Trang ChínhTìm kiếmLatest imagesVietUniĐăng kýĐăng Nhập
Bài viết mới
Những Bài Giảng Hay Thầy Thích Pháp Hoà by mytutru Yesterday at 20:28

Thơ Nguyên Hữu 2022 by Nguyên Hữu Yesterday at 20:15

Hơn 3.000 bài thơ tình Phạm Bá Chiểu by phambachieu Yesterday at 16:18

BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-1965 - LM CAO VĂN LUẬN by Trà Mi Yesterday at 10:41

TRUYỆN KIỀU CÓ TRƯỚC ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH, VÀ LÀ CỦA VIỆT NAM ??? by Trà Mi Yesterday at 10:27

Lục bát by Tinh Hoa Yesterday at 07:21

PHÁP VIỆN MINH ĐĂNG QUANG TĂNG NI & Đại Chúng by mytutru Yesterday at 00:55

SƯ TOẠI KHANH (những bài giảng nên nghe) by mytutru Sat 16 Mar 2024, 20:15

Xem tướng mạo đàn ông ngoại tình, lăng nhăng by Trà Mi Sat 16 Mar 2024, 10:05

Putin dối trá khi trả lời Tucker Carlson by Trà Mi Fri 15 Mar 2024, 11:39

Trang thơ Tú_Yên (P2) by Tú_Yên tv Fri 15 Mar 2024, 11:20

Chùm thơ "Có lẽ..." by Tú_Yên tv Fri 15 Mar 2024, 11:09

Thơ Tú_Yên phổ nhạc by Tú_Yên tv Fri 15 Mar 2024, 11:07

7 chữ by Tinh Hoa Fri 15 Mar 2024, 03:27

Một thoáng mây bay 12 by Ai Hoa Thu 14 Mar 2024, 09:55

BẮT CÁ TRỜI MƯA by Phương Nguyên Wed 13 Mar 2024, 20:48

5 chữ by Tinh Hoa Wed 13 Mar 2024, 07:56

Tiến Trình Tu Học Phật - Thành Phật by mytutru Mon 11 Mar 2024, 23:17

Tập Mỗi Ngày by mytutru Mon 11 Mar 2024, 22:48

Lan ĐV 8 by buixuanphuong09 Mon 11 Mar 2024, 11:06

SẦU LY BIỆT by Phương Nguyên Mon 11 Mar 2024, 08:02

LỀU THƠ NHẠC by Phương Nguyên Sun 10 Mar 2024, 08:39

MỪNG NGÀY 08.03 by Phương Nguyên Sun 10 Mar 2024, 08:21

Chỉn by Trà Mi Sat 09 Mar 2024, 12:30

Lỗi 404 by mytutru Fri 08 Mar 2024, 11:09

Thể Tánh Muôn Loài by mytutru Tue 05 Mar 2024, 23:44

5-8-8-8 by Tinh Hoa Tue 05 Mar 2024, 03:32

Còn mãi duyên thầy by buixuanphuong09 Mon 04 Mar 2024, 13:37

Con Đường Tâm Mytutru TKN Đào Liên by mytutru Sat 02 Mar 2024, 12:09

Hoa Sen Ao Sen by mytutru Sat 02 Mar 2024, 08:27

Tự điển
* Tự Điển Hồ Ngọc Đức



* Tự Điển Hán Việt
Hán Việt
Thư viện nhạc phổ
Tân nhạc ♫
Nghe Nhạc
Cải lương, Hài kịch
Truyện Audio
Âm Dương Lịch
Ho Ngoc Duc's Lunar Calendar
Đăng Nhập
Tên truy cập:
Mật khẩu:
Đăng nhập tự động mỗi khi truy cập: 
:: Quên mật khẩu

Share | 
 

 VỤ NHÂN VĂN GIAI PHẨM TỪ GÓC NHÌN CỦA ĐẠI TÁ CÔNG AN

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Chuyển đến trang : Previous  1, 2, 3
Tác giảThông điệp
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7077
Registration date : 01/04/2011

VỤ NHÂN VĂN GIAI PHẨM TỪ GÓC NHÌN CỦA ĐẠI TÁ CÔNG AN  - Page 3 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: VỤ NHÂN VĂN GIAI PHẨM TỪ GÓC NHÌN CỦA ĐẠI TÁ CÔNG AN    VỤ NHÂN VĂN GIAI PHẨM TỪ GÓC NHÌN CỦA ĐẠI TÁ CÔNG AN  - Page 3 I_icon13Tue 06 Nov 2018, 08:27

VỤ NHÂN VĂN – GIAI PHẨM MỘT TRÀO LƯU DÂN CHỦ, MỘT CUỘC CÁCH TÂN VĂN HỌC KHÔNG THÀNH
 
LÊ HOÀI NGUYÊN

IV- Hậu Nhân Văn Giai Phẩm

(tiếp theo)

Đặng Đình Hưng cũng âm thầm thể nghiệm một thể thơ hiện đại trên chất liệu chính cuộc sống mòn mỏi, tù túng của ông, sau này in thành tập Ô Mai và Bến Lạ.

Tôi lại đi…
Jiữa cái nong hình dáng lưng tôi, một bảng đen trước mặt, một vòng phấn dưới chân, zính zính… những con 8 lộn zọc nhẵn thín nam châm gói tronghatj thóc zống của không biết
… Tôi hề biết
/ kể cả quả mít nứt
Tôi đã tìm ở sau cái gương/ cũng không có jì hết
Tôi đã tiếp đau thương những nhỏ nhỏ
thường thường
Đã húp ra đi từng bát những nhạt nhạt
mềm mềm
và rất ngon

Ông đã mất năm 1990 tại thành phố HCM.

