Trang ChínhTìm kiếmLatest imagesVietUniĐăng kýĐăng Nhập
Bài viết mới
Thơ Nguyên Hữu 2022 by Nguyên Hữu Yesterday at 20:54

Hơn 3.000 bài thơ tình Phạm Bá Chiểu by phambachieu Yesterday at 00:28

Mức thù lao không ai dám nghĩ đến by Trà Mi Wed 17 Apr 2024, 11:28

Nhận dạng phụ nữ giàu có by Phương Nguyên Wed 17 Apr 2024, 11:17

KHÔNG ĐỀ by Phương Nguyên Wed 17 Apr 2024, 11:00

BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-1965 - LM CAO VĂN LUẬN by Trà Mi Wed 17 Apr 2024, 09:02

Mái Nhà Chung by mytutru Tue 16 Apr 2024, 12:01

Cách xem tướng mạo phụ nữ ngoại tình, không chung thủy by mytutru Tue 16 Apr 2024, 11:59

Ở NHÀ MỘT MÌNH by Phương Nguyên Tue 16 Apr 2024, 09:59

Quán Tạp Kỹ - Đồng Bằng Nam Bộ by Trà Mi Tue 16 Apr 2024, 09:39

HÁ MIỆNG CHỜ SUNG by Phương Nguyên Sun 14 Apr 2024, 13:29

Trang thơ vui Phạm Bá Chiểu by phambachieu Fri 12 Apr 2024, 15:48

Những Đoá Từ Tâm by Việt Đường Fri 12 Apr 2024, 15:32

Chết rồi! by Phương Nguyên Fri 12 Apr 2024, 13:57

ĐÔI BÀN TAY NGHỆ NHÂN by mytutru Thu 11 Apr 2024, 17:43

LỀU THƠ NHẠC by Thiên Hùng Thu 11 Apr 2024, 02:15

THẬN TRỌNG SIÊU LỪA by mytutru Wed 10 Apr 2024, 20:33

Không đánh, không mắng, không phạt, không có học sinh ưu tú by Trà Mi Wed 10 Apr 2024, 11:45

Thi tập "Chỉ là...Tình thơ" by Tú_Yên tv Wed 10 Apr 2024, 11:37

Thơ Tú_Yên phổ nhạc by Tú_Yên tv Wed 10 Apr 2024, 11:32

KHÓ NGỦ by Phương Nguyên Wed 10 Apr 2024, 01:46

MỘT CHÚT BUỒN by Phương Nguyên Tue 09 Apr 2024, 15:33

Trụ vững duyên thầy by buixuanphuong09 Mon 08 Apr 2024, 08:14

"Vãi" Tiếng Việt! by Trà Mi Mon 08 Apr 2024, 08:09

7 chữ by Tinh Hoa Sun 07 Apr 2024, 22:30

TRANG ALBUM GIA ĐÌNH KỶ NIỆM CHUYỆN ĐỜI by mytutru Sun 07 Apr 2024, 19:29

Trang viết cuối đời by buixuanphuong09 Sat 06 Apr 2024, 09:10

Tranh Thơ Viễn Phương by Viễn Phương Fri 05 Apr 2024, 17:59

Những Bài Giảng Hay Thầy Thích Pháp Hoà by mytutru Thu 04 Apr 2024, 22:35

Còn mãi duyên thầy by buixuanphuong09 Thu 04 Apr 2024, 19:48

Tự điển
* Tự Điển Hồ Ngọc Đức



* Tự Điển Hán Việt
Hán Việt
Thư viện nhạc phổ
Tân nhạc ♫
Nghe Nhạc
Cải lương, Hài kịch
Truyện Audio
Âm Dương Lịch
Ho Ngoc Duc's Lunar Calendar
Đăng Nhập
Tên truy cập:
Mật khẩu:
Đăng nhập tự động mỗi khi truy cập: 
:: Quên mật khẩu

Share | 
 

 Trần Dần, từ những trang nhật ký “Ghi” - Nguyễn Mạnh Trinh.

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Chuyển đến trang : 1, 2, 3  Next
Tác giảThông điệp
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7103
Registration date : 01/04/2011

Trần Dần, từ những trang nhật ký “Ghi” - Nguyễn Mạnh Trinh. Empty
Bài gửiTiêu đề: Trần Dần, từ những trang nhật ký “Ghi” - Nguyễn Mạnh Trinh.   Trần Dần, từ những trang nhật ký “Ghi” - Nguyễn Mạnh Trinh. I_icon13Wed 17 Feb 2016, 09:58

Trần Dần, từ những trang nhật ký “Ghi”

Nguyễn Mạnh Trinh


Chuyện cũ: Đầu tháng 8 năm 2010, ở Hà Nội, đã cử hành Đại Hội Nhà Văn Việt Nam với sự tham dự của hơn 900 người.Với sự có mặt của một trung tướng công an trên bàn chủ tọa, cái xiềng xích của Đảng quàng lên cổ, lên vai các văn nghệ sĩ vẫn còn. Những bài tham luận nảy lửa của Trần Mạnh Hảo, của Bùi Minh Quốc,… đã không được đọc trước đại hội. Tinh thần khủng bố cũng như sự mua chuộc khiến kết quả cuộc bầu bán vẫn chỉ là cuộc chọn lựa tay sai để Đảng kiềm chế văn nghệ sĩ. Từ chuyện hôm nay, nghĩ tới chuyện ngày trước. Tấn tuồng diễn đi diễn lại vẫn thế, chỉ thay đổi ít chi tiết. Văn nghệ có đổi nhưng vẫn cũ, không mới…

Chuyện cũ: vào tháng 2 năm 2007, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết vừa công bố “Giải thưởng Nhà nước cho các tác giả có tác phẩm hay, công trình văn học nghệ thuật giá trị cao góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc”. Danh sách những tác giả được giải là Trần Dần, Phùng Quán, Lê Đạt, Hoàng Cầm và hai vợ chồng Hoàng Phủ Ngọc Tường và Lâm Thị Mỹ Dạ.

Khi biết mình được nhận giải, nhà thơ Lê Đạt và Hoàng Cầm đã tỏ ra hân hoan và sốt sắng bày tỏ như Lê Đạt đã nói với phóng viên Việt Nam Net rằng một thành viên trong ban chấm giả là Đỗ Chu đã phát biểu là “Có thể cho đây là lời xin lỗi của anh em đối với các anh”... Còn nhà thơ Hoàng Cầm thì tỏ ra cảm kích với kết quả của giải thưởng.

Có nhiều người đã tỏ ra không thiện cảm với hành động mau mắn ấy. Cái án Nhân Văn Giai Phẩm tới nay vẫn còn là một vết thương nhức nhối. Những lời buộc tội ngày nào đối với nhóm Nhân Văn Giai Phẩm bây giờ vẫn rành rành ra đó, chưa bôi xóa được. Những đầy ải, tru diệt cho cá nhân và gia đình vẫn chưa phai… Giải thưởng cho bốn người trong nhóm Nhân Văn Giai Phẩm thì có hai người đã ra người thiên cổ là Trần Dần và Phùng Quán. Theo nhà văn Nguyễn Trọng Tạo thì có cả nhà thơ Hữu Loan trong danh sách những người được giải thưởng nhưng giờ chót bị thay thế bởi hai vợ chồng Hoàng Phủ Ngọc Tường và Lâm Thị Mỹ Dạ. Có lẽ, vì sự can cường bất khuất của nhà thơ tác giả Màu Tím Hoa Sim..

Tình cờ, tôi đọc lại “Trần Dần Ghi 1954-1960”. Một cuốn sách lạ lùng. Từ tên tựa sách đến nội dung chất chứa bên trong. Những trang sách của một người viết cho chính mình ở thể dạng nhật ký nay một cách bất đắc dĩ thành một tác phẩm cho độc giả. Những dòng chữ của sự thực, một sự thực đen tối không tưởng tượng nổi. Những bi ký ghi chép lại một thời kỳ mà con người đối xử với nhau không giống con người. Có những sự thực, là những sự thực chua chát, khi mà con người bị dồn đẩy vào trong những hoàn cảnh bất đắc dĩ, và trong nhiều trường hợp phải nghĩ đến mình mà quên đi những tình nghĩa, làm những điều mà kẻ sĩ không thể làm..

Trần Dần, một kiện tướng của Nhân văn Giai Phẩm, người đã viết “Dạ Đài”, bản tuyên ngôn của thơ tượng trưng từ những năm 1946 và là nhà văn, nhà thơ có năng lực sáng tạo mãnh liệt, cũng là người chịu sự trù dập suốt cả cuộc đời của chế độ độc tài phi nhân “Được cái hoạn nạn” ông đã chua chát tổng kết cuộc đời của mình. Tài ba như thế, tâm huyết như vậy mà vẫn phải chịu hết bão táp này qua phong ba nọ ròng rã mấy chục năm cho đến lúc xuôi tay nhắm mắt. Đọc xong những trang sách cuối, bần thần một lúc, tự nhiên tôi thấy một nỗi buồn và mỗi khi nghĩ đến lại chạnh lòng. Cái cảm xúc ấy kéo dài nhiều ngày trong tôi. Tưởng tượng ra trong một xã hội mà con người phải luôn luôn sống thủ thế với nhau và tuyệt đối không tin tưởng vào một ai ngoài chính mình. Hoàn cảnh ấy đã tạo ra một quán tính chung để tự bảo vệ và sống còn. Trong cuộc sống ấy, mọi người tự rào kín mình trong chu vi phòng thủ, nhiều khi phải ích kỷ nghĩ đến mình trước và làm những công việc mà thật tình với thiên lương con người họ không muốn. Đè nén, trù dập, tù tội, bao vây kinh tế, thắt chặt sinh hoạt, cô lập hóa, tạo sự nghi kỵ lẫn nhau,… bao nhiêu là tội nạn chực chờ những người bị coi là có “vấn đề”. Những người ấy, có thể là những người đi sai đường lối của Đảng, hay không hưởng ứng sự suy tôn lãnh tụ hay thừa nhận quyền chuyên chính vô sản. Chuyện tru di tam tộc tưởng là chuyện phong kiến ngày xưa, nhưng những chuyện lý lịch, chuyện liên quan còn tàn bạo gấp nhiều lần. Đời sống ấy quá nhiều bi kịch, mà hậu quả dành riêng cho những nhà văn, nhà thơ có chân tài, có tâm huyết lại càng ghê gớm hơn như trường hợp Trần Dần. Lúc còn trẻ, tù tội gian nan, sống nghèo khổ không sinh kế, về già thì bệnh hoạn liệt bại, không có thảm cảnh nào hơn. Đó là một mẫu chân dung nhà văn bị đầy ải và nghiến nát trong guồng máy chính trị toàn trị độc tài…

