Trang ChínhTìm kiếmLatest imagesVietUniĐăng kýĐăng Nhập
Bài viết mới
Thơ Nguyên Hữu 2022 by Nguyên Hữu Today at 20:22

EM CHIM HÁT HAY QUÁ by mytutru Today at 20:18

Hơn 3.000 bài thơ tình Phạm Bá Chiểu by phambachieu Today at 11:15

Một thoáng mây bay 13 by Ai Hoa Today at 10:00

ĐÔI BÀN TAY NGHỆ NHÂN by mytutru Yesterday at 23:54

BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-1965 - LM CAO VĂN LUẬN by Trà Mi Yesterday at 08:05

Cột đồng chưa xanh (2) by Ai Hoa Mon 06 May 2024, 11:42

Chết rồi! by Ai Hoa Mon 06 May 2024, 11:31

LỀU THƠ NHẠC by Thiên Hùng Sun 05 May 2024, 11:06

Tranh Thơ Viễn Phương by Viễn Phương Fri 03 May 2024, 19:13

Người Em Gái Da Vàng by Viễn Phương Fri 03 May 2024, 06:36

Mái Nhà Chung by mytutru Thu 02 May 2024, 00:38

Những Đoá Từ Tâm by Việt Đường Wed 01 May 2024, 21:49

7 chữ by Tinh Hoa Tue 30 Apr 2024, 10:59

5 chữ by Tinh Hoa Sun 28 Apr 2024, 22:27

Thi tập "Chỉ là...Tình thơ" by Tú_Yên tv Thu 25 Apr 2024, 12:56

Trang thơ Tú_Yên (P2) by Tú_Yên tv Thu 25 Apr 2024, 12:51

Thơ Tú_Yên phổ nhạc by Tú_Yên tv Thu 25 Apr 2024, 12:46

Quán Tạp Kỹ - Đồng Bằng Nam Bộ by Thiên Hùng Wed 24 Apr 2024, 11:48

Trụ vững duyên thầy by Trà Mi Tue 23 Apr 2024, 07:34

THIỀN TUỆ (diệt trừ đau khổ) by mytutru Tue 23 Apr 2024, 00:07

Nhận dạng phụ nữ giàu có by Trà Mi Mon 22 Apr 2024, 08:36

Bức tranh gia đình by Trà Mi Mon 22 Apr 2024, 08:09

Mẹo kho thịt by Trà Mi Mon 22 Apr 2024, 07:29

SẦU LY BIỆT by Phương Nguyên Sun 21 Apr 2024, 23:01

Trang Họa thơ Phương Nguyên 2 by Phương Nguyên Sun 21 Apr 2024, 22:56

Trang viết cuối đời by buixuanphuong09 Sun 21 Apr 2024, 06:38

Mức thù lao không ai dám nghĩ đến by Trà Mi Wed 17 Apr 2024, 11:28

KHÔNG ĐỀ by Phương Nguyên Wed 17 Apr 2024, 11:00

Cách xem tướng mạo phụ nữ ngoại tình, không chung thủy by mytutru Tue 16 Apr 2024, 11:59

Tự điển
* Tự Điển Hồ Ngọc Đức



* Tự Điển Hán Việt
Hán Việt
Thư viện nhạc phổ
Tân nhạc ♫
Nghe Nhạc
Cải lương, Hài kịch
Truyện Audio
Âm Dương Lịch
Ho Ngoc Duc's Lunar Calendar
Đăng Nhập
Tên truy cập:
Mật khẩu:
Đăng nhập tự động mỗi khi truy cập: 
:: Quên mật khẩu

Share | 
 

 Tự Lực văn đoàn – Văn học và cách mạng

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Chuyển đến trang : Previous  1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8
Tác giảThông điệp
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7114
Registration date : 01/04/2011

Tự Lực văn đoàn – Văn học và cách mạng - Page 8 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Tự Lực văn đoàn – Văn học và cách mạng   Tự Lực văn đoàn – Văn học và cách mạng - Page 8 I_icon13Thu 24 Feb 2022, 08:37

TỰ LỰC VĂN ĐOÀN - VĂN HỌC VÀ CÁCH MẠNG

Thuỵ Khuê

Phóng sự của Trọng Lang (Trần Tán Cửu)

Trọng Lang[20] là cây bút chính về phóng sự của Ngày Nay. Trọng Lang vượt trội Tam Lang, Vũ Trọng Phụng, vì tính chất thành thật, nhân đạo và nghệ thuật tả chân trong tác phẩm của ông. Ông nói thẳng mình là nhà báo được trả tiền đi làm phóng sự.

Trọng Lang xuất hiện lần đầu trên Ngày Nay số 1[21] với phóng sự “Lạc vào động bà chúa Hàng Bạc”, tả lại cái động của bà Bé Tý, nhân vật nổi tiếng ở Hà thành. Lúc ấy ông mới 19 tuổi, gửi thử bài viết đầu tiên cho Ngày Nay, không ngờ được đăng ngay.

Bà chúa Hàng Bạc người Tầu lai Tây, sống bên Annam, và động của bà–ngày chủ nhật thỉnh thoảng mở cửa cho khách vào xem–có đủ mọi trò hấp dẫn, có ảo thuật, có đội vũ nhạc, có nhẩy fox Tây theo điệu đàn Tàu; có hát cô đầu lối Tàu, có lên đồng… nghĩa là không thiếu trò gì cả. Với bài phóng sự này, Trọng Lang xác định giọng văn đặc biệt của mình, ông giới thiệu động bà chúa Hàng Bạc như thế này: “Ra Hà Nội, một ông Lý Toét ít ra phải được xem hai cái kỳ quan: Vườn bách thú và nhà bà Bé-Tý”. Và ông đã mô tả quang cảnh và không khí “động tiên” ấy như một màn xiệc sống, đủ trò lai căng mà ta có thể mường tượng được.

Tiếp đến Trong làng chạy[22] là một thiên phóng sự sống động về thế giới trộm cắp, ông bắt đầu như thế này:

Chợ Đồng Xuân, một buổi sáng… Lấy chỗ những con chó cụp đuôi đứng liếm lá gói bánh hay đống rác ở các chợ nhà quê, hai thằng bé đứng “hít” một mẹt bún chả.
Hai tay khoanh để sau gáy, chúng thỉnh thoảng nuốt nước rãi.
Người gầy, quần áo rách. Người ta không hiểu hai bộ tã ấy còn duyên nợ gì với hai cái thân ốm yếu ấy mà chưa rời.


Tất cả ngụ trong cách tả và sắp đặt: hai thằng bé–sắp giật gói bánh ga tô–chiếm chỗ con chó cụp đuôi liếm lá, đứng hít mẹt bún chả, nuốt nước rãi, không hiểu hai bộ tã ấy còn duyên nợ gì với hai cái thân ốm yếu ấy mà chưa rời. Lối tả lạnh lùng đến “vô nhân” như thế, mà lại vô cùng nhân đạo thương tâm trong chiều sâu, chưa mấy nhà văn đạt được, khác hẳn với lời văn thô và miệt thị “Bọn cơm thầy cơm cô nằm ngổn ngang như lợn cả” của Vũ Trọng Phụng mà ta vừa thấy ở trên. Trọng Lang đưa ta vào thế giới ăn cắp, từ tỉnh về quê, đủ mọi hoàn cảnh, tình thế, đủ loại thủ đoạn, mánh khoé, khác nhau. Ông đã tạo ra bức tranh bi hài tột độ về xã hội đạo trích đương thời.

