Trang ChínhTìm kiếmLatest imagesVietUniĐăng kýĐăng Nhập
Bài viết mới
Hơn 3.000 bài thơ tình Phạm Bá Chiểu by phambachieu Yesterday at 16:41

Thơ Nguyên Hữu 2022 by Nguyên Hữu Thu 25 Apr 2024, 18:57

Thi tập "Chỉ là...Tình thơ" by Tú_Yên tv Thu 25 Apr 2024, 12:56

Trang thơ Tú_Yên (P2) by Tú_Yên tv Thu 25 Apr 2024, 12:51

Thơ Tú_Yên phổ nhạc by Tú_Yên tv Thu 25 Apr 2024, 12:46

LỀU THƠ NHẠC by Thiên Hùng Wed 24 Apr 2024, 11:55

Quán Tạp Kỹ - Đồng Bằng Nam Bộ by Thiên Hùng Wed 24 Apr 2024, 11:48

Trụ vững duyên thầy by Trà Mi Tue 23 Apr 2024, 07:34

Mái Nhà Chung by Trà Mi Tue 23 Apr 2024, 07:33

THIỀN TUỆ (diệt trừ đau khổ) by mytutru Tue 23 Apr 2024, 00:07

BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-1965 - LM CAO VĂN LUẬN by Trà Mi Mon 22 Apr 2024, 09:57

Nhận dạng phụ nữ giàu có by Trà Mi Mon 22 Apr 2024, 08:36

Bức tranh gia đình by Trà Mi Mon 22 Apr 2024, 08:09

Mẹo kho thịt by Trà Mi Mon 22 Apr 2024, 07:29

SẦU LY BIỆT by Phương Nguyên Sun 21 Apr 2024, 23:01

Trang Họa thơ Phương Nguyên 2 by Phương Nguyên Sun 21 Apr 2024, 22:56

Trang viết cuối đời by buixuanphuong09 Sun 21 Apr 2024, 06:38

Mức thù lao không ai dám nghĩ đến by Trà Mi Wed 17 Apr 2024, 11:28

KHÔNG ĐỀ by Phương Nguyên Wed 17 Apr 2024, 11:00

Cách xem tướng mạo phụ nữ ngoại tình, không chung thủy by mytutru Tue 16 Apr 2024, 11:59

Ở NHÀ MỘT MÌNH by Phương Nguyên Tue 16 Apr 2024, 09:59

HÁ MIỆNG CHỜ SUNG by Phương Nguyên Sun 14 Apr 2024, 13:29

Trang thơ vui Phạm Bá Chiểu by phambachieu Fri 12 Apr 2024, 15:48

Những Đoá Từ Tâm by Việt Đường Fri 12 Apr 2024, 15:32

Chết rồi! by Phương Nguyên Fri 12 Apr 2024, 13:57

ĐÔI BÀN TAY NGHỆ NHÂN by mytutru Thu 11 Apr 2024, 17:43

THẬN TRỌNG SIÊU LỪA by mytutru Wed 10 Apr 2024, 20:33

Không đánh, không mắng, không phạt, không có học sinh ưu tú by Trà Mi Wed 10 Apr 2024, 11:45

KHÓ NGỦ by Phương Nguyên Wed 10 Apr 2024, 01:46

MỘT CHÚT BUỒN by Phương Nguyên Tue 09 Apr 2024, 15:33

Tự điển
* Tự Điển Hồ Ngọc Đức



* Tự Điển Hán Việt
Hán Việt
Thư viện nhạc phổ
Tân nhạc ♫
Nghe Nhạc
Cải lương, Hài kịch
Truyện Audio
Âm Dương Lịch
Ho Ngoc Duc's Lunar Calendar
Đăng Nhập
Tên truy cập:
Mật khẩu:
Đăng nhập tự động mỗi khi truy cập: 
:: Quên mật khẩu

Share | 
 

 Danh tướng Việt Nam 4 - Nguyễn Khắc Thuần

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Chuyển đến trang : Previous  1, 2, 3, 4, 5, 6, 7
Tác giảThông điệp
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Danh tướng Việt Nam 4 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 7 Empty
Bài gửiTiêu đề: NGUYỄN CẢNH CHÂN VÀ NGUYỄN CẢNH DỊ   Danh tướng Việt Nam 4 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 7 I_icon13Tue 23 Mar 2010, 01:43

2. NGUYỄN CẢNH CHÂN VÀ NGUYỄN CẢNH DỊ :
HÀO KIỆT SINH HẠ ANH HÙNG

a) Nguyễn Cảnh Chân và cuộc hội ngộ với Trần Ngỗi :

Nguyễn Cảnh Chân sinh trưởng tại làng Ngọc Sơn (nay đất làng quê ông thuộc huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An). Ông sinh vào năm nào chưa rõ, sử cũ cũng không hề cho biết ông đã bắt đầu sự nghiệp của mình ra sao. Dưới thời nhà Hồ (1400-1407), Nguyễn Cảnh Chân từng là một trong những quan lại thuộc hàng cao cấp. Tháng 9 năm Ất Dậu (1405), không rõ ông đã phạm phải lỗi lầm gì trong quá trình làm quan, song, sử cũ cho biết rằng chính ông bị triều đình nhà Hồ biếm chức, đưa đi làm An Phủ Sứ ở lộ Thăng Hoa. An Phủ Sứ đã là một chức quan cao, vậy thì chức vụ của ông trước năm 1405 ắt hẳn là còn cao hơn nữa. Ngày 2 tháng 10 năm Đinh Hợi (1407), Trần Ngỗi chính thức lên ngôi Hoàng Đế ở bến Mô Độ và dựng cờ xướng nghĩa kêu gọi nhân dân cả nước vùng dậy chống quân Minh xâm lược thì đến tháng 4 năm Mậu Tí (1408), Nguyễn Cảnh Chân đã đem toàn bộ lực lượng của mình tới tham gia. Đó thực sự là một cuộc hội ngộ rất tương đắc của các bậc cùng chí cả. Bấy giờ, Nguyễn Cảnh Chân được Trần Ngỗi phong làm Tham Mưu Quân Sự. Với chức vụ quan trọng này, ông là một trong những người trực tiếp tham gia vạch kế hoạch cho hầu hết những hoạt động lớn của nghĩa quân. Cùng ông đến ra mắt và tình nguyện sát cánh chiến đấu với Giản Định Đế Trần Ngỗi lúc này còn có cả Đại Tri Châu Đặng Tất và ngay lập tức, hai ông đã trở thành hai cánh tay đắc lực nhất của Trần Ngỗi. Bằng tất cả ý chí và tài năng của mình, Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân đã thực sự xứng đáng với niềm tin cậy lớn lao của Trần Ngỗi, của tất cả nghĩa quân và của toàn thể nhân dân yêu nước đương thời. Tuy nhiên, khác với Đặng Tất, công việc chủ yếu của Nguyễn Cảnh Chân không phải là trực tiếp cầm quân tả xung hữu đột mà là âm thầm suy nghĩ để hoạch định kế sách. Mặc dù vậy, mọi chiến công của nghĩa quân Trần Ngỗi từ tháng 4 đến hết tháng 12 năm Mậu Tí (1408) đều gắn liền với những cống hiến xuất sắc của Nguyễn Cảnh Chân.

b) Thương thay, hương lửa chưa nồng...
Ngày 14 tháng 12 năm Mậu Tí (1408), nghĩa quân của Trần Ngỗi đã đại thắng quân Minh tại Bô Cô. Người trực tiếp cầm quân trong trận đánh lịch sử này là Quốc Công Đặng Tất nhưng người vạch kế hoạch là Tham Mưu Quân Sự Nguyễn Cảnh Chân. Như trên đã nói, tướng tổng chỉ huy quân giặc là Chinh Di Tướng Quân, Kiềm Quốc Công Mộc Thạnh suýt nữa thì bị bắt sống, một số quan lại và tướng lĩnh cao cấp của nhà Minh như Binh Bộ Thượng Thư Lưu Tuấn và Đô Ti Lữ Nghị đều bị chém đầu, hơn mười vạn quân giặc đã bị tiêu diệt.

