Trang ChínhTìm kiếmLatest imagesVietUniĐăng kýĐăng Nhập
Bài viết mới
Những Bài Giảng Hay Thầy Thích Pháp Hoà by mytutru Yesterday at 20:28

Thơ Nguyên Hữu 2022 by Nguyên Hữu Yesterday at 20:15

Hơn 3.000 bài thơ tình Phạm Bá Chiểu by phambachieu Yesterday at 16:18

BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-1965 - LM CAO VĂN LUẬN by Trà Mi Yesterday at 10:41

TRUYỆN KIỀU CÓ TRƯỚC ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH, VÀ LÀ CỦA VIỆT NAM ??? by Trà Mi Yesterday at 10:27

Lục bát by Tinh Hoa Yesterday at 07:21

PHÁP VIỆN MINH ĐĂNG QUANG TĂNG NI & Đại Chúng by mytutru Yesterday at 00:55

SƯ TOẠI KHANH (những bài giảng nên nghe) by mytutru Sat 16 Mar 2024, 20:15

Xem tướng mạo đàn ông ngoại tình, lăng nhăng by Trà Mi Sat 16 Mar 2024, 10:05

Putin dối trá khi trả lời Tucker Carlson by Trà Mi Fri 15 Mar 2024, 11:39

Trang thơ Tú_Yên (P2) by Tú_Yên tv Fri 15 Mar 2024, 11:20

Chùm thơ "Có lẽ..." by Tú_Yên tv Fri 15 Mar 2024, 11:09

Thơ Tú_Yên phổ nhạc by Tú_Yên tv Fri 15 Mar 2024, 11:07

7 chữ by Tinh Hoa Fri 15 Mar 2024, 03:27

Một thoáng mây bay 12 by Ai Hoa Thu 14 Mar 2024, 09:55

BẮT CÁ TRỜI MƯA by Phương Nguyên Wed 13 Mar 2024, 20:48

5 chữ by Tinh Hoa Wed 13 Mar 2024, 07:56

Tiến Trình Tu Học Phật - Thành Phật by mytutru Mon 11 Mar 2024, 23:17

Tập Mỗi Ngày by mytutru Mon 11 Mar 2024, 22:48

Lan ĐV 8 by buixuanphuong09 Mon 11 Mar 2024, 11:06

SẦU LY BIỆT by Phương Nguyên Mon 11 Mar 2024, 08:02

LỀU THƠ NHẠC by Phương Nguyên Sun 10 Mar 2024, 08:39

MỪNG NGÀY 08.03 by Phương Nguyên Sun 10 Mar 2024, 08:21

Chỉn by Trà Mi Sat 09 Mar 2024, 12:30

Lỗi 404 by mytutru Fri 08 Mar 2024, 11:09

Thể Tánh Muôn Loài by mytutru Tue 05 Mar 2024, 23:44

5-8-8-8 by Tinh Hoa Tue 05 Mar 2024, 03:32

Còn mãi duyên thầy by buixuanphuong09 Mon 04 Mar 2024, 13:37

Con Đường Tâm Mytutru TKN Đào Liên by mytutru Sat 02 Mar 2024, 12:09

Hoa Sen Ao Sen by mytutru Sat 02 Mar 2024, 08:27

Tự điển
* Tự Điển Hồ Ngọc Đức



* Tự Điển Hán Việt
Hán Việt
Thư viện nhạc phổ
Tân nhạc ♫
Nghe Nhạc
Cải lương, Hài kịch
Truyện Audio
Âm Dương Lịch
Ho Ngoc Duc's Lunar Calendar
Đăng Nhập
Tên truy cập:
Mật khẩu:
Đăng nhập tự động mỗi khi truy cập: 
:: Quên mật khẩu

Share | 
 

 HÀO HÙNG SỬ VIỆT

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Chuyển đến trang : Previous  1, 2, 3, 4, 5, 6
Tác giảThông điệp
Hansy

Hansy

Tổng số bài gửi : 1578
Registration date : 21/03/2012

HÀO HÙNG SỬ VIỆT  - Page 6 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: HÀO HÙNG SỬ VIỆT    HÀO HÙNG SỬ VIỆT  - Page 6 I_icon13Tue 18 Sep 2018, 23:35

Kỳ 53

HƯNG ĐẠO VƯƠNG XUA QUÂN SANG ĐẤT TRUNG QUỐC
TRUY KÍCH GIẶC NGUYÊN

Hưng Hiến vương Trần Quốc Uy cùng Hưng Vũ vương Trần Quốc Nghiễn thừa thắng đuổi tràn cả qua biên giới, đánh một trận nữa ngay tại châu Tư Minh, trong đất của nước Nguyên để triệt để tiêu diệt đạo quân xâm lược, cho quân giặc một trận nhớ đời.

Chiến thắng Hàm Tử - Tây Kết đã làm rúng động toàn bộ hệ thống phòng thủ của quân Nguyên, khiến tinh thần của chúng hoang mang tột độ. Quân Nguyên bấy giờ ở tản mác tại Thiên Trường, Thiên Mạc, Trường Yên vẫn còn đông nhưng hầu như đã như cá nằm trên thớt, hoàn toàn mất phương hướng do bị cô lập với chỉ huy và hậu cần. Quân của Thoát Hoan đóng tại Thăng Long cũng đã khiếp vía và bị uy hiếp dữ dội do mất đi những lá chắn ở hạ lưu sông Hồng.

Toàn quân Đại Việt lại chia làm ba bộ phận. Khối quân thứ nhất cũng là khối quân mạnh nhất do Chiêu Minh vương Trần Quang Khải làm tổng chỉ huy, thừa thắng đánh thẳng vào khối quân của Thoát Hoan ở Thăng Long. Khối quân thứ hai do vua Trần Nhân Tông và thượng hoàng Trần Thánh Tông chỉ huy, chốt giữ các địa bàn vừa mới chiếm lại được và đem quân tiễu trừ giặc ở các vùng Thiên Mạc, Trường Yên, Thiên Trường. Khối quân thứ ba do Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn làm tổng chỉ huy từ Thiên Trường theo dòng sông Thái Bình – Lục Nam tiến chiếm lại Vạn Kiếp, chuẩn bị đón đánh quân Nguyên rút chạy hoặc phối hợp với quân của Trần Quang Khải hai mặt giáp công địch nếu cần. Hưng Đạo vương còn phái gia tướng Phạm Ngũ Lão dẫn tinh binh từ khối quân của mình sang chi viện cho Chiêu Minh vương để cùng hợp lực chiếm lại kinh thành.
1.
Đại chiến bến Chương Dương, thu phục kinh thành

Chiêu Minh vương Trần Quang Khải là vị tướng được giao trọng trách đánh chiếm lại kinh thành. Đối đầu với ông trong trận chiến sống còn lần này chính là Thoát Hoan, A Lý Hải Nha và những tướng lĩnh chủ chốt khác của đội quân xâm lược. Quân dưới trướng Thoát Hoan vẫn còn hàng chục vạn bất chấp những thất bại nặng nề liên tiếp. Các khối quân của Toa Đô, Giảo Kỳ, Ô Mã Nhi… rải rác ở các nơi trong nước dù bị đánh tan tác, bị cô lập thành từng mảnh nhưng vẫn chưa hoàn toàn bị diệt. Vì vậy, trận chiến thu phục kinh thành là một trận chiến lớn, vô cùng quan trọng và không hề dễ dàng.

Yêu cầu đặt ra cho quân ta là phải tiếp tục phát triển đà thắng lợi để đi đến chiến thắng chung cuộc, tuyệt đối không cho quân Nguyên có cơ hội tụ họp lại với nhau. Biết được điều đó, vua Trần và Hưng Đạo vương đã dành những lực lượng mạnh nhất gởi đến chi viện cho vị Thượng tướng. Các chiến tướng hàng đầu bấy giờ là Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản, Phạm Ngũ Lão, Trung Thành vương… đều được ưu tiên cử đến chiến đấu dưới quyền của Chiêu Minh vương Trần Quang Khải. Triều đình lại gởi thông điệp cho các lộ kêu gọi nghĩa binh, dân binh cả nước đem quân đến hội, binh thế rất thịnh.

Trong số các đạo dân binh hùng mạnh, đáng kể nhất là quân của Trần Thông, Nguyễn Khả Lạp, Nguyễn Truyền… Trải qua nhiều tháng chiến đấu với quân giặc, những nông dân Đại Việt giờ đã trở thành những chiến binh thực thụ, cùng sát cánh với quân đội triều đình đánh lớn.

