vua. Lý Thái Tổ ở ngôi 18 năm, mất ngày 3 - 3 năm Mậu Thìn (1028): thọ 54 tuổi.
2 - LÝ THÁI TÔNG (1028-1054) : tên húy là Phật Mã, lại có tên húy khác là Đức Chính, con trưởng của Lý Thái Tổ, mẹ đẻ là Lê Thái hậu (không rõ tên). Vua sinh ngày 26 - 6 năm Canh Tí (1000), lên ngôi năm Mậu Thìn (1028), ở ngôi 26 năm, mất ngày 1-10 năm Giáp Ngọ (1054), thọ 54 tuổi.
3 -  LÝ THÁNH TÔNG (1054 - 1072) : tên húy là Nhật Tôn, con trưởng của Lý Thái Tông (theo Việt sử lược thì lại là con thứ ba), mẹ đẻ là Kim Thiên Thái hậu: người họ Mai (Việt sử lược nói bà là Linh Cảm thái hậu). Vua sinh ngày 25 - 2 năm Quý Hợi (1023), lên ngôi năm Giáp Ngọ (1054), ở ngôi 18 năm, mất tháng 1 năm Nhâm Tí (1072), thọ 49 tuổi.
4 - LÝ NHÂN TÔNG (1072 - 1127) : tên húy là Càn Đức, con trưởng của Lý Thánh Tông, mẹ đẻ là Linh Nhân Thái hậu (tức bà Ỷ Lan). Vua sinh ngày 25 - 1 năm Bính Ngọ (1066), lên ngôi năm Nhâm Tí (1072), ở ngôi 55 năm, mất tháng 12 năm Đinh Mùi (1127), thọ 61 tuổi.
5 - LÝ THẦN TÔNG (1128 - 1138) : tên húy là Dương Hoán, con trưởng của em ruột vua Nhân Tông là Sùng Hiền Hầu, được Nhân Tông nhận làm con nuôi rồi sau truyền ngôi cho, mẹ đẻ là Phu nhân họ Đỗ (không rõ tên). Như vậy, Thần Tông là vai cháu ruột của vua Nhân Tông. Vua sinh năm Bính Thân (1116), năm Đinh Dậu (1117), được Nhân Tông nhận làm con nuôi. Năm Mậu Thân (1128) Nhân Tông mất, được lên nối ngôi. Vua ở ngôi 10 năm, mất ngày 26 - 9 năm Mậu Ngọ (1138), thọ 22 tuổi.
6 - LÝ ANH TÔNG (1138 - 1175) : tên húy là Thiên Tộ, con trưởng của Lý Thần Tông, mẹ đẻ là Lê Thái hậu (không rõ tên hiệu). Vua sinh tháng 4 năm Bính Thìn (1136) và lên ngôi ngày 1 - 10 năm Mậu Ngọ (1138), ở ngôi 37 năm, mất vào tháng 7 năm Ất Mùi (1175), thọ 39 tuổi.
7 - LÝ CAO TÔNG (1175 - 1210) : tên húy là Long Trát, lại có tên húy khác là Long Cán, con thứ 6 của Anh Tông, mẹ đẻ là Thụy Châu Thái hậu, người họ Đỗ. Vua sinh ngày 25 tháng 5 năm Quý Tị (1173), lên ngôi năm Ất Mùi (1175), ở ngôi 35 năm, mất ngày 28 - 10 năm Canh Ngọ (1210), thọ 37 tuổi.
8 - LÝ HUỆ TÔNG (1210 - 1224) : tên húy là Hạo Sảm, con trưởng của Cao Tông, mẹ đẻ là Đàm Thái hậu (không rõ tên). Vua sinh tháng 7 năm Giáp Dần (1194), lên ngôi năm Canh Ngọ (1210), ở ngôi 14 năm. Năm Giáp Thân (1224) nhường ngôi cho con gái út là Chiêu Thánh Công chúa rồi đi tu. Huệ Tông sau bị nhà Trần giết vào năm 1226, thọ 32 tuổi.
9 - LÝ CHIÊU HOÀNG (1224- 1225) : tên húy là Phật Kim, lại có tên húy khác là Thiên Hinh, lúc đầu được vua cha là Lý Huệ Tông phong làm Chiêu Thánh Công chúa. Vua là con thứ hai của Huệ Tông, mẹ đẻ là Trần Thái hậu (tên thật là Trần Thị Dung, sau lấy Trần Thủ Độ). Vua sinh tháng 9 năm Mậu Dần (1218), lên ngôi năm Giáp Thân (1224), đến năm Ất Dậu (1225) thì nhường ngôi cho Trần Cảnh (tức Trần Thái Tông). Nhà Lý dứt kể từ đó.