Trân Duy từ bỏ văn chương tuy không phải nghề chính nhưng ông cũng được đánh giá cao với truyện ngắn Tiếng sáo tiền kiếp trên Giai phẩm Mùa Thu tập I. Ông chuyên tâm với tranh lụa mà đề tài là các di tích văn hóa lịch sử, các danh thắng và có được một bộ sưu tập có giá trị. Ông được khôi phục Hội viên Hội nghệ sĩ tạo hình năm 1988, mở Triển lãm tranh năm 1991. Gần đây ông lại tái xuất giang hồ với vài truyện ngắn và đoạt ngay giải thưởng truyện hay trong năm của báo Văn Nghệ.

Nguyễn Hữu Đang ra tù từ năm 1973 nhưng bị quản chế kéo dài ở quê ông Vũ Thư Thái Bình. Ông nghiên cứu về triết học Trung Quốc, đặc biệt là Lão Trang, về Lịch sử Đảng cộng sản Liên Xô. Ông có viết, đăng một số bài báo về Hội truyền bá quốc ngữ, về Văn hóa Cứu quốc, về điện ảnh trước 1945 và một vài truyện ngắn. Ông đã mất năm 2007.

Thụy An cũng ra tù từ 1973, an trí tại quê làng Hòa Xá Hà Tây, sau chuyển vào thành phố Hồ chí Minh sống với con cháu. Có nguồn nói rằng trong thời gian ở tù bà có làm được một số bài thơ nhưng chưa thấy công bố. Con trai của bà là Bùi Thụy Băng ở Ca Na Đa đã công bố cuốn hồi ký về bà. Bà đã mất năm 1989 tại thành phố Hồ Chí Minh. Nói thêm về Thụy An: Bà đã có mặt trong Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan xứng đáng với tư cách là một nhà văn nữ viết tiểu thuyết. Bà còn là một nhà báo có năng lực, dũng cảm đấu tranh cho nữ quyền, từng là Chủ nhiệm báo Đàn bà mới, Quyền Tổng Giám đốc Việt tấn xã, là hội viên HNVVN khóa I 1957.

Trần Dần là người tỏ ra bền bỉ và dẻo dai kiên trì với đường lối thơ cách tân siêu thực theo một kế hoạch nghiêm túc. Ông có nhiều tập thơ sau này đã in trong Trần Dần Thơ năm 2008, tiểu thuyết thơ Cổng Tỉnh xuất bản 1994 được Giải thưởng HNVVN năm 1995, tiểu thuyết Những ngã tư, những cột đèn, Một ngày Cẩm Phả… Ông đã mất năm 1997.

Lê Đạt sau thời gian dịch sách và đọc sách phương Tây đã tập trung vào cách tân hình thức thơ mà sau đổi mới ông đã in thành tập Bóng chữ gây nhiều tranh cãi. Đồng thời ông còn sáng tác truyện ngắn phần lớn mượn đề tài lịch sử hoặc phương Tây. Ông đã mất năm 2008.

Các nhà văn, họa sĩ, nghệ sĩ khác bị xử lý nhẹ hơn vẫn tiếp tục sáng tác và công bố tác phẩm như bộ tứ Nguyễn Tư Nghiêm – Dương Bích Liên- Nguyễn Sáng – Bùi Xuân Phái, Nguyễn Bính, Trần Lê Văn, Huy Phương, Thái Vũ ( Bùi Quang Đoài), Phan Vũ, Quang Dũng, Hoàng Tố Nguyên, Yến Lan, Nguyễn Thành Long, Hải Bằng, Nguyễn Văn Tý, Phạm Kỳ Nam, Văn Tâm, Hoàng Yến …

Có một số người sau NVGP không hoặc hầu như không sáng tác hoặc không công bố tác phẩm cho đến thời kỳ đổi mới như Nguyễn Khắc Dực, Chu Ngọc, Sĩ Ngọc, Lê Đại Thanh, Hữu Loan, Thanh Châu, Hoàng Tích Linh, Trần Công, Trần Thịnh, Hoàng Huế, Thúc Hà, Trương Tửu…

Trong thời gian này có một sự kiện đáng chú ý là ở Hà Nội xuất hiện một nhóm văn nghệ sĩ trẻ lấy tên là nhóm Văn nghệ chân đất với tuyên ngôn nêu gương các đàn anh NVGP, đòi tự do sáng tác và thể nghiệm nghệ thuật. Nhóm này chỉ sinh hoạt bí mật, tùy hứng chưa có tổ chức nhưng đến năm 1983 một thành viên là Diệu Tô Minh làm việc ở Đài Phát thanh TNVN vượt biên và công bố trước một tòa án nhân quyền ở Paris bản Tuyên ngôn của nhóm Văn Nghệ Chân đất, tài liệu Một nền thơ ly khai chủ nghĩa xã hội ở Hà Nội, trong đó có nhiều người sau này đã trở thành hội viên HNVHN, HNVVN như Lê Huy Quang, Chu Hoạch, Phan Đan, Lương Vĩnh…(29)

Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7077
Registration date : 01/04/2011

VỤ NHÂN VĂN GIAI PHẨM TỪ GÓC NHÌN CỦA ĐẠI TÁ CÔNG AN  - Page 3 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: VỤ NHÂN VĂN GIAI PHẨM TỪ GÓC NHÌN CỦA ĐẠI TÁ CÔNG AN    VỤ NHÂN VĂN GIAI PHẨM TỪ GÓC NHÌN CỦA ĐẠI TÁ CÔNG AN  - Page 3 I_icon13Tue 13 Nov 2018, 08:49

VỤ NHÂN VĂN – GIAI PHẨM MỘT TRÀO LƯU DÂN CHỦ, MỘT CUỘC CÁCH TÂN VĂN HỌC KHÔNG THÀNH
 
LÊ HOÀI NGUYÊN

IV- Hậu Nhân Văn Giai Phẩm

(tiếp theo)

2-Thời kỳ 1987 đến nay

Sau khi có Nghị quyêt 05 của Bộ Chính trị ĐCSVN Về đổi mới công tác quản lí văn học nghệ thuật trong tình hình hiện nay vấn đề NVGP đã được đặt ra ở góc độ xem xét phục hồi hội tịch cho số người bị khai trừ có thời hạn nhưng kéo dài vô thời hạn, đồng thời giải quyết chế độ chính sách như cấp nhà, nâng lương cho một số người. Nguyễn Hữu Đang được tự do đi lại,được bố trí chuyển lên Hà Nội được cấp nhà ở. Tất cả những người tham gia NVGP được công bố tác phẩm nếu như tác phẩm của họ không vi phạm các điều cấm theo quy định. Họ tham gia vào các sinh hoạt văn học nghệ thuật bình thường. Và không thấy trong hoạt động của họ có vấn đề gì phức tạp như thời kỳ NVGP trước đây.