Chiêu Minh vương đem các quân dùng thuyền ngược sông Hồng vây đánh mạnh vào bến Chương Dương (thuộc Thường Tín, Hà Nội), lại ngầm cho quân đi vòng mai phục trên đường từ thành Thăng Long đến Chương Dương. Quân ta khí thế đang lên, đồn Chương Dương dù là một cứ điểm đông và mạnh của quân Nguyên cũng cơ hồ không chống cự được lâu. Nhận tin cấp báo, Thoát Hoan từ Thăng Long phái quân đi tiếp viện thì bị phục binh Đại Việt chặn đánh tan dọc đường. Đồn Chương Dương cô thế, trước sau đều bị quân ta vây đánh nên cũng bị hạ không lâu sau đó. Hàng vạn quân tại Chương Dương bị tiêu diệt. Chiêu Minh vương lại phái Trung Thành vương (khuyết danh) đem một cánh quân tấn công đồn ngoại vi của địch ở Giang Khẩu (Hàng Buồm, Hà Nội ngày nay), tướng Nguyên trấn giữ tại đây là Thiên hộ Mã Vinh chống không nổi phải rút chạy. Quân Nguyên rút hết vào trong thành Thăng Long cố thủ.

Chiêu Minh vương hạ lệnh cho toàn quân vây thành mấy vòng, thủy và lục quân cùng nhau phối hợp ngày đêm công phá thành. Quân Nguyên ở trong thành dùng cung tên, dựa vào thành cao hào sâu chống trả lại. Kỵ binh của quân Nguyên bị dồn ứ trong thành, ngựa chiến trở nên vô dụng trong một điều kiện chiến trường hoàn toàn khác biệt so với những gì chúng thường trải qua ở các quốc gia khác. Quân Nguyên chỉ có thể trông cậy vào bộ binh để thủ thành. Cả phía quân Đại Việt và quân Nguyên đều chịu nhiều tổn thất trong trận chiến giữa công và thủ thành này. Tuy nhiên quân ta không hề nao núng, hết lớp này đến lớp khác quyết xông lên hạ thành. Quân địch đã vào thế bị vây khốn, càng đánh càng mỏi mệt, tên đạn hết, lương thực cạn.

Khi tình thế quá bi đát, Thoát Hoan cho họp các tướng, bàn nhau rút quân về nước hòng bảo toàn lực lượng, chờ cơ hội về sau. Nhưng bấy giờ toàn cõi Đại Việt đã trở thành một cái bẫy lớn chờ đợi tiêu diệt quân Nguyên, quyết đánh cho địch không còn manh giáp chứ không cho phép chúng có cơ hội thực hiện một cuộc “rút lui chiến lược”.
2.
Truy kích Thoát Hoan

Thoát Hoan trong cơn nguy khốn, điều động hết binh mã phá vòng vây chạy về hướng bắc. Thoát ra được ngoài vòng vây của quân ta với thiệt hại lớn, quân Nguyên tụ lại ở Gia Lâm để rút lui. Lúc này thì tàn quân Nguyên dưới trướng của tướng Giảo Kỳ bại trận ở Hàm Tử quan mấy hôm trước vẫn chưa hay biết Thoát Hoan đã bại trận rút lui, kéo nhau về Thăng Long thì đụng độ quân ta, lại bị đánh một trận tơi tả. Giảo Kỳ cố gắng lắm mới chạy được đến Gia Lâm hội quân với Thoát Hoan.

Chiêu Minh vương cho quân vào chiếm lại kinh thành, mở tiệc khao quân. Lại lệnh cho Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản thống lĩnh kỵ binh truy kích Thoát Hoan. Hưng Đạo vương cũng đã đợi sẵn quân địch từ trước, phái Hưng Ninh vương Trần Tung đem 2 vạn quân tấn công phối hợp. Quân Hoài Văn hầu từ hướng Thăng Long đánh lên, cùng Hưng Ninh vương từ hướng Vạn Kiếp đánh xuống, kẹp khối quân của Thoát Hoan vào giữa. Quân Nguyên chưa kịp hoàn hồn sau trận đánh ở Thăng Long đã bị hai mặt giáp công, lại nhanh chóng thua trận. Đến sông Như Nguyệt (sông Cầu), Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản đã đuổi tới đánh khi quân Nguyên đang vượt sông bằng cầu phao. Đám bại binh lại phải chịu tổn thất lớn.

Đến sông Sách (sông Thương chảy qua Vạn Kiếp), quân Nguyên lại phải dừng quân bắc cầu phao qua sông. Nơi này là chỗ nhạy cảm, tất nhiên quân ta không bỏ qua. Hưng Đạo vương đã cho đặt phục binh trong rừng chờ đón giặc từ trước. Quân mai phục của Đại Việt ít hơn nhiều, chỉ dựa vào khí thế truy kích nên không đánh ngay vì sẽ ép địch vào thế cùng đường, tất chúng sẽ dựa vào sông tử chiến, sẽ gây cho ta những tổn thất không đáng có.


Chờ cho quân Nguyên bắt xong cầu phao, chuẩn bị vượt sông thì quân ta mới nhất tề xông ra đánh. Lúc này quân địch chỉ mong nhanh chóng thoát thân, không còn ý chí nào mà chiến đấu nữa, tranh nhau mà chạy. Quân ta thừa thế đánh giết. Hậu quân Nguyên dưới trướng tướng Đường Ngột Đải chưa qua sông kịp, bị kẹt bên bờ nam và bị quân ta tàn sát. Đường Ngột Đải đánh cố chết mới may mắn thoát được. Quân Nguyên sợ hãi tranh nhau vượt sông khiến cầu phao không chịu nổi nên bị gãy. Quân giặc bị rơi xuống sông chết đuối rất nhiều.

Thoát Hoan cùng đám bại binh qua được sông Sách thì thiệt hại đã quá nửa. Hắn phái Tả thừa Lý Hằng đi sau chặn hậu để cho mình cùng thuộc hạ có thể an toàn rút lui. Kỷ luật của quân Nguyên có thể gọi là khá cao nên vẫn chưa hoàn toàn tan rã. Đám thân binh luôn hết sức che chở cho chủ tướng Thoát Hoan chạy thoát. Chạy đến trại Vĩnh Bình, Hưng Vũ vương Trần Quốc Nghiễn đã cho quân mai phục sẵn chỗ hiểm, tên độc bắn ra như mưa. Tả thừa Lý Hằng trúng tên độc, bị thương nặng. Tỳ tướng của Lý Hằng là Lý Quán cùng quân tướng còn lại chừng 5 vạn quân, hộ tống Thoát Hoan cố chạy về phía châu Tư Minh, đất của nước Nguyên.

Quân Nguyên bắt được ống đồng trong dân, Thoát Hoan chui vào đó rồi cho quân lính đẩy đi dưới làn tên mũi đạn của quân ta. Khi đã vào địa phận châu Tư Minh rồi, đám bại binh vẫn chưa thoát nạn. Hưng Hiến vương Trần Quốc Uy cùng Hưng Vũ vương Trần Quốc Nghiễn thừa thắng đuổi tràn cả qua biên giới, đánh một trận nữa ngay tại châu Tư Minh, trong đất của nước Nguyên để triệt để tiêu diệt đạo quân xâm lược, cho quân giặc một trận nhớ đời. Lý Quán trúng tên bỏ mạng trong trận này, xác của Tả thừa Lý Hằng cũng lạnh do trúng độc. Chỉ còn lại rất ít quân tướng dưới trướng Thoát Hoan thoát chết chạy đến nơi an toàn nằm sâu trong lãnh thổ đế chế Nguyên Mông.

Song song với quãng thời gian mà hai khối quân của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, Chiêu Minh vương Trần Quang Khải chỉ huy đánh bại đại quân của Thoát Hoan, thu phục Thăng Long và truy kích giặc qua bên kia biên giới thì vua Trần Nhân Tông, Thượng hoàng Trần Thánh Tông cùng quân dân các nơi trên cả nước cũng bận rộn đánh quân Nguyên ở rải rác các nơi. Bấy giờ, không tính quân của Thoát Hoan ở Thăng Long bị đánh bật về bắc thì ở đồng bằng sông Hồng vẫn còn hàng vạn quân Nguyên. Lực lượng này sẽ không hề “vô hại” nếu như quân ta không có những biện pháp đánh dẹp thích hợp.

