Trang ChínhTìm kiếmLatest imagesVietUniĐăng kýĐăng Nhập
Bài viết mới
Người Em Gái Da Vàng by Viễn Phương Today at 06:36

Thơ Nguyên Hữu 2022 by Nguyên Hữu Yesterday at 21:09

Mái Nhà Chung by mytutru Yesterday at 00:38

Những Đoá Từ Tâm by Việt Đường Wed 01 May 2024, 21:49

Cột đồng chưa xanh (2) by Ai Hoa Wed 01 May 2024, 10:25

Chết rồi! by Ai Hoa Wed 01 May 2024, 08:11

7 chữ by Tinh Hoa Tue 30 Apr 2024, 10:59

BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-1965 - LM CAO VĂN LUẬN by Trà Mi Mon 29 Apr 2024, 08:52

5 chữ by Tinh Hoa Sun 28 Apr 2024, 22:27

Hơn 3.000 bài thơ tình Phạm Bá Chiểu by phambachieu Sun 28 Apr 2024, 11:01

Thi tập "Chỉ là...Tình thơ" by Tú_Yên tv Thu 25 Apr 2024, 12:56

Trang thơ Tú_Yên (P2) by Tú_Yên tv Thu 25 Apr 2024, 12:51

Thơ Tú_Yên phổ nhạc by Tú_Yên tv Thu 25 Apr 2024, 12:46

LỀU THƠ NHẠC by Thiên Hùng Wed 24 Apr 2024, 11:55

Quán Tạp Kỹ - Đồng Bằng Nam Bộ by Thiên Hùng Wed 24 Apr 2024, 11:48

Trụ vững duyên thầy by Trà Mi Tue 23 Apr 2024, 07:34

THIỀN TUỆ (diệt trừ đau khổ) by mytutru Tue 23 Apr 2024, 00:07

Nhận dạng phụ nữ giàu có by Trà Mi Mon 22 Apr 2024, 08:36

Bức tranh gia đình by Trà Mi Mon 22 Apr 2024, 08:09

Mẹo kho thịt by Trà Mi Mon 22 Apr 2024, 07:29

SẦU LY BIỆT by Phương Nguyên Sun 21 Apr 2024, 23:01

Trang Họa thơ Phương Nguyên 2 by Phương Nguyên Sun 21 Apr 2024, 22:56

Trang viết cuối đời by buixuanphuong09 Sun 21 Apr 2024, 06:38

Mức thù lao không ai dám nghĩ đến by Trà Mi Wed 17 Apr 2024, 11:28

KHÔNG ĐỀ by Phương Nguyên Wed 17 Apr 2024, 11:00

Cách xem tướng mạo phụ nữ ngoại tình, không chung thủy by mytutru Tue 16 Apr 2024, 11:59

Ở NHÀ MỘT MÌNH by Phương Nguyên Tue 16 Apr 2024, 09:59

HÁ MIỆNG CHỜ SUNG by Phương Nguyên Sun 14 Apr 2024, 13:29

Trang thơ vui Phạm Bá Chiểu by phambachieu Fri 12 Apr 2024, 15:48

ĐÔI BÀN TAY NGHỆ NHÂN by mytutru Thu 11 Apr 2024, 17:43

Tự điển
* Tự Điển Hồ Ngọc Đức



* Tự Điển Hán Việt
Hán Việt
Thư viện nhạc phổ
Tân nhạc ♫
Nghe Nhạc
Cải lương, Hài kịch
Truyện Audio
Âm Dương Lịch
Ho Ngoc Duc's Lunar Calendar
Đăng Nhập
Tên truy cập:
Mật khẩu:
Đăng nhập tự động mỗi khi truy cập: 
:: Quên mật khẩu

Share | 
 

 Lan Hữu - Nhượng Tống

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Chuyển đến trang : Previous  1, 2, 3
Tác giảThông điệp
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7113
Registration date : 01/04/2011

Lan Hữu - Nhượng Tống - Page 3 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Lan Hữu - Nhượng Tống   Lan Hữu - Nhượng Tống - Page 3 I_icon13Tue 28 Sep 2021, 08:56

17


Tôi về ngẫm nghĩ lại cái kế "giả điều du học" của tôi. Tôi cứ áy náy mãi về chỗ Lan và bà mẹ biết là tôi nói dối. Tôi càng nghĩ càng chắc như thế. Nhưng rồi tôi không áy náy nữa. Tôi đâm khùng mà tự hỏi: Thì họ biết là nói dối nữa đã sao? Tôi lại tự đáp: Thì Lan bảo mày là đứa bạc, và bà mẹ bảo mày là đứa làm bộ! Vì họ biết mày nói thế, thì mày không còn đến nhà họ nữa! Tôi tắc lưỡi: Thôi thì họ cho mình là người thế nào cũng được! Miễn là mình dứt tình được với Lan! Tôi tự cười tôi là đứa ngốc đời: Nếu biết dù sao cũng không giấu kín được bộ mặt thật với Lan, thì thà quyết tuyệt ngay từ khi mới lại gặp! Bây giờ đã tốn thêm bao công trình, chịu thêm bao điều khó chịu, mà chung quy có được việc gì đâu! Tôi tự yên ủi tôi bằng câu của Khổng Khâu: "Ta có lỗi, lỗi ấy người ta tất biết!" Tôi tự thấy trong người nhẹ nhàng trong khi nghĩ đến rằng: Từ nay trở đi, tôi không còn phải đến nhà Lan.