Các ông Văn Cao, Trần Dần, Hoàng Cầm, Lê Đạt, Phùng Quán, Hữu Loan, Lê Đại Thanh, Phùng Cung, Đặng Đình Hưng, Trần Đức Thảo Trần Duy…lần lượt cho in tác phẩm taị các nhà xuất bản trong nước. Có quy mô và bề thế là tuyển tập của các ông Trần Dần, Hoàng Cầm, Lê Đạt, Phùng Quán, Trương Tửu, Phan Khôi…

Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT đã được trao cho các ông Văn Cao, Nguyễn Văn Tý, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên, Nguyễn Sĩ Ngọc, Nguyễn Văn Tỵ, Đào Duy Anh, Trần Đức Thảo, Nguyễn Bính, Lộng Chương, Đặng Văn Ngữ…

Giải thưởng Nhà nước về VHNT đã được trao cho các ông Trần Dần, Hoàng Cầm, Lê Đạt, Phùng Quán, Yến Lan, Phạm Kỳ Nam, Nguyễn Thành Long … và nhiều ông khác.

Dư luận đòi hỏi ĐCSVN, Nhà nước không nên mập mờ mà phải bày tỏ công khai việc đánh giá lại vụ NVGP cùng những sai lầm trong xử lý vụ án này.

Việc chiêu tuyết cho các nhân vật còn lại vẫn được tiếp tục như đối với Phan Khôi,Trương Tửu, Nguyễn Mạnh Tường, Hữu Loan, Thụy An, Tử Phác, Trần Thiếu Bảo, Phan Tại…

Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7077
Registration date : 01/04/2011

VỤ NHÂN VĂN GIAI PHẨM TỪ GÓC NHÌN CỦA ĐẠI TÁ CÔNG AN  - Page 3 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: VỤ NHÂN VĂN GIAI PHẨM TỪ GÓC NHÌN CỦA ĐẠI TÁ CÔNG AN    VỤ NHÂN VĂN GIAI PHẨM TỪ GÓC NHÌN CỦA ĐẠI TÁ CÔNG AN  - Page 3 I_icon13Thu 15 Nov 2018, 08:35

VỤ NHÂN VĂN – GIAI PHẨM MỘT TRÀO LƯU DÂN CHỦ, MỘT CUỘC CÁCH TÂN VĂN HỌC KHÔNG THÀNH
 
LÊ HOÀI NGUYÊN

IV- Hậu Nhân Văn Giai Phẩm

(tiếp theo)

3-Nguồn tư liệu và các kết quả nghiên cứu về NVGP

Đã sinh ra một tập quán kỳ lạ trong giới VHNT và NCKHXH là người ta né tránh NVGP suốt thời gian dài đến 55 năm. Cho đến nay tôi chưa thấy trong nước có bất cứ bài viết có hệ thống hoặc công trình nghiên cứu nào về NVGP đã được công bố. Vì thế tài liệu về các ấn phẩm NVGP bị rơi rụng gần hết. Tài liệu của các cá nhân NVGP thì đã bị tịch thu hoặc đem giao nộp, các gia đình không dám tàng trữ, chỉ các thư viện quốc gia mới được bảo quản và cũng không phục vụ bạn đọc. Chỉ còn trong hồ sơ công an một số ấn phẩm và một số bản thảo thời kỳ NVGP và sau NVGP. Ví dụ khi tác giả đang phụ trách công tác về chuyên đề NVGP đã trao lại cho ông Lê Đạt bản thảo bài Cửa hàng Lê Đạt, trao lại cho ông Nguyễn Hữu Đang bức ảnh có ông đứng trên lễ đài Độc Lập cùng Hồ Chủ tịch ngày 2- 9- 1945, trao lại cho Trần Dần bản thảo tiểu thuyết thơ Cổng Tỉnh, bản thảo tiểu thuyết Những ngã tư, những cột đèn

Mới đây ông Lại Nguyên Ân đi tìm dấu vết của tờ Sáng Tạo cũng cho biết rằng tại Thư viện Quốc gia cũng không tìm thấy 2 số báo hiếm hoi này. Mà nội dung của nó hầu như không được đề cập đến trong các bài nghiên cứu ở nước ngoài.

Vậy có thể một số ấn phẩm NVGP còn nằm rải rác trong một số cá nhân, người chơi sách, bán sách cũ từ thời NVGP.

Tại miền Bắc cuốn Bọn Nhân Văn Giai phẩm trước tòa án dư luận là tài liệu duy nhất tập hợp các bài tổng kết phê phán chính thống về NVGP. Một số người nghiên cứu do không có tư liệu thường dựa viết theo cuốn này khi phải nói về giai đoạn 1954- 1960. Tiếc rằng hầu hết các bài trong tập sách đều viết theo lối tố khổ CCRĐ, rất thiếu tinh thần khách quan khoa học.

Tại miền Nam, công trình sớm nhất về NVGP là cuốn Trăm hoa đua nở trên đất Bắc của Hoàng Văn Chí, một người cháu rể của Phan Khôi. Cuốn này có một bài tổng quan và tuyển tập các bài văn cơ bản của NVGP nhưng trừ ra 4 người quan trọng là Thụy An, Nguyễn Hữu Đang, Trương Tửu, Lê Đạt. Bên cạnh cuốn này một vài tuyển thi ca chung có một số bài của các nhà thơ NVGP. Các sách này trước 1975 lưu hành ở miền Nam, còn sau 1975 thì dược coi là sách cấm trong cả nước.

