Trang ChínhTìm kiếmLatest imagesVietUniĐăng kýĐăng Nhập
Bài viết mới
BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-1965 - LM CAO VĂN LUẬN by Trà Mi Today at 08:52

5 chữ by Tinh Hoa Yesterday at 22:27

Thơ Nguyên Hữu 2022 by Nguyên Hữu Yesterday at 16:16

Hơn 3.000 bài thơ tình Phạm Bá Chiểu by phambachieu Yesterday at 11:01

Thi tập "Chỉ là...Tình thơ" by Tú_Yên tv Thu 25 Apr 2024, 12:56

Trang thơ Tú_Yên (P2) by Tú_Yên tv Thu 25 Apr 2024, 12:51

Thơ Tú_Yên phổ nhạc by Tú_Yên tv Thu 25 Apr 2024, 12:46

LỀU THƠ NHẠC by Thiên Hùng Wed 24 Apr 2024, 11:55

Quán Tạp Kỹ - Đồng Bằng Nam Bộ by Thiên Hùng Wed 24 Apr 2024, 11:48

Trụ vững duyên thầy by Trà Mi Tue 23 Apr 2024, 07:34

Mái Nhà Chung by Trà Mi Tue 23 Apr 2024, 07:33

THIỀN TUỆ (diệt trừ đau khổ) by mytutru Tue 23 Apr 2024, 00:07

Nhận dạng phụ nữ giàu có by Trà Mi Mon 22 Apr 2024, 08:36

Bức tranh gia đình by Trà Mi Mon 22 Apr 2024, 08:09

Mẹo kho thịt by Trà Mi Mon 22 Apr 2024, 07:29

SẦU LY BIỆT by Phương Nguyên Sun 21 Apr 2024, 23:01

Trang Họa thơ Phương Nguyên 2 by Phương Nguyên Sun 21 Apr 2024, 22:56

Trang viết cuối đời by buixuanphuong09 Sun 21 Apr 2024, 06:38

Mức thù lao không ai dám nghĩ đến by Trà Mi Wed 17 Apr 2024, 11:28

KHÔNG ĐỀ by Phương Nguyên Wed 17 Apr 2024, 11:00

Cách xem tướng mạo phụ nữ ngoại tình, không chung thủy by mytutru Tue 16 Apr 2024, 11:59

Ở NHÀ MỘT MÌNH by Phương Nguyên Tue 16 Apr 2024, 09:59

HÁ MIỆNG CHỜ SUNG by Phương Nguyên Sun 14 Apr 2024, 13:29

Trang thơ vui Phạm Bá Chiểu by phambachieu Fri 12 Apr 2024, 15:48

Những Đoá Từ Tâm by Việt Đường Fri 12 Apr 2024, 15:32

Chết rồi! by Phương Nguyên Fri 12 Apr 2024, 13:57

ĐÔI BÀN TAY NGHỆ NHÂN by mytutru Thu 11 Apr 2024, 17:43

THẬN TRỌNG SIÊU LỪA by mytutru Wed 10 Apr 2024, 20:33

Không đánh, không mắng, không phạt, không có học sinh ưu tú by Trà Mi Wed 10 Apr 2024, 11:45

KHÓ NGỦ by Phương Nguyên Wed 10 Apr 2024, 01:46

Tự điển
* Tự Điển Hồ Ngọc Đức



* Tự Điển Hán Việt
Hán Việt
Thư viện nhạc phổ
Tân nhạc ♫
Nghe Nhạc
Cải lương, Hài kịch
Truyện Audio
Âm Dương Lịch
Ho Ngoc Duc's Lunar Calendar
Đăng Nhập
Tên truy cập:
Mật khẩu:
Đăng nhập tự động mỗi khi truy cập: 
:: Quên mật khẩu

Share | 
 

 Những người thích đùa - Aziz Nesin

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Chuyển đến trang : Previous  1, 2, 3, 4
Tác giảThông điệp
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7113
Registration date : 01/04/2011

Những người thích đùa - Aziz Nesin - Page 4 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Những người thích đùa - Aziz Nesin   Những người thích đùa - Aziz Nesin - Page 4 I_icon13Wed 21 Jun 2023, 08:22

Biết Ơn Vạn Bội


-Bạn thân mến. Tôi mới quen một thiếu phụ. Duyên mau thật sự!

-Nàng đẹp lắm hả?

-Còn phải hỏi. Anh xem, ảnh của nàng đây.

-Đẹp thật đấy!... Cố gắng, đừng bỏ lỡ đấy.

-Hẳn đi chứ!... Anh có biết tôi say đắm đến thế nào không.

-Nhưng nàng có chú ý đến anh không?

-Hẳn là có...

-Thế thì phải chinh phục ngay trái tim nàng.

...

-Tình hình thế nào, có gì hay không đấy?

-Tuyệt lắm. Hôm nọ tôi đã kể anh nghe rằng tôi có một nàng...

-A, thế nào rồi?

-Tôi yêu, yêu đến mất trí.

-Nhưng nàng có yêu anh không?

-Chưa biết.

-Phải làm sao cho nàng yêu anh!

-Làm thế nào?

-Điều ấy thì tôi có thể bàn với anh được. Thứ nhất là quà tặng. Phụ nữ bao giờ cũng thích được quà. Đầu tiên có thể là hoa, đặc biệt là tử đinh hương... Sau đó đến một thứ quí hơn... Và nhớ thường xuyên nói với nàng rằng nàng rất thông minh.

-Hay đấy, tôi sẽ cố theo lời anh nói.

...

-Trời ơi, tôi không biết nói sao để cám ơn anh cho hết!

-Mọi việc tốt đấy chứ?

-Bạn thân mến, anh thật hiểu lòng dạ đàn bà. Tôi đã làm theo đúng ý anh. Nàng đối với tôi hoàn toàn có thiện cảm rồi. Nhân danh đấng Ala, anh bảo tôi làm gì bây giờ?

-Anh phải mời nàng xem phim. Nhưng phải chọn phim đừng nghiêm túc quá, có thể là một chuyện gì bi thảm, một hài kịch nhẹ nhàng, hoặc một màn vũ nhạc gì đó. Xem xong nhất thiết phải ăn kem va-ni. Nhớ rằng trong túi anh luôn luôn phải có sô-cô-la và phải mời nàng ăn luôn.

-Thế nào tôi cũng làm đúng lời anh dặn. Tôi yêu đến hoá điên rồ.

...

-Hôm qua bọn mình xem phim. Vào rạp tôi mời kẹo sô-cô-la. Nàng bằng lòng lắm. Xem xong vào hàng bánh kẹo ăn kem va-ni. Nàng bảo tôi là hạng đàn ông có thẩm mỹ tinh tế. Tuần này bọn mình định đi chơi xa. Nhân danh Đức Ala, anh khuyên tôi đi hướng nào nhỉ?

-Theo tôi, các bạn nên ra đảo Hoa cương. Nên thuê hai con la mà cưỡi. Sau đó ra bãi tắm. Rồi đi khiêu vũ. Nhưng nhớ chỉ mời nàng nhảy van thôi đấy.

-Lạy Chúa!... Làm sao tôi chinh phục được người đàn bà ấy nhỉ!

-Anh cứ theo đúng lời tôi, mọi việc đâu sẽ vào đấy!

-Tôi thật không biết cám ơn anh thế nào cho hết.

-Không cần... Tôi chỉ muốn truyền kinh nghiệm cho anh thế thôi.

...

-Thế nào, các bạn có đi chơi không đấy?

-Đi chứ!... Tuyệt vời lắm! Nhưng tôi không gặp may...

-Sao vậy?

-Hoá ra nàng có chồng rồi. Chúng mình chỉ dạo chơi thôi, chẳng có gì hơn nữa.

-Thế nàng có yêu chồng không?

-Không đâu, nàng bảo chồng thô lỗ, ngu độn như lừa, chẳng hiểu gì hết, đối với anh ta, tâm hồn phụ nữ là một buồng tối.

-Một thiếu phụ đáng thương! Vì sao nàng không ly dị đi?

-Nàng bảo nếu tôi đáng tin thì ngay hôm nay nàng sẽ nộp đơn ly dị! Tôi không biết mình phải làm gì...

-Chớ để mất nàng!

...

-Công việc của anh thế nào?

-Anh đừng có hỏi. Bọn mình chưa một lần nào hôn nhau. Nàng nhút nhát quá. Nhưng tôi cảm thấy nàng yêu tôi.

-Tiếp tục tặng quà đi. Mua nước hoa đắt tiền vào, chẳng hạn nước hoa "Xan đan" ấy. Sau đó... tôi cũng không biết... mua một loại vải đẹp đi... Hầu hết phụ nữ thích màu xanh lơ hoặc là xanh nhạt.