Thế nhưng ngay ngày hôm sau tôi lại nảy ra cái ý định tuyệt tình cùng Hữu nữa!...

Bấy giờ là hồi mười hai giờ trưa. Tôi ngồi trên gác nhà trọ. Thẩn thơ nhìn những hạt mưa bay lặng lẽ tạt vào mặt cửa kính và sa vào các tàu lá xanh bóng của một cây sấu rủ cành vào trước cửa sổ. Trong phòng ấm áp. Tôi chợt thương đến mấy con chim nhỏ đậu xo ro trên một cành cây, hình ảnh đám dân đói rét, trong những ngày gió bấc, mưa dầm. Bỗng nghe có tiếng chân người bước vội dưới cầu thang. Tôi quay lại thì là người xe nhà Lan. Người ấy nói với tôi:

- Thưa cậu, mời cậu lại ngay, cô con mệt nặng lắm!

- Cô vẫn sốt thôi chứ gì?

- Bẩm hôm qua không biết hai bà, con có chuyện gì to tiếng với nhau. Nên hôm nay cô con lại thổ ra huyết. Mấy năm nay cô con cứ thế mãi. Hễ hơi có chuyện bực đến mình thì lại thổ ra huyết. Mà thuốc nào cũng không khỏi dứt.

- Thôi, thế đi!

Nói thế rồi tôi bước theo người xe xuống gác. Trong trí tôi thoáng cảm thấy nỗi khổ sở của một người con gái có óc mới ở giữa một nhà đầy những thành kiến cũ. Tôi thương Lan và tôi tự trách tôi từ trước vẫn cho những lời Lan phàn nàn về nỗi gia đình hắc ám là những câu sáo miệng. Tôi không sao cầm được nước mắt. Tôi hối hận về những việc ít lâu nay tôi đã làm thêm đau đớn cho trái tim đã sẵn vết thương và tấm thân đã sẵn một bệnh căn cay nghiệt của Lan. Hai bên phố xá, người đi lại thưa không. Dưới màn mưa bay, mấy người phu xe nặng nhọc kéo cái xe, lệt bệt chạy trên mặt đường mà bụi cát đọng lại thành bùn lầy. Bày ra trước mắt tôi, một quang cảnh thê lương và thảm đạm. Xe đỗ, tôi lật đật bước thẳng vào nhà khách. Không thấy bà mẹ, tôi ngảnh lại hỏi người xe:

- Bà đâu?

Người xe chưa đáp thì thằng nhỏ đứng đấy đã đáp hộ:

- Thưa, bà con đi mua họ1. Mời cậu vào, cô con ở trong này.

Tôi theo nó vào buồng nằm của Lan. Trong một cỗ màn nửa khép, trên tấm đệm vóc, Lan nằm quay mặt ra, mình mặc bộ quần, áo lót bằng lụa trắng, chiếc chăn gấm vắt ngang từ ngực xuống quá đầu gối. Thấy tôi vào, Lan vịn giường ngồi dậy. Mái tóc dài rũ rượi xuống hai vai. Tôi lại gần hỏi Lan:

- Người Lan bây giờ thế nào?

Lan nhìn tôi bằng cặp mắt mỏi mệt buồn rầu; môi mấp máy toan cất tiếng trả lời, bỗng nét mặt nhăn nhó, hai tay đỡ vội lấy ngực, nằm vật xuống giường, ngoái cổ ra ngoài màn mà thổ ra toàn những máu. Mớ tóc rũ xuống đất, dây vào cả đám máu tươi. Tôi luống cuống vội đỡ Lan. Một tay tôi vén mớ tóc lên giường, một tay tôi lật Lan nằm bằng mặt lại. Tôi cho rằng nằm bằng mặt lại thì máu sẽ không hộc ra nữa. Lan hai mắt nhắm nghiền, mí dưới lóng lánh mấy giọt nước mắt mới ứa. Hơi thở hổn hển. Tay rút chiếc mùi soa lau miệng. Tôi ngồi vào bên giường, một bàn tay đỡ vào ngực Lan, cất tiếng sảng sốt:

- Lan nằm yên! Nằm yên máu nó sẽ cầm lại.

Nói thế, rồi tôi quay ra bảo thằng nhỏ lấy nước cho Lan súc miệng. Tôi đỡ Lan dậy súc miệng, rồi tôi lại đặt Lan nằm như cũ mà hỏi:

- Trong người Lan bây giờ thế nào? Có dễ chịu không?