Như vậy trong nước chưa có một cơ quan nghiên cứu nào, một nhà nghiên cứu nào thực sự bắt tay nghiên cứu về NVGP. Hầu như toàn bộ các thế hệ sau không biết mặt mũi các ấn phẩm NVGP là thế nào, người ta chỉ lặp lại các luận điệu chính thống mỗi khi nói về nó.

Gần đây Ngành Điện ảnh đã biên soạn xong và phát hành cuốn Lịch sử Điện ảnh Việt Nam tương đối công phu dày hơn 1000 trang, nhưng coi như không có hiện tượng NVGP trong làng điện ảnh thời kỳ 1955- 1958.

Cũng may là trong số các hàng binh châu Âu khi hồi hương có người đã mang được một số ấn phẩm NVGP về Paris. Trong điều kiện đó, ở Đài RFI, BBC một vài nhà nghiên cứu văn học, sử học đã kêt hợp các tài liệu này với các cuộc phỏng vấn bằng điện thoại hoặc trực tiếp tại Paris, mới bắt đầu công bố những phác thảo gương mặt NVGP hoặc đánh gía về giai đoạn này.

Cho đến nay đã có các công trình và các tác phẩm của những người tham gia NVGP xuất bản ở nước ngoài như sau:

Cent fleurs écloses dans la nuit du Vietnam (Trăm hoa đua nở trong đêm Việt Nam) của Georges Boudarel xuất bản năm 1991. Trước đó năm 1987 đầu 1988 ông đã viết bài tựa đề Disidences intellectueles au Vietnam L'afaire Nhân Văn- Giai Phẩm (Trí thức phản kháng tại Việt Nam, vụ Nhân Văn – Giai Phẩm) in trên hai số tập san ở Paris Sudestasie và Politique Aujourdhui en Europe. Boudarel là hàng binh đã tham gia công tác cho kháng chiến chống Pháp, sau hòa bình ông làm biên dịch buổi phát thanh tiếng Pháp ở Đài Tiếng nói Việt Nam đến năm 1966 thì hồi hương. Ông là bạn của nhiều nhân vật NVGP trong quân đội.

– Thụy Khuê ở Paris cuối năm 2004 có bài Phong trào Nhân Văn Giai Phẩm và công bố loạt bài phỏng vấn Nguyễn Hữu Đang, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Trần Duy. Từ giữa năm 2009 bà công bố từng phần trên website đài RFI như một công trình nghiên cứu tương đối hoàn chỉnh với tựa đề Tìm hiểu Phong trào Nhân Văn Giai Phẩm. Đặc biệt sau phần nghiên cứu chung bà đã dựng lại chân dung tinh thần NVGP từng cá nhân trí thức văn nghệ sỹ tiêu biểu của phong trào.

– Công trình mới nhất xuất bản năm 2009 tại Berlin Funfzig Jahre danach: Hundert Blumen in Vietnam 1954- 1960 (Năm mươi năm sau: Trăm hoa đua nở ở Việt Nam 1954- 1960) của nhà nghiên cứu Heinz Schutte giảng dạy tại Khoa Đông Nam Á Đại học Hamburger. Độc đáo của công trình này là tác giả đã khai thác được hồ sơ của Sứ quán Đông Đức tại Hà Nội phản ánh sự kiện NVGP, đồng thời tác giả đã vào Việt Nam nhiều lần và kiểm chứng tư liệu cũng như đánh giá của mình qua rất nhiều nhân vật chính khách, văn nghệ sĩ thời kỳ đó.

– Năm 1992 tại Paris nhà xuất bản Quê mẹ của Võ Văn Ái in cuốn hồi ký bằng tiếng Pháp của Luật sư Nguyễn Mạnh Tường Un Excommunie ( Kẻ bị khai trừ) với tiểu tựa Hanoi 1954- 1991: Proces d'un intellectuel ( Hà Nội 1954- 1991: Kết án một nhà trí thức).

– Năm 2001 Nhà xuất bản Văn Nghệ California Hoa Kỳ xuất bản cuốn nhật kí của Trần Dần tên là Trần Dần ghi trích những ghi chép của Trần Dần trong hai thời kỳ CCRĐ và NVGP 1954- 1960. Đặc biệt đây là một cuốn sách thật nhất về NVGP, về cuộc sống thời kỳ này của dân tộc mà người ta không thể tìm thấy các hình ảnh rớm máu ấy trong các tác phẩm tuyên truyền công khai ở miền Bắc.

– Ngoài ra còn có một số cuốn khác đề cập đến NVGP như: Hồi ký Đêm giữa ban ngày của Vũ Thư Hiên do NXB Văn nghệ ở Hoa Kỳ, của Nguyễn Minh Cần, Trần Trung Phụng, Bùi Tín, Hoàng Giang, Kim.N.B. Ninh, Website của Trần Hữu Dũng, Talawas, một số bài viết trong nước, ngoài nước về các nhân vật chủ chốt NVGP và bài viết của chính họ về họ.

– Để hiểu thấu đáo bối cảnh xã hội của phong trào NVGP còn có một số tài liệu lịch sử nước ngoài nghiên cứu về Việt Nam giai đoạn 1945- 1954 đặc biệt là quan hệ giữa chủ nghĩa Mao và cách mạng Việt Nam của Vũ Ngự Chiêu (30), Vũ Tường (31), Trình Ánh Hồng (32), Davis Mar (33), Huỳnh Kim Khánh , Ninh Kim N. B (34),…

Tuy nhiên do điều kiện thiếu tư liệu và khả năng kiểm chứng, kể cả Schutte, trong các tác phẩm nói trên có một số chi tiết không chính xác. Cũng do động cơ đánh giá chưa thật sự khách quan các tác giả thường nhìn toàn bộ phong trào Nhân Văn Giai Phẩm qua hệ quy chiếu đối kháng với ĐCSVN, với chính quyền Việt Nam. Điều này có thể làm sai lệch nội dung các văn bản và gây mất thiện cảm đối với một thế hệ độc giả trong nước.