Từ đây một vùng giải phóng rộng lớn và liên hoàn đã bước đầu hình thành, cũng từ đây, tương quan thế và lực đôi bên đã thay đổi theo chiếu hướng rất có lợi cho nghĩa quân Trần Ngỗi. Nhưng tiếc thay, ngay sau ngày đại thắng tại Bô Cô, trong nội bộ của bộ chỉ huy nghĩa quân đã nảy sinh những bất đồng không nhỏ. Giản Định Đế Trần Ngỗi thì chủ trương rằng, phải nhân thế chẻ tre đánh theo lối cuốn chiếu thẳng một mạch ra tận Thăng Long, khiến cho giặc phải lâm vào thế "bị sét đánh chẳng kịp bịt tai", ngày toàn thắng ắt sẽ không còn xa nữa. Nhưng, Quốc Công Đặng Tất và Tham Mưu Quân Sự Nguyễn Cảnh Chân lại chủ trương rằng, trước tiên, phải bắt hết bọn giặc còn sống sót, quyết không để mối lo về sau. Đúng vào lúc rất cần sự tỉnh táo để quyết đoán thì Giản Định Đế Trần Ngỗi lại thiếu hẳn cả hai tố chất có ý nghĩa cực kì quan trọng này. Quân Minh đã nhân cơ hội đó tổ chức giải cứu cho Mộc Thạnh và nhanh chóng giành lại thế chủ động cho mình. Bấy giờ, có viên hoạn quan là Nguyễn Quỹ và một học trò tên là Nguyễn Mộng Trang đã liên tiếp tìm cách nịnh hót Giản Định Đế Trần Ngỗi, đồng thời, đã không ngớt nói lời xúc xiểm đối với Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân. Trong chỗ thiếu tỉnh táo và quá vội vã, Trần Ngỗi đã giết chết cả Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân. Nhận xét về sự kiện rất đau lòng này, sử thần kiệt xuất thế kỉ XV là Ngô Sĩ Liên viết : "Hoàng Đế may thoát được vòng vây nguy hiểm, nhờ cầu người giúp sức nên mới được cha con Đặng Tất có tài làm tướng, cha con Nguyễn Cảnh Chân giỏi bày mưu lược, tưởng chừng như đã đủ để có thể khôi phục và dựng nghiệp trung hưng. Với trận thắng lớn ở Bô Cô, thế nước vừa nổi lên, vậy mà đã nghe lời gièm pha li gián của lũ hoạn quan, cùng lúc giết cả hai người bề tôi phò tá, nào có khác gì tự mình chặt bỏ hết tay chân vây cánh của mình, thử hỏi làm sao nên việc được.". Quốc Sử Quán triều Nguyễn cũng có Lời phê với nội dung tương tự : "Đang khi tình thế còn đảo điên, quân thần đong lòng chung sức mà còn lo chưa chắc làm nổi việc lớn, huống nữa là tàn hại lẫn nhau, tự làm mất cả tay chân của mình, như thế thì tránh sao khỏi thất bại được". Giản Định Đế Trần Ngỗi đã nêu gương xả thân vì nước, ông đã làm được tất cả những gì có thể làm. Nhưng như trên đã nói, người giỏi không phải lúc nào cũng giỏi, trong chỗ cạn nghĩ và vội vã nhất thời, ông đã gây tổn thất cho nghĩa quân, cũng là gây tổn thất cho sự nghiệp của chính mình. May mắn thay, con của Đặng Tất là Đặng Dung và con của Nguyễn Cảnh Chân là Nguyễn Cảnh Dị đã sáng suốt lựa chọn cho mình một phép ứng xử đúng đắn và thật cảm động.

_________________________
Danh tướng Việt Nam 4 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 7 Signat21
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Danh tướng Việt Nam 4 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 7 Empty
Bài gửiTiêu đề: NGUYỄN CẢNH CHÂN VÀ NGUYỄN CẢNH DỊ   Danh tướng Việt Nam 4 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 7 I_icon13Tue 23 Mar 2010, 01:44

c) Tôn lập Trần Quý Khoáng lên ngôi Hoàng Đế quyết tận trung với sự nghiệp chống xâm lăng

Ngay sau cái chết oan khuất của cha, Nguyễn Cảnh Dị đã cùng với Đặng Dung, đem tất cả lực lượng nghĩa quân người Thuận Hoá trở về Thanh Hoa. Tại đây, ông và Đặng Dung cùng với một số tướng lĩnh xuất sắc khác đã cùng đồng lòng tôn lập Trần Quý Khoáng lên ngôi Hoàng Đế nhằm nhanh chóng tạo ra ngọn cờ chính thống cho cuộc chiến đấu chống quân Minh xâm lược và đô hộ. Sau khi rước Trần Quý Khoáng về đất Chi La, ngày 17 tháng 3 năm Kỉ Sửu (1409), ông đã góp phần rất quan trọng vào việc chính thức tổ chức lễ lên ngôi cho Trần Quý Khoáng. Nhờ công tôn lập này, Nguyễn Cảnh Dị được Trùng Quang Đế Trần Quý Khoáng phong làm Thái Bảo.

Nhưng, trong cùng phong trào đấu tranh chung và cùng chống một kẻ thù chung, khi sự nghiệp lớn còn đang dang dở mà đã có đến hai vị Hoàng Đế thì quả là rất không nên. Bấy giờ, một sự thật đau lòng cũng đã diễn ra, đó là chính quyền của Giản Định Đế Trần Ngỗi và chính quyền của Trùng Quang Đế Trần Quý Khoáng đã bắt đầu có những mâu thuẫn và xung đột. Chấm dứt mâu thuẫn và xung đột, hơn thế nữa phải nhanh chóng thống nhất cả hai lực lượng là một nhu cầu hết sức cấp thiết. Để đáp ứng nhu cầu hết sức cấp thiết này, một trận đánh úp vào đại bản doanh của Giản Định Đế Trần Ngỗi rồi bắt sống Giản Định Đế Trần Ngỗi đem về Nghệ An đã được thực hiện. Ngày 20 tháng 4 năm Kỉ Sửu (1409), tại bến sông Tam Chế, Giản Định Đế Trần Ngỗi được tôn làm Thượng Hoàng còn Trần Quý Khoáng thì ở ngôi Hoàng Đế. Đối với Nguyễn Cảnh Dị, đây là một thử thách rất lớn. Vì ôm hận mất cha, ông đã buộc lòng phải từ bỏ Giản Định Đế để tôn phò Trùng Quang Đế và giờ đây, dẫu muốn hay không thì ông cũng lại phải chấp nhận ở dưới trướng của Giản Định Đế thêm một lần nữa. Nhưng cũng tương tự như Đặng Dung, ý chí tận trung với nước và khí khái của đấng đại trượng phu anh hùng đã giúp ông vượt qua được tất cả. Trước sau thì Nguyễn Cảnh Dị vẫn là Nguyễn Cảnh Dị, hiên ngang và dũng mãnh nơi trận mạc, hờn riêng dẫu lớn cũng chẳng hề làm ông chao đảo.

Sau ngày nhận hàm Thái Bảo, trận đánh lớn nhất do Nguyễn Cảnh Dị chỉ huy là trận Bến La, diễn ra vào tháng 5 năm Canh Dần (1410). Trong trận này, Nguyễn Cảnh Dị dã bất ngờ cho quân tấn công vào lực lượng quân Minh do viên Đô Đốc tên là Giang Hạo cầm đầu. Giang Hạo tuy có quân số đông, lương thực và vũ khí rất dồi dào nhưng vẫn không sao có thể chống đỡ nổi. Hắn buộc phải bỏ cả dại bản doanh là Bến La mà chạy. Tất cả dinh trại, binh khí và chiến thuyền của quân Minh bỏ lại đều bị nghĩa quân đốt hết. Nhân đà thắng lợi, Nguyễn Cảnh Dị đã thúc quân truy kích đến tận bến Bình Than. Thắng lợi của Nguyễn Cảnh Dị đã gây được tiếng vang rất lớn, nhân dân các địa phương nhân đó nổi dậy khắp nơi, thanh thế của nghĩa quân được tăng lên rất nhanh, ngược lại, quân Minh phải một phen khiếp đảm.

Nhưng sự kiện hợp nhất hai chính quyền của Trần Ngỗi và Trần Quý Khoáng được thực hiện theo lối áp đặt một cách khiên cưỡng đã gây nên những tác động ngày càng lớn. Hiệu lệnh của bộ chỉ huy nghĩa quân trên dưới không thống nhất và giặc Minh đã nhanh chóng phát hiện rồi triệt để tận dụng nhằm tổ chức phản công. Các sử thần trong Quốc Sử Quán triều Nguyễn đã có lời nhận định rất chính xác rằng : "Quân không có người thống lãnh, hiệu lệnh không thống nhất nên giặc Minh đánh đến đâu là binh sĩ ở đó đều bị tan vỡ".

Sau trận Bến La, Trùng Quang Đế Trần Quý Khoáng rút quân về Nghệ An, các tướng Đặng Dung, Nguyễn Cảnh Dị, Nguyễn Suý và Hồ Bối dẫn một đạo quân thuỷ bộ đi hộ vệ ở tuyến sau. Hai viên tướng khét tiếng nhất của nhà Minh lúc ấy là Trương Phụ và Mộc Thạnh lập tức đuổi theo.