Lan mở mắt nhìn tôi, nước mắt tràn ra đẵm má, sẽ lắc đầu và sẽ nói:

- Trong ngực nó đau như xé!

Tôi thở dài nín lặng, nước mắt tôi sa xuống má Lan. Rút mùi soa, tôi lau má cho Lan, nhưng Lan giữ tay tôi lại. Một lúc yên lặng. Trong lúc ấy, Lan cùng tôi, chưa chắc đã ai đau đớn hơn ai. Sau cùng, Lan thở dài sẽ nói với tôi:

- Ngọc đi Pháp thật à? Bước tiền trình của Ngọc, lẽ nào Lan dám cản. Nhưng nếu có thể được thì hãy chờ Lan chết đã. Lan tự xét mình cũng không thể sống được bao nhiêu ngày nữa. Ngọc chờ đấy! Sống không theo Ngọc đi được, họa ra chết, hồn Lan có theo Ngọc đi được chăng!

Nói thế rồi, Lan quay vào mà nức nở. Tôi mê man, nắm chặt lấy tay Lan mà nói:

- Không! Lan cứ cố mà tĩnh dưỡng, Lan còn yếu, Ngọc không đi đâu hết!... Thôi, ngồi đây mãi không tiện mà cũng vô ích, Ngọc xin về lúc khác lại đến thăm Lan.

Lan không quay lại, lạnh lùng đáp:

- Ừ! Thôi Ngọc về.

Tôi bàng hoàng lui ra. Chợt nhìn xuống hai ống quần, mấy vết máu Lan thổ bắn phải hãy còn chưa ráo hẳn. Tôi rùng mình kinh hãi. Tôi thấy nếu phụ Lan tôi sẽ phạm vào tội giết người! Mà giết một người vô tội! Giết một người chỉ có cái tội là đã quá yêu tôi! Tôi quyết ý không bỏ Lan. Tôi quyết phụ Hữu. Tôi cho rằng tôi phụ Hữu, Hữu chỉ phải chịu một cơn đau đớn qua loa. Nhưng Lan là người yếu ớt hơn. Nếu tôi phụ Lan, Lan tất không khỏi chết. Trong hai tội, tôi chọn mà làm một tội nhẹ hơn...

Hôm sau tôi nhận được một bức thư dài tám trang giấy lớn của Lan. Nét chữ run run mà nhòe nhoẹt những vết lệ. Lan báo tin cho tôi biết bà mẹ muốn ép gả Lan cho một cậu Tú mới đỗ. Ngoài tin ấy, trong thư đầy những lời thương tâm và tuyệt vọng. Nào là: "Đưa mắt trông ra phương trời, Lan chỉ thấy nặng trịch những mây sầu, gió thảm!" Nào là: "Dưới gầm trời mưa gió riêng một mình Lan đau đớn!..." Nào là: "Ở trong cái gia đình hắc ám này, giây phút nào Lan cũng như ngồi giữa đám than hồng lửa đỏ! Gọi đất, đất không thưa! Kêu trời, trời chẳng thấu! Mình không chắp cánh cao bay được! Ruột những vò tơ gỡ chẳng ra!..." Mấy câu đó, tôi không rõ tự Lan viết ra hay chép lại ở đâu, nhưng tôi còn nhớ mãi, vì nó tuy là văn sáo, song trong khi tôi đọc, thì mỗi câu chẳng khác gì một nhát dao đâm vào trái tim tôi. Tôi đau đớn tưởng đến phát dại, phát điên! Tay tôi cầm thư đọc run lên lật đật, tôi cố giữ cũng không nổi. Đọc đi rồi lại đọc lại... Chợt trông lên thì thấy thằng nhỏ đưa thư đương nhìn tôi mà cười một cách tinh quái. Tôi khó chịu, hỏi xẵng:

- Anh cười gì tôi?

- Thưa cậu, trông thấy cậu bây giờ con lại nhớ đến cậu hôm qua, lúc ở trong buồng cô con. Tự nhiên con bật buồn cười, không sao nhịn được.

- Sao vậy?

- Bẩm, lúc ấy cậu còn mất sắc hơn bây giờ...

- Ừ! Thế sao?

- Thế là cậu cũng như bà con, mắc lừa cô con cả... Chắc cậu tưởng cô con thổ huyết thật...

- Phải! - Tôi ngạc nhiên đáp và hỏi - Thế lại không thật à?

- Bẩm cậu không, tiết lợn đấy ạ! Buổi, cô con mới sai con đi mua một xu!