– Cũng nên nói thêm ở trong nước đã có người đang tập hợp hồ sơ về NVGP. Đó là nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân. Ông đã công bố một phần sưu tập này trên Talawas và một vài bài viết về các tờ báo Trăm hoa, Sáng Tạo, về Hội Nhà văn Việt Nam trong thời kì này (35).

– Ở các ấn phẩm khác mới xuất bản gần đây, đặc biệt là các tuyển tập của các nhà văn có vai trò nhất định trong thời kì NVGP người ta đã cắt bỏ những bài viết về NVGP, còn trong tuyển tập của các nhà văn NVGP vẫn còn có những trường hợp loại bỏ tác phẩm mặc dù nó không sai trái theo quan điểm hiện nay như của Trương Tửu, Phan Khôi, Trần Duy. Ở một số cuốn hồi kí khi đến giai đoạn này người ta chỉ lướt qua một vài dòng, kể cả hồi kí của Đào Duy Anh, Vũ Đình Hòe, Gia đình Khan Khôi, Vũ Ngọc Phan, Tố Hữu, . Nghĩa là việc nói lại một cách rành mạch về NVGP vẫn còn là một việc cấm kỵ hoặc ít ra là khó nói!

Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7077
Registration date : 01/04/2011

VỤ NHÂN VĂN GIAI PHẨM TỪ GÓC NHÌN CỦA ĐẠI TÁ CÔNG AN  - Page 3 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: VỤ NHÂN VĂN GIAI PHẨM TỪ GÓC NHÌN CỦA ĐẠI TÁ CÔNG AN    VỤ NHÂN VĂN GIAI PHẨM TỪ GÓC NHÌN CỦA ĐẠI TÁ CÔNG AN  - Page 3 I_icon13Fri 16 Nov 2018, 09:27

VỤ NHÂN VĂN – GIAI PHẨM MỘT TRÀO LƯU DÂN CHỦ, MỘT CUỘC CÁCH TÂN VĂN HỌC KHÔNG THÀNH
 
LÊ HOÀI NGUYÊN

IV- Hậu Nhân Văn Giai Phẩm

(tiếp theo)

4-Món nợ với lịch sử

Công cuộc đổi mới của đất nước đã đem lại những thay đổi to lớn về tinh thần cho nhân dân và văn nghệ sĩ. Nghị quyết 05 của Bộ chính trị khóa VI với các tiêu chí dân chủ không những đã cho các nhà nghiên cứu và văn nghệ sĩ tư tưởng tự do trong sáng tác mà còn định hình lại những giá trị tinh thần của dân tộc đã bị bỏ qua. Các di sản văn hóa khoa học đóng góp vào hành trình hiện đại hóa ngôn ngữ, tư duy dân tộc của Tự Lực Văn Đoàn, của Trương Vĩnh Ký, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Hồ Biểu Chánh, Lan Khai … đã được xem xét đánh giá lại.

Đáng lí ra những vụ án chính trị trong quá khứ của nước ta sau một thời gian dài đã phải được công khai về tư liệu, minh bạch về kết luận. Nếu ĐCSVN và chính quyền sai lầm thì phải sửa chữa các sai lầm đó như Liên Xô, Nga, các nước Đông Âu và Trung Quốc đã làm. Nhưng tất cả vẫn mù mờ. Những người tham gia đấu tranh và các đối tượng hầu hết đã chết mà những người lãnh đạo hiện nay vẫn im lặng, các nhà nghiên cứu không dám khai thác tài liệu hoặc phỏng vấn các nhân chứng. Hầu hết các bài viết cơ bản của NVGP trước đây bị quy kết là có tư tưởng phản động đều đã được in lại trong các tuyển tập văn học, tuyển tập cá nhân của họ, trên một số trang mạng và báo viết. Họ được ca ngợi, được giải thưởng HCM, GTNN nhưng công khai thì không ai dám nói NVGP là vụ án gì?

Trong lần trả lời phỏng vấn RFI lão hoạ sỹ Trần Duy nói:

Cái gì trong cuộc đời cũng dở dang, con người mình cũng dở dang, năm nay 90 tuổi rồi, không biết mình đi đúng hay mình đi sai, mình đi đúng thì sống đến 90 tuổi rồi, mà mình đi sai thì đã chết từ 50 tuổi rồi. Bây giờ sống đến 90 tuổi thì cũng không biết con đường đã đi là con đường nào. Ai ghét mình? Ai yêu mình? Mình nên yêu ai, nên ghét ai? Thực tế ra sống đến chừng này tuổi tôi không nghĩ là tôi ghét ai cả, nhưng yêu ai thì cũng rất khó.(36)

Ở bài Tưởng niệm Phan Khôi ông viết:

Ông Phan Khôi không còn nữa, nỗi oan khuất của đời ông vẫn chưa có lời giải!

Nỗi oan của nàng Đậu Nga trong Kinh dịch nổi tiếng của Trung Quốc đã được minh oan. Nỗi oan của gia đình Nguyễn Trãi – Thị Lộ đã được minh giải. Nguyễn Du chưa đến ba trăm năm sau đã được đồng bào mình thấu hiểu. Riêng nỗi oan của Phan Khôi , cái mà ông quý nhất, gìn giữ nhất là phẩm giá thì đã bị bôi nhọ, bị chà đạp. Ai là người minh giải?