Quốc Huy

HÀO HÙNG SỬ VIỆT  - Page 6 53.
Về Đầu Trang Go down
Hansy

Hansy

Tổng số bài gửi : 1578
Registration date : 21/03/2012

HÀO HÙNG SỬ VIỆT  - Page 6 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: HÀO HÙNG SỬ VIỆT    HÀO HÙNG SỬ VIỆT  - Page 6 I_icon13Thu 20 Sep 2018, 00:43

Kỳ 54
NHÀ TRẦN CHÉM TOA ĐÔ
GIẢI PHÓNG TOÀN BỘ ĐẠI VIỆT
1. 
Quân dân miền tây bắc truy kích giặc đến cùng

Một bộ phận thứ yếu của quân Nguyên là cánh quân của Nạp Tốc Lạp Đinh vốn trước đây từ hướng Vân Nam tiến sang. Cánh quân này tuy ít nhưng khá mạnh, từng khiến Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật phải lui quân. Khi quân ta tấn công Thoát Hoan ở Thăng Long thì Nạp Tốc Lạp Đinh còn bận đóng quân ở vùng phía tây Thăng Long để ngăn chặn các cuộc tấn công của quân dân vùng tây bắc dưới sự chỉ huy của các tù trưởng. Sau khi hay tin Thoát Hoan bại trận rút quân, Nạp Tốc Lạp Đinh cũng buộc phải lui binh. Do lúc này đường về Thăng Long đại quân ta đã hoàn toàn làm chủ, Nạp Tốc Lạp Đinh không còn con đường nào khác là phải rút quân theo ngã tây bắc về Vân Nam, con đường cũ mà chúng đã tiến sang. Trên đường quân giặc rút lui, tù trường Hà Đặc đã huy động quân dân bày trận tại núi Trĩ Sơn, Phù Ninh (thuộc Phú Thọ) đón đánh. Quân Hà Đặc ít và ô hợp hơn quân Nguyên của Nạp Tốc Nạp Đinh lại không có sự hiệp đồng với các cánh quân khác của triều đình đang bận diệt giặc ở vùng đồng bằng, vì vậy mà Hà Đặc dùng mưu để làm giảm nhuệ khí của địch.

Hà Đặc cho đục thân cây to bên đường mà ông đoán chắc rằng quân Nguyên sẽ đi ngang, sai người cắm những mũi tên cực lớn vào đó giả làm như là có người khổng lồ hay loại vũ khí cực mạnh nào đó bắn tên vào cây. Quân Nguyên trông thấy ngờ vực, không dám tiến lên mà cho dừng quân đóng lại Cự Đà quan sát. Hà Đặc lại sai người đem những hình nộm to lớn cầm cung tên, đến chiều tối dẫn ra dẫn vào trên núi. Quân Nguyên từ xa trông thấy, hết sức sợ hãi. Phô trương thanh thế xong rồi, Hà Đặc mới tung quân ra đánh. Quân dân dưới trướng Hà Đặc ai nấy đều hăng hái giết địch. Quân Nguyên đã khiếp vía từ trước, bị sức tấn công mạnh của quân ta thì nhanh chóng rút chạy về Vân Nam. Hà Đặc thừa thế truy kích không ngừng nghỉ. Đuổi đến A Lạp, Hà Đặc luôn đi tuyến đầu, đánh hăng quá nên bị tử trận. Quân Đại Việt ở đây mất chủ tướng, bất ngờ tình thế trở nên khó khăn, nhiều thân tín của Hà Đặc bị bắt.

Quân Nguyên dưới trướng Nạp Tốc Nạp Đinh vừa giết được chủ tướng của vùng tây bắc, tưởng đã tạm yên thân nên hạ trại nghỉ ngơi sau quãng đường dài giao tranh mệt nhọc. Em của Hà Đặc là Hà Chương nhân đêm tối trốn thoát khỏi trại giặc, trộm cả áo giáp và cờ xí của giặc chạy về với quân ta. Hà Chương lại chỉ huy quân dân gấp rút tiếp cận doanh trại quân Nguyên, quyết đánh một trận báo thù cho vị tù trưởng đã xả thân vì nước. Quân ta dùng áo giáp và cờ xí của giặc để cải trang đột nhập vào doanh trại, rồi nội ứng ngoại hợp đánh tan được giặc một trận lớn. Quân Nguyên chết rất nhiều, cắm đầu chạy về Vân Nam.
2. 
Trận Tây Kết lần 2, Toa Đô bỏ mạng

Khối quân của Toa Đô vẫn còn một bộ phận khá đông đóng ở Trường Yên. Quân Nguyên ở đây hầu như đã đứng ngoài vòng chiến kể từ khi quân Đại Việt bắc tiến vì các hướng hành quân của quân ta đã chủ động bí mật chia làm hai cánh đi vòng tránh vùng kiểm soát của địch tại Trường Yên, một cánh đánh thẳng vào vùng Thiên Mạc, một cánh đánh vào Thiên Trường trong thời gian chớp nhoáng. Quân địch ở Trường Yên khi phát hiện ra quân ta thì chiến sự ở Thiên Mạc với trận Hàm Tử - Tây Kết đã định xong, vùng Thiên Trường cũng đã bị quân ta kiểm soát. Do đó mà các doanh của địch ở Trường Yên hoàn toàn bị cô lập, không thể hiệp đồng với các khối quân Nguyên khác.

Ngày 7.6.1285, vua Trần Nhân Tông cùng thượng hoàng Trần Thánh Tông đem binh thuyền đánh vào Trường Yên. Quân địch ở đây đói khát lâu dài, sức lực vốn đã vô cùng suy yếu. Quân ta với thế thắng, nhanh chóng làm chủ tình hình. Quân Đại Việt thả sức tàn sát quân Nguyên, chém đầu cắt tai giặc để dâng công nhiều không kể xiết. Hầu như toàn quân địch ở Trường Yên bị diệt gọn. Tạm thời dẹp yên được giặc trên phần lớn địa bàn vùng quê hương hoàng tộc Trần, ngày 19.6.1285 hai vua ghé về Long Hưng bái tế lăng mộ tổ tiên rồi tiếp tục hành trình chiến đấu.

Lại nói về Toa Đô, sau khi đại bại ở Hàm Tử quan thì chạy ra ven biển trốn tránh, đóng ở cửa biển Thiên Trường kiếm lương ăn và thu nhặt tàn quân. Vùng Thiên Trường là vùng mà Hưng Đạo vương không lâu trước đó đã đánh tan quân Nguyên và đi qua để tiến về Vạn Kiếp. Do binh lực của Đại Việt ở vùng này chỉ tập trung bố trí giữ các tuyến sông chính chứ không đủ binh lực giữ ngoài ven biển, nên Toa Đô có điều kiện đóng lại ở cửa biển để sốc lại đội ngũ. Tàn binh bại tướng của quân Nguyên ở các lộ đông nam đồng bằng sông Hồng tụ về với Toa Đô. Giữa tháng 6.1285, Toa Đô cùng Ô Mã Nhi dẫn quân liều lĩnh ngược sông Hồng, hy vọng sẽ có thể phối hợp với Thoát Hoan ở Thăng Long. Toa Đô không hề hay biết rằng, Thoát Hoan đã thua trận chạy dài về nước.

Hay tin Toa Đô ngược ra bắc, vua Trần Nhân Tông sai quân chuẩn bị trận địa ở bến Tây Kết, còn vua đóng quân ở bến Đại Mang Bộ vùng Thiên Mạc để tập kết binh lực. Quân Đại Việt thuộc khối quân của Hưng Đạo vương Trần Quốc lại chia thành các nhóm nhỏ tập kích tiêu hao quân trên đường Nguyên từ Thiên Trường đến Thiên Mạc để phối hợp với vua và thượng hoàng. Quân của Toa Đô cùng cực lâu ngày, nay lại tiếp tục bị hành xác. Tổng binh giặc là Trương Hiển không chịu nổi sự uy hiếp của quân ta, đã đơn phương dẫn quân đi trước đầu hàng, được vua Trần thu nhận.Ngày 24.6.1285, đoàn thuyền của Toa Đô tiến đến bến Tây Kết. Vua Trần điều động thuỷ quân chặn đánh. Quân của Toa Đô tinh thần và thể chất đều suy nhược, mà ta lại dùng quân no đánh quân đói nên đã nhanh chóng chiếm thế thượng phong. Toa Đô thất thế nhưng vẫn liều chết chống trả, rốt cuộc bị quân Đại Việt chém chết tại trận.