Nghe đến câu ấy, tôi - như người ta nói - ngã ngửa người ra! Tự nhớ lại các điệu bộ luống cuống của mình hôm trước, bất giác cũng phải bật cười. Thằng nhỏ lại nói tiếp:

- Cô con mắc bệnh thổ huyết đã hai năm nay. Chỉ có lần đầu là thổ huyết thật, nhưng uống thuốc đã khỏi rồi. Còn các lần sau, toàn là tiết lợn cả! Hễ có việc gì bực mình với bà con, cô con lại ăn một miếng gừng thật to cho nóng để ho lên sù sụ! Rồi là sai con đi mua tiết lợn. Thế là bà con lại sợ xanh mắt lại như cậu hôm qua! Lại phải hết sức chiều chuộng. Cho nên cô con muốn sao được vậy. Bà con chỉ sợ cô con chết thôi! Cũng có thế, nên trong bụng bà con ghét cậu lắm - cũng có khi bà con nói ra miệng với chúng con - nhưng có mặt cậu, bà con phải làm ra vẻ yêu quý cậu, cho cô con bằng lòng. Cậu thử nghĩ mà coi: Dù yêu quý cậu đến đâu nữa, một nhà khác có con gái lớn trong nhà, ai để cho cậu đi lại tự do như thế?

Tôi cười nhạt hỏi:

- Thế nhưng những lần sau bà không lấy thuốc cho cô ấy uống hay sao?

- Có! Nhưng thuốc đun lên, cô con lại hắt đi và dặn chúng con không được nói cho bà con biết. Thôi, cậu viết thư trả lời cho cô con.

- Anh cứ về. Giờ tôi chưa viết đuợc. Mai tôi viết rồi bỏ nhà dây thép.

- Thế cậu cũng viết cho mấy chữ làm tin. Không có cô con lại tưởng con dối trá thì con chết! Cô con tính nóng lắm. Động một tí, là thanh củi tạ cô con phang luôn! Giá cô con lại không hay cho tiền thì con cũng không sao mà ở được!

Tôi xé một mảnh giấy viết cho nó mấy chữ. Khi nó ra rồi, tôi vừa cười một mình, vừa nghĩ lại câu chuyện vừa được nghe.

_____________________

[1] Tức là hàng họ.

Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7113
Registration date : 01/04/2011

Lan Hữu - Nhượng Tống - Page 3 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Lan Hữu - Nhượng Tống   Lan Hữu - Nhượng Tống - Page 3 I_icon13Thu 30 Sep 2021, 09:19

18


Mối căm thứ nhất của tôi sau khi nghĩ kỹ lại câu chuyện "thổ huyết lợn" là tức giận. Đó là mối cảm thường có cho những kẻ khi biết mình mắc lừa. Tôi tức giận Lan đã bày trò để dối tôi... Nhưng khi tôi tự xét chính mình cũng đã nhiều lần bày trò để dối Lan thì lòng công bằng bắt tôi phải có lòng dong thứ. Lúc đó tôi lại thương Lan, và tôi thương cả đến sự giả dối của Lan nữa... Vì đâu mà Lan phải giả dối? Chẳng qua vì yêu tôi. Yêu tôi, có tội gì? Vậy, đối với tôi, sự giả dối của Lan là vô tội. Cho đến đối với mẹ, sự giả dối của Lan cũng là vô tội nữa! Một nhà luân lý nào[sup1[/sup] chẳng cho nói dối là cách tự vệ chính đáng của kẻ yếu đó sao? Muốn bênh vực cho ý muốn tự do2 của mình, đối với sự bó buộc, sự áp chế của gia đình, Lan là kẻ yếu, có quyền dùng thứ lợi khí của kẻ yếu! Tuy vậy, những ý tưởng quảng đại ấy chẳng giữ được cho cái ý định của tôi hôm qua khỏi thay đổi. Hôm qua, tôi tưởng bệnh thế của Lan có thể đưa đến cho Lan cái chết, nên tôi định theo Lan mà bỏ Hữu. Nhưng hôm nay tôi đã biết bệnh Lan là bệnh giả, lòng ích kỷ lại viện đủ mọi cớ để xin tôi theo Hữu mà bỏ Lan. Nó lại còn kéo cả bạn thân của nó là gã Tự ái đến kêu nài với tôi rằng: "Ông ơi! Ông ơi! Hôm nọ ông đã chào bà mẹ cô ta để đi xa rồi! Nếu bây giờ ông còn đến nhà cô ta, còn viết thư cho cô ta, nhất là còn mở mồm hỏi bà mẹ xin lấy cô ta, thì... con chết! Ông làm như thế, bà ta có quyền khinh cái nhân cách của ông, có quyền coi ông là một thằng vô lại, một thằng hèn mạt đấy! Làm cho thiên hạ ghét, cái đó được! Nhưng làm cho người ta khinh thì nhục lắm, ông ạ! Cổ nhân dạy: Vua nhục thì tôi chết! Làm tôi ông, nếu ông nhục thì con không sống được đâu!" Tôi nghe lời cả hai gã. Vội vàng cầm bút viết thật nhanh một bức thư cho Lan như thế này:

"Tôi tự xét tôi về mọi phương diện, đều thấy không đủ làm một người chồng có thể mưu được hạnh phúc cho vợ. Tôi rất hối hận từ trước đến nay đã làm cho Lan phải bao phen khổ sở vì tôi. Tôi không muốn và không dám còn đem tấm thân tội lỗi này mà làm khổ sở Lan đến suốt đời. Vậy, xin Lan quên tôi, Lan quên được tôi, thế là Lan thương tôi, là Lan yêu tôi, là Lan không muốn làm thêm nặng tội cho tôi: đã đắc tội với Lan, còn đắc tội với bà, đắc tội với đời...