Tiếng thở dài và tiếng chép miệng của ông trong những ngày cuối cùng như còn vọng lại. Sinh thời mỗi lần ông nói đến nỗi oan khuất nào đó của người đời, ông vẫn thường nhắc đến tiếng cóc kêu với trời! Gió mưa là do chuyển hóa Đông- Tây của thời tiết, nhưng vẫn có người tốt bụng tin rằng: Trời mưa là nhờ có cóc kêu. (37)

Còn Phùng Quán sau đổi mới có viết :

Tôi chết giữa Hồng Hà sóng đỏ
Ba mươi năm sau
Tôi hồi sinh giữa xanh thẳm Hàn giang
. (38)

Trong tư liệu của tác giả có lá thư Trần Dần viết gửi một người lãnh đạo ngay sau chiến thắng 1975. Đó là một cái giọng rất tội nghiệp kiểu Trần Dần, không thể nghĩ là tâm tư của một kẻ phản trắc.

Rồi đám cháy tắt. Đất nước dập tắt cái đám cháy ngoại xâm ấy. Mỹ cút…Tôi hy vọng…vấn đề cuộc đời tôi lại đặt ra, ít nhất cũng với tôi, vợ con, gia đình, ở ngưỡng cửa của Đất nước chiến thắng… Tôi vẫn hy vọng. Tôi còn ít nhiều năm tháng. Còn một phần đời. Một phần đời, một ngày cũng đáng sống. Dù một buổi chiều. Nhất là trong khi ngày ấy, buổi chiều ấy, phần đời ấy dù bé bỏng nhưng nằm ở ngưỡng cửa Khải hoàn môn… Tôi hy vọng. Tôi còn một phần đời. Để sống nó. Để làm việc. Con cái. Sự gây dựng. Sự chuộc lại…Tôi xin sự giúp đỡ. Sự rộng lượng. Ở các anh. Ở tổ chức. (39)

Đáng tiếc là lời kêu cứu của Trần Dần, cũng là nguyện vọng chung của các nạn nhân NVGP đã rơi vào im lặng. Họ phải đợi thêm 12 năm nữa mới có ngọn gió đổi mới.

Trần Dần từ trần tại Hà Nội ngày 17- 1- 1997. Mười năm sau 2007 ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật.

Dù sao Trần Dần, cũng như Hoàng Cầm, Lê Đạt, Phùng Quán còn được may mắn hơn nhiều người khác.

Cần có câu trả lời cho tất cả những người đã làm Bông hồng nở sớm (40) cho mùa xuân của đất nước.

Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7077
Registration date : 01/04/2011

VỤ NHÂN VĂN GIAI PHẨM TỪ GÓC NHÌN CỦA ĐẠI TÁ CÔNG AN  - Page 3 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: VỤ NHÂN VĂN GIAI PHẨM TỪ GÓC NHÌN CỦA ĐẠI TÁ CÔNG AN    VỤ NHÂN VĂN GIAI PHẨM TỪ GÓC NHÌN CỦA ĐẠI TÁ CÔNG AN  - Page 3 I_icon13Sat 17 Nov 2018, 12:50

VỤ NHÂN VĂN – GIAI PHẨM MỘT TRÀO LƯU DÂN CHỦ, MỘT CUỘC CÁCH TÂN VĂN HỌC KHÔNG THÀNH
 
LÊ HOÀI NGUYÊN

V- Phần kết

Trong một xã hội đã kéo dài hơn nửa thế kỷ về sự mê muội dân trí, về sự độc tài về chính trị, sự lừa dối, sự đầu độc để có sự đồng thuận về vụ NVGP và các nhân vật của nó thật khó như đáy bể mò kim…Nhưng trong đêm tối không phải không có những người đã nhìn thấy ánh sáng của chân lý. Sẽ có nhiều người phản đối tôi. Nhưng chẳng lẽ cứ im lặng mãi. Mỗi người chỉ là một góc của thế giới, và người ta bị thôi miên nữa, người ta cả tin. Tôi nghĩ đau khổ nhất của con người là đánh mất lý trí, là không hiểu , không thấy được thế giới thật đang ở bên mình. Họ đã sống và tàn sát đồng loại và tự biện ninh bằng một cái mục đích hão huyến vô nhân tính. Vào những năm đầu đổi mới tôi đã viết trong bài thơ Thế giới đang tồn tại:

Bi kịch thay cho những dân tộc chỉ tin vào những thần tượng, những tín điều.
Người ta đã trả giá
Một tuổi thanh xuân, một đời người, một thế hệ, một thiên niên kỷ để hiểu ra cái giản đơn giữa bao mê cung rắc rối: Con người.

Cắt thế giới ra từng khúc, từng đoạn ư? Hay để nguyên nó mà trầm tưởng, mà chiêm ngưỡng.
Tôi là một phần không thể chia cắt khỏi thế giới.
Tôi hiểu:
Cần phải đối xử với thế giới như nó đang tồn tại.
(41)

Cuộc đời của các nhân vật NVGP cho tôi cảm hứng viết bài thơ Bông hồng nở sớm. Bài thơ được in trong Tuyển tập Văn học hiện đại Việt Nam 1945- 1993, NXB VH 1993.

Hai mươi lăm năm qua tôi đã cố gắng hóa thân vào hàng nghìn trang tài liệu, vào hàng trăm con người để hiểu một câu hỏi duy nhất NVGP là cái gì?.

Nay tôi thấy cần phải lên tiếng về sự kiện này. Nếu không thì đã quá chậm trễ, là có tội với vong linh những người đã khuất. Cả những người là NVGP. Cả những người đã vùi dập NVGP vì cuồng tín ngây thơ hoặc nhờ đàn áp NVGP mà tiến thân. Họ có thể cần nói một lời sám hối với các bạn bè đồng nghiệp oan khuất của mình, những người bị mình sát hại một cách lương thiện mà vẫn còn bị ám ảnh bởi nỗi sợ hãi vô hình, đã nhắm mắt mà vẫn chưa nói được.