Trong phóng sự Đàn bà hút thuốc phiện[23] ông chiếu ánh sáng vào những đàn bà nghiện, sang hèn khác nhau, trong những tình huống khác nhau, đặc biệt những người thường xuyên nằm đét trong các tiệm hút tồi tàn, chỉ ngóc đầu lên để đi khách, có tiền hút tiếp, họ chính là hình ảnh của địa ngục trong con người: tự mình đưa mình xuống âm ty.

Phóng sự Đời bí mật của sư vãi[24] kém Trong làng chạy, bởi tác giả có thành kiến với giới tu hành, ông cho rằng chín mươi phần trăm người đi tu thuộc vào bốn loại sau đây: 1-Trong tử vi có chữ “tu hành”. 2- Mồ côi cha mẹ hoặc lười biếng. 3- Muốn chết nhưng sợ đau không dám tự tử. 4- Cha là sư, mẹ là vãi. Với một thành kiến chắc nịch như thế, ông chỉ tạo ra hoặc nghe lại những mẩu chuyện về các loại sư hổ mang, hoặc những chi tiết ly kỳ về cuộc đời xác thịt của một sư bà… rồi phóng ra mà không điều tra chiều sâu của cuộc sống trụy lạc–nếu có thật–của giới tu hành. Phóng sự Gà chọi[25] hay hơn, tác giả tìm hiểu khá sâu về thế giới chơi gà chọi, đưa ra những trang phóng sự thật sống động. Phóng sự Đồng bóng[26]cũng tìm hiểu cặn kẽ về thế giới lên đồng.

Nhưng tác phẩm chính ông là phóng sự dài Hà Nội lầm than, đăng trên Ngày Nay năm 1937[27] về cuộc sống bùn lầy của đám phụ nữ giang hồ (gái nhảy, cô đầu, gái điếm) và của phường ăn mày kiêm ăn trộm. Tất cả Hà nội lầm than đều là thần tử của thuốc phiện, trong hai khu Sầm Công và Khâm Thiên.

Làm dân[28] viết về tình trạng tồi tệ, hủ lậu, dốt nát của một làng nhỏ ở ngoại ô mà những người con gái nhẹ dạ, chỉ mơ được ra Hà Nội, đã sa vào vòng trụy lạc. Làm tiền[29] viết về những thủ pháp làm tiền quỷ quyệt của đủ mọi hạng người.

Đói[30] là phóng sự mà cũng là tài liệu văn học sớm nhất về nạn đói năm Ất Dậu ở miền Bắc, mô tả cảnh chết đói kinh hoàng trên đường phố, của những người dân quê tiến về Hà Nội:

“Chúng cháu cả làng chết tiệt mất cả” nên rủ nhau đi bộ liều lên đây “vì nghe họ bảo rằng ở Hà Nội thì cứ nhặt hạt rơi hạt vãi, cứ khóc một tiếng, vái một vái, là đủ no cho cả đống rồi”.
Chín người, mà là chín bức tượng gầy đen kịt. Những người lớn thì đã vượt tuổi, sớm đến cõi chết: nghiã là họ đã mắt trũng, răng hô, lêu đêu, ghê gớm như ma quỷ cả rồi. Những đứa bé thì như trở lại thời sơ sinh: nghiã là mắt tròn xoe, má răn thành sóng đến tận mang tai, chúng bé rúm lại, như những khỉ con mới đẻ.


Sống sót[31], đúng như lời giới thiệu của tác giả: “Thiên phóng sự này tả tình cảnh của bọn thực dân Pháp sống sót lại sau đêm mùng 9,[9-3-1945, ngày Nhật đảo chính Pháp] của tụi Việt gian đã sống sau gót thực dân, của lũ “me” lỡ bước, của những kẻ vong bản đã nhập Pháp tịch.”

Trọng Lang và Nguyên Hồng là hai nhà văn lớn do Tự Lực Văn Đoàn khám phá.

Trong mười 10 năm, từ 1935 đến 1945, Trọng Lang, một mình, trên Ngày Nay, đã tìm cách phơi bày tất cả bộ mặt tối tăm của xã hội thực dân, qua ngả phóng sự.

Phóng sự của Trọng Lang về tình trạng lầm than sa đọa ở Hà Nội, tiểu thuyết hiện thực xã hội của Trần Tiêu về đời sống tăm tối của dân quê, và tiểu thuyết phóng sự của Nguyễn Hồng về xã hội trộm cắp, là ba mặt công phá khác của Ngày Nay, ngoài tiểu thuyết Khái Hưng, Nhất Linh, và truyện ngắn Thạch Lam.

Tự Lực văn đoàn – Văn học và cách mạng - Page 8 Tlvd1411

Hà Nội lầm than

Hà Nội lầm than là tác phẩm chính của Trọng Lang, đăng trên Ngày Nay năm 1937[32], với bốn đề tài: Gái nhảy, Cô đầu, Nhà thổĂn mày.

Tiệm khiêu vũ, khi đứng ngoài, tiếng nhạc vọng ra cho ta cảm giác quyến rũ, êm dịu, mơ màng, cực kỳ thanh lịch:

Ngồi nhìn, từ 9 giở cho tới nửa đêm, những cặp “nhảy” dịu dàng và trai trẻ, giữa tiếng cười, hoa và giây giấy, giữa những điệu nhạc mê hồn, người ta yên chí rằng nghề “nhảy” là một nghề nhã nhặn, kiếm được, cho các cô nhảy tiền và chồng rất dễ.
Nhưng từ mười hai giờ đêm đến ba giờ sáng, hay đến lúc bình minh, lúc phấn sáp đã trôi qua những làn da xám nhợt, người ta mới thấy rõ cái bã của cuộc vui, bộ mặt thực của nghề nhảy, nó cũng gớm chết như bộ mặt xanh vàng, hết phấn của các cô nhảy.
Rồi, nhìn thấy các cô nặng nề, khổ sở, cố lê theo mấy ông lực lưỡng, lắc trên lắc dưới như một thằng múa rối, người ta tưởng tượng ngay ra rằng các cô là “cu-li nhảy” chứ không phải là gái nhảy nữa.
Một lát nữa tôi thấy cô nhảy tăng gô với khách, lưng cong lên, cầm cô tựa vào vai khách, há mồm ra mà… ngủ như thường.
(Ngày Nay 50)

Trọng Lang đã vào bên trong tiệm nhẩy, đã nhìn thấy cái bã của cuộc vui, đã thấy những “cu-li” nhẩy, bởi họ đúng là phu nhảy, loại phu phen hạng bét, hàng đêm phải gánh đủ mọi hạng người, hôi hám, say khướt, thô tục, không biết nhảy, dẫm lên chân. Bằng mọi giá, cu-li nhảy phải kéo cho được những tạ thịt này đi theo điệu nhạc, có cô bị dẫm nát cả mấy ngón chân, phải vào bệnh viện. Một đời sống quay cuồng, trông bề ngoài đẹp như tranh, mơ như luân vũ, nhưng bên trong là những cái xác không hồn, nhảy đến tan thân, rách áo, gẫy giầy, hai chân rã rời muốn quỵ, để nuôi một thân hình không còn sinh lực, không còn sức sống.