Trần Dần viết “Thế là tôi mất bảy năm kể từ ngày hòa bình bắt đầu sinh sự cho đến ngày xử án. Bảy năm trong văn học có ý nghĩa gì? Một cái chớp mắt. Bảy năm trong đời một con người thì có ý nghĩa lắm! Chớp mắt mãi mà không xong…” Ngày 7 tháng 7 năm 1958 là ngày ông bị án treo bút hai năm. Thế mà không ngờ cái án hai năm ấy kéo dài đến suốt cuộc đời. Bảy năm, từ 1954 đến năm 1960, từ xã hội đến con người đều có nhiều thay đổi. Cộng sản nắm chính quyền tạo nhiều biến động cho đời sống nhân dân. Chủ trương đấu tranh giai cấp. Trí phú địa hào, đào tận gốc bốc tận rễ. Cải cách ruộng đất, đấu tố, sửa sai, bao nhiêu oan khuất, bao nhiêu máu xương, nước mắt.

Thế mà, nhà thơ Trần Dần lại viết phê bình phê phán lãnh tụ văn nghệ Tố Hữu. Rồi mặc dù là đảng viên mà ông đã lập gia đình với người con gái thuộc thành phần gia đình “liên quan” có thân nhân di cư vào Nam bất chấp sự ngăn cấm của Đảng. Và về chủ trương văn nghệ thì ông đòi quyền tự do sáng tác cho văn nghệ sĩ không thừa nhận chế độ chính ủy trong văn học. Thành ra, Trần Dần là người đứng đầu sóng ngọn gió, hứng chịu biết bao nhiêu đòn thù của chế độ. Bị phê phán bởi cả Hội Nhà Văn điều động, bị đấu tố bởi cả một tập đoàn cầm bút đang lăm le lấy điểm với chế độ. Thi sĩ Trần Dần chịu những áp lực đè nặng lên đời sống mình và gia đình mình.

Bảy năm ấy, với những trang nhật ký ghi chép lại, đã thành một cuốn sách để cho những lớp người của thế hệ sau hiểu được những tang thương dâu biển của một thế thời hỗn loạn của lịch sử Việt Nam. Ngôn ngữ, là tiếng than ngậm ngùi, là biểu tỏ của tâm sự không biết có ai làm tri kỷ. Những trang sách, không phải chỉ viết về một người mà còn cho cả một thế hệ, với một sự thực mấp mé cảnh tượng của cơn hồng thủy.

Sự thực ấy, với Trần Dần, không phải được mô tả theo cảm quan của người đứng bên này hay bên kia chiến tuyến. Ở cương vị người quốc gia, những tác giả của Nhân văn Giai Phẩm là những thần tượng văn hóa, là tiếng nói của kẻ sĩ chân thật. Còn ở phía bên kia, họ là những người phản bội lý tưởng Cộng sản, là kẻ nội thù, là những người phải bị phê phán và tiêu diệt.

(còn tiếp)
Về Đầu Trang Go down
thichvui78



Tổng số bài gửi : 562
Registration date : 20/12/2012

Trần Dần, từ những trang nhật ký “Ghi” - Nguyễn Mạnh Trinh. Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Trần Dần, từ những trang nhật ký “Ghi” - Nguyễn Mạnh Trinh.   Trần Dần, từ những trang nhật ký “Ghi” - Nguyễn Mạnh Trinh. I_icon13Wed 17 Feb 2016, 23:54

Không có thứ gì có thể che được ánh sáng trời cao. Cám ơn Trà Mi!
Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7103
Registration date : 01/04/2011

Trần Dần, từ những trang nhật ký “Ghi” - Nguyễn Mạnh Trinh. Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Trần Dần, từ những trang nhật ký “Ghi” - Nguyễn Mạnh Trinh.   Trần Dần, từ những trang nhật ký “Ghi” - Nguyễn Mạnh Trinh. I_icon13Thu 18 Feb 2016, 08:02

thichvui78 đã viết:
Không có thứ gì có thể che được ánh sáng trời cao. Cám ơn Trà Mi!
 
Khi người ta cố tình bưng bít thì cũng khó biết lắm, anh thichvui à! Chẳng hạn ngay cả bây giờ sau khi Hồ Chí Minh chết gần nửa thế kỷ, mấy ai biết được sự thật về cuộc đời của ông đâu?  :potay:
Về Đầu Trang Go down
thichvui78



Tổng số bài gửi : 562
Registration date : 20/12/2012

Trần Dần, từ những trang nhật ký “Ghi” - Nguyễn Mạnh Trinh. Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Trần Dần, từ những trang nhật ký “Ghi” - Nguyễn Mạnh Trinh.   Trần Dần, từ những trang nhật ký “Ghi” - Nguyễn Mạnh Trinh. I_icon13Thu 18 Feb 2016, 11:37

Sông có khúc, người có lúc, đó là luật vô thường.trong lịch sử nhân loại chưa có triều đại nào tồn tại vĩnh cữu, cha , chú chúng ta chưa có thời cơ thuận lợi phơi bài được, thì con cháu chúng ta sẽ làm thay.Trà Mi sẽ thấy điều đó trong tương lai.
Cám ơn Trà Mi đã dám nói lên sự thật của lịch sử!
Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7103
Registration date : 01/04/2011

Trần Dần, từ những trang nhật ký “Ghi” - Nguyễn Mạnh Trinh. Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Trần Dần, từ những trang nhật ký “Ghi” - Nguyễn Mạnh Trinh.   Trần Dần, từ những trang nhật ký “Ghi” - Nguyễn Mạnh Trinh. I_icon13Fri 19 Feb 2016, 08:51

Trần Dần, từ những trang nhật ký “Ghi” (tt)

Nguyễn Mạnh Trinh


Ở nhật ký Ghi của Trần Dần, có chân dung của một con người, có buồn vui riêng tư, có buồn bã thất vọng, có chua chát vì tình đời và cũng có những lúc đau xót vì tình người. Đọc những trang sách ghi nhận lại cảm xúc chân thực và rất người ấy, rõ ràng một điều là trong hoàn cảnh ấy, khó ai cưỡng chống lại được một guồng máy tàn bạo lạnh lùng của chế độ Cộng sản. Trừ khi, như một ý nghĩ của nhà văn Solhzenytsin, sự dối trá bị vạch trần và chế độ bị tan rã vì chính sự phản tỉnh ấy.

Con người, dù là văn nghệ sĩ, không phải là thần thánh siêu việt, nên đôi lúc cũng ích kỷ, cũng tự thủ thân bằng những hành động đôi lúc vì mình hơn là vì người. Nhưng, họ vẫn là những người hướng thiện, có những ray rứt những ý nuốn đi gần đến điều thiện hơn là điều ác. Nhưng xã hội ấy lại đẩy con người đi gần cái ác hơn mà bỏ xa cái thiện. Không có bản cáo trạng nào hùng hồn hơn những trang sách mô tả đến những nhỏ nhen, những tị hiềm, những vết chàm của chân dung những người một thời vang bóng. Đọc xong, để xót xa để thương cảm. Và, lại càng thấy hiện trạng của một xã hội bị sa đọa và xuống cấp trầm trọng. Làm sao hơn được, mọi người bị đẩy vào thế nghi ngờ nhau, tị hiềm nhau và như thế mọi đối kháng với chế độ không có cách nào liên kết với nhau được.

Lúc tôi còn trẻ, đọc “Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc” của cụ Hoàng Văn Chí, hay đọc những bài thơ Trần Dần, Phùng Quán, tôi đã nghĩ đến những sĩ phu Bắc Hà cang cường, nhưng nay đọc lại nhật ký của Trần Dần, thì sự ngưỡng mộ ấy không giảm bớt mà còn xót xa hơn. Từ sự thực ấy, mới hiểu được nỗi thống khổ của người cầm bút bị treo bút. Lại càng hiểu hơn những gánh nặng đè lên vai người mang cái nghiệp người cầm bút mà văn chương đã trở thành nghiệp… chướng. Cái họa văn tự đeo đuổi một đời, như những gông xiềng tuy không hiện hữu nhưng như mơ hồ ràng buộc. Chẳng thà là một cái tội có án để dễ thở hơn là những tội vạ cứ rình đến tạo những bi thảm cho đời.

“Trần Dần, ghi 1954-1969”
, nhiều khi là nhật ký ghi chép lại những sự kiện hàng ngày mà còn là những ghi nhận có lúc mơ hồ không rõ ràng mà chỉ có người viết mới hiểu được. Nhưng cũng có những đoạn rất rõ ràng minh bạch, ghi lại những sự kiện, những ý nghĩ bằng những hình ảnh, những ngôn từ chuyên chở được tâm cảm. Viết về thơ, với tâm thức của một thi sĩ, và thâm trầm của người hay suy tư triết học, ông đã có những dòng chữ thật xúc tích và chứa nhiều đam mê. Thí dụ, đoạn viết kể lại hành trình đi vào thi ca của ông. Trước kia, ông viết tuyên ngôn của phái Tượng Trưng:

“Trước kia tôi muốn Thơ tôi thế nào?

