Trang ChínhTìm kiếmLatest imagesVietUniĐăng kýĐăng Nhập
Bài viết mới
Hơn 3.000 bài thơ tình Phạm Bá Chiểu by phambachieu Yesterday at 16:41

Thơ Nguyên Hữu 2022 by Nguyên Hữu Thu 25 Apr 2024, 18:57

Thi tập "Chỉ là...Tình thơ" by Tú_Yên tv Thu 25 Apr 2024, 12:56

Trang thơ Tú_Yên (P2) by Tú_Yên tv Thu 25 Apr 2024, 12:51

Thơ Tú_Yên phổ nhạc by Tú_Yên tv Thu 25 Apr 2024, 12:46

LỀU THƠ NHẠC by Thiên Hùng Wed 24 Apr 2024, 11:55

Quán Tạp Kỹ - Đồng Bằng Nam Bộ by Thiên Hùng Wed 24 Apr 2024, 11:48

Trụ vững duyên thầy by Trà Mi Tue 23 Apr 2024, 07:34

Mái Nhà Chung by Trà Mi Tue 23 Apr 2024, 07:33

THIỀN TUỆ (diệt trừ đau khổ) by mytutru Tue 23 Apr 2024, 00:07

BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-1965 - LM CAO VĂN LUẬN by Trà Mi Mon 22 Apr 2024, 09:57

Nhận dạng phụ nữ giàu có by Trà Mi Mon 22 Apr 2024, 08:36

Bức tranh gia đình by Trà Mi Mon 22 Apr 2024, 08:09

Mẹo kho thịt by Trà Mi Mon 22 Apr 2024, 07:29

SẦU LY BIỆT by Phương Nguyên Sun 21 Apr 2024, 23:01

Trang Họa thơ Phương Nguyên 2 by Phương Nguyên Sun 21 Apr 2024, 22:56

Trang viết cuối đời by buixuanphuong09 Sun 21 Apr 2024, 06:38

Mức thù lao không ai dám nghĩ đến by Trà Mi Wed 17 Apr 2024, 11:28

KHÔNG ĐỀ by Phương Nguyên Wed 17 Apr 2024, 11:00

Cách xem tướng mạo phụ nữ ngoại tình, không chung thủy by mytutru Tue 16 Apr 2024, 11:59

Ở NHÀ MỘT MÌNH by Phương Nguyên Tue 16 Apr 2024, 09:59

HÁ MIỆNG CHỜ SUNG by Phương Nguyên Sun 14 Apr 2024, 13:29

Trang thơ vui Phạm Bá Chiểu by phambachieu Fri 12 Apr 2024, 15:48

Những Đoá Từ Tâm by Việt Đường Fri 12 Apr 2024, 15:32

Chết rồi! by Phương Nguyên Fri 12 Apr 2024, 13:57

ĐÔI BÀN TAY NGHỆ NHÂN by mytutru Thu 11 Apr 2024, 17:43

THẬN TRỌNG SIÊU LỪA by mytutru Wed 10 Apr 2024, 20:33

Không đánh, không mắng, không phạt, không có học sinh ưu tú by Trà Mi Wed 10 Apr 2024, 11:45

KHÓ NGỦ by Phương Nguyên Wed 10 Apr 2024, 01:46

MỘT CHÚT BUỒN by Phương Nguyên Tue 09 Apr 2024, 15:33

Tự điển
* Tự Điển Hồ Ngọc Đức



* Tự Điển Hán Việt
Hán Việt
Thư viện nhạc phổ
Tân nhạc ♫
Nghe Nhạc
Cải lương, Hài kịch
Truyện Audio
Âm Dương Lịch
Ho Ngoc Duc's Lunar Calendar
Đăng Nhập
Tên truy cập:
Mật khẩu:
Đăng nhập tự động mỗi khi truy cập: 
:: Quên mật khẩu

Share | 
 

 Hai Rương Vàng

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Tác giảThông điệp
nhanbkvn



Tổng số bài gửi : 1612
Registration date : 16/07/2012

Hai Rương Vàng Empty
Bài gửiTiêu đề: Hai Rương Vàng   Hai Rương Vàng I_icon13Fri 10 Jun 2016, 21:38

Link Tải Ebook: http://myebookmaker.com/book.php?id=36300

Hai Rương Vàng D9oxn1rbwg3xqbx3t

HAI RƯƠNG VÀNG



Hoàng hôn đã xuống từ lâu trên đất Hải Sinh!

Người ta khó lòng nhận ra đâu là chỗ bầu trời và biển cả gặp nhau. Trời – biển cùng chung một màu, cùng chung một thế giới : thế giới hoàng hôn! Tuy nhiên, trong khung cảnh tranh tối tranh sáng đó, người ta vẫn nhận ra một mảnh đất nhỏ, chạy dài như một doi cát biển ở trên mặt đại dương bao la.

Đúng vậy, đó là một hải đảo! Một hải đảo cằn cỗi…

Sự hiện diện của đời sống sinh vật trên hải đảo này quả thật là hiếm có. Họa hoằn lắm, người ta mới thấy có một vài loại chim hậu điểu, ghé tạm chốc lát trên đường thiên di của chúng, hay một vài con đồi mồi lên phơi nắng mà thôi. Ở một địa điểm hẻo lánh chết chóc như vậy, thấy được một sinh vật đã là khó khăn lắm rồi, huống hồ thấy một con người! Thế mà ở đây, người ta lại bắt gặp một đứa bé! Thật là một điều quá sức tưởng tượng – một điều đáng ngạc nhiên.

Quả thật vậy! Người ta đã gặp một đứa trẻ – đúng hơn là một cậu trai – tuổi độ mười ba thôi! Nó đang cuộn mình nằm cạnh một tảng đá. Tóc nó đánh bím lại thành một cái đuôi ngắn, mình mang một chiếc áo sơmi bằng len, chân đi một đôi giày đã bạc màu và rách nhiều chỗ. Trông dáng nó nằm thật thiểu não.

Trong khi hoàng hôn đang buông xuống từ từ thì nó vẫn còn thiu thiu ngủ. Nhưng bỗng nhiên, nhiều tiếng động đã lôi nó dậy. Nó nhớn nhác nhìn quanh, tự hỏi:

- Tiếng động gì thế nhỉ? Tiếng sóng vỗ chăng? Không, tiếng động mạnh và dứt hẳn mà, đâu có kéo dài như tiếng sóng vỗ vào bờ?

Và nó nhận ra một cách thật tài tình:

- A! Phải rồi! Tiếng cót két của một thuyền buồm đang thả neo! Có lẽ nào? Trời sai đến giúp mình chăng?

Nghĩ thế rồi, nó co giò chạy một mạch đến bên một bờ đá cách xa đó một quãng. Chợt nó thấy một hình ảnh gì lờ mờ ngoài kia. Nó lẩm bẩm:

- Một chiếc thuyền? Một chiếc thuyền buồm!

Nỗi lo sợ xen lẫn nỗi vui mừng đến xâm chiếm tâm hồn nó. Nó dựa mình vào tảng đá, hồi hộp theo dõi mọi hình ảnh đang diễn ra trước mắt. Bỗng nó nín thở:

- Cái gì vậy nhỉ?

Một chiếc xuồng con đang được hai người đàn ông khỏe mạnh hì hục đẩy lên bờ. Sau đó, họ khiêng ra hai cái rương. Mỗi người một cái, bỏ lên vai, tay cầm thêm chiếc xẻng, lẳng lặng bước lên bờ. Không biết rương đựng những gì nhưng xem ra nặng thật vì nó thấy lưng hai người còng xuống, bước những bước chậm chạp, uể oải. Theo sau họ, có một tên khác dáng đi bệ vệ, tay xách một chiếc đèn bão. Ánh sáng cây đèn lung linh, yếu ớt, chiếu sáng một khoảng cát nhỏ hẹp. Trông thấy cảnh tượng đó, thằng bé nghĩ thầm:

- Người đi sau có lẽ là một tên cướp đang dẫn bọn em út đi chôn của châu báu vừa cướp được chứ gì?

Nó hồi hộp theo dõi một cảnh tượng hiếm có…


                                                                                                              ***

Ba người vẫn lặng lẽ tiến lên dốc một cồn cát. Họ vượt qua đỉnh đồi thấp rồi lại tụt xuống phía bên kia và dừng lại ở một khoảng đất khá bằng phẳng. Nó nghe tên chỉ huy ra lệnh:

- Chỗ này!

Vừa nói, hắn vừa lấy tay chỉ xuống một chỗ trên mặt cát:

- Đào một hố sâu cỡ 1 mét rưỡi thôi. Nhanh lên mấy chú!

Vừa nghe vậy, hai tên kia vội bỏ hai chiếc rương xuống và không hề đáp lại một tiếng, họ lúi húi làm việc như những người câm, có lẽ vì họ quá sợ uy quyền viên tướng cướp chăng?

Tên chỉ huy cũng bỏ đèn xuống đất chạy lăng xăng chỉ trỏ. Nhờ ánh đèn, thằng bé có dịp quan sát tên tướng cướp : hắn cỡ người trung trung, nhưng vẻ mặt dữ tợn, nghiêm khắc và khó hiểu… Hắn mặc một áo thủy thủ ngắn, đầu đội một chiếc nón lông chim làm cho mặt hắn tối sầm lại. Dáng điệu đứng của nó mới hách làm sao! Hai chân dang rộng ra, tay vòng ra trước ngực, nhưng tay phải vẫn không rời khẩu súng lục đen ngòm đeo lủng lẳng ở dây lưng bên hông trái. Thằng bé chăm chú nhìn một cách say mê dường như không chớp mắt… Bỗng nhiên, tên tướng cướp vỗ tay mấy cái nghe chan chát:

- Được rồi! Dừng lại ngay!

Hai người kia vội rút cuốc xẻng lên và quay lưng lại khiêng hai cái rương bí mật bỏ xuống hố. Xong xuôi đâu đấy rồi họ dùng cuốc xẻng lấp hố lại. Thằng bé thấy họ đã thấm mệt vì trên trán, trên lưng họ, mồ hôi đổ ướt dầm dề thấm lan ra cả một mảng áo!

Trong khi đó, tên cướp đang đứng lặng lẽ nhìn họ làm việc, tay phải vẫn nắm chặt báng súng. Cái nhìn có vẻ đầy bí mật làm thằng bé thoáng có một ý nghĩ đen tối, khiến nó phát run lên trong lúc mắt nó vẫn không rời bàn tay phải của tên cướp.

- Dĩ nhiên, tên cướp không muốn cho một người thứ hai nào biết kho tàng của nó chôn giấu ở đây. Đằng nầy, ít lắm là đã có hai người biết sự bí mật này…

Thằng bé không dám nghĩ gì thêm nữa, chờ xem tên cướp sẽ xử trí ra sao. Dù sao, nó cũng cảm thấy lo âu vì ý nghĩ vẩn vơ đó.

Hố đã lấp đầy. Trong khi hai người kia còn tiếp tục lấy xẻng là là trên mặt hố cho phẳng lì giống mặt cát xung quanh thì bỗng tên cướp tiến lại gần phía sau lưng họ và… đoàng… đoàng… hai mũi tên lửa từ nòng súng bay ra và hai cây thịt nặng nề rơi xuống không kịp nhìn lại một lần cuối bộ mặt tàn ác, phản bội của một kẻ mình đã làm công cho.

Tên tướng cướp lạnh lùng đút súng vào bao và cầm chiếc đèn bão lầm lũi bước đi. Tuy hãi hùng và căng thẳng vì cảnh tượng vừa xảy ra, thằng bé vẫn dán mắt theo bước đi của tên cướp, lúc đó đang tiến lên đồi cát. Thằng bé định bụng khi hắn ta xuống đến bờ thì nó sẽ chạy theo xin xỏ, lạy lục cho nó lên thuyền rời khỏi hải đảo đầy chết chóc này. Nhưng khi tên cướp lên đến đỉnh đồi thì đột nhiên, thằng bé thấy hắn dừng lại, miệng thốt ra những lời nguyền rủa, trong khi tay cầm chiếc đèn chao qua chao lại như ra một dấu hiệu gì. Thằng bé lẩm bẩm:

- Ông ta ra dấu hiệu gì vậy nhỉ?

Tò mò, thằng bé phải giương cổ lên quan sát. Nó chợt hiểu : tên cướp nổi giận vì bọn thuộc hạ đang cố sức đẩy thuyền ra khơi căng buồm dông chạy, khi vừa thấy bóng lão lóe lên ở đỉnh đồi…

Tên cướp vội để cây đèn bão xuống đất chạy thật nhanh về phía bờ, nhưng hắn phải dừng lại thở hổn hển vì chiếc thuyền buồm đã mất hút ngoài kia rồi!

Không một chút do dự, thằng bé vội bỏ tay lên miệng:

- Hú… hú… hú…

Nó không sợ hãi như hồi nãy vì nó chợt hiểu rằng giữa nó và tên tướng cướp kia đang có một mối liên hệ nào đó : cả hai đang ở trong cùng một hoàn cảnh, hoàn cảnh của những kẻ bị bỏ lại trên hải đảo! Vừa nghe tiếng hú, nhanh như cắt, tên tướng cướp xoay mình một vòng, tay rút súng ra quát lớn:

- Ai? Ai?

Có tiếng đáp lại rụt rè, sợ sệt:

- Dạ thưa ông, xin đừng bắn cháu ạ! Cháu cũng là một kẻ bị bỏ lại như ông. Cháu hiện có một chiếc thuyền nhỏ. Nếu ông muốn đuổi theo bọn họ thì cháu xin giúp một tay!

Tên cướp vẫn sừng sộ như muốn trút xuống trên đầu thằng bé lạ lùng tất cả những nỗi bất bình của hắn:

- Mày có thuyền?

Thằng bé vẫn nhỏ nhẹ:

- Dạ, một chiếc thuyền buồm nhỏ thôi ạ!

Tên cướp gật gù lẩm bẩm một mình:

- Phải đuổi theo bọn vô lại đã dám lường gạt tao!

Rồi chợt nhớ ra điều gì, hắn cười lớn:

- Ha… ha… bọn nhãi con lầm… lầm to… tưởng phỗng tay trên, tưởng ngồi mát ăn bát vàng… Ha… ha…

Bỗng nó quay phắt lại:

- Nhưng mà mày là ai?

Chẳng nói chẳng rằng, thằng bé cắm đầu chạy lại đằng kia lượm cây đèn rồi tiến về chỗ cũ. Lúc đầu, tên cướp tỏ vẻ chưng hửng vì không thấy thằng bé trả lời câu hỏi của nó, nhưng rồi nó cũng hài lòng. Thằng bé vừa chạy lại, chưa kịp bỏ đèn xuống đã vội lên tiếng:

- Thưa ông, cháu tên là Oai, từ hải đảo Hoàng gia bên xứ Giamaica trôi dạt đến đây!

- Vì sao mầy lại trôi dạt đến hải đảo nầy?

- Thưa ông, cháu đang đi trên một thương thuyền thì bị bão đánh đắm, cháu may mắn sống sót với chiếc thuyền nhỏ kia và lênh đênh trên biển cả tám ngày rồi sau cùng dạt vào đây!

- Một mình?

- Thưa ông, vâng! Khi tàu ngộ nạn thì cháu đang đứng hóng mát trên boong tàu nên đã may mắn thoát nạn. Thật ra là nhờ một cái phao cấp cứu mà cháu vớ được. Nhưng sau đó, cháu thấy một chiếc thuyền con cũng thuộc loại cấp cứu, cháu cố lội tới và trèo ngay vào. Vả lại cái phao cháu đã bị lủng nhiều chỗ rồi nên không thể dùng lâu được! Cho đến lúc nầy, cháu vẫn để mắt tìm xem có ai sống sót không, nhưng chẳng thấy. Có lẽ vì lúc đó, các hành khách thì mải lo say sưa ở phòng ăn, còn các thủy thủ, chỉ có độ năm, mười người lo máy móc, lúc đó còn kẹt ở hầm máy ra không kịp.

Tên cướp lại hỏi:

- Thuyền mày có dự trữ nhiều đồ ăn không?

- Dạ, ít ít thôi, nhưng còn nước ngọt!

Rồi chợt nhớ ra điều gì, nó reo lên:

- À, thưa ông, thuyền vẫn còn mái chèo ạ! Cháu không quen sử dụng nhưng với ông thì chắc là quá rành!

Tên cướp – như vừa được gãi đúng chỗ ngứa – ngửa mặt lên trời cười tự đắc:

- Ồ! Mầy không biết tao là thuyền trưởng à? Thuyền đâu rồi?

Thằng bé chỉ về phía đằng kia:

- Dạ cháu cột ở phía bên kia hải đảo, cạnh một bờ đá!

Tên cướp ra lệnh:

- Dẫn đường cho tao ngay đi mày!

- Dạ!

***

Sau khi xem xét chiếc thuyền con một lúc, tên cướp lẩm bẩm:

Cũng dùng được nếu khéo tay. Đồ dùng vẫn còn tốt! Dư sức đi vòng quanh thế giới!

Nghe vậy, thằng Oai reo lên thích thú:

- Cám ơn Trời! Chúng ta có thể thoát khỏi nơi này được! Thật là may cho cả hai!

Tên cướp đá vào một thùng gỗ, càu nhàu:

- Chỉ có chừng này nước thôi à?

- Dạ, chừng ấy cũng quí lắm rồi ạ! Hải đảo nầy làm gì có giọt nước ngọt nào đâu?

Nó vò đầu, tiếp tục nói một cách bâng quơ:

- Chả biết chỗ nào có nước ngọt ở gần đây không nhỉ?

- Không!

Tên cướp trả lời cộc lốc, vì nó biết rằng ít lắm phải vượt hàng trăm hai lý nữa may ra mới tìm được một vài ốc đảo!

Thằng Oai khẩn khoản:

- Thưa ông, vậy thì chúng ta nên khởi hành ngay, kẻo hết nước ngọt thì nguy lắm đấy! Hải đảo nầy quả là tử địa!

Tên cướp không đồng ý:

- Bây giờ đi chưa được đâu! Mầy không biết chứ cần phải coi thời tiết đã chứ! Vì thế, mầy đem thuyền giấu đi đã kẻo bọn hải tặc thấy được thì khốn cả lũ!

Thằng Oai ngây thơ hỏi:

Bọn hải tặc nào thưa ông? Có phải bọn thuộc hạ của ông hồi nãy đó không? Họ nổi loạn chống ông à?

Tên cướp xem ra không chú ý gì đến câu hỏi cay cú của thằng Oai, lão vừa khịt mũi vừa đáp:

- Bọn sứa biển đó làm được trò trống gì! Tao sẽ giết chúng như giết sâu bọ!

Sau đó, hắn ngồi bệt xuống đất, tựa lưng vào thùng nước, giở chiếc nón lông chim ra quạt lấy quạt để.

Thằng Oai lại có dịp quan sát tường tận hơn : hắn ta có chiếc đầu tròn, hơi dài như quả trứng vịt, bóng nhẵn gần hết. Yên lặng một lát, tên cướp lại lẩm bẩm:

- Tao đoán chắc đêm nay thế nào cũng có chuyện!

Thằng Oai chẳng hiểu ý tên cướp muốn nói gì cũng ngớ ngẩn xen vào:

- Dạ, chuyện gì, thưa ông? Có thể cho cháu biết được không? Hay là ông tính ngồi đây chờ bọn họ tới thì thanh toán?

Tên cướp nổi giận:

- Ăn nói đàng hoàng mầy! Con nít mà chơi leo hả?

Thằng Oai sợ hãi, im thin thít! Tuy nạt nộ thế nhưng trong thâm tâm, hắn cũng thấy thương hại thằng bé vì nó đang cùng chung một hoàn cảnh, một tâm trạng mà! Lão quay lại xoa đầu thằng Oai ra chiều thân mật, như hối hận về cử chỉ nóng giận hồi nãy.

Tự nhiên thằng Oai đâm ra có thiện cảm nhiều với tên cướp. Nó trở nên hăng hái, tin tưởng vào người ngồi bên cạnh, hy vọng ông ta sẽ dẫn dắt nó ra khỏi hải đảo cằn cỗi này. Tâm hồn nó tràn ngập nỗi vui mừng như thể cây khô bị hạn hán gặp một trận mưa rào vậy! Nó líu lo kể:

- Ba tôi là Thuyền trưởng chiếc HOA HỒNG – tàu chuyên môn chở hàng hóa, thư từ, chạy đường hải cảng Hoàng gia xứ Giamaica đến Luân Đôn.

Tên cướp xem chừng có vẻ chú ý đến câu chuyện của thằng bé. Hắn đang nằm dài tựa đầu lên thùng nước, lấy nón đậy mặt lại. Vừa nghe thằng Oai kể đến đó, hắn giật mình ngồi dậy cắt đứt câu chuyện:

- Mầy vừa nói gì… gì… HOA HỒNG đó?

Thằng Oai vô tư:

- Dạ, cháu nói ba cháu trước đây là thuyền trưởng chiếc HOA HỒNG!

Tên cướp định nói tiếp cái gì đó, nhưng nghĩ sao hắn lại nằm dài xuống, lấy nón đậy mặt rồi nói vọng lại:

- À… à… Tao nghe lờ mờ mầy nói… HOA HỒNG gì đó, tao cứ ngỡ là mầy nói đến cô em gái của tao vì nó cũng tên là HOA HỒNG! Rồi sao nữa? Mầy đang đáp tàu đó mà bị đắm à?

- Dạ, cháu đáp thương thuyền khác chứ! Vì tàu ba cháu đâu còn nữa, nó đã bị mất tích cách đây hơn một năm rồi!

Tên cướp lại bật mình ngồi dậy hỏi dồn:

- Mất tích?

- Dạ, mất tích một cách kỳ lạ. Cho rằng tàu bị bão – không đúng – Vì thời tiết vào mùa hè năm đó rất tốt. Cho rằng tàu bị đắm vì trận hải chiến nào đó, điều này cũng không đúng vì theo chỗ cháu biết thì xứ Giamaica không hề gây chiến với một lân bang nào cả!

Tên cướp nói vọng lại:

- Biết đâu, tàu ba mầy đã gặp chuyện không may trên biển cả, như bị một trái thủy lôi nào đó nổ tung chẳng hạn!

Thằng Oai sụt sùi kể lể:

- Cháu không tin là ba cháu đã gặp chuyện bất trắc! Người ta cũng đã đưa ra nhiều giả thuyết mà má cháu vẫn không tin. Má cháu nói là trong nhiều đêm bà đã nằm mơ thấy tàu ba cháu đã bị một bọn cướp đánh đắm! Và dĩ nhiên là cháu cũng tin như vậy!

Tên cướp giật mình:

- Bị cướp đánh đắm hả?

Thằng Oai vẫn chậm rãi:

- Thưa ông, vâng! Như ông biết thì trong chuyến đi đó, ngoài hàng trăm kiện thực phẩm xuất cảng, tàu ba cháu còn mang theo một mật thư của nhà cầm quyền xứ Giamaica đến cho chính phủ Anh quốc trong đó có một tấm ngân phiếu 500.000 Anh kim để trả nợ cho một ngân hàng bên đó mà chính phủ Giamaica vay mượn trước đây.