Cô đầu cũng không khá hơn. Đây là cảnh năm, sáu cô đầu, đội khăn trắng, tiếp khách:

– Em đã nhất định không chịu để tang. Nhưng mà bà ấy bắt phải đội khăn trắng.
– Đội khăn trắng thì họ bảo mình cóc có tiền mua khăn nhung, phải giả có trở để đội khăn trắng, rẻ tiền, giặt được.
– Dù mình có để trở bố mình đấy, họ cũng bảo là mình để trở ông Bôn-be.


Một cô đầu kiêm nữ sĩ than:

“- Chỉ vì cái con phải gió, con X. kia! Đưa cho nó một đồng để nó mua thuốc phiện dấm thanh về hai đứa uống. Nó lại đi mua có năm hào!”

Nên cô mới còn ngồi đây. Con phải gió đã đi thoát, nó chẳng nghe được lời cô trách.

“Em có chết, thiên họ tất họ sẽ nói: chẳng chết những đứa đó thì chết đứa nào! Nhà báo sẽ đăng là chết vì tình! Các anh may ra sẽ được một câu điếu: Thế à! và một cái tắc lưỡi, như gọi chó!”

Những nhà văn, nhà thơ như Nguyễn Tuân, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng… thường tụ họp bên bàn đèn, để mơ nàng tiên nâu, uống từng âm thanh “tom chát”, có đọc những dòng này, chắc không khỏi “chạnh lòng”. Trọng Lang đã ép trọn đắng cay, tàn ác, trong vài câu ngắn ngủi, nhỏ xuống những số phận không ai tin, không ai thương: dù mình có để tang bố, chúng nó cũng không tin, thì tang làm gì? Mà cái con phải gió bảo đi mua thuốc phiện dấm thanh, lại còn hà tiện, cho chết một mình đáng kiếp! Nhưng không hề thấy xác. Chỉ thấy mùi âm khí. Còn em, một cô đầu-văn sĩ, em có chết, chắc cũng chỉ được các anh đồng nghiệp tặng cho một cái tặc lưỡi như gọi chó là cùng! Kinh khủng. Bái phục. Sao lại có ngòi bút gói ghém được toàn diện cái ai oán trong tiếng tom chát Khâm Thiên đến thế.

Nhà thổ
còn ghê hơn. Bởi “tôi quyết rằng không ai dám nhận đã đi vào… “nhà thổ” dù chỉ một lần nhỏ thôi, trong đời mình. Là vì nhà thổ là chỗ ô uế cực kỳ, một chỗ để chứng rằng tâm hồn và xác thịt của một đám đàn bà trụy lạc đã thối nát đến bực nào…

Tôi đã đàng hoàng bước vào nhà thổ với ngòi bút và lòng thương.

Đấy là nói cho oai, chứ chàng phóng viên này đến ngõ Sầm Công đi qua một căn nhà thổ bốn bận mà không dám vào, dù bị chế giễu, mời mọc, đủ kiểu:

– Giời mưa, ới hỡi giời mưa:
Có thằng thích chết mà chưa dám vào!


Một mụ già mắng át con bé hát láo, thì thào vào tai chàng:

– Chả có ai cả đâu! Mời cậu vào đi!

Bấy giờ chàng mới nghiệm thấy “thì ra bao nhiêu ngày tháng sống chung với “kẻ cướp” và “kẻ cắp” dạo trước, vẫn chưa gây cho tôi đủ can đảm để vào “nhà thổ”. Rồi chàng cũng thuê được hai quân sư nghiện dẫn chàng vượt cửa khẩu vào vùng đất cấm:

Tôi đã được nghe những tiếng cười, khóc, điên dại và ghê ghớm của một đám người hãy còn tỉnh để nhớ rằng họ đã từng là… “đàn bà”. Tôi đã thấy hết cả các thứ bẩn thỉu, cái vô nghĩa trong kiếp sống ở một người đàn bà, khi người đó đã không còn gì là “đàn bà” nữa.

Nhưng vẫn có “một mụ” phân biệt nghề mình với nghề cô đầu:

-Chuyện! Cô đầu khác, mà nhà thổ khác. Cô đầu khổ sở bỏ mẹ đi… Thằng nào cũng phải tiếp. Đang ngủ nó dựng cổ dậy, nó có bệnh nó đổ cho cũng không biết nữa. Nó hành hạ không kêu vào đâu được, chủ nó đánh đập như con chó cũng phải chịu. Ăn thì ăn uống khổ sở. Thử hỏi tụi cô đầu N.7 xem có sướng hơn chúng tôi chưa?

– Nhưng mà ở nhà chứa nghe nói: “không chịu tiếp khách, mụ chủ nó lột truồng ra, lấy tóc buộc vào cột mà đánh, lại có lúc nó buộc phải tiếp nhiều khách quá trong một đêm, thì phải nắm lấy chầy mà cán bụng. Hai việc đó sướng cái gì?”

Mụ lại phải giải thích: bây giờ không làm thế được, chủ hành hạ thì đã có phép (lên khóc lóc mách bà đầm lục xì). Còn khách hàng lôi thôi, tống ra cửa (bảo y có bệnh, cách khám đã có quan đốc lục-xì dạy cho rồi).

Nhà thổ còn có phép trị bọn khách quý. Một lũ khách gian, tiếng lóng là càn long, sai hai đứa đi mặc cả trước, rồi dẫn “con Oanh” vào xăm[33]. Oanh khét tiếng anh chị, bao nhiêu thằng nó cũng thầu hết. Hai thằng vào trước, mở hé cửa sau cho bọn càn long vào lậu. Oanh cho cả bọn 10 thằng vào xăm, đoạn nó tự thoát y rồi ra lệnh: các anh đông quá mà chỉ thả ra có một đồng rưỡi, lại mặc cả suốt đêm cho hai người. Thôi thì đã đến đây, chả lẽ lại về không, vậy anh nào muốn ở lại, phải lập tức cởi hết quần áo ra. Nhìn tấm thân hộ pháp của con Oanh, chín thằng mất viá, líu ríu xin rút lui, chỉ một thằng trẻ chuyên môn tắm truồng, can trường ở lại. Thế là mất toi một đồng rưỡi bạc. Giá hạng bét chỉ có hai hào.