Như vậy, trong số 9 vua nhà Lý nối nhau trị vì suốt 215 năm ( từ năm 1010 đến năm 1225), chúng ta thấy có :
- Một vua là nữ (Lý Chiêu Hoàng), vua cuối cùng của triều Lý. - Vua ở ngôi lâu nhất là Lý Nhân Tông (55 năm), vua ở ngôi ngắn nhất là Lý Chiêu Hoàng (1 năm).
- Vua lên ngôi sớm nhất là Lý Anh Tông (lúc 2 tuổi) và Lý Cao Tông (lúc 3 tuổi), vua lên ngôi muộn nhất là Lý Thái Tổ (lúc 36 tuổi).
- Vua thọ nhất là Lý Nhân Tông (61 tuổi) và vua mất sớm nhất là Lý Thần Tông (lúc 22 tuổi).
- Vua đổi niên hiệu nhiều nhất là Lý Nhân Tông (8 lần), các vua chỉ có một niên hiệu là Lý Thái Tổ, Lý Huệ Tông và Lý Chiêu Hoàng.

_________________________
Việt Sử Giai Thoại - Tập 2 - Nguyễn Khắc Thuần  - Page 6 Signat21
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Việt Sử Giai Thoại - Tập 2 - Nguyễn Khắc Thuần  - Page 6 Empty
Bài gửiTiêu đề: LỜI CHÚ CUỐI SÁCH   Việt Sử Giai Thoại - Tập 2 - Nguyễn Khắc Thuần  - Page 6 I_icon13Tue 26 Oct 2010, 21:14

LỜI CHÚ CUỐI SÁCH


Để góp phần giúp những bạn đọc chưa có dịp làm quen với hệ thống các khái niệm cổ về thế thứ, tước hiệu và chức quan..., chúng tôi viết thêm lời chú ngắn ngủi ở cuối sách này. Xin được lưu ý bạn đọc hai điều.  Một là thế thứ, tước hiệu và chức quan mỗi thời một khác, vì vậy, lời chú dưới đây chỉ đúng với riêng triều Lý mà thôi. Hai là lời chú về các khái niệm được sắp xếp theo vần A, B, C... Ngay sau tên của các khái niệm là số thứ tự của các giai thoại được đặt trong ngoặc đơn. Làm như vậy, ắt là bạn đọc sẽ có phần tiện lợi hơn khi muốn tra ngược trở lại  tìm vị trí sử dụng cụ thể của các khái niệm này trong sách.
Đây chỉ mới là những gì giản lược nhất. Nếu muốn giải nghĩa một cách thật đầy đủ, thiết nghĩ là phải soạn hẳn một bộ từ điển riêng.