Thời đó tôi muốn một thứ Thơ như một cơn mộng ác, trong đó người ta giận dữ, người ta điên cuồng, người ta lồng lộn, người ta sống hỗn độn, đang Bắc sang Đông, vừa ở Bắc lại vừa ở Đông. Người ta có thể bất phương chủ nghĩa, tự thả mình theo quy luật một thứ biện chứng duy tâm, những hình ảnh thơ nóng bỏng cháy như lửa, một hình ảnh ánh lên nhiều hình ảnh, hình ảnh nọ chống đối hình ảnh kia, lôi kéo nhau trong một điệu nhảy ma quái. Đúng là một cuộc sống chaotique, nhưng một cái chaos có harmonic của nó. Một cái hỗn độn có trật tự riêng của nó. Và cái harmonic, cái thần tiên, cái trật đó là tùy theo tiêu chuẩn tôi cho là ý thích của tôi. Mà ý thích của Tôi là theo tiêu chuẩn tối cao! Đó là sơ lược cái mơ ước ngày tôi mười tám, mười chín tuổi.”


Lúc ấy là khi ông viết Dạ Đài. Nhưng khi chiến tranh, Trần Dần tham gia bộ đội, ông suy nghĩ về thơ khác hơn. Một phần nào, cuộc sống đã ảnh hưởng ông, nhưng ngược lại ông đã có những đối nghịch sâu sắc với những người lãnh đạo văn nghệ của Đảng. Trần Dần là một trong những người sáng lập ra tạp chí Văn Nghệ thuở đầu tiên nhưng lối thơ bậc thang của ông lại bị chê bai là lập dị khó hiểu. Cũng như khi soạn tài liệu giảng huấn cho các khóa đào tạo văn công, ông bị chỉ trích là diễn dịch sai chính sách văn nghệ của Đảng. Dù rằng sau đó ông tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ và do cái chết của họa sĩ Tô Ngọc Vân đã tác động mạnh mẽ để ông hoàn tất tiểu thuyết “Người người lớp lớp”, một cuốn tiểu thuyết duy nhất của văn học kháng chiến thời kỳ đó về Điện Biên Phủ. Về thơ, ông đã đi gần với chính trị hơn, để viết về thời sự, về cuộc chiến đang diễn ra với tất cả sự khốc liệt của nó:

“Vào chiến tranh, tôi muốn Thơ tôi như thế nào?

Có những ngày và nhiều ngày, tôi không nghĩ tới nữa. Lại cũng có ngày tôi nghĩ rất nhiều. Có lúc tôi tưởng như nắm chặt chân lý trong tay rồi. Có lúc tôi tưởng như mất cả cuộc đời!!

Lúc tôi muốn một thứ Thơ dễ dãi. Lúc một thứ Thơ không có vần. Lúc một thứ Thơ như một hạt ngọc. Lúc một thứ Thơ kể chuyện. Lúc một thứ Thơ gồ ghề. Lúc một thứ Thơ hiền lành, có cái khỏe của những bắp thịt hồng… Lúc một thứ Thơ rõ nghĩa. Lúc một thứ Thơ vừa rõ nghĩa vừa mở 100, 1000 nghĩa khác. Lúc một thứ Thơ theo sát chính trị từng bước một. Lúc một thứ Thơ na ná như của anh lính, nó mát mà lành, nó hiền mà khỏe, nó thực tế… Tôi vẫn hằng nghĩ, đó là chuẩn bị cho một cơn bão sẽ tới. Tôi góp gió cho nên trong chiến tranh tôi mất và tôi được là những cái đó, chưa thành cái gì cả. Tôi có thể nói chắc chắn rằng Thơ tôi chưa thành tức là chủ nghĩa chưa đúc, lý tưởng chưa chảy vào tâm máu, chưa hóa thành những tế bào của cuộc đời tôi. Thơ tôi chưa thành tức là con người tôi còn đang dang dở, cuộc đời tôi chưa có ra gì. Chiến tranh đã dạy cho tôi những điều lụn vụn, những sự thực chi tiết và bộ phận. Chiến tranh chưa tạo cho tôi thành một người có da có thịt. Tôi chưa nhìn thấy sự thực lớn lao nhất của cuộc sống. Cho nên không có lạ gì những ngày đầu tiên của Hòa Bình tôi rất buồn cho những năm chiến tranh của tôi, tôi có những hối hận những tiếc rẻ tiếc đắt, những ý nghĩ bâng quơ và nhạt mồm..”


Sau chiến tranh, tác giả rơi vào hụt hẫng. Thơ đang ngơ ngác giữa ngã ba đường. Người ta (chỉ lãnh đạo Đảng) muốn một đàng thì tâm ý ông lại ở một nẻo khác:

“… Bây giờ tôi muốn một thứ Thơ như thế nào?

Những sự suy nghĩ của tôi nó kế tiếp nhau tuy nhiều lúc tưởng rằng nó chống chọi nhau và từ bỏ nhau hẳn. Bây giờ tôi muốn một thứ Thơ như thế nào đó giải quyết được một số những mâu thuẫn giữa tôi và người ta và giữa tôi với tôi. Tôi muốn nhiều nghĩa, mờ ảo mà người ta muốn rõ nghĩa rành mạch. Vì vậy tôi muốn có một thứ Thơ nào đó có một nghĩa rõ ràng kèm theo muôn ngàn nghĩa khác. Tôi muốn (…) không có vần, không có kỷ luật. Người ta thích thơ dễ đọc có vần vì vậy tôi muốn có một thứ Thơ nào đó rất tự do nhưng rất có nhịp chắc chắn, cái nhịp đó đủ sức mạnh và âm điệu để cho tự nó có thể sinh tồn- chỗ có vần chỗ không có vần. Nó rất nhịp nhàng nhưng đó là một cái nhịp nhàng tạo nên bằng những cái gồ ghề khúc khuỷu, chối tai rức óc. Nhưng mà những cái đó lại nhịp nhàng. Nghĩa là tất cả những cái xốc họp lại thành cái êm. Một cái êm rất xốc…

Tôi thích Thơ phải có buồn có tủi, có suy nghĩ, có thấm thía có chua xót, có đau khổ, có máu, có mồ hôi. Thơ đầm nước mắt. Giọt mực là giọt máu, giọt mồ hôi. Accent thơ là những accent éo le, trái ngược, giận dữ, châm chọc, tự hào, hãnh diện, hằn học, soi mói…”


(còn tiếp)
Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7103
Registration date : 01/04/2011

Trần Dần, từ những trang nhật ký “Ghi” - Nguyễn Mạnh Trinh. Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Trần Dần, từ những trang nhật ký “Ghi” - Nguyễn Mạnh Trinh.   Trần Dần, từ những trang nhật ký “Ghi” - Nguyễn Mạnh Trinh. I_icon13Mon 22 Feb 2016, 15:07

Trần Dần, từ những trang nhật ký “Ghi” (tt)

Nguyễn Mạnh Trinh


Viết một tập nhật ký là không ngoài chủ đích ghi nhận lại những cái “được” của tác giả, những hoạn nạn khởi đầu từ chuyện ông không bằng lòng với chính sách kiểm soát văn nghệ của Đảng, viết bài phê bình tập thơ “Việt Bắc” của người làm thơ thuộc loại quan chức lãnh đạo Tố Hữu. Thêm vào đó, mối tình của ông với bà Bùi Thị Ngọc Khuê bị ngăn trở và phê phán gay gắt. Bà Ngọc Khuê xuất thân trong một gia đình Công giáo và cả nhà đã di cư vào Nam năm 1954. Bất chấp sự ngăn cấm và kỷ luật của đơn vị quân đội và đảng bộ địa phương, Trần Dần vẫn không ngại bị gán tội “liên quan” và kết hôn với bà Ngọc Khuê gây nên những cơn bão tố cho suốt cả cuộc đời mình. Biết là sẽ khổ sở, biết là sẽ bị trù dập nhưng với bản tính riêng ông vẫn bất chấp. Trong “Ghi”, Trần Dần than thở:

“… Đời một người con gái, một đứa bé và đời tôi người ta quyết định tùy tiện như vậy sao? Vậy có nhân đạo gì nữa không? Tư tưởng lập trường gì mà đàn áp tâm hồn người ta như vậy?

Kính gửi những người phụ trách cuộc sống ở Việt Nam tôi buồn như thế, khổ như thế. Người ta hà khắc vô lối với đời tôi, đời người con gái tôi yêu, đời đứa con tôi sắp đẻ như thế…”


Khi ấy đang có cuộc di cư vào Nam và tình hình còn nhiều lộn xộn chưa ổn định nên Đảng chưa ra tay vội mà chờ thời gian sau thuận tiện hơn. Thế mà Trần Dần lại chọc tức bằng một công việc táo bạo là viết bài phê bình tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu, một người coi như là thi sĩ tiêu biểu cho văn học miền Bắc. Bài phê bình rất nặng nề, coi Tố Hữu như một nhà thơ giả trá, thi ca không có hồn và toàn là sao chép lượm lặt chứ không có nét to lớn vĩ đại của sáng tạo mà bộ máy tuyên huấn đã xưng tụng. Nhỏ nhen, Tố Hữu ra lệnh bắt giam Trần Dần ở Việt Bắc. Vợ Trần Dần ở Hà Nội bơ vơ một mình, bụng mang dạ chửa, không sinh kế. Bạn bè phải thăm hỏi, giúp đỡ, nâng cao tinh thần. Vụ ông bị bắt gây ra dư luận ồn ào tại Hà Nội và Đảng buộc lòng phải dẹp yên và sửa sai bằng cách bắt buộc Trần Dần tham gia phong trào Cải Cách Ruộng Đất.

Năm 1956, nhân cơ hội chính biến ở Liên Xô, Krushchev hạ bệ Stalin và chủ trương xét lại nên một nhóm trí thức ở Hà Nội thực hiện “Giai Phẩm Mùa Xuân” trong đó có bài “Nhất Định Thắng” của Trần Dần. Tạp chí này vừa in xong là bị tịch thu ngay, Trần Dần bị đấu tố tơi bời, quy tội phản động, mang ra đấu tố công khai trước hội nghị. Trần Dần uất ức dùng lưỡi dao cạo cứa cổ tự sát nhưng không chết. Sau này còn vết sẹo to ở cổ.