-Ngộ chồng nàng biết thì sao?

-Làm gì mà đoán ra được? Chính nàng nói hớ ra rằng hắn ta là một gã khờ kia mà. Nếu anh muốn tôi sẽ đi chọn vải giúp anh...

-Hay quá... Ta đi luôn nhé!

...

-Tình hình thế nào rồi?

-Tốt quá anh ạ! Tôi đưa nước hoa, nàng bảo đúng là thứ nàng thích nhất. Tôi tặng vải, nàng sướng rơn lên. Bạn ơi, tôi đang hớn hở như một cậu học trò. Anh bảo tôi phải làm gì để có nàng trọn vẹn?

-Anh hãy đọc cho nàng nghe những vần thơ của Iakhi Kêman. Phải thề thốt sẽ lấy nàng làm vợ. Phải hối thúc nàng mau mau ly dị gã khờ kia.

...

-Lâu nay anh trốn biệt đi đâu thế?

-Bận quá, không gặp anh được. Nàng ly dị rồi đấy!

-Thế anh vẫn quyết lấy nàng đấy chứ?

-Tất nhiên.

-Vậy thì phải nhanh nhanh lên, kẻo...

...

-Tôi không biết lấy gì đền đáp ơn anh. Hôm qua chúng tôi làm lễ thành hôn rồi. Anh đã cho tôi một hạnh phúc lớn quá. Tôi đã có được gia đình, có vợ, có người yêu thương...

-Người anh em của tôi ơi. Tôi phải cám ơn anh mới đúng, chính anh đã cho tôi hạnh phúc lớn lao. Chính anh đã giúp tôi thoát được khỏi cái con vợ yêu quái của tôi đấy!
Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7113
Registration date : 01/04/2011

Những người thích đùa - Aziz Nesin - Page 4 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Những người thích đùa - Aziz Nesin   Những người thích đùa - Aziz Nesin - Page 4 I_icon13Thu 22 Jun 2023, 09:50

Lên Giá Đến Nơi Rồi!


Khách khứa đến chơi tối. Giữa chừng câu chuyện có người hỏi:

-Nhà bác có đường không?

-Tất nhiên. Hôm qua vừa mua 1 cân.

Ông khách mỉm cười:

-Bác điên à? Mua mấy bao đường mà cất đi. Đường sắp hết rồi!

Không phải mấy cân mà là mấy bao mới sợ chứ!

Mộ người quen tôi lại đến bảo:

-Bác đã mua dầu chưa?

-Cũng còn một ít.

-Dầu hoả rồi sẽ không bán nữa đâu, mua lấy mươi mười lăm can mà cất đi...

Không phải mươi mười lăm lít mà mươi mười lăm can mới sợ chứ!

Một ông bạn đến hỏi:

-Bác có trà không?

-Có chứ, mới mua 1 gói.

-Trời ơi, bác vẫn còn tỉnh táo đấy chứ? Bác phải mua ngay 40, 50 gói, chỉ tuần sau là đốt đuốc ban ngày cũng không tìm thấy đâu bán.

Một ông bạn khác khuyên:

-Đậu trắng, bác có biết không. Chạy đi mà mua lấy 5, 10 bao. Sắp đắt đến nơi rồi.

Không phải 5, 10 cân, mà 5, 10 bao mới sợ chứ!

Ông hàng xóm sang hỏi:

-Bác còn xà phòng không?

-Cũng còn mấy bánh.

-Thế bác không biết chuyện gì à? Ai cũng chạy đi mua xà phòng cả!

Lại một hàng xóm khác đe:

-Bác đừng nói với ai nhé! Dầu ôliu lên giá đến nơi rồi. Bác đi mua lấy vài can kẻo muộn.

Nếu nghe lời kẻ quen người thuộc thì nhà tôi phải thành kho thực phẩm, còn tôi thì phải thuê khách sạn mà trú.

"Bác phải tìm nơi tích trữ..." "Không phải 1 vài cân, mà là mấy bao, mấy thùng, mấy bịch".

Sáng danh Đức Ala, tôi làm gì có tiền! Tôi chỉ chạy được 1 cân dầu ôliu, 3 bánh xà phòng, 1 gói trà, 1 cân đường thôi. Nhưng khi có người đến hỏi:

-Bác có đường không?

-úi chà chà! Đầy cả gầm giường!...

-Thế dầu hoả?

-100 thùng chẵn - tôi bịt ngay miệng ông ta lại.

-Còn trà?

-Thừa thãi - tôi đáp đầy chán ngán - tôi đã mua 500 gói để dành.

... Suốt mấy ngày liền, tôi ngồi trên chiếc xe buýt chạy trên tuyến đường từ nhà tôi ở phố Erenquê đến phố Cađưcây. Ngày hôm qua tôi bèn đi liền tù tì đến tận chuyến cuối.

-Xin lỗi bác - người bán vé hỏi - chúng tôi đã đi 8 chuyến, sao bác còn ngồi. Vậy bác định đi đâu thế?

-Tôi phải ngồi đến tận chuyến cuối mới thôi.

-Sao lại thế?

-Anh đừng nói với ai nhé. Giá vé xe buýt cũng lên đến nơi rồi! Hôm nay còn rẻ, tôi phải cố đi cho nó đã!
Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7113
Registration date : 01/04/2011

Những người thích đùa - Aziz Nesin - Page 4 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Những người thích đùa - Aziz Nesin   Những người thích đùa - Aziz Nesin - Page 4 I_icon13Fri 23 Jun 2023, 10:31

Tên Hămđi Đã Bị Bắt Như Thế Nào?


Từ sở cảnh sát Xtămbun người ta gửi cho tất cả các quận cảnh sát 1 bức điện như sau:

"Lợi dụng lúc 2 người cảnh sát của chúng ta trên đường đi áp giải ngủ gật, vì suốt 3 ngày 3 đêm phải canh gác liên tục, tên đạo trích đại bợm và nhiều lần tái phạm, biệt hiệu "Voi Hămđi" đã tẩu thoát. Y trạc 35 tuổi, vóc người cao lớn, cân nặng 200 kilô, tóc hung nhạt, miệng mất 3 chiếc răng, hàm trên có 1 chiếc đổ chì, hàm dưới bên trái có 1 chiếc nanh bịt vàng, mặc quần áo nâu kẻ sọc, tóc hơi thưa, mặt tròn, mắt màu hạt dẻ. Qua điều tra, Sở đã có đầy đủ chứng cớ để xác nhận rằng y đã bỏ chạy. Vậy thông tri để các quận biết, nếu quận nào thấy tên "Voi Hămđi" xuất hiện tại địa phận thuộc quận mình cai quản, hoặc giả nếu y có đến gặp 1 viên chức cảnh sát nào để hỏi thăm, thì xin các quận báo cho y biết rằng, chúng ta yêu cầu y đừng làm cho chúng ta thêm vất vả, mà nếu có dịp nào thuậtn tiện, thì hãy đến đầu thú tại Sở cảnh sát Xtămbun. Kèm theo đây là ảnh của tên trộm nhiều lần tái phạm, biêt hiệu Voi Hămđi".

Trên sân ga thuộc 1 đồn cảnh sát, 2 nhân viên cảnh sát nói chuyện với nhau:

-Ramadan này, cậu nhìn cái thằng cha đang uống xalép kia xem, có lẽ đúng hắn là "Voi Hămđi" cũng nên!...

-Hừm!.. Trông cũng hao hao... Đưa ảnh hắn đây xem nào!

Viên cảnh sát rút trong túi ra 1 chiếc ảnh đưa cho bạn.

-ồ, không phải, đây là ảnh cậu đấy chứ, Ramadan!

-ừ nhỉ, ảnh tớ chụp hôm nghỉ lễ đấy! Trông được không?

-Cũng được. Nhưng đáng lẽ cậu phải cười lên 1 tý. Thôi lấy ảnh tên "Voi Hămđi" ra xem nào!

Ramadan rút ra 1 tập ảnh và loay hoay tìm.

-Đây là ảnh con trai tớ. Nó chụp hồi đi lính. Còn đây là ai cậu biết không, Macmút?

-Trông như thằng cha buôn lậu thuốc phiện Đuman Ali ấy!

-Còn đây là 1 con "chuột cống" ở khách sạn Súpkhi. Chà, ảnh lẫn lộn lung tung cả!

-Thôi, tìm ảnh "Con voi" ấy đi mau lên!

Macmét và Ramadan lúi húi giở tập ảnh.

-Nhanh lên Macmét, hắn uống hết Xalép rồi, sắp chuồn bây giờ!

-Xem kìa, hắn nhìn quanh có vẻ lấm lét lắm!

-Đây rồi, ảnh đây! Đúng hắn rồi!

Nói đoạn, 2 viên cảnh sát tiến lại phía người có dáng điệu khả nghi.