BÁCH TÍNH (44) - Nguyên nghĩa, bách là trăm, tính là họ, bách tính nghĩa là trăm họ, nhưng ở đây, bách là từ ước lệ, chỉ số rất nhiều. Đại để, bách tính nghĩa là dân khắp thiên hạ, những người không có chức danh gì.
BẢN KỈ (1) . Sách Đại Việt sử kí toàn thư gồm hai phần chính. Phần thứ nhất gồm năm quyển, chép sử nước nhà từ thời Hồng Bàng đến loạn 12 sứ quân. Phần này gọi là ngoại kỉ. Phần thứ hai gồm 19 quyển, chép sử nước nhà từ thời Đinh Tiên Hoàng đến năm 1675. Phần này gọi là bản kỉ.
BẾN TRIỀU ĐÔNG (47) : Tên một bến sông ở Thăng Long. Bến này nằm ở phía nam sông Hồng.
CÂN XA (47) : Tên một loại xe nhỏ của vua, dùng để chạy trong khu vực cấm thành. Xe giống hình chữ cân ( có nghĩa là cái khăn) nên gọi là cân xa. Xe thường có một ngựa kéo.
CÔNG CHÚA (50) : tước hiệu ban cho con gái của vua (và cả chị gái, em gái của vua nữa). Tuy nhiên, trong lịch sử nước ta, cũng có những người được gọi là Công chúa nhưng không phải là con vua, ví dụ : Thánh Thiên Công chúa, Bát Nàn Công chúa, Lê Chân Công chúa... (thời Hai Bà Trưng). Đó chỉ là tước hiệu cao quý mà Hai Bà phong cho những người con gái tài giỏi mà thôi.
CỬA ĐẠI THÀNH (47) : Tên cửa. Cửa này nằm trong khu vực cấm thành Thăng Long, nay không còn nữa.
CỬA VIỆT THÀNH (28) : Tên cửa. Cửa này nằm trong khu vực cấm thành Thăng Long, nay không còn nữa.
CỬA THIÊN THU (48) : Tên cửa. Cửa này nằm trong khu vực cấm thành Thăng Long, nay không còn nữa.
CỬU PHẨM (11 ) : Quan chức xưa được chia làm chín bậc khác nhau, theo thứ tự trên xuống thì cao nhất là nhất phẩm và thấp nhất là cửu phẩm. Mỗi bậc lại chia làm hai hạng cao thấp khác nhau, cao là chánh, thấp là tòng (như nhất phẩm thì có chánh nhất phẩm và tòng nhất phẩm; xuống đến cửu phẩm cũng có chánh cửu phẩm và tòng cửu phẩm), cho nên, nói chín bậc mà thực là có đến 18 bậc.
CHÂN LẠP (27) : Tên quốc gia. Thời cổ đại, Chân Lạp một trong những quốc gia lớn ở Đông Nam Á. Sau, bởi nhiều biến cố khác nhau, lãnh thổ Chân Lạp bị thu hẹp. Một trong những phần lãnh thổ của cố quốc Chân Lạp là nước Campuchia ngày nay.
CHẤN VI (48) : Nơi các quan kiểm tra để chỉnh tề y phục trước khi vào chầu vua hoặc làm việc trong triều đình.
CHÂU MỤC (42) : Người giữ chức vụ đứng đầu một châu. Châu là đơn vị hành chánh, quy mô lớn nhỏ mỗi thời một khác, riêng dưới thời Lý, cấp châu cũng gần như cấp huyện ngày nay.
CHI HẬU NỘI NHÂN (15) : tên chức quan. Chức này thường là do hoạn quan đảm trách, giúp vua lo việc nội cung.
CHIÊM THÀNH (16) : Tên quốc gia, tồn tại từ cuối thế kỉ thứ II đến cuối thế kỉ thứ XVII. Lãnh thổ của cố quốc Chiêm Thành về đại thể, tương ứng với khu vực từ Quảng Bình đến Bình Thuận của nước ta ngày nay.
CHÍNH BIÊN (21) : Tên sách. Đây là sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục. Sách này gồm hai phần chính. Phần đầu chép sử nước nhà từ khởi thủy đến loạn 12 sứ quân, có tên chung là Tiền biên. Phần sau chép sử nước nhà từ Đinh Tiên Hoàng đến khi Gia Long lên ngôi, có tên chung là Chính biên. Sách Đại Nam thực lục cũng chia làm hai phần Tiền biên và Chính biên, nhưng phân kì giữa hai phần này hoàn toàn khác.
CHÍNH THỦ CHI HẬU (51) : Tên chức quan. Chức này thường do hoạn quan đảm trách, cùng với các hoạn quan khác, lo giúp vua các việc ở nội cung. Tuy nhiên, Trần Cảnh lúc này mới 8 tuổi, cũng coi như một hoạn quan đặc biệt, được Trần Thủ Độ bố trí giữ chức này, cốt để có cơ hội giành ngôi với họ Lý.
CHU CÔNG ĐÁN (5) : Người đời Chu (Trung Quốc), con của vua Chu Văn Vương, ông là người đã định ra chế độ lễ nhạc và đặt ra các nghi thức về quan, hôn, tang, tế. Chu Thành Vương lên ngôi lúc còn nhỏ tuổi, Chu Công Đán (vừa là đại thần, lại cũng vừa là chú ruột) giữ quyền nhiếp chính. Hai người em của Chu Công Đán là Quản và Thái ghen tị, gièm pha Chu Công Đán, rồi nổi loạn, bị Chu Công Đán dẹp tan. Sau, Chu Thành Vương đã trưởng thành, đủ sức để trị nước, Chu Công Đán trao trả mọi quyền bính cho vua. Vì lẽ đó, Chu Công Đán rất được Nho gia ca ngợi.