- Sao mầy biết rõ vậy?

- Thật ra, khi tàu ba cháu nhổ neo thì cháu đang ở nội trú tại một trường Trung học, nhưng về sau má cháu đã kể lại cho cháu nghe như vậy.

- Mầy kể tiếp đi!

- Thế rồi tàu đi biền biệt, không đến nơi cũng như không thấy trở về. Không riêng gì gia đình cháu mà hầu như tất cả mọi người đều xôn xao và ngong ngóng trông tin! Vì sự mất tích chiếc tàu này gây ra nhiều thắc mắc, nó bùng ra như thể một trái bom nổ trong giới hàng hải. Gia đình cháu có đăng báo hỏi thăm tin tức trong cả gần một tháng trời, trong nước cũng như ngoài nước, nhưng tuyệt nhiên không có một kết quả nào. Về phần chính phủ Giamaica, họ còn cho in hình ba cháu trong một bố cáo gởi đi khắp xứ và cả bên Anh quốc nữa để truy tầm, nhưng cũng không mang lại một tin tức gì dù là mong manh, khả dĩ có thể men theo đó mà tìm ra gốc ngọn… Tất cả những cố gắng đó đều tỏ ra vô hiệu quả, không một ai tìm thấy tung tích gì về chiếc tàu cả! Và sau đó, dư luận lại gán cho ba cháu những trọng tội, khiến cho gia đình cháu, nhất là má cháu hết sức đau khổ. Họ cho rằng ba cháu đã âm mưu bán mật thư cho một tổ chức chống chính phủ để lấy vàng và bị thủy thủ đoàn nổi lên chống lại, nhưng tất cả đều bị giết. Dĩ nhiên, theo họ thì ba cháu cũng thủ luôn tấm ngân phiếu… và đánh đắm tàu… Họ không trưng ra được một bằng cớ nào dù chỉ một cái cỏn con. Họ chỉ dựa vào những luận cứ vừa vu vơ, vừa giản dị, là chuyến tàu đó quan trọng vì có mang mật thư và một số hàng trị giá bạc triệu… Thế thôi! Quả thật, đó là những lời đồn đãi có ác ý, vì họ nghĩ rằng ba cháu đã hành động do lòng tham! Nhưng họ không biết cho rằng ba cháu đã có hơn 10 năm giữ chức vụ thuyền trưởng. Và trong chức vụ đó, ba cháu đã chỉ huy biết bao nhiêu chuyến tàu xuất ngoại quan trọng và trị giá hàng triệu… triệu Anh kim không kém chuyến tàu cuối cùng đó? Người ta đã nghi oan cho ba cháu và chắc ông cũng biết đó là một điều rất nhục nhã cho một vị thuyền trưởng! Tên tuổi ba cháu đã bị vết nhơ ngàn đời không thể rửa sạch, nếu…

Tên cướp ngắt lời:

- Người ta nghi thì mặc kệ người ta chứ, lo gì. Mà tao hỏi, chính phủ có kết tội ba mầy như vậy không đã?

Dạ, thưa ông, về phía chính phủ thì mãi đến nay họ vẫn chưa có thái độ gì, vì họ chưa tìm ra được manh mối nào cả, nhưng biết đâu sau này…

- Sau này thì sao?

- Dạ, biết đâu sau này, họ chẳng kết tội ba cháu, trong trường hợp họ tìm ra xác chiếc tàu chẳng hạn!

- Thì như vậy không đúng hay sao?

- Dạ không, cháu quả quyết là không! Vì ba cháu là một người rất thanh liêm và trọng danh giá gia đình, như má cháu đã thường nói với cháu!

Tên cướp cật vấn:

- Thế hồi nãy mày nói gì mà… “rửa sạch vết nhơ” đó?

Thằng bé tiếp, giọng nghẹn ngào:

- Dạ, chính vì cháu không muốn người ta kết tội ba cháu một cách bất công, nên cháu nghĩ rằng vết nhơ của ba cháu không thể rửa sạch được nếu không tìm ra được mật thư, hay một bằng chứng nào khác. Và cháu nguyện sẽ đem cả cuộc đời của cháu để rửa hận cho ba cháu và gia đình. Dĩ nhiên rửa hận không có nghĩa là lấy mạng đổi mạng như người ta thường làm. Đối với cháu, rửa hận là tìm cho ra bằng chứng để cho mọi người biết rằng ba cháu không phải vì tham vàng bạc mà bán rẻ danh dự của một vị thuyền trưởng!

Dưới ánh sao đêm, tên cướp nhe hai hàm răng trắng bệch, cười mỉa mai:

- Bán mật thư để lấy vàng, ba mày thật bất tín. Còn mày, mày sẽ làm gì để rửa vết nhơ cho ba mày?

Thằng Oai tức giận và buồn tủi vì câu nói khiêu khích đó, nhưng châu chấu làm sao đá nổi voi, nó đành nén bụng:

- Làm sao cháu nói trước được? Nhưng cháu đã quyết chí như vậy và hằng cầu khẩn Trời giúp đỡ cho!

- Mày cũng tin vào Trời Đất nữa à?

- Dạ tin chứ! Trên đời này ai lại không tin vào Trời? Má cháu thường nói Trời tuy ở trên cao, nhưng vẫn có con mắt theo dõi hành động của mọi người : ai ở hiền sẽ gặp lành, ai ở ác sẽ gặp dữ!

- Thôi đi mầy! Ngồi nghe mầy nói chuyện luân lý mãi, tao thấy nhức cả óc! Nhưng tao khen cho mầy đó! Miệng lưỡi mầy can đảm thật. À mà tao quên hỏi mầy : làm sao mà mầy bỏ nhà ra đi được? Mầy còn nhỏ thế này, sao má mầy lại cho mầy đi?

Thằng Oai nghe nhắc đến má nó, tự nhiên nó ứa nước mắt, sụt sùi kể:

- Cháu có một người bà con làm nghề buôn bán, thường đi đây đi đó để mua hàng… Kỳ nghỉ hè vừa rồi, cháu nảy ra một ý tưởng táo bạo : lợi dụng kỳ hè nghỉ được ba tháng, cháu sẽ theo chân người bà con đó trong vài chuyến tàu, để dò la tin tức ba cháu, may ra có nghe thấy gì không. Thế rồi, cháu đem ý kiến đó ra trình bày với má cháu để xin phép đi. Ban đầu, má cháu nhất định không chịu, vì cháu còn nhỏ dại, hơn nữa cháu là đứa con độc nhất của ba má cháu. Nếu cháu có thế nào, thì má cháu làm sao mà sống được… Nhưng lòng mong muốn rửa vết nhơ cho ba cháu thúc giục, nên cháu cứ lẽo đẽo theo xin hoài. Cháu trình bày với má cháu là cháu đi một công đôi việc : vừa đi dò la tin tức ba cháu, vừa làm một chuyến du lịch để học hỏi thêm. Cháu cũng kể cho má cháu nghe câu chuyện anh Mã-Khắc trong cuốn “Vạn dặm tìm mẹ”… Tuy còn nhỏ tuổi hơn cháu, nhưng vì lòng thương yêu mẹ, Mã-Khắc đã vượt qua bao nhiêu dặm đường từ nước Ý qua tận Phi Châu tìm mẹ và anh ta đã thành công. Dĩ nhiên, Trời đã giúp anh, nhưng tự anh cũng phải nuôi một ý muốn mãnh liệt đã chứ… Cháu nài nẵng mãi và cũng nhờ người bà con cam kết bảo lãnh lo cho cháu được an toàn. Cuối cùng, má cháu chấp thuận cho cháu lên đường.

Không may, cuộc hải trình của cháu vừa mới khởi hành được hơn một tuần, chưa cập bến một hải cảng nào, thì chiếc tàu cháu đi bị bão giữa biển khơi, người bà con của cháu bị chìm mất xác, còn cháu… thì ra nông nỗi này! Cháu bị sóng đánh trôi dạt vào hải đảo khốn khổ này! Cháu nhớ má cháu hết sức, không biết má cháu lúc này ra sao?

Tên cướp ngồi nghe thằng Oai kể lể, hắn tỏ vẻ cảm động:

- Mầy còn nhỏ mà can đảm thật! Tao khen mầy! Mầy quả là con gà tơ có trái tim sắt. Nhưng mà mầy thấy không? Mầy tin vào Trời mà Trời có phù hộ gì cho mầy đâu? Mầy ra đi chưa tìm được manh mối gì thì đã bị trôi vào tử đảo này rồi! Thôi, thế là hết, con ạ! Mầy dọn mình chết đi là vừa!

Thằng Oai nhìn lên trời, nét mặt đanh lại:

- Không! Cháu tin là Trời vẫn thương giúp cháu thành công trong việc này, tuy rằng cháu phải trải qua nhiều gian khổ. Ngày mai sẽ ra sao, cháu không biết, nhưng cháu tin rằng Trời biết. Trời sẽ cảm thương mà giúp cháu…

Tên cướp la lên:

- Thôi đi mầy! Mầy cứ nhắc đến Trời hoài làm tao điên lên được! Tao thì tao chẳng tin gì ở trời đất hết, nhưng tao sẽ tự lực trả thù những đứa nào đã làm hại tao! Mầy thấy bọn nhóc con, bọn ăn cháo đá bát, đã đánh lừa tao, vất tao lại như vất một con chó đói vậy! Tao cảm thấy thật hổ thẹn và nhục nhã!

Ngừng một lát, tên cướp tỉ tê kể:

- Cách đây mấy tuần, bọn chúng tìm cách gây sự với tao. Vì dù sao, chúng cũng chỉ là em út! Nguyên do cũng chỉ vì chúng muốn chia phần cái rương vàng của tao. Thật ra, thì đó là gia tài riêng mà tao đã tốn bao nhiêu mồ hôi và cả máu nữa để gầy dựng!

Thằng Oai hình như vẫn không hiểu gì, nó ngây thơ hỏi lại:

- Chắc ông không chia phần cho họ chứ gì?

Tên cướp không để ý gì, tiếp tục cắt nghĩa:

- Vàng bạc đó là của ăn cướp được, tao đã chia phần đồng đều rồi. Dĩ nhiên, phần tao phải nhiều hơn chút đỉnh chứ! Tao là chủ mà! Nhưng chỉ trong có mấy ngày, chúng đã tiêu xài hết, thật đúng là “của thiên trả địa!” Xong lại quay ra muốn chia phần lần nữa, chúng dòm ngó của tao, tao không chịu. Tao phải cất giấu ở dưới sàn tàu, ngay cạnh cửa ra vào phòng riêng của tao. Tao cất của hay lắm! Vì trước kia tao nguyên là thợ đóng sàn tàu nên tao biết nhiều chỗ cất giấu của cải kín đáo lắm. Tao nhớ lại và tao phải tự tay gỡ một miếng gỗ trên sàn tàu rồi gắn chặt hai rương vàng vào đó và đóng ván lại như cũ. Sau đó, để đánh lừa bọn chúng, tao đóng hai cái rương giống hệt hai cái kia rồi nện cát vào thật đầy, khóa lại, giả vờ sai hai tên nô lệ khiêng lên chôn trên hải đảo nầy! Để cho có vẻ đúng sự thật, tao buộc phải thanh toán hai tên nô lệ kia. Phải làm vậy, chứ sao! Vì tao muốn địa điểm chôn vàng chỉ có mình tao biết thôi!

Tên cướp lại cười ra chiều đắc ý lắm:

- Mấy không tin cứ lại đào lên xem, trong rương chỉ toàn là cát không thôi!

Thằng Oai cũng cười xòa:

- Nhưng bây giờ, ông không còn làm chủ được các rương vàng thật kia nữa!

- Sao lại không? Bằng mọi cách, tao sẽ tìm lại được. Không sớm thì muộn thế nào tao cũng về lại tàu của tao. Và lúc đó, bọn nhãi con sẽ biết tay tao!

Nghe tên cướp nói đến đó, thằng Oai mừng rỡ ra mặt:

- Như vậy, chắc chúng ta sẽ thoát khỏi hải đảo hoang vu này nhỉ?

Tên cướp cười lớn tiếng:

- Thế hồi nãy, mầy không nghe tao nói gì à?

- Dạ, thưa cháu quên mất rồi ạ!

Tên cướp chỉ tay về phía chiếc thuyền con:

- Tao nói là có thể dùng chiếc thuyền nhỏ nầy chạy vòng quanh thế giới cũng còn được nữa, huống hồ đàng nầy…

- Vậy chúng ta nên bắt tay vào việc đi chứ? Gió đang thuận chiều mà! Phải khởi hành sớm để còn mong đuổi kịp bọn kia chứ?

- Mầy khỏi lo chuyện đó!

Nói xong, tên cướp ngửa mặt lên trời quan sát. Thằng Oai cũng bắt chước nhìn lên và thấy vô số vì sao đang lấp lánh trên nền trời xanh thẳm như những hạt kim cương gắn trên một tấm thảm nhung vậy.

Sau khi hết nhìn trời, nhìn sao rồi nhìn biển cả, tên cướp mới quay lại nói:

- Được, tốt lắm! Đừng phí thì giờ nữa! Mọi sự đều sẵn sàng rồi chứ?

Oai hăng hái đáp:

- Dạ, xong cả rồi ạ! Có gì đâu!

Một lần nữa, tên cướp cầm chiếc đèn bão đi lại phía chiếc thuyền con xem xét mấy quai chèo, buồm… Xong xuôi, hắn ra lệnh:

- Tháo dây, kéo nó ra! Tao cầm chèo lên trước!

Thằng Oai lội xuống nước nghe bì bõm, cố sức đẩy thuyền ra. Mãi đến khi nước ngập tới bụng, nó mới dừng lại và sửa soạn nhảy lên thì bỗng nhiên nó khựng mình lại khi nghe tiếng quát của tên cướp:

- Đứng lại đó mầy!

Giọng tên cướp nghe sắc bén như dao, không niềm nở, thân mật như lúc nãy. Nó ngạc nhiên hết sức! Qua ánh đèn, nó nhìn thấy khẩu súng ác nghiệt, đen ngòm đang ló ra nhắm vào đầu nó! Nó chợt hiểu, nhưng vẫn cố làm ra vẻ ngây thơ, lắp bắp hỏi:

- Ông… ông… làm gì vậy?

Tên cướp, vẻ mặt thật đanh ác, dõng dạc:

- Hoặc tao, hoặc mầy một đứa ở lại, một đứa đi. Nhưng chắc không phải là tao ở lại rồi đó!

Thằng Oai cảm thấy trời đất như quay tít mù, mồ hôi đổ ra như tắm, hai hàng nước mắt tuôn chảy. Nó nức nở van lơn:

- Nỡ nào ông bỏ cháu ở lại sao? Tội nghiệp cháu mà!

Tay vẫn giữ nguyên tầm súng, tên cướp lạnh lùng nói:

- Nước ngọt chỉ vừa đủ dùng cho một người thôi! Mầy biết chứ? Tao sẽ bỏ mầy ở lại đây, hoặc giết mầy bằng khẩu súng này. Tùy mầy chọn! Hoặc chết nhanh với một viên đạn hoặc chết chậm vì khát nước!

Mắt thằng bé đỏ ngầu vì quá giận dữ : nó không còn giữ lễ độ như trước nữa. Nó mắng tạt vào mặt tên cướp:

- Không! Không! Tôi không bao giờ muốn chết vì bàn tay phản trắc của ông!

Tên cướp vẫn lạnh lùng, không hề tỏ vẻ nóng giận vì câu mắng chửi của thằng bé. Nó làm như không nghe thấy gì cả. Nó hạ giọng:

- Này bé con! Tao đã nghĩ đến mầy từ buổi đầu cơ! Tao nghĩ có thể đem mầy cùng đi, nhưng vì số nước ngọt có hạn! Không lẽ cứu mầy để cùng chết cả hai à?

Thấy còn nước còn tát, thằng Oai vội quả quyết:

- Tôi xin biếu ông số nước ngọt đó. Tôi thề sẽ không đụng đến dù chỉ một giọt!

Tên cướp cười lắc đầu:

- Tao cũng muốn tin lời hứa của mầy lắm. Nhưng mầy là người với đầu đen máu đỏ, mầy cũng muốn sống chứ? Tao cũng vậy! Lỡ mầy quật ngược thế cờ, ẵm hết nước thì sao?

- Nhưng thà chết trên thuyền còn hơn ngồi đây đợi chết khát à? Vì ông dư biết rằng đảo nầy làm gì có nước, hay có thuyền bè nào ghé vào đây bao giờ đâu?

- Thì biết vậy, nhưng gọi là có chút an ủi may ra có thần thánh nào tới cứu mầy chăng? Vả lại, tao cũng không muốn mầy ngồi chung thuyền với tao, không phải vì sợ hết nước ngọt mà vì…

Nói đến đây tên cướp bèn hạ giọng xuống chỉ vừa thằng Oai nghe thôi:

- Vì… tao là kẻ thù không đội trời chung với mầy!

Thằng Oai đi từ ngạc nhiên nầy đến ngạc nhiên khác, nó không hiểu ất giáp gì về câu nói đó. Nhưng tên cướp, sau khi ngừng một giây nuốt nước miếng, lại chậm rãi tiếp:

- Chính tao đã đánh đắm chiếc HOA HỒNG năm xưa của cha mầy!

Thằng Oai nghiến răng lại, nghe ken két:

- Ông… ông… đã giết cha tôi ư?

- Không! Ba mầy đã chiến đấu và chết như một chiến sĩ dũng cảm. Đến nay, tao vẫn còn thầm phục ông ta. Quả đúng là một viên thuyền trưởng hiếm có!

Thằng Oai thét lên:

- Im đi! Đừng mỉa mai người quá cố nữa! Cám ơn ông đã cho tôi biết điều đó nếu quả đúng sự thật! Bây giờ, xin ông hãy cút đi cho rảnh mắt tôi!

Tên cướp vẫn bình tĩnh, chậm rãi:

- Hãy khoan! Tao tưởng là mầy cần phải biết chứ, dù mầy sắp chết, mầy cũng cần phải biết, biết để được an ủi phần nào công lao mầy bấy lâu đã vào sinh ra tử để tìm tung tích ba mầy!

Nghỉ một lát, hắn lại tiếp:

- Sự thật đúng như thế! Hôm ấy, chúng tao đang cần thực phẩm vì lênh đênh trên biển cả đã mấy ngày mà chưa ghé bờ mua được vì tàu đang bị trục trặc máy móc. Tụi tao cảm thấy lo ngại thì chợt thấy một tàu lạ ở đằng xa, bèn ra dấu hiệu báo nguy. Tàu lạ nhận được những tín hiệu cấp cứu liền tiến lại gần và tụi tao thay vì nhận một số thực phẩm cứu trợ vừa đủ, đã ào ào tràn lên tàu cướp sạch, chẳng những thực phẩm mà còn luôn cả vàng bạc, hàng hóa nữa.

Vừa nghe đến đó, thằng Oai quên cả sợ, chỉ thẳng vào mặt tên cướp:

- Các người thật là giống tàn bạo! – Và nay lại đến lượt ông đền ơn cho tôi đó ư?

Tên cướp vẫn không tỏ vẻ giận dữ gì:

- Mầy đừng nóng, tao còn kể tiếp nữa chứ! Thực phẩm thì tụi tao vơ sạch. Sau đó, có một tên em út phóng hỏa đốt chiếc tàu để phi tang. Lâu lắm, tao cũng không còn nhớ xác tàu hiện nằm ở chỗ nào nữa! Tuy vậy, tao vẫn cảm thấy hơi lo âu sợ chuyện đổ vỡ thì sẽ nguy đến tính mạng. Chi bằng, để chắc ăn, phải thủ tiêu luôn bọn em út, nhất cử lưỡng tiện, vừa giữ bí mật vừa lấy được vô số thực phẩm khỏi sợ ai chia phần cả. Đành phải hy sinh vậy chứ sao! Tụi em út, mầy thấy hôm qua đó, là bọn mới được tao thu dụng mấy tháng nay thôi! Tao mà về lại thì thế nào bọn đó cũng chết với tao! Toàn là bọn du thủ du thực cả!

Thằng Oai lại nghiến răng, lẩm bẩm:

- Trời có mắt! Ác lai ác báo! Thế nào cũng có ngày tên cướp này bị bắt mà chớ!

Tên cướp hình như không nghe thấy gì, hắn lại khàn khàn tiếp:

- Nghe đây bé con : Tao có cướp được một phong bì nơi tay viên thuyền trưởng. Bấy lâu nay, tao cố giữ kín, tuy đã mở ra xem rồi, nhưng không hiểu vì nhiều hình vẽ chằng chịt. Bây giờ, tao đã hiểu và đối với tao, nó không có giá trị gì, kể cả tấm ngân phiếu. Vì tao đâu có lãnh được số tiền đó? Mà thật ra, tao cũng không dại gì mà vác mặt tới lãnh, tuy cũng muốn hết sức! Dù sao, tao vẫn cất giữ nó, vì biết đâu chẳng nhờ nó mà một tên đầu trộm đuôi cướp như tao có thể dùng để tự cứu đầu mình khỏi lìa cổ! Chắc mầy cũng hiểu ý tao muốn nói gì chứ? Nhưng tao sẽ không làm như vậy nữa! Mật thư hiện còn ở trong phòng tao, và khi về lại tàu cũ, tao sẽ lấy ra đem gởi tất cả cho nhà cầm quyền xứ Giamaica! Đó là phần việc của tao phải làm, gọi là để trả lại tiền chiếc thuyền nhỏ nầy cho mầy!!!

Mầy bằng lòng chứ? Tao dàn xếp như vậy là ổn thỏa rồi đó nghe!

Nói xong, hắn híp mắt cười ra vẻ thích thú về sáng kiến vừa rồi. Một lát sau, hắn lại lên tiếng hối thúc thằng Oai:

- Nào! Giờ mầy chọn đường nào? Ăn kẹo đồng hay lên bờ?

Đứng trước họng súng tàn ác, thằng Oai tuy giận sôi gan, ước chừng có thể ăn tươi nuốt sống kẻ đã giết ba mình, nhưng đành bất lực lủi thủi lên bờ, nước mắt ràn rụa! Tuy thế, nó vẫn còn bám lấy một hy vọng mong manh là may ra sẽ có ai tới cứu chăng? Và nó sẽ phục thù cho người cha thân yêu của nó.

Lên đến bờ, Oai ngoái cổ lại nhìn chiếc thuyền con đang từ từ rời bến, trong lòng quặn đau như đứt từng khúc ruột! Chỉ một thoáng sau, chiếc thuyền xa d6a2n rồi khuất hẳn trong bóng tối dày đặc. Oai thầm nghĩ:

- Không lẽ đời mình chấm dứt từ đây sao?

Chua bao giờ nó cảm thấy chán chường và thất vọng như lúc này! Biết làm gì đây, ngoại trừ ngồi nhìn trời, nhìn đất chờ Thần Chết đến? Còn gì khủng khiếp cho bằng tình cảnh một người đang chờ chết. Oai sợ hãi, ngủ thiếp đi…

Sáng hôm sau, khi trời đã sáng hẳn, Oai tìm cách chôn hai xác chết hôm qua. Nó thầm nghĩ:

- Họ là những kẻ xấu số! Nhưng dù sao cũng còn sung sướng hơn tình cảnh nó hiện tại. Nhờ hai phát đạn thi ân, họ đã ra đi một cách yên lành, nhanh chóng, không hận thù – chứ đâu có đau đớn và hãi hùng như tâm trạng nó bây giờ?