Năm tháng sau, lợi dụng phong trào sửa sai sau cải cách ruộng đất, nhóm trí thức này lại thực hiện “Giai Phẩm mùa thu” và tạp chí Nhân Văn. Cụ Phan Khôi viết “Phê Bình Lãnh Đạo Văn Nghệ”, nhà thơ Hoàng Cầm viết “Con Người Trần Dần”. Sau khi bị đàn áp, đến năm 1957, báo Văn phê bình Đảng và Trần Dần đăng bài thơ “Hãy Đi Mãi” với sự xác quyết sẽ theo đuổi lý tưởng của mình đến cùng. Trần Dần bị kỷ luật, treo bút ba năm nhưng thực tế thì bị ghi tên vào sổ đen đoạn trường và không một chủ nhiệm hay chủ bút nào có gan đăng bài viết của ông nữa. Cuộc đời của ông lúc này bị cô lập, tuyệt đường sinh kế, cả gia đình nheo nhếch sống nghèo đói khổ cực.

Ghi lại đời mình trong những trang nhật ký, ông trung thực trong từng ý nghĩ cũng như sự nhận định. Nhiều chi tiết mà tới bây giờ khi đọc tới vẫn làm người đọc rùng mình ghê sợ. Cải cách ruộng đất, vô sản chuyên chính, oan khuất chập chồng, cơ hội cho những kẻ mặt người dạ thú cầm quyền sinh sát. Những chuyện xảy ra, vừa bi vừa hài, tưởng là chuyện giỡn mà là sự thực. Con người đối xử với nhau tàn bạo, phản trắc, vì quyền lợi mà đôi khi giết nhau một cách gián tiếp, gán cho nhau những tội lỗi tày trời một cách điêu ngoa. Trần Dần ghi chép lại. Không phẩm bình nhưng cô đọng và lôi cuốn với sự thuyết phục. Đọc những trang nhật ký, mà ở đó, sự thực được phô bày để rõ nét hơn một thời kỳ vô cùng đen tối của đất nước mà chủ nghĩa Mác Lê-nin đã gây ra.

Những trang nhật ký tiếp theo từ năm 1957 là những năm mà Trần Dần viết nhiều về những người cầm bút cùng thời kỳ với ông. Chân dung con người thực được tỏ lộ, để sự thực làm đau đớn và thất vọng những người đọc thời sau. Xã hội ấy, thì những chuyện như thế là chuyện dĩ nhiên phải có. Họ phải tự tạo ra áo giáp trong cuộc sống để thủ thế và nhiều khi có những lời nói, những việc làm trái với lương tâm ngược lại điều mong muốn.

Trần Dần viết về Lê Đạt, người mà về sau này đã nhận giải một cách thật là “khôn ngoan” và “hồ hởi”:

“… Viện Văn Học Gorki chỉ lấy 8 người đi học. Gạn mãi, ta mới chấm được 5! Ông Lê Đạt đâu tuyên bố: xin đi, để tị nạn!

Hoàng Cầm cười khỉnh: “Ông Lê Đạt mà! Bão chưa lên ông ấy đã trốn biến ngay”


Trần Dần viết về Văn Cao, Hoàng Cầm:

“ Cuối cùng Vcao (Văn Cao) bảo thẳng mặt Hcầm (Hoàng Cầm) rằng tính mày hay mách lẻo thì nhớ cho kỹ nội dung cuộc gặp hôm nay đấy, có mách thì mách cho đầy đủ!

Cuộc hội đàm bẩn thỉu ấy xong rồi, không biết Vcao có về báo cáo lãnh đạo hay không? Nhưng HCầm thì có: Anh ta gặp ngay NĐThi (Nguyễn Đình Thi) báo cáo ra sao không rõ, nhưng cũng có thể đoán là anh ta chắc không báo cáo đúng về riêng cái phần của anh ta! Tphác (Tử Phác) kết luận “cả hai thằng đều như hai con đĩ rạc đĩ rày cả. Bẩn hết chỗ nói!!”


Và đoạn khác: “Tphác nói:“rất lạ, là nó cứ nói mình, rất cynique rằng, nó xưa nay vẫn là người tiến bộ, theo Đảng! Kỳ thế cơ chứ, bao nhiêu lần pum, ăn uống, nó nói những gì, bây giờ nó làm như không có cả! mà nó lại rất thành thực cơ chứ, Vcao quên thực hay sao! Đặng Đình Hưng bĩu môi xì một cái. “Quên. Nó thiếu probité… thì có”.

Đang lúc kiểm thảo ở cơ quan thì tiên chỉ đi pum. Tất nhiên là lãnh đạo phải biết! Một tối anh mò đến Tố Hữu. Tố Hữu hỏi:
– Có còn chống đối không?
– Thôi rồi. Văn Cao nói.
– Nhưng pum thì vẫn còn chứ? Tố Hữu hỏi độp một cái, khác gì cái tát.

Văn Cao choáng người, thú nhận vẻ xuê xoa:
– Có một lần… Hì!!
– Đã mắc chưa?
– Chưa!! Hì… Buồn quá thì lại đi… Hì!! Chứ chưa mắc… Hì…

Văn Cao về, kể lại chuyện ấy, có vẻ khoe cái sự thân mật của mình với Đảng đến được cái độ ấy!!”


Trong Ghi rất nhiều những đoạn ghi lại những câu chuyện của các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng. Những Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Lê Đạt, Phùng Quán, Phùng Cung, Nguyễn Sáng, Sỹ Ngọc, Quang Dũng, Trần Lê Văn, Đặng Đình Hưng, Tử Phác, Hoàng Cầm.. Những người thực, chuyện thực. Và ở trên tất cả là một không khí chung của một xã hội mà mọi người không ai tin tưởng vào ai được, luôn luôn dè chừng, canh chừng nhau, thủ thế nhau, báo cáo lẫn nhau. Ở những khuôn mặt ấy, họ bộc lộ đầy đủ mặt xấu mặt tốt. Đừng ai bắt họ phải tử vì đạo bởi vì trong cuộc sống họ phải vật lộn bương chải để tự sinh tồn nên cá tính của mỗi người hiện ra không che giấu được.

Những năm 1959, 1960, Trần Dần sống trong hoàn cảnh tận cùng khổ sở một vợ hai con gia đình nghèo mà đơn bạc lại không được ở gần để săn sóc. Bị cải tạo lao động chân tay ở tập đoàn sản xuất Chí Linh ở gần thị xã Đông Triều. Công việc nặng nhọc, không phù hơp với thể chất thư sinh nên lâm bịnh nặng nhưng vẫn phải gượng làm việc, cố gắng để bày tỏ thiện chí muốn tự mình sửa đổi bằng lao động. Viết văn, làm thơ, lúc này đối với ông sao xa vời quá. Năm 1960 ông bị cải tạo ở khu gang thép Thái Nguyên, bị bệnh nặng nên được trở về Hà Nội. Sau đó, ông sống âm thầm bằng nghề dịch sách, bị cấm viết một cách không chính thức và xóa tên trong những sinh hoạt văn học. Trong “Ghi” có kể lại những ngày tháng đó, phác sơ lược nỗi đau đớn và vẫn là những câu hỏi để tự vấn chính mình. Lao động như thế có giúp ích gì cho nhà văn, nhà thơ hay không…

Đọc xong cuốn sách lần đầu, tôi bàng hoàng cả người và những lần sau đều như thế. Đời sống ấy, từ những phóng chiếu trung thực, từ tâm tư tác giả, phản ánh một thế thời đen thẳm. Câu văn, ý chữ, không phải đơn thuần mà như kết tinh bằng máu lệ của một đời người trí thức sống trong một xã hội đầy biến loạn nhiều biến cố. Trần Dần là một người cầm bút bất hạnh, là một nhà thơ luôn gặm nhấm nỗi bất lực của mình với cuộc đời. Cuộc sống dìm ông xuống tận đáy vực sâu, tuổi trẻ hoạn nạn, tuổi già bệnh hoạn liệt bại cho đến khi nhắm mắt lìa đời.

Trần Dần, tuy đời sống đầy tân toan cực nhục, mà thơ ông vẫn khởi hành đi, đi mãi như những câu thơ:

“Tôi vẫn cháy
Ngọn hải đăng con mắt
Ở trong biển sống
Hằng đêm
Tôi vẫn đóng những câu thơ
Như người thợ đóng tàu
Chở khách
Đi về phía trước.
Nơi
Loài người
Đã biết sống chung nhau
Nơi
Tất cả
-chẳng còn ai bần tiện
chẳng còn lo
cơm áo
nợ nần”


Nghĩ về một thi sĩ, nghĩ về một người tuẫn nạn bởi văn chương, tôi bắt chước ông Nguyễn Hữu Đang, khấn vái và cầu chúc:

“Anh đi nhé và sẽ hưởng hạnh phúc lâu dài ở thế giới bên kia!!!”

Nguyễn Mạnh Trinh.
(Nguồn: Bán tuần báo Việt Luận Úc Châu)


Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7103
Registration date : 01/04/2011

Trần Dần, từ những trang nhật ký “Ghi” - Nguyễn Mạnh Trinh. Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Trần Dần, từ những trang nhật ký “Ghi” - Nguyễn Mạnh Trinh.   Trần Dần, từ những trang nhật ký “Ghi” - Nguyễn Mạnh Trinh. I_icon13Fri 26 Feb 2016, 12:08

Nhân văn – Giai Phẩm: Trần Dần, phản cách mạng hay cách tân?