-Ê này, anh bạn, đứng yên đấy!

Họ hết ngắm bức ảnh lại ngắm người.

-Nghiêng người đi 1 tí xem nào, anh bạn!

-Hình như không phải hắn, Ramadan ạ!

-Cứ dẫn về cho ông đồn trưởng ông ấy xem. May ra ông ấy nhận diện được hắn.

-Nào anh bạn, đi thôi! Về đồn với chúng tôi!

Tại 1 nơi khác 2 viên cảnh sát nói chuyện với nhau trước cửa chợ:

-Thật xấu hổ, Saycruy ạ! Chúng mình lùng sục suốt từ sáng đến giờ mà vẫn không tìm được cái thằng "Voi Hămđi" ấy!

-Này, hay là nó kia kìa!

-Đâu? ừ, có khi đúng hắn cũng nên. Cứ hỏi thử xem.

-Xin ông cho biết tên.

-Mustapha.

2 viên cảnh sát thì thầm:

-Hắn bảo tên là Mustapha.

-Thì chẳng lẽ hắn nói thẳng với cậu "Tôi là voi Hămđi" à?

-Phải, tên này bợm lắm chứ chả phải vừa!

-Thôi, xin mời ngài cứ đi theo chúng tôi!

Trong 1 tiệm cà phê thuộc quận khác, 2 viên cảnh sát tâm sự với nhau:

-Hôm qua tớ tìm được 3 gã "Voi Hămđi" thế mà chẳng gã nào vừa lòng ông đồn trưởng cả!

-Thì tớ đã bảo cậu là ông ấy khó tính lắm mà!

-Suỵt! Cậu thử nhìn cái thằng cha đang uống nước chỗ kia xem kìa!

-Thôi đích hắn rồi!

-Nhưng trong ấy nói là hắn to béo cơ mà. Còn thằng cha này thì gày nhom!

-Hắn mới bị gày đi đấy! Trốn tránh như thế khổ lắm chứ có sung sướng gì!

-ừ phải... nhưng thằng cha này tóc đen, mà "Voi Hămđi" hình như tóc hung nhạt.

-Thì cậu bảo lang thang khắp các bờ bụi, nắng gió như thế, làm gì tóc chả đen đi!

-Thì đã đành rồi! Nhưng có cái là tóc thằng cha này nó lại đen nhánh và rậm quá cơ! Mà trong giấy thì nói là "Voi Hămđi" tóc thưa kia mà!

-Có thể là hắn đeo tóc giả để người ta khỏi nhận ra cũng nên!

-Thôi, thế ta còn đứng đây làm gì nữa, lại hỏi thằng bợm đi thôi!

Họ lại gần người kia.

-Anh tên gì?

-Hămđi.

2 người cảnh sát nhìn nhau 1 cách đầy ý nghĩa rồi phá lên cười.

-Thế thì về bót, đi!

Trên 1 khúc đường nhựa, 2 người cảnh sát bắt giữ 1 người qua đường.

-Há miệng ra!

-Trong miệng tôi có gì đâu!

-Không có thì cứ yên chí mà há ra!

Người đi đường há miệng. 2 viên cảnh sát khám hàm răng anh ta. Người nọ hỏi người kia:

-Này, xem lại trong giấy xem Con voi ấy mất mấy cái răng?

Người kia đọc:

-Mất 3 cái răng, hàm trên có 1 chiếc đổ chì, hàm dưới bên trái có 1 chiếc nanh bịt vàng...

Viên cảnh sát đếm răng người qua đường:

-1, 2, 3, 4... Đừng cựa quậy. Nhầm hết rồi! 1, 2, 3, 4, 5... 24! Hắn có 24 cái răng.

-24 à? Thế thì thiếu mấy cái nhỉ? Này, anh có biết anh thiếu mấy cái răng không?

-8 cái.

-Hắn nhổ bớt răng đi để người ta khỏi nhận ra đấy.

-Thưa ông cảnh sát, răng tôi toàn là răng giả cả, không có 1 chiếc nào thật đâu ạ!

-Này, cậu xem lại trong giấy xem có nói gì đến răng giả không?

-Không thấy nói gì cả. Chắc họ quên đấy. Nhưng tớ thề rằng đúng hắn là "Voi Hămđi" đấy. Cứ nhìn hàm dưới của hắn mà xem! Chả răng nanh bịt vàng là gì đây! Thôi, mời ông đi theo chúng tôi.

-Đi đâu ạ?

-Về bót, mau!

Mỗi ngày sở cảnh sát Xtămbun nhận được hàng trăm bức điện từ khắp các quận cảnh sát gửi về, nội dung đại khái như sau:

"Phúc đáp bức điện số... ngày...

Quận chúng tôi đã bắt giữ được 14 tên Hămđi, cả 14 tên đều mặc quần áo nâu kẻ sọc, 8 tên có răng nanh bịt vàng. Vậy yêu cầu Sở cho biết con số đó đã đủ chưa, hay còn phải tiếp tục tìm thêm?" hoặc như sau:

"Phúc đáp bức điện số... ngày...

Hiện nay tại quận chúng tôi có giam 2 tá "Voi Hămđi" cân nặng từ 180 đến 220 kilô. Sở dĩ có sự chênh lệch về trọng lượng nưh vậy, có thể là vì cân không được chính xác. Tất cả bọn này mắt đều màu hặt dẻ. Không còn nghi ngờ gì nữa, chúng đều là "Voi Hămđi" cả. Những tên bị bắt đã được giải đi. Quận chúng tôi đang tiếp tục truy nã thêm. Nếu tìm được, chúng tôi xin giải tiếp về Sở sau. Nay kính cáo."

Điện của Sở cảnh sát Xtămbun gửi các quận cảnh sát:

"Hiện nay, tất cả các nhà giam đều đã chật ních. Số "Voi Hămđi" bị bắt coi như đã đủ.

Sở xin gửi lời cảm tạ tất cả các quận và yêu cầu ngừng việc truy lùng và bắt bớ các tên "Voi Hămđi" cho đến khi có lệnh mới."

Bị chú: Tên "Voi Hămđi thật" ngay hôm tẩu thoát đã bị bắt.
Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7113
Registration date : 01/04/2011

Những người thích đùa - Aziz Nesin - Page 4 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Những người thích đùa - Aziz Nesin   Những người thích đùa - Aziz Nesin - Page 4 I_icon13Sat 24 Jun 2023, 09:21

Chát Xình Chát Chát Bùm


Tôi đã hiểu được thấu đáo điều này: con người cần phải làm mọi việc cho đúng lúc, phù hợp với lứa tuổi của mình. Nếu không sẽ thành trò cười cho thiên hạ. Người ta nói vậy mà đúng: ai đến 54 tuổi đầu còn chơi bời phá phách thì kẻ ấy sẽ không còn được yên ổn ở trên cõi đời này. Nếu anh ta nhất định muốn chơi bời thì hãy chơi bời vào cái tuổi 20, không thì 30 đi. Chứ tôi đây - cầu trời phù hộ cho bạn khỏi phải thấy cảnh ấy - lại chơi bời vào lúc 58 tuổi đầu. Và nếu như ngày hôm nay tôi đang phải ngồi trong nhà thương điên thì ngoài bản thân mình ra, tôi không còn biết buộc tội cho ai được nữa. Tôi đã bị trừng phạt thích đáng về tội chơi bời không đúng thời đúng tuổi.

Cầu xin đấng Ala giữ gìn cho bầy con của Ngài khỏi lầm đường lạc lối! Tôi có thằng con trai học năm cuối cùng ở trường Đại học Bách khoa và một đứa con gái, cháu nó lại xinh đẹp nên chúng tôi phải vất vả lắm mới buộc nó học hết được bậc trung học, nó đi lấy chồng rồi. Tôi đã có hai đứa cháu ngoại...

...Thôi, để tôi kể cho các bạn nghe từ đầu - tôi đã phát rồ và phải vào nhà thương điên như thế nào. Bạn thấy đấy, tôi có nói nhảm đâu, tôi đang nghị luận một cách bình thường đấy chứ. Tôi có thể đặt câu không kém gì Exat Mamut. Tôi nói còn chí lý và logic hơn cả nhiều nghị sĩ nữa kia. Nhưng dù sao thì tôi cũng đang ở trong nhà thương điên. Nguyên nhân mọi chuyện chỉ là tại chát xình chát chát bùm...