Đến xế chiều, để giết thì giờ, nó moi cát lấy hai rương vàng lên xem, nhưng chỉ thấy rương đựng toàn là cát, đúng như lời tên cướp đã nói với nó đêm qua. Nó không thấy thất vọng vì còn lòng dạ nào! Giả sử hai rương kia có chứa đầy vàng bạc thật sự thì cũng đem lại cho nó ích lợi gì trong hoàn cảnh này. Vì biết dùng những thứ đó đổi chác cho ai? Dù chỉ đổi lấy một ít giọt nước ngọt cũng không có!

Buổi sáng ngày thứ hai, cơn khát lại càng hành hạ thằng bé một cách dữ dội. Nó không biết làm gì hơn là ngồi đếm những đợt sóng biển đang đập vào bờ để tìm cách quên đi cơn hấp hối càng lúc càng gần kề! Miệng nó ngậm mãi một hòn sỏi đến nỗi lưỡi bị bỏng lên thật là đau đớn! Nó thầm lạy Trời sao cho có một trận bão tới. Tới gần hay xa cũng được, miễn có bão là tốt rồi. Bảo tới xa thì hy vọng sẽ có thuyền bè ghé đảo để tránh bão, và nó sẽ được cứu sống ; bão gần thì nó sẽ hứng được ít nước ngọt!

Nó khát quá đến nỗi quên cả đói!

Ngày lại ngày… Thấm thoắt, cơn hấp hối của nó đã kéo dài qua ngày thứ tư rồi. Ôi! Bốn ngày mòn mỏi trông chờ… trông chờ một phép lạ! Cơn khát vẫn đeo đuổi nó, vẫn hành hạ nó… Nhiều lúc, nó tưởng chừng có thể phát điên lên được! Những khi đó, nó chạy ào xuống biển, lấy tay chụm lại uống vài ngụm nước mặn, mặc dầu nó cũng biết càng uống thì càng khát thêm! Quả thật là nguy kịch!

Bây giờ, cơn khát lại đến hành hạ nó. Nó bò bằng hai tay hai chân. Bò được một quãng rồi nằm ngất xỉu, tỉnh lại rồi nó lại tiếp tục bò, cứ thế không mấy chốc, nó đã lết tới tảng đá hôm trước…

Trời đã về chiều. Thằng Oai chắp tay nhìn lần cuối cùng về phía chân trời tím – màu tím đầy tang thương và chết chóc… Nó cảm thấy tấn thảm kịch đời nó sắp hạ màn… Chính trong giờ phút cuối cùng này, nó cảm thấy nhớ má nó hết sức. Nó nghĩ đến những ngày còn sống bên người mẹ thân yêu! Nó hối hận vì có lúc đã làm cho má nó sầu khổ vì nó! Nó ước ao được gặp má nó một lần cuối cùng để xin má nó tha lỗi cho, nhưng muộn quá rồi! Nó bật khóc tức tưởi, những giọt nước mắt nóng hổi lăn tròn trên hai gò má hốc hác, đen đủi vì gió biển! Nhưng nước mắt nó cũng đang cạn dần… Và nó thiếp hẳn đi…

Bỗng nhiên, nó giật mình thức dậy! Thật ra, đó chỉ là một phản ứng tự nhiên vì đâu óc nó không còn phân biệt được gì nữa đâu? Nhưng cây đèn trước khi tắt thường sáng hẳn lên. Tình trạng thằng Oai hiện tại không khác gì cây đèn sắp cạn dầu!

Mắt nó vừa chạm phải một vật gì là lạ… Hình thù như một chiếc buồm, một con chim biển hay một đám mây mưa đen kịt cũng không chừng? Vì trước mắt nó tất cả những hình thù ấy thật sự không khác nhau gì nữa! Trong thâm tâm, thằng Oai muốn đứng dậy, nhưng sức đã kiệt, nó ngã xuống nằm dài cạnh một tảng đá, ngực chỉ còn thoi thóp, trong khi mắt nó mờ hẳn đi. Nó đang lâm vào tình trạng hôn mê…

Trong khi đó, nó có biết đâu, ngoài bờ kia trong bóng tối dày đặc, có một chiếc thuyền lạ đang thả neo cập bến! Thật vậy, đó là thuyền của bọn em út tên cướp hôm trước. Chúng quay lại hải đảo nầy để lượm xác của tên cướp nhưng quan trọng hơn là để lấy hai rương vàng!

Một đứa trong bọn lên tiếng:

- Giả sử “Bạn Già” – ám chỉ tên cướp – còn sống thì chắc cũng đã quá yếu không đủ sức chống lại bọn mình đâu nhỉ?

Một vài đứa phụ họa vào:

- Dĩ nhiên!

Thật ra, từ mấy ngày nay bọn chúng chỉ lẩn quẩn quanh vùng để chờ đợi… Và từ rạng đông ngày thứ tư, bọn họ đã quan sát thấy một hình hài nằm dài cạnh một tảng đá. Họ chỉ chờ có thế và quyết định cho thuyền vào bờ để tìm kiếm và chia nhau cái gia tài kếch sù của chủ cũ.

Một tên lên bờ trước, chạy lại ngay tảng đá và la lên:

- Trời ơi! Một thằng bé!

Tên đi sau hốt hoảng:

- Đồ quỉ! Anh em ơi! Ông Bạn Già đã đổi lốt rồi!

Tên đứng cạnh trả lời:

- Đồ ngu mầy! Ông ta là thần thánh chắc?

- Thế hắn ta đâu?

- Cứ tìm kiếm đi thế nào cũng gặp mà! Không lẽ ông ta tàng hình?

Tên kia sừng sộ:

- Thì đó, cứ tìm đi! Mầy nhìn quanh đây thì rõ, hắn đâu?

Được thể, tên kia lên mặt:

- Tao nói thật chứ hắn ta dám đã biến thành chim bay đi rồi!

- Thôi đi ông mãnh ơi! Đừng tin hão tin huyền nữa! Ông ta bay đi đâu? Vào lòng đất hả?

Nghe vậy, mấy tên đứng quanh cười ồ lên, nhưng bỗng giật mình vì có tiếng la bai bải ở phía đàng kia:

- Hai rương vàng đây rồi!

Cả bọn nhớn nhác chạy lại vây quanh hai chiếc rương, hỏi nhau rối rít:

- Vàng bạc đâu cả rồi? Sao chỉ toàn là cát không?

- Chắc có đứa nào phổng tay trên rồi! Nó coi tụi mình không ra gì cả! dám cuỗm vàng đi rồi đổ cát vào!

Tên bị mắng là tin dị đoan hồi nãy lại lên tiếng:

- Hay ông Bạn Già trước khi đi đã dùng quyền phép biến vàng bạc thành cát? Biết đâu, ông ta chẳng thấu rõ âm mưu của bọn mình nên hóa phép trả thù bọn mình?

Tên đứng cạnh gạt đi:

- Mầy biết gì! Hễ mở miệng ra là toàn nói chuyện ma với quỉ. Chính tao đây thấy hắn ta dẫn hai tên nô lệ khiêng hai rương vàng nặng chĩu lên đây chôn mà!

Cả bọn nhao nhao lên hỏi:

- Thế bây giờ vàng bạc đâu? Tên Bạn Già đâu?

- Chia nhau đi tìm xem, chứ chính mắt tôi thấy họ đi lên phía nầy!

Một tên lớn tuổi nhất trong bọn khoát tay:

- Đừng bàn những chuyện ma quỉ nữa! Điều cần là tìm xem ông Bạn Già bây giờ ở đâu, còn sống hay là chết rồi? Ai đã lấy hết vàng bạc trong hai rương kia? Nãy giờ quanh đi quẩn lại chỉ có bọn mình hỏi nhau mà không thể mở ra một mối dây nào cả! Bọn mình phải nhờ đến thằng bé kia kìa, chính nó là nhân chứng độc nhất mà nãy giờ bọn mình quên bẵng đi!

Cả bọn thấy có lý nên rủ nhau lại vây quanh chỗ thằng Oai đang nằm. Một tên lấy chân đạp:

- Chết chưa mầy?

Một tên khác xen vào:

- Hình như nó đã chết rồi! Đem biếu cho cá mập quách cho rồi!

Tên lớn tuổi cúi xuống lấy tay sờ ngực thấy tim còn đập thoi thóp vội đứng lên đề nghị:

- May quá! Thằng bé chưa chết. Có lẽ vì đói khát mà bị ngất xỉu đi thôi! Phải cứu sống nó! Như vậy chúng ta mới có thể tìm ra nhiều manh mối! Bằng mọi cách, chúng ta phải cứu sống thằng bé nầy!

Thế là bọn cướp vội bồng thằng Oai xuống thuyền cấp cứu. Số thằng bé quả còn lớn. Vì tính mạng nó hiện thời hết sức mong manh, chẳng khác gì sợi chỉ mành treo chuông vậy!

Vừa xuống thuyền, thằng Oai được đặt cẩn thận trên một chiếc giường có nệm êm ái. Nó vẫn thiêm thiếp, hai mắt nhắm nghiền… Một tên trong bọn được đề cử săn sóc nó. Trước hết, nó lấy mền đắp cho thằng Oai rồi đưa nước lại cho nó uống. Thằng Oai như con lạc đà vừa vượt qua một sa mạc nóng cháy, uống lấy uống để một lúc hết ba, bốn lon nước. Sau đó, nó được dùng một bữa ăn khô khá thịnh soạn. Bây giờ nó mới sáng mắt ra và rất đỗi ngạc nhiên khi thấy mình đang ở trên một chiếc thuyền buôn lớn. Nó lân la bắt chuyện với người bạn lạ nhìn nó một cách khó hiểu và dần dần biết rõ đầu đuôi câu chuyện, cũng như lai lịch những người lạ mặt ở trên thuyền và ngay cả chính chiếc thuyền buồm. Như có một ý định gì trước, thằng Oai bèn đưa mắt quan sát chiếc thuyền một cách cẩn thận. Bỗng nhiên nó thở dài, lẩm bẩm:

- Tất cả cũng chỉ vì vàng bạc! Nó làm cho tôi cảm thấy nhức đầu quá sức!

Vừa nghe hai tiếng “vàng bạc”, tên lâu la vội chạy vào kêu đồng bọn rối rít:

- Anh em ơi! Có vàng bạc rồi!

Đồng bọn chạy ùa ra vây quanh thằng bé. Tên lâu la hồi nãy bèn vỗ vai thằng Oai, thân mật hỏi:

- Hồi nãy, em có nói đến “vàng bạc”. có phải em định nói đến mấy rương vàng chôn trên hải đảo không? Em có biết hiện chúng nằm ở đâu không?

Thằng Oai trả lời với một giọng điệu hết sức bình tĩnh:

- Tôi biết chứ!

Bọn cướp, mặt nào mặt nấy sáng hẳn lên, đưa mắt nhìn nhau. Tuy nhiên, một tên vẫn tỏ ra chưa tin lời thằng Oai. Nó sợ thằng bé hiểu lầm câu hỏi của bạn mình chăng, nên nó tìm cách hỏi lại:

- Phải em nói hai cái rương “cát” trên hải đảo không? Ý bọn nầy là muốn hỏi hai cái rương vàng thật cơ!

Thằng Oai nói toạc ra:

- Hai cái rương chôn trên hải đảo chỉ là những rương cát, tôi biết chứ. Nhưng tôi cũng còn biết chỗ giấu hai rương vàng thật nữa cơ!

Cả bọn nhìn nhau ngạc nhiên. Tên lớn tuổi làm ra vẻ trịnh trọng, tiến lên ngồi đối diện với thằng Oai, cười xã giao và nói với Oai:

- Em biết hai rương vàng chôn giấu ở đâu chỉ cho bọn này rồi chúng ta cùng chia nhau!

Trái với mọi dự đoán của bọn cướp, thằng Oai lắc đầu, giọng chán ngán:

- Không! Nhất định không! Tôi đã có kinh nghiệm về lời hứa của ông Bạn Già của các ông rồi. Bây giờ tôi không tin ai cả! Tôi cũng không thèm chia phần vàng bạc đó vì đã dính máu biết bao nhiêu người vô tội rồi!

Nhưng một giọng dọa nạt cắt ngang:

- Tốt hơn mầy nên chỉ chỗ cho tụi tao đi, đừng cứng đầu vô ích!

Thằng Oai vẫn điềm tĩnh trả lời:

- Tôi xin nhắc lại là tôi chả cần chia phần phò gì với các ông cả, chỉ đòi các ông một điều kiện thôi!

Cả bọn nhao nhao lên:

- Điều kiện gì? Cho mầy về quê hả? dễ quá!

Thằng Oai chậm rãi trả lời:

- Không phải điều kiện đó đâu! Điều kiện là có một sự đổi chác giữa các ông và tôi!

Một tên trong bọn có vẻ nóng ruột, giục thằng bé:

- Đổi chác gì mầy nói nhanh lên! Tao sốt cả ruột! Mầy cứ nói vòng vo hoài!

Nhưng tên lớn tuổi nghiêm nét mặt:

- Việc đâu có đó, mầy đừng hấp tấp! Nó có biến hình đi đâu mà mầy lo?

Thằng Oai hình như không chú ý đến cuộc cãi vã tay đôi đó, trong trí nó đang xếp đặt các chi tiết để trình bày cho rõ ràng. Một lát sau, nó mới chậm rãi tiếp:

- Vâng! Tôi nói phải có sự đổi chác! Hiện giờ trong phòng ngủ của ông Bạn Già có cất một phong bì đựng nhiều giấy tờ quan trọng mà ông ta đã ăn cướp từ chiếc HOA HỒNG cách đây hơn một năm rồi! Chỉ khi nào các ông cho tôi lên bờ với phong bì đó trong tay, thì tôi hứa sẽ chỉ chỗ ông Bạn Già cất giấu hai rương vàng và tôi xin thề rằng, tôi sẽ không dính dự vào việc chia phần với các ông, dù chỉ là một đồng xu nhỏ! Nếu các ông không chịu điều kiện đó thì tôi sẽ không tiết lộ chỗ để bí mật hai rương vàng. Tôi nghĩ rằng các ông sẽ không giết tôi, vì nếu vậy hai rương vàng quí giá kia sẽ bị mất tích vĩnh viễn luôn!

Bọn cướp tuy chẳng hiểu ất giáp gì về chiếc phong bì kia, nhưng cũng quay lại bàn tán với nhau. Một tên nói:

- Sao thằng bé đó lại dại dột thế nhỉ? Vàng bạc không lấy, chỉ đòi cái phong bì thôi! Chắc có điều gì bí ẩn đây?

Một tên khác nối lời:

- Tao cũng đồng ý với mầy chắc có điều gì bí ẩn trong chiếc phong bì đó. Nếu không tại sao thằng bé lại khăng khăng đòi đổi bằng hai rương vàng? Biết đâu trong đó có tấm họa đồ của một kho tàng bí mật kếch sù nào nữa?

Một vài tên gật gù tán thành lời phát biểu vừa rồi. Sau một hồi suy nghĩ, tên cầm đầu muốn thủ trọn phần cả hai. Nó lên giọng dọa nạt thằng Oai:

- Mầy cũng biết tình trạng mầy hiện đang ở trong tay bọn tao! Một lần nữa, tao hứa với mầy là bọn tao sẽ chia vàng bạc đồng đều cho mầy nếu mầy chịu dẫn đường…

Nhưng thằng Oai vẫn tỏ ra bình tĩnh và khăng khăng giữ vững lập trường đổi chác. Sau một lúc im lặng, nó lại mở lối, nhưng giấu chuyện tấm ngân phiếu:

- Các ông nghi ngờ trong bì thư có họa đồ bí mật hả? Tôi nói thật, sở dĩ tôi cần nó hơn cả vàng bạc vì nó là đầu dây mối dợ đã làm cho ba tôi là thuyền trưởng chiếc HOA HỒNG, chịu bao nỗi sỉ nhục từ hơn một năm nay với chính phủ Giamaica. Tôi đã thề rằng bao lâu tôi còn sống thì tôi phải tìm mọi cách để rửa vết nhơ đó cho ba tôi, nay đã ra người thiên cổ rồi! Tôi trình bày một cách vụng về như vậy, chắc các ông đã hiểu rõ rồi. Tôi… tôi…

Nó định nói gì thêm, nhưng vì quá xúc động, nó nói không ra lời, trong khi nước mắt tuôn ra ràn rụa. Nó lấy khăn lau nước mắt rồi sụt sùi thuật lại đầu đuôi câu chuyện từ khi ba nó bị mất tích… đến khi nó lên đường tìm kiếm… bị đắm tàu… trôi dạt vào một hải đảo… gặp tên tướng cướp mà bọn chúng gọi đùa là ông Bạn Già…

Kể xong, thằng Oai ngước mắt lên nhìn cả bọn với một vẻ thiểu não:

- Chắc các ông đã rõ tình cảnh đáng thương của tôi rồi, tôi chỉ xin các ông giải quyết nhanh cho, tôi nóng lòng về gặp lại má tôi, bà đang mòn mỏi trông chờ, vì tôi là đứa con độc nhất!

Tên đầu đảng cũng nhận thấy sự thật lòng của thằng bé, nó ôn tồn đáp:

- Bọn tao đã thông cảm hoàn cảnh của mầy rồi. Bọn tao sẽ làm theo ý muốn của mấy!

Thằng Oai mỉm cười sung sướng…

Ngay đêm đó, thằng Oai được đem xuống một chiếc xuồng nhỏ, chở vào bờ và thả ngay dưới chân một ngọn đồi xinh đẹp của xứ Giamaica. Dĩ nhiên, nó đã cầm chắc trong tay chiếc phong bì bí mật kia. Đó là kết quả của một sự đổi chác. Giờ đây, ước nguyện của nó đã thành sự thật. Với chiếc phong bì nầy, nó sẽ trình lên cho chính quyền Giamaica để rửa nhục và phục hồi danh dự cho người cha thân yêu của nó – danh dự của một vị thuyền trưởng – trong khi đang thi hành một sứ mạng quan trọng, đã bị thảm sát vì lòng tham của một tên cướp tàn ác, nhưng dư luận lại ngộ nhận, gán cho ông nhiều tai tiếng bỉ ổi… Nó cũng sẽ không quên tường thuật lại những chi tiết về chiếc thuyền buồm mà nó đã ghi nhớ, để nhà chức trách tìm cách bủa lưới bắt cho hết bọn đó. Nếu thộp cổ được bọn cướp, nhất là tên Bạn Già, thì biết đâu lại không tìm ra được tung tích chiếc HOA HỒNG. Và nếu tìm được chiếc HOA HỒNG, chắc chắn nó sẽ tìm được nắm xương tàn của người cha anh dũng nó đang an nghỉ trong đó!

Nó vẫn tiến bước…

Trong bóng đêm u tịch, có ai biết một thằng bé đang sung sướng tươi cười mãn nguyện…

*

Thằng Oai miên man với những ý nghĩ về công việc nó sắp làm, đến nỗi nó về đến nhà lúc nào mà không hay biết. đứng trước ngôi nhà thân yêu, nó cảm thấy hồi hộp khi đưa tay gõ cửa:

- Cốc… cốc… cốc…

Người ra mở cửa không phải là má nó mà là người giúp việc:

- Trời ơi! Cậu Oai! Cậu về bao giờ thế?

Rồi chị ta chạy vụt vào trong, reo to:

- Bà ơi! Cậu Oai về rồi! Bà ơi!

Từ trong phòng, một thiếu phụ, nét mặt xinh đẹp nhưng đầy vẻ buồn sầu, vội vã chạy ra. Vừa thấy thằng Oai, bà đã giơ hai tay ôm chầm lấy nó vào lòng, nghẹn ngào:

- Con má về rồi đó à! Từ ngày con đi, má đêm ngày không ăn ngủ được, má nhớ thương con hết sức! Nếu con có thế nào, chắc má chết mất!

Rồi bà nâng cằm con lên, nhìn sâu vào mắt con, hôn lên trán, lên má con, nước mắt bà trào ra nhỏ giọt trên mặt con:

- Sao? Con có biết được tin tức gì về ba con không?

Thằng Oai cũng khóc nức nở:

- Dạ, thưa má, ba con đã chết thật rồi!

- Thì má cũng biết vậy từ lâu rồi! Má muốn hỏi con có dò la thêm được tin tức gì nữa không kìa?

- Dạ có! Nhiều chuyện lắm má à!

- Vậy hả?

Thằng Oai ngồi dựa đầu vào lòng má nó, kể cho bà ngh chuyện nó bị đắm tàu suýt chết theo người bà con lái buôn…

Má nó kêu thất thanh:

- Trời ơi! Anh Châu con bị chết rồi sao?

- Dạ, anh con và mọi người trong tàu chắc không ai sống sót, trừ một mình con!

Thằng Oai lần lượt kể cho má nó nghe tất cả những gì nó đã gặp, đã thấy và đã nghe trong những ngày lưu lạc trên đường tìm tung tích ba nó. Nó không bỏ sót một chi tiết cỏn con nào…

Má nó nghe xong, ôm chặt nó vào lòng, vuốt ve mái tóc con, rồi bà ngước mắt lên nói giọng thiết tha:

- Cám ơn Trời Đất đã thương giúp con! Má chắc rằng oan hồn ba đã theo dõi phù hộ cho con thành công để rửa nhục cho ba con và cho má con ta!

Thằng Oai rút trong áo ra một phong bì lớn màu vàng đã cũ đưa cho má. Má nó giơ hai tay đón lấy một cách âu yếm. Mở phong bì ra, thấy bức mật thư và tấm ngân phiếu, bà lại òa lên khóc nức nở : chính vì những vật này, mà chồng bà đã phải chết một cách tức tưởi và bị hàm oan cho đến hôm nay! Thằng Oai cũng sụt sùi theo má.

Một lát sau, má nó lau nước mắt:

- Thôi con ạ! Trời bắt số ba con ngắn ngủi, má con ta đành phải chịu vậy, chứ biết làm sao? Nhưng má tin rằng, lòng hiếu thảo của con đã làm cho ba con được ngậm cười nơi chín suối! Danh dự ba con sẽ được phục hồi : đó là điều làm cho má con ta mãn nguyện nhất!

Nói rồi, bà giơ chiếc phong bì lên ngắm nghía, đoạn ôm vào lòng như một kỷ vật quí giá.

Hai mẹ con lại nhìn nhau… như đang muốn tìm lại một hình ảnh thân yêu quen thuộc : Hình ảnh ba thằng Oai!
Về Đầu Trang Go down
nhanbkvn



Tổng số bài gửi : 1612
Registration date : 16/07/2012

Hai Rương Vàng Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Hai Rương Vàng   Hai Rương Vàng I_icon13Fri 10 Jun 2016, 21:40

MỘT CUỘC SĂN CÁ SẤU
 

Thằng Nô và em gái nó là Na đang ngồi chơi trên chiếc du thuyền xinh đẹp của thằng Biên – chiếc “Sư tử” – Bọn chúng đang tổ chức một cuộc đi chơi bằng thuyền trên sông… Sau khi vượt được một chặng đường khá dài, Biên dùng một chiếc thuyền lá, tách riêng để lên bờ mua ít thức ăn. Chiếc “Sư tử” phải đậu ở ngoài vì sợ mắc cạn.
 