Với chức nghiệp éo le của mình, tôi đã cứu được nhiều người, đã giữ bình yên cho nền VHNT nhiều năm nhưng tôi đã trả giá cuộc đời mình cho những nhà văn đã dám đốt mình lên trước vận mệnh của đất nước, của nhân dân.(42)

Tôi không mảy may ân hận, luyến tiếc về việc đã làm.

Chú thích
_________________________________
1-Tố Hữu: Xây dựng một nền văn nghệ lớn xứng đáng với nhân dân ta thời đại ta, Nxb Văn học 1973, trang 132-219.

2- Hoàng Tiến: Nhìn lại vụ án Nhân Văn Giai Phẩm cách đây 40 năm, tài liệu nghiên cứu 1997.

3- Vũ Tường: Ngày nay cách mạng Đông Dương phải hiện nguyên hình: Bước ngoặt dẫn đến cuộc đấu tranh giai cấp và nội chiến Việt Nam vào năm 1948. Journal of Southeast Asian Studies, 40, 3 (10- 2009), 519- 542. Bản dich tiếng Việt trên Talawas số Mùa Thu chuyên đề Bao nhiêu chủ nghĩa dân tộc là đủ?

4- Nhà thơ, sinh năm 1939 quê Hải Phòng, sống ở Hà Nội bị bắt năm 1980 vì đưa tập thơ Tiếng vọng từ đáy vực gồm 400 bài vào Sứ quán Anh. Trước đó đã bị bắt và đi tù 2 lần vì tội phản tuyên truyền. Được trả tự do năm 1991, tổng cộng ngồi tù 27 năm, được nhập cư vào Mỹ năm 1995. Tập thơ của ông với có tựa đề Bản Chúc thư của Một Người Việt Nam – Hoa Điạ Ngục được Văn Bút Quốc Tế tặng Giải thưởng Thơ ca Quốc tế năm 1985. Ông còn có tập truyện Hỏa Lò do Tổ hợp xuất bản miền Đông Hoa Kỳ xuất bản nảm 2001 và Tuyển tập thơ Nguyễn Chí Thiện 700 bài xuất bản năm 2006.

5- Các bài Tuyên ngôn của nhóm Văn nghệ Chân đất, Họp báo về phong trào ly khai ở Hà Nội, Lá thư của người Hà Nội, Hà Nội một mối buồn dài, 30 năm văn học ly khai ở miền Bắc in trong tạp chí văn học Quê Mẹ của người Việt Hải ngoại ở Paris số 40- 41- 42, 1980.

6- Nam Dao: Hoàng Cầm ( 1922 – 2010 ). Talawas tháng 10- 2010

7- Trình Ánh Hồng: Không chỉ có Moskva: Ảnh hưởng của Trung Quốc ở Đông Âu và Bắc Việt thời kỳ hậu Stalin. Bản dịch Lê Quỳnh, Talawas. Tham khảo thêm ở Năm mươi năm sau: Trăm hoa đua nở ở Việt Nam 1954 – 1960 của Heinz Schutte, Berlin 2009.

8- Vũ Tường, Bđd.

9- Trình Ánh Hồng, Bđd.

10- Vũ Tường, Bđd.

11- Hoàng Giang: La Révolte des Intellectuels au Viêt- Nam en 1956, The Vietnam Forum 13.

Georges Boudarel, Université de Paris VII: Intellectual dissidence in the 1950s THE NHÂN- VĂN GIAI- PHẨM AFFAIR. The Vietnam Forum 13.

12- Sau đổi mới tài liệu này đã phát hành công khai trên Bản tin Thông tấn xã Việt Nam. Có thể tham khảo thêm trong Hồi ký Khơ rút Sốp, trên mạng.

13- Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9+10 BCHTƯ ĐCSVN khóa II. Văn kiện Đảng.

14- Vũ Tường, Trình Ánh Hồng Bđd.

15- Tố Hữu: Sđd.

16- Thái Kế Toại: Luận văn tốt nghiệp ĐHAN HN Về các đối tượng NVGP và giải pháp trong tình hình đổi mới hiện nay, năm 1987.

17- Nguyễn Mạnh Tường: Hồi ký bản tiếng Việt Kẻ bị mất phép thông côngHà Nội 1954- 1991: Bản án cho một trí thức. Trên mạng.

18- Phỏng vấn Đào Duy Anh, Đặng Văn Ngữ với chủ đề Nỗ lực phát triển tự do dân chủ, báo Nhân Văn số 2 – 3.

19- Đào Duy Anh: Muốn phát triển học thuật. Giai phẩm Mùa Thu tập III.

20- Phan Khôi: Phê bình lãnh đạo văn nghệ, Giai phẩm Mùa Thu tập I.

21- Trương Tửu: Bệnh sùng bái cá nhân trong giới lãnh đạo văn nghệ, Giai phẩm Mùa Thu tập II.

22- Thụy Khuê: Nói chuyện với họa sĩ Trần Duy. Website Thụy Khuê.

23- Thụy Khuê: Bđd.

24- Nguyễn Mạnh Tường có nhắc đến việc bị học trò đấu tố trong hồi kí Kẻ bị mất phép thông công

25-Nguyễn Huệ Chi trong bài viết Trao đổi cùng Nguyễn Văn Hoàn trên Talawas về thắc mắc của ông trường hợp Toàn tập Trần Thanh Mại không có bài đấu tranh trong thời kì NVGP, cho biết bố ông nhà nghiên cứu Nguyễn Đổng Chi bị ép viết bài phê phán Phan Khôi coi đó là một việc vẫn lấy làm xấu hổ, một vết nhơ không gột nổi. Khi chết ông dặn con tìm cơ hội gột rửa giúp mình.

Tác giả được nghe từ các nhân vật NVGP nhiều chuyện khôi hài về sự quay quắt tráo trở của tình bạn văn nghệ sĩ thời NVGP.