Nhà thổ là một xã hội đủ mọi hạng người: từ những công tử đẹp trai con quan lỡ bước, mặt xanh rớt, hành nghề cho Tây, đến những người đàn bà “không còn là đàn bà” mà là những “đống thịt trâu xám ngoét“, ngửa ra trên bàn lục xì cho quan khám, nghe chửi, hoặc nằm chịu trận trong ngõ Sầm Công hôi hám, để nuôi thằng chồng nghiện hút, mắc bệnh lậu, đánh vợ tàn nhẫn. Đó là mặt trái của Hà Thành thanh lịch áo dài Lemur Cát Tường, và là thành quả của chế độ nha phiến bảo hộ.

Chưa đủ, Trọng Lang còn đào sâu hơn: phần thứ tư của phóng sự: Trong hang tối, chứa chất những cuộc đời tăm tối nhất trong ngõ Sầm Công và Khâm Thiên. Là loại người đã ở trong bùn, ăn gì cũng không chết: ngốn thịt gà toi, thịt trâu chết, ở với lợn, mà lại sợ vào nhà thương, con lên kinh sài, thì mua hương “cửu trùng” cúng, hôm sau thấy bảo nó hỏng đêm qua rồi, chỉ chép miệng: Ối chào! Trẻ con ấy mà! Trẻ chết có đáng gì. Lại có kẻ hành nghề “chôn người”. Bởi vì người lớn hay trẻ con chết mà gia đình ngại lôi thôi, không muốn dính, vứt xác ra đường; hoặc ma cà bông, chết nghiện, vô thừa nhận… thì đã có ông chôn người lượm về chôn tuốt. Lại còn phải kể hạng người giết… người, là những bà mụ, đỡ đẻ bằng mảnh chai, mảnh sắt rỉ, bằng lá ngón; lang băm giết người vì cho uống bùa ngải; lang Mường (giả mường) bán bùa đeo rốn, cam đoan sau trăm ngày sẽ có mang.

Nhưng đây mới là cái đáy: trong Một “tổ cốc” (tổ ăn mày, ăn cắp, nghiện) ở phố Sầm Công, họ nuôi chuột cống làm bồi tiêm, nuôi mèo luyện nghề ăn cắp. Mèo, chuột, đi ăn cắp thuốc tha về, nghiện nặng như chủ, sau mỗi “vụ”, chúng được thưởng, hít khói thuốc phiện.

Một ông ăn mày kiêm ăn trộm, nguyên gốc quan Thừa kiêm thi sĩ, ngâm:

Ngàn năm văn vật đất Thăng Long
Thuốc phiện là đây có phải không?


Bởi vì, “nếu chỉ kiếm được có hai Bảo đại, tức là hai “con” thì đành phải uống tạm một bát nước “cam lồ” nghiã là nước canh nấu bằng dẻ lau bàn đèn, các thứ bẩn thỉu của bàn đèn, có đá hơi thuốc phiện.

– Nếu không kiếm được một trinh nào?
– Thì… như thường lệ! Nghiã là nổi cơn ho hen lên, rồi nằm chết rũ một xó hè nào đó…”
[34]

Ai lại muốn chết?

Sự xuống cấp từ người xuống dưới người là nhờ thuốc phiện, nguồn thu nhập lớn lao mà nhà nước bảo hộ độc quyền khai thác, cho phép dân dùng không hạn chế.

Tệ nạn nha phiến, vua Gia Long đã thấy, nên từ năm 1802, vua đã cấm người Anh vào đất Việt, cấm luôn người Pháp, để tránh ganh tỵ. Vua Minh Mạng càng đề phòng hơn, chuẩn bị kỹ càng về binh bị, trong các buổi họp cơ mật, vua rất quan ngại vấn đề nha phiến và việc người Âu xin vào “buôn bán”, vua đã thấy Lâm Tắc Từ phải đối phó với thuốc phiện Anh trồng ở Ấn Độ đem lậu vào Trung Quốc, vua tiên đoán nhà Thanh sẽ thất bại trong chiến tranh nha phiến (1839-1842). Đầu năm 1841 vua băng hà. Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức đều cấm ngặt dân hút thuốc phiện. Nhưng từ khi Pháp đổi nền bảo hộ thành nền đô hộ trên toàn lãnh thổ, thuốc phiện công khai tàn phá từ quan đến dân, bởi vì nó là một trong những nguồn lợi chính của mẫu quốc.

Hai cường quốc Anh Pháp đã thành công trong việc đầu độc hóa hơn nửa Á Châu bằng nha phiến, vậy mà vẫn còn có người Việt ngây thơ tin rằng, vì các vua Nguyễn “bế quan tỏa cảng”, không để cho người Pháp vào “buôn bán”, lại cấm đạo nên chúng ta mới mất nước. Bức tranh Tam anh chiến nhất bố của Nguyễn Gia Trí, vô tình hay hữu ý, chỉ vào việc này.
Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7114
Registration date : 01/04/2011

Tự Lực văn đoàn – Văn học và cách mạng - Page 8 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Tự Lực văn đoàn – Văn học và cách mạng   Tự Lực văn đoàn – Văn học và cách mạng - Page 8 I_icon13Fri 25 Feb 2022, 09:38

TỰ LỰC VĂN ĐOÀN - VĂN HỌC VÀ CÁCH MẠNG

Thuỵ Khuê

Phóng sự của Thạch Lam

Việt Sinh (Thạch Lam) bắt đầu viết những bài phóng sự ngắn trên Phong Hóa, năm 1933, như: Trên đồi Lim, Nghe hát quan họ một đêm ở Lũng giang, Xoè của các cô nàng,Phong dao Mường[35]. Những bài này chưa hẳn là phóng sự mà giống tuỳ bút.

Đến loạt bài Hà Nội ban đêm ký Việt Sinh và Tràng Khanh, mới là phóng sự đúng nghiã. Hà Nội ban đêm còn là phóng sự đầu tiên về nghề làm điếm tại Hà Nội, vạch trần sự sa đọa và tồi tệ của thủ đô về đêm, chúng tôi đã giới thiệu trong chương Hoàng Đạo và Thạch Lam.

Trên Ngày Nay, Việt Sinh viết ba phóng sự ngắn Nhà cửa Annam[36], Đánh cá Hồ Tây[37] và Bóng người Yên Thế [38]. Phóng sự của ông vừa có tính cách văn chương vừa thành thực, nhẹ nhàng nhưng không kém phần sâu lắng.

Một tháng ở nhà thương[39]: Tự nhiên bị sưng hạch ở cổ, bác sĩ cho biết là bệnh lao hạch (tuberculose glanglionnaire), phải mổ, Thạch Lam vào nhà thương Robin ở Cống Vọng. Nhờ bài phóng sự này ta biết Thạch Lam cao một thước bẩy mươi, nhưng không chỉ có thế, ta còn biết được đời sống trong bệnh viện dưới thời Pháp thuộc:

   Qua cổng nhà thương, đến chỗ khám bệnh, tôi đã thấy dòng người chờ đợi: ba, bốn chục người như ma quỷ hiện hình: những người xanh xao, vàng võ, gầy như que củi. Đó là những người nhà quê nghèo ở các tỉnh, mắc những chứng bệnh ghê sợ đã đến thời kỳ cuối, lặn lội lên đây để xin vào nằm.