CHU THÀNH VƯƠNG (5) : Một trong những vua của nhà Chu (Trung Quốc), người được chú ruột là Chu Công Đán hết lòng bảo vệ. (Xem thêm Chu Công Đán).
ĐẠI LIÊU BAN (43) . Nguyên nghĩa là hàng các quan lớn, nhưng dưới triều Lý, Đại liêu ban là một ngạch quan của triều đình. Mỗi vua Lý có một quy định riêng để cất nhắc quan cho vào Đại lieu ban, nhưng nói chung, đó là chức lớn của triều đình.
ĐIỆN HẠ (5) : Nguyên nghĩa là ở dưới cái nhà to lớn trong cung, nhưng đây là từ tôn xưng. Xưa, các vị Hoàng tử, Thái tử và các bậc vương tước đều được quan lại gọi là điện hạ.
ĐIỆN TIỀN CHỈ HUY SỨ (42) : Chức quan võ nắm quyền chỉ huy lực lượng cấm quân (là đơn vị chịu trách nhiệm bảo vệ hoàng thành và bảo vệ nhà vua).
ĐÔ NGỌC GIAI (28) : Tên một bộ phận của lực lượng cấm quân. Chỉ huy mỗi đô là một chức Hỏa đầu.
ĐÔ QUAN LANG TRUNG (39) : Chức võ quan, làm việc trong cơ quan quân sự của triều đình nhà Lý. Thời này, chức Đô quan lang trung rất trọng, nhưng về sau, đấy chỉ là chức tạp vụ.
ĐÔ QUẢNG VŨ (28) : Tên một bộ phận của lực lượng cấm quân, do chức Hỏa đầu chỉ huy.
ĐÔ THỐNG (9) : Chức võ quan cao cấp, nắm quyền thống lĩnh các đạo binh mã của triều đình khi nước nhà vô sự.
ĐÔ THỐNG THƯỢNG TƯỚNG QUÂN (6) . Chức Đô thống (xem Đô thống) hàm Thượng tướng.
ĐÔNG CUNG THÁI TỬ (30) : Nhà vua thường cho Thái tử ra ở cung điện phía đông, cho nên Thái tử thường được gọi là đông cung Thái tử.
ĐƯỜNG THÁI TÔNG (5) : Vua thứ hai của nhà Đường (Trung Quốc). Đường Thái Tông tên thật là Lý Thế Dân, làm vua 22 năm.
GIA CÁT VŨ HẦU (35) : Tức Khổng Minh Gia Cát Lượng, quân sư của Lưu Bị (người Trung Quốc thời Tam Quốc). Ông là nhân vật nổi tiếng mưu tài.
GIÁN NGHỊ ĐẠI PHU (35) : Chức quan lớn, lo giải quyết những công việc thường trực của triều đình. Hai nhiệm vụ chính của chức này là : vừa làm việc của chức phận, vừa lo can gián nhà vua khi xét thấy cần. Sau, chức này chỉ là hư hàm dành để ban tặng cho những vị quan cương trực. Gián nghị đại phu gồm hai người là : Tả gián nghị đại phu và Hữu gián nghị đại phu.
HẢI ẤP (50) : Tên ấp, nay thuộc Nam Hà. Đấy là nơi phát tích của họ Trần.
HÁN VĂN ĐẾ (22) : Miếu hiệu của một trong những vua Trung Quốc thời Tiền Hán (208 trước CN đến 08 sau CN). Hán Văn Đế tên thật là Lưu Hằng, làm vua 22 năm.
HÀNH LANG TẢ HƯNG THÁNH (28) : Tên một hành lang khu vực cấm thành Thăng Long. Nay không còn nữa.
HỎA ĐẦU (28) : Chức võ quan, chỉ huy một bộ phận của cấm quân. Chức này nằm dưới quyền của Điện tiền chỉ huy sứ.
HOÀNG HẬU (16) . Tước hiệu cao nhất ban cho vợ của vua. Thường thì trong số các vợ của vua, chỉ có một người được ban tước hiệu này. Tuy nhiên, từ thời Lý trở về trước, có khi trong một triều  vua mà có đến năm bảy Hoàng hậu, ngược lại, thời Nguyễn sơ, triều đình không ban tước hiệu này cho ai cả.
HOÀNG TỬ (15) : Con trai được thừa nhận của vua.
HOÀNG DƯƠNG PHẬT PHÁP (37) : Làm cho Phật pháp tỏa rộng khắp nơi nơi.
HỮU TI (10) : Một trong hai ban (tả, hữu) tùy tùng nhà vua mỗi khi vua xuất hành. Thời Lý, tùy theo tính chất của các cuộc xuất hành mà nhà vua có thể huy động quan chức nào để sung vào hai ban này.
KHU MẬT SỨ (42) : Thời Lý, những quan văn của triều đình, trông coi các việc thuộc về dân sự thì gọi là Khu mật sứ. Đứng đầu các Khu mật sứ là hai chức Tả và Hữu khu mật sứ.
KHUẤT NGUYÊN (44) : Thi hào Trung Quốc đời Chiến quốc, từng làm quan cho nước Sở. Chán cảnh nước suy, vua ngu tối mà kẻ hiền tài như mình thì không được dùng đến, ông trầm mình ở sông Mịch La. Tục cúng mồng 5 tháng 5 là cúng Khuất Nguyên. Khuất Nguyên là tác giả của Ly tao bất hủ.