Tôi rất tự thẹn rằng trong lúc này Lan đương đau đớn vì tôi mà tôi lại không nhìn đến Lan. Nhưng tôi biết rằng tôi nhìn Lan chỉ làm cho Lan thêm đau đớn. Cho nên tôi mong từ nay tôi không còn bao giờ gặp Lan để hại Lan nữa. Lan hãy can đảm mà sống. Tùy hoàn cảnh mà mưu lấy hạnh phúc, đừng nghĩ gì đến tôi".

Tôi viết xong, bỏ vào phong bì, dán kín lại, rồi chạy như một đứa điên đem bỏ ra thùng thư trước nhà phát vé xe điện ở bờ Hồ. Tôi chỉ sợ không gửi ngay, tôi lại xé thư viết lại, mà viết không bao giờ xong nữa. Quả nhiên khi bỏ thư xong, về đến nhà, tôi đã hối lại lời trong thư khí vô tình quá! Nhưng việc đã dĩ nhiên mất rồi!

Mấy ngày hôm sau, lòng tôi cứ sậm sột3 như có tai vạ gì sắp tới nơi. Nhưng dần dần tôi không thấy động tĩnh gì, tinh thần tôi cũng dần dần khôi phục lại. Bấy giờ thì tôi được yên thân mà sống trong cái hạnh phúc yêu Hữu. Tuy vậy mỗi khi chợt nhìn đến tấm ảnh Lan tặng tôi sau khi lại gặp, tôi cũng không khỏi ngậm ngùi thương Lan. Nhiều khi tôi đã toan đốt tấm ảnh ấy đi, nhưng nó đã trở nên một vật thiêng liêng cho tôi, tôi không dám ra tay hủy hoại.

Hơn một tháng sau, tôi nhận được giấy báo hỷ, đứng tên bà mẹ Lan, mời tôi đến dự lễ thành hôn cho Lan với cậu tú mà trước Lan cho tôi biết. Trong giấy, Lan có viết kèm một dòng chữ: "Thế nào anh cũng đến!" Cố nhiên là tôi không đến, nhưng lòng tôi thì thực mừng rỡ mà cầu nguyện cho hạnh phúc của vợ chồng Lan.

Tôi vẫn định đợi cho Lan lấy chồng, rồi tôi sẽ tính đến việc hôn nhân của tôi. Bấy giờ Lan lấy chồng rồi, nhân dịp về nghỉ Tết, tôi mới chọn ngày tốt lành là ngày mồng một Tết, đem tình riêng mà thưa với mẹ!

Tôi thực không ngờ mẹ tôi vốn nuông tôi mà đối với việc ấy lại tỏ ra nghiêm khắc không kém gì thầy tôi cả...

Mẹ tôi nói:

- Con năm nay đã hai mươi tuổi. Mẹ cũng nghĩ cần phải lấy vợ cho con. Thế nhưng đám nào chứ đám ấy thì mẹ không thể chiều con được! Người ta lấy vợ là cốt hòng sinh con đẻ cái! Nhưng thế nào là "phúc đức tại mẫu": Đứa mẹ có phúc đức thì đứa con mới mong ra giống người. Như con Hữu, kể ra cũng ngoan ngoãn mà người cũng xinh. Nhưng mà chú Hường con thì quá lắm, con ạ! Con xem cách chú ấy xử sự ở làng đấy: Đình, chú ấy bắt dân phá đi làm quán chợ! Chùa, chú ấy bắt dân dỡ đi xây trường học! Một người bạo thiên, ngược địa, khinh thần, mạn thánh như thế, rồi con cháu, phải trả nợ: "Đời cha ăn mặn, đời con mới khát!" "Cha mẹ có hiền lành, mới để được đức cho con!" Nếu con lấy con Hữu, thì cái tội của chú ấy, con, cháu về sau trả đến mấy đời cho xong? Nhà con được bao nhiêu phúc đức?

Tôi giở hết tài hùng biện ra cũng không sao biện bạch được cho mẹ tôi tin rằng việc phá đình, phá chùa của chú tôi là không có tội. Sau cùng tôi giở đến giọng dỗi:

- Nếu mẹ không bằng lòng cho con, thì suốt đời con cũng không lấy ai cả.