Đây là một vùng có nhiều cá sấu, thằng Nô tuy không biết gì về loài động vật bò sát nầy, nhưng cũng cố chận bắt một con nhỏ và suýt nữa thì nguy đến tính mạng…
 
Khi Biên định chèo thuyền lá vào bờ, thằng Nô xin đi theo, Biên đồng ý. Chèo được một khúc, Nô ngây thơ hỏi:
 
- Tao có thể chèo thuyền nầy vào trong mấy lùm cây kia được không? Cho tao thử một chuyến xem chơi nha!
 
Biên nghiêm nét mặt:
 
- Coi chừng! Nguy lắm đấy! Trong đó cá sấu dữ lắm!
 
Nghe nói đến cá sấu, thằng Nô lấy làm lạ lắm vì từ bé đến giờ nó đã thấy con vật ấy tận mắt đâu!
 
Nó nghĩ thầm:
 
- Chắc thằng Biên dọa mình đây, Cứ thử vào coi ra sao!
 
Sau khi đã thả Biên lên bờ rồi, Nô chèo thuyền lá trở lại thuyền mẹ tức là chiếc “SƯ TỬ”, rồi chèo quanh quẩn một lúc. Thế rồi, nó quyết định chèo thẳng về phía mõm đá, lùm cây.
 
Trong khoang thuyền đã có sẵn mấy lưỡi câu, còn sợi dây thì hiện nằm trong túi nó và đã thắt mối thòng lọng rồi. Trông dáng điệu của nó có vẻ chăm chú lắm. Gió từ phía giòng sông thổi lồng lộng về phía mấy lùm cây nghe xào xạc. Chèo được một quãng, thấy nước đã cạn, Nô nhảy xuống cắm cột buộc thuyền. Sau đó, nó lặng lẽ tiến từng bước chầm chậm để rình mò các chú cá sấu. Chẳng mấy chốc, nó thấy một chú sấu bự đang nằm dưới lớp bùn mỏng cạnh bờ đá. Nô không một chút sợ hãi, bình tĩnh đứng nhìn con vật. Tò mò hơn, nó quay lưng lại và đi vòng ra phía sau để quan sát cho lỹ. Cá sấu dài cỡ 3m5, thân mình đầy những lớp vảy dày cộm, tạo nên một làn da sần sùi gấp trăm lần da cóc! Sau khi ngắm đã đời, thằng Nô lại vòng ra phía đầu cá sấu : bây giờ sấu ngẩng đầu lên và trân trối nhìn Nô với đôi mắt trong xanh. Miệng nó cũng mở rộng ra như muốn nuốt tươi thằng bé. Nô tuy có hơi sợ, nhưng vì quá tò mò, nó cũng tiến lại gần và thấy rõ hai hàm răng trắng hếu, dài và hình như không cứng lắm thì phải. Trông xa hơn, nó lại thấy một con sấu khác hình thù to lớn không kém con nầy. Khi Nô tiến lại gần, thấy nó đang núng na núng nính trườn qua bùn và bò vào một vũng nước gần đó. Một lúc sau, Nô không nhìn thấy rõ con vật nữa, nhưng cũng biết nó đi về hướng nào nhờ vết bùn đục.
 
Thằng Nô còn nhìn thấy nhiều cá sấu nữa, nhưng hễ nó tìm cách lại gần thì y như mấy chú sấu lại chuồn xuống nước cả. Nô không hiểu tại sao cá sấu lại nhát người đến thế. Cuối cùng, Nô chống thuyền tiến xa hơn, vào các mõm đá chật hẹp mà lạch nước nhiều khi chỉ vừa lọt chiếc thuyền lá thôi. Đi được một quãng, thuyền bị mắc bùn, thằng Nô phải lội xuống đẩy. Nó cảm thấy chán nản muốn quay thuyền ra vì nhìn quanh quất chẳng thấy con sấu nào nữa cả. Nó lẩm bẩm:
 
- Có lẽ trong nầy không có cá sấu?
 
*
 
Thật ra, thằng Nô cũng cảm thấy sợ cá sấu lắm. Chỉ nhìn hình thù sần sùi của nó cũng đủ sợ rồi, huống hồ thấy miệng sấu thỉnh thoảng há to ra như chực nuốt chửng nó! Đối với thằng Nô, đây chỉ là một cuộc đi coi cá sấu thì đúng hơn là một cuộc đi săn. Vì nếu là một cuộc đi săn thì phải sửa soạn cẩn thận chứ, nhất là đối với giống cá nguy hiểm nầy. Đàng nầy, nó có sửa soạn gì đâu, chẳng qua vì tò mò thôi! Tuy nhiên, Nô cũng cảm thấy tiếc tiếc, biết vậy hồi nãy rủ con Na cùng đi với thì thú quá. Nhưng chắc em nó không  đi đâu vì con bé nhát lắm. Trời vừa nhá nhem tối là nó chỉ quanh quẩn trong nhà không dám bước chân ra sân nữa!
 
Đưa mắt nhìn một vòng tìm xem có chú sấu nào không, thấy không có, Nô bèn đẩy thuyền ra khỏi bùn rồi quay mũi thuyền trở ra. Trong thâm tâm, nó định trở về kẻo thằng Biên trông chờ. Tuy hai tay bám vào mạn thuyền, lom khom đẩy, nhưng mắt nó vẫn không quên nhìn quanh tìm kiếm cá sấu. Chợt Nô nhận thấy trên lớp bùn đằng trước mặt có một vài dấu vết lún sâu xuống. Điều làm cho thằng Nô chú ý là các dấu đó không giống những dấu vết mà nó đã thấy đằng kia. Những dấu chân nầy không lớn lắm, còn ướt và dấu đuôi sau bóng láng nhỏ nhắn. Nó thầm nghĩ:
 
- Một con sấu vừa bò qua đây, vì vết bùn còn mới lắm. Con sấu nầy không lớn như những con ở ngoài kia. Chắc là sấu con. Mình phải theo chân nó, may ra bắt được chú sấu con thì còn gì thích thú cho bằng.
 
Nô lo lắng quay lại nhìn các dấu vết một lần nữa để xem sự phỏng đoán của mình có đúng không. Các dấu chân còn rõ, nhỏ nhắn và lún sâu xuống bùn, nhất là dấu đuôi lết qua để lại một đường dài bóng láng. Nhưng khi thằng Nô tiến vào một khúc gần hốc đá thì các dấu vết tự nhiên bị mất hút. Nhưng không, nó lại nhìn thấy chúng cách đó không xa, có lẽ vì sóng tạt vào đã san bằng đi. Nô hồi hộp men theo dấu chân, nhưng thỉnh thoảng phải nhìn quanh một vòng đề phòng xem có chú sấu lớn nào đang rình nó không. Nó cũng không yên tâm về chiếc thuyền của nó nữa, vì hồi nãy mải theo dõi dấu chân sấu con nên quên không buộc thuyền lại. Để yên chí, nó vội vã quay lại đẩy thuyền con vào sâu trong bờ, rồi lội bộ theo dấu con sấu nhỏ. Bùn thật lầy lội, ngập tới đầu gối. Nhưng càng vào sâu trong mấy hốc đá bùn càng mỏng dần, bây giờ chỉ còn ngang mắt cá là cùng. Bỗng thằng Nô lại không thấy dấu vết sấu con đâu nữa cả. Nhưng vừa qua khỏi một đám cây thấp, nó lại tìm thấy… và dấu vết cứ lẩn quẩn quanh đó. Nó vẫn hồi hộp và kiên nhẫn theo dõi cho đến khi chúng mất hẳn trong một vũng nước nhỏ. Vừa đi tới, Nô đã trông thấy ngay một chú sấu con đang nằm yên dưới mặt nước. Sấu hãy còn nhỏ lắm, chỉ dài cỡ 20 phân tây là cùng. Lớp vảy trên thân mình còn trong và có màu vàng ngà, lốm đốm đen. Thằng Nô mừng quá reo lên:
 
- A! Một chú sấu con!
 
Nó thấy hồi hộp quá, chưa muốn bắt vội. Nó đi quanh vũng nước một vòng nhìn xem thử có sấu mẹ lẩn quẩn đâu đó không. Dù đã yên tâm rồi, thằng Nô cũng vẫn chưa muốn bắt sấu. Nó tiến lại gần hơn và dùng tay khoát mạnh mặt nước, cúi xuống nhìn thấy sấu con vẫn còn nằm yên. Nó mỉm cười thích thú.
 
Cảnh vật xung quanh thật yên lặng, chỉ thỉnh thoảng từ xa vọng lại một vài tiếng chim kêu hay tiếng sóc đang đuổi mồi trên các cành cây. Ngay chỗ thằng Nô đứng thì tuyệt nhiên không có một tiếng động nào dù chỉ một tiếng lá rơi!
 
Chậm rãi, Nô tiến từng bước một, cố hết sức để khỏi vấy bùn làm đục nước đi. Nô bước đi một cách khó khăn. Khi đến gần chỗ lõm, nơi sấu con đang nằm, Nô phải đợi nước trong trở lại. Một lát sau, qua làn nước trong, hắn ta mới thấy rõ ràng chú sấu con đang nằm yên trong một dáng điệu thật hiền lành. Nó thấy tường tận cái đầu sấu con xinh đẹp với đôi mắt bé tí, cái đuôi mảnh khảnh…
 
Nô cẩn thận tiến lại thật gần, xòe mấy ngón tay và nắm chặt ngang lưng con vật nhỏ bé. Qua lớp bùn sũng nước, Nô cảm thấy con vật cứ trườn lui trườn tới, nhưng Nô vẫn nắm chặt. Chú sấu con, đôi mắt vàng lim dim như còn ngái ngủ, bốn chân nhỏ bé đang cào xé một cách vô hiệu quả, trong khi miệng nó thỉnh thoảng mở rộng ra, táp thình lình miếng mồi vô hình trước mặt.
 
Nô cũng rất ngạc nhiên khi nghe những tiếng ủn ỉn như tiếng con heo, thoát ra từ miệng sấu. Nhưng mặc sấu làm gì thì làm, thằng Nô vẫn nắm chặt, sợ con vật tuột khỏi chạy mất thì rất uổng công nó. Bây giờ, Nô cầm sấu rửa thật sạch bùn rồi đưa lên ngắm nghía có vẻ thích thú lắm. Cuối cùng nó trở lại chỗ thuyền con đậu, vừa đi vừa huýt gió, điệu bộ thật hí hửng như vừa được một món quà quí giá. Trong khi đó, sấu con vẫn tiếp tục kêu ủn ỉn.
 
*
 
Trên quãng đường trở về thuyền con, Nô đang quờ quạng lần từng bước một trong đám sình lầy ngập tới bắp chân thì chợt nghe những tiếng kêu đằng sau. Tiếng kêu nghe thật lớn, cộc cằn xen lẫn những tiếng huýt gió. Nô bèn ngoái cổ lại, thì từ đằng kia, một con sấu to lớn lạ thường với hai lỗ mũi bé tí, với cái mõm xương xẩu đen sì đang ào ào bò đuổi theo.
 
Chẳng hiểu sao, tự nhiên thằng Nô ngồi bệt xuống ngay giữa đống bùn dày đặc, có lẽ vì quá sợ hãi. Cứ nhìn mặt nó thì biết : mặt mày tái ngắt, tưởng chừng như cắt không còn một giọt máu! Nhưng sau đó, với chút sức lực còn lại, Nô cố “cày” tới chỗ thuyền con đang đậu, hai chân quệt lấy quệt để, cố sao rút nhanh ra khỏi đám bùn độc ác đang quyện lấy đôi chân yếu ớt của nó, trong khi hai tay quờ quạng để giữ thân người khỏi bị nhào xuống. Chạy được một chốc, Nô nhớn nhác nhìn lại thấy sấu mẹ vẫn đuổi theo và hãi hùng thay, sấu cũng đang cố sức vượt nhanh hơn thằng Nô! Khi Nô đã nhoài được một nửa người lên thuyền con rồi thì sấu mẹ chỉ còn cách nó độ vài phân thôi! Thật là hú vía! Nhưng sấu ta đã chịu thua đâu!
 
Vừa quẳng sấu con xuống sàn thuyền, Nô chụp ngay cây sào chống thuyền nhanh khỏi vũng bùn. Và ngay khi sấu mẹ nhoài mình xuống nước đuổi theo thuyền, thì thằng Nô cũng vừa nắm được mái chèo cố sức bát cạy. Một lát sau, Nô không còn thấy bóng sấu mẹ đâu cả, nó thầm nghĩ:
 
- Lẽ nào sấu lại bỏ cuộc?
 
Hắn lại rán sức chụm chân cố chèo nhanh ra ngoài kia cho vững tâm hơn. Thuyền con lướt nhanh trên mặt nước. Nhưng sấu mẹ vẫn chưa buông tha kẻ thù. Có điều bây giờ, nó không nổi lên mặt nước mà chỉ lặn ở dưới sâu thôi. Cứ nhìn mặt nước thì biết, nó đi đến đâu mặt nước lại cuộn lên ở đó. Lúc đầu, những cuộn tròn mềm mại, sau đó lại trải rộng ra càng lúc càng nhỏ dần. Một ý nghĩ đến nhanh với Nô : có lẽ sấu tinh khôn hơn, chờ đuổi gần kịp mồi mới trồi lên mặt nước! Như vậy vừa đỡ nguy hiểm cho chính nó vừa gây bất ngờ cho mình, khiến mình không thể trở tráo kịp!
 
Quả thật! Khi đuổi gần tới thuyền con, bỗng nhiên, sấu mẹ nổi lên trườn mạnh tới. Nô thấy rõ cái đầu dài đen thui, sống lưng đầy vảy sần sùi, miệng phì phì không ngừng , trong khi đuôi quật mạnh tỏ vẻ giận dữ tưởng chừng ăn tươi nuốt sống thằng bé đã dám bắt con mình! Nô càng cố sức chèo, cổ họng nó càng cháy khô, tai phát ra những tiếng lùng bùng rất khó chịu, chân tay rã rời, tim đập mạnh như muốn văng ra khỏi chiếc lồng ngực dẹp lép của nó!
 
Sấu mẹ cũng dồn hết sức lực đổi theo, đôi mắt nhìn chầm chập vào kẻ thù như sợ bị lạc hướng. Chợt một ý nghĩ táo bạo đến với Nô… Nó ngừng chèo và chụp ngay cây sào. Đó là một cây sồi trắng dài độ 2 thước. Phía đầu kia có gắn một lao sắt nhọn hoắt. Nô đứng trên sàn thuyền, trong tư thế sẵn sàng một sống một chết với con vật. Nó chờ sấu mẹ tới là hành động ngay. Trong khi đó, sấu ta không kể nguy hiểm, quật mình thẳng tới kẻ thù, đôi mắt trông thật dữ tợn, đuôi quật mạnh làm nước văng tung tóe. Ước lượng thấy vừa tầm tay, Nô dùng hết sức lực đâm mạnh vào mõm con vật.
 
Rầm! Con vật bị đánh trúng mạnh ngay nơi sống mũi xương xẩu của nó. Nhưng xem ra không thấm tháp gì với sấu, trong khi tay Nô bị rung mạnh khiến nó mất thăng bằng, nhoài người xuống làm thuyền bị chòng chành rồi nghiêng hẳn về một phía, nước ào ào tràn vào, tưởng chừng thuyền sắp bị chìm. Tuy vậy, sấu mẹ cũng vội vã biến mất dưới lớp nước bùn dày đặc. Nhưng chỉ độ vài giây sau, từ dưới lớp bùn đen, sấu mẹ lại xuất đầu lộ diện. Ngay khi vừa xé đôi mặt nước, sấu mẹ há to mồm nhào tới kẻ thù.
 
Trước mắt thằng Nô, mọi vật hình như bị xóa mờ hẳn trừ hai hàm răng sấu đang nhe ra một cách khủng khiếp : Mỏm đá, khu rừng, bầu trời… tất cả đều đang lặng chết! Các tia sáng mặt trời hình như đang chiếu xuyên qua mọi vật kể cả đáy thuyền con của nó, vì nó thấy rõ dưới chân nó cả bùn là bùn!
 
Liếc mắt nhìn sấu mẹ, Nô thấy rõ những chiếc răng trắng hếu. Nhìn vào sâu hơn thì chỉ thấy đen ngòm, ẩm ướt, đầy vẻ chết chóc. Miệng sấu đang há hốc ra và dường như càng lúc càng rộng thêm… Sấu hùng hổ tiến tới phía thằng Nô mỗi lúc mỗi nhanh. Để đối phó với cái chết gần kề gang tấc, thằng Nô ngồi xổm xuống trên sán thuyền, bất động, hơi thở dồn dập…
 
Đã đến lúc phải liều mạng : thằng Nô nhào tới với cây sào trong tay. Nó mím môi lao mạnh vào con sấu… Phịch… Sào đánh trúng hàm trên và xé mất một mảng thịt nơi miệng sấu và hai mắt Nô tự nhiên mở to ra vì nó vừa thấy lao sắt sáng chói dưới ánh mặt trời đang từ từ lún sâu vừa vặn vào cổ họng sấu mẹ. Thật là một điều quá sức tưởng tượng của nó. Nô vui sướng reo lên tưởng như vừa lập một kỳ công! Mà quả thực, đây cũng là một kỳ công. Một kỳ công đã có thể lật ngược thế cờ, cứu mạng sống của nó khỏi hàm răng dữ tợn của một con cá sấu đang điên dại vì mất con!
 
Con vật quay cuồng, lồng lộn như một người mất trí, đập rầm rầm xuống mặt nước. Một lần… rồi một lần… rồi lại một lần nữa, sấu mẹ há hốc miệng phun nước ra ào ào… Nhưng càng há to miệng, càng lồng lộn, cây sào độc ác càng vô tình đâm sâu vào trong cuống họng hơn. Sấu có vẻ kiệt lực dần, nhưng vẫn còn hung hăng, đuôi vẫn quật mạnh gây nên những đợt sóng bạc đầu khiến thuyền thằng Nô chòng chành theo, tưởng như sắp bị lật úp.
 
Trong khi con vật đang quờ quạng trên mặt nước thì Nô vội trở lại phía sau khoang thuyền kéo chèo ra đẩy mạnh. Thân mình nó nhễ nhại những mồ hôi và bùn lầy. Nó cảm thấy mệt hết sức, nhiều khi không còn nhìn thấy gì cả, dường như hai mắt đều bị lòa, nhưng tai nó vẫn còn nghe rõ tiếng vỗ ầm ầm phía sau. Sấu mẹ vẫn còn lượn qua lượn lại, hai chân trước đang vói tới cào xé kẻ thù trước mặt một cách vô vọng. Nó vẫn liều mình đuổi theo. Nô còn nghe rõ tiếng phì phì từ cửa miệng sấu, nhưng xem ra mỗi lúc nó mỗi kiệt lực, chỉ một chốc sau, thuyền thằng Nô đã bỏ xa sấu một quãng khá dài.
 
Lúc chỉ còn cách chiếc “Sư tử” độ chục thước, Nô đã kêu con Na inh ỏi. Nó kêu ré lên nhiều lần, dù nó đã nghe em nó trả lời. Vừa khi chiếc thuyền con đụng thuyền mẹ, Nô đánh đu vào mạn thuyền một cách vụng về trong khi hai chân đạp mái chèo vào sàn thuyền. Nó đạp mạnh đến nỗi một mái chèo bị gãy đôi, trôi lềnh bềnh trên mặt nước. Thằng Nô muốn trèo lên thật nhanh, nhưng hình như có một sức mạnh vô hình nào đó đang kéo nó xuống… Đứng trên thuyền mẹ, con Na chẳng hiểu vì sao mà anh nó cuống cuồng lên như thế. Nó rối rít hỏi với một giọng hoảng hốt:
 
- Anh Nô! Có chuyện gì thế? Làm gì mà cuống lên như gà mắc phải tóc vậy?
 
Nô lắp bắp:
 
- Cá sấu… không phải anh… hàm… to… đuổi… thuyền… ăn… anh… trúng sào…
 
Bé Na tuy chẳng hiểu gì cũng quýnh lên:
 
- Cái gì vậy hả? Cá sấu ở đâu?
 
Ực! Thằng Nô nuốt nước miếng rồi nhìn vào vẻ mặt sợ hãi của em gái, nói chậm rãi:
 
- Anh nói là cá sấu đuổi theo ăn thịt anh!
 
Na hoảng hốt:
 
- Ở đâu? Có sao không anh?
 
Nô lại cố gắng đứng lên, trong khi hai tay nắm chặt vào mạn thuyền. Nhưng lạ thay! Hai đầu gối nó cứ quị xuống. Nó cố gắng hai, ba lần nhưng tất cả đều vô hiệu vì hình ảnh hãi hùng kia như vẫn còn hiện ra sờ sờ trước mắt. Nó sợ quá, cho đến bây giờ khi đã biết chắc mình thoát nạn rồi mà vẫn còn khiếp đảm. Hình ảnh chết chóc đã ám ảnh mạnh trong đầu óc nó! Cuối cùng, nó đành ngồi bệt xuống, vừa thở hổn hển, vừa trả lời tiếng được tiếng mất:
 
- Nhờ… cây… cây… sào…
 
Rồi bỗng nhiên, nó nói thật nhanh như có một sức mạnh nào thôi thúc nó:
 
- Sấu mẹ nuốt chửng cây sào rồi!
 
Na sốt ruột đưa tay ra:
 
- Thì trèo lên đây đã nào! Làm gì mà ngồi xếp bằng ở dưới đó vậy?
 
- Không đứng dậy được! Hình như đầu gối anh bị gãy rồi thì phải!
 
Bé Na nước mắt lưng tròng, miệng mếu máo chực khóc:
 
- Anh bị thương rồi à? Có sao không?
 
Lâu lắm, thằng Nô mới thốt được mấy tiếng:
 
- Không đâu! Có lẽ tại anh mệt quá nên đứng lên chưa được đó thôi!
 
Sau đó, Nô mỉm cười nói tiếp:
 
- Một con sấu to lớn đuổi theo, vì anh bắt con của nó.
 
Bé Na hình như không chú ý câu chuyện của anh, nó mải nhìn nơi miệng anh nó:
 
- Bọt xà phòng đâu nơi miệng mà lắm vậy? Anh rửa miệng đi!
 
Nô buồn cười vì sự lầm lẫn của em, nhưng không muốn cắt nghĩa làm gì. Nó vội lấy tay khoát chút nước rửa miệng rồi tiếp tục kể:
 
- Em biết không? Anh bắt con của nó, nó đuổi theo anh mãi. Tưởng chừng lên thuyền rồi thôi chứ ai dè nó vẫn theo anh hoài. Có một lúc, con sấu mẹ tiến sát thuyền anh, anh sợ nó lật úp thuyền thì nguy, túng quá anh lấy cây sào có móc sắt lao mạnh vào trong họng nó. Đau quá, nó mới chịu bỏ đi, nhưng chắc chưa đi xa đâu, dám còn lẩn quẩn quanh đây lắm!
 