Tháng 6 năm Nhâm Thìn (1412), một cuộc đụng độ lớn giữa đạo quân hộ vệ này với binh sĩ của Trương Phụ và Mộc Thạnh đã xảy ra tại vùng Mô Độ. Điều rất đáng tiếc là bởi sự không thống nhất trong mệnh lệnh chỉ huy vẫn tiếp tục kéo dài, cho nên, mối liên lạc giữa Đặng Dung, Hồ Bối với các tướng như Nguyễn Suý và Nguyễn Cảnh Dị hầu như không thể thiết lập được. Một lần nữa, Trương Phụ đã triệt để tìm cách khai thác nhược điểm này của nghĩa quân để tổ chức tấn công. Nguyễn Cảnh Dị phải rút lui về Thuận Hoá.

Tháng giêng năm Quý Tị (1413), Nguyễn Cảnh Dị cùng với Nguyễn Suý theo Trùng Quang Đế đem quân ra khu vực Vân Đồn để thực hiện ba nhiệm vụ khác nhau. Một là thăm dò thực lực của quân Minh ở vùng đồng bằng ven biển phía Bắc. hai là tổ chức tấn công khi có điều kiện và ba là thu gom lương thực cho nghĩa quân. Nhưng cả ba nhiệm vụ này đều không thu được kết quả. Như trên đã dẫn, ngày 4 tháng 3 cùng năm, Trùng Quang Đế và các tướng phải quay về Nghệ An, quân lính ra đi mười phần thì khi về chỉ còn độ ba bốn phần.

Sau trận thua lớn ở Thái Gia (cũng tức là Sái Già) vào tháng 9 năm Quý Tị (1413), lực lượng của Trùng Quang Đế Trần Quý Khoáng đã nhanh chóng bị tan rã. Vào tháng 11 cùng năm, Nguyễn Cảnh Dị và Đặng Dung cùng bị Trương Phụ bắt được. Nguyễn Cảnh Dị đã luôn miệng mắng Trương Phụ rằng : "Tao định giết mày, ngờ đâu lại bị mày bắt", cho nên, "Trương Phụ giận lắm, giết (Nguyễn Cảnh) Dị rồi móc lấy gan mà ăn".

Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Dị là hai con người khác nhau nhưng hành trạng và khí phách thì lại rất tương đồng với nhau. Ngay từ thời trai trẻ, cả hai ông đều sớm cùng với thân sinh của mình hăng hái tham gia cuộc chiến đấu một mất một còn chống quân Minh xâm lược và đô hộ. Hai ông đều có thân sinh chết rất oan uổng ngay khi vừa lập công lớn nhưng ý chí trước sau của cả hai thì vẫn rất son sắt thuỷ chung với lí tưởng cứu nước. Trong khói lửa cực kì ác liệt của chiến tranh, Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Dị đều là những vị tướng trực tiếp cầm quân xông pha trận mạc và mức độ tuy có khác nhau nhưng cả hai đều thực sự là những tướng lĩnh giàu tài năng. Đến bước đường cùng, hai ông đều trân trọng để lại cho đời tấm gương hi sinh sáng ngời tiết tháo bất khuất.

_________________________
Danh tướng Việt Nam 4 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 7 Signat21
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Danh tướng Việt Nam 4 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 7 Empty
Bài gửiTiêu đề: NGUYỄN BIỂU   Danh tướng Việt Nam 4 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 7 I_icon13Tue 23 Mar 2010, 23:58

IV. LƯỢC TRUYỆN MỘT SỐ TẤM GƯƠNG ANH HÙNG TIẾT THÁO TRONG SỰ NGHIỆP ĐÁNH ĐUỔI QUÂN MINH


Quả cảm chiến đấu và anh dũng hi sinh vì nghĩa cả thiêng liêng là đánh đuổi quân Minh và giành độc lập cho dân tộc, ngoài các bậc danh tướng Lam Sơn (mà chúng tôi đã trân trọng giới thiệu trong tập 2 của bộ sách này), các bậc danh tướng của nhà Hậu Trần như đã trình bày ở trên, còn có một loạt những tấm gương anh hùng tiết tháo khác. Nhưng, rất tiếc là tư liệu về những người con ưu tú này của dân tộc hiện còn lưu giữ được quá ít ỏi, vì thế, trong khuôn khổ chật hẹp của lao động cá nhân, việc tái hiện tất cả những trang lí lịch cuộc đời của họ rất khó khăn. Bởi thực tế này, xin bạn đọc vui lòng thể tất cho những trang viết chỉ mới dừng lại ở mức sơ bộ sau đây.


1. DANH THẦN NGUYỄN BIỂU

Nguyễn Biểu sinh trường tại làng Yên Hồ, sau đổi tên là làng Bình Hồ, huyện La Sơn. Nay đất làng quê ông thuộc huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Những thư tịch về khoa cử Nho học của nước nhà hiện còn lưu giữ được không hề cho biết gì về sự đỗ đạt của Nguyễn Biểu, tuy nhiên, truyền thuyết dân gian vùng huyện Đức Thọ tỉnh Hà Tĩnh và đặc biệt là các sử gia trong Quốc Sử Quán triều Nguyễn lại khẳng định rằng ông đỗ Thái Học Sinh dưới thời Trần. Xin được nói ngay rằng, tài liệu thư tịch ghi chép về khoa cử Nho học ở nước ta liên tục trong khoảng 70 năm từ 1305 đến 1375 đã hoàn toàn bị thất lạc, do vậy, nếu Nguyễn Biểu đúng là người đỗ Thái Học Sinh thì ông phải đỗ vào sau năm 1305 và trước năm 1375, tức là trong khoảng 70 năm tài liệu khoa cử bị thất lạc này. Nguyễn Biểu tham gia phong trào kháng chiến chống quân Minh từ lúc nào chưa rõ, chỉ biết rằng trong guồng máy chính quyền do Trùng Quang Đế Trần Quý Khoáng đứng đầu, ông được bổ dụng làm Điện Tiền Thị Ngự Sử.

Tháng 4 năm Quý Tị (1413), Nguyễn Biểu được Trùng Quang Đế Trần Quý Khoáng cử làm Chánh Sứ mang biểu văn và phẩm vật đi cầu phong cho mình. Nhưng, khi mới đến Nghệ An, Nguyễn Biểu đã bị Trương Phụ giữ lại. Tất cả các bộ chính sử xưa đều chỉ chép rằng sau đó ông bị Trương Phụ giết, duy có bộ ĐẠI NAM NHẤT THỐNG CHÍ (Nghệ An tỉnh) và nhiều truyền thuyết dân gian ở vùng Hà Tĩnh và Nghệ An thì nói là để uy hiếp tinh thần của quan Chánh Sứ Nguyễn Biểu, Trương Phụ liền sai làm một mâm cỗ bằng đầu người thết đãi ông! Không chút sợ hãi, Nguyễn Biểu liền dùng đũa khoét lấy mắt rồi đem chấm dấm mà ăn, vừa ăn vừa ứng khẩu khảng khái đọc bài thơ Nôm ĂN CỖ ĐẦU NGƯỜI. Trương Phụ vừa mới trông thấy vậy đã rất lấy làm khiếp phục trước khí phách hiên ngang của ông, hắn đành phải theo đúng lễ nghi dành cho việc đón sứ giả để tiếp đãi Nguyễn Biểu, chịu nhận lễ vật, chịu nhận biểu cầu phong và hứa sẽ chuyển đạt lên triều đình nhà Minh rồi cho ông ra về. Nhưng, khi Nguyễn Biểu rời khỏi dinh Trương Phụ chưa được bao lâu thì có tên phản bội là Phan Liêu (con trai Phan Quý Hựu) cũng vừa tới. Trương Phụ nhân đó hỏi hắn rằng Nguyễn Biểu là người như thế nào. Phan Liêu vốn không ưa gì ông, bèn nói :

- Hắn là bậc hào kiệt của An Nam, nếu những kẻ như hắn mà còn thì việc đánh dẹp của thiên triều thật khó mà xong được.

Nghe xong lời ấy, Trương Phụ lập tức sai người đuổi theo để bắt ông lại. Đến Cầu Lam thì chúng đuổi kịp ông. Nguyễn Biểu biết là nhất định mình sẽ bị chúng giết, bèn viết vào chân Cầu Lam mấy chữ Hán "thất nguyệt, sơ nhất nhật, Nguyễn Biểu tử" (nghĩa là vào ngày mồng một tháng bảy Nguyễn Biểu chết).

Khi quay trở lại gặp Trương Phụ, Nguyễn Biểu mắng rằng :

- Bên trong thì lập mưu đánh chiếm, vậy mà bên ngoài lại rêu rao là quân nhân nghĩa, đã hứa lập con cháu họ Trần lại còn chia đặt quận huyện, không chỉ cướp bóc của cải châu báu mà còn tàn hại sinh dân, thật đúng là loài giặc dữ.