Vâng! Kẻ tôi tớ trung thành của các bạn đây vốn là luật sư. Bạn còn nhớ xưa kia ta từng có một trường luật đấy chứ? Tôi tốt nghiệp chính cái trường ấy đấy. Mà còn được xếp vào loại "ưu" nữa kia, giờ thì gọi là "giỏi" ấy mà! Quả tình tôi là một luật sự, song không ở trong số những kẻ đi cãi cho bọn "chó sói" khét tiếng mổ thịt cả mẹ, cả chị, cả vợ, cả con gái và hàng chục mạng người thân thích khác. Những chuyện ly dị, cãi cọ trong gia đình và mọi thủ đoạn buôn bán rắc rốit ôi cũng chẳng nhận cãi làm gì. Đã mấy năm nay rồi, tôi chỉ là luật sư ăn lương nhà nước tại một sở nọ, nghĩa là làm cố vấn tư pháp.

Tất cả bạn đồng học của tôi đều đã trở thành những ông hoàng. Lần nào đến văn phòng của họ tôi cũng không giấu nổi vẻ ngạc nhiên. Không, lạy giời, tôi không ghen tị với ai cả, nhưng mỗi khi trông thấy các cô đánh máy trẻ măng của họ, tôi không tài nào nhịn liếm môi được. Như tôi đã nói đấy, tôi đã bỏ lỡ mất thời cơ, không làm đúng lúc cái công việc đáng lẽ phải làm và bây giờ thì đứng nhìn người khác mà...

Cuối cùng, tôi không chịu được nữa. Tôi bèn gửi đăng báo: "Văn phòng luật sư cần mướn một nữ thư ký trả lương hậu." Tôi có nghe nói trên thế giới này đàn bà nhiều hơn đàn ông, nhưng nhiều hơn bao nhiêu thì tôi chịu không hình dung nổi. Ai đến xin làm nữ thư ký cũng ngắm nghía tôi như người đi tậu nhà vậy. Họ đưa ra hàng tràng câu hỏi, tựa hồ không phải tôi muốn mướn họ, mà họ định mướn tôi ấy. Và sau mỗi cuộc lục vấn như vậy họ bỏ đi, buông thõng một câu:

-Để tôi nghĩ xem và trả lời sau.

Tôi không nhớ là trong đời tôi đã có bao giờ phải tốn nhiều nước bọt đến thế hay không. Đồng thời tôi cũng thấy khiếp sợ... Ngày thứ ba sau khi đăng báo, có một cô đến văn phòng tôi. Không phải một cô gái thường đâu mà là một hồ ly tinh hiện hình thì đúng hơn! Bạn đừng nóng ruột, tôi sẽ tả kỹ cô nàng và bạn sẽ phải tin tôi thôi. Trên vai, cô ta đeo một cái sắc như loại các sĩ quan vẫn mang khi diễn tập, chỉ khác cái là to gấp đôi. Chiếc váy cô ta mặc là thứ váy mà ta không thể nào hiểu nổi đâu là trên, đâu là dưới nữa. Và dưới chiếc váy "giật gân" ấy là hai bắp chân nõn nà tựa hồ hai quả ô liu khêu gợi: "Hãy ăn tươi nuốt sống chúng tôi đi!" Đôi chân để trần đi giày cao gót, mớ tóc lộng lẫy chấm đến vai...

"Ôi, trời đất, nhân danh Đấng Sáng Thế, xin hãy cho tôi có đủ sức!" - tôi thoáng nghĩ thầm. Và khi cô ta đung đưa cặp đùi tiến lại bàn tôi thì suýt nữa tôi đã ngã gục xuống để trở thành một vật hy sinh của tình ái.

-Ông cần nữ thư ký? - cô ta hỏi.

Tôi không còn đủ hơi sức để trả lờ, tôi cũng không nói ra nổi được lấy một tiếng nào cả. Tôi chỉ nhớ là ngực tôi phập phồng như bễ lò rèn. Cô nàng ngồi xuống trước mặt tôi.

-Em tên là Bixen ạ - cô ta bắt đầu - 21 tuổi, cao 1 thước 62, nặng 57 cân. Nỗi ham thích duy nhất của em là khiêu vũ. Em rất mê nhảy. Mục đích đời em là trở thành tài tử điện ảnh. Trong các loại hoa, em thích nhất hoa mộc lan, nước hoa thì loại "ôrigan". Mối tình cuối cùng của em là 1 thuỷ thủ Mỹ.

Vừa kể cho tôi nghe đoạn tiểu sử ngắn ngủi ấy, cô ta vừa ra sức nhai kẹo cao su. Thấy tôi cứ lặng thinh, cô ta hỏi:

-Thế nào, có được không ạ?

Tôi hé mắt nhìn: chiếc váy mặt hế hênh quá! Lấy hết nghị lực, tôi cố sức thốt lên:

-Đư... ư... ợc lă... ắ... m!

-Em xin 300 đồng một tháng ạ.

Từng ấy thì gần bằng tất cả số lương luật gia của tôi rồi còn gì, nhưng không sao. Đối với cô nàng thế này thì cũng không tiếc.

Thế là chúng ta đã làm quen với Chát xình chát chát bùm rồi đấy. Cô ta chính tên là Bixen, nhưng tôi gọi cô là Chát xình chát chát bùm. Vì sao? Vì ngay hôm đầu, ngay từ cái giờ phút đầu tiên ấy, cô ta đã luôn miệng nhắc đi nhắc lại:

Chát xình chát chát bùm!... Chát xình chát chát bùm!

Đồng thời cứ giật giật người lên một cách lạ lùng và khẽ nhún nhẩy...

Công việc tôi đang làm đương nhiên là bị xếp xó rồi. Chúng tôi cùng ăn bữa trưa và bữa chiều với nhau. Đến thứ 6 cô ta hỏi:

-Chủ nhật này ta đi đâu ạ?

-Em thích đi đâu thì chúng ta đi đấy - tôi đáp.

-Ta ra ngoại thành chơi nhé.

Thế là chúng tôi đi ra ngoại ô thành phố, đến các hòn đảo, các khu vườn. Mọi sự đều hay: nhưng những cuộc đi ấy chẳng mang lại được cái gì béo bở cho tôi cả. Tôi sợ đụng phải cô ta. Giá cô ta vô tình bỗng chạm phải tôi thì tôi giật thót người lên như bị điện giật vậy.

Ngoài ra, lần nào cô ta cũng kiếm một chàng trai trẻ nào đó và họ bắt đầu ưỡn ẹo chát xình chát chát bùm, chát xình chát chát bùm. Họ nhảy đến hàng giờ đồng hồ! Làm như thể tôi may sắm cho cô ta, cho ăn cho uống, dẫn đi chơi lại kèm thêm việc bỏ vào túi cho cô ta 300 đồng, để cô ta vui chơi với kẻ khác... Có lần 1 thằng mất dạy nào đó trông thấy hai chúng tôi trong hiệu ăn đã hỏi:

-Đấy là con gái ông? ối chà chà, tuyệt quá!

Tôi bèn cạo râu mỗi ngày hai lượt. Sơmi hồ hột, quần là thẳng nếp, mỗi ngày một bộ comlê mới, bông hoa gài ngực áo... Vợ tôi thường hỏi:

-Mình làm sao thế?

-Làm thế nào được, thời buổi bây giờ phải thế - tôi đáp quanh co.

Tôi điên ngươi vì cô nàng của tôi lại cứ nhún nhảy với bất kể một tên đê tiện nào. Cuối cùng, tôi nói thẳng cho cô ta biết là tôi ghen. Giá bạn được thấy cô ta biến sắc đi như thế nào! Nàng tiến lại gần, ngồi vào lòng tôi, đỡ lấy cằm tôi mà nói:

-Ông già ơi, ông chẳng biết quái gì cả. Giá như ông biết nhảy có phải hay bao nhiêu không!

Đó là cử chỉ âu yếm nhất mà tôi được cô ta ban cho trong đời. Một ý nghĩ vụt nẩy ra trong óc tôi: tôi sẽ học nhảy giấu cô ta, tôi sẽ cho cô ta một mẻ ngạc nhiên! Bây giờ thì hắn không còn ai lôi được cô ta ra khỏi cánh tay tôi nữa. Nhưng đã ngần này tuổi đầu mà còn đến trường học nhảy thì làm sao coi được? Tôi bèn kín đáo học lỏm cách giơ chân múa tay của những kẻ bỏ mặc tôi. So sánh với những điệu nhảy thời nay thì những điệu nhảy khi xưa của chúng tôi chẳng qua như ngỗng bước...

Về đến nhà tôi vào ngay trong buồng khoá cửa lại và bắt đầu nhảy, chân dậm miệng nhịp chát xình chát chát bùm, chát xình chát chát bùm...

Bị kích thích đến quá độ, tôi dậm chân mỗi lúc một mạnh.