Nguyễn Ngọc Chính

Trần Dần (1926-1997)

Tôi đã sống rã rời cân não
Quãng thời gian nhưng nhức chuyện đi Nam
Những cơn mưa rơi mãi tối xầm
Họ lếch thếch ôm nhau đi từng mảng
Tôi đã trở nên người ôm giận
Tôi đem thân làm ụ cản đường đi

– Dừng lại!
                Đi đâu?
                           Làm gì?
Họ kêu những thiếu tiền, thiếu gạo

Thiếu cha, thiếu Chúa, thiếu vân vân

Trần Dần viết những dòng thơ trên trong bối cảnh hàng triệu người rời bỏ miền Bắc để di cư vào Nam năm 1954. Bài thơ Nhất định thắng (1) được đăng trong Giai phẩm Mùa Xuân và tạp chí bị tịch thu ngay sau đó. Có lẽ đưới mắt các lãnh đạo ‘văn hóa-tư tưởng’ những cụm từ như ‘sống rã rời cân não…” và ‘thiếu vân vân…’ tiềm ẩn một tư tưởng… chống đối cách mạng?

Ngày giải phóng thủ đô Hà Nội được Trần Dần mô tả rất ‘tự nhiên, đời thường’ với cờ treo đầy phố, đầy nhà nhưng lại là ‘phản động’ dưới con mắt soi mói của chính quyền vừa tiếp quản miền Bắc:

Tôi bước đi
                không thấy phố
                               không thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa
                     trên màu cờ đỏ

Có lẽ ‘tội’ nặng nhất của Trần Dần trong bài thơ này là câu lấp lửng, ‘vô thưởng, vô phạt’ nhưng lại ám chỉ một tư tưởng chống đối, người ta tự hỏi ‘Bóng chúng’ là bóng của ai?

Bóng chúng
                đè lên
                     số phận
                             từng người

để khiến Trần Dần phải than thở:

Người tin tưởng nhất như anh
                              vẫn có phút giây ngờ vực
Các tác giả viết về Trần Dần nói riêng và Nhân văn-Giai phẩm (NVGP) nói chung đều dựa vào 2 nguồn tài liệu được coi như ‘chính thống’ theo quan điểm chính trị đối nghịch của hai miền Nam và Bắc trong cuộc chiến vừa qua. Đó là tác phẩm Trăm hoa đua nở trên đất Bắc của Hoàng Văn Chí, tức Mạc Định, do Mặt trận Bảo vệ Tự do Văn hoá xuất bản tại Sài Gòn năm 1959 và tập Bọn Nhân Văn Giai Phẩm trước toà án dư luận do Nhà xuất bản Sự Thật (nay là Nxb Chính Trị Quốc Gia), in tháng 6/1959, tại Hà Nội.

Cuốn xuất bản tại Hà Nội là tài liệu 370 trang, tập hợp những bài viết hoặc bài diễn văn có mục đích tố cáo, lên án hoặc buộc tội những người được xếp vào hàng ngũ Nhân văn-Giai phẩm. Trong phần cuối cuốn sách, có một chương nhỏ, trích ‘những lời thú tội’ của các thành viên NVGP. Gần như toàn thể tài liệu dành cho phía công tố ‘phát hiện tội’, với những lời lẽ vô cùng khiếm nhã, khó thể tưởng tượng từ miệng, hoặc từ ngòi bút của giới được gọi là ‘trí thức văn nghệ sĩ’ đối với các đồng nghiệp và bạn hữu của mình đã tham gia phong trào.

Danh sách những bài luận tội bao gồm 83 văn nghệ sĩ, đoàn thể, báo chí, cũng như các nhân vật trong ban chấp hành trung ương Đảng. Trong đó, nổi bật nhất có những tên tuổi như: Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Phạm Huy Thông, Trần Hữu Tước, Đặng Thai Mai, Nguyễn Huy Tưởng, Hồng Cương, Nguyễn Văn Bổng, Hoài Thanh, Hoàng Trung Thông, Hồ Đắc Di, Vũ Đức Phúc, Quang Đạm, Bàng Sĩ Nguyên, Ngụy Như Kontum, Hằng Phương, Lương Xuân Nhị…

Trần Dần đã ‘dám’ phê bình tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu, người phụ trách toàn bộ công tác lãnh đạo văn nghệ thời kỳ đó. Nhà thơ không có bài trên báo, nhưng trong nhật ký Trần Dần ghi: “Tố Hữu nhìn sự vật nó chính trị quá, công thức quá, lười tìm tòi quá. Chỗ nào hay thì lại là lắp lại Nguyễn Du, Tản Đà, ca dao… Tố Hữu chưa đem tới một cách nhìn mới mẻ gì”.

Trần Dần nhận xét tập thơ Tố Hữu là “nhỏ bé, nhạt nhẽo trước cuộc sống vĩ đại và mắc một sai lầm nghiêm trọng là sùng bái cá nhân, thần thánh hoá lãnh tụ”. Theo Vũ Tú Nam trong bài Sự thực về con người Trần Dần đăng trên báo Quân đội Nhân dân, trong buổi toạ đàm ngày 4/3/55, Trần Dần gọi thơ Tố Hữu là “tí ti la haine, tí ti l’amour” (tí ti căm thù, tí ti tình yêu). Về phần mình, Tố Hữu đã thẳng tay buộc tội Trần Dần:

Cuộc tấn công vào chế độ ta và Đảng ta đã bắt đầu trên mặt trận văn nghệ từ đầu năm 1955, ngay khi hòa bình vừa lập lại. Trong khi bọn gián điệp còn giấu mặt chờ đợi thời cơ, và bọn tờ-rốt-kít Trương Tửu, Trần Đức Thảo tích cực chuẩn bị lực lượng ở trường Đại học, thì bọn Nguyễn Hữu Đang, Lê Đạt, hai tên phản Đảng ẩn nấp trong báo Văn Nghệ của Hội Văn Nghệ cùng bọn Trần Dần, Tử Phác cũng là những tên phản Đảng trong phòng Văn nghệ quân đội, đã kết thành một bè phái chống Đảng trong Văn nghệ.

Theo Tố Hữu, việc phê bình tập thơ Việt Bắc là do ‘cái bè phái ấy sắp đặt’ để đánh vào ‘sự lãnh đạo và đường lối văn nghệ của Đảng’, đồng thời đề xướng cái mà ông gọi là ‘điệu tâm hồn’ của chủ nghĩa cá nhân tư sản, mở cửa cho lối sống tự do sa đọa.

“Đương nhiên cái ‘điệu tâm hồn’ ấy của Lê Đạt xướng lên không thể nào hoà được với cái điệu lớn của cách mạng, và cũng rất tự nhiên nó chỉ hoà được với ‘tiếng sáo tiền kiếp’ lóc gân của tên mật thám Trần Duy”.

Trần Dần và Tử Phác, được Tố Hữu gọi là ‘những đứa con hư hỏng của Hà nội cũ’, bỗng cảm thấy đời sống trong quân đội ‘nghẹt thở’, chỉ vì thiếu cái tự do trở lại đời sống trụy lạc cũ. Thêm vào đó, với ít nhiều chất phản động của Hồ Phong, Trần Dần đã gióng lên ‘tiếng trống tương lai’, nhục mạ cán bộ chính trị là ‘người bệnh’, ‘người ròi’, ‘người ụ’. Họ đòi trả quyền lãnh đạo văn nghệ về tay văn nghệ sĩ. Cụ thể là thủ tiêu chế độ‘chính trị viên’ trong các đoàn văn công quân đội tức là thủ tiêu sự lãnh đạo của Đảng và kỷ luật của quân đội đối với họ.

Trần Dần và Tử Phác bị ‘cấm trại’ (không cho về nhà) từ tháng 6 đến tháng 9 năm 1955. Một tháng sau đó, cả hai được gửi đi tham gia Cải cách ruộng đất tại Yên Viên, Bắc Ninh, từ tháng 11/1955 đến tháng 2/1956. Cũng vào thời điểm này, Giai phẩm Mùa xuân ra đời, có đăng bài thơ Nhất định thắng, Trần Dần và Tử Phác bị bắt giam. Ông đã dùng dao cạo cứa cổ phải đưa vào bệnh viện.

Việc Trần Dần cứa cổ, Hoàng Cầm kể lại: “… Anh kéo cái phản ra chỗ ánh sáng từ trên nóc hầm rọi xuống, cởi áo ngoài, để phơi áo sơ mi trắng bên trong ra, lấy một cái mince lame trong túi, nằm ngửa lên phản, dùng lưỡi dao cứa vào cổ cho máu phun ra ngực áo, rồi giẫy đạp ầm ĩ, cốt cho anh lính gác nghe thấy. Anh lính gác nhìn xuống thấy thế hoảng quá: ‘Nó tự tử, phải đưa cấp cứu ngay!’ Một lát sau, cửa hầm mở, người ta đưa Trần Dần đi cấp cứu ở một bệnh viện gần đó. Té ra là bệnh viện Hà đông. Ở đây, Trần Dần may vớ được một người quen bèn viết mẩu giấy nhờ đưa đến Tổng cục chính trị nơi anh công tác. Nguyễn Chí Thanh lập tức đến bệnh viện và lệnh tha ngay cả Trần Dần và Tử Phác”.

Lưỡi dao cùn để lại một vết sẹo. Vết thương sau này trông tưởng đã lành, nhưng ba mươi năm máu vẫn chảy bên trong tựa như những giọt rơi tí tách gõ nhịp tháng năm một trái tim bị chấn thương cho đến ngày tử bỏ cõi đời.

Nếu cái lưỡi dao ấy không cùn? Nó sẽ rạch toang cổ, máu phun ra có vòi khiến Trần Dần dẫy lên, hét lên, kiểu Nguyễn Văn Trỗi… ‘chính chúng bay là giặc’! Khi đó, chắc Miền Nam sẽ tung hô ông, kẻ chết vì tự do và chính nghĩa, đặt ông lên hàng… thánh tử vì đạo! Còn ở Miền Bắc, chắc giới văn nghệ sĩ sẽ lặng đi vì sợ hãi và trở nên dễ ‘cải tạo’ đến độ không hô vẫn theo, không dạy vẫn ngoan!