Trương Phụ nghe thế thì tức giận, bèn giết ông. Các bộ chính sử xưa đều chép Nguyễn Biểu mất vào tháng 4 năm Quý Tị (1413), chỉ riêng bộ ĐẠI NAM NHẤT THỐNG CHÍ (Nghệ An tỉnh) thì nói Nguyễn Biểu mất vào tháng 7 năm Quý Tị. Do chưa rõ năm sinh nên không biết là khi mất. Nguyễn Biểu hưởng thọ bao nhiêu tuổi.


Phụ lục 5
LỜI DỊCH VÀ CHÚ THÍCH ĐOẠN GHI CHÉP CỦA QUỐC SỬ QUÁN
TRIỀU NGUYỄN VỀ NHÂN VẬT NGUYỄN BIỂU

(ĐẠI NAM NHẤT THỐNG CHÍ - Nghệ An tỉnh)


"Nguyễn Biểu người làng Yên Hồ, huyện La Sơn, từng đỗ Thái Học Sinh, thời Trùng Quang Đế nhà (Hậu) Trần được bổ làm Điện Tiền Thị Ngự Sử. Ông là người cương trực, gặp việc dám nói. Tướng của nhà Minh là Trương Phụ đóng quân ở núi Nghĩa Liệt còn Trùng Quang Đế thì đắp thành ở phía nam Chi La (nay đổi là La Sơn), hai bên cùng đối luỹ. Sau, Trùng Quang Đế đi Hoá Châu, nhà Minh lại có chiếu chỉ tìm con cháu nhà Trần nên Trùng Quang Đế sai Nguyễn Biểu làm sứ giả đi cầu phong. Khi đến trại quân của giặc, Trương Phụ bắt Nguyễn Biểu phải lạy nhưng (Nguyễn) Biểu không chịu khuất. Bọn giặc bày tiệc, nấu cỗ đầu người dọn cho ăn, (Nguyễn) Biểu biết ý, lấy đũa khoét mắt chấm dấm mà ăn, (Trương) Phụ kinh dị, bèn đối đãi theo lễ rồi cho về. (Nguyễn) Biểu đi đến Cầu Lam thì (Trương Phụ cho người đuổi kịp. Do khi ấy có con của Phan Quý Hựu là Phan Liêu (người ở Hà Hoàng, huyện Thạch Hà) đã đầu hàng giặc và đang được bổ làm Tri Phủ Nghệ An. (Trương) Phụ hỏi (Phan) Liêu rằng Nguyễn Biểu là người thế nào ? (Phan) Liêu vốn không ưa Nguyễn Biểu, bèn nhân đó nói :

- Hắn là bậc hào kiệt của An Nam, nếu hắn còn thì việc đánh dẹp thật khó mà xong được.

Nghe lời ấy, (Trương) Phụ sai người đuổi theo để bắt lại. Ông nghĩ rằng thế nào cũng sẽ chết, bèn viết vào chân Cầu Lam mấy chữ : thất nguyệt sơ nhất nhật, Nguyễn Biểu tử (ngày mồng một tháng bảy Nguyễn Biểu chết). Khi Nguyễn Biểu quay lại, bị (Trương) Phụ mắng là đồ vô lễ, Nguyễn Biểu cũng nổi giận mà mắng (Trương) Phụ rằng :

- Bụng dạ thì chứa đầy mưu mô đánh cướp nước, vậy mà ngoài mặt lại giả bộ là quân nhân nghĩa. Đã hứa sẽ lập con cháu họ Trần mà còn chia đất quận huyện, không những cướp bóc của cải mà còn tàn hại sinh dân, các ngươi quả là lũ giặc tàn ngược.

(Trương) Phụ bắt Nguyễn Biểu trói ở chùa Yên Quốc rồi giết đi. Đến đời Lê Hồng Đức, ông được tuyên dương tiết nghĩa. Triều đình sai lập đền thờ ông ở thôn Bình Hồ. Ông có hai con. Con trưởng là (Nguyễn) Tồn Trực làm quan đời Lê, kiêm coi sổ sách quân dân đạo Hải Tây. Con út là (Nguyễn) Hạ làm Tuần Kiểm Sứ. Cháu xa là Nguyễn Phong đỗ Tiến Sĩ trong đời Quang Hưng, làm quan đến chức Thái Thường Tự Khanh, sau khi mất được tặng hàm Công Bộ Hữu Thị Lang." 1





-------------------------------------------------------
(1) Về đoạn ghi chép này của Quốc Sử Quán triều Nguyễn, chúng tôi xin có thêm mấy chú thích nhỏ sau đây :
- Núi Nghĩa Liệt tức là một trong những tên gọi khác của Hùng Sơn. Ngoài hai tên gọi Nghĩa Liệt và Hùng Sơn núi này còn có những tên gọi khác nữa như núi Tuyên Nghĩa, núi Đồng Trụ hay núi Lam Thành (nay thuộc tỉnh Nghệ An).
- Chùa Yên Quốc toạ lạc ngay trên núi Nghĩa Liệt. Đây là một trong những ngôi chùa cổ rất nổi tiếng của Nghệ An.
- Đời Lê Hồng Đức là đời Hoàng Đế Lê Thánh Tông (1460-1497) lấy niên hiệu là Hồng Đức từ năm 1470 đến năm 1497. Trong thời trị vì của mình. Lê Thánh Tông sử dụng hai niên hiệu khác nhau, đó là Quang Thuận (1460- 1469) và Hồng Đức (1470- 1497).
- Đạo Hải Tây theo ghi chép của KHÂM ĐỊNH VIỆT SỬ THÔNG GIÁM CƯƠNG MỤC (Chính biên, quyển 21. tờ 21) thì đạo này nguyên là đất dai của hai phủ Nghệ An và Diễnn Châu, đến năm 1428 (đầu thời Lê Thái Tổ : 1428- 1433) hai phủ này được gộp chung lại và gọi là đạo Hải Tây.
- Nguyễn Phong (1559 - ?) đỗ Hoàng Giáp (đỗ hàng thứ 4 trong kì đại khoa, sau Trạng Nguyên, Bảng Nhãn và Thám Hoa nhưng trên Tiến Sĩ) khoa Quý Mùi, năm Quang Hưng thứ 6 thời Lê Thế Tông (1583). Khoa này triệu đình Lê Thế Tông chỉ lấy đỗ tất cả ba Hoàng Giáp và một Tiến Sĩ chữ không có ai đỗ Trạng Nguyên, Bảng Nhãn và Thám Hoa Nguyễn Phong đỗ hàng thứ hai.

_________________________
Danh tướng Việt Nam 4 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 7 Signat21
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Danh tướng Việt Nam 4 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 7 Empty
Bài gửiTiêu đề: NGUYỄN BIỂU   Danh tướng Việt Nam 4 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 7 I_icon13Wed 24 Mar 2010, 00:05

Phụ lục 6
A. BÀI THƠ ĂN CỖ ĐẦU NGƯỜI CỦA NGUYỄN BIỂU1


Ngọc thiện trân tu đã đủ mùi 2
Gia hào thêm có cỗ đầu ngừời.
Nem công chả phượng còn thua béo,
Thịt gấu gân lân hẳn kém tươi.
Ca lối Lộc Minh so cũng một 3
Vật bày thỏ thủ bội hơn mười 4.
Kia kìa ngon ngọt tày vai lợm
Tráng sĩ như Phàn tiếng để đời 5.


B. BÀI HỌA THƠ CỦA TRÙNG QUANG ĐẾ6

Nguyên văn bài thơ tiễn của Trùng Quang Đế :

Mấy vần thơ cũ ngợi Hoàng hoa,7
Trịnh trọng rày nhân vẳng khúc ca.
Chiếu phượng8 mấy hàng tơ cặn kẽ,
Vó câu nghìn dặm tuyết xông pha.
Tang bồng đã bấm lòng khi trẻ 9,
Khương quế 10 thêm cay tính tuổi già.
Việc nước một mai công ngõ vẹn.
Gác Lân 11 danh tiếng dõi lâu xa.

Nguyên văn bài hoạ của Nguyễn Biểu :

Tiếng ngọc từ vâng trước bệ hoa,
Ngóng tai đồng vọng thuở thi ca.
Đường mây gió kị lần lần trải,
Ải tuyết cờ mao thức thức pha.
Há một cung tên lồng chí trẻ,
Bội mười vàng sắt đúc gan già.
Hổ mình vả thiếu tài chuyên đối 12.
Dịch lộ 13 ba ngàn dám ngại xa.