Na lo sợ:
 
- Thật hả anh?
 
Được thể, thằng Nô dọa em:
 
- Ôi chao! Con sấu mẹ to lớn dị thường, nó dài… dài bằng cả một chiếc thuyền nhỏ chứ không phải vừa đâu!
 
Nô vừa nói vừa dang tay ra làm dấu cho bé Na hình dung được sự to lớn của con sấu
 
Na ngây thơ hỏi, dường như nó quên câu chuyện anh nó vừa kể sơ sài ở trên:
 
- Anh tìm cách bắt nó hay sao mà nó cắn anh?
 
Nô nhìn em, lắc đầu:
 
- Em sao chóng quên vậy? Anh bắt con của nó chứ! Làm sao anh dám bắt nó! Đụng tay vào cái vảy của nó cũng chưa dám huống hồ bắt nó!
 
Ngừng một lát, nó lại tiếp tục:
 
- Anh bắt con của nó. Nó đuổi theo anh, anh lao nguyên cả cây sào vào họng nó!
 
Nghe đến đó, con Na le lưỡi sợ hãi! Nãy giờ đứng lâu thấy mỏi chân, Na lại giục anh nó:
 
- Thì lên trên này hẵng kể tiếp!
 
- Ừ nhỉ! Mải nói chuyện nên quên đi mất! Nhưng dù sao anh vẫn còn mỏi chân quá, nhất là hai đầu gối!
 
Nó đưa tay bóp mạnh hai đầu gối. Một chốc sau, nó mới đứng dậy một cách khó khăn. Nó trở lại lượm cây chèo định trèo lên thuyền mẹ, nhưng chợt nhớ ra còn quên chú sấu con. Nó bèn quay lại tìm, chợt nó giật mình vì không thấy con sấu đâu cả. Nó sửng sốt hết sức, nhưng cuối cùng tìm thấy ở góc đáy thuyền.
 
Na ngạc nhiên:
 
- Anh còn tìm gì nữa đấy?
 
À! Anh quên mất chú sấu con!
 
Na nhoài đầu ra hỏi:
 
- Ừ nhỉ! Mà sấu con đâu rồi anh?
 
Nô vừa tìm ra sấu con, liền chụp ngay đuôi, sấu quay đầu lại nhe răng định cắn vào tay Nô. Nô vội thả ra rồi nắm ngang lưng con vật và giơ lên khoe với em gái:
 
- Sấu con đây này!
 
Na nhìn sấu con với một vẻ mặt ngạc nhiên thích thú. Nó với tay ra định bắt:
 
- Đẹp nhỉ! Đưa em nắm cho!
 
Nhưng Nô lắc đầu lia lịa:
 
- Không được! Em không biết cách nắm, nó cắn thì nguy hiểm lắm đấy!
 
Na nài nỉ:
 
- Nhưng mà anh nhớ cho em nha!
 
Thằng Nô cười không nói.
 
*
 
Sau khi đã lên thuyền mẹ rồi, Nô cùng với con Na lại tụt xuống lo chùi rửa chiếc thuyền con. Chúng cũng không quên lấy một chậu nhỏ cho vào ít nước, thả sấu con vào rồi cả hai anh em cùng đứng ngắm nghía với vẻ mặt thích thú!
 
Riêng Nô, gặp bất cứ ai nó cũng say sưa kể lại chiến công của mình. Dĩ nhiên, nó cũng không quên thêm mắm thêm muối vào chút đỉnh cho ra vẻ ta đây… tài giỏi. Thật ra thì tài giỏi đâu không biết, nhưng ai cũng phải công nhận rằng nó quả thật là một đứa trẻ bình tĩnh và can đảm có thừa.
 
Nô cũng rất hãnh diện về mình. Nó kể đi kể lại có đến năm, sáu lần mà lần nào cũng giống lần nào, hình như nó đã thuộc lòng câu chuyện vậy. Vào xế trưa hôm đó, khi Biên trở về, thằng Nô lại được dịp bô bô về thành tích bắt sấu của mình. Dĩ nhiên, đối với nó chỉ là “bổn cũ soạn lại!”. Nhưng với thằng Biên thì khác hẳn, nó tỏ vẻ ngạc nhiên vì không ngờ thằng Nô lại gan dạ đến thế. Hắn bèn rủ thêm hai đứa nữa rồi cả bọn kéo nhau đi về phía mỏm đá để nhìn tận mắt những gì thằng Nô vừa kể.
 
Tuy ngoài mặt thì Nô có vẻ hãnh diện, được dẫn đầu đoàn người đi coi kỳ công của mình, nhưng trong lòng nó cũng cảm thấy hồi hộp, sợ rằng những dấu vết nó và sấu mẹ đã quần thảo nhau không còn nữa. Nhưng rất may, tất cả đều được chứng minh : cả bọn đã tìm thấy một khúc sào gãy, vết còn mới và một vài chỗ thấy có dấu máu nổi lên, hình như sấu mẹ đã quật mạnh đến gãy sào…
 
Thằng Nô cố công tìm xem có xác sấu nổi lên đâu đó không, nhưng nó thất vọng vì không thấy gì cả.
Về Đầu Trang Go down
nhanbkvn



Tổng số bài gửi : 1612
Registration date : 16/07/2012

Hai Rương Vàng Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Hai Rương Vàng   Hai Rương Vàng I_icon13Fri 10 Jun 2016, 21:40

LẠC VÀO HOANG ĐỊA
 
 
(Thằng Đôn – một cậu bé, trạc độ 12 tuổi, đang nghỉ hè ở một trại nuôi gia súc ở Tần gia do ông Mặc Ly làm chủ. Lúc mới đặt chân tới, cậu ta có vẻ ngỡ ngàng, nhưng về sau nó trở nên bạn thân của cô bé con ông chủ, tên Bình. Tuy nhiên thằng Bân, anh cô bé, thì trái lại, bao giờ cũng tỏ ra lạnh lùng với nó. Vào một sáng nọ, ông Mặc Ly có việc cần phải đi xa vài ngày, đem cả cô Bình nữa. Thằng Đôn ở nhà, buồn vì không có bạn nên nảy ý nghĩ dùng ngựa mang theo một túi đá đi ra khỏi trại một mình, mục đích cố ý tìm săn một vài con kangourou vì nó vốn có biệt tài về môn ném đá. Đã nhiều lần nó biểu diễn tài nghệ đó cho anh em thằng Bân xem, bằng cách nhắm ném đá vào đầu một con gà giữa sân. Con gà bị vỡ sọ chết ngay! Nhưng không may, cả người lẫn ngựa mải mê say tìm mồi nên quên lối trở về nhà. Thằng Đôn bị lạc vào trong một vùng hoang địa có nhiều thú dữ và rắn rết… Lang thang suốt ngày, mãi đến chiều, nó vẫn chưa tìm được lối về, thì may mắn thay, nó tìm được một con suối và đành phải ngủ qua đêm trong một hốc cây…)
 
Tuy mệt nhoài người, nhưng thằng Đôn không ngủ thẳng giấc được, có lẽ vì quá “lạ nhà”. Nó cảm thấy gân cốt rã rời. Giường ngủ lại là một nền đất cứng nhắc. Côn trùng chui rúc, bò khắp cả mình mẩy nó. Đêm tối đen như mực, nên nó không thấy đó là những con vật gì nữa, nhưng đoán chắc thế nào cũng có vài chú nhện vì loại sinh vật này có rất nhiều ở trong vùng. Có một lúc, nó giật mình tưởng có con vật gì rơi xuống lưng nó, nhưng không phải, đó chỉ là những lá vàng hay cành củi khô bị gió quẳng xuống thôi.
 
Bỗng nhiên, nó cảm thấy rùng mình vì một ý nghĩ vẩn vơ đến với nó : nó vừa chợt nghĩ đến một con rắn nào đó đang bò vào ổ nằm của nó… Nghĩ đến đó, thằng Đôn sợ quá không dám cựa quậy, chỉ việc nằm chờ nọc độc rắn cắn vào một chỗ đâu đó trên thân xác nó. Nhưng không, không có gì xảy ra như nó tưởng cả. Nằm mãi không ngủ được, nó lắng tai nghe tiếng động ngoài kia đang dội lại : thôi thì đủ mọi thứ tiếng động, thay đổi nhau hoài và kết hợp lại thành một thứ âm thanh hỗn độn, khó phân biệt rõ ràng được. Nhưng tâm trạng thằng Đôn hiện tại là thao thức, khó ngủ. Để giết thì giờ chờ sáng, nó cố lắng tai nghe những tiếng động thật kỳ dị thốt ra từ đủ thứ động vật : nào là những đàn vạc đi ăn đêm về, nào là những chú dế mèn, những anh chàng dơi rừng đang bay vụt trong đêm tối để bắt muỗi mòng. Các chú ễnh ương cũng kêu lên inh ỏi ; thỉnh thoảng một vài con chim bị động, vỗ cánh bay lên nghe xào xạc. Các côn trùng lẫn dã thú hình như đã thức dậy và đang bận rộn với những công việc riêng đầy vẻ bí mật của chúng.
 
Vừa nhắm mắt được một chốc, thằng Đôn giật mình thức dậy vì hình như có ai đang chiếu đèn vào mắt nó. Ở đây có một bóng người nào đâu? Hay bé Bình đến cứu ta? Thằng Đôn dụi mắt, không thấy gì trừ một vài ánh sao chiếu xiên xuống hốc cây. Nhưng khi đã định thần, nó thấy ngoài kia, trên mảng đất cằn cỗi, đang có hai vật sáng nhấp nhánh như hai mắt của con chó sói mà nó đã thấy vẽ trong sách. Hai vệt sáng đang đăm đăm nhìn nó như muốn hỏi thăm điều gì. Đôn bình tĩnh móc túi cầm 1 viên đá sẵn sàng tự vệ. Nhưng bỗng nhiên người khách lạ đã biến đi tự bao giờ rồi. Sau đó, Đôn ngồi tựa lưng vào thân cây cho đỡ mỏi thì lại thấy con ma hồi nãy hình như đang bay lơ lửng trong lớp sương mù dày đặc, mặt mũi xanh nhạt, trong khi cặp mắt đỏ rực như hai cục than hồng. Lập tức Đôn nhắm nghiền hai mắt lại. Nhưng khi nó vừa hé mở ra thì vẫn thấy bóng con ma còn đứng sững trước mặt với hai con mắt đỏ như hồi nãy. Đôn sợ quá phát run lên, hai hàm răng đánh vào nhau nghe cành cạch. Nó liền vặn mình một cái rồi lùi xa vào trong hốc cây. Một lát sau, nó mới hoàn hồn, vì nhớ lại có lần bé Bình nói với nó là trong rừng có một vài loại nấm phồng, mọc bám ở thân cây khác, có thể chiếu sáng lúc ban đêm một cách kỳ quái như thể nấm được bao bọc bởi một lớp dạ quang vậy. Nhờ nhớ lại sự cắt nghĩa đơn sơ này mà Đôn bớt sợ hãi phần nào. Vì thế nó lại tiếp tục ngủ với hy vọng may ra khi tỉnh dậy thì trời đã sáng rồi.
 
Nhưng không, khi nó tỉnh dậy, bóng tối vẫn còn bao trùm cả bầu trời lẫn trong bộng cây – tổ ngủ của nó. Ngoài kia, côn trùng vẫn còn thi nhau kêu ầm ĩ. Thỉnh thoảng chen vào một vài tiếng rống nổi lên nghe thật rùng rợn. Một vài con ngỗng trời bay qua đầu nó, tiếng vỗ cánh sạt sạt xen lẫn với những tiếng kêu nghe thật buồn thảm. Trên trời, tuy ít sao, nhưng nó cũng thấy rõ dải Ngân hà.
 
Đôn lại ngủ, tỉnh dậy rồi lại ngủ. Ánh sáng bình minh vẫn chưa thấy ló dạng. Hình như đêm dài vô tận thì phải. Một cơn gió nhẹ thổi qua lay động các cành cây, kéo theo hàng ngàn lá vàng rơi bay lả tả, nó nghe rõ mồn một tiếng xào xạc ngoài khu rừng kia như những tiếng thở dài tiếc nuối của lá trước khi lìa cành.
 
Không một tia sáng nào lọt tới, cũng không có một dấu hiệu nào của bình minh sắp hiện ra cả. Mắt nó tìm ánh sáng, nhưng trong bóng tối dày đặc, chỉ có ánh sao huyền ảo thôi. Thằng Đôn cố nhắm mắt lại để dỗ một giấc ngủ với những hình ảnh kỳ dị. Và khi nó tỉnh dậy thì đêm đã đi từ lâu rồi và ngày – nguồn vui vô tận – đã đến với nó thực sự rồi.
 
Hình như nó cảm thấy thẹn thuồng vì đã vô tình bỏ quên những tia sáng bình minh mà nó đã tốn công chờ đợi suốt cả đêm hôm qua. Thằng Đôn cảm thấy đói, bao tử nó đang cuộn lên đòi hỏi. Tuy không thấy, nhưng nó hình dung bao tử nó bây giờ chắc không khác gì cây roi da của thằng Bân khi cuộn lại. Đúng là “kiến bò bụng trạng sư” rồi đây!
 
Nó uốn mình định đứng lên, bất giác tay nó chạm vào một vật gì trơn trơn, ươn ướt. Thằng Đôn sợ quá đến nỗi mồ hôi đổ ra lấm tấm trên tay chân nổi da gà : một con rắn đang cuộn tròn lại ngay khít chỗ nằm của nó! Vừa thấy bóng dáng con vật, nó vội nhích lùi vào. Con rắn có chiếc đầu hình tam giác và theo sách vở nó đã học thì đây là một loại rắn độc! Rắn tuy đang nằm ngủ yên, nhưng Đôn cảm thấy toàn thân như bị tê liệt. Nó muốn đứng dây, chạy thoát ra ngoài mà hai chân như bị chôn chặt xuống đất, không sao cất lên được. Hai mắt nó mở ra thật lớn để theo dõi hành động của con vật. Nhưng nó tự hỏi:
 
- Theo dõi để làm gì trong khi tay chân nó đang bị tê cóng?
 
Cuối cùng nó đành nằm dài ra đó phó mặc cho “người bạn đồng giường” muốn làm gì thì làm…
 
Thằng Đôn đã tự nhủ mình : Thôi ta cứ nằm yên đừng nhúc nhích sợ con rắn có thể phóng theo thì nguy, nhưng bắp thịt của nó tự nhiên cứ co rút lại như không muốn nghe lệnh của trí óc nó. Về phần con rắn, nằm yên từ nãy đến giờ, hình như cũng cảm thấy có một vật gì đang nằm gần mình. Vật đó chắc không phải là một khúc cây vì nó phát ra hơi ấm! Nó ngóc đầu dậy chồm lên cao hơn và nhìn chầm chập vào mặt cậu bé. Nó đưa đầu sát vào mặt thằng Đôn đến nỗi thằng bé thấy rõ hai mắt nó chỉ nhỏ bằng hai hạt cườm là cùng, nhưng xem ra có vẻ sắc bén và giận dữ. Thằng Đôn thất kinh muốn thét lên rồi nhảy ngay ra ngoài, nhưng thốt không ra hơi được. Nó không thể làm gì hơn là nằm yên, không dám cử động gì, sợ con vật tưởng lầm là nó có ác ý gì thì quả là một điều nguy hiểm cho tính mạng nó. Một ý nghĩ ghê gớm chợt đến với nó : giả sử bây giờ con rắn mổ vào mặt nó thì ôi thôi! Nó sẽ chết, chết trong sợ hãi, chết trong cảnh cô đơn. Thật không còn gì thảm thương cho bằng!!!
 
Nhưng không, số thằng Đôn còn lớn lắm! Chẳng những rắn ta không cắn mà sau một lúc mặt đối mặt, rắn lại lẳng lặng bò ra ngoài. Hoàn hồn, thằng Đôn thở ra nhẹ nhõm. Mạch máu nó hồi nãy tưởng chừng như bị đông đặc trong gân cốt, nay tiếp tục chạy trở lại. Nó không thể tưởng tượng rằng con rắn lại tỏ ra biết ơn nó đến thế! Biết đâu con rắn này lại chẳng có những tính tốt? Dù sao, nó cũng đã chịu ơn thằng Đôn, vì suốt đêm qua nó đã được nương nhờ hơi ấm của thân thể thằng bé. Thằng Đôn chợt có một ý nghĩ ngộ nghĩnh:
 
- Ít ra mầy cũng phải lễ phép với tao phần nào chứ? Không lẽ lấy oán trả ơn? Lấy nọc độc trả lễ chủ nhà trọ sao?
 
Thế là tai nạn nguy hiểm đã qua rồi. Giờ đây, thằng Đôn còn phải làm gì nữa nhỉ? À! Phải ra khỏi hốc cây chứ, không lẽ ở đây hoài hay sao? Và nó vội đẩy mấy cành khô về một phía rồi bò ra, trong lòng đang nuôi nhiều hy vọng là sớm thoát khỏi nơi nầy để về nhà.
 
*
 
Sương mai vẫn còn đổ xuống trên những ngọn cỏ non, trên những cành cây kẽ lá đọng lại thành từng giọt lóng lánh như hạt kim cương. Những sợi tơ trời còn vương vất đầu cành cây, tạo nên những chiếc võng mong manh xinh xắn. Chim chóc chào đón nắng mai bằng những giọng hót líu lo. Ngoại cảnh chan hòa sức sống sau một đêm ngủ ngon lành, khiến tinh thần của thằng Đôn cũng được phấn khởi. Nó đưa mắt nhìn quanh một vòng như ngóng trông một vị anh hùng nào đó đang rẽ cỏ tranh đi tới đem nó về nhà. Nhưng có anh hùng nào đâu, chỉ thấy núi rừng trùng trùng điệp điệp, xanh ngắt một màu.
 
Thằng Đôn búng tay một cái rồi kiễng chân lên nhìn. Và kìa! Đằng xa có một lớp bụi mờ đang bay lên thì phải… và một chấm đen hiện ra. Bóng đen hình như có ý tiến về phía nó và nó đã nhận ra đó là bóng một con ngựa nhỏ đang chầm chậm trở lại mà trên lưng không có một bóng người! Lạ nhỉ? Con vật hình như đang cố tìm kiếm người chủ thân yêu của nó. Đúng rồi, con bạch mã của nó! Nhưng làm sao đuổi kịp nó được? Làm sao kêu nó được? Tuy nhìn thì thấy gần nhưng ít lắm cũng phải vượt mất mấy giờ đường chứ không phải chuyện chơi! Thôi! Đành chịu chứ biết làm sao? Một tia hy vọng đến với nó : mọi sự có lẽ sẽ được như ý, nhờ con ngựa thân yêu này…
 
Bây giờ, phải giải quyết gấp cơn đói đã : “dĩ thực vi tiên mà”. Nó đi một quãng khá xa, mục đích là kiếm ít trái cây, chợt nghe tiếng suối róc rách. Nó liền tiến tới và vì khát quá, nó quên cả rửa mặt, cúi xuống lấy tay chụm lại uống lấy uống để. Nước thật ngọt và mát lịm. Nó uống ực ực như đứa trẻ con múc nước đổ vào một cái hang chuột vậy. Nó khát hơn đói. Xong xuôi, nó cầm một cục đá rúc vào một bụi rậm rình mồi… Nó không chờ lâu : Kìa! Một đàn thỏ rừng đang đuổi nhau trước mặt không xa lắm. Quan sát một lúc nó nhận thấy có hai con đang cúi xuống gặm cỏ. Nó vội giơ cục đá lên nhắm. “độp!” Một con thỏ trắng trúng viên đá ngã lăn ra trên đám cỏ xanh. Nó thầm nghĩ:
 
- Tiếc quá! Chỉ trúng có một con thôi. Mình đã nhắm hai con cùng một lúc mà chỉ trúng có một chú thôi? Ồ! Thế thì cũng là may lắm rồi! Đừng “được voi, đòi tiên” nữa. Nó vội xách chú thỏ lại treo nơi một cành cây để lát nữa sẽ tính chuyện.
 
Thằng Đôn vui vẻ bụm tay lại bắt chước tiếng người gọi nhau trong rừng:
 
- Hú… Hú… Hú… và những âm thanh đơn độc dội lại. Nó cảm thấy lòng lâng lâng vì trong đầu óc nó đã có một chương trình vạch sẵn rồi. Trước hết, cậu bé chạy quanh nhặt nhạnh một ít củi khô chất thành đống rồi lấy diêm đốt. Sau đó, nó mang chú thỏ lại. Tuy nó chưa hề biết lột da thỏ, nhưng cũng đã có chút kinh nghiệm quí báu về việc nướng thỏ do thằng Bân dạy cho nó trước đây.
 
Loay hoay mãi, nó mới dùng dao nhỏ lóc được thịt hai chân sau và dọc theo bao tử. Tuy không thạo nghề như thằng Bân, nhưng cuối cùng nó cũng đã lột được bộ da thỏ. Nó đem tất cả xuống suối rửa sơ sài rồi dùng dao mổ bụng lấy ruột gan bỏ ra ngoài. Vừa hì hục làm nó vừa hát nghêu ngao, ai nghe tưởng chừng như nó vô tư lắm, nhưng thật sự trong ruột đang rối như tơ vò.
 
Sau khi củi đã lên lửa ngọn rồi, thằng Đôn bèn dùng que khều ra một ít than hồng để nướng thỏ. Mùi thơm phưng phức bay lên mũi khiến nó thèm rỏ dãi. Nó cúi xuống ngửi qua ngửi lại giống như con mèo thử đồ ăn vậy. Mặc dầu thỏ đã vàng hươm rồi nhưng nó còn cẩn thận trở qua trở lại cho chín đều. Bộ lòng thỏ cũng được cột nướng cùng một lần. Các miếng ăn béo tốt nầy phải được xơi trước. Nó dùng con dao nhỏ cắt thành từng miếng bỏ vào miệng nhai ngồm ngoàm. Nó chưa bao giờ cảm thấy ăn ngon như lúc nầy, phần vì đói, phần vì món ăn lại quá ngon. Khi thấy bụng bớt cồn cào, nó vội tắt lửa và dùng que khều tro dập lại để lát nữa nếu cần sẽ dễ nhen hơn.
 
Tính ra, nó chỉ mới điểm tâm có một đùi sau thôi. Nhưng chừng đó cũng là quá ngon, chẳng những trong lúc nầy mà kỳ thực, nó cũng chưa bao giờ được diễm phúc điểm tâm một cách thịnh soạn như vậy. Vả lại, nó cũng cần phải để dành, đề phòng bất trắc nữa chứ, xơi một lúc hết cả sao được?
 