Những người ở tầng dưới lúc đầu tưởng là tôi gõ để báo cho họ khỏi làm ồn nên mọi người lập tức yên lặng ngay. Nhưng sau đó tiếng dậm chân và những tiếng động lạ tai cứ tăng lên mãi nên họ bèn lên gác chỗ tôi xem sự thể ra sao. Nghe thấy ồn ào, vợ tôi, con trai, con gái, con rể, các cháu tôi chạy cả lên và nhòm qua lỗ khoá:

-Trời ơi, ông cụ phát điên rồi - mọi người lo lắng nói.

Vợ tôi bèn bảo:

-ít lây nay tao thấy cung cách ông ấy có cái gì đáng ngờ lắm. Tao đã để ý thấy có cái gì khang khác...

Tôi vẫn tiếp tục công việc của mình chát xình chát chát bùm, chát xình chát chát bùm... Vợ con tôi oà lên nức nở.

-Tao chẳng vào đâu, tao sợ lắm! - vợ tôi nói.

-Con cũng chịu thôi! - con gái tôi kêu lên.

-Phải báo cho sở cảnh sát - chàng rể tôi bỗng nghĩ ra.

Khi 3 người cảnh sát xông vào buồng tôi, tôi vẫn mặc độc một chiếc quần lót, tay ôm chiếc gối đứng dậm chân trước gương, miệng thì hát: "chát xình chát chát bùm!... chát xình chát chát bùm!..." Một người cảnh sát ôm ngang lấy tôi, vật xuống đất trói lại, quẳng vào ô tô và chở vào nhà thương điên.

Thoạt đầu tôi còn định nói: "Các người ơi, tôi có điên đâu, tôi học nhảy đấy mà!" Nhưng sau tôi nghĩ nếu thế lại càng nguy. Người ta lại bảo: xem đồ ngốc kia, hơn 60 tuổi đầu mà còn phải nhục nhã vì một con bé con. Tốt hơn hết là tôi đừng có nói ra. Cứ mặc cho họ tưởng rằng tôi điên thật thì cùng lắm người ta cũng còn thương hại tôi. Sau khi đã quyết định nưh vậy, tôi lại tiếp tục giả vờ điên. Ngay cả ở sở cảnh sát và trước mắt các bác sĩ tôi vẫn nhảy cẫng chân lên mà hát: "Chát xình chát chát bùm! Chát xình chát chát bùm!" Các bác sĩ đương nhiên là nghĩ ngay ra được một cái tên Pháp lẫn Latinh nào đó để đặt cho căn bệnh của tôi.

Thế là đã một năm nay tôi nằm tại nhà thương để chữa bệnh thần kinh. Dần dà tôi ít ngâm nga câu "Chát xình chát chát bùm!" hơn trước. Sắp tới đây tôi sẽ làm ra vẻ như trí khôn đã trở lại và họ sẽ cho tôi xuất viện. Quả tình trí khôn đã trở lại với tôi thật, nhưng quá ư là muộn...

Chát xình chát chát bùm! Chát xình chát chát bùm!
Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7113
Registration date : 01/04/2011

Những người thích đùa - Aziz Nesin - Page 4 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Những người thích đùa - Aziz Nesin   Những người thích đùa - Aziz Nesin - Page 4 I_icon13Tue 27 Jun 2023, 08:59

Xếp Hàng


Tôi vòng từ cửa hiệu "Hàng nội hoá" ở phố Bacchêcana sang nhà Bưu điện mới và thấy một dòng người xếp hàng dài lũ lượt. Hàng người như một cái đuôi! Mà không phải chỉ là một cái đuôi thường, đây là một cái đuôi có xoắn có nút hẳn hoi, như là một cái đuôi ngựa thồ.

Ngã tư bị nghẽn tắc. Bọn tài xế thò tay ra cửa sổ, đập thình thình vào thành xe, càu nhàu:

-Đúng lúc này thì cấm còi! Các cậu cứ phóng qua cái đám này xem sao nào!

Còi nào cho lại được, có bắn cao xạ cũng chẳng ăn thua. Đoàn xe dùng chắn sốc gạt người để mở đường tiến lên với tốc độ mỗi mét 5 phút, có khi còn ít hơn.

-Chen đi đâu thế!

-Nhìn đằng trước kia!

-Nhìn đằng sau xem!

-Đứng vào hàng đi!

-Hàng nào?

-Hàng nào chẳng được, cần gì!

-Bạn ơi những người này không sao bảo cho biết phép văn minh được. Chúng ta đang ở thế kỷ 20. Mà thế nào là thế kỷ 20? Là văn minh. Thế nào là văn minh? Văn minh thứ nhất là bom nguyên tử, thứ 2 là xếp hàng. Muốn sao thì sao bạn cũng phải nắm được hai thứ này. Cẩn thận! Khéo bước hụt đấy!

-Không, ông bạn ơi, chưa đủ đâu. Văn minh còn là cả nylông, chất dẻo, kẹo cao su. Ngoài ra, xin báo cáo với ngài là cả quần áo tắm nữa... Cẩn thận, mù à? Dẫm ngay vào chỗ chân rộp của người ta!...

-Còn lưỡi dao cạo an toàn "Gilét" thì sao? Các ngài quên à? Đã nói đến văn minh là phải đến "Gilét".

-Thế còn "hu-la-húp?" Này, đừng có chen, đồ khỉ!

-Tôi biết rõ một điều: chừng nào chúng ta còn chưa biết cách xếp hàng thì còn chưa ra người gì cả. Ối! Lách đi đâu thế này?...

Đằng sau có người quát:

-Dẹp ra một tí! Bẩn đừng có trách!

Một người qua đường bảo bạn cùng đi:

-Đã có hàng thì phải xếp mới được.

Nghe lời khuyên thông tuệ đó, tôi cũng đứng vào. Thật ra là thế này: Chỉ cần anh dừng lại một cái là đằng sau có một hàng nối ngay lập tức.

-Lạy Trời phù hộ cho cái người nghĩ ra xếp hàng!

-Đừng quên tắc-xi đấy nhé! Xếp hàng là 1, tắc-xi là 2.

Bà lão đứng trước tôi hỏi:

-Xếp hàng để mua gì thế này?

-Mua gì chẳng được? Đã có hàng thì cứ xếp.

-Chắc chắn người ta sẽ bán cho một thứ gì đấy.

Mấy phút sau chính cái người nói câu đó lại hỏi người bên cạnh:

-Cậu biết xếp hàng mua gì không?

Rồi anh ta lại phải trả lời đúng câu hỏi của một người khác:

-Mua gì chẳng được.

Một người nói:

-Không có hàng thì làm sao dẹp nạn đầu cơ.

Một người khác hùa theo:

-Cái bọn đầu cơ làm cho chúng ta khách kiệt! Ai nghĩ ra cái lối xếp hàng này hay thật...

Hai anh cảnh sát, một đứng cuối, một đứng đầu hàng luôn miệng hô:

-Đừng ồn!

-Đứng vào hàng!

-Dẹp ra vào xe đi!

Chúng tôi nối bước nhau tiến lên, đúng hơn là nối nhau từng tấc đất mà tiến. 9h sáng tôi có hẹn gặp một người. Bây giờ đã gần 9h.

-Này ông bạn, ông đến sau tôi. Đừng có làm trò cù lần như thế!

-Có nhà ông cù lần thì có, ông bạn chí tên ạ. Tôi đứng đây từ bảy giờ sáng. Người này đến cũng chen lên trước, người kia đến cũng chen lên trước, tôi đã không thèm nói, nhưng xem ra không nói không được.

Một người đứng trong hàng nói:

-Cuộc đời là thế, bạn ơi, không làm gì được đâu. Như tôi đây ăn lương nhà nước đã 22 năm. Những bọn nhãi ranh hôm qua, nay đã là trưởng phòng, giám đốc cả. Ai cũng thế, cứ đến là chen lên trước...

-Xin lỗi ông, sắp bán gì thế?

-Chào! Chính tôi cũng chẳng biết nữa. Đứng 2 tiếng rồi, người bảo bán lốp ô tô, người lại bảo bán dầu hoả.

-Tôi mua lốp làm gì?

-Cái nhà cô này, thế mà cũng đòi nói! Nếu thánh Ala đã cho ta lốp thì ắt mai đây sẽ cho ta cả chiếc ô tô.

-Liệu có bán cả 4 chiếc lốp một lúc không đấy?

-Cái đó thì không biết. Chưa ai ra khỏi hàng, có ai mà hỏi.

-Thế họ chuồn đi đằng nào cả?

-Người ta cho ra cửa sau để khỏi chen lấn.

Đến 10h30. Dòng người mỗi lúc một dài.

-Nếu bán lốp thì phải có giấy cơ đấy. Không giấy không bán cho đâu.

-Giấy nữa? Giấy của Đảng dân chủ à? Sáng danh Chúa chúng ta đều là người dân chủ cả đấy!

-Bán đầu thì thèm vào đứng.

-Bán gì chẳng được, miễn là có.