KINH SƯ LƯU THỦ (9) : Vị quan được vua ủy thác việc trông coi kinh thành khi vua có việc phải xuất hành khỏi kinh đô.
KINH THI (41) : Một trong 5 bộ kinh điển của Nho học. Năm bộ đó gọi là Ngũ kinh. Ngũ kinh gồm : Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Dịch và Kinh Xuân Thu. Kinh Thi thực chất là tập tuyển lựa ca dao của Trung Quốc thời cổ đại.
LẠI BỘ THƯỢNG THƯ (43) : Người đứng đầu bộ Lại. Bộ Lại là bộ chuyên trách việc tuyển lựa, đề xuất và quản lí hồ sơ về việc thăng hoặc giáng chức của các quan.
LIỆT HẦU (48) : Thời Lý, dây là chức tạp dịch của triều đình.
LINH CỮU (6) . Quan tài để thi thể người chết.
NHÀ HÁN (32) : Tên một triều đại của Trung Quốc. Nhà Hán gồm Tây Hán (hay Tiền Hán), tồn tại từ năm 208 trước công nguyên đến năm 08 sau công nguyên, mở đầu là Hán Cao Tổ (Lưu Bang), sau là Hậu Hán (hay Đông Hán) tồn tại từ năm 25 đến 220, mở đầu là Hán Quang Võ (Lưu Tú). Giữa hai triều Hán là triều Tân chỉ tồn tại vỏn vẹn 17 năm (08-25).
NHÀ THƯƠNG (32) : Cũng gọi là nhà Ân, tên một triều đại cổ đại của Trung Quốc, niên đại danh nghĩa là 1783 đến 1135 trước công nguyên, mở đầu nhà Thương là vua Thành Thang.
NGÀY QUỐC KỊ (7) : Ngày giỗ của nhà vua. Đây chỉ ngày giỗ vua Lý Thái Tổ (mất ngày 3 tháng 3 năm 1028).
NGUYÊN PHI (30) : Nguyên là đầu, đứng đầu, phi là tước hiệu vua ban cho những người vợ ở hàng thứ hai. Nguyên phi là tước hiệu người đứng đầu hàng thứ hai của vợ vua.
NGỰ NỮ (50) : Nguyên nghĩa là người đàn bà của vua, nhưng đây là tước hiệu thấp nhất mà nhà vua ban cho người làm vợ của mình.
NHƯ NGUYỆT (18) : Tên đoạn sông Cầu, từ thôn Như Nguyệt (xã Tam Giang, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) đến Phả Lại (tỉnh Hái Dương). Thời Lý, thời Trần, đoạn sông Cầu này cũng còn gọi là sông Phú Lương hay sông Nam Định. Nay, Như Nguyệt là tên thôn, cũng là tên một bến đò.
NÚI BẰNG SƠN (6) : Ở xã Dương Sơn, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Đây là quê của Lê Phụng Hiểu, người có công dẹp loạn Tam vương năm 1028.
PHÉP GIÁNG HỔ (37) : Phép thuật làm cho hổ phải vâng lời mà không cần phải mất công huấn luyện lâu ngày, cũng không cần dùng một sức mạnh nào cả.
PHI, TẦN (9) : Tước hiệu hàng thứ hai (phi) và hàng thứ ba (tần) của vợ vua.
PHỤ QUỐC THÁI PHÓ (42) : Thái phó là một trong Tam thái, gồm có Thái sư, Thái phó và Thái bảo. Trong hàng quan lại, Tam thái là lớn hơn cả. Từ năm 1028, nếu con gái của các bậc Tam thái mà được tuyển vào cung rồi được sách phong làm Hoàng hậu, thì bậc Tam thái đó được gia phong thêm hai chữ Phụ quốc. Đây Đàm Dĩ Mông có con là Hoàng hậu của vua Lý Cao Tông nên được phong là Phụ quốc Thái phó.
PHƯỜNG TRÒ (44) : Chỉ chung những người chuyên hát xướng và diễn tuồng thuở xưa.
QUÁN VŨ SƯ (48) : Tên một địa điểm làm việc của các quan ở trong kinh thành. Nay không còn nữa.
QUỐC TỬ GIÁM (22) : cơ quan chuyên trông coi Văn Miếu và huấn luyện con em quý tộc học tập. Trông coi Văn Miếu thì có quan Tri giám tế tửu. Trông coi việc huấn luyện (kể như một trường học đặc biệt của con em quý tộc) thì có quan Quốc tử tư nghiệp.
SÁCH PHONG (50) : Trong việc phong tước hiệu cho thân nhân, nếu người được phong mà về thế thứ, họ ở vai dưới của vua thì việc phong ấy gọi là sách phong.
SÔNG CẦU (18) : con sông chảy qua các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương.
SỞ ĐOẢN (40) : Mặt yếu, mặt dở, chỗ non kém, chỗ hạn chế...
TẢ HƯNG VŨ (25) : Tên đơn vị quân đội thời Lý.
TẢ VŨ TIỆP (25) : Tên một đơn vị quân đội thời Lý.
TẠ TI (29) : Tên chức quan thời Lý, nay chưa rõ là chức gì.
TĂNG PHÓ (38) : Thời Lý, trong triều đình có một ngạch quan riêng cho các nhà tu hành Phật Giáo, đó là Tăng quan. Người đứng hàng thứ hai trong đội ngũ Tăng quan thì gọi là Tăng phó.
TÊN THỤY (1) : Tên của người sống đặt cho người đã khuất, có ý nghĩa tổng kết phẩm chất chung của người đã khuất đó.