-------------------------------------------------------
(1) Bài thơ Nôm Ăn cỗ đầu người tương truyền là của Nguyễn Biểu chứ không ai dám khẳng định chắc chắn là của Nguyễn Biểu. Tuy nhiên, do thấy văn khí rất phù hợp với hình trạng và phẩm cách của Nguyễn Biểu, cho nên, đời xưa nay vẫn cho là của Nguyễn Biểu. Chúng tôi xin giới thiệu phiên âm mà không thể giới thiệu được văn bản chữ Nôm, lí do chỉ đơn giản là vì kĩ thuật vi tính chưa cho phép.
(2) Ý nói của ngon vật là đều đã nếm đủ.
(3) Ý nói còn hơn cả yến tiệc Thiên tử đãi sứ giả. Bữa yến tiệc này từng được tả đến trong bài Lộc Minh của Kinh Thi.
(4) Thỏ thủ nghĩa là đầu thỏ. Chữ lấy trong Kinh Thi : hữu thỏ tư thủ : có đầu thỏ ấy, chỉ việc đãi yến.
(5) Phàn ở đây là Phàn Khoái, một trong những võ tướng rất trung thành của Hán Cao Tổ. Trong một bữa tiệc do Hán Cao Tổ tổ chức tại Hồng Môn, tướng Hạng Võ định tìm cách giết chết Hán Cao Tổ, nhưng Phàn Khoái biết được ý định ấy liền xông đến, lấy cớ là thấy có tiệc rượu, xin vào uống rồi trợn mắt để uy hiếp Hạng Võ, khiến Hạng Võ phải từ bỏ ý định giết chết Hán Cao Tổ, đã thế, tự tay Hạng Võ còn đem rượu thịt cho Phàn Khoái. Phàn Khoái vừa uống rượu vừa ăn hết cả một vai lợn. Hạng Võ khen là bậc tráng sĩ. Ở đây, Nguyễn Biểu có ý tự ví khí khái của mình trong bữa ăn cỗ đầu người cũng chẳng khác gì khí khái của tráng sĩ Phàn Khoái.
(6) Khi Nguyễn Biểu đi sứ, Trùng Quang Đế có làm bài thơ Nôm Tiễn Nguyễn Biểu đi sứ và Nguyễn Biểu đã làm bài hoạ. Để hiểu rõ hơn về bài học của Nguyễn Biểu, chúng tôi xin giới thiệu thêm ở đây nguyên văn bài của Trùng Quang Đế. Nhưng một lần nữa, vì lí do kĩ thuật vi tính nên chúng tôi chưa thể giới thiệu nguyên bản chữ Nôm của bài này.
(7) Hoàng hoa là chữ lấy từ bài Hoàng hòang giả hoa trong Kinh Thi, chỉ việc vua sai bề tôi đi sứ.
(8. Chỉ tờ chiếu màu ngũ sắc quý giá mà nhà vua sai sứ giả đem đi.
(9) Ý nói chí trai đã quyết từ lúc còn trẻ.
(10) Khương quế : gừng và quế, hai thứ càng già càng cay nồng.
(11) Gác Lân là gác vẽ hình các bậc công thần của nhà Hán. Ý nói tiếng thơm của Nguyễn Biểu sẽ được đời lưu truyền mãi mãi, chẳng khác gì tên tuổi của các bậc công thần nhà Hán.
(12) Tài chuyên đối : chữ lấy trong Luận ngữ (sứ ư tứ phương bất năng chuyên đối : đi sứ bốn phương, không thể một mình đối đáp) ý rằng không dám tự tiện.
(13) Dịch lộ là đường cái quan, trên từng chặng nhất định của con dường này đều có nhà để nghỉ tạm. Nhà ấy gọi là dịch trạm.

_________________________
Danh tướng Việt Nam 4 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 7 Signat21
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Danh tướng Việt Nam 4 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 7 Empty
Bài gửiTiêu đề: NGUYỄN BIỂU   Danh tướng Việt Nam 4 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 7 I_icon13Wed 24 Mar 2010, 00:08

Phụ lục 7
VĂN TẾ NGUYỄN BIỂU


Trùng Quang Đế Trần Quý Khoáng

Than rằng :
Sinh sinh hoá hoá, cơ huyền tạo mờ mờ,
Sắc sắc không không, bụi hồng trần phơi phới.
Bất cộng thù, thiên địa chứng cho,
Vô cùng hận, quỷ thần thề với.
Nhớ thuở tiên sinh cao giơ mũ trãi,
Chăm chắm ở nơi đài gián, đành làm cột đá để ngăn dòng.
Tới khi tiên sinh xa gác vó câu, hăm hăm chỉ,
Cán cờ mao bỗng trở gió vàng bèn nên nỗi.
Thói tinh chiên Hồ tặc chỉn hăm,
Gan thiết thạch Tô Công dễ đổi.
Quan Vân Trường gặp Lữ Mông dễ sa cơ ấy,
Mảng thấy chữ "phệ tề hà cập" dạ những ngùi ngùi.
Lưu Huyền Đức giận Lục Tốn mong trả thù này,
Nghĩ đến câu "thường đảm bất vong" lòng thêm dọi dọi.
Sầu kia khôn lấp cạn dòng,
Thảm nọ dễ xây nên núi.
Lấy chi báo chưng hậu đức, rượu kim tương một lọ,
Vơi vơi mươnn chuốc ba tuần.
Lấy chi uỷ thửa phương hồn, văn dụ tế mấy câu,
Thăm thẳm ngõ thông chín suối.



Phụ lục 8
BÀI CẦU SIÊU CHO NGUYỄN BIỂU


Thiền Sư chùa Yên Quốc

Chói chói một vừng tuệ nhật,
Đùn đùng mấy đoá từ vân.
Tam giới soi hoà trên dưới,
Thập Phương trải khắp xa gần.
Giải thoát lần lần nghiệp chướng,
Quang khai chốn chốn mê tân.
Trần quốc xảy vừa mạt tạo,
Sứ Hoa bỗng có trung thần.
Vàng đúc lòng son một tấm,
Sắt rèn tiết cứng mười phân.
Trần kiếp vì đâu oan khổ,
Phương hồn đến nỗi trầm luân.
Tế độ dặn nhờ từ phiệt,
Chân linh ngõ được phúc thần.

_________________________
Danh tướng Việt Nam 4 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 7 Signat21
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Danh tướng Việt Nam 4 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 7 Empty
Bài gửiTiêu đề: NGUYỄN SÚY   Danh tướng Việt Nam 4 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 7 I_icon13Wed 24 Mar 2010, 00:09

2. VÕ TƯỚNG NGUYỄN SÚY

Trong tất cả thư tịch cổ mà chúng tôi hiện có, không một dòng nào cho biết về năm sinh cũng như nguyên quán của võ tướng Nguyễn Suý. Tên ông được sử chính thức chép đến kể từ tháng 3 năm Kỉ Sửu (1409). Sau trận Bô Cô (tháng 12 năm 1408), buồn về nỗi thân sinh của mình bị giết oan, Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Dị đã chạy ra Thanh Hoa đón Trần Quý Khoáng về Chi La và cùng đồng lòng tôn Trần Quý Khoáng lên ngôi Hoàng Đế. Tại Chi La, là một trong những người có công tôn lập, Nguyễn Suý được Trùng Quang Đế Trần Quý Khoáng phong cho làm Thái Phó. Như vậy, Nguyễn Suý đứng hàng thứ hai trong hàng Tam Công (Thái Sư, Thái Phó và Thái Bảo), tức là còn cao hơn cả Thái Bảo Nguyễn Cảnh Dị và Đồng Bình Chương Sự Đặng Dung.

Ngay sau khi Trần Quý Khoáng lên ngôi Hoàng Đế, lực lượng của nhà Hậu Trần cũng dần dần bị suy yếu nghiêm trọng bởi những cuộc công kích lẫn nhau, giữa một bên là quân sĩ của Trần Ngỗi với một bên là quân sĩ của Trần Quý Khoáng. Để nhanh chóng ngăn chặn và hơn thế nữa, để chấm dứt tình trạng nguy hiểm này, chính Nguyễn Suý là người đã vạch kế hoạch và trực tiếp chỉ huy cuộc tấn công rất bất ngờ vào đại bản doanh của Giản Định Đế Trần Ngỗi tại thành Ngự Thiên (nay thuộc huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình). Giản Định Đế Trần Ngỗi bị bắt cóc đem về Nghệ An. Tại Chi La, Trần Ngỗi đã dược Trần Quý Khoáng tôn lên làm Thượng Hoàng còn Trần Quý Khoáng thì chỉ ở ngôi Hoàng Đế. "Lúc bấy giờ, trời u ám đã lâu, thế mà bỗng dưng trở nên quang đãng, bốn bề rực rỡ sắc mây vàng, mọi người đều lấy đó làm kinh ngạc". Nhưng cách hợp nhất lực lượng theo kiểu áp đặt ấy chỉ có ý nghĩa rất tạm bợ. Một không khí ngờ vực luôn bao trùm lên mọi hoạt động của nghĩa quân mà diễn biến của trận Hạ Hồng - Bình Than (tháng 7 năm Kỉ Sửu, 1409) đã thể hiện rất rõ điều đó. Bấy giờ, ưu thế đã và đang có phần nghiêng về phía nghĩa quân thì nhà Minh sai Anh Quốc Công Trương Phụ đem đại binh tới cứu viện. Thượng Hoàng Trần Ngỗi thấy khó bễ chống đỡ nên đã lẳng lặng rút quân về Thiên Quan (Thiên Quan nay thuộc tỉnh Ninh Bình và một phần nhỏ của tỉnh Hoà Bình. Chính ở cuộc rút lui này, Trần Ngỗi đã bị Trương Phụ bắt được. Cùng bị bắt với Trần Ngỗi còn có Thái Bảo Trần Hy Cát). Nghe tin đó, Trùng Quang Đế ngờ là Thượng Hoàng có ý khác liền lập tức sai Nguyễn Suý đem quân đuổi theo nhưng không kịp.