Trước khi có nhà thương Robin, mỗi ngày bệnh viện chết trung bình tám người, trong số đó 5 người có thể chữa được nếu đến sớm, nhưng người ta sợ nhà thương, không dám vô, gần chết mới xin vào. Hỏi người dân quê tại sao sợ? Họ bảo tốn tiền quá, khi vào phải qua mấy cửa là đã mất vài đồng rồi, chưa kể tiền thuốc men.

Nhà thương có ba giai cấp: các quan (bác sĩ), các thày (khán hộ, sinh viên, nhân viên), ma-lát (malade, con bệnh) và hai khu vực: khu làm phúc, khu trả tiền. Một khán hộ phải lo cho cả trăm bệnh nhân. Vệ sinh không bảo đảm trong vùng làm phúc: một thùng nước uống cho cả phòng, ma-lát cứ việc thò tay bẩn cầm ống bơ vục nước mà uống! Một tuần ba ngày người thân được vào thăm: thứ ba, thứ năm, chủ nhật, từ 2 giờ đến 4 giờ chiều, cũng là ngày phô sự bất bình đẳng giầu nghèo: vào thăm phải có giấy phép quan ký, nhưng người nghèo thường không biết chữ, không biết xin giấy, mà các quan lại bận. Có người từ quê ra, không biết cách xin vào, đành phải về không. Có người đem quà đến thăm chồng, lạy lục mãi mới vào được, mới hay chồng chết đã mấy hôm. Người vú em [làm cho gia đình Thạch Lam] nằm bệnh viện, lỡ để cái chén lên bàn [ma-lát làm phúc không được để đồ dùng của mình lên bất cứ đâu] bị quan tát cho một cái: “Đây có phải nhà của chúng mày đâu?” Ma-lát làm phúc, phải ăn đứng, cơm đỏ như gạch, vừa mốc vừa hôi, nửa hột cơm nửa sạn. Chuẩn bị đón ông Công sứ Godart, bệnh viện được lau chùi sáng loáng, mấy hôm chờ ông Công sứ đến hụt, ma-lát được ăn menu khác hẳn. Tết, cây đào nở hoa, đêm người ta thi nhau cắt trộm vất ra ngoài tường, sáng sau cây đào trụi.

Lối viết của Thạch Lam luôn luôn nhẹ nhàng, nhưng làm ta đau đớn, không chỉ vì người bản xứ vẫn bị đối xử như tôi đòi, trong bệnh viện, mà còn cả đến thói ăn cắp vặt của người mình, cây hoa trong nhà thương cũng không từ, thực nhục nhã, nhưng Thạch Lam không trách gì cả, chỉ kể lại, mới là đau.

Hà Nội băm sáu phố phường đăng trên Ngày Nay năm 1940[40]. Không ai giới thiệu Hà Nội của Thạch Lam hay và đầy đủ hơn Khái Hưng:

   Và Thạch Lam thủ thỉ–bao giờ Thạch Lam cũng chỉ thủ thỉ, dù tức giận đến đâu.

   Những thanh sắt ở đó (chùa Ngọc Sơn) cũng khá lâu rồi thì phải, mà chưa thấy ủy ban nào đó làm việc gì cả. Việc thì rất giản dị: nghĩa là bỏ những cái đó đi là xong.

   Nhưng Thạch Lam lưu tâm nhất đến cuộc sống hàng ngày của Hà Thành, đến những cái thú con của dân thành phố, cũng là những nhân vật bé nhỏ, đã gây cho thành phố cái tính cách đặc biệt của nó.

   Ta hãy nghe Thạch Lam mở mục quà Hà Nội với một giọng yêu đương mà tự phụ của một dân Hà Nội:” Quà Hà Nội xưa nay vẫn có tiếng là ngon lành và lịch sự. Ở các thôn quê, chút “quà Hà Nội” là của mong đợi, và tỏ được lòng quý hóa của người cho…”

   “… Nếu chúng ta về các tỉnh nhỏ ít lâu, hay ở ngay Hải Phòng, Nam Định nữa, chúng ta mới biết quà Hà Nội có vị ngon là chừng nào! Cũng là thứ bún chả chẳng hạn, cũng rau ấy, bún ấy, thế mà sao bún chả của Hà Nội ngon và đậm thế, ngon từ cái mùi thơm, cái nước chấm ngon đi.”

   Ta nghe như thấy tiềng nhai và tiếng xuýt xoa của người ăn bún chả. Ngon thật! Và cái ngon, cái đặc sắc của Hà Nội ấy đáng được người ta nói đến và chép lại như người ta đã nói, đã chép lịch sử bà Bé Tý, bà Tư Hồng, hai nhân vật Hà Nội nhất của thời nay.”
(Tựa của Khái Hưng).

Bài Tựa này đề ngày 20-7-43. Ngày ấy Khái Hưng đã được tha về, ông vội thu thập những bài viết cuối cùng của Thạch Lam trên Ngày Nay: Hà Nội băm sáu phố phường, in thành sách. Thạch Lam mất đã hơn một năm[41], Nhất Linh còn lánh bên Tầu và Hoàng Đạo chắc chưa được thả. Hà Nội băm sáu phố phường, trong giây phút ấy, là chứng nhân của tình bạn, tình yêu, tình đoàn kết, giữa đất nước và con người. Lời Khái Hưng gắn bó sâu sắc với lịch sử hơn một ngàn năm, với Long Biên, tên thứ nhất của Hà Nội, khi Cao Biền đắp, tất cả chỉ để nói rằng: tình yêu, tình đoàn kết dân tộc ngàn năm, luôn luôn nằm trong chữ nghĩa.

Bóng người Yên Thế

Chúng tôi dành những dòng cuối cho bài Bóng người Yên Thế[42], một phóng sự lịch sử, mà ngoài ngòi bút tế nhị của Việt Sinh (Thạch Lam), không chắc mấy ai viết được.


Tự Lực văn đoàn – Văn học và cách mạng - Page 8 Tlvd1412

Hoàng Hoa Thám, bà Đặng Thị Nhu, vợ Ba, và Hoàng Thị Thế, con gái, Ngày Nay số 7


Tự Lực văn đoàn – Văn học và cách mạng - Page 8 Tlvd1413

Hoàng Văn Vi, Ngày Nay số 8


Tự Lực văn đoàn – Văn học và cách mạng - Page 8 Tlvd1414

Bà Lý Chuột, Ngày Nay số 8


Năm 1935, ít ai dám công khai nhắc đến Hoàng Hoa Thám như một vị anh hùng, vì người Pháp đang còn hân hoan kiêu hãnh gửi bưu thiếp đầu lâu pirates (bọn cướp) về nước. Việt Sinh có lẽ là người đầu tiên.

Thực hiện phóng sự Bóng người Yên Thế, Việt Sinh đã đến tận sào huyệt cuối cùng của Đề Thám để tìm lại những nhân chứng cuối cùng đã sống với người anh hùng Yên Thế. Ngòi bút ông không còn là của một nhà báo đi làm phóng sự, mà của một nhà văn yêu nước tìm đến vùng đồi núi thiêng liêng, phanh phui tâm khảm rừng sâu Yên Thế:

   Vùng Yên Thế: một vùng hiểm trở, toàn đồi, toàn những rừng rậm tối tăm, những bụi cây gai góc, những ngàn lau sắc và những nội cỏ mênh mông mà chỉ khi gió đến, ngả nghiêng rập rờn như sóng chiều lên mặt bể ngoài khơi.