Bên cạnh những lý do chính trị, người ta hiểu Trần Dần bị kỷ luật còn vì chuyện tình cảm: yêu một người con gái có đạo, cha mẹ đã đi Nam nên không được đảng cho phép cưới. Trần Dần đã tự ý bỏ trại, về với người yêu ở phố Sinh Từ (được nói đến trong bài thơ Nhất định thắng).

Những mối tình vào thời đó thường ngang trái vì có ‘quan hệ xã hội phức tạp’: Trần Dần và bà Bùi Thi Ngọc Khuê, Lê Đạt và bà Thúy, Hoàng Cầm và bà Yến và Đặng Đình Hưng với bà Thái Thị Liên (có người con trai là nhạc sĩ dương cầm sau này nổi tiếng thế giới, Đặng Thái Sơn).

Đến giữa tháng 5/1955, Trần Dần viết hai lá đơn xin ra khỏi đảng và xin giải ngũ. Trong đơn ông trình bày những lý lẽ của mình với một sự thẳng thắn, nếu không muốn nói là ‘ngây thơ lạ lùng’, trong bối cảnh chính trị ở miền Bắc vào lúc đó.

Con người nói chung, và nhà văn ‘phản cách mạng’ nói riêng, hoàn toàn mất giá qua những áp lực, từ miếng ăn đến tư tưởng, trong thời kỳ này. Tội của họ rất đa dạng, từ ‘âm mưu lật đổ Trung ương bằng phương pháp hòa bình’ mà ngày nay được biết đến qua cụm từ ‘diễn biến hòa bình’ cho đến tội gián điệp như trường hợp của Nguyễn Hữu Ðang và Thụy An (2).

Phùng Cung đã có những phản ứng không khoan nhượng, khi học tập chính trị, ông ‘hỗn’ đến độ bị đuổi khỏi lớp. Ông chửi “Mẹ nó, nhục lắm. Mình xin về nhà có được không nhỉ?”. Trần Dần khuyên, nên ‘đầu hàng’ vì họ là ‘chân lý’, không nên xin ra khỏi biên chế vì lúc này mọi hành động phản kháng đều có thể bị coi là một sự tiến công của ‘tư tưởng thù địch’.

Tháng 5/58, Hội Nhà Văn cho phép nhà văn tự kiểm thảo và sáng tác. Ai cũng phải tự phê bình. Về mình, Trần Dần tự kết tội là “…giặc – bút, viên đạn xét lại, mũi tên độc địa của chủ nghĩa cá nhân đồi trụy, chủ nghĩa vô chính phủ và đầu óc làm phản…” , và rồi ông dí dỏm “…tôi sáng tác thêm vài chữ để miêu tả chân tướng mình, cho nó hết lòng một thể”.

Hoàng Cầm cũng lắm tội, nghiện thuốc phiện, lại bị ra tòa về việc chung sống với bà Yến. Ông đã thú thật với Văn Cao: “Mình dát, bị đánh quá, mụ đi như ‘con đồng’, họ hỏi đâu thì cứ phun ra tuồn tuột, không nghĩ gì cả nữa”. Văn Cao, chắc có Tiến Quân Ca là cái lá chắn, cũng nhỏ to: “Tao chỉ có tội chống Tố Hữu, chứ tao có chống Ðảng đâu?”.

Khi thế kỷ còn rung chuông lừa bịp
Những canh gà báo trượt rạng đông
Con rắn lưỡi cắn người như cắn ngoé
Khi xe tăng chửa đi cấy đi cày
Như một lũ tội nhân cần cải tạo
Khi con thò lò ngày đêm hai mặt đói meo
Còn quay tít trên kiếp người hạ giá…

(Hãy đi mãi, Văn, 1957)


Nhà văn Nam Dao kể lại:

Về Hà Nội hè năm 88, tôi sững sờ, không biết là buồn hay vui khi nạn nhân Nhân Văn-Giai Phẩm đều ‘được’, và đều ‘nhận’, phục hồi hộ tịch. Văn Cao trước đấy được Huân chương hạng tư, hân hoan càvát vét-tông đi chụp ảnh, với Hải-Không quân, vì là tác giả của những bài hát biểu trưng những binh chủng này… Tôi trách Văn Cao. Tôi bảo, tiếng tăm anh chỉ mất đi chứ thêm được gì với cái Huân chương đó. Anh giả say, mắng tôi là quân khiêu khích – agent provocateur – rồi giơ tay dọa đánh.”


Phần Trần Dần, anh buồn, im lặng. Con cọp ngày khật khừ, nhướng lên, ánh mắt không rừng rực như cọp nhớ rừng. Với thời gian, anh thành cọp nhà, cọp phố Vũ Lợi, cọp chống gậy đi dọc Yết Kiêu, đến Trần Hưng Ðạo rẽ trái, và lững thững bước về phía Bờ Hồ. Vài ngày sau anh bay ra Huế.

Tại Sài Gòn, cọp nheo mắt chóa nắng, lừng lững chống gậy đứng lên trong lần đầu tiên vào miền Nam. Trong Xổ Bụi, Nam Dao nhớ lại một cuộc hội ngộ kỳ thú tại Sài Gòn giữa ‘cọp ngày’ Trần Dần từ phương Bắc và ‘đười ươi’ Bùi Giáng ở phương Nam:

Liên hoan trên gác ba nhà Nguyễn Quang Sáng. Nguyễn Duy mới đi Liên Xô và Ðông Âu về, đang đánh tiết canh vịt dưới bếp. Ðã hẹn, nhưng sao mãi chưa thấy Trịnh Công Sơn. Khoảng bảy giờ, có tiếng chân, tiếng người. Sơn đi trước, Lữ Quỳnh đang xốc Bùi Giáng theo sau. A, hay thật là hay. Con đười ươi Tề Thiên tối nay gặp cọp ngày.

Chỉ thấy đười ươi huyếch miệng cười khan và sáp lại, mắt hấp háy. Cọp bất động, nhưng nhìn đười ươi chằm chằm. Anh em xếp cho đười ươi ngồi trước mặt cọp. Sơn tươi tỉnh ‘…anh Giáng, hứa không được phá nghen!’. Móm mém, Giáng cười, tiếng cười trong vắt hồn nhiên. Chưa đụng vào đũa, Giáng bi bô chỉ trỏ vào Dần, và nói, tay vung lên, miệng say sưa. Chẳng ai hiểu gì! Vì anh nói một thứ tiếng lai tiếng Ðức, tiếng Anh, tiếng Pháp, nghĩa là thứ tiếng riêng của Bùi Giáng, lộn nhộn đủ loại ngữ ngôn.

Lạ thật, Dần gật gù. Thình lình, Giáng đứng lên ghế, tiếp tục nói, như diễn thuyết. Sơn ra bên cạnh, kéo Giáng ngồi xuống, nhắc ‘…phá quá cha nội! Hứa gì quên rồi ư…’. Giáng cười khì khì, giả ngồi yên. Sơn vừa về chỗ, Giáng lại đứng dậy. Con đười ươi Tề Thiên nghiêng ngả, kêu chí choét, lại nói. Lúc ấy Dần giơ tay. Giáng ngừng ngay, mắt trố lên nhìn. Con cọp giọng trìu mến thốt ‘…người ta bảo Bùi Giáng giả điên!’ Giáng lại kêu chí choét, như giục, còn gì nữa? Dần im lặng. Giáng vùng đứng lên ghế, rồi giả xiêu giả vẹo. Lữ Quỳnh phải chạy lại đỡ.

Con đười ươi Tề Thiên cứ thế, diễn màn độc thoại, nhưng vô ngôn, có lẽ dành riêng cho cọp. Lữ Quỳnh và tôi, mỗi người một bên, dìu Giáng xuống thang, ra đường gọi xe xích lô. Ðẩy Giáng lên, chúng tôi trả tiền xe. Vừa quay lại thì Giáng đã nhảy tót xuống xích lô, tay chìa ra, miệng kì kèo ‘.. ‘tau’ không đi xe, mi chia ‘tau’ một nửa tiền xe hỉ!’. Rồi Giáng lẩn trong bóng đêm trên đường xưa là Công Lý, nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa, vạt áo bà ba trắng vụt biến vụt hiện như một linh hồn lạc lõng. Lữ Quỳnh lo cho Giáng. Sơn cười ‘…già ấy tỉnh, khôn thấy mồ tổ, đừng lo!” (2)

Như đã viết trên tiêu đề của bài này, tại sao tôi lại xếp Trần Dần vào loại nhà thơ ‘cách tân’? Đơn giản là vì ông đã tạo một hình thức mới trong thơ mà có người gọi là… ‘thơ bực thang’. Đó là những câu thơ bị ngắt dòng, và khi xuống dòng lại nhô ra, dòng sau bao giờ cũng nhô ra nhiều hơn dòng trước trông tựa… bậc thang.

Thực ra, không phải Trần Dần là người đầu tiên dùng lối thơ ngắt dòng nhưng ông có sáng tạo trong cách ‘tạo bực thang’ ở những câu thơ quan trọng. Với lối ‘cách tân’ này, mỗi khi Trần Dần xuống dòng là có dụng ý nhấn mạnh ý tưởng, đồng thời với hình thức ‘bậc thang’ ông tạo cho người đọc một hiệu quả ‘trực quan’ khi thưởng thức những dòng thơ ông.

Tôi khóc những chân trời
không có
người bay
Lại khóc những người bay
không có
chân trời 


Trong lối cách tân, Trần Dần còn tạo ra lối ‘lảy thơ’, đó là những câu thơ rất ngắn nhưng xúc tích nhiều ý nghĩ thâm thúy. Trần Dần gọi đó là Thơ mini. Ở Sổ bụi (năm1988) khi nói về Thơ mini ông viết: “Tôi thích viết cái chưa biết, mặc các ông viết cái đã biết. 90 có hoàn thành không? có thành công không để mà đốt đi? Tôi đã đốt tôi đi không phải chỉ đôi lần…cái chưa biết- cái khó – thậm chí cái bất khả thu hút và đắm đuối tôi”.