Quân Nguyên tan rã, chạy trốn trong vô vọng. Quân Đại Việt truy kích, chém giết địch nhiều không kể xiết,bắt sống đến hơn 5 vạn tù binh. Ô Mã Nhi cùng Lưu Khuê dùng thuyền con chèo đi trốn ra biển, may mắn thoát chết. Quân ta cắt đầu của Toa Đô dâng lên cho vua Trần Nhân Tông. Nhà vua cảm phục tài trí và tinh thần chiến đấu của Toa Đô, bất giác có lòng thương cảm, nói với quần thần: “Người làm tôi phải nên như thế”. Nói xong, vua cởi áo ngoài sai quan gói đầu Toa Đô đem chôn. Nhưng ngay sau đó, vua nghe trình báo lại những tội ác tày trời mà Toa Đô đã gây ra cho dân chúng. Vốn quân của Toa Đô là quân đói khát, trong quân lại có những kẻ xuất thân tù tội nên đi đến đâu đều thả sức cướp bóc, tàn phá, giết người không ghê tay. Trong các cánh quân Nguyên, quân của Toa Đô là tàn hại nhân dân dữ dội nhất. Vua nghe qua hết sức căm giận bèn sai quân lấy đầu Toa Đô tẩm dầu mà đốt đi để an ủi vong linh những nhân dân đã tử nạn trước gót xâm lăng.
3. 
Lưu danh sử sách

Như vậy là sau quãng thời gian chừng nửa năm ròng chiến đấu dũng cảm, quân dân Đại Việt đã quét sạch hơn 50 vạn quân Nguyên Mông xâm lược khỏi bờ cõi, bảo vệ được nền độc lập của đất nước. Thắng lợi này có được là do nhiều nguyên nhân, nhưng trên hết là do từ vua đến dân trên dưới một lòng. Nhận xét về chiến thắng, sử gia các đời đã có những lời hay khác nhau.

Ngô Thì Sĩ khen ngợi chiến lược chung của vua tôi nhà Trần trong sách Việt Sử Tiêu Án rất xác đáng: “Mỗi lần có tin báo quân Nguyên sang cướp, thì tất là Vua thân hành ra ngoài trông coi quân, khi đi đông, đi tây, không đi nhất định đường nào, khi ở trên bộ, khi ở thuỷ không đóng nhất định ở đâu, đó không phải là rát, là vì Vua ở bên ngoài, thì dễ hiệu triệu thiên hạ. Cổ lệ lòng hăng hái của quân sĩ, chư tướng thì tiện việc tâu xin mệnh lệnh, tam quân thì vui lòng xông pha, lính tráng đều là quân của nước, của nhà giàu là của nước, có cơ hội nào thì cổ động quân sĩ xông vào trước, gặp tình thế không may thì tuỳ tiện mà chống giữ; khi tiến quân thì nhanh như chớp nhoáng, khi lui về thì như rồng rắn ẩn thân, giặc không biết đâu mà lường đạc được, nếu chỉ nấp giữ ở trong thành, thì địch coi đó là sào huyệt, chúng sẽ chặn đường không cho vận lương đến, và giữ viện binh không vào được, đến nỗi lương hết, lực cùng, chả nguy lắm sao. Có tin giặc đến mà Vua lập tức đi ra ngoài, đó là kỳ kế, liệu sức giặc và tính cách đánh của nhà Trần”.

Sách Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục của Quốc sử quán nhà Nguyễn thì nhấn mạnh ở việc trọng dụng người tài: “Lúc bấy giờ nhà Nguyên mới nổi lên, khí thế rất ngang ngược. Nhà Trần cũng may gặp lúc mới nổi lên, được các vua Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông và tướng văn tướng võ phần nhiều người tài, mới có thể đánh bại được giặc, giữ được nước. Chứ nếu gặp người khác thì chưa biết thế nào”.
..............................................................................
Vĩ thanh
Bài học về nghệ thuật quân sự, rộng hơn là nghệ thuật giữ nước trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần 2 là rất lớn lao và quý báu. Ngoài việc đút kết được rất nhiều kinh nghiệm cho quân dân nhà Trần tiếp tục chiến đấu với đế chế Nguyên Mông những năm về sau, những kinh nghiệm về chuẩn bị và tiến hành chiến tranh vệ quốc trong cuộc chiến này còn được rất nhiều thế hệ sau của dân tộc Việt Nam vận dụng. Mong rằng qua loạt bài này, mỗi độc giả sẽ có được những sự nhìn nhận riêng của mình về cuộc chiến, đồng thời rút ra được những bài học bổ ích và cùng nhau hun đúc tinh thần yêu nước. 

Quốc Huy
HÀO HÙNG SỬ VIỆT  - Page 6 54.1
Về Đầu Trang Go down
Hansy

Hansy

Tổng số bài gửi : 1578
Registration date : 21/03/2012

HÀO HÙNG SỬ VIỆT  - Page 6 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: HÀO HÙNG SỬ VIỆT    HÀO HÙNG SỬ VIỆT  - Page 6 I_icon13Fri 21 Sep 2018, 23:53

CHƯƠNG 4
NHÀ TRẦN
CHỐNG NGUYÊN MÔNG
LẦN THỨ BA

**********
HÀO HÙNG SỬ VIỆT  - Page 6 35
Về Đầu Trang Go down
Hansy

Hansy

Tổng số bài gửi : 1578
Registration date : 21/03/2012

HÀO HÙNG SỬ VIỆT  - Page 6 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: HÀO HÙNG SỬ VIỆT    HÀO HÙNG SỬ VIỆT  - Page 6 I_icon13Sun 23 Sep 2018, 23:50

Kỳ 55
LẤY CỚ QUÂN VIỆT LẤN BIÊN
NHÀ NGUYÊN PHÁT ĐỘNG CHIẾN TRANH LẦN 3


Cuộc xâm lược Đại Việt năm 1285 thất bại đã khiến cho Nguyên Mông hao binh tổn tướng rất nhiều. Hàng chục vạn quân Nguyên, trong đó có nhiều tinh binh đã bỏ xác trên chiến trường Đại Việt. Ngay cả những danh tướng hàng đầu của nước Nguyên là Lý Hằng, Toa Đô cũng thiệt mạng trong tay quân dân Đại Việt. Quả là kết cuộc cay đắng cho cuộc viễn chinh mà Nguyên triều đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Tuy nhiên, bất chấp thất bại tại chiến trường Đại Việt, đế chế Nguyên Mông vẫn đang ở trong thời kỳ sung mãn nhất dưới sự cai trị của Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt. Trong thời kỳ này, đế chế Nguyên Mông của Hốt Tất Liệt đã thừa hưởng những thành tựu văn minh tiên tiến nhất từ những đế chế cũ là Kim, Tống, Khwarem...

Lãnh thổ Nguyên Mông rất rộng lớn bao gồm phần lớn lãnh thổ Trung Quốc, toàn bộ Mông Cổ, một phần miền nam nước Nga ngày nay. Vương quốc Cao Ly sau nhiều lần cố gắng chiến đấu bảo vệ nền độc lập, cuối cùng cũng phải chấp nhận trở thành nước phụ thuộc của Nguyên Mông. Đồng thời, ngoài đế quốc Nguyên Mông của Hốt Tất Liệt còn có các Hãn quốc của người Mông Cổ lập nên tại các vùng đông dân, giàu có ở khắp lục địa Á - Âu tạo thành thế tựa lưng vào nhau giữa các Hãn quốc Mông Cổ. Vì vậy, Nguyên Mông hầu như không lo lắng đến việc bị xâm lược, càng tập trung vào mưu đồ bành trướng lãnh thổ.