-Dầu đựng vào túi à? Ác thật, nhà có can mà không mang đi kia chứ.

-Lấy tích-kê đã, rồi chạy về lấy can vẫn kịp.

-Lại còn tích-kê nữa cơ à?

-Cậu ở đâu ra mà nghe thế? Chẳng nhẽ người ta biếu không cho cậu hẳn! Đừng có hòng!... Này, còn phải nói thế nào nữa, đừng xô anh em thế!...

-Xin lỗi anh, đằng sau họ đẩy đấy.

-Ông hiểu cho, tôi còn có việc cần...

-Việc cần!... Xem ông ấy kìa! Theo ông, những người khác đều ăn không ngồi rồi cả hay sao? Ai chả có việc. Ông cứ chờ đấy, chẳng sao cả đâu.

-Tôi xin hỏi, không biết đến trưa có mua được không nhỉ?

-Tôi nghĩ rằng... Chen đi đâu thế này? Anh muốn ngồi lên vai tôi à?

-Không kính lão tí nào. Giáo với chả dục!

-Hẳn là ông ngoài 40?

-Sao anh lại nghĩ thế?

-Bởi vì khi người ta ngoài 40 xuân, người ta thường cho rằng trên đời không còn ai lịch sự và tử tế cả...

-Ông có biết bán gì không?

-Inxulin.

-Inxulin? Nó là cái gì thế?

-Thuốc chữa bệnh đái đường.

-Vậy tôi dùng làm gì? Của nợ!

-Người anh em gằn quá đấy! Thế nào là của nợ? Cứ mua đi rồi sau bán lại. Ông Giunưu hàng xóm nhà tôi chỉ có thế mà giàu to đấy. Mua ở đây có 2 đồng rưỡi mà bán được những 25 đồng.

-Các ông biết không, thế hoá ra nước nhà có những lĩnh vực hoạt động mới.

-Thế ông nghĩ sao? Này, xếp hàng không phải là chuyện đùa đâu. Người ta đi xếp hàng mà xây được nhà đấy... Bỏ cái cùi tay ra khỏi đầu tôi đi!

-Tốt nhất là ông cất cái đầu ra khỏi cùi tay tôi thì có.

-Xin lỗi, ông làm ơn cho biết người ta bán gì vậy?

-Vải thô.

-Vải thô gì?

-Gì nữa? Mỹ chứ còn gì. Bây giờ cái gì cũng Mỹ cả.

-Không phải vải thô đâu. Không biết cũng đòi nói. Xi măng!

Bà già đứng trước tôi nổi giận:

-Không phải vải thô, không phải muối, cũng không phải dầu hoả. Các người không nghe đài hả?

-Nghe chứ. Nhưng sao?

-Ngài thị trưởng cấm mọi thứ xếp hàng, trứ xếp hàng mua cà phê thì được. Bây giờ không còn xếp hàng gì khác ngoài cà phê nữa.

Cái tin cà phê truyền như điện trong đám xếp hàng.

-Cà phê à? Hay quá nhỉ!

-Cà phê thì tôi xếp hàng 2 ngày cũng được. Có phải là mua được rồi mới chịu đi.

-Lệnh thế này: chỉ được phép xếp hàng mua cà phê thôi. Xếp hàng mua cái khác là bị trừng phạt!

11h trưa... Chỉ còn độ mươi bước nữa là đến quầy hàng. Các rèm cửa sổ đều buông kín nên không biết bên trong làm gì.

-Người ta có bán nhiều không?

-Mỗi người 50g.

-Đừng hòng. Mỗi người 50g thì làm sao đủ cho mọi người được.

-Được có 50g thì riêng tôi, tôi chẳng thể đứng lâu như thế này được.

-Thì cốt sao được 50g đi. Rồi sau mình cho thêm 2 cân đậu vào, trộn đều lên, thế là có 2 cân rưỡi cà phê hảo hạng rồi.

Một người bảo bạn:

-Này, mình quên không mang tiền, cậu đưa mình 2 đồng rưỡi đi.

Người kia đáp:

-Được thôi, nhưng không phải cho vay: cậu đưa cho mình nửa suất cà phê của cậu.

Người la, người kêu cứu, người bị chen bẹp, người đánh rơi ví, người bị lạc bạn... Tóm lại, đủ mọi cách trên đời!... Người ta xô đẩy mọi phía, chèn ép mọi phía... Cuối cùng, tôi cúi đầu xuống chui vào dưới tấm rèm sắt hé mở.

Người bán hàng hỏi bà già trước tôi:

-Cụ mua số mấy?

-Lại còn số nữa?

-Không số sao được? Cụ ơi, mau lên, hết giờ rồi. Nói đi cụ!

-Đã xay rồi à? Cháu ơi, bảo họ xay cho già mịn vào nhé. Mịn nhất ấy...

-Mịn hay không thì cũng thế thôi, cụ ạ. Chỉ còn đằng có tuyết thôi.

-Cha mẹ ơi, già này sống đến bạc đầu mà chưa bao giờ thấy cà phê có tuyết cả.

-Cà phê gì nữa? Cháu hỏi cụ mang số mấy cơ mà?

-Số 35. Cho già loại có nơ ấy...

-Cụ lại nói chuyện gì vậy?

-Thế không phải cháu hỏi số giày à?

-Cháu bán mũ, cụ ơi, mũ ấy mà...

Người bán hàng lấy mũ trong hộp ra.

-Cha mẹ ơi, già mua mũ làm gì? - bà già nói - mà lại là mũ đàn ông nữa chứ... à, mà thôi, đã xếp hàng chắc là rẻ hơn. Thôi, cứ cho già một chiếc, già mua cho thằng con trai. Bao nhiêu ấy nhỉ?

-68 đồng 7 hào 3.

Bà cụ trả tiền và lấy một cái mũ màu cà phê.

Bây giờ đến lượt tôi. Người bán hàng nói:

-Mũ Ý đấy thưa ông, ngày mai ông không mua nổi nữa đâu. Bây giờ mua cái gì cũng thế, không phải là dễ. Ông chọn mau lên...

Đông cũng như hè, có bao giờ tôi đội mũ đâu. Nhưng, nghĩ một tí, tôi quyết định rằng nếu đã xếp hàng thế này hẳn là phải rẻ, tôi liền mua một cái.

Người đứng sau tôi kêu ầm lên vẻ nóng ruột, tựa hồ người ta sắp bán hết mất mũ, không còn đến lượt anh ta nữa:

-Cho tôi 4 chiếc đấy nhé. 1 chiếc số 56 và 3 chiếc số 57. Màu nâu hoặc màu be.

Tôi trả 68 đồng 7 hào 3 xu và lấy một cái. Lối ra đầu kia. Phải trèo lên một cái cầu thang rồi đi cửa sau phố khác. Lúc ấy là 12h kém 15. Mua được cái mũ rẻ tôi mừng quá quên cả mệt. Tôi ôm hộp mũ đi cho đến chiều tối. Lúc 5h chiều, tôi ra bến ca nô về nhà. Đến quầy về tôi thấy có người gọi tôi:

-Giepđét!

Tôi quay lại thì ra anh Buckhan - gương lé, bạn học cũ với tôi. Anh ta bị đuổi khỏi trường lixê vì hạnh kiểm xấu. Tôi sẽ kể hành tung của anh ta cho các bạn nghe. Dưới chân bàn anh ta đặt một cái gương con để ngắm đùi các cô giáo. Một bữa anh ta bị phát hiện và bị đuổi học. Từ đấy anh ta mang cái biệt hiệu "gương lé". Lâu lắm rồi tôi không gặp anh ấy.

-A, Buckhan, xin chào! Thế nào, khoẻ chứ?

-Cám ơn, cũng khá.

-Bây giờ cậu làm gì?

-Phò phạch.

-Phò phạch gì?

-Có gì làm nấy. Mình phò bọn con buôn đi bán hàng ế. Chẳng hạn, hôm nay mình giúp một thằng Do Thái bán chạy 970 cái mũ.

Nghe đến chữ "mũ" tôi đã giật mình, bèn hỏi:

-Cậu bán thế nào?

-Dễ thôi. Hàng của người ta 3 năm xếp xó. Trong làng buôn ai cũng biết mình cả. Hắn ta đến chỗ mình. Đôi bên thoả thuận 25% lãi suất. Đến 3h chiều mình bán hết trơn. Cầu trời phù hộ cho hắn, hắn phải trả mình 850 đồng. Đáng lẽ mình được 900 đồng, nhưng cửa kính quầy hắn bị vỡ, thiệt hại chia đôi.

-Nhưng cậu làm sao bán được đống hàng ấy?