26- Trong bài trả lời phỏng vấn của Thụy Khuê, Trần Duy cho biết em ruột mình, một sĩ quan quân đội khai lý lịch đổi tên lót truyền thống của dòng họ, không khai tên ông và chỉ nhận là con nuôi bố ông.

27- Trong bài phỏng vấn của Thụy Khuê với các ông Hoàng Cầm, Lê Đạt có nhắc trường hợp vợ chồng Vũ Ngoc Phan- Hằng Phương. Hằng Phương gọi Phan Khôi là bác ruột anh mẹ, khi xảy ra NVGP họ viết bài đấu tố Phan Khôi, không dám đi đưa ma Phan Khôi. Một trường hợp nữa là quan hệ Tố Hữu – Phùng Quán, Tố Hữu là anh cùng cha khác mẹ với mẹ Phùng Quán.
Phan Thao là con Phan Khôi vẫn phải ký tên vào tuyên bố lên án NVGP.

28- Trong phỏng vấn của Thụy Khuê với Lê Đạt, Trần Duy.

29- Tạp chí Quê Mẹ đã dẫn.

30- Vũ Ngự Chiêu: Hồ Chí Minh nhà ngoại giao 1945- 1946.

Chuyến đi cầu viện bí mật năm 1950 của Hồ. Tạp chí Hợp Lưu

31- Vũ Tường, Bđd.

32- Trình Ánh Hồng, Bđd.

33- David G. Marr: Vietnam 1945 The quest for Power

34- Ninh Kim N.B: A World Transformed: The Politics of Culture in Revolutionary Vietnam, 1945- 1965. University of Michigan Press 2002.

35- Lại Nguyên Ân có các bài: Hội Nhà văn Việt Nam: Sự thành lập và hai năm đầu tiên tồn tại ( 1957- 1958 ). Đi tìm dấu tích tờ Sáng Tạo ( Hà Nội, 1956). Nguyễn Bính và tuần báo Trăm Hoa (1955- 1957). Xuân Diệu trong những năm 1954 – 1958.

36- Trần Duy trả lời phỏng vấn Thụy Khuê.

37- Trần Duy: Tưởng niệm Phan Khôi. Talawas.

38- Trong trường ca Cây Cà báo Đà Nẵng tháng 1- năm 1987. Tên Phùng Quán lần đầu tiên trở lại công khai trên mặt báo.

39- Thái kế Toại: Bđd.

40- Bông hồng nở sớm:

Sau mùa giông bão xác xơ
Hàng cây thu mình trong gió rét
Đón anh về sáng nay
Vườn mẹ nở bông hồng.

Màu đỏ thắm chạm vào nỗi đau của mẹ
Suốt một đời mòn mởi lo âu
Màu đỏ thắm đánh thức nỗi buồn của đất
Bao năm mặt đất khô cằn

Màu đỏ cháy lên ký ức của anh
Một tình yêu vụt mất hai mươi năm
Bao mộng mơ khao khát âm thầm.

Có ai nói với anh:
Ngày mai thôi bông hồng sẽ chết
Nhưng hề chi
Màu đỏ kiêu sa cứ cháy trong gió rét
Và ở chân trời
Đang thì thầm cơn gió mùa xuân.


1988

41- Tập thơ Thế giới đang tồn tại, Nxb Văn học 1994

42- Đó là việc tác giả và nhà văn Ma Văn Kháng bảo vệ cuốn tiểu thuyết Chúa Trời ngủ gật của Nguyễn Dậu in ở Nhà xuất bản Lao Động năm 1993 bị cơ quan Tổng công đoàn lao động quyết định nghiền hủy làm bột giấy. Ma Văn Kháng đã viết lại một phần vụ này, những gì có thể viết được công khai nhưng bị kiểm duyệt cắt bỏ một số đoạn trong hồi kí Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương, NXB Hội Nhà văn xuất bản năm 2009, trang 385- 400.

Qua vụ này có thể rút ra vài điều :

Bộ máy văn nghệ Việt Nam và Luật xuất bản Việt Nam đã tạo ra rất nhiều cơ quan cảnh sát văn hóa với tư cách là cơ quan chủ quản của nhà xuất bản. Một khi sức ép trực tiếp với nhà xuất bản của A25 và Ban Tuyên giáo không thành, người ta dùng quyền lực của cơ quan chủ quản ép nhà xuất bản tiêu hủy cuốn sách. Trong trường hợp của Chúa Trời ngủ gật Bộ VHTT do nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm Thứ trưởng đã có công văn ủng hộ gửi Thủ tướng Phạm Văn Đồng xin vẫn cho sách được xuất bản. Nhưng các phần tử chủ chốt của A25 vẫn gây được sức ép buộc Tổng công đoàn lao động Việt Nam bóp chết cuốn sách.

Làng Mọc Tháng Ba năm Canh Dần

Về Đầu Trang Go down
Sponsored content




VỤ NHÂN VĂN GIAI PHẨM TỪ GÓC NHÌN CỦA ĐẠI TÁ CÔNG AN  - Page 3 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: VỤ NHÂN VĂN GIAI PHẨM TỪ GÓC NHÌN CỦA ĐẠI TÁ CÔNG AN    VỤ NHÂN VĂN GIAI PHẨM TỪ GÓC NHÌN CỦA ĐẠI TÁ CÔNG AN  - Page 3 I_icon13

Về Đầu Trang Go down
 
VỤ NHÂN VĂN GIAI PHẨM TỪ GÓC NHÌN CỦA ĐẠI TÁ CÔNG AN
Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Similar topics
-
» Giai thoại văn học Việt Nam
» Thơ Nguyễn Thành Sáng
» Những Đoá Từ Tâm
» HỆ THỐNG GIÁO DỤC MỸ: CÁI NHÌN TỔNG QUAN
» 57 thành ngữ Trung Hoa
Trang 3 trong tổng số 3 trangChuyển đến trang : Previous  1, 2, 3

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
daovien.net :: TRÚC LÝ QUÁN :: Tài Liệu-