Mẹ tôi cười nhạt:

- Cái ấy thì tùy con đấy! Chứ mẹ thì không sao chiều ý con được! Một người nàng dâu trưởng, là một người phải trông nom việc giỗ, tết. Nếu con lấy nó thì rồi có cúng, thầy con cũng không về nữa! Ngày trước thầy cũng đã có nói với mẹ rằng: Thầy không thuận cho con lấy nó. Thầy đã không thuận, thì cỗ bàn nó có làm ra, thầy cũng không thèm ăn đâu! Con bảo mẹ chiều con mà bỏ chồng ăn "cháo thí lá đa" à?

Tôi không còn biết nói cách nào cho chuyển được lòng mẹ tôi. Tôi nằm lăn ra mà khóc cho đến lúc mệt quá ngủ quên đi mất!

________________

[1] Schopenhauer. (Chú thích của tác giả.)

[2] Nhượng Tống đang nhắc đến khái niệm quan trọng trong triết học của Arthur Schopenhauer, hiện nay được biết đến rộng rãi hơn dưới cái tên "ý chí tự do".

[3] Bồn chồn, bứt rứt.


Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7113
Registration date : 01/04/2011

Lan Hữu - Nhượng Tống - Page 3 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Lan Hữu - Nhượng Tống   Lan Hữu - Nhượng Tống - Page 3 I_icon13Fri 01 Oct 2021, 07:40

19


Từ khi lại gặp Hữu, cứ vài tháng tôi lại lên thăm chú, thím tôi một lần. Con đường Hà Nội, Phú Thọ, tôi vốn có thể nhờ xe lửa mà đi chiều thứ Bảy về chiều Chủ nhật được. Ngoài việc đi thăm ấy, tuần nào tôi cũng có thư cho Hữu, dù thư viết bao giờ tôi cũng lấy tư cách người anh họ, chứ không lấy tư cách người tình nhân. Tôi với Hữu đã hẹn nhau: "Miễn chúng mình trông thấy nét chữ nhau là đủ rồi. Có cứ gì phải nói ra miệng, viết ra giấy mới là ân ái!"

Từ khi mẹ tôi không bằng lòng hỏi Hữu cho tôi, tôi không còn dám lên thăm chú, thím tôi và viết thư cho Hữu nữa. Tôi muốn Hữu tưởng tôi đã đi đâu hay đã chết đâu rồi! Tôi mong cho Hữu quên tôi cũng như hồi trước tôi đã mong cho Lan quên tôi. Và cũng như hồi trước tôi đã mong cho Lan, tôi lại mong cho Hữu chóng có chồng, và vợ, chồng Hữu được sống một đời hạnh phúc.

Còn về phần tôi thì suốt ba tháng xuân, tôi vơ vẩn như người ốm đứng. Bao nhiêu giờ rỗi tôi đọc những sách khó hiểu và chán phè để khỏi nghĩ đến Hữu. Bao nhiêu thư của Hữu gửi cho, tôi phải đem hết nghị lực ra mà xé đi hay đốt đi ngay khi tiếp được. Trong lúc tôi đốt, tôi xé thư Hữu, cố nhiên là tôi đau đớn lắm. Nhưng tôi tin rằng nếu đọc vào, tôi còn đau đớn hơn nhiều. May sao chỉ mấy tuần sau, tôi đã không còn nhận được thư của Hữu nữa.

Mùa thu năm ấy, tôi nhận được giấy báo hỷ của Hữu gửi vào trong sở tôi làm thuê. Trong giấy Hữu cũng viết kèm một câu như câu của Lan: "Thế nào anh cũng lên đấy!" Cả hai câu của hai người viết, đến nay tôi cũng vẫn chưa hiểu nghĩa sâu của nó là thế nào...

Việc Hữu đi lấy chồng, và việc tôi cố sức đọc các sách triết lý, luân lý dần dần làm cho người tôi lại bình tĩnh. Nỗi đau thương của tôi, trước kia tôi tưởng không bao giờ yên ủi được, vậy mà tôi tìm được cách để tự yên ủi. Tôi cho việc tôi không lấy được Hữu hoặc giả chính là một cái quả báo của sự tôi đã cố tình bỏ Lan. Tôi đã làm cho người khác đau đớn. Nếu tôi có bụng công bằng thì khi người khác làm cho tôi đau đớn, tôi nên mỉm cười mà chịu lấy. Đau đớn rửa gột cho cái đời tội lỗi của tôi được trong sạch. Một mặt thì thế. Một mặt thì tôi tuy chịu cái đau đớn không được lấy Hữu, song đã được cái hạnh phúc suốt đời giữ mãi được tấm lòng yêu đằm thắm đối với Hữu. Tôi tự nghĩ: Thiên hạ biết bao nhiêu đôi trai gái, khi chưa lấy được nhau thì nồng mặn, mà khi lấy được nhau rồi thì nhạt phai! Sự ăn chung, ở lộn, đã đầu độc cho tấm lòng yêu thương của loài người. Ai là người không có khuyết điểm? Gần nhau, những khuyết điểm của nhau sẽ ngày một bày ra... Ai là người thật có giá trị? Gần nhau, những giá trị của nhau sẽ ngày một mất dần... Đó là những ý tưởng tôi đã tả trong bốn câu thơ mà tôi vẫn còn nhớ:

Ngọc, nhìn kỹ, sẽ tìm ra vết;
Hoa, để gần, sẽ hết cả hương:
Xa nhau, mong ước mơ màng...
Gần nhau, rẻ rúng, khinh thường biết đâu!