Với khí thế đang lên, Nguyên chủ Hốt Tất Liệt không thể nuốt trôi nỗi nhục bại trận. Ngay từ khi mà cuộc chiến tranh đẫm máu vẫn chưa hoàn toàn kết thúc, một cuộc chiến tranh mới đã manh nha thành hình. Khi Thoát Hoan đang phải vất vả tìm đường tháo chạy khỏi Đại Việt, tin tức bại trận đã được tướng Đường Cổ Đái chạy trạm báo về triều đình Nguyên Mông. Ngày 9.7.1285, xa giá của hai vua Trần mới về lại Thăng Long thì ngày 21.8.1285 Khu mật viện nước Nguyên đã bàn việc nam chinh ngay trong năm 1285. Theo kế hoạch này, vào khoảng tháng 11.1285 quân Nguyên sẽ tổ chức tập kết tại Đàm Châu (Hồ Nam). Lực lượng bao gồm tàn quân mới bại trận ở Đại Việt chạy về, lại phái Áo Lỗ Xích điều động thêm quân Mông Cổ, các hành tỉnh Giang Hoài, Giang Tây, Kinh Hồ điều động thêm bộ binh người Hán (miền bắc Trung Quốc) và quân Tân phụ (miền nam Trung Quốc).

Đạo quân mới sẽ vẫn nằm dưới quyền chỉ huy của Thoát Hoan và A Lý Hải Nha tiến đánh Đại Việt. Quần thần nước Nguyên muốn nhân lúc quân dân Đại Việt chưa lại sức sau quãng thời gian chiến đấu dài mà đánh bồi thêm một đòn mới. Tuy nhiên, quân ta dẫu có mệt mỏi nhưng vẫn còn khí thế mạnh mẽ của những người chiến thắng, còn chính quân Nguyên mới không đủ thời gian để phục hồi sức lực và tinh thần sau những tổn thất lớn.

Hốt Tất Liệt dùng binh muốn san bằng nước ta, rốt cuộc không thắng được lại đâm ra thù hận nước ta. Bụng dạ của tên quốc chủ nước Nguyên là như thế. Hốt Tất Liệt tuy rất nóng lòng “báo thù” nhưng vẫn phải cân nhắc việc chuẩn bị. Đường Cổ Đái, tên tướng vừa trải qua những kinh hoàng ở chiến trường Đại Việt thấu hiểu rõ quân tình của đám bại binh, đã tâu xin Hốt Tất Liệt cho quân tướng vừa trở về từ Đại Việt được nghỉ ngơi dưỡng sức. Hốt Tất Liệt sau khi cân nhắc đã chấp nhận cho quân sĩ nghỉ ngơi, dời lại tiến độ cuộc xâm lược đến sang năm để chuẩn bị chu đáo hơn. Đồng thời, Nguyên triều sai Hợp Tán Nhi Hải Nha (Qasar Qaya) đi sứ Đại Việt, muốn lấy cớ đặt lại chức Đạt Lỗ Hoa Xích (chức quan đô hộ của Nguyên Mông) để dò thám tình hình và kiếm cớ gây sự. Triều đình nhà Trần tiếp sứ rồi tiễn về, không cho Hợp Tán Nhi Hải Nha nhậm chức.

Sang năm 1286, để tập trung vào chiến trường Đại Việt, Nguyên triều đã quyết định bãi bỏ kế hoạch chuẩn bị đánh Nhật Bản vẫn đang tiến hành gấp rút. Trước đó, Nguyên Mông đã hai lần ôm hận trước Nhật Bản, lần nào cũng bị bão biển làm tan tác hạm đội. Quân Nhật Bản cũng chuẩn bị các thành trì phòng thủ rất kỹ lưỡng và có quân đội mạnh nên thừa cơ hội được “Thần Phong” giúp sức, tổ chức tiêu diệt quân Nguyên. Hai lần xâm lược Nhật Bản bất thành, trước sau quân Nguyên bị tổn thất đến hơn 12 vạn nhân mạng cùng một hạm thuyền khổng lồ. Đó cũng là những thất bại chua cay của đế chế Nguyên Mông cho tới thời điểm bấy giờ, nhưng vẫn không sánh được với thất bại to lớn ở Đại Việt khi mà hàng chục vạn quân Nguyên đã bỏ mạng, đồng thời cũng không thể mở một cửa ngõ bành trướng xuống Đông Nam Á như Nguyên triều kỳ vọng. Hốt Tất Liệt bàn với quần thần: “Nhật Bản chưa từng xâm lấn ta, nay Giao Chỉ xâm phạm biên giới, nên gác việc Nhật Bản, chuyên việc Giao Chỉ”. Việc xâm phạm biên giới mà Hốt Tất Liệt nói đến là chỉ việc quân ta truy kích Thoát Hoan đánh tràn qua châu Tư Minh của nước Nguyên. Thực ra đây chỉ là một cái cớ của Nguyên triều. Cái chính là chúng muốn nhanh chóng khai thông con đường bành trướng xuống phương nam, đồng thời trả mối thù bại trận.

Bộ khung tướng lĩnh xâm lược được định xong trong tháng 3.1286. Thoát Hoan (Toghan) là thống soái đạo quân viễn chinh. Hầu hết các tướng chủ chốt là những tên đã quen thuộc với chiến trường Đại Việt. A Lý Hải Nha (Ariq Qaya) giữ chức Hành trung thư tỉnh Tả thừa tướng, đóng vai trò tham mưu chính cho Thoát Hoan. Các tướng chủ chốt là Áo Lỗ Xích (Ayuruci), Ô Mã Nhi (Omar), Phàn Tiếp, Diệp Hắc Mê Thất (Yimis), A Lý Quỹ Thuận (Ariq Qusun), Đường Cổ Đái (Tanggutai)… Sau A Lý Hải Nha bệnh chết nên Áo Lỗ Xích được chỉ định thay thế hắn phụ tá cho Thoát Hoan và chỉ huy luôn phần binh lực của A Lý Hải Nha. Lực lượng quân Nguyên được điều động từ khắp nơi trong nước Nguyên. Riêng các vùng phía nam nằm gần Đại Việt là Hồ Quảng, Chiết Giang, Giang Tây. Chiến thuyền được gấp rút đóng mới. Quân Nguyên hẹn nhau tập kết tại Ung Châu, Liêm Châu vào cuối thu để tiến sang Đại Việt. Từ hướng Vân Nam, Dã Tiên Thiết Mộc Nhi (Asar Tamur) bấy giờ giữ chức Vân Nam vương cùng Nạp Tốc Lạp Đinh cũng được lệnh điều binh sẵn sàng phối hợp với đại quân của Thoát Hoan.

Đám hàng thần được Hốt Tất Liệt dựng lên thành một triều đình bù nhìn để dễ bề dụ hàng quân dân nước ta. Trần Ích Tắc được vua Nguyên phong làm “An Nam Quốc Vương”, Trần Tú Hoãn làm “Phụ Nghĩa công”. Con trưởng Ích Tắc là Trần Bá Ý được phong “An phủ sứ lộ Đà Giang”, em họ Tú Hoãn là Lại Ích Khuy được làm “An phủ sứ lộ Nam Sách, Trần Văn Lộng được làm “Tuyên phủ sứ lộ Quy Hoá”... Cả đám bù nhìn sẽ đi theo quân Nguyên vào nước ta. Nguyên triều lại soạn một tờ “kể tội” vua Trần, dụ dỗ quân dân Đại Việt buôn giáo. Tờ chiếu như sau:

“Trước kia, vua nước các ngươi đã xưng thần, quy phục, hàng năm dâng cống, nhưng không thân vào chầu, nên khi chú y là Trần Di Ái sang chầu, ta uỷ cho trông coi việc nước An Nam thay y. Di Ái về nước thì bị giết. Đạt Lỗ Hoa Xích là Bột Nhan Thiếp Mộc Nhi sang thì không chịu nhận. Còn như quân ta đi đánh Chiêm Thành, lệnh phải giúp lương thì lại không chịu giúp. Vì thế, Trấn Nam vương Thoát Hoan, Hành tỉnh bình chương sự A Lý Hải Nha phải đem quân sang đánh. Trong khi giao chiến, hai bên đều giết hại lẫn nhau. Nay cận thần của nước các ngươi là bọn Trần Ich Tắc, Trần Tú Hoãn lo sợ nước bị sụp đổ, tuyệt diệt, tai hoạ đến kẻ vô tội nên thường xuyên bảo vua các ngươi vào chầu, nhưng rốt cuộc vẫn không được nghe theo. Bọn ấy đã tự đến quy phục. Ta thương bọn này có lòng trung hiếu, đã đặc cách phong Trần Ích Tắc làm An Nam quốc vương, Trần Tú Hoãn làm Phụ Nghĩa công, để phụng tự họ Trần. Lại sai Trấn Nam vương Thoát Hoan, Bình chương sự áo Lỗ Xích đem quân sang bình định nước các người. Những tội lỗi trước đây chỉ thuộc một mình y, quan và dân không liên quan. Khi chiếu thư tới, các ngươi nên trở về đồng ruộng yên ổn làm ăn. Vậy xuống chiếu để hiểu dụ”.