TỂ TƯỚNG (31) : Chức quan đầu triều, giúp vua điều khiển những hoạt động chung của triều đình.
TỊCH ĐIỀN (10) : Thời Lý, đó là ruộng mà hằng năm, nhà vua đến để làm lễ tự mình đi cày.
TIÊN ĐẾ (5): Vua đời trước, tức vua đã khuất.
TƯỚC Hầu (6) : Hoàng đế thường phong tước hiệu cho thân tộc và quan lại theo sáu bậc cao thấp khác nhau, đó là Vương, Công, Hầu, Bá, Tử và Nam. Mỗi bậc lại còn chia làm hạng trên hạng dưới nữa.
TRƯƠNG HÁT (18) : Tương truyền, Trương Hát cùng với anh là Trương Hống đều là tùy tướng của Triệu Việt Vương (Triệu Quang Phục). Khi Lý Phật Tử đánh Triệu Quang Phục (năm 571) để thâu tóm tất cả quyền hành về mình, hai anh em Trương Hống và Trương Hát, người thì tự tử, người thì trốn vào núi. Trương Hống sau được phong là Đại Dương Giang Đô Hộ Quốc Thần Vương còn Trương Hát thì được phong là Tiểu Đương Giang Đô Hộ Quốc Thần Vương, đền thờ hai người được lập nhiều nơi ở tỉnh Bắc Ninh ngày nay.
THÁI HẬU (17) : Tước hiệu vua tôn phong cho thân mẫu của mình. Tuy nhiên, trong lịch sử Việt Nam, không phải thân mẫu nào của vua cũng đều được tôn phong tước hiệu này.
THÁI MIẾU (27) : Miếu thờ các bậc tiên tổ của nhà vua.
THÁI PHI (17) : Bà phi của vua cha.
THÁI PHÓ (27) : Một trong Tam thái, gồm Thái sư, Thái phó và Thái bảo. (Xem thêm Phụ quốc Thái phó).
THÁI TỬ (5) : Tước hiệu cao nhất của con trai vua. Khi vua mất, Thái tử sẽ lên nối ngôi. Thái tử thường là con trưởng, nhưng trong lịch sử nước ta, rất nhiều Thái tử không phải là con trưởng, mà thậm chí là em, hoặc là cháu của vua.
THÁI ÚY (28) : Chức võ quan cao cấp, ngang với Thái phó trong hàng quan văn. Khi Thái úy kiêm chức Tể tướng thì gọi là Thái úy Phụ quốc.
THAM TRI CHÍNH SỰ (35) : Dưới triều Lý, chức vụ đầu triều là Tể tướng, sau Tể tướng là Á tướng, trong Á tướng có hai chức Tả và Hữu Tham tri chính sự. Cùng với Tể tướng, họ là những người hiến kế đắc lực cho nhà vua. Sau đời Lý, chức Tham tri là chức thấp, dưới cả chức Thượng thư.
THÂN VƯƠNG (23) : Các bậc được phong tước Vương vốn là người gần gũi trong thân tộc của nhà vua.
THẦN NÔNG (10) : Nhân vật thần thoại của Trung Quốc, người được coi là có công chỉ vẽ cho dân cách làm ruộng, họp chợ và tìm cây thuốc chữa bệnh.
THIẾU SƯ (39) : Trong hàng văn quan, sau Tam thái là đến Cửu khanh. Trong Cửu khanh, Thiếu sư là chức đứng đầu (Thiếu sư, Thiếu phó, Thiếu bảo, Trủng tể, Tư đồ, Tôn bá, Tư mã, Tư khấu và Tư không).
THUYẾT LUÂN HỒI (9) : Thuyết của nhà Phật, theo đó thì đại để, người ta sống chết trong khoảng lục đạo, xoay vòng như cái bánh xe không lúc nào dừng.
THƯỢNG PHẨM PHỤNG NGỰ (44) : Thời Lý, đây là chức lớn, vua ban cho những hoạn quan được luôn hầu cận vua trong nội cung cũng như khi vua có dịp xuất hành.
THƯỢNG TƯỚNG (43) : Thời Lý, tướng cầm quân được chia làm ba bậc cao thấp khác nhau. Cao nhất là Thượng tướng, kế đến là Đại tướng (ngược với ngày nay) và sau cùng là Tướng.
VUA THÀNH THANG (32) : vua đầu tiên của nhà Thương hay nhà Ân (Trung Quốc). Xem thêm Nhà Thương.
VĂN MIẾU (19) : Miếu thờ Khổng Tử và các bậc tiên hiền của Nho Gia. Văn Miếu đầu tiên của nước ta do nhà Lý lập ra tại thủ đô Thăng Long vào năm 1070.
VŨ VỆ TƯỚNG QUÂN (6) : Vị tướng quân có hiệu được ban là Vũ Vệ.
VƯƠNG TỬ SẢM (47) : Con trưởng của vua Cao Tông tên là Sảm. Đây chỉ Lý Hạo Sảm. Lúc này, Lý Hạo Sảm chưa được sách phong gì nên sử chép là Vương Tử Sảm. Sau, Lý Hạo Sảm lên ngôi, đó là vua Lý Huệ Tông (1210-1224).
VƯƠNG TỬ THẦM (47) : Con của vua Cao Tông, tên là Thầm. Vương Tử Thầm là em của Vương Tử Sảm.
XỨ TÂY VỰC (37) : vùng phía tây Trung Quốc và một phần của Trung Á ngày nay. Vùng này có một số vương quốc, thời cổ đại đã là chư hầu của Trung Quốc. Thời Đường, người Trung Quốc đã lập ra An Tây Đô hộ phủ để cai quản vùng đất này.