Cảm thấy trong lòng sảng khoái, nó chợt reo lên một cách vui vẻ. Đâu đây, vẳng lại tiếng hót líu lo của một vài con chim chích chòe. Tiếng hót nghe thật véo von như cùng chia vui với nó. Ăn rồi, thằng Đôn cảm thấy thấm mệt, mồ hôi đổ ra nhễ nhại, phải ngồi nghỉ một chốc. Sau đó, nó đem phần ăn còn lại treo lên cành cây và không quên dùng áo sơmi che đậy cẩn thận sợ kiến xơi hết. Dĩ nhiên, áo sơmi của nó cũng chả lấy gì làm sạch, nhưng cần gì, miễn sao có thể chống lại sự xâm lăng của đàn kiến tham ăn là được rồi. Xong xuôi đâu đấy, nó thủng thỉnh xuống suối rửa tay. Vì không có xà phòng, nó phải dùng bùn và đá để rửa. Đợi một lúc nước suối trong trở lại, nó bụm tay uống vài ngụm cho đỡ khát.
 
Bây giờ nó đi quanh quẩn định tìm một cành cây thẳng để làm gậy đi đường. Trong thâm tâm, nó muốn thực hiện chương trình đã vạch sẵn : sau bữa điểm tâm sẽ phải tìm lối trở về nhà. Nhưng chợt nó ngồi bệt xuống, hai tay ôm lấy trán như để tập trung tư tưởng… Bài học hôm qua đã dạy nó biết rằng, con đường vừa mới được vẽ ra trong trí óc nó, chắc gì đã dẫn nó về đến nơi đến chốn mà có khi còn bị lạc lối vào sâu hơn nữa. Nhiều khi, leo trèo mệt nhọc suốt cả ngày mà vẫn không tìm ra lối về nhà, lại còn bị lạc vào một vùng hoang vu hơn thì quả không còn gì nguy hiểm cho bằng! Nó thầm nghĩ không biết đến bao giờ mới tìm lại được cánh đồng xanh um mà thường ngày nó với con Bình thả diều, chơi đùa vui vẻ quên cả đói khát đến nỗi nhiều bữa, người giúp việc phải ra kêu về. Càng suy nghĩ, nó càng thấy tủi thân! Quay về hiện tại, nó cảm thấy buồn vì tình cảnh cô đơn, lạc lõng của nó! Nó thầm nghĩ:
 
- Nếu không tự mình tìm đường về thì rồi sẽ ra sao đây…? Nhưng nếu bỏ suối này để lên đường tìm lối về, liệu còn may mắn gặp một con suối khác khi cần nước không? Khi đã xơi hết chú thỏ nướng này rồi đồ ăn kiếm đâu ra? Có thể nào dùng đá ném chết chim chóc được không? Chắc sẽ không dễ gì đâu! Điều quan trọng là vấn đề nước uống vì nó vẫn thường nghe thằng Bân nhắc đến mỗi lần đi rừng : nước uống cần hơn cả thức ăn nữa!
 
Hôm qua nó đã cố gắng một cách buồn cười và nó đã có kinh nghiệm quí báu về sự thất bại đó. Vậy thì phải làm sao bây giờ đây? Nó cảm thấy chưa có lúc nào bối rối như lúc này… Thật là một vấn đề quan trọng mà từ tấm bé đến rày chưa lần nào nó phải đương đầu cả. Nó biết và hiểu vấn đề vì nó đang hiện ra rõ ràng trước mắt – vấn đề sống chết – nhưng biết giải quyết làm sao? Nó cảm thấy mình yếu ớt, bé bỏng và bất lực.
 
Vậy mà, cuối cùng, bỗng nhiên vấn đề lại được một bàn tay vô hình nào đó sắp xếp đúng như ý muốn của nó mới kỳ diệu chứ!
 
Trong khi lang thang, ruột rối như tơ vò, thằng Đôn tìm cách giải quyết vấn đề nhưng xem ra còn cực nhọc vất vả hơn cả việc tìm kiếm một cây kim trong đống cỏ khô! Nó lẩm bẩm:
 
- Không lẽ bây giờ mình cứ ngồi ì ra đây rồi liệu có ai tới cõng mình về không? Chi bằng ta cứ lượm cây khô chất lại đốt, khói bốc lên may ra có người nào thấy dấu hiệu chăng?
 
Và nó bắt đầu hành động…
 
Chỉ một chốc sau, thằng Đôn kéo được nhiều cành cây chất lại. Củi khô, chụm thật tốt, nhưng không có nhiều khói. Cậu bé cũng biết vậy, nên nó lấy nước tưới vào. Bây giờ, gió đã dịu và người ta thấy một cột khói đen đang từ từ bốc lên, thằng Đôn xoa tay bằng lòng…
 
Bỗng có tiếng động dội lại. Không, đúng ra thì đó là những tiếng kêu khàn khàn, cộc lốc, thô lỗ, khiến nó phải ngẩng đầu lên. Kìa, nhiều chú vẹt đang vắt vẻo trên cành đa, trông thật đẹp mắt : mồng đỏ, bộ lông đen mượt, mỏ cong và dài. Xem chúng có vẻ hãnh diện lắm. Chúng tỏ vẻ thích thú khi nhìn thằng Đôn hì hục ôm từng nắm củi quăng vào đống lửa. Cứ xem chúng đang làm những điệu bộ kỳ quái thì rõ : mắt thì nhìn ngang, nhìn dọc, đầu cúi xuống, thỉnh thoảng lại ngước lên trao đổi với nhau vài tiếng khàn khàn. Giả sử, hôm qua mà đàn vẹt nầy tới chào đón nó thì chắc sẽ làm nó buồn lắm. Vì nó thường nghe người ta nói là vẹt hay đem lại điềm xui xẻo. Nhưng hôm nay thì khác hẳn. Mọi sự đã gần như tốt đẹp theo chương trình của nó. Giờ đây, chẳng còn điều gì làm cho nó áy náy cả. Bởi thế, nó đâm ra có thiện cảm với với những chú vẹt ngây ngô kia.
 
Thằng Đôn thấy khói đã lên nhiều rồi bèn lại ngồi lên một phiến đá gần đó chờ đợi. Nhìn cột khói càng lúc càng bốc lên cao, thằng Đôn nhớ lại cách đây không lâu, cô bé Bình đã kể cho nó nghe về kinh nghiệm của dân bản xứ, thường làm dấu hiệu để nhận nhau khi bị lạc đường, bằng cách đốt lửa có khói đen nhiều, nhưng phải làm sao cột khói bị đứt quãng, chứ không phải liên tục. Tại sao họ phải làm như vậy? Bé Bình giải thích rằng, họ muốn cho người khác nhìn thấy cột khói mà không nghĩ lầm đó là một đám cháy rừng. Điều đó xem ra hay hay… Vậy thì nó cũng phải làm sao tạo thành những đám khói đứt quãng để dễ đập vào mắt người khác. Nghĩ thế rồi, nó lấy một cành cây có lá xanh tươi, đem nhúng nước và nắm một đầu thật chắc hất qua hất lại trên đống lửa : kết quả đã tạo thành những khoảng trống giữa cột khói. Nhìn những đám khói tròn, to đang lơ lửng bay lên tận trời xanh, nó mỉm cười đắc thắng và tin tưởng.
 
Mặt trời hình như càng lúc càng lên cao và thời gian vẫn lặng lẽ trôi qua. Thằng Đôn cảm thấy cần phải nghỉ ngơi đôi chút để lấy sức kẻo chân tay đang bị ê ẩm. Ngày càng lên dần, nắng càng gay gắt hơn. Ve rừng, côn trùng đang thi nhau kêu ầm ĩ. Hai mắt nó bỗng nhiên thấy nặng chĩu, có lẽ vì đêm vừa qua mất ngủ nhiều. Nó tựa lưng vào một gốc cây ngủ gà ngủ gật. Được một chốc, nó giật mình tỉnh dậy. Tự nhiên nỗi chán chường lại đến xâm chiếm tâm hồn nó. Nó tự hỏi tại sao lại lạc vào miền hoang vu nầy và nó cảm thấy nó thật cô đơn!
 
Đàn vẹt đã bay đi tự bao giờ để cành đa trơ lại uốn cong dưới sức nắng như thiêu như đốt của một buổi trưa hè. Thằng đôn ước mong sao nghe được một tiếng người, chỉ một tiếng thôi cũng đủ làm cho nó mát ruột rồi. Lâu nay, sống trong những khu phố chật hẹp, tai nó nhiều khi đau nhức vì tiếng người, nhưng bây giờ nó lại cần được nghe tiếng người để sưởi ấm nỗi cô độc mà không sao có. Nghĩ thật tội nghiệp…
 
Đồ ăn chỉ còn vỏn vẹn lại một đùi thỏ bữa ăn trưa, vì còn phải để dành nữa chứ? Chú thỏ bây giờ trông thật bé nhỏ, không to lớn như khi vừa mới bị bắn. Cho nên, nó càng phải dè sẻn, ăn từ từ…
 
Thấm thoát, chiều đã xuống từ lúc nào mà nó không hay biết. Bóng mặt trời đã ngả hẳn về Tây. Nó cầm một viên đá đi quanh quẩn may ra giết được con chim nào chăng. Chợt nó thấy một con chim cu rừng vừa bay tới đậu nơi cành cây trước mặt, cất giọng gáy nghe thật buồn bã! Thằng Đôn mừng hết sức. Nó bước nhè nhẹ lại gần một gốc cây đối diện, lấy đà ném thật mạnh, nhưng chim đã vỗ cánh bay cao trước khi viên đá vụt đến!
 
*
 
Cho đến xế chiều hôm đó, thằng Đôn vẫn chưa thấy một bóng người nào đáp lại dấu hiệu cột khói của nó cả! Nó cảm thấy thất vọng hoàn toàn, vì đêm đang xuống dần! Nỗi lo âu, nỗi nhớ nhà đang xâm chiếm tâm hồn nó và ý nghĩ : phải tìm đường về nhà, lại thôi thúc nó hơn bao giờ hết. Nó lẩm bẩm:
 
- Một liều, ba bảy cũng liều! Đến đâu thì đến!
 
Nhưng nó lại e rằng vượt qua khỏi khu rừng thưa nầy, biết đâu lại chẳng lạc vào sâu và gặp nhiều nguy hiểm hơn? Lúc nầy, hai ý nghĩ trái ngược hình như đang tranh giành ảnh hưởng trong tâm hồn cậu bé. Nó như chim chuyện chuyện lạc vào rừng hoang, không biết đâu mà tìm ra lối về cả : nhìn đâu cũng chỉ thấy toàn là cây với cỏ! Không còn gì khổ sở cho bằng!
 
Đêm đã xuống thật sự rồi, thằng Đôn đành lủi thủi nhặt cây làm giường ngủ. Để sửa soạn một giấc ngủ yên tĩnh và an toàn hơn hôm qua, nó lấy cây, cột lại thành một hàng rào đem đặt ngay trước bộng cây hy vọng chận rắn rít đêm đêm mò tới.
 
Mặt trời đã chìm hẳn xuống sau những rặng núi tận phía Tây xa tít. Cảnh vật thật ảm đạm thê lương. Thằng Đôn tuy cũng lo âu vì phải trải qua một đêm hãi hùng nữa, nhưng nó vẫn nuôi hy vọng sáng ngày mai sẽ trở về nhà và sẽ gặp lại những người thân. Ôi! Còn gì sung sướng cho bằng! Ý nghĩ đó hâm nóng tâm hồn nó. Tự nhiên, nó trở nên hăng say làm việc, dù thân xác nó đang mệt nhoài sau một ngày chờ đợi vô ích!
 
Nó nhai vội một ít thịt thỏ, phần còn lại vẫn được treo cẩn thận trên cành cây như cũ.
 
Sau đó, nó lại chất thêm củi vào đống lửa để làm hiệu, vừa để sưởi ấm. Vì mặt trời đã đi ngủ hẳn từ lâu rồi, tuy trời hãy còn sáng, nhưng không khí trở nên lạnh hơn. Chim chóc đang giành nhau sửa soạn chỗ ngủ. Thằng Đôn lại chất củi vào thêm. Lửa và khói lại thi nhau bốc lên vùn vụt. Nó vẫn không nản chí  tuy suốt ngày đã tốn bao nhiêu công lao rồi mà vẫn không nhận được kết quả nào.
 
Hoàng hôn nơi hoang vu thật là buồn bã chen lẫn nỗi ghê rợn. Thằng Đôn dùng một cành củi đỏ rực để lục soát lại chỗ ngủ xem có con rắn rít nào không. Ánh sáng đi đến đâu, bóng tối lùi đến đó và cuối cùng lại xâm chiếm và bao trùm lấy toàn thân của nó.
 
Nó cảm thấy mình bất hạnh quá…!
 
Chợt nó nghe có tiếng chó sủa… Nhưng nó không dám tin vào thính giác của mình, có lẽ vì quá lo hay quá mừng, cũng không biết nữa. Và tiếng chó lại sủa. Một con chồn chăng? Hay tiếng bắt chước chó sủa? Nó vội lủi về phía bộng cây lấy mấy cục nhựa thông quẳng vào đống lửa cho lửa ngọn bốc cao hơn, rồi bắt tay lên miệng:
 
- Hú… hú…
 
Tuy nó chưa hú thành thạo như các tay nhà nghề, nhưng nghe cũng không đến nỗi kém lắm. Trong thâm tâm, nó hy vọng may ra tiếng hú vang dội đến nơi có tiếng chó sủa nếu quả có thực.
 
Bỗng từ phía ngọn đồi trọc, có tiếng dội lại:
 
- Tu-oa… tu-oa… tu… oa…
 
Đúng là tiếng tù và chứ không phải tiếng dội lại của tiếng hú hồi nãy đâu. Cột khói của nó đã có vị anh hùng nào thấy rồi chăng? Thằng Đôn cảm thấy hồi hộp quá! Sự tin tưởng đó đem lại cho nó một nguồn vui không bút nào tả xiết. Nó mừng đến nỗi, nước mắt chảy ra ràn rụa lăn tròn trên hai gò má từ bao giờ nó cũng không hay biết.
 
Thấy lửa có phần tàn, thằng Đôn vội khiêng ngay hàng rào cây vừa chế tạo hồi chiều vất ngay vào đống lửa. Ngọn lửa liếm thật nhanh và chẳng mấy chốc cháy sáng rực cả một góc trời. Và qua ánh lửa, Tôtô – con chó cưng của thằng Bân – hiện ra một cách lẫm liệt, đuôi ve vẫy… Tôtô nhảy chồm đến trước mặt cậu bé và giỡn cợt bằng cách lượn qua lượn lại. Thỉnh thoảng, nó lấy hai chân cào xuống đất tỏ dấu mừng rỡ. Thằng Đôn vui sướng quá chạy lấy phần thịt thỏ còn lại chia cho Tôtô một ít vì nó nghĩ chẳng cần để dành nhiều làm gì nữa. Tôtô vội ngoạm lấy miếng thịt tha đến một gốc cây. Trong khi con Tôtô đang cúi đầu nhai xương, thì bỗng từ đâu, Bân ngồi trên mình ngựa oai phong vạch lá tiến tới đứng cạnh đống lửa. Bóng người lẫn ngựa in đậm hình trên nền đất cằn cỗi. Trông dáng thằng Bân thật có vẻ rừng rú. Nó lặng yên một lúc lâu rồi cất giọng khàn khàn hỏi:
 
- Ê! Mày đi đâu để bị lạc vậy? Có sợ không? Ba tao đang nóng ruột vì mày lắm đó, cả con Bình cũng vậy nữa!
 
Dù giọng Bân có vẻ càu nhàu, nhưng cũng làm cho thằng Đôn cảm thấy an ủi nhiều lắm. Thế rồi, trước đôi mắt ngạc nhiên của thằng Đôn, thằng Bân để tay lên nón, rút ra một con dao nhọn sáng choang, chẳng biết để làm gì. Cặp mắt Bân long lanh và sáng rực đang mở to như hai mắt ếch như muốn thu vào nhiều hình ảnh trong một màn kịch : hốc cây với đám lá chết trải làm giường, đống lửa đỏ rực những than hồng, những cành cây khẳng khiu trụi lá, đen kịt vì khói… Nó lẳng lặng tiến về phía cành cây có treo miếng thịt thỏ, tay giật xuống dùng dao cắt bỏ vào miệng nhai một cách ngon lành. Xong xuôi, nó quay lại hất hàm hỏi:
 
- Nước uống đâu mậy?
 
- Dưới kia có một con suối nhỏ. Chính vì nó mà mấy lần lên đường tìm lối về, tôi vẫn lưỡng lự, nhất là sau khi thịt được một chú thỏ.
 
- Với tài ném đá à?
 
Thằng Đôn nhỏ nhẹ đáp:
 
- Vâng, tôi nhắm con vàng, nhưng lại trúng con trắng cạnh đó!
 
Bân chậm rãi tiến về phía đống lửa. Trông hắn ta thật to lớn và đẹp trai thật, nhưng dáng dấp đầy vẻ rừng rú.
 
Bân dõng dạc ra lệnh:
 
- Thôi, sửa soạn về nhà đi! Nhưng mầy hãy kể qua loa cho tao nghe tại sao mầy đi lạc vậy? Đêm qua mầy ngủ ở đâu?
 
Thằng Đôn lần lượt kể lại từ đầu không bỏ sót một chi tiết nào. Dù sao nó cũng cảm thấy hãnh diện về những cố gắng của nó để tìm cách thoát khỏi nơi đây.
 
Nghe xong, Bân gật đầu:
 
- Khá lắm! Mầy không còn là một thằng bé sặc mùi thành phố nữa đấy! Bắt tay mầy một cái!
 
Nói rồi, nó đưa tay ra nắm lấy bàn tay nhỏ bé của thằng Đôn lay mạnh. Tuy vậy, Bân cũng dọa dẫm:
 
- Tao cho mầy hay : Không phải vùng hoang vu nào cũng yên hàn như thế này cả đâu. Rất nhiều vùng, nếu không may mầy lạc vào sẽ bị thú dữ vồ ngay. Số mầy cũng còn hên đó, chứ khi tao thấy dấu hiệu cột khói của mầy, tao cứ ngỡ là có đám cháy rừng gần đâu đây!
 
Thằng Đôn nóng lòng:
 
- Thế bao giờ “người anh hùng” về nhà?
 
Nó cũng đánh trúng tâm lý của thằng Bân đấy chứ! Vì thường Bân cũng thích lối xưng hô kiêu kỳ như vậy.
 
Bân vẫn không chú ý:
 
- Đêm qua tao biết, nhưng tao không thể làm gì được vì tao đang bị cảm sốt. Bởi thế từ sáng sớm, tao vội lên đường. Tao cũng hỏi mấy người xung quanh, nhưng không ai biết mầy đi đâu, đi về phía nào và đi từ bao giờ cả. Tao hết sức bực mình nhưng nay thì hết rồi.
 
Ngẫm nghĩ một chốc, Bân lại tiếp tục, giọng nói có vẻ cảm động:
 
- Tao cũng lấy làm buồn, vì từ lâu nay, tao không mấy thích mầy. Nay tao đã hiểu rõ mầy rồi. Để bù lại, ngày mai tao sẽ dạy cho mầy cách bắn ná, bẫy chim, chứ tài ném đá thì chả bao giờ trúng được chim!
 
Thằng Đôn sung sướng:
 
- Thật không anh Bân?
 
- Sao lại không thật?
 
Sau đó, Bân vui vẻ bảo:
 
- Thôi! Bọn mình về đi kẻo ba má và em Bình trông! Tội nghiệp!
 
Thằng Đôn ngây thơ hỏi:
 
- Có thể về kịp ngay trong đêm nay không anh Bân nhỉ?
 
- Chắc là kịp!
 
- Nhưng mà còn đống lửa kia, phải dập đi đã chứ?
 
Thằng Đôn vội xuống suối lấy nước lên tưới. Thấy một vài chỗ lửa chưa tắt hẳn, Bân dùng giày hất đất dập lên rồi quay lại bảo Đôn:
 
- Mặc áo vào đi mầy, có đồ gì thì lấy mau rồi ngồi lên đây.
 
Vừa nói, Bân vừa chỉ lên phía sau yên ngựa và xoay mình một vòng thật đẹp nhảy lên phía trước.
 
- Nhảy lên đây mầy, ôm chặt lấy tao nha!
 
- Tôtô! Đi trước mầy!
 
Bân giật mạnh dây cương và cả người lẫn ngựa lên đường. Thằng Đôn ngồi phía sau, hai tay ôm ngang người Bân. Chúng nó tiến vào những bụi rậm, chỗ hôm qua thằng Đôn bị lạc : Xung quanh bóng tối dày đặc bao phủ…
 
Thằng Đôn không ngờ rằng đêm nay lại có một cuộc hành trình thú vị như thế nầy. Cả người lẫn ngựa tiến bước mãi : lúc trèo lên những mỏm đồi cao, lúc tuột xuống những thung lũng sâu… Con ngựa thật dai sức, mắt tinh như mắt mèo, nó phi nhanh như vậy mà không hề vấp váp một tí gì. Đường sá không gồ ghề lắm nhưng rất nhiều cành cây nhỏ rơi xuống đầy đường.
 
Thằng Đôn cảm thấy sung sướng và thầm phục thằng Bân sát đất, chẳng những nó thông thuộc đường sá mà còn điều khiển dây cương một cách tài tình trong đêm tối trời như thế nầy.
 
Cả bọn vẫn tiếp tục đi trong bóng đêm dày đặc…
 
Xa xa, thằng Đôn đã thấy sao Mai ló dạng, sáng chói bên cạnh muôn vàn tinh tú khác. Thằng Đôn nghĩ thầm chắc là sắp về đến nhà rồi vì cứ nhìn hướng thì thấy rõ. Mọi khi nó vẫn thường dậy sớm và kêu bé Bình ra sân coi vì sao sáng có cái tên đẹp đó mà! Vả lại, hôm qua, nó đi từ trại gia súc đến chỗ bị lạc cũng lâu bằng từ khi lên ngựa với Bân đến giờ chứ gì! Nhưng khi thấy Bân vẫn chưa cho ngựa chậm bước thì nó ngạc nhiên hỏi:
 
- Sắp về đến nhà chưa anh Bân?
 
Bân mỉm cười trong đêm tối:
 
- Nếu chưa thì chắc bọn mình còn đang quanh quẩn trong vùng hoang vu đấy!
 
Giọng điệu nghe có vẻ mỉa mai, nhưng thật ra thằng Bân không có ác ý gì. Và bây giờ, ngựa chỉ còn phi những bước nhỏ và khi đi ngang qua đồng cỏ nhà thì thằng Đôn sung sướng reo lên như vừa thấy mẹ đi chợ về:
 
- A!... Đến nhà rồi!
 
Bân vội nhảy xuống ném mạnh chiếc dây cương qua hàng rào dâm bụt. Thằng Đôn cũng tuột xuống theo.
 
Cho đến giờ phút nầy, thằng Đôn vẫn không ngờ rằng nó đã về đến nhà – ngôi nhà thân yêu mà nó nóng lòng muốn gặp lại từ hai ngày nay.
 
Nó thỏ thẻ:
 
- Anh Bân à! Nhiều lúc em y hệt như điên vậy anh nhỉ?
 
Giọng thằng Đôn như tắc nghẽn vì quá cảm động.
 
- Thôi, quên đi mầy!
 