Văn ngôn trong tờ chiếu của Nguyên là một đòn tâm lý chiến đánh vào nhân tâm nước ta. Người Nguyên miệng nói toàn điều lễ nghĩa, nhưng quân Nguyên trước sau đi đến đâu là tàn sát, cướp bóc đến đó. Quân dân Đại Việt hơn ai hết hiểu rõ dã tâm của quân xâm lược. Chúng ta sẽ thấy được trong cuộc chiến rằng những chiếu thư dụ dỗ như thế này không đem lại nhiều hiệu quả. Nhà Trần bấy giờ căn cơ đã vững, nhân dân một lòng với triều đình. Một vài lời xảo ngôn của quân xâm lược đâu dễ gì lung lạc được.

Quốc Huy
HÀO HÙNG SỬ VIỆT  - Page 6 55-TR%25E1%25BA%25A6N%2B3
Về Đầu Trang Go down
Hansy

Hansy

Tổng số bài gửi : 1578
Registration date : 21/03/2012

HÀO HÙNG SỬ VIỆT  - Page 6 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: HÀO HÙNG SỬ VIỆT    HÀO HÙNG SỬ VIỆT  - Page 6 I_icon13Tue 25 Sep 2018, 23:53

Kỳ 56
NHÀ NGUYÊN TÍNH DÙNG CẢ TRIỆU NGƯỜI 
ĐÁNH ĐẠI VIỆT
DÂN HÁN LẦM THAN

Nguyên Mông chuẩn bị xâm lược trong bối cảnh khó khăn hơn lần xâm lược trước. Ở các vùng phía nam nước Nguyên, việc lao dịch, bắt lính, vơ vét thuế má, lương thực đã khiến cho dân chúng nhiều nơi lâm vào cảnh khốn cùng, rủ nhau phất cờ khởi nghĩa. Quân đội nhà Nguyên hùng mạnh, tạm thời vẫn làm chủ tình hình nhưng việc này đã khiến cho quá trình chuẩn bị xâm lược Đại Việt gặp trở ngại lớn. Một số quan lại địa phương nước Nguyên còn có lòng thương dân, liên tiếp tâu trình xin Hốt Tất Liệt giãn tiến độ chuẩn bị. Khoảng tháng 7.1285, Tuyên uý ti Hồ Nam đã dâng sớ xin Hốt Tất Liệt hoãn binh:

“Luôn năm đánh Nhật Bản và dùng binh ở Chiêm Thành, trăm họ phục dịch vận chuyển rất vất vả cực nhọc, quân sĩ mắc phải chướng lệ chết rất nhiều. Dân chúng kêu than, tứ dân bỏ nghiệp. Người nghèo phải bỏ con để cầu sống, kẻ giàu phải bán sản nghiệp để ứng dịch. Nỗi khổ như bị treo ngược, mỗi ngày một tăng. Nay lại có việc đánh Giao Chỉ, điều động đến trăm vạn người (1), tiêu phí đến nghìn vàng, đó chẳng phải là việc để thương sĩ dân. Vả lại trong lúc cử động, lợi hại không phải chỉ là một. Lại thêm nữa, Giao Chỉ vẫn thường sai sứ dâng biểu xưng phiên thần. Nếu theo lời xin để phục hồi sức dân thì là kế hay nhất. Nếu không được thì nên nới phú thuế cho trăm họ, chứa lương thực, sắm giáp binh, đợi đến năm sau thiên thời địa lợi tất hơn chút nữa hãy cất quân cũng chưa muộn”.

Hành tỉnh Hồ Quảng là Tuyến Kha (Sanag) đem sớ vào triều còn nói thêm: “Tỉnh tôi trấn giữ hơn 70 sở, luôn năm chinh chiến, quân sĩ tinh nhuệ đều mệt nhọc ở ngoài, kẻ còn lại đều già yếu, mỗi thành ấp nhiều không quá hai trăm quân, trộm nghĩ rằng sợ kẻ gian dò xét được tình hình đó. Năm ngoái bình chương A Lý Hải Nha xuất chinh, thu 3 vạn thạch lương, dân còn kêu khổ. Nay lại thu gấp bội số đó, quan không có tích trữ, còn mua ở trong dân, trăm họ sẽ khốn khổ khôn xiết. Nên theo lời của tuyên uý ti, xin hoãn quân đánh phương Nam”.

Ngay trong triều đình trung ương nước Nguyên cũng có người không mong muốn việc khởi binh đánh Đại Việt. Lễ bộ thượng thư nước Nguyên là Lưu Tuyên tâu xin Hốt Tất Liệt nên đàm phán với Đại Việt, tránh nạn binh đao:

“Luôn năm đánh Nhật Bản, trăm họ sầu oán, quan phủ nhiễu nhương. Mùa xuân năm nay bãi binh, quân dân Giang Chiết reo mừng như sấm. An Nam là nước nhỏ, thần phục đã bao năm, tuế cống chưa từng sai hạn. Vì tướng ở biên sinh sự hưng binh, nên kẻ kia trốn tránh ra hải đảo, khiến cất đại quân đi mà không được công trạng gì, tướng sĩ lại bị thương tổn. Nay lại hạ lệnh đi đánh nữa, ai nghe thấy cũng lo sợ. Từ xưa dấy quân, tất phải theo thiên thời. Ở vùng trung nguyên đất bằng còn phải tránh giữa mùa hạ. Giao Quảng là đất viêm chướng, khí độc hại người còn hơn là binh đao. Nay định tháng 7 họp các đạo quân ở Tĩnh Giang đến An Nam tất nhiều người mắc bệnh chết, lúc cần cấp gặp giặc biết lấy gì ứng phó. Ở Giao Chỉ lại không có lương, đường thuỷ khó đi, không có xe ngựa, trâu bò chuyên chở thì không thể tránh được vận chuyển đường bộ. Một người phu gánh 5 đấu gạo, đi về ăn hết một nửa, còn quan quân được một nửa. Nếu có 10 vạn thạch lương, dùng 40 vạn người cũng chỉ có thể có lương cho quân 1, 2 tháng. Chuyên chở, đóng thuyền, phục dịch việc quân phải dùng đến 5, 60 vạn người. Quảng Tây, Hồ Nam điều động nhiều lần, dân ly tán nhiều, lệnh cho cung dịch cũng không thể làm được. Huống chi Hồ Quảng rất gần khe động, trộm cướp thường nhiều, vạn nhất kẻ gian dò được, chờ đại quân một khi đi khỏi, thừa lúc bỏ không mà gây biến. Tuy có quân mã lưu lại nhưng là người già yếu mệt nhọc, khó bề ứng biến. Sao không cùng người hiểu biết sự thể trong quan quân bên kia mà bàn bạc phương lược vạn toàn. Nếu không thì sẽ giẫm vào vết xe cũ”.

Những lời can gián của Lưu Tuyên rất thấu tình đạt lý. Không chỉ viên quan này nghĩ cho nhân dân hai nước, mà thực sự lợi ích của Nguyên triều cũng được y phân tích rất chính xác. Bấy giờ miền nam nước Nguyên dân tình đã quá cơ cực, những hào kiệt chỉ chực chờ cơ hội để nổi dậy. Việc trọng đại của nước Nguyên bấy giờ là tạo phúc cho dân, thu phục lòng dân để có được căn cơ vững chắc. Hoà bình với Đại Việt sẽ giúp cho đôi bên cùng thắng. Hốt Tất Liệt dù rất nóng lòng tiến hành nam chinh, vẫn không thể bất chấp tất cả. Mặc dù không có lòng trắc ẩn thương dân đi chăng nữa, thì vua Nguyên cũng không thể không xét đến những nguy cơ. Bởi vậy, Hốt Tất Liệt sau khi suy xét đã một lần nữa hạ lệnh tạm hoãn việc xuất quân. Gươm đã tuốt khỏi vỏ lại phải tạm cất đi.