Tôi nghĩ tiếp: Vả chăng đời là một cuộc đổi thay, muôn sự, muôn vật ở trên đời, nào có cái gì là vĩnh viễn! Người đẹp đến đâu cũng có ngày răn má1! Tiệc vui thế nào chả có lúc chia tay! Vậy thì: dữ kỳ ta cùng Hữu được lấy nhau, mà rồi ra có lúc phải cãi vặt nhau, phải hờn mát nhau, phải trông thấy nhau già, phải khóc thương nhau chết, sao bằng không lấy được nhau, không bao giờ nhìn thấy nhau nữa, nhưng trong trí nhớ của nhau, hình ảnh của nhau lúc nào cũng trai trẻ, đức nết của nhau lúc nào cũng hoàn toàn? Ngoài không gian và thời gian, bóng người yêu không hề biến đổi theo đời. Nhân đó mà tấm lòng đối với người yêu, giữ trọn được trước, sau như một. Yêu nhau như thế, chẳng phải là một hạnh phúc đáng mong đáng ước đó sao!

Nghĩ vậy rồi, tôi cho ái tình như thế mới thật là trong sạch, mới thật là cao thượng! - Mà mới thật là ngộ dại! (Lời nói chêm của Tuệ Chiếu2). Từ khi tôi có được cái quan niệm mới về ái tình như thế, tôi thấy tôi chẳng những yêu được Hữu, mà còn yêu được cả Lan... Tôi liền đi đặt một cái khung ảnh hai mặt kính. Mặt trước tôi để ảnh Hữu, mặt sau tôi để ảnh Lan. Còn bao nhiêu thư từ của họ tôi lót vào giữa. Rồi tôi mua một đôi lọ hoa con, đặt ở trước ảnh. Tôi mua hoa về cắm vào lọ để thờ sống họ. Hễ hoa gần tàn là tôi lại thay hoa mới ngay. Đêm đêm khi sắp đi ngủ tôi lại cầm ảnh mà hôn một cách kính cẩn như người theo Đạo hôn ảnh đức chúa Da-Tô vậy! Do sự thờ phụng thành tâm ấy, không mấy đêm là Lan và Hữu không về thăm tôi. Trong mộng, tôi với họ cùng sống cuộc đời êm ái năm xưa. Trong mộng, nhan sắc của họ càng thêm rực rỡ, câu chuyện của họ càng thêm thơ ngây...

Ròng rã bốn năm trời, tôi có thể nói rằng tôi đã sống ở trong mộng. Vì chỉ trong mộng, tôi mới thấy tôi là có sống...

Nhưng ở đời, những mộng đẹp có còn mãi đâu!

Tôi phải lấy làm lạ rằng: Cuộc tình duyên của tôi với Hữu và Lan, trước bắt đầu vào một ngày lễ Phục sinh, sau đoạn tuyệt cũng lại vào một ngày lễ Phục sinh; trước bắt đầu ở chùa Hương Tích, sau đoạn tuyệt cũng ở chùa Hương Tích. Cái đó ngẫu nhiên hay tiền định?

Năm ấy, nhân ngày lễ Phục sinh, tôi lại vào Hương Tích, định để ôn lại đoạn đời mà tôi cùng hai cô bạn đã cùng sống với nhau ở đấy. Tôi vừa ở đò Yến Vĩ đi vào, thì gặp hai người mỗi người dắt một đứa con nhỏ, đứng nói chuyện với nhau ở cửa chùa Ngoài. Tôi vốn định không bao giờ còn giáp mặt họ ở trong đời. Nhưng tôi vừa toan quay mặt đi thì Hữu đã trông thấy tôi, đon đả lên tiếng gọi:

- Kìa anh Ngọc! Anh vào bao giờ thế? Đã mấy năm nay không gặp. Chúng tôi vừa nói chuyện đến anh xong.

Vừa nói, Hữu vừa dắt con chạy lại trước mặt tôi. Lan cũng thế. Tôi không trốn đâu được, đành phải gượng cười đứng lại. Hữu bảo con:

- Con chắp tay chào cậu đi! Cậu con đấy!

Lan cũng cười cầm tay con:

- Con cũng chắp tay lại: "Lạy bác ạ!"

Hai đứa trẻ theo lời mẹ, chắp tay và cất tiếng chào tôi. Tôi đành phải xoa đầu chúng, khen luôn hai lượt hai tiếng "ngoan lắm!" Lan bế con lên tay, cười bảo tôi:

- Thằng bé này đáng lẽ là con anh đấy! Mấy cháu rồi? Anh thật làm bộ quá! Chị ấy bây giờ thần, thánh thế nào kia không biết!