Trận thắng quan trọng, có ý nghĩa mở đầu cho sự nghiệp cầm quân của Nguyễn Suý có lẽ là trận Bài Lâm, diễn ra vào tháng 9 năm Tân Mão (1411). Bằng lối đánh úp rất bất ngờ vốn là sở trường riêng của mình, Nguyễn Suý đã tiêu diệt hoàn toàn lực lượng quân Minh đóng tại đây và bắt giết được tên tay sai của giặc là Nguyễn Chính.

Tháng 6 năm Nhâm Thìn (1412), Nguyễn Suý và các tướng lĩnh xuất sắc nhất của nghĩa quân như Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Dị đã có một cuộc đọ sức quyết liệt với quân Minh ở Mô Độ. Nhưng đang lúc đôi bên chưa phân thắng bại thì do hợp đồng tác chiến và nhất là mệnh lệnh chỉ huy thiếu chặt chẽ. Nguyễn Suý và Nguyễn Cảnh Dị đã rút lui quá sớm. Tướng giặc là Trương Phụ đã triệt để khai thác chỗ yếu kém này để điên cuồng tổ chức phản công. Nghĩa quân phải chịu tổn thất rất nặng nề.

Tháng giêng năm Quý Tị (1413), Nguyễn Suý và Nguyễn Cảnh Dị theo Trùng Quang Đế Trần Quý Khoáng, đem quân vượt biển tiến ra tận Vân Đồn để đồng thời thực hiện ba nhiệm vụ khác nhau. Một là thăm dò thực lực của quân Minh ở vùng duyên hải đông bắc, hai là sẵn sàng tổ chức tấn công giặc khi có điều kiện và ba là thu gom lương thực cho nghĩa quân. Nguyễn Suý đã rất cố gắng nhưng rất tiếc là lực bất tòng tâm. Tháng ba cùng năm 1413 ông buộc phải theo Trùng Quang Đế Trần Quý Khoáng và các tướng lĩnh khác trở về Nghệ An, lúc đi quân sĩ mười phần thì khi về chỉ còn lại chừng ba bốn phần.

Tháng 9 năm Quý Tị (1413), Nguyễn Suý là một trong những vị tướng có vinh dự được trực tiếp cầm quân tham gia vào trận tấn công rất lớn ở Thái Gia (cũng tức là Sái Già) : Trong trận đánh có ý nghĩa quyết định số phận ấy, lại thêm một lần nữa, do hợp đồng tác chiến không chặt chẽ và đặc biệt là do hiệu lệnh chỉ huy của nghĩa quân trên dưới không thống nhất, cho nên, tướng giặc là Trương Phụ đã nhanh chóng nắm lấy cơ hội thuận tiện này để lật ngược tình thế và đã chuyển bại thành thắng.

Sau trận Thái Gia, toàn bộ lực lượng của nhà Hậu Trần kể như đã hoàn toàn bị tan rã, tuy nhiên, Nguyễn Suý vẫn cố gắng tổ chức thêm được một trận mai phục nhỏ vào tháng 10 năm Quý Tị (1413). Bấy giờ, Trương Phụ dốc quân thuỷ bộ đi lùng bắt tàn quân của Trần Quý Khoáng. Thấy việc canh phòng của chiến thuyền Trương Phụ có vẻ lơi lỏng nên Nguyễn Suý đã bố trí cho ba thích khách cùng bí mật núp dưới bè cỏ rỗi bất ngờ leo lên chiến thuyền, định sẽ giết chết Trương Phụ. Nhưng, cơ mưu này không thành.

Vào cuối tháng 11 năm Quý Tị (1413), Trùng Quang Đế Trần Quý Khoáng cùng với các tướng lĩnh cao cấp nhất của nghĩa quân như Nguyễn Suý, Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Dị đều bị giặc Minh bắt được. Nguyễn Cảnh Dị thì bị giết ngay khi vừa bị bắt còn Trùng Quang Đế, Đặng Dung và Nguyễn Suý thì bị giặc giải về Yên Kinh (Trung Quốc). Dọc đường bị áp giải, nhân lúc lính canh sơ hở, Trùng Quang Đế Trần Quý Khoáng đã nhảy xuống nước để tự tử, Đặng Dung cũng nhảy xuống chết theo. Riêng tướng Nguyễn Suý thì có cách xử trí rất khác. Sử cũ chép rằng Nguyễn Suý "ngày ngày chơi cờ với viên Chỉ huy coi giữ mình, dần dần thấy quen nên hơn không hề phòng bị, (Nguyễn Suý) bèn bất ngờ lấy bàn cờ đánh hắn ngã xuống nước chết, xong, (Nguyễn) Suý cũng nhảy xuống nước tự tử".

Nguyễn Suý là nhân vật cao cấp cuối cùng của nhà Hậu Trần đã anh dũng ngã xuống vì sự nghiệp cứu nước. Cùng với các anh hùng hào kiệt lừng danh khác như Đặng Tất, Đặng Dung, Nguyễn Cảnh Chân, Nguyễn Cảnh Dị, Nguyễn Biểu... ông thực sự xứng đáng là một trong những biểu tượng sáng ngời của ý chí quật khởi, xứng dáng được đời đời kính trọng. Ông đã góp phần chứng minh một cách thật sinh động rằng : "chính khí trong khắp cõi trời đất bao la, dẫu có sấm sét gầm vang, dẫu có gió bão dữ dội cũng không sợ, dẫu có hung hăng như lũ quỷ thần cũng chẳng dám tới gần."

_________________________
Danh tướng Việt Nam 4 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 7 Signat21
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Danh tướng Việt Nam 4 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 7 Empty
Bài gửiTiêu đề: PHẠM NGỌC   Danh tướng Việt Nam 4 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 7 I_icon13Wed 24 Mar 2010, 00:10

3. LA BÌNH VƯƠNG PHẠM NGỌC


Phạm Ngọc là thế danh của một Thiền Sư nhưng hiện vẫn chưa ai rõ đạo hiệu của ông là gì. Chính sử thời Nguyễn cho biết rằng ông người làng An Lão, nay đất làng quê ông thuộc thị xã Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng. Sinh thời, Phạm Ngọc là người rất mộ Phật, từng tu hành tại chùa Đồ Sơn.

Sau thất bại của Trần Quý Khoáng (1413), quân Minh đã thẳng tay tiến hành hàng loạt những cuộc đàn áp rất tàn khốc. Mặc dù vậy, các phong trào đấu tranh với nhiều quy mô lớn nhỏ khác nhau vẫn liên tục nổ ra. Phạm Ngọc là một trong số những lãnh tụ của các phong trào đấu tranh sôi động đó. Dẫu đang là một nhà tu hành, Phạm Ngọc cũng không sao có thể chịu khoanh tay ngồi nhìn cảnh giết chóc rất dã man của giặc. Các bộ chính sử của ta tuy chép rất sơ sài nhưng truyền thuyết dân gian vùng Hải Phòng và La Bình Vương thần tích cho biết : để có danh nghĩa chính thống cho việc tập hợp lực lượng nồi dậy, Phạm Ngọc đã cho phao tin đi khắp nơi rằng ông là người được Trời tin cậy ban cho ấn thiêng và gươm báu, đồng thời, sai xuống địa giới và cho nắm quyền làm chủ cả thiên hạ. Vì thế, ông xưng là La Bình Vương và đặt niên hiệu là Vĩnh Ninh.

Tin này vừa mới được truyền đi thì lập tức, một số thủ lĩnh của các phong trào đấu tranh ở những vùng lân cận đã nô nức đem lực lượng của mình theo về với Phạm Ngọc. Trong số đó có :
- Trịnh Công Chứng và Lê Hành ở Hạ Hồng (Nay Hạ Hồng tương ứng với đất dai của các huyện Gia Lộc, Thanh Môn, Ninh Giang và Tứ Kỳ của tỉnh Hải Dương).
- Phạm Thiên ở Tân Minh (nay là huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng).
- Nguyễn Đặc ở Khoái Châu.
- Nguyễn Đa Cấu và Trần Nhuế ở Hoàng Giang.