Nhưng Hốt Tất Liệt hẳn là không nghĩ giống như Lưu Tuyên. Tham vọng bành trướng và lòng hận thù của hắn vẫn còn đó. Khi mà khó khăn trong nước tạm thời dịu xuống, công cuộc chuẩn bị cho việc xâm lược Đại Việt lại được tiến hành mạnh mẽ.Việc chuẩn bị càng dời tiến độ, thì binh lực của đạo quân xâm lược càng to lớn hơn. Cuối năm 1286, ngựa chiến được cấp thêm cho Thoát Hoan. Chinh Giao Chỉ hành tỉnh được lập ra, giao cho A Bát Xích (Abaci) làm Hữu thừa. Tháng giêng năm 1287, Hốt Tất Liệt hạ lệnh điều động thêm quân lính. Gồm có 1.000 quân Tân Phụ (người Nam Tống cũ), 7 vạn quân Mông Cổ và quân Hán (người nước Kim cũ), 6.000 quân Vân Nam (người nước Đại Lý cũ), 15.000 quân người Lê (đảo Hải Nam)… cùng với một số quân người Choang (người Âu Việt ở Quảng Tây). Số quân tăng thêm này cộng với những quân lính đã điều động từ trước và tàn quân của lần xâm lược trước chạy về, gộm chung toàn bộ đạo quân Nguyên xâm lược nước Đại Việt lần này theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư là 30 vạn quân. Một số tướng lĩnh cũng được tăng cường thêm dưới quyền Thoát Hoan là Ái Lỗ (Aruq), Tích Đô Nhi (Siktur), Trương Ngọc, Lưu Khuê…

Rút kinh nghiệm từ thất bại lần trước, quân Nguyên trang bị hai hạm thuyền lớn. Hạm đội tải lương dưới quyền của Trương Văn Hổ, chở theo 17 vạn thạch lương (có sách chép 70 vạn) để giúp đảm bảo hậu cần cho quân Nguyên, giảm bớt sự lệ thuộc vào việc tải lương đường bộ vốn rất khó khăn và tốn nhiều nhân lực. Hạm đội chiến đấu gồm có cả thảy hơn 600 chiến thuyền dưới quyền tổng chỉ huy của Ô Mã Nhi, với hàng vạn thuỷ quân tinh nhuệ nhất của nước Nguyên là những sắc quân người Lê đảo Hải Nam, quân Tân Phụ miền Giang Nam. Hạm đội của Ô Mã Nhi có nhiệm vụ đánh mở đường và hộ tống đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ, đồng thời sẽ là một lực lượng quan trọng để phá tan ưu thế thuỷ chiến của quân Đại Việt.

Cuối thu năm 1287, quân Nguyên đã tập kết thành ba khối quân. Khối đại quân do Thoát Hoan trực tiếp chỉ huy tập kết tại Quảng Tây. Khối quân ở Vân Nam dưới quyền tổng chỉ huy của Ái Lỗ là khối quân phối hợp. Khối thuỷ quân Nguyên dưới quyền của Ô Mã Nhi, Trương Văn Hổ tập kết ở Khâm Châu, sẵn sàng vượt biển tiến vào Đại Việt. Lần xâm lược này, quân Nguyên có tổng quân số ít hơn lần trước nhưng đặc biệt nguy hiểm là thuỷ quân của chúng được tăng cường mạnh mẽ hơn rõ rệt. Trong lần xâm lược trước, quân Nguyên cực mạnh về kỵ bộ nhưng cách điều quân của Đại Việt đã khiến cho nhiều lực lượng kỵ bộ của quân Nguyên trở thành “người thừa”. Trái lại, thuỷ quân tinh nhuệ là lực lượng mà quân Nguyên trong lần xâm lược năm 1285 rất cần nhưng lại thiếu thốn. Lần này, sức mạnh quân Nguyên cân đối hơn giữa thuỷ và bộ, lại chú trọng hậu cần hơn trước. Dù binh lực thuỷ bộ đều rất hùng hậu, Nguyên chủ Hốt Tất Liệt vẫn chưa hoàn toàn yên tâm. Gần sát ngày tiến quân, Hốt Tất Liệt ra chỉ dụ căn dặn các tướng: “Không được cho Giao Chỉ là nước nhỏ mà khinh thường”.

Quốc Huy
HÀO HÙNG SỬ VIỆT  - Page 6 56
Về Đầu Trang Go down
Hansy

Hansy

Tổng số bài gửi : 1578
Registration date : 21/03/2012

HÀO HÙNG SỬ VIỆT  - Page 6 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: HÀO HÙNG SỬ VIỆT    HÀO HÙNG SỬ VIỆT  - Page 6 I_icon13Thu 27 Sep 2018, 00:42

Kỳ 57
ĐƯỢC TRẢ 5 VẠN TÙ BINH
NHÀ NGUYÊN VẪN KHÔNG NGUỘI DÃ TÂM

Sau hồi binh lửa, quân Nguyên bại trận, thây phơi đầy nội đã đành, quân dân Đại Việt là bên chiến thắng cũng không tránh khỏi nhiều tang thương. Giặc đi đến đâu là xóm làng xơ xác đến đó. Quân dân ta vừa thắng trận, vết thương chiến tranh chưa kịp lành đã phải chuẩn bị bước vào một cuộc chiến tranh vệ quốc mới trước đế chế hùng mạnh nhất thế giới thời bấy giờ.

Giữa năm 1285, quan quân rước vua Trần Nhân Tông và Thượng hoàng Trần Thánh Tông về lại kinh thành Thăng Long, trăm họ trở về quê nhà sau những ngày tránh giặc và chiến đấu bên cạnh quân đội triều đình. Một trong những việc quan trọng đầu tiên mà vua Trần thực hiện là xét thưởng công trạng cho những người có công lao trong cuộc chiến, xử tội những kẻ hèn nhát hàng giặc. Vua thương trăm họ vừa chịu khổ chiến tranh, xuống chiếu đại xá cho cả nước.

Cuối năm 1285, vua Trần Nhân Tông lại chiếu cho cả nước định lại hộ khẩu, muốn qua đó thống kê lại sổ sách về thuế má, dân đinh. Triều thần sợ việc này sẽ gây ra nhũng nhiễu cho dân, đồng loạt can vua: “Dân đương lao khổ, mà định số nhân khẩu, không phải là việc cấp”. Vua đáp lời: “Chỉ có thể định hộ khẩu vào lúc này. Chẳng nên qua đó mà xem xét sự hao hụt, điêu tàn của dân ta hay sao?”.(theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư).

Triều thần nghe vua nói thế đều khen là phải. Khắp nơi trong nước nhộn nhịp việc định lại nhân khẩu. Về việc này, sử gia các đời có nhiều ý kiến trái chiều. Mặt lợi là giúp hệ thống cai trị được tổ chức lại chặt chẽ hơn sau những xáo trộn do chiến tranh, giúp cho triều đình dễ dàng nắm rõ và huy động các tiềm lực trong dân. Mặt hại là bởi thời kỳ này việc hành chính còn phức tạp mà định lại nhân khẩu cho cả nước là việc lớn, do đó sinh ra nhiều sự phiền phức trong dân. Tuy nhiên qua những diễn biến thời bấy giờ cho thấy mọi việc đang diễn ra khá suôn sẻ. Dân phiêu tán đã bắt đầu trở lại làng quê cày cấy. Các hải cảng đã sầm uất trở lại. Từ đống tro tàn của chiến tranh, quân dân ta gấp rút xây dựng lại đất nước.

Tù binh bắt được trong cuộc chiến rất nhiều. Trong quân của Toa Đô có những tù binh người Chiêm Thành đã quy hàng và chiến đấu cùng quân Nguyên, vua Trần lệnh bắt những người này đem trả về cho vua Chiêm Thành xét xử, thể hiện thiện chí giữa hai nước.

Đối với Nguyên Mông, triều đình Đại Việt thể hiện thái độ hết sức mềm mỏng để tìm kiếm hoà bình lâu dài. Vừa dứt chiến tranh không lâu, sứ bộ Đại Việt đã sang Nguyên tặng cống phẩm, đưa biểu “tạ tội”. Đầu năm 1286, vua Trần đã lệnh trao trả 5 vạn tù binh quân Nguyên về nước. Những động thái này thể hiện thiện chí rất lớn của triều đình Đại Việt. Khi vua Nguyên sai sứ là Hợp Tán Lý Hải Nha sang nước ta, triều đình Đại Việt đã đón tiếp thân thiện hòng nối lại mối quan hệ thân thiện với Nguyên Mông. Tuy nhiên, sự nhún nhường, thân thiện của triều đình Đại Việt cũng không đủ dập tắt được hoạ chiến tranh do tham vọng và lòng hận thù của Nguyên Mông quá lớn. Yêu sách của Nguyên triều vẫn là đòi đặt chức Đạt Lỗ Hoa Xích, thiết lập nền đô hộ trên nước Đại Việt. Để bảo vệ nền độc lập, triều đình nước ta đã phải từ chối yêu sách này.