Tôi cười nhạt:

- Không phải là tôi làm bộ. Tôi là đứa vô phúc, tôi không muốn làm hại người khác. Thế thôi. Nhưng tôi nói thật mà có ai chịu cho là thật đâu! Thì xem đấy: các cô có con cả rồi, mà tôi vẫn không có vợ!

Lan ngảnh lại hỏi Hữu:

- Anh ấy vẫn chưa lấy vợ thật à?

- Không biết! - Hữu đáp - Nhưng chắc chưa lấy thật! Nếu có thì đã thấy cậu, mợ tôi nói chuyện.

Hai người cùng nhìn tôi ra vẻ ái ngại, rồi Lan bảo Hữu:

- Thế thì chúng mình thương anh ấy quá nhỉ!

Tôi cười một vẻ chua chát:

- Các cô làm gì có quyền thương tôi!

Tôi nói thế là vì tôi nhìn khuôn mặt đề đạm3, vóc người béo đẫy của họ, tôi đoán rằng họ vui chồng, vui con họ, mà quên tôi đã từ lâu rồi. Hữu bảo lại Lan:

- Thôi thì chúng mình xem có món nào xứng đáng, làm mối cho anh ấy một món vậy!

Câu nói ấy, càng làm cho tôi chắc họ quên tôi. Tôi lại càng cáu:

- Cám ơn! Nhưng tôi không phải là người của các cô, không phải là người của bất cứ ai trong bọn đàn bà các cô!...

Câu tôi nói lúc ấy thật tự trong tâm can mà ra. Tôi giận hai người, tôi đã ghét lây tất cả bọn đàn bà, tôi lại còn chán cả đời nữa. Bọn trẻ chúng ta, mấy ai ghét đàn bà mà lại chẳng chán đời!

Lan đưa đứa con cho tôi:

- Thôi đừng dằn dỗi nữa! Hôn cho thằng bé này một cái!

Hữu cũng bế con lên:

- Hôn cả cháu đây nữa! Nó không là con cậu, nó là cháu cậu cũng được chứ sao!

Tôi tuy giận hai người thật, song không sao nỡ lòng không hôn hai đứa trẻ thơ. Mà lạ thay! Cái hôn in trên má chúng nó bấy giờ tôi thấy đằm thắm chẳng kém gì những cái hôn in trên môi mẹ chúng nó mấy năm về trước! Buông hai đứa trẻ ra, nước mắt tôi đã đầy mặt. Tôi cắm đầu chạy lấy, chạy để, không còn dám quay đầu lại, dù sau lưng vẫn nghe tiếng hai người gọi với tôi.

Thế là tàn tạ cuộc đời êm ái ở trong mộng của tôi. Vì từ đó, nếu khi tôi có chiêm bao thấy họ, thì họ chỉ còn có cái khuôn mặt đề đạm, cái vóc người béo đẫy mà tôi gặp ở cửa chùa Ngoài, chứ không còn có những vẻ đẹp rực rỡ, những câu chuyện thơ ngây như trước nữa!

Mấy bài thơ của Nhượng Tống:

Dưới bức màn sương chợt nhớ em,
Bồi hồi hàng lệ gạt đương đêm.
Lòng thề sắt đá dầu không chuyển,
Mộng cách non sông chửa dễ tìm!
Tả hận từng phen quăng ngọn bút,
Thêu sầu xin chớ mượn đường kim,
Phải chăng giờ trước song thu lạnh,
Em cũng ngồi trông bóng nguyệt chìm.


(Trích H. N. T. V. 12-3-1940)

Ngoài trời ly hận mảnh hồn si
Chỉ biết bay cao, chẳng nhớ gì...
Chẳng nhớ đường trần tối như mực,
Mưa lầy bùn lạnh, khắc canh khuya...

Những tiếng gà hoang một xóm nào
Rung hồn lạc khỏi cõi xa, cao.
Trái tim bắt chợt đau như xé:
Một mũi tên bay đã cắm vào!

Vũ trụ tan trong mắt lệ mờ!
Lao đao ngồi tựa gốc cây xưa,
Như trong mây khói, như trong mộng,
Anh ngã, mình sa giữa lưới ngờ...

(Trích H. N. T. V. 26-3-1940)


________________

[1] Nhăn má.

[2] Nhượng Tống muốn nhắc đến Lâm Tế.

[3] Tương tự với phúc hậu, đầy đặn.B


Về Đầu Trang Go down
Sponsored content




Lan Hữu - Nhượng Tống - Page 3 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Lan Hữu - Nhượng Tống   Lan Hữu - Nhượng Tống - Page 3 I_icon13

Về Đầu Trang Go down
 
Lan Hữu - Nhượng Tống
Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Trang 3 trong tổng số 3 trangChuyển đến trang : Previous  1, 2, 3

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
daovien.net :: VƯỜN VĂN :: Truyện Sưu tầm :: Tiểu thuyết-