Khi lực lượng đã tương đối hùng hậu, vào cuối năm Kỉ Hợi (1419) Phạm Ngọc liền thành lập một guồng máy chính quyền (thực chất đây chỉ mới là bộ chỉ huy của nghĩa quân) với sự tham gia của các bậc hào kiệt đương thời như :
+ Ngô Trung làm Nhập nội Hành Khiển.
+ Đào Thừa làm Xa Kị Đại Tướng Quân.
+ Phạm Thiện làm Nhập Nội Kiểm Hiệu Tả Tướng Quân.
+ Lê Hành làm Tư Không.

Cũng ngay vào cuối năm Kỉ Hợi (1419), Phạm Ngọc đã bất ngờ cho quân tấn công vào Kiến An và đã dễ dàng chiếm được toàn bộ vùng này. Tại đây, ông đã cho xây dựng một số chiến luỹ kiên cố, đồng thời, biến Kiến An thành một sào huyệt khá vững chắc, thanh thế của lực lượng Phạm Ngọc vì thế mà nổi lên rất nhanh.

Thắng lợi đầu tiên rất to lớn nhưng cũng khá dễ dàng đã khiến cho Phạm Ngọc và bộ chỉ huy nghĩa quân có phần chủ quan. Tháng 6 năm Canh Tí (1420), khi tướng Tổng Binh của nhà Minh (lúc này là Lý Bân) đưa đại quân tới đàn áp, thay vì bình tĩnh tìm cách bảo toàn lực lượng và cố gắng phát hiện cho dược chỗ yếu nhất của giặc để đánh thì Phạm Ngọc đã tổ chức một trận nghênh chiến ở ngay tại Kiến An. Chỉ trong một trận tập kích chớp nhoáng, Lý Bân đã phá vỡ hoàn toàn thế trận của Phạm Ngọc, dồn tất cả lực lượng của Phạm Ngọc mới tập hợp và còn rất non nớt trong kinh nghiệm trận mạc vào tình thế hết sức bi đát. Các tướng như Phạm Thiện và Ngô Trung đều bị bắt và giải về Đông Quan (tức Hà Nội ngày nay). Phạm Ngọc và một số tì tướng phải chạy ra Đông Triều nhưng cũng chỉ được một thời gian rất ngắn thì mất. Đông đảo nghĩa sĩ đã bị bắt và bị giết. Do chưa rõ năm sinh nên cũng chưa rõ là khi mất, Phạm Ngọc hưởng thọ bao nhiêu tuổi.

Trong số những nhân vật quan trọng nhất của Phạm Ngọc may mắn thoát được vòng vây của Lý Bân có Tư Không Lê Hành. Ông chạy về Đa Cẩm và tập hợp tàn binh, hợp nhất với lực lượng của Đào Cường để đánh giặc. Nghĩa binh Lê Hành và Đào Cường có lúc đông đến 8.000 người, nhưng, tất cả cũng chỉ hoạt động được trong một thời gian ngắn thì bị Lý Bân đánh bại.

_________________________
Danh tướng Việt Nam 4 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 7 Signat21
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Danh tướng Việt Nam 4 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 7 Empty
Bài gửiTiêu đề: LÊ NGà  Danh tướng Việt Nam 4 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 7 I_icon13Wed 24 Mar 2010, 00:12

4. THIÊN THƯỢNG HOÀNG ĐẾ LÊ NGÃ


Lê Ngã người làng Tràng Kênh, huyện Thuỷ Đường (Thủy Nguyên, Hải Phòng) sinh năm nào chưa rõ. Ông xuất thân là gia nô của Trần Thiên Lại và nổi tiếng là người có tướng mạo rất đẹp, từng đi nhiều nơi, đến đâu cũng được mọi người cúng dưỡng. Khi quân Minh tràn sang xâm lược và đô hộ nước ta, Trần Thiên Lại là một trong những tên quý tộc đầu hàng giặc sớm nhất. Nhân lúc loạn li, Lê Ngã bỏ chủ, đổi họ tên là Dương Cung rồi bỏ đi.

Tháng 11 năm Kỉ Hợi (1419), Lê Ngã đã đến đất Đan Ba (nay thuộc huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn). Cũng như tất cả những người sục sôi ý chí cứu nước, Lê Ngã đã quyết chí tập hợp lực lượng để chiến đấu một mất một còn với quân Minh. Bấy giờ, các phong trào đấu tranh tuy đều bị đàn áp rất tàn khốc, nhưng bất chấp tất cả, Lê Ngã vẫn dũng cảm khởi xướng và lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa riêng. Tại đất Đan Ba, Lê Ngã được Phụ Đạo của xứ Lạng Sơn là Bế Thuấn gả con gái cho, lại còn tôn làm minh chủ. Để có thêm thuận lợi cho việc huy động và tập hợp lực lượng, Lê Ngã đã nhận mình là huyền tôn (tức là cháu 4 đời) của Hoàng Đế Trần Duệ Tông vừa mới từ nước Lão Qua trở về. Ông tự xưng là Thiên Thượng Hoàng Đế, đặt niên hiệu là Vĩnh Thiên và hơn thế nữa, Lê Ngã còn tổ chức đúc tiền riêng cho guồng máy chính quyền của mình. Chẳng mấy chốc, quân số của Lê Ngã đã đông tới vài vạn người. Đan Ba đã nhanh chóng trở thành một khu căn cứ kiên cố.

Từ Đan Ba, Lê Ngã đã liên tục tiến hành những cuộc tấn công ồ ạt vào quân Minh, trong đó, nổi bật hơn cả, gây được tiếng vang lớn hơn cả là ba trận cùng diễn ra vào giữa năm Canh Tí (1420) :
- Đánh vào Bình Than tịch thu hàng loạt khí giới và quân lương của giặc.
- Đánh vào An Bang và chiếm được trại Hồng Doanh.
- Thiêu trụi thành Xương Giang.

Khi nghĩa quân Lê Ngã đang ráo riết hoạt động trên một phạm vi ngày càng rộng lớn và gây cho giặc những tổn thất rất nặng nề thì Trần Thiên Lại xuất hiện. Hắn xin vào yết kiến và phát hiện ta rằng Lê Ngã chính là gia nô cũ của mình. Vừa mới từ đại bản doanh của Lê Ngã đi ra, Trần Thiên Lại đã tuyên bố rằng : hắn vốn là gia nô của ta, việc gì ta phải lạy nó. Đó thực sự là câu nói kết tinh sâu sắc nhất bản chất phẫn bội đê hèn của Trần Thiên Lại. Lê Ngã biết được thì lập tức cho người đuổi theo để bắt lại nhưng không kịp nữa.

Bởi bản chất phản bội đê hèn này, thay vì tìm cách ủng hộ Lê Ngã và thiết thực góp phần vào cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung, "Trần Thiên Lại đã truyền hịch đi khắp các phủ huyện, tự xưng là Hưng Vận Quốc Thượng Hầu, kêu gọi dấy quân để đi đánh Lê Ngã, nhưng việc chưa thành, hắn đã bị Lê Ngã giết chết."

Tên phản bội Trần Thiên Lại tuy đã bị trừng trị rất đích đáng nhưng lực lượng nghĩa quân cũng bị tổn thất rất nặng nề. Tướng nắm quyền Tổng Binh của giặc lúc bấy giờ là Lý Bân nói : "Thiên Lại và Lê Ngã chỉ như hai con thú thôi". Hắn lập tức cho quân sĩ tới đàn áp. Sau nhiều trận ác chiến kịch liệt, Lê Ngã thua, bèn cùng với Bế Thuấn (nhạc phụ, cũng là chỗ dựa rất tin cậy và là người sát cánh chiến đấu đắc lực nhất của mình), nhân đêm tối bỏ trốn đi. Số phận của Lê Ngã (cũng như của Bế Thuấn) về sau ra sao chưa rõ.

_________________________
Danh tướng Việt Nam 4 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 7 Signat21
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Danh tướng Việt Nam 4 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 7 Empty
Bài gửiTiêu đề: VÀI LỜI CUỐI SÁCH   Danh tướng Việt Nam 4 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 7 I_icon13Wed 24 Mar 2010, 00:14

VÀI LỜI CUỐI SÁCH

Bạn đọc yêu quý !
Sau khi hoàn tất những dòng cuối cùng của bản thảo, tác giả thấy tập 4 của bộ DANH TƯỚNG VIỆT NAM sao mà khô khan quá gần như chỉ gồm toàn những trang chữ dày đặc. Bao nhiêu hình tư liệu chụp được thì đã cho in trong mấy chục cuốn sách xuất bản trước rồi, không thể và cũng không nên cho in lại nữa. Đang lúc lúng túng chưa biết phải xoay xở như thế nào thì may mắn thay, một số bạn đồng nghiệp đã hào hiệp ra tay giúp đỡ. Tiến sĩ Phạm Hữu Công và Nghiên cứu sinh Sử học Phí Ngọc Tuyến (hiện đang công tác tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam - Thành phố Hồ Chí Minh) đã cấp tốc liên hệ với một số nhà Bảo tàng của các tỉnh. Và chỉ mấy ngày sau, Nghiên cứu sinh Sử học Phí Ngọc Tuyến đã hồ hởi đem đến tặng tôi ít số tấm ảnh tư liệu do Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh và Bảo tàng tỉnh Nghệ An gửi vào. Tôi thật sự cảm kích và trân trọng sử dụng những tấm ảnh đó với lời chú thích nguồn gốc cụ thể và rõ ràng.