Hai phụ nữ can trường của Tướng quân

Thạch Lam đến đất Yên Thế, nơi người anh hùng đã tung hoành, đã thất thế, tất cả đã xong, chẳng còn lại gì, trừ Hoàng Văn Vi, người con trai độc nhất của Đề Thám, sống sót, trong thờ ơ, lãnh đạm của dân quanh vùng. Văn Vi được mô tả như một người rụt rè nhút nhát lúc đầu, rồi dần dần khi bước vào rừng núi, trở lại với bản lĩnh kế vị người cha. Nhưng điều đáng chú ý ở đây, không phải là Hoàng Văn Vi, mà là hai người phụ nữ, mà chúng ta chưa từng biết đến tên, nói chi những hành động phi thường của họ, nếu không được Văn Vi kể, Việt Sinh ghi lại:

   Tôi ra đời năm 1908, trong lúc cha tôi còn đang cầm cự với nhà nước. Bấy giờ, thế quân đã yếu, thường cứ phải trốn tránh luôn, nay đóng chỗ này, mai đóng chỗ khác. Đẻ tôi cũng theo thầy tôi ở trong trại, sinh hạ được hai người con: chị tôi là Hoàng Thị Thế và tôi.
   Người vú nuôi tôi có kể lại cho tôi biết cái đêm tôi ra đời chính là một đêm hãi hùng, lo sợ. Đêm ấy, ngày mồng hai tháng mười, sau một trận to, thầy tôi lui quân đóng ở Phồn Xương. Trong trại quân nhung, đẻ tôi không muốn cha tôi và quân lính, vì một người đàn bà mà bận lòng, nên nửa đêm, lẻn ra ngoài trại, đến gốc cây rẻ, chính mình lại đỡ đẻ cho mình. Rồi từ đây làm một mưu sĩ và một người tướng xông pha trên trận, đẻ tôi cũng không có lúc nào bận đến con thơ nữa. Vì vậy, ngay sau khi đẻ, giao tôi cho một người quen là bà Lý Chuột ở cùng làng.

Người đàn bà thứ nhất là “đẻ tôi”, tên Đặng Thị Nhu, đang đêm lẻn ra ngoài trại đẻ một mình, rồi trao con cho vú trở lại bộ chỉ huy bàn tính kế hoạch chống Pháp. Người ấy là bà Ba Cẩn, Tướng của Đề Thám. Bà và con gái bị bắt năm 1909[43]. Theo Claude Gendre, Đề Thám bị ám sát hồi 6 giờ sáng ngày 10 tháng 2 năm 1913[44]. Cái chết của bà Đặng Thị Nhu các nơi ghi khác nhau: Theo Ngày Nay, bà tự vận năm 1913, khi bị đi đầy ở Guyane[45]. Theo Philippe Chaplain, bà qua đời vì bệnh lao ở trại cách ly Alger trên đường sang Guyane ngày 25-11-1910[46]. Nhưng có ai biết được hành động phi thường tự đẻ con, trao cho vú của người mẹ nữ tướng trong đêm địch tấn công mãnh liệt vào đại bản doanh?


Người đàn bà thứ hai “u tôi” là mẹ nuôi, gắn bó với thân phận đứa bé mới sinh: Hoàng Văn Vi[47]:

   U nuôi tôi thương tôi hơn con đẻ. Vì tôi mà chịu bao nhiêu nỗi long đong, khổ sở. Năm tôi lên một, có người con rể làm lý trưởng lẻn ra tỉnh báo, nhà nước sai lính về bắt tôi, u nuôi tôi cùng mấy người con. Nhưng hỏi thế nào, u nuôi tôi cũng cứ nhất định một mực nhận tôi làm con đẻ. Người ta đã bắt người con trai u nuôi tôi, năm ấy 17 tuổi, bỏ vào rọ lăn qua đám trông gai, u nuôi tôi chỉ ứa nước mắt mà lắc đầu. Sau cùng lắm, không biết làm thế nào, họ đưa tôi và u nuôi tôi đi khắp đó đây, tỉnh này sang tỉnh khác, đến những người quen biết thầy tôi trước để hỏi xem tôi có giống thầy tôi không. Nhưng may lúc bấy giờ tôi giống u nuôi tôi lạ[48]. Vì thế nên sau khi đi chán các nơi, họ cũng lại đành để cho u nuôi tôi ẵm tôi trở về làng.
   Suốt mấy năm được yên ổn. Người con rể đi báo ngày trước, thầy tôi bắt trói ngược lên cây gạo toan chém. Nhưng vì u nuôi tôi xin mãi, nên thầy tôi cũng tha.


Nếu Đề Thám đã gặp trăm ngàn kẻ phản bội trong cuộc đời tranh đấu, thì chỉ một tấm gan của bà Lý Chuột, cũng đủ phủ nghiã can trường lên tất cả những hành vi đê hèn phản phúc.

Rồi đến cụ già Giáp Văn Phúc, 76 tuổi, Cai Cờ, đã từng vào sinh ra tử bên Đề Thám, bị bắt, bị đi đầy ở Guyane, trở về, ngồi bên chiếc quan tài kê sẵn góc tường, kể với Việt Sinh: “Ấy, tối hôm qua, tôi vừa nằm mộng thấy quan tôi đấy. Ở đây năm nào chúng tôi cũng nhớ ngày cúng giỗ, ngày mồng tám tháng giêng. Lắm lúc ngồi, tôi cứ phảng phất như thấy hình bóng người ở bên mình, lại nhớ cái hồi tuổi trẻ…”

Và bà vợ Cai Cờ, chưa hề phai nhạt khí phách xưa: “Bà Cai đôi mắt long lanh, cất tiếng nói sang sảng: “Tôi còn nhớ những ngày theo “quan lớn tôi” ở trong trại, thật lắm bữa gian nan khổ sở…”

Khu rừng cuối


Sau khi giới thiệu những bộ mặt trung thành tuyệt đối với tướng quân Đề Thám, Việt Sinh tìm đến căn cứ cuối cùng, nơi những trận đánh kinh hồn đã diễn ra:

   Chúng tôi sang đồn Gò để tìm xem trên những dẫy đồi trùng điệp ấy còn có những dấu tích gì còn lại của một thời Đề Thám xưa.
   Đến đây, nội cỏ mênh mông và bụi rậm bắt đầu nhường chỗ cho những khu rừng lau rậm rạp, cây cối sầm uất, um tùm. Rừng rẻ và rừng lim, sát chen lẫn nhau, những cây trò cao vút, thân cây thẳng và trắng kẻ nổi lên trên cái nền xanh đen của muôn vàn thứ lá rườm rà.…
   Ở trong những bụi cây như thế, một nguời ẩn núp thì trăm người cũng khó mà sục tìm được (…) Cái sức mạnh của Đề Thám là ở chỗ đó. Những đoạn đánh giết nhau kịch liệt chính đã xẩy ra ở giải đồi này.…
   Mà cũng chính trong khu rừng rậm ở đồi này đã kết liễu một cách khốn nạn không ai ngờ cái đời mãnh liệt của ông chủ Yên Thế.
   Người ta cho là số mệnh. Vì trong trận Nhật Lệ cuối cùng, còn có một thầy với hai trò, mà ngoài quân lính vây trùng điệp, đốt cỏ cho chết cháy, thế mà trời mưa tắt lửa, thế mà Thám ra thoát vòng vây như không….
   Mấy tên quân của Đường Tam Kỳ sang, Thám đã nghi rồi, sao còn chù chừ không giết?
   Mà buổi sáng ấy ở trong rừng Thám xưa nay nằm ngủ không che mặt bao giờ, hôm ấy lại kéo chăn trùm kín, để đến nỗi mấy tên quân kia vác cuốc đến mà không biết. (.…)
   Một cái cảm giác buồn rầu, lạnh lẽo mà buổi chiều lại làm lạnh lẽo thêm như thấm thía vào trong người… Tôi lặng yên nhìn ông Vi! Ông ta đứng sững bên bờ thành, mắt đăm đắm như nhớ lại những sự đau đớn xót thương….
   Bóng mây chiều bỗng che rợp dẫy đồi… Tôi tưởng như bóng người Yên Thế lẩn quất đâu đây, mênh mông, rộng rãi như ôm ấp cả một vùng…


Tại sao đúng lúc đó Thạch Lam lại lên Yên Thế? Lại viết như thế? Viết những dòng khắc sâu vào tâm khảm người Việt, ở bất cứ nơi nào, thời nào, như thế?

Thạch Lam là một người bí mật có hành động đột xuất và khai phá. Những việc người thanh niên này đốt đèn trong Hà Nội ban đêm, hay lên bản Mường xem múa Xoè, rồi đi tìm Bóng người Yên Thế, dường như liên hệ mật thiết với nhau, có gì như tiên tri, dẫn đường: Hà Nội ban đêm khai phá nền phóng sự; múa Xoè ảnh hưởng đến tuỳ bút nói chung, Nguyễn Tuân nói riêng, và Yên Thế, phải chăng đã mở màn cho cách mạng Tự Lực Văn Đoàn?

Thạch Lam đã khai trương báo Ngày Nay bằng chân dung hai người phụ nữ phi thường, bên chiếc bóng chập chờn của vị anh hùng Yên Thế.


Thụy Khuê
Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7114
Registration date : 01/04/2011

Tự Lực văn đoàn – Văn học và cách mạng - Page 8 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Tự Lực văn đoàn – Văn học và cách mạng   Tự Lực văn đoàn – Văn học và cách mạng - Page 8 I_icon13Mon 28 Feb 2022, 13:10

TỰ LỰC VĂN ĐOÀN - VĂN HỌC VÀ CÁCH MẠNG

Thuỵ Khuê

[1] Theo quảng cáo đăng trên Ngày Nay số 13 (21-5-35).

[2] Ngày Nay mới đầu 10 ngày ra một lần. Trên số 5 (10-3-35) quảng cáo: Ngày Nay tạm nghỉ một kỳ và bắt đầu từ tháng sau, 1-4-35, ra hàng tuần. Số 6 (2-4-35), bỏ tên Nguyễn Tường Cẩm và Nguyễn Tường Lân. Số 7 (9-4-35) đầu báo đề: Giám Đốc Nguyễn Tường Tam. Chủ bút: Nguyễn Tường Lân. Quản lý: Nguyễn Văn Thức. Nguyễn Văn Thức sẽ biển thủ ngân quỹ Phong Hóa Ngày Nay (xem chương: Khái Hưng và Phong Hóa).

[3] Nguyễn Tường Cẩm đã viết hai bài trên trên Phong Hóa, là Thomas Bata, nhà đóng giầy trứ danh mới từ trần, PH số 16 (6-10-32) và truyện ngắn Bích Châu, trên Phong Hóa số 67 (6-10-33).

[4] Phóng sự La Khê dệt lụa, in trên NN số 1 (30-1-35); Năm mới, NN số 2 (10-2-35); Nền Mỹ thuật Việt Nam, NN số 3 (20-2-35); Dân quê, NN số 4 (1-3-35).

[5] Sắm tếtGió bấc lạnh lùng, NN số 1 (30-1-35); Dưới bến trên thuyền, NN số 2 (10-2-35); Thủy tiên ngày TếtTục ngày tết, NN số 3 (20-2-35); Ngày giỗ trận… ở chùa Đồng Quang, NN số 3 (20-2-35); Trên đồi Lim hội hè đinh đám, NN số 4 (1-3-35); và Lạng Sơn ngày hội viết chung với Thế Lữ, NN số 5(10-3-35).

[6] Trước vành móng ngựa in trên Phong Hóa từ số 151 (31-8-35) và ngừng ở Ngày Nay số 140 (10-12-38).

[7] Chương 1, Tôi kéo xe (bản XuânThu in lại tại Hoa Kỳ, không đề năm, trang 9).

[8] Trong cuốn Tôi kéo xe in năm 1969, tại Sài Gòn, ở cuối có đề: Hanoi, Juin 1932, và Tam Lang, trong bài bạt viết rằng: “Năm 1932, viết thiên phóng sự Tôi kéo xe, cho đăng trên Hà Thành Ngọ Báo, và năm 1935, tự bỏ tiền ra in thành sách”. Vũ Ngọc Phan không nói đến việc Tôi kéo xe in ở Ngọ Báo và chúng tôi đã tìm trên Hà Thành Ngọ Báo, bản điện tử của Thư Viện Quốc Gia, cũng chưa thấy Tôi kéo xe, vì bản này cũng thiếu nhiều số.

[9] Tam Lang, trong bài bạt Tôi kéo xe.

[10]Tôi kéo xe, bản Xuân Thu chụp in lại tại Hoa Kỳ, trang 11.

[11] Kỹ nghệ lấy Tây (in trên Nhật Tân từ số 69, 3-12-34), Đông Phương in thành sách năm 1936 và Cơm thầy cơm cô (đăng trên Hà Nội báo từ số 12 (25-3-36), Minh Phượng in năm 1937.

[12] Trích Tuyển tập Vũ Trọng Phụng, tập I, nxb Văn Học, Hà Nội, 1996, trang 581.

[13] Tuyển tập Vũ Trọng Phụng, tập I, trang 582.

[14] Bút hiệu Nhất Chi Mai được ký dưới bài Quần trắng áo lam (PH số 4, 7-7-32) và Một buổi diễn kịch làm phúc (PH số 5, 14-7-32), xem chương Tú Mỡ và Thế Lữ.

[15] Đúng ra, ông có dùng hai lần, trên Phong Hóa số 122 (2-11-34) với bài phóng sự Từ viện dân biểu cho đến ô tô hàng ký Nhất Chi Mai. Và PH số 124 (16-11-34) với bài phóng sự Đi thăm mấy ngôi mả sống ở Thái Bình ký Nhất Chi Mai, nói về những ngôi sinh phần (mả sống) đồ sộ của các tuần phủ, dân biểu ở tỉnh Thái Bình.