Theo tôi, những câu ‘thơ mini’ này đều có thể xếp vào loại danh ngôn, dù chưa hẳn là lời hay ý đẹp nhưng cũng đáng để chúng ta suy gẫm. Trần Dần luôn bộc lộ bản chất của người khai phá. Những ‘con chữ’ của ông luôn cựa quậy cùng sự sống. “Làm thơ là làm chữ, làm con chữ” là một quan niệm được ông tận hưởng và chia sẻ trong suốt cuộc đời.

Chính vì thế mà thơ ông không lẫn với người khác, và thực tế ông đã tạo ra một từ trường thơ thu hút bao người. Ông là một người đầy khát vọng về cuộc sống tốt đẹp. Đó cũng là khát vọng đi tới chân trời nghệ thuật mới lạ. Và cũng vì thế, những điều ông viết ra khiến người ta phải suy nghĩ.

sáng bảnh-bành-banh
mày vẫn ngủ-ngù-ngu

Theo tôi, hai câu trên đã sử dụng một thủ pháp vừa chơi chữ, vừa láy chữ tuyệt vời. TừNgủ, Trần Dần đã dẫn người đọc đến chữ Ngu một cách tài tình. Phải chăng ông muốn ám chỉ đến trí thức thời bấy giờ chỉ còn biết Ngủ nên Ngu. Nếu đúng như vậy thì ông quá thâm thúy! Trần Dần còn có những câu thơ được xếp vào loại… danh ngôn: 

tóm lấy tu từ vặn nghoẹo cổ
viết như khạc nhổ mọi tu từ

nói tao biết mày viết thế nào
tao sẽ nói mày sống chết ra sao
văn chương lom khom
sao lại cho tôi nhiều xương sống thế?
nhân loại – tôi không chơi với các anh nữa
ván nào anh cũng ăn gian
thức khuya mới biết đêm ngắn
kẻ ngỡ đêm dài là chửa thức khuya

Thơ Mini của Trần Dần cũng có thể là thơ nhiều hơn hai dòng theo cách ngắt câu tùy hứng của nhà thơ:

rồi ra tôi sẽ buồn như núi
lặng như ngày
đau đáu như mây  
hoa soi, hoa sói, hoa sòi
hoa khói
ga cuối của lòng
tim cuối
hai bàn chân cuối
khóc đi thôi
Đôi khi ‘lảy thơ’ lại chỉ có vỏn vẹn một câu, một dòng:

tôi đứng tuổi mà không đứng gió
một đám ma đen đi mãi không tới huyệt
mưa rơi không cần phiên dịch

Trần Dần vẫn thầm lặng sáng tác. Từ năm 1954 đến 1989 ông vẫn đều đặn viết nhật ký. Đầu tiên là Ghi vặt (năm 1973), sau thành Sổ thơ và từ năm 1979 biến thành Sổ bụi. Nhận xét về giai đoạn này, ông nói: “Mình ngồi ba chục năm quen rồi. Ngồi mà vẫn đi, vẫn ngao du. Mình có cuốn sổ “bụi”, sổ “ngao du”. Mình đi chơi lang thang trong cuốn sổ này. Đây là sổ để ghi tất cả những gì mới nghĩ ra. Có khi ngoài cả ý thức. Đó là cách đi của mình”.

Năm 1961 ông trở về Hà Nội và từ đó đến năm 1986, kiếm sống bằng nghề dịch sách, tô màu ảnh, vẽ tranh, không tham gia đời sống văn học chính thống. Trong hồi ức của các con ông, Trần Dần ít khi buồn, không có một phàn nàn và không bao giờ kể chuyện đời mình.

Trần Dần vẫn kiên trì công cuộc ‘cách tân’ thơ của mình. Sổ bụi cuối cùng viết năm 1989, trước khi những năm cuối cuộc đời bệnh tật đã cướp đi của ông trí nhớ và sự minh mẫn. Đặc biệt, Trần Dần không bao giờ mất lòng tin đến một ngày tác phẩm của mình được xuất bản trở lại. Sau khi ông mất, trong di cảo của ông, các con ông đã tìm thấy một tập bản thảo có ghi Trần Dần tự xuất bản và tập thơ Bao giờ em đi lấy chồng mà ông đã tự trình bày và minh họa sẵn cách đấy 35 năm.

Đến thời kỳ Đổi mới, bước vào giai đoạn tác giả có thể bỏ tiền tự in, tự phát hành với giấy phép của Nhà xuất bản, vài tác phẩm của ông được xuất bản trở lại như Trường ca Bài thơ Việt Bắc năm 1990 (cho dù chương 12 của bản Trường ca là toàn bộ bài thơ Nhất định thắng phải bỏ) và tập thơ tiểu thuyết Cổng tỉnh năm 1994, tác phẩm sau này đã đoạt giải thưởng của Hội nhà văn. Ông mất tại Hà Nội năm 1997 với một niềm tin lạc quan của một nhà thơ, nhà văn và đồng thời là một họa sĩ:

Hãy tin chắc
Rồi ta
Xứng đáng


Một vòng hoa đỏ nhất
Phủ quan tài.


(St)
Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7103
Registration date : 01/04/2011

Trần Dần, từ những trang nhật ký “Ghi” - Nguyễn Mạnh Trinh. Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Trần Dần, từ những trang nhật ký “Ghi” - Nguyễn Mạnh Trinh.   Trần Dần, từ những trang nhật ký “Ghi” - Nguyễn Mạnh Trinh. I_icon13Mon 29 Feb 2016, 09:06

Trần Dần, mỹ học khổ đau

Thuỵ Khuê



Trần Dần mất ngày 17 tháng giêng năm 1997. Trong 40 năm, sau Nhân Văn, Trần Dần đã chỉ thấy những hòm bản thảo của mình: 2/3 bị tiêu tán, mục nát, 1/3 bị kết án chung thân trong trạng thái nằm. Vậy mà vẫn viết. Viết đều. Bởi ông cho rằng viết hay ghi là phương pháp duy nhất nói chuyện với mình khi không thể nói được với ai. Từ 1958, "ghi trở nên một hình phạt", người thanh niên 32 tuổi ấy đã bị "đòn ngấm quá cuống tim rồi".

Tác phẩm chịu chung số phận với con người, phần lớn đều chưa được in ra: gần 30 tập thơ, 3 cuốn tiểu thuyết, và không biết bao nhiêu bản thảo bị mối mọt.

Trần Dần sinh ngày 16 tháng 7 năm Bính Dần, tức ngày 23 tháng 8 năm 1926, trong một gia đình giàu có ở Nam Ðịnh. Ðậu bằng thành chung rồi lên Hà Nội học đến tú tài. Trần Dần là bạn thân từ nhỏ với Vũ Hoàng Ðịch, em ruột Vũ Hoàng Chương. Trong không khí văn nghệ gia đình và bè bạn, ngay từ 1944, sau khi xong trung học, Trần Dần, đã cùng Vũ Hoàng Ðịch, Trần Mai Châu, Ðinh Hùng... nghĩ đến việc cách tân Thơ Mới, chủ trương nhóm Dạ Ðài, viết "Bản tuyên ngôn tượng trưng" ký tên ba người Trần Dần, Trần Mai Châu và Vũ Hoàng Địch, in trên giai phẩm Dạ Ðài số 1, ra ngày 16/11/1946. Ngoài thơ, Dạ Ðài còn có tiểu thuyết, truyện ngắn và bình luận. Vừa ra được số đầu, mới lên khuôn số thứ nhì thì chiến tranh Việt Pháp bùng nổ, Trần Dần tham gia kháng chiến.

Đạo diễn Trần Vũ nhớ lại: ở Sơn La, năm 1946, Trần Dần làm công tác tuyên truyền cùng với Vũ Khiêu và Vũ Hoàng Ðịch. 1948, khi thành lập khu 14 ở Tây Bắc, Trần Dần cùng Vũ Khiêu, Vũ Hoàng Ðịch lên Tây Bắc. Một thời gian sau, khu 14 bị giải thể. Trần Dần tham gia quân đội, nhận công tác địch vận của trung đoàn Sơn La từ 1948 đến 1950.

Hồ Phương kể lại: "Ở nhóm văn nghệ Tây Bắc có Trần Thứ (nay là Trần Vũ), Trần Dần và Hoài Niệm... Tờ Sông Ðà của nhóm này cũng là một tờ báo được trình bày khá đẹp, nghiêng về sáng tác thơ văn. Hồi ấy Trần Dần hay làm thơ leo thang, bài thơ thường được trình bày khá kiểu cách. Dòng thì in chữ nhỏ, dòng lại in chữ to, thiên về hạng theo mốt." (trích Cách mạng kháng chiến và đời sống văn học, tập II, nxb Tác Phẩm Mới, 1987, trang 140)

Sau kỳ học tập chính trị năm 1951, Trần Dần về Trung Ương, nhận công tác ở Cục Quân Huấn. Cuối năm 1953, chiến đấu ở mặt trận Ðiện Biên Phủ, cùng đội ngũ với Ðỗ Nhuận và Tô Ngọc Vân, Trần Dần viết tiểu thuyết Người người lớp lớp.

Năm 1954, được cử đi Trung quốc để viết bản dẫn giải bằng tiếng Việt cho phim Chiến thắng Ðiện Biên Phủ. Ông không ghi gì về chuyến đi này trong nhật ký.

Ðầu năm 1955, trong quân đội manh nha sự phản đối đường lối văn hóa văn nghệ của Ðảng: Trần Dần, Tử Phác, cùng với sự hỗ trợ của Lê Ðạt, Hoàng Cầm, một mặt lên tiếng phê bình tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu, một mặt yêu cầu hạn chế sự can thiệp của Bộ Chính Trị vào lãnh vực văn hóa văn nghệ. Phong trào tiếp diễn với Giai Phẩm Mùa Xuân, xuất hiện tháng 3 năm 1956, đăng bài Nhất định thắng của Trần Dần. Trần Dần bị bắt, cứa cổ tự tử, nhưng không chết. Phong trào tiếp tục đến tháng giêng năm 1958 thì bị dập tắt hẳn.