Bân vừa nói vừa nâng hai vai thằng Đôn lên một cách thân mật:
 
- Tao rất vui thấy mầy đã về nhà bằng yên. Ai trong nhà nầy cũng đều không muốn thấy mầy bị hoạn nạn. Ba tao thương mầy cũng như con cái trong nhà vậy, vì mầy cũng dư biết ba tao xưa kia đã chịu ơn ba mầy rất nhiều, trong những ngày còn nghèo khổ… Còn con Bình, lại càng không muốn xa mầy vì trong trang trại nầy, nó chỉ thấy có mình mầy là bạn thân với nó thôi. Nó còn thương mến mầy hơn cả tao là anh ruột của nó nữa, vì cái dáng tao bề ngoài có vẻ dữ tợn. Vả lại, tính tao không ưa được những chuyện nhõng nhẽo con gái. Mầy không thấy con Bình thường gọi tao bằng cái hỗn danh “người rừng” đó sao? Còn về phần tao, từ nay, tao rất có thiện cảm với mầy vì mầy là một thằng bé bình tĩnh và can đảm.
 
 
Về Đầu Trang Go down
nhanbkvn



Tổng số bài gửi : 1612
Registration date : 16/07/2012

Hai Rương Vàng Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Hai Rương Vàng   Hai Rương Vàng I_icon13Fri 10 Jun 2016, 21:41

KHO TÀNG BÍ MẬT
 
 
Ba đứa trẻ thuộc gia đình họ Tần – đứa chị tên là Bảo Chi và hai em trai là Bảo Vi và Bảo Thi đang ngồi chơi với nhau trên sân cỏ cạnh một hàng rào tre xanh tươi, rậm rạp, ngăn cách nhà ông bà nội chúng và nhà của một người láng giềng – nhà của họ Tô.
 
Các gia nhân nhà họ Tần thường gọi hàng rào đó là “hàng rào thù nghịch”. Vì từ trước, hai gia đình họ Tần và họ Tô vẫn thân thiện với nhau theo kiểu “bà con xa lấy láng giềng làm gần”, nhưng cách đây vài năm, gia đình hai họ đó có chuyện xích mích với nhau, nên để khỏi có sự qua lại, người ta đã trồng một hàng rào tre. Và kể từ đó, hai gia đình không nói với nhau một lời nào.
 
Sát cạnh hàng rào, có một ngôi nhà nhỏ, xây cất theo kiểu một nhà kho chứa nông cụ ở thôn quê, mà bà nội vừa cho bọn trẻ làm nơi chơi đùa trong thời gian nghỉ hè.
 
Trong khi đang ngồi bàn bạc với nhau về những trò chơi sẽ tổ chức vào ngày mai, thì Bảo Vi chỉ tay về phía hàng rào tre nói:
 
- Chơi gì thì chơi, nhưng tụi mình không được trèo qua hàng rào kia. Bà nội nói vậy!
 
Ngừng một lát, nó lại thở dài tiếp:
 
- Xích mích với láng giềng là một điều đáng buồn thật! Phải chi không có hàng rào này thì tụi mình tha hồ tung tăng, chạy nhảy nhỉ?
 
Bảo Chi lẩm bẩm:
 
- Kỳ thật! Bà nội còn cấm chị em mình bén mảng lại gần hàng rào nữa cơ!
 
Bảo Thi nắm tay chị lay mạnh:
 
- Chị! Chị thấy không? Có một cành ổi đang bổ qua phía nhà mình đó! Có mấy trái thật to nữa kìa!
 
Bảo Vi xúi chị:
 
- Chị lại hái cho em đi!
 
- Không, hái cho em cơ! Em thấy trước mà!
 
Bảo chi khoát tay:
 
- Ừ! Thì chị hái cho cả hai đứa!
 
Bảo Chi vội đưa mắt nhìn quanh xem thử có người lớn nào lảng vảng gần đó không. Khi đã yên chí rồi, cô bé mới tiến về phía hàng rào tre đưa tay vin cành ổi xuống để hái. Trong khi đang lúi húi bứt trái ổi ngoài cùng thì bỗng nó giật mình vì vừa chợt thấy hàng rào đang lay mạnh hình như có ai đang trèo từ phía bên kia qua thì phải. Bảo Chi đang ngạc nhiên, định kêu hai em lại coi thì thấy một cái đầu ló ra và tiếp theo là giọng con trai ồ ồ lên tiếng:
 
- Tôi nghe tiếng các bạn nói chuyện ngoài nầy, vì thế tôi muốn ra xin nhập bọn để tổ chức trò chơi cho vui. Tôi biết nhiều trò chơi thú vị lắm nhưng khổ một nỗi là không có ai cùng chơi cả!
 
Sau đó, thằng con trai lạ mặt nhìn vào mấy chỗ trầy xước trên cánh tay suýt soa:
 
- Hàng rào tre nhiều gai quá! Đã tìm chỗ thưa rồi, thế mà…
 
Bảo Chi lên tiếng:
 
- Thế ra anh không có em út nào cả hả?
 
- Tôi là con út trong gia đình! Các anh chị tôi đều được gởi đi học xa nhà cả! Đến bạn bè cũng chả có, vì nhà tôi coi như nằm ngoài biển, trước mặt nhà là một giòng sông, sau lưng lại bị kẹt cái hàng rào tre nầy rồi! Chỉ phía đầu nhà có lối ra vào thì chẳng thấy nhà nào có trẻ con đồng trang lứa với mình cả!
 
Sau đó, nó vội lách mình ra thêm một chút nữa rồi nói:
 
- Tôi là Đề, Tô Đề!
 
Bảo Chi nhanh nhẩu tiếp lời:
 
- Còn tôi là Bảo Chi.
 
Rồi hướng về hai đứa kia, cô bé nói:
 
- Còn đây là hai em tôi : Bảo Vi và Bảo Thi! Chúng tôi sẽ ở đây suốt kỳ hè. Bà nội chúng tôi đã cho phép dùng ngôi nhà kho kia để chơi đùa. Hôm nào rảnh, mời anh qua chơi cho vui nhé!
 
- Còn gì quí bằng! Tôi chỉ mong có vậy!
 
Bảo Vi tươi cười:
 
- Anh có thể qua giúp chúng tôi dọn dẹp nhà kho được không? Trong đó, có nhiều thứ lắm! Đặc biệt có cái rương của người thủy thủ dùng dưới tàu, cũ rồi, nhưng chùi sạch để nằm thì tốt vì nó lớn lắm! Nó là của cậu Tần Gia đó! Trước đây, cậu là một thuyền trưởng. Trong rương chắc có cất nhiều đồ vật đẹp lắm. Em thích mở nó ra coi chơi mà nắp rương đóng kỹ quá!
 
Cậu bé đang ba hoa thì bỗng có một vài tiếng ho khàn khàn nổi lên cắt ngang câu chuyện và tiếp theo là những tiếng mắng:
 
- Đề! Xuống ngay con! Con dám rúc hàng rào qua bên đó hả? Gia đình ta không chơi với gia đình họ Tần đâu con! Cả khách khứa họ cũng vậy nữa!
 
Nghe vậy, mặt thằng Đề mất hẳn vẻ tươi tắn, trong khi Bảo Chi cũng tức giận đỏ mặt lên. Nhưng thằng Đề cũng gắng gượng chống chế:
 
- Thưa ông nội, con chỉ…
 
- Không thưa thốt gì cả! Tao bảo xuống là xuống! Không có tình bạn, không thăm viếng gì giữa hai gia đình nầy cả! Con nghe rõ chưa?
 
Thằng Đề nhỏ nhẹ:
 
- Dạ!
 
Và nó vội tụt xuống, không quên đưa mắt nhìn ba người bạn vừa mới làm quen với một vẻ mặt lưu luyến trông đến tội nghiệp…
 
Bảo Chi cũng quyến luyến không kém, cô bé đưa tay vẫy vẫy…
 
Thằng Đề miễn cưỡng nhảy xuống đất, lấy tay vẹt mấy cành tre, lủi thủi đi vào. Bảo Chi thoáng nghe nó càu nhàu như chống lại một quyết định nghịch ý. Nó còn ngoái cổ lại nhìn với một cặp mắt tinh nghịch và cô bé biết hắn vừa nảy ra một ý định gì đó… chắc là định sẽ dùng dao phát quang một lỗ hổng để rúc qua rúc lại cho dễ dàng!
 
*
 
Một tuần lễ trôi qua…
 
Hôm nay, nhân ngày nắng ráo, ba chị em Bảo Chi định lau chùi ngôi nhà “riêng” của chúng. Trước hết, chúng hì hục khiêng cái rương của cậu Gia ra ở giữa nhà rồi lấy giẻ ướt lau xung quanh thật sạch. Sau đó, chúng dùng mấy que sắt cạy nắp rương ra. Vừa mới lôi mấy con sò biển ra để giữa sàn nhà, và hai thằng bé đang tranh nhau đòi làm của riêng thì chợt Bảo Chi thấy một bức địa đồ. Đúng hơn là một bức họa đồ. Lúc đầu thì cô bé cho đó là đồ nghề đi biển của cậu Gia. Nhưng khi xem qua thì cô bé thấy hồi hộp quá sức! Cô lẩm bẩm:
 
- Lẽ nào? Lẽ nào cậu Gia lại cất giấu ở xó xỉnh nầy sao?
 
Cả ba chị em châu đầu vào xem bức họa đồ trải ra giữa sàn nhà.
 
Bức họa đồ trông đã cũ kỹ lắm. Màu giấy đã vàng khè, có lẽ vì bị ngấm nước biển. Lốm đốm đây đó là những vết mực có chỗ hình như đã trở màu, nhòe nhoẹt tạo nên một màu sắc trông rất buồn cười! Điều mà bọn trẻ lấy làm khó hiểu là trong một góc có vẽ một chiếc sọ người, phía dưới có hai chiếc xương bắt chéo nhau kèm theo những hàng chữ viết nguệch ngoạc cạnh mũi tên chỉ phương hướng! Bảo Chi lẩm nhẩm:
 
“MỘT KHO TÀNG BÍ MẬT NẰM CÁCH CÂY SỒI CỔ THỤ VỀ PHÍA NAM 10 THƯỚC VÀ VỀ PHÍA TÂY 20 THƯỚC, TÍNH TỪ LẠCH NƯỚC NGỌT THÌ KHO TÀNG CÁCH ĐỘ MỘT PHẦN TƯ DẶM”. Đường nét giòng chữ ghi một cách sơ sài. Ngoài ra, còn có những nét mờ mờ kẻ ngang, kẻ dọc, trông chẳng khác gì những đường kinh tuyến, vĩ tuyến. Bên cạnh đó, bức họa đồ còn vẽ một đường màu đỏ hơi đậm có lẽ chỉ vị trí cây sối trên khoảng đất rộng mênh mông. Sau khi mải mê quan sát, Bảo Chi tằng hắng lên giọng:
 
- Tốt lắm! Đây chắc là một họa đồ của một tên hải tặc nào đó mà cậu Gia đã thủ được trong một chuyến đi biển chứ gì? Bảo Vi, đố em biết ai viết những hàng ghi chú này?
 
Bảo Vi vội quay bức họa đồ về phía mình cho thuận chiều, chăm chú đọc những ghi chú viết bằng bút chì đã mờ nét, đoạn nhìn chị:
 
- Em nghĩ là chính cậu Gia viết những hàng chữ này!
 
- Lấy gì chứng minh nào?
 
- Chị nhìn đây! Mấy chữ T.G. ký ở phía dưới đó không phải của cậu Gia thì còn ai vào đó nữa chứ!
 
Bảo Chi gật gù tỏ vẻ đồng ý. Cô bé vội cầm lấy tờ họa đồ và đọc to những chữ cuối cùng, rồi góp ý:
 
- Chị thấy em có lý đấy!
 
Ngẫm nghĩ một lát nó lại tiếp:
 
- Bức họa đồ nầy chỉ một địa điểm gần đường biên giữa bờ sông và đồn điền của ông Tô Đình!
 
Bảo Vi ngẩng đầu lên nhìn chị, ngạc nhiên:
 
- Tại sao chị lại cả quyết thế?
 
- Có gì đâu! Em không thấy trong họa đồ có nói đến “lạch nước ngọt” hay sao? Nó chính là chi lưu của con sông chạy dọc theo đồn điền ông Tô Đình đó.
 
Bảo Vi gật đầu:
 
- Ừ nhỉ! Thế còn mấy đường ngang, đường dọc nầy là gì?
 
Bảo Chi lắc đầu:
 
- Mấy đường đó thì chị xin chịu, chả hiểu sao mà nói cả!
 
Cả ba chị em cùng nhìn nhau, sáu con mắt cùng mở to…
 
Bảo Thi hỏi chị:
 
- Em phân vân chưa hiểu tại sao cậu Gia không dùng họa đồ nầy để đi tìm kho tàng bí mật?
 
Bảo Chi có vẻ thành thạo:
 
- Biết đâu cậu Gia đã chẳng đi tìm nhưng vì gặp trở ngại nào đó nên đành bỏ cuộc! Có thể cậu mình đã chết trước khi có ý định thám hiểm theo sự chỉ dẫn của họa đồ! Cũng có thể trở ngại là vì ông Tô Đình! Chị vừa mới nói cho em biết đó, kho tàng bí mật này hiện nằm trong đất đai của ông ta mà gia đình cậu với gia đình của bên kia vốn có thù hằn với nhau từ mấy năm rồi! Do đó, cậu Gia dù muốn cũng không thể được phép xâm phạm vào đất ông Tô Đình một cách ngang nhiên được!
 
Bảo Thi có vẻ thành thạo:
 
- Cậu Gia không thể đi tìm kho tàng này một cách ngang nhiên được, nhưng tại sao lại không mở một cuộc thám hiểm bí mật, như đi vào ban đêm chẳng hạn?
 
Bảo Chi thấy khó giải thích, nhưng cô bé cũng gắng gượng:
 
- Thì chị nói vậy, chứ thật ra muốn tổ chức một cuộc tìm kho tàng cũng phải tốn nhiều công phu lắm chứ đâu phải đơn giản gì!
 
Rồi cô bé thở dài, chán ngán:
 
- Bọn mình không biết gì trong quá khứ cả. Chỉ biết ngồi đoán mò thôi!
 
Bảo Vi nắm tay chị:
 
- Hay là đêm nay, đợi mọi người yên giấc cả rồi, chị em mình mở một cuộc thám hiểm xem sao nhỉ?
 
Bảo Thi can anh:
 
- Chị Bảo Chi vừa nói tổ chức một cuộc đi tìm kho tàng như vậy tốn nhiều công phu lắm. Vả lại, tụi mình tính chuyện bí mật, nhưng lỡ ông Tô Đình hay được thì có bề gì không?
 
Vốn bản tính tò mò, tuy hơi lo ngại, nhưng Bảo Chi cũng cổ võ ý kiến của em:
 
- Hồi nãy, chị nói cậu Gia không dám đi đào kho tàng vì nó nằm trong phần đất của nhà láng giềng. Tuy nhiên bây giờ, ba chị em mình hãy còn là trẻ con. Do đó, nếu bị bắt gặp thì chị tin là ông ta cũng chẳng làm ra to chuyện đâu! Điều đáng lo sợ là ông bà nội chúng ta cơ!
 
Bảo Vi khoát tay:
 
- Chị khỏi lo! Ba chị em mình thường nằm ngủ ở căn phòng cạnh hành lang xuống nhà bếp, trong khi ông bà nội lại ở trên lầu mà! Vả lại, em nghĩ là chúng mình chỉ vắng mặt một thời gian ngắn chứ không lâu lắc gì nên chả ai biết đâu! Đêm nay, bọn mình chỉ đi tìm cho ra địa điểm đã, rồi đánh dấu thật rõ ràng. Đêm mai lại tiếp tục công việc… Chị nghĩ sao?
 
- Cũng được!
 
Nghĩ rồi Bảo Chi cười lớn:
 
- Em thật cẩn thận! Chị thì đến đâu hay đó!
 
Bảo Vi thầm nghĩ:
 
- Tốt lắm! Đêm nay chắc sẽ có nhiều chuyện vui thú!
 
Nó lặng lẽ ngồi xuống trên sàn nhà đầy bụi với bức họa đồ trên đầu gối! Hai đứa kia thấy vậy cũng xúm lại… Chúng đang phác họa chương trình hành động. Sau khi bàn bạc với nhau một lúc, Bảo Vi búng tay tróc tróc, nói:
 
- Chúng ta cần phải có một cây đèn pin và ít lắm là hai cái xẻng!
 
Bảo Chi giật mình:
 
- Ừ nhỉ! Chị quên bẵng chuyện đó!
 
Đêm ấy, một đêm mùa hạ đẹp trời. Thật là một điều may mắn cho ba chị em Bảo Chi! Chúng náo nức đến nỗi ăn vội bữa cơm chiều cho xong chuyện. Sau đó, chúng phân chia nhau mỗi đứa đi lo một công việc. Và khi bóng đêm vừa buông xuống thì ba chị em đã lặng lẽ đi về phía nhà kho…
 
Từ phương Đông, mặt trăng to và tròn đã ló dạng! Trăng lên dần… Ánh trăng vằng vặc chảy qua cành cây kẽ lá, chiếu xuống mặt đất những hình thù đen ngòm trông thật kỳ quặc…
 
Khi đến ngôi nhà nhỏ, ba chị em Bảo Chi tần ngần đứng lại. Chúng cảm thấy hồi hộp xen lẫn đôi chút sợ hãi. Sau đó, Bảo Chi mạnh dạn trèo lên một cây đào cạnh hàng rào tre đưa mắt quan sát. Ngoài xa kia, trời tuy sáng nhờ ánh trăng và dù đã cố giương đôi mắt thật to để nhìn, cô bé vẫn không thấy gì, ngoài những bụi cây đen thui, mọc rải rác đó đây trên một khoảng đất rộng mênh mông! Do dự một lúc, Bảo Chi bèn tuột xuống chui qua phía bên kia hàng rào. Cô bé ngạc nhiên không hiểu người nào – chắc là thằng Đề – đã phát thành một lỗ hổng khá rộng vừa một người chui qua!
 
Lần lượt từng đứa rúc qua rồi yên lặng xúm nhau lại dưới chân hàng rào. Bảo Vi chỉ tay về phía cây sồi cành lá rườm rà đang đứng sừng sững in bóng đen lên nền trời trong xanh, nói nhỏ:
 
- Không hiểu một hay hai cây sồi mà trông thật to lớn quá!
 
Bảo Thi lẩm bẩm:
 
- 10 thước về phía Nam…
 
Chợt nó quay lại hỏi Bảo Chi:
 
- Chị có biết chắc, hướng nào là hướng Nam không?
 
Bảo Chi mỉm cười tự tin:
 
- Sao em “cù lần” quá vậy? Học Đệ Thất rồi mà không biết tìm phương hướng sao?
 
Bảo Thi bào chữa:
 
- Thì người ta nói đại để là phải dùng địa bàn, dùng mặt trời v.v…
 
- Em nhớ như vậy là khá rồi đấy! Này nhé! Ban ngày thì ta có thể dùng mặt trời để tìm phương hướng ; còn ban đêm thì thường người ta căn cứ vào sao Bắc đẩu. Nhưng đêm nay, chị đã cố tìm sao đó mà chả thấy đâu cả! Đành phải nhờ tạm mặt trăng vậy! Mặt trăng cũng mọc từ phương Đông. Và từ đó suy ra, mình có thể tìm ra các hướng khác chứ gì? Dĩ nhiên, địa bàn bao giờ cũng là một dụng cụ tìm phương hướng chính xác nhất!
 
Ngừng một lát, Bảo Chi lại tiếp:
 
- Thôi bỏ qua chuyện đó đi! Bàn bạc mãi mất cả thì giờ! Bây giờ, việc tìm phương hướng giao phần chị. Còn phần các em, thì khi đến vị trí rồi, các em nhớ đi kiếm một ít cành cây con để lát nữa đóng xuống làm dấu nhé?
 
- Dạ, vâng ạ!
 
Sau đó, ba chị em Bảo Chi lặng lẽ tiến bước về phía cây sồi…
 
Vừa đến nơi, Bảo  Vi và Bảo Thi vội bỏ cuốc xẻng xuống đất rồi chia nhau đi kiếm cành cây đem về bỏ trên đám cỏ xanh dưới bóng cây sồi, trong khi Bảo Chi đang lẩm nhẩm đếm bước. Trước hết, cô bé nhắm hướng rồi đếm 10 bước. Sau đó, nó quay về phía bên phải bước thêm 20 bước nữa. Chợt nó dừng lại ngẫm nghĩ một lúc rồi kêu hai em lại thì thầm:
 
- Các em có nhớ bức họa đồ ghi chú mấy thước về hướng nào không? Đứa nào nhớ rõ nói cho chị nghe đi! Suỵt! Đừng mở họa đồ ra nhé! Ánh đèn sẽ tiết lộ sự có mặt của bọn mình ngay!
 
Bảo Thi nhanh nhẩu:
 
- Em nhớ! Em thuộc lòng nó mà! Đây nhé : 10 thước về phía Nam! 20 thước về phía Tây!
 
Bảo Chi cám ơn em rồi lẩm nhẩm tính lại:
 
- Như vậy, mình phải đếm bước đôi vì bước chân mình ngắn quá chưa đủ một thước! Tính ra, mỗi bước đôi như vậy cũng xấp xỉ bằng một thước rồi.
 
Thế là cô bé lại cặm cụi đếm bước. Sau khi đã tính toán cẩn thận, Bảo Chi mới kêu hai em lại, chỉ xuống vùng đất chỗ nó đang đứng, nói:
 
- Chắc là chỗ nầy rồi đây! Thật là cũng may cho chị em mình, vùng đất nầy tương đối dễ đào vì có nhiều đất cát!
 
Bảo Chi đang định chạy lại lấy cuốc xẻng để đào thì chợt Bảo Vi đưa tay ngăn chị lại:
 
- Hồi chiều, em đã nói với chị là bọn mình chỉ nên đánh dấu vị trí kho tàng đã, đêm mai hẵng hay. Bây giờ, chị dùng cây đánh dấu đi!
 
Nhưng Bảo Chi trái lại, lòng đang náo nức tưởng chừng như đã tìm thấy kho tàng bí mật rồi nên bàn xuôi với em:
 
- Hồi chiều thì chị cũng nghĩ như em, nhưng bây giờ sẵn dịp nên đào kiếm luôn, sợ đêm mai bọn mình còn có cơ hội tốt như thế nầy nữa không? Đã liều thì liều luôn! Chị em mình cứ tiếp tục, may ra…
 
Hai đứa nghe chị nói cũng thấy xuôi tai nên vội chạy lại vác xẻng hì hục đào! Và chẳng bao lâu, ba chị em Bảo Chi đã đào được một hố khá sâu. Bảo Chi khôn ngoan hơn, sợ địa điểm có thể sai lệch đôi chút nên bảo hai em cố đào hố rộng ra độ nửa thước.
 
Khí trời về đêm tuy mát mẻ hơn ban ngày nhiều, nhưng cả ba mau thấm mệt, vì không quen làm việc nặng. Chả thế mà vừa mới đào được hơn chục nhát xẻng, Bảo Chi đã vội bỏ xẻng ngồi bệt xuống, đưa tay quệt mồ hôi trán, nói với các em:
 
- Nghỉ tay chút đã! Mệt quá! Còn phải đào sâu xuống nữa chứ, ít lắm cũng phải hơn hai thước may ra mới tìm được kho tàng!
 