[16] In trên Ngày Nay, từ số 2 (10-2-35) đến số 8 (16-4-35).

[17] In trên Ngày Nay số 4 (1-3-35) và số 5 (10-3-35).

[18] In trên Ngày Nay, từ số 6 (2-4-35) đến số 13 (21-5-35).

[19] In trên Ngày Nay từ số 6 (2-4-35) đến số 13 (21-5-35).

[20] Theo website Nhân vật lịch sử Việt Nam, Trọng Lang sinh ngày 2-10-1916 tại Hà Đông, mất ngày 29-4-1986 tại Sài Gòn.

[21] Lạc vào động bà chúa Hàng Bạc in trên NN số 1(30-1-35), số 2 (10-2-35), số 3 (20-2-35) và số 4 (1-3-35).

[22] Phóng sự này in trên Ngày Nay từ số 3 (20-2-35) đến số 13 (21-5-35).

[23] Đăng trên Ngày Nay từ số 6 (2-4-35) đến số 9 (23-4-35).

[24] In trên Ngày Nay từ số 11 (7-5-35), đến số 13 (21-5-35) rồi chuyển sang Phong Hóa từ số 151 (31-8-35) đến số 157 (11-10-35), vì Ngày Nay ra không đều.

[25] In trên Phong Hóa, từ số 152 (6-9-35) đến số 157 (11-10-35).

[26] In trên Phong Hóa, từ số 164 (29-11-35) đến số 173 (7-2-36).

[27] Đăng trên Ngày Nay, từ số 48 (27-2-37) đến số 75 (5-9-37). Đời Nay xuất bản 1938. Nhã Nam mới tái bản.

[28] In trên Ngày Nay, từ số 95 (23-1-38) đến số 120 (24-7-38).

[29] In trên Ngày Nay, từ số 177 (2-9-39) đến số 194 (30-12-39).

[30] In trên Ngày Nay kỷ nguyên mới, từ số 1(5-5-45) đến số 4 (26-5-45). Bản điện tử Ngày Nay kỷ nguyên mới, thiếu 3 số: 5, 6 và 7, nên không biết phóng sự Đói kết thúc ở số nào.

[31] In trên Ngày Nay kỷ nguyên mới, từ số 8 (23-6-45) đến số 16 (18-8-45).

[32] Từ số 48 (27-2-37) đến số 75 (5-9-37). Đời Nay in năm 1938. Nhã Nam tái bản 2015.

[33] Xăm hay săm là chambre (phòng ngủ).

[34] Trích Ngày Nay, từ số 68 (18-7-37) đến số 75 (5-9-37).

[35] Trên đồi Lim (PH số 33, 10-2-33), Nghe hát quan họ một đêm ở Lũng giang (PH số 34, 17-2-33), Xoè của các cô nàng, (PH số 77, 15-12-33) và Phong dao Mường (PH số 78, 22-12-33).

[36] In trên Ngày Nay số 4 (1-3-35), viết về tình trạng nhà cửa tối tăm, chật hẹp, lầm lội, nhớp nháp, trẻ con chơi trong bùn, ở thôn quê, với hình ảnh đi kèm. Bài này có mục đích giới thiệu những nhà mẫu cho dân quê của kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện (đã in trên Phong Hóa) mở đầu chương trình Nhà Ánh Sáng, thực hiện hai năm sau.

[37] In trên Ngày Nay số 5 (10-3-35) cũng với hình ảnh đi kèm, Việt Sinh đi theo những thuyền chài, khám phá đời sống của họ, tìm hiểu những thủ thuật trong nghề đánh cá.

[38] In trên Ngày Nay số 8 (16-4-35) và số 9 (23-4-35).

[39] In trên Ngày Nay, từ số 59 (16-5-37) đến số 65 (27-6-37).

[40] Từ Ngày Nay số 201(2-3-40) đến số 223 (31-8-40).

[41] Thạch Lam mất ngày 27-6-1942.

[42] In trên Ngày Nay số 8 (16-4-35) và số 9 (23-4-35).

[43] Hoàng Thị Thế được toàn quyền Albert Sarraut nhận làm con nuôi, cho sang Pháp học, cựu toàn quyền Paul Doumer đỡ đầu, năm 1925, đỗ tù tái I, trở về nước làm ở Phủ thống sứ Bắc kỳ. Năm 1927 trở lại Pháp, năm 1930, bắt đầu đóng phim, năm 1931, kết hôn với Robert Bourges, người Bỉ, có một con trai, Jean-Marie Bourges. Năm 1960, bà trở về nước, mới đầu ở Hà Nội, sau lên Bắc Giang rồi trở về lại Hà Nội ở đến lúc mất năm 1988. Xem Kỷ niệm thời thơ ấu Hoàng Thị Thế, hồi ký của con gái Hoàng Hoa Thám, do Lê Kỳ Anh (Hoàng Cầm) dịch từ tiếng Pháp, Khổng Đức Thiêm hiệu đính, Nxb Khoa Học Xã Hội Hà Nội, 2017.

[44] Theo Claude Gendre, Le Dê Thám (1846-1913) Un résistant Viêtnamien à la colonisation française (Đề Thám (1846-1913) một người Việt kháng chiến chống chế độ thực dân Pháp), L’Harmattan, Paris, 2009, trang 195.

[45] Theo lời ghi dưới ảnh bà, in trên Ngày Nay số 7 (9-4-35), trang 7.

[46] Le Dê Thám (1846-1913), sđd, trang 181.

[47] Hoàng Văn Vi là tên đặt để trốn Pháp, nguyên tên là Hoàng Hoa Phồn, do cha mẹ đặt để kỷ niệm đồn Phồn Xương. Hoàng Văn Vị mất năm 1945, ở tuổi 37, sau Thạch Lam 3 năm, trong hoàn cảnh nào, không thấy đâu ghi rõ.

[48] Bây giờ thì trông nét mặt ông lại giống nét mặt Đề Thám (chú thích của Việt Sinh).
Về Đầu Trang Go down
Sponsored content




Tự Lực văn đoàn – Văn học và cách mạng - Page 8 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Tự Lực văn đoàn – Văn học và cách mạng   Tự Lực văn đoàn – Văn học và cách mạng - Page 8 I_icon13

Về Đầu Trang Go down
 
Tự Lực văn đoàn – Văn học và cách mạng
Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Similar topics
-
» Tự Điển Tiếng Việt Đổi Đời-Đào Văn Bình
» Sau 50 Năm Đọc Lại Quốc Văn Giáo Khoa Thư (GS Trần Văn Chi)
» Hoa văn là gì và ý nghiã của hoa văn trên mộ đá công giáo
» Nguyễn Du
» Dùng văn tải đạo
Trang 8 trong tổng số 8 trangChuyển đến trang : Previous  1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
daovien.net :: VƯỜN VĂN :: BIÊN KHẢO, BÌNH LUẬN THƠ VĂN-