Sứ Nguyên về rồi, tin tức do thám liên tục báo về rằng Nguyên triều đang ráo riết sửa soạn quân đội ở các vùng phía nam. Vua Trần Nhân Tông biết chuyện chẳng lành, đoán rằng giặc sẽ tiến sang trong nay mai.

Vua cho triệu Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn đến hỏi: “Năm nay quân Nguyên tất lại sang, chưa biết tình thế chúng thế nào?”.

Hưng Đạo vương đáp rằng: “Nước ta thái bình lâu ngày, dân không biết việc binh. Cho nên, năm trước quân Nguyên vào cướp, thì có kẻ đầu hàng trốn chạy. Nhờ uy tín của tổ tông và thần võ của bệ hạ, nên quét sạch được bụi Hồ. Nay nếu nó lại sang thì quân ta đã quen việc chiến trận, mà quân nó thì sợ phải đi xa. Vả lại, chúng còn nơm nớp cái thất bại của Hằng, Quán (1) không còn chí chiến đấu. Theo như thần thấy, phá được chúng là điều chắc chắn”. (theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư).

Lời phân tích của Hưng Đạo vương lại dựa trên những thuận lợi mà quân dân Đại Việt đang nắm giữ. Quả thực sau cuộc chiến năm 1285, toàn bộ dân tộc ta đã được tôi rèn trở thành một dân tộc chiến binh. Tuy nhiên sự chắc thắng như lời Hưng Đạo vương nói chỉ có thể có được khi mà quân dân ta vẫn giữ được sự đoàn kết, mưu trí, dũng cảm như lần kháng chiến trước đó.

Tất nhiên là dù ý thức được những thuận lợi so với lần kháng chiến trước nhưng triều đình Đại Việt không hề tỏ ra chủ quan. Việc binh bị trong nước được củng cố rất khẩn trương để đề phòng quân giặc. Vua Trần nghe lời tâu của Hưng Đạo vương xong, khen ngợi là phải lẽ rồi giao cho Hưng Đạo vương quyền đốc suất quân đội cả nươc chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu. Hưng Đạo vương cho triệu tập vương hầu, hạ lệnh khẩn trương chiêu mộ thêm binh lính, sắm sửa vũ khí, thuyền bè, đêm ngày luyện tập. Đồng thời, các ải hiểm yếu ở biên giới, các hải cảng phía đông bắc đều có binh lực mạnh đóng giữ.

Đầu đông năm 1286, Hưng Đạo vương tổ chức duyệt binh quy mô lớn hòng kiểm tra chất lượng quân đội, đặc biệt là những tân binh mới điều động. Bấy giờ quân đã tinh nhuệ, có thể dùng được. Nắm được rằng quân Nguyên tăng cường thuỷ binh rất mạnh, lần này Đại Việt tăng cường phòng thủ mặt biển. Phó đô tướng – Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư, một tướng giỏi thời bấy giờ được Hưng Đạo vương giao trọng trách tổng chỉ huy phòng thủ ven biển đông bắc, đóng thuỷ binh mạnh tại hải cảng Vân Đồn. Nhân Đức hầu Trần Toàn cùng phối hợp với Trần Khánh Dư sắp đặt binh thuyền đón đánh thuỷ quân Nguyên.

Sang năm 1287, tình hình chuẩn bị chiến tranh của cả hai bên Đại Việt – Nguyên Mông càng khẩn trương hơn. Lúc này quân Nguyên đã hoàn toàn lộ rõ ý đồ xâm lược, các cụm quân lớn đã bắt đầu quá trình tập kết. Cũng như những lần kháng chiến chống Nguyên Mông trước, các căn cứ dự phòng được quân Đại Việt chuẩn bị kỹ càng. Những căn cứ như phủ Long Hưng, phủ Thiên Trường, Trường Yên đều có thể là nơi quân ta rút về khi gặp bất lợi. Nhân dân cả nước chỉ vừa mới ổn định sản xuất được hơn một năm, đã lại bắt đầu chuẩn bị cất giấu lương thực, tự vũ trang hoặc chuẩn bị sơ tán. 

Trần Khánh Dư đóng ở cảng Vân Đồn, hạ lệnh cho các hạng dân phải đội nón Ma Lôi (một loại nón lá) để phân biệt với khách buôn ngoại quốc, đề phòng trong lúc hỗn loạn khó phân biệt gián điệp của địch cài vào. Đây là việc làm rất cần thiết, nhưng Trần Khánh Dư lại nhân cơ hội này cho người nhà mua nón Ma Lôi để đầu cơ, đẩy giá lên cao ngất rồi mới bán ra cho dân. Vì việc này mà ông đã bị Thượng hoàng Trần Thánh Tông khiển trách. Các sử gia đời sau cũng hết mực chê trách. Tuy nhiên, Khánh Dư bấy giờ là tướng tài cả nước phải trông cậy nên Thượng hoàng cũng không xử mạnh tay.

Nhận thấy rõ lần này của quân Nguyên mạnh cả thuỷ lẫn bộ, vua Trần và triều thần có nhiều người lo lắng binh lực của ta chưa đủ mạnh. Quan chấp chính khuyên Hưng Đạo vương nên tuyển chọn thêm dân đinh sung vào quân để tăng quân số. Hưng Đạo vương đáp rằng: “Quân quý ở tinh nhuệ, không quý ở số đông. Dẫu đến 100 vạn quân mà như Bồ Kiên (2) thì cũng làm gì được?”. Thêm quân đông sẽ càng làm cho hậu cần bị gánh nặng, điều động chậm chạp. Không bằng dùng quân số vừa đủ mà tinh nhuệ để có thể cơ động dễ dàng. Vả lại luyện binh cũng đòi hỏi không ít thời gian, công sức. Lời của Hưng Đạo vương cũng là phương châm xây dựng quân đội của Đại Việt thời Trần.

Vua Trần Nhân Tông một lần nữa hỏi ý kiến của Hưng Đạo vương: “Năm nay thế giặc ra sao?”. Hưng Đạo vương bình thản đáp: “Năm nay đánh giặc nhàn”.(theo ĐVSKTT). Sự tự tin của vị Quốc Công Tiết Chế là rất có cơ sở. Dù cho thuỷ quân Nguyên Mông hùng mạnh, nhưng thuỷ chiến là sở trường của quân ta. Lại thêm lần này nước ta không bị lâm vào thế lưỡng đầu thọ địch như lần trước (năm 1285 Thoát Hoan từ bắc đánh xuống, Toa Đô từ nam đánh lên). Về quân số, quân Nguyên lần này cũng không đông như lần trước. Tuy nhiên, trong chiến tranh có nhiều tình huống bất ngờ xảy ra mà ta sẽ thấy trong diễn biến cuộc chiến.

Cuối năm 1287, quân Nguyên dưới quyền của Thoát Hoan đã tiến quân đến châu Tư Minh, sát biên giới nước ta. Thuỷ quân địch đã tập kết tại cảng Khâm, sẵn sàng vượt biển. Một cuộc chiến mới lại sắp bắt đầu.

Quốc Huy
Ghi chú
(1) Lý Hằng, Lý Quán là những tướng Nguyên chết trận trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần 2
(2) Bồ Kiên là vua nước Tiền Tần thời Ngũ Hồ thập lục quốc trong sử Trung Hoa. Quân Tiền Tần đem 100 vạn quân đánh Đông Tấn. Quân Tiền Tần đông nhưng ô hợp, bị 8 vạn quân Đông Tấn tàn sát trong trận Phì Thuỷ. 

HÀO HÙNG SỬ VIỆT  - Page 6 57
Về Đầu Trang Go down
Sponsored content




HÀO HÙNG SỬ VIỆT  - Page 6 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: HÀO HÙNG SỬ VIỆT    HÀO HÙNG SỬ VIỆT  - Page 6 I_icon13

Về Đầu Trang Go down
 
HÀO HÙNG SỬ VIỆT
Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Trang 6 trong tổng số 6 trangChuyển đến trang : Previous  1, 2, 3, 4, 5, 6

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
daovien.net :: TRÚC LÝ QUÁN :: Lịch Sử-