Bảo Vi và Bảo Thi, ỷ mình con trai mạnh tay, vẫn tiếp tục đào, nhưng chỉ được một chốc, cũng vội chống xẻng đứng thở! Sau đó, cả ba lại hì hục đào bới. Bỗng, Bảo Vi nghe một tiếng “cạch” – hình như có vật kim khí chạm vào xẻng nó. Lập tức, nó vội nhảy xuống cầm lên một vật là lạ, lóng lánh dưới ánh trăng. Mừng quá, nó quên giữ ý, la lên:
 
- Trời! Vàng… vàng!
 
Bảo Chi và Bảo Thi cùng cúi nhìn xuống hố:
 
- Khẽ khẽ chứ! Vàng đâu? Vàng đâu?
 
Bảo Vi hốt thêm một nắm nữa đưa lên cho chị. Cô bé lấy tay khều đất vụn ra rồi chắc lưỡi:
 
- Ồ! Toàn là tiền vàng của bọn cướp!
 
Nhưng bỗng nó giật mình quay lại vì hình như đàng kia, trong bóng tối có một vật gì đang lay động! Cô bé cảm thấy hồi hộp, lo sợ thì thoảng nghe một giọng nói quen thuộc vang lên:
 
- Tôi đây! Đề đây! Có gì mà la ồn lên vậy?
 
Và từ phía một bụi rậm, Bảo Chi thấy một thân hình ốm o, mặc áo choàng đen ló ra, tiến về phía ba chị em cô. Cô tự hỏi:
 
- Giờ nầy thằng Đề tới đây làm gì nhỉ? Không biết nó sẽ có phản ứng gì khi thấy kho tằng bí mật nầy chăng?
 
Bảo Chi đang còn suy nghĩ, thì chợt thằng Đề lên tiếng:
 
- Ê! Tìm gì đó các bạn?
 
Ba chị em Bảo Chi cùng cảm thấy bối rối nhìn về phía thằng Đề đang đứng. Bảo Chi buộc phải xã giao:
 
- Đề có muốn chung phần không? Muốn thì cầm xẻng nhảy vào đây! Bọn nầy vừa khám phá ra một kho tàng bí mật! Lát nữa, bọn nầy sẽ kể cho cậu nghe, còn nhiều chuyện ly kỳ lắm!
 
Thằng Đề nhẹ chân bước tới. Đêm càng về khuya, khí trời càng lạnh, sương đổ xuống mỗi lúc một nhiều! Ánh trăng vằng vặc trông thật lạnh lùng! Trong cảnh thanh vắng nầy, vạn vật hình như đang triền miên trong giấc ngủ, chỉ thỉnh thoảng nghe tiếng gió thổi vi vu qua vùng đất mênh mông!
 
Bọn trẻ cũng cố sức giữ im lặng. Nhưng bỗng nhiên, Bảo Chi quên mọi đề phòng, cô bé la lên khi xúc lên một xẻng cát thấy lóng lánh nhiều đồng tiền vàng! Thằng Đề tỏ vẻ lo lắng:
 
- Đừng làm ồn chứ? Người ta biết thì nguy đó!
 
Nhưng đã quá muộn! Từ đàng xa, bọn trẻ đã nghe văng vẳng nhiều tiếng chó sủa! Bảo Chi vò đầu hối hận:
 
- Bực mình quá! Quên đi mất! Làm sao cho con chó kia câm miệng đi nhỉ?
 
Thằng Đề vội huýt gió nhè nhẹ và một con chó xù chạy tới nhảy chồm lên chân thằng bé! Bảo Vi kêu lên:
 
- Con chó đẹp quá nhỉ? Không biết ông nội anh có nghe nó sủa không?
 
Thằng Đề lo lắng:
 
- Có thể! Vì ông tỉnh ngủ lắm! Người già thường ít ngủ mà! Chắc ông sắp ra bây giờ!
 
Quả thật, thằng Đề vừa dứt lời, bọn trẻ đã thấy ánh đèn lập lòe từ phía những bụi cây đen ngòm đàng xa, đang chậm rãi tiến về phía chúng. Ánh đèn nhẩy lên nhẩy xuống theo bước chân đi trông như ánh ma trơi ngoài đồng vắng! Không ai bảo ai, cả bọn cùng thở dài sợ sệt:
 
- Nguy to rồi! Ông Đình đã tới kìa!
 
Bảo Chi muốn chạy trốn nhưng không kịp nữa! Cô vừa thoáng nghe một giọng nói khàn khàn, nghiêm nghị:
 
- Đêm khuya rồi, những ai còn làm gì đó?
 
Rồi ông hạ giọng:
 
- Phải có mầy đó không Đề? Mà hình như có bọn nào đang đứng với mầy đó?
 
Bảo Chi vội vã lên tiếng:
 
- Dạ, thưa cụ, tụi cháu thuộc gia đình bên kia ạ!
 
Cô bé vừa nói xong, lại tiến ra một bước nữa, tiếp lời:
 
- Dạ, tụi cháu đang đào một kho tàng bí mật ạ!
 
Ông già giật mình:
 
- Kho tàng bí mật?
 
- Dạ, đúng ạ!
 
Cô bé cố trả lời thật chậm rãi. Thật ra, nó cũng cảm thấy sợ sệt khi đứng đối diện với một ông già nổi tiếng là nghiêm khắc! Bây giờ, ông Tô Đình mới đưa cặp mắt nhìn sững vào mặt Bảo Chi! Bóng đêm lại càng làm tăng vẻ oai nghiêm to lớn của ông, trông chẳng khác gì một người khổng lồ. Lâu lắm, ông ta mới lập lại câu hỏi ban nãy:
 
- Mầy vừa nói gì? Kho tàng bí mật hả?
 
Vừa nói, ông vừa nhìn xuống hố rồi gật gù:
 
- À… à… Tao biết… tao biết…
 
Tuy vậy, giọng nói của ông nghe không có vẻ giận dữ lắm, nên bọn trẻ cũng cảm thấy yên tâm. Một lát sau, ông già chậm rãi nói tiếp:
 
- Tao giả như mầy không biết rằng mầy đang đào trên đất của tao. Tại sao?
 
Bây giờ, Bảo Chi mới cảm thấy sợ sệt, cô thầm nghĩ:
 
- Mình đang lâm vào thế kẹt! Biết làm sao cho ổn nhỉ?
 
Túng quá, cô bé đành nhỏ nhẹ thú thật:
 
- Dạ thưa, chúng cháu vì quá tò mò nên lỡ xâm phạm vào phần đất của cụ! Xin cụ bỏ qua cho ạ!
 
Ngừng một lát, cô bé lại tiếp tục nỉ non:
 
- Lại nữa, chị em tụi cháu nghĩ chắc cụ cũng cho phép tụi cháu thám hiểm một chút vì vùng đất nầy trống trơn, chưa có hoa màu gì cả!
 
Bảo Thi nhanh nhẩu cắt nghĩa thêm:
 
- Dạ thưa cụ, đầu đuôi là bà nội cho phép bọn cháu dùng ngôi nhà kho cạnh hàng rào tre để chơi đùa trong kỳ hè nầy ạ! Nhưng mãi đến hôm qua, chị em cháu mới bắt tay vào việc sửa soạn lại nhà cửa cho sạch sẽ, thì tình cờ bắt gặp một bức họa đồ trong chiếc rương của cậu Gia, mà tụi cháu phỏng đoán là của một tên hải tặc nào đó. Theo sự chỉ dẫn của họa đồ, tụi cháu đã khám phá ra cái hố chôn giấu kho tàng bí mật nầy!
 
Trong khi Bảo Thi đang kể lể thì Bảo Vi vội nhảy xuống hố bốc lên một nắm tiền vàng chìa ra và ông Tô Đình bấm đèn soi vào. Vì mắt kém, ông già phải ghé thật sát để nhìn đến nỗi, Bảo Chi nghe rõ từng nhịp thở của ông. Sau một lúc quan sát, ông ngẩng đầu lên lẩm bẩm:
 
- Một loại tiền Tây-Ban-Nha! Có thật tụi mầy đào từ đây lên không?
 
Bảo Chi lễ phép thưa:
 
- Dạ, thưa đúng ạ!
 
Và cô bé vội nói thêm:
 
- Em con còn tìm thấy nhiều hơn nữa cơ!
 
Nói rồi, nó chỉ tay về phía Bảo Vi trong lúc cậu nầy còn mải lom khom lượm tiền vàng còn lẫn trong đống đất cát.
 
Ông Tô Đình lẳng lặng tiến theo hướng tay cô bé, rồi bấm đèn soi vào. Ông không quên cầm một cành cây khều ra một ít đồng tiền để quan sát kỹ càng hơn. Chợt, Bảo Chi thấy ông lắc đầu:
 
- Đây không phải là loại tiền Tây-Ban-Nha! Một loại tiền của Anh quốc, còn loại kia là tiền của Nga!
 
Khi ông già ngẩng đầu lên, cô bé nhận thấy bộ mặt ông trở nên nghiêm khắc lẫn một chút hoài nghi:
 
- Thật là kỳ lạ! Loại tiền Anh này vừa mới được phát hành mà sao bọn cướp lại có được nhỉ?
 
Chợt ông đổi giọng xưng hô:
 
- Các con có thể cho ông coi lại một chút được không?
 
Thằng Đề vội ra dấu cho ba chị em Bảo Chi lui ra. Bảo Thi cúi xuống lượm một nắm tiền đưa lên nói:
 
- Anh Đề xem! Tiền vàng thật đấy chứ? Trông đã cũ lắm rồi, chắc có từ lâu, từ hồi bọn mình chưa được sinh ra đời kia nhỉ?
 
Ông Tô Đề tuy mải xem xét đồng tiền vàng nhưng hình như ông cũng chú ý đến câu nói vừa rồi, vì một lát sau, Bảo Chi thấy ông ta cầm một đồng tiền kêu chị em nó lại nói:
 
- Các đồng tiền nầy không cũ lắm đâu! Chúng vừa mới được phát hành độ một, hai năm thôi! Các con cứ chùi thật sạch một đồng tiền và đọc niên hiệu khắc trên đó thì rõ!
 
Óc tò mò của ông Tô Đình không cho phép ông bỏ qua việc này, ông phải tìm cho ra lẽ. Ông vội ghé tai nói nhỏ với Bảo Chi:
 
- Con có cầm theo bức họa đồ đó không?
 
- Dạ, thưa cụ có chứ!
 
- Con làm ơn đem cho ông coi một chút!
 
Trong khi ông Tô Đình đang cặm cụi xem xét họa đồ, thì Bảo Chi chăm chú theo dõi. Cô bé không hiểu tại sao nét mặt ông già, nhất là làn da trán cứ thay đổi hoài. Một lúc sau, ông kêu bọn trẻ lại giải thích:
 
- Có hai điều khó hiểu : thứ nhất là loại tiền Anh kia xem ra quá mới đối với bọn cướp; thứ hai, căn cứ vào nét mực thì họa đồ vừa mới được vẽ cách đây cũng không lâu lắm, hình như được sao lại từ một bản chính thì đúng hơn! Ông còn hồ nghi là bức họa đồ nầy được sao từ một cuốn sách trong thư viện của ông nữa cơ! Nhưng điều khó là làm sao biết được ai đã vẽ, vẽ từ lúc nào và tại sao nó lại nằm ở trong chiếc rương của cậu Gia? Không lẽ, người vẽ là ông Tần Gia? Ông nầy đã chết cách đây hơn hai năm rồi mà?
 
Ông Tô Đình vừa dứt lời, bọn trẻ, nhất là ba chị em Bảo Chi đã nhao nhao lên hỏi nhau, nhưng đứa nào cũng như đứa nào, chả ai biết hơn ai đâu, mà giải thích rành mạch được? Thế là chúng đang lâm vào ngõ bí! Nhiều câu hỏi tới tấp hiện ra trong trí óc non nớt của chúng mà không sao tìm ra được câu trả lời!
 
Trong bầu không khí yên lặng đó, bỗng thằng Đề lên tiếng:
 
- Dạ, thưa nội con biết!
 
Cả ba chị em Bảo Chi đều giật mình – như thể chúng bị kéo cùng một lúc bởi một sợi dây vô hình – nhìn chầm chập vào mặt thằng Đề! Bảo Chi nhăn mặt:
 
- Làm sao Đề biết được? Vì cậu đã vào trong nhà kho lần nào đâu? Vả lại chính tụi tôi là những người đầu tiên khám phá ra bức họa đồ và cùng nhau bàn định kế hoạch không hề có một người thứ tư nào biết!
 
Thằng Đề vẫn thủng thỉnh tiếp:
 
- Tôi biết chứ! Chắc Bảo Chi không quên hôm trước, nhân lúc trèo qua bên đó chơi, tôi đã nghe cô nói về cái rương của cậu Gia và hình như Bảo Thi còn nhờ tôi mở hộ nắp rương nữa cơ! Tôi nhập tâm chuyện ấy và có ý định sẽ tìm dịp để tạo nên một trò chơi trinh thám thú vị. Tôi thầm nghĩ là chỉ có trò chơi nầy mới có thể mời các bạn láng giềng qua nhà tôi một lần cho vui. Vì tôi tin chắc trí óc tò mò của các bạn thế nào cũng xui khiến các bạn, tìm cách đi thám hiểm một kho tàng bí mật chỉ cách xa nhà mình có mỗi một hàng rào tre thôi! Mục đích của tôi còn muốn đi xa hơn nữa nhưng chưa tiện nói thẳng ra. Với trò chơi nhỏ nầy, hy vọng tôi sẽ trở nên một người bạn thân của các bạn, dù tôi vẫn biết rằng, gia đình hai họ TÔ-TẦN đang có chuyện xích mích với nhau đến nỗi đã cắt đứt sợi dây ân tình vốn có từ trước!
 
Ngừng một lát để nuốt nước miếng, thằng Đề lại tiếp tục với một giọng trầm trầm:
 
- Những ngày tiếp theo, tôi suy nghĩ nhiều về dự tính đó, nhưng chưa tìm ra một trò chơi nào cả. Thế rồi, vào một chiều nọ, tôi nhớ ra ông nội tôi có một lô sách nói về bọn hải tặc, trong đó có một cuốn rất cũ không hiểu ông tôi thu thập từ đâu về. Tôi lại có một bộ sưu tập tiền vàng mà cha tôi đã làm quà biếu nhân ngày kỷ niệm sinh nhật thứ 16 của tôi vừa rồi. Và chỉ cần hai món đó, tôi đã phác họa ra một trò chơi trinh thám thú vị. Suốt đêm hôm đó, tôi cặm cụi làm việc theo những điểm đã được vạch ra.
 
Thằng Đề đang vui vẻ kể thì một cơn ho đột nhiên kéo đến khiến nó phải tạm ngưng câu chuyện. Trong khi đó, mọi người, kể cả ông tô Đình đang nóng lòng theo dõi hồi kết cuộc:
 
- Trước tiên, tôi phải vẽ một bức họa đồ. Tôi lục lạo trong đống sách cũ của cha tôi lấy một cuốn rồi giở ra chon một tờ giấy trắng còn lành lặn. Tôi thấy hài lòng khi cầm nó trong tay vì trông tờ giấy có vẻ cũ kỹ lâu đời lắm và tôi bèn dùng nó để “can” lại một bức họa đồ trong một cuốn sách nói về bọn hải tặc. Dĩ nhiên, tôi đã vẽ thêm hướng chỉ vị trí kho tàng bí mật. Đồng thời, tôi đem tất cả bộ sưu tập tiền vàng chôn cẩn thận xuống đúng nơi vị trí đã ghi trên họa đồ!
 
Ngay tối hôm sau, đợi khi mọi người trong nhà đã ngon giấc, tôi liền rúc qua hàng rào và bí mật bỏ bức họa đồ vào trong cái rương của ông Tần Gia. Sở dĩ, tôi phải bỏ vào trong đó vì cốt sao cho các bạn lầm tưởng chắc là của một tên hải tặc nào đó trối lại cho người thân của nó đi tìm kiếm! Vì rương không khóa, nên mọi việc tiến hành trôi chảy như chương trình đã định. Mừng quá, tôi hí hửng ra về! Tuy nhiên, nét mực trong họa đồ hãy còn quá mới so với tờ giấy! Tôi đã sơ ý thật! Nhưng đó là một điều không thể tránh được vì thời gian quá cấp bách! Lại nữa, việc dùng bộ sưu tập tiền vàng của tôi cũng lâm vào tình trạng như trên. Ý tôi muốn là khi các bạn đào kho tàng bí mật nầy lên sẽ tìm thấy một số tiền vàng xưa cũ. Thế mà tôi đã chôn xen lẫn vào đó một loại tiền của Anh quốc vừa mới phát hành gần đây! Thật ra, tôi chỉ nhắm mục đích là tạo một trò chơi thú vị cho các bạn thôi!
 
Nói xong, thằng Đề quay lại phía ông Tô Đình, mỉm cười tiếp:
 
- Đối với ông nội, cháu xin chịu thua, phải không nội?
 
Ông tô Đình vui vẻ trả lời:
 
- Đối với các bạn cháu thì được, nhưng đối với ông thì cháu không thể qua mặt được đâu. Dù sao, ông cũng thầm phục trí óc trinh thám của cháu qua trò chơi nầy! ông cũng nhận thấy mục đích của sự phỉnh gạt nầy đã thành công lắm rồi!
 
Bảo Chi cũng cảm thấy phục thằng Đề sát đất:
 
- Sáng tác ra một trò chơi vừa thú vị vừa bổ ích như thế nầy, quả thật anh Đề là một học sinh có bộ óc sắc bén và tài tình thật!
 
Sau đó, cô bé vui vẻ:
 
- Thưa cụ, chị em cháu có ba người, trong khi anh Đề chỉ có một, nên anh ta muốn tìm cách kết thân với bọn cháu đó. Riêng cháu, cháu cũng cảm thấy vui mừng được có một người bạn thông minh như anh Đề! Phải không anh Đề nhỉ?
 
Thằng Đề như mở cờ trong bụng, vội gật đầu:
 
- Ở trường học, tôi cũng có nhiều bạn bè lắm! Nhưng trái lại về nhà, tôi không có lấy một người bạn nào gọi là xóm giềng cả! Nhiều lúc, tôi cảm thấy thật cô đơn, buồn chán, nhất là sau khi được thầy giáo cho học bài gì, tôi không nhớ đầu đề nhưng cũng thuộc vài đoạn như : “Chim có đàn cùng hót, tiếng hót mới hay. Ngựa có bạn cùng đua, nước đua mới mạnh…” gì gì nữa mà tôi quên mất rồi. Bây giờ, nếu được kết bạn với ba chị em Bảo Chi thì thật không có gì làm cho tôi sung sướng bằng! Hy vọng trong những ngày hè nầy, tôi sẽ có bạn cùng thả diều vào mỗi buổi chiều cho vui!
 
Ông Tô Đình nãy giờ vẫn đứng yên lặng, đến nỗi Bảo Chi cảm thấy hình như đang có một cái gì làm cho mạch máu ông căng thẳng! Thế rồi sau một cơn ho ngắn, ông lên tiếng hỏi Bảo Chi với một giọng cảm động:
 
- Ý con nói vậy có nghĩa là cháu nội ông cô độc?
 
Cô bé không do dự, đáp:
 
- Dạ, vâng ạ!
 
Họ lại nhìn nhau – một già, một trẻ – cái nhìn hàm chứa bao niềm cảm mến! Yên lặng bao trùm!
 
Một lát sau, ông Tô Đình lại lên tiếng, nhưng xem ra những lời nói của ông không ăn nhập gì với câu chuyện giữa ông và Bảo Chi vừa trao đổi ở trên:
 
- Thật sự, trước đây khi các cháu có lẽ chưa được sinh ra thì vùng nầy cũng có nhiều tên cướp biển thường lảng vảng đến. Chúng hay ghé thuyền dọc theo bờ biển và đôi khi còn cho các thuyền nhỏ vào tận các lạch sông để lấy nước ngọt. Vì thế, ông nghĩ rằng quanh quẩn đâu đây, thế nào cũng có cất giấu của cải ăn cướp được!
 
Bảo Vi vui vẻ:
 
- Chắc cụ biết nhiều về chuyện đó lắm, vì cháu vừa nghe anh Đề nói trong thư viện của cụ có nhiều pho sách nói về bọn hải tặc! Cháu ước mong sao một ngày nào đó, cụ cho cháu mượn một ít cuốn đọc giải trí cho vui!
 
Ông Tô Đình gật đầu nói:
 
- Gì chứ chuyện đó thì dễ lắm! Thế nào trong kỳ hè nầy, ông cũng cho các cháu mượn nhiều cuốn truyện trinh thám thật hay và bổ ích, tha hồ mà đọc! Nhưng hãy thư thả, để hôm nào ông bảo chị sen lau chùi thư viện và các kệ sách cho thật sạch đã nhé!
 
Bảo Chi thắc mắc:
 
- Cháu xin cám ơn cụ ạ! Nhưng cháu phân vân, sao cụ không thử mở một cuộc tìm tòi quanh đây, may ra khám phá ra được kho tàng nào của bọn cướp biển chăng?
 
Ông Tô Đình niềm nở trả lời:
 
- Để thủng thỉnh hẵng hay!
 
Bảo Thi hết vẻ sợ hãi, vội xen vào:
 
- Chắc kế hoạch tìm vàng của cụ sẽ ly kỳ lắm nhỉ? Nếu hôm nào cụ có ý định đó thì xin cho ba chị em cháu tham gia với! Cháu rất nóng lòng trông đợi đó!
 
- Thế nào cũng phải nhờ các cháu một tay chứ! Vì các cháu đã có kinh nghiệm sờ sờ kia kìa!
 
Sau ý kiến ngộ nghĩnh đó, cả mấy ông cháu cười đùa một cách vui vẻ! Một lúc sau, trong khi bọn trẻ còn vui vẻ trò chuyện thì ông Tô Đình lặng lẽ rút trong túi áo ra một chiếc khăn thêu thùa rất đẹp và còn mới toanh, từ từ xếp lại trao cho Bảo Chi, rồi ôn tồn nói:
 
- Con hãy mang chiếc khăn này về cho ông nội con và thưa với ông rằng : Đây là chiếc khăn của ông Tô Đình, người bạn láng giềng của ông nội, gởi ông để chỉ dấu từ này về sau, xin hai gia đình đi lại thân thiện với nhau như xưa nhé!
 
Bảo Chi cảm động, đưa tay run run đón nhận chiếc khăn, nhỏ nhẹ đáp:
 
- Dạ, cháu xin vâng ạ!
 
Và dưới ánh trăng huyền diệu, mấy ông cháu vui vẻ tạm chia tay nhau, trong lòng mỗi người tràn ngập một niềm hân hoan khó tả…
 

                                                                                                                                                                                           NGUYỄN HÒA GIANG  
Về Đầu Trang Go down
Sponsored content




Hai Rương Vàng Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Hai Rương Vàng   Hai Rương Vàng I_icon13

Về Đầu Trang Go down
 
Hai Rương Vàng
Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
daovien.net :: VƯỜN VĂN :: Truyện Sưu tầm :: Tủ sách Tuổi Hoa :: Hoa đỏ-