Nhưng những chôn vùi thường đưa đến những hậu quả bất ngờ: như hỏa sơn Vésuve thình lình chôn sống Pompéi trong một trận mưa tro đá. Nhưng 1700 năm sau, người ta đào lại các lớp địa tầng, "phục hồi" những xác người hóa thạch. Chính những xác hóa thạch đó đã cho biết họ bị ngọn lửa Vésuve bức tử như thế nào. Tại sao mà chết? Xác người hoá thạch ở Pompéi, 1700 năm sau, đã thuật lại cho hậu thế lịch sử cái chết của mình. Vésuve đâu có lường trước hậu quả khi nhúng tay vào tội ác? Vésuve đâu có ngờ rằng trong bất cứ hoàn cảnh nào, con người cũng tìm đủ mọi cách để "phục hồi" sự thật? Vésuve đâu nghĩ đến sự phản bội của thời gian: đáng lẽ những sự thật đã bị chà đạp, bóp méo, chôn vùi đến hàng ngàn năm phải tiêu tan, tro bụi, nào ngờ, chúng lại được chính thời gian đồng lõa với con người, tìm cách soi tỏ sự thật như một thỏa thuận nhân văn ngấm ngầm giữa quá khứ và hiện tại, giữa bây giờ và hậu thế.

Về Nhân Văn Giai Phẩm, có những sự việc đã bị chôn sống, tưởng rồi sẽ tan trong lòng đất. Có những sự thực đã bị bóp méo đến độ dị dạng. Trong hơn nửa thế kỷ, người ta đã quen sống với những quái thai dị đạng đó: những xuyên tạc, bôi nhọ được đề cao như những chân lý. Ngờ đâu, những con chữ trong hòm lại có ngày đứng dậy, thuật lại truyện mình. Tập Trần Dần ghi 1954-1960 là một trong những tư liệu hòm, tự khai, tự quật. Do nhà xuất bản Văn Nghệ tại California in năm 2001. Tác phẩm chìa ra những dòng chữ viết đầu tiên, để lấp những trang còn trắng về một thời kỳ văn học sử, còn chưa được biết, còn chưa được viết.

Trần Dần ghi, tức là Trần Dần viết nhật ký cho mình, ghi lại những ý nghĩ, sự kiện, đột hiện ra trong óc. Những điều mắt thấy tai nghe. Những câu chuyện bạn bè kể lại. Tất cả bộ mặt hàng ngày của đời sống "thời ấy", vui có, buồn có, bực tức có, phẫn nộ có, lạc quan có.

Sự ghi ấy đến với chúng ta như thế nào, sau nửa thế kỷ? Nó cho biết một phần sự thật về thế giới đã bị chôn vùi, dĩ nhiên là dưới con mắt chủ quan của người ghi. Một sự chủ quan đầy ý nghĩa vì đây là những hàng nhật ký chứ không phải hồi ký. Đây là những ghi chép hàng ngày, tại chỗ, còn nóng hổi, chỉ để giúp trí nhớ của riêng mình, không có hậu ý cho người khác đọc. Mà dù có muốn người khác đọc, thì cũng không chắc có một ngày người ta sẽ đọc. Bị xếp trong hòm, nó còn mang tính cách trăn trối, trăn trối với mình, trăn trối với người, trăn trối với nghệ thuật. Vì không cốt yếu viết cho "người khác" đọc, cho nên nó không cần phải "làm đẹp" lên hoặc "làm xấu" đi, không phải giả đò tự phê phán mình để tỏ niềm trung thực, như một số hồi ký viết về thời kỳ này, cốt viết và in cho người khác đọc. Bởi thế, khi đọc Trần Dần ghi, tức là chúng ta đã xâm phạm vào đời tư cá nhân Trần Dần, vào chỗ thầm kín nhất của con người: vào những ý nghĩ riêng tư, nhiều khi thái quá, vào những sự thật trần truồng, nhiều khi không khoan nhượng, vào những sai lầm có thể có, đối với bất cứ ai. Đó là con dao hai lưỡi, cũng là lợi khí của văn học nằm trong tinh thần sáng tác của Trần Dần.

Tập Trần Dần ghi 1954-1960 gồm ba phần. Phần đầu là những suy nghĩ về sáng tạo. Phần thứ nhì chụp lại thời đấu tố. Phần thứ ba nghiêng về chân dung và cuộc sống con người trong ba năm kỷ luật.

Phần thứ nhất, ngắn nhưng sắc sảo, bộc lộ quan niệm thơ nói riêng và sáng tác nói chung của Trần Dần. Tuy viết từ thời trẻ, nhưng đã khái quát những suy nghĩ sâu sắc của một đời người, đời thơ, bao trùm những ý nghĩa triết lý và nghiệm sinh. Ðó là một lối tuyên ngôn nghệ thuật phát xuất tự đáy lòng, với những trăn trở, vừa muốn tìm hiểu, vừa để xác định một trật tự cho riêng mình, nhưng chưa vỡ lẽ cái mình muốn xác định ấy là gì. Trần Dần viết: "... những hình ảnh thơ nóng bỏng, cháy như lửa, một hình ảnh ánh lên nhiều hình ảnh, hình ảnh nọ chống đối hình ảnh kia, hòa hợp với nhau, lôi kéo nhau trong một điệu nhảy ma quỷ... Ðúng là: một cuộc sống chaotique, nhưng một cái chaosharmonie của nó. Một điệu danse macabre có cái thần tiên của nó. Một cái hỗn độn có cái trật tự của nó. Và cái harmonie, cái thần tiên, cái trật tự đó là tùy theo tiêu chuẩn, tôi cho là: ý thích của tôi. Mà ý thích của tôi là theo tiêu chuẩn tối cao! Ðó là sơ lược cái mơ ước ngày tôi 18, 19 tuổi." (trang 35)

Ðó là lời "tuyên ngôn" thơ, rất "hỗn độn", mơ hồ, nhưng lại rất sát với thơ. Nếu so với những lời văn hoa Trần Dần viết trong bản "Tuyên ngôn tượng trưng" của nhóm Ðạ Ðài mười năm trước, nào những "Chúng tôi -một đoàn thất thổ- đã đầu thai nhằm lúc sao mờ" (rất Vũ Hoàng Chương), nào những "Chúng tôi đã nhìn lên Tinh đẩu và đã nhìn xuống Thế nhân", nào những "Sụp đổ: lâu đài phong nguyệt; và mai một: ý tứ những thi nhân mò ánh trăng mà thác"... thì đúng là trong hoàn cảnh nào, các tuyên ngôn cũng vô dụng. Tuyên ngôn Dạ Ðài trịnh trọng, khuôn sáo, không nói được gì, so với mấy trang đầu tập Trần Dần ghi 1954-1960.

Nói với mình, Trần Dần bỏ hẳn lối viết rườm rà, hoa mỹ, để hướng về chữ, chỉ có chữ, trần trụi chữ, sâu và thực.


(còn tiếp)
Về Đầu Trang Go down
thichvui78



Tổng số bài gửi : 562
Registration date : 20/12/2012

Trần Dần, từ những trang nhật ký “Ghi” - Nguyễn Mạnh Trinh. Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Trần Dần, từ những trang nhật ký “Ghi” - Nguyễn Mạnh Trinh.   Trần Dần, từ những trang nhật ký “Ghi” - Nguyễn Mạnh Trinh. I_icon13Mon 29 Feb 2016, 12:00

Vùi dập ông bằng cả hệ thống làm sao mà vùng vẫy nỗi, ông đáng thương nhất trong những người đáng thương.

Tội này phải xử làm sao ?
Đảng ta vùi dập thi hào,nhà thơ
Tội đầy còn đến bây giờ
Dưới ba tất đất ,còn chờ giải oan

Ai là dạ thú ,loài lang ?
Nữa theo các mác, nữa mang cẩm đào
Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7103
Registration date : 01/04/2011

Trần Dần, từ những trang nhật ký “Ghi” - Nguyễn Mạnh Trinh. Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Trần Dần, từ những trang nhật ký “Ghi” - Nguyễn Mạnh Trinh.   Trần Dần, từ những trang nhật ký “Ghi” - Nguyễn Mạnh Trinh. I_icon13Wed 02 Mar 2016, 09:55

thichvui78 đã viết:
Vùi dập ông bằng cả hệ thống làm sao mà vùng vẫy nỗi, ông đáng thương nhất trong những người đáng thương.

Tội này phải xử làm sao ?
Đảng ta vùi dập thi hào,nhà thơ
Tội đầy còn đến bây giờ
Dưới ba tất đất ,còn chờ giải oan

Ai là dạ thú ,loài lang ?
Nữa theo các mác, nữa mang cẩm đào

Liên xô đã tan rồi mà Việt Nam vẫn còn cố bám theo Trung cộng!
Về Đầu Trang Go down
Sponsored content




Trần Dần, từ những trang nhật ký “Ghi” - Nguyễn Mạnh Trinh. Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Trần Dần, từ những trang nhật ký “Ghi” - Nguyễn Mạnh Trinh.   Trần Dần, từ những trang nhật ký “Ghi” - Nguyễn Mạnh Trinh. I_icon13

Về Đầu Trang Go down
 
Trần Dần, từ những trang nhật ký “Ghi” - Nguyễn Mạnh Trinh.
Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Similar topics
-
» Thơ PHẠM KHANG
» Trang Họa thơ Phương Nguyên 2
» Những Đoá Từ Tâm
» Thơ Xướng Họa Phương Nguyên -Bảo Minh Trang
» Việt Sử Giai Thoại - Tập 4 - Nguyễn Khắc Thuần
Trang 1 trong tổng số 3 trangChuyển đến trang : 1, 2, 3  Next

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
daovien.net :: TRÚC LÝ QUÁN :: Tài Liệu-