-Chỉ cần vài 3 đồng là mình thuê được chừng 15 thằng ma cà bông. Trong nửa giờ bọn ấy tổ chức được một dây xếp hàng trước cửa hiệu. Cũng chả đến nửa giờ đâu. Ai đi qua thấy xếp hàng cũng đứng lại. Cậu biết không, ở nước ta bây giờ người ta đâm mê xếp hàng. Mà khi đã xếp hàng rồi thì đuổi họ cũng không được... Sau đó thì cậu biết đấy... Như chiều nay chẳng hạn: chúng nó bán được hết mũ và đóng gọn cửa hàng. Dân chúng mua như cướp ấy. Vất vả lắm mới kìm được. Bọn ngốc nhiều lắm, bạn ạ.

-Đúng đấy - tôi hiểu đồng tình.

-Cậu không thể hình dung có bao nhiêu thằng ngốc trên đời.

-Hình dung được chứ. Lại còn những thằng ngu đến mức...

-Thật là vô khối giống lừa.

-Nhiều thật, nhiều thật, bạn ạ.

-Giá cậu được nhìn mặt những thằng ngốc ấy...

-Nhìn làm quái gì? Mình biết thừa rồi. Nhưng loại mũ ấy có rẻ được chút nào không?

-Rẻ gì, thứ ấy cửa hàng nào chả có.

-Mình cũng muốn xem... Không, không phải phải xem lũ ngốc đâu, mình muốn xem mũ ấy...

-Còn 15 phút nữa ca nô mới đến. Đi với mình, mình sẽ chỉ cho cậu xem mũ ấy trong các cửa hàng.

Tôi nhìn những ô kính tủ hàng mà không dám tin mắt mình nữa: ở đâu cũng toàn thứ mũ tôi vừa mua sáng nay. Giá đồng loạt: 68 đồng 7 hào 3 xu.

-Như thế nghĩa là đáng lẽ được mua thoải mái trong bất cứ cửa hàng nào thì bọn ngốc kia nhất thiết phải chen lấn nhau xếp hàng, huých đạp lẫn nhau, xé quần xé áo của nhau rồi mới mua được vẫn thứ hàng đó với giá cả đó - tôi hỏi, giả bộ như không có chuyện gì xảy ra cả. Trên đời này nhiều thằng ngốc thật đấy.

-Ngốc khổ ngốc sở ấy chứ! Ngày mai mình sẽ đi bán điếu cho cửa hàng Grant. Lão còn ế đến hàng ngàn chiếc chứ không ít.

-Điếu cũng mua à?

-Bọn ngốc ấy cái gì chẳng mua. Bát điếu cũng mua mà thậm chí đến xe điếu cũng mua hết, miễn là xếp hàng. Mình chỉ sợ độc có một điều.

-Điều gì?

-Sợ không đủ hàng bán. Đám người ấy phá nhà chứ chẳng chơi.

Tôi với Buckhan - gương lé trở về chỗ ca nô. Đến nơi anh ta hỏi:

-Cậu cầm cái gì thế?

Tôi dấu hộp ra sau lưng để anh ta khỏi nhìn thấy cái nhãn.

-Mua một đôi dép về đi ấy mà - tôi trả lời qua quít.

Về nhà tôi đè mũ lên bàn.

Lúc làm việc thỉnh thoảng tôi ngẩng đầu lên nhìn. Một mặt nó gợi nhớ cái xuẩn ngốc của tôi, mặt khác, nó cũng là một nguồn an ủi thật hú vía? Suýt nữa ngày mai tôi đi mua một cây xe điếu thì sao? Biết dùng nó làm gì cho được?
Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7113
Registration date : 01/04/2011

Những người thích đùa - Aziz Nesin - Page 4 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Những người thích đùa - Aziz Nesin   Những người thích đùa - Aziz Nesin - Page 4 I_icon13Wed 28 Jun 2023, 07:38

Thôi Thì Ở Lại


Lần cuối cùng anh ngồi tù thật là cực. Ra tù anh lại bị đày về một hoang trấn, sự ấy làm anh bải hoải tinh thần. Mãn hạn đày, anh về thủ đô, cô đơn như một chiếc bóng. Vợ thì bỏ từ lúc còn ngồi tù. Ai ở địa vị anh mà chẳng não ruột: người thân không một ai, tiền lương không một hạt... Chẳng lẽ lại phải hoàn toàn dứt bỏ chính trị, đoạn tuyệt hẳn với tất cả những gì thương mến để mà sống mòn trong xó tối hay sao? Trước hết phải tìm được một chỗ nào trú chân cái đã. Tiền thuê nhà giữa thành phố thì túi anh chịu không nổi, mà ở ngoại ô cũng rất đắt... Anh đã mệt nhoài vì công nợ và phập phồng lo sợ. Bất kỳ lúc nào người mõ toà cũng có thể xuất hiện để tịch biên cái máy chữ cọc cạch và 3 cái đồ tầm tầm của anh. Anh cảm thấy hết sức ghê tởm mấy thằng hàng xóm, những đứa tò mò, những kẻ đầy sợ sệt và thù hận lúc nào cũng nhìn anh từ đầu đến chân như nhìn một vật tởm lợm chẳng có gì đáng thương hại. Vì thế anh chỉ ao ước tìm được một căn nhà nhỏ bé, rẻ tiền tít ngoài ngoại ô khuất xa những con mắt người đời.

Tìm kiếm mãi, cuối cùng anh cũng thoả nguyện: một túp nhà bằng một gian rưỡi trong một xóm nghèo lơ thơ 50 túp như thế trên một quả đồi cách thành phố cũng đến 1 tiếng rưỡi đường bộ. Tìm được chỗ ẩn dật, anh mừng lắm. Gia tài của anh chỉ có 2 cái vali tàng toàn là sách và mấy cái giẻ rách.

Khi anh che được cửa sổ bằng mấy tờ báo cũ anh mới cảm thấy đấy là nhà mình và mới thấy thật sự an toàn. Hạnh phúc thật! Bây giờ chỉ cần tìm được một việc vớ vẩn gì đó đủ sống là được.

Gần trước cửa nhà anh có một quầy hàng khô bán những thứ măng, miến... xế trái một chút, dưới một cái mái vẩy tạm, một ông hàng hoa quả bày ra đủ các thứ thúng mẹt. Thực phẩm anh mua của họ cũng đủ. Chẳng bao lâu sau, anh cũng đi lại với họ và đôi bên cũng thổ lộ đôi điều. Các nhà hàng bắt đầu than thở đời sống khó khăn, hàng họ cứ ế ẩm, mỗi ngày chỉ được dăm ba khách mua (như thế làm sao đủ sống!?!?), tiền thì không có nhiều nên chẳng làm thế nào dọn hàng đến một nơi đắt khách được.

Sau khi anh dọn về nhà mới mấy hôm, cạnh quầy hàng khô có thêm anh chàng bánh nếp, anh chàng này cứ vào tầm ăn trưa xong lại đến bán hàng cho đến tối mịt. Sau đó cạnh anh chàng bánh nếp lại có anh chàng ngô luộc đến ngồi ké. Trước mái lều anh chàng hoa quả lại có thêm một người lạ mặt đến bày những phễu thuỷ tinh bán ô mai, táo dầm. Rồi lần lần xuất hiện thêm một thằng đánh giầy, mấy bác bán rong mứt kẹo. Một ông thợ giầy cũng đến cắm một cái dù tã che nắng. Giữa quầy hàng khô với quầy hoa quả là một cái bạt dài của một hàng cà phê.

Thế là chẳng bao lâu trước mặt túp lều của anh như có chợ họp. Bọn bới rác có việc làm từ sáng đến tối, kẻ qua người lại đông hơn, phố xá thành ra tấp nập. Mấy cái nhà toen hoẻn trước kia bỏ trống, nay cũng đầy người đến thuê. Anh cảm thấy hạnh phúc khi cuộc sống bỗng tươi vui nhộn nhịp. Tuy vậy anh vẫn thất nghiệp. Mòn chân các nơi cũng không đạt kết quả gì. Biết bao lần tưởng chừng có việc làm đến nơi, nhưng cứ nghe cảnh sát nói đến thân thế anh thì ông chủ nào cũng lót tay lá chuối đưa anh ra cổng. Bạn bè anh cũng vậy, chẳng ai kiếm được đồng tiền nào thành thử chẳng biết vay đặt vào đâu. Để đỡ tiền nhà, anh liền quyết định về ở với một người bạn trong phố. Hai người đã thoả thuận với nhau. Tuy nhiên anh đã trót vay nợ ít nhiều của anh hàng khô, hàng hoa quả và mấy anh hàng khác. Bởi thế, trước khi dứt áo ra đi, anh phải tính toán với họ cái đã.