_________________________
Việt Sử Giai Thoại - Tập 2 - Nguyễn Khắc Thuần  - Page 6 Signat21
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
nguyentoan

nguyentoan

Tổng số bài gửi : 3
Age : 35
Registration date : 29/11/2010

Việt Sử Giai Thoại - Tập 2 - Nguyễn Khắc Thuần  - Page 6 Empty
Bài gửiTiêu đề: tạm   Việt Sử Giai Thoại - Tập 2 - Nguyễn Khắc Thuần  - Page 6 I_icon13Mon 29 Nov 2010, 16:25

Xin chào Admin Ý Nhi, tôi tên Nguyễn Đức Toàn, tôi thật sự đang rất cần bộ sách Việt Sử Giai Thoại của Nguyễn Khắc Thuần, không biết bạn có đủ không, nếu có thì làm ơn cho mình xin toàn bộ nha!
Thật tình mới tham gia vào đã làm phiền Admin rồi!

Mail của mình: ndtoan12@gmail.com
Về Đầu Trang Go down
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Việt Sử Giai Thoại - Tập 2 - Nguyễn Khắc Thuần  - Page 6 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Việt Sử Giai Thoại - Tập 2 - Nguyễn Khắc Thuần    Việt Sử Giai Thoại - Tập 2 - Nguyễn Khắc Thuần  - Page 6 I_icon13Tue 30 Nov 2010, 05:35

:weocam: bạn nguyentoan đến với ĐV.

Bộ này 8 cuốn thì Ý Nhi có đủ, nhưng Ý Nhi không có files sẵn để gởi cho bạn liền được.
Bạn cần chi mà gấp vậy ? Vì từ từ Ý Nhi cũng sẽ post đủ, nhưng post liền một lần thì ... hông có nổi rồi :qq:
Làm phiền thì hông có đâu, nếu giúp gì được cho bạn thì Ý Nhi sẽ làm, nhưng ngoài khả năng thì Ý Nhi cũng đành chịu thôi.

Chúc bạn vui nhiều.

PS: ĐV không nhận giới thiệu diễn đàn khác,- dù là DĐ đó có nhiều điều để học hỏi -, vì nhận một thì bắt buộc phải nhận của người khác.
Mọi người trong ĐV cũng cần sự yên tĩnh, mong bạn hiểu cho.
:qq:

_________________________
Việt Sử Giai Thoại - Tập 2 - Nguyễn Khắc Thuần  - Page 6 Signat21
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
nguyentoan

nguyentoan

Tổng số bài gửi : 3
Age : 35
Registration date : 29/11/2010

Việt Sử Giai Thoại - Tập 2 - Nguyễn Khắc Thuần  - Page 6 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Việt Sử Giai Thoại - Tập 2 - Nguyễn Khắc Thuần    Việt Sử Giai Thoại - Tập 2 - Nguyễn Khắc Thuần  - Page 6 I_icon13Tue 30 Nov 2010, 11:59

Ý Nhi đã viết:
Việt Sử Giai Thoại - Tập 2 - Nguyễn Khắc Thuần  - Page 6 762664 bạn nguyentoan đến với ĐV.