Một trong số những đồng nghiệp mà tôi đặc biệt quý mến là Thạc sĩ Võ Văn Tường, do quá bộn rộn công việc, hầu như chúng tôi không hề có dịp để đàm đạo với nhau, nhưng hễ tôi cần bất cứ tấm ảnh tư liệu nào thì chỉ cần gọi điện thoại tới là anh gửi tặng tôi ngay. Bạn đọc gần xa hẳn đã rõ, anh là Thạc sĩ về Khoa học Xã hội và Nhân văn nhưng cũng đồng thời là một nhà nhiếp ảnh rất chịu khó và cũng rất có tài, là tác giả của cuốn VIỆT NAM DANH LAM CỔ TỰ rất nổi tiếng và một số công trình nghiên cứu khác về chùa chiền Việt Nam. Cũng như những lần trước, anh lại tiếp tục gửi tặng tôi một số tấm ảnh mà tôi muốn có, không kèm theo bất cứ một điều kiện nhỏ nào. Tự đáy lòng mình, tôi chân thành cảm ơn anh.

Nhân nói về ảnh tư liệu, tác giả xin một lần nữa cảm ơn bà Hoàng Phương Châm ở Bảo tàng Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) và Thượng Toạ Thích Thiện Bảo ở tuần báo Giác Ngộ những người đã gửi tặng cho tác giả hàng chục tấm ảnh quý về Phật giáo Việt Nam và Phật giáo Ấn Độ. Tác giả đã trân trọng sử dụng và chú thích đầy đủ xuất xứ trong các bộ sách đã xuất bản trước đây.

Sách mang tên tôi nhưng tên tôi lại gắn bó rất chặt chẽ với những tình cảm nồng hậu của các bạn đồng nghiệp đang sống và làm việc ở khắp mọi miền của đất nước. Những người bạn có cái tâm luôn luôn ngời sáng và vô tư.


NGUYỄN KHẮC THUẦN

_________________________
Danh tướng Việt Nam 4 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 7 Signat21
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Danh tướng Việt Nam 4 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 7 Empty
Bài gửiTiêu đề: TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH   Danh tướng Việt Nam 4 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 7 I_icon13Wed 24 Mar 2010, 00:15

TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH


I. TÀI LIỆU CHỮ HÁN CỦA TRUNG QUỐC

01. Âu Dương Tu - Tống Kỳ : TẤN THƯ. Súc Ấn Bách Nạp Bản Thương Vụ Ấn Thư Quán.
02. Âu Dương Tu - Tống Kỳ : TÂN ĐƯỜNG THƯ. Súc Ấn Bách Nạp Bản. Thương Vụ Ấn Thư Quán.
03. Ban CỐ : TIỀN HÁN THƯ. Súc Ấn Bách Nạp Bản. Thương Vụ Ấn Thư Quán.
04. Cát Hồng : BÃO PHÁC TỬ NỘI NGOẠI THIÊN. Súc Ấn Bách Nạp Bản. Thương Vụ Ấn Thư Quán.
05. Cốc Ứng Thái : MINH SỬ KỈ SỰ BẢN MẠT. Súc Ấn Bách Nạp Bản. Thương Vụ Ấn Thư Quán.
06. Hoài Nam Vương Lưu An : HOÀI NAM TỬ. Súc Ấn Bách Nạp Bản. Thương Vụ Ấn Thư Quán.
07. Lịch Đạo Nguyên : THUỶ KINH CHÚ. Súc Ấn Bách Nạp Bản. Thương Vụ Ấn Thư Quán.
08. Ngụy Trưng : TUỲ THƯ. Súc Ấn Bách Nạp Bản. Thương Vụ Ấn Thư Quán
09. Phạm Việp : HẬU HÁN THƯ. Súc Ấn Bách Nạp Bản. Thương Vụ Ấn Thư Quán.
10. Phòng Kiều : TẤN THƯ. Súc Ấn Bách Nạp Bản. Thương Vụ Ấn Thư Quán
11. Trần Thọ : TAM QUỐC CHÍ. Súc Ấn Bách Nạp Bản. Thương Vụ Ấn Thư Quán.
12. Tư Mã Thiên : SỬ KÍ TƯ MÃ THIÊN. Súc Ấn Bách Nạp Bản. Thương Vụ Ấn Thư Quán.
13. Nhạc sử : THÁI BÌNH HOÀN VŨ KÍ. Kim Lăng ấn bản.
14. Thung Đình Ngọc : MINH SỬ. Súc Ấn Bách Nạp Bản. Thương Vụ Ấn Thư Quán

II. TÀI LIỆU CHỮ HÁN CỦA VIỆT NAM

01. Khuyết danh : ĐẠI VIỆT SỬ LƯỢC.
02. Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê : ĐẠI VIỆT SỬ KÍ TOÀN THƯ.
03. Quốc Sử quán triều Nguyễn : KHÂM ĐỊNH VIỆT SỬ THÔNG GIÁM CƯƠNG MỤC.
04. Quốc Sử Quán triều Nguyễn : ĐẠI NAM NHẤT THỐNG CHÍ.
05. Ngô Thì Sĩ : VIỆT SỬ TIÊU ÁN.
06. Phan Huy Chú : LỊCH TRIỀU HIẾN CHƯƠNG LOẠI CHÍ.
07. Vương Duy Trinh : THANH HOÁ QUAN PHONG.


III. TÀI LIỆU CHỮ VIỆT CHỌN LỌC

01. Trần Quốc Vượng - Hà Văn Tấn : LỊCH SỬ CHẾ ĐỘ PHONG KIẾN VIỆT NAM (tập 1) Nxb. Giáo dục. Hà Nội. 1960.
02. Phan Huy Lê : LỊCH SỬ CHẾ ĐỘ PHONG KIẾN VIỆT NAM (tập 2) Nxb. Giáo dục Hà Nội. 1960.
03. Phan Huy Lê - Trần Quốc Vượng - Hà Văn Tấn - Lương Ninh : LỊCH SỬ VIỆT NAM (tập 1). Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp. Hà Nội 1983.
04. Nguyễn Khắc Thuần : CÁC ĐỜI ĐỀ VƯƠNG TRUNG QUỐC. Nxb Giáo dục. 2002.
05. Nguyễn Khắc Thuần : ĐẠI CƯƠNG LỊCH SỬ VĂN HOÁ VIỆT NAM. Nxb. Giáo dục, tập 2 - 2000 và tập 3 - 1998.
06. Nguyễn Khắc Thuần : ĐẠI CƯƠNG LỊCH SỬ CỔ TRUNG ĐẠI VIỆT NAM Nxb. Văn hoá - Thông Tin 2002.
07. Nguyễn Khắc Thuần : TRÔNG LẠI NGÀN XƯA (tập 2) Nxb Giáo dục. 1998.

IV. THẦN TÍCH, TRUYỀN THUYẾT DÂN GIAN VÀ CÁC HỔ SƠ KHẢO SÁT THỰC ĐỊA
(vì số lượng quá nhiều nên chúng tôi xin phép miễn phần liệt kê danh mục cụ thể).





Hết

_________________________
Danh tướng Việt Nam 4 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 7 Signat21
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Sponsored content




Danh tướng Việt Nam 4 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 7 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Danh tướng Việt Nam 4 - Nguyễn Khắc Thuần   Danh tướng Việt Nam 4 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 7 I_icon13

Về Đầu Trang Go down
 
Danh tướng Việt Nam 4 - Nguyễn Khắc Thuần
Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Similar topics
-
» Danh Tướng Việt Nam 1 - Nguyễn Khắc Thuần
» Danh Tướng Việt Nam 2 - Nguyễn Khắc Thuần
» Danh tướng Việt Nam 3 - Nguyễn Khắc Thuần
» Việt Sử Giai Thoại - Tập 4 - Nguyễn Khắc Thuần
» Việt Sử Giai Thoại - Tập 3 - Nguyễn Khắc Thuần
Trang 7 trong tổng số 7 trangChuyển đến trang : Previous  1, 2, 3, 4, 5, 6, 7

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
daovien.net :: TRÚC LÝ QUÁN :: Lịch Sử-