Một buổi tối khi anh đi dạm bán mấy thứ và nói chuyện sắp dọn đi chỗ mới, thì có tiếng gõ cửa. Ba người bước vào: anh hàng khô, anh hàng hoa quả và chủ tiệm cà phê... Anh bối rối mời khách vào trong căn phòng sơ sài của mình:

-Xin thất lỗi, tôi chẳng có gì để mời các bạn cả.

-Không hề gì - anh hàng khô mỉm cười - chúng tôi cũng đã mang theo mấy thứ, đây là cà phê, đây là đường kính. Rồi anh ta bày ngay mấy gói giấy lên bàn.

Anh kinh ngạc nhìn mấy cái gói. Thế là thế nào? Lúc họ vào, anh đồ rằng họ đến đòi nợ. Vậy họ mang quà đến làm gì?

-Bạn định dọn nhà đi, có thật không vậy? - anh chàng hoa quả hỏi.

-Đúng thế đấy, nhưng sao các bạn lại biết?

-Cái gì chúng tôi chả biết - chủ hiệu cà phê nói một câu đầy ý tứ.

-Các bạn đừng ngại, tôi không có ý trốn các bạn đâu. Các khoản tôi sẽ thanh toán đầy đủ...

-Bạn thân mến, những chuyện vặt như thế chúng mình nói với nhau làm gì, chả bõ thêm ngượng! Bạn tưởng chúng mình đến bắt nợ hay sao.

-Chuyện ấy chả có gì đáng nhắc đến cả, ông bạn quý của chúng tôi ạ - anh hàng khô nói - Và chẳng hiểu điều ấy có bõ bèn gì cho cam.

-Còn về khoản tiền nợ của tôi - anh chàng hoa quả nói - tôi xin biếu bạn làm quà. Tôi sẽ chẳng bao giờ nhắc đến, mà nếu bạn có đòi trả, tôi cũng không nhận...

-Sao các bạn lại thế?

-Chúng tôi thực quý trọng bạn...

-Bạn đã mang lại cho chúng tôi bao nhiêu điều lành...

-Cầu thánh Ala phù hộ cho các bạn, các bạn nói những gì vậy? - cổ anh nghẹn lại, mãi mới nói được một tiếng.

Thế nghĩa là họ cũng biết rằng anh đã làm việc cho dân... Mà anh thì lại sầu khổ, bi quan, lại định từ bỏ con đường chính trị. Những con người như thế này làm sao có thể bỏ được!

-Anh đừng đi đâu cả! Chúng tôi tha thiết mong mỏi như vậy! - chủ hàng cà phê nói liền một hơi.

-Phải đấy, chúng tôi đến đây để xin bạn đừng đi đâu cả! - anh hàng hoa quả dịu dàng nói thêm.

-Tôi đành làm thế vì tôi không trả nổi tiền nhà...

-Chúng tôi biết - anh hàng hoa quả nói - chúng tôi biết hết. Mấy anh em chúng tôi bán hàng ở đây đã quyết ý gom góp trả tiền nhà dùm bạn, chỉ xin bạn đừng đi đâu nữa...

Đôi mắt anh ngấn lệ và tâm hồn anh sau bao năm tranh đấu và khổ ải lần đầu tiên biết thế nào là sung sướng.

-Không, không, tôi đâu dám thế - anh từ chối - Tôi không có việc làm. ở đây khó sống lắm, tôi phải đến ở nhờ nhà bạn.

-Chúng tôi, anh em bán hàng ở đây - chủ hiệu cà phê lại nói - đã bao ngày nay chúng tôi chỉ toàn ngồi nghĩ cách giúp bạn thôi. Dù bạn có tiêu pha tốn bao nhiêu chúng tôi cũng gánh vác hết... Chỉ xin bạn đừng có đi đâu... Đừng bỏ chúng tôi... Chúng tôi van bạn!...

Gắng lắm anh mới kìm được tiếng nấc. Dù người ta có nói thế nào đi nữa, cũng phải nhận chân rằng đất nước đã có tiến bộ - ngay đến những người buôn bán cũng đã bừng tỉnh về chính trị! Nghĩa là anh đấu tranh như thế cũng chẳng uổng công. Cứ như mấy năm về trước thì những người này gặp anh đâu có thèm hỏi.

-Đa tạ các bạn - anh nói - cám ơn các bạn, các bạn đã làm tôi xúc động thực sự. Nhưng tôi không thể nào nhận phần giúp đỡ của các bạn được...

Khách lại bắt đầu van vỉ.

-Quả là chỗ ở này không xứng đáng với bạn - anh hàng khô nói - ở đây không thể sống được... Bạn biết không, gần đây có một cái nhà 2 tầng, tầng trên người ta cho thuê. Trên đó có phòng tắm, có... Chúng tôi sẽ thuê tầng đó cho bạn.

Chủ tiệm cà phê nói:

-Chúng tôi không muốn bạn rời khỏi khu này, chúng tôi chỉ muốn mãi mãi có bạn bên cạnh...

-Tôi không hiểu gì cả. Sao lại thế nhỉ?

-Có gì đâu mà, bạn thân mến của chúng tôi, nhờ có bạn cánh buôn bán chúng tôi ở đây mới mở mặt ra được...

-Trời ơi, các bạn nói gì vậy? Nào tôi có sắm sửa gì mấy đâu...?

-Ối dào, bạn mua bán thì đáng kể gì... Những người khác mua mới là điểm chính... Bạn đã mang hạnh phúc về cho chúng tôi... Hồi bạn chưa về đây, cửa hàng tôi chỉ lèo tèo ngày ba bốn ông khách, còn bây giờ thì xoay người cũng chả kịp. Khách khứa tấp nập cứ như thành phố...

-Vạn sự đều là ở nhờ bạn mà ra cả... - anh hàng khô đế thêm.

-Mong bạn nể tình chúng tôi - chủ tiệm cà phê nói - một khi bạn đi, mọi sự rồi sẽ đổ vỡ. Tôi đến phải đóng cửa tiệm chứ không chơi!

Rồi cả dám khách lại nhao nhao mời anh ở lại.

-Đội ơn các bạn, nhưng nào tôi có công cán gì cho cam? Tôi làm được gì mà các bạn cứ khăng khăng bảo đừng đi như vậy?

-Ôi chao, bạn đã làm một việc vĩ đại! - anh hàng hoa quả nói - Bạn vừa mới đến xó này là chúng nó xua cả một đàn cảnh sát đến dò. Bọn này núp dưới danh nghĩa bới rác, đánh giầy... Rồi sau đến bọn cảnh sát buôn bán. Bọn này kiểm tra hoạt động của bọn thứ nhất rồi bọn thứ ba lại đến dò la bọn thứ nhì... Cứ thế mà ở đây sầm uất hẳn lên.

-Đầu tiên chúng nó vặn vẹo bọn tôi xem bạn làm gì - anh hàng khô nói.

-Chúng la cà các quán mua bán vớ vẩn - anh hàng hoa quả bổ sung.

-Chính nhờ bạn mà hàng tôi mới chạy được thế. Chúng ngồi từ sáng chí tối, cà phê rót lia lịa...

-Thế hoá ra cả bọn chúng đều là cảnh sát? - anh xót xa hỏi.

-Có thằng là cảnh sát, có thằng không phải là cảnh sát... Chỉ cần đâu đó tụ tập mươi người là lập tức có đến 50 thằng xáp đến... Bây giờ mà bạn bỏ đi thì cuộc đời lại héo hắt như xưa. Bọn cảnh sát lại lần đi theo gót chân bạn...

-Chúng tôi sẽ chết mất - anh hàng khô nói.

-Bạn hãy thương lấy những người nghèo khổ chúng tôi - anh hàng hoa quả rầu rĩ.

-Bạn ở lại đi, cho tôi kiếm thêm đồng bạc - chủ tiệm cà phê van nài.

Anh đâm ra tư lự. Cho dù anh có đi đến đâu thì cảnh trạng rồi cũng ra vậy.

-Thôi - anh đáp - Tôi sẽ ở lại. Nhưng xin các bạn cất hết những của này đi - và anh trả người bán hàng khô cả 4 cái gói.

-Tin vui này có thể loan cho mọi người được không? - anh hàng hoa quả hỏi thêm lúc cáo biệt.

-Vâng. Tôi sẽ không đi đâu nữa...

-Xin đức Ala phù hộ cho bạn!
Về Đầu Trang Go down
Sponsored content




Những người thích đùa - Aziz Nesin - Page 4 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Những người thích đùa - Aziz Nesin   Những người thích đùa - Aziz Nesin - Page 4 I_icon13

Về Đầu Trang Go down
 
Những người thích đùa - Aziz Nesin
Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Trang 4 trong tổng số 4 trangChuyển đến trang : Previous  1, 2, 3, 4

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
daovien.net :: VƯỜN VĂN :: Truyện Sưu tầm :: Truyện ngắn-