Bộ này 8 cuốn thì Ý Nhi có đủ, nhưng Ý Nhi không có files sẵn để gởi cho bạn liền được.
Bạn cần chi mà gấp vậy ? Vì từ từ Ý Nhi cũng sẽ post đủ, nhưng post liền một lần thì ... hông có nổi rồi Việt Sử Giai Thoại - Tập 2 - Nguyễn Khắc Thuần  - Page 6 523970
Làm phiền thì hông có đâu, nếu giúp gì được cho bạn thì Ý Nhi sẽ làm, nhưng ngoài khả năng thì Ý Nhi cũng đành chịu thôi.

Chúc bạn vui nhiều.

PS: ĐV không nhận giới thiệu diễn đàn khác,- dù là DĐ đó có nhiều điều để học hỏi -, vì nhận một thì bắt buộc phải nhận của người khác.
Mọi người trong ĐV cũng cần sự yên tĩnh, mong bạn hiểu cho.
Việt Sử Giai Thoại - Tập 2 - Nguyễn Khắc Thuần  - Page 6 523970

Cảm ơn bạn, trước hết mình xin lỗi vì đã tự tiện giới thiệu forum trên Diễn đàn ĐV, mình cứ nghĩ là nếu có thêm nhiều bạn mới thì sẽ vui hơn chứ không có ý khoe khoan gì đâu, mình cũng chỉ muốn tạo điều kiện cho các bạn giao lưu học hỏi trao đổi với nhau trong lĩnh vực học thuật cũng như các vấn đề khác. Cảm ơn bạn đã nhắc nhở.

Trở lại vấn đề bạn hỏi mình là tại sao mình lại cần toàn bộ bộ sách Việt sử giai thoại, thì mình xin trả lời là: mình đang làm Luận văn tốt nghiệp đề tài "Sử dụng truyện kể trong dạy học lịch sử việt nam..." nên cần tìm các tài liệu liên quan đến vấn đề này. Mình đã vào trang: TaiLieu, ebook, có dowload về nhưng không đọc được, mình thấy bạn đã post đến tập 3 rồi, thì các tập khác chắc bạn cũng có, nên mình mới ngỏ ý nhờ bạn giúp đỡ.

Chúc bạn vui, khỏe và thành công trong công việc cũng như trong cuộc sống.
Thân chào
Về Đầu Trang Go down
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Việt Sử Giai Thoại - Tập 2 - Nguyễn Khắc Thuần  - Page 6 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Việt Sử Giai Thoại - Tập 2 - Nguyễn Khắc Thuần    Việt Sử Giai Thoại - Tập 2 - Nguyễn Khắc Thuần  - Page 6 I_icon13Wed 01 Dec 2010, 03:54

Nếu bạn đã có các quyển dạng ebook rồi thì Ý Nhi không giúp gì được thêm cho bạn cả.
Các quyển Việt Sử giai thoại chưa có được bạn nào post lên các diễn đàn cả.

Nếu nói về 'Truyện kể trong dạy học lịch sử ..." thì Ý Nhi thấy quyển "Nam Hải Dị Nhân" là mang ý nghĩa này nhiều nhất - các quyển VSGT là những trích đoạn ngắn từ các quyển lịch sử của ông cha truyền lại.

Chúc bạn thành công trong luận văn tốt nghiệp và nhiều niềm vui.
Thân ái

_________________________
Việt Sử Giai Thoại - Tập 2 - Nguyễn Khắc Thuần  - Page 6 Signat21
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Sponsored content




Việt Sử Giai Thoại - Tập 2 - Nguyễn Khắc Thuần  - Page 6 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Việt Sử Giai Thoại - Tập 2 - Nguyễn Khắc Thuần    Việt Sử Giai Thoại - Tập 2 - Nguyễn Khắc Thuần  - Page 6 I_icon13

Về Đầu Trang Go down
 
Việt Sử Giai Thoại - Tập 2 - Nguyễn Khắc Thuần
Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Similar topics
-
» Việt Sử Giai Thoại - Tập 4 - Nguyễn Khắc Thuần
» Việt Sử Giai Thoại - Tập 1 - Nguyễn Khắc Thuần
» Việt Sử Giai Thoại - Tập 3 - Nguyễn Khắc Thuần
» Việt Sử Giai Thoại - Tập 5 - Nguyễn Khắc Thuần
» Giai thoại văn học Việt Nam
Trang 6 trong tổng số 6 trangChuyển đến trang : Previous  1, 2, 3, 4, 5, 6

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
daovien.net :: TRÚC LÝ QUÁN :: Lịch Sử-